Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghi Sám Hối Giải Trừ Oan Nghiệp

27/08/201012:20(Xem: 46316)
Nghi Sám Hối Giải Trừ Oan Nghiệp
phatthichca2


PHẬT LỊCH 2556


NGHI SÁM HỐI

GIẢI TRỪ OAN NGHIỆP

Chùa Phật Ân ấn tống – 2012 


Đi thuyết linh nhiều nơi, thấy nhiều trường hợp oan gia trái chủ hiển bày rất rõ nét, cần phải giải trừ để có một đời sống an lạc.

Rất nhiều Phật tử, thấy tâm tư không an khi nhìn lại đời sống đã gây nên tội lỗi oan trái muốn giải trừ, mà chưa có nhận thức đúng đắn.

Chùa Phật Ân phát tâm ấn tống nghi thức này để cầu nguyện cho việc trùng tu ngôi Chánh Điện được thành tựu viên mãn, và giúp các Phật tử chưa có điều kiện thiết lập đàn tràng giải oan bạt độ to lớn, có thể theo nghi thức này mà hành trì nhẹ nhàng đỡ tốn kém mà hiệu quả chắc chắn thành tựu nếu quyết tâm giải trừ oán kết.

Mong được âm siêu dương thái. Xin được hồi hướng công đức mọi người lên Tam Bảo chứng minh.

Chùa Phật Ân mùa sen 2556


NGHI SÁM HỐI GIẢI TRỪ OAN NGHIỆP

NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý

1. Về nghi thức sám hối:

Nghi thức này gồm 3 phần. Phần một là cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát và chư thiên về chứng minh gia hộ, có mô tả ngắn gọn công hạnh của các ngài để chúng ta tán thán và noi gương; phần hai mời các oan gia về dự lễ giải oan, thưa chuyện và xin lỗi; phần ba là chia sẻ các bài kệ tụng nhắc nhở việc tu tập để âm dương đều được lợi lạc. Trừ phần hai ra, phần một cung thỉnh chư Phật và phần ba các bài kệ tụng, đều có thể dùng trong các thời kinh hàng ngày, hay trong các nghi lễ cầu an, cầu siêu, kỵ giỗ… đều thông dụng.

Điều quan trọng để có sự linh ứng là “thành tâm”. Sự thành tâm sẽ cảm động chư Thiên và làm mềm lòng oan gia hóa giải oán thù. Thành tâm cần đủ hai mặt: Một là thành tâm nhận lỗi; hai là thành tâm chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình, xin được đối diện và thương lượng giải quyết.

Tốt nhất phát tâm tha thứ lỗi lầm của kẻ khác đã gây cho mình, để xóa đi dấu vết hận thù ảnh hưởng sâu sắc đến sự bình an trong tâm hồn. Khi xét thấy mình không dễ tha thứ cho người khác, thì sẽ thông cảm tại sao những khác không dễ tha thứ cho mình. Nhưng nếu người nào có lòng bao dung rộng lượng, có thể tha thứ lỗi lầm của người, chắc sẽ không khó để xin người khác tha thứ tội lỗi cho mình. Lòng bao dung cũng sẽ nâng cấp tâm hồn và tư cách của chúng ta, giúp chúng ta có thể sống an lạc và hạnh phúc hơn trong hiện tại.

Trong nghi thức sám hối đơn giản này, chứa đựng qui luật nhân quả nghiệp báo không phải chỉ riêng cho Phật giáo, mà còn là qui luật tất nhiên trong vũ trụ, vì vậy, nên dùng trí tuệ quan sát sự họa phúc trong đời mình đều do chính mình tạo ra cả. Nếu không hiểu xuyên suốt qui luật này, chỉ máy móc đọc theo mà không nỗ lực nâng cấp đạo đức và tầm nhìn thì chẳng lợi ích gì bao nhiêu.

Nên đọc trước vài lần để hiểu ý nghĩa nghi thức sám hối đơn giản này cùng ý nghĩa các bài kệ. Làm sao lúc đọc lên, giống như tiếng nói trôi chảy tự nhiên phát từ lòng mình, mà không phải là máy móc trả bài. Nếu không sẽ giảm tác dụng.

2. Chuẩn bị bàn Phật, bàn oan gia và lễ vật

Khi lập bàn thờ Phật, bàn cúng oan gia và chuẩn bị lễ vật cần lưu ý những điều như sau:

  1. Trong trường hợp biết chắc hoặc nghi ngờ mình có oan gia nghiệp báo nặng nề, thì phải lập bàn Phật tạm (nếu nhà chưa thờ Phật) và bàn cúng oan gia đàng hoàng mà cầu xin giải nghiệp.
  2. Có thể cúng liên tục từ ba đến bảy ngày tùy theo oan trái nặng nhẹ. Mỗi ngày cúng một mâm cơm chay, gọn gàng tươm tất, không cần sang trọng cầu kỳ. Cúng xong, phải chờ hết một cây nhang mới hạ mâm cơm xuống. Còn trong trường hợp gia cảnh đơn chiếc, hoặc khó khăn thì có thể miễn phần cúng cơm, chỉ cần nhang, đèn, hương, quả, bánh, nước là đủ.
  3. Bàn thờ Phật tạm, lớn nhỏ tùy gia cảnh, đặt ở nơi sạch thoáng, cần đơn giản mà trang nghiêm, và phải ở cao hơn và trước bàn cúng oan gia. Nếu nhà đã có bàn thờ Phật thì thay mới hoa, quả… là được.
  4. Bàn cúng oan gia tạm, đặt nơi sân trước chỗ sạch thoáng, hay ngoài hiên trước trên lầu, hay trong phòng thoáng tùy hoàn cảnh từng nhà. Bàn cúng oan gia có thể đặt một bên và thấp hơn bàn Phật tạm. Trên bàn có đủ những phẩm vật thường dùng như bông, quả, bánh, nước, đèn, hương…
  5. Nếu văn hóa địa phương nào có tục đốt vàng mã, thì nên đốt vài bộ quần áo và một ít giấy tiền, nhưng không nên quá nhiều lãng phí. Nếu ở nơi không có văn hóa này thì khỏi. Điều này gọi là nhập gia tùy tục.
  6. Có thể tùy tâm mua chim, cá… phóng sanh và hồi hướng cho thân nhân hay oan gia của mình.
  7. Nếu muốn giải oan cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên thì phải có thêm mâm cơm cúng ông bà, và khi vái phải thỉnh ông bà cha mẹ về tham dự.

3. Tìm hiểu oan gia là ai?

Thực ra, oan gia của chúng ta, phần nhiều nếu không là thân nhân, ruột thịt, thì cũng là bạn bè quen biết nhiều đời, vì duyên lẫn nợ mà kiếp kiếp luân hồi quanh quẩn bên nhau cho đến đời hiện tại. Thân quyến bạn bè hay oan gia trái chủ đều có đặc điểm chung là có nhiều cơ hội gần nhau. Vì có dịp gần nhau mới có người thành chồng thành vợ, có kẻ nên bạn nên bè. Đồng nghiệp, láng giềng, đối thủ cạnh tranh, ân oán tình thù đều là những người xung quanh ta cả. Chúng ta hoặc vì đôi bên hiểu lầm, hoặc do cá tính không hợp, hay vì hiếu thắng cạnh tranh, hay do tham lam ích kỷ, hay bởi quyền lợi mâu thuẫn mà gây thương tổn đối phương. Kết quả thân biến thành thù, bạn biến thành địch. Tất cả đều do tập tính phàm phu tham sân chấp ngã của chúng ta mà ra cả. Cho nên mới kết thành oan gia trái chủ nhiều đời cho đến hiện tại. Vì vậy, muốn hóa giải tận gốc oán thù cho đời trước, đời này lẫn cho đời sau, thì phải biết tu tâm dưỡng tánh, trau dồi trí tuệ, hiểu rõ nhân quả, làm việc gì cũng phải suy trước nghĩ sau, sao cho được “lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi môi trường, lợi đời này lẫn đời sau”. Đây là điều thật sự khó làm vì nó đi ngược với lòng ích kỷ của con người. Vì vậy đức Phật mới dạy rằng: “thắng trăm vạn quân ở chiến trường, không bằng chiến thắng chính mình”. Nhưng chỉ có như vậy mới có thể đem lại hạnh phúc an vui lâu dài cho mình, người khác và cả con cháu sau này.

4. Thế nào là cách cầu nguyện tốt nhất?

Sở dĩ trong Nghi sám hối giải trừ oan nghiệp này chúng ta cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên và thiện thần đến chứng minh cho buổi lễ, là vì muốn nương nhờ ánh sáng trí tuệ và nguyện lực rộng lớn của các ngài. Mỗi ngài đều có pháp môn tu tập và hạnh nguyện khác nhau, như bác sĩ chuyên khoa tùy theo căn cơ nghiệp lực của mỗi chúng ta mà cho toa và cấp thuốc đặc trị.

Điều quan trọng khi niệm danh hiệu của mỗi ngài, là chúng ta phải hiểu rõ công đức và hạnh nguyện riêng của từng ngài, để tán thán học hỏi và noi gương các ngài. Như vậy mới thực sự có được lợi ích thiết thực. Chúng ta cũng không khó để nhận ra rằng chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên và thiện thần, tuy mỗi vị đều có pháp môn tu tập và hạnh nguyện khác nhau, nhưng tất cả đều có đặc tính chung là từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha.

Phàm phu và thánh nhân chỉ khác nhau ở chỗ, phàm phu thì phần lớn chỉ nghĩ đến cá nhân và lợi ích trong đời hiện tại; còn thánh nhân thì quên đi bản thân, chỉ nghĩ đến người khác và biết vì hạnh phúc đời sau. Nếu phàm phu chúng ta từ nay nguyện lánh dữ làm lành, mở rộng lòng từ giúp đỡ kẻ khác, lại biết bỏ bớt tham sân chấp ngã, gieo nhân giải thoát cho đời sau, thì tuy rằng xác phàm phu mà tâm đã chuyển phàm ra thánh.

Dựa trên mức độ tăng trưởng của tâm từ và trí tuệ, mà chúng ta sẽ dần dần chuyển hóa từ thần tiên đến Thánh Phật. Nếu biết sống vì lợi ích người khác, thì đó là tâm từ của chư Thần; nếu biết sống vì lợi ích của người lẫn vật, thì đó là tâm từ của chư Thiên; nếu biết sống vì lợi ích của tất cả chúng sanh, thì đó là tâm từ chư Phật. Nếu chúng ta lại có thể phát triển trí tuệ tương xứng để phục vụ tốt tâm từ này, thì chúng ta chính là thành Thần Tiên Thánh Phật rồi. Như vậy chỉ cần xem lại tâm trí mình đang nghĩ và sống cho ai, thì sẽ biết mình đang nỗ lực gieo nghiệp phàm phu hay trồng hạt giống thánh hiền. Nếu đã thành tâm cầu khẩn thánh thần, tại sao không phát tâm học hỏi nơi các ngài để chuyển phàm hóa Thánh, thay vì ngày ngày sống trong kiếp phàm phu đầy dẫy ưu phiền, rồi đêm đêm cầu trời khấn Phật.

Chúng ta cần biết rằng khổ đau trong hiện tại của chúng ta không phải tự nhiên mà có, mà do chúng ta đã gieo hạt giống khổ đau trong nhiều đời quá khứ và cả trong hiện tại. Nếu chúng ta muốn gặt hái hạnh phúc trong tương lai, thì chúng ta phải gieo trồng hạt giống hạnh phúc ngay từ bây giờ. Đó chính là nguyên lý nhân quả. Vì vậy, cách cầu nguyện tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là hiểu và phát tâm gieo trồng các hạt giống an lạc giải thoát là từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha như các vị thánh hiền đã tu và đã chứng.

Khi tu tập trồng cây giải thoát, chúng ta phải chú ý sự cân bằng giữa từ bi và trí tuệ hướng đến vô ngã giải thoát. Từ bi giống như nước, còn trí tuệ giống như ánh nắng, cả hai đều cần thiết cho sự sống của cây cỏ, vạn loại. Nhưng nếu thường xuyên dư nước cây sẽ thúi rễ mà chết, còn nếu trường kỳ dư nắng cây sẽ khô héo mà vong. Người dư từ bi thì thường không lượng sức, ưa làm những điều thiện vượt xa năng lực của mình; còn người dư trí tuệ, thường sa lầy trong sự bành trướng tri thức của mình mà lơ là sự thực tu thực chứng. Đây là lý do tại sao có người tu tập lâu năm mà vẫn sân si, hay kẻ siêng làm điều thiện mà vẫn đầy phiền não, chính là vì thiếu sự cân bằng cần thiết này.

5. Điều cần nhớ lúc phóng sanh:

Khi phóng sanh không nhất thiết phải chọn ngày rằm, mùng một, hay đúng vào ngày lễ kỵ của thân nhân mình, mà có thể linh động trước hay sau đó, để khỏi tiếp tay cho những người lợi dụng việc phóng sanh vào các dịp lễ chính. Phóng sanh tốt nhất là thả thú vật, chim cá… vốn sống trong thiên nhiên tình cờ bị săn bắt, đừng mua thú nuôi. Vì thú nuôi, sau khi phóng sanh sẽ không sống được trong điều kiện tự nhiên. Khi phóng sanh phải chú ý xem hoàn cảnh nơi phóng sanh, xem thú vật mình thả có sinh tồn được hay không? Phóng sanh nên mua thả liền, để bảo tồn sức khỏe cho chúng… không bị dẫm đạp lẫn nhau trong lồng chậu nhỏ chật hẹp. Nếu phóng sanh mà không có trí tuệ, thì tội lỗi nhiều hơn phước báo. Xin hãy cẩn thận đừng để “phóng sanh” hóa thành “phóng tử”.


PHẦN MỘT

Cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát

và chư Thiên về chứng minh gia hộ

Thắp hương đứng trước bàn thờ Phật, hoặc giữa hư không mà khấn:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

- Kính lễ đức Phật Thích Ca, dạy người vô ngã, vô thường, thoát nẻo luân hồi.

Nam mô A Di Đà Phật,

- Kính lễ đức Phật Di Đà, dạy người nhứt tâm, buông xã tham sân, sanh về Cực Lạc.

Nam mô Đại Nhựt Như Lai,

- Kính lễ đức Phật Đại Nhựt Như Lai, mặt trời chơn tông, tam mật viên thông, tịnh hóa tam nghiệp.

Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật,

- Kính lễ Bồ Tát Di Lặc, dạy người hỷ xã, tâm thường rộng mở, độ mình độ người.

Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,

- Kính lễ Bồ Tát Văn Thù, dạy người khéo tu, trau dồi trí tuệ, nâng cấp tầm nhìn.

Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,

- Kính lễ Bồ Tát Phổ Hiền, dạy người tự tin, thiện hạnh trang nghiêm, lương tri kiên cố.

Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,

- Kính lễ Bồ Tát Địa Tạng, dạy người sám hối, lòng thành sửa đổi, thoát cảnh ngục tù.

Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,

- Kính lễ Bồ Tát Quan Âm, vô lượng từ tâm, dạy người tu thân, tai qua nạn khỏi.

- Kính lễ chư thánh A La Hán, định tuệ viên mãn, tu chứng giải thoát, làm đuốc trần gian.

- Kính lễ vua trời Đại Phạm, tứ đức cao dày, hỷ xã từ bi, hạnh lành viên mãn.

- Kính lễ Bồ Tát Quyết Định Vãng Sanh, đầy đủ oai thần, trợ giúp vong nhân, lánh xa cõi dữ.

- Kính lễ Bồ Tát Lục Tự Đại Minh, hiển hách oai linh, bảo hộ chúng sanh, hữu cầu tắc ứng.

- Kính lễ vua trời Đế Thích, chứng nhân chánh pháp, nhân gian dạo khắp, hộ kẻ tu hành.

- Kính lễ Tứ Đại Thiên Vương, đại dũng khôn lường, giúp kẻ thiện lương, răn đe kẻ ác.

- Kính lễ chư Đại Thánh Mẫu, từ tâm bát ngát, bao dung thanh thoát, cứu vớt trần gian.

- Kính lễ chư vị đại thần, anh linh dân tộc, yêu nước thương dân, xem nhẹ bản thân, đại nhân đại nghĩa.

- Kính lễ chư vị giải nghiệp thiện thần, trước vốn oan gia, rõ nẻo chánh tà, quy y Tam Bảo.

- Kính lễ chư vị thành hoàng thổ địa, gia trạch tôn thần, Định Phước Táo Quân, chăm sóc nhân dân, ngày đêm ân cần, bảo hộ bản xứ.

Kính xin các ngài từ bi giáng lâm chứng minh cho lòng thành chúng con, và phóng từ quang, tuệ quang giúp cho chúng con hóa giải được oan nghiệp trong các kiếp quá khứ cũng như trong đời hiện tại.


PHẦN HAI

Mời các oan gia về dự lễ giải oan, thưa chuyện và xin lỗi

Trai chủ thắp nhang đến trước bàn cúng oan gia mà khấn:

Kính thưa các vị oan gia từ các kiếp quá khứ cũng như trong kiếp hiện tại, xin quý vị hoan hỷ tề tựu về đây cho gia đình chúng tôi có đôi lời thưa chuyện:

Chúng tôi tên là: _______________________, Pháp danh: ______________________, ở địa chỉ: _________________________, vì vô minh, tham dục, vô tình hay cố ý mà gây lầm lỗi, làm tổn thương đến quý vị và thân bằng quyến thuộc. Chúng tôi lại là người trần mắt thịt, nên không nhớ được những tội lỗi đã làm trong các tiền kiếp đã gây cho quý vị, vì thế lòng càng áy náy không thể yên lòng.

Hôm nay, dưới sự chứng minh của chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền, và các chư Thiên, thiện thần, thánh mẫu. Xin quý vị cho chúng tôi bày tỏ lòng ăn năn hối hận về những lỗi lầm đã gây ra cho các vị. Mong rằng quý vị chấp nhận cho sự hối lỗi của gia đình chúng tôi. Dù vẫn biết rằng có những tội lỗi nếu lỡ gây rồi, như bát nước đổ, không hốt lại được, vì vậy, nếu quý vị có vì giận dữ mà trách phạt, chúng tôi nguyện xin chấp nhận để chuộc bớt lỗi lầm. Nhưng xin các vị vì lòng từ bi mà nhẹ tay đôi phần, cho chúng tôi được có cơ hội ăn năn hối cải và làm các điều lành hồi hướng cho quý vị.

Giờ đây, gia đình chúng tôi chỉ có mâm cơm chay đạm bạc, và chút lễ vật đơn sơ xin được dâng cúng cho các vị để bày tỏ lòng thành hối lỗi, kính xin quý vị hoan hỷ chấp nhận.


PHẦN BA

Chia sẻ các bài kệ tụng nhắc nhở việc tu tập để âm dương đều lợi lạc

Chúng tôi cũng có được chút duyên lành, gần gũi các bậc thiện tri thức, chỉ cho con đường sám hối nghiệp chướng nhiều đời, và truyền dạy cho các bài kệ tụng nhắc nhở việc tu hành. Nay xin được chia sẻ cùng với quý vị, mong rằng quý vị và chúng tôi đều được ích lợi.

  • Kệ tỉnh giác ba nghiệp thân khẩu ý:

Chúng con phàm phu ngày đêm tạo nghiệp, như trong không trung gió động chẳng ngừng, tâm ý buông lung chạy theo dục vọng, miệng thân làm ác gây tội triền miên, khi biết ăn năn e rằng đã muộn, lòng đầy cảnh tỉnh phát nguyện hồi tâm, đối diện tử thần không lo đọa lạc. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Ngày nghe gió nghiệp thổi,

đêm nghe gió nghiệp thổi,

Đêm ngày sáu thời nghe gió nghiệp thổi,

Vô minh, tham ái tạo nghiệp rồi,

Lục đạo luân hồi khó tránh khỏi.

  • Kệ sám hối tội lỗi đã gây cho kẻ khác:

Phàm phu chúng con luân hồi bao kiếp, gây bao tội nghiệp ân oán với người, bao kiếp bao đời mà không tự biết, giờ đây tỉnh giác phát nguyện làm lành, sám hối lỗi lầm cầu xin tha thứ, biết xin tha thứ phải biết thứ tha, giờ nguyện bỏ qua lỗi lầm người khác. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Ngày xin sám hối, đêm xin sám hối,

Đêm ngày sáu thời xin sám hối,

Sám hối tội lỗi gây cho người,

(sám hối tội lỗi từ nhiều đời)

Đứng trước Phật trời xin sám hối.


  • Kệ cảnh tỉnh oan gia không phải người xa lạ:

Phàm phu chúng con vô minh chồng chất, vì duyên vì ước nên kết tâm giao, nên bạn nên bè nên bề gia thất, nào ngờ phút chốc bỗng biến oan gia, đến giờ hiểu ra chẳng qua ích kỷ, quên đi kẻ khác chỉ biết mình ta, oan trái chung nhà cũng do ngã chấp. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Oan trái đâu xa cũng một nhà

Lúc thương lúc ghét cũng mình ta

Nếu còn ích kỷ và ngã chấp

E rằng thân thuộc hóa oan gia.

  • Kệ nguyện làm điều lành:

Chúng con phàm phu trong đời quá khứ, vì không tự giác gây nghiệp chẳng lành, giờ biết sai lầm tin theo nhân quả, tật xưa chừa bỏ phát nguyện tu hành, bố thí phóng sanh ăn chay niệm Phật, vun trồng cội phúc lưu đức tổ tiên, gieo phước thiện duyên thoát ba nẻo ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Ngày làm điều lành, đêm tưởng việc lành,

Đêm ngày sáu thời đều tu hành,

Nhờ biết làm lành tin nhân quả,

Thoát ba đường ác trọn an lành.

  • Kệ niệm Phật cầu vãng sanh:

Phàm phu chúng con nghiệp căn kiên cố, tâm như khỉ nhỏ chạy nhảy không yên, tính toán hơn thua đến ngày tắt thở, dương trần lìa bỏ cũng lại tay không, nay quyết một lòng nương ngôi Tam Bảo, tựa vào Phật lực hóa giải tham sân, một dạ nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Ngày niệm Di Đà, đêm niệm Di Đà,

Đêm ngày sáu thời niệm Di Đà,

Vì biết nhất tâm là Tịnh Độ,

Từ bi hỷ xã thoát Ta Bà.

  • Kệ quán vô thường:

Chúng con phàm phu chạy theo trần cảnh, đêm ngày mất ngủ vì bã công danh, vất vả quanh năm say tình đắm lợi, nào ngờ vạn vật thay đổi không lường, thất vọng ưu phiền thân tâm sầu não, nhờ ơn Tam Bảo dạy quán vô thường, danh lợi tình thù từ nay xã bỏ. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Ngày quán vô thường, đêm quán vô thường,

Đêm ngày sáu thời quán vô thường,

Vì biết vô thường nên xã bỏ,

Danh lợi tình thù điều vô thường.

  • Kệ quán Phật tánh:

Phàm phu chúng con chìm trong lục đạo, muốn lìa phiền não thoát khỏi tử sanh, dáo dác tìm quanh cửa vào giải thoát, nào ngờ tánh Phật ở tại lòng ta, nam nữ trẻ già không ai chẳng có, ngày đêm sáng tỏ thanh tịnh an nhiên, vô não vô phiền từ bi vô ngã. Nay xin đọc kệ nhắc nhở ngày đêm:

Phật chẳng đâu xa vốn tại lòng,

Bôn ba tìm kiếm cũng bằng không,

Chỉ cần buông xã đường danh lợi,

Từ bi vô ngã Phật tức tâm.

  • Kệ chúc lành hồi hướng cho kẻ dương người âm:

Lễ sám hối này, tuy nghi thức đơn giản, phẩm vật thô sơ, nhưng phát xuất từ đáy lòng ăn năn hối lỗi của gia đình chúng tôi. Nếu có thể được nguyện xin từ nay cùng quý vị, hóa giải oan cừu, đổi thù ra bạn, để cùng nhau tu tập, lợi lạc tha nhân. Xin nguyện chư Phật, Bồ Tát, và chư Thiên gia hộ cho quý vị thân tâm an lạc, tinh tấn tu hành, sớm mau thoát nẻo luân hồi.

Nguyện ngày an lành đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời đều an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin nguyện âm dương thường lợi lạc.

Nam mô chứng minh sư Bồ Tát (3 lần)

Nam mô cầu sám hối Bồ Tát (3 lần)

Nam mô thường hỷ xã Bồ Tát (3 lần)


  • Tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thương thệ nguyện thành.


Nam mô A DI ĐÀ PHẬT

Phật tử Bảo Hoàng

ấn tống 1.000 quyển

*

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Được trọn thành Phật đạo.

*

Xin liên hệ:

Thích KHINH AN (Minh tâm)

Chùa PHẬT ÂN

Long Thành – Đồng Nai

ĐT: 0613.844.618 – 0612.643.400 – 0933.451.848

***

Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)

Ý kiến bạn đọc
08/09/201810:33
Khách
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT. Thầy cho con hỏi. con chưa có nhà mà đang ở tập thể cơ quan, nhưng có người đến chơi và bảo con rằng:" được ở đây cũng tốt nhưng cũng không tốt vì có cái an trước nên không có lộc, làm ăn không nên, con cái ốm đau ..." " mà người đó bảo cái am chính là cái cây cổ thụ một bên sân, còn bảo cây người ở trước gia đình con đến sau do con không biết nên giờ phải cúng ở cây, trước nhà và trong bàn thờ gia tiên ngày các ngày cuối tháng, đầu tháng, 14, 15 hàng tháng và đọc kinh sám hối" . thật lòng con cũng không biết cung như thế nào và đọc kinh xám hối gì. Con mong thầy hướng dẫn cách khấn và đọc kinh xám hối gì và có cần lập am tại cây không? con có gì thiếu sót và không biết mong thầy bỏ qua cho con. con mong được sự phản hồi của thầy sớm nhất có thể. con xin xhân thành cảm ơn thầy. Nam mô a di đà phật. Nam mô a di đà phật. Nam mô a di đà phật
03/02/201712:07
Khách
Cho con xin hỏi đức Ngài. Con muốn lập bàn hương án ngoài trời để giải nghiệp thì con phải cần chuẩn bị những lễ vật gì ạ. Và co phải cầu nguyện và phát tâm như thế nào
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/11/2024(Xem: 165)
Trong cuộc sống , ngoài nhu cầu vật chất một nhu cầu khác không thể thiếu đó la tinh thần. Người xưa có câu “Tiên học Lễ hậu học Văn”. Lễ là một điều tất yếu đển con người có cuộc sống hoàn thiện.
27/10/2023(Xem: 15638)
Ngưỡng bạch Chư Tôn Thiền Đức, thân mẫu chúng con khi sinh tiền dốc lòng vun trồng cội phúc, gieo nhân chí thiện cần mẫn cực nhọc lo lắng cho chúng con. Nhớ lại những khi răn bảo dặn dò, những lúc nhọc nhằn nuôi dưỡng. Nhưng hởi ôi ! Ân sâu chưa trả, nghĩa nặng chưa đền mà ngày nay người đã vĩnh viễn ra đi để lại muôn vàn nhớ thương cho con cháu. Thật: Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Con muốn phụng dưỡng mà Cha Mẹ đã khuất bóng.
14/09/2023(Xem: 2004)
1) Nhẹ nhàng ra đi an lành trong tiếng Niệm 'Nam Mô A Di Đà Phật" của người thân trong gia đình 2) Thành tựu hạnh hiếu thảo cho tất cả người con dâu rể và các cháu qua việc tận tụy chữa bệnh, đặc biệt chăm sóc Ba Mười của Bé Thảo (Tâm Tịnh gọi bằng Cậu Mười_nằm liệt giường) trong khoảng thời gian 11 tháng (kể cả 2-3 tháng nằm tại Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc Bệnh Viện Đà Nẵng). Các con (kể cả dâu và rể) thường xuyên thay phiên túc trực chăm sóc Ba hàng đêm, ngày, đặc biệt là con dâu Thủy và con gái út Thảo bằng cả tấm lòng hiếu thảo của mình.
03/05/2023(Xem: 139156)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
29/04/2023(Xem: 3566)
Những ngày sau tết âm lịch, nhất là càng gần đến Đại Lễ Phật Đản, tôi càng đau đáu tâm huyết lan toả Chánh Pháp, muốn Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nằm sẵn trong Kinh Phật gốc Nikaya lan toả đến muôn nơi, đến thật nhiều những người con của Phật, không chỉ quý vị xuất sĩ mà cả các cư sĩ tại gia. Và cứ thế tôi tìm cách tặng Kinh Nikaya, tạo duyên để Nikaya đến nhiều nhất những người thân và học trò thật sự muốn tu tập theo Chánh Pháp, hết sức có thể.
11/09/2022(Xem: 2717)
Sáng 10-9 (15-8-Nhâm Dần), chư tôn đức Tăng Ni cùng đông đảo Phật tử đã vân tập tại Chánh điện chùa Long Sơn để dự lễ Huý Nhật lần thứ 9 (2013-2022) đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Chí Tín, trụ trì chùa Long Sơn và hiệp kỵ chư tôn Hoà thượng giáo phẩm, lãnh đạo GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà qua các thời kỳ. Tham dự buổi lễ Hiệp kỵ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện – thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà; HT. Thích Minh Thông - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà, cùng chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni các tự viện gần xa. Trước đó, vào tối ngày 09 tháng 9 (14-8- Nhâm Dần) chư Tôn đức Bổn tự và quý Phật tử đã tụng kinh Di giáo trước ban thờ di ảnh quý Ngài.
15/08/2022(Xem: 5794)
Đại đức Tăng xin lắng nghe, tôi Tỳ Kheo .. xin vì Tăng xướng lên các tiêu tướng bốn phương của Tiểu Giới (tức là Giới Trường) từ gốc đông-nam của trú xứ này, lấy (nói lên vật dùng làm Tiêu Tướng) làm nêu. Từ đông-nam đây về hướng tây (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc tây-nam thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng tăng, bạch tiếp) đến góc tây-nam, lấy .. làm nêu. Từ tây-nam đây về hướng bắc (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc tây-bắc thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) đến góc tây-bắc, lấy .. làm nêu. Từ tây-bắc đây về hướng đông (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc đông-bắc thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) đến góc đông-bắc, lấy .. làm nêu. Từ đông-bắc đây về hướng nam (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc đông-nam thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) trở lại góc đông-nam, lấy . Làm nêu. Đây là xướng xong một vòng gồm các tiêu tướng ngoài
14/08/2022(Xem: 6321)
Người đạo đức tình thương Trăng thanh nước bích Kiều môn cùng dòng họ Thích Ni chúng đồng phái nhà thiền Nghìn nhà một bát hóa duyên Muôn dặm cô thân ứng cúng
16/07/2022(Xem: 13792)
Bồ đề nhất bá bát Diệt tội đẳng hà sa Viễn ly tam đồ khổ Xích sắc biến liên hoa Nam Mô A Di Đà Phật.
06/02/2022(Xem: 16591)
Quang Lưu xứ xứ u minh thất, Ảnh hóa phân thân tọa đạo tràng, Nguyện độ hương linh qui bổn quốc. Cửu liên đài trực vãng Tây Phương. Nam mô Tiến Linh Diên (Vãng Sanh) Bồ Tát Dịch nghĩa: Nơi nơi ngục tối hiện hào quang Ảnh hoá phân thân ngồi đạo tràng Nguyện độ hương linh về bổn quốc Đài sen chín phẩm thẳng Tây phương Nam Mô Tiến Linh Diên ( Vãng Sanh) Bồ Tát
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com