Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tháng giêng

30/06/201100:46(Xem: 3462)
Tháng giêng

SÁCH CỦA CUỘC SỐNG
Ngẫm Nghĩ Hàng Ngày Cùng Krishnamurti
Nguyên tác: The Book of Life Daily Meditations with Krishnamurti
Lời dịch: Ông Không Bản dịch 2005 – Hiệu đính 2008


krishnamurti-smiling
THÁNG GIÊNG

Ngày 1 tháng giêng.

Lắng nghe thanh thản.

Bạn có khi nào ngồi rất yên lặng, không có chú ý của bạn cố định vào bất kỳ thứ gì, không gây ra một nỗ lực tập trung, nhưng bằng một cái trí rất yên lặng, rất tĩnh? Lúc đó bạn nghe mọi thứ, phải vậy không? Bạn nghe những tiếng ồn rất xa cùng những tiếng ồn gần hơn và những tiếng ồn rất gần bên, những âm thanh ngay tức khắc – có nghĩa là thực sự bạn đang lắng nghe mọi thứ. Cái trí của bạn không bị hạn chế vào một nguồn nhỏ bé chật hẹp. Nếu bạn có thể lắng nghe trong cách này, lắng nghe thanh thản, không gượng ép, bạn sẽ phát hiện một thay đổi kỳ lạ đang xảy ra trong bạn, một thay đổi xảy ra không có ý nguyện của bạn, không có đòi hỏi của bạn; và trong thay đổi đó có vẻ đẹp kỳ diệu và chiều sâu của thấu triệt.

Ngày 2 tháng giêng

Quên đi những màn che?

Bạn lắng nghe như thế nào? Có phải bạn lắng nghe dựa trên những hình ảnh có trước của bạn, qua chiếu rọi của bạn, qua những tham vọng, những ham muốn, những sợ hãi, những lo âu của bạn, qua đang nghe chỉ điều gì bạn muốn nghe, chỉ điều gì sẽ cho thoả mãn, điều gì sẽ làm vui thích, điều gì sẽ tạo an ủi, điều gì trong chốc lát sẽ giảm bớt đau khổ của bạn hay không? Nếu bạn lắng nghe qua cái màn của những ham muốn của bạn; vậy thì rõ ràng bạn chỉ lắng nghe sự diễn đạt riêng của bạn; bạn đang lắng nghe những ham muốn riêng của bạn. Và liệu rằng còn hình thái nào khác của lắng nghe không? Liệu rằng không quan trọng khi khám phá cách lắng nghe không những đến điều gì đang được nói mà còn đến mọi thứ – đến sự ồn ào ngoài đường phố, đến tiếng líu lo của chim chóc, đến tiếng ồn của chiếc xe điện, đến biển cả khuấy động, đến tiếng nói của chồng bạn, đến tiếng nói của vợ bạn, đến tiếng nói của bạn bè bạn, đến tiếng khóc của một em nhỏ. Lắng nghe có ý nghĩa và quan trọng chỉ khi nào người ta không đang vận hành những ham muốn riêng của người ta trong khi người ta lắng nghe. Liệu rằng người ta có thể quên đi tất cả những màn che này trong khi chúng ta lắng nghe, và thực sự lắng nghe?

Ngày 3 tháng giêng.

Vượt khỏi sự huyên náo của những từ ngữ.

Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta, nhưng lắng nghe của chúng ta luôn luôn cùng với một nhận biết trước hay từ một quan điểm riêng biệt. Chúng ta không lắng nghe hồn nhiên; luôn luôn có một bức màn chen vào của những suy nghĩ, những kết luận, và những thành kiến riêng của chúng ta .... Lắng nghe phải có một yên lặng bên trong, một tự do khỏi áp lực căng thẳng của đạt được, một chú ý thư giãn. Trạng thái thụ động nhưng tỉnh thức này có khả năng nghe cái gì vượt khỏi kết luận thuộc từ ngữ. Những từ ngữ gây nhầm lẫn; chúng chỉ là phương tiện truyền đạt bên ngoài; nhưng muốn cảm thông vượt khỏi sự huyên náo của những từ ngữ, trong lắng nghe phải có một thụ động tỉnh thức. Những con người thương yêu có lẽ lắng nghe; nhưng muốn tìm ra một người lắng nghe như thế rất hiếm hoi. Hầu hết chúng ta đều theo đuổi những kết quả, thành tựu những mục đích; chúng ta luôn luôn chiến thắng và chinh phục, và vì vậy không có lắng nghe. Chỉ trong lắng nghe người ta mới nghe được bài hát của những từ ngữ.

Ngày 4 tháng giêng.

Lắng nghe không tư tưởng.

Tôi không hiểu có lần nào bạn lắng nghe một con chim. Lắng nghe một điều gì đó đòi hỏi cái trí của bạn phải yên lặng – không phải một yên lặng huyền bí nhưng chỉ yên lặng. Tôi đang kể cho bạn một điều gì đó và muốn lắng nghe tôi bạn phải yên lặng, không có tất cả những loại tư tưởng đang lăng xăng trong cái trí của bạn. Khi bạn nhìn ngắm một đóa hoa, bạn nhìn ngắm nó, không gọi tên nó, không phân loại nó, không nói rằng nó thuộc một loại nào đó – khi bạn làm những việc này, bạn không còn nhìn ngắm nó. Vì vậy tôi đang nói rằng lắng nghe là một trong những sự việc khó khăn nhất – lắng nghe người cộng sản, người xã hội, người dân biểu, người tư bản, bất kỳ ai, vợ của bạn, con cái của bạn, người hàng xóm của bạn, người bán vé xe buýt, con chim – chỉ lắng nghe. Chỉ khi bạn lắng nghe không có ý tưởng, không có tư tưởng, lúc đó bạn tiếp xúc trực tiếp; và vì tiếp xúc trực tiếp bạn sẽ hiểu rõ liệu rằng điều gì ông ấy đang nói là sự thật hay giả dối; bạn không phải tranh cãi.

Ngày 5 tháng giêng.

Lắng nghe mang lại tự do.

Khi bạn cố gắng lắng nghe, bạn có lắng nghe không? Không phải chính cố gắng đó là một xao lãng ngăn cản lắng nghe à? Bạn cố gắng khi bạn lắng nghe một điều gì cho bạn sự hài lòng phải không? .... Bạn không ý thức được sự thật, bạn cũng không nhìn thấy điều giả dối như điều giả dối, chừng nào cái trí của bạn còn luôn luôn bị bận rộn bởi cố gắng, bởi so sánh, bởi bào chữa hay chỉ trích ....

Chính lắng nghe là một động thái trọn vẹn; chính động thái lắng nghe mang lại tự do riêng của nó. Nhưng liệu bạn có thực sự quan tâm đến lắng nghe, hay là lại quan tâm đến thay đổi cái nhốn nháo bên trong? Nếu bạn muốn lắng nghe, thưa bạn, trong ý nghĩa tỉnh thức được những mâu thuẫn và những xung đột của bạn mà không cưỡng bách chúng vào bất kỳ khuôn mẫu đặc biệt nào của tư tưởng, có lẽ tất cả chúng sẽ kết thúc. Bạn thấy không, chúng ta đang cố gắng liên tục để là cái này hay cái kia, để thành tựu một trạng thái đặc biệt, để nắm bắt một loại trải nghiệm và lẩn tránh một loại khác, thế là cái trí luôn luôn bận rộn với một điều gì đó; nó không bao giờ yên lặng lắng nghe sự nhốn nháo của những đấu tranh và những đau khổ riêng của nó. Hãy hồn nhiên ... và đừng cố gắng trở thành một điều gì đó hay nắm bắt một trải nghiệm nào đó.

Ngày 6 tháng giêng.

Lắng nghe không nỗ lực.

Lúc này bạn đang lắng nghe tôi; bạn không đang có một gắng sức để chú ý, bạn chỉ đang lắng nghe; và nếu có sự thật trong điều gì bạn nghe, bạn sẽ phát hiện một thay đổi phi thường đang xảy ra trong bạn – một thay đổi không có chủ tâm hay ước muốn từ trước, một chuyển đổi, một cách mạng hoàn toàn mà trong đó chỉ độc nhất sự thật là chủ nhân và không còn những tạo tác của cái trí. Và nếu tôi được phép đề nghị, bạn nên lắng nghe mọi thứ bằng cách đó – không chỉ lắng nghe điều gì tôi đang nói, mà còn lắng nghe điều gì những người khác đang nói, lắng nghe những con chim, lắng nghe tiếng còi của một đầu máy xe lửa, lắng nghe tiếng ồn của chiếc xe buýt đang chạy qua. Bạn sẽ phát giác rằng bạn càng lắng nghe mọi thứ nhiều bao nhiêu, tĩnh lặng càng sâu thẳm bấy nhiêu, và tĩnh lặng đó ngay lúc ấy không bị phá vỡ bởi ồn ào. Chỉ khi nào bạn đang kháng cự điều gì đó, chỉ khi nào bạn đang dựng lên một hàng rào giữa chính bạn và điều gì bạn không muốn lắng nghe – chỉ khi đó mới có một đấu tranh.

Ngày 7 tháng giêng.

Lắng nghe chính bạn.

Người hỏi: Trong khi tôi đang lắng nghe ông ở đây, dường như tôi hiểu rõ, nhưng khi rời khỏi đây, tôi không hiểu được, mặc dù tôi cố gắng áp dụng điều gì ông đã nói.

Krishnamurti: Bạn đang lắng nghe chính bạn, và không phải đang lắng nghe người nói. Nếu bạn đang lắng nghe người nói, ông ấy trở thành người dẫn dắt của bạn, một phương hướng dẫn đến hiểu rõ của bạn và điều đó là một kinh hoàng, một ghê tởm, bởi vì bạn đã thiết lập một cơ cấu quyền lực. Vì vậy điều gì bạn đang làm ở đây là lắng nghe chính bạn. Bạn đang nhìn bức tranh người nói đang vẽ, nó là bức tranh riêng của bạn, không là bức tranh của người nói. Nếu điều đó quá rõ ràng, rằng là bạn đang quan sát chính bạn, vậy thì bạn có thể nói, “Được rồi, tôi thấy chính tôi như tôi là, và tôi không muốn làm bất kỳ điều gì về nó” – và đó là sự kết thúc của nó. Nhưng nếu bạn nói, “Tôi thấy chính tôi như tôi là, và phải có một thay đổi”, vậy thì bạn bắt đầu làm việc từ sự hiểu biết riêng tư của bạn – mà hoàn toàn khác biệt với việc áp dụng điều gì người nói đang nói .... Nhưng nếu, khi người nói đang nói, bạn đang lắng nghe chính bạn, vậy thì từ đang lắng nghe đó có rõ ràng, có nhạy cảm; từ đang lắng nghe đó cái trí trở nên lành mạnh, mãnh liệt. Không tuân phục và cũng không kháng cự, cái trí trở nên sinh động, mạnh mẽ – và chỉ một con người như thế mới có thể tạo ra một thế hệ mới, một thế giới mới.

Ngày 8 tháng giêng.

Quan sát bằng mãnh liệt.

Đối với tôi có vẻ rằng học hỏi khó khăn cực kỳ, cũng như lắng nghe vậy. Chúng ta không bao giờ thực sự lắng nghe bất kỳ điều gì vì cái trí của chúng ta không được tự do; đôi tai của chúng ta nhồi nhét đầy ứ những sự việc mà chúng ta biết rồi, vì thế lắng nghe trở nên khó khăn cực kỳ. Tôi nghĩ – hay đúng hơn nó là một sự thật – rằng nếu người ta có thể lắng nghe điều gì đó bằng tất cả thân tâm của người ta, bằng khí lực, bằng sức sống, lúc đó chính động thái đang lắng nghe là một yếu tố tự do, nhưng rủi thay bạn lại không bao giờ lắng nghe, vì bạn đã không bao giờ học hỏi về nó. Xét cho cùng, bạn chỉ học hỏi khi bạn dành toàn thân tâm của bạn đến một điều gì đó. Khi bạn dành toàn thân tâm bạn đến toán học, bạn học hỏi; nhưng khi bạn ở trong một trạng thái mâu thuẫn, khi bạn không muốn học hỏi nhưng bị cưỡng bách học hỏi, lúc đó nó chỉ trở thành một qui trình tích lũy. Học hỏi giống như đang đọc một quyển sách có vô số nhân vật; nó bắt buộc chú ý tổng thể của bạn, không phải sự chú ý mâu thuẫn. Nếu bạn muốn học hỏi về một chiếc lá – một chiếc lá của mùa xuân hay một chiếc lá của mùa hè – bạn phải thực sự ngắm nghía nó, nhìn sự đối xứng hài hòa của nó, kết cấu của nó, chất lượng của chiếc lá đang sống. Có vẻ đẹp, có khí lực, có sức sống trong một chiếc lá đơn chiếc. Vì thế học hỏi về chiếc lá, đóa hoa, đám mây, mặt trời lặn, hay một con người, bạn phải quan sát bằng tất cả mãnh liệt.

Ngày 9 tháng giêng.

Muốn học hỏi, cái trí phải yên lặng

Muốn khám phá bất kỳ điều gì mới mẻ bạn phải bắt đầu riêng mình bạn; bạn phải bắt đầu một chuyến đi được tước bỏ trần trụi, đặc biệt về hiểu biết, bởi vì rất dễ dàng, qua hiểu biết và niềm tin, để có những trải nghiệm; nhưng những trải nghiệm kia rõ ràng chỉ là những sản phẩm của tự chiếu rọi và vì vậy hoàn toàn không thực sự, hoàn toàn giả dối. Nếu bạn dự tính khám phá cho chính mình điều gì là cái mới mẻ, sẽ không tốt lành gì cả khi vác theo gánh nặng của cái cũ kỹ, đặc biệt là hiểu biết – cái hiểu biết của người khác, dù tầm cỡ bao nhiêu. Bạn sử dụng hiểu biết như một phương tiện của tự chiếu rọi, an toàn, và bạn muốn được hoàn toàn chắc chắn rằng bạn có cùng những trải nghiệm như đức Phật hay chúa Giê-su hay vị X. Nhưng chắc chắn là một người đang tự bảo vệ chính mình liên tục nhờ vào hiểu biết không là một người tìm kiếm sự thật ....

Bởi vì khám phá sự thật không có con đường....Khi bạn muốn tìm được một điều gì đó mới mẻ, khi bạn đang thử nghiệm một điều gì đó, cái trí của bạn phải rất yên lặng, đúng không? Nếu cái trí của bạn chật ních, nhồi nhét đầy những sự kiện, hiểu biết, chúng hành động như một cản trở đến cái mới mẻ; việc khó khăn cho hầu hết chúng ta là rằng cái trí đã trở nên quá quan trọng, quá ảnh hưởng, đến độ nó ngăn cản liên tục đến bất kỳ điều gì mà có lẽ là mới mẻ, đến bất kỳ điều gì mà tồn tại cùng một lúc với cái đã được biết. Suy cho cùng hiểu biết và kiến thức thu được do học tập là những ngáng trở cho những người muốn tìm kiếm, cho những người muốn cố gắng hiểu rõ cái không thời gian.

Ngày 10 tháng giêng.

Học hỏi không là trải nghiệm.

Từ ngữ học hỏi có tầm quan trọng lớn lao. Có hai loại học hỏi. Đối với hầu hết chúng ta học hỏi có nghĩa là sự tích lũy của kiến thức, của trải nghiệm, của kỹ thuật công nghệ, của một kỹ năng, của một ngôn ngữ. Cũng có học hỏi thuộc tâm lý, học hỏi qua trải nghiệm, hoặc là những trải nghiệm tức khắc của cuộc sống, mà để lại một dư âm nào đó, hoặc là những trải nghiệm của truyền thống, của chủng tộc, của xã hội. Có hai loại học hỏi về phương pháp để gặp gỡ cuộc sống này: thuộc tâm lý và thuộc vật chất; kỹ năng bên trong và kỹ năng bên ngoài. Thật ra không có vạch mức giới hạn giữa hai loại học hỏi; chúng chồng phủ lên nhau. Lúc này chúng ta không quan tâm đến cái kỹ năng mà chúng ta học hỏi qua luyện tập, cái kiến thức kỹ thuật mà chúng ta có được qua học tập. Điều gì chúng ta quan tâm là sự học hỏi thuộc về tâm lý mà chúng ta đã có được qua những thế kỷ hay đã thừa hưởng như truyền thống, như hiểu biết, như kinh nghiệm. Việc này chúng ta gọi là học hỏi, nhưng tôi ngờ vực không hiểu nó có là học hỏi không. Tôi không đang nói về học hỏi một kỹ năng, một ngôn ngữ, một phương pháp kỹ thuật, nhưng tôi đang thắc mắc về một cái trí luôn luôn học hỏi thuộc tâm lý. Nó đã học hỏi và với điều gì nó đã học hỏi nó đem ra để đương đầu với thách thức của cuộc sống. Nó luôn luôn đang diễn giải cuộc sống hay thách thức mới theo điều gì nó đã học hỏi được. Đó là việc gì mà chúng ta đang làm. Đó là học hỏi à? Bộ học hỏi không ngụ ý một sự việc nào đó mới mẻ, một sự việc nào đó mà tôi không biết và tôi đang học hỏi hay sao? Nếu tôi chỉ đang thêm vào cái gì tôi đã biết rồi, nó không còn là học hỏi nữa.

Ngày 11 tháng giêng.

Học hỏi có thể thực hiện được khi nào?

Tìm hiểu và học hỏi là chức năng của cái trí. Qua từ ngữ học hỏi tôi không có ý nói về sự vun quén của ký ức hay sự tích lũy của hiểu biết, nhưng muốn nói về cái khả năng suy nghĩ rõ ràng và sáng suốt mà không có ảo tưởng, để khởi đầu từ những sự kiện chứ không phải từ những niềm tin và những lý tưởng. Không có học hỏi nếu tư tưởng khởi đầu từ những kết luận. Chỉ thâu lượm thông tin hay kiến thức không là học hỏi. Học hỏi ngụ ý sự yêu quý hiểu rõ và sự yêu quý làm một việc vì chính việc đó. Học hỏi chỉ có thể được khi không có ép buộc thuộc bất kỳ loại nào. Và ép buộc sử dụng nhiều hình thức, phải vậy không? Có ép buộc qua ảnh hưởng, qua quyến luyến hay đe dọa, qua khuyến khích thuyết phục, hay những hình thức tưởng thưởng tinh tế.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng học hỏi được khuyến khích nhờ vào so sánh, trong khi trái nghịch của nó mới là đúng sự thật. So sánh gây ra thất vọng và chắc chắn chỉ khuyến khích tánh đố kỵ, mà được gọi là ganh đua. Giống như những hình thức dụ dỗ khác, so sánh ngăn cản học hỏi và nuôi dưỡng sợ hãi.

Ngày 12 tháng giêng.

Học hỏi không bao giờ tích lũy.

Học hỏi là một việc và thâu lượm hiểu biết là một việc khác. Học hỏi là một tiến hành liên tục, không là một qui trình của thêm vào, không là một qui trình mà bạn thâu lượm và tiếp theo từ đó hành động. Hầu hết chúng ta thâu lượm hiểu biết như là ký ức; như là ý tưởng, lưu trữ nó như là kinh nghiệm, và từ đó hành động. Đó là, chúng ta hành động từ hiểu biết, hiểu biết kỹ thuật công nghệ, hiểu biết như trải nghiệm, hiểu biết như truyền thống, hiểu biết mà người ta nhận được qua những xu hướng theo đặc tính riêng của từng người; với nền tảng đó, với tích lũy đó như hiểu biết, như trải nghiệm, như truyền thống, chúng ta hành động. Trong qui trình đó không có học hỏi. Học hỏi không bao giờ tích lũy; nó là một chuyển động liên tục. Tôi không hiểu có khi nào bạn đã từng suy xét câu hỏi này: học hỏi là gì và thâu lượm hiểu biết là gì? .... Học hỏi không bao giờ tích lũy. Bạn không thể nào lưu trữ học hỏi và tiếp theo từ kho lưu trữ đó hành động. Bạn học hỏi khi bạn đang vận hành theo. Vì vậy, không bao giờ có một khoảnh khắc của quay trở lại ý tưởng cũ hay kém hơn trong chất lượng hay sa sút về năng lượng.

Ngày 13 tháng giêng.

Học hỏi không có quá khứ.

Thông minh là một việc gì đó phải được khám phá bởi mỗi người, và nó không là kết quả của hiểu biết. Hiểu biết và thông minh không theo cùng nhau. Thông minh xuất hiện khi có sự chín chắn của hiểu rõ về chính mình. Nếu không có hiểu rõ về chính mình, trật tự không thể có được, và vì vậy không có đạo đức.
Bây giờ, học hỏi về chính mình, và tích lũy hiểu biết về chính mình, là hai sự việc khác biệt .... Một cái trí đang thâu lượm hiểu biết không bao giờ học hỏi. Điều gì nó đang làm là như thế này: nó đang thâu lượm cho chính nó thông tin, trải nghiệm như hiểu biết, và từ nền tảng của điều gì nó đã thâu lượm, nó trải nghiệm, nó học hỏi; và vì vậy nó không bao giờ đang học hỏi thực sự, nhưng luôn luôn đang biết, đang thâu lượm.

Học hỏi luôn luôn trong hiện tại năng động; nó không có quá khứ. Cái khoảnh khắc bạn nói với chính bạn, “Tôi đã học hỏi,” nó đã trở thành hiểu biết rồi, và từ nền tảng của hiểu biết đó bạn có thể tích lũy, diễn giải, nhưng bạn không thể học hỏi thêm được nữa. Chỉ có một cái trí không đang thâu lượm, nhưng luôn luôn đang học hỏi – chỉ có một cái trí như thế mới có khả năng hiểu rõ được toàn bộ cái thực thể này mà chúng ta gọi là “cái tôi”, cái bản ngã. Tôi phải biết chính tôi, cái cấu trúc, cái bản chất, cái ý nghĩa của toàn bộ cái thực thể; nhưng tôi không thể làm việc đó nếu còn bị chất nặng bởi hiểu biết có sẵn của tôi, bởi trải nghiệm có sẵn của tôi, hay bởi một cái trí bị điều kiện, vì ngay lúc đó tôi không đang học hỏi, tôi chỉ đang giải nghĩa, đang chuyển dịch, đang quan sát bằng đôi mắt đã bị che phủ bởi quá khứ.


Ngày 14 tháng giêng.

Quyền lực ngăn cản học hỏi.

Thông thường chúng ta học hỏi qua tìm hiểu, qua những quyển sách, qua trải nghiệm, hay qua hướng dẫn. Đó là những phương pháp thường lệ của học hỏi. Chúng ta giao phó cho ký ức làm điều gì, không làm điều gì, suy nghĩ điều gì và không suy nghĩ điều gì, cảm thấy như thế nào, phản ứng như thế nào. Qua trải nghiệm, qua tìm hiểu, qua phân tích, qua thăm dò, qua xem xét nội tâm, chúng ta lưu trữ hiểu biết như ký ức; và sau đó ký ức đáp trả đến những thách thức và những đòi hỏi thêm nữa, từ đó mỗi lúc một học hỏi thêm .... Điều gì học hỏi được chuyển cho ký ức như hiểu biết, và hiểu biết đó vận hành mỗi khi có một thách thức, hay mỗi khi chúng ta phải làm một việc gì đó.

Lúc này tôi nghĩ rằng có một phương pháp học hỏi hoàn toàn khác hẳn, và tôi sẽ nói một chút về nó; nhưng muốn hiểu rõ nó, và học hỏi bằng phương pháp khác hẳn này, bạn phải hoàn toàn loại bỏ quyền lực; nếu không, bạn chỉ bị hướng dẫn, và bạn sẽ lặp lại điều gì bạn đã nghe. Đó là lý do tại sao lại rất quan trọng phải hiểu rõ bản chất của quyền lực. Quyền lực ngăn cản học hỏi – học hỏi mà không có sự tích lũy của hiểu biết như là ký ức. Ký ức luôn luôn đáp trả trong những khuôn mẫu; không có tự do. Một người bị chất nặng bởi hiểu biết, bởi những chỉ dẫn, bị oằn xuống bởi những sự việc anh ấy đã học hỏi, sẽ không bao giờ tự do. Anh ấy có lẽ uyên bác nhất, nhưng sự tích lũy hiểu biết của anh ấy ngăn cản anh ấy được tự do, và vì vậy anh ấy không thể học hỏi.




Ngày 15 tháng giêng.

Hủy diệt là sáng tạo.

Muốn được tự do bạn phải tìm hiểu quyền lực, toàn bộ cái khung của quyền lực, xé tan toàn bộ cái sự việc kinh tởm đó. Và việc đó đòi hỏi năng lượng, năng lượng vật lý thực sự, và cũng vậy, nó đòi hỏi năng lượng tâm lý. Nhưng năng lượng đó bị hủy hoại, bị phí phạm khi người ta ở trong xung đột .... Vì thế khi có hiểu rõ toàn qui trình của xung đột, có kết thúc xung đột, có thừa thãi năng lượng. Sau đó bạn có thể tiến hành, phá sập ngôi nhà bạn đã xây dựng suốt những thế kỷ và không có ý nghĩa gì cả.

Bạn biết chứ, hủy diệt là sáng tạo. Chúng ta phải hủy diệt, không phải những tòa nhà, không phải hệ thống kinh tế và xã hội – điều này xảy ra hằng ngày – nhưng hủy diệt cái tâm lý, những phòng vệ, những an toàn có ý thức và vô thức mà người ta đã thiết lập theo lý luận, có tính cá thể, sâu sắc và hời hợt. Chúng ta phải xé nát tất cả việc đó để hoàn toàn không phòng vệ, vì bạn phải không phòng vệ để thương yêu và có lòng nhân ái. Sau đó bạn thấy và hiểu rõ tham vọng, quyền lực; và bạn bắt đầu hiểu rõ khi nào quyền lực là cần thiết và ở mức độ nào – quyền lực của người cảnh sát và không còn gì thêm nữa. Vậy thì không có quyền lực của học hỏi, không có quyền lực của hiểu biết, không có quyền lực của khả năng, không có quyền lực do đảm nhận một chức vụ và trở thành địa vị. Muốn hiểu rõ tất cả quyền lực – của những vị đạo sư, của những bậc Thầy, và những người khác – đòi hỏi một cái trí rất nhạy bén, một bộ não rõ ràng, không phải một bộ não tối tăm, không phải một bộ não đần độn.



Ngày 16 tháng giêng

Đạo đức không có quyền lực.

Liệu cái trí có thể được tự do khỏi quyền lực, mà có nghĩa là được tự do khỏi sợ hãi, để cho nó không còn khả năng tuân theo, hay không? Nếu được như thế, việc này chấm dứt sự bắt chước, mà trở thành máy móc. Rốt cuộc ra, đạo đức, đạo lý, không phải là một lặp lại của điều gì là tốt lành. Cái khoảnh khắc nó trở thành máy móc, nó ngừng là đạo đức. Đạo đức là một sự việc gì đó phải từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, giống như là khiêm tốn. Khiêm tốn không thể tu dưỡng được, và một cái trí không khiêm tốn không còn khả năng học hỏi. Vì vậy đạo đức không có quyền lực. Cái luân lý của xã hội không là luân lý gì cả; nó vô luân lý vì nó cho phép ganh đua, tham lam, tham vọng, và vì vậy xã hội đang khuyến khích vô luân lý. Đạo đức là một việc gì đó vượt trội hơn luân lý. Nếu không có đạo đức sẽ không có trật tự, và trật tự không lệ thuộc vào một khuôn mẫu, không lệ thuộc vào một công thức. Một cái trí tuân theo một khuôn mẫu qua tự khép vào kỷ luật để đạt được đạo đức tự tạo ra cho chính nó những vấn đề của vô luân lý.

Một quyền lực ở bên ngoài mà cái trí thể hiện cụ thể, ngoại trừ luật pháp của xã hội, như Chúa, như luân lý, và vân vân, trở thành hủy hoại cái trí khi cái trí đang tìm kiếm để hiểu rõ đạo đức thực sự là gì. Chúng ta có quyền lực riêng của chúng ta như trải nghiệm, như hiểu biết, mà chúng ta đang cố gắng tuân theo. Có sự lặp lại, sự bắt chước liên tục này, mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Quyền lực thuộc tâm lý – không phải quyền lực của luật pháp, người cảnh sát giữ gìn trật tự – quyền lực thuộc tâm lý, mà mỗi người đều có, trở thành hủy hoại đạo đức bởi vì đạo đức là một sự việc gì đó đang sống, đang chuyển động. Vì bạn không thể tu dưỡng khiêm tốn, vì bạn không thể tu dưỡng tình yêu, thế là đạo đức cũng không thể tu dưỡng được; và có vẻ đẹp tuyệt vời trong đó. Đạo đức không có tính máy móc, và nếu không có đạo đức sẽ không có nền tảng cho sự suy nghĩ rõ ràng.

Ngày 17 tháng giêng.

Cái trí cũ kỹ bị giới hạn bởi quyền lực.

Vậy thì vấn đề là: liệu một cái trí đã bị điều kiện như thế – bị nuôi dưỡng trong vô số những giáo phái, những tôn giáo, và tất cả những mê tín, những sợ hãi – có thể phá vỡ chính nó và vì vậy tạo ra một cái trí mới mẻ hay không? .... Cái trí cũ kỹ theo thực chất là một cái trí bị giới hạn bởi quyền lực. Tôi không đang sử dụng từ ngữ quyền lực trong ý nghĩa tuân theo luật pháp; nhưng qua từ ngữ đó tôi có ý nói quyền lực như truyền thống, quyền lực như hiểu biết, quyền lực như trải nghiệm, quyền lực như phương tiện để tìm kiếm an toàn và ở lại trong an toàn đó, phía bên ngoài hay phía bên trong, bởi vì, xét cho cùng, đó là điều gì cái trí đang luôn luôn tìm kiếm – một nơi nó có thể bảo đảm an toàn, không bị quấy rầy. Quyền lực như thế có lẽ là quyền lực tự áp đặt của một ý tưởng hay ý tưởng về Chúa mà tạm gọi là tôn giáo, mà không có một sự thật thực tế đối với một người tôn giáo. Một ý tưởng không là một sự thật, nó là một tưởng tượng. Chúa là một tưởng tượng; bạn có lẽ tin tưởng Chúa, nhưng điều đó vẫn còn là một tưởng tượng. Nhưng muốn tìm được Chúa bạn phải xóa sạch tưởng tượng đó, bởi vì cái trí cũ kỹ là cái trí bị kinh hãi, cái trí đầy tham vọng, cái trí sợ hãi chết, sợ hãi sống, và sợ hãi liên hệ; và nó luôn luôn, có ý thức hay không có ý thức, đang tìm kiếm một bền vững, an toàn.




Ngày 18 tháng giêng.

Tự do ngay khởi đầu.

Nếu chúng ta có thể hiểu rõ sự thôi thúc đằng sau lòng ham muốn thống trị hay bị thống trị của chúng ta, vậy thì có lẽ chúng ta có thể được tự do khỏi những ảnh hưởng lụn bại của quyền lực. Chúng ta khao khát để được chắc chắn, để được đúng đắn, để được thành công, để biết; và khao khát cho sự chắc chắn, cho sự vĩnh hằng này, củng cố trong chính chúng ta quyền lực của trải nghiệm cá nhân, trong khi ở phía bên ngoài nó tạo ra quyền lực của xã hội, của gia đình, của tôn giáo và vân vân. Nhưng chỉ coi thường quyền lực, loại bỏ những biểu tượng bên ngoài của nó, lại chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.

Phá vỡ một truyền thống và tuân theo một truyền thống khác, rời bỏ vị lãnh đạo này và phục tùng một vị khác, chỉ là một hành động thiển cận. Nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn qui trình của quyền lực, nếu chúng ta muốn thấy trạng thái bên trong của nó, nếu chúng ta muốn hiểu rõ và vượt khỏi giới hạn của khao khát sự chắc chắn, vậy thì chúng ta phải có ý thức và thấu triệt rộng lớn, chúng ta phải được tự do, không ở khúc cuối nhưng ngay khởi đầu.

Ngày 19 tháng giêng.

Giải thoát khỏi dốt nát, khỏi đau khổ

Chúng ta lắng nghe kèm theo hy vọng và sợ hãi; chúng ta tìm kiếm ánh sáng của người khác nhưng lại không thụ động tỉnh thức để có thể hiểu rõ. Nếu người đã được giải thoát có vẻ gây thỏa mãn những khao khát của chúng ta thì chúng ta chấp nhận anh ấy; nếu không, chúng ta tiếp tục công cuộc tìm kiếm nơi một người khác mà sẽ cho chúng ta thỏa mãn; điều gì hầu hết chúng ta khao khát là sự thỏa mãn ở mọi mức độ khác nhau. Điều gì quan trọng không phải là làm thế nào để nhận ra người đã được giải thoát nhưng làm thế nào để hiểu rõ về chính bạn. Không quyền lực nào lúc này hay mai sau có thể cho bạn hiểu rõ về chính bạn; nếu không có hiểu rõ sẽ không có giải thoát khỏi dốt nát, khỏi đau khổ.

Ngày 20 tháng giêng.

Tại sao chúng ta lại tuân theo?

Tại sao chúng ta lại chấp nhận, tại sao chúng ta lại tuân theo? Chúng ta tuân theo quyền lực của người khác, trải nghiệm của người khác và sau đó ngờ vực nó; sự tìm kiếm quyền lực này và hệ quả, sự tỉnh ngộ của nó, là một qui trình đau khổ cho hầu hết mọi người chúng ta. Chúng ta chê trách hay chỉ trích cái quyền lực đã được chấp nhận lúc trước, người lãnh đạo, người thầy, nhưng chúng ta lại không chịu tìm hiểu sự khao khát riêng của chúng ta để tìm kiếm một quyền lực mà có thể hướng dẫn cách cư xử của chúng ta. Ngay khi chúng ta hiểu rõ khao khát này chúng ta sẽ nắm bắt được ý nghĩa của sự ngờ vực.

Ngày 21 tháng giêng.

Quyền lực làm hư hỏng
cả người dẫn dắt lẫn người tuân theo.

Hiểu rõ về chính mình cần nhiều nỗ lực và gian khổ, và vì hầu hết mọi người chúng ta ưa thích một phương pháp ảo tưởng, dễ dàng, chúng ta thiết lập cái quyền lực mà tạo ra hình dạng và khuôn mẫu cho cuộc sống của chúng ta. Quyền lực này có lẽ là tập thể, là chính phủ; hay nó có lẽ là cá thể, vị Thầy, đấng cứu rỗi, vị đạo sư. Quyền lực thuộc bất kỳ loại nào đang gây mù lòa, nó nuôi dưỡng trạng thái không suy nghĩ; và bởi vì hầu hết chúng ta nhận thấy rằng suy nghĩ là có đau khổ, chúng ta giao phó bản thân cho quyền lực. Quyền lực sinh ra quyền hạn, và quyền hạn luôn luôn trở thành tập trung và vì vậy hoàn toàn gây hư hỏng; nó gây hư hỏng không những cho người sử dụng quyền hạn, mà còn cho người tuân theo nó. Quyền lực của hiểu biết và trải nghiệm đang dẫn dắt sai lạc, dù rằng nó được ban phát bởi vị Thầy, người đại diện của ông ấy hay vị giáo sĩ. Chính cuộc sống riêng của bạn, sự xung đột dường như vô tận này, mới có ý nghĩa cốt lõi, chứ không là cái khuôn mẫu hay người lãnh đạo. Quyền lực của vị Thầy và vị giáo sĩ đưa bạn ra khỏi vấn đề cốt lõi, đó là sự xung đột trong chính bản thân bạn.

Ngày 22 tháng giêng.

Tôi có thể tin cậy vào trải nghiệm của tôi không?

Hầu hết chúng ta đều thỏa mãn với quyền lực bởi vì nó cho chúng ta một tiếp tục, một chắc chắn, một cảm giác được bảo vệ. Nhưng một người muốn hiểu rõ những hàm ý của sự cách mạng tâm lý sâu sắc này phải được tự do khỏi quyền lực, đúng vậy chứ? Anh ấy không thể tin cậy vào bất kỳ quyền lực nào, dù rằng do sự tạo tác riêng của anh ấy hay được áp đặt vào anh ấy bởi một người khác. Và việc này có thể được không? Liệu tôi có thể không tin cậy vào cái quyền lực của trải nghiệm riêng của tôi? Ngay cả khi tôi đã từ chối tất cả những đại diện phía bên ngoài của quyền lực – những quyển sách, những vị thầy, những giáo sĩ, những giáo đường, những niềm tin – tôi vẫn còn có cảm giác rằng ít ra tôi có thể tin cậy vào phán đoán riêng của tôi, vào những trải nghiệm riêng của tôi, vào sự phân tích riêng của tôi. Nhưng liệu tôi có thể tin cậy vào trải nghiệm của tôi, vào nhận xét của tôi, vào phân tích của tôi? Trải nghiệm của tôi là kết quả của tình trạng bị điều kiện của tôi, giống như trải nghiệm của bạn là kết quả của tình trạng bị điều kiện của bạn, phải vậy không? Tôi có lẽ đã được nuôi dưỡng như một người Hồi giáo hay một người Phật giáo hay một người Ấn độ giáo, và trải nghiệm của tôi sẽ lệ thuộc vào cái nền tảng tôn giáo, xã hội, kinh tế và văn hóa của tôi, giống như trải nghiệm của bạn cũng sẽ như vâỵ Và tôi có thể tin cậy vào điều đó không? Tôi có thể tin cậy vào nó để có hướng dẫn, để có hy vọng, để có tầm nhìn sâu sắc mà sẽ cho tôi sự trung thành trong nhận xét riêng của tôi, mà lại nữa là kết quả của những kỷ niệm, những trải nghiệm được tích lũy, tình trạng bị điều kiện của quá khứ đang gặp gỡ hiện tại?

.... Bây giờ, khi tôi đã đặt tất cả những câu hỏi này cho chính mình và tôi nhận thức rõ vấn đề này, tôi hiểu rõ rằng chỉ có một trạng thái mà trong đó sự thật, cái mới mẻ, có thể hiện hữu, và tạo ra một cuộc cách mạng. Trạng thái đó là khi cái trí hoàn toàn trống không khỏi quá khứ, khi không người phân tích, không trải nghiệm, không nhận xét, không quyền lực của bất kỳ loại nào.

Ngày 23 tháng giêng.

Hiểu rõ về chính mình là một tiến hành.

Vì thế, muốn hiểu rõ vô số những vấn đề mà mỗi người chúng ta đều có, liệu rằng không cần thiết phải có hiểu rõ về chính mình hay sao? Và đó là một trong những sự việc khó khăn nhất, hiểu rõ – mà không có nghĩa một tách rời, một rút lui. Hiển nhiên, hiểu rõ về chính mình là cần thiết; nhưng hiểu rõ về chính mình không ngụ ý một rút lui khỏi liên hệ. Và sẽ là một sai lầm, chắc chắn như thế, khi nghĩ rằng người ta có thể hiểu rõ về chính mình một cách đáng kể, hoàn toàn, đầy đủ qua tách rời, qua loại trừ, hay bằng cách đi đến một bác sĩ tâm lý nào đó, hay đến một giáo sĩ nào đó; hay người ta có thể học hỏi hiểu rõ qua một quyển sách. Chắc chắn hiểu rõ về chính mình là một tiến hành, không là một kết thúc trong chính nó; và muốn hiểu rõ về chính mình, người ta phải tỉnh thức được chính mình trong hành động, mà có nghĩa là trong liên hệ. Bạn khám phá ra chính mình, không phải trong tách rời, không phải trong rút lui, nhưng trong liên hệ – trong liên hệ đến xã hội, đến người vợ của bạn, đến người chồng của bạn, đến người em của bạn, đến con người; nhưng muốn phát hiện được cách bạn phản ứng như thế nào, những đáp trả của bạn là gì, đòi hỏi một tỉnh táo phi thường của cái trí, một nhạy bén của trực nhận.

Ngày 24 tháng giêng.

Cái trí không bị trói buộc.

Sự thay đổi của thế giới được gây ra bởi sự thay đổi của chính mình, vì cái tôi là sản phẩm và một phần của toàn tiến trình của sự hiện hữu con người. Muốn thay đổi chính mình, hiểu rõ về chính mình là cần thiết; nếu không biết bạn là gì, không có nền tảng cho suy nghĩ đúng đắn, và nếu không hiểu rõ về chính bạn không thể nào có sự thay đổi. Người ta phải hiểu rõ về chính mình như người ta là, không phải như người ta ao ước là, mà chỉ là một lý tưởng và vì vậy ảo tưởng, không có thật; chỉ có cái là có thể được thay đổi, không phải cái bạn ao ước là. Muốn hiểu rõ chính mình như mình là đòi hỏi một tỉnh táo phi thường của cái trí, bởi vì cái gì là đang liên tục trải qua sự biến đổi, thay đổi; và muốn theo nó mau lẹ cái trí phải không bị trói buộc vào bất kỳ niềm tin hay tín điều đặc biệt nào, vào bất kỳ khuôn mẫu hành động đặc biệt nào. Nếu bạn muốn theo đuổi bất kỳ sự việc gì, sẽ không tốt lành gì cả khi bị trói buộc. Muốn hiểu rõ về chính bạn, phải có trạng thái tỉnh thức, trạng thái tỉnh táo của cái trí mà trong nó có tự do khỏi tất cả những niềm tin, khỏi tất cả những lý tưởng hoàn hảo, bởi vì những niềm tin và những lý tưởng chỉ cho bạn một màu sắc, gây biến dạng trực nhận thực sự. Nếu bạn muốn biết bạn là gì, bạn không thể tưởng tượng hay có niềm tin trong một sự việc gì đó mà bạn không là. Nếu tôi tham lam, ganh tị, hung bạo, rõ ràng chỉ có một lý tưởng của không tham lam, của không ganh tị, sẽ chẳng có giá trị là bao nhiêu .... Hiểu rõ bạn là gì, dù rằng nó là gì chăng nữa – xấu xa hay đẹp đẽ, đồi bại hay ranh mãnh – hiểu rõ bạn là gì, mà không có xuyên tạc, là khởi đầu của đạo đức. Đạo đức là cốt lõi, bởi vì nó trao tặng tự do.

Ngày 25 tháng giêng.

Hiểu rõ về chính mình năng động.

Nếu không có hiểu rõ về chính mình, trải nghiệm nuôi dưỡng ảo tưởng; nếu có hiểu rõ về chính mình, trải nghiệm, mà là đáp trả đến thách thức, không để lại một tàn dư tích lũy lại gọi là ký ức. Hiểu rõ về chính mình là sự phát hiện từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác những phương cách của cái tôi, những dự tính và theo đuổi của nó, những suy nghĩ và những xu hướng của nó. Không bao giờ có thể là “trải nghiệm của bạn” và “trải nghiệm của tôi”; chính từ ngữ quy định “trải nghiệm của tôi” bộc lộ sự dốt nát và sự chấp nhận ảo tưởng.

Ngày 26 tháng giêng.

Sáng tạo qua hiểu rõ về chính mình.

.... Không có phương pháp cho hiểu rõ về chính mình. Tìm kiếm một phương pháp luôn luôn ngụ ý sự khao khát kiếm được kết quả nào đó và đó là điều gì tất cả chúng ta đều muốn. Chúng ta tuân phục quyền lực – nếu không là quyền lực của một con người, thì cũng là của một hệ thống, của một học thuyết bởi vì chúng ta muốn một kết quả mà sẽ gây thỏa mãn, sẽ cho chúng ta an toàn. Chúng ta thực sự không muốn hiểu rõ chính chúng ta, những thôi thúc và những phản ứng của chúng ta, toàn qui trình suy nghĩ của chúng ta, ý thức cũng như tiềm thức; chúng ta thích theo đuổi một hệ thống mà bảo đảm cho chúng ta một kết quả. Nhưng sự theo đuổi một hệ thống luôn luôn là kết quả của lòng khao khát để có an toàn, để có chắc chắn của chúng ta, và hiển nhiên kết quả đó không là hiểu rõ về chính mình. Khi chúng ta tuân theo một phương pháp, chúng ta phải có những uy quyền – giáo viên, vị đạo sư, đấng cứu rỗi, vị Thầy – cái con người mà sẽ bảo đảm cho chúng ta điều gì chúng ta khao khát; và chắc chắn rằng đó không là phương cách dẫn đến hiểu rõ về chính mình.

Quyền lực ngăn cản hiểu rõ về chính mình, đúng chứ? Dưới sự bảo vệ của một uy quyền, một người hướng dẫn, bạn có lẽ tạm thời có được một cảm giác của an toàn, một cảm giác của hạnh phúc, nhưng đó không là hiểu rõ về toàn qui trình của chính mình. Quyền lực trong chính bản chất của nó ngăn cản tỉnh thức trọn vẹn về chính mình và vì vậy theo căn bản hủy diệt tự do; chỉ trong tự do mới có sáng tạo. Chỉ qua hiểu rõ về chính mình mới có thể có sáng tạo.

Ngày 27 tháng giêng.

Cái trí yên lặng, cái trí hồn nhiên.

Khi chúng ta tự tỉnh thức được chính chúng ta, toàn chuyển động của sống không là một phương cách để khai thông “cái tôi”, cái bản ngã, cái bản thân hay sao? Cái bản ngã là một qui trình rất phức tạp mà chỉ có thể khai thông được trong liên hệ, trong những hoạt động hàng ngày của chúng ta, trong cách chúng ta nói chuyện, cách chúng ta nhận xét, suy tính, cách chúng ta chỉ trích những người khác và chính chúng ta. Tất cả những việc đó phơi bày tình trạng bị điều kiện của suy nghĩ riêng của chúng ta, và liệu rằng không quan trọng khi ý thức được toàn qui trình này hay sao? Chỉ qua trạng thái tỉnh thức được điều gì là sự thật từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác mới có được sự khám phá về cái không thời gian, vĩnh hằng. Nếu không hiểu rõ về chính mình, vĩnh hằng không thể nào hiện hữu. Khi chúng ta không biết chính bản thân chúng ta, vĩnh hằng chỉ trở thành một từ ngữ, một biểu tượng, một suy đoán, một giáo điều, một niềm tin, một ảo tưởng để nhờ vào nó cái trí có thể tẩu thoát. Nhưng nếu người ta bắt đầu hiểu rõ “cái tôi” trong tất cả các hoạt động khác nhau của nó từ ngày này sang ngày khác, ngay trong chính hiểu rõ đó, mà không có bất kỳ gắng sức nào, cái không tên, cái không thời gian hiện hữu. Nhưng cái không thời gian không là một phần thưởng cho hiểu rõ về chính mình. Cái vĩnh hằng không thể tìm kiếm được; cái trí không thể đạt được nó. Nó hiện hữu khi cái trí yên lặng, và cái trí có thể yên lặng chỉ khi nào nó hồn nhiên, khi nào nó không đang lưu trữ, không đang chỉ trích, không đang xét đoán, không đang cân nhắc. Chỉ có cái trí hồn nhiên mới có thể hiểu được sự thật, không phải cái trí ngập tràn những từ ngữ, hiểu biết, thông tin. Cái trí phân tích, tính toán, không là một cái trí hồn nhiên.

Ngày 28 tháng giêng.

Hiểu rõ về chính mình.

Nếu không hiểu rõ về chính bạn, dù làm điều gì bạn muốn, không thể nào có được trạng thái thiền định. Tôi có ý dùng từ ngữ “hiểu rõ về chính mình”, hiểu rõ mọi tư tưởng, mọi tâm trạng, mọi từ ngữ, mọi cảm giác; hiểu rõ mọi hoạt động của cái trí của bạn – không phải hiểu rõ Bản Ngã Tối cao, cái Tôi to lớn; không có sự việc như thế; cái Tôi cao hơn, Đại Ngã, vẫn còn ở trong lãnh vực của tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của tình trạng bị điều kiện của bạn, tư tưởng là phản hồi của ký ức của bạn – xa xưa hay bây giờ. Và hiển nhiên sẽ hoàn toàn lừa dối và vô ích khi cố gắng thiền định nhưng đầu tiên lại không thiết lập một cách sâu sắc, dứt khoát, đạo đức có được qua hiểu rõ về chính mình.

Xin vui lòng, đối với những người nghiêm túc, đứng đắn, hiểu rõ điều này rất quan trọng, khẩn thiết. Bởi vì nếu bạn không thể làm việc đó, thiền định và sinh hoạt thực tế của bạn đều bị ngăn cách, bị tách rời – quá xa cách đến nỗi dù rằng bạn có lẽ thiền định, giữ tư thế ngồi kiết già vô hạn định, trong suốt phần còn lại của cuộc đời bạn, bạn sẽ không thấy gì vượt khỏi cái mũi của bạn; dù bạn ngồi với tư thế nào chăng nữa, dù bạn làm việc gì chăng nữa, sẽ chẳng có một chút ít ý nghĩa nào cả.

.... Rất quan trọng phải biết được hiểu rõ về chính mình này là gì, chỉ cần tỉnh thức, không có bất kỳ chọn lựa nào, tỉnh thức được “cái tôi” mà nguồn cung cấp của nó là vô số kỷ niệm, ký ức – chỉ cần tỉnh thức được nó và không có bất kỳ diễn giải nào, chỉ cần quan sát sự chuyển động của cái trí. Nhưng quan sát đó bị ngăn cản khi bạn chỉ đang tích lũy qua quan sát – làm điều gì, không làm điều gì, đạt được điều gì, không đạt được điều gì; nếu bạn thực hiện việc đó, bạn kết thúc cái qui trình đang sống của chuyển động của cái trí như là cái tôi, bản ngã. Đó là, tôi phải quan sát và thấy cái sự kiện, cái thực tại, cái gì là. Nếu tôi tiếp cận nó với một ý tưởng, với một quan niệm – như là “tôi không được”, hay là “tôi phải”, là những đáp trả của ký ức – lúc đó chuyển động của cái gì là bị cản trở, bị chặn lại; và vì vậy, không có học hỏi.

Ngày 29 tháng giêng.

Trạng thái trống không sáng tạo.

Bạn không thể chỉ lắng nghe điều này giống như đất đai thâu nhận hạt giống và xem thử liệu rằng cái trí có thể được tự do, được trống không hay sao? Nó có thể được trống không chỉ nhờ vào hiểu rõ tất cả những chiếu rọi riêng của nó, những hoạt động riêng của nó, không phải lúc này lúc kia, nhưng từ ngày này sang ngày khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Sau đó bạn sẽ tìm được câu trả lời, sau đó bạn sẽ hiểu rằng sự thay đổi đó đến mà không cần sự nài nỉ của bạn, sẽ hiểu rằng trạng thái trống không sáng tạo đó không là một sự việc để được tu dưỡng – nó ở đó, nó đến đầy kỳ bí, không cần bất kỳ mời mọc nào, và chỉ trong trạng thái đó mới có thể có được sự hồi sinh, sự mới mẻ, cách mạng.
Ngày 30 tháng giêng.

Hiểu rõ về chính mình.

Suy nghĩ đúng đắn đến cùng hiểu rõ về chính mình. Nếu không hiểu rõ về chính bạn, bạn không có nền tảng cho tư tưởng; nếu không có hiểu rõ về chính bạn điều gì bạn suy nghĩ không đúng như thật.

Bạn và thế giới không là hai thực thể khác nhau với những vấn đề khác biệt; bạn và thế giới là một. Vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới. Bạn có lẽ là kết quả của những khuynh hướng nào đó, của những ảnh hưởng chung quanh, nhưng theo căn bản bạn không khác biệt người khác. Ở bên trong chúng ta giống nhau rất nhiều; tất cả chúng ta đều bị điều khiển bởi tham lam, ý muốn xấu xa, sợ hãi, tham vọng và vân vân. Những niềm tin, những hy vọng, những khát vọng của chúng ta đều có một nền tảng chung. Chúng ta là một; chúng ta là một loài người, mặc dầu những biên giới giả tạo của kinh tế và chính trị và thành kiến phân chia chúng ta. Nếu bạn giết một người khác, bạn đang hủy diệt chính bạn. Bạn là trung tâm của tổng thể và nếu không hiểu rõ về chính bạn bạn không thể hiểu được sự thật.

Chúng ta có một hiểu biết trí năng về thể thống nhất này nhưng chúng ta duy trì cảm thấy và hiểu biết này trong những ngăn khác nhau và vì vậy chúng ta không bao giờ trải nghiệm thể thống nhất phi thường của loài người.

Ngày 31 tháng giêng.

Liên hệ là một cái gương.

Hiểu rõ về chính mình không lệ thuộc bất kỳ công thức nào. Bạn có lẽ đi đến một nhà tâm lý học hay một nhà phân tâm học để tìm ra về bản thân mình, nhưng đó không là hiểu rõ về chính mình. Hiểu rõ về chính mình, hiện hữu khi chúng ta tỉnh thức, được chính chúng ta trong liên hệ, mà bộc lộ chúng ta là gì từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Liên hệ là một cái gương dành cho mục đích thấy chúng ta như chúng ta thực sự là trong nó. Nhưng hầu hết chúng ta không thể nhìn vào chính mình khi chúng ta đang liên hệ, vì chúng ta ngay lập tức bắt đầu chỉ trích hay bào chữa việc gì chúng ta thấy. Chúng ta nhận xét, chúng ta đánh giá, chúng ta so sánh, chúng ta phủ nhận hay chấp nhận, nhưng chúng ta không bao giờ quan sát thực sự cái gì là, và đối với hầu hết mọi người đây dường như là việc khó khăn nhất khi thực hiện; tuy nhiên chính việc này lại là khởi đầu của hiểu rõ về chính mình. Nếu người ta có thể thấy chính mình như người ta là trong cái gương lạ lùng của liên hệ này mà không bị biến dạng, nếu người ta có thể chỉ nhìn vào cái gương này bằng chú ý tổng thể và thấy đúng thực cái gì là, tỉnh thức được nó mà không chỉ trích, không nhận xét, không đánh giá – và người ta làm việc này bằng quan tâm nghiêm túc – lúc đó người ta sẽ phát giác rằng cái trí có thể giải thoát chính nó khỏi tất cả điều kiện; và chỉ đến lúc đó cái trí mới được tự do để khám phá cái nằm ngoài lãnh vực của tư tưởng.

Rốt cuộc ra, dù cái trí có uyên bác hay nhỏ nhen như thế nào chăng nữa, nó bị giới hạn, bị điều kiện cả khi có ý thức lẫn không ý thức, và bất kỳ mở rộng nào của tình trạng bị điều kiện này vẫn còn trong lãnh vực của tư tưởng. Vì thế tự do là một sự việc gì đó hoàn toàn khác hẳn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/12/2010(Xem: 3880)
Rất cần thiết phải thiền định về đời người quý báu của ta. Cuộc đời thật quý báu và thời gian cũng thật quý giá. Vì thế bất kỳ những gì chúng ta có đều quý báu. Mục đích của cuộc đời là đạt được hạnh phúc, trước hết là hạnh phúc nhất thời và sau đó là hạnh phúc viên mãn. Trong thời gian thiền định chúng ta phải bỏ lại đằng sau rất nhiều thứ. Ta có rất nhiều điều phải làm trong cuộc sống. Nếu ta theo đuổi những niệm tưởng của ta thì ta sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được. Ta phải chọn ra điều gì là quan trọng trong cuộc đời đối với ta, đối với gia đình và cộng đồng của ta. Khi nhìn thấy một vật gì tốt đẹp ta mong muốn được sở hữu nó.
27/12/2010(Xem: 18910)
"Con đường Thiền Chỉ Thiền Quán” đã được Ngài Guṇaratana trình bày một cách khúc chiết, rõ ràng có thể giúp cho những ai muốn nghiên cứu tường tận chỗ đồng dị, cộng biệt, sinh khắc của hai pháp môn này...
22/12/2010(Xem: 5472)
“Teachings from Ancient Vietnamese Zen Masters” là bản dịch tiếng Anh nhiều bài thơ, bài kệ và bài pháp của chư tôn thiền đức Phật Giáo Việt Nam từ ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch...
08/12/2010(Xem: 17798)
Bởi vì niềm hạnh phúc và chính sự tồn tại của chúng ta là kết quả của sự giúp đỡ bảo bọc của mọi người, chúng ta phải phát huy thái độ cư xử tốt đẹp của mình đối với mọi người xung quanh.
26/11/2010(Xem: 6793)
Khi nào chim sắt bay là một cuốn sách ghi lại toàn bộ một khóa tu thiền do một trong những Đạo sư phương tây được yêu thích nhất, đó là Ni sư Ayya Khema hướng dẫn.
17/11/2010(Xem: 16197)
Sách này có hai phần: Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard, bao gồm các khóa trình được thực hiện tại đại học Harvard, được giáo sư Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng sang Anh ngữ...
01/11/2010(Xem: 10788)
Bồ Tát Hạnh của Shantideva là một tác phẩm đã từng được nhiều người trong chúng ta biết đến. Bồ đề tâm và Bồ tát hạnh chúng ta cũng từng biết với chi tiết qua những bộ kinh phổ biến rộng như kinh Hoa Nghiêm. Trong Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối chúng ta được đức Dalai Lama giảng dạy cho nghe về Bồ Tát Hạnh trong trọn một tuần lễ vào tháng Tám 1991 ở Dordogne, miền tây nam nước Pháp.
30/10/2010(Xem: 4286)
Người viết ghé thiền lâm này tu hai lần. Lần nào cũng ngắn ngủi, không đủ thời gian để lãnh hội và thẩm thấu hết lộ trình tu tập của truyền thống thiền quán này. Ai cũng có thể đọc trong sách vở, hoặc nghe vị khác nói lại về tông chỉ của nó là như vầy, như vầy, nhưng tất cả những điều đó quả thật không thể so sánh được với những gì mình tự thể nghiệm từ sự tu tập của chính mình.
16/10/2010(Xem: 5078)
Lịch sử Chùa Nguyên Thuỷ thành lập năm 1970do cố Hoà thượng Hộ Tôngthực hiện. Chủ trương của Hoà thượng là thành lập Đại Học Phật Giáo và Trung tâm thiền định Phật Giáo Nguyên Thủy trong diện tích đất chùa Nguyên Thủy, nhưng vì nhân duyên chưa đủ nên công trình chỉ hoàn thành hai hạng mục chánh điện và tăng xá. Chánh điện có diện tích ngang 18m, dài 24m và một pho tượng Thích ca bằng chất liệu ximăng, ngang 3,3m, cao 6,3m rất hùng vĩ và trang nghiêm. Công trình kiến trúc khá độc đáo, mang đậm tính truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ và dân tộc Việt, mái cổ lầu, hoa văn đơn giản, nhẹ nhàng tươi mát. Chùa từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 5 đời trụ trì: cố Hoà thượng Hộ Tông, Thượng toạ Thiện Giới, Thượng toạ Giác Chánh, Đại đức Giác Thiền và Thượng toạ Pháp Chất. Mỗi đời trụ trì đều có sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát huy chùa Nguyên Thuỷ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]