Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11-Nói về nghĩa "Bất giác" Ba đại nghĩa của tâm

02/05/201316:46(Xem: 20835)
11-Nói về nghĩa "Bất giác" Ba đại nghĩa của tâm


Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


KHOÁ X - XI

LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

DỊCH NGHĨA VÀ LƯỢC GIẢI

--- o0o ---

Bài Thứ 11

Nói về nghĩa "Bất giác" (tiếp theo và hết)Ba đại nghĩa của Tâm (tiếp theo và hết)
Nói về Dụng rộng lớn của Tâm:
Báo thân 
Ứng thân
Thế giới trang nghiêm
III. Trở về Tâm Chơn như 
Không khởi vọng niệm thì trở về Chơn như

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH

NÓI VỀ Ý NGHĨA "BẤT GIÁC" 

(Tiếp Theo)

--- o0o ---

CHÁNH VĂN

Nói về Dụng rộng lớn của tâm chơn như:

Các đức Phật từ khi tu nhơn(Bồ Tát đạo)đã phát tâm đại từ bi, tu các pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sanh. Các Ngài lập lời thệ nguyện rộng lớn, độ thoát tất cả chúng sanh cho đến cùng tận đời vị lai, không hạn định bao nhiêu số kiếp.

Các Ngài xem tất cả chúng sanh như thân mình, và cũng không thấy(chấp)có tướng chúng sanh để độ. Tại sao vậy? _ Vì các Ngài đã chơn thật hiểu biết: tất cả chúng sanh và mình không có sai khác, đồng một tâm chơn như bình đẳng.

Các Ngài đã dùng Đại trí huệ diệt hết vô minh, nên chơn như (Pháp thân)được hiện ra. Do chơn như đã hiện, nên tự nhiên có các món diệu dụng không thể nghĩ bàn. Bởi diệu dụng từ thể chơn như hiện ra, nên Dụng đồng với Thể chơn như, đều biến khắp tất cả, và cũng đều không có hình tướng gì để thấy được.

Tại sao vậy? _ Vì các đức Phật chỉ có Pháp thân thanh tịnh, tức là Trí thân (tâm), không có hình sắc(cảnh giới)và cũng không có tạo tác. Song, tuỳ theo trình độ của chúng sanh, hoặc thấy hoặc nghe, đều được lợi ích, nên gọi là "Dụng lớn".

LƯỢC GIẢI

Đoạn này nói về Dụng lớn của tâm chơn như.

Các vị Bồ Tát, dùng đại trí huệ, diệt trừ hết vô minh, chứng được Thể chơn như (Pháp thân0. Do các vị Bồ Tát đã chứng được chỗ đồng thể, nên tự xem mình cùng tất cả chúng sanh đồng một bản thể, không có riêng khác; nếu chúng sanh đau khổ, tức là mình đau khổ, chúng sanh còn trầm luân thì mình chưa được giải thoát.

Bởi thế nên Bồ Tát, tức nơi thể chơn như bình đẳng, khởi ra "Đại dụng": Phát atâm đại từ bi, lập lời thệ nguyện rộng lớn, tu các pháp Ba la mật (lục độ), hoá độ chúng sanh, cùng tận đời vị lai, không hạn định bao nhiêu số kiếp, và cũng không chấp có tướng chúng sanh để độ.

"Thể" và "Tướng" của chơn như đều rộng lớn như thế, nên "Diệu dụng" của chơn như cũng không thể nghĩ bàn: Không có hình tướng, không có công dụng và cũng không có tâm tạo tác; song tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh, cảm muốn như thế nào, thì ứng hiện ra như thế ấy (như đức Quan Âm Bồ Tát ứng hiện 32 thân v.v...) làm cho chúng sanh đều được lợi ích, nên được gọi là "Đại dụng". Như hư không, tuỳ các đồ vật mà hiện đủ hình. Và cũng như trăng rằm, không cố ý (vô tâm) không dụng công (vô công dụng) mà tự nhiên chiếu khắp tất cả; tuỳ theo các ao hồ, nước trong hay đục mà trăng tỏ hay mờ.

CHÁNH VĂN

Diệu dụng của chơn như tuỳ theo trình độ của chúng sanh mà thấy có hai phần:

1. Ứng thân 2. Báo thân

_ Chúng phàm phu và Nhị thừa, do Phân biệt sự thức(ý thức)nên thấy ứng thân Phật. Họ chỉ thấy phần nào về sắc thân Phật, chớ không thể biết cùng tận, và chỉ chấp thân ấy từ ở ngoài đến, chớ không biết do tâm (chuyển thức)hiện ra.

_ Các vị Bồ Tát từ khi mới phát tâm, cho đến khi rốt ráo địa vị Bồ Tát, đều do nghiệp thức(A đà na)mà thấy báo thân Phật. Thân này có vô lượng sắc tướng, mỗi sắc tướng có vô lượng sự tốt đẹp.

Về quốc độ của thân này, cũng đủ vô lượng vật quý báu trang nghiêm; tuỳ sự thị hiện nơi nào đều không cùng tận, không có biên giới và cũng không hư hoại.

Tóm lại, thân thể(chánh báo)và quốc độ (y báo), sở dĩ đều được thành tựu các công đức như thế, là do sự huân tập của các hạnh vô lậu, như các pháp Ba la mật v.v...và sự huân tập bất tư nghị (chơn như huân tập bên trong). Vì được đầy đủ vô lượng tướng diệu lạc như thế nên gọi là (Báo thân).

Chúng phàm phu thì chỉ thấy sắc thân thô sơ của Phật. Còn lục đạo chúng sanh do tuỳ theo cái nghiệp của mỗi loài khác nhau, nên thấy thân Phật không đồng. Do tuỳ theo mỗi loài ứng hiện, không phải chính thân tướng tốt đẹp(báo thân), nên gọi là "ứng thân".

LƯỢC GIẢI

Tuỳ theo trình độ của chúng sanh, mà diệu dụng chơn như thành ra hai phần:

1. Ứng thân: Thân này chỉ tuỳ theo muôn ngàn hoàn cảnh sai biệt của lục đạo chúng sanh, mà hiện ra muôn ngàn hình thức không đồng: Loài nào thấy Phật loài nấy. Như hư không tuỳ theo các đồ vật vuông tròn v.v...mà ứng hiện ra đủ các hình tướng.

Chúng phàm phu và hàng Nhị thừa, vì còn ý thức phân biệt, và chấp theo trần cảnh bên ngoài, không ngộ lý Duy thức, nên thấy Phật ngoài tâm mình. Bởi thế nên chỉ thấy ứng thân Phật, như thân Phật có 32 tướng tốt v.v...

2. Báo thân:Thân này là kết quả hai món huân tập:

a) Chơn như huân tập, cũng gọi là Bất khả tư nghị huân.

b) Các pháp vô lậu thanh tịnh huân tập, tức là tu các pháp như Lục độ v.v...Vì thế nên Chánh báo (thân thể) được vô số tướng tốt đẹp, mà Y báo (hoàn cảnh) cũng được vô cùng vật quý báo trang nghiêm.

Các vị Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến lúc rốt ráo địa vị Bồ Tát, đều ngộ lý Duy tâm, nên thấy Báo thân Phật Duy tâm hiện ra, không phải ở ngoài đến. Nhưng cũng tuỳ theo trình độ của từng địa vị, mà sự thấy có Thô, tế khác nhau. Bồ Tát từ địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Tứ gia hạnh, chỉ thấy về phần Thô của Báo thân Phật. Các vị Bồ Tát từ Sơ địa lên đến Đẳng giác thì thấy Báo thân Phật lần lần thù thắng và vi diệu.

CHÁNH VĂN

Lại nữa, các vị Bồ Tát mới phát tâm (tam hiền)do thâm tín chơn như, nên chỉ thấy được một phần nhỏ báo thân Phật. Các vị Bồ Tát này, tuy biết sắc thân Phật có nhiều tướng tốt trang nghiêm, duy tâm biến hiện, không rời chơn như, không khứ không lai, xa lìa ranh giới, song các vị Bồ Tát này còn dùng tâm phân biệt (ý thức)nên chưa nhập được Pháp thân.

Nếu Bồ Tát đặng tâm thanh tịnh (lên Thánh địa)thì thấy báo thân Phật càng tốt đẹp và càng mầu nhiệm. Đến vị Bồ Tát tột bực(Đẳng giác)thì thấy báo thân Phật mới hoàn toàn rốt ráo.

Nếu Bồ Tát lìa được nghiệp thức (A đà na)thì ngộ được pháp thân Phật, không có sắc tướng gì có thể thấy được; vì pháp thân của chư Phật, không có sắc tướng thế này thế nọ, không có tướng phần(bị phân biệt)và kiến phần (năng phân biệt)nên không thể thấy được.

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy tiếp theo đoạn trước, nói tuỳ theo trình độ của Bồ Tát, thấy thân Phật khác nhau.

Các vị Bồ Tát ở địa vị Tam hiền, tuy đã ngộ được lý Duy thức và thâm tín chơn như, nhưng vì còn dùng ý thức phân biệt, nên chỉ thấy báo thân Phật được một ít thôi.

Các vị Bồ Tát đã ngộ nhập chơn như, chứng được pháp thân thanh tịnh, bước lên Thánh vị (Thập địa); càng lên bực trên chừng nào, thì lại càng thấy báo thân Phật tốt đẹp và mầu nhiệm chừng ấy. Đến địa vị cùng tận của Bồ Tát là vị Đẳng giác, mới thấy được rốt ráo Báo thân Phật.

Đến khi Bồ Tát phá trừ được Nghiệp thức(Vọng thức:A lại da chơn vọng hoà hiệp) tức là phá trừ được vô minh rất vi tế (món Tế thứ nhứt trong ba Tế); lúc bấy giờ mới hoàn toàn nhập Chơn như, chứng Pháp thân thanh tịnh.

Pháp thân là bản thể của các pháp; vì không có sắc tướng, không có bỉ thử và không tâm cảnh v.v...nên không thể thấy được. Tất cả chư Phật và chúng sanh cũng đồng một bản thể này.

CHÁNH VĂN

Hỏi: _ Pháp thân của chư Phật đã không có các sắc tượng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng?(ứng thân và báo thân)

Đáp: _ Vì pháp thân là bản thể của sắc tướng, cho nên có thể hiện ra các sắc tướng(hoá thân báo thân). Do từ hồi nào đến giờ, Sắc (hiện tượng)Tâm(bản thể)không hai, nên bản thể của Sắc(sắc tánh) tức là Tâm (tức trí).

Vì bản thể của Sắc vô hình(thuộc về tâm)nên gọi là "Trí thân". Vì tướng của tâm (trí tánh)tức là Sắc, nên gọi là "Pháp thân".

Vì bản thể(tâm)đã biến khắp tất cả chỗ, nên hiện tượng là Sắc, cũng không có chừng ngằn. Tuỳ nơi tâm mà hiện ra mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng Báo thân, vô lượng món tranh nghiêm, mỗi mỗi sai khác, đều không có hạn lượng và đều không ngại nhau. Vì đây là diệu dụng đại tự tại của chơn như, nên hkông thể dùng thức tâm phân biệt mà biết được.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Luận chủ đặt ra lời vấn đáp để giải thích sự nghi ngờ.

Hỏi: _ Pháp thân của chư Phật thanh tịnh, không có các hình tướng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng là Hoá thân và Báo thân?

Đại ý lời đáp: Do từ hồi nào đến giờ, trong Chơn như Pháp thân, Sắc và Tâm không hai: Bản thể của Sắc tức là Tâm, Hiện tượng của Tâm tức là Sắc. Bởi thế nên Chơn như Pháp thân tuy không có hình sắc, mà có thể hiện ra các hình tướng: Y báo và Chánh báo đầy đủ. Cũng như bản thể của điện, biến khắp tất cả không gian, tuy không có hình tướng, nhưng có thể hiện ra các sắc tướng, (hiện tượng) như sấm sét, chớp, nổ v.v...Trong Tâm kinh chép: "Sắc chẳng khác với Không, Không chẳng khác với Sắc" (Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).

Vì Sắc tức là Tâm, nên các pháp tức là Chơn như Pháp thân. Vì Tâm tức là Sắc, nên chơn như pháp thân tuỳ duyên thành các pháp. Do bản thể đã biến khắp tất cả, nên hiện tượng các Sắc tướng, như mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng món trang nghiêm v.v....cũng biến khắp tất cả, không có hạn lượng; mặc dù các hình sắc đều khác nhau, nhưng không trở ngại nhau. Việc này là diệu dụng của Chơn như Pháp thân, nên chúng phàm phu và hàng Nhị thừa, không thể dùng thức tâm của mình mà phân biệt được.

Do Chơn như là bản thể của các Pháp, nên gọi là Pháp thân; và nó đủ tất cả trí, nên cũng gọi là Trí thân.

III. Trở về Tâm Chơn như

CHÁNH VĂN

Lại nữa, các pháp từ sanh diệt mà trở về Tâm chơn như; nghĩa là suy xét kỹ càng: bên trong thì thân ngũ ấm(Sắc: Sắc ấm: Tâm: bốn ấm sau)bên ngoài thì cảnh giới(6 trần)rốt ráo vô niệm(tức là chơn tâm). Song, vì chúng sanh bị vô minh làm mê, nên chơn tâm (vô niệm)biến thành hữu niệm(có thân và cảnh v.v..), nhưng bản thể chơn tâm không động(vô niệm).

Cũng như người lầm phương hướng, vì sự mê lầm nên chấp phương Đông làm phương Tây; thật ra phương hướng không thay đổi.

Bởi thế nên, người quán sát biết được Tâm vô niệm(không khởi vọng niệm)thì đặng tuỳ thuận vào Tâm chơn như.

LƯỢC GIẢI

Luận này có 5 chương, trong chương thứ ba là Phần Giải thích, lại chia làm 3 phần:

1. Nói về nghĩa chánh

2. Đối trị các chấp sai lầm.

3. Phân biệt hành tướng phát tâm đến Đạo.

Trong phần "Nói về nghĩa chánh", lại chia làm 3:

I. Nói về Tâm Chơn như

II. Nói về Tâm Sanh diệt

III. Trở về Tâm Chơn như (tức là quán sát các pháp, sanh tức vô sanh).

Đoạn văn trên đây nói về phần thứ ba là "Trở về Tâm Chơn như".

Hành giả hãy quán sát tất cả các pháp: Bên trong là thân ngũ ấm (Sắc và Tâm), bên ngoài là cảnh giới 6 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) rốt ráo đều vô niệm (không vọng niệm, tức là chơn như). Vì các pháp không rời Thể Chơn tâm (Tâm Chơn như), nên Chơn tâm đã vô niệm (không vọng), thì các pháp cũng vô niệm (không vọng).

Chơn tâm vì không có hình tướng nên tìm khắp mười phương không thể thấy được nó. Song vì vô minh vọng động, nên Tâm biến ra các pháp hữu hình (hữu niệm) như thân và cảnh v.v...nhưng bản thể Chơn tâm vẫn thanh tịnh không động 9vô niệm). Cũng như người bộ hành, vì lầm phương hướng nên chấp phương Đông làm phương tây, thật ra phương hướng không thay đổi.

Do vọng niệm sanh ra các pháp sanh diệt, nên dứt trừ vọng niệm (quán vô niệm) thì các pháp sanh diệt kia tự trở về Tâm Chơn như (vô niệm). Cũng như vì gió nên có sóng động, nếu gió hết thì sóng kia tự trở lại với tánh nước yên lặng.

Nếu vô niệm (không vọng niệm) thì toàn vọng là chơn; nên quán vô niệm là con đường tu chứng duy nhứt của các Phật Tổ.

Trong kinh Lăng nghiêm Phật dạy:" ...Bất tuỳ phân biệt ..." (Không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, tức là quán vô niệm)******

Tổ Đạt Ma khi từ Ấn độ mới đến Trung hoa, đức Nhị tổ thỉnh cầu Ngài dạy phương pháp an tâm.

Tổ Đạt Ma trả lời: _ "Ông hãy đem tâm đến đây, ta sẽ an cho".

Đức Nhị tổ thưa rằng: _ "Con tìm tâm không thể được".

Tổ Đạt Ma dạy tiếp: _ "Ta đã an tâm cho ông rồi". Đức Nhị tổ liền tỏ ngộ.

Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy: _" ....Bổn lai vô nhứt vật ...." (từ xưa đến nay, không có một vật)******

Đây là những bằng chứng Phật và Tổ đều dạy cái bí quyết tu hành mau được thành Phật là "Vô niệm" (không vọng niệm).

Bởi thế nên, cũng ở nơi Luận này, về đoạn trước đã nói:" ...Nếu lìa các vọng niệm thì đặng nhập chơn như ..." (nhược ly ư niệm, danh vi đắc nhập).

---*^*---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 7910)
Quy mệnh mãn Phần Tĩnh Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na Biến Chiếu Trí Hé mở mắt quang minh Diệu Giác Rộng dài giống như cánh sen xanh Nay Ta y Kinh yếu lược nói Pháp Tất Địa lợi mình lợi người Chân Ngôn, thứ tự phương tiện hạnh Phát khởi Tín Giải Môn Thắng Diệu
08/04/2013(Xem: 6845)
Toà ngồi rất xảo nghiêm Thân ở trong Thai lửa Nhiều Báu trang nghiêm đất Lụa, Đá trợ lẫn nhau Bốn Báu làm hoa sen Nơi Thánh Giả an trú Kim Cương Bất Khả Hoại Hành Cảnh Giới Tam Muội Cùng với Đại Danh Xưng Vô lượng các quyến thuộc
08/04/2013(Xem: 5681)
Bản Kinh Du Già đều có 10 vạn bài Kệ gồm 18 Hội.Hội Kinh đầu tên là Nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp . Kinh ấy nói 5 Bộ.) Phật Bộ (Buddhà Kulàya): Tỳ Lô Giá Na Phật là Bộ Chủ.) Kim Cương Bộ (Vajra Kulàya): A Súc Phật là Bộ Chủ
08/04/2013(Xem: 5466)
Nay ta sẽ nói Pháp Suy tư Ba loại Chân ngôn theo thứ tự Thoạt dùng ĐẠI TÂM gia trì ngoài Thứ hai CĂN BẢN lại tưởng trong Thứ ba TIỂU TÂM thông nội ngoại Cần giữ được tâm không thác loạn Như vậy Chân ngôn của Ba đạo An lập Hành giả ĐỊA MINH VƯƠNG
08/04/2013(Xem: 4874)
Lại nữa, lấy một tấm vải lụa trắng ( Bạch Điệp ) sạch chẳng được tái chế, thỉnh một vị Họa Sư tài giỏi, đừng bàn chuyện trả giá . Lấy nước nóng thơm tắm rửa, mặc áo mới sạch, thọ tám Giới.
08/04/2013(Xem: 6338)
Nếu có Sa Môn hoặc Bà La Môn, các kẻ trai lành, người nữ thiện... ưa muốn thọ trì Pháp của Bồ Tát thì nên làm một cái Đàn rộng 4 khuỷu tay. Nên tìm kiếm một nơi thanh tĩnh, Thắng địa lau rửa cho sạch sẽ, dùng nước thơm phân bò xoa đất.
08/04/2013(Xem: 9948)
Nay Ta y theo Kinh Kim Cương Đỉnh Du Già. Tỳ Lô Giá Na Báo Thân Phật vào Đệ Tứ Thiền ở đỉnh Sắc Giới (Rùpadhàtu) thành Đẳng Chính Giác, liền hạ xuống đỉnh núi Tu Di (Sumeru) ở lầu gác báu Kim Cương.
08/04/2013(Xem: 5542)
Phạn Hán dịch: Đặc Tiến Thí Hồng Lô Khanh_Đại Biện Chính Quảng Trí Tam Tạng phụng chiếu dịch Phạn Việt dịch: HUYỀN THANH
08/04/2013(Xem: 5761)
Bấy giờ Tỳ Lô Giá Na Như Lai đi đến lầu gác Kim Cương Ma Ni Bảo Phong trên đỉnh núi Tu Di Lô (Sumeru). Kim Cương Giới Như Lai (Vajradhàtu Tathàgata) dùng tất cả Như Lai gia trì nơi Tòa Sư Tử của tất cả Như Lai làm cho tất cả mọi mặt đều được an lập.
08/04/2013(Xem: 10235)
Đức Năng Nhân Như Lai của Ta thương xót ba cõi sáu nẻo bị mê hoặc thường do nhóm Uẩn, Giới, Xứ mà thọ nhận sinh tử vọng chấp như hoa đốm trong hư không (Không Hoa) tuy không có mà tính là có, còn viên ngọc đeo trên áo tuy có mà lại chẳng hay biết nó nằm trong đấy. Thật là đáng thương!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]