Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2002
CHƯƠNG SÁU: TÂM THIỀN
II...ĐẾN Ý NGHĨA TÂM THIỀN
Câu chuyện trên, mới nghe qua có vẻ hoang đường, nhưng nếu suy gẫm, ta sẽ thấy đượm nhiều thiền vị. Chàng sĩ tử luôn tự mãn với kiến thức uyên bác của mình, nhưng không hiểu đó chỉ là vay mượn từ bên ngoài. Sở học thế gian không giúp chàng thấu rõ ý nghĩa thâm sâu của câu đối. Lời văn tuy rõ ràng, nhưng nội dung của nó thì cần phải đi sâu vào đạo lý mới có thể quán triệt. Vì có lửa trong đá, nên khi hai viên đá cọ vào nhau mới có lửa phát ra; dù đá chìm dưới nước ngàn năm, lửa trong đá vẫn không tắt: đây là nghĩa đen của câu đối. Nhưng nghĩa bóng thì ám chỉ một loại lửa khác, cháy sáng muôn đời, không thấy bằng mắt thường vì không có hình tướng, không bao giờ hoại diệt dù đá bị vỡ tan. Lửa đó ở ngay thân tứ đại, ngày đêm chiếu sáng qua sáu căn.
Hiểu được câu trước, ta hiểu luôn câu đối lại của vị sư: Mặt trăng chiếu sáng trong hư không, muôn đời còn mãi với thế gian. Đứng dưới đất nhìn lên, có đêm ta thấy trăng sáng, có đêm thấy không trăng. Đó là kết quả sự vận hành của hệ thống mặt trời - quả đất - mặt trăng trong mối liên hệ hỗ tương của chúng. Thật sự, mặt trăng luôn hiện hữu, vẫn quay chung quanh quả đất theo quỹ đạo và chu kì của riêng nó. Cũng như vầng trăng miên viễn của chúng ta, dù chúng ta quên hay nhớ, dù chúng ta mang thân xác nào, thọ nghiệp báo nào trong ba cõi, trăng vẫn chiếu soi, vẫn vạn cổ trường tồn.
Nhận được ngọn lửa hay mặt trăng thường hằng bất diệt trong thân ngũ uẩn vô thường sinh diệt, chúng ta thấu hiểu tâm Thiền. Gọi là “hiểu”, nhưng không phải hiểu bằng ý thức, nên không liên quan đến kiến văn quảng bác thế gian, đến khả năng suy tư biện luận. Hiểu ở đây phải bằng trực giác, bằng kinh nghiệm nội tại từ công phu tu trì nghiêm mật. Một khoảnh khắc nào đó trong đời, khi khối nghi ôm ấp lâu nay bùng vỡ, ta trực nhận ra tự tánh thanh tịnh bản lai của chính mình, thì đến chết vẫn không quên. Có thể xem trường hợp của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn là một ví dụ điển hình:
Sư Hương Nghiêm là một bậc thông tuệ, tánh thức minh mẫn, nhưng ở dưới hội của Tổ Bá Trượng nhiều năm vẫn chưa tỏ ngộ lý Thiền. Khi Tổ mất, Ngài Qui Sơn bảo sư:
- Ta nghe ngươi ở chỗ tiên sư Bá-Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Đó là ngươi thông minh lanh lợi, nhưng ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem!
Sư mờ mịt không đáp được, tìm tất cả sách vở cũng chẳng thấy có câu trả lời thỏa đáng. Sư than: “Bánh vẽ chẳng no bụng đói”, rồi đốt hết sách vở, về làm ruộng ở Nam Dương. Một hôm, đang cuốc cỏ trên núi, sư lượm hòn gạch ném ra ngoài, vô tình hòn gạch trúng cây tre vang một tiếng “cốc”. Sư chợt tỉnh ngộ phá lên cười. Nhân đó, làm bài kệ:
Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trì
Động dung dương cổ lộ
Bất đọa thiểu nhiên ki.
Dịch:
Tiếng vang quên sở tri
Cần chi phải tu trì
Đổi sắc bày đường cũ
Chẳng rơi vào lặng im.
Xem đó, muốn thể nhập chân lý tuyệt đối, không thể nhờ sách vở bên ngoài. Bằng kiến thức sở hữu qua kinh sách, ta có thể hiểu thế nào là mê, thế nào là giác, thế nào là con đường đi đến giác ngộ. Nhưng nếu muốn thực sự có một bước nhảy từ mê qua giác, và một bước nhảy siêu vượt cả mê lẫn giác, ta phải tự thân thẩm thấu vào tận cùng nguồn cội của cuộc sống, phải tự thân lặng sâu vào tận cùng cái thăm thẳm của tâm thức. Có như thế, ta mới tiếp cận với kinh Phật, không chỉ ở tầng hiển ngôn, mà còn ở tột cùng tầng vô ngôn huyền nhiệm. Lúc ấy, ta mới thấy rõ, trên đời không có gì quý bằng bản tâm thanh tịnh sẵn đủ của mình; vì khi nhận ra và hằng sống với nó, ta đã thoát khỏi cái khổ lớn nhất của kiếp chúng sanh, là cái khổ luân hồi trong tam giới. Ta mới hiểu rõ, vì sao đức Phật và chư Tổ có thể hy sinh gia đình, công danh, kể cả mạng sống của mình để hoàn thành nghiệp lớn. Ta cũng thấu triệt ý nghĩa của hai câu “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn”trong bài kệ bảy bước của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta lúc đản sanh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni thuở trước.
Tất cả mọi hàm linh, dù hoàn cảnh chánh báo và y báo khác nhau, đều bình đẳng ở bản tâm, ở cái Ngaõ này. Bản tâm vốn lặng lẽ mà hằng tri, như chiếc gương có đặc tính chiếu soi mọi vật đặt trước nó. Gương bị bụi bám không chiếu soi được, nhưng tính sáng nguyên thủy của nó không bao giờ mất, nên khi lau sạch bụi, gương trở lại trong sáng như xưa. Chúng ta bị những lớp bụi phiền não bám khằn vào tâm từ bao đời kiếp, nên không thể tiếp nhận chân lý Thiền. Khi nhìn một vật, lẽ ra bằng trực giác, mọi người đều biết như nhau; nhưng do tập khí, nảy sinh thêm vọng niệm khen chê ưa ghét; vọng này chưa dứt, vọng khác tiếp tục nổi lên. Đầu óc chúng ta vì vậy lúc nào cũng lăng xăng lộn xộn, tâm ý lúc nào cũng quay cuồng như ngựa mất yên cương. Nếu biết cách miên mật công phu, gột rửa dần tập khí, một lúc nào đó chân lý sẽ hiển bày. Lúc tâm hoàn toàn thanh tịnh, cái thấy nghe hiểu biết của ta không bị tạp lẫn với những ý kiến thức tưởng chủ quan, cái Biết bình đẳngấy mới khế hợp với tâm Thiền.
Kinh Viên-Giác, Phật dạy: “Nếu chưa ra khỏi luân hồi mà biện biệt tâm Viên-Giác, thì tánh Viên-Giác kia cũng đồng với lưu chuyển”. Nếu ta đem tâm sanh diệt mà biện luận về chỗ vô sanh, thì chỗ vô sanh ấy cũng trở thành sanh diệt. Mây bay thấy trăng chạy, thuyền đi thấy bờ dời ; thật ra trăng và bờ đâu có dời chỗ, do cái thấy sai lầm điên đảo của chúng sanh nên sự thật bị lệch lạc. Chúng ta luôn sống bằng ý thức, nên nhìn sự vật qua lăng kính của phân biệt, tưởng tượng, suy lường; từ đó không nhận chân được thực tại, không thấy được bản chất của muôn pháp. Mặt khác, còn ý thức thì bản ngã còn có cơ hội xen vào trong hành vi ngôn ngữ, kể cả trong công phu tu tập. Nhiều thiền sinh trải qua một thời gian hành trì, có vài kết quả khả quan, tự cho mình có căn tánh hơn người. Cũng có thiền sinh, nhờ thông minh lanh lợi, có nhiều kiến giải về Thiền, hiểu lầm giác ngộ là chuyện dễ dàng, cho mình đã xong việc. Bản ngã vì thế lại càng tăng trưởng, không chịu hạ mình học hỏi, không tinh cần hạ thủ công phu. Lần lần có chiều hướng đi xuống, cuối cùng đọa lạc. Đây là điều rất đáng tiếc. Cho nên cần hiểu, giác ngộ không phải là kết quả của sự mong cầu, không phải là hành vi của ý thức, càng không phải là chuyện đơn giản đạt đến trong một sớm một chiều. Phải có đời sống thiền tập miên mật, phải có ý chí kiên cường, tinh ròng không tạp, phải hội đủ túc duyên, chúng ta mới có cái nhìn sự vật không qua niệm khởi, không qua tư duy, không chìu uốn theo các pháp và sanh tâm trên đó. Lúc ấy, ta mới biết giác ngộ là thế nào.
Khi vua Lý Thái Tông đến viếng Thiền sư Thiền Lão, vua hỏi Ngài:
- Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?
Sư đáp:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu
Dịch:
Chỉ hay ngày tháng này
Biết chi xuân thu trước.
Vua lại hỏi:
- Hàng ngày Hòa thượng làm gì?
Sư lại đáp bằng hai câu kệ:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
Dịch:
Trúc biếc hoa vàng nào cảnh khác
Mây bay trăng sáng hiện toàn chân.
Lời đáp của Thiền sư, mới nghe qua tưởng như không liên hệ gì đến câu hỏi, nhưng thật sự chứa đựng yếu chỉ nhà Thiền. Người đã sống với bản tâm, nói lời nào cũng khế hợp với đạo lý. Những năm tháng đã qua, Ngài không cần biết đến; cũng như những gì sẽ tới, Ngài chẳng cần bận tâm. “Chỉ hay ngày tháng này” là tinh thần Chánh niệm. Quá khứ không còn, tương lai chưa đến, tất cả đều chỉ là huyễn ảo, như hoa đốm trong hư không. Ngài luôn an trú tâm vào giây phút hiện tại, vào thời điểm tại-đây và bây-giờ. Bởi vì, khi thể nhập thánh trí tự giác, mọi thời gian và mọi không gian đều dung thông trong một sát-na vĩnh cửu.Đây không phải là cảnh giới do ngôn thuyết hay suy luận mà biết; đây là sự thực chứng của một bậc đã giác ngộ tâm Thiền. Khi ánh sáng trực giác bừng lên, mọi vật mọi cảnh đều hiển hiện tự tánh bình đẳng, tuy huyễn mà vẫn ở trong Như tánh. Cho nên, trúc biếc hoa vàng hay mây bay trăng sáng nào đâu cảnh khác, tất cả đều hiển lộ toàn chân.
Như vậy, học Thiền là học vào giờ phút hiện tại, tu Thiền là tu vào giờ phút hiện tại, chứng Thiền cũng chỉ là chứng vào giờ phút hiện tại ấy mà thôi. Nhưng cái gì học, tu và chứng?- Đó là TÂM. Ngoài tâm, không có gì khác. Tâm sẵn đủ ở mọi loài, luôn lặng lẽ mà tỏ sáng. Khi trực nhận tâm bản lai, ta mới biết “tu, học, chứng” thật ra chỉ là gượng nói, vì tâm ấy chính là mình, chưa bao giờ thiếu vắng. Thiền muốn chỉ rõ cái sẵn đủ này ở mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay ý thức hệ. Trọng tâm tu hành của nhà Thiền là phải nhận ra tự tánh, tức hồi phục chức năng nguyên thủy của chính mình. Có thể nói, kiến tánh là mục đích tối hậu của thiền giả, chưa kiến tánh thì chưa phải là Thiền!
Một số thiền sinh thắc mắc: Vì sao không gọi “Vô tâm Thiền” mà gọi“Tâm Thiền”? Chúng ta thường nghe câu kệ trong bài phú Cư trần lạc đạo của Sơ tổ Trúc Lâm:
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Khi đối duyên xúc cảnh, nếu không khởi niệm phân biệt khen chê ưa ghét thì không cần hỏi chi đến Thiền, vì vô tâm đã là Thiền rồi. Cảnh giới vô tâm này tương đương bức tranh số 8 trong mười bức chăn trâu của Thiền tông. Hành giả không còn ý niệm đối đãi nên phàm Thánh đều không, chẳng chán Ta-bà chẳng cầu Tịnh độ. Khi Sa-di Cao đến viếng Ngài Dược Sơn, Ngài hỏi:
- Ta nghe Trường An rất náo loạn, ngươi biết không?
Sa-di Cao thưa:
- Bạch Hòa thượng, nước con an ổn.
“Nước an ổn”có phải đất nước của Sa-di Cao không náo loạn, hay ông muốn ám chỉ điều gì? “Hai đầu không dính, ngàn mắt khó xem”.Khi tâm không vướng mắc trần cảnh, không kẹt hai bên đối đãi thì mắt Phật cũng không nhìn thấy!
Nhưng nếu chỉ đạt được trạng thái lặng lẽ thanh tịnh thì chưa phải là cứu cánh của Thiền tông. Chủ đích của Thiền là trở về thể tánh chân thật lặng lẽ mà thường biết, cảnh giới của tâm Thiền. Cho nên:
Mạc vị vô tâm vân thị đạo
Vô tâm du cách nhất trùng quan.
Dịch:
Chớ bảo vô tâm ấy là đạo
Vô tâm còn cách một lớp rào.
Muốn vượt lớp rào ấy, hành giả phải qua “một cơn chết lớn” (đại tử nhất phiên) hay “tuyệt hậu tái tô”.Buông tay cho chết một lần, thoát xác khỏi cái tôi hư giả, chặt đứt mọi xiềng xích mối manh vọng tưởng, chừng đó sống lại, chừng đó trở về nguồn. Hành giả chợt nhận ra “Am trung bất kiến am tiền vật, Thủy tự mang mang hoa tự hồng”. Trong am chẳng thấy vật gì khác ngoài cái am, tâm Thiền bao trùm pháp giới, có gì khác ngoài tâm? Mọi vật đều trở về bản vị của nó, nước tự nó mênh mông, hoa tự nó nở hồng. Đây là cái thấy như thị, khi hành giả thể nhập tâm Thiền. Từ đó, dù cuộc đời chịu bao gian truân thử thách, dù thân tứ đại chịu nhiều bệnh tật đọa đày, các Ngài vẫn an nhiên tự tại, như Thiền sư Từ Minh nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”, hoặc như Ngài Huyền Giác trong bài ca Chứng đạo:
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền
Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên
Túng ngộ phong đao thường thản thản
Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.
Trúc Thiên dịch:
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền
Nói im động tịnh thảy an nhiên
Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững
Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh.
Khi đã trở về sống với cái tịch tĩnh vĩnh hằng, với quê nhà muôn thuở, thì bất cứ lời nói cử chỉ nào cũng là Thiền. Không phong ba bão táp nào, không độc dược gươm đao nào ảnh hưởng được bản tâm không hình tướng ấy. Nếu còn thấy tâm là đối tượng tức còn khoác cho nó một tướng trạng, tâm ấy còn trong vòng sinh diệt. Nếu thấu triệt bản thể của tâm là vô nhất vật, không tướng mạo mà hằng hữu hằng tri, thì không còn chỗ nào dính bụi. Hiểu được điều này, ta mới thẩm thấu tột cùng ý nghĩa của bài kệ trong phẩm Phổ Môn - kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quan Âm
Hầm lửa biến thành ao
Chúng sanh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quan Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian.
Hiểu theo sự, khi chúng sanh bị tai nạn quẩn bách, một lòng cầu nguyện Bồ-tát Quan Âm, Ngài sẽ dùng thần lực cứu vớt. Nhưng chúng ta không dừng lại ở nghĩa đen bên ngoài, mà cần rõ nghĩa lý sâu xa Đức Phật muốn dạy: Quan Âm là phản văn văn tự tánh - trở về nghe lại tánh nghe của chính mình. Sống với tánh nghe là giác tri, là hiện tướng của tánh giác, của tâm Thiền. Khi đã thuần thục, không còn phân biệt năng giác - sở giác, chỉ còn tự tánh thanh tịnh thường tri. Mọi vọng niệm đối đãi dứt bặt là phá được tưởng ấm, tức phá được nhân đau khổ. Do vậy, tất cả đau khổ hoạn nạn trên đời không còn làm hành giả vướng bận, dù xảy đến cho bạn bè, người thân hay cho chính bản thân mình.