Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14.Các Bài Sám hay Văn Phát Nguyện:

05/04/201314:38(Xem: 29158)
14.Các Bài Sám hay Văn Phát Nguyện:

KINH NHẬT TỤNG
Nghi Thức Phổ Thông

--- o0o ---

PHỤ LỤC

CÁC BÀI SÁM,VĂN PHÁT NGUYỆN

SÁM PHÁT NGUYỆN

Ðệ tử chúng con từ vô thỉ

Gây bao tội-ác bởi lầm mê,

Ðắm trong sanh-tử đã bao lần,

Nay đến trước đài Vô-thượng giác:

Biển trần khổ lâu đời luân-lạc.

Với sanh-linh vô số điêu tàn,

Sống u hoài trong kiếp lầm than,

Con lạc lõng không nhìn phương hướng,

Ðàn con dại, từ lâu vất vưởng,

Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng,

Xin hướng về núp bóng từ quang,

Lạy Phật-Tổ soi đường dẫn bước,

Bao tội khổ trong đường ác trược,

Vì tham, sân, si, mạn gây nên,

Thì hôm nay giữ trọn lời nguyện.

Xin sám-hối để lòng thanh thoát.

Trí-huệ quang-minh như nhựt nguyệt

Từ-bi vô-lượng cứu quần-sanh,

Ôi! Từ lâu ba chốn ngục hình,

Giam giữ mãi con nguyền ra khỏi,

Theo gót Ngài vượt qua khổ ải,

Nương thuyền từ vượt bể ái hà,

Nhớ lời Ngài: "bờ giác không xa",

Hành thập thiện cho đời tươi sáng,

Bỏ việc ác cho đời quang-đảng,

Ðem phúc lành gieo rắc phàm nhân,

Lời ngọc vàng ghi mãi bên lòng,

Con nguyện được sống đời rộng rãi,

Con niệm Phật để lòng nhớ mãi,

Hình bóng người cứu khổ chúng-sanh

Ðể theo Ngài trên bước đường lành,

Chúng con khổ nguyền xin cứu khổ,

Chúng con khổ nguyền xin tự độ,

Ngoài tham lam, sân hận ngập trời.

Phá si mê trí-huệ tuyệt-vời,

Con nhớ Ðức Di-Ðà Lạc-quốc

Phật A-Di-Ðà thân kim sắc

Tướng tốt quang-minh tự trang-nghiêm.

Năm Tu-Di uyển-chuyển bạch hào

Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc

Trong hào quang hóa vô-số Phật

Vô-số Bồ-tát hiện ở trong

Bốn mươi tám nguyện-độ chúng-sanh

Chín phẩm sen-vàng lên giải-thoát

Quy, mạng lễ A-Di-Ðà Phật

Ở phương Tây thế-giới an lành

Con nay xin phát-nguyện vãng-sanh

Cúi xin đức Từ-Bi tiếp độ.

Nam-mô Tây-phương Cực-Lạc thế giới, Ðại-từ, Ðại-bi A-Di-Ðà Phật.

SÁM QUY MẠNG

________

Quy mạng thập phương Ðiều-Ngự Sư

Diễn dương thanh-tịnh Vi diệu pháp

Tam-thừa tứ quả giải-thoát tăng.

Nguyện tứ từ bi ai nhiếp thọ

Ðể tử chúng đẳng

Tự vi chơn tánh

Uổng nhập mê lưu

Tùy sanh tử dĩ phiêu trầm

Trục sắc thanh nhi tham nhiễm

Thập-triền thập-sử

Tích thành hữu-lậu chi nhân

Lục căn, lục trần

Vọng tác vô biên chi tội

Mê luân khổ hải

Thâm nịch tà đồ

Trước ngã đam nhân

Cử uổng thố trực

Lụy sanh nghiệp chướng

Nhứt thiết khiên vưu

Ngưỡng Tam-Bảo dĩ từ-bi

Lịch nhứt tâm nhi sám hối

Sở nguyện-Năng-Nhơn chẩn bạt

Thiện hữu đề huề

Xuất phiền-não chi thâm-uyên

Ðáo Bồ-Ðề chi bỉ ngạn

Thử thế phước cơ mạng vị

Các nguyện xương long

Lai sanh trí chủng linh miêu

Ðồng hi tăng tú

Sanh phùng trùng quốc

Trưởng ngộ minh sư

Chánh tín xuất-gia

Ðồng chơn nhập đạo

Lục căn thông lợi

Tam nghiệp thuần hòa

Bất nhiễm thế duyên

Thường tu Phạm hạnh

Chấp trì cấm giới

Trần nghiệp bất xâm

Nghiêm hộ oai nghi

Quyên phi vô tổn

Bất phùng bát nạn

Bất khuyết tứ duyên

Bát-nhã trí dĩ hiện tiền

Bồ-Ðề tâm nhi bất thối

Tu tập chánh pháp

Liễu ngộ Ðại-Thừa

Khai Lục-Ðộ chi hạnh môn

Việt tam-kỳ chi kiếp hải

Kiến pháp tràng ư xứ xứ

Phá nghi võng ư trùng trùng

Hàng phục chúng ma

Thiệu Long Tam Bảo

Thừa sự thập phương chư Phật

Vô hữu bì lao

Tu học nhứt thiết Pháp môn

Tất giai thông đạt

Quảng tác phương huệ

Phổ lợi trần sa

Ðắc lục chủng chi thần thông

Viên nhất sanh chi Phật quả.

Nhiên hậu bất xả pháp giới

Biến nhập trần lao

Ðẳng Quan Âm chi từ tâm

Hạnh Phổ Hiền chi nguyện hải

Tha phương thử giới

Trục loại kỳ hình

Ứng hiện sắc thân

Diễn dương diệu pháp

Nê lê khổ thú

Ngạ quỉ đạo trung

Hoặc phóng đại quang minh

Hoặc biến chư thần biến

Kỳ hữu kiến ngã tướng

Nãi chí văn ngã danh

Giai phát Bồ-Ðề tâm

Vĩnh xuất luân hồi khổ

Hỏa hoạch băng hà chi địa

Biến tác hương lâm

Ẩm đồng thực thiết chi đồ

Hóa sanh Tịnh-độ

Phi mao đới giác

Phụ trái hàm oan

Tận bãi tân toan

Hàm triêm lợi lạc

Tật dịch thế nhi

Hiện vi dược thảo

Cứu liệu trầm kha

Cơ cẩn thời nhi

Hóa tác đạo lương

Tế chư bần nỗi

Ðản hữu lợi ích

Vô bất hưng sùng.

Thứ kỳ lũy thế oan thân

Hiện tồn quyến thuộc

Xuất tứ sanh chi khốt một

Xả Vạn kiếp chi ái triền

Ðẳng dữ hàm sanh

Tề thành Phật đạo.

Hư không hữu tận

Ngã nguyện vô cùng

Tình dữ vô tình

Ðồng viên chủng trí.


SÁM KHỂ THỦ

________

Khể thủ Tây Phương an lạc quốc,

Tiếp dẫn chúng sanh đại đạo sư

Ngã kim phát nguyện nguyện vãng sanh

Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ.

Ðệ tử chúng đẳng

Phổ vị tứ ân tam hữu

Pháp giới chúng sanh

Cầu ư chư Phật

Nhứt thừa vô thượng

Bồ đề đạo cố

Chuyên tâm trì niem

A Di Ðà Phật

Vạn đức hồng danh

Kỳ sanh Tịnh Ðộ

Hựu dĩ nghiệp trọng phước khinh

Chướng thâm huệ thiển

Nhiễm tâm dị xí

Tịnh đức nan thành

Kim ư Phật tiền

Kiều cầu ngũ thể

Phi lịch nhứt tâm

Ðầu thành sám hối

Ngã cập chúng sanh

Khoáng kiếp chí kim,

Mê bổn tịnh tâm

Túng tham sân si

Nhiễm uế tam nghiệp

Vô lượng vô biên

Sở tác tội cấu

Vô lượng vô biên

Sở kết oan nghiệp

Nguyện tất tiêu diệt

Tùng ư kim nhật

Lập thâm thệ nguyện

Viễn ly ác pháp

Thệ bất cánh tạo

Cần tu thánh đạo

Thệ bất thối đọa

Thệ thành Chánh Giác

Thệ độ chúng sanh

A Di Ðà Phật

Dĩ từ bi nguyện lực

Ðương chứng tri ngã

Ðương ai mẫn ngã

Ðương gia bị ngã

Nguyện thiền quán chi trung

Mộng mị chi tế

Ðắc kiến A Di Ðà Phật

Bảo nghiêm chi độ

Cam lồ quán đảnh

Quang minh chiếu thân

Thủ ma ngã đầu

Y phú ngã thể

Sử ngã túc chướng tự trừ

Thiện căn tăng trưởng

Tật vô phiền não

Ðốn phá vô minh

Viên giác diệu tâm

Hoắt nhiên khai ngộ

Tịch quang chơn cảnh

Thường đắc hiện tiền

Chí ư lâm dục mạng chung

Dự tri thời chí

Thân vô nhứt thiết

Bệnh khổ ách nạn

Tâm vô nhứt thiết

Tham luyến mê hoặc

Chư căn duyệt dự

Chánh niệm phân minh

Xả báo an tường

Như nhập thiền định

A Di Ðà Phật

Dữ Quan Âm Thế Chí

Chư thánh hiền chúng

Phóng quang tiếp dẫn

Thùy thủ đề huề

Lầu các tràng phan

Dị hương thiên nhạc

Tây phương thánh cảnh

Chiếu thị mục tiền

Linh chư chúng sanh

Kiến giả văn giả

Hoan hỷ cảm thán

Phát Bồ-Ðề tâm

Ngã ư nhĩ thời

Thừa Kim Cang đài

Tùy tùng Phật hậu

Ư đờn chỉ khoảnh

Sanh Cực Lạc quốc

Thất bảo trì nội

Thắng liên hoa trung

Hoa khai kiến Phật

Kiến chư Bồ Tát

Văn diệu Pháp âm

Hoặch vô sanh nhẫn

Ư tu du gian

Thừa sự chư Phật

Thân mông thọ ký

Ðắc thọ ký dĩ

Tam thân tứ trí

Ngũ nhãn lục thông

Vô lượng bách thiên

Ðà La Ni môn

Nhứt thiết công đức

Giai tất thành tựu

Nhiên hậu bất vi an dưỡng

Hồi nhập Ta Bà

Phân thân vô số

Biến thập phương sát

Dĩ bất khả tư nghì

Tự tại thần lực

Chủng chủng phương tiện

Ðộ thoát chúng sanh

Hàm linh ly nhiễm

Hoàn đắc tịnh tâm

Ðồng sanh Tây phương

Nhập bất thối địa

Như thị đại nguyện

Thế giới vô tận

Chúng sanh vô tận

Nghiệp cập phiền não

Nhứt thiết vô tận

Ngã nguyện vô tận

Nguyện kim lễ Phật phát nguyện

Tu trì công đức

Hối thí hữu tình

Tứ ân tổng báo

Tam hữu tề tư

Pháp giới chúng sanh

Ðồng viên chủng trí.


Thiên A Tu La

________

Thiên A Tu La Dược Xoa đẳng

Lai thính Pháp giả ứng chí tâm

Ủng hộ Phật pháp sử trường tồn

Các các cần hành Thế Tôn giáo

Chư hữu tín đồ lai chí thử

Hoặc tại địa thượng hoặc hư không

Thường ư nhân thế khởi từ tâm

Trú dạ từ thân y pháp trụ

Nguyện chư thế giới thường an ổn

Vô biên phước trí ích quần sanh

Sở hữu tội nghiệp tịnh tiêu trừ

Viễn ly chúng khổ quy viên tịch

Hằng dụng giới hương đồ khuynh thể

Thường trì định phục dĩ tư thân

Bồ đề diệu hoa biến trang nghiêm

Tùy sở trụ xứ thường an lạc.


BÀI TỐNG-TÁNG

________

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,

Kiếp phù-sanh tụ tán mấy lâm hồi;

Người đời có biết chăng ôi!

Thân người tuy có, có rồi hoàn không,

Chiêm-bao khéo khuấy lạ lùng,

Mơ-màng trong một giấc nồng mà chi,

Làm cho buồn bả thế ni,

Hình-dung mới đó bữa nay đâu rồi,

Khi nào đứng đứng ngồi ngồi,

Bây giờ thiêm-thiếp như chồi cây khô,

Khi nào du lịch giang hồ,

Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài,

Khi nào lược giắt trâm cài,

Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang:

Khi nào trao ngọc chuốt vàng,

Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh,

Khi nào mắt đẹp mày thanh,

Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu,

Khi nào lên các xuống lầu,

Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh,

Khi nào liệt-liệt oanh-oanh,

Bây giờ một trận tan tành gió mưa,

Khi nào ngựa lọc xe lừa,

Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng,

Khi nào ra trướng vào màn,

Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa,

Khi nào mẹ-mẹ cha-cha,

Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng,

Khi nào vợ-vợ chồng-chồng,

Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn,

Khi nào cháu-cháu con-con,

Bây giờ hai ngã nước non xa vời,

Khi nào cốt nhục vẹn mười,

Bây giờ lá héo nhành tươi vui gì,

Khi nào bạn hữu sum vầy,

Bây giờ chén rượu cuộc kỳ vắng thiu,

Cái thân như tất bóng chiều,

Như chùm bọt nước phạp-phiều ngoài khơi,

Xưa ông Bành-Tổ sống đời,

Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu,

Sang mà đến bực Công Hầu,

Giàu mà đến bực bấy lâu Thạch-Sùng,

Nghèo mà đói khát lạnh lùng,

Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai,

Phù du sớm tối một mai,

Giàu sang cũng thác xạt xài cũng vong,

Thông minh tài trí anh hùng,

Si mê dại dột cũng chung một gò,

Biển trần nhiều nổi gay go,

Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê,

Sự đời nên chán nên chê,

Tầm nơi giải thoát mà về mới khôn,

Vong hồn ơi, hỡi vong hồn,

Cuộc đời nay biển mai cồn tỉnh chưa,

Tỉnh rồi một giấc say sưa,

Sẽ xin niệm Phật mà đưa hồn về,

Hồn về Cực-Lạc nước kia,

Cho xa hang quỷ mà lìa kiếp ma,

Nhờ ơn đức Phật Di-Ðà,

Phóng ra một ngón chói lòa hào-quang,

Trong khi tiếp dẫn rõ ràng,

Dắt hồn ra khỏi sáu đàng nghiệp nhơn,

QUÁN-ÂM BỒ-TÁT vui mừng,

Tay cầm nhành liễu tay bưng kim-đài,

Với cùng THẾ-CHÍ các ngài,

Cũng đều khuyến thỉnh lên ngai sen vàng,

Có bảo-cái, có tràng-phan,

Có mùi hương lạ, có đàn ngọc xây,

Có Trời các cõi truy tùy,

Có đờn, có trống, rước đi một đường,

Rước về đến cảnh Tây-Phương,

Có ao Thất-bảo có hương ngũ phần,

Lưu-ly có đất sáng ngần,

Ma-ni có nước trong tần chảy quanh,

Thất-trân có bảy lớp thành,

Bảy hàng cây báu, bảy vành lưới châu,

Có ngân-các, có kim-lầu,

Có chim nói pháp diệu-mầu dễ nghe,

Nghe rồi tỏ đạo BỒ-Ðề,

Bao nhiêu nghiệp chướng hồn mê dứt liền,

Ðã sanh về chín phẩm sen,

Mấy tai cũng xảy, mấy duyên cũng tròn,

Phật như thể mẹ tìm con,

Con mà gặp mẹ lại còn lo chi,

Lầu vàng đài các thiếu gì,

Ăn thì cơm ngọc, mặc thì áo châu,

Không ơn, không oán, không sầu,

Không già, không chết, có đâu luân-hồi,

Tánh xưa nay đã tỏ rồi,

Gương xưa rày đã lau chùi trần-ô,

Tu hành phải đợi kiếp mô,

Nguồn tình biển ái đã khô bao giờ,

Lựa là phải lựa thiền-cơ,

Mà đèn trí-huệ để lờ đi đâu

Mấy lời hộ niện trước sau,

Nguyện cho thành Phật mau mau nữa mà,

Phân thân ra khỏi TA-BÀ,

Từ-bi tiếp độ những là chúng-sanh.

CÁC NGÀY KỶ NIỆM

(Tính theo ngày Âm-lịch)

________

THÁNG GIÊNG:

Ngày 1.- Vía đức Di-Lặc.

22.- Tổ Thập-Tháp (Phước-Huệ, chứng-minh Ðạo sư Hội Phật-giáo Trung-Phần) viên tịch.

30.- Tổ Khánh-Anh (Thượng-thủ Giáo-hội Tăng-già toàn quốc V.N. niên khóa II, Pháp-chủ Giáo-hội Tăng-già V.N. niên khóa II) viên tịch.

THÁNG HAI:

Ngày 8.- Vía Phật Thích-Ca xuất-gia.

15.- Vía Phật Thích-Ca nhập-diệt.

19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

21.- Vía Ðức Phổ-Hiền Bồ-tát.

THÁNG BA:

Ngày 16.- Vía Ðức Chuẩn-Ðề Bồ-tát.

THÁNG TƯ:

Ngày 3.- Tổ Tuệ-Tạng (Thượng-chủ Giáo-hội Tăng-già toàn quốc V.N. niên khóa I) viên tịch.

04.- Vía Ðức Văn-Thù Bồ-tát.

15.- Vía Phật Thích-Ca giáng-sanh.

20.- Bồ-tát Thích-Quảng-Ðức vị pháp thiêu thân (nhằm 11-6-1963).


THÁNG SÁU:

Ngày 15.- Ðại-đức Thích-Nguyên-Hương vị pháp thiêu thân (nhằm 4-8-1963).

19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

19.- Tổ Khánh-Hòa (Sơ-tổ Phong-trào Chấn-hưng Phật-giáo miền Nam) viên tịch.

24.- Ðại-đức Thích-Thanh-Tuệ vị pháp thiêu thân (nhằm 13-8-1963).

26.- Thích-nữ Diệu-Quang vị pháp thiêu thân (nhằm 15-8-1963).

27.- Ðại-đức Thích-Tiêu-Diêu vị pháp thiêu thân (nhằm 16-8-1963).

THÁNG BẢY:

Ngày 13.- Vía Ðức Ðại-Thế-Chí Bồ-tát.

15.- Lễ Vu-Lan Bồn.

30.- Vía Ðức Ðịa-Tạng Bồ-tát.

THÁNG CHÍN:

Ngày 02.- Ðại-đức Thích-Quảng-Hương vị pháp thiêu thân (nhằm 5-10-1963).

11.- Ðại-đức Thích-Thiện-Mỹ vị pháp thiêu thân (nhằm 27-10-1963).

19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

30.- Vía Phật Dược-Sư.

THÁNG MƯỜI MỘT:

Ngày 01.- Tổ Huệ-Quang (Pháp-chủ G.H.T.G.N.V niên khóa I) viên tịch.

17.- Vía Phật A-Di-Ðà.

THÁNG CHẠP:

Ngày 08.- Vía Phật Thích-Ca thành đạo.

08.- Tổ Vĩnh-Nghiêm (Thiền-gia Pháp-chủ Giáo-hội Tăng-già B.V.) viên tịch.


NHỮNG NGÀY TRAI

________

Thập trai: Mỗi tháng mười ngày:

Mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 25, 28, 29, 30.

(nếu tháng thiếu thì kể cả ngày 27).

Lục trai: Mỗi tháng sáu ngày:

Mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30.

Tứ trai: Mỗi tháng bốn ngày:

Mồng 1, 14, 15, 30.

Nhị trai: Mỗi tháng hai ngày:

Mồng 1, 15.

Tam ngoạt trai: Một năm ba tháng:

Tháng giêng, tháng bảy, tháng mười.

*** Những ngày trai không nên dùng các món gia-vị như: hành, hẹ, nén, tỏi, tỏi tây v.v...

MƯỜI CÔNG ÐỨC ẤN TỐNG KINH, TƯỢNG PHẬT

- Một là, những tội lỗi đã tạo từ trước, nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ.

- Hai là, thường được các thiện thần ủng hộ, tránh được tất cả tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

- Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo phiền khổ, oán cừu oan trái của đời trước cũng như đời này.

- Bốn là, các vị hộ pháp thiện thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa ác quỷ, rắn độc hùm beo tránh xa không dám hãm hại.

- Năm là, tâm được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, được kết quả tốt.

- Sáu là, chí thành hộ pháp, tâm không cầu lợi, tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước lộc đời đời.

- Bảy là, lời nói việc làm trời người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến ngợi khen.

- Tám là, ngu chuyển thành trí, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành thịnh đạt. Nhàm chán nữ thân, mệnh chung liền được nam thân.

- Chín là, vĩnh viễn xa lìa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.

- Mười là, hay vì tất cả chúng sinh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sinh làm ruộng phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường được thấy Phật, nghe Pháp, phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.

ẤN QUANG TỔ SƯ DẠY:- Ấn tống Kinh, tượng Phật được công đức thù thắng như vậy, nên gặp khi chúc thọ, thành hôn, cầu phước, thoát nạn, sám hối, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh, hãy tinh tấn phát tâm Bồ-Ðề ấn tống, để trồng cội phước đức cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

--- o0o ---

Vi tính : Hải Hạnh Ngọc Dung
Trình bày :
Nhị Tường

Ý kiến bạn đọc
30/07/202220:36
Khách
online viagra prescription canada <a href="https://tabviagrleo.com/ ">best price viagra canada</a> viagra price per pill
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2012(Xem: 8544)
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên thân thuộc. Chúng ta gặp nó từ trong những câu tục ngữ, ca dao, dân ca mộc mạc đến những bài diễn văn trang trọng...
18/01/2012(Xem: 10057)
Nếu chúng ta là người Phật tử thì ngày 23 tháng chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý...
18/01/2012(Xem: 7121)
Ngày đầu xuân nói về tục xông nhà để nhắc nhở cho nhau, đừng phó thác vận mệnh cho người xông nhà, tục xông nhà không thể quyết định vận mệnh của mình và gia đình...
12/01/2012(Xem: 6345)
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết Tam vị thất thế (thuyết Ba ngôi) vốn khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo... Táo tiếng Hán có nghĩa là bếp. Hàng năm, khi năm hết Tết đến, vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà đều sắm sửa lễ nghi, cúng tiễn ông Táo chầu trời...
12/01/2012(Xem: 11455)
Xưng là Tứ Thiên Vương bởi vì bốn vị Thiên Vương này ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Tứ Đại Thiên Vương là thần tướng của vua trời Đế Thích, ở núi Kiền Đà La...
18/12/2011(Xem: 6960)
Phật quả đòi hỏi những thành tựu phi thường về thân và tâm. Cho nên, việc truyền những phẩm đức siêu việt này vào trong pho tượng trở nên nổi bật trong những buổi lễ quán đảnh.
03/12/2011(Xem: 4775)
Trong Phật giáo không có thầy cúng, nhưng do trong quá trình du nhập vào một vùng mới, vì tính dung hoà và giản dị, Phật giáo đã chấp nhận những hình thức cúng bái ngẫu tượng và phong tục thờ cúng địa phương, vì thế những loại hình cúng bái do nhu cầu xã hội bắt đầu bén rễ.
02/12/2011(Xem: 5437)
Khi giới sư đăng đàn truyền trao U Minh Giới cho vong linh. Chúng giới tử đại vị cho tiên hương linh của mình mà thay họ phụng thỉnh Tam Bảo, thọ nhận Giới pháp...
02/12/2011(Xem: 5307)
Nghi thức tuần chiếu trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế, Đức Thế Tôn theo thông lệ cứ mỗi năm ngày, Ngài đi tuần phòng của Tăng chúng.
11/10/2011(Xem: 56194)
Sớ Điệp Chữ Việt Âm Hán Văn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]