Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

11/02/201119:44(Xem: 2965)
Phần 4

Phần 4
16- Vai trò của tư tưởng trong Thiền
17- Thiền trong sinh hoạt thực tiễn
18- Những tu sĩ phái Zen
19- Tâm của vạn pháp
20- Sự sa đọa và sự kiện toàn con người

Phần 4

Vai trò của tư tưởng trong Thiền 

Mặc dù với sự tạo dựng táo bạo nhất của tư tưởng, trí năng không thể nào quan niệm nổi, một điều chỉ được ban phát và lĩnh hội ngay nhờ kinh nghiệm huyền mật nguyên bản. Chỉ sau đó, theo đuôi kinh nghiệm, người Phật tử Zen mới nhận rằng nội dung thần bí đó trở thành khả đạt đối với trí năng. Nhưng những lập ngôn xuất hiện lúc đó chỉ có ích lợi cho một người đã có cái kinh nghiệm ấy rồi, và y có thể không cần đến chúng. Thiếu điều này, bất cứ người nào cố chiếm đoạt chúng sẽ bị sa vào hoang mang thất vọng, và đối với y, những lập ngôn ấy có tác dụng như thuốc độc.

Như thế, sự đối đãi giữa nhiều và một, dị và đồng, tương phản và không tương phản, cũng sẽ có một ý nghĩa vững chắc và chính đáng đối với người Phật tử phái Thiền. Nhưng, vì những kinh nghiệm của y, y không được xem cái Một là nguyên thủy hơn cái Nhiều và do đó phủ lên nó đầy những danh dự thần bí. Ðối với y, cái không tương phản cũng vượt ngoài mọi tương phản có thể quan niệm, tuy nhiên, chính vì thế mà nó vẫn còn là cực điểm của một căng thẳng, và tình trạng không- tương-phản được lựa chọn cũng sẽ không dẫn ra khỏi sự căng thẳng đó. Nếu y cần diễn đạt một quan niệm về không đối đãi, có lẽ y sẽ nói : “Tâm của vạn pháp là ở ngoài mọi đối đãi chính vì nó nằm ở trong chúng, và nó ở trong mọi đối đãi chỉ vì nó “là” ở ngoài chúng. Nó không có mâu thuẫn nhưng lại tràn đầy mâu thuẫn. Hoặc nói một cách khác : Một và Nhiều, bất dị và dị, không đối đãi và đối đãi đều gần Tâm như nhau và xa Tâm như nhau, chúng là trọng tâm của vạn pháp và đồng thời cũng không phải là trọng tâm của vạn pháp.

Những lập ngôn như trên thật không thể hiểu thấu, vô nghĩa đối với người nào đi tìm giải thoát trên con đường độc nhất là con đường của tư duy. Nhưng bất cứ ai đã thân chứng được tâm của vạn pháp đều có thể dò tận đáy sâu của nó trong khoảng thời gian một hơi thở và không còn ngạc nhiên vì sao một sự việc giản dị và rõ rệt như thế chỉ có thể truyền đạt được bằng những công thức khó hiểu. Y sẽ hiểu vì sao những vị Thiền sư không những tránh mọi cách lập ngôn mà còn xem là nguy hiểm và thay vì thế, họ thúc đầy môn đệ đến những kinh nghiệm gay gắt để giải mọi ẩn ngữ ngay tức thời.

Thiền trong sinh hoạt thực tiễn 

Mặc dù sự hoán cải tâm linh mà người môn đệ kinh nghiệm qua satori có tính chất cách mạng đến đâu, điều trước tiên cần nói là không phải toàn thể con người của y đều được bao gồm trong sự biến đổi này. Dầu y đã giải thoát trên phương diện tâm linh, y vẫn chưa giải thoát hoàn toàn, trong nghĩa có thể sống bằng chân lý, và chỉ bằng chân lý thôi. Bởi chân lý này - nếu ta có thể gọi “Nó” - chưa hiện ra trước mắt, y chỉ đang tiến về phía nó. Y thấy rõ cái gì nằm bên dưới mọi sự vật, kể cả y, nhưng y luôn luôn là một cái gì khác với cái mà y thấy : y chưa là một với nền tảng của chính tự thân mình hay đúng hơn, với chiều sâu khôn dò của nền tảng ấy.

Người nào đã kinh nghiệm satori đều khổ sở nhận ra điều này vừa khi y bỏ thiền đường lại sau lưng để trở lại với nghề nghiệp, hay khởi sự làm một công việc nào đó. Dĩ nhiên, trong một tu viện cũng có những bất hòa : lòng ganh tị của người tham vọng, những trình độ khác nhau về khả năng và sự chứng đắc. Nhưng hiện diện của vị Thầy gây lại thế quân bình, cho nên bầu không khí nổi bật vẫn là một bầu không khí của hòa điệu và nhẫn nhục. Bên ngoài tu viện, đời sống bắt đầu gay cấn, tấn công những giác quan bây giờ đã trở nên nhạy cảm gấp đôi. Một lần nữa, ta lại ở trong một thế giới của mục đích và ý định. Trí năng, bấy lâu bị dập tắt, bây giờ kiêu hãnh chiếm lại vị trí và được xử dụng như một dụng cụ.

Ngay cả nghệ sĩ, mặc dù ông có thể giải thoát, không nhắm mục đích nào nữa, trong lãnh vực riêng ông, ông cũng không tránh khỏi sự động chạm với đời - huống chi là bất cứ hạng người nào khác ? Ngay cả những tu sĩ ở thế tục (tân tăng) cũng bị lôi kéo vào trong đó. Họ cưới vợ, và do đó - nhất là ở Viễn Ðông - tự dấn mình vào một mớ bổn phận đè nặng lên người họ. Còn đâu là hiện hữu “không mục đích” trong mái chở che của tu viện ! Một vực thẳm mở ra giữa đời sống hàng ngày và đời sống ẩn dật. Tất cả đều gặp những hoàn cảnh họ thấy rất chán chường, mặc dù họ bằng lòng ở lại trong những địa vị đã được dành cho họ, và không có tham vọng tự tiến cử hay đóng một vai trò trong đời công. Họ không hô hào những cải cách gượng ép ; họ kiên nhẫn chờ đợi với niềm tin chắc rằng trong thế giới có đủ chỗ cho cái cũ và cái mới, rằng cái cũ sẽ biến mất khi đến thời, và cái mới không đến một cách đột ngột như được chế tạo sẵn, mà chính là tăng trưởng từ những hạt giống của cái cũ. Bởi thế, họ cố phục vụ không phê bình, một cách vô ngã, không cố làm cho mọi sự thích nghi với mình mà tự thích nghi mình với mọi sự, và để ý đến cách làm việc của mình hơn là công việc.

Trong lặng lẽ, họ tự đào luyện mình. Với những người khác, họ khoan hồng, nhưng với chính họ thì không. Họ bắt đầu một cách khiêm tốn, từ việc nhỏ nhặt nhất, biết rằng chỉ cách ấy họ mới có thể làm chủ những khó khăn lớn lao.

Sự huấn luyện ở tu viện đã in dấu trên tâm hồn họ và định đoạt thái độ của họ đối với những người khác : không phàn nàn về người và hoàn cảnh, không thay đổi chúng mà thay đổi chính mình và phát triển những năng lực gây thế quân bình. Một ý thức bén nhạy cũng được phát triển : họ trở nên thành thực một cách tế nhị với chính họ. Ðiều này không đưa đến sự tự phụ và tự cho mình đúng. Họ biết họ có phần thắng lợi hơn những kẻ khác, nhưng không lấy đó làm điều. Họ cám ơn định mệnh, và khiêm tốn đối diện con đường trước mắt. Nếu có những cuộc xung đột, họ tìm đến vị Thầy. Khi có thể, họ theo học những khóa thiền định cao để tri kiến thêm sâu rộng. Sự thiền định hàng ngày là chuyện dĩ nhiên. Những luyện tập này phải được tiếp tục suốt đời. Thật là một điều lầm lẫn nếu nghĩ rằng chúng chỉ ích lợi trong giai đoạn huấn luyện và sau đó có thể bỏ hẳn. Chính vị Thầy cũng luôn luôn luyện tập để những sở đắc của ông thêm vững vàng. Như thế, Thiền định có tầm quan trọng chủ chốt tuyệt đối. Mọi sự đã hoàn thành được chỉ là một tập luyện tiên khởi cho những thành tích về sau, và không ai có thể nói mình đã đến cùng đích, kể cả người điêu luyện nhất.

Những tu sĩ phái Zen 

Ðối với người tu sĩ trẻ, tình trạng thật là nan giải. Y ý thức rõ rệt con đường dài và gian truân trước mặt, và muốn tiến đến chỗ tột cùng của khả năng mình. Tất cả năng lực y đều tập trung vào mục tiêu ấy. Thế mà bây giờ, thay vì nỗ lực kiện toàn đời sống riêng mình, y phải nghĩ đến việc cứu độ kẻ khác ! Y sẽ sẵn sàng làm thế khi chính y đã hoàn tất việc tự độ. Nhưng dường như còn quá sớm. Y cũng chỉ là một người vừa mới nhập môn.

Ðối với y thật khó ghi tạc nơi lòng lời phát nguyện cứu độ kẻ khác. Y bị buộc phải rời ngôi nhà của sự cô đơn phong phú và hòa mình vào cuộc sống cuồng loạn y đã khước từ. Bởi vì, không giống như những người khác rời tu viện để trở lại đời sau khi đã chứng nghiệm satori, người tu sĩ trẻ không thể chỉ tu tại chùa nơi y đã đến theo tiếng gọi. Y phải đi vào những vùng xa lạ và trà trộn với những người mà ai cũng mong tránh chung đụng.

Ở đây, y bị đặt vào một thử thách cam go, va chạm với bất cứ gì từ vẻ lãnh đạm, lịch sự, tẩy chay, khinh miệt và nhạo báng ra mặt. Y còn gặp phải sự thù ghét nữa - thù ghét do lòng ganh tị mà ra. Một cách vô tâm, y phải tự hỏi mình có quyền gì quấy rối những người ít may mắn hơn ? Y có gì để hiến tặng ? Y có cần phải tuyên bố cái tri kiến tràn đầy ân sủng như người nghệ sĩ thực hiện trong bức họa của họ chăng ? Giảng rằng con người sẽ không bao giờ được tự do dưới ách của dục vọng ? Nhưng thuyết giảng có nghĩa là “lập thành ngôn từ” và điều ấy đi trái với tinh thần của Thiền. Ngoài sự giúp đỡ trong mọi hình thức với tư cách một người bạn và láng giềng tốt, điều độc nhất y có thể làm là chứng tỏ rằng cái ách của dục vọng có thể bị bẻ gãy. Những người khác cũng có thể thấy, nếu họ chịu mở mắt, rằng chính y đã bẻ gãy gông cùm. Và bởi vì sự khiêm cung của y đã làm kẻ khác phải hạ khí giới, họ không còn khép chặt tâm hồn trước y nữa. Kết quả là y bắt buộc phải sống một đời gương mẫu, nêu lên cho mọi người thấy đức tính độc nhất mà y vượt bực : sự tự đào luyện không ngừng của y. Người tu sĩ phái Thiền không thể trốn tránh bổn phận mình bằng cách nói suông ngoài cửa miệng. Y không thể thuyết giảng kêu gọi kẻ khác phải khoan hồng, kiên nhẫn, từ bi, nếu y không đích thân hoàn thành những đức tính ấy. Môn hùng biện không quan trọng trong chương trình Thiền.

Bởi thế, người tu sĩ phái Thiền phải thực thi tính tự chủ khắt khe nhất. Y không thể biện hộ : “Ồ, chỉ vì tôi mất bình tĩnh” . Y cũng không đợi đến khi người khác nhắc rằng y vẫn còn ở dưới sự thao túng của dục vọng và đam mê. Ngay khi ý thức nhược điểm này, y tự ý gián đoạn nhiệm vụ và rút lui để thiền định nhiều hơn, trong cô độc, cho đến khi có thể trở lại nhìn mặt người ta, và nhất là có thể nhìn chính mình. Quả thế, mặc dù điều này có nghĩa là xao lãng những luyện tập có thể đưa y tiến xa hơn trên đường Thiền, y vẫn xem điều quan trọng hơn chính là thanh lọc những nguồn suối của bản thể y.

Sự thành công bên ngoài không phải chờ đợi lâu : bây giờ y dễ dàng được chấp nhận hơn. Sự tựu thành của y làm mọi người chú ý ; Thiền không có vẻ là một cái gì bí truyền, đi đôi với mùi mốc meo của những nhà chứa và những tập luyện thần bí ở đấy. Ðúng hơn, y giống như một lực sĩ mà ai cũng có thể trở thành, miễn là y có ý muốn và tuân theo những luyện tập cần thiết. Chức vụ của y không còn đáng ngờ vực và y dễ dàng tiếp xúc mọi người hơn. Kết quả là y có được địa vị của một vị Thầy ở thế tục để giúp người qua khỏi những cơn đau khổ nhất của họ. Nhưng - há chẳng phải y đang phản bội thiên chức mình ? Có phải satori, con đường dài cam go y đã đi qua, chỉ cần thiết cho việc này thôi ? Có phải y làm một ông thầy tu Thiền để làm việc này chăng ? Thỉnh thoảng, bởi thế, ngoài việc giúp đỡ khuyến khích mọi người, y sẽ nói đến con đường đưa đến sự giải thoát khỏi dục vọng và giá trị của nó. Y có thể tìm được một vài người nghe, nhưng thường thường chỉ có thế. Bây giờ y mới thấy công việc của mình khó khăn làm sao.

Dục vọng ăn sâu gốc rễ nơi phần lớn người ta, chiếm chỗ quá lớn trong lòng họ, đến nỗi công việc của y quả thật dường như hoàn toàn vô vọng. Tệ hơn nữa, không những đâu đâu cũng gặp chỉ dục vọng, mà còn tà tâm, sự tàn bạo, xấu xa, bất lương. Những người ham dục lạc chất phác ít nhất cũng không rắc rối, dễ gần ; khác xa hạng này là những tâm hồn hiểm độc đã biết phân biệt thiện ác nhưng lại dụng tâm chối bỏ điều thiện, lại còn thù ghét nó ! Ðối với thầy tu mới tập sự thì đây là một kinh nghiệm có tác dụng tàn phá. 

Y đã nghe nói đến Phật tính nguyên thủy nơi mọi sự vật, và đã thoáng thấy nó xung quanh y : trong cây, đá, núi, sông, hoa, cỏ, bụi bờ. Há nó lại không được tìm thấy trong con người sao ? Nhưng ở đây tri kiến của y làm y thất bại. Y đang đối diện với một cái gì không có trong lãnh vực của cây cỏ và thú vật : tính gian dối khó lường của con người. Thú vật không giả vờ, không đóng kịch, không mang mặt nạ. Thế thì Phật tính trong người đã ra sao rồi ? Không phải hiển nhiên là bản tính nguyên sơ của con người đã sai hỏng đó sao ?

Những hồ nghi này kết thúc trong tình trạng hoài nghi và thúc đẩy vị thầy tu tập sự trở về bên cạnh Thầy để có những cuộc đàm luận làm sáng tỏ vấn đề, những cuộc đàm luận bây giờ thành ra hoàn toàn thích hợp vì họ đang bận tâm đến những nỗi khó khăn cần giải thích. Một khóa học tập mới bắt đầu, kéo dài vô hạn định - không phải luôn luôn trong hình thức những cuộc đàm đạo, diễn giảng, tập luyện mà thường thay đổi phương pháp để thích hợp với cá tính của người môn đệ, được trợ giúp bởi những công án chọn lọc khiến y có thể tự tìm kiếm ra giải đáp cho vấn đề. Dầu thế nào mặc lòng, sự giáo huấn đó sẽ hướng dẫn y trong phạm vi liên quan đến thiên chức và giới hạnh tu sĩ, và đề cập thẳng đến ngõ bí của y : những khó khăn của một thầy tu tập sự đang có cảm tưởng rằng phải cứu độ kẻ khác là cả một vi phạm, gần như một sự phản bội đối với bản tính mình, một thầy tu chưa được một động lực nội tại thúc đẩy để xem độ tha là việc hoàn toàn tự nhiên, một thầy tu đang cảm thấy mình vụng về như một y sĩ mới được huấn luyện nửa chừng đã được thả ra trước những con bệnh.

Bây giờ y thấy rõ rằng hiện tại, y không thể không cảm thấy lạc lõng. Khuyết điểm không ở nơi thế gian xấu xa, mà ở nơi chính y và sự thiếu bình an của riêng y. Trong tâm, y còn bị “chuyển” bởi bộ mặt mà thế gian bày cho y thấy. Thất bại và buồn nản phải làm y ý thức sự kiện này. Chính con người y, y phải ổn định lại trước hết ; thất bại vì thế có một hiệu năng giải cứu y. Bổn phận y bây giờ là phải giữ tâm luôn luôn vững vàng không bị “chuyển”. Tập luyện điều ấy trong cách cư xử của y đối với người và sự vật chính là điều kiện tiên quyết để cứu độ kẻ khác, một việc chỉ có thể làm được sau một thời gian thử thách lâu dài.

Trên con đường này có nhiều nguy hiểm và cám dỗ mới. Ðiều dĩ nhiên là khi đã chọn con đường của chân lý tối thượng, y phải nỗ lực sống bằng chân lý theo như y thấy và hiểu. Y sống theo những nguyên tắc của chân lý ấy và cẩn thận trong việc ăn ở, suy nghĩ và hành động cho phù hợp với nó. Y đã quyết định theo lẽ thiện và chân, và đối mặt chống lại ác và ngụy, mà quên nhận thức rằng với quyết định này y đã tự đưa mình vào một ngõ bí. Khi phân biệt giữa tốt lành thánh thiện một mặt và xấu xa phàm tục mặt khác, y đã tự đặt mình hẳn vào một phản đề. Nhưng Tín Tâm Minh nói :

Ðạo lớn không có gì khó
Chỉ tránh lọc lừa chọn lựa.

Sự “lọc lừa chọn lựa” này rõ trong sự kiện rằng : muốn nắm một vật y phải liệng bỏ vật kia. Như thế y giữ một thái độ luôn luôn một chiều. Mặc dù y đã quyết định theo lẽ thiện, cái đối nghịch với thiện cũng còn mãnh lực trên tâm hồn y. Khi bám chặt lấy điều thiện (lý tưởng, giá trị) y cũng bị trói buộc không thua gì con người đang bị dục vọng thao túng. Bất cứ người nào khước từ sự tham muốn đối với thế tục mà còn bị vướng mắc vào sự ham muốn đối với lý tưởng, kẻ đó vẫn chưa tiến xa được, trong ý nghĩa căn để nhất. Dĩ nhiên, y tiến bộ hơn con người ham dục lạc không suy nghĩ, bởi vì y ý thức được cả hai mặt và hiểu rõ mối căng thẳng không thể dung hòa giữa hai bên. Song y vẫn chưa tiến xa đủ : y vẫn chưa ở ngoài những đối đãi, vì y sống bằng một chân lý thay thế. Bởi thế, y gặp phải sự phản đối. Người tu sĩ nào ác cảm trước sự phản đối sẽ đâm ra càng ngày càng khó tính, tự cho mình cao vượt và không ngớt trách cứ kẻ xấu xa, không biết khoan dung, và như thế y chưa thoát khỏi ước muốn được công nhận, danh dự, và ngay cả lòng tôn kính. Trong y có một đà thúc đẩy của ý muốn quyền lực đang hoạt động, mặc dù không được y công nhận, và sự “chữa trị linh hồn” của y phần lớn là một biểu hiện của sự thúc đẩy này ngụy trang dưới lòng nhiệt thành thánh thiện và sự cao cả tinh thần. Quả thật y đã được kêu gọi để lãnh đạo trong ý nghĩa cao nhất, nhưng sự lãnh đạo mà y chưa đủ khả năng thực ấy, hiện bắt nguồn từ một bình diện khác : nó cũng là một quyền năng, mặc dù thuộc về một loại khác hẳn không thể so sánh. Lòng “nhiệt thành thánh thiện” không thể được biện minh ngay cả khi những con người tội lỗi phỉ báng Ðức Phật và chân lý tối thượng. Người tu sĩ không phải là kẻ tuyên dương chân lý này, vậy nên y phải cẩn thận không nói nhiều về Phật hay Thiền

Còn về những kẻ ác tâm thì sao ? Bị lầm lạc, họ tự cho mình là trung tâm điểm của mọi sự. Tính tự kỷ ngoan cố này khiến cho Phật tính trong họ bị hoàn toàn lu mờ. Tri kiến sáng suốt không còn có lợi ích gì ở đây ; sự ngoan cố dường như là bản tính nguyên thủy của con người. Người tu sĩ không có chọn lựa nào khác hơn là tin lời Phật và những bậc Thầy khi họ nói rằng : Phật tính có ở ngay cả trong một người trọng tội. Y phải tin điều này cho đến khi y tự mình thấy được nó và trở thành không còn lệ thuộc vào Phật và Thầy. Muốn đạt đến tri giác này, giống như một satori mạnh mẽ nhất, cần phải có những luyện tập thêm. Cũng hệt như những luyện tập hơi thở và tập trung tâm trí là cần thiết cho satori, bây giờ y phải thực hiện những luyện tập bao gồm cả toàn thể con người y - không những tâm thức mà còn cả linh hồn và thể xác y nữa. Y phải vượt ra ngoài những đối đãi trong đó y đang còn vướng, xem như điều kiện dẫn đến một cuộc biến đổi không còn do chính y nữa, mà là một cái gì “xảy đến” cho y. Những kinh nghiệm bất hạnh của riêng y đã chuẩn bị đưa người tu sĩ đến chỗ này. Ðiều cốt yếu đối với y là phải trở thành vô ngã trong một ý nghĩa căn để, sao cho ngã không còn hiện hữu nữa, như một danh từ hay một cảm thức mà trở thành một số lượng vô danh. Ngã chấp, cho đến bây giờ vẫn là điểm quy chiếu thầm kín hay hữu thức trong mọi kinh nghiệm hàng ngày, phải tan biến.

Ðiều này không có nghĩa là “tôi” phải bị bỏ và thay thế bằng một “chúng ta” mơ hồ, vì kinh nghiệm đoàn nhóm vẫn còn tác động trên cá nhân như một cái ngã, dù y không phản ứng lại nó với tư cách cá nhân mà trong tinh thần của tập đoàn. “Tôi” đúng hơn nên được thay thế bằng “nó” (“it” trong Anh ngữ, có ý nghĩa trung tính rõ rệt hơn – Lời người dịch).

Những luyện tập tiếp theo những tập luyện trước, phải có kết quả là trạng thái an tĩnh hoàn toàn của tự tâm. Mọi sự xảy đến, và nhất là những gì xảy đến cho tôi, phải được quan sát một cách vô tư, như thể nó không dính líu gì đến tôi cả. Ðiều này có nghĩa là vui mừng khi một việc gì xảy đến cho tôi, hệt như tôi sẽ vui mừng nếu nó xảy đến cho một người nào khác ; và buồn rầu vì nỗi buồn của một người khác, không khác như thể nó xảy đến cho tôi. Quả thế, tôi phải có thể vui mừng vì niềm vui của một kẻ khác, cho dù nó đem lại cho tôi sự buồn khổ (khi, chẳng hạn, một người khác được ưa thích hơn tôi), và phải xao xuyến vì nỗi buồn khổ của một người khác, ngay cả khi nguyên nhân sự buồn khổ của y đem lại nguồn vui cho tôi.

Ðiều dĩ nhiên là một Phật tử không được thù ghét, và chung quy y cũng không thể thù ghét. Cũng thế, y không được yêu thương trong nghĩa thông thường của danh từ, và quả thật y cũng không thể si ái. Tuy nhiên, không phải y trở thành vô cảm giác và dửng dưng. Y để cho mọi sự vật và mọi người có một phần trong khả năng yêu thương dồi dào của y, mà không nhằm một tình thương nào đáp lại. Y yêu thương một cách vô tư, vô ngã, như thể yêu để mà yêu. Và điều này không phải bởi vì nó đem lại cho y khoái lạc riêng tư hay làm thỏa mãn một dục vọng riêng, mà vì y phải làm thế do một lòng yêu thương dào dạt. Tình yêu này, nếu ta có thể gọi là yêu, vượt cả yêu ghét vì nó không thể chuyển thành sự ghét bỏ. Nó không như một ngọn lửa đang bừng cháy có thể hạ xuống bất cứ lúc nào, mà nó giống như một ánh sáng trường tồn. Tình yêu này, một tình yêu không thể bị thất vọng, cũng như không thể được khuyến khích từ bên ngoài, một tình yêu trong đó sự tử tế, lòng lân mẫn và biết ơn hòa lẫn, một tình yêu không khuyến dụ, không cố nài ép, đòi hỏi, quấy rầy hay bám riết, một tình yêu không cho ra để mà nhận lại - tình yêu ấy có một mãnh lực phi thường, chính bởi nó tránh hết mọi mãnh lực. Nó ôn hòa, từ tốn, nhưng cuối cùng không thể bị phản kháng lại. Ngay cả những vật gọi là trơ lì cũng mở lòng ra trước tình thương ấy, và loài vật, trong trường hợp khác đã rụt rè và nghi ngờ, cũng tín cẩn trước một tình yêu như thế.

Ðiều này sẽ giải thích tại sao lòng yêu thiên nhiên của người Nhật được liên kết với Thiền. Ðấy là hình thức trong sáng nhất của một tình yêu hướng về sự vật một cách tự nhiên và không thể bị đổi thành thù ghét. Ta có thể kể nhiều điển hình về tình yêu này : người ta nghĩ đến thái độ của người Nhật đối với hoa. Ðây là tỉ dụ về tình yêu trong sáng nhất không cần đền đáp : Tôi yêu hoa không phải nó nở cho tôi, mà bởi vì nó nở hoàn toàn không “lý” gì đến tôi, và tôi vui mừng trong hiện hữu của nó không phải như thể nó là sở hữu của tôi.

Nếu bạn đã trải qua sự học tập này, nếu bạn có cố gắng nào tương tự để đạt đến một vị trí vượt ngoài đối đãi, tức bạn đã hoàn tất những điều kiện cho một cuộc gặp gỡ tốt đẹp với cái “khác” ; bạn có thể lĩnh hội nó “trong tự thân” bằng một thoáng trực giác, như một y sĩ kinh nghiệm nói ngay được bệnh trạng của bệnh nhân. Từ điểm thuận lợi này, một con người có thể được nhìn thấy đúng như hiện thể của y với tất cả những gì bị bóp méo hay quái dị trong y, bây giờ không còn bị khinh rẻ nữa, mà được chấp nhận một cách bình tĩnh. Và khi “từ lực” của người tu sĩ càng mạnh, thì người kia càng không thể lừa dối ông, không thể đặt ra hàng rào của sự giả tạo vờ vĩnh. Mãnh lực ấy trở thành môi trường, trong đó người kia tự nhiên cảm thấy thoải mái trải lòng mình ra, một môi trường mời mọc kẻ kia đến hàng phục, chịu sự lãnh đạo.

Người tu sĩ không cảm thấy cái ngã của mình tăng thêm trong mối xúc tiếp với người kia, mà chỉ tăng cường cái “Nó” trong ông. Ông cảm thấy đang tiến lên với những sức mạnh khác hơn là chính ông.

Sự giúp đỡ của ông đối với kẻ khác chỉ ở chỗ đó, trong một tình trạng vô hành, một thái độ tâm linh vượt bực và sáng tạo độc đáo. Thân xác, linh hồn và tâm linh ở đây được tan hòa vào nhất thể. 

Ông tác động trên kẻ khác bằng gương mẫu của chính mình, chỉ chờ đợi đến khi họ không biết phải làm sao và mong muốn một lời khuyên. Khi ấy có lẽ ông sẽ khuyên họ làm tròn nhiệm vụ một cách ý thức, trung thành và vô ngã. Ông sẽ không nói về Thiền hay mong đặt họ lên con đường nếu nền móng chưa được chuẩn bị. Chỉ khi đó ông mới giải thích sự sai lầm căn để của việc tự xem mình như trung tâm điểm của mọi sự, nhấn mạnh vào ý muốn riêng, và như thế đi ngược lại định luật phổ cập khi muốn thích nghi sự vật theo mình, thay vì tự mình thích nghi theo sự vật. Sau đó, dần dần ông sẽ nhập môn họ vào những tập luyện mà chính ông đã trải qua, dè dặt đưa họ lên con đường đem lại giải thoát khỏi tánh ngoan cố và dục vọng. 

Tâm của vạn pháp 

Ngã tính thuộc vào chính bản chất của con người, như đôi cánh của một con chim hay lá của cành. Trong tự nó, ngã tính ấy không có gì khả nghi, không có gì để phát sinh tình trạng ly tâm của hiện hữu con người. Tuy nhiên một sự dời xa, một sự ly khai khỏi tâm, tiềm ẩn trong ngã tính ấy. Khi càng phân biệt mình với mọi sự gì không phải là mình, không thuộc về mình, con người kinh nghiệm sự căng thẳng giữa ngã và phi ngã như một đối lập. Khi đối diện những gì không phải chính mình, càng ý thức nó như một đối tượng bao nhiêu, thì cái ngã càng tự đặt nó ra ngoài - ngoài những gì “đối nghịch” với nó. Kết quả là một sự chia cắt liên miên của hữu thể thành ra hai lãnh vực là chủ thể và khách thể, đến nỗi nghệ thuật phân biệt càng tiến, người ta càng thấy khó hiểu : Làm thế nào Thực thể độc nhất lại có thể tự chia thành hai lãnh vực khác nhau đến thế ?

Bây giờ, dù sự đối đãi có chính xác như một định lý, giữa đồng và dị, một và nhiều, bất dị và dị, bất đối và đối, thì vẫn không có sự cao siêu huyền bí nào về những cặp đối lập ấy. Sự kiện trí năng không thể quan niệm sự đồng thể và nhất thể, chỉ trừ trong môi trường nhị nguyên, không có nghĩa rằng nhị nguyên ấy phải là đối tượng và đề tài của giác tánh huyền bí.

Ðối với người Phật tử phái Thiền, kẻ không để mình rối loạn vì những bay bổng của tư duy thuần lý, sự huyền bí đích thực không những chỉ vượt ngoài mọi đa nguyên, đối đãi và phân biệt, mà còn vượt ngoài những cặp đối đãi “một, nhiều” , “đồng, dị” , “đối, bất đối” . Và ngay điều này cũng có thể cãi được, vì nó đi ngược lại một vài kinh nghiệm thần bí rất xác định.

Nếu người Phật tử ấy nhận thấy cần diễn đạt một quan niệm về vấn đề này theo những từ ngữ chúng ta đã dùng ở đây, y sẽ chỉ nói thế này : “Tâm của vạn pháp cũng vượt ngoài một và nhiều, đồng và dị, và không vượt ngoài” . Và bởi vì, vượt ngoài và không vượt ngoài cũng lại đối đãi nhau, nên y phải nói thêm rằng : “Tâm ấy không phải là cái này, cũng không phải cái khác, cũng không phải vừa cái này vừa cái khác, và tư tưởng không thể diễn tả được, dù chỉ ám chỉ đến nó. Bất cứ người nào muốn biết đấy là gì, đều phải theo con đường của Thiền, không có cách nào khác” . 

Sự sa đọa và sự kiện toàn con người 

Sự sa đọa của con người phát sinh như thế nào ? Nó bắt đầu bằng sự bỏ qua hay hiểu lầm mục đích sâu xa nhất của hiện hữu mình. Không một sinh vật nào khác ngoài con người được thiên nhiên cấu tạo không những để sống một cách tự nhiên từ nơi tâm vạn pháp mà còn để khải thị bí mật của tất cả cuộc tồn sinh. Y đã được ban phát khả năng phá vỡ những xiềng xích của cá tính để đi vào trong mối xúc tiếp thân mật với mọi hiện hữu, để gặp khắp nơi trong thế giới bên ngoài một cái gì gần gũi với y, hay thể nhận chính mình trong mối gần gũi ấy, và trong cái ngã này, y trở nên ý thức được tâm của vạn pháp, đến độ y sống cũng như bị sống (không để cái ngã của mình tác động lên mọi sự) .

Không có loài nào ngoài và dưới loài người, đã sống : chúng bị sống. Với sự chắc chắn của những người mộng du, chúng sống một cuộc đời quay vào chính mình, và không một mối liên lạc nào chúng gặp đã từng đi vào ý thức chúng. Chúng không có cách nào để mở lòng ra và cứ để mở như thế, để tự hiển lộ mình và bị hiển lộ. Bất cứ cái gì chúng làm hay chịu đựng đều không có ý nghĩa gì với chúng. Chỉ có mặt một cách vô danh trên đời, chúng được bao bọc một cách hạnh phúc trong chính chúng, nhưng chúng không đạt đến sự vui hưởng một cách ý thức hiện hữu của mình.

Tuy nhiên đối với con người, một định luật mới không tiền khoáng hậu đã được ban phát cho y : y phải hoàn thành những gì được hứa khả trong bản tính mình bằng cách kính trọng mọi sự, và bao bọc chúng trong tình thương yêu bất cứ khi nào và ở đâu y gặp chúng ; trong một tình yêu thương không tính toán, mà tung rải nó ra và chỉ càng phong phú thêm trong khi tung rải. Chỉ cách đó, y mới có thể thành công trong việc giải thoát dần dần khỏi ngục tù chật hẹp của cá thể, trong đó giống như súc vật và cỏ cây, y đã bị nhốt kín. Cuối cùng y được khôi phục để trở thành chính mình : là tâm của vạn pháp, trong đó Bản thể được hiển lộ. Sự kính trọng đối với toàn thể sự sống là công thức của Phật giáo Thiền, và bí quyết của Thiền chính ở chỗ đó. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2012(Xem: 5355)
Bất kì ai cũng có khả năng giác ngộ nếu có khát vọng. Khát vọng hướng về mẫu số chung “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”, khát vọng đó là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
18/01/2012(Xem: 6428)
Trong hiện tại con thấy rằng thật không thể chịu nổi vì người thân của con khổ đau, nhưng con vui thích khi kẻ thù con đau khổ, và con dửng dưng đến khổ đau của những người không liên hệ. Tông Khách Ba, Đại Luận Con Đường Tiệm Tiến - Lamrim [1] Từ nền tảng bản chất thật sự của tâm, chúng ta cần phát triển từ ái và bi mẫn thật mạnh mẽ rằng khổ đau của người khác trở nên không thể chịu nổi. Vì từ ái và bi mẫn phải được cảm nhận một cách bình đẳng cho tất cả mọi loài chúng sinh, sức mạnh của những thái độ này sẽ tùy thuộc trên mức độ của sự gần gũi hay thân thiết mà chúng ta cảm nhận cho người khác.
15/01/2012(Xem: 7560)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
21/12/2011(Xem: 13186)
Trong Đạo Phật, khi tâm thức chúng ta ở trình độ khởi đầu, chúng ta được dạy cho những sự thực hành nào đấy để thực tập. Khi qua những thực tập ấy, tâm thức chúng ta đã phát triển một ít...
13/12/2011(Xem: 10390)
Sở dĩ chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau là vì thân tâm luôn hướng ngoại tìm cầu đối tượng của lòng tham muốn. Được thì vui mừng, thích thú...
22/10/2011(Xem: 3610)
“Phản văn văn tự tánh” là “quay cái nghe nghe tự tánh”. Tự tánh là thực thể đang nghe đang thấy đang biết, đồng thời đang tự biết tự thấy…
22/10/2011(Xem: 3895)
Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là quán tâm. Học Thiền, tức học đạo lí giác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để thấy biết trạng thái tâm trí.
20/10/2011(Xem: 4122)
Chúng tôi muốn trình bày vài điều để giớithiệu cách thực hành thiền. Như đa số mọi người, từ người phương Tây đến ngườiÁ châu, đều rất hâm mộ thiền định, bởi vì bị lôi cuốn bởi sự thực hành và đạtđược nhiều lợi lạc từ đó. Tuy nhiên, dù rất nhiều người áp dụng thiền trong đờisống, nhưng chỉ có một số ít là hiểu được sâu xa mục đích của thiền.
17/10/2011(Xem: 5978)
Chúng ta sống, quay cuồng trong cuộc đời, cuối đời còn muốn kéo dài tuổi thọ. Nhưng có khi nào chúng ta dừng lại , suy nghĩ, bình tỉnh lại để tự hỏi mình sống để làm gì ? Ý nghĩa cuộc đời là gì ?
13/10/2011(Xem: 6309)
Nhiều người nói thực hành thiền Chánh Niệm tốt cho não bộ, nhưng ai có thể chứng minh được điều này? Một vị sư Phật giáo, Thiền sư, Triết gia, và trước đây là một khoa học gia, Matthieu Ricard tham dự án nghiên cứu cho thực tập Thiền có ảnh hưởng tích cực cho não bộ. Ông tình nguyện làm một đối tượng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong những cuộc nghiên cứu quan trọng về Thiền và Não Bộ và ít có người ở trong một vị thế đặc biệt như ông để mô tả cuộc gặp gỡ giữa khoa học và Thiền quán.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]