Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm

20/08/201620:21(Xem: 11952)
Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm

 giao ly bi mat ve than trung amGIÁO LÝ BÍ MẬT VỀ

THÂN-TRUNG-ẤM

Đối vi người tu tập thun thành thì cái

CHT thc s không phi là chết

Mà là con đường dn đến

s giác ng viên mãn

Copy @ 1998 by Nguyễn Pram

All Rights Reserved

 

PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ

-

 

- Là nơi có đủ các loại kinh sách giá trị và pháp khí để cung ứng nhu cầu cho những hành giả tu học đạo giác ngộ giải thoát.

- Là nơi đào tạo nhân tài Phật giáo để phục vụ đạo pháp và dân tộc.

- Là nơi bồi dưỡng trí tuệ và từ bi cho người có ý chí cầu tiến trên đường thánh thiện hóa thân tâm.

Địa chỉ liên lạc: PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ

                         9250 Columbus Ave.

                         North Hills, CA 91343U.S.A.

                         Tel. (818) 893-5317

 

Ai là người trí phải nên khéo điều phục cái tâm của mình phải luôn quán sát Tánh Không (sumyata) và Diệu Hữu (Amogha) của bản tâm và vạn pháp. Không ai có thể cứu chúng ta khỏi cảnh giới khổ đau, phiền não, nếu chính bản thân chúng ta cứ mãi bo bo ôm ấp, nâng niu chìu chuộng cái vỏ Ngã Pháp được tô điểm bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến, và Đố kỵ.

Lời nói đầu


Thể gian lìa sanh diệt

Trí chẳng thấy có không

Tất cả pháp như huyễn

Trí chẳng thấy có không

Biết nhơn pháp vô ngã

Thường thanh tịnh không tướng

Tất cả không Niết-bàn

Không có  Phật Niết bàn

Hoặc có hoặc không có

Quán Mâu-Ni tịch tĩnh

Ấy gọi là chẳng thủ

Ví như hoa hư không

Mà khởi tâm đại bi

Xa lìa nơi tâm thức

Mà khởi tâm đại bi

Phiền não  và sở tri

Mà khởi tâm đại bi

Không Niết-bàn của Phật

Xa lìa giác sở giác

Cả  hai thảy đều lìa

Thế là xa lìa sanh

Đời nầy đời sau tịnh.

 

Cúi đầu đảnh lễ đức Tỳ-lô Giá na Như Lai (Vairocana Tathagata): thiên bá ức (10.000.000.000) Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn (Shakyamuni Buddha) Giáo chủ cõi Kham-Nhẩn (Saha) nầy, đức Đại-từ-bi tiếp dẫn cõi Tây-phương tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá (36.000.000.119.500) đồng danh đồng hiệu A-Di-Đà-Phật (Amitabha Buddha), đức Kim-Cang Tát-Đỏa Bồ tát Ma-ha-tát (Vajrasattva), đức Thất-Cu-Chi (Koti), Phật Mẫu Chuẩn-Đề (Cunde) Vương Bồ-Tát Ma-ha-tát, đức Vế-Tích Kim-Cang Bồ-Tát Ma-ha-tát, liệt vị tổ sư, chư A-xà-lê, mười phương khắp cõi Phật sát vi trần số, quá khứ, hiện tại, và vị lai các ngôi Tam Bảo vô số vô tận đều chứng biết, và kính xin rủ lòng thương xót từ bi nhiếp thọ lời cầu của con. Con nay dối đem kiến thức phàm phu trong đời Mạt pháp để soạn sách nầy, sợ không được hợp Thánh ý của chư Phật, xin cho con được chí thành sám hối. Ngưỡng vâng sức đại oai thần của ngôi Tam Bảo gia hộ cho kẻ đệ tử được thành Thánh trí, nếu hợp Thánh ý dù chỉ là một phần nhỏ như hột cát hột bụi, trọn đem công đức đó hồi hướng đến tất cả loài hàm linh, nguyện đời nầy chóng dứt phiền não, đời sau không lâu đồng chứng ngôi Tỳ-lô Giá-na Tam-thân Phổ-Quang-Địa, khi mãn báo thân lập tức  vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật A-Di-Đà, hoặc tùy nguyện vãng sanh về mười phương Tịnh độ của chư Phật.

Những pháp môn cao siêu dựa vào các kinh Viên-Giác,  Hoa-Nghiêm, Pháp-Hoa, Bát-Nhã Ba-La-Mật, Tâm-Địa-Quán, Thủ-Lăng-Nghiêm, Lăng-Già Tâm-Ấn, Kim-Cang v.v… ngày nay rất khó có người tu theo. Vì sao? Bởi vì các kinh văn nầy phần nhiều chỉ thẳng cảnh giới bất-tư-nghì của Như Lai, nhưng xét kỹ ra chúng ta ngày nay phần đông đều là những người có trình độ tâm linh thuộc vào hàng trung hoặc hạ căn, nên không thể nào lãnh hội thấu đáo cho được. Để đến nỗi khi nghiệp đến, duyên tan thì ai nấy đều hoảng sợ trước cái chết. Trong những người tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì có những vị nhiệt tâm rất cao, nhưng không được hướng dẫn kỹ càng khi “hộ niệm”, cho nên tốn công sức mà chẳng giúp ích gì mấy cho vong nhân.

Vả lại, gần đây những kẻ ngoại đạo mặc áo sa-môn trá hình trong Phật giáo, chúng chống đối lẫn nhau, chia bè lập phái phá hoại nhau, không hành Lục Hòa, không giữ đạo nghi, lại thường chấp “không”, bài xích nhân quả, chê bai nghiệp báo, vọng thuyết cuồng ngôn, buông lời điên đảo cho rằng tu lai rai, đặt hết lòng tin vào vị Đạo-sư thì cũng thành Phật cần gì phải tu Chỉ, tu Quán! Đám cuồng ngu nầy càng ngày càng nổi lên như nấm, mọc lên như cỏ dại, khiến cho ai là người có tâm hộ trì Phật pháp phải rơi lệ chan hòa! Âu cũng là duyên nghiệp, sanh ra ở thời Mạt-pháp thì phải nhìn thấy cảnh chướng tai gai mắt vậy.

Vì không biết phương tiện độ sanh nên phần nhiều chư vị tu theo Thiền-môn, cũng như các ác Sa-môn trá hình ngày nay thường chê trách việc cứu độ Thân-Trung-Ấm. Họ viện cớ là tốn thời giờ! Cho dù có đi làm ma chay thì cũng làm cho qua loa.

Hỡi các bậc trí giả, chư vị là sứ giả của Như Lai, khoác áo Như Lai, học hạnh của chư Phật, Bồ tát, cần khổ vì chúng sanh, sống nhờ vào đàn na tín thí, lại nỡ nào viện hết cớ nầy đến cớ nọ để từ chối không chịu cứu giúp vong nhân khiến cho người sống đau buồn, người chết uất ức. Phải đợi đến khi người ta cầu thỉnh, trăm lễ lạy lục coi như bậc Thánh sống mới chịu ra tay tế độ ư? Đại-bi-tâm thương xót chúng sanh như con đỏ, không bỏ chúng sanh của các Ngài để ở đâu? Đại-từ-bi tâm cứu vớt và an lập chúng sanh nơi Vô-thượng Bồ-đề của các Ngài để chỗ nào? Đại-thệ-nguyện hộ trì Phật pháp chẳng tiếc thân khiến cho Phật pháp bất diệt cửu trụ ở đời của các Ngài để ở đâu?Quí Ngài có thể dối người, dối mình, chớ làm sao dối được Thần thức của vong nhân về Đạo lực của mình, và trước chư Phật, Bồ tát, cùng các bậc Thần linh trong Pháp giới, vậy thử hỏi làm thế nào quí Ngài có thể che dấu chỗ ích kỷ, và biếng nhác của mình cho được?

Vì xa rời Phật pháp nên họ phỉ báng lời chư Phật, Bồ tát dạy nơi các tôn kinh Địa Tạng, Dược Sư, A Di Đà, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Tỳ Lô Giá Na Phật Đại Quán Đảnh Quang Chân Ngôn, Đại Bảo Quãng Bát Lầu Cát Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni, v.v… Nên nhớ, các bậc chân sư không những hoằng dương Chánh pháp để hướng dẫn người sống, mà còn biết phương tiện để hướng dẫn cho người chết. Có như vậy mới nói lên cái ý nghĩa trọn vẹn của câu: “Sanh tử và Niết bàn đâu phải là hai.” Đây là chỗ đặc thù của Phật gia, trái lại, bọn tà sư, ngoại đạo, chỉ biết hứa suông, hứa cuội với đám tín đồ điên đảo, si mê về một thiên đàng không tưởng, rồi đồng kéo nhau vào chốn U minh không biết đến bao giờ mới thoát ra được.

Xét rằng, không ai mà chẳng chết, nếu chết mà không biết phương pháp để tự giác ngộ, hoặc siêu sanh về Tịnh độ của mười phương chư Phật thì chẳng hóa ra mình là đứa ngu ư. Hễ ngu thì làm sao gọi là người trí, mà trong Phật pháp hễ không có trí tuệ thì dù rằng chết có để lại vài ba bài kệ để hù kẻ hậu sanh, hoặc lưu lại “xá lợi năm sắc” đi nữa cũng chỉ là việc trong mộng nào có ích chi!

Khi một người mãn nghiệp thì phải chết, phàm phu gọi đó là cái chết bình thường, hợp lẽ tự nhiên. Nhưng nếu lấy trí nhãn mà nhìn thì cái chết không phải đơn giản như nhiều người thường tưởng, cũng không phải “chết là hết”, như sự chủ trương của bọn người Duy Vật. Đối với người tu theo đạo Vô Thượng Bồ đề thì ba giai đoạn: Đương lúc chết, đời sống sau khi chết, và sự tái sanh tầm thường cần phải được chuyển hóa để đồng nhứt với Tam thân của Như Lai. Đây là chỗ khác biệt lớn lao giữa Mật giáo và Hiển giáo. Đây là chỗ mà ngoại đạo dù có tử công phu suy tìm cũng không thể nào hiểu thấu.

Đường lối tu hành của Mật giáo, có thể nói đến 70 phần trăm là chú trọng đến sự chuyển hóa toàn diện ba giai đoạn: Đương lúc chết, đời sống sau khi chết và sự tự tại tái sanh, còn 30 phần trăm khác là tu tập để hiệp nhứt với Tam thân của Như Lai khi còn sống! Cuộc đời của một bậc Du già hành giả không phải chấm dứt khi vị ấy trút hơi thở cuối cùng như nhiều người lầm tưởng!

Thế nên, Tổ Ti-Lô-Pa xưa có lời “cái chết thực sự không phải là chết mà là con đường dẫn đến sự giác ngộ viên mãn.”

Ôi! Đối với hàng cụ phược phàm phu thì cái “CHẾT” quả là thống khổ, kinh hoàng, nhưng chết thật sự là gì?

Khi một người chết có nghĩa là Lục đại của kẻ đó lần lần bị hòa tan vào với Lục đại của pháp giới, ở đây màu sắc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn v.v… không có gì khác biệt nhau cả. Người đang chết sẽ thấy những dấu hiệu chắc chắn xảy ra bên trong cũng như bên ngoài. Những dấu hiệu kia có liên quan vô cùng mật thiết đối với sự tan biến của các Đại. Đầu tiên, người ấy thấy một dấu hiệu nó giống như một ảo ảnh, như sóng nước xa xa trên mặt đường tráng nhựa, như nước giữa sa mạc lúc trưa hè nóng bức, đó là do Địa đại hòa vào Thủy đại. Nói là Đại nầy tan biến vào Đại kia là cho dễ hiểu, chớ kỳ thật thì thế lực của Đại trước bị Điạ sau lấn áp mà thấy như vậy, chẳng hạn như trong đời, nếu Thủy đại lấn áp Hỏa đại nhẹ thì xổ mũi, tiêu chảy, ói mửa, thân thể càng ngày càng phát phì, phát trướng v.v… nặng thì bỏ mạng! Một khi Hỏa đại lấn áp Địa đại và Thủy đại nhẹ thì chóng mặt, nhức đầu, táo bón, thân thể càng lúc càng tiều tụy v.v… nặng thì hoa mắt, điên khùng, máu tai, máu mũi, máu miệng trào ra, không lâu quyết sẽ bỏ mạng! Thức cũng vậy, nó càng lúc càng vi tế hơn khi đương chết so với lúc còn sanh thời.

Tiến trình của cái CHẾT có tám (8) giai đoạn:

1. Địa đại tan biến vào Thủy đại.

2. Thủy đại tan biến vào Hỏa đại

3. Hỏa đại tan biến vào Phong đại

4. Phong đại tan biến vào Hư không đại

5. Hư không đại tan biến vào Thức đại

6. Giọt trắng của Bồ đề tâm (tinh cha khi mới thọ thai, từ đảnh đầu đi xuống hướng trái tim.)

7. Giọt đỏ của Bồ đề tâm (huyết Mẹ khi mới thọ thai, từ đan điền đi lên hướng trái tim)

8. Giọt đỏ và giọt trắng gặp  nhau tại trái tim tại giọt bất hoại, kinh nghiệm tối xầm, rồi ánh sáng tràn ngập và Thần thức theo một trong những cửa mở sẵn tùy theo nghiệp mà bỏ thân cũ để thọ thân Trung ấm sau khi chết (Trung Hữu).

Ngay lúc nguyên khí (cũng gọi là gió vi tế) tan biến vào Thức đại thì người hấp hối sẽ ngưng hô hấp… Bên trong thì người chết thấy những đốm sáng chập chờn như đôm đốm… Nếu người chết sẽ bị đọa vào ba đường dữ, thì đầu tiên hơi ấm của nửa thân phía trên sẽ lần lần tan mất. Trái lại, nếu sanh về ba đường lành thì đầu tiên hơi ấm của nửa thân phía dưới sẽ lần lần tan mất. Nếu người chết sanh về Thánh giới như các cõi Tịnh độ thì hơi ấm cuối cùng sẽ ra từ cửa thanh tịnh ở trên đảnh đầu…

Thế nên, ai là người muốn giải thoát mình và chúng sanh ra khỏi chốn sanh tử luân hồi thì hãy nhiếp tâm, tịnh ý mà học tập theo sách nầy.

Cứu độ Thân trung ấm vốn là một pháp môn của Mật tông, nó được truyền từ kim khẩu của một bậc Đạo sư, A-xà-lê, xuống đến người đệ tử thụ pháp, mà không được viết lại thành sách bởi vì các bậc Đạo sư e sợ ba điều:

1. Những kẻ ngu si, hoặc những người tà kiến chỉ biết căn cứ vào chữ mà giải thích khiến cho chân nghĩa bị lãng quên.

2. Bóp méo sự thật về Mật tông, khiến chúng sanh bị tội khổ.

3. Ỷ lại sách nầy mà phế bỏ công phu tu tập. Trên căn bản pháp môn cứu độ Thân trung ấm nầy bao hàm cả Thai tạng và Kim Cang giới.

Pháp môn thù thắng nầy được truyền sang Việt Nam có lẽ vào khoảng thế kỷ thứ V-VI, do đức Tỳ-ni-đa-lưu-chi, chỉ có phần đầu và nửa phần giữa, nghĩa là chư A-xà-lê ở Việt  Nam chỉ truyền cho chúng đệ tử giáo lý về Tử hữu và Trung  hữu. Như vậy thiết nghĩ cũng quá đầy đủ rồi. Thế nên, bản thân Mạt nhân chỉ biết được có chừng bấy nhiêu thôi.

Ở Ấn Độ, sách nầy được Ngài Liên Hoa Sanh (Padma Sambhava) viết vào thế kỷ thứ VIII-IX cho các đệ tử người Ấn Độ và Tây Tạng, sau đó ngài Liên Hoa Sanh giấu pháp môn nầy ở một nơi rất kín, mãi đến thế kỷ thứ XIV thì đức Karma Lingpa tìm được. Trong đó có cả bức mạn-đà-la bí mật của 48 vị Thiện thần và 52 vị Hung thần, còn các vị Trì minh vương và Trì Minh Phi thì không thấy nói đến (đây là một bộ phận của hai Mạn đà la Vương Thai Tạng và Kim Cang, hai giới nầy không được các Phật tử Tây Tạng chú trọng như ở Việt Nam, Nhựt Bản và Java). Phần thứ ba của sách Thân Trung Ấm đặt căn bản hoàn toàn trên Guhysamaja-Tantra. Kinh văn nầy không được truyền sang Việt Nam. Theo ngu ý thì phần thứ ba là một sáng tạo độc đáo của đức Liên Hoa Sanh vậy.

Thoáng một cái đã hai mươi năm rồi, trước khi xuất dương, A xà lê của Mạt nhân có huyền ký là, phần cuối của giáo lý Thân Trung Ấm sẽ được một vị Lạt Ma người Tây Tạng giới thiệu. Mạt nhân rất lấy làm lạ vì bản thân không biết tiếng Tây Tạng, cũng không biết tiếng Anh Cát Lợi, với số vốn rất hạn chế về Cổ Phạn thì làm sao có thể học được. Nhưng rồi, chuyện đâu cũng vào đó, sang đến Hoa Kỳ Mạt nhân có viếng trung tâm Phật giáo Tây Tạng vào năm 1987 để bái kiến phương trượng Khempo Rinpoche, Konchoq Gyaltshen và trình bày về điểm thiếu sót nầy và cầu xin Ngài thành toàn cho, và đồng thời có trao đổi với Ngài ý chỉ của kinh Chuẩn Đề và Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Ngài giới thiệu quyển Bardo Teachings: The Way of Death and Rebirth của Lama Lodo, và trao tặng Mạt nhân một ít sách do Ngài dịch, và hứa khả sẽ giới thiệu Mạt nhân với đức Ban Thiền nếu Mạt nhân muốn xuất gia tu học, khi cơ duyên thuận tiện… Rồi Ngài về Ấn Độ, đi đi lại lại các trung tâm Phật giáo do Ngài sáng lập trên toàn thế giới để độ sanh. Nói như vậy, không phải Mạt nhân là đệ tử của Ngài.

Sau khoảng thời gian dài nghiên cứu, Mạt nhân thấy sách này khoảng 80% giống như những điều mà mình đã biết nên khi soạn quyển Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm, Mạt nhân lấy nó làm cái sườn để triển khai Mật giáo của Việt Nam cho có quy cũ hơn.

Tuy  nhiên, sách do Lama Lodo viết có vài điểm không giống như điều mà Mạt nhân đã học, nhưng không có nghĩa là Ngài sai! Nói chung, không có khác biệt chi mấy giữa hai loại truyền thừa này. Chẳng hạn như chư Bồ tát Ba la mật (Phật mẫu) chỉ hầu cận đức Phật Chủ của mỗi Bộ chớ không có ôm nhau trong tư thế Phụ mẫu như của Phật giáo Tây Tạng chủ trương. Vả lại, kinh văn của Phật giáo Tây Tạng có sự sắp đặt chư Phật mẫu không giống như của Kim Cang Giới Mạn Đà La. Cũng như dùng chủng tử HRIH thay vì chủng tử AH, hoặc AM. Đứng trên mặt phán giáo mà xét thì giáo lý cứu độ Thân Trung Ấm của Ấn Độ và Tây Tạng thuộc Liên Hoa Bộ, còn giáo lý nầy ở Việt Nam thì thuộc Phật Bộ, cho nên chủng tử được sử dụng cũng có sai khác. Tuy nhiên, cả Liên Hoa Bộ và Phật Bộ trên bản chất vốn không khác nhau, nhưng trên phương diện độ sanh thì nó có khác biệt. Thai Tạng Giới chủ trương chỉ có ba bộ đó là Phật, Liên Hoa và Kim Cang (dựa trên kinh Đại Nhựt, thứ lớp triển chuyển), còn Kim Cang Giới lại chủ trương cả thảy ngũ bộ (dựa vào 18 Pháp Hội Du Già của Kinh Kim Cang Đảnh). Vì các điểm khác biệt kia trên bề mặt, Mạt nhân không ngần ngại chua thêm vài lời chú thích để quí Ngài tiện dịp nghiên cứu và tu tập.

Nguyên sách nói về Thân Trung Ấm ở Việt Nam đã có một bổn do Cư sĩ Liên Địch Nguyên soạn bằng Hán văn cho các cư sĩ tu theo pháp môn Tịnh độ dùng để tu học và hộ niệm, sách nầy được Sa môn Thích Quang Phú dịch ra Việt văn năm 1968. Sách nầy chỉ nói sơ lược, có lẽ Liên cư sĩ tin tưởng sự tu học của người đương thời khả dĩ lãnh hội được cho nên chỉ viết những điều khái quát.

Quyển thứ hai do dịch giả Trần Ngọc Anh chuyển dịch từ tiếng Âu  Mỹ sang Quốc ngữ năm 1993 và tái bản lần thứ hai do nhà xuất bản Thế giới đảm trách. Sách nầy cũng nói sơ lược, và phạm phải rất nhiều lỗi lầm nghiêm trọng của Samaya!

Thứ nhứt là do chuyển dịch nhiều bận, nên “tam sao thất bổn.”

Thứ hai là các danh từ chuyên môn của Mật tôn bị bóp méo có lẽ bản thân dịch giả không có tu tập theo Mật pháp mà ra, chẳng hạn như: “Ngài Tổng thể Phật” chánh Phạn là “Samantabhadra” tức là đức Phổ Hiền – “Yếu tố lửa” phải dịch là “hỏa đại”, các “yếu tố” khác cũng phải dịch là “đại” -  “Mẹ Không Tiến Nữ”, chánh Phạn là “dakini” trong Mật giáo Việt Nam thường dịch là “Mẫu kiết ni”. “Thực tại Mẫu, Thực Tại Hậu Duệ” đã là thực tại thì làm sao có mẹ và con? “Thiên thể” để chỉ cho các “bậc thần linh”! Chữ “thực trạng”, “tình trạng” phải được thay thế bằng “cảnh giới.” “Thánh Thể Cha Mẹ”, “Cha Mẹ Bạt Già Phạm”? – “Sư Tử ở nước” phải dịch là “con sấu”… Nhưng, ở đây Mạt nhân không phải làm cái chuyện bình phẩm người và sách, nhưng nghĩ thương cho dân Việt vốn không biết, nay lại bị những sự sai lầm gieo trong tâm thức thì thật là tội biết dường bao!

Vẫn biết rằng viết sách Mật tông là một sự liều lĩnh, nhưng vì muốn lợi ích cho hết thảy dân Việt, và cũng để đền đáp công ơn dạy dỗ của cố Hòa thượng Thường Huệ và A xà lê Viên Đức, Mạt nhân quyết định thành lập tác phẩm có một không hai nầy cho Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mật tông Việt Nam, quyển Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm được thành toàn, nhưng Mạt nhân không hướng dẫn quí Ngài tái sanh trở lại kiếp người, chỉ hy vọng quý Ngài đạt được sự giải thoát viên mãn.

Chư sư người Tây Tạng đã có truyền thống tái sanh, quí Ngài muốn chứng minh cùng thế giới rằng tái sanh là chuyện thật, không phải là ức đoán của hạng cuồng ngu. Ai muốn trở lại cõi nầy tu tập, hoặc dìu dắt chúng sanh thì hãy đem lòng chí thành, bỏ hết thân tâm cầu Đạo với chư chân sư Tây Tạng, vì ngày nay chư sư Tây Tạng cũng có nhiều bê bối.

Rất nhiều người cho rằng không cần phải tu tập, miễn có sách nầy đọc khi chết thì đủ để được giải thoát. Mạt nhân không đồng ý với quan điểm nầy. Phật giáo không chủ trương khoác lác, hứa hẹn suông, mà chú trọng nhứt là sự tu tập. Không tu mà được giải thoát thì chỉ có các bậc Thượng địa Đại Bồ tát thị hiện mà thôi, kỳ dư tất cả mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai, nếu muốn giải thoát thì phi con đường tu tập, quyết không thể nào giải thoát! “Phải tự thắp đuốc lên mà đi!” “Chư Phật là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành.” Mạt nhân chưa từng nghe, thấy có vị Phật nào không tu mà thành được đạo Vô thượng Bồ đề vậy.

Nếu có ai đọc sách nầy, nhứt tâm y pháp đây tu hành mà bị đọa lạc vào ba đường ác, tôi, Nguyễn Pram, pháp danh Thiện Thọ, pháp hiệu Pháp Định, nguyện sẽ thay thế cho mà chịu những sự đau khổ, nhẫn đến thay thế chịu khổ nhọc trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp nơi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, đến khi nào bậc Chánh tín kia được thành Phật, nhập Vô dư Niết bàn, thì sau đó, tôi sẽ tự vun trồng thiện căn trong vô lượng trăm ngàn vô số kiếp rốt sau sẽ được Vô thượng Bồ đề.

Mạt nhân nay thành tâm, năm vóc sát đất, cúi dâng sách Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm đến quí Ngài ngự lãm. Sau khi nghiên cứu kỹ, xin quí Ngài hãy tự mình rút ra những điều đã được học trong sách mà viết một nghi quỹ cho riêng mình để tu tập, và dự phòng khi ra đi thân nhân biết được cách thức trợ giúp. Xin quí Ngài chớ cô phụ lòng kỳ vọng của Mạt nhân. Mong thay!

Hỡi chư Phật trong tương lai! Con nay xin qui mạng chư vị, xin thương xót con, luôn nghĩ tưởng đến con!

Soạn giả:

Nguyễn Pram

Bồ tát giới tử:

Thiện Thọ

Du già hành giả Pháp hiệu:

Pháp Định

 

Cái lạ của đạo Phật là càng bị áp bức, càng bị đau khổ chừng nào thì càng khiến cho Bồ tát và quyến thuộc của Ngài (những bậc cùng chí hướng, mới phát tâm được Ngài hướng dẫn, chứ không phải thứ bà con ruột thịt tầm thường) mau xuất hiện chừng nấy. Ngày nay ở Việt Nam cũng không thiếu gì Bồ tát dùng Tâm đại bi và sức phương tiện mà sanh vào nhà của những người Cộng Sản quyền cao, chức trọng để chuyển hóa lần lần kiến chấp tà vạy của Cha ông, khiến Cha ông chúng theo về với chánh pháp.  Đây chỉ là do cộng nghiệp cùng nhân duyên mà thôi. Khi nào thời cơ chín mùi, thì sẽ có các trang nam tử, các hàng nữ nhân từ trong lòng Cộng sản đứng lên quật lại bọn Cộng sản ngoan cố để cứu độ sanh linh đồ thán. Nói cách khác, nếu Cộng sản diệt Phật giáo đồ, thì chính là tự diệt con cháu mình luôn! Không cần phải dụng binh mà tự thành, là nghĩa nầy vậy. Nhưng đây là việc về sau của thế kỷ XXI…

Giới Thiệu Tổng Quát

***

Chúng sanh trôi nổi trong dòng sanh tử luân hồi cũng vị vọng tưởng mà sanh điên đảo. Vọng tưởng số kia vô lượng vô biên đồng như chư Pháp. Chư Pháp tuy nhiều đến số vô lượng vô biên nhưng tựu trung chỉ trong hai loại đó là Pháp thế gian và Pháp xuất thế gian hoặc Thánh pháp.

Pháp Thế Gian

Pháp thế gian thì không có giới hạn, nhưng theo như lời của đức Đại bi Thế Tôn thì tất cả Pháp thế gian đều xuất phát từ trong năm nhóm mà chúng ta thường thấy trong nội điển gọi là Ngũ uẩn (Skandhas).

Ngũ uẩn chính là:

1 - Sắc: Hình tướng, nói chung là phần vật chất.

2 - Thọ: Cảm giác. Cảm nhận sự khoái lạc và đau khổ, buồn phiền hay dửng dưng tức là xả,

3 - Tưởng:  Trí giác tức là kiến v.v…

4 - Hành: Hành động thi vi của tham, sân, tín, huệ v.v… mà tạo ra Nghiệp nhân vô cùng,

5 - Thức: Thường thì có Tám, đó là: Nhãn (caksur), nhĩ (srotra), tỷ (ghrana), thiệt (jihva), thân (kaya), ý (mano), Mạt na (klistamanas) và A lại da (alaya: còn gọi là nghiệp thức hoặc Thần thức; thức nầy rất khó hiểu nó là cái kho thiện ác và vô ký của Nghiệp, chính từ nó mà hiện tượng giới lưu xuất, nó không rời Chân như, nên có chỗ gọi là Chân như tại triền là chỉ cho Thức vi tế nầy). Theo Mật tông thì có thêm Thức thứ chín đó là Vô cấu thức (amala) hoặc Chân thức, bởi vì nó thanh tịnh và vô cấu nhiễm, nên có nơi gọi nó là Như Lai xuất triền, nó chính là chân như (tathata) vậy.

Chín thức nầy không bao giờ thiếu vắng trong thân thể của một chúng sanh trong Mười Pháp giới (từ các chúng sanh tối ngu như ở địa ngục đến các bậc Đại giác như chư Phật).

Lòng tin sai lầm vào cá tính hay cá nhân phát khởi từ sự phát minh ra một cái NGÃ ở trên hay bên ngoài năm nhóm (Uẩn) nầy.

Lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý) và Lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) tạo ra 12 Giới, 18 Xứ, và ba Đường, Sáu nẻo. Đây là hiện tượng của ảo tưởng sanh tử luân hồi.

Xuất Thế Gian Pháp

Xuất thế gian pháp cũng có vô lượng vô biên, nhưng tựu trung cũng không ngoài Ba thừa đó là:

1/ Thanh văn, Duyên giác thừa, hoặc Tiểu thừa.

2/ Bồ tát thừa, hoặc Đại thừa.

3/ Bí mật thừa, hoặc Tối thượng Kim cang thừa, hoặc Đại Bất Tư Nghì Thành Phật Thần Thông thừa.

Nên nhớ, giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn tuyên thuyết so với giáo pháp của đức Bất Động Như Lai chỉ là một phần nhỏ mà thôi, hà huống là giáo pháp của tất cả Như Lai nơi pháp giới. Lời nói trên, vốn từ nơi Cưỡng Thuyết Môn mà lập, chớ kỳ thật thì giáo pháp của chư Phật thậm thâm bất khả tư, bất khả thuyết, vượt ra ngoài ngôn ngữ của thế tục. Xin quý Ngài chớ chấp trước vào Tam Tạng kinh điển, rồi cho là mình là bậc đa văn, biết hết hiểu khắp.

Thân Trung Ấm

(Antarabhava)

Thân Trung Ấm (kinh Đại Bảo Tích chủ trương) còn có tên là Trung Hữu. Sau cái thân Tử Hữu trước cái thân Sanh Hữu, chính giữa có cái thân Ngũ ấm tên là Trung ấm, tức là nó dùng cái ngũ ấm dị thục để làm thể giữa cả lục thú; ngoại trừ chúng sanh ở Vô sắc giới, vì chỉ có 4 uẩn: Thọ, tưởng,  hành và thức. Kỳ dư tất cả các chúng sanh khác đều có cái thân đủ 5 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Song cái hình tượng hoặc lớn hoặc nhỏ đều như cái lượng của thân bổn hữu. Nói cách khác thì Thân Trung Ấm là giai đoạn chuyển tiếp thân cũ và thân mới. Kinh nghiệm quá khứ đã qua, kinh nghiệm tương lai chưa đến, do đó có một khoảng trống giữa hai kinh nghiệm nầy tạm gọi đó là Thân Trung Ấm.

Thân Trung Ấm còn gọi là Bardo theo tiếng Tây Tạng (đây là do Ngài Liên Hoa Sanh chủ xướng). “Bar” có nghĩa là “ở giữa”, “do” có nghĩa là “hòn đảo” hoặc “biên giới”. Với ý nghĩa nầy thì Bardo là giai đoạn chuyển tiếp giữa ổn kiện và sự bất ổn của tinh thần, hoặc của giai đoạn điên đảo và điên đảo bắt đầu chuyển hóa thành trí tuệ; và dĩ nhiên nó cũng mang một ý nghĩa là đại diện cho cảnh giới giữa chết và sống.

Trong thực tế có sáu (6) thứ Thân Trung Ấm:

a. Thân Trung Ấm lúc còn sống và hoạt động (Kye Ne Bardo hoặc Bardo of Life): Nó bao gồm những kinh nghiệm huyễn hóa khi còn sống. Nó bao gồm cả những hành vi thiện và ác, tích cực và tiêu cực trong khoảng thời gian của một chúng sanh lúc bắt đầu mới cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc hơi thở cuối cùng đi ra.

b. Thân Trung Ấm trong giấc chiêm bao (Milam Bardo hoặc Bardo of the Dream State): Nó bao gồm tất cả những hoạt động của tinh thần trong lúc thân thể vật chất ở vào tình trạng ngủ bao gồm cả khi ngủ mê do thuốc, hoặc do chấn động gây ra.

c. Thân Trung Ấm khi tĩnh lự/ thiền (Samten Bardo hoặc Bardo of Meditation): Nó bao gồm những kinh nghiệm nội chứng từ cảnh giới thấp (nhứt tâm bất loạn) đến đạo quả Vô thượng Bồ đề.

d. Thân Trung Ấm đương lúc chết còn gọi là Tử Hữu (Chikai Bardo hoặc Bardo of the Process of Death): Đây là chỉ cho giai đoạn từ khi một cá nhân bắt đầu trút hơi thở cuối cùng cho đến khi thân tâm đã bị  phân tán. Giai đoạn nầy xảy ra trong khoảng bảy (7) đến tám (8) giờ đồng hồ, lâu nhứt là một ngày, rồi Thân Trung Ấm chuyển qua giai đoạn kế.

Không một ai trên thế gian này thoát khỏi nó dù cho kẻ đó là tiên, là thần, là trời đi nữa. Cho nên chúng ta cần phải đem hết nỗ lực ra để chuẩn bị cho những nỗi khó khăn, những bức não, khổ đau mà chúng ta chắc chắn sẽ kinh nghiệm một ngày không xa.

Nên nhớ, rất có ít người chết trong an lành, trong những đau đớn mà chúng ta đã trải qua trong đời thì không có đau đớn nào hơn khi Lục đại (đất, nước, gió, lửa, hư không và thức) tan rã (có nơi bỏ Hư không đại và Thức đại nên gọi là Tứ đại).

Hầu như không ai mà chẳng muốn sống, thậm chí có rất nhiều người không dám liên tưởng đến cái chết. Đối với những người có trình độ tâm linh thuộc loại thấp thì cái chết là một mối đe dọa rất khủng khiếp. Còn đối với bậc tu hành có đời sống tâm linh cao thì cái chết là một điều đáng mừng, vì nghiệp cũ đã xong, thân tàn đáng bỏ, chính vào lúc ấy, cùng với Tam thân Phật hiển lộ và hiệp nhứt thì còn chi vui sướng cho bằng. Nhưng ở đời, thử hỏi bậc có trình độ tâm linh cao được bao nhiêu vị?

Khi cái chết nó đến với chúng ta thì dù cho cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, tôi tớ v.v… có yêu mến chúng ta đến đâu đi nữa cũng không thể nào chết thế cho mình được, huống là của cải, bạc tiền, danh vị ở đời…

Chết là điều hiển nhiên và chắc thật.

Rồi, ai trong chúng ta cũng phải chết!

Kìa như Đức Đại Bi Thế Tôn Thích Ca,

Ngài cũng thị hiện bỏ thân vào Niết Bàn.

Các bậc tu hành đắc đạo cũng vậy,

Không ai mà chẳng trải qua cái chết.

Thử hỏi chúng ta làm sao mà chẳng chết?

Nhưng than ôi! Có lắm kẻ ngu si ráng kéo dài kiếp sống trong vô  nghĩa, họ ôm ấp bị thịt của mình mong cho nó chậm già nua bằng cách tập luyện thể dục, du già, hoặc thoa tẩm, uống ăn các chất thuốc để “kéo dài tuổi thọ”, để được “trường sanh bất tử”. Nghe ở đâu có chùa, đình, tháp, miếu, nhà thờ nào “linh ứng” thì họ chẳng quản đường xa, chẳng ngại tiền bạc, ùn ùn, xông xáo tìm đến hầu mong hối lộ thần thánh và đám tu sĩ dựa danh tôn giáo, tín ngưỡng để sống qua ngày. Họ đinh ninh rằng những người đó sẽ giúp cho họ sống an vui mà hưởng hết “số trời” và khi chết sẽ về cõi họ mong muốn. Ôi! Điên đảo lắm thay, nhưng rồi người ta cứ làm mãi hết thế hệ nầy đến thế hệ khác!

Cái chết là hậu quả chắc thật của thân nầy. Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để đối đầu với cái chết hữu hiệu  nhứt?

Trên căn bản thì có hai cách. Cách thứ nhứt là tu tập theo Chánh pháp của đức Phật Đà với lòng Đại Từ Bi xót thương tất cả chúng sanh. Cách thứ hai là phải đặt hết lòng tin vào Chánh Pháp. Với hai cách nầy chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại khi cái chết đến.

d. Thân Trung Ấm sau khi chết còn gọi là Trung Hữu (Chonyi Bardo hoặc Bardo of After Death): Thân Trung Ấm khởi sự khi vọng tâm trở về với bản thể của nó. Giai đoạn nầy rất quan trọng, nó xảy ra trong khoảng bảy (7) ngày sau khi chết. Thân Trung Ấm sẽ trải qua những kinh nghiệm về ánh sáng/ quang minh.

e. Thân Trung Ấm đi tìm thân sau để đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi còn gọi là Sanh Hữu (Sipai Bardo hoặc Bardo of the Search for Rebirth in Samsara): Giai đoạn nầy xảy ra khi vọng tâm bắt đầu chấp lấy một thể xác khác để đi đầu thai.

***

Ba thứ Thân Trung Ấm sau sẽ được trình bày cặn kẽ hơn vì nó là điểm chủ chốt để cứu độ vong nhân.

Tuy nhiên, muốn hiểu về Thân Trung Ấm thì cần phải hiểu về Thần thức hoặc A lại da thức. Thức nầy ở thể động gọi là Như Lai tại triền, tức là chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử luân hồi. Thức nầy có công năng huân tập các chủng tử thiện ác, và biến hiện ra Ba cõi, Sáu đường, thông suốt cả Thập pháp giới. Khi Thức nầy trở về thể tịnh thì không còn gọi là A lại da thức mà gọi là Vô cấu thức, còn gọi là Như Lai xuất triền, chúng sanh nào thân chứng được cảnh giới của Vô cấu thức thì gọi là Phật Thế Tôn. Vì tầm quan trọng của Thần thức chi phối cả cuộc đời chúng ta hiện nay, đương lúc lâm chung, sau khi chết nhẫn đến khi thành Phật, cho nên, người trí cần phải thông đạt Thức vi diệu nầy.

Khổ nỗi, căn cứ vào Kinh Lăng Già Tâm Ấn  (Duy thức tông) thì chỉ có hàng Viễn hành địa (Thất địa) Đại Bồ tát trở lên mới có thể hiểu thấu hoạt động của nó mà thôi! Thế nên, Mạt nhân sẽ trích một phần của Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội Hiền Hộ Trưởng Giả để làm sáng tỏ nghĩa nầy. Nhưng, nên nhớ, Tôn Kinh đây dạy cho chư vị Quyền Thừa Bồ tát chớ không dạy cho phàm phu. Kinh nầy do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Mạt nhân có sửa đổi chút đỉnh, có lẽ do người sắp chữ, hoặc đánh máy sai vì không biết rõ Phật pháp vậy, chớ không dám “đánh trống qua cửa nhà sấm.”

Thần Thức
(Alaya-vijnana/A lại da thức)

KINH VĂN:

… Trưởng giả Hiền Hộ bạch rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh biết mình có Thần thức. Mà Thần thức nầy như cái hộp báu lúc chưa mở ra thì chẳng biết trong đó có báu gì?

Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức ấy tướng mạo ra sao? Do duyên cớ gì gọi là Thần thức? Lúc mạng căn các căn sắp diệt, Tứ đại sắp phân tán, Thần thức ấy không tay,không chân,không mặt,không mắt thì làm sao từ trong thân dời ra được.Thần thức ấy màu gì, hình gì? Từ trong thân làm sao rời lìa được Thần thức ấy? Thế nào xả bỏ thân nầy thành tựu thân khác? Thế nào là xả bỏ các Đại, các Nhập nầy mà hướng đến đời sau? Thế nào thành tựu nhiều thân sai khác? Nay người đã chết các Nhập vị lai thế nào tùy thuận? Thế nào đời này tạo căn lành đời vị lai thọ quả báo? Thế nào đời nay các Ấm, Nhập nầy tạo các căn lành mà đời sau các Ấm, Nhập khác thọ lấy quả báo? Thế nào Thần thức nầy được thân nơi chỗ kia? Thế nào các Nhập hình thể theo chỗ kia?

Đức Phật dạy:

Lành thay, lành thay, đúng như lời ông hỏi. Nầy Hiền hộ! Nay ông nên chí tâm lắng nghe lãnh thọ. Ta sẽ vì ông mà nói Thần thức đến đi dời dứt .

Nầy Hiền hộ! Ví như Phong đại không hình sắc chẳng nhìn thấy được, nhưng do nhân duyên mà hiện hình sắc. Nó hiện hình sắc như thế nào? Như gió thổi  động các cây cối, thồi chạm vào vách núi bờ sông phát ra tiếng, do nhân duyên lạnh nóng sanh ra gió nên có thể cảm thọ được, mà hình thể gió ấy chẳng thấy được, cũng chẳng thấy được tay, chân, mặt, mắt ra sao, nhưng trên các hình sắc nó có tác dụng tăng ích hơn lên, hoặc đen, hoặc trắng.

Thần thức giới nầy cũng vậy, chẳng thể dùng màu sắc thấy được cũng chẳng đến hình sắc, chỉ do chỗ sở nhập làm ra hình thể mà hiện màu sắc.

Tại sao nơi chỗ kia Thức giới nầy được tên là thọ xúc pháp giới? Lại thế nào Thức giới nầy bỏ thân nầy rồi sau đó thọ ái xúc v.v…?

Ví như Phong giới hay dời hơi hương nên biết mùi hoa nầy theo gió thổi lại. Nhưng thiệt ra Phong giới ấy chẳng mang mùi hoa đến cũng chẳng phải không gió mà mùi hoa hay đến. Hương ấy không có sắc, gió ấy cũng không có sắc, căn ngửi mùi kia cũng không có sắc.

Cũng vậy, người chết kia Thần thức sắp dời giữ lấy xúc, thọ, v.v… và các giới rồi có dời kia, do Phụ mẫu hòa hiệp rồi sau biết được có Thức, do có Thức thì biết có Thọ, có Xúc hòa hiệp mà thành.

Ví như người khỏe mạnh, Thức cường thắng nên có căn ngửi hương, vì có căn ngửi hương mạnh nên có hương mạnh. Vì có hai xứ thắng nên có hai sự thắng có thể thấy được. Hai sự thắng là Sắc và Xúc.

Vì gió kia nhiều nên mùi hoa cũng nhiều. Cũng vậy vì Thức lớn nên Thọ cũng lớn, vì Thọ lớn nên Thức cũng lớn, vì Thức lớn nên các Giới cũng lớn mà chẳng biết đây là thiện, đây là ác vậy.

Ví như họa sư đã thành tựu giỏi rồi thì bản họa tùy ý muốn phát xuất để làm liền có thể thành ý hiểu tốt, nên tùy màu sắc đều làm được. Nhưng, họa sư ấy nếu không có màu sắc thì không thể hiện thành màu sắc. Cũng vậy, Thức ấy thành tựu sáu sắc căn:

1 – Nhân nhãn (mắt) thấy sắc mà  có Nhãn thức (caksur-vijnana), nhân nhãn thấy sắc, mà thực ra không có sắc;

2 – Nhân nhĩ (lỗ tai) nghe thanh mà có Nhĩ thức (srotra-vijnana), nhân nghe, mà thực ra không có sắc;

3 -  Nhân tỷ (mũi) ngửi hương mà có Tỷ thức (ghrana-vijnana), nhân ngửi, mà thực ra không có sắc;

4 – Nhân thiệt (lưỡi) nếm vị mà có Thiệt thức (jihva-vijnana), nhân nếm, mà thực ra không có sắc.

5 – Nhân thân giác xúc mà có Thân thức (kaya-vijnana), nhân chạm xúc, mà thực ra không có săc;

6 – Nhân ý phân biệt mà có Ý thức (mano-jnana), nhân phân biệt, mà thực ra không có sắc;

Những cái được biết ấy cũng không có sắc. Nên biết trong cảnh giới ấy cũng không có sắc. Theo thứ đệ như vậy, nên biết [Thần] thức ấy cũng không có sắc. Phải quán sát như vậy.

Nầy Hiền hộ! Ông hỏi [Thần] thức nầy bỏ thân đến đời kia như thế nào?

Nầy Hiền hộ! Lúc mạng chung, Thức nầy do nghiệp nắm giữ. Lúc nghiệp và mạng ấy hết, ví như người nhập tịch diệt tam muội có thân thức, Thức nầy diệt rồi sau nhập ở trong tịch diệt định. Cũng vậy, Thức nầy ở bên người chết xả thân và các Đại xả rồi, chỉ có niệm lực biết như vầy: Tôi là tên… họ… đó.  Phàm khi người xả thân có hai thứ:

1. - Một là chánh niệm;

2. – Hai là xúc.

Mà lúc người ấy mạng chung nên thân có Xúc, hai Thọ:

1. - Một là thân thọ;

2. – Hai là niệm thọ,

Sau khi chết, niệm có Xúc.

Lại nữa, ông hỏi Thức ấy nghĩa là gì?

Nầy Hiền hộ! Như có hột giống hay mọc mầm, từ Trí sanh Thức thì gọi là Niệm. Thế nên Trí  hay sanh gọi là Thức, rồi sau trở lại thọ nơi xúc. Vì trí biết khổ, lạc nên gọi là Thức, sau lại thọ thiện ác, cũng có thể biết cảnh giới thiện ác nên gọi là Thức, như hột mọc mầm thân ấy thành tựu, nên gọi là Thức.

Lại nữa, Thức nầy thế nào, bỏ thân đây rồi đến kia?

Nầy Hiền hộ! Ví như trong gương soi hiện thân hình, lại như trong khuôn đất đúc ra thân hình, lại như lúc mặt nhựt mọc hay diệt trừ tối tăm, mặt nhựt ấy lặn rồi thì tối trở lại, nhưng mà tối ấy không có chỗ thường định, chẳng phải không có chỗ thường định, nhưng tối ấy không có sắc, không thọ chẳng thấy được. Cũng vậy, Thức nầy sanh thân rồi như tối rời sáng, thân sanh cũng vậy, người ấy chẳng thấy Thức thọ thân nầy. Ví như phụ nhân thọ thai, mà chẳng biết thai tôi mang đây là nam hay nữ, là đen là trắng, các căn đủ hay chẳng đủ, tay chân ngay thẳng hay chẳng ngay thẳng, mà kẻ ở trong thai hoặc vì ăn nóng [hoặc lạnh] chạm xúc nên liền máy động. Cũng vậy, Thức nầy đến đi co duỗi cùng chung với mắt mở nhắm, do các nghiệp tạo ra từ trước, nên có những cảnh giới, tức nơi cười nói v.v… các việc phát sanh mà biết được Thức an trụ trong sắc thân. Nhưng các chúng sanh chẳng biết Thức ở trong sắc thân ta hình thể gì.

Nầy Hiền hộ! Các cõi và Thức cảnh giới, sáu (6) căn [nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý] là sáu (6) Giới xứ [sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp].

Có bốn (4) Đại xứ [đất, nước, gió, lửa].

Có năm (5) Ấm xứ [sắc, thọ, tưởng, hành và thức].

Ông nên biết cảnh giới Thức cũng như vậy.

Nầy Hiền hộ! Ví như người gỗ do một cơ quan mà tác động, tất cả việc chạy nhảy và hiện ra các thứ múa men. Ý ông thế nào, có duyên cớ gì mà người gỗ làm các sự ấy?

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chỗ hỏi của Như Lai chẳng phải cảnh giới của tôi, tôi không có trí để đáp được.”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Sự kia là do sức trí huệ khéo mà làm ra các sự việc, mà việc khó ấy không có sắc do trí sanh ra. Cũng vậy, thân người nầy do Thức khéo mà sanh ra, mà các thứ  thân do Thức làm ra, Thức nầy tạo thân nên sanh ra, nhưng Thức nầy không thể cùng tận. Như do pháp giới huân tu nên các thân từ xưa trước ý ức niệm thành tựu. Ví như ánh sáng mặt nhựt soi đến các tử thi tanh hôi dơ dáy mà không bị ô nhiễm, nhưng hôi dơ ấy chẳng lìa ánh sáng mặt nhựt. Cũng vậy, Thức nầy sơ sanh tại hôi dơ, do ăn uống các vật bất tịnh [máu huyết của mẹ] thậm chí, lại ở trong bụng chó heo mà thọ thai, mà Thức nầy chẳng bị ô nhiễm [Amala-vijnana: vô cấu thức].

Lại nầy Hiền hộ! Thức nầy xả thân rồi tùy theo nghiệp thiện ác đã làm. Nghĩa nầy là sao? Sau khi bỏ thân thể nầy, Thức liền thọ lấy tội phước kia. Ví như Phong giới từ đầu núi phát xuất đến rừng chiêm bặc, vì xúc chạm nên gió ấy thọ mùi hương vi diệu, rồi đến chỗ hôi dơ có các tử thi, tùy đến nhiều chỗ, gió ấy nhận lấy nhiều mùi. Như gió ấy mang các mùi kia đi qua, mà gió ấy không sắc, các mùi kia cũng không sắc. Cũng vậy, xả thân nầy rồi Thức ấy mang thiện ác mà dời theo thứ đệ mà đi. Thức ấy muốn dời đi, dường như người chiêm bao biết có tất cả các vật mà thân chẳng dời bổn xứ. Cũng vậy, có phước cũng sanh, lúc Thức muốn dời đi, dường như chiêm bao thấy có các sự vật, nhưng Thức ấy chẳng từ yết hầu đi ra, chẳng từ lỗ lông mà đi ra, lúc Thức ấy ra cũng chẳng tìm các lỗ [yết hầu, các lỗ chân lông]. [Đây là chỗ lập cước của Duy thức và Mật tông về Thần thức khi xuất ra khỏi thân.]

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Như trứng gà, trứng ngỗng, Thức ở trong vỏ, vỏ ấy không có lỗ, làm sao biết có Thức riêng khác, trứng ấy không vỡ, Thức ấy làm sao dời đi?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Ví như dùng các thứ hoa chiêm bặc v.v… ướp mè đen cho thục, rồi ép lấy dầu mà gọi là dầu chiêm bặc v.v… Hơi hương của hoa chẳng phá hoại hột mè đen, mà hơi hương nhập vào, hương ấy chẳng dính lấy mè, nhân nơi mè và hoa hòa hiệp mà hơi hương dính lấy nhau, hơi hương chẳng tìm lỗ bên hột mè để chui vào. Nhân nơi hai thứ hoa mè mà hơi hương dời đổi. Cũng vậy, Thức nầy chẳng phá hoại vỏ trứng mà nó chuyển dời, ông phải biết như vậy.

Lại nữa, Thức ấy chẳng dời đổi, ví như ánh sáng của mặt nhựt, lửa và ma-ni-bửu (cintamani) v.v… phải thấy biết như vậy.

Lại nữa, Thức ấy dời đổi dường như hột giống gieo trong đất, mọc ra mầm, cây, lá, hoa quả hoặc trắng, hoặc đỏ, hoặc đen đều riêng tự có vị lực thành thực, mà Địa giới ấy vẫn là một, thủy, hỏa, và phong cũng vẫn là một. Cũng vậy, Thức nầy có một Pháp giới mà thành tựu thân trong tất cả các cõi rồi sau mới sanh, hoặc đen, hoặc trắng, hoặc đỏ, hoặc các màu sắc, hoặc bổn tánh cang cường, hoặc bổn tánh điều nhu.

Lại nữa, lúc mạng chung Thần thức nầy xả thân thành chủng tử của thân sau sắp làm thành thân thể, tay, chân v.v… mà đương thời chưa có Thân phần, nó bỏ địa phận nầy mà lấy Pháp giới phần, các giới ấy cùng hòa hiệp với niệm, nhưng niệm ấy do sức tín kính nên hòa hiệp với Niệm pháp giới, giữ lấy Thức chẳng rời lìa Thức mà pháp giới có thể thấy được, cũng chẳng rời lìa pháp giới mà Thức có nhân, nhưng Thức ấy được phong lực trợ giúp, tự có các pháp giới khác đều là vi diệu, đó là Niệm giới, Thọ giới, Pháp giới, Sắc giới vậy.

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức ấy thế  nào có sắc?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Phàm có hai thứ sắc là:

1. Nội sắc

2. Ngoại sắc.

Nội sắc là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý vậy.

Ngoại sắc là gì? Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp vậy.

Nầy Hiền hộ! Như người sanh manh, ban đêm trong chiêm bao thấy những sắc đẹp tối thắng, tối thượng của cõi trời, thấy rồi người nầy sanh lòng hỷ lạc tối thắng. Thức giấc không còn thấy, đến sáng nói với mọi người rằng: Trong đêm rồi tôi chiêm bao thấy thân hình phụ nữ đoan chánh tối diệu tối thượng, lại thấy trượng phu số đông trăm ngàn, tôi còn thấy vườn hoa, rừng cây v.v…

Người sanh manh ấy thuật rõ cảnh tượng người vật đã trông thấy trong giấc chiêm bao mà mọi người chẳng thấy. Ý ông thế nào? Người sanh manh ấy chiêm bao tại sao được thấy?

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Lành thay, bạch đức Thế Tôn! Xin vì tôi mà nói sự ấy, tại sao được thấy?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Bởi nhục nhãn nhân trí lực mà người sanh manh ấy ở trong chiêm bao được thấy, chẳng phải thiệt mắt thấy.

Nầy Hiền hộ! Như người chiêm bao thấy sắc chánh niệm chốc lát, người chết thấy nội sắc cũng như vậy.

Nầy Hiền hộ! Ta lại vì ông mà giải nói Thần thức người chết dời đổi như chủng tử.

Ví như chủng tử gieo xuống đất thọ lấy tứ đại, Thần thức nầy thọ chánh niệm rồi, thọ xúc thọ rồi, thọ thiện, bất thiện rồi, xả thân rồi sau đó mới dời. [Tử Hửu].

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào Thần thức nầy thọ thiện và bất thiện rồi sau đó Thần thức nầy mới dời?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Ví như ma-ni bửu theo bóng sắc mà biến đổi. Nếu để ở nơi bóng đen thì hình ma ni biến thành đen, nếu để ở trong bóng trắng thì nó biến thành trắng. Tùy ở chỗ bóng hình thế nào thì ma ni bửu ấy liền biến đồng màu sắc ấy. Thần thức nầy thọ thiện và ác liền dời đi cũng như vậy.

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức nầy thể chất gì mà hiện?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Thần thức nầy vô hình không có chỗ tụ họp không có chỗ tích trữ, cứu cánh không thể được, chẳng thể nói được. Thần thức nầy có sanh, có diệt, có khổ não, cũng chẳng thể nói được.

Ví như từ hột sanh mầm cũng chẳng thể được. Chẳng phải hột hư sanh mầm, mà hột tốt kia mới sanh mầm được. Ý ông như thế nào? Hột sanh mầm ấy vốn ở chỗ nào? Là ở tại thân cây, hay ở tại lá, hay ở tại rễ, hoặc ở tại nhánh? Cũng vậy, Thần thức nầy ở tại thân thể không có nương ở chỗ nào, nó chẳng ở tại nhãn, chẳng ở tại nhĩ, chẳng ở tại, tỷ, thiệt, thân hay ý.

Cũng như từ một hột sanh mầm, hột sanh mầm ấy lấy thủ thọ làm gốc, vì ở chỗ kia tử nên liền thọ thai, thọ thai rồi liền có xúc. Như sanh mầm rồi y theo thời tiết mà có nhánh, lá, quả, liền có hột. Cũng vậy, Thần thức nầy trước tiên thành tựu thân thể, thân thể được thành tựu rồi Thần thức nầy không có chỗ an trụ mà cũng chẳng rời lìa Thần thức có thân thể.

Như từ trái chín có hột giống chẳng phải từ trái sống. Cũng vậy, lúc thân mạng nầy chung, từ trong thân thể Thần thức nầy hiển hiện. Do thọ hòa hiệp, do ái trói buộc, do niệm nắm lấy cùng hòa hiệp với thiện phan duyên hay với bất thiện phan duyên, do phong giới giữ lấy, trí huân theo nghiệp, nhân phụ mẫu hòa hiệp sau đó Thần thức nầy hiển hiện.

Ví như gương sáng tốt soi thấy hình mặt, chẳng phải không có mặt mình mà thấy được hình mặt, cũng chẳng phải không gương sáng mà có được hình mặt. Do gương sáng và mặt hai duyên hòa nên có bóng mặt, mà bóng mặt ấy không có sắc, cũng không có thọ, không có Thức. Tùy theo thân chuyển động thì bóng hình trong gương cũng chuyển động, như thân nói năng dời đổi, chuyển động, duỗi co, cúi ngửa, tùy theo động tác của thân bóng hình trong gương cũng có những tướng dạng như vậy hiển hiện.

Nầy Hiền hộ! Ý ông thế nào, bóng mặt ấy do sự gì mà hiện trong gương?

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật, bạch rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Do thân thể người đối với gương nên có bóng hình hiện trong gương. Tùy theo thân diện có sắc như vậy, bóng hình cũng sắc như vậy, hoặc các căn đủ hay chẳng đủ, trong gương cũng hiện ra bóng hình như vậy.

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Như trong gương sáng hiện có bóng hình, do vì có thân người mà bóng hình hiện ra trong gương sáng. Cũng vậy, Thân nầy nhân nơi Thức mà có Thọ, có Thủ, có Thức [7 thức], có  các Hành tư niệm thành tựu thân thể. Nói gương sáng ấy là nói duyên nơi phụ mẫu hòa hiệp. Nên biết, như thân diệt rồi không có Thức hình, như gương sáng kia đã  hiện bóng mặt xong rồi ở nơi nước trong lại thấy bóng mặt. Cũng vậy, Thần thức nầy xả thân rồi đến nơi kia lại thọ các ấm khác.

Ví như hột câu Ni-câu-đà, hoặc hột cây Ưu-đàm-bà-la v.v… dầu hột ấy nhỏ bé mà hay sanh ra cây nhánh rất lớn. Sanh ra cây nhánh rất lớn, rồi hột lại bỏ rời cây ấy mà đến sanh cây chỗ khác. Cũng vậy, Thần thức nầy vi tế không có hình sắc nhứt định sanh ra thân rồi lại bỏ để sanh ra các thân thể khác nữa.

Ví như các thứ hột lớn nhỏ, đại mạch, tiểu mạch, mè đen v.v… tùy gieo tại địa phương nào, nó liền ở nơi địa phương ấy bén rễ. Cũng vậy, Thần thức nầy ở trong thân chúng sanh dời đến chỗ kia liền có Thủ, có Thọ mà ở tại đó, hoặc thọ phước, hoặc thọ tội, từ đời nầy dời đến đời kia.

Như con ong mật, nó tìm mật trong hoa, lấy mật rồi bỏ hoa ấy lại dời đến hoa khác, hoặc bỏ hoa xấu dời đến hoa tốt, đậu trên hoa rồi, vui say hoa ấy lấy vị mật của hoa. Cũng vậy, Thần thức nầy do nhiều thiện căn hoặc thọ thân trời, bỏ thân trời, rồi do nghiệp ác, hoặc thọ thân các thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thọ rồi lại thọ thân khác nữa.

Nhưng, Thần thức nầy phải quán sát như thế nào?

Như hột Uất-kim-hương, hay hột Hoa-hồng-lam, hay hoa Phân-đà-lợi, hình thể nó tùy theo phần sắc bất định, mà trong hột nó chẳng thể thấy mầm cũng không sắc nhứt định. Nhưng hột ấy xuống đất được nước thấm nhuần liền sanh mầm, có mầm cây rồi sau mới sanh hoa, mà sắc hoa không thể thấy được nơi hột, cũng chẳng rời lìa hột mà có mầm cây và màu sắc. Cũng vậy, Thần thức xả thân nầy rồi sắp thành thân kia, trong khối thịt kia còn chưa có các căn huống là có các nhập, đã không các căn các nhập đâu được có thiên nhãn, thiên nhĩ, và thể chất hương vị xúc để được có biết. Đâu có thể biết rằng tôi ở lúc ấy làm nghiệp như vậy, thân thể quá khứ của tôi như vậy, chỉ nhân nơi Thức mà thọ.

Như con tằm, từ thân miệng nó nhả ra chỉ tơ làm kén bọc vấn thân nó rồi bỏ thân tằm đổi thành thân khác. Cũng vậy, Thần thức sanh thân rồi trở lại tạo nghiệp liền tự diệt thân dời đến nơi kia.

Như hoa sen sanh trong nước có sắc đẹp hương thơm, nhưng trong hoa không có thể chất nước ấy. Hoa sen ấy diệt rồi có địa phương nào đặt hột nó trong đó thì có sắc hương ở đó. Cũng vậy, chỗ Thần thức nầy được dời, Thọ cũng không dời, cái được dời ấy chỉ có pháp giới.

Như Châu-như-ý, tùy đến chỗ nào có cần vật gì thì tùy ý được có. Như ánh sáng mặt nhựt tự theo mặt nhựt, mặt nhựt đến đâu ánh sáng ấy cũng đến đó. Cũng vậy, chỗ mà Thần thức nầy được dời đến thì Pháp giới của Thọ, Tưởng v.v… cũng theo nó chẳng rời lìa.

Lại nữa, Thần thức bỏ thân nầy rồi lấy tất cả các hữu tụ họp lại, lấy rồi, không thịt không xương dời đến thân sau. Nó lấy các hữu và các xúc v.v… các việc dùng Thiên nhãn xem thấy Thọ và Thủ thiện ác.

Ví như những trái táo nhỏ, thiên-niên-táo, am-ma-la, ca-tì-đà v.v… lúc nó chưa thành tựu đều riêng có một vị, hoặc đắng, hoặc chua, hoặc ngọt, hoặc mặn v.v… Những trái ấy chín rồi tùy ở tại địa phương nào thì vị nó ở trong trái ấy. Hột nó dời đến chỗ kia thì đều riêng có vị ấy. Cũng vậy, Thần thức nầy dời đến chỗ nào thì nó tự có xúc theo dõi, phước và vô phước do hữu và niệm tự theo nó mà dời.

Lại nữa Thần thức nầy lúc xả thân nó nghĩ như vầy: “Nay tôi bỏ thân nầy”, nên gọi niệm  thức nầy là Thức. Vì biết nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, biết nghiệp nầy theo tôi mà đi, biết nghiệp nầy theo tôi mà đi, do vì biết như vậy nên gọi là Thức. Lại vì thân nầy biết tạo tất cả nghiệp nên gọi là Thức.

Ví như phong giới, hoặc có lúc lạnh có lúc nóng, hoặc có lúc theo hôi  mà có mùi, hoặc nhân thơm mà có mùi, nên biết đó là gió. Cũng vậy, thể chất của Thức nầy không có sắc, hoặc do sắc, do Thủ sắc làm nhân, hoặc Dục thủ làm nhân, hoặc Kiến thủ làm nhân, hoặc Trì giới cầu Báo thủ làm nhân, nhẫn đến Hữu và Thọ, nhân nơi Thọ mà thọ thân thể sắc thành tựu nên gọi là Thức.

Bấy giờ, trong đại chúng có một trưởng giả tử tên Chơn Nguyệt đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chấp tay bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cần phải quán sát sắc ấy, Thủ ấy, Dục thủ ấy, Kiến thủ ấy, và Giới thủ ấy thế nào?”

Đức Phật dạy:

Nầy Chơn Nguyệt! Phàm là người trí muốn biết những điều ông hỏi thì phải nên biết như vầy:

Nầy Chơn Nguyệt! Nếu có thiện sắc hay có phi thiện sắc từ nơi khối thịt phải quán sát gân, máu, mạch và khí mạch, sọ đầu túm lấy óc, ruột già, ruột non, phổi, tim, gan, cật/thận, tì, mật, các tạng phủ, mỡ, thịt, tủy, máu, đàm, nước mũi, nước bọt, hôi thúi dơ bẩn phi thường đáng sợ, lông, tóc, râu ria, da thứa gói che tụ họp, tụ rồi tất cả các sắc đều do bốn Đại làm thành. Bốn Đại ấy lấy sắc để làm thành thân thể nên gọi là Thủ sắc.

Nầy Chơn Nguyệt! Thân thể ấy do Phụ mẫu hòa hiệp thành cứng rắn đó là Địa đại, chất ướt lỏng đó là Thủy đại, hơi ấm nóng đó là Hỏa đại, động tác chuyển lay co duỗi đó là Phong đại, có hay biết đó gọi là thanh, hương, vị, xúc các giới, hay nhớ biết nên gọi là Thức [Đại].

Trưởng giả tử Chơn Nguyệt bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là lúc chết xả sắc giới? Thế nào Thần thức ra khỏi thân ấy? Thế nào thân lúc xả rồi nhớ biết như vầy: Đây là thân của tôi?”

Đức Phật dạy:

Nầy Chơn Nguyệt! Thọ thân nầy lúc đương còn, thân nghiệp đã hết thì xả các Đại. Ví như đem sữa hòa với nước dùng lửa đun nấu. Do vì được hơi nóng mà sữa và nước đều riêng biệt, nhưng nước ấy có vị mỡ nhờn, nó không có sắc. Cũng vậy, người chết thọ thân khác, cái Đại khác, Thần thức cũng có khác, nhưng Thần thức ấy nắm lấy các đại và nắm lấy Pháp giới rồi dùng Pháp giới huân nơi niệm nắm lấy thiện và bất thiện đến nơi đời kế sau.

Ví như thuốc dầu tô ma-ha-ca-lương-na, lấy dầu tô cùng các thứ vị thuốc dùng lửa đun nấu, trong ấy hoặc có cay có đắng, hoặc có chát, có mặn, hoặc có lạt, nếu lấy các vị rồi  nhập vào dầu thành có các vị, sắc, hương v.v… dầu tô ấy bỏ dời tự thể mà thành vị thuốc. Cũng vậy, xả thân rồi Thần thức ấy nắm lấy thiện và ác và nắm lấy Pháp giới dời đi đến đời kế sau.

Nói thể chất dầu tô là để ví dụ cho thân thể. Nói các vị thuốc kia hòa hiệp tụ tập là ví dụ các căn. Nói dầu thuốc sắc hương vị xúc là ví dụ Thần thức ấy dời đi. Nói sắc sai khác là thiện sắc và ác sắc. Nếu lúc uống thuốc vào thân mà tiêu hóa lành mạnh là dụ cho thiện nghiệp. Nếu uống thuốc dầu tô ấy vào thân mà hiện ra héo vàng là dụ cho ác nghiệp.

Nên quán sát thức nầy như thuốc dầu tô ma-ha-ca-lương-na. Như dầu tô nắm lấy sắc vị của các món thuốc, lấy xong thành thuốc dầu tô ma-ha-ca-lương-na, nhưng dầu tô ấy không có tay chân và các căn, chỉ lấy vị của các món thuốc. Cũng vậy, Thức nầy xả thân rồi và xả các giới chỉ lấy Pháp giới, thủ thọ rồi mang lấy thiện và ác mà đi.

Nầy Chơn Nguyệt! Người ấy xả thân rồi ở đời kế sau được chánh niệm, được thiện niệm, hoặc lấy Lục Dục Thiên (sáu cõi trời của Dục giới), hoặc lấy mười sáu đại Địa ngục, hoặc thấy thân thể các căn đầy đủ. Lúc ấy họ biết như vầy: “Đây là thân của tôi vậy.”

Lúc người ấy mạng chung, họ nhớ thấy các sự tướng: Hoặc thấy xe cộ vi diệu, hoặc thấy vườn rừng vi diệu, trong vườn rừng ấy có các thứ cây mới sanh sum suê khả ái, hoặc có ao nước vi diệu, hoặc thấy các sự thành tựu, thấy rồi họ sanh lòng hoan hỷ. Sanh lòng hoan hỉ rồi họ an ổn như pháp thọ sanh mạng chung, mà Thần thức của họ dường như cỡi ngựa, nên quán sát như vậy.

Nói cỡi ngựa ấy, ví như có người ở giữa chiến trường, thân mặc giáp chắc tốt, giỏi cầm cương ngựa ruổi chạy nhanh lẹ. Cũng vậy, Thần thức nầy mặc giáp phan duyên thiện quả báo nhanh lẹ, cỡi hơi thở ra vào, xả các giới, các nhập, xả rồi thọ sanh Phạm Thiên nhẫn đến Sắc cứu cánh thiên, các xứ vi diệu vậy.

Bấy giờ, trong đại chúng có một đại Bồ tát, Vương Tử Đại Dược, đứng dậy chỉnh y phục chấp tay bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức nầy từ thân nầy dời đi, nó sẽ có màu sắc gì?”

Đức Phật dạy: “Nầy Vương tử Đại Dược! Sự nghĩa được ông hỏi ấy rất sâu chỉ có chư Phật là biết được thôi, Thức ấy trừ Phật ra không còn có ai biết được.”

Trưởng giả tử Hiền hộ bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Rất hi hữu, Vương Tử Đại Dược nầy có thể hỏi sự thậm thâm tối vi tối tế thậm thâm thậm mật.”

Đức Phật dạy:

Đúng như vậy. Nầy Hiền hộ! Vì Đại Dược thuở xưa đã từng cúng dường Phật Tỳ Bà Thi gieo trồng căn lành vậy.

Nầy Hiền hộ! Xưa năm trăm đời Vương Tử Đại Dược đây từng làm ngoại đạo, thuở ấy đã từng hỏi nghĩa của Thức nầy, nhưng ông ấy cũng chẳng biết được Thức nầy đến đâu, đi đâu. Nay Ta sẽ vì ông ấy quyết rõ nghĩa đó.

Trưởng giả tử Hiền hộ khen Vương Tử Đại Dược: “Lành thay! Lành thay! Vương Tử Đại Dược có trí tuệ quảng đại không có biên tế mới có thể hỏi nghĩa thậm thâm nơi Đức Thế Tôn. Nay tôi khuyến thỉnh Đại Dược xin Ngài hỏi Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Chớ để ông Chơn Nguyệt vui sướng chút việc mà hỏi Phật trước. Tại sao? Vì ông ấy luôn luôn não loạn, chẳng khéo hỏi Đức Thế Tôn. Chỉ do Đức Phật Thế Tôn xuất thế rất khó, nơi thế gian mà tụ họp pháp hội như vầy lại càng khó, nên nay Ngài phải khuyến thỉnh Đức Thế Tôn giải thích nghĩa xứ thậm thâm ấy.”

Đại Dược Bồ tát chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, thấy Đức Thế Tôn vui vẻ thanh tịnh như đầu mùa hoa sen vừa nở. Thấy rồi lòng vui mừng bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Vì tôi khát ngưỡng nên thích nghe Chánh  Pháp, lo sợ Đức Thế Tôn chẳng nói rõ đủ pháp yếu cho tôi, chẳng quyết nghi cho tôi. Lại lo sợ chẳng bao lâu Đức Thế Tôn sẽ nhập Niết Bàn. Lại lo sợ các chúng sanh chẳng biết nghiệp báo thiện ác hằng thọ sanh tử phiền não chẳng bỏ rời được.”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Thuở xa xưa, vì một bài kệ mà ta gieo mình từ gộp núi lớn để bố thí, Ta lại thật hành vô lượng vô biên khổ hạnh khó làm trăm ngàn ức các thứ sự việc.

Nầy Đại Dược! Ông có điều gì nghi nên hỏi Phật chớ có ngần ngại, Ta theo ý ông mà phân biệt giải nói.

Đại Dược Bồ tát lại bạch hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức ấy màu sắc gì?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! [Thần] Thức ấy như lửa ảo thuật sư, như bóng người trong nước, như luồng gió vô định, không có sắc nhứt định, như chúng sanh mắt thấy hư không giống như ái.

Đại dược Bồ tát bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ái ấy thế nào?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như người bắn cung, do có nhãn căn nên thấy lúc tên bay đi, như người cầm gương sáng, trong gương thấy bóng. Cũng vậy, Thức nầy từ thân người dời đi, Thức giới ấy chỉ thấy tội phước.

Như người sanh manh chẳng thấy mặt nhựt lúc mọc, lúc trưa, lúc chiều, ban đêm cũng chẳng thấy mặt nguyệt lúc mọc, lúc lặn. Cũng vậy, Thần thức nầy ở trong thân cũng không thấy được.

Nầy Đại Dược! Trong thân nầy, về ái trước và thủ cùng tưởng trí ấy chỉ có thức. Thân nầy chỗ có hòa hiệp tụ tập các Giới, các Nhập, các Ấm, v.v… những nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và sắc, thanh, hương, vị v.v… các thọ hoặc khổ hay lạc, ý v.v… bao nhiêu những sắc ấy, đây gọi là Thức vậy.

Nầy Đại Dược! Như người do thiệt căn mà biết các vị, hoặc đắng hoặc cay, mà lưỡi kia có sắc còn các vị thì không sắc. Trong thân nầy những xương tủy máu thịt là có sắc, còn cảm thọ kia thì không sắc, đây gọi là Thức, là cái lãnh thọ tội phước vậy.

Trưởng giả Hiền hộ đảnh lễ chân Phật rồi bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cái thọ tội phước ấy là ai?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Ông lắng nghe nhận kỹ, Ta sẽ nói cho ông. Người thấy chơn thiệt thì họ thấy Thức nầy, mà Thức nầy chẳng thể thấy được như trái am-bà-la trong bàn tay có thể thấy được. Thức nầy chẳng ở nơi cảnh giới của nhãn căn, cũng chẳng phải dùng nhãn căn thấy được, nó không có sắc thấy được.

Như hằng  hà sa số Như Lai thấy Thức nầy. Ta cũng vậy, chỉ vì hàng phàm phu ngu si chẳng biết, chẳng thấy, nên Ta vì họ mà nói chỉ có tên Thức chẳng thể thấy nó được.

Nầy Hiền hộ! Thức nầy thọ tội phước, Ta sẽ nói cho ông, ông nên lắng nghe.

Ví như có người mắc âm quỷ, hoặc dương điên quỷ, hoặc càn-thát-bà quỷ, hoặc Thiên thần. Nầy Hiền hộ! Ý ông thế nào, trong mình người bịnh ấy có thể thấy được các âm quỷ thần ấy chăng?

Trưởng giả Hiền hộ bạch Phật rằng:

Quỷ thần ấy ở trong thân người bịnh hoặc nội, hoặc ngoại thiệt không thể thấy, ở trong thân người bịnh các quỷ thần ấy cũng không có sắc.

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Như thiên thần tối thắng ở trong thân thể người bệnh, lấy hoa hương tối diệu, hương thoa hương bột và các vòng hoa, đến ăn uống đều lấy món tối thượng thù thắng. Thiên thần linh ở trong thân người bệnh thọ tế tự tối thắng, hoặc thọ vương vị hoặc thọ giàu có nhuận thân người bệnh khiến khoái lạc hoan hỉ. Thần thức nầy thọ phước quả báo cũng như vậy, lúc thân nầy lấy nghiệp lành tối thắng, do Thức nên thọ hoặc lấy vương vị trị dân tự tại, hoặc lấy giàu có làm nhà trưởng giả, hoặc lấy quả báo chư Thiên.

Nầy Hiền hộ! Như quỷ dơ hôi Tỳ-xá-xà nương ở trong thân người bệnh lấy các vật dơ hôi, hoặc thọ tế tự tại nhà xí, được tế tự rồi sanh vui mừng. Người bệnh bị quỷ lực nên thường thích chỗ dơ hôi, vì lòng ưa thích nên khi được vật hôi dơ thì sanh vui mừng. Thần thức nầy thọ ác quả báo cũng như vậy, lúc thân nầy lấy nghiệp ác ti tiện, do Thức nên thọ, hoặc sanh nhà bần tiện, hoặc sanh nhà hạ liệt, hoặc sanh loài ngạ quỷ, hằng ăn vật hôi dơ lòng sanh vui mừng.

Nầy Hiền hộ! Như Thiên thần kia linh, dầu không sắc hình mà thọ tế tự tối thắng, tối thượng. Cũng vậy, [Thần] Thức nầy dầu không sắc mà thọ quả báo tối thắng, tối diệu theo nghiệp thọ thân.

Nầy Hiền hộ! Như quỷ Phú-đơn-na kia dầu không sắc mà thích ăn các vật hôi dơ. Cũng vậy, [Thần] Thức nầy ở tại nghiệp bất tịnh thì hằng ưa chỗ hạ liệt.

Nầy Hiền hộ! Như quỷ thần kia ở trong thân người mà không có sắc. Thức nầy thọ quả báo thiện hay bất thiện cũng như vậy.

Đại dược Bồ tát bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần-thức thọ dục như thế nào?”

Đức Phật dạy rằng:

Nầy Đại Dược! Sẽ thấy có người hòa hiệp nên sanh ý tưởng dục.

Ví như dùng gỗ cọ ra lửa, do sức nơi thân người rồi sau mới phát ra lửa. Dục thọ ở nơi dục do nơi ý cảm nơi xúc rồi sau sanh dục sự.

Ví như do nơi hoa thành hột, nhưng trong hoa ấy ban sơ không có hột, vì có hoa nên sau kết hột có thể thấy được. Cũng vậy, thân nầy sanh rồi sau Thức ấy có thể thấy được, mà trong thân ấy cũng không có Thức có thể thấy. Do có Thức nên trong thân có xương, tủy, máu, thịt v.v… các vật bất tịnh.

Ví như hột giống kia, gieo trồng rồi sanh hoa, do hoa mà thọ sắc  hương vị v.v… đã thành thân rồi cũng trở lại diệt. Cũng vậy, Thức nầy thành thân rồi cũng trở lại diệt, chỉ mang lấy thiện ác thọ tâm tưởng ý thức đến nơi đời khác.

Như nam nữ kia hòa hiệp [làm tình] sanh lòng hoan hỉ. Nhân họ hòa hiệp trì nhau xuất bất tịnh [xuất tinh], xuất bất tịnh rồi trở lại rời lìa nhau. Nhưng hai kẻ kia lúc thọ lạc lòng sanh hoan hỉ, đã thọ dục rồi không còn ý tưởng dục trở lại rời lìa nhau, hoặc sanh chán lìa dục tưởng. Cũng vậy, Thức nầy do thân phan duyên sanh lòng hoan hỉ tăng trưởng thọ tưởng.

Dường như thân người [nam] do thấy nữ sắc liền sanh dục tưởng cùng tham trước nơi thân, thọ dục xong rồi trở lại chán lìa bỏ đi. Cũng vậy, Thức nầy đã thọ thân rồi trở lại chán lìa bỏ đi.

Lại nữa, do dục sự của phụ mẫu cảm nghiệp phan duyên thọ thân của trung ấm, thức hữu nầy theo trung ấm nhập vào nơi dục, do đó thành tựu thân thể. Nhưng nghiệp ấy không có sắc, dục sự của nam nữ ấy cũng không có sắc, chỉ do sự phan duyên nên sanh dục tưởng mà bèn có sắc, nên gọi là thọ dục tưởng vậy. Sắc thọ dục tưởng nên gọi là thọ dục.

Lại nữa, nầy Đại Dược! Do trì giới phan duyên nên thọ quả báo sau. Sự ấy thế nào Ta sẽ vì ông mà nói:

Nói trì giới là:

1. – Thân dứt sát sanh,

2. - Chẳng trộm vật của người,

3. - Chẳng làm tà dâm,

4. - Miệng chẳng vọng ngữ,

5. - Chẳng uống rượu đấu loạn,

6. - Cẩn thận chẳng phóng dật,

Đây là phan duyên: Muốn thọ đời sau lấy quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm bèn thọ thân đời sau, hoặc thân Trời, thân Người, mà họ có thiện nghiệp hoặc hữu lậu hoặc vô lậu thành tựu các ấm v.v… nhuận chỗ ấy, Thức thọ trì các nghiệp thiện và bất thiện thành tựu, thức v.v… thọ các dục sự rồi trở lại tự chán lìa. Thế nên gọi đây là do trì giới nên thọ quả báo sau vậy.

Đại Dược Bồ tát bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thọ thân Trời? Thế nào thọ thân Địa ngục?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Nay ông lắng nghe Ta sẽ vì ông giải nói sự ấy. Nầy Đại Dược! Thức nầy do Pháp trì giới nên sanh tâm thấy Thiên-cung, nhưng thấy Thiên-cung ấy chẳng phải là nhục nhãn thấy, thể chất được thấy ấy tức là thọ nhân nên gọi là kiến thọ nhân vậy. Thiên-cung được người nầy thấy đó tức là phước phan duyên thiện thành tựu liền thấy Thiên-cung, ở trong cung trời cõi Dục thọ các thứ vui ngũ dục, thấy như vậy rồi thì sanh dục tâm, do như vậy bèn khởi trí rằng: Nay tôi cần phải đến chỗ ấy. Họ sanh dục tâm như vậy rồi phát sanh nhiễm trước niệm tâm thủ lấy hữu tướng. Họ lại thấy thân cũ của họ bị vất bỏ trong rừng thây ma [lâm thi ở bên Ấn Độ ngày xưa]. Thấy rồi họ nghĩ rằng: Đây là tâm thức cõi trời của tôi, đã tu tạo thiện căn rồi tôi nên hướng đến cõi trời.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức ấy đã chấp trước thây cũ như vậy, tại sao nó chẳng liền nhập vào thây cũ?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như có người cạo râu tóc rồi, người ấy thấy râu tóc đã rơi xuống đất thì nghĩ rằng: Râu tóc nầy của tôi đen tốt thơm sạch nguyện nó lại dính trên đầu tôi như cũ. Nầy Đại Dược! Ý ông thế nào? Râu tóc ấy có thể lại dính trên đầu họ chăng?

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Không được.”

Đức Phật dạy: “Nầy Đại Dược! Cũng như vậy, người ấy Thần thức đã bỏ thân họ rồi mà muốn  trở lại nhập vào ở trong thân cũ thì không bao giờ có.”

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức nầy rất vi tế, không có sắc chánh quảng đại vô biên, sao nó  có thể đến thân đại bạch tượng, nó lại có thể phá thân kim cang, nó đã không có sức ngàn voi, người sanh ra bèn có sức ngàn voi?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như phong giới không có sắc  thấy được, mà lúc gió ấy phát xuất có thể làm ngã gãy lỡ sập cả thảy, cho đến núi chúa Tu-Di nó cũng có thể làm lở sụp.

Nầy Đại Dược! Ý ông thế nào? Gió ấy có sắc gì? Núi ấy lại là sắc gì?

Đại Dược Bồ tát bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! Gió ấy mềm yếu lại không có sắc thân, nên thấy biết như vậy.”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Gió ấy thể chất yếu mềm lại không sắc thể. Cũng vậy, Thức ấy cũng mềm yếu lại không sắc thân nhưng nó không ngại có thể thành tựu thân lớn, có thể thành tựu thân rất nhỏ, mà nơi thân muỗi, thân với Thức ấy vẫn một thứ không khác.

Nầy Đại Dược! Ví như ánh sáng đèn đuốc nhỏ hoặc trong nhà, hoặc bên vách nó có thể diệt phần lớn tối tăm. Cũng vậy, Thức nầy vi tế mà có thể thành tựu hình sắc nhỏ hay lớn, nhưng mà đều do nghiệp mà thọ lấy vậy.

Đại Dược Bồ tát bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! Nghiệp ấy có sắc gì có thể gì, bao nhiêu thứ nhân do phải nên quán sát?”

Đức Phật dạy:

Nầy  Đại Dược! Cảnh giới của các nghiệp ấy là vi diệu thọ khoái lạc, thọ uống ăn cõi trời. Ví như có hai người cùng du hành đến đồng hoang. Trong hai người ấy, một người bỗng gặp nước trong mát và được uống, còn người kia đói khát mạng chung, mà nước ấy chẳng thể tự nó chảy vào miệng người kia, nó cũng không ở nơi người nầy mà chẳng cho uống, chỉ do vì nhân duyên nên một người gặp nước trong mát và uống, còn người kia chẳng gặp  nên đói khát và chết. Cũng vậy, các pháp thiện và bất thiện cũng như vậy.

Ví như đêm trăng sáng và đêm tối, pháp thiện và bất thiện nên thấy biết như vậy.

Ví như trái sống khi chín rồi biến đổi thành sắc khác, nhưng sắc ấy do sức nóng nhiều khiến nó thành thục. Cũng vậy, thân nầy do sức phước nhiều nên sanh vào nhà đại trưởng giả có dư của báu, hoặc hiện thọ khoái lạc tại Thiên cung, hiển hiện thọ khoái lạc cõi trời rồi sau đó mất thế lực tự tại cõi trời thì lại hiển hiện thế lực vô phước.

Ví như hột giống gieo nơi đất sau khi mọc lên cây, trên cây ấy không hiện có hột giống ấy, chẳng có nơi cành cây, chẳng hiện trong thân cây, cũng không có ai cầm hột giống ấy đặt trên cây ấy, cũng chẳng ở rễ cây hiện hột giống ấy. Cũng vậy, các nghiệp nầy hoặc thiện hoặc ác nương ở trong thân mà chẳng hiển hiện.

Như từ hột giống rồi sau có hoa, từ hoa rồi sau có trái, có hột. Hoa ấy chẳng ở trong hột giống, trái hột ấy chẳng ở trong hoa, trái hột và hoa không có hai thể riêng. Cũng vậy, trong thân nầy có nghiệp, từ nghiệp có thân. Thân ấy chẳng ở trong nghiệp có được, nghiệp ấy chẳng ở trong thân thấy được.

Như hoa thành thục rồi mới thành hột. Cũng vậy, thân thành thục rồi các nghiệp có thể hiện.

Như hột giống có chỗ đất để gieo, có chỗ đất gieo rồi thì có hoa, có hoa rồi sau mới có hột. Cũng vậy, thân nầy có chỗ sanh rồi ở nơi chỗ ấy thấy thiện thấy ác thì có nghiệp hiện, nhưng các nghiệp căn ấy không có sắc.

Như người đi thân hình mà có bóng, mà bóng ấy không nhứt định, không sắc trở lại theo người mà đi,nhưng bóng ấy chẳng nương ở nơi người, cũng chẳng rời thân có bóng hiển hiện. Cũng vậy, thân nầy trong ấy hiện thiện ác theo nhau mà chẳng lìa nhau, thân đến đâu nghiệp theo đó, nghiệp ấy theo khắp nơi chẳng rời thân mà có, cũng chẳng rời thân mà nghiệp ấy có thể hiện.

Như các vị thuốc hoặc cay hoặc ngọt hoặc đắng, người uống thuốc rồi có thể trừ các bệnh, đã trừ các độc của thân thành êm dịu hiện nhan sắc tốt, mọi người nhìn thấy có thể biết được hình tướng, người nầy thân gặp thuốc  hay, nhưng vị và công lực của thuốc ấy không có màu sắc, màu sắc của vị lực thuốc ấy chẳng thể hiển hiện, chỉ ở thân người hình sắc đoan chánh có thể thấy thôi. Cũng vậy, thiện nghiệp nầy không có sắc mà đến thân người, do ăn uống tốt, mặc y phục tốt, các căn đầy đủ nên thân thọ khoái lạc, lại dùng vàng bạc châu báu trang nghiêm thân nầy nên có hình thế giàu sang. Đây đều là cảnh giới của thiện nghiệp vậy.

Người mất thế lực không có phước nghiệp nghèo cùng khốn khổ xa lìa của cải thường thiếu thốn rình tìm vật người khác ăn uống, thô xấu, đi đứng nằm ngồi đều hạ liệt không phước báu tốt dưỡng dục thân thể sanh ra xấu xí. Đây đều là cảnh giới của nghiệp bất thiện vậy.

Ví như gương sáng, do nó sáng nên hình mặt đẹp xấu hiển hiện rõ ràng, mà trong gương ấy không có sắc. Cũng vậy, do sức thiện ác nên Thức nầy hiển hiện trong thân người, hoặc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Nầy Đại Dược! Các nghiệp nầy theo nơi Thức nầy. Ông nên biết như vậy, thấy như vậy.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thành tựu các căn thọ thân to lớn, thế nào xả các căn?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như thợ săn vào núi rừng sâu, tay cầm cung cứng liền lấy thuốc độc thoa vào đầu mũi tên để bắn voi lớn. Giọt thuốc độc ấy dầu thấm vào da voi đến máu chút ít mà khí độc lưu hành khắp trong thân đến các căn làm cho các căn bế tắc rút gãy các lóng đốt làm cho máu biến sắc khắp các thân phần thì voi chết, khí độc ấy trở lại đến chỗ nó vào thì tự nhiên phát ra ngoài.

Nầy Đại Dược! Độc dược ấy chỉ có một giọt rất nhỏ ít, thân voi ấy rất lớn, mà khí độc dời đi khắp thân thể.

Cũng vậy, lúc Thần thức nầy xả thân, xả các căn, xả các giới theo thứ đệ cũng như vậy.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thọ thân rộng mà chẳng sợ khó?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Như núi Tu Di cao tám vạn bốn ngàn do tuần (1 do tuần tương đương với là 80 dặm hoặc 128 km). Núi ấy có hai Long Vương: Nan Đà và Bạt Nan Đà vấn núi ấy ba vòng, giữ chặt núi ấy. Hơi thở của Long Vương ấy nước biển không chứa nổi. Khi Long Vương ấy thở hút thì núi Tu Di rung động. Các Long-Vương Bà-Tu-Cát và Đức-xoa-ca thân thể to rộng nhiều sức lực cũng như vậy. Ý ông thế nào, [Thần] Thức của Long-Vương cùng [Thần] Thức của con muỗi có đồng bằng nhau chăng?

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu thì [Thần] Thức của Long- Vương và [Thần] Thức của con muỗi đồng bằng nhau không khác.”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Như có một thứ độc tên là Bà-ta-na-bà, lại có một thứ độc tên là Ha-la-ha-la, đem thứ độc nầy chừng bằng hột cải cho Long-Vương ấy ăn thì liền chết.

Nầy Đại Dược! Độc của rồng, độc của thuốc, ý ông thế nào, độc rồng sức lớn hay độc thuốc sức lớn?

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu thì độc rồng sức tuy lớn, nhưng không mạnh bằng sức độc của thuốc”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Cũng vậy, dầu có thân to rộng sức lực địch chín ngàn voi cũng không ngại, Thức ấy dầu nhỏ, không sắc, không thể thấy, mà Thức ấy do nghiệp duyên thành tựu thân lớn.

Ví như hột ni-câu-đà dầu nhỏ cũng không ngại, nó có thể thành tựu cây to nhánh nhóc dài rộng che cả khu đất lớn. Ý ông thế nào, hột và cây ấy hình thể to nhỏ ra sao?

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Như đem lỗ lông so với hư không.”

Đức Phật dạy:

Nầy  Đại Dược! Nhưng cây ấy chẳng thể thấy tại trong hột, mà cũng chẳng rời hột sanh ra cây. Như hột nhỏ ấy sanh cây to rộng. Cũng vậy, [Thần] Thức nầy không sắc mà thành tựu sắc to lớn, thân thể do Thức mà hiện ra sắc, rời Thức không có sắc thân hiển hiện để được thấy.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! [Thần] Thức ấy bền chắc như kim cang, sao lại thành tựu thân yếu mềm?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như có người nghèo cùng bỗng gặp Như Ý Bửu Châu, cầm được châu ấy rồi mọi sự đều như ý, nào là lâu đài, nào ao suối cổng cao, vườn rộng cây trái sum suê bông hoa đua đẹp của cải vật dụng đều tùy tâm tự nhiên hóa hiện. Các sự vật ấy mỏng manh, mau hư, chóng tan. Lúc sau, bỗng thất lạc bửu-châu như-ý, tất cả sự vui đẹp trên liền diệt chẳng còn.

Nầy Đại Dược! Bửu-châu như-ý ấy rất kiên cố và có công năng như vậy, dầu ngàn kim cang phá nó cũng chẳng làm hư nó được, có nó thì tùy ý muốn liền được toại nguyện. Cũng vậy, [Thần] Thức nầy bền vững như kim cang, mà thân được thọ thì chẳng bền vững.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức ấy yếu đuối làm sao phá được thân cứng rắn mà dời đến thân sau?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Như nước chảy trong núi rồi xoi núi mà thoát ra, dầu nước mềm núi cứng. Cũng vậy, Thức nầy bốn thể mềm mại mà có thể phá thân lớn cứng để được đi ra.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng sanh xả thân sau khi chết thế nào họ lại thọ thân Trời, thế nào lại thọ thân các loài khác?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Có chúng sanh xả thân, sau khi chết do làm sự phước nghiệp mà thọ thân, Thức của họ xả nhân thân kiến được thiên thân kiến, nó được thiên nhãn rồi liền thấy chư Thiên sáu cõi Trời Dục giới, nó lại thấy Thiên cung, đồng thời thấy thân người lúc hoại hư, nó lại thấy vườn rừng trên trời, như hoan hỷ lâm, hoại loạn lâm v.v… nơi ấy có tòa ngồi cao trùm Thiên-y, nơi nơi có điện đài vi diệu, có đoàn Thiên-nữ đoan chánh, thấy các thứ hoa trời trang nghiêm sanh lòng hoan hỷ, trên tòa nó thấy Thiên-đồng-tử, Thiên-tử và Ngọc-nữ ấy cùng ngó nhau vui vẻ, Thiên-đồng-tử ấy sanh rồi, lại thấy Thiên-đồng-nữ sanh, Thiên-đồng-tử thấy Thiên-đồng-nữ liền sanh lòng dục, sanh lòng dục rồi liền được hoan hỷ, được hoan hỷ rồi liền được khắp tâm ý hoan hỷ, tâm ý hoan hỷ rồi liền biến sắc thân, sắc thân ấy như hoa sen.

Lúc người ấy mạng chung, được sự thấy không điên đảo, mũi không nghẹt, miệng không hôi, tai mắt như hoa sen xanh, thân phần lóng đốt lại chẳng rã rời, chẳng lưu huyết, thân chẳng hôi thúi, lông tóc chẳng rụng rớt, móng chẳng xanh, tay không vàng, tay chân bất động cũng không co duỗi mà mạng chung.

Nầy Đại Dược! Lúc người ấy mạng chung dự có tướng Trời, đó là hiện tiền thấy kiệu xe, xe nầy có ngàn trụ trang nghiêm treo linh, giăng lưới vàng âm thanh vi diệu, trên rải đầy những hương hoa vi diệu  ngào ngạt thơm tho, còn có các thứ anh lạc trang sức trên xe, còn có vô lượng Thiên đồng-tử. Thấy rồi, người ấy sanh lòng rất vui mừng. Rất vui mừng rồi, sanh hai (2) tướng:

1. – Răng trắng sạch hiện lên như hoa quân-đà.

2. – Hai mắt chẳng quá mở quá nhắm, tiếng nói êm ái, dưới  hai chân ửng màu hoa sen.

Tử thi ấy nơi tim chẳng lạnh chẳng nóng, quyến thuộc chẳng quá bi luyến. Người ấy muốn y pháp lấy giờ chết lúc mặt nhựt mọc không có tối tăm, thấy rõ hình sắc các phương. Lại có hơi thơm vi diệu khắp nơi đến.

Lúc sắp chết, hai mắt người ấy chẳng nhắm, thấy rõ chẳng mê lầm, hoặc thấy tượng Như-Lai liền được tín tâm, phát ý thanh tịnh, lại thấy quyến thuộc mà lòng thường vui thương rồi dùng tâm hoan hỷ ôm thân họ, như người chết rồi sống lại; như người đi xa trở về an ủi quyến thuộc rằng: “Các người chớ ưu chớ sầu, tất cả pháp có sanh đều có biệt ly như vậy.”

Nầy Đại Dược! Người ấy nếu phước nghiệp mạnh hoặc phát tâm bố thí luôn miệng ca ngâm tán thán công đức bố thí nhân duyên các thứ công đức, thốt lời như vậy rồi, ý muốn ngủ nghỉ, thân tâm đều an vui hoàn toàn yên ổn xả thân mạng. Lúc xả thân mạng, người ấy thấy phương trên chư Thiên cùng ngồi đồng một giường, thấy Thiên-nữ hai tay nắm đầy hoa thơm thưa với Thiên tử kia rằng: “Rất lành, rất tốt nguyện có sự cát lợi, thời kỳ sanh Thiên-đồng đã đến.” Nói xong, Thiên-nữ ấy lựa hoa, lựa rồi lựa lại. Lúc Thiên-nữ lựa hoa là lúc người ấy mạng chung xả cộng thức, xả các căn, xả các Đại. Lúc xả các Đại, bốn (4) Ấm không định thể, không sắc như người muốn cỡi ngựa, hoặc như mặt trời, hoặc như minh châu, hoặc như ngọn lửa, hoặc như thủy  nguyệt, hoặc như thân ảo hóa, phan duyên thiện nghiệp mau lẹ, như hơi trong ống thoát ra dời đi, Thần-thức ấy muốn sanh Thiên-cung kia nhân nơi hoa ấy mà thấy Thiên-phụ Thiên-mẫu ở trên giường hòa hiệp, từ trong hoa ấy Thần-thức có hình sắc xuất hiện, liền có gió vi diệu hòa hiệp với cam lộ vị thổi đến, gió ấy nổi lên rồi, trong bảy (7) ngày Thần thức ấy đầu đội mũ trời thành Thiên-đồng.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức ấy không có sắc, thế nào làm nhân duyên mà thành tựu sắc, thế nào làm nhân duyên mà hiển hiện?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như hai khúc gỗ cọ xát nhau sanh ra lửa. Mà lửa nầy chẳng thể thấy ở trong gỗ, nó cũng chẳng thể rời gỗ mà có, cũng chẳng phải một nhân mà có thể sanh ra lửa, cũng chẳng phải không có nhân mà lửa ấy xuất hiện. Chẳng phải trên gỗ liền được thấy sắc mà do nhân duyên nên phát ra, phát ra mới thấy sắc, cũng chẳng phải rời lìa gỗ mà riêng có được sắc. Cũng vậy, [Thần] Thức ấy do cha mẹ hòa hiệp nên thành tựu thọ thân. Thức ấy chẳng ở trong thân thấy được nó, cũng chẳng rời lìa thân mà có Thức ấy.

Ví như lửa phát xuất rồi mới thấy sắc, cũng chẳng phải vì nóng mà thấy có sắc, cũng chẳng phải vì đỏ mà nói là không sắc. Cũng vậy, Thần-thức ấy do thành tựu thân rồi mà nói có Thức, cũng chẳng do vì thọ mà thấy được, cũng chẳng do các hành mà thấy được.

Nầy Đại Dược! Ví như mặt nhựt viên mãn chói sáng có oai quang lớn được thấy, mà các phàm phu chẳng thấy chánh sắc mặt nhựt hoặc nói là sắc đen, hoặc nói là sắc trắng, hoặc nói là sắc vàng trắng, hoặc nói là sắc xanh lục. Cũng vậy, chẳng thấy Thần-thức chẳng nên do thân mà nói là đen là trắng v.v…

Chẳng có thể do nơi hơi nóng mà thấy mặt nhựt, nó có thể được thấy chỉ có lúc nó mọc lặn. Nên quán sát Thần thức cũng như vậy.

Nầy Đại Dược! Lúc muốn quán sát Thần thức nầy chỉ lấy các tánh của nó.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thức ấy có các tánh gì?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Những tánh Thọ, tánh Thủ, tánh các Hành, tánh ưu sầu, tánh tư duy, tánh não, tánh hỷ, tánh bất hỷ v.v… là các Tánh của Thức vậy.

Lại nầy, Thần thức có bổn tánh có thể quán sát được. Đó là thiện tâm, bất thiện tâm v.v… làm bổn tánh của nó.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức ấy từ thân nầy thoát ra, thế nào nó mau lẹ mà thọ sanh nơi kia, lúc chưa đến thân kia thọ sanh nó ở chỗ nào, Thần thức ấy nên quán sát nó như thế nào?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Ví như có người cánh tay thon dài, tay chân trên dưới tất cả ngay thẳng, vững chắc, cỡi tuấn mã vi diệu, nhanh lẹ chạy vào trận, vào trận rồi bị thương té xuống ngựa, nhưng người ấy rất giỏi chiến trận lẹ làng nhảy lên lưng ngựa. Như lúc người ấy té ngựa mau lẹ nhảy lên lưng ngựa. Cũng vậy, Thần thức ấy nên quán sát như vậy.

Muốn sanh cõi trời thì móng niệm duyên cõi trời thấy Thiên-phụ Thiên-mẫu ở trên một giường, thấy rồi phan duyên mau lẹ liền được thọ sanh.

Nầy Đại Dược! Ông hỏi người phàm lúc Thần-thức mới dời đi mà chưa đến kia thì nó ở chỗ nào và tánh của nó nên quán sát thế  nào?

Nầy Đại Dược! Ví như bóng người trong nước dầu có sắc hiện ra mà chẳng phải hình sắc chánh của người. Lúc bóng ấy thành tựu trong nước nó chẳng nghĩ rằng: “Tôi có nhiệt não, tôi có lạnh rét, thân tôi  mỏi mệt,” nó cũng chẳng nghĩ rằng: “Tôi là thân thiệt như khối thịt ở tại thai trước kia.” Bóng ấy cũng không chỗ nhiễu loạn, lúc nó ở trong nước cũng không có tiếng phát ra.

Nầy Đại Dược! Thần-thức ấy lúc xả thân mà chưa đến kia thì nó có hình như vậy có tánh như vậy.

Phàm Thần-thức có phước lúc ban sơ muốn lấy thân trời thì cảm thọ như trên đã nói.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Thần- thức ấy muốn lấy thân Địa ngục thì sanh cảm thọ thế nào?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Như Thần thức vô phước muốn lấy thân Địa ngục, ông nên lắng nghe Ta sẽ vì ông mà nói cho.

Nếu có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện do ác nghiệp ấy phan duyên nhiếp lấy mà chúng sanh ấy ở nơi đây  muốn xả thân.

Lúc xả thân [Trung Hữu] nó nghĩ rằng: “Tôi là người ấy xả thân đến Địa ngục nầy, đây là phụ mẫu của tôi.” Người nầy lúc xả thân thành tựu sắc thân như nghiệp đã có mà thành tựu không khác, liền thấy thân phần như thân thể trước.

Lúc ban sơ xả thân [Tử Hữu], người ấy bị ưu sầu bức khổ, liền thấy các thứ địa ngục. Ban sơ xả thân rồi [Trung Hữu], Thần-thức ấy tại Địa ngục kia liền thành tựu hữu nghiệp liền thấy Địa ngục kia: Hoặc thấy như tưới máu, lòng họ sanh tướng nhiễm trước. Sanh tướng nhiễm trước rồi liền thành thân Địa ngục. Ví như đất thấp ẩm ướt nên sanh trùng, như chỗ khuất hôi thúi rả bấy nên sanh trùng, như trong chất tô-lạc hư thúi có các thứ trùng dòi sanh, chúng sanh muốn sanh Địa ngục cũng vậy.

Bấy giờ Trưởng giả Hiền hộ chấp tay bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ở tại Địa ngục, thân chúng sanh ấy có hình sắc gì? Thọ thân thể thế nào?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Nếu chúng sanh nhiễm trước chỗ máu thì thân họ có màu máu. Nếu có chúng sanh nhiễm trước sông Tì-la-ni thì thân họ sanh vân sắc đen trắng. Nếu có chúng sanh nhiễm trước sông tro thì thân họ sanh màu lốm đốm. Nhưng thân thể chúng sanh Địa ngục mềm mại như các vương tử an vui nuôi nấng thân thể họ.

Nầy Hiền hộ! Tại Địa ngục, các chúng sanh thọ thân lớn rộng cao tám cánh chỏ rưỡi, râu tóc họ rất dài, bàn chân họ đáng sợ, lật hướng phía sau. Nếu người Diêm Phù Đề [cõi của chúng ta] đến đó thấy chúng sanh Địa ngục ắt kinh sợ mà chết.

Nầy Hiền hộ! Dầu có được ăn uống nhưng chúng sanh Địa ngục không được tạm thời vui.

Đại Dược Bồ tát bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Lúc ăn, chúng sanh Địa ngục có thức ăn gì?”

Đức Phật dạy:

Nầy Đại Dược! Chúng sanh Địa ngục lúc đi xa thấy màu đỏ, đó là đồng hay thau nóng chảy thành nước, họ thấy rồi kêu hô nhau cùng tụ lại chỗ ấy, vì cầu ăn, nên họ hả miệng muốn ăn. Nước đồng nước thau sôi ấy phát ra tiếng ùng ục vào miệng họ đốt cháy toàn thân họ. Vì ăn mà các chúng sanh Địa ngục thọ sự đau khổ như vậy.

Nầy Đại Dược! Lúc ấy, Thần-thức của họ chỉ ở tại hài cốt, vì Thần-thức chẳng rời lìa hài cốt nên thân thể cháy rã mà họ chẳng chết. Dầu vậy mà chúng sanh ấy vẫn còn đói khổ, nơi Địa ngục cũng không có sự ăn.

Ở Địa ngục ấy có vi diệu vườn rừng, các chúng sanh Địa ngục mắt thấy các thứ hoa quả cây cối, cũng thấy địa phương rộng lớn xinh đẹp cỏ xanh mềm mại mọc đầy. Họ thấy vườn rừng địa phương xinh đẹp như vậy, họ đều vui mừng mỉm cười, đều khởi niệm đến đó, đều kêu gọi nhau cùng thọ khoái lạc, lại có gió nhẹ mát lạnh. Nghe và thấy như vậy rồi họ tụ họp lại cùng nhau vào trong vườn rừng ấy. Vào rồi được vui chốc lát, nhưng tất cả cây cối, nhánh lá bông trái đều biến thành sắt nhọn đâm cắt nát rã thân thể họ. Các chúng sanh Địa ngục ấy vừa kêu la, vừa kiếm chỗ chạy. Phía sau họ có các quỷ tốt tay cầm chĩa nhọn, hoặc cầm gậy sắt đuổi theo. Các quỷ tốt ấy trợn mắt đáng sợ, răng nanh nhọn bén, đầu tóc phát lửa ngọn cao, toàn thân tuôn lửa gọi to rằng: “Chúng bây đứng lại chớ chạy. Tự nghiệp của chúng bây tạo ra vườn rừng nầy sao chẳng ở lại thọ nghiệp ấy mà chúng bây lại trốn chạy?”

Chúng sanh ở tại Địa ngục thọ khổ như vậy.

Lại nầy Đại Dược! Quá bảy (7) ngày, chúng sanh Địa ngục thọ đủ những sự đau khổ, như con ong hút vị hoa làm thành mật. Tại sao? Vì do các thứ hữu nhân nên thành Thần thức mới thọ lấy khổ Địa ngục. Thần thức ấy lúc ban sơ xả thân nó chẳng tự do mà bị các sự đau khổ bức ngặt chẳng vui thoạt đầu thấy tối đen bèn đến chỗ ấy. Như người bị giặc bức kéo đi không tự chủ được. Trong tâm người ấy nghĩ rằng: “Ôi! Nay tôi cớ chi bỏ Diêm phù đề xa các thân lữ mến yêu mà hướng đến Địa ngục để đi. Nay chẳng thấy con đường lên trời.” Lúc bấy giờ, như con tằm đã bị tơ quấn gấp rút cầu chỗ thọ sanh cho mau lẹ, họ chẳng được tự do mà bị nghiệp lực kéo dắt không thể dừng lại được.

Nầy Đại Dược! Chúng sanh Địa ngục ấy có nghiệp nhân như vậy và thọ lấy các sự khổ não như vậy.

Vương Tử Đại Dược và Trưởng giả Hiền hộ nghe nghiệp báo Địa ngục cả mình rởn ốc chấp tay hướng Phật quy y phát nguyện rằng: “Nhờ nhân duyên nghe pháp nầy ở trong sanh tử phiền não lưu chuyển, nguyện chớ sanh ác đạo, chớ thọ khổ Địa ngục.”

Trưởng giả Hiền hộ lại bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi còn muốn hỏi Đức Thế Tôn về điều nghi trước.”

Đức Phật dạy: “Nầy Hiền hộ! Nếu có nghi điều chi, Ta cho phép ông hỏi.”

Trưởng giả Hiền hộ lại bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là Tụ? Cái gì gọi là Tích? Cái gì gọi là Ấm? Cái gì gọi là Di?”

Đức Phật dạy:

Nầy Hiền hộ! Phàm có bốn (4) thứ pháp giới thành tựu thân nầy. Những gì là bốn?

1. Các giới hòa hiệp,

2. Trí huệ kiến ý,

3. Vô minh các cảnh giới,

4. Thức,

Đây là tổng nghĩa mà Ta đã nói.

Nói Tụ là Lục giới, các Nhập cảnh giới. Trong Lục giới thì cái thô có ba: Một là nhập, còn hai món thủ. Trong ấy có tóc, râu mép, râu càm, lông, da, thịt, mủ, máu, nước mũi, nước miếng, mỡ, năm tạng, tay, chân, đầu, mặt, thân phần chi tiết hòa hiệp nên gọi là Tụ vậy. Ví như các hột thóc tích tụ, hoặc hột mè đen, hoặc hột bắp, hột đậu, do nó tích tụ lại mà gọi là Tích. Cũng vậy, thân nầy có các thân phần chi tiết tụ họp lại nên gọi là Tích vậy.

Nói Lục giới đó là:

1. Địa giới,

2. Thủy giới,

3. Hỏa giới,

4. Phong giới,

5. Hư không giới, và

6. Thức giới.

Nói Lục nhập đó là: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.

Nói Lục nhập cảnh giới đó là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Nói thô Pháp giới bổn thể có ba thứ là:

1 – Tham dục

2 – Sân khuể và

3 – Ngu si.

Chúng nó phát khởi có ba là: Phong; đàm vàng, đàm trắng và nước mũi; nước miếng.

Nói các Nhập có hai thứ Thủ là Trì giới và Tín. Lại còn có sáu thứ là Thí, tài, tinh tấn, thiền định, thiện, và bất thiện.

Nói Ấm là: Thọ, tưởng, hành, và thức. Bốn Ấm nầy không có sắc.  Nói Thọ là thọ dụng. Nói Tưởng là biết khổ vui khác. Nói các Hành là thấy nghe xúc thọ. Đây gọi là Thức Thân làm chủ hay được tự tại tất cả, vì tự tại trong tất các vật vậy.

Nói Di ấy là khéo thành tựu thanh tịnh giới, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, lúc thọ căn lấy mạng chung, Thức ấy xả các Ấm chẳng còn thọ hữu sanh, chẳng còn trở lại nên một bề thọ vui, đây gọi là Di. Rời ngoài đây thì chẳng gọi là hữu di, như vậy thứ đệ khác đi thì chẳng gọi là Di.

Vương Tử Đại Dược và Trưởng giả Hiền Hộ đảnh lễ chân Phật mà bạch rằng: “Lành thay, Đức Thế Tôn! Hay vì chúng tôi mà nói nghĩa như vậy, chơn thiệt nhứt-thiết-trí. Bạch Đức Thế Tôn! Đời vị lai, pháp môn nầy sẽ làm lợi ích cho các chúng sanh mê hoặc ngu si.”

Đức Phật dạy rằng:

Nầy các thiện nam tử! Đây là Như Lai trí không có hư vọng, nếu chẳng phải nhứt thiết trí (Sarvajnana) thì cũng chẳng thể biết chơn thiệt thế nầy. Từ quá khứ, Ta tu hành vô lượng khổ hạnh huân tu trí nầy, như chỗ được nói ra ngày nay không khác. Đây là pháp môn trí quang minh lưu bố mọi nơi công đức danh văn hải tạng Nhứt thiết trí, vì giáo hóa các chúng sanh mà tuyên nói. Chỗ nói kinh nầy và kinh nầy ở chỗ nào thì chỗ ấy được chư quỷ thần chỗ ấy hộ trì, và chư Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Nhân cùng Phi Nhân đều đến hộ trì nơi ấy, khiến không bị khủng bố, quan quân không làm tổn, giặc cướp không làm hại.

Đức Phật bảo chư Tỳ kheo:

Nầy chư Tỳ kheo! Pháp môn nầy, các ông chớ có nói với kẻ không tín tâm, cũng chẳng nên nói với người cầu tìm lỗi lầm của kẻ khác, với hàng ngoại đạo Ni hiền tử v.v… cùng hàng Ni kiền đà, Thanh Văn cũng chẳng nên nói, với người ở A Lan Nhã không nhàn cùng người chẳng chí tâm thỉnh cầu cũng chẳng nên nói. Tại sao? Vì sợ họ tìm cầu lỗi lầm.Đức Như Lai thiệt không có lỗi lầm. Nếu có Tỳ kheo xuất gia hoặc có tục nhơn tại gia tín thọ tùy thuận duyên sự nầy, nên biết các người ấy phát tâm từ bi đồng với đức Như Lai, phải nghĩ rằng các người ấy trì Như Lai Tạng của chư Phật vậy.

Đức Thế Tôn nói kệ kết thúc rằng:

Vì phát tâm xuất gia

Nên phải hành Phật pháp

Hàng phục chúng quân ma

Như voi phá nhà tre

Nếu hành được pháp nầy

Cẩn thận sự phóng dật

Dứt sanh tử phiền não

Sẽ hết tất cả khổ.

***

Xin nhắc lại một lần nữa, phần kinh trên là Đức Đại bi Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thuyết minh về A lại da thức cũng gọi là Như Lai Tạng Thức.

A lại da thức rất vi tế, rất khó nhận, rất khó hiểu, rất khó tin, và rất khó vào. Nó là bề mặt của Chân Như hiển hiện ra vạn hữu làm chủ chín pháp giới, đến khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Như Lai Tạng Thức kia trở về với Vô cấu thức, cũng còn gọi là Như Lai xuất triền. Giống như yên gió thì toàn sóng quy về với nước, sóng kia tuy sanh diệt, nhưng chưa từng rời nước (nước: Vô Sanh, vì là bản thể của sóng, dụ cho Chân Như), phàm phu u mê, điên đảo, chẳng biết hiện tượng giới của vòng sanh tử luân hồi chính là Niết bàn tịch tịnh vậy.

Hãy chuyển tám thức thành Ngũ trí thì sẽ thấy cảnh giới bất nhị vi diệu kia. Lý nầy thậm thâm, ngôn ngữ khó vào. Cho nên, luận Đại Thừa Khởi Tín của Ngài Mã Minh thuyết minh về hai môn:

1 – Sanh Diệt,

2 – Vô Sanh,

cũng không ngoài cái Lý nầy.

Hai bộ Đại Mạn Đà La của Thai  Tạng và Kim Cang Giới, cùng tất cả các kinh văn của Mật tông cũng không ra ngoài cái Lý nầy.

Ngàn kinh của Hiển giáo cũng không thể ra ngoài cái Lý nầy. Muôn luận của chư Bồ tát vì chúng sanh mà tạo, cùng các thuyết của thế tục, cũng như của các tôn giáo khác, nếu đem cái Lý nầy ra để nghiên cứu thì biết đâu là Chơn, đâu là Ngụy, đâu là Đại, đâu là Tiểu… cũng không ngoài cái Lý nầy.

Bọn ngoại đạo, dù có trá hình làm Sa môn, trong Pháp của Phật, lập ra vô vàn tà thuyết thì các bậc thiện nam tử, thiện nữ nhân chỉ cần dùng gươm  huệ nầy một lần vung lên thì sẽ chặt đứt tất cả “dây mơ rễ má tà hạnh”, dùng một mồi nhỏ của lửa tuệ nầy đốt, dù là mồi cực nhỏ, thì cũng sẽ thiêu cháy “củi khô tà kiến như núi chúa” không còn sót thừa.

Rời  ngoài lý nầy mà muốn dung thông các đạo giáo thì chỉ e làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng cũng lạ thay, ngày  nay người ta lại thích làm cái chuyện đem Quân vương sánh cùng thứ quan! Đem Thiên chúa giáo, Khổng giáo, Lão giáo ra so sánh với Phật giáo! Làm như ta đây là bậc thông kim bát cổ. Cho nên, muốn làm chuyện dung thông tự tại mà có ngờ đâu họ đem giọt nước chân trâu sánh cùng biển cả, đem hạt cát nơi cồn đảo sánh cùng biển cát nơi sa mạc mênh mông, đem ánh sáng đôm đốm sánh cùng ánh sáng Thái Dương lúc trưa hè!

Bậc trí giả không cần phải làm những việc như thế, mà chỉ dùng mắt kim cang chuyển hóa Tám thức thành Ngũ trí cho chúng sanh khiến chúng mở Tâm nhãn thấy Thật tướng, dùng tay kim cang mà tạo tác bất tư nghì sự nghiệp lợi ích cho chúng sanh khiến chúng an trụ Như Lai Địa, mà chẳng thấy mình làm vậy, dạo chơi trong sanh tử như dạo chơi vườn nhà, qua lại nơi Chín Pháp giới như dấu chim bay, như điển chớp lưng trời, như mây trôi không gốc rễ, thủ xả như giấc mộng đêm qua… nào ai hay, ai biết.

Rời Lý nầy mà cầu Phật đạo cũng như  nấu cát muốn thành cơm, mài gạch mong có gương sáng, chỉ thêm luống uổng tháng năm mà chẳng thành đạo cả.

Bậc thượng thượng nhơn, bậc trung thượng nhơn, và bậc hạ thượng nhơn là những vị an trụ và thấy được thật tướng của Vô cấu thức trong giai đoạn Tử hữu, và giai đoạn đầu của Trung Hữu. Kỳ dư, tất cả chúng sanh phải chịu sự dẫn dắt của A lại la thức mà qua lại trong ba cõi (Dục, Sắc, Vô sắc), Sáu đường (địa ngục… đến chư Thiên). Một khi mất thân người, nẻo dị loại mang lông đội sừng không biết đến bao giờ mới ra khỏi!

Có ba cách có thể đạt được sự giác ngộ khi thọ Thân Trung Ấm đương lúc chết, tùy theo căn cơ thượng, trung, hay hạ của hành giả. Trong mỗi căn lại chia ra thượng, trung và hạ. Nói chung có chín căn, nếu lại chia chẻ ra nữa thì có rất nhiều.

Thân Trung Ấm

ĐƯƠNG LÚC CHẾT

(Tử Hữu)

***

Thượng Căn

Nếu là bậc Thượng căn, khi tu tập Thiền quán hành giả sẽ nhận ra cả hai sự Sống và Chết chẳng qua là do tâm tạo ra. Nếu nhận ra chúng chỉ là huyễn hóa, Sanh tử và Niết bàn như giấc mộng đêm qua (cảnh giới vô nhị) thì hành giả sẽ chứng nhập bản chất của tự tâm.

Tâm tự nó vốn không (sunyata/shunyata).

Quán chiếu Không kia của tự tâm cũng là Không thì mới thật là Chân Không. Chấp Không, bỏ hữu là thiên chấp. Rời ngoài, có không, thường đoạn, thì gọi là Phật tử. Thế mới biết, lý Chân Không Diệu Hữu thật là thậm thâm vi diệu biết dường bao.

Bậc Thượng căn, sau khi giác ngộ lý Chân Không Diệu Hữu của bản tâm, sẽ đi đến kết luận rằng vui sướng hay buồn khổ, sống hay chết, tốt hay xấu, tất cả mọi hiện tượng từ hữu hình cho đến vô hình, từ địa ngục cho đến chư Phật, tất cả chỉ là do tự tâm tạo ra. Nếu không thể nhận ra điều nầy thì hành giả dù có tử công phu đến vô lượng kiếp cũng không thể đạt được sự giác ngộ.

Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm ở đây thuộc về Bí mật thừa. Nó được sử dụng để tiếp độ các bậc Du già hành giả trong lúc lâm chung để đạt được Phật quả trong đời hiện tại như Mật tông đã chủ trương.

Nói cách khác, Mật tông có khả năng thăng hoa Ngũ uẩn, Cửu thức thành Ngũ trí và được thể hiện bằng Ngũ Như Lai làm chủ Ngũ Bộ Du Già [có nơi gọi là năm vị thiền Phật (Dhyana Buddhas) hoặc Phật tối sơ (Adi Buddhas). Đây là đứng trên phương diện Cưỡng Thuyết Môn mà nói vậy].

BIỂU ĐỒ THỨ 1

THỨC VIJNANA

TRÍ JNANA

NHƯ LAI TATHAGATA

Amala

Dharmadhatusvabhava

Pháp Giới Thể Tánh

Mahavairocana

Đại Nhựt

(THỨC UẨN)

Alaya

Adarsa

Đại Viên Kính

Aksobhya

Bất Động

(SẮC UẨN)

Manas

Samata

Bình Đẳng Tánh

Ratnasambhava

Bảo Sanh

(THỌ UẨN)

Mono

(Ý)

Pratyaveksana

Diệu Quán Sát

Amitabha

Vô Lượng Quang

(TƯỞNG UẨN)

5 thức đầu

Krtyanusthana

Thành Sở Tác

Amoghasiddhi

Bất Không Thành Tựu

(HÀNH UẨN)

 

Khi cái chết đến chỉ có Nghiệp thức (còn gọi là Thần thức, như đã trình bày ở phần trên) kinh nghiệm được những Nghiệp đã tạo tác trong lúc sanh thời.

Khi sống thân nầy tùy thuộc vào Lục đại (đất, nước, gió, lửa, không và thức). Theo như Y học của Đông phương thì chỉ cần một sự thay đổi nhỏ (mất quân bình) của một trong Lục đại cũng đủ khiến cho chúng ta bị bệnh và khó chịu trong người.

Căn cứ vào nội điển, nhứt là kinh Viên Giác, kinh Duy Ma Cật, kinh Thủ Lăng Nghiêm, và kinh Đại Nhựt thì thân thể vật chất nầy tùy thuộc vào Lục đại; Lục đại của thân và Lục đại của Pháp giới vốn tương tức tương nhập. Chúng ta sống là nhờ sự tương tức tương nhập đó mà ra. Thí dụ chúng ta hít thở thì rõ ràng là mượn Phong đại của Pháp giới để nuôi dưỡng bộ máy “thân", khi chúng ta thở ra hoàn trả Phong đại của thân về với Phong đại của Pháp giới; sự trao trả của Địa đại (ăn - đại tiện), Thủy đại (uống - tiểu tiện) v.v… cũng như luật tắc trên mà Pháp giới vẫn không đầy, không thiếu, không tăng, không giảm, không sạch, không dơ…

Đến khi chết, Đất, Nước, Gió, Lửa và Hư Không của thân lần lượt hòa tan/tan biến vào với nhau theo thứ lớp, để khỏi phải hoảng sợ về điều nầy chúng ta cần phải biết tình trạng hòa tan của các Đại (theo kinh Đại Nhựt)

Mỗi lần một Đại hòa tan thì hành giả có thể nhận ra một phương diện của sự Giác ngộ được đại diện bằng một trong năm vị Phật Mẫu.

Theo Mật tông, thì hình tướng nữ nhơn là tượng trưng cho trí tuệ và Tam muội. Kinh Kim Cang Đảnh, 20 Pháp Hội chủ trương, thì đó là các vị nữ Bồ tát Ba la mật, kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà Ra Ni, lấy 3500 Mạn trà la làm quyến thuộc, cũng đồng một ý nầy. Đứng trên mặt lý tánh thì cả hai Đại Mạn Trà la (Thai Tạng và Kim Cang Giới) đều dung thông vô ngại, nên ở đây khi đề cập đến một vị Phật của Kim Cang Giới, Mạt nhân cũng có đề cập đến vị Phật tương ứng với Thai Tạng Giới cho quí Ngài dễ nhớ.

A/ - Buddhalocani-buddhamatri (Phật nhãn có nơi để Hư không nhãn, gọi tắt là Buddhalocana) Boddhisattva: (Phật Giáo Tây Tạng cho rằng đó là Âkâsadhâtvisvari hoặc Yingchogma) trong suốt tượng trưng cho tự tánh của Hư không và trong thân thể của chúng ta là các lỗ hổng của cửu khiếu v.v… Vị Phật tượng trưng cho Hư không là đức Đại Nhựt Như Lai (Mahavairocana), Ngài đồng thời tượng trưng cho Vô cấu thức.

Bồ tát Phật Nhãn chính là Hóa thân của Đức Đại Nhựt Như Lai. Ngài thị hiện trong hình tướng nữ nhơn để biểu hiện cảnh giới tự chứng Thánh trí (Sarvajnana: Nhứt thiết trí). Ngài là  Phật nhãn vì có thể thông đạt sự đồng nhứt của Chân Không và Diệu Hữu của chư Pháp và của Thai Tạng và Kim Cang Giới Đại mạn trà la vương. Vì Phật là Chân như (Tathata), cũng chính là Không (sunyata), cho nên, Ngài cũng là Hư không nhãn. Sở dĩ gọi ngài là vị Phật Mẫu vì ngài sanh ra trí tuệ của chư Như Lai, Hóa thân của sự Giác ngộ, và là Chủ mẫu của Phật Bộ (Buddha-Kula). Hai tay của Phật Mẫu kiết Pháp giới Thiền ấn (dharmadhatu – dhyana – mudra). Điểm đặc thù của ngài Thai Tạng Giới là:

1. Ở Biến Tri Viện: Ngài là hóa thân của đức Đại Nhựt Như Lai.

2. Ở Thích Ca Viện: Ngài là hình ảnh của đức Thích Ca Mưu Ni (Sakyamuni).

3. Ngài cũng chính là Đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva).

Pháp giới Thiền ấn chứng tỏ rằng Phật Mẫu đang nhập định với Phật Nhãn chuyên chú nơi Trung đạo, thật tướng của các Pháp, và chư Phật, Bồ tát, do đó mà lưu xuất nên gọi là Phật Mẫu, chớ không phải Phật có cha, mẹ, vợ, con v.v… CHƯ PHẬT VỐN VÔ SANH, xin chớ đem vọng tâm ra phân biệt so đo, ắt chiêu lỗi lớn.

B/ Vajraparamita (Kim Cang Ba La Mật) Bodhisattva: Trong suốt tượng trưng cho tự tánh của nước, và trong thân thể của chúng ta là các chất lỏng như nước rãi (tân dịch), nước mắt, mủ, huyết (máu), mồ hôi, nước bọt, nước nhờn, đàm, gỉ mắt, tinh, khí, nước mắt v.v… Vị Phật tượng trưng cho nước là đức Bất Động Như Lai (Aksobhya. Vị nữ Bồ tát theo ngài Bất Động Như Lai là Vajraparamita, Phật giáo Tây Tạng cho rằng vị ấy là Tathagatalocana hoặc  Mamaki), ngài Bất Động cũng tượng trưng cho A lại da thức.

Đứng trên bình diện của Thai Tạng Giới thì vị Phật tượng trưng cho nước là đức Khai Phu Hoa Vương (Samkusumita-raja, và Ngài cũng chính là đức Bất Không Thành Tựu (Amogha-siddhi). Nữ Bồ tát theo ngài Bất Không Thành Tựu là Samayatara. Ngài Bất Không Thành Tựu Như Lai cũng tượng trưng cho năm (5) thức đầu.

Bồ tát Kim Cang Ba La Mật chính là Hóa thân của đức Đại Nhựt Như Lai. Ngài thị hiện trong hình tướng nữ nhơn để biểu thị rằng Ngài là vị Phật Mẫu sanh ra trí tuệ của đức Bất Động Như Lai, hóa thân của Bồ đề tâm (Bodhicitta) kiên cố như kim cang, không thể phá hủy, và là Chủ mẫu của Kim Cang Bộ (Vajra-Kula). Tay trái của Phật Mẫu kiết Kim Cang quyền ấn để tượng trưng cho sự an trụ hoàn toàn            trong Bát nhã Ba La Mật (Prajna-paramita). Tay phải của Phật Mẫu kiết Xúc địa ấn (bhumisparsa-mudra). Ấn nầy chính là ấn của đức Bất Động Như Lai (Aksobhya-Tathagata).

C/ Ratnaparamita (Bảo Ba La mật) Bodhisattva:  Trong suốt tượng trưng cho tự tánh của đất, và trong thân thể của chúng ta là chất đặc như lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, óc và các sắc nhơ nhớp khác. Vị Phật tượng trưng cho Địa đại là đức Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava. Nữ Bồ tát theo Ngài Bảo Sanh là Ratnaparamita. Phật giáo Tây Tạng cho rằng vị ấy là Mamaki), ngài Bảo Sanh cũng tượng trưng cho thức Mạt na.

Đứng trên bình diện của Thai Tạng Giới thì vị Phật tượng trưng cho đất là đức Bảo Tràng (Ratnaketu).

Bồ tát Bảo Ba la mật chính là hóa thân của đức Đại Nhựt Như Lai. Ngài thị hiện trong hình tướng nữ nhơn để biểu thị rằng Ngài là vị Phật Mẫu sanh ra Trí tuệ của đức Bảo Sanh Như Lai, hóa thân của sự Tu Tập/Hành Động, và là Chủ Mẫu của Bảo Bộ (Ratna-Kula). Tay trái của Phật Mẫu cầm một liên hoa nở để lộ ra một hình cầu (có nơi vẽ quyển kinh) để tượng trưng cho sự tu tập viên mãn. Tay phải của Phật Mẫu cầm Như Ý Bảo Châu để tượng trưng cho sự tu tập “Mười ngàn pháp môn” mà chiêu cảm được tâm tự tại như ngọc báu Như Ý Bảo Châu.

D/ Dharmaparamita (Pháp Ba la mật) Bodhisattva: Trong suốt tượng trưng cho tự tánh của lửa, và trong thân thể của chúng ta là hơi ấm, khí nóng.Vị Phật tượng trưng cho lửa là đức Vô Lượng Thọ Như Lai (Amitayus. Vị nữ Bồ tát theo ngài Vô Lượng Thọ Như Lai là Dharmaparamita) và cũng chính là đức Vô Lượng Quang (Amitabha. Theo Phật giáo Tây Tạng thì vị nữ Bồ tát đi theo ngài Vô Lượng Quang là Pândara hoặc Go Karmo) Như Lai của Kim Cang giới. Ngài Vô Lượng Quang Như Lai cũng tượng trưng cho Ý thức.

Bồ tát Pháp Ba la mật chính là Hóa thân của Đức Đại Nhựt Như Lai. Ngài thị hiện trong hình tướng nữ nhơn để biểu thị rằng Ngài là vị Phật mẫu sanh ra Trí tuệ của đức Vô Lượng Quang Như Lai, hóa thân của sự Giác Ngộ, rồi dùng tâm giác ngộ mà chuyển Chánh Pháp Luân để cứu độ chúng sanh, và là Chủ mẫu của Liên Hoa Bộ (Padma-Kula) cũng chính là Pháp Bộ (Dharma-Kula). Trí tuệ nầy thuộc Liên Hoa Bộ vì nó giống như đóa hoa sen ở trong bùn mà chẳng bị nhiễm phải bùn. Hai tay của Phật mẫu kiết ấn Tam Muội (dhyana-mudra), ở trên có một đóa hoa sen nở vươn lên ngang đỉnh đầu, trên bông sen có kinh Bát Nhã Ba la mật (Prajnaparamita).

E/ Karmaparamita (Yết ma Ba la mật) Bodhisattva: Trong suốt tượng trưng cho tự tánh của gió và trong thân thể của chúng ta là các chất động chuyển. Vị Phật tượng trưng cho gió là đức Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amogha-siddhi. Theo Phật giáo Tây Tạng thì vị nữ Bồ tát theo ngài Bất Không Thành Tựu là Samayatara hoặc Damtsik Drolmatrong), Ngài cũng tượng trưng cho năm (5) Thức đầu.

Đứng trên bình diện của Thai Tạng Giới thì vị Phật tượng trưng cho gió là đức Thiên Cổ Lôi Âm (Divyadundubhi-meghanirghosa) và cũng chính là đức Bất Động (Aksobhya. Căn cứ vào các kinh văn Mật tông của Phật giáo Tây Tạng thì vị nữ Bồ tát đi theo ngài Bất Động Như Lai là Locana hoặc Mamaki) của Kim Cang Giới. Ngài Thiên Cổ Lôi Âm Như Lai cũng đồng thời tượng trưng cho A lại da thức.

Bồ tát Yết ma Ba la mật chính là Hóa thân của đức Đại Nhựt Như Lai. Ngài thị hiện trong hình tướng nữ nhơn để biểu thị rằng Ngài là vị Phật mẫu sanh ra Trí tuệ của đức Bất Không Thành Tựu Như Lai, hóa thân của sự hành động cứu độ chúng sanh bằng những phương tiện thiện xảo, và là Chủ mẫu của Yết Ma Bộ (Karma-Kula). Trí tuệ của Phật mẫu dùng để chặt đứt tất cả gốc rễ của phiền não. Tay phải của Phật mẫu cầm chày kim cang ngũ cổ hình chữ thập (karma-vajra), tượng trưng cho Trí giác thành tựu tất cả sự nghiệp khắp cả 10 phương của đức Bất Không Thành Tựu Như Lai. Tay trái cầm đóa bông sen có Như Ý Bảo Châu ở trên, lại có nơi nói là kinh Bát Nhã Ba la mật (Prajna-paramita).

Một khi chứng được địa vị của Phật Mẫu là chứng được Pháp thân bình đẳng của chư Phật Như Lai.

Đứng trên bình diện của cả hai giới – Thai Tạng và Kim Cang thì đức Đại Nhựt Như Lai đều ở giữa trung tâm đàn. Đây là trường hợp thuyết các kinh thuộc Phật Bộ.

Có vài trường phái Mật tông, nhứt là của Phật giáo Tây tạng thường hoán chuyển địa vị của đức Bất Động Như Lai và Đại Nhựt Như Lai khi tuyên thuyết các kinh thuộc Kim Cang Bộ. Khi hoán chuyển như vậy có khi lại không hoán chuyển vị Phật Mẫu sanh ra Bộ tộc của vị Phật kia, thành ra có khi làm cho nhiều người thắc mắc. Theo Ngũ bộ Du già thì năm vị Phật có thể hoán chuyển, mỗi bộ có vô số vô lượng chủng loại Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và chư Thần linh làm quyến thuộc. Điều tối quan trọng là  cả hai Giới Thai Tạng và Kim Cang vốn vô nhị. Người tu theo đạo Phật phải đem tâm vô nhị ra làm đầu.

Nếu trong đời,  hành giả trải qua kinh nghiệm của cả hai giai đoạn Tam mật Du già Hữu tướng (Phát khởi) và Tam mật Du già Vô tướng (thành tựu) khi thiền quán về các bậc thần linh, chủng tử v.v… với sự chứng ngộ bản tâm vốn là Không (sunyata), mà cái không ấy cũng là không, thì khi ở Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tửu hữu), có thể nhận ra những giai đoạn tan biến/hòa tan và các giọt trắng đỏ giao lưu thì cơ hội giải thoát mình ra khỏi mọi khổ đau, triền phược và đạt thành bậc Chánh Đẳng Chánh giác sẽ không ngoài tầm tay.

CÓ THỂ HIỆP NHỨT VỚI PHÁP THÂN HAY KHÔNG, ĐÓ LÀ DO TỬ HỮU CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ GIẢI THOÁT Ở MỘT TRONG HAI GIAI ĐOẠN SAU HAY KHÔNG.

HAI (2) GIAI ĐOẠN NẦY XẢY RA NHANH THÌ MỘT (1) SÁT NA, VÀ LÂU NHỨT LÀ MỘT (1) NGÀY.

HÀNG CỤ PHƯỢC PHÀM PHU THƯỜNG CÓ CẢM GIÁC RẤT ĐAU KHỔ, HOẶC HOẢNG SỢ, HOẶC KINH HOÀNG KHI CÁC ĐẠI BẮT ĐẦU HÒA TAN VÀO NHAU… THẾ NÊN NGƯỜI CÓ TRÍ CÓ THỂ CĂN CỨ VÀO NHỮNG TƯỚNG TRẠNG MÀ HỌ KINH NGHIỆM TRONG THỜI GIAN HẤP HỐI, VÀ LÚC LÂM CHUNG (TỬ HỮU) THÌ SẼ BIẾT HỌ SANH VỀ ĐÂU. ĐIỀU NẦY RẤT HỮU ÍCH, VÌ NẾU HỌ  PHẠM PHẢI CÁC TƯỚNG SAU ĐÂY THÌ NÊN ÂN CẦN DẠY BẢO KHIẾN HỌ CÓ THỂ XOAY CHUYỂN THẦN THỨC MÀ SANH VỀ CÕI LÀNH.

DỰA VÀO CÁC TƯỚNG KHI CHẾT

SẼ BIẾT ĐƯỢC VONG LINH

SANH VỀ ĐƯỜNG NÀO

TRONG TAM GIỚI

Vì có rất nhiều người tà kiến dẫy đầy, trí  huệ lu mờ, vô minh phiền não hẫy hừng, khiến cho không tin một khi chết có thể sanh vào địa ngục, ngạ quỷ v.v… cùng lúc vì muốn chuyển tà kiến, và ác hạnh của vua A Xà Thế, đức Đại Bi Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni mở bày môn phương tiện chỉ nói các tướng của người lúc lâm chung (Tử Hữu), và thị hiện uy thần lực gia trì (adhisthana) khiến vua A Xà Thế hướng vào địa ngục, thấy cảnh hành hình mà chuyển tâm quy Phật, Pháp, Tăng, trở thành một người cư sĩ tại gia thuần thành. Căn cứ vào kinh Địa Tạng thì người nào muốn vào địa ngục phải có một trong ba điều kiện sau:

1. Bản nghiệp của kẻ làm ác chín mùi, quả xấu chiêu cảm.

2. Chư Phật, Bồ tát dùng thần lực gia trì,

3. Bồ tát vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh mà tự vào.

Ngoài ra, không có cách  nào thấy biết, hoặc hướng vào địa ngục được. Việc nầy, không có ngoại lệ.

Căn cứ vào kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni, do Y chỉ sư Thông Đức, pháp hiệu Đồng Hạnh dịch, trang 295-298, thì đức Phật đã dùng uy thần lực để gia trì (adhisthana) vua A Xà Thế khiến vua mở  mắt chưa từng có mà hồi tâm chuyển ý. Đại khái sự việc xảy ra như sau:

Lúc ấy, đức Thích Ca Như Lai nói lời ấy rồi, vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà lại bạch Phật rằng:

Thế Tôn, như chỗ Phật nói, chúng sanh ác vào nơi địa ngục, làm sao biết được, ai đã từng thấy? Làm sao biết được đọa vào Ngạ quỷ và Súc sanh? Ai thấy đương sanh Trời, Người?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo vua A Xà Thế rằng:

Đại vương phải biết, nhứt tâm lắng nghe, Ta vì vua nói, khiến vua được thấy biết hiện tiền. Đại vương phải biết, người sắp lâm chung có mười lăm (15) tướng phải đọa vào Địa ngục, có tám (8) tướng trạng phải đọa vào Ngạ quỷ, đọa vào Súc sanh có năm (5) tướng; sanh vào Trời và Người mỗi cảnh giới riêng có mười (10) tướng.

Đại vương, mười lăm (15) tướng phải đọa vào Địa ngục đó như thế nào?

1. Người ấy có cặp mắt hung ác nhìn vợ, chồng, nam nữ quyến thuộc.

2. Hai tay người ấy rờ mò trong hư không.

3. Thiện tri thức dạy bảo không tùy thuận.

4. Buồn tủi, khóc lóc, kêu la, ứa lệ.

5. Lúc tiểu và đại tiện không hay, không biết.

6. Nhắm  mắt không mở được.

7. Thường che khuất đầu mặt.

8. Ăn uống nằm nghiêng.

9. Thân và miệng hôi thối.

10. Đầu gối không cử động.

11. Sống mũi nghiêng một bên.

12. Mắt trái máy động.

13. Hai mắt đỏ ngầu.

14. Nằm úp mặt.

15. Thân hình co quắp, nằm nghiêng hông phía trái dưới đất.

Đại vương phải biết, nếu có chúng sanh lúc lâm chung đủ mười lăm (15) tướng như vậy, quyết định phải sanh vào Địa ngục A tỳ. [còn bị ít hơn 15 tướng trên thì phải chịu đọa vào trong 16 Đại Địa ngục].

Đại vương nên biết, người lúc lâm chung có tám (8) tướng quyết định phải sanh cảnh giới Diêm ma la trong đường Ngạ quỷ. Tám tướng đó như thế nào?

1. Thích liếm môi.

2. Thân nóng như lửa.

3. Thường hay đói khát, ưa nói về ăn uống.

4. Miệng há không ngậm.

5. Hai mắt khô cằn như chim Khổng tước (chim công).

6. Không thể tiểu, đại tiện được.

7. Đầu gối chân mặt lạnh trước.

8. Tám là tay mặt thường nắm lại, vì cớ sao? Tâm người đó bỏn xẻn, cho đến nước cũng không bố thí cho người.

Đại vương nên biết, đủ tám (8) tướng nầy, lúc lâm chung quyết định sanh trong Ngạ quỷ.

Đại vương nên biết, nếu lại có người lúc lâm chung có năm (5) tướng hiện ra, người ấy quyết định phải đọa vào Súc sanh. Năm (5) tướng đó như thế nào?

1. Ái  nhiễm vợ/chồng con, thích thấy không xả được.

2. Tay chân co quắp lại.

3. Thân ra mồ hôi một phía.

4. Phát ra tiếng nói khô rít.

5. Trong miệng thường có đàm.

Đại vương, nếu có đầy đủ năm (5) tướng nầy, lúc lâm chung quyết định đọa vào Súc sanh.

Đại vương phải biết, lúc lâm chung có đủ mười (10) tướng hiện ra, người ấy quyết định sanh lại làm người. Mười (10) tướng ấy như thế nào?

1. Sanh thiện niệm, tâm nhu nhuyến, tâm phước đức, tâm vi tế, tâm hoan hỷ, tâm phát khởi, tâm không phiền muộn.

2. Thân không khổ đau.

3. Ít nói lời nhảm nhí, tâm thường nhớ cha mẹ.

4. Nơi vợ/chồng con, nam nữ khởi tâm thương xót, xem ngó như thường, không ái, không sân, tai ưa nghe danh tánh của anh em, chị em thân thuộc.

5. Điều thiện, điều ác tâm không tán loạn.

6. Tâm chánh trực, không siểm khúc.

7. Biết Cha Mẹ, thân hữu, quyến thuộc đem tâm thiện hộ niệm cho ta.

8. Thấy chỗ chân lý tâm sanh khen và vui.

9. Di chúc gia sự, chỉ rõ nơi chứa cất tài bảo.

10. Khởi tâm thanh tịnh, thỉnh Phật, Pháp, Tăng đối trước mặt tín tâm quy kính xưng: “Nam Mô Phật Đà, Nam mô Đạt Ma, Nam mô Tăng Già, con nay quy y.” Nếu không có đạo Phật trong đời, thời quy ngũ thông Tiên Đạo.

Đại vương, người lúc lâm chung đủ mười (10) tướng nầy, quyết định được sanh làm Người.

Đại vương phải biết, nếu lại có người đến lúc lâm chung có đủ mười (10) tướng trạng hiện ra, người ấy quyết định sanh vào các cõi Trời. Mười (10) tướng ấy như thế nào?

1. Khởi tâm lân mẫn.

2. Phát khởi thiện tâm.

3. Khởi tâm hoan hỷ.

4. Chánh niệm hiện tiền.

5. Không có các mùi hôi tanh.

6. Sống mũi không xiên vẹo.

7. Tâm không phẫn nộ.

8. Trong gia đình, đối với vợ/chồng con, tài bảo, quyến thuộc, tâm không luyến ái.

9. Mắt hiện sắc thanh tịnh.

10. Ngửa mặt mà cười, tưởng nhớ cung Trời phải đến rước ta.

Nếu lúc lâm chung đủ mười (10) tướng nầy, quyết định sanh vào các cõi Trời.

Đại vương, người lúc lâm chung, tướng thiện, tướng ác như vậy, Ngài phải nên biết.

Lúc ấy, vua A Xà Thế nghe Phật nói rồi, thẩm xét, suy tư lời nói của đức Như Lai đây, đó là chân thực hay hư dối? Đức Thế Tôn biện tài đầy đủ quyền thuyết lý nầy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết chỗ nghi trong thâm tâm của vua A Xà Thế, liền dùng thần lực (adhisthana) khiến vua A Xà Thế thấy được tướng ác, bỗng nhiên có địa ngục và khí cụ hành khổ đầy khắp. Có các ngục tốt, tay cầm binh khí, vô lượng chúng sanh do điên đảo đọa vào địa ngục nhanh như giọt mưa. Lúc ấy, ngục tốt nhìn với đôi mắt sân si, oai mãnh, tay chỉ A Xà Thế mà nói rằng: “Đây là người nghịch ác giết Cha, mau đem hắn nhốt trong Địa ngục A Tỳ mà khổ trị đó.”

Lúc ấy, vua A Xà Thế nghe lời đó rồi rất là sợ sệt, chân lông khắp thân tuôn mồ hôi dầm dề, vội vàng từ tòa đứng dậy muốn chạy trốn. tâm mê muội, ngã nhào dưới đất, không hay biết, ví như luồng gió lốc thổi xô cây đại thọ không rễ, chẳng thể sống lâu. Cho đến dùng mọi phương tiện cứu sống cũng không thể được. Xướng liên hồi rằng:

Thế Tôn! Thế Tôn! Cứu giúp mạng con! Cứu giúp mạng con! Cứu giúp mạng con! Con ngày nay, không chỗ nương, không chỗ cậy, từ nay quyết định quy y Phật, Pháp, Tăng.

Đức Như Lai hoàn nhiếp thần lực  (adhisthana), mọi tướng không còn, hỏi vua A Xà Thế rằng: “Đại vương hướng vào Địa ngục, thấy các việc khổ đó như thế nào?”

Lúc ấy, vua A Xà Thế trong lòng đau khổ, đáp rằng:

Con nay đã thấy chỗ nói của Đức Thế Tôn, đó chỉ là một phần ít, chỗ con thấy cái khổ rất nhiều. Như Lai Thế Tôn nói lời chơn ngữ, thực ngữ. Thế Tôn! Thân con đây tạo nhiều nghiệp ác, nay đối trước Thế Tôn, chúng đại Bồ tát và chúng Tăng trong đại hội đây, xin phát lồ sám hối, dứt các điều ác, đoạn tâm tương tục, con từ ngày hôm nay cho đến Bồ đề (Bodhi), thề giữ năm giới làm Ưu bà tắc. Như chỗ Phật nói, một chữ Đà La Ni (dharani) hết thảy công năng, đều lấy Bồ đề tâm (bodhicitta) làm tiên đạo. Từ nay về sau, mỗi ngày ba thời tinh tấn tu tập, đem mọi thiện căn hồi hướng cho tất cả chúng sanh.

GIAI ĐOẠN THỨ I

Các Đại Lần Lượt Tan Biến Vào Nhau

(có nhiều trường phái chủ trương giai đoạn nầy thuộc giai đoạn của Trung Hữu!)

ĐỊA ĐẠI ------> THỦY ĐẠI

Tiến trình nầy bắt đầu bằng sự tan biến của Địa đại vào Thủy đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu vàng. Tử Hữu sẽ thấy và kinh nghiệm rằng tất cả mọi vật đều bị tan rã bởi những cơn lụt và động đất dữ dội. Tử Hữu không thể nào đứng vững bởi vì sức mạnh trong người bị tan biến một cách nhanh chóng phi thường. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng và thiền quán về những hiện tượng màu vàng kia đồng với cái tâm của mình, tất cả mọi hiện tượng màu vàng kia chính là tâm, tâm chính là hiện tượng mang hình sắc màu vàng không hai không khác. Nói cách khác, nếu Tử Hữu có thể vượt qua sự đối đãi nhị nguyên của tâm và sắc (hiện tượng giới) vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Ratnaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

THỦY  ĐẠI  -----> HỎA ĐẠI

Giai đoạn thứ hai, Thủy đại tan biến vào Hỏa đại. Khi mà sự hòa tan này xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu trắng. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị nước bao trùm khắp nơi. Trong khoảng thời gian nầy, những người chung quanh sẽ thấy mặt và môi của Tử Hữu trở thành khô cằn một cách nhanh chóng. Bản thân Tửu Hữu cảm thấy rằng mình rất khát nước. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng và thiền quán về những hiện tượng màu trắng kia đồng với cái tâm của mình, tất cả mọi hiện tượng màu trắng chính là tâm, tâm chính là hiện tượng mang hình sắc màu trắng không hai không khác. Nói cách khác, nếu Tử Hữu có thể vượt qua sự đối đãi nhị nguyên của tâm và sắc vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Vajraparamita Bodhisattva (Pháp thân).

HỎA ĐẠI -----> PHONG ĐẠI

Giai đoạn thứ ba là Hỏa đại tan biến vào Phong đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu đỏ. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị cháy đỏ khắp nơi. Trong khoảng thời gian nầy, hơi ấm trong người của Tử Hữu sẽ biến mất. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng nhứt tâm quán sát những kinh nghiệm nội tại và những kinh nghiệm ngoại tại tất cả chỉ do tâm hiện và không có gì có thể xuất hiện ngoài tâm của mình. Nếu Tử Hữu chứng được lý Duy Tâm Sở Hiện vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Dharmaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

PHONG ĐẠI ----- > HƯ KHÔNG ĐẠI

Giai đoạn thứ tư, tuy nhiên, nếu hành giả vẫn chưa thành tựu được ở giai đoạn nầy thì Phong đại sẽ tan biến vào Hư không đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu xanh lá cây. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị những luồng gió khủng khiếp thổi tan biến không còn gì cả. Bên trong thì Tử Hữu sẽ nghe tiếng gầm thét như trăm ngàn tiếng sấm nổ. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng nhứt tâm quán sát tất cả ánh sáng, âm thanh và màu sắc mà mình đang trải qua thật ra chỉ do tâm hiện và không có gì có thể xuất hiện ngoài tâm của mình. Bếu Tử Hữu chứng được lý Duy Tâm Sở Hiện vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Karmaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

HƯ KHÔNG ĐẠI ----- > THỨC ĐẠI

Giai đoạn sau cùng, nếu hành giả vẫn chưa thành tựu được đạo quả thì Hư không đại sẽ tan biến vào với Thức đại. Nói cách khác, tất cả những luồng gió nghiệp sẽ hòa tan vào ống dẫn trung tâm. Người thường cho rằng đó là “giai đoạn mất tri giác.” Lúc bấy giờ, Tử Hữu nhập vào cảnh giới tối tăm mù mịt, và mất đi tất cả mọi cảm giác và tri giác. Hãy tập trung tư tưởng trong thể nhứt tâm bất loạn và hãy nhận ra rằng tâm mình chính là tự tánh của Pháp giới, chính là quang minh. Nếu Tử Hữu có thể chứng được bản tâm và quang minh vốn là một, không sai khác thì đồng thời chứng được địa vị của đức Buddhalocana Bodhisattva (Pháp thân).

Lúc bấy giờ tất cả Ngũ đại đều bị hòa tan và Tử Hữu sẽ không thể nào di chuyển được bất cứ chi phần nào của thân thể cả.

GIAI ĐOẠN THỨ II

Giọt Trắng và Giọt Đỏ Của Bồ Đề Tâm Xuất Hiện

Ở giai đoạn nầy, Tam Mật của chúng sanh sẽ chuyển hóa, và hợp nhứt với Tam Mật của đức Như Lai.

GIỌT TRẮNG ĐI XUỐNG

(Biểu tượng của phương tiện thiện xảo)

Đầu tiên, hơi thở sẽ dứt bặt, Tử Hữu đi vào cảnh giới tối tăm do Hư không đại hòa tan vào Thức đại (từ một sát na đến trọn cả bữa ăn). Ngay sau đó, Tử Hữu sẽ thấy một điểm sáng [hoặc một giọt trắng mà người Tây Tạng gọi là bindu điểm sáng ấy là hiện tướng của Bồ đề tâm [Bodhicitta: Bồ đề tâm ở đây, chính là tự tánh của tâm thanh tịnh hiển tướng, chớ không phải là Bi tâm được tạo ra do sự nguyện ước cứu độ chúng sanh mà có nhiều nơi cho rằng cả hai giống nhau!] nó xuất hiện tại giữa hai lông mày trước trán rồi lần lần đi xuống; đây là loại Bồ đề tâm tích cực (male energy), biểu tượng của phương tiện thiện xảo (upaya).

Khi mà điểm trắng đi xuống thì Tử Hữu sẽ thấy tất cả mọi hiện tượng đều mang một màu trắng. Lúc bấy giờ, trong một sát na, tất cả 33 loại sân hận sẽ hoàn toàn biến mất, đến như mối hận bất cộng đái thiên với bất cứ ai đi nữa cũng tan biến không sót thừa.

Cùng lúc đó, Tử Hữu trải kinh nghiệm của Trí lạc, đó là bản chất của Ứng thân (Nirma-nakaya). Thân bất tịnh nầy sẽ được chuyển hóa thành Ứng thân thanh tịnh. Đây là thánh thể ứng hiện nơi thế gian và cũng chính là thân trong cảnh giới tâm linh siêu việt của các bậc Đại Đạo sư và chư Bồ tát khi thị hiện nơi nhân thế.

Ứng thân thể hiện bằng Trí lạc vượt qua sự chấp trước của thế giới nhị nguyên. Nếu trải qua kinh nghiệm nầy và nhận ra Trí lạc kia thì Tử Hữu sẽ chứng được địa vị của Đức Bất Động (Aksobhya) Như Lai (có nơi nói là Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), điều nầy cũng không có gì sai trái cả vì đức Vajrasattva chính là hóa thân của đức Bất Động Như Lai vậy. Bất Động Như Lai chính là bản thể của Thân bí mật của chư Phật.

GIỌT ĐỎ ĐI LÊN

(Biểu tượng của Trí Tuệ)

 

Sau đó, Tử Hữu sẽ thấy  một điểm sáng màu đỏ từ dưới đan điền đi lên từ từ. Đây là thứ Bồ đề tâm tiêu cực (female energy), biểu tượng của trí tuệ. Khi mà điểm sáng đỏ đi lên, Tử Hữu sẽ thấy tất cả hiện tượng đều trở thành màu đỏ. Trong khoảng thời gian nầy, 40 loại tham dục đều bị tan biến, ngay cả gặp hình ảnh rất đáng yêu của các Thiên nữ hay các Thiên nam, Tử Hữu cũng sẽ không có tâm tham ái nổi lên.

Cùng lúc đó, Tử Hữu trải qua kinh nghiệm  của Trí lạc tối thượng, đây là bản chất của Báo thân (Sambhogakaya). Ngữ/ Khẩu bất tịnh của chúng sanh sẽ được chuyển hóa thành Báo thân thanh tịnh.

Báo thân thể hiện bằng Trí Lạc Tối Thượng, cái Lạc nầy thâm sâu và trường cửu. Nếu nhận ra được Trí Lạc Tối Thượng nầy thì Tử Hữu sẽ chứng được địa vị của đức Vô Lượng Quang (Amitabha) Như Lai. Vô Lượng Quang Như Lai chính là bản thể của Khẩu bí mật của chư Phật.

GIỌT TRẮNG VÀ GIỌT ĐỎ GẶP NHAU

TẠI LUÂN XA TRÁI TIM

Biểu tượng của Đại Ấn (Mahamudra) viên thành

Nếu vẫn chưa đạt được sự giác ngộ, Tử Hữu sẽ thấy điểm (giọt) sáng trắng và điểm sáng đỏ sẽ gặp nhau ở Luân Xa Trái Tim. Khi mà cả hai điểm nầy giáp nhau thì Tử Hữu sẽ trải qua kinh nghiệm mờ ảo, như màn đêm khi trăng non vừa mới xuất hiện, và bảy (7) loại vô minh sẽ tan biến.

Cùng lúc đó, Tử Hữu sẽ trải qua kinh nghiệm của Trí Tuệ Siêu Lạc và lập tức chuyển hóa tâm mình làm một với tâm của chư Phật, Tâm Bí Mật đó chính là đức Đại Nhựt (Mahavairocana) Như Lai vậy.

Tâm nhị nguyên của Tử Hữu sau khi chuyển hóa sẽ trở thành Pháp thân (Dharma-kaya) của chư Phật Như Lai. Điều nầy là một sự thật không thể chối cãi được, trong đó tất cả những khái  niệm nhị nguyên sẽ trở thành nhứt thể và vượt ra ngoài những cảm giác thường tình của thế nhân.

Trí Tuệ Siêu Lạc chính là Pháp thân. Nó vượt qua tất cả mọi khái niệm, thậm thâm và không thể nào phá hủy. Lúc bấy giờ, Tử Hữu không cần phải dụng công tu tập, nó cũng đến một cách tự nhiên và tự phát. Tử Hữu nếu có thể nhận ra cảnh giới nầy thì liền đạt được sự giác ngộ viên mãn.

Thân bí mật của chư Phật chính là đức Bất Động Như Lai. Khẩu bí mật của chư Phật chính là đức Vô lượng quang Như Lai. Tâm Bí Mật của chư Phật chính là đức Đại Nhựt Như Lai, và Đại Nhựt Như Lai cũng chính là căn nguyên của Phật.

Các thứ Lạc nầy do trí tuệ sanh ra. Chúng không khác nhau mấy trên hình thức, nhưng khác nhau trên mức độ sâu cạn mà thôi. Vả lại, tất cả các thứ Lạc mà Thân Trung Ấm kinh nghiệm qua đều là cái Lạc vĩnh cửu, nó tuy là một nhưng chính là bốn (4) đặc tánh hy hữu của Đại niết bàn (Thường, Lạc, Ngã – Ba thân là theo Hiển giáo, theo Mật giáo thì có bốn Thân - Tịnh)

Nếu không đạt được giác ngộ lúc nầy thì Tử Hữu sẽ bị lạc vào Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung  Hữu). Ngoài Phật lực, Bồ tát hạnh nguyện lực, Thần chú/ Chân ngôn/ Đà ra ni lực, Pháp giới lực thì Nghiệp lực là hạng kế vậy. Một khi bị nghiệp lực chủ trì và lôi kéo thì khó có gì ngăn cản nổi nó. Ôi một phen mất thân người nẻo dị loại mang lông đội sừng biết bao giờ mới ra khỏi!

Thế mới biết, đạt được sự giác ngộ hay không là do hai yếu tố quan trọng của đời nầy:

1. Thật sự tu tập thiền quán và

2. Y pháp hành trì.

Tất cả chúng sanh đồng có chung một kinh nghiệm khi chết, không ngoại lệ.

Sự khác biệt trong mức độ chứng nhập bản tâm là tùy theo khả năng nhận ra bản chất chân thật của mỗi giai đoạn mà Thần thức trải qua khi chết mà mỗi người có kinh nghiệm sai biệt. Nếu được huấn luyện kỹ, và thật sự có tu tập thì hành giả sẽ nhận ra nó dễ dàng. Lúc nầy, nếu thuở sanh thời không chịu tu hành thì dù có đọc sách về Thân Trung Ấm, hay bất cứ kinh sách gì đi nữa thì cũng bằng thừa!

Khi giọt trắng (đại diện bằng chữ ÚM màu trắng như ánh sáng mặt trời) và giọt đỏ (đại diện bằng chữ A màu đỏ rực rỡ) của Bồ đề tâm gặp  nhau tại Luân Xa Trái Tim. Tử Hữu nào thành tựu được Thiền quán thậm thâm nơi kiếp nầy, sẽ lập tức nhận ra bản chất chân thật của tâm (đại diện bằng chữ HÙM) màu xanh da trời, cực kỳ rực rỡ).

Tâm quán chiếu tánh không (sunyata), và tánh không hợp nhứt thì lúc bấy giờ Tử Hữu không cần phải dụng công mà nó tự phát khởi không gián đoạn.

Tâm quán chiếu Tánh không (sunyata) trong lúc sanh thời gọi là Con; tự tánh chân thật của tâm được gọi là Mẹ.

Hành giả đã thấu triệt hoàn toàn, và thiền quán thâm sâu sẽ trải qua kinh nghiệm hợp nhứt của mẹ và con khi ở giai đoạn Tử Hữu.

Trường hợp nầy giống như người mẹ mất đứa con đã lâu ngày, nay mẹ con trùng phùng. Khi gặp lại đứa con của mình người mẹ lập tức nhận ra nó ngay, và lòng bà tràn ngập niềm vui không kể xiết. Lúc bấy giờ, người mẹ trong lòng chỉ biết có con mình, ngoài ra không hề chú ý đến việc gì khác chỉ có một kinh nghiệm đó là niềm vui vô hạn.

Khi mà hành giả nhận ra tự Tánh không (sunyata) của tâm, và sự nhận ra kia cũng là không (sunyata), thì lúc bấy giờ hành giả đạt được sự giác ngộ tối cao, đó chính là chứng nhập Pháp thân (Dharmakaya) Bình đẳng của chư Phật Như Lai vậy.

Có rất nhiều bậc liễu ngộ Pháp thân đã thị hiện giữ được tư thế ngồi thiền hai (2) hay ba (3) ngày sau khi chết.

Các vị liễu ngộ cao hơn có thể ngồi như ba (3) đến bảy (7) ngày mà thân thể vẫn không hôi thúi, không mục rã, lại tỏa ra mùi hương thơm ngạt ngào, thế gian ít có mùi hương nào có thể sánh bằng. Khi xả thiền, vì các Ngài đã thực sự đạt đến giác ngộ, thì thân thể của họ sẽ gục ngã. Đây là dấu hiệu sứ chứng ngộ của các Ngài.

Có hai cách thức để đạt được sự giác ngộ khi chết. Đó là tùy theo hai cách thức thiền quán:

1. Thiền hữu tướng

2. Thiền vô tướng

Nếu tu tập theo pháp môn thiền hữu tướng thì hành giả sẽ đạt được sự giác ngộ bằng cách thức sau đây.

Theo truyền thống của Mật tông Tây Tạng, thì hành giả sẽ thấy sự gặp gỡ của hai giọt trắng và đỏ trong hình thức của các bậc thần linh. Ví dụ, giọt trắng có thể được thấy như một bậc thần linh với phương diện tích cực/ động chẳng hạn như Chakrasamvara (thần linh với bóng dáng của một bậc trượng phu). Tương tự, hành giả sẽ có kinh nghiệm về giọt đỏ như một bậc nữ thần chẳng hạn như Vajrayogini.

Hành giả sẽ nhận ra nhị vị thần linh kia là những vị thần hộ mệnh của mình, và hãy chí thành cầu nguyện, thì hành giả sẽ nhận được sức gia trì. Khi nhận được sự gia trì thì hành giả sẽ thấy hình ảnh của nhị vị tôn sư một cách rõ ràng, và khi Thần thức của hành giả hòa tan làm một vào trung tâm của trái tim của vị thần hộ mệnh thì hành giả sẽ đạt được sự giác ngộ.

Hành giả sẽ nhận được lực gia trì từ bên ngoài, bên trong cũng như sự gia trì bí mật từ nhị vị thần linh. Bởi vì năng lực của lòng thành của hành giả và lòng bi nguyện của nhị vị thần linh hộ mệnh mà hành giả quán tưởng, hành giả sẽ đạt được sự giác ngộ. Dĩ nhiên, điều nầy tùy thuộc vào lòng thành kính và kinh nghiệm thiền quán về các bậc thần linh hộ mệnh lâu hay chậm mà ra.

Nếu tu tập thiền vô tướng thì hành giả sẽ kinh nghiệm sự giác ngộ chính là sự gặp gỡ giữa hai giọt trắng và đỏ của Bồ đề tâm. Đây là sự chứng ngộ của các bậc Đại du già hành giả.

Những người chưa nhận lễ Quán đảnh khi thấy sự gặp gỡ của giọt trắng và giọt đỏ, trong thời gian thọ Thân Trung Ấm, họ sẽ thấy tia sáng lờ mờ của sắc tướng mà họ sẽ nhận được khi tái sanh trong Ba đường Sáu nẻo trong chốn sanh tử luân hồi.

1. Nếu họ sanh trong loài người, súc sanh, hoặc ngạ quỷ, họ sẽ cảm thấy giọt trắng chính là cha tương lai, và giọt đỏ chính là mẹ tương lai…

2. Nếu họ sanh vào địa ngục thì họ sẽ càng thấy kinh hoàng hơn… so sánh về pháp môn quán chiếu của bậc Thượng căn nơi pháp môn Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm với kinh Đại Nhựt thì chúng ta có thể thấy rằng Giáo lý nầy phát xuất từ Tôn kinh Đại Nhựt cũng như của Kinh Kim Cang Đảnh v.v… chớ không phải của riêng Phật giáo Tây Tạng như nhiều người lầm tưởng.

QUÁN CHIẾU VỀ THÂN THỂ HỢP THÀNH VỚI  NGŨ ĐẠI

***

Phần nầy trích trong Mật giáo Thậm Thâm Nội Nghĩa,

Nguyễn Pram, trang 197-204, nhà xuất bản Nguồn Sống, 1996.

Kế đó, hành giả nên quán chiếu về “thân thể hợp thành bởi Ngũ đại”, [Một vài trường phái Mật tông cho rằng cách quán chiếu nầy là “Đại Nghi Lễ của Tháp Mặt Trời”, chữ “Mặt Trời” ở đây là Đại Biến Chiếu/ Tỳ Lô Giá Na/ Đại Nhựt Như Lai. Với chút ít phần khác biệt trong chi tiết, cách quán chiếu nầy còn gọi là “quán chiếu về thân thể được trang nghiêm bởi năm chủng tử”, và còn được biết dưới hình thức “quán chiếu về thân thể hợp thành bởi năm Luân Xa”. “Quán chiếu về thân thể hợp thành bởi Ngũ đại” thuộc Thai Tạng giới giống y hệt như “quán chiếu về thân thể hợp thành bởi năm hình thức” của Kim Cang giới, sẽ được giải thích ở phần sau. Điều nầy cho thấy không có sự khác biệt giữa Thai Tạng và Kim Cang Giới. Chứng nhập được Thai Tạng giới ắt chứng nhập được Kim Cang giới, và ngược lại chứng nhập được Kim Cang giới tức chứng nhập Thai Tạng giới. Tùy theo sự ưa thích của hành giả mà chọn lấy pháp môn thuộc một trong hai giới mà tu tập, hoặc có thể kiêm cả hai, nếu có đủ khả năng và trí tuệ. Trong đó, hành giả tự quán tưởng thân thể mình với ngũ đại, đó là thân thể được trang nghiêm bằng Ngũ đại. Cách quán chiếu nầy hợp nhứt với “Ngũ Luân Xa Tháp”, đó là “Bản Thân Pháp” với “Pháp Giới Tháp", đó là Pháp thân của đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Kinh Đại Nhựt giải thích nó là “phương hướng phát khởi và sự tiến triển tức thời”, pháp thức nầy khiến hành giả đạt được Pháp Thân Viên Mãn / Kim Cang Thân trong một niệm. Khi mà thân thể của hành giả được trang nghiêm bằng Ngũ đại thì tất cả mọi nghiệp xấu ác đều bị tan biến không còn sót thừa [như gió thổi mây tan], bởi “phước đức vĩ đại” đạt được khi chứng pháp thân Viên Mãn, và lúc bấy giờ chư Thiên và Ma không thể làm hại được thân của hành giả, vì nó chính là Kim Cang thân vậy.

Tiến trình của sự tu tập là hành giả quán tưởng các chủng tử của Ngũ đại tại năm vị trí trên thân thể của mình.

[* năm chủng tử “a va ra ha kha” thường được sử dụng, nhưng thỉnh thoảng điểm Không được thêm vào để trở thành “am vam ram ham kham” chứng tỏ rằng nó đã được trui rèn và hoàn hảo. Nhưng năm chủng tử “a vi ra hum kham” cũng được sử dụng khi quán tưởng].

Đầu tiên, hành giả quán tưởng chủng tử của Địa đại a ở phần dưới rún, bao gồm cả chân [còn gọi là Luân Xa ở bắp vế, nhưng có lẽ không đúng, người Tây Tạng gọi là chỗ Bí mật, ở dưới rún độ bốn lóng tay.] Rồi biến chữ “a” thành hình vuông màu vàng, đây là “Kim Cang Địa Luân”. Tiếp đến, tay kiết ấn và đọc Đà ra ni của Địa luân, xong hiệp nó làm một với phần dưới của thân thể, đó gọi là “Tòa Du Già Kim Cang Bất Hoại/ yoga throne of indestructible diamond.”

[hoặc còn được gọi là “đại tòa của Đế Thích/ great throne of Indra” và “tòa vương Kim Cang Luân”. Tòa Du Già là tòa của hành giả tu tập và cũng là Như Lai tòa.]

Sau khi gia trì với Địa Luân, hành giả cần phải quán tưởng chày kim cang ngũ cổ, xuất hiện ở giữa tòa du già, ánh sáng  phát ra từ cái chày nầy rực rỡ chiếu khắp mười phương và soi sáng tất cả chúng hữu tình trong Pháp giới. Khi thấy được rõ ràng như vậy (quán tưởng thành tựu) thì hành giả đã đạt được địa vị “Bồ Đề Tâm Kiên Cố Như Kim Cang.”

Ấn được sử dụng trong nghi lễ nầy là “kim cang tòa ấn”, nó giống như “ngoại ngũ cổ ấn”, [nhưng thỉnh thoảng “nội ngũ cổ ấn” cũng được sử dụng]. Đà ra ni đi kèm với ấn nầy là “Namah a”, có nghĩa là “Tôi quy mạng chủng tử “a”.

Kế đến, hành giả quán tưởng chủng tử của Thủy đại, “va”, nơi Luân Xa ở bụng, ngay rún. Xong, chuyển nó thành vòng tròn màu trắng, “phát ra ánh sáng như trăng đêm rằm.” Tiếp đến, tay kiết ấn, và đọc Đà ra ni của Thủy Luân và hiệp làm một với vòng tròn trắng và Luân Xa ở bụng, như thế hành giả hòa hợp nó với Nước Đại Bi. Khi thấy được rõ ràng như vậy thì hành giả bước vào “Đại Bi Tam Muội.”

[*Đại Bi giống như nước nuôi sống vạn vật. Tương tự như vậy, hành giả hiệp nhứt sự gia trì với chủng tử “vam”, tại Luân Xa ở trái tim, cho Tâm Đại Bi an trụ, khiến cho Nước Cam Lồ (Amrita Water), chảy tràn ra từ tâm Đại Bi, nuôi dưỡng tất cả chúng sanh đang bị nhiệt não của Tham Sân Si/ ba độc làm tổn hại.]

Ấn được sử dụng trong nghi lễ nầy là “Liên Hoa tòa ấn” nó giống như “tay liên hoa ấn”. Đà ra ni đi kèm với ấn nầy là “Namah vam”, có nghĩa là “Tôi quy mạng chủng tử “vam”.

Tiếp theo, hành giả quán tưởng chủng tử của Hỏa đại, “ra”, nơi Luân Xa ngực, tại trái tim. Xong, chuyển nó thành tam giác màu đỏ, “phát ra ánh sáng rực rỡ như mặt trời lúc rạng Đông”. Kế đến, tay kiết ấn và đọc Đà ra ni của Hỏa Luân, và hiệp làm một với tam giác đỏ kia tại ngực, như thế hành giả hòa hiệp nó với Lửa Tuệ, làm cháy tiêu tất cả những cấu  nhiễm, phiền não của mình.

Ấn được sử dụng trong nghi lễ nầy là “Hỏa luân ấn” nó giống như “biến hiện của Pháp giới ấn”. Đà ra ni đi kèm với ấn nầy là “Namah ram”, có nghĩa là “Tôi quy mạng chủng tử “ram.”

Sau đó, hành giả quán tưởng ,chủng tử của Phong đại, “ha”, nơi Luân Xa ở mặt, tại giữa hai chỗ giao nhau của cặp lông mày. Xong, chuyển nó thành nửa vầng trăng màu đen. Kế đến, tay kiết ấn và đọc Đà ra ni của Phong Luân, và hiệp làm một với nửa mặt trăng đen kia với luân xa ở mặt. Khi thành tựu trong cách quán tưởng nầy, hành giả đạt được “Lực giải thoát”, nó làm tiêu trừ tất cả những ảnh hưởng của ma quỷ, và những thế lực bất chánh.

Ấn được sử dụng trong nghi lễ nầy là “Chuyển Pháp Luân ấn” {ấn nầy rất khó thực  hành, có thể sử dụng những hình thức của “ấn Chuyển Pháp Luân” khác, có nhiều loại}. Đà ra ni đi kèm với ấn nầy là “Namah ham”, có nghĩa là “Tôi quy mạng chủng tử “ham”.

Sau cùng, hành giả quán tưởng chủng tử của Không Đại [Không Đại tức là Hư không Đại chớ không phải Tánh không], “kha”, nơi Luân Xa ở đầu, tại đảnh đầu. Xong, chuyển nó thành bảo châu nhiều màu. Kế đến, tay kiết ấn và đọc Đà ra ni của Không Luân, và hiệp nó làm một với Luân Xa nơi đảnh đầu. Khi thành tựu trong cách quán tưởng nầy, hành giả đạt được “Đại Không” [một trong 18 Không của Đại Trí Độ Luận], và nhờ vào thế lực của sự gia trì nầy hành giả hiệp làm một với Pháp Giới.

Ấn được sử dụng trong nghi lễ nầy là “Đại Trí Tuệ Đạo ấn” [có cả thảy 3 hình thức khác nhau]. Đà ra ni đi kèm với ấn nầy là “Namah kham”, có nghĩa là “Tôi quy mạng chủng tử “kham”.

Khi hành giả thành lập được Ngũ Đại trong thân thể của mình như phương cách nầy thì Pháp Thân Bổn Nguyên trong thân thể phàm phu được hiển lộ.

Nên nhớ, Lục Đại là nguồn gốc của Pháp Giới, ở trong thể Tịnh nó là vô tướng, ở thể động nó là vạn  hữu. Không pháp  nào trong vũ trụ ra ngoài Lục đại. Làm chủ được Lục đại tức là làm chủ được Pháp giới. Thể nhập Lục đại với tự thân thì chứng được Vũ trụ, Thể tánh, Thân, của Mật giáo, cái mà hầu hết những nhà chú giải Việt Nam, Trung Quốc, và Nhựt Bản hình như quên nó đi, cũng có thể họ nhập Vũ trụ, Thể tánh, Thân, vào chung với Pháp thân cũng không chừng. Nói chung, Vũ trụ, Thể tánh, Thân, và Pháp thân không phải hai, cũng chẳng phải khác, tùy theo góc độ của người giải thích mà thành lập.

*****

CHÚ THÍCH

*****

Theo Taizounji-shidai thì năm chủng tử được quán tưởng tại ngực, mà chẳng phải tại năm chỗ khác nhau. Bởi vì thức tâm và thân thể hoán chuyển lẫn nhau, và sắc với tâm chẳng phải hai (bất nhị). Cả hai nghi thức nầy trên căn bản là một.

Cách thức quán tưởng nầy rất phổ thông trong Kim Cang Giới, chẳng hạn như kinh Chuẩn Đề, 100 chữ Thần chú của ngài Kim Cang Tát Đỏa Bồ tát Ma Ha Tát, A Mi Ta Nhứt Tự Tâm Chú, v.v…

Đây là cảnh giới sở chứng của các bậc Thượng nhân, các bậc Du già hành giả, còn hàng cụ phược phàm phu ở đây quyết không có phần.

TRUNG CĂN

Phần này dành riêng cho người đi trợ giúp (hộ niệm). Phương pháp hoán chuyển Thần thức được sử dụng bằng hai cấp độ.

Phương pháp thứ I được giới thiệu ở đây thuộc truyền thống Mật tông của Việt Nam, còn phương pháp thứ II là pháp môn Phowa của Mật tông Tây Tạng sẽ được tìm thấy ở phần cuối của sách (Phụ Lục) với những cảnh cáo cần phải am tường và nhớ nằm lòng. Chư sư Mật tông Tây Tạng rất tự hào về pháp môn nầy, và cho rằng không cần thiền quán cũng có thể đạt được sự giải thoát.

Xét kỹ ra, trên bản chất của pháp môn nầy, nếu không tu tập thiền quán thì quyết không thể nào đạt được sự giải thoát.

Trường hợp gặp được chư Lạt Ma có bản lãnh như Tôn sư Tilopa, Naropa, Marpa, Mila v.v… thì điều nầy có thể nói là đúng hoàn toàn. Nhưng, rải cát tìm vàng thì may ra cũng có thể được, còn việc gặp được chư Đạo sư như thế ở đời mạt pháp nầy e rằng rất khó! Khó không có nghĩa là không có, tuy vậy, phàm phu trí cạn làm sao biết được ai thật ai giả giữa lúc vàng thau lẫn lộn, thánh phàm khó phân nầy!

Xin nhớ cho kỹ!

Xin nhớ cho kỹ!

Xin nhớ cho kỹ, kẻo sau ân hận!

Các dã thú tuy độc, tuy ác nhưng chúng chỉ có thể giết chết thân nầy. Lỡ giao đời sống tâm linh lầm cho kẻ tà ngụy, giặc cướp trong Phật pháp thì mối họa kia thật khó lường! Một phen mang lông đội sừng, hoặc đọa vào địa ngục thì trách được ai!

Tự hối cũng không xong, trách người cũng không được!

Muốn sống sống không an, muốn chết chết không được!

Lúc bấy giờ biết lấy ai để làm chỗ nương tựa!

Thần thức một phen bị u mê, khó mà trỗi dậy…

PHƯƠNG PHÁP THỨ I

HOÁN CHUYỂN THẦN THỨC

BẰNG PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

CỦA MẬT TÔNG

Nên nhớ, trước khi bắt đầu việc hoán chuyển Thần thức điều cần nhứt là hành giả biết chắc rằng người nhận chịu sự trợ giúp của mình sẽ chết.

Trái lại, chính là sát nhân, còn người nhận chịu sự trợ giúp sẽ trở thành kẻ tự tử. Cả hai sẽ phải trả một giá rất đắt của việc mình làm nơi Địa ngục. Đây không phải là một việc đùa giỡn, cũng không phải là chỗ thí trường cho những người không am tường về Y lý và Phật lý đua tranh.

Làm thế nào biết được người ta sắp chết?

Đây là một vấn đề rất vi tế. Đứng trên phương diện Y lý mà nói thì người đột nhiên tắt thở vẫn chưa bị coi như là đã chết. Hơi thở ra mà không có vào có thể do nhiều nguyên nhân, phải hô hấp nhân tạo trước.

1. Đầu tiên, đặt nạn nhân nằm ngửa, hai tay hai chân xuôi theo chân.

2. Bắt mạch ở cổ (bằng ngón trỏ và ngón giữa, các ngón khác không được đụng vào cổ nạn nhân) xem coi còn sinh khí hay không. Nếu không thì phải tiếp hơi lập tức:

a. Bịt mũi nạn nhân, rồi dùng miệng của mình áp dính với miệng nạn nhân  (hoặc dùng ống bơm) mà thổi không khí vào. Xem ngực của nạn nhân có phồng lên, xẹp xuống hay không, nếu không thì tiếp tục bịt mũi nạn nhân rồi thổi tiếp.

b. Làm như vậy ba lần, nếu không có kết quả thì lập tức để hai tay của mình tréo vào nhau, đặt tay vào giữa ngực của nạn nhân, hai tay phải đặt ở trên chấn thủy, rồi dùng sức nhấn đúng 14 lần. Nếu không có động tịnh thì làm ba lần như vậy, đồng thời, kêu người dựt tóc mai của nạn nhân.

c. Nếu vẫn không có động tịnh gì thì lập tức điểm vào hai bộ Thốn của nạn nhân xem coi động tịnh ra sao, nếu không có mạch cũng chưa phải là tuyệt vọng… Hãy chẩn mạch ở hai mắt cá của nạn nhân xem sao (bên trong chớ không phải bên ngoài). Nếu không có động tịnh gì thì có thể đi đến kết luận là nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Không có nghĩa là Thần thức của nạn nhân đã thoát ra.

3. Thời gian mà hơi thở cuối cùng đi ra và thời gian mà tất cả các cơ quan bên trong thân thể con người ngừng hoạt động có thể trải qua vài phút cho đến nhiều giờ, cũng lắm khi trọn cả ngày. Đó là do nghiệp lực chủ trì mà có mau chậm, hoặc do bệnh tật, hoặc còn muốn trăn trối, do tu hành v.v… mà cố gắng duy trì nơi thân.

Đối với những người đã nhận được vài lễ Quán đảnh và thực hành thiền quán thì thân thể của họ có thể là ở của những bậc thần linh của Mật tông. Thực hành phương pháp nầy, hoặc phương pháp Phowa trước khi lâm chung chính là hành động tự sát, và sẽ cắt đứt dây liên lạc với những bậc thần linh.

Căn cứ vào sự khẩu truyền của bậc A Xà Lê, và chư Thượng nhân tại Việt Nam cũng như Tây Tạng thuộc Mật tông, thì Thần thức có thể rời khỏi xác thân nhờ vào một trong chín cửa mà lúc nào cũng mở ra. Con đường mà Thần thức đi qua sẽ ảnh hưởng đến việc thọ thân trong tương lai.

1. Nếu thoát ra từ hậu môn thì người chết sẽ về Địa ngục giới;

2. Nếu thoát ra từ dương vật/âm hộ thì sanh về Súc sanh giới;

3. Nếu thoát ra từ miệng thì sanh về Ngạ quỷ giới;

4. Nếu thoát ra từ mũi thì sanh về Nhơn giới hoặc về cảnh giới ngang với người;

5. Nếu thoát ra từ rún sẽ sanh về Dục giới;

6. Nếu thoát ra từ lỗ tai thì sanh về A tu la giới;

7. Nếu thoát ra từ mắt kể cả hai chân mày thì sanh về Sắc giới;

8. Nếu thoát ra từ đỉnh đầu kể từ chân tóc về sau bốn (4) lóng tay thì sanh về Vô sắc giới;

9. Nếu thoát ra từ đỉnh đầu gần xoáy tóc (Cửa Thanh Tịnh hoặc còn gọi là Cửa Mở Phạm Thiên) thì sanh về Cực Lạc quốc độ của Phật Vô Lượng Quang (Amitabha), hoặc tùy nguyện vãng sanh chư Tịnh độ….

Duy Thức Tông chủ trương rằng:

1. Thần thức ra từ đảnh là về cảnh giới Thánh,

2. Thần thức ra từ mắt là về cảnh giới Trời,

3. Thần thức ra từ ngực là về cảnh giới Người,

4. Thần thức ra từ dưới rún bốn lóng tay (đan điền) là về cảnh giới Thú,

5. Thần thức ra từ đầu gối là về cảnh giới Ngạ quỷ,

6. Thần thức ra từ chân là về cảnh giới Địa ngục.

(The Ultimate Theory of the Universe/ Lý thuyết tối cao của Vũ Trụ, Nguyễn Pram, trang 286-287).

Không có gì sai cả, tùy theo sự phân chia cơ thể mà thành lập. Nói chung theo Duy thức thì phải bít năm (5) cửa lại chỉ trừ đảnh môn. Nhưng Duy thức tông không có dạy cách thức đóng các cửa lại như của Mật tông!

Theo ngu ý thì nên quán các chủng tử A hoặc HRIH màu đỏ rực rỡ nơi năm (5) cửa kia để giúp Thần thức ra bằng đảnh môn. Phương pháp sẽ được hướng dẫn ở phần dưới.

Theo Mật tông, tất cả tám (8) cửa kia phải bị đóng lại, trừ cửa ở đỉnh môn.

Nghiệp tích chứa trong lúc sanh tiền quyết định Thần thức thoát ra nhanh hay chậm. Nếu trong lúc sanh tiền làm những việc ác thì Thần thức sẽ lập tức thoát ra khỏi thân sau khi hơi thở ngưng hô hấp. Một khi Thần thức rời khỏi xác thân thì rất khó mà kêu nó lại. Các bậc đại Du già hành giả như Mi-la-rơ-pa v.v… có thể kêu gọi Thần thức trở lại nhập vào xác, nhưng ngày nay không có mấy ai làm nổi.

Khi mà vị tu sĩ Mật tông được báo tin về cái chết của một người nào mà Ngài muốn trợ niệm thì Ngài sẽ lập tức quán chiếu về đức Quán Thế Âm Bồ tát (có nơi chủ trương đức Vô Lượng Quang Như Lai) và nhập làm một với đức Bồ tát đồng thời, quán tưởng ở giữa ngực của mình có một bông sen, một mặt trăng, và một chủng tử HRIH màu đỏ. Chủng tử HRIH từ tâm của vị tu sĩ Mật tông phát ra tám tia sáng, mỗi tia sáng đều có chủng tử HRIH nhỏ hơn chiếu đến tám (8) cửa của vong nhân để bít lối khiến cho Thần thức không thể nào chui ra từ các ngõ đó. Chỉ có các vị hành giả đạt được trình độ quán chiếu cao mới có thể thực hành theo cách thức nầy từ xa.

Theo như truyền thống của Thai Tạng giới, nhứt là của tôn kinh Đại Nhựt thì chủng tử A hoặc AM màu đỏ được sử dụng để bít các cửa. Khi sử dụng chủng tử A/AM thì phải quán Đức Đại Nhựt Như Lai thay vì đức Quán Thế Âm Bồ tát.

Rồi giảng cho Thần thức của vong nhân nghe giáo lý về Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu).

Nếu người sắp chết muốn ngủ hay hai mắt nặng trĩu thì nên giúp họ tỉnh thức (vì ngủ/ hôn trầm là tướng ngu si ắt sẽ đi vào đường súc sanh) bằng cách cùng một lúc mà chận nhịp đập của cả hai mạch lớn nơi hầu/cổ (jugular veins) để buộc các luồng sinh khí (người Âu Mỹ dùng chữ “wind”) đi vào ống dẫn trung tâm và không thể nào đi ngược trở lại, nhờ vậy Thần thức sẽ dễ dàng thoát ra từ trên đỉnh môn.

Nhưng phương pháp nầy không phải dễ làm, nếu vội vàng, hoặc bất cẩn thì sẽ trợ giúp người hấp hối chóng chết mà thôi. Xin hãy cẩn thận cho lắm.

Nếu sử dụng phương pháp nầy thì nên khẽ bảo nhỏ nơi tai người sắp chết (nhớ đừng chạm xúc người sắp chết vào lúc nầy, Thần thức có thể theo ra mà đi vào A tu la giới):

Nầy Thiện nam tử/ Thiện nữ nhơn (tên là… pháp danh…) Bây giờ là giây phút quan trọng của đời mình, hãy tìm cách trở về với chơn tâm của chính mình. Hơi thở ra sắp chấm dứt, người đang trở về với chơn tâm sáng suốt và rộng lớn như hư không, nó không có trung tâm điểm, cũng không có ranh giới. Vào lúc nầy hãy nhận ra chơn tâm của mình, và hãy an trụ trong kinh nghiệm kia. Tôi sẽ giải thích về nó nữa cho đến khi nào người được thông suốt mới thôi. Đừng nghĩ gì khác!

(lập lại cho đến khi hơi thở ngưng bặt)

Khi hơi thở dứt bặt (bắt đầu bước vào Thân Trung Ấm của giai đoạn đầu của đời sống sau cái chết tức là Trung Hữu), việc đầu tiên là phải đặt người sắp chết theo tư thế nằm ngủ của đức Thích Ca (thế sư tử nằm), chận nhịp đập của cả hai mạch lớn hầu/cổ (jugular veins) để buộc các luồng sinh khí (người Âu Mỹ dùng chữ “wind”) đi vào ống dẫn trung tâm và không thể nào đi ngược trở lại, nhờ vậy Thần thức sẽ dễ dàng thoát ra từ trên đỉnh  môn. Nhưng, phương pháp nầy không phải dễ làm, nếu vội vàng, hoặc bất cẩn, thì sẽ trợ giúp cho người hấp hối chóng chết mà thôi. Xin hãy cẩn thận cho lắm. Cho nên, ở đây cần phải nhấn mạnh một lần nữa.

Trong trường hợp người hộ niệm trên đường đi đến chỗ vong nhân thì vị ấy phải quán chiếu liên tục về đức Quán Thế Âm Bồ tát và đồng thời gởi các chủng tử HRIH (hoặc chữ A) đến vong nhân để ngăn chận Thần thức thoát ra. Nếu Thần thức không được giữ trong thân thể theo cách thức nầy, nó sẽ bị lạc vào vòng sanh tử luân hồi (Samsara).

Khi đến nơi người quá cố, người hộ niệm sẽ quán chiếu thân thể của vong nhân chính là thân của vị thần hộ mệnh của Ngài hoặc bậc thần linh Ngài đang thờ phụng. Rồi lập tức, Ngài nhập sâu vào thiền định và bắt đầu giảng dạy giáo lý về Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu) cho Thần thức của vong nhân. Nếu sử dụng phương pháp nầy thì khẽ bảo nhỏ nơi tai người sắp chết (nhớ đừng chạm xúc người sắp chết vào lúc nầy, Thần thức có thể theo ra mà đi vào A tu la giới):

Nầy thiện nam tử/ thiện nữ nhơn (tên là… pháp danh…) Bây giờ là giây phút quan trọng của đời mình, hãy tìm cách trở về với chơn tâm của chính mình. Hơi thở ra sắp chấm dứt, người đang trở về với chơn tâm sáng suốt và rộng lớn như hư không, nó không có trung tâm điểm, cũng không có ranh giới. Vào lúc nầy, hãy nhận ra chơn tâm của mình, và hãy an trụ trong cảnh giới không chướng ngại kia. Tôi sẽ giải thích về nó nữa cho đến khi nào người được thông suốt mới thôi. Đừng nghĩ gì khác!

(lập lại cho đến khi hơi thở ngưng bặt)

Sau đó, bằng vào uy lực của Thần chú, đại nguyện, hoặc vận chưởng, hoặc pháp môn Phowa, Ngài sẽ cố gắng khiến cho vong linh tỉnh táo lại và đẩy Thần thức của vong nhân lên đỉnh môn khiến cho vong nhân được đi vào cảnh giới giải thoát của chư Thánh.

Lúc bấy giờ, Thần thức của vong nhân sẽ thông minh hơn, sáng suốt hơn và chính xác hơn gấp 10 lần lúc sanh tiền. Bởi vì cảnh giới tâm linh cao hơn cho nên những gì được nghe vong nhân sẽ nhớ sâu và rõ hơn rất nhiều so với lúc còn sống.

Thần thức của vong nhân trong giai đoạn Tử Hữu còn biết được cả những ý tưởng của những người xung quanh, và hiểu được ngôn ngữ của những người dự đám dù rằng lúc sanh thời người đó chưa từng được học qua.

Thần thức lúc ở vào giai đoạn Thân Trung Ấm sau khi chết (Tử Hữu) có thể hiểu được rất nhiều điều vượt qua khỏi trí thông minh của thế nhân.

PHƯƠNG PHÁP KHIẾN CHO THẦN THỨC

CỦA VONG NHÂN ĐI LÊN

CỬA THANH TỊNH MÀ THOÁT RA

 1. Phải xét xem chỗ nào trong thân của vong nhân còn ấm trước, nên nhớ chớ có chạm mạnh vào người chết. Nếu có máy đo thân nhiệt thì hay nhứt. Nếu có chỗ đương ấm chẳng hạn như ở vùng ngực, còn các chỗ khác đều lạnh thì phải biết rằng Thần thức của kẻ ấy vẫn còn.

2. Khi ấy phải y theo pháp môn mà vong nhân tu tập lúc lâm thời mà to tiếng niệm, hoặc cùng nhau niệm Phật, tụng Thần chú, tiếng chuông không ngớt, và nên dùng phương pháp vận chưởng để giúp đỡ cho Thần thức của vong nhân theo đó đi dần lên đến đỉnh môn mà thoát ra.

Phương pháp vận chưởng là đưa hai tay ngang nhau vần chuyển thuận theo chiều kim đồng hồ mà đi lên, và phải úp hở trên chỗ ấm, không nên cho động đến thân, phải cách thân độ nửa tấc. Pháp môn nầy chỉ có thể thành tựu nếu và chỉ nếu người sử dụng vận chưởng biết dùng “lửa tam muội” để đẩy Thần thức lên đỉnh môn.

Hai mắt phải chăm chú nơi hai tay và thầm tưởng tượng Thần thức của vong nhân phải theo tay mình mà đi trở lên đến đỉnh môn.

Miệng thì thầm khấn rằng:

Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật, (hoặc Bất Động Như Lai, hoặc Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc Nguyệt Trí Như Lai v.v…)

Xin Ngài tiếp dẫn cho vong linh tên… Pháp danh… sẽ từ trên đỉnh môn mà ra, và sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây của Ngài.

(hoặc thế giới Diệu Hỷ/ Tịnh Lưu Ly nơi phương Đông, hoặc Quang Minh Cảnh v.v… ) Quyết định vãng sanh!

(nạt hơi lớn để cảnh tỉnh)

Như vậy, tinh thần chăm chú, tay vần, miệng niệm, cả ba nghiệp đều thi hành, nếu mỏi thì đổi người khác luân phiên nhau tiếp. Hoặc nửa ngày hoặc một ngày, không nên nửa chừng mà thôi nghỉ. Phải làm cho đến khi khắp các chỗ trong thân đều lạnh hết, chỉ còn lưu lại một chút hơi ấm trên đỉnh môn mới thôi.

Thần thức của vong nhân đã được hồng danh của Phật (hoặc Thần chú) và tiếng chuông cảnh tỉnh không thôi; lại được vận chưởng tâm thần chăm chú trợ niệm không nghỉ, thì hoặc chậm hoặc mau, chắc chắn sẽ phải xoay trở lên trên đỉnh môn mà ra và được thấy Phật Vô Lượng Quang, vãng sanh Cực Lạc quốc…

Phải  nhờ người có lòng từ bi và biết phương pháp cứu độ Thân Trung Ấm, chớ không phải bạ đâu nhờ đó, khiến cho vong nhân tủi hờn thì không hay. Bà con, quyến thuộc không ai được khóc lóc, kể lể, than van, cũng không được ăn thịt, uống rượu, phải hết lòng trợ giúp người quá cố vãng sanh Cực Lạc, hoặc bất kỳ quốc độ nào mà vong nhân ưa thích.

Nếu phương pháp nầy (cũng như Phowa) thành tựu thì có những dấu hiệu xuất hiện ở trên đỉnh đầu của vong nhân sẽ xuất hiện. Những dấu hiệu đó là một giọt máu hoặc đỉnh đầu sẽ nhô lên. Cho đến khi những dấu hiệu này xuất hiện, vị tu sĩ Mật tông vẫn tiếp tục giảng dạy giáo lý về Thân Trung Ấm đương khi chết (Tử Hữu).

Pháp môn trên dành cho những hành giả Du già của Mật giáo.

Những người tu tập theo các pháp môn khác, như Tịnh độ tông, hoặc vong nhân là kẻ phá giới, làm những điều ác, hủy phạm bậc Đạo sư thì những dấu hiệu tốt lành có thể không xuất hiện gì cả. Trong trường hợp đó, vị tu sĩ Mật tông phải tiếp tục dùng Bi tâm mà giảng dạy giáo lý cứu độ Thân Trung Ấm cho vong nhân.

HẠ CĂN

Bậc hạ căn nơi đây hiếm khi có phần!

Sau đó vong nhân sẽ bị bất tỉnh trong vòng ba ngày rưỡi, rồi thì Thần thức của họ sẽ gá vào Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu), nơi đó họ thật sự biết rằng mình đã chết.

Thân Trung Ấm

SAU KHI CHẾT

(Trung Hữu)

***

Chúng ta đã nghiên cứu về hai trong ba cấp bậc của khả năng giải thoát tiềm ẩn. Sở dĩ chia ra làm ba là để phân tích chớ không nhất định chỉ có ba căn, vì có nhiều người suốt đời làm ác mà chết được điềm lành đó là do túc nghiệp của họ thành thục mà chiêu cảm lấy quả tốt; trái lại, rất nhiều người cả đời làm lành mà chết lại hiện ra điềm dữ, ấy cũng do túc nghiệp hiện báo mà ra.

Cấp bậc thứ nhất là các bậc thượng thượng nhơn, bậc đạt được sự giải thoát nhờ vào khả năng quán chiếu của chính mình thu thập được từ Mật giáo, hoặc đắc được các môn Tam muội nên khi xả thân vẫn giữ được chánh niệm, không cần phải nhờ cậy tha nhân, người như vậy sẽ được giác ngộ viên mãn ở giai đoạn Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu).

Cấp bậc thứ hai là các bậc thượng trung nhơn, bậc đạt được sự giải thoát nhờ tự biết thực hành theo Mật pháp, hoặc được nhứt tâm bất loạn khi niệm hồng danh Phật, hoặc thực hành thành tựu pháp môn Phowa (hoặc Pho-ba, tiếng Phạn gọi là Samkranti), hoặc được sự trợ giúp của các bậc Kim cang thiện tri thức bằng phương pháp vận chưởng, hoặc nhờ các bậc Đạo sư dùng pháp môn Phowa trợ giúp đương lúc chết (Tử Hữu) mà được vãng sanh về cõi Tịnh độ. Nói chung, là các bậc thượng trung nhơn nầy vẫn giữ được chánh niệm, nhưng không mạnh bằng các bậc trên.

Cấp bậc thứ ba là các bậc thượng hạ nhơn, bậc có thể thành tựu được sự giải thoát trong khoảng bảy (7) ngày đầu sau khi thọ Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu), hoặc chỉ trông vào các bậc Kim cang thiện tri thức hướng dẫn Thần thức theo pháp môn Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu).

Ở vào giai đoạn Trung Hữu, cũng có thể chia ra làm ba căn. Bậc thượng trung (tức là thượng hạ của bậc trên), đạt được giải thoát là nhờ có tu tập thực sự nên sau đó lập tức nhận ra các quang minh cực kỳ vi diệu của Vô cấu thức được thể hiện qua Ngũ Như Lai.

Bậc trung trung thì cần có người luôn luôn sách tấn bên tai. Người sách tấn cần phải biết Trung Hữu hiện đang đối đầu với cảnh giới nào thì mới mong có kết quả chắc thực như kinh thuyết. nếu không thì khó mà được giải thoát, nhứt là khi các bậc Thần linh mang hình tướng phẫn nộ và hung mãnh hiện ra thì khó mà tránh thoát khỏi cảnh “bạt vía kinh hồn!” Rồi bị lạc vào Ba cõi, Sáu đường của vòng sanh tử luân hồi.

Bậc trung hạ căn thì ở giai đoạn nầy vẫn chưa có phần!

THƯỢNG TRUNG

Sau khi chết ba ngày rưỡi, trong tình trạng vô thức, thì vong nhân tự tỉnh, đây là giai đoạn Thân Trung Ấm sau khi chết, cũng còn được gọi là Trung Hữu. Giai đoạn Tử Hữu không còn nữa.

Lúc bấy giờ, Trung Hữu tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Đồng thời, Trung Hữu trải qua một kinh nghiệm rất kinh lạ mà nó chưa từng nếm qua bao giờ.

Trung Hữu thấy rõ ràng gia quyến, thân bằng của mình kẻ khóc, người mếu và nhìn thây của Trung Hữu mà hỏi là tại sao vội sớm ra đi. Trung Hữu cố gắng giải thích với họ rằng mình vẫn còn sống, vẫn hiện hữu, nhưng không ai có thể nghe thấy, bởi vì Trung Hữu chỉ có thân tâm linh, mặc dù Trung Hữu tin tưởng rằng nó chính là thân thể vật chất. Đến khi thấy người ta vui vẻ chia “của cải” mà mình suốt đời tích lũy được thì Trung Hữu cảm thấy rất là tức giận và ganh ghét những kẻ kia.

Theo truyền thống của đạo Phật thì lúc bấy giờ gia quyến của vong nhân đang làm lễ tuần thất thứ nhứt (1), [cả thảy là 7 thất, cộng chung là 49 ngày]. Người hành lễ, thường là chư Tăng\Ni, nếu không phải là bậc tu hành chân chánh, đạo hạnh nghiêm mật, mà chỉ biết tụng kinh, đọc chú cho hết câu, hết chữ, cúng vái cho qua loa thì Trung Hữu sẽ thấy biết rõ ràng và sẽ mất lòng tin với chư Tăng\Ni và chánh Pháp. Bấy giờ Trung Hữu lập tức sẽ bị đọa lạc!

Nếu gặp phải thứ Sa môn như vậy thì thà là đừng mời họ đến còn hơn. Đừng nói rằng người tụng và những người đi hộ niệm được sáu (6) phần công đức, gia quyến được ba (3) phần, người chết được một (1). Chỉ là tuồng trả giá, lời đầu môn chót lưỡi của bọn người trá hình sa môn đi kiếm ăn mà thôi.

Do đó, đây là thời điểm rất trọng yếu, chư Tăng\Ni phải hết lòng với đàn na tín thí, hầu đền đáp ơn cung cấp, hầu hạ của vong nhân khi còn sanh thời. Nếu biết mình Đạo hạnh còn khiếm khuyết thì nên nhờ các bậc Trưởng lão thay thế, đừng vì lợi dưỡng mà chiêu lỗi lớn cho đời sau.

Trung Hữu sẽ không thấy bóng của mình, khi đi ra khỏi nhà, dưới ánh sáng của mặt trời; khi  nhìn vào kiếng hoặc nước trong thì nó sẽ không thấy hình mình phản chiếu lại. Lúc bấy giờ, Trung Hữu biết chắc rằng mình đã chết cho nên rất sầu khổ và lo sợ vô cùng.

Trung Hữu còn nhận biết một cách rõ ràng là mình sẽ không thể nào đem theo được bất cứ cái gì mà suốt cuộc đời lao tâm nhọc trí, quần quật để thủ đắc, kể cả vợ con, thân bằng quyến thuộc và ngay cả bản thân (thây ma) mà nó gìn giữ lo lắng bấy lâu nay.

Bởi vì nghiệp người vẫn còn chấp trì nên Trung Hữu cứ di động lòng vòng xung quanh cái thây ma của chính nó hầu mong nhập trở lại. Tùy theo nghiệp mà nó vướng vít lâu mau, có khi thì nhiều tuần, có lắm khi thì nhiều năm cũng không biết chừng. Cho nên, phải chôn cất là lý do nầy vậy.

Tuy nhiên, cái thây mà nó muốn nhập vào, bây giờ dưới nhãn quang của Trung Hữu, thây kia đã biến thành cái thân tướng của con vật tượng trưng cho năm tuổi của vong nhân (thí dụ tuổi trâu thì thấy thân trâu, tuổi chó thì thấy thân chó, tuổi rồng thì thấy thân rồng, v.v…) Trung Hữu cảm thấy có thể chiếm hữu cái thân nầy để nhập trở vào, nhưng cố gắng cách mấy cũng không thể nào vào được!

Ghi chú quan trọng!

Xin lập lại, cái thân đã chết nghĩa là Ngũ đại tan rã, các cơ quan trong thân thể không còn hoạt động nữa, Thần thức không còn chủ trì cái thây ma nầy nữa. Sau ba ngày rưỡi, (có nơi nói bốn ngày), thì cái thây ma kia được đem đi hoặc chôn cất, hoặc thiêu đốt, hoặc thủy táng, hoặc điểu táng, hoặc đem cho các bệnh viện để các sinh viên Y khoa thí nghiệm v.v… Lúc bấy giờ, Trung Hữu biết rằng thân cũ không còn, nên nó đi tìm kiếm một thân khác để dung thân. Đôi khi, có những vong linh mạnh vì uất ức, v.v… mà nhập vào bà con thân bằng quyến thuộc (trong trường hợp họ mắc bệnh nặng, hoặc bị chụp thuốc mê, hoặc bị người đập bất tỉnh v.v…) Nếu Trung Hữu của người khác nhập vào, thế thường gọi là “ma nhập” thì mình nên quán tự thân thành một vị Trì Minh Vương hình tướng đáng sợ, tụng đọc Thần chú, khiến cho nó hoảng mà chạy trốn, nhưng nên khởi Đại Bi Tâm mà giảng dạy cho Trung Hữu, không làm cho nó bị tổn hại và đau khổ hơn, hoặc dạy người bị “ma nhập” quán Tánh không, hoặc quán RA tự môn, khiến cho Trung Hữu không còn có chỗ dung thân. Kiết Kim cang quyền ấn mà điểm nhẹ vào trên trán tại giữa hai lông mày, hoặc tại nhân trung, miệng thì đọc HÙM HÙM HÙM liên tiếp. Rồi nạt lớn “xuất mau!” Nên nhớ, trước khi làm như vậy phải trì chú hộ thân : BHRUM, và kiết Kim Cang quyền ấn mà ấn vào năm chỗ trên thân (trán, vai phải, vai trái, giữa ngực, cổ, rồi xả ấn trên đảnh đầu. Nếu không phải là một hành giả Mật tông thì đừng làm ẩu mà e chuốc lấy họa to). Quỷ thần còn phải xuất huống là Trung Hữu.

Trung Hữu khó mà nhập vào được một người đã nhận được lễ Quán đảnh.

--- # ---

Một khi mà Thần thức xuất ra khỏi thân thì nó có thể đi khắp nơi và có thể xuyên qua bất cứ vật gì chỉ trừ hai nơi:

1. Tháp thờ Phật ở Bồ Đề Đạo tràng, bởi vì mảnh đất ấy trở thành rắn chắc như kim cương, đó là do thần lực của Phật an lập nên.

2. Tử cung, vì một khi nó nhập vào tử cung thì Thần thức đã đi đầu thai.

Thần thức thủ đắc đại lực khi thọ Thân Trung Ấm. Nếu nghĩ đến cõi Cực Lạc thì lập tức tâm sẽ thanh tịnh và được giải thoát.

Tuy nhiên, vì nghiệp lực nặng nề nên hầu hết con người khi chết chỉ biết hoảng hốt, lo sợ, đau sầu chớ không có tâm trí đâu mà nghĩ đến những cảnh giới cao thượng kia. Giống như nhà nghèo lại đông con thì vất vả quanh năm suốt tháng, mưa gió chẳng quản, thức khuya dậy sớm chẳng sờn, chỉ biết lo đồng tiền bát gạo cho qua ngày, đâu có thời giờ nhàn rỗi để đi du lịch, chơi banh, chơi cờ. Đây là khoảng thời gian mà nghiệp lành nghiệp dữ tranh dành cùng nhau. Vong nhân phải lệ thuộc vào những hành vi thiện ác trong đời của mình. Làm ác thì phải bị quả xấu, dù muốn bỏ nó cũng không được!

SAU ĐÓ…

Thần thức khi nhận ra mình đang ở trong tình trạng của Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu) … Hiện tại, dòng sanh tử luân hồi đang đình chỉ, cảnh giới phàm phu bị ẩn mất.

Cảnh giới thanh tịnh của tự tâm (Vô cấu thức) sẽ một lần nữa hiển bày, nơi đó tất cả mọi hiện tượng sẽ là quang minh và ánh sáng cùng chư Thần linh sẽ lần lượt xuất hiện.

ĐỨC ĐẠI NHỰT NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Khoảng giữa ngày thứ nhứt và ngày thứ hai)

MÀU XANH                                                                                                 MÀU TRẮNG ĐỤC

Đột nhiên, tất cả mọi hiện tượng trở thành màu xanh như màu xanh da trời. Trung Hữu sẽ thấy một bảo tòa được tám (8) con Sư tử mang trên vai xuất hiện nơi không trung. Trên bảo tòa Trung Hữu sẽ thấy đức Đại Nhựt Như Lai (Mahavairocana) màu trắng xuất hiện cùng với nữ Bồ tát Tathagatalocana (Phật Mẫu Hư Không Nhãn) \Akasha Dhatvishvari trong tư thế ôm nhau (Phật giáo Tây Tạng chủ trương gọi là yab-yum: Cha Mẹ). Đức Đại Nhựt Như Lai từ thế giới Ghanavyuha đến để gia hộ cho Trung Hữu. Trong khi đang nhìn thấy như vậy, đột nhiên Trung Hữu thấy một luồng quang minh màu xanh cực sáng từ giữa ngực đức Như Lai lưu xuất ra. Luồng quang minh xanh cực kỳ rực rỡ kia là hiển tướng của Pháp giới Thể Tánh Trí.

[Quang Minh nầy sáng hơn ánh sáng mặt trời giữa trưa, sáng hơn tia sáng phát ra khi người ta hàn các ống sắt, ống thép… nhưng nó không chói mắt như các thứ ánh sáng nói trên của thế gian. Quang minh của Vô cấu thức xuất hiện thường làm cho ta cảm thấy an lạc và thoải mái, người nào đạt được vi trần tam muội, Bạch lũ tam muội, … hoặc vào cửa Không tam muội ắt sẽ chứng biết.]

Đồng thời, có một luồng ánh sáng yếu kém màu trắng đục giống như ánh sáng của chư Thiên chiếu rọi xuống Trung Hữu. Luồng sáng yếu kém màu trắng này là do phước lành của Trung Hữu đã tạo trong kiếp vừa qua huân tập nơi A lại da thức huyễn hiện ra, chớ không phải do chư Thiên làm.

Khoảng giữa ngày thứ nhứt và đầu ngày thứ hai, bởi vô minh, nghiệp lực và những ý tưởng mâu thuẫn đã khiến Trung Hữu hoảng sợ, và cố gắng trốn chạy khỏi quang minh màu xanh cực sáng của đức Đại Nhựt Như Lai, và có khuynh hướng đi theo ánh sáng trắng đục. Đó chẳng qua là biến tướng của nghiệp lành đời trước tạo ra.

Nếu Trung Hữu đi theo ánh sáng trắng thì sẽ sanh về một trong những cõi Trời. Mặc dầu điều nầy nghe qua dường như rất hay, nhưng xét kỹ ra thì mình vẫn còn phiêu lưu trong nẻo luân hồi và sẽ kinh nghiệm sự khổ đau gần như vô bờ bến.

NẦY TRUNG HỮU! HÃY CỐ GẮNG ĐI THEO QUANG MINH MÀU XANH CỰC KỲ RỰC RỠ KIA.

HÃY BIẾT ƠN ĐỨC ĐẠI NHỰT NHƯ LAI, VÌ ĐẠI BI MÀ NGÀI HIỆN THÂN RA TIẾP RƯỚC KHIẾN CHO MÌNH ĐƯỢC GIẢI THOÁT.

NẾU CỐ GẮNG NGHĨ NHƯ VẬY, VÀ KHẨN CẦU SỰ GIA HỘ NƠI ĐỨC ĐẠI NHỰT NHƯ LAI THÌ TỰ TÂM VÀ QUANG MINH XANH CỰC KỲ RỰC RỠ CỦA ĐỨC NHƯ LAI SẼ HỢP LÀM MỘT. SỰ HỢP NHỨT  NẦY SẼ KHIẾN CHO MÌNH ĐẠT ĐƯỢC ĐỊA VỊ CỦA BÁO THÂN PHẬT (SAMBHOGAKAYA).

ÔI! CÒN GÌ SUNG SƯỚNG CHO BẰNG.

Nếu vẫn còn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì do năng lực của thiện nghiệp lôi kéo Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC BẤT ĐỘNG NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Ngày thứ  hai)

CỰC TRẮNG                                                                                               XÁM NHƯ KHÓI

Tiếp theo, từ nơi Thế giới Diệu Hỷ (Abhirati) ở phương Đông, đức Bất Động Như Lai [Aksobhya, có nơi nói là Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva)] hiện thân ra trước Trung Hữu. Thân đức Bất Động Như Lai màu xanh biếc, tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm một cái chuông. Ngài ngự trên một bảo tòa được một con voi mang đi. Ngài xuất hiện cùng một nữ Bồ tát Vajraparamita (Phật Mẫu Kim Cang Ba La Mật)\ Sangye Chenma. Tả hữu của Ngài có nhị vị Đại Bồ tát theo hầu là đức Di Lặc Vô Năng Thắng (Maitreya) và đức Địa Tạng (Ksitigarbha). Đồng thời, có nhị vị nữ Bồ tát tháp tùng đó là Lhasena và Pupuma (Phật giáo Tây Tạng chủ trương). Như thế, tổng cộng có sáu vị thần linh cả thảy. Từ nơi giữa ngực của đức Bất Động Như Lai và Phật Mẫu Kim Cang Ba la mật lưu xuất luồng quang minh cực trắng chiếu đến thân của Trung Hữu. Quang minh cực trắng là hiển tướng của Đại Viên Cảnh Trí.

Cùng lúc đó, có một luồng sáng yếu kém màu xám như khói  chiếu rọi đến Trung Hữu. Luồng sáng ấy phát ra do nghiệp sân hận của Trung Hữu lúc sanh thời tạo nên. Luồng sáng đó giống như ánh sáng từ nơi địa ngục chiếu ra. Do nghiệp bất thiện lôi kéo khiến cho Trung Hữu muốn thoát khỏi vùng ảnh hưởng của luồng quang minh cực trắng, và muốn chạy theo luồng sáng màu xám như khói.

HÃY CẦU NGUYỆN LÊN ĐỨC BẤT ĐỘNG NHƯ LAI VÀ CHƯ THÁNH CHÚNG, XIN CHƯ PHẬT BỒ TÁT GIA HỘ KHIẾN CHO TRUNG HỮU THOÁT KHỎI NHỮNG  KHỦNG BỐ CỦA THÂN TRUNG ẤM.

TRUNG HỮU PHẢI NHỚ RẰNG QUANG MINH CỰC TRẮNG KIA LÀ TRÍ QUANG HỢP CÙNG VỚI TÂM ĐẠI BI, PHẢI HỢP NHỨT CÙNG VỚI LUỒNG QUANG MINH CỰC TRẮNG NẦY.

HÃY CỐ GẮNG NHẬN RA RẰNG QUANG MINH CỰC TRẮNG LƯU XUẤT TỪ CHƯ PHẬT BỒ TÁT CÙNG BẢN TÂM CỦA TRUNG HỮU Y HỆT NHƯ NHAU TRÊN BẢN CHẤT; KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BẢN TÂM VÀ QUANG MINH.

Trong ngày thứ hai nầy nếu có đức tin vững chắc vào đức Bất Động Như Lai và chư vị Bồ tát thì Bi Trí của Ngài sẽ kết hợp làm một với chân tâm của Trung Hữu. Chỉ có cách nầy, Trung Hữu sẽ đạt được địa vị của Báo Thân nơi thế giới Diệu Hỷ ở phương Đông.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì do năng lực của sân tâm lôi kéo Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC PHẬT BẢO SANH XUẤT HIỆN

MÀU VÀNG RÒNG                                                                         MÀU XANH LỢT

Đức Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava) từ nơi thế giới Shrimat ở phương Nam bỗng nhiên xuất hiện. Ngài cầm ngọc như ý bảo châu (cintamani) và ngồi tòa đặt trên lưng ngựa, cùng với vị nữ Bồ tát Ratnaparamita (Bảo Ba la mật) \Mamaki (Phật  Nhãn). Tả hữu của  Ngài có nhị vị Đại Bồ tát theo hầu là đức Hư Không Tạng (Akashagarbha) và đức Phổ Hiền (Samantabhara). Đồng thời, có nhị vị nữ Bồ tát tháp tùng đó là Malema\ Mala (Thiên Hoa) và Dhupema\ Dhupa (Thiên Hương) (Phật giáo Tây Tạng chủ trương). Phật và  chư vị Bồ tát xuất hiện trong ánh quang minh màu cầu vồng. Từ nơi ngực của chư vị có luồng quang minh màu vàng ròng cực kỳ rực rỡ chiếu rọi đến ngực của Trung Hữu. Quang minh  nầy là hiển tướng của Bình Đẳng Tánh Trí. Vùng ảnh hưởng của quang minh màu vàng ròng cực kỳ rực rỡ và trong suốt với những hình cầu vồng có hình dạng khác nhau xen lẫn.

Cùng lúc đó, có một luồng ánh sáng yếu kém màu xanh chiếu rọi đến Trung Hữu. Nó cũng chính là bản chất cao ngạo, là nguồn gốc của ái dục và sự điên đảo. Luồng sáng đó giống như ánh sáng từ nơi cõi người chiếu ra. Bởi vì năng lực của  ngạo mạn đã làm cho Trung Hữu khiếp sợ trước quang minh màu vàng ròng cực kỳ rực rỡ kia và cảm thấy luồng ánh sáng yếu kém màu xanh đầy quyến rũ hơn. Nếu Trung Hữu đi theo luồng ánh sáng yếu kém màu xanh kia thì Trung Hữu sẽ đầu thai trở lại cõi người và chịu sự thống khổ mà hầu hết chúng ta đã và đang trải qua.

BẰNG VÀO SỰ THÀNH KÍNH VÀ NHỨT TÂM BẤT LOẠN HƯỚNG VỀ ĐỨC BẢO SANH NHƯ LAI VÀ CHƯ VỊ BỒ TÁT, TRUNG HỮU SẼ HIỆP NHỨT BẢN TÂM VỚI QUANG MINH MÀU VÀNG RÒNG CỰC KỲ RỰC RỠ VÀ HÃY ĐỂ  NÓ AN NGHỈ TRONG TÌNH TRẠNG TỰ NHIÊN.

HÃY CỐ GẮNG NHẬN RA RẰNG QUANG MINH MÀU VÀNG RÒNG CỰC KỲ RỰC RỠ LƯU XUẤT TỪ CHƯ PHẬT BỒ TÁT CÙNG BẢN TÂM CỦA TRUNG HỮU Y HỆT NHƯ NHAU TRÊN BẢN CHẤT; KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BẢN TÂM VÀ QUANG MINH.

Nếu đạt được sự giải thoát trong ngày thứ ba nầy thì Trung Hữu sẽ đạt được địa vị của Báo Thân nơi thế giới Shrimat của đức Bảo Sanh Như Lai nơi phương Nam.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG XUẤT HIỆN

(Ngày thứ tư)

MÀU ĐỎ                                                                                                       MÀU VÀNG LỢT

Đức Phật Vô Lượng Quang (Amitabha) từ nơi Tây phương Cực Lạc (Sukhavati/Sumati) bỗng nhiên xuất hiện. Thân Ngài màu đỏ, Ngài cầm bông liên hoa, và ngồi tòa đặt trên lưng Khổng Tước (công), cùng với vị nữ Bồ tát Padmaparamita (Liên Hoa Ba la mật)\ Go Karmo hoặc Pandaravasini (Bạch Xứ Tôn). Tả hữu của Ngài có nhị vị Đại Bồ tát theo hầu là đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và đức Mạn Thù Sư Lợi (Manjusri). Đồng thời, có nhị vị nữ Bồ tát tháp tùng đó là Girtima\ Gita và Alokema\ Aloka (Phật giáo Tây Tạng chủ trương). Phật và chư vị Bồ tát xuất hiện trong ánh quang minh cầu vồng rực rỡ. Từ nơi ngực của chư vị có luồng quang minh màu đỏ cực kỳ rực rỡ chiếu rọi đến ngực của Trung Hữu. Quang minh nầy là hiển tướng của Phân Biệt Trí.

Cùng lúc đó, có một luồng sáng yếu kém màu vàng chiếu rọi đến Trung Hữu. Luồng sáng ấy phát ra do nghiệp tham ái của Trung Hữu lúc sanh thời tạo  nên. Luồng ánh sáng đó giống như ánh sáng từ nơi cõi ngạ quỷ chiếu ra. Bởi vì năng lực của ác nghiệp, nhứt là bỏn xẻn đã làm cho Trung Hữu khiếp sợ trước quang minh màu đỏ cực kỳ rực rỡ kia và cảm thấy luồng ánh sáng yếu kém màu vàng đầy quyến rũ hơn. Nếu Trung Hữu đi theo luồng ánh sáng yếu kém màu vàng kia thì Trung Hữu sẽ đầu thai làm ngạ quỷ và chịu sự thống khổ khó mà diễn tả.

BẰNG VÀO SỰ THÀNH KÍNH VÀ NHỨT TÂM BẤT LOẠN HƯỚNG VỀ ĐỨC VÔ LƯỢNG QUANG NHƯ LAI VÀ CHƯ VỊ BỒ TÁT, TRUNG HỮU SẼ HIỆP NHỨT BẢN TÂM VỚI QUANG MINH MÀU ĐỎ CỰC KỲ RỰC RỠ.

HÃY CỐ GẮNG NHẬN RA RẰNG QUANG MINH MÀU ĐỎ CỰC KỲ RỰC RỠ LƯU XUẤT TỪ CHƯ PHẬT BỒ TÁT CÙNG BẢN TÂM CỦA TRUNG HỮU Y HỆT NHAU NHƯ TRÊN BẢN CHẤT; KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BẢN TÂM VÀ QUANG MINH.

Nếu đạt được sự giải thoát trong ngày thứ tư nầy thì Trung Hữu sẽ đạt được địa vị của Báo thân nơi thế giới Cực Lạc của đức Vô Lượng Quang Như Lai ở phương Tây.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC BẤT KHÔNG THÀNH TỰU

NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Ngày thứ Năm)

MÀU XANH LÁ                                                                               CÂY MÀU ĐỎ NHẠT

Đức Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) từ nơi thế giới Prakuta nơi phương Bắc bỗng nhiên xuất hiện. Thân Ngài màu xanh lá cây. Ngài cầm chày kim cang ngũ cổ chéo nhau hình chữ thập (ngũ cổ: Năm chấu trên và năm chấu dưới), [truyền thống Mật tông Việt Nam chủ trương không cầm chày] và ngồi tòa đặt trên lưng Kim Súy Điểu, cùng với vị nữ Bồ tát Karmaparamita (Nghiệp Ba la mật)\ Samayatara. Tả hữu của Ngài có nhị vị Đại Bồ tát theo hầu là đức Kim Cang Thủ (Vajrapani) và Trừ Cái Chướng (Sarva-nivarana-viskambhin). Đồng thời, có nhị vị nữ Bồ tát tháp tùng đó là Gandha và Naivedya (Phật giáo Tây Tạng chủ trương). Phật và chư vị Bồ tát xuất hiện trong ánh quang minh cầu vồng rực rỡ. Từ nơi ngực của chư vị có luồng ánh sáng quang minh màu xanh lá cây cực kỳ rực rỡ chiếu rọi đến ngực của Trung Hữu. Quang minh nầy là hiển tướng của Thành Sở Tác Trí.

Cùng lúc đó, có một luồng sáng yếu kém màu đỏ chiếu rọi đến Trung Hữu. Luồng ánh sáng ấy phát ra do nghiệp ganh tị  của Trung Hữu lúc sanh thời tạo nên. Luồng ánh sáng đó giống như ánh sáng từ nơi cõi A tu la chiếu ra. Bởi vì năng lực của ác nghiệp, nhứt là ganh tị đã làm cho Trung Hữu khiếp sợ trước quang minh màu xanh lá cây cực kỳ rực rỡ kia và cảm thấy luồng ánh sáng yếu kém màu đỏ đầy quyến rũ hơn. Nếu đi theo luồng ánh sáng yếu kém màu đỏ kia thì Trung Hữu sẽ đầu thai thành A tu la và chịu sự thống khổ  mặc dù đỡ hơn của loài người nhưng so với chư Thiên thì kém hơn nhiều.

BẰNG VÀO SỰ THÀNH KÍNH VÀ NHỨT TÂM BẤT LOẠN, HÃY HƯỚNG VỀ ĐỨC BẤT KHÔNG THÀNH TỰU NHƯ LAI VÀ CHƯ VỊ BỒ TÁT, THÌ TRUNG HỮU SẼ HIỆP NHỨT BẢN TÂM VỚI QUANG MINH MÀU XANH LÁ CÂY CỰC KỲ RỰC RỠ KIA.

HÃY CỐ GẮNG NHẬN RA RẰNG QUANG MINH MÀU XANH LÁ CÂY CỰC KỲ RỰC RỠ LƯU XUẤT TỪ CHƯ PHẬT BỒ TÁT CÙNG BẢN TÂM CỦA TRUNG HỮU Y HỆT NHƯ NHAU TRÊN BẢN CHẤT; KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BẢN TÂM VÀ QUANG MINH.

Nếu đạt được sự giải thoát trong ngày thứ năm nầy thì Trung Hữu sẽ đạt được địa vị của Báo thân nơi thế giới phương Bắc của đức Bất Không Thành Tựu Như Lai.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác tức là ngày thứ Sáu (6).

Do sự tổng hợp của Ngũ Độc (Tham, Sân, Si, Mạn và Ganh tị) mà ngày nầy Ngũ Như Lai đồng thời xuất hiện cùng một lúc. Một lần nữa Trung Hữu có cơ hội để đạt được sự giải thoát bằng cách nhận ra quang minh và hợp nhứt tâm mình với          trí quang kia. Cùng lúc đó, sáu t hứ ánh sáng của Lục đạo cũng hiển hiện. Trong giai đoạn nầy, năm thứ quang minh của Ngũ đại (Đất, Nước, Gió, Lửa và Hư Không) cũng đồng thời xuất hiện. Mỗi Đại lưu xuất ra quang minh rực rỡ. Chư Phật và các vị Phật mẫu xuất hiện theo hình tướng của Kim Cang giới Mạn đà la.

KIM CANG GIỚI (VAJRADHATU)

MẠN ĐÀ LA

(Ngày thứ Sáu)

Đức Đại Nhựt (Maha-vairocana) Như Lai, thân màu trắng, trụ ở trung tâm đàn; đức Bất Động (Aksobhya) Như Lai/ Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), thân màu xanh da trời, trụ ở phía Đông; Bảo Sanh (Ratnasambhava) Như Lai, thân màu vàng ròng, trụ ở phương Nam; đức Vô Lượng Thọ (Amitabha) Như Lai, thân màu đỏ, trụ ở phương Bắc; và Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) Như Lai, thân màu xanh lá cây, trụ ở phương Bắc. Ngoài ra, còn có các vị thần Phụng giáo/Hộ pháp (parivaras) nam cũng như nữ xuất hiện nhập vào làm quyến thuộc cho Ngũ Bộ (Phật, Liên Hoa, Kim Cang, Bảo và Yết Ma). Đồng thời, sáu vị Phật chủ trì Lục đạo cũng xuất hiện để trợ giúp Ngũ Như Lai cứu độ Trung Hữu.

Bốn vị thần giữ cửa Mạn đà la hiện thân tướng đáng sợ, đều có danh vị riêng biệt:

1 – Đông phương có vị thần Chiến Thắng (Vijaya);

2 – Nam phương có vị Thần Tử Thù của Diêm Vương (Yamantaka: Hóa thân của đức Đại Nhựt Như Lai).

3 – Tây phương có vị Thần Hà da yết lật phạ (Hayagriva: Đầu ngựa, Hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát.

4 - Bắc phương có vị Thần Cuộn Cam Lồ / Cam Lồ Quân Trà Lợi (Amrtakundali).

Bốn vị nữ thần giữ cửa Mạn đà la, đều có danh vị riêng biệt (Phật giáo Tây Tạng chủ trương):

1 – Đông phương có vị nữ thần cầm Móc câu (Ankusa).

2 – Nam phương có vị nữ Thần cầm Dây trói (Pasha).

3 – Tây phương có vị nữ Thần cầm Xích xiềng (Sphota).

4 -  Bắc phương có vị nữ Thần cầm Chuông (Ghanta).

Sáu vị Phật chủ trì Lục đạo là:

1. Trời: Indra Shatakratu

2. A tu la: Cường Giáp Trụ (Vemachitra Tathagata)

3. Người: Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Tathagata)

4. Súc sanh: Sư Tử Vương Kiên Định (Dhru-va Simharaja Tathagata)

5. Ngạ quỷ: Hỏa Khấu (Jvalamukha Tathagata)

6. Địa ngục: Pháp Vương (Dharmaraja Tathagata)

Đức Phổ Hiền (Samantabhara) Như Lai và Phật Mẫu Samantabhadri cũng xuất hiện trong quanh minh rực rỡ. (Theo truyền thống Mật tông của Tây Tạng thì nhị vị chính là Thiền Phật, hoặc các đức Phật nguyên thỉ. Điều nầy, Mạt nhân chưa từng nghe các vị A xà lê nói tới trong Mật tạng ở quê nhà, nhưng không có nghĩa là không có.)

Bên cạnh đó, 42 vị Thiện thần cũng đồng thời xuất hiện trong Mạn đà la.

Tất cả chư Phật, Bồ tát, chư Phụng giáo/ Hộ pháp, tám vị thủ  môn thần tọa thủ bốn cửa và 42 vị Thiện thần không phải là ai xa lạ mà chính là từ Vô cấu thức huyễn hiện trước mắt Trung Hữu.

TRUNG HỮU HÃY CỐ GẮNG NHẬN RA RẰNG CHƯ PHẬT TỪ CÁC PHẬT ĐỘ XUẤT HIỆN ĐỂ TIẾP ĐỘ TRUNG HỮU.

TRONG THỰC TẾ, TOÀN BỘ MẠN ĐÀ LA TỪ BỐN PHÍA NHẬP VÀO TRÁI TIM CỦA TRUNG HỮU, NHƯ BÔNG SEN CÓ BỐN CÁNH, VÀ CHÍNH GIỮA HOA SEN TỨC LÀ TRÁI TIM THÌ CÓ TRUNG TÂM ĐÀN NHẬP VÀO.

QUANG MINH CỦA CHƯ PHẬT HIỆN RA TỪ VÔ CẤU THỨC CỦA TRUNG HỮU. MẶC DẦU, CHƯ VỊ TỪ TỰ TÂM HUYỄN HIỆN, NHƯNG ĐIỀU TRỌNG YẾU NHỨT LÀ TRUNG HỮU PHẢI NHẬN RA ĐIỀU NẦY.

ĐỒNG THỜI, TRUNG HỮU CẦN PHẢI BIẾT RẰNG CHƯ VỊ LÀ BẢN THỂ CỦA VỊ THẦN HỘ MỆNH CỦA TRUNG HỮU, ĐẤNG MÀ TRUNG HỮU CỐ GẮNG HIỆP NHỨT TRONG SUỐT QUÃNG ĐỜI TU TẬP TRONG THỜI GIAN CÒN SỐNG.

Một lần nữa, bốn trí quang của bốn đức Phật của bốn phương đồng lúc ấy đều chiếu đến trung tâm trái tim của Trung Hữu. Bốn trí quang đó là:

1 – Pháp Giới Thể Tánh Trí

2 – Đại Viên Cảnh Trí

3 – Bình Đẳng Tánh Trí

4 – Phân Biệt Trí

TRUNG HỮU CẦN PHẢI BIẾT RẰNG NHỮNG QUANG MINH NẦY ĐỀU PHÁT XUẤT TỪ VÔ CẤU THỨC CỦA TRUNG HỮU. HÃY HIỆP NHỨT CÙNG CÁC LUỒNG QUANG MINH LẬP TỨC CHỚ CÓ CHẦN CHỜ!

NẾU TRUNG HỮU CÓ THỂ HIỆP NHỨT TÂM MÌNH VỚI TỨ TRÍ THÌ TỰ TÁNH CHÂN THẬT CỦA TÁNH KHÔNG (SUNYATA) SẼ CHIẾU RỌI TRUNG HỮU, VÀ TRUNG HỮU SẼ ĐẠT ĐƯỢC SỰ GIẢI THOÁT.

Tại thời điểm nầy, Trí Bất Không Thành Tựu khó mà hiển phát vì Trung Hữu vẫn chưa hiểu thấu suốt bản chất của Tánh không.

Tất cả những giáo lý đã được học trong quãng thời gian tại thế cần phải nhớ rõ, đây là điều tối quan trọng. Lúc trước chúng ta có đề cập đến liên hệ giữa mẹ và con. Giống như vậy, sự tu tập quán chiếu cả đời, và những giáo lý đã được học hỏi qua trong giai đoạn Tam Mật Gia Trì (Giai đoạn phát khởi) và Tam Mật Du Già (Giai đoạn thành tựu) được ví như là một đứa con; còn tình trạng tự phát của Vô cấu thức được ví như là người mẹ. Nếu Trung Ấm đã và đang trụ trong cảnh quán chiếu lúc nầy thì cũng giống như cảnh người mẹ gặp lại đứa con bị thất lạc từ lâu. Lúc nầy, sự tu tập của Trung Hữu khi còn sống đã có kết quả và Trung Hữu chỉ trong một sát na sẽ trụ trong Tam Muội  (samadhi) và đạt thành quả vị Bất Thối Chuyển (Bất Động Địa hoặc Đệ Bát Địa Đại Bồ tát vị)

Lúc bấy giờ, trí quang của bốn (4) đức Như Lai và sáu (6) thứ ánh sáng từ Lục đạo đồng thời hiển phát. Sáu thứ ánh sáng từ Lục đạo là:

1 – Trắng đục từ các cõi Trời lưu xuất

2 – Đỏ dịu từ các cõi A tu la lưu xuất

3 – Xanh mét từ cõi Người lưu xuất

4 – Xanh lá cây nhạt từ các cõi Súc sanh lưu xuất

5 –Vàng lợt từ các cõi Ngạ quỷ lưu xuất

6 – Đen như khói từ các cõi Địa ngục.

Mặc dầu chấp trước rất sâu nặng vào các thứ ánh sáng nầy, Trung Hữu cần phải từ bỏ chúng mà không cần phải đắn đo suy nghĩ, và hãy an trụ trong sự tĩnh lặng!

Trung Hữu cần phải nhứt tâm cầu nguyện lên Ngũ Như Lai:

Than ôi! Từ lâu con bị Ngũ độc khống chế

Lưu chuyển trong vòng sanh tử luân hồi

Nguyện Ngũ bộ Như Lai gia trì và hướng dẫn

Cho con trên đường Quang minh của Tứ trí

Nguyện Ngũ Phật mẫu gia hộ cho con

Thoát vòng ảnh hưởng của sáu thứ ánh sáng bất tịnh

Vượt qua tất cả mọi chướng ngại của Thân Trung Ấm!

Nguyện con được sanh về chư Tịnh độ của Ngũ Như Lai.

Bài nguyện trên giúp cho Trung Hữu giữ chánh niệm, bởi vì chỉ cần một niệm tham luyến các thứ ánh sáng của Lục đạo khởi lên cũng đủ để cho mình bị tái sanh trong vòng sanh tử luân hồi (Samsara). Nếu điều nầy xảy ra, việc Trung Hữu thọ thân người và được giác ngộ rất là hiếm có.

Tuy nhiên, trong lúc nầy, vẫn còn có ba (3) cơ hội để đạt được sự giải thoát.

1. Nhận ra trí quang rồi hiệp  nhứt với nó,

2. Hãy để cho mình hòa cùng quang minh của Ngũ bộ,

3. Dùng năng lực mạnh mẽ của lòng tin kết hợp với Đại bi của chư Như Lai.

Trung Hữu sẽ được giải thoát chỉ cần an trụ trong sự nhứt tâm bất loạn; Đại Bi của chư Phật cũng từ bản tâm ta lưu xuất mà hiển hiện, vì vậy, cả hai có thể hiệp nhứt không có gì trở ngại.

Lòng tin, sự tu tập và những lời cầu nguyện chí thành trong thuở sanh thời đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi thọ Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu). Người chân chánh tu hành một phen phát tâm Vô Thượng Bồ Đề (đại cương thì trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh, chúng sanh ở đây bao gồm cả phàm Tăng,00000 phàm Ni, bọn người tà kiến và  ngoại đạo) không phải để cầu danh, để được bọn cụ phược phàm phu khen ngợi, mà phải quyết đạt được giác ngộ trong đời nầy, đây là chỗ đặc thù của Phật giáo vậy.

Cho nên, khi tu không cần phải nói nhiều mà phải hành trì cho tinh chuyên, dùng trí huệ để chỉ đạo, chớ dùng tà kiến và mê tín dị đoan! Việc nầy giống như việc của binh gia. Phàm việc dụng binh của một viên thần tướng là sĩ tốt không cần đông, không cần nhiều mà ô họp, mà cần phải lấy sự thông minh, cơ xảo và quyền biến làm sự chỉ đạo tối thượng, binh cần phải tinh chuyên và khổ luyện, chiến đấu cần phải thiện chiến, chớ không phải chỉ đấu bằng võ mồm vậy, nhứt nhứt phải trù mưu lập kế, thắng giặc từ ngàn dặm xa xôi, chớ không cần phải chờ khi giáp trận mới phân thắng bại. Ra binh là vì cứu nguy sơn hà xã tắc, định yên trăm họ, chớ không vì danh, vì tiếng, cũng không vì lợi mà làm. Trái lại, viên tướng phàm phu khi ra binh, chỉ biết xô đẩy sĩ tốt vào chỗ chết, đem thây người lót đường vinh quang cho bản thân. Sau đó thân mới được thiên hạ biết danh, biết tiếng.

Quang minh của Ngũ Như Lai bình đẳng vô phân biệt chiếu soi tất cả chúng sanh không sót thừa, kể cả bọn ngoại đạo, tà kiến, hủy báng Tam Bảo, điều nầy xảy ra vì có ba nguyên nhân chánh:

1. Chúng sanh cũng do Ngũ ấm giả hợp mà thành. Bản thể của Ngũ ấm (sunyata) vốn không khác với bản thể của Ngũ Như Lai (sunyata). Nhìn thấy chư Phật chính là một cách khác để nhìn Ngũ ấm.

2. Đại Bi Tâm (vì “Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành”).

3. Tâm Bình Đẳng Vô Phân Biệt (vì “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”).

Ngoài ra thân thể của chúng sanh được dệt nên bằng Ngũ đại (ở thể động), vì vậy Ngũ Phật Mẫu (đại diện cho Ngũ đại ở thể Tịnh) nên quý Ngài cũng quyết đến để cứu độ vong nhân.

Cũng vậy, quang minh của chư Phật Mẫu bình đẳng vô phân chiếu soi khắp tất cả chúng sanh không sót thừa, nhưng có rất ít người có khả năng nhận ra.

Không phải chỉ có lúc chết mới thấy quang minh ảnh hiện, sự thật, quang minh bất tư nghì, quang minh vô biên tế của chư Như Lai, Phật Mẫu, và chư Phật tử (các vị Đăng địa Bồ tát mới được dùng danh vị nầy, chớ không phải ai cũng có thể khoác hai chữ Phật tử lên trong khi mình vẫn còn là kẻ phàm phu ngu muội), không lúc nào tạm dừng (dù là một khoảng thời gian cực nhỏ như một phần trăm tỉ của một sát na) chiếu soi khắp giáp cả Pháp giới (vì thể của các quang minh cực kỳ vi diệu nầy là THƯỜNG TRỤ) nhưng vì màn vô minh, tà kiến quá dầy đặc nên chúng sanh không nhận ra vậy. Đây không phải là lỗi của chư vị, mà do chúng ta quá ngu muội mà ra! Nếu chúng ta trong đời nầy thấy được dù chỉ là trong một thoáng nhanh chóng thì ắt sẽ được giải thoát; nếu Trung Hữu thấy được và nhận ra trí quang của chư Như Lai, Phật Mẫu, và chư Phật tử cũng chính là quang minh thanh tịnh của bản tâm thì lập tức sẽ thành bậc Đại giác.

Khi đọc đến đây, Mạt nhân nguyện đối trước chư độc giả, năm vóc sát đất mà khẩn cầu quí Ngài ban cho một đặc ân đó là: “Xin chớ cô phụ Bi Tâm và phương tiện của chư Phật, Bồ tát! Hãy y pháp phụng hành ngay tức khắc!

Nếu vẫn chưa nhận ra Tâm Bổn Nguyên Thanh Tịnh của mình vào lúc nầy (thường là như vậy!) thì Trung Hữu sẽ tiếp tục dấn thân phiêu lưu trên bước đường đầy chông gai phía trước.

GHI CHÚ QUAN TRỌNG CỦA SOẠN GIẢ

Hầu hết những hành giả chân chánh của Mật tông sẽ đạt được sự giải thoát viên mãn bắt đầu từ giây phút mà họ hấp hối [thọ Thân Trung Ấm đương lúc chết [Tử Hữu]] cho đến hết ngày thứ sáu chớ hiếm khi lọt qua đến ngày thứ bảy.

Vì lý do nầy, Mạt nhân nhận được sự chỉ dạy sơ lược ở ngày thứ bảy về sau từ chư Hòa Thượng thuộc dòng Pháp Hoa và Tịnh độ, chớ không từ bậc A xà lê.

Cho nên, để độc giả có cái nhìn bao quát bắt đầu từ phần này về sau, Mạt nhân căn cứ ngay vào các kinh văn của Lạt Ma Giáo bên xứ Tây Tạng mà chú giải, vì nó được giải thích cặn kẽ hơn, chớ không phải soạn giả do ý riêng mà ức đoán.

Nếu xét kỹ ra thì ngày thứ bảy các vị Trì Minh Vương phẫn nộ của Phật giáo Tây Tạng đâu có khác gì chư vị Trì Minh Vương của Thai Tạng Giới là bao. Nhưng Mật tông ở các nước viễn Đông và Đông Nam Á, trên hình thức có phương pháp tu khác với Lạt Ma Giáo, nhưng trên bản chất thì vốn đồng nhau.

Các học giả Âu Mỹ khi dịch sách Cứu Độ Thân Trung Ấm của Tây Tạng ra tiếng Anh Cát Lợi ráng gán ép giai đoạn nầy bằng cách kêu gọi hãy quán tưởng các hung thần! Chẳng hạn như trang XX của lời giới thiệu, hoặc: “In Christianity there are the cherubim and seraphim, which you can invoke on these days” trích trong quyển The Tibetan book of The Dead: Liberation through understanding in between, dịch giả Robert A.F. Thurman, trang 149.

Nên nhớ, các giáo phái của ngoại đạo có các vị thần của họ, những vị hung thần nầy chưa ra khỏi Tam giới, bản thân họ còn bị trói buộc trong vòng sanh tử luân hồi thì làm sao cứu rỗi được ai! Đến như vị chúa trời Indra còn phải chịu cảnh khổ đau của chiến chinh với A tu la, huống là các vị thần kia! Vả lại, các vị thần lệ thuộc trong Tam giới đó vốn không có liên quan gì đến chư vị Trì Minh Vương cả.

PHẬT GIÁO TÂY TẠNG CHỦ TRƯƠNG

Hình của cuốn sách The Tibetan Book of the Death do Francesca Fremantle and Chogyam Trungpa

 

Chú giải sơ lược Mạn đà la phía trên:

Tại trung tâm của bức Mạn đà la là nhị vị Phổ Hiền Như Lai (Samantabhadra và Samantabhari). Ngay phía dưới là đức Đại Nhựt Như Lai và Vajradhatvisvari. Dưới đức Đại Nhựt Như Lai là đức Kim Cang Tát Đỏa Bất Động Như Lai (Vajrasattva-Aksobhya) và Phật Mẫu Hư Không Nhãn (Locana), chung quanh có bốn vị Đại Bồ tát hộ vệ lần lượt là Lasya, Địa Tạng (Ksitigarbha), Puspa và Từ Thị Vô Năng Thắng Di Lặc (Maitreya). Bên trái nhị vị Phổ Hiền Như Lai là đức Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava) và Phật Mẫu Phật Nhãn (Mamaki), chung quanh có bốn vị Đại Bồ tát hộ vệ lần lượt là Mala, Phổ Hiền (Samantabhara), Dhupa và Hư Không Tạng (Akasagarbha). Phía trên nhị vị Phổ Hiền Như Lai là đức Vô Lượng Quang Như Lai (Amitabha) và Phật Mẫu Bạch Y Tôn (Pandaravasini), chung quanh có bốn vị đại Bồ tát hộ vệ lần lượt là Gita, Quán Thế Âm (Avalokitesvara), Aloka và Mạn Thù Sư Lợi (Manjusri). Bên phải nhị vị Phổ Hiền Như Lai là Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) và Đa La Thệ (SamayaTara), chung quanh có bốn vị Đại Bồ tát hộ vệ lần lượt là Hương (Gandha), Trừ Cái Chướng (Sarva-nivarana-viskambhin), Naivedya và Kim Cang Thủ (Vajrapani). Tám vị thủ môn nam nữ của Mạn đà la lần lượt là: Phía dưới bên trái có nhị vị Vijaya và Ankusa, phía trên bên trái có nhị vị Yamantaka và Pasa, phía trên bên phải có nhị vị Hayagriva và Srnkhla, và phía dưới bên phải có nhị vị Amrtakundali và Ghanta. Sáu hình đứng là sáu vị Phật chủ trì Lục đạo: Bên trên phía trái là Sakyamuni, bên trên phía phải là Dhruvasimha, phía dưới bên trái là Vemacitra, Indra, Dharmaraja, và Jvalamukha.

CHƯ TRÌ MINH VƯƠNG (VIDYADHARAS)

XUẤT HIỆN

(Ngày thứ bảy)

Vidyadharas chỉ cho các vị nam thần hung mãnh, thường xuất hiện có: Ba mắt trợn trừng, sáu tay cầm các loại khí cụ, trong các khí cụ kia thì chày kim cang ngũ cổ và chuông là hai biểu tượng thống nhứt của quí Ngài, giống in hệt của đức Kim Cang Tát Đỏa, tóc dựng đứng, có ba đầu, đầu trang sức bằng các đầu lâu trắng hếu, mình mảy thì lửa dữ phun ra theo hình tròn, lưng có cánh như cánh của chim ưng, dùng da beo, da cọp làm y phục và trang sức với các đầu người còn tươi, hai chân mỗi chân đạp trên thây nam hoặc nữ trần truồng màu trắng, hoặc xám tro, đứng trên tòa sen.

Các vị Trì Minh Phi thì cũng hung mãnh, nhưng chỉ có hai tay, hai chân như  người bình thường. Chư vị Trì Minh Vương và Trì Minh Phi không phải là các bậc Thiện thần cũng không phải là các bậc Hung thần, do đó chư vị không thuộc 42 vị Thiện thần, cũng không thuộc số 52 Hung thần.

Trung Hữu bước sang ngày thứ bảy, chư Trì Minh Vương bắt đầu xuất hiện, các luồng quang minh nhiều màu sắc khác nhau từ trung tâm của cổ lưu xuất ra chiếu rọi khắp nơi, đây là bản chất của Ngữ Bí Mật của chư Như Lai.

Các quang minh nhiều màu sắc kia biểu tượng cho phương diện thanh tịnh của Ngũ Trí, đó là năm thứ đối trị Ngũ Độc. Các vị Trì Minh Vương hình tướng phẫn nộ có sự liên hệ với trung tâm thần kinh ở não bộ, và các vị Thần linh hình tướng hiền lành có sự liên hệ với trung tâm ở trái tim. Ngôn ngữ là sự hỗ tương mật thiết giữa hai trung tâm thần kinh nầy mà đại diện là chư vị Trì Minh Vương. Trì Minh nghĩa là nắm giữ trí huệ [của chư Phật Bồ tát]; các vị nầy không hẳn là tuyệt đối hung mãnh hoặc tuyệt đối hiền lành, nhưng giữ mực trung dung của hai đối cực kia; các vị thủ đắc vô biên pháp thuật nhiệm mầu.

Nên nhớ, năm (5) vị Trì Minh Vương và năm (5) vị Trì Minh Phi (Vidyadhari) là Hóa thân của của Ngũ Như Lai và Ngũ Phật Mẫu cùng chư Bồ tát quyến thuộc , chớ không phải thứ quỷ thần tầm thường của Tam giới. Năm vị Trì Minh Vương là những biểu tượng của Pháp thân (Dharmakaya). Nhưng vì nghiệp lực xấu ác khiến cho Trung Hữu khiếp sợ trước quí Ngài. Tuy nhiên, đây là cơ hội rất lớn để nhận ra và hiệp nhứt cùng với các Trí quang kia để thoát mình ra khỏi sự trói buộc của vòng sanh tử luân hồi.

Liền sau đó, bỗng có một vừng hào quang cầu vòng cực kỳ rực rỡ, rộng lớn như hư không xuất hiện trước Trung Hữu.

Ngay chính giữa vùng quang minh kia Trung Hữu sẽ thấy vị Trì Minh Liên Hoa Vũ Vương (Pema Karkyi Wangchuk) và Trì Minh Phi màu xanh đậm (Phật giáo Tây Tạng gọi là Dakini). Nhị vị Trì Minh nầy đứng trong tư thế nhảy múa, và ôm nhau trong tư thế của các bậc thánh thần.

Nơi phương Đông có vị Trì Minh Vương Sala Nepai Rigdzin và Trì Minh Phi màu trắng.

Nơi phương Nam có vị Trì Minh Vương Tsela Wang Wai Rigdzin và vị Trì Minh Phi màu vàng.

Nơi phương Tây có vị Trì Minh Vương Chag Gya Chenpo Rigdzin, và Trì Minh Phi màu xanh lá cây.

Chung quanh năm cặp Trì Minh Vương nầy là chư Mẫu Kiết Ni (Dakini), xa xa thì có các vị thần phụng giáo/ Hộ pháp (Dharmapalas).

Chư Thần linh xuất hiện rợp cả trời để giúp những Trung Hữu nào giữ trọn thệ nguyện. Chư vị cũng đồng thời đến để trừng phạt những kẻ không giữ gìn những lời thệ nguyện, hoặc hủy báng các bậc A xà lê/ Đạo Sư.

Cũng như các phần trước, bất cứ những hành vi nào dù là thuận theo hay phản kháng khởi lên đối với chư vị Thần linh và các quang minh màu sắc khác nhau thì Trung Hữu cần phải biết rằng chúng chỉ là do tự tâm của Trung Hữu huyễn hiện.

Những luồng quang minh cực kỳ mạnh mẽ phát xuất từ năm vị Trì Minh Vương kia sẽ chiếu thấu vào tim của Trung Hữu. Đồng lúc ấy cũng có một thứ ánh sáng màu xanh nhạt chiếu rọi trước Trung Hữu. Ánh sáng màu xanh nhạt nầy từ cõi Súc Sanh biến hiện. Do nghiệp lực chiêu cảm Trung Hữu cảm thấy bị sức quyến rũ của loại ánh sáng màu xanh nhạt nầy và khiếp sợ trước trí quang của chư Trì Minh Vương nên cố gắng trốn chạy khỏi vòng ảnh hưởng của các luồng quang minh cực kỳ rực rỡ kia.

LÚC NẦY CHÍNH LÀ LÚC MÀ TRUNG HỮU PHẢI TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG ĐỂ QUÁN CHIẾU VỀ CÁC TRÍ QUANG VÀ CẦU NGUYỆN SỰ GIA HỘ CỦA CHƯ PHẬT BỒ TÁT, NHỨT LÀ CÁC VỊ TRÌ MINH VƯƠNG THÌ TRUNG HỮU SẼ ĐƯỢC GIẢI THOÁT.

Hỡi chư Trì Minh Vương! Xin hãy thương xót con

Hướng dẫn con về Tịnh độ Dakpacachod của quí Ngài

Bởi vô minh che lấp từ vô thỉ cho đến nay

Mãi lang thang trong vòng sanh tử luân hồi

Con không biết đường lối tu tập chân chánh

Nguyện chư  Trì Minh Vương gia hộ cho con

Khiến con đắc được Tứ Trí và quang minh thanh tịnh

Vượt qua tất cả mọi chướng ngại của Thân Trung Ấm

Nguyện con chóng viên thành quả vị Phật.

Nếu lúc còn sống thật sự có tu tập, đem hết lòng chí thành để cầu  nguyện và thiền quán thì bây giờ chính là lúc Trung Hữu hiệp nhứt thân tâm mình với trí quang. Một khi việc nầy thành tựu thì Trung Hữu lập tức sẽ được sanh về cõi Tịnh Độ Dakpacachod. Những hành giả nào tu tập Thiền quán hữu tướng theo phương pháp của Lạt Ma Giáo/ Kim Cang Thừa sẽ sanh về cõi Tịnh Độ nầy trong vòng bảy (7) ngày sau khi chết. Một lần nữa, xin lập lại là trong giai đoạn nầy của Trung Hữu tất cả chư vị Thần linh và quang minh sẽ biến hóa từ nơi trung tâm cổ của Trung Hữu.

Nếu bây giờ vẫn chưa thành tựu được sự giác ngộ thì Trung Hữu sẽ tiến tới giai đoạn kế đầy sự hãi hùng hơn. Trong ngày thứ tám trở đi, Trung Hữu sẽ thấy các vị Phật mà người Tây Tạng thường gọi là Heruka (tiếng Phạn, chớ không phải tiếng Tây Tạng, chỉ cho đấng Đại trượng phu. Nếu dùng riêng thì chỉ cho đức Cakrasambhava, vị nầy có liên hệ đến chuyển tham ái thành trí tuệ Bát Nhã] để chỉ cho các hóa thân của Ngũ Như Lai cũng ở trong hình tướng trượng phu uy nghiêm rất đáng sợ. Tổng cộng là 52 vị Thần linh thân tướng hung mãnh và dễ sợ, kể cả năm (5) Herukas ở trên. Năm mươi hai (52) vị nầy đại diện cho 52 cấp bậc của Bồ tát từ Phật quả viên mãn xuống đến thập tín. Thứ tự đi từ lớn xuống nhỏ, vì Trung Hữu càng ngày càng xa cách cảnh giới vi diệu của chư Phật, Bồ tát, v.v… và có khuynh hướng sa đọa vào vòng sanh tử luân hồi.

Ngày thứ tám

***

Trong ngày thứ tám, đức Đại Nhựt Như Lai hiện thân phẫn nộ thành vị Phật Đại Trượng Phu (Buddha Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu. Vị Phật Đại Trượng Phu thuộc Phật Bộ. Thân thể Ngài màu nâu đậm, ba đầu, sáu tay, bốn chân duỗi thẳng ra, mặt chính giữa màu nâu đậm, mặt bên phải màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, cả thân hình phát ra ánh lửa rực rỡ, chín con mắt mở to nhìn chăm chú một cách đáng khiếp sợ, lông mày rung động như ánh chớp, răng lòi ra như đồng mới sáng ngời, miệng rú lên những tiếng rất hãi hùng “a la la” và “ha ha ha”, với những tiếng rít như “xu-u” hoặc “Hùm\Hùng!” “Phạt!” to lớn như tiếng sấm chớp. Tóc màu cam sáng ngời dựng đứng, được trang nghiêm bằng những đầu lâu trắng hếu và những biểu tượng của nhựt nguyệt. Thân Ngài được trang sức bằng những con rắn đen và những thủ cấp mới vừa bị chặt tạo thành những chuỗi dài. Tay bên phải thứ nhứt cầm bánh xe, tay thứ hai cầm rìu, tay thứ ba cầm kiếm; tay bên trái thứ nhứt cầm chuông, tay thứ hai cầm một mảng da đầu người, tay thứ ba cầm cái ly bằng sọ người.

Phật Mẫu Krodhishvari ôm Ngài, tay phải choàng sau cổ Ngài, tay trái dâng cho Ngài một hớp máu từ cái ly bằng sọ Người. Phật Mẫu rít lên những tiếng “Hùm\ Hùng” “Phạt!” như sấm nổ. Các lỗ chân lông kim cang của hai vị phát ra những tia lửa trí rực rỡ. Nhị vị đứng trên tòa Liên Hoa do Kim Súy Điểu (garudas) mang đội, trong tư thế chiến đấu.

Trên thực tế, vị Phật Đại Trượng Phu nầy phát xuất từ trung tâm não bộ của Trung Hữu! Nếu Trung Hữu nhận ra điều nầy và quán tưởng Ngài là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì tâm của Trung Hữu và Ngài sẽ không bao giờ tách rời nhau nữa. Kết quả của sự giác ngộ nầy là Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ chín.

Ngày thứ chín

***

Trong ngày thứ chín, đức Bất Động Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Kim Cang Đại Trượng Phu (Vajra Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu. Ngài thuộc Kim Cang Bộ. Thân thể Ngài màu xanh dương đậm, các chi phần khác cũng giống như đức Buddha Heruka. Ngài có ba đầu, sáu tay, bốn chân duỗi thẳng ra, mặt chính giữa màu xanh đậm, mặt bên phải màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, cả thân hình phát ra ánh lửa rực rỡ, chín con mắt mở to nhìn chăm chú một cách đáng khiếp sợ, lông mày rung động như ánh chớp, răng lòi ra như đồng mới sáng ngời, miệng rú lên những tiếng rất hãi hùng “a la la” và “ha ha ha”, với những tiếng rít như “xu-u” hoặc “Hùm \Hùng!” “Phạt!” to lớn như tiếng sấm chớp. Tóc màu cam sáng ngời dựng đứng, đầu được trang nghiêm bằng những đầu lâu trắng hếu và những biểu tượng của nhựt nguyệt. Thân Ngài được trang sức bằng những con rắn đen và những thủ cấp mới vừa bị chặt tạo thành những chuỗi dài. Tay bên phải thứ nhứt cầm chày kim cang, tay thứ hai cầm ly bằng sọ người, tay thứ ba cầm rìu; tay bên trái thứ nhứt cầm chuông, tay thứ hai cầm một ly bằng sọ người, tay thứ ba cầm mảng da đầu người.

Phật Mẫu Krodhishvari ôm Ngài, tay phải choàng sau cổ Ngài, tay trái dâng cho Ngài một hớp máu từ cái ly bằng sọ Người. Phật Mẫu rít lên những tiếng “Hùm\ Hùng” “Phạt!” như sấm nổ. Các lỗ chân lông kim cang của hai vị phát ra những tia lửa trí rực rỡ.

Trên thực tế, vị Phật Đại Trượng Phu nầy phát xuất từ phía Đông não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm. Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân(Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười.

Ngày thứ mười

***

Trong ngày thứ mười, đức Bảo Sanh Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Bảo Đại Trượng Phu ( Ratna Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu. Ngài thuộc Bảo Bộ. Thân thể Ngài màu vàng đậm, các chi phần khác cũng giống như đức Buddha Heruka và Vajra Heruka. Ngài có ba đầu, sáu tay, bốn chân duỗi thẳng ra, mặt chính màu vàng đậm, mặt bên phải màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, cả thân hình phát ra ánh lửa rực rỡ, chín con mắt mở to nhìn chăm chú một cách đáng khiếp sợ, lông mày rung động như ánh chớp, răng lòi ra như đồng mới sáng ngời. Miệng rú lên những tiếng rất hãi hùng “a la la” và “ha ha ha”, với những tiếng rít như “xu-u” hoặc “Hùm\ Hùng!” “Phạt!” to lớn như tiếng sấm chớp. Tóc màu cam sáng ngời dựng đứng, được trang nghiêm bằng những đầu lâu trắng hếu và những biểu tượng của nhựt nguyệt. Thân Ngài được trang sức bằng những con rắn đen và những thủ cấp mới vừa bị chặt tạo thành những chuỗi dài. Tay bên phải thứ nhứt cầm bảo châu, tay thứ hai cầm cây gậy phép (khatvanga), tay thứ ba cầm chùy; tay bên trái thứ nhứt cầm chuông, tay thứ hai cầm một cái ly bằng sọ người, tay thứ ba cầm đinh ba.

Phật Mẫu Ratna Krodhishvari ôm Ngài, tay phải choàng sau cổ Ngài, tay trái dâng cho Ngài một hớp máu từ cái ly bằng sọ Người. Phật Mẫu rít lên những tiếng “Hùm\ Hùng” “Phạt!” như sấm nổ. Các lỗ chân lông kim cang của hai vị phát ra những tia lửa trí rực rỡ.

Trên thực tế, Bảo Đại Trượng Phu phát xuất từ phía nam não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm. Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười một.

Ngày Thứ Mười Một

***

Trong ngày thứ  mười một, Đức Vô Lượng Quang Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Liên Hoa Đại Trượng Phu (Padma Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu. Ngài thuộc Liên Hoa Bộ. Thân thể Ngài màu đỏ đậm, các chi phần khác cũng giống như đức Buddha Vajra và Ratna Heruka. Ngài có ba đầu, sáu tay, bốn chân duỗi thẳng ra, mặt chính giữa màu đỏ đậm, mặt bên phải màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, cả thân hình phát ra ánh lửa rực rỡ, chín con mắt mở to nhìn chăm chú một cách đáng khiếp sợ, lông mày rung động như ánh chớp, răng lòi ra như đồng mới sáng ngời. Miệng rú lên những tiếng rất hãi hùng “a la la” và “ha ha ha”, với những tiếng rít như “xu-u” hoặc “Hùm\ Hùng!” “Phạt!” to lớn như tiếng sấm chớp. Tóc màu cam sáng ngời dựng đứng, được trang nghiêm bằng những đầu lâu trắng hếu và những biểu tượng của nhựt nguyệt. Thân Ngài được trang sức bằng những con rắn đen và những thủ cấp mới vừa bị chặt tạo thành những chuỗi dài. Tay bên phải thứ nhứt cầm hoa sen, tay thứ hai cầm gậy phép, tay thứ ba cầm roi; tay bên trái thứ nhứt cầm chuông, tay thứ hai cầm một cái ly bằng sọ người đựng đầy máu, tay thứ ba cầm một cái trống nhỏ.

Phật Mẫu Padma Krodhishvari ôm Ngài, tay phải choàng sau cổ Ngài, tay trái dâng cho Ngài một hớp máu từ cái ly bằng sọ Người. Phật Mẫu rít lên những tiếng “Hùm\ Hùng” “Phạt!” như sấm nổ. Các lỗ chân lông kim cang của hai vị phát ra những tia lửa trí rực rỡ.

Trên thực tế, Liên Hoa Đại Trượng Phu phát xuất từ phía Tây não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm. Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười hai.

Ngày Thứ Mười Hai

***

Trong ngày thứ mười hai, đức Bất Không Thành Tựu Như Lai  hiện thân phẫn nộ thành Yết Ma Đại Trượng Phu (Karma Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu. Ngài thuộc Yết Ma Bộ. Thân thể Ngài màu xanh lá cây đậm, các chi phần khác cũng giống như đức Buddha Vajra, Ratna và Padma Heruka. Ngài có ba đầu, sáu tay, bốn chân duỗi thẳng ra, mặt chính màu xanh lá cây đậm, mặt bên phải màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, cả thân hình phát ra ánh lửa rực rỡ, chín con mắt mở to nhìn chăm chú một cách đáng khiếp sợ, lông mày rung động như ánh chớp, răng lòi ra như đồng mới sáng ngời. Miệng rú lên những tiếng rất hãi hùng “a la la” và “ha ha ha”, với những tiếng rít như “xu-u” hoặc “Hùm\ Hùng!” “Phạt!” to lớn như tiếng sấm chớp. Tóc màu cam sáng ngời dựng đứng, được trang nghiêm bằng những đầu lâu trắng hếu và những biểu tượng của nhựt nguyệt. Thân Ngài được trang sức bằng những con rắn đen và những thủ cấp mới vừa bị chặt tạo thành những chuỗi dài. Tay bên phải thứ nhứt cầm kiếm, tay thứ hai cầm gậy phép, tay thứ ba cầm roi; tay bên trái thứ nhứt cầm chuông, tay thứ hai cầm một cái ly bằng sọ người đựng đầy máu, tay thứ ba cầm một mảng da đầu.

Phật Mẫu Karma Krodhishvari ôm Ngài, tay phải choàng sau cổ Ngài, tay trái dâng cho Ngài một hớp máu từ cái ly bằng sọ Người. Phật Mẫu rít lên những tiếng “Hùm\ Hùng” “Phạt!” như sấm nổ. Các lỗ chân lông kim cang của hai vị phát ra những tia lửa trí rực rỡ.

Trên thực tế, Liên Hoa Đại Trượng Phu phát xuất từ phía Bắc não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm, Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giác ngộ lúc nầy thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với các quỷ thần khác của ngày thứ mười ba.

Ngày Thứ Mười Ba

***

Tám (8) vị nữ Gauri sẽ xuất hiện,

thân thể sáng rực rỡ

Tám (8) vị Gauri sẽ xuất hiện từ nơi não bộ của Trung Hữu. Gauri có đầu và mặt giống như của người nhưng có thêm mắt thứ ba dựng đứng tại giữa hai chân mày, cũng có hai tay và hai chân, nhưng rất đáng sợ. Chúng Gauri là những quỷ thần sống nơi các thánh địa, để hộ vệ nơi ấy. Chớ nên vì đó mà sợ hãi họ!

Phương Đông của não bộ, có vị nữ hung thần Gauri thân thể sắc trắng. Tay phải cầm một thây người làm chùy, tay trái cầm một ly bằng sọ người đựng đầy máu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng.

Phương Nam của não bộ, có vị nữ hung thầnChauri thân thể sắc vàng. Tay cầm cung và tên, sẵn sàng để bắn. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng.

Phương Tây của não bộ, có vị nữ hung thần Pramoha thân thể sắc đỏ. Tay cầm một con sấu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng.

Phương Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần Vetali thân thể sắc đen. Tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm một ly bằng sọ người đựng đầy máu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng.

Phương Đông Nam của não bộ, có vị nữ hung thần Pukkhasi thân thể sắc đỏ cam. Tay phải cầm ruột người, tay trái đưa ruột vào miệng. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây Nam của não bộ, có vị nữ hung thần Ghasmari thân thể sắc xanh lá cây đậm. Tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm một ly bằng sọ người đựng đầy máu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần Chandali thân thể sắc vàng nhạt. Thân mang một thây người trên vai. Tay phải cầm một thây người, tay trái đưa vào miệng để ăn. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Đông Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần Shmashani thân thể sắc xanh đậm. Hai tay cầm một thây người không đầu đưa vào miệng để ăn. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, tám (8) Gauris nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của các nàng! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng tám (8) nàng đây chỉ là tự tâm huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải đương đầu với…

Tám (8) vị nữ Tỳ-xá-già (Pisacinis)

Thân thể sáng rực rỡ sẽ xuất hiện

Các vị Tỳ xá già hình người đầu thú, sẽ từ nơi não bộ của Trung Hữu mà lưu xuất.

Phương Đông của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu sư tử (Simhasya) thân thể sắc nâu đậm đỏ. Hai tay Ngài tréo nhau ngang ngực, miệng ngậm một thây người, và lúc lắc bộ lông bờm. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Nam của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu cọp (Vyaghrasya) thân thể sắc màu đỏ. Hai tay Ngài tréo nhau hướng xuống, miệng nhếch ra, mắt trừng trừng nhìn và nghiến các răng nanh, trông rất giận dữ đối với Trung Hữu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu Chó rừng (Shrgalasya) thân thể sắc đen. Tay phải ngài cầm dao cạo, tay trái cầm ruột người bỏ vào miệng để ăn và liếm máu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu chó sói (Shvanasya) thân thể sắc xanh đậm. Hai tay Ngài cầm một thây người để trước miệng, mắt nhìn trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống Trung Hữu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Đông Nam của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu kên kên (Grdhrasya) thân thể sắc vàng lợt. Ngài vác một  thây người trên vai; hai tay cầm một bộ xương người. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây Nam của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu diều hâu (Kankhasya) thân thể sắc đỏ đậm. Ngài vác một thây người trên vai. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu quạ khoang (Kakasya) thân thể sắc đen. Tay phải cầm kiếm; tay trái cầm tim và phổi để ăn. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Đông Bắc của não bộ, có vị nữ hung thần tên là Tỳ xá già Đầu Chim cú (Ulukasya) thân thể sắc xanh đậm. Tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm thịt người để ăn. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, tám (8) Tỳ xá gia nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng tám (8) nàng đây chỉ là tự tâm huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải đương đầu với ngày thứ mười bốn…

Ngày Thứ Mười Bốn

***

Bốn (4) vị Nội Thủ Môn Thần Nữ

Thân thể sáng rực rỡ, sẽ xuất hiện.

Các vị Thần nữ nầy cũng sẽ từ nơi não bộ của Trung Hữu mà lưu xuất.

Phương Đông của não bộ, có vị Nội Thủ Môn Thần Nữ đầu ngựa Ankusha thân thể sắc trắng; tay phải cầm một khúc câu, tay trái cầm một ly bằng sọ người đựng đầy máu. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Nam của não bộ, có vị Nội Thủ Môn Thần Nữ đầu heo Pasha thân thể sắc màu vàng; tay cầm dây thòng lọng. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây của não bộ, có vị Nội Thủ Môn Thần Nữ đầu sư tử Shernkhala thân thể sắc đỏ; tay cầm xích sắt. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Bắc của não bộ, có vị Nội Thủ Môn Thần Nữ đầu rắn Ghanta thân thể sắc lá cây; tay cầm chuông. Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, bốn  (4)Nội Thủ Môn Thần nữ nầy phát xuất từ bốn hướng của não bộ của Trung Hữu! Các nàng đồng thời xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng bốn (4) nàng đây chỉ là tự tâm huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát. 

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải đương đầu với…

Hai mươi bốn (24) vị Thần nữ (Jshvari)

Thân thể sáng rực rỡ, sẽ xuất hiện

Phương Đông của não bộ có sáu Thần Nữ, còn gọi là nữ Du già.

1. Đầu tiên là vị Đầu trâu (nơi Tuyết Sơn, chớ không phải thứ trâu của xứ Việt Nam chúng ta) Rakshasi thân thể sắc nâu sậm; tay cầm chày kim cang.

2. Lại có thần nữ đầu rắn Brahmi thân thể sắc cam đỏ; tay cầm hoa sen.

3. Rồi đến, thần nữ đầu Báo gấm Maheshvari thân thể màu xanh lá cây đậm; tay cầm đinh ba.

4. Kế đó, thần nữ đầu Khỉ Lobha thân thể màu xanh, tay cầm bánh xe.

5. Tiếp theo, thần nữ đầu Lừa Kumari thân thể màu đỏ, tay cầm đoản kiếm.

6. Sau rốt, thần nữ đầu Gấu Indrani thân thể màu trắng, tay cầm một cái thòng lọng bằng ruột người.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Nam của não bộ có sáu (6) vị nữ Du già.

1. Đầu tiên là vị đầu Dơi Vajra thân thể sắc vàng; tay cầm dao cạo.

2. Lại có thần nữ đầu Sấu Shanti thân thể sắc đỏ; tay cầm bình đựng hài cốt.

3. Rồi đến, thần nữ đầu Bồ cạp Amrita thân thể sắc đỏ; tay cầm hoa sen.

4. Kế đó, thần nữ đầu Diều hâu Chandra thân thể màu trắng; tay cầm chày kim cang.

5. Tiếp theo, thần nữ đầu Chó rừng Gada thân thể màu xanh lá cây đậm; tay cầm chùy.

6. Sau rốt, thần nữ đầu Cọp Rahshasi thân thể màu vàng đậm; tay cầm một cái đầu lâu máu.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây của não bộ có sáu (6) vị nữ Du già.

1. Đầu tiên là vị đầu Kên kên Bhakshasi thân thể màu xanh lá cây đậm; tay cầm chùy.

2. Lại có thần nữ đầu Ngựa Rati thân thể sắc đỏ, tay cầm một thây người to lớn.

3. Rồi đến, thần nữ đầu Kim súy điểu Mahabali thân thể sắc trắng; tay cầm chùy.

4. Kế đó, thần nữ đầu Chó Rakshasi thân thể màu đỏ; tay cầm chày kim cang.

5. Tiếp theo, thần nữ đầu Chim Kama thân thể màu đỏ; tay cung lên chực bắn.

6. Sau rốt, thần nữ đầu Nai Vasuraksha thân thể màu xanh lá cây đỏ sậm; tay cầm một cái bình đựng hài cốt.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Bắc của não bộ có sáu (6) vị nữ Du già.

1. Đầu tiên là vị đầu Chó sói Vayavi thân thể sắc xanh; tay cầm cây tràng phướng.

2. Lại có thần nữ đầu Hạc Narini thân thể sắc đỏ; tay cầm ngọn giáo bén nhọn trong tư thế đe dọa.

3. Rồi đến thần nữ đầu Heo rừng Varahi thân thể sắc đen; tay cầm thòng lọng bằng răng nanh heo rừng.

4. Kế đó, thần nữ đầu Quạ Rati thân thể màu đỏ, tay cầm da của một đứa bé.

5. Tiếp theo, thần nữ đầu Voi Mahasani thân thể màu xanh lá cây đậm; tay cầm thây người và uống máu từ một cái ly bằng sọ người.

6. Sau rốt, thần nữ đầu Rắn Varuni thân thể màu xanh; tay cầm một cái thòng lọng bằng rắn.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Bốn (4) vị Ngoại Thủ môn Thần nữ

Thân thể sáng rực rỡ ,sẽ xuất hiện

Các vị Thần nữ nầy cũng sẽ từ nơi não bộ của Trung Hữu mà lưu xuất.

Phương Đông của não bộ, có vị Thủ môn Thần nữ đầu Chim Cu Vajra thân thể sắc trắng; tay cầm một khúc câu bằng sắt. Trung Hữu! Đừng sợ nàng, dù mang thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Nam của não bộ, có vị Thủ môn Thần nữ đầu Dê Vajra thân thể sắc màu vàng; tay cầm dây thòng lọng. Trung Hữu! Đừng sợ nàng, dù mang thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Tây của não bộ có vị Thủ môn Thần nữ đầu Sư Tử Vajra thân thể sắc đỏ; tay cầm xích sắt. Trung Hữu! Đừng sợ nàng, dù mang thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Phương Bắc của não bộ có vị Thủ môn Thần nữ đầu Rắn Vajra thân thể sắc lá cây. Tay cầm chuông. Trung Hữu! Đừng sợ nàng, dù mang thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, bốn (4) Ngoại Thủ môn Thần nữ nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu  nhận ra rằng bốn (4) vị đây chỉ là  huyễn hiện của tự tâm thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

 Nầy Trung Hữu! Từ phương diện Tịnh của Tánh không (sunyata) lưu xuất ra thành 48 vị Thiện thần! Hãy nhận ra điều nầy!

Từ phương diện Động của Tánh không (sunyata) lưu xuất ra thành 52 vị Hung thần! Hãy nhận ra điều nầy! Chư Hung thần từ não bộ lưu xuất ra, và hiện rõ ràng trước mắt Trung Hữu, thân bằng quyến thuộc của Trung Hữu sẽ không thể thấy được chư vị, chỉ có Trung Hữu một mình kinh nghiệm mà thôi. Nếu Trung Hữu biết rằng tất cả những hình ảnh kia từ bản tâm lưu xuất, và không sợ hãi trước các Ngài thì Trung Hữu sẽ lập tức hiệp nhứt với thân Đại Trượng Phu (Heruka-kaya) và đạt được địa vị của một đấng Phật Đà!

Nầy Trung Hữu! Nếu vẫn chưa nhận ra được bản tâm của mình thì ngươi sẽ phiêu lưu vào thế giới đầy huyền ảo, khổ đau, sợ hãi, kinh hoàng, và giận dữ với chính mình và chư vị Thần linh kia. Một lần nữa sự khổ đau không thể nghĩ bàn sẽ đổ ập đến thân ngươi. Vì không phương tiện và bị nghiệp lực lôi kéo ngươi sẽ thấy chư Thần linh kia là Diêm La Vương và chư Quỷ thần nơi ác đạo. Ngươi sẽ thù ghét họ! Ngươi sẽ bị kinh hoàng trước họ! Chính tưởng tướng của ngươi biến thành những hình ảnh ma quái kia chớ không có gì ngoài tâm ngươi!

Nầy Trung Hữu! Thân thể của những bậc Đại Thiện thần (Ngũ Như Lai, Ngũ Phật Mẫu, Chư Bồ tát), chư Trì Minh Vương và chư Trì Minh Phi, cũng như Đại Hung thần (Đại Trượng Phu của Ngũ Bộ) kia đột nhiên sẽ lớn ra như hư không, còn thân thể của những vị hầu cận sẽ lớn như núi chúa Tu Di, các quyến thuộc của quí Ngài sẽ lớn hơn thân ngươi ít nhứt là đến 18 lần.

Nhưng, nầy Trung Hữu! Đừng sợ hãi! Đừng quá đỗi kinh hoàng! Tất cả những hình ảnh thấy được sẽ trở thành quang minh và chư Thần linh kia chẳng qua là do Tâm lực của ngươi huyễn hiện! Hãy đem hết nghị lực quán chiếu về Tánh không, hoặc tụng Thần chú, hoặc niệm hồng danh của chư Phật Bồ tát, rồi nhập vào các quang minh và chư Thần linh kia, chớ nên do dự, chỉ trong một cái khảy móng tay nhà ngươi sẽ thành Phật lập tức!

Nầy Trung Hữu! Cho dù những cảnh giới hiện ra kia rất là khủng khiếp, phải nhận ra chúng nó chính là các tưởng tướng riêng của riêng ngươi! Nếu ngươi nhận ra chúng chính là biến tướng của tự tâm, và không còn nghi ngờ gì cả ngươi sẽ trở thành một vị Phật lập tức! Điều mà Mật tông chủ trương “TỨC THÂN THÀNH PHẬT” ngươi đã và đang kinh nghiệm, hãy nhận ra nó ngay vì cảnh giới nầy sẽ đi qua rất nhanh chóng. Hãy nhớ kỹ điều nầy!

Nầy Trung Hữu! Nếu lúc nầy ngươi vẫn chưa nhận ra Tâm quang minh của mình, mà chạy theo những sự kinh hoàng khủng khiếp thì tất cả những vị Thiện thần sẽ biến thành các vị Thần thủ hộ Mahakala màu đen! Còn những vị hung thần sẽ biến thành các vị Dạ Ma Pháp Vương (Diêm Ma Vương)! Các tưởng tướng riêng của ngươi sẽ trở thành những ảo giác, rồi  ngươi sẽ bị nhận chìm trong vòng sanh tử luân hồi!

Nầy Trung Hữu! Nếu vẫn chưa nhận ra những hiện tượng kia chính là từ tự tâm huyễn hiện, thì cho dù nhà ngươi có thông suốt tất cả kinh văn của Hiển giáo, các giáo lý của Mật tông, và cho dù nhà ngươi có tu tập cả một kiếp đi nữa, ngươi cũng sẽ không thành Phật được!

Trái lại, nếu  ngươi có thể  nhận ra các hiện tượng kia từ  tâm ngươi lưu xuất thì chỉ cần một lời, một chữ trong lúc nầy ngươi cũng đắc thành Phật quả!

Nếu các tưởng tướng của riêng ngươi mà ngươi không nhận ra được chúng thì ngay khi mà ngươi chết, những hình tướng kia sẽ trở thành các vị Diêm Ma Vương!

Tất cả chư Diêm Ma Vương sẽ xuất hiện đầy rợp cả trời, không có kẽ hở, lớn có nhỏ có, nhưng không vị nào nhỏ hơn núi chúa Tu Di cả. Họ sẽ đến trong hình tướng hết sức phẫn nộ. Vị thì nghiến răng, vị thì bặm môi, mắt họ sáng như thủy tinh dưới ánh mặt trời, tóc thắt gút dựng đứng lên, bụng to, cổ nhỏ, họ đều cầm bản ghi chép tội trạng và đồng thời hét lên: “Đánh nó!”, “Giết nó!” Họ sẽ liếm đầu ngươi, óc ngươi sẽ văng ra, họ sẽ bức đầu ngươi, xé xác ngươi ra, rút tim và các cơ tạng trong thân thể ngươi ra từng phần một.

Bọn chúng đến như thế, số kia đến vô lượng, khắp giáp cả vũ trụ, đồng thời xuất hiện!

Nầy Trung Hữu! Khi những hình ảnhkia xuất hiện, ngươi chớ nên quá kinh sợ! Chớ nên khiếp đảm. Nhà ngươi bây giờ không có thân thể bằng vật chất, thân mà ngươi đang có chỉ là thân tâm linh (giống như thân trong mộng); cho nên, nếu thân nầy bị hủy diệt, hoặc xé ra thành từng mảnh, nó vẫn không chết! Thân ngươi hiện nay chính là hiện tướng của Tánh không (sunyata) nên không gì có thể làm tổn thương nó được. Chính ngay bản thân của các vị Diêm Ma Vương, các vị Thiện và Hung thần kia cũng chỉ là những tưởng tướng của ngươi, chúng vốn không có một tự tánh chân thật. Chúng chỉ là  huyễn hóa. Huyễn nhơn không thể hại được  huyễn nhơn! Lửa dữ trong mộng không thể đốt cháy thân thể đang ngủ. Tánh không không thể làm tổn thương Tánh không được! Hãy nhận ra điều nầy thì tất cả mọi sự sợ hãi, kinh hoàng tự nó sẽ tiêu tan. Chớ có nghi ngờ! Hãy hiệp nhứt với chơn tâm thì ngươi sẽ lập tức thành Phật! Hãy vận dụng hết nỗ lực và tin tưởng rằng:

Những hình ảnh kia thật ra chính là vị Bổn Tôn \ Thần hộ mệnh của ta!

Chư vị đến để hướng dẫn ta vượt ra khỏi tình trạng của Thân Trung Ấm sau khi chết! Ta nay quy y chư vị!

Hãy nhớ tưởng  đến Tam Bảo! Hãy nhớ đến vị bổn Tôn\ Thần hộ mệnh của mình! Hãy kêu gọi tên Ngài! Cầu nguyện lên Ngài.

Con nay lang thang trong Thân Trung Ấm

Ôi Bổn Tôn! Xin Ngài hãy nhớ nghĩ đến con,

Thùy từ gia hộ và cứu vớt con!

Gia hộ cho con khiến con được giải thoát!

Hãy cầu nguyện lên Đạo sư của ngươi:

Con nay lang thang trong Thân Trung Ấm

Ôi! Đạo sư!  Xin Ngài hãy nhớ nghĩ đến con.

Vì lòng từ bi xin Ngài thùy từ gia hộ!

Đừng để con bị trôi lăn nơi vòng sanh tử luân hồi!”

Hãy tin tưởng vào Ngũ Đại Trượng Phu (Heruka) của Ngũ bộ và chư Thần linh quyến thuộc của quí Ngài, và cầu nguyện lên chư vị:

Con cùng tất cả chúng sanh trong Pháp giới

Từ vô thỉ trôi lăn theo vòng sanh tử

Cũng vì tham, sân si, mạn và tà kiến

Không phân lành dữ, tạo ra vô lượng tội

Để nay, theo ảo tưởng buộc ràng

Chịu lắm nỗi lo âu, khiếp sợ, kinh hoàng

Con nay vì hết thảy chúng sanh và tự thân mình

Đối trước chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu (Heruka) và chư Thần hung mãnh

Xin hết lòng sám hối, những tội đã làm nguyện trừ diệt

Ác nghiệp đời sau không dám tái phạm

 

Nguyện chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu và chư Thần hung mãnh

Hướng dẫn con cùng tất cả chúng sanh

Thoát khỏi mọi hiểm nguy của Thân Trung Ấm

Chúng con y pháp tu hành chóng thành Phật đạo

Hiện nay con lang thang cô độc một mình

Bỏ lại thân bằng, quyến thuộc và những người thân yêu

Con nay biết tất cả ảo tướng trên bản chất đều là Không

Cầu xin chư Phật vì lòng Đại bi

Cứu con khỏi lo âu, khiếp sợ, kinh hoàng

Khiến con thoát khỏi hiểm nguy của Thân Trung Ấm

Khi Ngũ trí quang bừng lên thì đồng lúc ấy

Con nhận ra chúng, đạt được sự vô úy, và can đảm

Khi chư Phật, Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu, và chư Thần hung mãnh xuất hiện

Tâm con bất động, và nhận ra Thân Trung Ấm

Hiện nay con chịu khổ đau là do ác nghiệp chiêu cảm

Nguyện chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu và chư Thần hung mãnh

Giúp con hàng phục và xóa tan mọi khổ đau!

Như trăm ngàn tiếng sấm nổ, khi thực tại bị phát hiện

Nguyện âm thanh kia (*) biến thành Lục Đại thần chú

OM MANI PADME HUM!

Nguyện mong đức Đại Bi Thế tôn

Cứu con vượt khỏi trăm ngàn khổ đau

Nguyện mong Quang minh Tam muội chiếu rọi

Khiến Ngũ đại khởi lên không nghịch lại với con

Nguyện con cùng tất cả chúng sanh

Đồng thời diện kiến chư Tịnh độ của Ngũ bộ Như Lai

(đọc 3 đến 7 lần)

Như vậy, Trung Hữu phải chí thành sám hối và cầu nguyện lên chư vị. Điều nầy cực kỳ quan trọng, vì nhờ nó mà sự lo âu, sợ hãi, và kinh hoàng sẽ tiêu tan và Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân. Chớ có chần chờ!

Căn cứ vào truyền thống Mật tông của Ấn Độ và Tây Tạng thì ngay khi nhận ra sắc tướng của sự đầu thai, Thân Trung Ấm sẽ thấy sự xuất hiện của các vị Hiền thần cũng như các vị Hung thần. Lúc bấy giờ, nếu có thể nhận ra những vị thần nầy, và không rời các vị thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giác ngộ. Tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào sự quán chiếu, và việc thực hành theo Chánh pháp của chính chúng ta thuở sanh thời.

(*) Những âm thanh mà Trung Hữu nghe từ 58 vị Hung thần thường là “HUNG! PHẠT!”  chúng rền vang như tiếng sấm nổ.

Nếu lúc sanh thời có tu tập và kinh nghiệm về các vị Hung thần, Trì Minh Vương v.v… chẳng hạn như chư Thế tôn Uế Tích Kim Cang (Ucchusma), Chấp Kim Cang (Vajradhara), Kim Cang Thủ (Vajrapani), Kim Cang Tạng (Vajragarbha), Bất Động Tôn (Acala), Hàng Tam Thế  (Trilokyavijaya), Đại Luân (Mahacakra), Cakrasambhava, Guhysamaya, Kalacakra, Hevajra, Mahakala, v.v… thì lúc nầy Trung Hữu quyết định nhận ra được những âm thanh nầy và vị Bổn Tôn của mình, Trung Hữu sẽ không còn sợ hãi trước quí Ngài. Trung Hữu sẽ nhận ra bản chất (huyễn hóa, không có tự tánh) của các bậc Thần linh và thành tựu sự giải thoát.

Nếu không có những kinh nghiệm như trên về các đấng Thần linh mang hình tướng phẫn nộ thì Trung Hữu cần phải lắng nghe giáo lý bí mật về Thân Trung Ấm, rồi đem hết năng lực ra quán chiếu các bậc Thần linh như sách dạy, nhờ vậy mà Trung Hữu có thể nhận ra quí Ngài dễ dàng hơn.

Nếu nhận ra được quí Ngài chính là đức Bổn Tôn/ Thần hộ mệnh của mình thì hãy thành tâm quy y, sám hối, phát nguyện và hãy khởi Đại bi tâm đến chư chúng sanh, như vậy Trung Hữu quyết định sẽ được vãng sanh về thế giới Diệu Hỷ và sẽ thành Phật ở cõi đó.

Tùy theo sự liên hệ giữa Trung Hữu và chư Thần linh trong khi sanh thời mà Trung Hữu có thể đạt được sự giải thoát trong khi thọ Thân Trung Ấm.Nếu chưa đạt được sự giải thoát này thì Trung Hữu sẽ phải phiêu lưu sang giai đoạn Sanh Hữu.

Như chúng ta đã biết vòng sanh tử luân hồi được tạo ra bởi Ngũ ấm, mỗi Ấm có một đặc tánh riêng.

Đặc tánh của Ấm thứ nhứt, tức Sắc ấm là tan hoại và đổ bể. Tham dục chính là đặc tánh của Ấm thứ hai tức Thọ ấm. Sự hiểu biết liên tục từ sát na đến sát na khác khiến cho tâm phải rõi theo với khách trần chính là đặc tánh của Ấm thứ ba tức Tưởng ấm. Sự chú  ý và phân biện các khách trần khi hành động chính là đặc tánh của Ấm thứ tư tức Hành ấm. Tri giác và khả năng sáng tạo của khách trần chính là đặc tánh của Ấm thứ năm tức Thức ấm.

Chính năm (5) Ấm nầy dưới sự chỉ đạo của tham dục đã tạo ra vô vàn hành động trong ba cõi. Kết quả của những hành động nầy là chúng sanh phải chịu trăm khổ ngàn  đau nơi chốn sanh tử luân hồi không biết đến bao giờ mới ra khỏi! Đây là đứng trên phương diện động, phương diện bất tịnh mà nói. Nhưng khi một chúng sanh thanh tịnh hóa tri giác\ kiến giải thì Ngũ Uẩn biến thành Ngũ Như Lai, mỗi Uẩn tượng trưng bằng một đức Như Lai. Đến đây là hết phần của bậc Trung Trung Căn!

Nếu sau 14 ngày mà vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với  cái “chết” [cứ bảy (7) ngày thì bị chết một lần, nó rất vi tế, nhưng dễ nhận ra đó là Thân Trung Ấm bị rơi vào tình trạng “vô thức”]

Sau đó không lâu, Thần thức sẽ phải thọ lấy Thân Trung Ấm đi tìm thân sau để đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi (Sanh Hữu)! Việc nầy mau hay chậm là tùy nghiệp của mỗi một chúng sanh, không có gì là nhứt định cả.

Chú giải sơ lược Mạn Đà La phía trên:

Ngay tại giữa trung tâm Mạn đà la là vị Quảng đại trượng phu (Maha Heruka) và Maha Krodhisvari.

Phía dưới là đức Phật Đại Trượng Phu (Buddha Heruka) và Buddha Krodhisvari.

Phía bên trái ở dưới cùng là đức Kim Cang Đại trượng phu (Vajra Heruka) và Vajra Krodhisvari.

Bên trái phía trên cùng là đức Bảo Đại trượng phu (Ratna Heruka) và Ratna Krodhisvari.

Phía trên cùng bên phải là đức Liên Hoa Đại trượng phu (Padma Heruka) và Padma Krodhisvari.

Bên phải phía dưới cùng là đức Yết Ma Đại trượng phu (Karma Heruka) và Karma Krodhisvari.

Bốn vị Gauris đầu tiên xuất hiện ở bên trái đức Maha Heruka, bốn vị sau cùng xuất hiện ở bên phải.

Ở trên bốn vị Gauris bên phía trái của đức Maha Heruka và dưới đức Ratna Heruka là bốn vị Tỳ xá gia nữ (Pisacis) đầu tiên.

Ở trên bốn vị Gauris bên phía phải của đức Maha Heruka và dưới đức Padma Heruka là bốn vị Tỳ xá gia  nữ (Pisacis) sau cùng.

Bốn vị Nội thủ môn thần nữ ở bốn hướng, thân thể trong vòng  hào quang: Ankusa bên trái phía dưới, Pasa bên trái phía trên, Srankhala bên phải phía trên, và Ghanta bên phải phía dưới cùng.

Sáu vị Du già nữ của Phương Đông được trình bày trong nửa vòng tròn, dưới đức Vajra Heruka.

Sáu vị Du già nữ của Phương Nam được trình bày trong nửa vòng tròn, dưới đức Ratna Heruka.

Sáu vị Du già nữ của Phương Tây được trình bày trong nửa vòng tròn, dưới đức Padma Heruka.

Sáu vị Du già nữ của Phương Bắc được trình bày trong nửa vòng tròn, dưới đức Karma Heruka.

Bốn vị ngoại Thủ môn Thần nữ được trình bày nơi bốn gốc bên cạnh bốn vị Nội thủ môn Thần nữ.

(Hình ảnh chư Thế Tôn trên đây có thể tìm thấy ở rất nhiều sách vở viết bằng các thứ tiếng Anh Cát Lợi, Pháp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, cũng như các thư viện trên thế giới, và nhứt là nhờ sự lưu vong của chư Lạt Ma, A xà lê người Tây Tạng nên Phật giáo Tây Tạng có cơ hội bành trướng nơi các xứ Âu Mỹ, chúng ta có thể diện kiến chư Thế tôn một cách dễ dàng. Nhưng tiếc thay! Ít ai chịu khó tu tập theo chư Tôn! Để rồi khi cái chết nó đến thì kinh hoàng, hoảng sợ. Thật là đảo điên vô cùng!)

Thân Trung Ấm

ĐI TÌM THÂN SAU ĐỂ ĐẦU THAI

TRONG VÒNG SANH TỬ LUÂN HỒI

(Sanh Hữu)

Sau khi “sống” lại, trong khoảng thời gian lưu lạc trong tình trạng Sanh hữu, Thần thức của vong nhân sẽ sở đắc được nhiều khả năng siêu phàm, nhưng không có nghĩa là Sanh hữu đã được nhập vào Thánh vị. Những khả năng đó có được không phải là do Sanh hữu đắc được Định hay nhập vào Tam muội mà chính là do nghiệp quá khứ tạo nên, chẳng hạn như Sanh hữu có thể đi từ địa cầu đến cõi Cực Lạc hoặc cõi Diệu Hỷ hoặc mười phương Tịnh độ chỉ trong khoảnh khắc, hoặc có thể tự tại xuyên qua tất cả mọi vật. Không có gì có thể cản trở Sanh hữu được, trừ tháp thờ Phật và tử cung. Đó chỉ là nói sơ qua thôi, có thể nói cho dễ hiểu hơn là Thần thức lúc bấy giờ sở hữu những quyền năng như một vị trời, nhưng khả năng và giới hạn thì rộng lớn hơn nhiều. Nó có đầy đủ tứ thần thông: Thiên nhãn, Thiên nhĩ, tha tâm thông, thần túc thông, nhưng không có túc mạng thông.

Sanh hữu có hai (2) thứ hình: Một là dung sắc xinh đẹp, hai là dung mạo xấu xí. Sanh hữu của hữu tình hoặc có hai tay hai chân, hoặc bốn chân, hoặc nhiều chân, hoặc không chân, tùy theo nghiệp ngày trước đáng phải thác sanh chỗ nào thì cảm Sanh hữu như thân hình ấy.

Ghi chú: Trong thời gian nầy, Trí Quang sẽ không xuất hiện nữa, nhưng ánh sáng của Lục Đạo lại một lần nữa tiếp tục chiếu soi để dẫn dắt Sanh hữu đi đầu thai.

Lúc bấy giờ, Sanh hữu sẽ trải qua bốn (4) thứ kinh nghiệm mà trong lúc bình sanh mình chưa từng biết đến.

1. Sanh hữu sẽ bị lôi cuốn vào giữa một trận mưa bão hãi hùng.

2. Sanh hữu sẽ bị một luồng gió mạnh khủng khiếp thổi vào thân.

3. Sanh hữu sẽ bị rơi vào một chỗ mù mịt tối tăm như đêm ba mươi không trăng, không sao.

4. Sanh hữu sẽ nghe những tiếng động kinh hồn bạt vía như trăm ngàn tiếng sấm sét nổ.

Hàng cụ phược phàm phu, ngu si, chấp càn, chấp bậy cho là do Phạm Thiên làm, hoặc Thượng Đế làm, hoặc đấng Tạo Hóa làm. Thật ra, bốn (4) kinh nghiệm kia cũng chính là những hiện tượng do tự tâm huyễn hiện, nó khởi lên là do các vọng nghiệp mà thuở sanh thời vong nhân đã tạo tác ra, chớ không có đấng nào làm ra cả.

1. Kinh nghiệm về mưa bão phản ảnh lại lòng tham dục của vong nhân.

2. Kinh nghiệm về gió ác phản ảnh lại lòng sân hận của vong nhân.

3. Kinh nghiệm về sự tối tăm phản ảnh lại sự vô minh, của vong nhân.

4. Kinh nghiệm về các tiếng động kinh hồn bạt vía phản ảnh lại tâm điên đảo mê loạn của vong nhân trong thời gian thọ Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu) và Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu).

Vì kinh hoàng, hoảng sợ trước những hiện tượng nầy, khiến cho Sanh hữu bị trở ngại trong việc đầu thai nơi các cõi thanh tịnh hoặc những cõi lành. Chính điều nầy sẽ khiến cho Sanh hữu mất đi cái cơ hội thành tựu sự giác ngộ.

Lại  nữa, ở giai đoạn nầy thì Sanh hữu sẽ trải qua ba (3) kinh nghiệm lớn, mỗi kinh nghiệm lớn được chia làm ba (3) nữa, hợp lại có chín (9) kinh nghiệm cả thảy. Tùy theo bản nghiệp mà Sanh hữu sẽ chiêu cảm một trong ba thứ kinh nghiệm lớn kia.

1. Nếu làm những nghiệp lành thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân hiện ra nơi cảnh giới vui đẹp của chư Thiên, hoặc ngồi trên một tòa rất cao trong một cung điện nguy nga.

2. Nếu không tạo những nghiệp lành lớn, cũng không làm những nghiệp dữ nhiều thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân hiện ra trong một căn nhà lợp bằng tranh, hoặc nhà lợp lá, hoặc trong những bó lúa.

3. Nếu tạo nghiệp ác dữ nhiều, thiện nghiệp kém ít thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân hiện ra trong những cây cỏ to lớn hoặc chui vào những lỗ nhỏ nơi tường vách, hoặc chạy vào khu rừng già.

Tùy theo hành nghiệp lành dữ của mỗi một hữu tình mà Sanh hữu chịu một trong bốn thứ sanh nơi Ba cõi, Sáu đường nơi chốn sanh tử luân hồi.

1. Thai sanh: Thường là người, lục súc và các dã thú.

2. Noãn (trứng sanh): Hầu hết các thú vật như chim muông, ruồi muỗi,

3. Thấp sanh: (sanh từ nơi ẩm thấp và hơi ấm): Các sinh vật hạ đẳng,

4. Hóa sanh: chư Thiên, quỷ thần và chúng sanh cõi địa ngục.

Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận, do Hòa thượng Thích Khánh Anh dịch, Phật  Học Viện Quốc tế tái bản năm 1986, nơi trang 192-194, có đoạn:

Giữa hai loài Thai sanh và Noãn sanh thì Sanh hữu (chánh văn đề Trung Hữu Thân, Trung Hữu đã qua sau  ngày thứ 14, đây là giai đoạn tìm sự tái sanh nên Mạt nhân không đồng ý với luận chủ, từ đây về sau dùng Sanh hữu chớ không dùng Trung Hữu Thân, nhưng xét trên tổng quát thì thấy vẫn không có gì trái với ý của tôn kinh Đại Bảo Tích) do nghiệp lực của nó, dù ở cách xa, hễ thấy chúng sanh có duyên làm Cha Mẹ đương giao hội (dâm hành), ánh sáng của lửa dục nháng nháng lên, thì nó tới liền, còn mau hơn sức điện. Bấy giờ, đối với Mẹ, nếu Sanh hữu là trai, thì nó nổi cái lòng ái nhiều hơn để thương yêu; mà dấy sân tâm căm hờn đối với Cha, vì nó muốn thấy chỉ mình nó được trọn hưởng hạnh phúc ái tình ấy chứ không muốn thấy có một giống đực khác chia cướp đi! Còn như phản lại với nghĩa trên bằng cách: Ghét Mẹ, thương Cha là, nếu Sanh hữu là gái thì nó dấy lòng điên đảo cũng như thế. Vì bởi cố lấy điều vui sướng đó mà phải si mê! Vì si mê nên Sanh hữu mới thụ sanh bằng cách thô tục trọng trược! Nên nói “đến cảnh Dục bằng cái tâm điên đảo”.

Rằng: “Thấp, Hóa nhiễm chỗ hương” nghĩa là Sanh hữu của loài Thấp Sanh nó đi thụ thai bằng cách đắm mùi hương: Nếu khi mà nó gặp đủ duyên để thụ sanh thì chẳng luận xa hay gần nó đều nghe được cái mùi hương khí của Cha Mẹ dâm dục, nó dấy cái lòng tham nhiễm thì liền đã thụ sanh rồi nhưng tùy theo nơi bổn nghiệp hơn hay kém mà hương khí phân ra có tốt có xấu, nên nói là “đắm nhiễm mùi hương”. Còn như Sanh hữu của loài Hóa Sanh thì đối với chỗ đắm nhiễm để thụ sanh ấy, nếu gặp đủ duyên chịu sanh, cũng bất luận xa gần, hễ thấy được chỗ sẽ đến đầu thai, là liền nức lòng ái nhiễm, nó chịu sanh rồi, nhưng tùy ở bổn nghiệp thiện hay ác mà phải chịu chỗ sanh tịnh hay uế.

Vâng chịu khí chất, khí thì liền đủ Tứ đại dần dần thành ra các căn; Tâm [Thần thức\ A lại da thức\ Tàng thức] thì sẵn đủ bốn Uẩn, lần hồi chuyển thành các Thức [bảy (7) thức trước]. Đầy đủ 10 tháng đẻ ra gọi là người; chính thật là thân tâm của chúng ta ngày nay đây.

Cho nên, Mạt nhân nói rằng sự đau khổ hay an vui của chúng hữu tình khi sanh ra hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lành dữ của nó chiêu cảm. Ví dụ, tuy đồng thọ sanh làm người, nhưng ít khi có hai người hoàn toàn giống nhau, sự thọ hưởng ngũ dục cũng vậy; chư Thiên cũng có cao thấp chớ không phải sanh về Trời thì ai cũng như ai, các đường khác trong vòng sanh tử luân hồi cũng như vậy. Trời đất có thể thay đổi, nhựt-nguyệt có thể ngưng chuyển động, ánh sáng của nó có thể tắt mất, chân lý của đám đông có thể thay đổi, biển cả có thể biến thành núi non, núi non có thể thành đồng bằng, nhưng luật nhân quả báo ứng không bao giờ thay đổi, không bao giờ sai chạy cả, gieo nhân nào ắt sẽ hưởng quả đó.

Khi thời gian đi đầu thai đã đến thì Sanh hữu sẽ trải qua một kinh nghiệm thích thú đó là sự quyến rũ rất hấp dẫn của luồng ánh sáng mà nghiệp lực của nó bám víu vào.

1. Nếu sanh vào cõi Trời thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu trắng đục, và có cảm giác rằng mình đang đi vào Thiên cung rộng lớn trang nghiêm cực kỳ nguy nga, tráng lệ. Sanh hữu cõi Trời Dục giới có màu hoàng kim, cõi trời Sắc giới có màu sắc trắng láng. Trời Vô sắc không có Thân Trung Ấm vì không có sắc thân bằng vật chất vậy. Sanh hữu đi đầu thai ở các từng trời thì đầu hướng lên trên.

2. Nếu sanh vào cõi A tu la (Quỷ thần) thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu đỏ, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một khu vườn đẹp đẽ hoặc vào một nơi rất đẹp đẽ, cái đẹp siêu phàm. Sanh hữu của A tu la màu đỏ, khi đi đầu thai cũng giống như chư  Thiên cõi Dục.

3. Nếu sanh vào cõi Người thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu xanh dương. Sanh hữu cõi  người có màu hoàng kim,. Sanh hữu đi đầu thai ở cõi Người thì đi ngang.

Sanh trong loài Người có thể xảy ra ở một trong bốn Châu (xem Lý Thuyết tối cao về Vũ Trụ, Nguyễn Pram). Châu mà chúng ta đang ở gọi là Nam thiệm bộ châu (toàn trái đất, chớ không phải một trong năm châu: Á, Âu, Mỹ, Phi, và Úc). Mỗi Châu có cảnh giới riêng của nó, do cộng nghiệp, và biệt nghiệp của chúng sanh cõi đó tạo nên, chớ không phải do Thượng Đế, hoặc đấng Tạo Hóa nào làm ra cả.

a. Đông thắng thần châu: Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những trang nam tử và những thiếu nữ tuyệt đẹp đứng vây quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy đều được giàu có, sống lâu, nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu  mong sanh vào chốn nầy vì nó có một (1) điều chướng đạo rất lớn đó là không có Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

b. Tây ngưu hóa châu Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những bầy ngựa đực có, cái có đứng vây quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy cũng đều được giàu có, nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu mong sanh vào chốn nầy vì nó có một (1) điều chướng đạo rất lớn đó là không có Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

c. Bắc cu lô châu Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những cây đẹp và vườn bông chung quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy cũng đều được giàu có sống lâu nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu mong sanh vào chốn nầy vì nó có một (1) điều chướng đạo rất lớn đó là không có Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

d. Nam thiệm bộ châu: Hãy cố gắng vào thai bào để được tái sanh vào cõi  nầy vì đây là một Châu duy nhứt trong bốn (4) Châu có Phật Pháp để tu tập.

Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy nhiều nhà cửa xinh đẹp, và sẽ thấy Cha Mẹ tương lai của mình đang hành dâm, do lửa dục phát sanh khiến cho giọt đỏ của Mẹ (tinh huyết) và giọt trắng của Cha (tinh khí) phát ra tia sáng, Sanh hữu lập tức nhìn thấy, không cần biết nó ở xa đến đâu đi nữa, do nghiệp lực nó vẫn có thể thấy rõ ràng, và hiện thân gần đó để chờ cơ hội mà nhập vào tử cung. Nếu cả Cha lẫn Mẹ đều có nhiễm tâm cùng làm dâm ái, bụng Mẹ sạch sẽ, nguyệt kỳ điều hòa đến thời kỳ và Sanh hữu hiện tiền, như vậy thì nhập thai Mẹ.

Nói nguyệt kỳ đến thời kỳ là nói thời kỳ nạp thai.

Hoặc có nữ nhơn trải qua ba ngày, hoặc năm ngày, nửa tháng, một tháng, hoặc có chờ duyên trải qua lâu nguyệt kỳ  mới đến. Nếu có nữ nhơn thân không oai thế, thọ nhiều tân khổ, hình dung tiều tụy, xấu xí, ăn không ngon, uống không được, nguyệt kỳ dầu đến nhưng mau dứt; dường như đất khô khi rưới nước ắt dễ khô ráo. Nếu có nữ nhơn thân có oai thế thường thọ an lạc nghi dung đoan chánh, ăn biết ngon, uống biết ngọt, có nguyệt kỳ đến chẳng mau dứt, dường như đất nhuần khi rưới nước thì khó khô ráo.

Thế nào là chẳng nhập thai Mẹ?

Lúc Cha xuất tinh thì Mẹ chẳng xuất, lúc Mẹ xuất thì Cha không xuất, hoặc đều chẳng xuất, đều chẳng thọ thai.

Nếu Mẹ bất tịnh mà Cha tịnh, hoặc Cha bất tịnh mà Mẹ tịnh, hoặc cả hai đều bất tịnh cũng đều chẳng thọ thai.

Nếu chỗ âm của Mẹ có bịnh phong, bịnh hoàng, bịnh đàm [huyết trắng, huyết xanh, huyết đỏ, huyết vàng cứ rỉ ra mãi sau khi nguyệt kinh đã hết, đó là do khí huyết đều hư] hoặc bị uống thuốc, hoặc sản môn như miệng lạc đà, hoặc như mỏ quạ, hoặc trong ấy như cây nhiều rễ, như đầu cày, như càng xe, như dây leo, như lá cây, như tua lúa mạch, hoặc bụng dưới sâu, hoặc trên sâu, hoặc chẳng phải đồ thọ thai, hoặc máu thường xuất [làm băng], hoặc thường chảy nước nhờn [gan nóng], hoặc mở mà chẳng hiệp, hoặc trên dưới bốn bên rộng hẹp chẳng đồng, hoặc cao hạ lõm lồi, hoặc bên trong có trùng ăn thúi hư, bất tịnh [giang mai, hoa liễu]… Nếu người Mẹ có những lỗi ấy thì chẳng thọ thai.

Hoặc Cha Mẹ tôn quí mà Sanh hữu thọ nghiệp ti tiện, hoặc Sanh hữu tôn quí mà Cha Mẹ ti tiện cũng chẳng thành thai.

Nếu Cha Mẹ và Sanh hữu đều tôn quí mà nghiệp chẳng hòa hiệp cũng chẳng thành thai.

Nếu ở nơi cảnh trước [chúng sanh hành dâm] mà Sanh hữu không có nam nữ hai thứ ái niệm cũng chẳng thọ thai.

Thế nào là Sanh hữu vào thai Mẹ?

Nếu bụng Mẹ tịnh, Sanh hữu hiện tiền thấy làm việc dục, không có những lỗi như trên, Cha Mẹ và con có nghiệp tương cảm mới  nhập vào thai Mẹ.

Lại lúc Trung Hữu sắp nhập thai tâm liền điên đảo. Nếu là nam thì với Mẹ sanh yêu với Cha sanh ghét. Ngược lại, nếu là nữ thì với Cha sanh yêu với Mẹ sanh ghét. Đây là do đời quá khứ đã tạo ra các nghiệp mà sanh vọng tưởng có tâm niệm hiểu sai lầm.

Sanh hữu ấy lúc muốn nhập thai còn có hai thứ: Một là không phước đức, hai là có phước đức lớn.

Sanh hữu không phước đức, tâm giác quán khởi lên thấy cảnh giới liền nghĩ rằng:

Nay tôi gặp gió lạnh mưa tối, người đông ồn ào, nhiều oai dữ đến bức hại, do đó nên sợ hãi liền chạy vào nhà cỏ, nhà lá, hoặc ẩn trốn nơi chân tường, hoặc chạy vào núi, chằm, rừng rậm, hang động, lại còn phát sanh nhiều thứ thấy khác nữa. Tùy theo chỗ  nghĩ thấy bèn nhập vào thai Mẹ.

Sanh hữu có phước đức lớn, tâm giác quán khởi lên thấy cảnh giới liền nghĩ rằng:

Nay tôi gặp gió lạnh mưa tối, người đông ồn ào, nhiều oai dữ đến bức hại, do đó nên sợ hãi liền chạy lên lầu cao, lên gác cao, vào điện đường, lên ghế, lên giường, lại còn phát sanh nhiều thứ thấy khác nữa. Tùy theo chỗ nghĩ thấy bèn nhập vào thai Mẹ.

Lúc Sanh hữu niệm tưởng như vậy liền nhập thai Mẹ. Ngay khi mà Sanh hữu khởi lên niệm yêu ghét nó lập tức nhập vào tử cung của người Mẹ, và được sanh ra thành một chúng sanh tầm thường.

Luận Du Già chép:

Bấy giờ, lòng tham ái của Cha Mẹ nó bốc lên cực điểm, rốt sau đều bắn ra những điểm tinh huyết rất nồng hậu, hòa lẫn nhau ở trong bào thai của Mẹ, cái điểm hòa lẫn ấy, nó hình như sữa chín, trong đó có cái thức A lại da nó lẫn nương theo để trụ trì mới thành thai dựng được. Bấy giờ, kêu cái bào thai ấy tên là “yết la lam” [tức là “sữa chín” theo tiếng Việt.]

Nói cách khác, lúc tối sơ thọ sanh gọi là “yết la lam”, là tinh Cha huyết Mẹ chớ chẳng phải vật khác. Do tinh huyết của Cha Mẹ hòa hiệp làm chỗ sở duyên của Thần thức nương ở vào đó. Phải biết Cha Mẹ tinh huyết bất tịnh và “thân yết la lam” cũng như vậy…

Một khi nhập vào tử cung, Sanh hữu sẽ trải qua các giai đoạn mà kinh Phật Thuyết Nhơn Xử Thai, và Nhập Thai Tạng, trong bộ Đại Bảo Tích, quyển thứ IV, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, chùa  Pháp Hoa tại Tucson, Arizona ấn hành năm 1994, đây không tiện nói hết.

Ghi chú: Căn cứ vào các kinh văn của Mật tông thì giọt trắng trụ đảnh đầu, còn giọt đỏ thì trụ ở bốn lóng tay phía dưới rốn, Thần thức sẽ nhập vào sau cùng tại trái tim của thai nhi (cũng còn gọi là giọt bất hoại).

Ở đây, đức Đại Bi Thế tôn chỉ dạy đại khái rằng có hai (2) cách để tránh khỏi tình trạng cấu uế nầy:

* Cách thứ nhứt: Sanh hữu hãy quán chiếu rằng các nhà cửa xinh đẹp kia và luồng sáng màu xanh dương kia chẳng qua cũng chỉ là phóng ảnh của tự tâm huyễn hiện mà thôi, trên bản chất nó không có một tự tánh riêng biệt nào cả.

Nếu có thể làm được như vậy thì Sanh hữu lập tức đạt được sự giải thoát.

* Cách thứ hai: Sanh hữu phải quán chiếu rằng luồng ánh sáng màu xanh kia và cái thấy cả  hai vốn là rỗng không (sunyata), không có một thực thể nào cả; tự tánh của chúng vốn là rỗng không.

Nếu có thể làm được như vậy thì Sanh hữu lập tức sẽ nhập vào thế giới bất nhị và trong khoảng một khảy móng tay có thể hiện chứng cảnh giới của bậc Bất Động Địa Đại Bồ tát (Acala bhumi Mahabodhisattva).

Thần thức lang thang phiêu bạt trong tình trạng Thân Trung Ấm, nói chung, thường được dùng một thanh sắt nóng đỏ để làm biểu tượng. Sự uyển chuyển của thanh sắt nóng đỏ có thể so sánh với tình trạng của sự tách rời giữa thân bằng vật chất và tâm. Một khi thanh sắt trở nên nguội dần, thì hình tướng lỏng kia của nó biến thàn hình tướng cứng chắc hơn, và trở thành hình thể nhứt định. Giống như vậy, do gió nghiệp thổi mà Sanh hữu khởi lên những ý tưởng làm khuôn mẫu tâm linh trong tương lai.

Trong thời gian giữa lúc Tử Hữu và trước khi Sanh hữu đi đầu thai thì chỉ cần một (1) niệm khởi lên phù hợp với Chánh Pháp của Như Lai thì chính cái niệm đó cũng đủ đảm bảo sự giác ngộ cho bản thân; trái lại, chỉ cần một (1) niệm khởi lên đi trệch ra khỏi Chánh pháp, tức tà kiến, thì cũng đủ khiến cho nó lôi kéo tâm chúng sanh vào chỗ đau khổ triền miên rộng lớn như biển cả, và chúng sanh đó khó mà có cơ hội vượt qua bể khổ kia.

Thế nên, ai là người trí phải nên khéo điều phục cái tâm của mình, phải luôn quán sát Tánh Không (sunyata) và Diệu Hữu của bản tâm và vạn pháp. Không ai có thể cứu chúng ta ra khỏi cảnh giới khổ đau, phiền não, nếu chính bản thân chúng ta cứ mãi bo bo ôm ấp, nâng niu, chìu chuộng, cái vỏ Ngã pháp được tô điểm bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến và Đố kỵ.

4. Nếu sanh vào cõi Súc sanh thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu xanh lá cây nhạt, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một hang động. Sanh hữu cõi súc sanh có màu như khói. Sanh hữu đi đầu thai thì đi ngang.

5. Nếu sanh vào cõi Ngạ quỷ thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu vàng lợt, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một đống gỗ cháy. Sanh hữu cõi ngạ quỷ có màu như  nước. Sanh hữu đi đầu thai thì đi ngang.

6. Nếu sanh vào cõi Địa ngục thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu đen như khói, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một căn nhà màu đen pha đỏ và sẽ nghe tiếng nhạc du dương khó mà chống lại sự quyến rũ của nó. Sanh hữu cõi Địa ngục có màu như cây gỗ cháy trụi. Sanh hữu đi đầu thai thì đầu trút xuống.

Tuy nhiên, ngay khi các luồng ánh sáng và những hiện tượng kia xuất hiện, Sanh hữu hãy sử dụng năng lực phi thường của mình mà nhứt tâm quán tưởng rằng những hình ảnh và ánh sáng kia chính là biến tướng của đức Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát. Đây cũng là một trong những ý nghĩa nhiệm mầu của Lục Tự Đại Minh vậy [chớ không phải cái nghĩa ấu trĩ như “trên hoa sen có viên ngọc quí!” do những kẻ phàm phu chuyên làm việc tầm chương, trích cú giải thích Thần chú của chư Thế Tôn]. Nhờ vào sự chí thành khi quán tưởng, Sanh hữu sẽ nhập làm một với quang minh Đại Bi của đức Bồ tát và lập tức sẽ được giải thoát. Xét cho cùng, nói thiệt ra thì ngoài tâm hẳn không có pháp gì riêng, tất cả chỉ là cảnh sở biến của tâm hoặc tự tâm huyễn hiện mà thôi. Không có gì phải nghi ngờ cả!

Trong thời gian trụ thân Sanh hữu có bốn hạng chúng sanh nhập thai Mẹ (Pháp Hội Phật Thuyết Nhập Thai Tạng thuộc kinh Đại Bảo Tích, trang 65 về sau):

1. Hữu tình nhập trụ xuất thai đều chánh niệm. Chỉ cho các loài hữu tình tánh ưa trì giới, luôn tập hạnh lành, thích làm thắng sự, tạo phước, rất giỏi giữ gìn, chất trực, chẳng buông lung, có trí tuệ lớn, lúc lâm chung không có gì phải ăn năn liền thọ sanh. Đây là bậc Dự Lưu bảy đời, hoặc bậc Gia Gia sáu đời đến hai đời, hoặc bậc Nhứt Lai, hoặc là bậc Nhứt Gian Bất Hoàn  Hướng. Người ấy do trước tu hạnh lành, lúc lâm chung dầu có khổ não mà tâm chẳng tán loạn, chánh niệm mà chết, lại còn chánh niệm nhập vào thai Mẹ biết rõ các pháp. Phàm đã do nghiệp thọ sanh, đều từ các nhân duyên mà được sanh khởi, thường ở cùng chỗ với Ma. Nói chung, hạng người nầy là các bậc Thanh văn phải trở lại trần gian để tu tập trước khi thành bậc A la hán. Đây là các bậc lợi căn.

2. Hữu tình nhập và trụ chánh niệm, xuất thai chẳng chánh niệm. Chỉ cho các loài hữu tình ưa trì giới, luôn tập hạnh lành, thích làm thắng sự, tạo phước, tâm họ chất trực, chẳng phóng dật, có ít trí tuệ, lúc lâm chung không hối tiếc. Đây là bậc Dự Lưu bảy đời, hoặc bậc Gia Gia sáu đời đến hai đời, hoặc bậc Nhứt Lai, hoặc là bậc Nhứt Gian Bất Hoàn Hướng. Người ấy do trước tu hạnh lành, lúc lâm chung dầu có khổ não mà tâm chẳng tán loạn, chánh niệm mà chết, lại còn chánh niệm nhập vào thai Mẹ biết rõ các pháp. Do nghiệp sanh ra thì đều từ các nhân duyên mà được sanh khởi, ở bụng Mẹ và lúc ra ngoài đều chịu nhiều đau khổ, do trung lợi căn nên nhập thai và trụ thai có chánh niệm mà lúc xuất thai thì không. Ai là người trí lại thích nhập thai Mẹ. Nói chung, hạng người nầy là các bậc Thanh văn phải trở lại trần gian để tu tập trước thành bâc A la hán. Đây là các bậc Trung Lợi Căn.

3. Hữu tình nhập thai chánh niệm, trụ xuất chẳng chánh niệm. Chỉ cho các loài hữu tình tánh ưa trì giới, luôn tập hạnh lành, thích làm thắng sự, tạo phước, có ít trí tuệ, lúc lâm chung không hối tiếc. Đây là bậc Dự  Lưu bảy đời, hoặc bậc Gia Gia sáu đời đến hai đời, hoặc bậc Nhứt Lai, hoặc là bậc Nhứt Gian Bất Hoàn Hướng. Người ấy do trước tu hạnh làm, lúc lâm chung dầu có khổ  não mà tâm chẳng tán loạn, chánh niệm mà chết, lại còn chánh niệm nhập vào thai Mẹ, vì là bậc hạ lợi căn nên lúc ở thai và lúc xuất thai không chánh niệm. Ai là người trí lại thích vào thai Mẹ. Nói chung, hạng người nầy là các bậc Thanh văn phải trở lại trần gian để tu tập trước khi thành bậc A la hán. Đây là các bậc hạ căn.

4. Hữu tình nhập trụ và xuất thai đều chẳng chánh niệm. Chỉ cho các hữu tình ưa phá giới, chẳng tu thiện phẩm, thường làm việc ác tạo nghiệp ác, tâm chẳng chất trực nhiều buông lung, không trí huệ, tham của, bỏn xẻn, tay luôn co rút chẳng thể mở giăng để ban bố cho người, luôn hy vọng, lòng chẳng điều thuận, kiến và hành điên đảo, lúc lâm chung hối hận, các nghiệp bất thiện hiện ra, đương lúc chết rất khổ sở bức thiết, làm họ tán loạn, chẳng tự nhớ biết tôi là ai từ đâu đến nay đi chỗ nào, đây gọi là ba  thời kỳ nhập thai trụ và xuất thai đều không chánh niệm. Đây cũng là cảnh giới của hạng người cụ phược phàm phu.

Cổ nhân có nói: “Thanh văn cách Ấm còn muội” là ám chỉ loại sanh thứ hai và thứ ba vậy,  huống chi chúng ta là bọn cụ phược phàm phu, trí tuệ mòn mỏi, phước đức tiêu hao! Chả trách sao, hâu hết chúng ta chẳng nhớ được tiền kiếp, chẳng biết việc mình đang làm và hậu quả của nó, cũng chẳng rõ nẻo tương lai! Ôi! Sao chúng ta ngu muội đến thế? Chúng ta chỉ biết bỏ khổ tìm khổ, chỉ là khổ sanh, chỉ là khổ diệt, các hành nối nhau phát khởi đến vô cùng!

Thường nghe, cái cất tay động chân của bậc Tinh tấn tâm bậc tín tâm Bồ tát (thuộc hàng Thập tín, cửa ban sơ của Đại thừa Tâm) còn không biết, huống là cảnh giới của chư Bồ tát bậc Thượng địa, hoặc của các bậc Pháp thân Bồ tát! Mạt nhân chỉ là hạng phàm phu dung tục, tội lỗi dẫy đầy, trí tuệ lu mờ như ngọn đèn sắp tắt, phước đức kém mỏng, nên không dám đem tâm phàm ra suy lường cảnh Thánh vi diệu, e mắc phải tội vọng ngữ tăng thượng mạn, nên muốn chấm dứt ở đây, nhưng nghĩ thương cho những người kém phước hơn mình, lại sống phải đời Mạt pháp đầy dẫy tà kiến, dị luận, nên Mạt nhân bất đắc dĩ phải dùng Cưỡng Thuyết Môn xin đem chút lửa tuệ lu mờ gần như sắp tắt của mình để mồi đuốc tuệ bổn nguyện vĩ đại nhưng chưa bừng cháy trong tâm của quí Ngài, khiến cho nó tỏa sáng khắp  nơi. Mong quí Ngài hãy cùng Mạt nhân gia tâm suy xét.

CHƯ BỒ TÁT THỊ HIỆN TÁI SANH

TRONG CÕI NGƯỜI

Bồ tát có hai hạng:

1. Một là, Bồ tát nhập Địa. Địa lại có hai, đó là Tương tợ vị chỉ cho 40 hạng Quyền thừa Bồ tát (từ Thập tín đến Thập hồi hướng Địa) và Chánh vị (các bậc Pháp thân Đại Sĩ từ Hoan hỷ đến Pháp vân Địa). Chư Bồ tát Nhứt Sanh Bổ Xứ không được liệt vào hạng nầy vì quí Ngài đã được an lập nơi Như Lai Địa, cảnh giới vô cùng bí mật, xin miễn bàn.

2. Hai là, Bồ tát mới phát tâm, còn phải chuẩn bị tư lương và tu tập.

Trong hai hạng trên mỗi hạng lại có hai loại:

a. Loại thứ nhứt là Xuất gia.

b. Loại thứ hai là Tục gia.

Chữ Gia đây là nhà Tam Giới, chớ không phải là nhà ở của người thường.

Bồ tát mới phát tâm nhờ vào phước lực tạo ra được trong thuở sanh thời có thể tái sanh trong loài người. Thế mới biết loài người tuy bất tịnh, nhưng thường được gặp chư Bồ tát. Tuy nhiên, vì mới phát tâm nên chư Bồ tát nầy vẫn bị gió nghiệp ảnh hưởng, chưa có phương tiện thiện xảo, chưa thể tự tại cứu độ chúng sanh.

Nếu không khéo điều phục tự tâm chư Bồ tát mới phát tâm vẫn còn bị các ác nghiệp lôi kéo xuống Ba đường Dữ. Những bậc Bồ tát nầy do nhân duyên vẫn có thể nhớ được một vài tiền kiếp, hoặc những xảo thuật đã thu thập được từ nhiều kiếp trước mà nay không cần phải học mà vẫn biết. Đặc biệt, chỉ có Phật giáo Tây Tạng gọi quí Ngài là “Tulku.”

Năm mươi hạng Bồ tát, xuất gia cũng như tại gia, phân thân rải thể ra khắp cùng Chín Pháp giới (Địa ngục đến cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát) để làm Phật sự, cứu độ chúng sanh. Hành vi của quí Ngài rất bí mật, thần biến lớn, trí tuệ lớn, khó mà suy lường nổi, phương tiện thiện xảo, hành vi thuận nghịch khó nghĩ bàn.

Các bậc Bồ tát nầy trụ thế tùy theo cộng nghiệp của chúng sanh mà có lâu có mau, không phải hoàn toàn tùy thuộc theo bản nghiệp mà thọ sanh như hạng Bồ tát trên, qua lại trong Sáu đường (Địa ngục đến chư Thiên) như dạo chơi trong vườn nhà, nơi Tam giới không khởi niệm thủ xả, nhìn chúng sanh với cặp mắt bình đẳng, thương xót chúng hữu tình như con đỏ, cần khổ trong vô lượng vô biên kiếp cầu đạo cũng vì chúng sanh, không quản nhảy vào dầu sôi, lửa bỏng để độ quần sanh, không cần chúng sanh mang ơn, không cần chúng sanh mời mà tự đến, không để chúng sanh đuổi mà tự đi, dọc ngang trong Pháp giới như con thần long khi ẩn khi hiện, tự tại vô  ngại, tâm luôn trụ nơi Không (sunyata), Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả.

Chư vị làm tất cả mọi việc mà không thấy mình làm, không thấy có chúng sanh thọ nhận ân điển, cũng không thấy có phương tiện độ sanh, cả ba đều là Không (sunyata). Thân tâm rộng lớn như hư không, khắp giáp cả  Pháp giới rộng lớn. Ôi! Rộng lớn thay phương tiện của Bồ tát! Phật giáo Tây Tạng cũng gọi quí Ngài là “Tulku.”

Cho nên, khi nghe người ta xưng tụng một vị nào là Tulku thì phải biết đến cả hai nghĩa, thế gian và xuất thế gian, chớ có chấp càn chấp bậy.

Do ít bị nghiệp lực trói buộc nên quí Ngài có thể tự tại thị hiện để làm lợi ích cho chúng sanh trong một giai đoạn nào đó. Trong khoảng thời gian thọ thân Tử Hữu, Trung Hữu và Sanh hữu quí Ngài vẫn có thể cứu độ chúng sanh và tự tại chọn thân cho đời sau.

Chư vị có thể về bất cứ Tịnh độ nào mà mình muốn, hoặc có thể chọn sự tái sanh sau khi nhập Không Tam muội khoảng ba đến bốn ngày sau khi chết. Ngoài ra, có rất nhiều cách khác nhau.

Nói chung, khi một vị Bồ tát chọn cách thức tái sanh vào cõi người qua một người Mẹ thì Ngài không có khởi niệm yêu ghét như bọn cụ phược phàm phu điên đảo như chúng ta. Sau đây là phần trình bày đại lược cách thức quán chiếu và nhập thai của các bậc tulku theo truyền thống của Lạt ma giáo:

1.Khi vị tulku ở vào giai đoạn Sanh hữu thì Ngài nhập làm một với đức Bổn Tôn\ Thần hộ mệnh (yidam), lúc nầy đức Bổn Tôn xuất hiện trong hình thức của một cặp vợ chồng.

2. Tiếp đến, Sanh hữu phải quán chiếu về chủng tử HRIH (màu đỏ) ngay tại ngực của đức Bổn Tôn.

3. Kế đến, Sanh hữu quán chiếu, chư Phật Bồ tát, các bậc Trì Minh Vương, Đại Trượng Phu v.v… phát ra các luồng hào quang vi diệu (các luồng hào quang kia chính là bản thể của chư vị.)

4. Sanh hữu sẽ tiếp tục quán tất cả các luồng hào quang kia đều biến thành một giọt trắng nhập vào đảnh đầu của mình rồi chạy xuống Ống Dẫn Trung Tâm, nó chạy song song với trung tâm của thân thể, thấu xuống tạng bí mật (Mật tông gọi là “vajra”) vào chỗ nở bí mật (Mật tông gọi là “padma”) của vị phối ngẫu của đức Bổn Tôn.

5. Sau đó, Sanh hữu tách mình ra khỏi đức bổn Tôn và vị phối ngẫu kia.

THÂN BÍ MẬT (Mahavairocana)

6. Nếu muốn lợi ích chúng sanh bằng thân của mình thì Sanh hữu phải lập tức quán chủng tử AUM (OM), chính là tự tánh của Thần thức. Từ chủng tử AUM nầy lưu xuất ra năm loại quang minh, quang minh trắng trội hơn bốn quang minh khác, chiếu rọi đến thập phương chư Phật, Bồ tát thâu hút chư vị nhập vào chủng tử AUM.

7. Lúc bấy giờ, nhờ thần nhãn mà Sanh hữu có thể biết được những dấu hiệu riêng của một nữ Du già (Mật tông gọi “trí tuệ” là nữ, “phương tiện” là nam), vị nữ Du già nầy sẽ là người Mẹ tương lai của Sanh hữu, rồi Sanh hữu nhập thai.

8. Khi sanh hạ thì vị tulku sẽ có những dấu hiệu kiết tường đi kèm theo và Ngài có một thân thể thủ đắc được các tướng quí của 32 tướng tốt của một bậc Đại nhân. Hình ảnh đầu tiên của ngày là vui vẻ và an lành. Chỉ cần thấy Ngài, hoặc gọi tên Ngài cũng có thể làm cho những người có lòng tin chí thành được giải thoát khỏi mọi phiền não. Ngài sẽ biểu lộ sở đắc một ít thần thông để cứu độ chúng sanh.

KHẨU BÍ MẬT (Amitabha)

9. Nếu muốn lợi ích chúng sanh bằng ngôn ngữ và giáo pháp thì Sanh hữu phải lập tức quán chủng tử AH, chính là tự tánh của Thần thức. Từ chủng tử AH nầy lưu xuất ra năm loại quang minh, quang minh màu đỏ trội hơn bốn quang minh khác, chiếu rọi đến thập phương chư Phật, Bồ tát thâu hút chư vị nhập vào chủng tử AH.

10. Lúc bấy giờ, nhờ thần nhãn mà Sanh hữu có thể biết được những dấu hiệu riêng của một nữ Du già, vị nữ Du già nầy sẽ là người mẹ tương lai của Sanh hữu, rồi Sanh hữu nhập thai.

11. Khi sanh hạ thì vị tulku sẽ có những dấu hiệu kiết tường đi kèm theo, và Ngài có một giọng nói rất du dương, ai cũng thích nghe. Ngài có được đại trí huệ có thể giảng rộng những kinh văn của Hiển giáo và Mật giáo. Mục đích duy nhứt của sự tái sanh nầy là rộng truyền giáo pháp của đức Như Lai, khiến cho nó cửu trụ ở đời, chúng sanh có thể nhờ đó, y pháp phụng hành mà được ngộ nhập Phật tri kiến. Vị nầy không lộ ra ngoài sự thành tựu về sự quán chiếu của Ngài, cũng không thi triển bất cứ sự thần biến nào cả, trừ phi trước khi nhập diệt.

Ý BÍ MẬT (Vajrasattva-aksobhya)

12. Nếu muốn lợi ích chúng sanh bằng tâm lực thì Sanh hữu phải lập tức quán chủng tử HÙM (HUNG hoặc HỒNG), chính là tự tánh của Thần thức. Từ chủng tử HÙM nầy lưu xuất ra năm loại quang minh, quang minh màu xanh dương trội hơn bốn quang minh khác, chiếu rọi đến thập phương chư Phật, Bồ tát thâu hút chư vị nhập vào chủng tử HÙM.

13. Lúc bấy giờ, nhờ thần nhãn mà Sanh hữu có thể biết được những dấu hiệu riêng của một nữ Du già, vị nữ Du già nầy sẽ là người Mẹ tương lai của Sanh hữu, rồi Sanh hữu nhập thai.

14. Khi sanh hạ thì vị tulku sẽ có những dấu hiệu kiết tường đi kèm theo, và Ngài có thể đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sanh nhờ những hoạt động của Tâm Đại từ bi của Ngài. Mặc dù Ngài có tâm Đại từ bi, nhưng Ngài vẫn có thể hành động rất hung ác để hàng phục chúng hữu tình nếu thấy cần. Vị  nầy sẽ là một bậc Đại thành tựu (Mahasiddhi) sở đắc các pháp thần thông, biến hóa, được tha tâm thông, túc mạng thông.

PHẨM CÁCH CỦA CHƯ PHẬT

(Ratnasambhava)

15. Nếu muốn lợi ích chúng sanh bằng những phẩm cách cáo quí của chư Phật thì Sanh hữu  phải lập tức quán chủng tử SVA (SO), chính là tự tánh của Thần thức. Từ chủng tử SVA nầy lưu xuất ra năm loại quang minh chiếu rọi đến thập phương chư Phật, Bồ tát thâu hút chư vị nhập vào chủng tử SVA.

16. Lúc bấy giờ, nhờ thần nhãn mà Sanh hữu có thể biết được những dấu hiệu riêng của một vị nữ Du già, vị nữ Du già  nầy sẽ là người Mẹ tương lai của Sanh hữu, rồi Sanh hữu nhập thai.

17. Khi sanh hạ thì vị tulka sẽ có những dấu hiệu kiết tường đi kèm theo, và Ngài có thể đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sanh nhờ những hoạt động của năm học thuật (Ngũ Minh):

1. Khoa học kỹ thuật chân chính nhằm nâng đời sống vật chất của chúng sanh lên cao hơn.

2. Y dược để cứu nguy nhân loại trước các hiểm họa diệt vong.

3. Dựa vào Chánh pháp viết lách để hướng dẫn chúng sanh chuyển tà kiến thành chánh kiến.

4. Dùng âm nhạc để cải thiện lòng người hung ác.

5. Sử dụng phương tiện của Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cang thừa để hướng dẫn chúng sanh về với Phật đạo.

Vị nầy nếu ở tại gia hoặc xuất gia cũng sẽ có một đời sống sung túc, trường thọ, và có rất nhiều đệ tử.

PHÁP THUẬT NHIỆM MẦU

(Amoghasidhi)

18. Nếu muốn lợi ích chúng sanh bằng những pháp thuật nhiệm mầu thì Sanh hữu phải lập tức quán chủng tử HA, chính là tự tánh của Thần thức. Từ chủng tử HA nầy lưu xuất ra năm loại quang minh chiếu rọi đến thập phương chư Phật,Bồ tát thâu  hút chư vị nhập vào chủng tử HA.

19. Lúc bấy  giờ, nhờ thần nhãn mà Sanh hữu có thể biết được những dấu hiệu riêng của một nữ Du già, vị nữ Du già nầy sẽ là người Mẹ tương lai của Sanh hữu, rồi Sanh hữu nhập thai.

20. Khi sanh hạ thì vị tulku sẽ có những dấu hiệu kiết tường đi kèm theo, và Ngài có thể đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sanh nhờ sự quán chiếu, và tu tập theo Mật tông, Ngài sẽ thủ đắc các pháp thuật nhiệm mầu của các kinh văn Mật tông tuyên thuyết. Khi Ngài phát âm thì những chủng tử của Thần chú sẽ có hiệu quả rất mạnh, nhờ vậy mà Ngài có thể trị lành vạn bệnh, trừ tà, khiển quỷ, không gì mà chẳng thành tựu, cất tay động chân thành  mật ấn, lời nói phát ra chính là Chơn ngôn diệt tội. Phần trên là cách thức tái sanh của bậc Pháp vân Địa. Ngài có thể thị hiện cả năm Ứng thân như trên cùng một lúc. Vì sao? Xin thưa rằng, vì Ngài đã đạt được Pháp thân gần viên mãn, chỉ còn một chút vô minh vi tế.

Nhưng, ít khi  nào trong thời Mạt pháp lại có một bậc Pháp thân Bồ tát ở hàng Thượng địa hóa thân xuống cõi nầy. Để minh chứng cho điều nầy, hãy xem khi đức Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế Chí, Địa Tạng, Hư Không Tạng, Nhựt Nghiêm (cư sĩ Duy Ma Cật), Mạn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền v.v… (nếu căn cứ theo kinh) khi quí Ngài đến chốn nầy thì cả Tam thiên Đại thiên thế giới Ta Bà đều bị rúng động, cung điện của chư ma phải nghiêng ngả, xụp đổ, nhựt nguyệt lu mờ [trước quang minh của quí Ngài]. Chỉ xuất hiện nơi thời Chánh pháp. Đến như Long Thọ Bồ tát, Trí Giả Đại sư, Thế Thân Bồ tát v.v… cũng chỉ nhận là mình ở vào hàng Hạ địa Bồ tát. Đó là những bậc sanh và sống trong thời Tượng pháp mà còn khiêm nhường như vậy. Huống chi nay là thời Mạt pháp, việc ma rất thịnh, nếu có ai tự xưng mình là Phật nầy, Bồ tát nọ, hoặc đệ từ người đó nói thầy tôi là Hóa thân của đức Phật nầy, Bồ tát nọ thì phải nên hết sức cẩn thận với đám thầy trò đó. Cảnh giới sở chứng của một bậc Đại Bồ tát đâu dễ gì một chúng sanh tầm thường có thể biết.

Các bậc Bồ tát ở Hạ địa, hoặc ở hạng Quyền thừa, có thể sử dụng một trên năm phương thức trên mà tái sanh, hoặc chọn những phương pháp đơn giản khác để tái sanh, nhưng có chung một điểm là họ không quán chiếu vị Bổn Tôn xuất hiện trong hình tướng “phụ mẫu.” Đại khái, Sanh hữu quán vị Bổn Tôn biến thành quang minh, và tan biến vào Pháp giới, Tánh không. Từ Pháp giới vắng lặng kia, đột nhiên vị Bổn Tôn sẽ xuất hiện lần nữa bằng chủng tử của mình, chẳng  hạn như chủng tử AUM là chỉ cho đức Đại Nhật Như Lai,chủng tử CAlà chỉ cho Đại-Luân Bồ tát, chủng tử LE là chỉ cho đức Bất động tôn, cũng chính là đức Kim cang tát đỏa, chủng tử BHRUm là chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni Phật v.v… Chủng tử nầy sẽ bắn ra nhanh, và mạnh như một mũi tên, Sanh hữu hiệp cùng chủng tử của đức Bổn Tôn thì trong tức khắc sẽ sanh về cõi Tịnh độ và đạt được sự giác ngộ.

Cho nên, muốn thành tựu sự tái sanh kiểu xuất thế gian thì Sanh hữu bắt buộc phải sanh về Tịnh độ trước, thành tựu Bất Động Địa xong, sau đó mới hóa thân trở lại Ta bà cứu độ chúng sanh. Nếu chưa về Tịnh độ mà muốn hóa độ chúng sanh thì khác nào đem muối liệng xuống biển, đem cục băng nhỏ liệng vào dòng sông nóng chảy xiết, chưa kịp độ người thì đã bị tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến nhận chìm trong Ba đường rồi!

Một điểm nữa là khi một bậc Đại Bồ tát tái sanh để cứu độ chúng sanh thường thì Ngài chọn dòng Vua chẳng  hạn như các ngài Naropa, Thiện Vô Úy, Bồ Đề Đạt Ma v.v… hoặc trong dòng Tất Địa Thành Tựu Giả, hoặc sanh vào trong nhà kẻ phàm phu, mặc dù không phải là kẻ cao sang, nhưng phải là một nhà có phúc đức lớn.

Nhưng cũng có các bậc đại Bồ tát có sức Đại từ bi, có phương tiện lớn sẵn sàng sanh vào nhà của bọn đại gian, đại ác để chuyến hóa chúng.

Ngày xưa nơi xứ Việt Nam chúng ta cũng có các vị Hoàng tử, các vị Công chúa, các vị Công tử, Tiểu thơ của những nhà gian ác, tội lỗi tu hành để chuyển hóa cha ông.

Cái lạ của đạo Phật là càng bị áp bức, càng bị đau khổ chừng nào thì càng khiến cho Bồ tát và quyến thuộc của Ngài (những bậc cùng chí hướng, mới phát tâm, được Ngài hướng dẫn, chớ không phải thứ bà con ruột thịt tầm thường) mau xuất hiện chừng nấy. Ngày  nay, ở Việt Nam cũng không thiếu gì Bồ tát dùng tâm Đại bi và sức Phương Tiện mà sanh vào nhà của những người Cộng sản quyền cao, chức trọng để chuyển hóa lần lần kiến chấp tà vạy của Cha Ông, khiến Cha Ông chúng theo về với Chánh pháp. Đây chỉ là do cộng nghiệp cùng nhân duyên mà thôi. Khi  nào thời cơ chín mùi thì sẽ có các trang nam tử, các hạng nữ nhơn từ trong xứ Cộng sản đứng lên quật lại bọn Cộng sản ngoan cố để cứu độ sanh linh đồ thán. Nói cách khác, nếu Cộng sản diệt Phật giáo đồ chính là tự diệt con cháu mình luôn! Không cần phải dụng binh mà tự thành là nghĩa nầy vậy. Nhưng đây là việc về sau của thế kỷ XXI…

Cũng có khi các vị đại Bồ tát sanh trong nhà của quỷ thần để hàng phục những quỷ thần có tâm hung ác… Phương tiện độ sanh của chư Bồ tát thật là vô lượng vô biên, đây không thể nói hết, bút mực không thể diễn tả nổi.

Những người tu hành theo Lạt ma giáo, nhưng chưa đạt được sự thành tựu cao thì khi ở giai đoạn Sanh hữu sẽ thấy Cha Mẹ tương lai của mình chính là những vị Thần hộ mệnh, rồi từ nhị vị mà phát Bồ đề tâm (Bodhicitta), phát thệ nguyện sâu rộng để cứu độ chúng sanh, và nhận được phép Quán Đảnh Bí Mật (Guhyabhisheka). Sau đó, Sanh hữu sẽ quán tử cung của người Mẹ tương lai của mình thành Mạn đà la, quán giọt trắng của Cha là mặt trời và giọt đỏ của Mẹ là mặt trăng. (Đây là theo truyền thống của Guhysamaya chánh thống). Tùy theo nguyện hóa độ chúng sanh của mình, Sanh hữu sẽ quán tưởng chủng tử và từ chủng tử đó một bậc thần linh sẽ xuất hiện và Sanh hữu sẽ hiệp cùng Ngài làm một.

Ví dụ, nếu  muốn dùng lòng Đại Từ Bi để cứu độ chúng sanh thì Sanh hữu sẽ quán chủng tử HRIH màu trắng đứng trên tòa nhựt nguyệt nói trên. Quang minh phát ra từ chủng tử HRIH sẽ chiếu rọi thập phương chư Phật, Bồ tát, chư Phật Bồ tát sẽ gia hộ Thân, Khẩu và Ý của Sanh hữu.

Nếu muốn dùng Giáo pháp để cứu độ chúng sanh thì Sanh hữu phải quán đức Thích Ca Mâu  Ni.

Nếu muốn dùng Trí tuệ để cứu độ chúng sanh thì Sanh hữu phải quán đức Mạn Thù Sư Lợi.

Nếu muốn dùng Đại bi để cứu độ chúng sanh thì Sanh hữu phải quán đức Quán Thế Âm.

Nếu muốn dùng Đại lực để hàng phục chúng sanh thì Sanh hữu phải quán đức Kim Cang Thủ…

Khi  những vị nầy sanh ra thì sẽ không bị đau khổ như các trẻ thơ tầm thường khác. Khi ở trong bào thai thì trẻ kia sẽ ngồi xếp bằng theo tư thế thiền định, không cảm thấy đau đớn, hoặc chật hẹp. Người Mẹ thì rất thoải mái, và vui vẻ, ngủ thì có hảo mộng, chẳng hạn như thấy chày kim cang chui vào ngay ngực, hoặc thấy vỏ ốc rất lớn, hoặc một pháp luân bằng vàng. Lại có những điềm triệu rất là kiết tường, chẳng hạn như nghe âm thanh của Lục Tự Đại Minh, hoặc âm thanh của các thần chú khác. Những đứa trẻ như vậy, khi sanh ra thường ở trong tư thế thiền định; hoặc có khi vừa mới sanh hạ đã đọc được các câu thần chú, hoặc có thể chào hỏi Cha Mẹ. Nếu một trong những điềm nầy không xuất hiện là do trong thân thể của người Mẹ có chỗ bất tịnh đã làm cản trở sự sáng suốt kia đi. “Bồ tát xuất thai còn mê” là nghĩa nầy vậy. Trong vài trường hợp đặc biệt, Bồ tát có thể nhớ lại những kinh nghiệm trong đời quá khứ, hoặc lập tức hiểu giáo pháp của Như Lai chỉ cần một lần nghe qua tai, không cần phải có thầy giảng dạy, nhưng vẫn phương tiện nói: “Ta nhận lãnh sự giáo huấn từ vị Thầy nầy, hoặc vị Lạt ma nọ, hoặc A xà lê kia” khiến chúng sanh được giáo hóa không phải hoang mang, hoặc phân vân nghi ngờ. Khi tu tập, nhiều vị Bồ tát thành tựu Tất địa một cách rất dễ dàng, không cần phải dụng công nhiều như người thường. Nếu vẫn chưa nhận ra lý như huyễn của tự tâm thì Sanh hữu cần phải biết cách ĐÓNG CỬA TỬ CUNG!

ĐÓNG CỬA TỬ CUNG

Nói nghe thì rất dễ, nhưng thực hành lại là một việc khác. Tại sao? Xin thưa rằng trong thời Mạt pháp nầy rất ít có người có khả năng tiếp xúc được với Sanh hữu. Thế nên, lúc bình thường không lo tu tập kịp đến khi nhắm mắt xuôi tay lúc đó dù có hối cũng không còn kịp! Cho dù đó là bậc đa văn, làu thông tam tạng kinh điển, nói lý ít ai bằng, còn việc tu tập thì cứ hẹn lần hẹn hồi. Hạng người như vậy, thời Mạt pháp rất đông, rất nhiều! Việc “nói lý” cũng như người biết đọc thuộc lòng các công thức luyện kim, mà chưa từng đốt lò, đến khi cần kim loại để dùng thì chỉ biết đứng ngẩn người ra nhìn đống sắt vẫn còn trong quặng! Cũng như người biết công thức của các loại thuốc, nhưng chưa từng pha trộn bất cứ chất hóa học, hoặc các cây thuốc với nhau! Đến khi bệnh thì không biết mặt thuốc để dùng! Đến khi bệnh thì không biết mặt thuốc để dùng! Cũng như người biết đào giếng lấy nước giữa đồng hoang, nhưng chưa từng cầm dụng cụ ra đào xới, chợt cơn khát đến, lúc đó chỉ biết than thở, trách  móc chớ không còn hơi sức đâu để làm việc. Trong đạo Phật, ngưùi không tu cũng sẽ nhận lãnh hậu quả như trên, không có ngoại lệ!

Thông thường, Sanh hữu bắt đầu từ ngày thứ 18 sau khi chết (có người nhanh hơn chẳng hạn như chết bất đắc do tai nạn gây ra). Có bao nhiêu đám tang ngày nay được người nhà hoặc nhà chùa duy trì cho đến hết 49 ngày? Giỏi lắm thì cứ mỗi tuần bà con, thân bằng quyến thuộc đến chùa tụng cho một thời kinh A Di Đà, Dược Sư rồi mạnh ai nấy đi. Đây gọi là “hộ niệm! Đây gọi là báo ơn cho người khuất mặt!

Có hai phương pháp chánh để đóng cửa tử cung:

1. Không để Thần thức của Sanh hữu nhập vào tử cung

2. Bít cửa tử cung.

Nầy Sanh hữu! Ngươi tên họ là… Pháp danh… Hiện nay ngươi đang sở đắc những khả năng siêu phàm, nếu ngươi nghĩ gì, tưởng gì thì lập tức hình sắc kia sẽ lập tức hiện ra trước mắt nhà ngươi, và nếu ngươi muốn đi lập tức sẽ đến vì ngươi có thần túc nên đi rất mau chóng.

Nầy Sanh hữu! Vào lúc nầy nếu ngươi thấy nam nữ hành dâm thì ngươi hãy tránh xa bọn chúng! Chớ khởi hai niệm điên đảo yêu ghét! Nếu làm được như thế thì ngươi sẽ không bị nhập vào thai chịu lắm phiền não. Ai là người trí lại thích nhập thai Mẹ!

Nầy Sanh hữu! Hãy nhứt tâm quán chiếu về đức Bổn Tôn của ngươi! Khi xuất hiện trước ngươi, thật ra, Ngài chỉ là huyễn tướng của tự tâm lưu xuất, vốn không có tự thể. Hãy quên tất cả! Chỉ cần nhứt tâm quán Tánh không (sunyata) thì nhà ngươi sẽ không đi vào tử cung mà chịu sự sanh bất tịnh. Bằng cách quán tưởng nầy chỉ trong khoảng duỗi cánh tay nhà ngươi sẽ được giải thoát!

Nầy Sanh hữu! Nhà ngươi không có duyên lành chọn một vị Phật, Bồ tát, Trì Minh Vương, Đại trượng phu, v.v… làm đức Bổn Tôn thì hãy quán tưởng và cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ tát, vì Ngài là bậc Đại Từ Bi. Khi ngươi xướng hồng danh của Ngài thì Ngài sẽ nhớ đến bổn nguyện mà đến cứu độ ngươi!

Nầy Sanh hữu! Nếu ngươi có đi chùa ít ra ngươi cũng đã từng nghe hồng danh đức Phật A Di Đà (Vô lượng quang) và phước đức thâu hoạch được nhờ chí thành niệm danh hiệu Ngài.  Hãy chí thành niệm hồng danh của Ngài lập tức! Hãy nguyện sanh về cõi Ngài tức khắc. Hãy nhứt tâm hướng về Tây phương Cực lạc (hoặc xướng các Tịnh độ khác mà thuở sanh tiền vong nhân ưa thích) Phật A Di Đà xưa có phát nguyện rằng:

Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu Ta rồi chí tâm tin muốn, nguyện sanh về cõi nước của Ta nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh ấy không được sanh, thời Ta không ở ngôi Chánh giác.

Nầy Sanh hữu! Hãy chí tâm lập theo Phổ Hiền Thập Hạnh Nguyện Vương làm chỗ quy hướng (xem kinh Hoa Nghiêm, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, quyển 40, hoặc xem kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương, do Nguyễn Pram và Nguyễn Văn Tề, Bồ tát giới tử Phước Huệ đồng dịch).

Đến đây, hy vọng Sanh hữu đã được giải thoát hoặc ít nhứt cũng được sanh về Tịnh độ. Nếu không được như vậy thì ắt Sanh hữu tội chướng quá sâu nặng, tà kiến quá dẫy đầy cho nên không được siêu thoát…

Samaya!

---Hết---

CHƯ KINH, LUẬN CẦN PHẢI

(ĐÃ ĐƯỢC DỊCH SANG VIỆT NGŨ)

***

KINH:

  1. Kinh Viên Giác
  2. Kinh Tâm Địa Quán
  3. Kinh Dược Sư
  4. Kinh Đại Bổn A Di Đà
  5. Kinh Đại Bảo Tích (quyển VI)
  6. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương
  7. Kinh Thủ Lăng Nghiêm
  8. Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ

LUẬN

  1. Đại Thừa Khởi Tín
  2. Đại Trí Độ Luận (trọn bộ 10 quyển)
  3. Hoa Nghiêm Nguyên Nhân
  4. Trung Luận
  5. Liễu Sanh Thoát Tử
  6. Mật Giáo Thậm Thâm Nội Nghĩa

SÁCH ĐƯỢC DỊCH SANG TIẾNG

ANH CÁT LỢI

  1. Paths and Grounds of Guhyasamaya According to Arya Nagarjuna, dịch giả Yangchen Gawai Lodoe.
  2. Bardo Teachings: The Way of Death and Rebirth, tác giả Lama Lodo.
  3. The Tibetan Book of The Dead: Liberation Through Understanding in the Between, dịch giả by Robert A.F. Thurman.
  4. The Tibetan Book of The Dead: The Great Liberation Through Hearing in The Bardo, dịch giả  Francesca Fremantle và Chogyam Trungpa.
  5. The Tibetan Book of The Dead, dịch giả Kazi Dawa Samdup và W.H.Y. Evans-Wentz.
  6. Tibetan Yoga and Secret Doctrines, (7 quyển) dịch giả W.Y. Evans-Wentz.

KINH ĐIỂN VIẾT BẰNG

CHỮ CỔ PHẠN

  1. Sarvatathagata-tattva-sangraha-nama-mahayana-sutra.
  2. Guhyasamaja-tantra
  3. A Ninth Century Scroll of The Vajradhatu Mandala
  4. Comparative Iconography of The Vajradhatu-Mandala and The Tattva Sangraha

PHỤ LỤC

Nếu chưa nhận được pháp môn Phowa, khi ở giai đoạn Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu), Thần thức có thể được  hoán chuyển nhờ một vị tu sĩ Mật tông giúp đỡ. Tốt hơn hết là vị đó phải ở bên người chết, nhưng nếu ở xa vị tu sĩ vẫn có thể thực hành pháp môn kia giúp người quá cố cũng không ngại.

Người nhà của vong nhân phải chắc chắn rằng người đó sẽ chết trước khi báo cho vị tu sĩ Mật tông biết. Thời gian tốt nhứt để thực hành pháp môn hoán chuyển  hoặc Phowa là lúc người chết bên ngoài vừa tắt thở, bên trong hơi thở cũng ngừng bặt. Việc thỉnh cầu một vị tu sĩ Mật tông là điều rất cần thiết vì Ngài có thể ngăn cản Thần thức rời khỏi xác thân, bởi vì một khi Thần thức ra khỏi xác thân thì phương pháp Phowa sẽ không có hiệu quả gì cả.

PHƯƠNG PHÁP THỨ II

CỨU ĐỘ THÂN TRUNG ẤM

HƯỚNG DẪN THẦN THỨC CỦA VONG LINH

VÃNG SANH VỀ THẾ GIỚI CỰC LẠC

CỦA PHẬT VÔ LƯỢNG  QUANG/A MI TA/ A DI ĐÀ

Bậc trung căn có thể đạt được sự giác ngộ nhờ vào việc hoán chuyển Thần thức; phương pháp nầy người Tây Tạng gọi là Phowa, nó là giáo lý rất thậm thâm. Ngay đến như những người không tu tập sâu về thiền quán cũng có thể được giải thoát nhờ pháp môn nầy khi mà một bậc cao Tăng sử dụng để cứu độ Thần thức của Thân Trung Ấm đương lúc chết. Tilopa, một bậc Đại du già hành giả tiếng tăm lẫy lừng khắp Ấn Độ và các nước lân cận đã từng tuyên bố rằng: “Phowa là pháp môn duy nhứt có thể cứu độ Thần thức của các hành nhơn giải đãi trong bước đường tu tập.” Ngài còn nói rằng: “Đối với người tu tập thuần thành thì cái chết thực sự không phải là chết mà là con đường dẫn đến sự giác ngộ.”

Pháp môn Phowa chỉ có thể truyền cho người đệ tử nếu bậc Đạo sư thấy nó hội đủ những điều kiện cần thiết chẳng  hạn như lễ bái 100,000 lạy, Trì tụng Thần chú, dâng Mạn đà la, cầu nguyện lên đấng Đạo Sư, nhằm thanh tịnh hóa thân, khẩu và ý của người đệ tử để nhận lãnh Đại Ấn (Mahamudra); hoặc thiền quán  hai ngày mỗi tháng nhằm lúc trăng tròn. Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ tát là vị Bồ tát chánh khi quán tưởng. Thọ Bát Quan Trai giới mỗi ngày và tu tập theo nghi quỹ Quán Thế Âm ngày ba thời, thực hành theo pháp nầy hành giả sẽ không  bị sanh nơi ba đường ác. Hoặc tu tập theo kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật v.v…

Nếu  nhận lãnh được lời chỉ bảo về phương pháp Phowa và tu tập theo một cách chí thành, thì hành giả có thể đạt được sự giác ngộ mà không cần phải có một vị Lạt Ma (Cao Tăng) chỉ dẫn.

LỜI GIỚI THIỆU

Truyền thống Drikung Kagyu là một trong những truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Vị sáng lập ra truyền thống nầy là ngài Kyobpa Jigten Sumgon, sanh vào năm 1143 và viên tịch năm 1217, Phật tử Tây Tạng tôn sùng Ngài như một vị Phật thứ hai (sau khi đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thị hiện nhập Niết bàn). Kyobpa Jegten Sumgon là đệ tử truyền thừa của đức Phagmo Drupa. Ngài Drupa là đại đệ tử của đức Gampopa.

Truyền thống Drikung Kagyu nắm giữ những giáo lý rất quí báu của tất cả các “thừa/ những giáo lý rất quí báu của tất cả các “thừa/ yanas” mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Lại nữa, truyền thống nầy sở hữu toàn bộ sự truyền thừa về Năm/ Ngũ Đạo Thậm Thâm của Pháp Môn Đại Ấn (Five-Profound Paths of the Mahamudra) và Sáu Du Già của Naropa.

Truyền thống Drikung Kagyu được nổi tiếng là nhờ vào khả năng truyền bá hoàn toàn thành công trong việc sử dụng năng lực thiền định của Phowa để giúp đỡ những Phật tử thụ pháp thực hành pháp môn quí báu nầy. Như thế, pháp môn Phowa được các Lạt ma trao truyền được gọi là “Drikung Phowa Ch’en-mo” / Đại Drikung Phowa. Drikung  Phowa có sức mạnh vô song đến nỗi nó trở thành một truyền thống riêng ở Tây Tạng. Cứ 12 năm một lần người ta cử hành lễ Đại Phowa tại Dro-ngor Sum-dho thuộc vùng Drikung ở trung tâm Tây Tạng. Danh tiếng của Phowa đưục tiếp nối và lan rộng cả ngàn lần mà người thụ pháp có thể cảm nhận được những dấu hiệu của Phowa trong thời gian “sự ân điển được ban truyền” bởi vị Lạt Ma chủ đàn của Drikung Kagyu.

Nhờ vào sự truyền thừa liên tục và ân điển của giáo lý nầy mà vị  Lạt Ma có thể chuyển hóa trực tiếp những ân điển kia đến những đệ tử thành tâm và thanh tịnh. Những người đó có thể kinh nghiệm được những dấu hiệu kiết tường rất nhanh chóng. Khi mà nhận được bất cứ dấu hiệu kiết tường nào của Pháp môn Phowa thì hành giả được coi như là đã chuẩn bị để bước vào thế giới của đức Phật Vô Lượng Quang (Amitabha) lúc lâm chung. Điều nầy dạy rằng một khi hành giả gia nhập vào thế giới của Phật Vô Lượng Quang thì sẽ không bị trở lại chốn luân hồi nữa, và có thể thành tựu sự giác ngộ nhanh chóng.

Bởi những lý lễ nầy, nói riêng thì Drikung Phowa đang trở nên phù hợp với thời đại hiện nay. Xã hội hiện đại của chúng ta không những không cho phép con người thời giờ cũng như điều kiện để bước vào con đường tu tập Phật giáo như những thế hệ trước chúng ta trong thời  quá khứ. Chúng ta rất cần một pháp môn đơn giản, phù hợp, và trực tiếp có khả năng giúp chúng ta chuyển hóa những căng thẳng và quay cuồng của đời sống hiện đại, nhờ đó mà chúng ta có thể cắt đứt những bám víu vào vật chất và hiện tượng giới, và đánh thức trực giác bản tánh Bồ đề của chúng ta.

Drikung Phowa không những đơn giản mà rất mạnh mẽ. Chúng ta cũng có đồng cơ hội như  hàng vạn người bên Tây Tạng tu tập thuần thục pháp môn nầy, nhằm chuyển hóa kinh nghiệm khi chết để vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Mi Ta.

Hôm nay chúng ta rất hân hạnh được diện kiến nhị vị Đại sư quí báu Chetsang và Chungtsang của truyền thống Drikung Kyabgon.

Đại sư Chetsang được xem như là hóa thân của đức Quán Tự Tại Bồ tát, đại diện cho lòng từ bi, và Đại sư Chungtsang được xem như là Hóa thân của đức Mạn Thù Sư Lợ, Saraha và Liên Hoa Sanh (Padmasambhava). Nhị vị Đại sư là những bậc kế thừa của đức Jigten Sumgon, và đầy đủ phương tiện thiện xảo để ban truyền Phật Pháp và giáo lý Phowa. Ngoài nhị vị Đại sư ra, ở đây còn có rất nhiều vị Lạt ma khác có đầy đủ tư cách để truyền dạy giáo lý Phowa.

Quyển sách Drikung Phowa nầy được dịch ra Anh ngữ từ chánh bản tiếng Tây Tạng dưới sự dìu dắt và chỉ dẫn của Phương Trượng quí báu Konchog Gyaltshen tại Trung tâm Thiền Định của Drikung Kagyu ở Hoa Thịnh Đốn.

Hoa Kỳ, tháng 9, 1982

Tái bản lần thứ IV – 1986

GHI CHÚ

Pháp môn nầy đến tay tôi là do Tiến sĩ Lê Mậu Đáo, Pháp danh Nguyên Thiện ở Miami, Florida, USA, trao tặng, tuy nhiên có hai trang (125 và 126) bị mất dùng để làm lời  nguyện cầu ngắn dâng lên các đấng Đạo sư thuộc dòng truyền thừa, nhưng rất may là lời nguyện cầu dài vẫn còn (kể từ trang 19-30). Nhận thấy nó có ích cho phần đông người Việt Nam của chúng ta nơi xứ lạ quê người, nên Mạt nhân vội quên chỗ tri kiến vụng về mà làm việc tiên phuông, dịch ra quốc ngữ để lưu truyền pháp  môn quí báu của Phật gia. Ít dòng giới thiệu và minh chứng rằng pháp môn nầy không phải do Mạt nhân đem tâm phàm phu ra tự lập vậy.

DUYÊN KHỞI

Hỡi tất cả những người mẹ của tất cả chúng sanh, đặc biệt là những người thù ghét tôi, những người thường làm trở ngại tôi, và những ai tạo nên các chướng ngại cho tôi trên bước đường tu tập Đạo giải thoát và Chánh biến tri, nguyện cho họ đều được an lạc và hạnh phúc, rời xa những khổ đau và tôi sẽ an lập họ nơi cảnh giới hoàn toàn và quí báu của  Phật địa.

(đọc 3 lần)

Như thế, tôi sẽ thực  hành trọn vẹn ba nghiệp lành nơi thân, khẩu và ý, cho đến khi nào tôi đạt được sự giác ngộ.

Trong khoảng thời gian còn tại thế, tôi sẽ thực hành trọn vẹn ba nghiệp lành nơi thân, khẩu và ý cho đến khi lâm chung.

Kể từ hôm nay, nhẫn đến tận thuở vị lai, tôi sẽ thực hành trọn vẹn ba nghiệp lành nơi thân, khẩu và ý.

QUY Y TAM BẢO NGẮN GỌN:

Kể từ ngày hôm nay nhẫn đi cho đến khi thành đạo vô thượng Bồ đề, xin nguyện quy y Phật, Pháp, và Tăng.

Nhờ vào những hạnh nghiệp lành, nguyện tôi được thành Phật độ khắp chúng sanh.

(Đọc 3 lần)

TU TỨ VÔ LƯỢNG TÂM:

Xin nguyện cho những bà mẹ của tất cả chúng sanh cùng khắp pháp giới, có những niềmvui và những nguyên nhân tạo ra các niềm vui.

Xin nguyện cho mọi người đều được giải thoát khỏi mọi khổ đau, và những nguyên nhân gây ra các sự khổ.

Xin nguyện cho họ không bao giờ tách rời khỏi hạnh phúc, những hạnh phúc nầy không vướng phải  những nỗi buồn đau. Xin nguyện cho họ được an nghỉ trong cảnh tịch diệt, thoát khỏi mọi ràng buộc và nhàm chán. (đọc 3 lần)

HỒI HƯỚNG

Nguyện đem công đức nầy, hồi hướng khắp hết thảy, đệ tử và chúng sanh đồng chứng Vô thượng đạo.

Lại nay, con đem chỗ tu lễ bái, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, phát nguyện, hồi hướng thiện hết thảy thí chúng sanh vĩnh dứt khổ Tam đồ đồng đến Đại Bồ Đề pháp giới chơn như hải.

KINH CANG TÁT ĐỎA (VAJRASATTVA)

THIỀN QUÁN VÀ TRÌ TỤNG

ĐỂ ĐƯỢC THANH TỊNH

Phẩm thứ hai của

Drikung Kagyu Ngondro

***

Hành giả nên quán tưởng một bông sen trắng, trên có một mặt trăng trụ trên đỉnh môn. Chánh giữa mặt trăng có chủng tử HÙM/HÙNG. Phạn ngữ: ) Chữ HÙM biến thành chày Kim cang với chủng tử HÙM ở nơi chánh giữa chày.

Từ chữ HÙM nầy lưu xuất ra quang minh, làm thanh tịnh tất cả mọi chướng ngại của chúng hữu tình. Quang minh nầy được dâng hiến lên chư Phật và Bồ tát. Quang minh quay trở lại và tan biến vào chủng tử HÙM.

Chủng tử HÙM biến thành Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) Bồ tát Ma ha tát, trên bản chất thì Ngài chính là vị Bổn sư của hành giả. Thân thể của Ngài màu trắng và tay trái cầm chuông tay phải cầm chày kim cang, ngồi trong tư thế bán già, với y phục bằng lụa và trang sức bằng những thứ báu.

CẦU NGUYỆN:

Hỡi đấng Kim Cang Tát Đỏa, bậc Đại Bồ tát, bậc Đại Tâm. Ngài là Hóa thân của chư Phật, của đức Pháp thân Phổ Hiền. Con nay cung kính đảnh lễ Chấp Kim Cang Bồ tát Ma ha tát.

Tại ngực của ngài Kim Cang Tát Đỏa có một chày kim cang, chày ấy trụ ở trên một vầng trăng tròn sáng. Tại giữa chày kim cang là chủng tử HÙM bao quanh bởi 100 chủng tử khác. Quang minh phát ra từ vòng chữ Thần chú làm thanh tịnh hoàn toàn tất cả mọi chướng ngại của tất cả các chúng sanh, và tất cả chúng sanh đều trở thành Kim Cang Tát Đỏa.

Quang minh trở lại nhập vào chủng tử HÙM của thần chú. Từ những chủng tử phát xuất ra dòng cam lộ chảy suốt ngón cái chân phải của ngài Kim Cang Tát Đỏa. Dòng cam lộ chảy rót trên đảnh đầu xuyên qua các lỗ chân lông và hai chỗ nở phía dưới của thân thể tôi khiến cho tất cả những cấu nhiễm, bệnh tật, và chướng ngại đều được thanh tịnh. Những chướng ngại xuất khỏi thân tôi trong hình tướng của một chất lỏng màu khói đen. Tiếp theo đó, thân thể tôi được cam lộ làm thấm nhuần và hoàn toàn thanh tịnh và trong suốt như thủy tinh.

THẦN CHÚ CỦA NGÀI KIM CANG TÁT ĐỎA

(100 chủng tử):

OM BAZRA SATTWA SAMAYA / MANU PALAYA /  BAZRA SATTWA TENOPA TISHTHA / DRIDO ME BHAWA / SUTO KHYOME BHAWA / SUPO KHYOME BHAWA / ANU RAKTO ME BHAWA / SARWA SIDDHIM-ME PRA-YATSHA / SARWA KARMA SUTSA-ME TSIT-TAN SHRIYA KURU HUNG / HAHA HAHA HO / BHAGAWAN SARWA TATHAGATA / BAZRA-MAME MUNTSA / BAZRI BHAWA / MAHA SAMAYA SATTWA AH /

Đọc 21 lần mỗi ngày

(*xem ở chú giải sơ lược về câu Thần chú ở cuối phần nầy)

Đệ tử và tất cả chúng sanh bởi vô minh che đậy, đã vi phạm những lời thệ nguyện. Ô! Bậc Đại sư  Kim Cang Tát Đỏa, đấng Bảo Vệ, Chấp Kim Cang Bồ tát Ma ha tát, Chúa tể của tất cả chúng sanh, xin hãy rủ lòng thương xót mà bảo vệ cho đệ tử.

Lúc bấy giờ, ngài Kim Cang Tát Đỏa Bồ tát Ma ha tát rất vừa lòng với lời cầu xin của hành giả nên Ngài nói rằng:“Bây giờ, màn vô minh của con đã được tan biến, và con đã được thanh tịnh.”

Tiếp theo đó Ngài biến thành Quang minh và nhập vào đảnh đầu của hành giả. Bây giờ hành giả trở thành Kim Cang Tát Đỏa. Hãy quán chiếu về sự hợp nhứt của sự xuất hiện đó và Tánh không!

Nguyện cho tôi đạt được sự thành tựu như ngài Kim Cang Tát Đỏa, nhờ vào phước đức của việc quán chiếu nầy tạo ra, rồi tôi sẽ cứu độ tất cả chúng sanh không bỏ sót một ai.

[(*) (tạm dịch phỏng theo Tu Tập Mật Giáo Theo Truyền Thống Nying-ma do Khetsun Sangpo Rinpochay soạn, phần nầy không có chú giải trong chánh văn Phowa]

Om! Kim Cang Tát Đỏa, xin hãy nhớ lấy bổn nguyện. Hỡi đấng Kim Cang Tát Đỏa! Xin Ngài gia hộ cho đệ tử. Khiến đệ tử được sự quyết định. Khiến nguyện vọng của đệ tử được thỏa mãn tất cả. Xin hãy thỏa mãn lời cầu xin của đệ tử. Xin hãy khiến cho đệ tử có Bi Tâm. Xin hãy ban cho đệ tử tất cả sự thành tựu. Lại nữa, xin hãy khiến cho đệ tử an trụ nơi pháp lành. Hùm ha ha ha ha hoh. Hỡi chư Phật! Xin đừng bỏ đệ tử, hợp nhứt cùng đệ tử. Hỡi đấng nắm giữ Đại Nguyện! Ah.

Om. Xuất hiện trong hình thức của chữ viết là Kim Cang Bất Hoại Thân của chư Thế Tôn. Đó là biểu tượng của ý chí và may mắn của hành giả.

Vajra: Bản chất trí tuệ của Tánh không (sunyata), không thể phá hoại bởi bất cứ nguyên nhân nào.

Sattva: Phương tiện, đại bi.

Vajrasattva: Đại lạc, nơi đó Tánh không và Từ bi đồng đẳng, hiệp làm một, không thể phân chia. Trong tình trạng phiền não, nhiễm ô nó chính là vòng sanh tử luân hồi; trong tình trạng tẩy trừ những phiền não, nhiễm ô thì nó chính là Đạo, và trong tình trạng tách rời hẳn phiền não, nhiễm ô, nó chính là Phật quả viên mãn. Như thế, Kim Cang Tát Đỏa chính là sự biến hiện của những điều kiện trên và hiện thành một cá thể, kêu gọi tên Ngài ắt sẽ được Ngài ban cho ân điển.

Samayam: Những lời thệ nguyện, chư  Tôn sẽ không bao giờ bỏ lời thề của mình.

Anupalaya: Hộ trì, nghĩa là gìn giữ bổn nguyện, nhìn ngó đến người trì tụng.

Tvena: Hỡi đức Kim Cang Tát Đỏa.

Upatisntha: Ngự tại, đức Kim Cang Tát Đỏa được mời đến để nhập vào/ an ngự trong cùng thân thể của người trì tụng.

Drdho: Quyết định, ám chỉ sự an ngự của đức Kim Cang Tát Đỏa nơi hành giả.

Me: Chính là hành giả. Mặc dù, Kim Cang Tát Đỏa là một phương thức hỗ trợ của vạn hữu, nó thẩm thấu và an trụ trong mọi hình thái từ lúc bắt đầu của ta và tha nhân, của vòng sanh tử luân hồi và Niết Bàn, nơi tịnh và nơi động Kim Cang Tát Đỏa được yêu cầu an trụ nơi tâm hành giả để rồi cuối cùng mình chính là Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa chính là Bồ đề tâm vậy.

Bhava: Khiến cho.

Sutosnyo: Rất thỏa mãn, rất thỏa mãn.

Me: Chính là hành giả.

Bhava: Khiến cho. Hành giả khẩn cầu đức Kim Cang Tát Đỏa ban cho mình sự thỏa mãn nhờ hưởng được niềm hoan lạc của giải thoát từ những khái niệm tuyệt diệu và đại lạc.

Suposnyo: Tăng trưởng mạnh. Với chữ me bhava như trước, có nghĩa là “tăng trưởng trí tuệ bất nhị của an lạc và Tánh không trong tôi.”

Anurakto: Xin hãy. Với me bhava như trước, có nghĩa là ‘khiến cho tôi trở nên từ bi,’ trong cùng một ý nghĩa của “hãy làm cho tôi yêu thương thông qua tâm Đại Từ Bi của tình trạng hiệp nhứt làm một, mà trong đó sự ô nhiễm của tâm chấp trước không hiện hữu.”

Sarva: Tất cả.

Siddhim: Sự nghiệp.

Me: Chính là hành giả.

Prayachchha: Ban cho, thí cho “thí cho đệ tử tất cả những sự nghiệp,” lớn hoặc nhỏ, siêu quần hoặc tầm thường.

Sarva: Tất cả.

Karmasu: Tất cả những hành động.

Cha: Vả, lại nữa.

Me: Chính là hành giả.

Chittam: Tâm

Shriyam: Phước lành.

Kuru: Khiến cho. “Khiến cho tôi an trụ nơi pháp lành.” Nên nhớ rằng tất cả những hành động khởi ra từ tâm, nếu tâm lành thì hành động lành, ở đây hành giả khẩn khoản yêu cầu Kim Cang Tát Đỏa giúp cho mình an trụ nơi pháp lành. Hành giả khẩn cầu đức Kim Cang Tát Đỏa ban cho mình sự giác ngộ cảnh giới tối bí mật của vạn pháp xuất hiện nơi Pháp giới hoàn toàn chỉ là những ảnh hiện của tự Tâm.

Hum: Chủng tử của đức Kim Cang Tát Đỏa, biểu tượng của Ngũ Bộ, cũng là bản chất thanh tịnh của ngũ uẩn, v.v…

Ha ha ha ha: Bản chất thanh tịnh của 4 thứ An Lạc.

Hoh: Bản chất thanh tịnh của khách thể và chủ thể, của hiện tượng giới và tâm linh giới.

Bhagavan: Thế Tôn, sở dĩ gọi thế là vì Ngài chiến thắng được bốn Ma (Tử ma, Ngũ ấm xí thạnh ma, Thiên ma và Phiền não ma).

Sarva: Tất cả.

Tathagata: Đấng đã vượt đến những giới hạn của Chơn Như thực tế.

Vajra: Trí tuệ bất nhị. Trong câu chú nầy nó còn có nghĩa là yêu cầu chư Phật xót thương gia trì, hộ niệm cho hành giả.

Ma: Không phải.

Me: Chính là hành giả

Muncha: Bỏ rơi. “Đừng bỏ rơi tôi” nghĩa là, “đừng để trí tuệ trực nhận ra Chơn Như rời bỏ tôi,” hoặc “đại bi tâm thường không rời bỏ tôi.”

Vajri: Nắm giữ kim cang. Với chữ bhava, “khiến tôi trở thành kim cang.” Nó chứng tỏ rằng đó là cách thức xử sự “không bao giờ rời bỏ chúng sanh” của đức Kim Cang Tát Đỏa.

Maha: Là đại, nhưng không phải cái đại so với cái tiểu, mà là cái đại tuyệt đối, vô giới hạn, trùm khắp cả. Không phải chữ “great” của tiếng Anh Cát Lợi. Tiếng Anh Cát Lợi nói riêng, tiếng của các nước Âu Mỹ nói chung, vốn không có chữ nào để so sánh cùng với Maha!

Samaya: Lời thề.

Sattva: Nhân vật, anh hùng.

Ah: Chữ bất khả hoại, nó chính là biểu tượng căn bản của Kim Cang ngữ nơi chư Phật. Hành giả khẩn cầu đức Kim Cang Tát Đỏa, an lập cho mình ở trong toàn thể đại trí bình đẳng với chư Phật.

GIÁO LÝ PHOWA

(HOÁN CHUYỂN THẦN THỨC)

JAGTSUG-MA

HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG CẦN PHẢI TU TẬP THIỀN ĐỊNH

Dịch giả: Phương Trượng Khenpo Konchog Gyalsen Rinpoche, hoàn tất vào tháng Giêng năm 1994.

***

Ghi chú tổng quát: Phowa (‘pho-ba) có nghĩa nôm na là “đổi chỗ.” Đây là một trong Sáu Du Già của Naropa, giáo lý nầy đến Tây Tạng vào khoảng thế kỷ XI do công của Đại Dịch giả Marpa. Trên nguyên tắc thì sự tu tập Phowa liên hệ đặc biệt đến việc hành giả cố gắng hoán chuyển Thần thức của mình đương lúc chết (hấp hối) về Tịnh độ, chẳng hạn như cõi Cực Lạc. Sự tu tập nầy cần phải thông qua việc tụng đọc các Thần chú và thiền quán về các chủng tử của Thần chú cũng như vị Phật hay Bồ tát chấp trì Thần chú y như nghi quỹ (sadhana). Ở Âu Châu cũng như Mỹ Châu pháp môn Phowa được các vị Lạt ma thuộc truyền thống Drigung Kagyu truyền bá.

Lời Giới Thiệu Pháp Môn Phowa

Rất khó khăn mới có thể được thân người, thân người rất quí, đã được nó rồi thì cần phải biết sử dụng nó để đạt Phật quả nhờ Văn, Tư, Tu đúng với Chánh Pháp.

Sanh tử là việc lớn, cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào chẳng cần phải thông báo trước. Bởi vì lười biếng trong việc tu tập, hành giả có thể chết mà chẳng nhận ra nó, đời sống thật quá ngắn ngủi, còn Tử ma rượt bắt chúng ta như ngựa phi nước đại. Khi cái chết đến chúng ta không thể nào tránh khỏi, của cải vật chất, những người thân yêu v.v… không có gì có thể giúp đỡ cho quí vị được, ngoại trừ giáo lý quí báu của đức Phật. Vì thế, chúng ta cần phải chấp nhận cái chết và tiếp tục cuộc sống mới.

Trong Chánh Pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật sở dĩ có (3) Thừa cũng vì căn cơ của chúng sanh mà giả lập ra. Đại thừa bao gồm Nhân thừa (Hetuvana) và Quả thừa (Phalavana).

Nhân hoặc Hiển giáo bao gồm tất cả những sự tu tập mà chẳng cần các nghi lễ Quán Đảnh của Mật tông. Quả hoặc Mật giáo có rất nhiều phương tiện (upaya/means/paths) để đạt đến sự giác ngộ nhờ vào hai giai đoạn Phát Khởi và Thành Tựu, nhưng phải hết sức kiên nhẫn tu tập một thời gian dài trước khi hành giả có thể nhận ra Phật tánh của mình.

Trong Mật tông, Phowa là một pháp môn trực tiếp và nhanh chóng để đạt được sự giác ngộ. Có thể nói rằng ngay cả những người có tội lỗi nặng nề nhứt cũng có thể được giác ngộ nhờ sự tu tập pháp môn Phowa nầy. Tổ sư Marpa, bậc Đại dịch giả, và cũng là cha đẻ ra phái kagyu Lineage, đã từng có lời dạy rằng: “Có rất nhiều giáo lý được giảng dạy để hành giả trở thành giác ngộ, nhưng ta có một giáo lý có thể thành tựu sự giác ngộ mà chẳng cần phải thiền định gì cả.

Truyền thống “Jakshukma” Phowa là một trong những phương pháp tu tập quí báu của Phowa. Trong thế kỷ thứ VIII, vị Vua theo Đạo Phật ở Tây Tạng là Chogyal Thri-song Deu-Tsen đã mời Đại Đạo sư Mật tông người Ấn Độ là ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) đến Tây Tạng, và đức Vua đã xây dựng tu viện Samye. Đạo Đạo Sư Liên Hoa Sanh đã giảng dạy rất nhiều giáo lý Mật tông cho nhà Vua và quần thần văn võ. Trong khoảng thời gian nầy, ngài Liên Hoa Sanh cư trú tại hang động Ch’im-phu tiếp cận vùng Samye, khi bấy giờ nhà của Đại thần Nyima có chuyện buồn xảy ra.

Số là Đại thần Nyima có hai tòa lâu đài, và người đang sửa soạn di chuyển từ lâu đài nầy sang lâu đài khác, trong khi gói ghém các vật tế nhuyễn với một ngọn đèn dầu, chẳng may một tia lửa bắn ra làm cháy tiêu tòa lâu đài trong khoảnh khắc, cùng với 13 người trong đó có cả Cha và mẹ của Nyima. Tất cả ngựa, lừa, trâu bò và những loài thú vật khác đều biến thành tro bụi! Đại thần Nyima nghĩ rằng có lẽ mình đã làm nên tội lỗi nặng nề gì nên mới gây ra thảm họa để đến nỗi khiến cho Cha Mẹ và những người khác phải chết vì mình.

Nhà vua quyết định giúp đại thần Nyima vơi đi lòng phiền muộn bằng cách tìm đến hang động Ch’im-phu thỉnh cầu ngài Liên Hoa Sanh trợ giúp. Đại Đạo sư Liên Hoa Sanh liền dùng thần lực đi đến cõi Cự Lạc diện kiến đức Phật Vô Lượng Quang (Amitabha). Ngài trình bày lên đức Phật Vô Lượng Quang về những nỗi khổ đau của Đại thần Nyima và tất cả chúng sanh cầu mong đức Phật Vô Lượng Quang từ bi chỉ cho phương pháp đặc biệt để giải thoát tất cả khỏi mọi khổ đau. Đức Vô Lượng Quang Như Lai dạy giáo lý Phowa cho ngài Liên Hoa Sanh, và căn dặn rằng giáo lý nầy chỉ được truyền cho Đại thần Nyima lúc bấy giờ thôi. Ngài Liên Hoa Sanh thu thần lực trở về động Ch’im-phu và giảng dạy giáo lý nầy cho đại thần Nyima. Sau khi thụ pháp, Đại thần Nyima từ bỏ tất cả mọi việc trần gian và dấn thân vào việc tu tập Phowa, và cuối cùng được thành tựu đạo quả. Nhờ vào pháp môn Phowa, tâm thức của đại thần Nyima đạt được đến cảnh giới Tịnh độ, và khi chết hiện ra rất nhiều dấu hiệu kiết tường như nhiều cầu vồng xuất hiện ở trên trời, và khi hỏa thiêu thâu được nhiều xá lợi.

Quyển sách nầy bị giấu kín nơi Hồ Mạn Đà La Đen (Black Mandala lake), nó nằm ở phía sau ngọn đồi Dhaglhagampo. Vua Rồng Tsurana-Ratna được yêu cầu làm vị Hộ pháp gìn giữ sách và được ngài Liên Hoa Sanh căn  dặn rằng thuở vị lai khi mà đại thần Nyima tái sanh làm Nyida Sang-gye thì hãy giao sách lại cho người.

Ngài Liên Hoa Sanh sau khi căn dặn vua Rồng liền bỏ hang Ch’im-phu mà đến đất của chúng La Sát (Rahshas) làm Vua ở đỏ. Hơn 350 năm sau, Đại thần Nyima tái sanh làm con trai tại gia đình của người chăn cừu. Khi Nyida Sang-gye trưởng thành, Ngài cảm thấy rất thương xót chúng sanh, khi thấy súc vật, người đã rơi lệ. Để làm dịu đi sự đau khổ của Ngài, đức Phật Vô Lượng Quang đã xuất hiện và dạy cho giáo lý Phowa vì lợi ích cho tất cả chúng sanh. Sau khi thụ pháp với Phật Vô Lượng Quang, Ngài truyền lại cho những súc vật đã chết và thường có rất nhiều dấu hiệu kiết tường khác nhau xuất hiện.

Vua Rồng Tsurana-Ratna tìm đến chỗ của Nyida Sang-gye và kể lại cho Ngài nghe về quyển sách được giấu kín (Ter-ma/Hidden Text), nhờ vậy Ngài lấy được quyển sách quí kia từ Hồ Mạn đà la Đen và đồng thời giảng dạy giáo lý nầy cho loài Rồng. Nhờ vào giáo lý nầy rất nhiều Rồng được sanh về những thế giới cao hơn.

Sau đó, Nyida Sang-gye dạy giáo lý nầy cho loài người, nhờ thế mà rất nhiều người đạt được sự giải thoát.

Đây là sự truyền thừa nối tiếp pháp môn Phowa của dòng Drikung Kagyudpa. Hành giả có lòng tin vào vị Lạt ma và giáo lý thì có thể kinh nghiệm được dấu hiệu của Phowa khi nhận được ân điển truyền thụ [tiếng Tây Tạng gọi là “Lung”/Blessing Transmission]. Rất nhiều người trên thế giới đã tiếp nhận được kinh nghiệm quí báu nầy.

QUY Y VÀ PHÁT BỒ ĐỀ TÂM:

Quán Tưởng:

Trước mắt hành giả xuất hiện một bảo tòa làm bằng tám con công, trên bảo tòa có đức Bổn Sư (người truyền pháp Phowa) an trụ dưới hình thức của Phật Vô Lượng Quang, Ngài là bản thể của ba đời chư Phật. Đức Phật Vô Lượng Quang mặc pháp y (choàng luôn cả hai vai) và được trang nghiêm bởi 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hình của chư Phật. Hai tay của Ngài ở trong tư thế bắt ấn Tam Muội, trên hai tay là một bình báu đựng đầy nước cam lộ. Ngài ngồi trong tư thế Kim cang (chân phải đặt lên chân trái, cũng gọi là tư thế Hàng Ma), quang minh từ thân Ngài phóng ra rất rực rỡ, chư Sư thuộc dòng truyền thừa vây quanh Ngài. Hãy nhứt tâm quy y:

Đệ tử và tất cả chúng sanh từ nay kể đi xin được quy y đức Bổn Sư, Ngài là hiện thân của đức Phật Vô Lượng Quang, xin Ngài hãy làm Đạo Sư cho chúng con, bảo vệ chúng con; con nguyện lấy pháp môn Phowa làm chánh tu để đạt đến sự giác ngộ; chúng con xin nương tựa nơi các bậc Đạo sư thuộc dòng truyền thừa trên bước đường tu tập. Xin Tôn sư rũ lòng thương xót đến chúng con.

Phát Bồ Đề Tâm:

Đệ tử sẽ tu tập theo pháp môn Phowa để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, nguyện hết thảy chúng sanh đều được chóng thành Phật đạo.

PHOWA CHEN-MO

CỦA TRUYỀN THỐNG DRIKUNG

Quán Tưởng:

Hành giả cần phải ngồi kiểu hoa sen (kiết già) và quán rằng toàn thể chính là Không (sunyata). Từ tự Tánh không hành giả khởi lên ý tưởng rằng mình chính là nữ Bồ tát Vajrayogini với thân thể màu đỏ và có hai khuôn mặt. Khuôn mặt chánh của nàng có ba mặt và nhìn xuống với vẻ dịu dàng, tóc được búi lên trên đảnh và được trang sức bằng năm (5) đầu lâu. Khuôn mặt thứ hai của nàng màu đen, ra vẻ hầm hầm. Vajrayogini có hai tay, tay phải nàng cầm một cái dao có móc câu hướng lên trời, tay trái cầm một cái ly làm bằng đầu lâu đựng đầy máu tại trước ngực. Trên vai nàng có mang một cây Khatvanga (gậy phép). Nàng đứng trong tư thế nhảy múa, chân trái hơi cong lại, và chân phải thẳng ra, đạp lên trên một thây ma màu vàng. Trên cổ nàng có dây chuyền làm bằng 50 đầu người còn tươi, dùng xương làm đồ trang sức, và mặc y phục bằng lụa đỏ nàng ta hiện ra có thể thấy rõ ràng nhưng không bằng vật chất. Trong thân thể của nàng có một Ống Dẫn Trung Tâm, trống rỗng và thẳng như cây trúc, màu xanh bên ngoài và màu đỏ phía trong, và trong suốt như thủy tinh màu; nở ra ở trên tại đỉnh môn và nở ra ở phía dưới chỗ bí mật [dưới rún bốn lóng tay]. Tại trung tâm trái tim có một hoa sen bốn cánh màu đỏ, tại chánh giữa bông sen là bản chất tâm linh của hành giả (cũng có nơi gọi là giọt bất hoại) hình dáng giống như trái banh đỏ, kích thước bằng hạt đậu. Bản chất tâm linh nầy rất nhẹ và động chuyển. Quán như thế cho thật rõ ràng.

Phần nở rộng phía trên đỉnh môn của hành giả có Phật Vô Lượng Quang (như trên đã diễn tả). Ngài ngồi trong tư thế như của ngài Từ Thị Di Lặc Bồ tát Ma ha tát, hai ngón cái của Ngài đặt ở tại chỗ nở rộng trên đảnh đầu của hành giả (lúc bây giờ hành giả không còn mang hình tướng phàm phu nữa mà chính là Vajrayogini). Chư Sư thuộc dòng truyền thừa của pháp môn Phowa bao quanh Ngài. Khi đọc tên của các vị Sư hãy nghĩ như thế nầy:

Con cầu nguyện lên Đạo sư, xin Ngài ban ân điển cho con để con có thể tiếp tục sự nghiệp Phowa cho đến thành công. Khi lâm mạng chung thời con lập tức được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Quang (A mi ta/ A Di Đà).

Nguyện cầu lòng từ bi của Đạo sư:

Hỡi Đạo sư của con, xin Ngài thương xót con!

Vinh diệu thay Đạo sư, Ngài là Vua của Tứ Thân

Đảnh đầu của Dagpo Kagyu, Thượng thủ của chúng sanh

Bậc Đạo sư diễn Chánh pháp, Hóa thân của lòng từ bi

Sứ giả của Như Lai, đấng vinh quang vô tỉ

Bậc Đạo sư xuất chúng; xin Ngài thương xót đến con!

Bậc Đại  Drikung-Vajradhara, con cầu nguyện lên Ngài

Xin Ngài ban cho con ân điển, cùng hai sự thành tựu,

Ban cho con Đạo quả, lợi mình và lợi người.

Con cầu nguyện Đạo sư Liên Hoa Sanh  của xứ Orgyen

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận.

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con.

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc,

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang,

Con cầu nguyện lên đức Nyida Sang-gye,

Đấng đã tìm thấy báu vật chôn giấu từ lâu (kinh văn),

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận,

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc,

Con cúi đầu đảnh  lễ đức Phật Vô Lượng Quang,

Con cầu nguyện lên đức Nam Kha Gyalshen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận,

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến lúc lâm chung, đệ tử và chúng sanh

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực lạc

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang.

Con cầu nguyện lên đức Sang Ga Bhadra,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận.

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con.

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang,

Con cầu nguyện lên đức Pha-goe Drimey Lodoe,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận,

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang.

Con cầu nguyện lên Pháp Vương Sang-gye Gyaltshen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang.

Con cầu nguyện lên đấng vô tỉ Mati’I Jjshen-chen

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang.

Con cầu nguyện lên đức Phu-tshog Namgyal,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa,

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang,

Con cầu nguyện lên đức Nam-jom Phun-Jshog,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

 Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa.

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên Thánh Konchog Ratna,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa.

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Vidyadhara Dharma Kirti,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

 Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Konchog Trin-Ley Namgyal

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Konchog Trin-Ley Sang-po

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức TrinleyDon-drub Choe-gyal,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Konchog Tenzin Dro-dul,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

 Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Choe-kyi Gyaltshen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu  nguyện lên đức Jen-zin Ch’oe-kyi Nyima.

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Vajradhara Pemai Gyaltshen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên Thánh Dharma Dwaza,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Gharchen Changchub Wangpo

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức VajraRegent Lodroe Gyalshen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Rinchen Jenpai Zegyen,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

 Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Konchog Thug-jei Nyima.

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Lhotrul Choe-wang Lodroe,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức O’gyen Nue-den Dorje

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên thánh Konchog Choe-kyab,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Jenzin Choe-kyi Lodroe,

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Con cúi đầu đảnh lễ đức Phật Vô Lượng Quang

Con cầu nguyện lên đức Bổn Sư

Xin Ngài ban cho con ân điển để trực nhận

Pháp môn thâm diệu Phowa, giúp đỡ cho chúng con,

Đạt đến cảnh Cực Lạc, nhanh chóng nhờ pháp Phowa

Kịp đến khi lâm chung, đệ tử và chúng sanh,

Lập tức vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Hòa Tan Sự Quán Tưởng:

Tất cả những Đạo sư truyền thừa của pháp môn Phowa tan biến vào đức Phật Vô Lượng Quang, đức Phật biến thành quang minh và nhập vào thân hành giả. Lúc đó, hành giả chính là Phật Vô Lượng Quang.

Hãy đọc Thần chú sau:

Phật Vô Lượng Quang là bậc Đạo sư hướng dẫn chúng ta trên đường giác ngộ, đấng bảo vệ chúng ta khỏi cái chết vô hạn định, đấng vệ hộ chúng ta khỏi mối tuyệt vọng và đau khổ, hỡi đức Phật Vô Lượng Quang, con nay cầu nguyện lên Ngài:

OM NAMO BHAGA-WATE AH-PA-RI-MITA ARYUR-JANA SUVI-NISH-TSITTA TEZO-RAZAVA TA-THA-GATA-YA  AR-HATE  SAM-YAK  SAM  BUDDHA-YA.

TA-YA-THA OM PUNYE MAHA-PUNYE AH-PA-RI MITA PUYE AH-PA-RI MITA PUNYA JANA SAMBHARO-PA TSITT OM SARVA SAM-SKARA PARI SHUDDHA DHARMA-TE GA-GA-NA SA-MUNG-GA-TE SVABHA-WA VI-SHUDDHA MAHA NAYA PARIWA-RE SOHA OM AH-MA-RA-NI-ZI WANTE-YE SOHA.

Nhờ sự tu tập nầy nguyện con chóng đạt được sự giác ngộ của đức Phật Vô Lượng Quang, rồi con sẽ trở lại cứu độ tất cả chúng sanh không chừa một ai.

Hồi Hướng:

Nguyện đem công đức nầy tiêu trừ tất cả những tội nghiệp và thành tựu Chánh biến tri. Nguyện hết thảy chúng sanh đang bị sóng nghiệp làm khổ đau nhận chìm trong sanh, lão, bệnh, tử đều được giải thoát khỏi biển sanh tử luân hồi. Bồ đề tâm là bảo vật quí nhất của tâm. Nó chẳng sanh, nguyện nó khởi lên; nơi nào nó khởi lên nguyện nó chẳng chìm mất, mà càng phát mạnh hơn. Nguyện ân sư luôn luôn khỏe mạnh và sống lâu nơi đời, nguyện giáo pháp của Ngài được truyền lan rộng ra, và con nguyện không bao giờ rời xa Ngài.

Như Mạn Thù Sư Lợi (Manjusri) và Phổ Hiền (Samantabhara) Bồ tát Ma ha tát giác ngộ được Phật tánh – con nguyện tu học theo nhị vị Đại Bồ tát và san sẻ tất cả phước đức cho hết thảy chúng sanh. Nhờ ân điển của Phật, Pháp và Tăng, nguyện sự hồi hướng của con có kết quả.

Hỡi các vị Tổ sư Dorje Chang, Tilopa, Marpa, Milarepa, Pháp vương Gampopa, Phagmodrupa và Chiến Thắng Vương Drikungpa hiện nay xin hãy ban cho con các giáo lý. Hỡi đấng Pháp vương, bậc Chánh biến tri, Đại Drikungpa, nguyện cho các giáo lý của Ratna-Shri lưu truyền không dứt.

LỜI CẦU NGUYỆN NGẮN ĐỂ SANH VỀ THẾ GIỚI CỰC LẠC

Eh-Ma-Ho! Đức Phật Vô Lượng Quang ngự tại chánh giữa, bên phải là vị chúa tể của lòng từ bi Đức Quán Thế Âm Bồ tát Ma ha tát, bên phải là đức Vajrapani (Kim Cang Thủ) vị chúa tể của Đại phương tiện Thiện Xảo, cũng còn gọi là đức Đắc Đại Thế Chí Bồ tát Ma ha tát. Chung quanh Tam Thánh là các vị Phật, Bồ tát số kia không thể tính lường, các sự vui mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, đó là cảnh giới Cực Lạc vậy. Nguyện khi lâm mạng chung thời, con và hết thảy chúng sanh lập tức vãng sanh về thế giới của Phật Vô Lượng Quang, chẳng phải trải qua bất cứ hình thức thọ sanh nào của chốn sanh tử luân hồi, và nguyện cho con được diện kiến Phật Vô Lượng Quang ngay khi sanh về cõi ấy. Nguyện nhờ thần lực và ân điển của chư Phật, Bồ tát mười phương khiến cho con đạt được ý nguyện nầy, chẳng bị bất cứ chướng ngại nào làm ngăn trở.

Quyển sách nói về Tâm chú của đức Vajrasattva và Phowa được Đại sư người Tây Tạng Khenpo Konchog Gyalshen vói sự trợ giúp của Ane Tsering Ch’odron. Do sự cố gắng của chúng tôi (nhị vị nói trên) nguyện cho yếu chỉ của pháp môn nầy trụ thế dài lâu và nguyện cho hết thảy chúng sanh hoàn toàn thoát khỏi vô minh và đạt được Trí thân.

PHỤ LỤC II

TANG CHẾ

***

Tang chế không thể làm cẩu thả mà phải chuẩn bị trước, lúc sanh thời. Không cần làm linh đình, mà cần phải giản dị chừng nào hay chừng nấy. Mặc người ta đàm tiếu. Kẻ ngu thường cười người trí. Đây là việc thường của bọn ngu phu ngu phu.

Hòa thượng Thích Thắng Hoan có viết quyển Thờ cúng và Lễ Bái rất hay, do nhà xuất bản Nguồn Sống ấn hành, năm 1994, nên tham khảo thêm mà viết lại phần cốt yếu cho phù hợp với truyền thống gia đình mình.

Đối với những người sống ở hải ngoại thì phải hết sức cẩn thận chớ để bọn nhà quàng (funeral home) làm nhục thi thể của thân nhân. Những cảnh hiếp dâm thây người chết, cũng như lấy các cơ phận đem bán tuy không phải ở đâu cũng có, nhưng không phải là không có! Tốt hơn hết là phải theo sát họ, chớ để họ mạnh tay mạnh chân với thân nhân mình… Lời ít ý nhiều, xin hãy thận trọng.

Những ai là Phật tử thuần thành thì tang lễ có thể, trên căn bản, được tiến hành như sau:

1. Chính tay mình viết một, hai hoặc các Thần chú để đắp lên người khi lâm trọng bệnh, hoặc khi mình đang hấp hối.

Có thể viết cho con cháu mình cũng được, nếu chúng còn nhỏ dại, không thể tự làm.

Nên dùng vải màu vàng hoặc trắng, chữ viết màu đỏ, hoặc xanh, hoặc đen.

Đừng bao giờ mua những Thần chú do người khác viết, hoặc in ra để bán, vì nó không có lực gia trì.

Nên nhớ: Viết tất cả đều bằng Phạn ngữ, chớ không phải chữ Quốc ngữ. Xem phần cuối. Hai bản Thần chú sau đều được viết bằng chữ cổ Phạn. Điều cần nhứt là phải hết sức tin tưởng thì mới mong thành tựu, đừng sợ viết xấu, hoặc nét không sắc xảo.

TỲ-LÔ-GIÁ-NA PHẬT ĐẠI QUÁN ĐẢNH QUANG CHƠN NGÔN

ÚM A MỘ GIÀ VĨ LÔ TẢ NẴNG MA HẠ, MẪU NẠI RA MA NĨ BÁT NẠP NHẬP PHẠ RA, BÁT RA MẠT ĐA DÃ HỒNG.

(thành tâm đọc 27 lần trước khi viết, trong khi viết, chữ chữ nên đem tất cả thân tâm chăm chú, miệng niệm TỲ-LÔ-GIÁ-NA ÚM-A-HÙM cho đến khi hết mới thôi).

ĐẠI BẢO QUẢNG BÁT LẦU CÁT THIỆN TRỤ BÍ MẬT

NẴNG MỒ TÁT PHẠ ĐÁT THA, NGHIỆT ĐA NẪM, ÚM VĨ BỔ LÃ NGHIỆT BỆ, MA NĨ BÁT RA BỆ, ĐÁT THA ĐA NỄ NẠI XÃ NĨNH, MA NĨ MA NĨ, TÔ BÁT RA BỆ, VĨ MẠ LÊ, TA NGHIỆT RA, NGHIỄM TỶ LỆ, HỒNG HỒNG NHẬP PHẠ LÃ, NHẬP PHẠ LÃ, MỘT ĐÀ VĨ LÔ CHỈ ĐẾ, HỦNG HẾ DẠ ĐỊA SẮC SỈ, ĐA NGHIỆT BỆ, TA PHẠ  HA.

ÚM MA NĨ PHẠ NHỰT RA HỒNG

ÚM MA NĨ ĐÀ LỊ HỒNG PHẤN TRA.

(thành tâm đọc 15 lần trước khi viết, trong khi viết, chữ chữ nên đem tất cả thân tâm chăm chú, miệng niệm TỲ-LÔ-GIÁ-NA ÚM-A-HÙM cho đến khi hết mới thôi).

2. Tự mình ra bờ sông lớn, hoặc bãi biển, hoặc núi, hoặc cồn, đảo, tìm cho được cát hoặc đất vàng mịn, rửa thật sạch, nhiều ít tùy mình, nhưng tốt nhứt là một tô đầy hoặc nhiều hơn càng tốt.

Mỗi buổi sáng mai, dùng TỲ-LÔ-GIÁ-NA PHẬT ĐẠI QUÁN ĐẢNH QUANG ở trên mà đọc vào cát đó 108 lần (tốn khoảng 15 phút đến 20 phút là tối đa), ngày ngày  như vậy cho đến khi chết, chớ để quên sót ngày nào cả thì quyết sẽ được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc Thế Giới. Chớ có nghi ngờ mà chiêu lỗi lớn với chư Phật, Bồ tát và chư Thiên, Thần!

Mục đích của việc làm nầy là:

1- Khiến cho tâm mình có điểm hòa hợp cùng tâm chư Phật, Bồ tát, khi chết sẽ được sức gia trì của Pháp giới và của chư Phật, Bồ tát mà tùy nguyện vãng sanh.

2. Để cát đã có gia trì nầy lại cho thân bằng quyến thuốc đem rải lên thây của mình khi liệm, hoặc trước khi hỏa táng, hoặc điểu táng, hoặc thủy táng. Nhờ uy lực của thần chú mà vong nhân có thể sanh về Tịnh độ hoặc các cõi lành. Nếu lỡ con cháu mình có chết khi còn nhỏ dại thì dùng cho nó cũng không ngại.

3. Lúc còn khỏe mạnh, nên viết di chúc, dặn dò con cháu, cách thức phân chia của cải, hoặc trả nợ nần, những người mình không thích cũng nên ghi chú cho người nhà biết, những việc mình đang làm dở dang cũng nên viết thêm, rồi ký tên phía dưới, chớ ngại việc di chúc bị sửa đổi v.v… Đừng chờ đến tuổi đã già rồi mới chịu viết, bởi vì mạng người vô thường mau hơn nước dốc, ngày nay tuy còn, nhưng ai bảo đảm được ngày mai, thậm chí hơi thở ra mà quên vào thì sẽ ra sao?

4. Trên bàn thờ nên để chín (9) món sau:

a/ Một tấm ảnh của vong linh, có dù, hoặc tàng lọng che.

b/ Một cái đèn sáng.

c/ Một tấm gương soi mặt, hoặc một tô nước lạnh.

d/ Năm thứ trái cây có mùi thơm, và năm thứ bánh có mùi thơm (không được dùng nhân thịt).

e/ Một bình đựng năm thứ bông thơm,

f/ Một vỏ ốc.

g/ Một chung trà, một chén cơm trắng, và các thức ăn chay như mắm, kiễm, canh, v.v… (cúng rồi đem thí cho chúng sanh như chim, cá v.v…)

h/ Vài bộ quần áo mà thuở sanh thời, vong linh yêu thích. Sau khi đã hạ huyệt, nên đem đi cúng hoặc thí, rồi hồi hướng công đức cho vong linh.

j/ Cứ nửa tiếng thì đốt ba cây nhang, không nên đốt quá nhiều, cũng không nên không đốt. Ngoại đạo ngu si không biết được cảnh giới sau khi chết, nên cấm đốt nhang. Khi đốt phải khấn:

Ngươi (tên, họ…)

Hiện nay đã bị chết

Không còn thân xác phàm

Đang thọ Thân Trung Ấm

Lấy hương làm thức ăn

Trước, hiến dâng chư Thánh

Khi ăn, nhớ chúng sanh

Chớ khởi tâm bỏn xẻn

Nguyện được cùng ăn chung

Công đức cúng dường nầy

Nguyện ngươi và hết thảy

Chúng sanh, bỏ Báo thân

Vãng sanh Cực Lạc Quốc.

5  - Cả nhà, ai nấy đều phải nhất tề gìn giữ trai giới, dù có khách khứa cũng không được thiết đãi rượu thịt, xướng ca, cờ bạc, hoặc tán ngẫu.

Nếu thây có mùi hôi thì tất cả mọi người phải  ngậm chút rượi vào miệng khi đến thăm, rồi nhả rượu ra khi ra ngoài, để tránh bị bệnh hôi miệng, không có thuốc chữa! Rượu kia phải đốt lập tức. Những người thân thể bị hôi thúi thì nên tẩn liệm cho sớm.

6- Tất cả những mùi hôi thúi và các thứ ô uế, cũng như chó, mèo v.v… chớ nên để gần người chết. Vì khi chết, Thân Trung Ấm chỉ ngửi mùi để sống, chớ không thọ được thức ăn nào khác!

7 - Cấm ngặt không cho bất cứ ai khóc lóc, kể lể gần thây của người chết, trong khoảng thời gian đang hấp hối cho đến khi hạ huyệt.

8 - Chớ nhận quà lễ của người! Vì người chết không thọ hưởng được. Nếu người ta có lòng tốt giúp cho thì nên vì người chết mà cảm ơn.

9 - Nếu có thỉnh sư Tăng hoặc Ni thì phải xem thuở sanh thời vong nhân có thích vị đó không. Nếu không thì đừng thỉnh, vì nếu Sa môn kia không giữ giới, tịnh hạnh khiếm khuyết, cử chỉ ngã mạn, lời nói hoặc tâm nghĩ ngông cuồng, thì do Thân Trung Ấm sở đắc thần thông nên nhìn ra ngay. Khi mà Thân Trung Ấm biết mình bị lừa gạt thì họ sẽ đâm ra tức tối và thất vọng, khiến phải bị đọa lạc vào ác đạo thì không hay.

Cho nên, trước khi thỉnh bất cứ vị Sa môn nào đến để trợ giúp vong nhân, người nhà phải thành tâm nói như thế nầy bên tai người đang hấp hối, hoặc vong linh 7 lần:

Phật có Nhứt Thiết Trí

Biết ai là chân tu

Ai là người lừa gạt

Đó là tội của họ!

Ngươi (nếu là Cha hoặc Mẹ thì thế chữ “ngươi” bằng “Cha/Mẹ thân yêu của con”, nếu là vợ thì kêu “hiền thê” hoặc “nầy em yêu của ta,” nếu là con cháu thì kêu “con yêu quí của ta,” nếu là anh em thì kêu “anh/em thương yêu của ta,” nếu là bạn bè thân thì kêu “bạn thân mến của ta” v.v…)

Hãy buông bỏ tất cả

Đây là giờ phút thiêng

Chỉ một niệm sai lầm

Nẻo dị loại mang lông

Đội sừng, khó mà ra!

Chớ sanh tâm giận hờn

Mà phiền não khởi lên!

Hãy khởi tâm trong sạch

Y pháp, bất y nhơn”

Ai mà chẳng lầm lỗi

Người tu cũng như vậy

Ngươi (tên họ…)

Phải nhất tâm quán tưởng

Tự tánh là Chơn Không (sunyata)!

Tất cả pháp như huyễn

Như dợn nước dưới nắng

Như mộng, như ảo ảnh

Như thành Càn thát bà

Như tiếng vang, bóng nước

Như trăng nơi đáy nước

Như hoa đốm hư không

Như vòng tròn lửa quay

Ngươi (tên họ…)

Phải nhất tâm nghe nhận

Tất cả: DUY TÂM HIỆN

Tất cả: DUY TÂM HIỆN

Tất cả: DUY TÂM HIỆN

Hãy cho người cơ hội

Tụng chư Kinh, và Chú

Phục vụ cho chính mình

Và cho toàn gia mình.

10 – Hãy đem hết sở hữu của vong nhân mà bố thí hoặc cúng dường. Trước nên nói bên tai người đang hấp hối, hoặc vong linh bảy (7) lần:

Đây là của cải do ngươi (tên họ, v.v…) tích lũy trong khi còn sống. Nay ngươi đã chết, không thể mang theo. Ta vì ngươi sẽ đem nó làm việc bố thí, cúng dường, nguyện nhờ phước lực nầy mà ngươi và hết thảy chúng sanh đồng được sanh về cõi lành, gần gũi chư Phật, Bồ tát, và chư Thượng Thiện Nhơn, không còn phải bị cảnh bôn ba vất vả, tranh đấu với đời để lo miếng cơm manh áo.

11. Việc đốt giấy vàng mã, cũng như  mướn người khóc theo đám tang phải tuyệt đối cấm kỵ. Kèn, địch, sáo, thiều có thổi cũng không ngại, nhưng chớ quá sầu thảm, sẽ khiến cho vong linh mê theo âm điệu mà đi vào chốn Địa ngục! Tốt hơn hết là mướn họ hòa tấu để cúng dường Tam Bảo.

12. Phải chuẩn bị phẩm vật để cúng dường chư Tăng, Ni: Tốt  nhứt là do người chết để lại, hoặc chọn các thứ như: Những vật thường dùng của nhà tu theo hạnh đầu đà, thuốc thang, tọa cụ, cà sa, giày, tích trượng, gậy, mão, bình bát, kinh, luận, sà-bông, khăn tắm, đối với chư Ni thì nên thêm băng vệ sinh, quần nâu, hoặc tiền bạc v.v…) Tùy theo giàu nghèo mà chi lớn nhỏ, rộng hẹp, chớ có câu nệ hoặc e ngại. Đừng vì người khen mà làm.

13 - Những người đến hộ niệm: ….. Nên vì người chết mà cúng dường. Nếu người không nhận thì nên vì người chết lễ tạ ba lạy.

14 - Những người giúp cho việc tống táng: (Thân nhân) Cũng nên vì người chết mà chiêu đãi tử tế, và giúp cho tiền bạc, cùng phẩm vật mà hội “Đạo Tỳ” yêu cầu chẳng hạn như xà-bông, khăn tắm, lược chải, dây, đòn gánh, v.v…

TỲ LÔ GIÁ NA

PHẬT ĐẠI QUÁN ĐẢNH QUANG

ĐẠI BẢO QUẢNG BÁT LẦU CÁT

THIỆN TRỤ BÍ MẬT

 

NGHI QUỸ TỔNG QUÁT

***

Thân Trung Ấm

ĐƯƠNG LÚC CHẾT

(Tử Hữu)

***

Thượng căn

Giáo Lý Bí Mật về Thân Trung Ấm ở đây thuộc về Bí Mật Thừa. Nó được sử dụng để tiếp độ các bậc Du già hành giả trong lúc lâm chung để đạt được Phật quả trong đời hiện tại như Mật tông đã chủ trương.

CÓ THỂ HIỆP NHỨT VỚI PHÁP THÂN HAY KHÔNG, ĐÓ LÀ DO TỬ HỮU CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ GIẢI THOÁT Ở MỘT TRONG HAI GIAI ĐOẠN SAU HAY KHÔNG.

HAI (2) GIAI ĐOẠN NẦY XẢY RA NHANH THÌ MỘT (1) SÁT NA, VÀ LÂU NHỨT LÀ MỘT (1)  NGÀY.

GIAI ĐOẠN THỨ I

Các Đại Lần Lượt Tan Biến Vào Nhau

(có nhiều trường phài chủ trương giai đoạn nầy thuộc giai đoạn của Trung Hữu!)

ĐỊA ĐẠI --à THỦY ĐẠI

Tiền trình  nầy bắt đầu bằng sự tan biến của Địa đại vào Thủy đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu vàng. Tử Hữu sẽ thấy và kinh nghiệm rằng tất cả mọi vật đều bị tan rã bởi những cơn lụt và động đất dữ dội. Tử Hữu không thể nào đứng vững bởi vì sức mạnh trong người bị tan biến một cách nhanh chóng phi thường. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng và thiền quán về những hiện tượng màu vàng kia đồng với cái tâm của mình, tất cả mọi hiện tượng màu vàng kia chính là tâm, tâm chính là hiện tượng mang hình sắc màu vàng không hai không khác. Nói cách khác, nếu Tử Hữu có thể vượt qua sự đối đãi nhị nguyên của tâm và sắc (hiện tượng giới) vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Ratnaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

THỦY ĐẠI à HỎA ĐẠI

Giai đoạn thứ hai, Thủy đại tan biến vào Hỏa đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu trắng. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị nước bao trùm khắp nơi. Trong khoảng thời gian nầy, những người chung quanh sẽ thấy mặt và môi của Tử Hữu trở thành khô cằn một cách nhanh chóng. Bản thân Tử Hữu cảm thấy rằng mình rất khát nước. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng và thiền quán về những hiện tượng màu trắng kia đồng với cái tâm của mình, tất cả mọi hiện tượng màu trắng chính là tâm, tâm chính là hiện tượng mang hình sắc màu trắng không  hai không khác. Nói cách khác, nếu Tử Hữu có thể vượt qua sự đối đãi nhị nguyên của tâm và sắc vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Vajraparamita Bodhisattva (Pháp thân).

HỎA ĐẠI --à PHONG ĐẠI

Giai đoạn thứ ba là Hỏa đại tan biến vào Phong đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu đỏ. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị cháy đỏ khắp  nơi. Trong khoảng thời gian nầy, hơi ấm trong người của Tử Hữu sẽ biến mất. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng nhứt tâm quán sát những kinh nghiệm nội tại và những kinh nghiệm ngoại tại tất cả chỉ do tâm hiện và không có gì có thể xuất hiện ngoài tâm của mình. Nếu Tử Hữu chứng được lý Duy Tâm Sở  Hiện vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Dharmaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

PHONG ĐẠI -à HƯ KHÔNG ĐẠI

Giai đoạn thứ tư, tuy nhiên, nếu  hành giả vẫn chưa thành tựu được ở giai đoạn nầy thì Phong đại sẽ tan biến vào Hư không đại. Khi mà sự hòa tan nầy xảy ra thì tất cả mọi hiện tượng đều biến thành màu xanh lá cây. Bên ngoài thì Tử Hữu sẽ kinh nghiệm rằng toàn thể vũ trụ đều bị những luồng gió khủng khiếp thổi tan biến không còn gì cả. Bên trong thì Tử Hữu sẽ nghe tiếng gầm thét như trăm ngàn tiếng sấm nổ. Lúc bấy giờ, Tử Hữu cần phải cố gắng tập trung tư tưởng nhứt tâm quán sát tất cả ánh sáng, âm thanh và màu sắc mà mình đang trải qua thật ra chỉ do tâm hiện và không có gì có thể xuất hiện ngoài tâm của mình. Nếu Tử Hữu chứng được lý Duy Tâm Sở  Hiện vào lúc nầy thì đồng thời chứng được địa vị của đức Karmaparamita Bodhisattva (Pháp thân).

HƯ KHÔNG ĐẠI -à THỨC ĐẠI

Giai đoạn sau cùng, nếu hành giả vẫn chưa thành tựu được đạo quả thì Hư không đại sẽ tan biến vào với Thức đại. Nói cách khác, tất cả những luồng gió nghiệp sẽ hòa tan vào ống dẫn trung tâm. Người thường cho rằng đó là “giai đoạn mất tri giác.” Lúc bấy giờ, Tử Hữu nhập vào cảnh giới tối tăm mù mịt, và mất đi tất cả mọi cảm giác và tri giác. Hãy tập trung tư tưởng trong thể nhứt tâm bất loạn và hãy nhận ra rằng tâm mình chính là tự tánh của Pháp giới, chính là quang minh. Nếu Tử Hữu có thể chứng được bản tâm và quang minh vốn là một, không sai khác thì đồng thời chứng được địa vị của đức Buddhalocana Bodhisattva (Pháp thân).

Lúc bấy giờ tất cả Ngũ đại đều bị hòa tan và Tử Hữu sẽ không thể nào di chuyển được bất cứ chi phần nào của thân thể cả.

GIAI ĐOẠN THỨ II

Giọt Trắng và Giọt Đỏ Của Bồ Đề Tâm Xuất Hiện

GIỌT TRẮNG ĐI XUỐNG

(Biểu tượng của phương tiện thiện xảo)

Đầu tiên, hơi thở sẽ dứt bặt, Tử Hữu đi vào cảnh giới tối tăm do Hư không đại hòa tan vào Thức đại (từ một sát na đến trọn cả bữa ăn.)

Ngay sau đó, Tử Hữu sẽ thấy một điểm sáng [hoặc một giọt trắng mà người Tây Tạng gọi là bindu điểm sáng ấy là hiện tướng của Bồ đề tâm (Bodhicitta: Bồ đề tâm ở đây, chính là tự tánh của tâm thanh tịnh hiển tướng, chớ không phải là Bi tâm được tạo ra do sự nguyện ước cứu độ chúng sanh mà có nhiều nơi cho rằng cả hai giống nhau!] nó xuất hiện tại giữa hai lông mày trước trán rồi lần lần đi xuống; đây là loại Bồ đề tâm tích cực (male-energy), biểu tượng của phương tiện thiện xảo (upaya).

Khi mà điểm trắng đi xuống thì Tử Hữu sẽ thấy tất cả hiện tượng đều mang một màu trắng. Lúc bấy giờ, trong một sát na, tất cả 33 loại sân hận sẽ hoàn toàn biến mất, đến như mối hận bất cộng đái thiên với bất cứ ai đi nữa cũng tan biến không sót thừa.

Cùng lúc đó, Tử Hữu trải kinh nghiệm của Trí lạc, đó là bản chất của Ứng thân (Nirma-nakaya). Thân bất tịnh nầy sẽ được chuyển hóa thành Ứng thân thanh tịnh. Đây là thánh thể ứng hiện nơi thế gian và cũng chính là thân trong cảnh giới tâm linh siêu việt của các bậc Đại Đạo Sư và chư Bồ tát khi thị hiện nơi nhân thế.

Ứng thân thể hiện bằng Trí Lạc vượt qua sự chấp trước của thế giới nhị nguyên. Nếu trải qua kinh nghiệm nầy và nhận ra Trí lạc kia thì Tử Hữu sẽ chứng được địa vị của đức Bất Động (Aksobhya) Như Lai (có nơi nói là Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), bản chất của Phật thân, điều nầy cũng không có gì sai trái cả vì đức Vajrasattva chính là hóa thân của đức Bất Động Như Lai vậy.

GIỌT ĐỎ ĐI LÊN

(Biểu tượng của Trí Tuệ)

Sau đó, Tử Hữu sẽ thấy một điểm sáng màu đỏ từ dưới đan điền đi lên từ từ. Đây là thứ Bồ đề tâm tiêu cực (female energy), biểu tượng của trí tuệ. Khi mà điểm sáng đỏ đi lên, Tử Hữu sẽ thấy tất cả hiện tượng đều trở thành màu đỏ. Trong khoảng thời gian nầy, 40 loại tham dục đều bị tan biến, ngay cả gặp hình ảnh rất đáng yêu của các Thiên nữ hay các Thiên nam, Tử Hữu cũng sẽ không có tâm tham ái nổi lên.

Cùng lúc đó, Tử Hữu trải qua kinh nghiệm của Trí lạc tối thượng, đây là bản chất của Báo thân (Sambhogakaya). Ngữ/ Khẩu bất tịnh của chúng sanh sẽ được chuyển hóa thành Báo thân thanh tịnh.

Báo thân thể hiện bằng Trí lạc Tối Thượng, cái Lạc nầy thâm sâu và trường cửu. Nếu nhận ra được Trí Lạc Tối Thượng nầy thì Tử Hữu sẽ chứng được địa vị của đức Vô Lượng Quang (Amitabha) Như Lai. Vô Lượng Quang Như Lai chính là bản thể của Khẩu bí mật của chư Phật.

GIỌT TRẮNG VÀ GIỌT ĐỎ GẶP NHAU TẠI LUÂN XA TRÁI TIM

Biểu tượng của Đại Ấn (Mahamudra) viên thành

Nếu vẫn chưa đạt được sự giác ngộ, Tử Hữu sẽ thấy điểm (giọt) sáng trắng và điểm sáng đỏ sẽ gặp nhau ở Luân Xa Trái Tim. Khi mà cả hai điểm nầy giáp nhau thì Tử Hữu sẽ trải qua kinh nghiệm mờ ảo, như màn đêm khi trăng non vừa mới xuất hiện, và bảy (7) loại  vô minh sẽ tan biến.

Cùng lúc đó, Tử Hữu sẽ trải qua kinh nghiệm của Trí Tuệ Siêu Lạc và lập tức chuyển hóa tâm mình làm một với tâm của chư Phật, Tâm Bí Mật đó chính là đức Đại Nhựt (Mahavairocana) Như Lai vậy.

Tâm nhị nguyên của Tử Hữu sau khi chuyển hóa sẽ trở thành Pháp thân (Dharma-kaya) của chư Phật Như Lai.

Trí Tuệ Siêu Lạc chính là  Pháp thân. Nó vượt qua tất cả mọi khái niệm, thậm thâm và không thể nào phá  hủy. Lúc bấy giờ, Tử Hữu không cần phải dụng công tu tập, nó cũng đến một cách tự nhiên và tự phát. Tử Hữu nếu có thể nhận ra cảnh giới nầy thì liền đạt được sự giác ngộ viên mãn.

Thân Bí Mật của chư Phật chính là đức Bất Động Như Lai, Khẩu Bí Mật của chư Phật chính là đức Vô Lượng Quang Như Lai. Tâm Bí Mật của chư Phật chính là đức Đại Nhựt Như Lai, và Đại Nhựt Như Lai cũng chính là căn nguyên của chư Phật.

Nếu không đạt được giác ngộ lúc nầy thì Tử Hữu sẽ bị lạc vào Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu). Ngoài Phật lực, Bồ tát Hạnh nguyện lực, Thần chú/ Chân ngôn/ Đà ra ni lực, Pháp giới lực thì Nghiệp lực là hạng kế vậy. Một khi bị Nghiệp lực chủ trì và lôi kéo thì khó có gì ngăn cản nó nổi. Ôi! Một phen mất thân người  nẻo dị loại mang lông đội sừng biết đến bao giờ mới ra khỏi!

Khi giọt trắng và giọt đỏ của Bồ đề tâm gặp nhau tại Luân Xa Trái Tim, Tử Hữu nào thành tựu được thiền quán thậm thâm nơi kiếp  nầy sẽ lập tức nhận ra bản chất chân thật của tâm. Tâm quán chiếu Tánh Không và Tánh Không hợp nhứt thì Tử Hữu không cần phải dụng công mà nó tự phát khởi không gián đoạn.

Tâm quán chiếu Tánh Không (sunyata) trong lúc sanh thời gọi là con; tự tánh chân thật của tâm được gọi là Mẹ.

Khi mà hành giả nhận ra tự Tánh Không của tâm, và sự nhận ra kia cũng không thì lúc bấy giờ hành giả đạt được sự giác ngộ tối cao, đó chính là nhận ra Pháp thân (Dharmakaya) Bình đẳng của chư Phật Như Lai vậy.

TRUNG CĂN

Phần nầy dành riêng cho người đi trợ giúp (hộ niệm). Phương pháp hoán chuyển Thần thức được sử dụng bằng hai cấp độ.

PHƯƠNG PHÁP THỨ I

HOÁN CHUYỂN THẦN THỨC BẰNG PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO CỦA MẬT TÔNG

***

Nên nhớ, trước khi bắt đầu việc hoán chuyển Thần thức điều cần nhứt là hành giả biết chắc rằng người nhận chịu sự trợ giúp của mình sẽ chết. Trái lại, chính là sát nhân, còn người nhận chịu sự trợ giúp trở thành kẻ tự tử. Cả hai sẽ phải trả một giá rất đắt của việc mình làm nơi Địa ngục. Đây không phải là một việc đùa giỡn, cũng không phải là chỗ thí trường cho những người không am tường về  Y lý và Phật lý.

Đối với những người đã nhận được vài lễ quán đảnh và thực hành thiền quán thì thân thể của họ có thể là chỗ ở của những bậc thần linh của Mật tông. Thực hành phương pháp nầy, hoặc phương pháp Phowa trước khi lâm chung chính là hành động tự sát, và sẽ cắt đứt dây liên lạc với những bậc Thần linh.

Căn cứ vào sự khẩu truyền của bậc A xà lê và chư Thượng nhân tại Việt Nam cũng như Tây Tạng, thuộc Mật tông, thì Thần thức có thể rời khỏi xác thân nhờ vào một trong chín cửa mà lúc nào cũng mở ra. Con đường mà Thần thức đi qua sẽ ảnh hưởng đến việc thọ thân trong tương lai.

1. Nếu thoát ra từ hậu môn thì người chết sẽ về Địa ngục giới;

2. Nếu thoát ra từ dương vật/ âm hộ thì sanh về Súc sanh giới;

3. Nếu thoát ra từ miệng thì sanh về Ngạ quỷ giới;

4. Nếu thoát ra từ mũi thì sanh về Nhơn giới hoặc về cảnh giới ngang với  người;

5. Nếu thoát ra từ rún sẽ sanh về Dục giới;

6. Nếu thoát ra từ lỗ tai thì sanh về A tu la giới;

7. Nếu thoát ra từ mắt kể cả giữa hai chân mày thì sanh về Sắc giới;

8. Nếu thoát ra từ đảnh đầu kể từ chân tóc về sau bốn (4) lóng tay thì sanh về Vô sắc giới;

9. Nếu thoát ra từ đảnh đầu gần xoáy tóc Cửa Thanh Tịnh hoặc còn gọi là Cửa Mở Phạm Thiên thì sanh về Cực Lạc quốc độ của Phật Vô Lượng Quang (Amitabha), hoặc tùy nguyện vãng sanh chư Tịnh độ…

Duy thức tông chủ trương rằng:

1. Thần thức ra từ đảnh là về cảnh giới Thánh,

2. Thần thức ra từ mắt là về cảnh giới Trời,

3. Thần thức ra từ ngực là về cảnh giới Người

4. Thần thức ra từ dưới rún bốn lóng tay (đan điền) là về cảnh giới Thú,

5. Thần thức ra từ đầu gối là về cảnh giới Ngạ quỷ

6. Thần thức ra từ chân là về cảnh giới Địa ngục.

Không có gì sai cả, tùy theo sự phân chia cơ thể mà thành lập. Nói chung theo Duy thức thì  phải bít năm (5) cửa lại chỉ trừ đảnh môn. Nhưng Duy thức tông không có dạy cách thức đóng các cửa lại như của Mật tông!

Theo ngu ý thì nên quán các chủng tử A hoặc HRIH màu đỏ rực rỡ nơi năm (5) cửa kia để giúp Thần thức ra bằng đảnh môn. Phương pháp sẽ được hướng dẫn ở phần dưới.

Theo Mật tông, tất cả tám (8) cửa kia phải bị đóng lại, trừ cửa ở đảnh môn.

Nghiệp tích chứa trong lúc sanh tiền quyết định Thần thức thoát ra nhanh hay chậm. Nếu trong lúc sanh tiền làm những việc ác thì Thần thức sẽ lập tức thoát ra khỏi thân sau khi hơi thở ngưng hô hấp. Một khi Thần thức rời khỏi xác thân thì rất khó mà kêu nó lại. Các bậc đại Du già hành giả như Mi-la-rơ-pa v.v… có thể kêu gọi Thần thức trở lại nhập vào xác, nhưng ngày nay không có mấy ai làm nổi.

Khi mà vị tu sĩ Mật tông được báo tin về cái chết của một người nào mà Ngài muốn trợ  niệm thì Ngài sẽ lập tức quán chiếu về đức Quán Thế Âm Bồ tát (có nơi chủ trương đức Vô Lượng Quang Như Lai) và nhập làm một với đức Bồ tát, đồng thời, quán tưởng ở giữa ngực của mình có một bông sen, một mặt trăng và một chủng tử HRIH  màu đỏ. Chủng tử HRIH từ tâm của vị tu sĩ Mật tông phát ra tám tia sáng, mỗi tia sáng đều có chủng tử HRIH nhỏ hơn chiếu đến tám (8) cửa của vong nhân để bít lối khiến cho Thần thức không thể nào chui ra từ các ngõ đó. Chỉ có những vị hành giả đạt được trình độ quán chiếu cao mới có thể thực hành theo cách thức nầy từ xa.

Theo như truyền thống của Thai Tạng Giới nhứt là của tôn kinh Đại Nhựt thì chủng tử A hoặc AM màu đỏ được sử dụng để bít các cửa. Khi sử dụng chủng tử A/AM thì phải quán đức Đại Nhựt Như Lai thay vì đức Quán Thế Âm Bồ tát.

Rồi giảng cho Thần thức của vong nhân nghe giáo lý về Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu).

Nếu người sắp chết muốn ngủ hay hai mắt nặng trĩu thì nên giúp họ tỉnh thức (vì ngủ/hôn trầm là tướng ngu si ắt sẽ đi vào đường Súc sanh) bằng cách cùng một lúc mà chận nhịp đập của cả hai mạch lớn nơi hầu/ cổ (jugular veins) để buộc các luồng sinh khí (người Âu Mỹ dùng chữ “wind”) đi vào ống dẫn trung tâm và không thể nào đi ngược trở lại, nhờ vậy Thần thức sẽ dễ dàng thoát ra từ trên đảnh môn.

Nhưng phương pháp nầy không phải dễ làm, nếu vội vàng, hoặc bất cẩn thì sẽ trợ giúp cho người hấp hối chóng chết mà thôi. Xin hãy cẩn thận cho lắm.

Nếu sử dụng phương pháp nầy thì nên khẽ bảo nhỏ nơi tai người sắp chết (nhớ đừng chạm xúc người sắp chết vào lúc nầy, Thần thức có thể theo ra mà đi vào A tu la giới):

Nầy thiện nam tử/ thiện nữ nhơn (tên là… pháp danh…) Bây giờ là giây phút quan trọng của đời mình, hãy tìm cách trở về với chân tâm của chính mình. Hơi thở ra sắp chấm dứt, người đang trở về với chân tâm sáng suốt và rộng lớn như hư không, nó không có trung tâm điểm, cũng không có ranh giới. Vào lúc nầy, hãy nhận ra chân tâm của mình, và hãy an trụ trong kinh nghiệm kia. Tôi sẽ giải thích về nó nữa cho đến khi nào người được thông suốt mới thôi. Đừng nghĩ gì khác!

(lập lại cho đến khi hơi thở ngưng bặt)

Khi hơi thở dứt bặt (bắt đầu bước vào Thân Trung Ấm của giai đoạn đầu của đời sống sau cái chết tức là Tử Hữu), việc đầu tiên là phải đặt người sắp chết theo tư thế nằm ngủ của đức Thích Ca (thế sư tử nằm), chận nhịp đập của cả hai mạch lớn nơi hầu/ cổ (jugular veins) để buộc các luồng sinh khí đi vào ống dẫn trung tâm và không thể nào đi ngược trở lại, nhờ vậy Thần thức sẽ dễ dàng thoát ra từ trên đảnh môn. Nhưng, phương pháp nầy không phải dễ làm, nếu vội vàng, hoặc bất cẩn thì sẽ trợ giúp cho người hấp hối chóng chết mà thôi. Xin hãy cẩn thận cho lắm. Cho nên, ở đây cần phải nhấn mạnh một lần nữa.

Trong trường hợp người hộ niệm trên đường đi đến chỗ vong nhân thì vị ấy phải quán chiếu liên tục về đức Quán Thế Âm Bồ tát và đồng thời gởi các chủng tử HRIH (hoặc chữ A) đến vong nhân để ngăn chặn Thần thức thoát ra. Nếu Thần thức không được giữ trong thân thể theo

 

 

 

 

 

cách thức nầy, nó sẽ bị lạc vào vòng sanh tử luân hồi (Samsara).

Khi đến nơi người quá cố, người hộ niệm sẽ quán chiếu thân thể của vong nhân chính là thân của vị Thần hộ mệnh của Ngài hoặc bậc Thần linh Ngài đang thờ phụng. Rồi lập tức, Ngài nhập sâu vào thiền định và bắt đầu giảng dạy giáo lý về Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu) cho Thần thức của vong nhân. Nếu sử dụng phương pháp nầy thì khẽ bảo nhỏ nơi tai người sắp chết (nhớ đừng chạm xúc người sắp chết vào lúc nầy, Thần thức có thể theo ra mà đi vào A tu la giới):

Nầy thiện nam tử/ thiện nữ nhơn (tên là… pháp danh…)  Bây giờ là giây phút quan trọng của đời mình, hãy tìm cách trở về với chân tâm của chính mình. Hơi thở ra sắp chấm dứt, người đang trở về với chân tâm sáng suốt và rộng lớn như hư không, nó không có trung tâm điểm, cũng không có ranh giới. Vào lúc nầy, hãy nhận ra chân tâm của mình, và hãy an trụ trong cảnh giới không chướng ngại kia. Tôi sẽ giải thích về nó nữa cho đến khi nào người được thông suốt mới thôi. Đừng nghĩ gì khác!

(lập lại cho đến khi hơi thở ngưng bặt)

Sau đó, bằng vào uy lực của Thần chú, đại nguyện, vận chưởng, hoặc pháp môn Phowa, Ngài sẽ cố gắng khiến cho vong linh tỉnh táo lại và đẩy Thần thức của vong nhân lên đảnh môn khiến cho vong nhân được đi vào cảnh giới giải thoát của chư Thánh.

PHƯƠNG PHÁP KHIẾN CHO THẦN THỨC CỦA VONG NHÂN ĐI LÊN CỬA THANH TỊNH MÀ THOÁT RA

1. Phải xét xem chỗ nào trong thân của vong nhân còn ấm trước, nên nhớ chớ có chạm mạnh vào người chết. Nếu có máy đo thân nhiệt thì hay nhứt. Nếu có chỗ đương ấm - chẳng hạn như ở vùng ngực, còn các chỗ khác đều lạnh – thì phải biết rằng Thần thức của kẻ ấy vẫn còn.

2. Khi đó phải y theo pháp môn mà vong nhân tu tập lúc lâm thời mà to tiếng niệm, hoặc cùng nhau niệm Phật, tụng Thần chú, tiếng chuông không ngớt, và nên dùng phương pháp vận chưởng để giúp đỡ cho Thần thức của vong nhân theo đó đi dần lên đến đảnh môn mà thoát ra.

Phương pháp vận chưởng là đưa hai tay ngang nhau vần chuyển thuận theo chiều kim đồng hồ mà đi lên, và phải úp hở trên chỗ ấm, không nên cho động đến thân, phải cách thân độ nửa tấc. Pháp môn nầy chỉ có thể thành tựu nếu và chỉ nếu người sử dụng vận chưởng biết dùng “lửa Tam muội” để đẩy Thần thức lên đảnh môn.

Hai mắt phải chăm chú nơi hai tay và thầm tưởng tượng Thần thức của vong nhân phải theo tay mình mà đi trở lên đến đảnh môn.

Miệng thì thầm khấn rằng:

Nam mô Đại từ Đại bi A Di Đà Phật.

(hoặc Bất Động Như Lai , hoặc Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc Nguyệt Trí Như Lai, v.v…)

Xin Ngài tiếp dẫn cho vong linh tên… Pháp danh… sẽ từ trên đảnh môn mà ra, và sanh về Thế giới Cực Lạc phương Tây của Ngài. (hoặc Thế giới Diệu Hỷ, Tịnh Lưu Ly nơi phương Đông, hoặc Quang Minh Cảnh v.v…)

Quyết định vãng sanh!

(nạt hơi lớn để cảnh tỉnh)

Như vậy, tinh thần chăm chú, tay vần, miệng niệm, cả ba nghiệp đều thi hành, nếu mỏi thì đổi người khác luân phiên nhau tiếp. Hoặc nửa ngày hoặc một ngày, không nên nửa chừng mà thôi nghỉ. Phải làm cho đến khi khắp các chỗ trong thân đều lạnh hết, chỉ còn lưu lại một chút hơi ấm trên đảnh môn mới thôi.

Thần thức của vong nhân đã được hồng danh của Phật (hoặc Thần chú) và tiếng chuông cảnh tỉnh không thôi; lại được vận chưởng, tâm thần chăm chú trợ niệm không nghỉ, thì hoặc chậm hoặc mau, chắc chắn sẽ phải xoay trở lên trên đảnh môn mà ra, và được thấy Phật Vô Lượng Quang, vãng sanh Cực Lạc Quốc…

Phải nhờ người có lòng từ bi và biết phương pháp cứu độ Thân Trung Ấm, chớ không phải bạ đâu nhờ đó, khiến cho vong nhân tủi hờn thì không hay. Bà con, quyến thuộc không ai được khóc lóc, kể lể, than van, cũng không được ăn thịt uống rượu, phải hết lòng trợ giúp người quá cố vãng sanh Cực Lạc, hoặc bất kỳ quốc độ nào mà vong nhân ưa thích.

Nếu phương pháp nầy (cũng như Phowa) thành tựu thì có những dấu hiệu ở trên đảnh đầu của vong nhân sẽ xuất hiện. Những dấu hiệu đó là một giọt máu hoặc đảnh đầu sẽ nhô lên. Cho đến khi những dấu hiệu nầy xuất hiện, vị tu sĩ Mật tông vẫn tiếp tục giảng dạy giáo lý về Thân Trung Ấm đương khi chết (Tử Hữu).

Pháp môn trên dành cho những hành giả Du già của Mật giáo.

Những người tu tập theo các pháp môn khác, như Tịnh độ tông, hoặc vong nhân là kẻ phá giới, làm những điều ác, hủy phạm bậc Đạo sư, thì những dấu hiệu tốt lành có thể không xuất hiện gì cả. Trong trường hợp đó, vị tu sĩ Mật tông phải tiếp tục dùng Bi Tâm mà giảng dạy giáo lý cứu độ Thân Trung Ấm cho vong nhân, hoặc có thể theo cách thức sau:

PHƯƠNG PHÁP THỨ II

CỨU ĐỘ THÂN TRUNG ẤM

HƯỚNG DẪN THẦN THỨC CỦA VONG LINH

VÃNG SANH VỀ THẾ GIỚI CỰC LẠC CỦA

PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG/ A MI TA/ A DI ĐÀ

Nếu không có vị thành tựu giả giúp đỡ thì chỉ thành ‘dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi!

Sau đó, vong nhân sẽ bị bất tỉnh trong vòng ba ngày rưỡi, rồi thì Thần thức của họ sẽ gá vào Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu), nơi đó họ thật sự biết rằng mình đã chết.

Thân Trung Ấm

SAU KHI CHẾT

(Trung Hữu)

Bậc trung trung thì cần có người luôn luôn sách tấn bên tai. Người sách tấn cần phải biết Trung Hữu hiện đang đối đầu với cảnh giới nào thì mới mong có kết quả chắc thực như kinh thuyết, nếu không thì khó mà được giải thoát, nhứt là khi các bậc Thần linh mang hình tướng phẫn nỗ và hung mãnh hiện ra thì khó mà tránh khỏi cảnh “bạt vía kinh hồn!” Rồi bị lạc vào Ba cõi, Sáu đường của vòng sanh tử luân hồi.

TU THEO TỊNH ĐỘ TÔNG

(Thượng Trung)

***

Sau khi chết được ba ngày rưỡi, trong tình trạng vô thức, thì vong nhân tự tỉnh, đây là giai đoạn Thân Trung Ấm sau khi chết, cũng còn được gọi là Trung Hữu. Giai đoạn Tử Hữu không còn nữa.

Theo truyền thống của đạo Phật thì lúc bấy giờ gia quyến của vong nhân đang làm lễ tuần thất thứ nhứt (1), [cả thảy là 7 thất, cộng chung là 49 ngày]. Người hành lễ, thường là chư Tăng/ Ni, nếu không phải là bậc tu hành chân chánh, đạo hạnh nghiêm mật, mà chỉ biết tụng kinh, đọc chú cho hết câu, hết chữ, cúng vái cho qua loa thì Trung Hữu sẽ thấy biết rõ ràng và sẽ mất lòng tin với chư vị và Chánh Pháp. Bấy giờ Trung Hữu lập tức sẽ bị đọa lạc!

Thần thức thủ đắc đại lực khi thọ Thân Trung Ấm. Nếu nghĩ đến cõi Cực Lạc thì lập tức tâm sẽ thanh tịnh và được giải thoát. Tuy nhiên, vì nghiệp lực nặng nề nên hầu hết con người khi chết chỉ biết hoảng hốt, lo sợ, đau sầu chớ không có tâm trí đâu mà nghĩ đến những cảnh giới cao thượng kia. Đây là khoảng thời gian mà nghiệp lành nghiệp dữ tranh giành cùng nhau. Vong nhân phải lệ thuộc vào những hành vi thiện ác trong đời của mình. Làm ác thì phải bị quả xấu, dù muốn bỏ nó cũng không được!

Người hộ niệm cần phải gia công niệm hồng danh của đức Phật cho nhiều, giọng ấm, rõ, chớ có kéo lê ê-a. Thỉnh thoảng đọc 48 lời nguyện của Phật A di Đà, hoặc 12 lời nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc y kinh Hoa Nghiêm đọc phẩm Thọ Lượng, xướng hồng danh Nguyệt Trí Phật của Quang Minh Cảnh Thế Giới, hoặc đọc các kinh mà thuở sanh thời vong linh ưa thích tụng đọc. Rồi sách tấn.

Nam mô Đại từ Đại bi A Di Đà Phật.

(hoặc Bất Động Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc Nguyệt Trí Như Lai v.v…)

Xin Ngài tiếp dẫn cho vong linh tên … Pháp danh… sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây của Ngài.

(hoặc thế giới Diệu Hỷ/ Tịnh Lưu Ly nơi phương Đông, hoặc Quang Minh Cảnh v.v…)\

Quyết định vãng sanh!

(nạt hơi lớn để cảnh tỉnh)

Cứ như thế mà làm, duy trì được bảy ngày thì càng tốt. Y theo các qui điều căn bản của “tang chế” mà làm. Ngoài ra, nếu có thể nên in kinh ấn tống, hoặc mời Pháp sư giảng Kinh, Luận thuộc Tịnh độ tông cho chúng sanh nghe. Rồi, đem công đức đó mà hồi hướng cho vong linh và hết thảy chúng sanh.

SAU ĐÓ…

Thần thức khi nhận ra mình đang ở trong tình trạng của Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu)… Hiện tại, dòng sanh tử luân hồi đang đình chỉ, cảnh giới phàm phu bị ẩn mất. Cảnh giới thanh tịnh của tự tâm (Vô cấu thức) sẽ một lần nữa hiển bày, nơi đó tất cả mọi hiện tượng sẽ là quang minh và ánh sáng cùng chư Thần linh sẽ lần lượt xuất hiện.

ĐỨC ĐẠI NHỰT NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Khoảng giữa ngày Thứ Nhứt và ngày Thứ Hai)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Nầy Trung Hữu! Hãy cố gắng đi theo Quang minh màu xanh cực kỳ rực rỡ kia.

Hãy biết ơn đức Đại Nhựt Như Lai vì đại bi mà Ngài hiện thân ra tiếp rước khiến cho mình được giải thoát.

Nếu cố gắng nghĩ như vậy, và khẩn cầu sự gia hộ nơi đức Đại Nhựt Như Lai thì tự tâm và Quang minh xanh cực kỳ rực rỡ của đức Như Lai sẽ hợp làm một. Sự hợp nhứt nầy sẽ khiến cho mình đạt được địa vị của Báo Thân Phật (Sambhogakaya). Ôi! Còn gì sung sướng cho bằng.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì do năng lực của thiện nghiệp lôi kéo Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC BẤT ĐỘNG NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Ngày Thứ Hai)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Hãy cầu nguyện lên đức Bất Động Như Lai và chư Thánh Chúng, xin chư Phật Bồ tát gia hộ khiến cho Trung Hữu thoát khỏi những khủng bố của Thân Trung Ấm.

Trung Hữu phải nhớ rằng Quang minh cực trắng kia là Trí quang hợp cùng với Tâm đại bi, phải hợp nhứt cùng với luồng Quang minh cực trắng nầy.

Hãy cố gắng nhận ra rằng Quang minh cực trắng lưu xuất từ chư Phật Bồ tát cùng Bản tâm của Trung Hữu y hệt như nhau trên Bản chất; không có sự khác biệt giữa bản tâm và Quang minh.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân, thì do năng lực của sân tâm lôi kéo Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC PHẬT BẢO SANH XUẤT HIỆN

(Ngày Thứ Ba)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Bằng vào sự thành kính và nhứt tâm bất loạn hướng về đức Bảo Sanh Như Lai và chư vị Bồ tát, Trung Hữu sẽ hiệp nhứt Bản tâm với Quang minh màu vàng ròng cực kỳ rực rỡ và hãy để nó an nghỉ trong tình trạng tự nhiên.

Hãy cố gắng nhận ra rằng Quang minh màu vàng ròng cực kỳ rực rỡ lưu xuất từ chư Phật Bồ tát cùng Bản tâm của Trung Hữu y hệt như nhau trên Bản chất; không có sự khác biệt giữa Bản tâm và Quang minh.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG XUẤT HIỆN

(Ngày Thứ Tư)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Bằng vào sự thành kính và nhứt tâm bất loạn hướng về đức Vô Lượng Quang Như Lai và chư vị Bồ tát Trung Hữu sẽ hiệp nhứt Bản tâm với Quang minh màu đỏ cực kỳ rực rỡ.

Hãy cố gắng nhận ra rằng Quang minh màu đỏ cực kỳ rực rỡ lưu xuất từ chư Phật Bồ tát cùng Bản tâm của Trung Hữu y hệt nhau như trên Bản Chất; không có sự khác biệt giữa Bản tâm và Quang minh.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác.

ĐỨC BẤT KHÔNG THÀNH TỰU NHƯ LAI XUẤT HIỆN

(Ngày Thứ Năm)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Bằng vào sự thành kính và nhứt tâm bất loạn hãy hướng về đức Bất Không Thành Tựu Như Lai và chư vị Bồ tát thì Trung Hữu sẽ hiệp nhứt Bản tâm với Quang minh màu xanh lá cây cực kỳ rực rỡ kia.

Hãy cố gắng nhận ra rằng Quang minh màu xanh lá cây cực kỳ rực rỡ lưu xuất từ chư Phật Bồ tát cùng Bản tâm của Trung Hữu y hệt như nhau trên Bản chất; không có sự khác biệt giữa Bản tâm và Quang minh.

Nếu vẫn chưa giác ngộ, và cũng còn phân vân thì Trung Hữu sẽ đi vào một cảnh giới khác tức là ngày thứ sáu (6).

(Ngày Thứ Sáu)

Ở NGÀY NẦY, NGƯỜI HỘ NIỆM PHẢI LUÔN LUÔN SÁCH TẤN NHƯ SAU:

Tất cả chư Phật, Bồ tát, chư Phụng Giáo/ Hộ Pháp, 8 vị thủ môn thần tọa thủ bốn cửa và 42 vị Thiện thần không phải là ai xa lạ mà chính là từ Vô cấu thức huyễn hiện trước mắt Trung Hữu.

Trung Hữu hãy cố gắng nhận ra rằng chư Phật từ các Phật độ xuất hiện để tiếp độ Trung Hữu.

Trong thực tế, toàn bộ Mạn đà la từ bốn phía nhập vào trái tim của Trung Hữu như bông sen có bốn cánh và ở chánh giữa hoa sen tức là trái tim thì có trung tâm đàn nhập vào.

Quang minh của chư Phật hiện ra từ Vô cấu thức của Trung Hữu. Mặc dầu, chư vị từ tự tâm huyễn hiện, nhưng điều trọng yếu nhứt là Trung Hữu phải nhận ra điều nầy.

Đồng thời, Trung Hữu cần phải biết rằng chư vị là Bản Thể của vị Thần hộ mệnh của Trung Hữu, đấng mà Trung Hữu cố gắng hiệp nhứt trong suốt quãng đời tu tập trong thời gian còn sống.

Một lần nữa, bốn Trí quang của bốn đức Phật của bốn phương đồng lúc ấy đều chiếu đến trung tâm trái tim của Trung Hữu.

Trung Hữu cần phải biết rằng những Quang minh nầy đều phát xuất từ Vô cấu thức của Trung Hữu. Hãy hiệp nhứt cùng các luồng Quang minh nầy lập tức chớ có chần chờ!

Nếu Trung Hữu có thể hiệp nhứt tâm mình với tứ trí thì tự tánh chân thật của tánh không (sunyata) sẽ chiếu rọi Trung Hữu, và Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Mặc dầu chấp trước rất sâu nặng vào các thứ ánh sáng nầy, Trung Hữu cần phải từ bỏ chúng mà không cần phải đắn đo suy nghĩ, và hãy an trụ trong sự tĩnh lặng!

Trung Hữu cần phải nhứt tâm cầu nguyện lên Ngũ Như Lai:

Than ôi! Từ lâu con bị Ngũ độc khống chế

Lưu chuyển trong vòng sanh tử luân hồi

Nguyện Ngũ Bộ Như Lai gia trì và hướng dẫn

Cho con trên đường Quang minh của Tứ trí

Nguyện Ngũ Phật mẫu gia hộ cho con

Thoát vòng ảnh hưởng của sáu thứ ánh sáng bất tịnh

Vượt qua tất cả mọi chướng ngại của Thân Trung Ấm!

Nguyện con được sanh về chư Tịnh độ của Ngũ Như Lai.

Bài nguyện trên giúp cho Trung Hữu giữ chánh niệm, bởi vì chỉ cần một niệm tham luyến các thứ ánh sáng của Lục đạo khởi lên cũng đủ để cho mình bị tái sanh trong vòng Sanh tử Luân hồi (Samsara). Nếu điều nầy xảy ra, việc Trung Hữu thọ thân người và được giác ngộ rất là hiếm có.

Tuy nhiên, trong lúc nầy, vẫn còn có ba (3) cơ hội có thể đạt được sự giải thoát.

1. Nhận ra Trí quang rồi hiệp  nhứt với nó.

2. Hãy để cho mình hòa cùng Quang minh của Ngũ Bộ.

3. Dùng năng lực mạnh mẽ của lòng tin kết hợp với đại bi của chư Như Lai.

Trung Hữu sẽ được giải thoát chỉ cần an trụ trong sự nhứt tâm bất loạn, Đại bi của chư Phật cũng từ Bản tâm ta lưu xuất mà hiển hiện, vì vậy, cả hai có thể hiệp nhứt không có gì trở ngại.

Lòng tin, sự tu tập và những lời cầu nguyện chí thành trong thuở sanh thời đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi thọ Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu). Người chân chánh tu hành, một phen phát tâm Vô thượng Bồ đề không phải để cầu danh, để được bọn cụ phược phàm phu khen ngợi, mà phải quyết đạt được Giác ngộ trong đời nầy, đây là chỗ đặc thù của Phật giáo vậy.

Quang minh của Ngũ Như Lai bình đẳng vô phân biệt chiếu soi tất cả chúng sanh không sót thừa, kể cả bọn ngoại đạo, tà kiến, hủy báng Tam Bảo, điều nầy xảy ra vì có ba nguyên nhân chánh:

1. Chúng sanh cũng do Ngũ Ấm giả hợp mà thành. Bản thể của Ngũ Ấm (sunyata) vốn không khác với bản thể của Ngũ Như Lai (sunyata). Nhìn thấy chư Phật chính là một cách khác để nhìn Ngũ Ấm.

2. Đại bi tâm (vì “Ta là Phật đã thành còn các ngươi là Phật sẽ thành”).

3. Tâm bình đẳng vô phân biệt (vì “tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh”).

Ngoài ra thân thể của chúng sanh được dệt nên bằng Ngũ Đại (ở thể Động), vì vậy Ngũ Phật Mẫu (đại diện cho Ngũ Đại ở thể Tịnh) nên quí Ngài cũng quyết đến để cứu độ vong nhân.

Cũng vậy, Quang minh của chư Phật Mẫu bình đẳng vô phân biệt chiếu soi khắp tất cả chúng sanh không sót thừa, nhưng có rất ít người có khả năng nhận ra.

Nếu vẫn chưa nhận ra Tâm Bổn Nguyên thanh tịnh của mình vào lúc nầy (thường là như vậy!) thì Trung Hữu sẽ tiếp tục dấn thân phiêu lưu trên bước đường đầy chông gai phía trước…  

CHƯ TRÌ MINH VƯƠNG (VIDYADHARAS) XUẤT HIỆN

(Ngày Thứ Bảy)

Trung Hữu bước sang ngày thứ bảy, chư Trì Minh Vương bắt đầu xuất hiện, các luồng Quang minh nhiều  màu sắc khác nhau từ trung tâm của cổ lưu xuất ra chiếu rọi khắp nơi, đây là bản chất của Ngữ Bí Mật của chư Như Lai.

Nên nhớ, năm (5) vị Trì Minh Vương và năm (5) vị Trì Minh Phi (Vidyadhari) là Hóa thân của Ngũ Như Lai và Ngũ Phật Mẫu cùng chư Bồ tát quyến thuộc, chớ không phải thứ quỷ thần tầm thường của Tam giới. Năm vị Trì Minh Vương là những biểu tượng của Pháp thân (Dharmakaya). Nhưng vì nghiệp lực xấu ác khiến cho Trung Hữu khiếp sợ trước quí Ngài.

Cũng như các phần trước, bất cứ những hành vi nào dù là thuận theo hay phản kháng khởi lên đối với chư vị Thần linh, và các Quang minh màu sắc khác nhau thì Trung Hữu cần phải biết rằng chúng chỉ là do tự tâm của Trung Hữu huyễn hiện.

Lúc nầy chính là lúc mà Trung Hữu phải tập trung tư tưởng để quán chiếu về các Trí quang và cầu  nguyện sự gia hộ của chư Phật Bồ tát, nhứt là các vị Trì Minh Vương thì Trung Hữu sẽ được giải thoát.

Hỡi chư Trì Minh Vương ! Xin hãy thương xót con

Hướng dẫn con về Tịnh độ Dakpacachod của quí Ngài

Bởi vô minh che lấp từ vô thỉ cho đến nay

Mãi lang thang trong vòng sanh tử luân hồi

Con không biết đường lối tu tập chân chánh

Nguyện chư Trì Minh Vương gia hộ cho con

Khiến con đắc được Tứ trí và Quang minh thanh tịnh

Vượt qua tất cả mọi chướng ngại của Thân Trung Ấm!

Nguyện con chóng viên thành quả vị Phật.

(Ngày Thứ Tám)

Trong ngày thứ tám, đức Đại Nhựt Như Lai hiện thân phẫn nộ thành vị Phật Đại trượng phu (Buddha Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu.

Trên thực tế, vị Phật Đại trượng phu nầy phát xuất từ trung tâm não bộ của Trung Hữu! Nếu Trung Hữu nhận ra điều nầy và quán tưởng Ngài là vị thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì tâm của Trung Hữu và Ngài sẽ không bao giờ tách rời nhau nữa. Kết quả của sự giác ngộ nầy là Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ chín.

(Ngày Thứ Chín)

Trong ngày thứ chín, đức Bất Động Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Kim Cang Đại trượng phu (Vajra Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu.

Trên thực tế, Kim Cang Đại trượng phu phát xuất từ phía Đông não bộ của Trung Hữu!

Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm, Ngài chính là vị thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười.

(Ngày Thứ Mười)

Trong ngày thứ mười, đức Bảo Sanh Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Bảo Đại trượng phu (Ratna Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu.

Trên thực tế, Bảo Đại trượng phu phát xuất từ phía Nam não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ  mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm, Ngài chính là vị thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười một.

(Ngày Thứ Mười Một)

Trong ngày thứ mười một, đức Vô Lượng Quang Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Liên Hoa Đại trượng phu (Padma Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu.

Trên thực tế, Liên Hoa Đại trượng phu phát xuất từ phía Tây não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm, Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu phải trải qua ngày thứ mười hai.

(Ngày Thứ Mười Hai)

Trong ngày thứ mười hai, đức Bất Không Thành Tựu Như Lai hiện thân phẫn nộ thành Yết ma Đại trượng phu (Karma Heruka) xuất hiện trước Trung Hữu.

Trên thực tế, Liên Hoa Đại trượng phu phát xuất từ phía Bắc não bộ của Trung Hữu! Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng Ngài chỉ là huyễn hiện của tự tâm, Ngài chính là vị Thần hộ mệnh của mình và hiệp  nhứt cùng Ngài thì Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân (Sambhogakaya) Phật.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giác ngộ lúc nầy thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với các quỷ thần khác của ngày thứ mười ba.

(Ngày Thứ Mười Ba)

Tám (8) vị nữ Gauris sẽ xuất hiện, thân thể sáng rực rỡ

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm Nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, tám (8) Gauris nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của các nàng! Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng tám (8) nàng đây chỉ là tự tâm huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với.

Tám (8) vị nữ Tỳ xá già (Pisacinis) thân thể sáng rực rỡ, sẽ xuất hiện

Các vị Tỳ xá già hình người đầu thú sẽ từ nơi não bộ của Trung Hữu mà lưu xuất.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, tám (8) Tỳ xá già nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng tám (8) nàng đây chỉ là tự tâm huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với ngày thứ mười bốn...

Ngày Thứ Mười Bốn

Bốn (4) vị Nội Thủ môn Thần nữ thân thể sáng rực rợ, sẽ xuất hiện.

Các vị Thần nữ nầy cũng sẽ từ nơi não bộ của Trung Hữu mà lưu xuất.

Trung Hữu! Chớ sợ hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng.

Trên thực tế, bốn (4) nội Thủ môn Thần nữ nầy phát xuất từ bốn hướng của não bộ của Trung Hữu! Các nàng đồng thời xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ!  Đừng vị sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu nhận ra rằng bốn (4) nàng đây chỉ là tự tâm  huyễn hiện thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nếu vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với...

Hai mươi bốn (24) vị Thần nữ (Ishvari) thân thể sáng rực rỡ, sẽ xuất hiện.

Trung Hữu! Chớ sợ  hãi! Mặc dù thị hiện thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm các nàng từ bi vô lượng!

Bốn (4) vị Ngoại Thủ môn Thần nữ thân thể sáng rực rỡ, sẽ xuất hiện.

Trung Hữu! Đừng sợ nàng, dù mang thân phẫn nộ và hung mãnh, nhưng tâm nàng từ bi vô lượng!

Trên thực tế, bốn (4) Ngoại thủ môn Thần nữ nầy phát xuất từ tám hướng của não bộ của Trung Hữu! Xuất hiện trước mặt Trung Hữu bên cạnh Ngũ Bộ Heruka. Đừng sợ hãi tướng mạo hung dữ của họ! Đừng vì sự phẫn nộ của họ mà kinh hoàng! Chớ thù ghét họ! Nếu Trung Hữu nhận ra rằng bốn (4) vị đây chỉ là huyễn hiện của tự tâm thì Trung Hữu sẽ đạt được sự giải thoát.

Nầy Trung Hữu! Từ phương diện Tịnh của Tánh không (sunyata) lưu xuất ra thành 48 vị Thiện thần! Hãy nhận ra điều nầy! Từ phương diện động của Tánh không (sunyata) lưu xuất ra thành 52 vị Hung thần! Hãy nhận ra điều nầy! Chư Hung thần từ não bộ lưu xuất ra, và hiện rõ ràng trước mắt Trung Hữu, thân bằng quyến thuộc của Trung Hữu sẽ không thể thấy được chư vị, chỉ có Trung Hữu một mình kinh nghiệm mà thôi. Nếu Trung Hữu biết rằng tất cả những hình ảnh kia từ bản tâm lưu xuất, và không sợ hãi trước các Ngài thì Trung Hữu sẽ lập tức hiệp  nhứt với Thân Đại trượng phu (Heruka-kaya) và đạt được địa vị của một đấng Phật Đà!

Nầy Trung Hữu! Nếu vẫn chưa nhận ra được bản tâm của mình thì ngươi sẽ phiêu lưu vào thế giới đầy huyễn ảo, khổ đau, sợ  hãi, kinh hoàng và giận dữ với chính mình và chư vị thần linh kia. Một lần nữa sự khổ đau không thể nghĩ bàn sẽ đổ ập đến thân người. Vì không phương tiện và bị nghiệp lực lôi kéo ngươi sẽ thấy chư thần linh kia là Diêm la vương và chư quỷ thần nơi ác đạo. Ngươi sẽ thù ghét họ! Ngươi sẽ bị kinh hoàng trước họ! Chính tưởng tượng của ngươi biến thành những hình ảnh ma quái kia chớ không có gì ngoài tâm ngươi!

Nầy Trung Hữu! Thân thể của những bậc Đại Thiện thần (Ngũ Như Lai, Ngũ Phật Mẫu, chư Bồ tát), chư Trì Minh Vương và chư Trì Minh Phi, cũng như Đại hung thần (Đại trượng phu của Ngũ Bộ) kia đột nhiên sẽ lớn ra như hư không, còn thân thể của những vị hầu cận sẽ lớn như núi chúa Tu Di, các quyến thuộc của quí Ngài sẽ lớn hơn thân ngươi ít nhứt là đến 18 lần.

Nhưng nầy Trung Hữu! Đừng sợ hãi! Đừng quá đỗi kinh hoàng! Tất cả những hình ảnh thấy được sẽ trở thành Quang minh và chư Thần linh kia chẳng qua là do Tâm lực của ngươi huyễn hiện! Hãy đem hết nghị lực quán chiếu về Tánh không, hoặc tụng Thần chú, hoặc niệm hồng danh của chư Phật Bồ tát, rồi nhập vào các Quang minh và chư Thần linh kia, chớ nên do dự, chỉ trong một cái khảy móng tay nhà ngươi sẽ thành Phật lập tức!

Nầy Trung Hữu! Cho dù những cảnh giới hiện ra kia rất là khủng khiếp, phải nhận ra chúng nó chính là các tưởng tướng riêng của riêng ngươi! Nếu ngươi nhận ra chúng chính là biến tướng của tự tâm, và không còn nghi ngờ gì cả ngươi sẽ trở thành một vị Phật lập tức! Điều mà Mật tông chủ trương “TỨC THÂN THÀNH PHẬT” ngươi đã, và đang kinh nghiệm, hãy nhận ra nó ngay vì cảnh giới nầy sẽ đi qua rất nhanh chóng. Hãy nhớ kỹ điều nầy!

Nầy Trung Hữu! Nếu lúc nầy ngươi vẫn chưa nhận ra Tâm Quang minh của mình, mà chạy theo những sự kinh hoàng khủng khiếp thì tất cả những vị Thiện thần sẽ biến thành các vị Thần thủ hộ (Mahakala) màu đen! Còn những vị Hung thần sẽ biến thành các vị Dạ ma Pháp vương (Diêm ma vương)! Các tưởng tướng riêng của ngươi sẽ trở thành những ảo giác, rồi  ngươi sẽ bị nhận chìm trong vòng sanh tử luân hồi!

Nầy Trung Hữu! Nếu vẫn chưa nhận ra những hiện tượng kia chính là từ tự  tâm huyễn hiện, thì cho dù nhà ngươi có thông suốt tất cả kinh văn của Hiển giáo, các giáo lý của Mật giáo, và cho dù nhà ngươi có tu tập cả một kiếp đi nữa, ngươi cũng sẽ không thành Phật được!

Trái lại, nếu ngươi có thể nhận ra các hiện tượng kia từ tâm ngươi lưu xuất thì chỉ cần một lời, một chữ trong lúc nầy ngươi cũng đắc thành Phật quả!

Nếu các tưởng tướng của riêng ngươi  mà ngươi không nhận ra được chúng thì ngay khi mà ngươi chết, những hình tướng kia sẽ trở thành các vị Diêm ma vương!

Tất cả chư Diêm ma vương sẽ xuất hiện đầy rợp cả trời, không có kẽ hở, lớn có nhỏ có, nhưng không vị nào nhỏ hơn núi chúa Tu Di cả. Họ sẽ đến trong hình tướng hết sức phẫn nộ. Vị thì nghiến răng, vị thì bặm môi, mắt họ sáng như thủy tinh dưới ánh mặt trời, tóc thắt gút dựng đứng lên, bụng to, cổ nhỏ, họ đều cầm bản ghi chép tội trạng và đồng thời hét lên: “Đánh nó!”, “Giết nó!” Họ sẽ liếm đầu ngươi, óc ngươi sẽ văng ra, họ sẽ bứt đầu  ngươi, xé xác ngươi ra, rút tim và các cơ tạng trong thân thể ngươi ra từng phần một.

Bọn chúng đến như thế, số kia đến vô lượng, khắp giáp cả vũ trụ, đồng thời xuất hiện!

Nầy Trung Hữu! Khi những hình ảnh kia xuất hiện, ngươi chớ nên quá kinh sợ! Chớ nên khiếp đảm! Nhà ngươi bây giờ không có thân thể bằng vật chất, thân mà có ngươi đang có chỉ là thân tâm linh (giống như thân trong mộng); cho nên, nếu thân nầy bị hủy diệt,  hoặc xé ra thành từng mảnh, nó vẫn không chết! Thân ngươi hiện nay chính là hiện tướng của Tánh không(sunyata), nên không gì có thể làm tổn thương nó được. Chính ngay bản thân của các vị Diêm  ma vương, các vị Thiện và Hung thần kia cũng chỉ là những tưởng tướng của ngươi, chúng vốn không có một tự tánh chân thật. Chúng chỉ là huyễn hóa. Huyễn nhân không thể hại được huyễn nhân! Lửa dữ trong mộng không thể đốt cháy thân thể đang ngủ! Tánh không không thể làm tổn thương Tánh không được! Hãy nhận ra điều  nầy thì tất cả mọi sự sợ hãi, kinh hoàng tự nó sẽ tiêu tan. Chớ có nghi ngờ! Hãy hiệp nhứt với Chân Tâm thì ngươi sẽ lập tức thành Phật! Hãy vận dụng hết nỗ lực và tin tưởng rằng:

Những hình ảnh kia thật ra chính là vị Bổn tôn\ Thần hộ mệnh của ta!

Chư vị đến để hướng dẫn ta vượt ra khỏi tình trạng của Thân Trung Ấm sau khi chết! Ta nay quy y chư vị!

Hãy nhớ tưởng đến Tam Bảo! Hãy nhớ đến vị Bổn tôn \Thần hộ mệnh của mình! Hãy kêu gọi tên Ngài! Cầu nguyện lên Ngài. Con nay lang thang trong Thân Trung Ấm.

Ôi! Bổn Tôn! Xin Ngài xin hãy nhớ nghĩ đến con.

Thùy từ gia hộ và cứu vớt con!

Gia hộ cho con khiến con được giải thoát!

Hãy cầu nguyện lên Đạo sư của ngươi:

Con nay lang thang trong Thân Trung Ấm,

Ôi! Đạo sư! Xin Ngài xin  hãy nhớ nghĩ đến con.

Vì lòng từ bi, xin Ngài thùy từ gia hộ!

Đừng để con bị trôi lăn nơi vòng sanh tử luân hồi!”

Hãy tin tưởng vào các Ngũ Đại trượng phu (Heruka) của Ngũ Bộ và chư Thần linh quyến thuộc của quí Ngài, và cầu nguyện lên chư vị:

Con cùng tất cả chúng sanh trong Pháp giới

Từ vô thỉ trôi lăn theo vòng Sanh tử

Cũng vì tham, sân, si, mạn và tà kiến

Không phân lành dữ, tạo ra vô lượng tội

Để nay, theo ảo tưởng buộc ràng

Chịu lắm nỗi lo âu, khiếp sợ, kinh hoàng

Con nay vì  hết thảy chúng sanh và tự thân mình

Đối trước chư Phật, Bồ tát, Trì Minh Vương.

Chư Đại trượng phu (Heruka) và chư Thần hung mãnh

Xin hết lòng sám hối, những tội đã làm nguyện trừ diệt.

Ác nghiệp đời sau không dám tái phạm.

Nguyện chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu, chư Thần hung mãnh

Hướng dẫn con cùng tất cả chúng sanh

Thoát khỏi mọi hiểm nguy của Thân Trung Ấm

Chúng con y pháp tu hành chóng thành Phật đạo

Hiện nay con lang thang cô độc một mình

Bỏ lại thân bằng, quyến thuộc, và những người thân yêu

Con nay biết tất cả ảo tướng trên bản chất đều là Không

Cầu xin chư Phật vì lòng Đại bi

Cứu con khỏi lo âu, khiếp sợ, kinh hoàng

Khiến con thoát khỏi hiểm nguy của Thân Trung Ấm

Khi Ngũ Trí Quang bừng lên thì đồng lúc ấy

Con nhận ra chúng, đạt được sự vô úy, và can đảm

Khi chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu, chư Thần hung mãnh

Xuất hiện, tâm con bất động, và nhận ra Thân Trung Ấm

Hiện nay con chịu khổ đau là do ác nghiệp chiêu cảm

Nguyện chư Phật Bồ tát, Trì Minh Vương

Chư Đại trượng phu,  chư Thần hung mãnh

Giúp con hàng phục và xóa tan mọi khổ đau!

Như trăm ngàn tiếng sấm nổ, khi thực tại bị phát hiện.

Nguyện âm thanh (*) kia biến thành Lục Đại thần chú

Om Mani Padme Hum!

Nguyện mong đức Đại Bi Thế Tôn

Cứu con vượt khỏi trăm ngàn khổ đau

Nguyện mong Quang minh Tam muội chiếu rọi

Khiến Ngũ Đại khởi lên không nghịch lại với con

Nguyện con cùng tất cả chúng sanh

Đồng thời diện kiến chư Tịnh độ của Ngũ Bộ Như Lai!

(đọc 3 đến 7 lần)

Như vậy, Trung Hữu phải chí thành sám hối và cầu  nguyện lên chư vị. Điều nầy cực kỳ quan trọng, vì nhờ nó mà sự lo âu, sợ  hãi, và kinh hoàng sẽ tiêu tan và Trung Hữu sẽ đạt được cảnh giới của Báo thân. Chớ có chần chờ!

(*) Những âm thanh mà Trung Hữu nghe từ 58 vị hung thần thường là “HUNG! PHAT!” chúng rền vang như trăm ngàn tiếng sấm nổ.

Nếu lúc sanh thời có tu tập và kinh nghiệm về các vị Hung thần, Trì Minh Vương, v.v…chẳng hạn như chư Thế Tôn Uế Tích Kim Cang (Ucchusma), Chấp Kim Cang (Vajradhara), King Cam Thủ (Vajrapani), Kim Cang Tạng (Vajragarbha), Bất Động Tôn (Acala), Hàng Tam Thế (Trilokyavijaya), Đại Luân, (Mahacakra), Cakrasambhava, Guhysamaya, Kalacakra, Hevajra, Mahakala, v.v… thì lúc nầy Trung Hữu quyết định nhận ra được những âm thanh nầy và vị Bổn Tôn của mình, Trung Hữu sẽ không còn sợ hãi trước quí Ngài. Trung Hữu sẽ nhận ra bản chất (huyễn hóa, không có tự tánh) của các bậc thần linh và thành tựu sự giải thoát.

Nếu không có những kinh nghiệm như trên về các đấng thần linh mang hình tướng phẫn nộ thì Trung Hữu cần phải lắng nghe giáo lý bí mật về Thân Trung Ấm, rồi đem hết năng lực ra quán chiếu các bậc thần linh như sách dạy, nhờ vậy mà Trung Hữu có thể  nhận ra quí Ngài dễ dàng hơn.

Nếu nhận ra được quí Ngài chính là đức Bổn Tôn/ Thần hộ mệnh của mình thì hãy thành tâm quy y, sám hối, phát nguyện, và hãy khởi Đại bi tâm đến chư chúng sanh, như vậy Trung Hữu quyết định sẽ được vãng sanh về thế giới Diệu Hỷ và sẽ thành Phật ở cõi đó.

Tùy theo sự liên hệ giữa Trung Hữu và chư Thần linh trong khi sanh thời mà Trung Hữu có thể đạt được sự giải thoat trong khi thọ Thân Trung Ấm. Nếu chưa đạt được sự giải thoát ở giai đoạn nầy thì Trung Hữu sẽ phải phiêu lưu sang giai đoạn Sanh hữu.

Chính  năm  (5) Ấm nầy dưới sự chỉ đạo của tham dục đã tạo ra vô vàn hành động trong Ba Cõi. Kết quả của những hành động nầy là chúng sanh phải chịu trăm khổ ngàn đau nơi chốn Sanh từ Luân hồi không biết đến bao giờ mới ra khỏi! Đây là đứng trên phương diện động, phương diện bất tịnh mà nói. Nhưng khi một chúng sanh thanh tịnh hóa tri giác\ kiến giải thì Ngũ Uẩn biến thành Ngũ Như Lai, mỗi Uẩn tượng trưng bằng một đức Như Lai. Đến đây là hết phần của bậc Trung Trung Căn!

Nếu sau 14 ngày mà vẫn chưa đạt được sự giải thoát thì Trung Hữu sẽ phải đương đầu với cái “chết!” [cứ bảy (7) ngày thì bị chết một lần, nó rất vi tế, nhưng dễ nhận ra đó là Thân Trung Ấm bị rơi vào tình trạng “vô thức”].

Sau đó không lâu, Thần thức sẽ phải thọ lấy Thân Trung Ấm đi tìm thân sau để đầu thai trong vòng Sanh tử Luân Hồi (Sanh hữu)! Việc nầy mau hay chậm là tùy nghiệp của mỗi một chúng sanh, không có gì là nhứt định cả.

THÂN TRUNG ẤM ĐI TÌM THÂN SAU ĐỂ ĐẦU THAI TRONG VÒNG SANH TỬ LUÂN HỒI

(Sanh Hữu)

Sau khi “sống” lại, trong khoảng thời gian lưu lạc trong tình trạng Sanh hữu, Thần thức của vong nhân sẽ sở đắc được nhiều khả năng siêu phàm, nhưng không có nghĩa là Sanh hữu đã được nhập vào Thánh vị. Những khả năng đó có được không phải là do Sanh hữu đắc được Định hay nhập vào Tam muội mà chính là do nghiệp quá khứ tạo nên, chẳng hạn như Sanh hữu có thể đi từ Địa cầu đến cõi Cực Lạc hoặc cõi Diệu Hỷ hoặc mười phương Tịnh độ chỉ trong khoảnh khắc, lại có thể tự tại xuyên qua tất cả mọi vật. Không có gì có thể cản trở Sanh hữu được, trừ tháp thờ Phật và tử cung. Đó chỉ là nói sơ qua thôi, có thể nói cho dễ hiểu hơn là Thần thức lúc bấy giờ sở hữu những quyền năng như một vị Trời, nhưng khả năng và giới hạn thì rộng lớn hơn nhiều. Nó có đầy đủ tứ thần thông: Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, thần túc thông, nhưng không có túc mạng thông.

Ghi chú: Trong thời gian nầy, Trí quang sẽ không xuất hiện nữa, nhưng ánh sáng của Lục đạo lại một lần nữa tiếp tục chiếu soi để dẫn dắt Sanh hữu đi đầu thai.

Lúc bấy giờ, Sanh hữu sẽ trải qua bốn (4) thứ kinh nghiệm mà trong lúc bình sanh mình chưa từng biết đến.

1. Sanh hữu sẽ bị lôi cuốn vào giữa một trận mưa bão hãi hùng,

2. Sanh hữu sẽ bị một luồng gió mạnh khủng khiếp thổi vào thân,

3. Sanh hữu sẽ bị rơi vào một chỗ mù mịt tối tăm như đêm ba mươi không trăng, không sao,

4. Sanh hữu sẽ nghe những tiếng động kinh hồn bạt vía như trăm ngàn tiếng sấm sét nổ.

Hàng cụ phược phàm phu, ngu si, chấp càn, chấp bậy cho là do Phạm thiên làm, hoặc Thượng đế làm, hoặc đấng Tạo hóa làm. Thật ra, bốn (4) kinh nghiệm kia cũng chính là những hiện tượng do tự tâm huyễn hiện, nó khởi lên là do các vọng nghiệp mà thuở sanh thời vong nhân đã tạo tác ra, chớ không có đấng nào làm ra cả.

1. Kinh nghiệm về mưa bão phản ảnh lại lòng tham dục của vong nhân.

2. Kinh nghiệm về gió ác phản ảnh lại lòng sân hận của vong nhân.

3. Kinh nghiệm về sự tối tăm phản ảnh lại sự vô minh của vong nhân.

4. Kinh nghiệm về các tiếng động kinh hồn bạt vía phản ảnh lại tâm điên đảo mê loạn của vong nhân trong thời gian thọ Thân Trung Ấm đương lúc chết (Tử Hữu) và Thân Trung Ấm sau khi chết (Trung Hữu).

Vì kinh hoàng, hoảng sợ trước những hiện tượng nầy, khiến cho Sanh hữu bị trở ngại trong việc đi đầu thai nơi các cõi thanh tịnh hoặc những cõi lành. Chính điều nầy sẽ khiến cho Sanh hữu mất đi cái cơ hội thành tựu sự giác ngộ.

Lại nữa, ở giai đoạn nầy thì Sanh hữu sẽ trải qua ba (3) kinh nghiệm lớn, mỗi kinh nghiệm lớn được chia làm ba (3) nữa, hợp lại có chín (9) kinh nghiệm cả thảy. Tùy theo bản nghiệp mà Sanh hữu sẽ chiêu cảm một trong ba thứ kinh nghiệm lớn kia.

1. Nếu làm những nghiệp lành thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân hiện ra nơi cảnh giới vui đẹp của chư Thiên, hoặc ngồi trên một tòa rất cao trong một cung điện nguy nga.

2. Nếu không tạo những nghiệp lành lớn, cũng không làm những nghiệp dữ nhiều thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân  hiện ra trong một căn nhà lợp bằng tranh, hoặc nhà lợp lá, hoặc trong những bó lúa.

3. Nếu tạo nghiệp ác dữ nhiều, thiện nghiệp kém ít thì Sanh hữu sẽ kinh nghiệm tự thân hiện ra trong những cây cỏ to lớn hoặc chui vào những lỗ nhỏ nơi tường vách, hoặc chạy vào khu rừng già.

Khi thời gian đi đầu thai đã đến thì Sanh hữu sẽ trải qua một kinh nghiệm thích thú đó là sự quyến rũ rất hấp dẫn của luồng ánh sáng mà nghiệp lực của  nó bám víu vào.

1. Nếu sanh vào cõi Trời thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu trắng đục, và có cảm giác rằng mình đang đi vào Thiên cung rộng lớn  trang nghiêm cực kỳ nguy nga, tráng lệ. Sanh hữu cõi Trời dục giới có màu hoàng kim, cõi Trời sắc giới có màu sắc trắng láng. Trời vô sắc không có Thân Trung Ấm vì không có sắc thân bằng vật chất vậy. Sanh hữu đi đầu thai ở các Từng trời thì đầu hướng lên trên.

2. Nếu sanh vào cõi A tu la (Quỷ thần) thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu đỏ, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một khu vườn đẹp đẽ hoặc vào một nơi rất đẹp đẽ, cái đẹp siêu phàm. Sanh hữu của A tu la màu đỏ, khi đi đầu thai cũng giống như chư Thiên cõi Dục.

3. Nếu sanh vào cõi Người thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu xanh dương. Sanh hữu cõi Người có màu hoàng kim. Sanh hữu đi đầu thai ở cõi Người thì đi ngang.

Sanh trong loài người có thể xảy ra ở một trong Bốn châu. Châu  mà chúng ta đang ở gọi là Nam Thiệm Bộ Châu (toàn trái Đất, chớ không phải một trong năm Châu: Á, Âu, Mỹ, Phi và Úc). Mỗi Châu có cảnh giới riêng của nó, do cộng nghiệp, và biệt nghiệp của chúng sanh cõi đó tạo nên, chớ không phải do Thượng đế, hoặc đấng Tạo hóa nào làm ra cả.

a. Đông Thắng thần châu: Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những trang nam tử và những thiếu nữ tuyệt đẹp đứng vây quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy đều được giàu có, sống lâu, nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu mong sanh vào chốn nầy vì nó có một (1) điều chướng Đạo rất lớn đó là không có  Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

b. Tây Ngưu hóa châu: Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những bầy ngựa đực có, cái có, đứng vây quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy cũng đều được giàu có, nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu mong sanh vào chốn nầy vì nó có một (1) điều chướng Đạo rất lớn đó là không có Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

c. Bắc Cu lô châu: Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy những cây đẹp và vườn bông chung quanh một cái hồ. Người sanh vào cõi nầy thì cũng đều được giàu có lớn, sống lâu, nhưng đối với người đã tu tập theo đạo Vô thượng Bồ đề thì chớ nên cầu mong sanh vào chốn nầy vì nó có  một (1) điều chướng Đạo rất lớn đó là không có Phật pháp! Do đó không có cơ hội giác ngộ.

d. Nam Thiệm bộ châu: Hãy cố gắng vào thai bào để được tái sanh vào cõi nầy vì đây là một Châu duy nhứt trong bốn (4) Châu có Phật Pháp để tu tập.

Nếu sanh vào cõi nầy thì Sanh hữu sẽ thấy nhiều nhà cửa xinh đẹp, và sẽ thấy Cha Mẹ tương lai của mình đang hành dâm, do lửa dục phát sanh khiến cho giọt đỏ của Mẹ (tinh huyết) và giọt trắng của Cha (tinh khí) phát ra tia sáng, Sanh hữu lập tức nhìn thấy, không cần biết nó ở xa đến đâu đi nữa, do nghiệp lực nó vẫn có thể thấy rõ ràng, và hiện thân gần đó để chờ cơ hội mà nhập vào tử cung. Nếu cả cha lẫn mẹ đều có nhiễm tâm cùng làm dâm ái, bụng Mẹ sạch sẽ, nguyệt kỳ điều hòa đến thời kỳ và Sanh hữu hiện tiền, như vậy thì nhập thai Mẹ.

Lại lúc Trung Hữu sắp nhập thai tâm liền điên đảo. Nếu là nam thì với Mẹ sanh yêu, với Cha sanh ghét. Ngược lại, nếu là nữ thì với Cha sanh yêu, với Mẹ sanh ghét. Đây là do đời quá khứ đã tạo ra các nghiệp mà sanh vọng tưởng có tâm niệm hiểu sai lầm.

Sanh hữu ấy lúc muốn nhập thai còn có hai thứ: Một là không phước đức, hai là có phước đức lớn.

Sanh hữu không phước đức, tâm giác quán khởi lên thấy cảnh giới liền nghĩ rằng:

Nay tôi gặp gió lạnh mưa tối, người đông ồn ào, nhiều oai dữ đến bức hại, do đó nên sợ hãi liền chạy vào nhà cỏ, nhà lá, hoặc ẩn trốn nơi chân tường,  hoặc chạy vào núi, chằm, rừng rậm, hang động, lại còn phát sanh nhiều thứ thấy khác nữa. Tùy theo chỗ nghĩ, thấy bèn nhập vào thai Mẹ.

Sanh hữu có phước đức lớn, tâm giác quán khởi lên thấy cảnh giới liền nghĩ rằng:

Nay tôi gặp gió lạnh mưa tối, người đông ồn ào, nhiều oai dữ đến bức hại, do đó nên sợ hãi liền chạy lên lầu cao, lên gác cao, vào điện đường, lên ghế, lên giường, lại còn phát sanh nhiều thứ thấy khác  nữa. Tùy theo chỗ nghĩ, thấy bèn nhập vào thai Mẹ.

Lúc Sanh hữu niệm tưởng như vậy liền nhập thai Mẹ. Ngay khi mà Sanh hữu khởi lên niệm yêu ghét nó lập tức nhập vào Tử cung của người Mẹ, và được sanh ra thành một chúng sanh tầm thường.

Ở đây, đức Đại Bi Thế Tôn chỉ dạy đại khái rằng có hai (2) cách để tránh khỏi tình trạng cấu uế nầy.

* Cách thứ nhứt: Sanh hữu hãy quán chiếu rằng các nhà cửa xinh đẹp kia và luồng sáng màu xanh dương kia chẳng qua cũng chỉ là phóng ảnh của tự tâm huyễn hiện ra mà thôi, trên bản chất nó không có một tự tánh riêng biệt nào cả.

Nếu có thể làm được như vậy thì Sanh hữu lập tức đạt được sự giải thoát.

* Cách thứ hai: Sanh hữu phải quán chiếu rằng luồng ánh sáng màu xanh kia và cái thấy cả hai vốn là rỗng không (sunyata), không có một thực thể nào cả; tự tánh của chúng vốn là rỗng không.

Nếu có thể làm được như vậy thì Sanh hữu lập tức sẽ nhập vào thế giới bất nhị và trong khoảng một khảy móng tay có thể hiện chứng cảnh giới của bậc Bất Động Địa Đại Bồ tát (Acala-bhumi Mahabodhisattva).

Trong thời gian giữa lúc Tử Hữu và trước khi Sanh hữu đi đầu thai thì chỉ cần một (1) niệm khởi lên phù hợp với Chánh Pháp của chư Như Lai thì chính cái niệm đó cũng đủ bảo đảm sự giác ngộ cho bản thân; trái lại, chỉ cần một (1) niệm khởi lên đi trệch ra khỏi Chánh Pháp, tức tà kiến, thì cũng đủ khiến cho nó lôi kéo tâm chúng sanh vào chỗ đau khổ triền miên rộng lớn như biển cả, và chúng sanh đó khó mà có cơ hội vượt qua bể khổ kia. Thế nên, ai là người trí phải nên khéo điều phục cái tâm của mình, phải luôn quán sát Tánh Không (sunyata) và Diệu  Hữu của bản tâm và vạn pháp. Không ai có thể cứu chúng ta ra khỏi cảnh giới khổ đau, phiền não, nếu chính bản thân chúng ta cứ mải bo bo ôm ấp, nâng niu chìu chuộng cái vỏ Ngã pháp được tô điểm bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Tà kiến và Đố kỵ.

4. Nếu sanh vào cõi Súc sanh thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu xanh lá cây nhạt, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một hang động. Sanh hữu cõi Súc sanh có màu như khói. Sanh hữu đi đầu thai thì đi ngang.

5. Nếu sanh vào cõi Ngạ quỷ thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu vàng lợt, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một đống gỗ cháy. Sanh hữu cõi Ngạ quỷ có màu như nước. Sanh hữu đi đầu thai thì đi ngang.

6. Nếu sanh vào cõi Địa ngục thì Sanh hữu sẽ đi theo ánh sáng màu đen như khói, và có cảm giác rằng mình đang đi vào một căn nhà màu đen  pha đỏ và sẽ nghe tiếng nhạc du dương khó mà chống lại sự quyến rũ của nó. Sanh hữu cõi Địa ngục có màu như cây gỗ cháy trụi. Sanh hữu đi đầu thai thì đầu trút xuống.

Tuy nhiên, ngay khi các luồng ánh sáng và những hiện tượng kia xuất hiện, Sanh hữu hãy sử dụng năng lực phi thường của mình mà nhứt tâm quán tưởng rằng những hình ảnh và ánh sáng kia chính là biến tướng của đức Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát. Đây cũng là một trong những ý nghĩa nhiệm mầu của Lục Tự Đại Minh vậy. Nhờ vào sự chí thành khi quán tưởng, Sanh hữu sẽ nhập làm một với Quang minh Đại bi của đức Bồ tát, và lập tức sẽ được giải thoát. Xét cho cùng, nói thiệt ra thì ngoài TÂM hẳn không có pháp gì riêng, tất cả chỉ là cảnh sở biến của tâm hoặc tự tâm huyễn hiện mà thôi. Không có gì phải nghi ngờ cả!

Nếu vẫn chưa nhận ra lý như huyễn của tự tâm thì Sanh hữu cần phải biết cách ĐÓNG CỬA TỬ CUNG.

ĐÓNG CỬA TỬ CUNG

Thông thường, Sanh hữu bắt đầu từ ngày thứ 18 sau khi chết (có người nhanh hơn chẳng hạn như chết bất đắc do tai nạn gây ra).

Có hai phương pháp chánh để đóng cửa tử cung:

1. Không để Thần thức của Sanh hữu nhập vào tử cung.

2. Bít cửa tử cung

Nầy Sanh hữu! Ngươi tên họ là… Pháp danh… Hiện nay ngươi đang sở đắc những khả năng siêu phàm, nếu ngươi nghĩ gì, tưởng gì, thì lập tức hình sắc kia sẽ lập tức hiện ra trước mắt nhà ngươi, và nếu ngươi muốn đi lập tức sẽ đến, vì ngươi có thần túc nên đi rất mau chóng.

Nầy Sanh hữu! Vào lúc nầy nếu ngươi thấy nam nữ hành dâm thì ngươi hãy tránh xa bọn chúng! Chớ khởi hai niệm điên đảo yêu ghét! Nếu làm được như thế thì ngươi sẽ không bị nhập vào thai chịu lắm phiền não. Ai là người trí lại thích nhập thai Mẹ!

Nầy Sanh hữu! Hãy nhứt tâm quán chiếu về đức Bổn Tôn của ngươi! Khi xuất hiện trước ngươi, thật ra, Ngài chỉ là huyễn tướng của tự Tâm lưu xuất, vốn không có tự thể. Hãy quên tất cả! Chỉ cần nhứt tâm quán Tánh không (sunyata) thì nhà ngươi sẽ không đi vào tử cung mà chịu sự sanh bất tịnh. Bằng cách quán tưởng nầy chỉ trong khoảng duỗi cánh tay nhà ngươi sẽ được giải thoát! Nầy Sanh hữu! Nhà ngươi không có duyên lành chọn một vị Phật, Bồ tát, Trì Minh Vương, Đại trượng phu v.v… làm đức Bổn Tôn thì hãy quán tưởng và cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ tát, vì Ngài là bậc Đại Từ Bi. Khi ngươi xướng hồng danh của Ngài thì Ngài sẽ nhớ đến bổn nguyện mà đến cứu độ ngươi!

Nầy Sanh hữu! Nếu ngươi có đi chùa ít ra ngươi cũng đã từng nghe hồng danh đức Phật A Di Đà (Vô Lượng Quang ) và phước đức thâu hoạch được nhờ chí thành niệm danh hiệu Ngài. Hãy chí thành niệm hồng danh của Ngài lập tức! Hãy nguyện sanh về cõi Ngài tức khắc. Hãy nhứt tâm hướng về Tây phương Cực Lạc (hoặc xướng các Tịnh độ khác mà thuở sanh tiền vong nhân ưa thích!) Phật A Di Đà xưa có phát nguyện rằng:

Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu Ta rồi chí tâm tin muốn, nguyện sanh về cõi nước của Ta nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh ấy không được sanh, thời Ta không ở ngôi Chánh giác.

Nầy Sanh hữu! Hãy chí tâm lập theo Phổ Hiền Thập Hạnh Nguyện Vương làm chỗ quy hướng (xem kinh Hoa Nghiêm, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, quyển 40, hoặc xem kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương, theo Mật tông do Nguyễn Pram, và Nguyễn Văn Tề, Bồ tát giới tử Phước Huệ đồng dịch).

Đến đây, hy vọng Sanh hữu đã được giải thoát hoặc ít nhứt cũng được sanh về Tịnh độ. Nếu không được như vậy thì ắt Sanh hữu tội chướng quá sâu nặng, tà kiến quá dẫy đầy cho nên không được siêu thoát.

- Phần nghi quỹ nầy đến đây đã kết thúc –

MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH, TƯỢNG PHẬT

- Một là, những tội  lỗi đã tạo từ trước, nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ.

- Hai là, thường được các thiện thần ủng hộ, tránh được tất cả tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

- Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo phiền khổ, oán cừu oan trái của đời trước cũng như đời này.

- Bốn là, các vị hộ pháp thiện thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa ác quỷ, rắn độc hùm beo tránh xa không dám hãm hại.

- Năm là, tâm được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, được kết quả tốt.

- Sáu là, chí thành hộ pháp, tâm không cầu lợi, tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước lộc đời đời.

- Bảy là, lời nói việc làm trời người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến ngợi khen.

- Tám là, ngu chuyển thành trí, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành thịnh đạt. Nhàm chán nữ thân, mệnh chung liền được thành nam thân.

- Chín là, vĩnh viễn xa lìa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.

- Mười là, hay vì tất cả chúng sinh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sinh làm ruộng phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường được thấy Phật, nghe Pháp, phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.

ẤN QUANG TỔ SƯ DẠY: - Ấn tống Kinh, tượng Phật được công đức thù thắng như vậy, nên gặp khi chúc thọ, thành hôn, cầu phước, thoát nạn, sám hối, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh, hãy tinh tấn phát tâm Bồ đề ấn tống, để trồng cội phước đức cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

~~~

Đánh máy: Nhuận Giai

Proofread: Giác Viên

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2024(Xem: 1096)
Quí vị hãy phát tâm từ bi vô lượng đối với chúng sinh, nghĩ rằng: "Thật tốt biết bao nếu tất cả chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau và thoát cả nguyên nhân tạo khổ". Rồi gánh hết mọi vấn đề của chúng sinh về phần mình, nhất là các loại khổ đau đến từ bịnh tật, từ mối tương giao giữa người và người. Nhận lãnh mọi khổ đau cùng nguyên nhân tạo khổ, mọi mê muội ám chướng, mọi điều không ai mong cầu, gom thành một khối ô nhiễm, cho thấm hết vào vọng tâm chấp ngã, khiến vọng tâm chấp ngã bị phá hủy hoàn toàn, và rồi cái "ngã" mà vọng tâm bám vào, tưởng rằng quý giá lắm, bây giờ trở thành không [không có tự tánh]. Trụ tâm trong tánh Không càng lâu càng tốt. Quán sự nhận về như vừa nói trên, rồi quán về tánh Không. Thỉnh thoảng có thể mở tâm từ ái để hồi hướng tất cả, thân mình, sở hữu, cùng ba thời công đức của mình về con người khác, đặc biệt là cho những người ghét quý vị. Nhưng chủ yếu vẫn nên dành thời gian để quán sự nhận về.
17/04/2024(Xem: 1676)
Cư sĩ Huyền Thanh, thế danh là Nguyễn Vũ Tài, sinh ngày 01/04/1958 tại Thị xã Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thân phụ tên là Nguyễn Vũ Nhan, nguyên quán tại làng Xối Đông, tổng Thần Lộ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thân mẫu tên là Vũ Thị Ni, nguyên quán tại làng Lịch Diệp, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ Nguyễn Vũ Tài đã Quy Y với Hòa Thượng Thích Thanh Chiên, Trụ trì chùa Hải Vân ở khu Ấp Chợ, xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định và được Thầy ban cho Pháp Danh là Huyền Thanh. Năm 1978, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm khoa Toán Lý và đi dạy môn Toán cấp II từ năm 1979 cho đến năm 2003 thì chuyển qua làm công tác Giám Thị ở các trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền quận Tân Bình, trường Trung học Cơ Sở Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình, và trường Trung học Cơ Sở Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình cho đến khi chấm dứt công tác vào năm 2010.
25/03/2022(Xem: 6448)
Đừng quên vị bổn sư; Hãy cầu nguyện với người trong mọi lúc. Đừng tán tâm; Hãy nhìn vào tinh túy của tâm. Đừng quên cái chết; Hãy để nó thúc giục con tu tập Pháp. Đừng quên chúng sanh; Với lòng bi mẫn, hãy hồi hướng công đức cho chúng sanh, và cầu nguyện với lòng khát vọng.
02/12/2021(Xem: 20396)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
03/09/2021(Xem: 40141)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
01/11/2020(Xem: 20188)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
04/03/2020(Xem: 40837)
Lễ Dâng Y Kathina & Cúng Dường Phẩm Vật chư Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India, Nhân Lễ tưởng niệm ngày đức Phật (thái tử Siddartha Gautam) xuất gia, được sự trợ duyên của chư Phật tử và quí thiện hữu hảo tâm, chúng tôi đã thực hiện một buổi Dâng Y Kathina và cúng dường phẩm vật đến chư Tăng thuộc 3 truyền thống Mật tông Kim cương thừa (金剛乘, vajrayāna), truyền thống chư Tăng Nguyên Thủy các nước Theravada và chư Tăng Ni truyền thống Đại Thừa (Mahayana) tại Bồ Đề Đạo Tràng.
26/11/2019(Xem: 9278)
Giáo dục, phạm vi rộng, có nghĩa truyền thừa kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát… Mỗi chuyên ngành có những đặc tính cần truyền thụ cho lớp kế thừa, đó là giáo dục chuyên môn. Trong nhà Phật, việc giáo dục chú hướng vào nhận thức bản thể, hiểu biết về thân tâm, nắm rõ luật nhân quả, cải tạo nhân cách và làm chủ cảm xúc,làm chủ tâm hành, có nghĩa hành giả cần làm chủ sanh tử trong cõi tử sanh.
28/08/2019(Xem: 7769)
Lần đầu tiên chùa Đức Viên (2440 McLaughlin Avenue, San Jose, California) hội đủ duyên lành cung thỉnh chư Tăng tu viện Namgyal (Ithaca, New York) kiến tạo một đàn tràng thiêng liêng bằng cát màu tuyệt đẹp trong hai tuần (từ ngày 12/8 đến ngày 24/8/2019). Đó là Kalachakra Mandala Thời Luân (Bánh Xe Thời Gian), biểu tượng cho vũ trụ để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Thời Luân là cung trời an lành, nơi trú xứ của các vị Thánh Hộ Phật, mang lại nguồn an lạc, có năng lực gia trì mạnh mẽ của chư Phật, và thanh tịnh hóa tại địa điểm khởi tâm cung thỉnh. Trong Thời Luân có 28 con thú trên lưng nở hoa sen là: 7 con heo, 7 con ngựa, 7 con voi và 7 con sư tử kéo xe chở các vị Thánh Hộ Phật.
07/08/2019(Xem: 5054)
Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc Sách “Vivid Awareness”, Bài này sẽ giới thiệu và tóm lược tác phẩm “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” (sẽ viết tắt là: VA) của đại sư Khenchen Thrangu, dựa vào bản Anh dịch của David Karma Choephel, ấn bản 2011, nhà xuất bản Shambhala. Sách này nói về một Thiền pháp của Kim Cang Thừa. Lý do chọn sách này vì qua đây có thể hiểu được và thâm nhập được Thiền Tông – tức là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]