Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Vấn Đáp

02/02/201217:06(Xem: 8214)
Chương 05: Vấn Đáp
THIỀN VÀ PHÁP MÔN VÔ NIỆM
LUẬN GIẢI VỀ PHÁP BẢO ĐÀN KINH CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Nguyên tác “The Zen Doctrine of No-Mind”
D. T. Suzuki Biên soạn
Bản dịch Việt: Thích Nhuận Châu

CHƯƠNG 5
VẤN ĐÁP

Một vị tăng hỏi Mã Tổ:

– Tổ Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn Độ sang đây, có ý chỉ gì? (如 何 是 祖 師 西 來 意?)

Mã Tổ đáp:

– Hiện giờ ý ông là gì?

Bàng cư sĩ (Bàng Uẩn), đệ tử kiệt xuất của Mã Tổ hỏi:

– Như nước không gân xương, sao có thể chở được chiếc thuyền muôn hộc. Lý ấy như thế nào? (如 水 無 筋 骨 能 生 萬 斛 舟, 此 理 如 何?)

Mã Tổ đáp:

– Trong ấy nước cũng không, thuyền cũng không, nói gì đến gân xương.

Bách Trượng (Hoài Hải) hỏi:

– Thế nào là chỉ thú của Phật pháp? (如 何 是 佛 法 旨 趣?)

Mã Tổ đáp:

– Đó chính là nơi ông bỏ thân mạng! (正 是 汝 放 身 命 處)

Mã Tổ hỏi Bách Trượng dùng pháp gì tiếp người. Bách Trượng liền đưa cây phất tử (j: hossu) lên. Mã Tổ hỏi:

– Chỉ thế thôi à! Không còn gì khác nữa ư? (祇 這 箇, 未 當 别 有?)

Một vị tăng hỏi Mã Tổ về ý chỉ của Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Sư vừa đánh vị tăng vừa nói:

– Nếu tôi không đánh ông, về sau, người trong thiên hạ sẽ cười tôi.

Tổng Ấn ở Tam Giác Sơn. Một hôm giảng pháp:

– Nếu chúng ta phải luận đến chuyện ấy, chỉ một cái nhướng mày cũng khiến chúng ta lệch hướng.

Ma Cốc liền hỏi:

– Không luận về nhướng mày “chuyện ấy” nghĩa là gì?

Tổng Ấn đáp:

– Đó, ông đã lệch sang một bên rồi

Ma Cốc lật ngược sàng tòa sư đang ngồi. Sư đánh Ma Cốc. Không có gì để nói nữa.

Một vị tăng hỏi Bảo Văn (c: pao-yun) ở Lục Tổ sơn (c: lu-tsu-shan)

– Người ta có ý gì khi nói: “Nói là không nói?”

Sư hỏi lại:

– Miệng ông ở chỗ nào?

Vị tăng đáp:

– Con chẳng có miệng.

Sư hỏi:

– Thế ông lấy gì để ăn cơm?

Vị tăng không đáp được. Về sau, Động Sơn (Lương Giới) bình giải:

– Gã nầy không bao giờ đói, không muốn ăn cơm.

Khi Thường Hưng (c: chang-hsing) ở Lặc Đàm (c: le-tam) ngồi quay mặt vào tường khoanh chân tọa thiền. Nam Tuyền chợt đến đánh vào lưng sư. Sư hỏi:

– Ai đó?

Nam Tuyền đáp:

– Phổ Nguyện đây.

Thường Hưng hỏi:

– Ông ra sao rồi?

Nam Tuyền đáp:

– Vẫn thường.

Thường Hưng nói:

– Ông sống một đời bận rộn quá!

Một vị tăng hỏi Bảo Tích ở Bàn Sơn.

– Đạo là gì?

Sư đáp:

– Vào đi!

Tăng thưa:

– Con không thể hiểu được.

Sư đáp:

– Ra đi!

Thiền sư Bảo Triệt (c: pao-che) ở Ma Cốc sơn (c: ma-ku-shan), đến phiên làm thị giả cho Mã Tổ. Một hôm, thầy đang đi dạo, sư hỏi:

– Thế nào là Đại niết-bàn? (如 何 是 大 涅 槃?)

Mã Tổ đáp:

– Nhanh lên nào! ( 急!)

Sư thưa:

– Gấp cái gì? (急 箇 甚 麽?)

Mã Tổ đáp:

– Xem suối kìa. (看 水!)

Một học giả chuyên nghiên cứu Phật học đến viếng Diêm Quan Tề An (c: yen-kuan ch'i-an). Sư hỏi ông ta.

– Ông chuyên làm việc gì?

Học giả đáp:

– Con chuyên giảng Kinh Hoa Nghiêm

Sư hỏi:

– Trong kinh dạy có bao nhiêu pháp giới?

Học giả đáp:

– Theo cái nhìn tổng quát, có vô số pháp giới liên hệ với nhau rất mật thiết. Nhưng nói tóm tắt, có bốn pháp giới.

Khi ấy, sư đưa cây phất tử lên rồi hỏi:

– Cái nầy thuộc về pháp giới nào trong đó?

Học giả suy nghĩ một lúc, cố gắng tìm câu trả lời. Sư không đợi được nữa, bèn nói:

– Cân nhắc suy luận và trí hiểu biết lan man, rốt cuộc chẳng đáng gì cả, nó thuộc về kẻ giữ mồ cho quỷ, như ngọn đèn giữa ban ngày, không chiếu sáng được vật gì cả.

Một vị tăng hỏi Đại Mai (Pháp Thường) về ý chỉ của Tổ Bồ-đề Đạt-ma từ Tây Trúc sang. Sư đáp:

– Chẳng có gì trong đó cả.

Sau nầy, Thiền sư Tề An (c: ch'i-an) nghe được lời nầy. Sư nói:

– Trong một quan tài, có hai thây ma. (一 箇 棺 材, 兩 箇 死 漢)[2]

☸ Một vị tăng hỏi Linh Mặc (c: ling-mo) ở Ngũ Tiết sơn:

– Việc ấy đầu đuôi như thế nào?

Sư đáp:

– Hãy nói cho tôi biết khoảnh khắc hiện tiền tiếp diễn bao lâu?

Vị tăng đáp:

– Con chẳng theo thầy nỗi.

Linh Mặc nói:

– Chẳng tích sự gì khi để ý đến câu hỏi của ông.

Vị tăng thưa:

– Nhưng thầy phải biết cách tiếp xử với những người như thầy chứ?

Sư đáp:

– Khi họ đến, tôi sẽ đưa cho xem.

Vị tăng thưa:

– Thỉnh thầy chỉ cho điều ấy.

Linh Mặc đáp:

– Ông thiếu cái gì nào?

☸ Một vị tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan (c: wei-kuan) ở Hình Sơn tự.

– Đạo là gì?

Duy Khoan đáp:

– Núi đẹp quá chừng!

Tăng nói:

– Con hỏi thầy về đạo, sao thầy lại nói về núi?

Sư đáp:

– Chừng nào ông chỉ biết có núi, thì ông chẳng có dịp để nhập Đạo.

Một vị tăng khác hỏi Thiền sư Duy Khoan:

– Đạo ở đâu? (道 在 何 處?)

Sư đáp: – Ngay trước mặt. (只 在 目 前)

Tăng hỏi lại:

– Sao con không thấy? (我 何 不 見?)

Sư đáp: – Vì ông còn chấp ngã. (汝 有 我 故)

Tăng hỏi:

– Con không thấy vì con chấp ngã. Hòa thượng thấy chăng? ( 我 有 我 故 即 不 見, 和 尚 還 見 否?)

Sư đáp:

– Còn “tôi và ông”, thì còn lăng xăng, nên cũng chẳng thấy (有 汝 有 我 展 轉 不 見).

Tăng hỏi:

– Khi chẳng có “con” cũng chẳng có “thầy” thì thấy Đạo chăng? (無 我 無 汝, 還 見 否?)

Sư đáp:

– Khi chẳng còn “ông”, chẳng còn “tôi”, ai cầu thấy nó làm gì? (無 汝 無 我, 何 誰 求 見?)

Một hôm Trí Thường (c: chih-chang) ở chùa Qui Tông uống trà với Nam Tuyền Phổ nguyện, Nam Tuyền nói:

– Chúng ta là huynh đệ tâm đắc, đã nói chuyện với nhau rất nhiều, chúng ta đều biết mình đang ở đâu và biết mỗi người sẽ đi mỗi đường khác nhau, nếu có ai hỏi huynh về thực tại tối thượng của các pháp. Huynh sẽ nói sao?

Trí Thường đáp:

– Nơi ta đang ngồi có vị trí rất đẹp để cất một cái am.

Nam Tuyền nói:

– Để mặc cái am của huynh ở đó, thế nào là Thực tại tối thượng?

Trí Thường cầm lấy bộ tách trà đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi. Nam Tuyền thấy vậy, nói:

– Huynh đã uống trà xong, còn tôi thì chưa.

Trí Thường đáp:

– Người nói như thế cũng chẳng uống được giọt nào.

Một hôm Trí Thường vào thiền đường. Sư nói:

– Nay tôi sẽ nói Thiền. Đại chúng đến gần đây.

Tăng chúng đến, sư nói:

– Khi các ông nghe được hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, các ông có thể ứng xử thích nghi mọi hoàn cảnh.

Có vị tăng hỏi:

– Hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm là những gì?

Sư khảy móng tay, nói:

– Các ông nghe chăng?

Đại chúng đáp:

- Thưa, có nghe.

- Này, lũ vô tri vô giác, các ông đến đây tìm cái gì?

Sư vừa nói vừa đánh đuổi tăng chúng ra khỏi phòng, vừa cười ha hả, bước về phương trượng.

Một vị tăng hỏi Lư Sơn:

– Tất cả các pháp đều trở về không, thế không trở về đâu?

Lư Sơn đáp:

– Không thể đặt miệng vào chỗ ấy được

Tăng hỏi:

– Sao lại không?

Lư Sơn đáp:

– Vì trong ngoài vốn nhất như

Lần khác, một vị tăng hỏi:

– Tổ Đạt-ma từ Tây Trúc sang. Có ý gì?

Sư đáp:

– Chẳng có “cái gì” ở đây cả.

Tăng hỏi: – Sao vậy?

Sư đáp:

– Chỉ vì các pháp vốn như.

Hai tuyên ngôn nầy của Lư Sơn có thể được xem như là luận giải về một đề tài duy nhất, tính khôngchân như.

☸ Một hôm, Ba Lăng (c: pai-ling) gặp Bàng Cư Sĩ trên đường đi. Ba Lăng nói:

– Ông có dịp nào nói cho ai về sự thực mà ngày xưa ông đã kinh nghiệm được ở Nam Nhạc (c: nan-yueh), chăng?

Bàng Cư Sĩ đáp: – Có!

Ba Lăng hỏi: – Với ai?

Bàng Cư Sĩ tự chỉ vào vào mình đáp:

– Với lão già nầy.

Ba Lăng nói:

– Ngay cả sự tán thán của Văn-thù-sư-lợi và Tu-bồ-đề cũng không đủ chứng minh điều ông nói.

Bàng Cư Sĩ hỏi lại:

– Thế có ai biết được chân lý mà ông đã kinh nghiệm được không?

Ba Lăng đội nón rơm lên đầu rồi đi ra.

Bàng Cư Sĩ nói theo:

– Tạm biệt sư huynh, xin bảo trọng.

Nhưng Ba Lăng vẫn hướng về phía trước bước đi, không hề ngoảnh lại.

Thiền sư Đơn Hà Thiên Nhiên (c: tan-hsia t'ien-jan), đệ tử của Thạch Đầu. Một hôm sư viếng Quốc Sư Huệ Trung, khi báo cho thị giả xin được gặp Quốc sư, thị giả đáp:

– Thầy ở đây nhưng không tiếp khách ( 在 即 在, 不 見 客。)

Đơn Hà bảo:

– Thật sâu xa thay! 太 深 遠 生!

Thị giả đáp:

– Mắt Phật cũng chẳng dò thấu chỗ sâu xa ấy (佛 眼 亦 不 歷 不 見。

Đơn Hà nói:

– Thực là rồng sinh rồng, phụng sinh phụng 龍 生 龍 子, 鳳 生 鳳 兒!

Khi Huệ Trung Quốc sư qua giấc ngủ trưa, thị giả thuật lại về người khách. Huệ Trung phạt thị giả 20 gậy rồi đuổi ra. Khi Đơn Hà nghe được chuyện nầy, sư nói:

– Chẳng lầm là Nam Dương Quốc sư 不 謬 為 南 陽 國 師!

Ngày hôm sau, sư lại đến viếng lần nữa, ngay khi đến trước Huệ Trung, Đơn Hà liền trải tọa cụ để đảnh lễ. Huệ Trung ngăn lại:

– Không cần làm vậy 不 用!不 用!

Đơn Hà bước lùi lại. Huệ Trung nói

Như thị! Như thị! 如 是!如 是!

Sư tiến tới trước.

Quốc sư bảo:

– Chẳng phải! Chẳng phải! 不 是!不 是!

Đơn Hà đi quanh Quốc sư một vòng rồi lùi ra.

Quốc sư bảo:

– Thời của cổ đức đã xa rồi, người thời nay lại lơ là việc bản phận. Ba mươi năm sau, khó gặp được người như gã nầy.

Thiền sư Huệ Lãng (Hui-lang) ở chùa Chiêu Đề (c: chao-t'i), đến tham vấn Mã Tổ hỏi:

– Ông đến đây cầu việc gì? 汝 來 何 求?

Sư thưa:

– Cầu tri kiến Phật! 求 知 見 佛!

Mã Tổ đáp:

– Phật không tri kiến, như vậy, tri kiến ấy thuộc về ma (佛 無 知 見, 知 見 乃 魔 耳!).

Ông nói ông từ Nam Nhạc đến, nhưng dường như chưa biết tâm yếu của Tào Khê. Ông nên mau trở về nơi đó, không nên dừng trụ nơi khác. Sư về đến, Thạch Đầu liền hỏi:

– Thế nào là Phật? (如 何 是 佛?)

Thạch Đầu đáp:

– Ông không có tính nầy (汝 無 佛 性。)

Huệ Lãng hỏi tiếp:

– Những loài xuẩn động hàm linh (côn trùng) thì như thế nào? (蠢 動 含 靈 又 作 麽 生?)

Thạch Đầu đáp:

– Xuẩn động hàm linh đếu có Phật tính! (蠢 動 含 靈, 皆 有 佛 性!)

Huệ Lãng hỏi:

– Huệ Lãng này tại sao không có?

Thạch Đầu đáp:

– Vì ông không chịu nhận (為 汝 不 肯 乘 當!)

Câu nói đã mở mắt cho Huệ Lãng nhận ra tự tính nơi mình. Về sau sư về trụ ở chùa Chiêu Đề, tất cả tăng nhân đến tham vấn sư đều đuổi đi và nói:

– Hãy đi đi! Các ông chẳng có Phật tính.[3] (去! 去! 汝 無 佛 性!)

Để giúp cho quý vị hiểu trường hợp của Huệ Lãng, tôi trích dẫn thêm hai câu chuyện khác trong Truyền Đăng Lục.

1. Một hôm có vị tăng đến tham vấn Trường Khánh Huệ Vân. Tăng hỏi

– Trong thân tứ đại ngũ uẩn nầy cái nào là Phật tính.

Sư gọi tên vị tăng, tăng đáp:

– Dạ!

Sư im lặng một hồi lâu rồi nói:

– Nơi ông chẳng có Phật tính!

2. Khi Hoàng đế Thuận Tông (c: shun-tsung) hỏi Nga Hồ Đại Nghĩa (e-hu ta-i, 735-818).

Thế nào là Phật tính?

Sư đáp:

– Cái ấy chẳng xa câu hỏi của bệ hạ

Một hôm Động Sơn (c: tung-shan) đến tham vấn Huệ Siêu

(hui-chao) ở Thụ Sơn. Huệ Siêu nói:

– Ông đã là tăng có chỗ trụ rồi (không còn đi hành cước nữa). Sao còn đến đây tham vấn?

Động Sơn đáp:

– Con còn chút hồ nghi trong tâm mà đành bất lực. Nên đến đây tham vấn Hòa thượng.

Huệ Siêu gọi lớn:

– Này Lương Giới! (pháp danh của Động Sơn)

Động Sơn liền thưa:

– Dạ!

Huệ Siêu hỏi:

– Đó là cái gì?

Động Sơn không trả lời được. Huệ Siêu bèn phán:

– Một tượng Phật rất đẹp, tiếc thay chẳng phóng được hào quang.

Một hôm, Bách Trượng giảng pháp xong, thấy tăng chúng sắp rời khỏi giảng đường. Sư kêu lại:

– Nầy chư huynh đệ!

Tất cả đều quay lại, lúc ấy sư hỏi:

– Cái gì thế?

Câu hỏi này được lưu truyền rất lâu trong giới học Thiền thời ấy.

Chấn Lãng (Chen-lang) đến tham vấn Thạch Đầu. Sư hỏi:

– Ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang là gì?

Thạch Đầu đáp:

– Hãy hỏi cây cột này!

Chấn Lãng thưa:

– Con không hiểu.

Thạch Đầu nói:

– Ta cũng không hiểu.

Câu nói nầy khiến cho Chấn Lãng ngộ đạo. Về sau khi có tăng đến xin chỉ thị, Chấn Lãng gọi:

– Này Đại đức!

Tăng đáp:

– Dạ!

Nhân đó, Chấn Lãng nói:

– Ông đã tự mình đi lạc hướng!

Vị tăng thưa:

– Nếu thế, sao thầy không chỉ con phải hành xử như thế nào cho đúng?

Chấn Lãng không đáp lấy hai tay dụi mắt như để nhìn cho rõ hơn. Vị tăng lặng thinh.

Một hôm Thạch Đầu tuyên bố:

– Dù các ông nói như thế nào, dù các ông hành xử như thế nào đi nữa, cái ấy chẳng gì dính dáng đến ông.

Dược Sơn Duy Nghiễm luận giải như sau:

– Ngay cả khi các ông không nói gì, ngay khi các ông không hành xử gì hết, những điều như thế cũng chẳng dính dáng gì đến ông.

Thạch Đầu nói:

– Ta trong ấy một mũi kim chẳng lọt (我這裏針劄不入)

Duy Nghiễm nói:

– Con trong ấy như trồng hoa trên đá (我這裏如石上栽 華)

Một hôm, Dược Sơn Duy Nghiễm im lặng tọa thiền. Có vị tăng đến hỏi.

– Nơi chót vót bất động ấy, còn suy nghĩ cái gì? (兀兀地思量甚麽)

Sư đáp:

– Suy nghĩ cái không suy nghĩ (思量箇不思量底)

Tăng hỏi:

– Cái không suy nghĩ làm sao thầy suy nghĩ được? (不思量底如何思量?)

Sư đáp:

– Bằng cách chẳng suy nghĩ (非思量)

Một vị tăng đến tham vấn hỏi:

– Con có chỗ nghi, xin thầy giải cho.

Dược Sơn hỏi:

– Đợi đến chiều thượng đường, ta sẽ giải cho.

Khi đại chúng vân tập về giảng đường. Dược Sơn gọi vị tăng ấy bước ra trước.Vị tăng theo lời sư bước ra. Sư rời khỏi ghế, cầm tay vị tăng rồi nói.

– Này! đại chúng, vị tăng này có mối nghi.

Nói xong, sư đẩy vị tăng ra khỏi thiền đường rồi đi về phương trượng.

Sau đó, Huyền Giác bình giải:

“Có thực Dược Sơn đã giải được mối nghi cho vị tăng ấy không? Nếu đó chính là vấn đề thì đâu là điểm then chốt? Nếu không phải là vấn đề, tại sao Dược sơn hẹn đến chiều sẽ trả lời ở giảng đường?

Ngưỡng Sơn hỏi Qui Sơn về ý chỉ của Tổ Đạt-ma sang từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Qui Sơn đáp:

– Cái lồng đèn nầy đẹp ghê!

Ngưỡng Sơn hỏi:

– Cái này chẳng phải là nó hay cái kia là chẳng phải?

Qui Sơn hỏi lại:

– “Cái này” nghĩa là gì?

Ngưỡng Sơn đáp:

– Cái lồng đèn nầy đẹp ghê!

Qui Sơn:

– Hẳn là ông chẳng thấy!

Nhân tiện, tôi cũng xin đề cập đến những khó khăn đối với những người chưa được mật truyền yếu chỉ thiền, để xác định được ý chỉ của thầy mình khi được trao truyền. Chẳng hạn như trong câu nói của Qui Sơn vừa rồi: “Ông chẳng thấy”, ta không nên hiểu theo nghĩa không “thấy biết”. Vì ở đây, Qui Sơn không cho rằng Ngưỡng Sơn không biết Thiền, trái lại, Qui Sơn biết rất rõ Ngưỡng Sơn đang đứng ở chỗ nào, và Ngưỡng Sơn cũng biết rõ Qui Sơn đang đứng ở nơi đâu. Do vậy nên chúng ta không nên chỉ biết đến những gì họ đang nói với nhau, mà trước hết, chúng ta phải đi sâu vào nội tại hoặc là bước vào chủ ý của ngôn ngữ họ dùng.

Một vị tăng thỉnh cầu Dược Sơn khai thị cho ông ta được sáng tỏ, vì ông ta vẫn còn mò mẫm trong tối tăm của đời mình. Dược Sơn im lặng một hồi lâu. Cái im lặng mang đầy ý nghĩa, và nếu vị tăng đã sẵn sàng, thì ông ta sẽ ngộ được nhờ cái im lặng ấy. Nhưng thực tế, vị tăng đã đánh mất cơ may và Dược Sơn nói tiếp:

– Chẳng khó khăn gì khi trả lời cho ông. Tuy nhiên, điều tốt cốt yếu là phải nắm bắt được ý nghĩa điều muốn nói là gì ngay khi vừa nói ra, không chút lý luận. Khi điều nầy được xảy ra có nghĩa là thể hội với đạo. Trái lại, nếu ông còn chần chừ, ông sẽ bắt đầu lý luận, và sự lầm lẫn ấy rốt cục là tại ngay nơi cửa miệng của ta. Tốt hơn là nên giữ mồm thật chặt để cả ông lẫn ta tránh khỏi những rắc rối về sau.

Lời dạy nầy của Dược Sơn hoàn toàn chính xác. Lời nói gợi cho chúng ta những lý giải lan man và dẫn đến sự suy lý, trong khi chiều hướng của thiền lại hoàn toàn khác, nhắm thẳng vào khoảnh khắc trước khi lời nói được phát ra.

Một vị tăng đến tham vấn Thiền sư Thạch Lâu (c: shih-lou). Hỏi:

– Con hoàn toàn mờ mịt mặt mũi của mình khi chưa sinh, xin thầy từ bi dùng phương tiện chỉ bày.

Thạch Lâu đáp:

– Ta không có tai!

Tăng thưa:

– Con biết mình có lỗi.

Thạch Lâu đáp:

– Ô, không, đó là lỗi của tôi.

Tăng hỏi:

– Lỗi của thầy ở chỗ nào?

Thạch Lâu đáp:

– Ở chỗ ông nói rằng ông có lỗi.

Vị tăng lễ bái. Sư liền đánh vị tăng.

Thạch Đầu hỏi Huệ Lâm,[4] là đệ tử của mình

– Ông là thiền tăng hay là tăng châu huyện? (汝 是 禪 僧, 是 州 縣 蹋 僧?)

Huệ Lâm đáp:

– Là tăng tham thiền (是 參 禪 僧)

Thạch Đầu hỏi tiếp:

– Thế nào là thiền? (何 者 是 禪?)

Huệ Lâm đáp:

– Nhướng mày, chớp mắt (揚 眉 瞬 目。)

Thạch Đầu bảo:

– Bỏ cái nhướng mày chớp mắt ấy qua một bên, hãy đem mặt mũi khi chưa sinh ra đây xem! (除 卻 揚 眉 瞬 目, 外, 將 本 來 面 目 呈 看!)

Huệ Lâm đáp:

– Bỏ cái nhướng mày chớp mắt ấy, thỉnh Hòa Thượng xem (除 卻 揚 眉 瞬 目, 外, 請 和 尚 鑒)

Thạch Đầu đáp:

– Ta đã bỏ rồi! (我 除 竟!)

Huệ Lâm đáp:

– Con đã trình rồi (我 呈 了 者!)

Một hôm Thúy Vi Vô Học (c: ts'ui-wei wu-hsiao) đi dạo trong pháp đường. Đầu Tử (c: t'ou - tzu)[5] đến gần, cung kính lễ bái, thưa:

– Hòa thượng dạy người như thế nào về mật ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Thúy Vi dừng bước môt hồi lâu, Đầu Tử lại thưa:

– Xin thầy chỉ dạy.

Sư bảo:

– Lại thích đẫm trong vũng nước dơ một lần thứ hai hay sao?

Đầu Tử lễ tạ rồi lui ra. Sư nói theo:

– Chớ vùi gốc.

Đầu Tử thưa:

– Khi thời tiết đến, gốc mầm tự sanh.

Khi Thúy Vi đặt lễ vật cúng dường các vị A-la -hán, có vị tăng hỏi:

– Đan Hà (tan-hsia, thầy của Thúy Vi) thiêu tượng Phật gỗ. Sao thầy còn cúng A-la-hán?

Thúy Vi bảo:

– (Tượng Phật) dù có thiêu trong lửa cũng chẳng cháy, còn cúng dường A-la-hán, cứ để mặc tôi.

Lần khác, có vị tăng hỏi:

– Khi cúng dường, các vị A-la-hán có đến chăng?

Sư hỏi lại:

– Hằng ngày ông có ăn cơm chăng?

Vị tăng không đáp được. Sư kết luận:

– Ít có kẻ lanh lợi.

Khi Đạo Ngô Viên Trí (tao-wu yuan-chih) và Vân Nham (yun-yen), đứng hầu thầy là Dược Sơn. Dược Sơn nói:

– Chỗ mà tri thức chẳng chạm đến được, tối kỵ khi nói đến. Nếu nói đến, tức đầu mọc sừng. Này Trí Đầu đà (Viên Trí), ông nghĩ sao?

Đạo Ngô liền bỏ đi ra.

Vân Nham Đàm Thạnh hỏi Dược Sơn.

– Tại sao sư huynh Trí không đáp lời Hòa thượng?

Dược Sơn trả lời:

– Hôm nay ta đau lưng. Viên Trí đã hội, tìm y mà hỏi.

Vân Nham đi ra, khi gặp Viên Trí, liền hỏi:

– Vì sao mà lúc nãy sư huynh không đáp lời Hòa thượng?

Viên Trí bảo:

– Ông hãy đến hỏi Hòa thượng đi!

Đức Thành ở Hoa Đình, thường được biết đến như một người thường sống lênh đênh trên một chiếc thuyền nhỏ trên sông Ngô. Một hôm có một vị tăng tên Thiện Hội (c: chan-hui), được một vị thiện tri thức khuyên nên đến tham vấn thuyền tử nầy.

Thuyền Tử hỏi :

– Đại đức trụ ở chùa nào?

Thiện Hội thưa:

– Tôi chẳng trụ ở chùa nào cả, mà trụ nơi chẳng ai biết.

hỏi:

– Nơi chẳng ai biết ấy chẳng giống cái gì?

Thiện Hội đáp:

– Chẳng phải là cái mắt có thể nhìn thấy được.

Thuyền Tử hỏi:

– Ông học ở đâu mà biết như vậy.

Thiện Hội đáp:

– Cái đó chẳng phaỉ chỗ lãnh hội của tai mắt.

Sư cười lớn, nói:

– Cho dù ông nói hay cỡ nào, nó cũng chẳng giúp gì cho ông hơn là cái cọc cột lừa, khi người ta thả sợi dây ngàn thước xuống đầm là có ý muốn dò độ sâu. Chớ ngậm lấy mồi câu mà hãy nói mau! Nói mau!

Thiện Hội vừa mở miệng, sư liền đánh cho một chèo rơi xuống nước. Thiện Hội mới leo lên thuyền, sư lại dục:

– Nói, nói!

Thiện Hội vừa mở miệng, liền bị sư đánh, Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ. Về phần Thuyền Tử, sau đó sư bỏ thuyền đi ngay và không ai biết sư sống những ngày còn lại ở đâu.[6]

Vào một ngày trời mưa, Sa-di Cao đến thăm Dược Sơn, Sư hỏi:

– Ông mới đến?

Sa-di Cao thưa:

– Con mới đến.

Dược Sơn nói:

– Ướt hết rồi phải không?

Sa-di Cao:

– Không đánh điệu trống ấy.

Lúc ấy Vân Nham và Đạo Ngô đang ở Dược Sơn, Vân Nham nói:

– Ở đây da còn chẳng có, trống đâu mà đánh?

Đạo Ngô nói:

– Đây trống chẳng có, da đâu mà đánh?

Cuối cùng Dược Sơn kết luận.

– Hôm nay chúng ta hòa nhạc khá hay.

Khi đến giờ thọ trai, Dược Sơn đánh trống và Sa-di Cao cầm bát vừa đi vừa múa đến trai đường. Thấy vậy, Dược Sơn bỏ dùi trống, hỏi:

– Múa điệu số mấy.

– Sa-di Cao đáp:

– Điệu số 2.

Dược Sơn hỏi:

– Thế nào là điệu thứ nhất.

Sa-di Cao bới đầy bát cơm rồi đi ra.

Từ những “vấn đáp” được trao đổi với nhau giữa những người học thiền trong suốt 150 năm sau Huệ Năng thị tịch, người đọc có thể hình dung tầm mức phát triển của tư tưởng thiền. Bối cảnh hầu như hoàn toàn thay đổi kể từ thời của Lục Tổ, trước kia, người ta chỉ dùng kinh giáo để diễn đạt Thiền, không ai nghĩ rằng những cái đập, cú đá và những phương pháp thô bạo có thể được trao cho đệ tử. “Cái thấy thuần túy” đã nhường bước cho các hành động theo một cách nào đó. Có chăng một sự thay đổi chủ yếu của tinh thần Thiền trong sự truyền thừa từ Đạt-ma đến Huệ Năng? Bên ngoài thì có nhưng về mặt tinh thần thì không. Vì có một dòng mạch ngầm tư tưởng chảy liên tục bên dưới nội dung những cuộc “vấn đáp” ấy. Cái thay đổi chỉ là phương pháp sử dụng.

Tinh thần chính vẫn là Huệ Năng trong khẳng ngôn: “pháp môn của ta đây, từ trước đến nay, đầu tiên lấy vô niệm làm nền tảng (tông), lấy vô tướng làm thể, lấy vô trụ làm gốc (我 此 法 門, 從 尚 以 來, 先 立 無 念 為 宗, 無 相 為 体, 無 住 為 本。)

Tuyên ngôn nầy là nền tảng của giáo lý thiền, và có thể tìm thấy điều ấy trong những câu trả lời đa dạng của các thiền sư cũng như trong lời nói, cử chỉ mà các sư biểu thị.

Vô niệmmang tính chất tâm lý học (e: psychlogical) , vô tướngcó tính chất bản thể học (ontological) và vô trụcó tính chất luận lý học. Vô niệmvô trụcó ý nghĩa chủ quan, trong khi vô tướngmang ý nghĩa khách quan. Tất cả đều có nghĩa ý thực tiễn và tột cùng nhất như, nhưng Thiền chú ý nhiều đến tâm lý học, về sự trực nhận ra vô niệm trong chiều hướng siêu việt chính nó. Vì một khi có được chỗ trụ có nghĩa là có một chỗ vô trụ được nhận ra, nghĩa là tâm hoàn toàn xả ly các sắc tướng (form), cũng có nghĩa là không còn chấp trước vào tâm mình nữa, và đây gọi là trạng thái vô niệm, vắng bặt tất cả mọi niệm tưởng. Cho đến nay, điều nầy đã được khảo sát trong mối liên quan với Bát-nhã, vì Huệ Năng chú tâm rất mạnh đến vấn đề Trí huệ và thiền định, như được phản ảnh rõ quan thời đại của Ngài. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét từ ánh sáng chớp lóe nào mà “cái không niệm tưởng hay vô niệmnày được nhận ra trong mối tương quan với đời sống, đạo đức của chúng ta.

Bây giờ chúng ta sẽ đi đến sự biện luận mang ý nghĩa phong phú nhất về giáo pháp thiền. Chừng nào mà cái thấy bên trong tự tính còn được xem là tự tính, thì vấn đề vẫn còn nhấn mạnh ít nhiều trên bình diện nhận thức luận, và dường như không ảnh hưởng mấy với đời sống thực tiễn của chúng ta theo quan điểm đạo đức học. Nhưng khi Bát-nhã không chỉ được nhìn từ quan điểm tri giác, mà còn từ quan điểm thực hành thì nó tiếp cận thẳng với trọng tâm đời sống. Phần lớn những mẫu “vấn đáp, được trích dẫn ở trên đã được trích từ biên niên sử Thiền tông vào thời sơ khai để chứng minh phương pháp khai thị của riêng từng Thiền sư, nhằm đánh thức Trí huệ Bát-nhã trong môn đệ mình, khi tâm thức họ bị đông cứng hoặc chênh vênh bởi những kiến giải nhị nguyên về sự sống và thế giới tự nhiên. Qua những điển hình sau đây, chúng ta sẽ cố gắng thâm nhập được vào sự vận hành của Bát-nhã trong tiếp xử hằng ngày.

1. Một vị tăng hỏi Thiền sư Cảnh Sầm ở Trường Sa.

– Thế nào là “Bình thường tâm là đạo

Cảnh Sầm đáp:

– Khi tôi muốn ngủ, tôi ngủ, khi tôi muốn ngồi, tôi ngồi.

Tăng thưa:

– Con không hiểu được ý thầy.

Cảnh Sầm nói tiếp:

– Mùa hạ tìm chỗ mát, mùa lạnh ngồi bên lò sưởi.

2. Nguyên Luật sư đến tham vấn Đại Châu Huệ Hải. Luật sư hỏi:

– Để tiến vào đạo, có con đường đặc biệt nào chăng?

Huệ Hải đáp:

– Có!

Luật sư hỏi:

– Đó là gì?

Huệ Hải trả lời:

– Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

Luật sư Nguyên:

– Mọi người cũng đều như thế, có cùng chỗ dụng công của thầy chăng?

Huệ Hải đáp:

– Không đồng.

Luật sư Nguyên hỏi:

– Sao chẳng đồng?

Huệ Hải đáp:

– Khi ăn, họ chẳng chịu ăn, mà còn dấy lên bao thứ tưởng tượng. Khi ngủ, họ không chịu ngủ, mà còn thả mình vào muôn thứ suy tưởng điên rồ. Do đó chẳng đồng.

Luật sư không hỏi nữa.

3. Khi toàn thể tăng chúng của Bách Trượng đang cuốc đất, một vị tăng nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn cơm, sư liền buông cuốc rồi cười ha hả bước đi. Thiền sư Hoài Hải (Bách Trượng) nhận xét.

– Gã ấy thật lanh lợi. Đó là lối nhập đạo theo pháp môn của Quán Thế Âm.[7]

Khi sư trở về tu viện, sư cho gọi vị tăng hồi nãy rồi hỏi:

– Hồi nãy, khi nghe tiếng trống, ông nhận ra đạo lý gì?

Vị tăng đáp:

– Chẳng có gì, nghe tiếng trống báo giờ ăn cơm, con trở về ăn cơm thôi.

Lần nầy, câu trả lời khiến sư cười vang.

4. Khi Qui Sơn Linh Hựu ngồi trong giảng đường, vị tăng phạn đầu đánh bảng gỗ[8] báo hiệu giờ ăn cơm. Nghe vậy, vị tăng đang chụm lửa vội buông chiếc đũa cời rồi vỗ tay cười ha hả. Qui Sơn nói:

– Trong tăng chúng đây có người thật linh lợi.

Lát sau, sư cho mời vị tăng ấy đến rồi hỏi:

– Có chuyện gì mà ông cười?

Vị tăng đáp:

– Sáng nay con không dùng điểm tâm, con đói quá nên khi nghe tiếng mõ, con quá sung sướng nên cười.

Sư gật đầu.

5. Vân Nham hỏi Bách Trượng Hoài Hải.

– Bạch thầy, dường như thầy bận rộn suốt ngày, thầy làm vì ai vậy?

Hoài Hải đáp:

– Có người muốn vậy.

Vân Nham hỏi tiếp:

– Sao thầy không để y tự làm lấy?

Hoài Hải đáp :

– Y chẳng có nhà.

6. Hoàng Bá Hi Vận từ giã Nam Tuyền. Sư tiễn Hoàng Bá ra đến cổng chùa. Nam Tuyền cầm chiếc nón du phương của Hi Vận đưa lên rồi hỏi.

– Thân Trưởng lão to lớn, sao cái nón lại quá nhỏ (長 老 身 材 沒 量 大, 笠 子 太 小 生?)

Hi Vận đáp:

– Có lẽ vậy, nhưng toàn vũ trụ rộng lớn nầy đều được chứa trọn trong ấy cả. (雖 然, 如 此 大 千 世 界 總 在 裏 許.)

Nam Tuyền nói:

– Thế còn tôi thì sao?

Hi Vận không đáp, đội nón, bước đi.

7. Thiền sư Vân Tế (c: yun-chi) ở núi Chung Nam, ban đầu đến tham vấn Nam Tuyền. Sư hỏi:

– Người đời không biết ngọc ma-ni ở đâu. Con nghe nói mình có thể nhận được nó từ trong Như Lai tạng.[9] Thế nào là tạng? (磨 尼 珠 人 不 識, 如 何 如 來 藏 裏 親 收 得 。如 何 是藏?)

Nam Tuyền đáp:

– Cái cùng ông qua lại đó! (與 汝 往 來 者 是!)

Vân Tế hỏi tiếp:

– Thế còn cái không qua lại vì con thì sao? (不 往 來 者 如 何?)

Nam Tuyền đáp:

– Đó cũng là Tạng ấy.

亦 是!

Vấn Tế hỏi tiếp:

– Thế châu ma-ni là gì? (如 何 是珠?)

Nam Tuyền liền gọi:

– Này Sư Tổ! (hiệu của Thiền sư Vân Tế)

Vân Tế liền đáp:

– Dạ!

Nam Tuyền bảo:

– Hãy đi đi! Ông chẳng hiểu lời ta ( 去! 汝 不 會 我 語).

Tuy vậy, Vân Tế nhờ đó mà nhận được lý Thiền.

[1] Chương nầy do người dịch tách ra từ chương ba trong nguyên tác tiếng Anh và tạm đặt tiêu đề.

[2] Dụng ngữ thiền. Một quan tài liệm 2 người chết. Thiền tông dùng thành ngữ nầy để chỉ cho kiến giải bình thường(kiến giải bình phàm 見解平凡). Một ngôi mộ chôn hai vị thiền tăng (trở lên).

叢林中用以形容見解平凡,同是一丘之貉的二位(以上)禪僧 (PQTĐ).

[3]* Chuyện nầy chúng tôi dịch sát theo bản Hán văn, trong Ngũ Đăng Hội NguyênTiêt Dẫn, truyện Vì ông chẳng chịu nhận lấy, số 114.

[4]* Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, nội dung cuộc đối thoại nầy diễn ra giữa Thiền sư Bảo Thông Đaị Điên (寶 通 大 巔) ở Linh Sơn, Triều Châu ( Dương mi, thuấn mục, chuyện 140).

[5]* Còn gọi là Đại Đồng (Thiền sư Trung Hoatập 1, HT. T. Thanh Từ).

[6]* Theo Truyền Đăng Lục, Sư lật úp thuyền xuống nước mà tịch. Nội dung trong nguyên bản tiếng Anh trùng hợp với truyện Nhất cú hợp đầu ngữ trong Ngũ Đăng Hội Nguyên.

[7] xem Truyền Đăng lục.

[8] Mộc ngư (j: morugyo, e: wooden-fish).

[9] Như Lai Tạng 如 來 臧, Như Lai Tạng tính 如 來 臧 性 (s: tathagātagarbha), kho tàng chơn tính Như Lai. Nơi chứa đựng chủng tử Như Lai mà mỗi chúng sinh đều vốn có. Thuật ngữ nầy xuất phát từ nhiều kinh điển Đại thừa. Tathagāta là Như Lai, Garbha là tạng, là kho chứa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2012(Xem: 5332)
Bất kì ai cũng có khả năng giác ngộ nếu có khát vọng. Khát vọng hướng về mẫu số chung “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”, khát vọng đó là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
18/01/2012(Xem: 6408)
Trong hiện tại con thấy rằng thật không thể chịu nổi vì người thân của con khổ đau, nhưng con vui thích khi kẻ thù con đau khổ, và con dửng dưng đến khổ đau của những người không liên hệ. Tông Khách Ba, Đại Luận Con Đường Tiệm Tiến - Lamrim [1] Từ nền tảng bản chất thật sự của tâm, chúng ta cần phát triển từ ái và bi mẫn thật mạnh mẽ rằng khổ đau của người khác trở nên không thể chịu nổi. Vì từ ái và bi mẫn phải được cảm nhận một cách bình đẳng cho tất cả mọi loài chúng sinh, sức mạnh của những thái độ này sẽ tùy thuộc trên mức độ của sự gần gũi hay thân thiết mà chúng ta cảm nhận cho người khác.
15/01/2012(Xem: 7537)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
21/12/2011(Xem: 13148)
Trong Đạo Phật, khi tâm thức chúng ta ở trình độ khởi đầu, chúng ta được dạy cho những sự thực hành nào đấy để thực tập. Khi qua những thực tập ấy, tâm thức chúng ta đã phát triển một ít...
13/12/2011(Xem: 10362)
Sở dĩ chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau là vì thân tâm luôn hướng ngoại tìm cầu đối tượng của lòng tham muốn. Được thì vui mừng, thích thú...
22/10/2011(Xem: 3606)
“Phản văn văn tự tánh” là “quay cái nghe nghe tự tánh”. Tự tánh là thực thể đang nghe đang thấy đang biết, đồng thời đang tự biết tự thấy…
22/10/2011(Xem: 3890)
Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là quán tâm. Học Thiền, tức học đạo lí giác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để thấy biết trạng thái tâm trí.
20/10/2011(Xem: 4120)
Chúng tôi muốn trình bày vài điều để giớithiệu cách thực hành thiền. Như đa số mọi người, từ người phương Tây đến ngườiÁ châu, đều rất hâm mộ thiền định, bởi vì bị lôi cuốn bởi sự thực hành và đạtđược nhiều lợi lạc từ đó. Tuy nhiên, dù rất nhiều người áp dụng thiền trong đờisống, nhưng chỉ có một số ít là hiểu được sâu xa mục đích của thiền.
17/10/2011(Xem: 5956)
Chúng ta sống, quay cuồng trong cuộc đời, cuối đời còn muốn kéo dài tuổi thọ. Nhưng có khi nào chúng ta dừng lại , suy nghĩ, bình tỉnh lại để tự hỏi mình sống để làm gì ? Ý nghĩa cuộc đời là gì ?
13/10/2011(Xem: 6290)
Nhiều người nói thực hành thiền Chánh Niệm tốt cho não bộ, nhưng ai có thể chứng minh được điều này? Một vị sư Phật giáo, Thiền sư, Triết gia, và trước đây là một khoa học gia, Matthieu Ricard tham dự án nghiên cứu cho thực tập Thiền có ảnh hưởng tích cực cho não bộ. Ông tình nguyện làm một đối tượng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong những cuộc nghiên cứu quan trọng về Thiền và Não Bộ và ít có người ở trong một vị thế đặc biệt như ông để mô tả cuộc gặp gỡ giữa khoa học và Thiền quán.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]