Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chú giải về P’howa

02/01/201214:24(Xem: 9718)
Chú giải về P’howa

CHÚ GIẢI VỀ P’HOWA

Hướng Dẫn về Pháp Môn Chuyển Di Thần Thức Siêu Sinh Tịnh Độ
theo Truyền Giảng của Rigdzin Longsal Nyingpo
Tác giả: Chagdud Khadro - Dịch giả: Cư sĩ Nguyên Giác
===============================================
Nguyên tác Anh ngữ:
P’howa Commentary: Instructions for
the Practice of Consciousness Transference
as Revealed by Rigdzin Longsal Nyingpo
Tác giả Chagdud Khadro
NXB Padma Publishing in năm 1998 tại Hoa Kỳ
phowacommentary-cover

VỀ PHÁP MÔN P’HOWA

Sách này nói về P’howa, có khi còn viết là Phowa, một pháp môn trong Kim Cang Thừa của Phật Giáo Tây Tạng. Pháp này dạy cách chuyển di thần thức về Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, nương theo đại nguyện của Ngài -- dù khá dị biệt với Tịnh Độ Tông của Trung Quốc và Việt Nam, nhưng cũng có thể dùng làm tham khảo cho người đọc khi đối chiếu các pháp tu của nhà Phật. Vì có một số điểm trong pháp P’howa khá xa lạ với truyền thống Tịnh Độ Tông Việt Nam, cho nên bản Việt dịch này sẽ được dịch thật sát với nguyên bản Anh văn, dù phải chấp nhận một số trúc trắc về cú pháp, nhưng bù lại thì cách dùng lời sẽ cố gắng trình bày sao cho thật dễ hiểu.

Theo truyền thuyết, pháp môn P’howa từng được Tổ Sư Milarepa sử dụng để chuyển di thần thức của một con chó đã chết. Dù có đúng với sự thực lịch sử hay không, tích này đã cho thấy, Phật Giáo Tây Tạng tin rằng pháp môn P’howa rất mực mãnh liệt, có thể đưa người về cõi Phật A Di Đà ngay khi lìa trần, hay ít nhất cũng khả dĩ tạo được nhân duyên để không phải đọa vào các đường dữ.

Nhà Phật có vô lượng pháp môn. Tùy nhân duyên nhiều đời, mỗi người sẽ tìm được pháp thích hợp. Riêng với Phật Tử Việt Nam hiện nay, pháp môn Tịnh Độ phổ biến nhất, rồi sau đó mới tới Thiền Tông. Sách này được dịch chỉ vì chỉ muốn giới thiệu người đang tu Tịnh Độ biết rằng bên Tây Tạng cũng có một pháp gọi là P’howa, tuy nhiều dị biệt, nhưng cũng tìm về Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Có lẽ có một chỗ tương đồng nổi bật nơi đây chính là pháp P’howa Pháp Thân, khi học nhân trực nhận bản tánh thanh tịnh tự tại, và vào đây an trú. Như thế thì không khác gì pháp Niệm Phật Thật Tướng. Và như thế hai pháp đó cũng không khác gì Thiền Tông.

Trước khi tham học Tổ Sư Thiền với Thiền Sư Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng, Bình Dương), tôi từng có cơ duyên theo học trì chú và niệm Phật với hai vị Hòa Thượng Thiền Tâm (ở Đại Ninh, Lâm Đồng; đã viên tịch) và Tài Quang (ở Phú Nhuận, Sài Gòn; đã viên tịch) – qua các nghi quỹ trì tụng Đại Bi Chú, Ngũ Bộ Chú, Phật Đảnh Tôn Thắng Thần Chú.

Một cách tự động, lời nguyện đã ngấm vào người, kể cả nhiều thập niên sau, cả khi không còn trì chú nữa (có lúc vì dồn hết tâm lực để tu Thiền, và rồi có lúc thì quá bận rộn, với cả Phật sự và cả chuyện đời thường) nhưng thường xuyên vẫn nghe vang vang bên tai các câu:

Nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ trung
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh
Bất thối Bồ tát vi bạn lữ.
(Xin nguyện sinh vào cõi Tịnh Độ Tây Phương
Chín phẩm hoa sen là cha mẹ
Khi hoa nở, thấy Phật liền ngộ tánh vô sanh
Với các vị Bồ Tát không lui sụt làm bạn hữu.)

Mặc dù Thầy Tịch Chiếu dạy pháp Tổ Sư Thiền trong một ngôn ngữ mạnh bạo có lúc phi bác hết mọi pháp khác, nhưng có một lần, Thầy kể cho tôi nghe về một trường hợp vãng sanh Tịnh Độ, với hào quang sáng rực cả nhà tang chủ. Lúc đó, tôi không hỏi thêm chi tiết, vì nghĩ các chuyện như thế rất là thường ở Việt Nam, vì cũng từng nghe nhiều chuyện thần kỳ của Tịnh Độ ở nhiều nơi, nhất là bên Thầy Thiền Tâm.

Hay như với Thầy Tài Quang, bây giờ đây, tôi vẫn còn nhớ tới con chim két nuôi trong sân chùa, cứ hễ có ai bước vào sân chùa Quang Minh thì két lại nói “Mô Phật, Mô Phật” hệt như hình ảnh được ghi trong các kinh Tịnh Độ Tông, khi chim chóc cây lá cũng nói pháp...

Một cách tự nhiên, lòng tôi lúc nào cũng nhìn các pháp bình đẳng, không phân biệt, chỉ là tùy cơ mà ứng phó. Bởi vì Phật đã dạy, chiếc bè pháp chỉ là để qua sông, xong rồi thì phải bỏ bè. Thế nên, mỗi người tùy cơ duyên nhiều đời, tùy hạnh nguyện và căn tính riêng, rồi sẽ tìm được bè pháp thích hợp cho mình.

Vì mang ơn thọ pháp từ các vị Thầy Tịnh Độ, nên tác phẩm “P’howa Commentary” được chọn dịch nơi đây ra Việt Ngữ, một phần là để ghi ơn quý Thầy và một phần là để người tu có thêm tài liệu tham khảo, mặc dù dịch giả vẫn còn là một kẻ sơ học và ngôn ngữ lại quê mùa.

Thêm nữa, Tịnh Độ đã trở thành pháp tu phổ biến tại Việt Nam, và là một phương tiện gắn bó mang tính xã hội. Có rất nhiều gia đình tại Việt Nam gần như không bao giờ tới chùa, chỉ khi có người thân lìa đời, bấy giờ mới tới chùa cung thỉnh chư tăng ni hộ niệm. Từ các dịp tang chế như vậy, Tịnh Độ đã tiếp cận tới đồng bào trước tiên như một pháp môn cầu nguyện cho người thân về nơi bình an, và sau đó dùng làm một pháp tu cho người còn lại.

Có quan hệ nào giữa các pháp P’howa và Tịnh Độ Tông hay không? Có rất nhiều điểm đồng, và một số điểm dị biệt. Nhưng một cách căn bản, hai pháp môn này nhằm đưa thần thức người chết về cõi Phật A Di Đà, nương theo hạnh nguyện của Ngài. Đứng về mặt khác, hai pháp này, cũng y hệt như tất cả các pháp môn khác của nhà Phật, còn là nhằm xa lìa dòng sinh tử – mà hầu hết các pháp nói chung chỉ là làm việc thiện, xa việc ác, ngộ lý vô thường, chứng nhập vô ngã, tỏ rõ tâm thể, thấy được tánh Phật.

Chúng ta đã trải qua vô lượng kiếp, luân hồi giữa biển sinh tử. Hết kiếp này rồi tới kiếp khác. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo (Milanda Sở Vấn) ví bằng hình ảnh, rằng cuộc đời chúng ta như ngọn lửa, khi chaý hết cây đuốc này thì chuyền sang cây đuốc khác. Vấn đề là cái gì đã dẫn dắt chúng ta đi vô lượng kiếp như thế? Và làm sao để thoát khỏi dòng luân chuyển vô minh đó?

Kinh Na Tiên trả lời rằng, chính dòng tâm thức đã lưu chuyển liên tục, biến hiện vô chừng.

Kinh Pháp Cú lại mở đầu bằng các câu:

Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.
(Bản Việt dịch của Thầy Tịnh Minh)

Vì tâm là dẫn đầu, vì tâm là ông chủ, nên để vượt qua dòng sông sinh tử, chúng ta không thể nương tựa vào bất kỳ một pháp nào ngoài tâm. Ngay cả các pháp môn Niệm Phật (Tịnh Độ), P’howa, Trì Chú, Thiền Minh Sát, Thiền Chỉ Quán, Thiền Tổ Sư, và vân vân... đều chỉ là để hàng phục tâm.

Ngắn gọn, tất cả các pháp môn nhà Phật chỉ là phương tiện để làm thanh tịnh tâm. Và nếu thực sự cõi tâm đã thanh tịnh, thì hiển nhiên không còn pháp nào cần nữa.

Chúng ta nơi đây có thể trích dẫn lời Phật dạy:

“Này Bhaggava, Ta nói như sau: ‘Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết thế giới là thanh tịnh’...” (Trường Bộ Kinh, Digha Nikaya -- Kinh Ba-lê, Pàtika Sutta; Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Chỗ này đơn giản lắm: một khi đã chứng nhập Niết Bàn, thì làm gì còn có pháp nào nữa, chính hiện tiền tịch tĩnh làm vui. Nơi đây cũng có thể nói ngược lại, chính từ cảnh giới này mà muôn pháp mới thật là muôn pháp, nên mới có sen nở, chim reo, suối hát... thảy thảy đều là chánh pháp.

Do vậy, vấn đề chung cho tất cả các tông phái nhà Phật chính là: muốn giải thoát sinh tử luân hồi, thì phải chứng nhập Niết Bàn.

Câu hỏi có thể nêu nơi đây: đối với người đã giải thoát, thì thế giới này là thanh tịnh, vậy thì tại sao chúng ta lại thấy thế giới này là bất tịnh, là đau khổ?

Hòa Thượng Chơn Thiện, trong cuốn Phật Học Cơ Bản, tập 4, in tại Sài Gòn năm 2001, phần Giáo Lý Duyên Khởi có viết:

“Một lần, theo kinh Pàtigamya (Tiểu Bộ), Đức Phật Thích Ca nói đến thế giới vô vi (Asankhàra) là thế giới hiện hữu ngoài các phạm trù "Đi, đến", "Sanh, diệt" v.v... và tuyên bố đây là thế giới của đoạn tận Khổ đau, đoạn tận Chấp thủ. Điều này nói lên rằng thế giới mà con người đang thấy và biết là thế giới của chấp thủ.”

Nghĩa là, phải rời Chấp Thủ thì thấy Thanh Tịnh?

Để làm sáng tỏ hơn, nơi đây, có thể trích dẫn một đoạn lời Phật dạy về cảnh giới Niết Bàn như sau. Các đoạn sau đây trích từ Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya, Kinh Phật Tự Thuyết – Udàna, do Hòa thượng Minh Châu dịch ra Việt ngữ.

“Này các Tỷ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau.” (II) (Ud 80)

Đoạn văn trên cho thấy Niết Bàn không hề có trú xứ, và cũng không có thời gian -- không có đời này, không có đời sau – nghĩa là không hề có cái gì gọi là ở đây, ở kia, quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, pháp hàng phục tâm của nhà Phật không thể nào cho trụ vào bất kỳ một nơi chỗ, dù là cái ở đây, hay vào bất kỳ một thời khoảng nào, dù là cái bây giờ. Ngắn gọn, nói như kinh Kim Cang thì phải là “vô sở trụ.”

Cho nên, dù có mượn phương tiện nào để tạm thời trụ tâm thì cũng chỉ nên xem như là chỗ tạm. Tuy nhiên, còn có chỗ khác nên nhận rõ, trong câu niệm Phật và các bài thần chú đều có uy lực của chư Phật.

Tôi từng có một thời tu tập chú thuật ngoại đạo, trước khi vào tu các pháp Đại Bi Chú, Ngũ Bộ Chú, Niệm Phật... Dù chỉ là mới sơ cơ, nhưng tôi đã thấy mật chú nhà Phật và mật chú ngoại đạo đều có uy lực. Nhưng thần chú nhà Phật càng đọc, thì lòng càng dịu đi tham sân si. Tôi thực sự tu hành chưa tới đâu, nhưng vẫn cảm nghiệm được nhiều linh ứng, cho nên tin rằng, những người siêng năng tinh tấn hơn sẽ nhất định có nhiều lợi lạc hơn.

Nhưng cốt tủy của các pháp môn đều phải là giác ngộ, nghĩa là thấy được thực tướng các pháp. Đó là lý do vì sao, trong các kinh nhật tụng và hầu hết trong mọi thời khóa, mở đầu gần như luôn luôn là bài Đại Bi Chú, và kết thúc luôn luôn là bài Bát Nhã Tâm Kinh. Hay nói cách khác, mở đầu thời khóa phải là mở lòng Từ Bi thương xót tất cả chúng sinh, và kết thúc phải là Trí Tuệ Bát Nhã. Nói một cách khác nữa, phải vào bằng cửa Có, và ra bằng cửa Không. Sau đó, thì Có với Không đều không làm bận tâm người tu được nữa. Đây chính là cảnh giới Niết Bàn vậy.

Xin ghi thêm các lời Phật dạy về Niết Bàn như sau.

“Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.” (III) (Ud 80)

“Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau.” (IV) (Ud 81)

Vậy thì, phải quán sát tâm ra sao để giải thoát? Cũng trong bản Kinh Udana do Hòa Thượng Minh Châu dịch, Phật dạy pháp quán tâm như sau.

"Vậy này Bàhiya, ngươi cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri... Như vậy, này Bàhiya, nhà ngươi cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, như với ngươi, trong thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya ngươi không là chỗ ấy. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau." (Kinh I, 10)

Vấn đề trở nên đơn giản: trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe... rồi sẽ tới một lúc chứng ngộ vô ngã – nghĩa là, không hề có cái gì gọi là tôi thấy hay tôi nghe, anh thấy hay anh nghe, chúng ta thấy hay chúng ta nghe – nơi đó, “ngươi không là chỗ ấy... ngươi không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa...” và không còn tìm được đâu cái ngươi đó nữa, và cũng không còn tìm đâu cái gọi là thời gian tam thế nữa.

Có lẽ, các đoạn kinh ngắn này đã được diễn giải theo các phương tiện khác nhau, và rồi dẫn tới các pháp thiền khác nhau. Nhưng tất cả đều có những điểm chung nhau, rằng trong cảnh giới giác ngộ này thì không có thời gian, không có trú xứ, và là vô ngã (ngươi không là chỗ ấy). Ngắn gọn, đây là cảnh giới vô sinh diệt.

Cũng nên trích thêm vài đoạn từ bài Giới Thiệu Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) của Hòa thượng Minh Châu:

“Tập Itivuttaka - "Kinh Thuyết Như Vậy", thuộc Bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh) ....

“Một kinh nữa, kinh số 43 xác nhận sự hiện diện của trạng thái giải thoát này, ngay trong đời hiện tại, có mặt trên quả đất này:

"Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời ở đây không có thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra".

Nói ngắn gọn phần này, nghĩa là, vì có một cái không sanh không diệt, cho nên mới có thể giải thoát ra khỏi cõi sanh diệt.

Tới đây, câu hỏi sẽ là: pháp môn Tịnh Độ có thể đưa người tu vào cảnh giới vô sanh diệt hay không? Và làm sao một pháp môn niệm niệm không rời lại có thể dẫn tới chỗ chứng ngộ vô ngã?

Có thể có. Thử lấy hình ảnh thường dùng tương tự. Người tu phải quán sát tâm mình, tương tự như chăn trâu. Trâu là hình ảnh ví cho tâm, và người chăn trâu là học nhân lo điều tâm.

Sẽ có một số người, trong khi niệm Phật, hốt nhiên trực nhận ra ba pháp ấn – Khổ, Vô Thường, Vô Ngã – trong các niệm.

Sẽ có một số người, trong khi niệm Phật, hốt nhiên trực nhận ra cả trâu với người đều biến mất, vốn thật là Không, thì chuyện vô ngã hay không vô ngã đều không còn chỗ để nói năng nữa.

Sẽ có một số người, trong khi niệm Phật, hốt nhiên thấy tâm mình không lìa tâm Phật A Di Đà, bởi vì cả hai đều vào biển chân tâm một vị giải thoát – nơi đó, tánh bản tịch thì là Niết Bàn, và tánh bản chiếu thì là Trí Tuệ.

Sẽ có một số người, trong khi niệm Phật, hốt nhiên nghe được âm thanh của niệm và vô niệm không lìa nhau, đều từ một thể như sóng không lìa nước.

Tuy nhiên, không phải người tu nào cũng có chỗ thù thắng như thế. Và chính từ đây, Tịnh Độ và P’howa mới tìm phương tiện để chuyển di thần thức.

Hãy hình dung thế này, cõi Cực Lạc khởi lên do đại nguyện của Phật A Di Đà cũng giống như Ngài lập ra một trường đại học, nơi đó chúng ta nộp đơn xin vào học bằng cách khởi nguyện tu Tịnh Độ.

Cõi này có thật có hay không? Hay chỉ là phương tiện để khuyến tu thôi? Ngày xưa, tôi cũng nhiều phen khởi nghi như thế. Kể cả ngay khi đọc thần chú và thấy các cảm ứng lạ, kể cả có khi sức quán tưởng về Phật A Di Đà mạnh tới nỗi như thấy Ngài hiện trước mặt mình... lòng nghi vẫn không biết đó có phải là ảo giác hay không. Chỉ tới sau nhiều năm tu pháp Tổ Sư Thiền, thì bấy giờ mới hết lòng nghi nói trên. Tất cả đều là chiếc bè pháp để đưa người qua sông.

Chỗ này chúng ta thử lý luận như sau.

Trong 49 năm thuyết pháp, Phật đi nhiều nơi, thuyết nhiều pháp hội, cho mọi thành phần khác nhau, và được tứ chúng hiểu theo các căn cơ khác nhau. Có khi Phật nói, giải thoát là người đã chấm dứt Tham, Sân, Si. Có khi Phật nói, giải thoát là người đã chấm dứt Tham (kinh Một Pháp, trong Tiểu Bộ Kinh, bản dịch của Hòa Thượng Minh Châu). Có khi Phật nói, giải thoát là người đã chấm dứt Sân (một kinh Một Pháp khác). Có khi Phật nói, giải thoát là người đã chấm dứt Si (lại kinh Một Pháp khác nữa). Có khi Phật nói, giải thoát là người đã thấy bản tánh của Tham Sân Si là Niết Bàn (kinh Duy Ma Cật)... và vân vân.

Thử trích dẫn một đoạn kinh như sau.

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

“Này các Tỷ-kheo hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Sân, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.” (Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Tại sao lúc nói bỏ một là đủ, lúc thì nói phải bỏ cả ba, lúc thì nói có gì đâu mà bỏ... Không vào được chỗ tri kiến của Phật thì sẽ không bao giờ hiểu nổi. Còn chấp vào từng chữ thì Phật thế nào cũng oan.

Do vậy, các bài pháp khi được kết tập có lẽ đã được gạn lọc theo các vị trưởng lão chủ trì. Sẽ có một số kinh không xuất hiện ở vùng này, hay thời này, mà lại xuất hiện ở vùng khác, hay thời khác. Và rồi được diễn giải để ứng dụng khác nhau. Hình như đó là lý do mà pháp môn P’howa xuất hiện ở Phật Giáo Tây Tạng, và pháp môn Tịnh Độ xuất hiện ở Phật Giáo Trung Hoa – và cả hai pháp này đều nhằm đưa người tu vãng sanh cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, không thể nói cõi Cực Lạc là có hay không, bởi vì tất cả các pháp thực sự đều bất khả.

Nếu chúng ta nói cõi Ta Bà có thật, còn cõi Tịnh Độ không có thật, thì đã phạm lỗi chấp thật, điều mà Phật đã phi bác.

Nếu chúng ta nói cõi Ta Bà hư ảo, còn cõi Tịnh Độ là thật có, thì đã phạm lỗi chấp giả, điều mà Phật đã phi bác. (Điều này gần với khái niệm Thiên Đường của nhiều tôn giáo khác.)

Cho nên, ngay khi chúng ta khởi niệm rằng cõi Ta Bà là thật có, thì lập tức cõi Cực Lạc cũng thật có.

Tương tự, ngay khi chúng ta khởi niệm rằng cõi Ta Bà là không thật có, thì lập tức cõi Cực Lạc cũng không thật có.

Tất cả cái nhìn đó đều sai, vì Phật đã phi bác bằng mệnh đề tứ cú, rằng cõi Ta Bà không phải có, không phải không, không phải vừa có vừa không, và không phải vừa không có vừa không không.

Với cái nhìn này, thì cõi Cực Lạc trong thực tướng cũng ly tứ cú, tuyệt bách phi vậy.

Tuy nhiên, khi chưa thực sự giác ngộ thì đừng bao giờ nói là không có sinh tử luân hồi. Nơi đây, chúng ta trích một lời Phật như sau.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có nói: "Trải qua vô lượng kiếp Luân Hồi, Như Lai đã phải đi lạc đường, trong khi muốn tìm cho ra người thợ cất nhà này; khốn khổ thay, Như Lai đã phải sanh đi, sanh lại triền miên".

Đó là điều để cảnh sách: Phật còn phải luân hồi triền miên như thế, huống gì là chúng ta.

Mặt khác, có một số vị đa nghi, lại nêu ra các giải thích về không gian, về vũ trụ, nói rằng hiện thời nhân loại có những ống kính nhìn xa mười mấy tỉ năm ánh sáng, mà có thấy cõi nào đâu. Ý họ muốn nói chỉ cõi trần gian này là thật có, còn các cõi Phật, cõi chư Thiên, vân vân chỉ là ẩn dụ thôi, không thật có. Than ôi, lấy nhục nhãn mà đo lường kinh Phật thì kể như hết nước nói.

Chúng ta nơi đây sẽ ghi lại kinh nghiệm thiền định của một nữ thiền sư người Ấn cuối thế kỷ 20, bà cụ Dipa Ma (1921-1989), chuyên tu và giảng dạy về Thiền Minh Sát, một pháp môn bà cụ học được từ các vị sư Miến Điện. Cuộc đời bà cụ ghi lại trong sách “Knee Deep In Grace: The Extraordinary Life and Teaching of Dipa Ma” (sưu khảo của Amy Schmidt, bản Việt ngữ là “Ngập Sâu Trong Ân Sủng: Cuộc đời ly kỳ và Giáo pháp của Nữ Thiền sư Dipa Ma,” do Thiện Nhựt phỏng dịch).

Trong những người học pháp từ bà cụ có cả Jack Kornfield, Jack Engler, Michael McDonald Smith – những vị thầy nổi tiếng đã khai sáng ra các trung tâm chuyên dạy Thiền Minh Sát tại Hoa Kỳ.

Bà cụ Dipa Ma sau khi học Thiền Minh Sát, được thầy dạy thêm các pháp về thần thông – phân thân, tàng hình, đằng không, nhìn lại quá khứ, đoán chuyện tương lai, vân vân... tất cả đều do sức định mà thành – các khả năng mà về sau bà cụ rời bỏ vì cho là không cần thiết cho trí tuệ giải thoát. Điều chúng ta muốn nói nơi đây rằng có những chỗ mà nhục nhãn không thể nhìn thấy được, và cái gọi là kiến thức khoa học vẫn còn rất là xa với cảnh giới mà các đại thành tựu giả nhìn thấy, thí dụ như về cõi chư Thiên.

[Bắt đầu trích đoạn]:

“Đôi khi Dipa Ma và em bà là Hema đi đến trình pháp với thiền sư Munindra bằng cách bất thần hiện hình lên trong phòng ông, và Dipa Ma cũng có lúc bước ra khỏi phòng xuyên qua cánh cửa khép chặt. Cũng tựa như trò đùa, bà đứng lên khỏi ghế, bước tới vách gần đó và đi ngang qua tường...

“Nếu bà đi bộ một mình trong đêm tối, bà phân thân ra, thành có thêm một bạn đồng hành đi bên cạnh, để khỏi bị ai khuấy phá.

“Khả năng của Dipa Ma về địa hạt nầy đã được trắc nghiệm lại và được một nhóm khoa học gia khác xác nhận. Thiền sư Munindra có quen biết với một giáo sư về Cổ sử Ấn độ tại truờng Đại học Magadh, ông ấy đã tỏ ra rất nghi ngờ về các năng lực thần thông. Munindra mới đưa đề nghị chứng minh sự có thật của các năng lực thần thông và cả hai ông cùng thiết lập một cuộc thử nghiệm. Vị giáo sư liền nhờ một người sinh viên tín cẩn ngồi canh chừng trong căn phòng Dipa Ma đang ngồi thiền, để chắc chắn rằng bà chẳng hề rời khỏi chỗ ngồi của bà trong phòng. Đến ngày đã hẹn trước, người sinh viên kiểm nhận là Dipa Ma chẳng hề rời khỏi tư thế ngồi thiền, và cùng lúc ấy, bà lại hiện lên trong văn phòng của vị giáo sư cách đó mười dặm và trò chuyện cùng ông...

“Dipa Ma còn có khả năng nhìn thấy hay nghe đến các biến cố xảy ra ở nơi khác và vào một thời kỳ khác. Khi nhà ngoại giao Miến điện, U Thant, sắp lên lãnh chức vị Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, thì thiền sư Munindra biết U Thant sẽ đọc một bài diễn văn nhậm chức, ông bảo Dipa Ma hãy đi vào tương lai và ghi nhớ lại nội dung bài diễn văn đó. Bà liền đọc lại bài diễn văn đó và thiền sư Munindra ghi âm vào máy. Một tháng sau, U Thant đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, đúng từng chữ một với bài văn Dipa Ma đã tiên đoán.

“Vượt thời gian và không gian. - Dipa Ma bảo, bà có thể đi ngược lại thời gian để đến nghe lúc Đức Phật đang thuyết pháp. Khi tôi hỏi, bà làm cách nào được như vậy, thì bà mỉm cười và bảo: "Tôi đi ngược lại từng tâm thời qua tâm thời". Chắc là tôi đang nhìn bà với cả sự kinh ngạc, bởi vì bà lại mỉm cười và nói, "Ồ, bạn chẳng thể nào làm như thế để Niết bàn (sự giác ngộ) được hiện ra." Rồi bà cười to lên và nói thêm, "Điều ấy rất buồn cười. Chỉ cần tập trung định lực cho thật nhiều thôi." Trông ánh mắt bà, khi bà đang nói, bà thật là hết sức giải thoát và hết sức thanh tịnh." -- Michael McDonald Smith...

“Munindra bảo Dipa Ma hãy nhìn vào những gì đang xảy ra trong phòng bên cạnh, rồi tả lại cho ông nghe. Rồi ông kiểm điểm lại. Sau đó, ông lại bảo bà nới rộng khả năng thiên nhãn thêm, để nhìn càng lúc càng xa hơn nữa, đến những địa điểm mà ông có thể soát lại sự chính xác của lời bà mô tả. Thí dụ như, bà chưa hề đặt chơn đến Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya), và thiền sư bảo bà hãy mô tả lại nơi ấy -- cội Bồ đề ở về phía nào, những thánh vật nào còn lưu lại từ thời cổ đại. Ông đã từng làm vị giám thủ bảo tàng viện ở đấy trong nhiều năm và biết rõ cả những chi tiết ẩn mật của địa điểm nầy. -- Jack Engler

“Chẳng những Dipa Ma có thể đến thăm viếng bất cứ nơi nào trên quả đất nầy, bà còn có khả năng vượt đến các cảnh giới khác đã được mô tả trong vũ trụ học của Phật giáo -- như cõi Trời và cảnh điạ ngục chẳng hạn. Bà mô tả các loại chúng sanh đang sống nơi đó và những gì xảy ra chung quanh họ. Đôi khi, bà buột miệng kể lại các chuyến bà du hành sang các cảnh giới khác lạ đó. Cõi Trời. - Trong ba tháng an cư ở Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society), ở tiểu bang New England, vào những ngày mùa thu trời trong xanh như pha lê, với vài vừng mây bạc trôi trên ngọn cây rực rỡ ánh sáng và màu sắc, chúng tôi thường đi bách bộ bên ngoài. Chúng tôi đến ngồi trên các phiến đá, bên bờ hồ, và mặt nước lặng tờ phản chiếu các màu sắc đó.

“Có nhiều người đến bờ hồ, và trong số đó có một người nói với Dipa Ma, "Cảnh nầy chắc phải giống cảnh tiên trên cõi Trời" -- chúng tôi đều biết bà đã từng du hành đến các cảnh giới khác. Và bà nhìn anh bạn rồi nói: "Không, chẳng có chi giống cả. Cảnh đây khá đẹp, nhưng nó thật còn chưa đụng tới cảnh Trời." -- Jack Kornfield.

“Thiên nhãn của Dipa Ma đã giúp bà nhìn thấy cả tương lai của các học viên của bà. "Bà tiên đoán về sự nghiệp giảng dạy của tôi rất tỉ mỉ, vào lúc mà tôi chưa từng giảng dạy chút ít nào cả", Joseph Goldstein nói, "Tôi tin rằng bà đã thấy rõ trước tất cả những thăng trầm của trọn đời tôi." [hết trích đoạn – trích từ http://www.budsas.org ]

Cho nên, chính ngay cõi của chư Thiên, mà các vị thành tựu giả đã nhìn thấy trong khi chúng ta chưa thấy nổi, vậy mà nhiều người trong chúng ta lại dám lý luận càn rỡ về cõi của chư Phật, cho rằng đó chỉ là phương tiện bày ra cho người hạ căn thôi, thì là hết sức cuồng ngôn. Chỗ này nên cảnh giác, nếu có trú xứ nào cho cõi Phật thì đó hiển nhiên không phải cõi Phật, mà chỉ là hóa thành thôi (nếu có). Ngay như một số người học chú thuật ngoại đạo, còn tiếp cận được cảnh giới vô hình, vậy mà nhiều người con Phật lại hiểu nhầm Phật Pháp, lấy ngay cái không gian vũ trụ trong sách khoa học ra mà cố ý giảng pháp làm sao cho “hợp khoa học.” Lại nữa, một số vị tự nhận có căn cơ cao, chuyên về tu tập Tổ Sư Thiền, rồi lại giữ thành kiến rằng Tịnh Độ là pháp của các bà già nhà quê.

Tất cả các thành kiến đó đều không nên. Thật sự là có những cảnh giới vô hình, mà chúng ta chưa biết hết. Và thật sự là, nếu thấu đạt Tổ Sư Thiền, thì có ngồi hít thở sổ tức tự nhiên cũng là đạo, có ngồi tụng kinh niệm Phật tự nhiên cũng là đạo, hay có chạy nhảy la hét ngoài sân banh cũng không thấy mình lìa đạo – thì làm sao mà dám chê Tịnh Độ được.

Tới đây, dịch giả xin mời gọi cùng đọc về pháp P’howa của Phật Giáo Tây Tạng, để tham khảo thêm cho những người tu pháp Tịnh Độ. Trường hợp độc giả muốn tìm hiểu thêm về pháp môn Tịnh Độ, xin mời đọc các bộ sách của cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, có bán ở hầu hết các tiệm sách Phật Giáo trong và ngoài nước, hoặc lên các trang web Phật Giáo Việt Ngữ.

Dịch giả không giữ tác quyền bản Việt dịch này, và bất kỳ ai cũng có quyền sao chép, in ấn trong mọi phương tiện khả dụng.

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 6435)
Kính lễ Thánh Đại Bi Tạng Quán Tự Tại Bồ Tát. - Thắng cảnh Ba Đáp Lạp (Potalaka) Chữ ĐÁP (鄔 _ TÀM) màu lục sinh. Tam Thế Phật Nghiệp Mẫu Vô Lượng Quang (Amitàbha) nghiêm đỉnh. Cầu Ngài, quyến thuộc đến.
08/04/2013(Xem: 6937)
Nhất tâm quy mệnh lễ! Núi Bổ Đa La Ca (Potalaka) Tốt lành đáng yêu mến. Cõi đó dùng mọi thứ Châu báu để nghiêm sức Mọi loại rừng cây báu Rũ cành lá rậm kín Có mọi thứ thành tựu...
08/04/2013(Xem: 6770)
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm ngự tại núi Bố Đát Lạc Ca (Potalaka) vì các Người, Trời, tất cả Đại Chúng diễn nói Pháp Yếu, quán khắp mười phương dùng âm thanh màu nhiệm bảo Quán Tự Tại với Diệu Cát Tường Bồ Tát rằng: “Thiện Nam Tử ! có Kinh tên là Nhất Thiết Như Lai Sở Hộ Quán Sát Chúng Sinh Thị Hiện Phật Sát Trang Nghiêm Vương Đà La Ni.
08/04/2013(Xem: 6156)
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:” Có Đà La Ni tên là Bảo Kế hay cho chúng sinh làm lợi ích lớn, hay diệt nghiệp tội cực nặng của chúng sinh. Này A Nan ! Xưa kia Đế Thích đánh nhau với Tu La thời Đế Thích bị thua, bỏ chạy, sợ hãi vô lượng.
08/04/2013(Xem: 13068)
Một thời Đức Bạc Già Phạm ngự dưới cây Bồ Đề thành Chính Giác, ở trong Đại Chế Đa (mahà caitye : Đại Tháp) cùng với Chúng Đại Bật Sô gồm hai trăm năm mươi người đến dự.
08/04/2013(Xem: 5030)
Một thời Đức Phật ngự tại đạo trường Nguyên Cát dưới cây Bồ Đề bảo các vị Tỳ Khưu, Đại Đức Xá Lợi Phất, Đại Đức A Nan , các chúng Thanh Văn của nhóm như vậy với Đại Bồ Tát tên là: Kim Cương Tràng Bồ Tát, Kim Cương Tạng Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát đều là bậc thượng thủ của các Bồ Tát Ma Ha Tát trong đời Hiền Kiếp.
08/04/2013(Xem: 6080)
Bấy giờ Kim Cương Tỳ Lô Giá Na Phật ngự tại Cung Trời A Ca Nị Tra thuộc đỉnh của cõi Sắc Giới. Mới đầu, Thân Thọ Dụng thành Đẳnh Chính Giác, chứng đắc Trí Bình Đẳng của tất cả Như Lai, liền vào Tam Ma Địa Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Bình Đẳng Tính Trí, . . .
08/04/2013(Xem: 5494)
NAMO RATNATRAYÀYA 巧休 玅搜向?f丁?包鄎?þ伏?袎?^囚屹玆伏?袎?扣屹班伏?袎?扣乙冰仗乙伏? NAMAH ÀRYA AVALOKITE’SVARÀYA BODHISATVÀYA _ MAHÀ SATVÀYA_ MAHÀ KÀRUNIKÀYA 珫芍 巧亙閜班袎?ị?y 玅搜向?f丁?包鄎?ý EBHYO NAMASKRTVÀ IDAM ÀRYA AVALOKITE’SVARA 觜X几 珈扐? 成伏?奔向 岝叨?š 亙向伾 件沃?亦? _
08/04/2013(Xem: 11681)
MẬT TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẬP I Ban phiên dịch: Thích Viên Đức, Thích Thiền Tâm Thích Quảng Trí, Thích Thông Đức Cư sĩ Huyền Thanh, Như Pháp Quân VIỆN TRIẾT LÝ VIỆT NAM & TRIẾT HỌC THẾ GIỚI XUẤT BẢN Gia Đình Cư sĩ Liên Hoa Nguyễn Hà Minh ( Nhật Minh ) - Nguyễn Báu Thanh ( Diệu Tịnh ) Nguyễn Hà Bảo Vương ( Diệu Ngọc ) - Nguyễn Hà Bảo Lân ( Chánh Niệm ) Phát tâm ấn tống cúng dường PHẬT GIÁO VIỆT NAM In lần thứ nhất tại California, Hoa Kỳ Phật lịch 2543 - 1999
08/04/2013(Xem: 15108)
Nam mô Thập phương Thường Trụ Tam Bảo. Nam mô Ma ha Tỳ-lô-giá-na Phật. Nam mô Nhất thiết Tôn Pháp Bí mật Đà-la-ni tác đại chứng minh. Hơn hai ngàn năm trăm trước, . . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]