Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2002
CHƯƠNG BA: TRI VỌNG
II. PHÁP TRI VỌNG
Tùy công phu của mỗi hành giả mà có kiến giải khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, về pháp Tri vọng. Tuy nhiên, nguyên tắc căn bản chỉ là một.
Pháp biết vọng là khi tọa thiền hoặc lúc đối duyên xúc cảnh, niệm khởi lên ta liền biết đó là vọng tưởng, không bị nó lôi dẫn. Không chạy theo vọng tưởng, vọng tự nhiên biến mất, ngay đó tâm liền an. Đây là phương tiện cho những hành giả có chí tu hành nhưng chưa thấy tánh, phải tạm dùng phương tiện này để phá chấp ngã về tâm. Đến khi vọng tưởng lặng dứt thì pháp đối trị cũng dừng, đủ nhân duyên liền hội nhập tự tánh.
Trong pháp Biết vọng có hai lối tu: Biết vọng liền buông vaø Biết vọng không theo.
A. BIẾT VỌNG LIỀN BUÔNG:
1.)Công phu buông vọng
“Buông” là một hành động của ý thức, có tác ý và có đối tượng rõ ràng. Khi một niệm dấy lên, ta thầm nhủ đó là vọng và khởi thêm niệm “buông!”. Đây là công phu theo hữu vi, có phân biệt đối tượng buông là vọng và chủ thể buông là mình, tức còn năng và sở. Giai đoạn này tuy tu trong đối đãi, nhưng rất cần cho những người sơ cơ, vì dù sao, tỉnh giác biết được hành tung bất định và bản chất hư giả của vọng, không để vọng lôi cuốn, là đã tiến một bước trên đường đạo.
Trong thực tế, khi mới bắt đầu công phu, ta không thể nào xa lìa ý niệm phân ranh năng- sở, luôn luôn ta thấy có cái vọng nổi lên ở phía trước, rồi bên trong ta hiện ra một cái hay biết vọng, dường như có cái này biết được cái kia. “Cái này” là năng tri, “cái kia” là sở tri. Ta lúng túng ở cái năng sở này, cứ đem cái năng tri năng vọng buông cái sở tri sở vọng. Khi sở tri biến mất, ta thấy cần thiết phải duy trì cái năng tri như người gác cửa; mà không hiểu rằng, do có niệm “duy trì cái năng tri”, nên năng tri ấy đã biến thành sở tri mất rồi! Năng đã biến thành sở, nên hết lớp vọng này lại nổi lên lớp vọng khác. Đây là lối bắn cung của Thạch Củng, một mũi bắn một con, nên sau buổi tọa thiền, ta cảm thấy có phần nặng nề mệt mỏi.
Công phu một thời gian, có tiến bộ, tọa thiền ta thấy yên ổn. Ta rất thích trạng thái yên ổn này nên đâm ra sợ vọng, tự nhiên có một cái gì luôn hờm sẵn, cứ lom lom nhìn vào khoảng trống vắng đó. Thật ra, trạng thái trống vắng cũng chỉ là sở tri, dù vi tế hơn. Hành giả cần cảnh giác, vì dễ lầm nhận đó là bản tâm thanh tịnh của mình.
Như vậy, khởi đầu của công phu là còn suy nghĩ lăng xăng, tức vọng còn nhiều, khá hơn thì vọng thưa bớt, sau đó là hết vọng. Cả ba giai đoạn vọng nhiều, vọng thưa và hết vọng đều là sở tri. Do còn sở tri nên cái năng tri phải chực chờ mãi, không dám lơi lỏng. Ví như có căn nhà sáu cửa (thân sáu căn), một tên trộm từ một cửa lẻn vào nhà (một căn tiếp xúc với trần phát sinh thức, tức khởi niệm). Vì nhà có người gác nên phát hiện ra, tên trộm liền trốn mất. Nhưng tên này rất ranh ma, lát sau nó lại từ cửa khác đột nhập vào. Người gác cứ phải canh chừng suốt ngày đêm, chờ có trộm vào liền điểm mặt. Canh cửa như thế chỉ được vài ngày thì kiệt sức, lăn ra ngủ. Tên trộm tha hồ vào nhà, tha hồ ở bao lâu tùy thích. Đây là lúc hành giả dụng công theo hữu vi một thời gian vẫn thấy vọng hoài, đâm ra nghi ngờ pháp tu này. Cho nên, trong công phu mà gia tâm trên bất cứ trạng thái nào cũng đều không đúng, dù gia tâm để buông vọng hay để biết mình đang hết vọng. Vọng tự sanh tự diệt, chỉ là hư ảo, là rỗng không, nên không cần bạo động tác ý lên nó. Buông vọng một cách triệt để, buông luôn cả ý niệm phân ranh người buông và đối tượng buông, buông trong trạng thái vô vi, thì mới có cơ hội để trực giác phát sinh. Chúng ta sẽ đi sâu vào điểm này trong phần kế tiếp.
2.) Năm giai đoạn buông vọng
Nói về lýthì giác ngộ không qua thứ lớp, giác ngộ là Phật, mê là chúng sanh. Tuy nhiên, nói về sựthì trong công phu phải trải qua nhiều trình tự. Ở đây, chúng tôi tạm phân chia 5 giai đoạn từ thấp lên cao. Sự phân chia này chỉ có tính cách tương đối, và chỉ có vai trò của những cột mốc tạm dựng trên đường:
a/ Giai đoạn 1:Người mới tu, nhờ đọc kinh sách và nghe giảng mà hiểu được mọi tư tưởng tình cảm đều là vọng tưởng hư dối. Lúc tọa thiền thấy vọng khởi, người ấy nghĩ “buông!”. Có khi không tỉnh giác kịp, bị vọng dẫn lôi một lúc mới quay về. Cũng có khi vọng lẫy lừng, buông không hết, phải quở mắng: “ Mày đã dẫn ta đi luân hồi nhiều kiếp, giờ lại muốn lôi ta đi nữa sao?”. Đây là giai đoạn chăn trâu, trâu còn tánh hoang dã nên cần kết hợp dây vàm là giới luật. Vọng là sở tri, người buông vọng là năng tri; năng sở phân biệt rõ ràng.
b/ Giai đoạn 2:Hành giả hiểu được sở là vọng, năng cũng là vọng. Đem vọng buông vọng thì đến bao giờ mới xong ? Do vậy, khi vọng khởi, họ biết và buông; khi hết vọng, họ buông luôn cái biết vọng ấy.
c/ Giai đoạn 3:Cả năng vọng và sở vọng đều được xa lìa, nhưng còn một cái lom lom nhìn chừng và thấy mình đang xa lìa. Cái lom lom ấy cũng là vọng, dù vi tế, nên phải buông luôn.
d) Giai đoạn 4: Hành giả đang trong trạng thái vắng lặng thanh tịnh, nhưng lại còn một niệm biết mình thanh tịnh. Đây là lớp vọng rất vi tế, giai đoạn mà Duy thức học gọi là “thường chuyển như bộc lưu”. Một dòng thác, ở xa tưởng như dải nước đồng nhất, nhưng thật sự là tập hợp chuyển động của vô số giọt nước li ti. Lớp vọng vi tế này như chuyển động của những giọt nước li ti ấy, mà nếu không tinh tế nhận ra, hành giả tưởng mình đã thể nhập tự tánh. Do vậy, cần hết sức thận trọng.
e) Giai đoạn 5: Hành giả thấy nghe hiểu biết các pháp rõ ràng mà không khởi một niệm nào. Đây là giai đoạn rõ ràng thường biết mà bặt hết các duyên, là tự biết trong trạng thái vô vi, là tri kiến vô kiến. Đây chính là thấy biết của tự tánh, bặt hết là tự tánh định tức giải thoát, rõ ràng thường biếtlà tự tánh huệ tức giác ngộ. Đây cũng là cảnh giới của Thiền sư Duy Tín “ba mươi năm sau thấy núi sông vẫn là núi sông”, của Thiền sư Thiền Lão “trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Các Ngài ở trong cảnh động mà vẫn bất động, biết rõ tất cả các pháp một cách như thị mà không xâm phạm các pháp, không nói tu mà chẳng phải không tu, làm tất cả vì chúng sinh mà cũng như không làm.
B. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO
“Không theo”cũng là một hành động của ý thức, nhưng không có tác ý và không cụ thể. Khi một niệm khởi lên, ta biết đó là vọng tưởng, không dính mắc trên nó, vọng tự nhiên lặng. Có thể nói, không theo vọngnghĩa là không có chủ ý tác ý trên vọng, cũng không dính mắc để bị vọng lôi kéo, chỉ đơn thuần BIẾT đó là vọng, thế là vọng tự mất. Chỉ cần rõ vọng, không cần làm gì khác, ngay đó đã là giác.
Trong kinh Niệm Xứ, Phật dạy chánh niệm trên mười sáu loại tâm hành sinh diệt, tựu trung cũng chỉ một chữ BIẾT: Tâm tham biết có tham, không tham biết không tham, sân si... cũng như vậy. Phật không dạy phải diệt tâm tham hay giữ tâm không tham, mà chỉ cần BIẾT. Mười sáu loại tâm hành chính là vọng tưởng ở đây muốn nói.
Pháp Biết vọng không theo là một lối tu nhẹ nhàng, nhưng cần có kiên nhẫn và ý chí. Bởi vì trong giai đoạn đầu, do chúng ta quen để tâm dong ruổi lăng xăng như vượn chuyền cành, nên không theo vọng này thì lại có vọng khác tiếp tục nổi lên. Cứ bền chí nhận diện chúng, một thời gian chúng sẽ thưa dần. Biết rõ vọng là hư dối tức từng bước chúng ta phá chấp ngã về tâm; nếu ngoài giờ tọa thiền, chúng ta quán chiếu về sự giả hợp của thân và cảnh, đó là chúng ta đang đi trên đường giác ngộ vô ngã. Khi đủ thời tiết nhân duyên, chúng ta sẽ có cơ hội nhận ra bản tâm thanh tịnh thường nhiên của chính mình. Có thể nói, pháp Biết vọng phù hợp với kinh điển, càng xem kinh càng rõ thêm pháp tu, càng tu lại càng sáng được ý kinh. Đây là lý do vì sao chúng ta cần thực hiện phương châm “Thiền-Giáo song hành”.
Đối với những hành giả có duyên nhiều đời với Thiền tông, khi tọa thiền biết vọng, họ còn nhận ra điều này: Khi có vọng và khi không vọng ta đều biết, biết nhưng không có tác ý trên vọng. Không có tác ý nên không còn đối đãi, không còn phân biệt người biết (là mình) và đối tượng biết (là trạng thái có vọng hay không vọng). Không còn phân ranh năng và sở, chủ thể và đối tượng, thì ngay tức khắc ở trong trạng thái nhất như. Vì sao được như thế? - Bởi vì vọng tưởng là huyễn nhưng luôn ở trong như, vọng và chơn chỉ là hai mặt của một thực thể và bình đẳng trong Như tánh; cũng như sóng rõ ràng là nước, muốn tìm nước phải ngay sóng mà tìm. Đây là ý nghĩa mà Phật dạy trong pháp Quán tâm trên tâm:Bao nhiêu vọng niệm sinh rồi diệt đều nằm trong vùng ánh sáng của chánh niệm,không thoát khỏi chánh niệm dù ta không tác ý. Đây cũng là mũi tên của Mã Tổ, một mũi bắn một bầy. Công phu như thế này, người tu rất thảnh thơi, ít tốn công sức mà kết quả lại tốt đẹp; vì tu trong tinh thần vô vi, do nhân vô sanh nên được quả Phật thường trụ. Dĩ nhiên, cần giản trạch với lối dung vọng của phàm phu. Dung vọng là mặc tình để vọng khởi lên và lôi dẫn ta quay cuồng theo các cảnh, đó là thất niệm, là gốc tạo nghiệp khiến quẩn quanh trong lục đạo. Còn biết vọng mà không tác ý là tỉnh giác thường xuyên để nhận diện mọi hành tung của vọng, là chánh niệm trên từng đợt sinh diệt của tâm, là lối tu chân chính đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Chúng ta có thể dùng bốn câu kệ sau đây của Thiền sư Huyền Giác, để áp dụng vào công phu Biết vọng không theo:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải
Tỉnh tỉnh tán loạn sai
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải
Lặng lặng hôn trầm sai.
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải: Một niệm dấy lên, ta tỉnh giác biết rõ. Biết nhưng không tác ý, không khởi thêm niệm “buông” hay “không theo”, nên là lặng. Tỉnh tỉnh là huệ, lặng lặng là định, tức định - huệ đồng thời, thể - dụng không hai.
Tỉnh tỉnh tán loạn sai:Tỉnh là biết có vọng khởi, nhưng lại thêm niệm “không theo” nên có tác ý, là tán loạn, tức sai với ý chỉ.
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải:Tâm yên tĩnh lặng lẽ nhưng vẫn rõ ràng biết khi có vọng hay không vọng. Biết tất cả mà không có một niệm, kể cả niệm “ta đang yên tĩnh”.
Lặng lặng hôn trầm sai:Hôn trầm ở đây chỉ chung ba trạng huống mờ mịt của tâm thức, từ nhẹ đến nặng gồm Vô ký (lơ mơ), Hôn trầm (không biết gì chung quanh) và Thùy miên (ngủ gục). Nhà Thiền gọi là “hang động của quỷ”.
Nói chung, tọa thiền đúng pháp là tỉnh và lặng phải đi đôi, định- huệ đồng đẳng, tỉnh giác biết rõ vọng khởi mà không tác ý gì trên vọng. Có thể nói, tọa thiền là chỉ ngồi tỉnh biết, không phải ngồi dụng công nhưng cũng không phải chẳng dụng công; vì dụng công là hữu vi tác ý, mà chẳng dụng công là dung túng vọng tưởng. Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ diễn tả cách hành trì như thế nào, chỉ tạm nói là“Biết tất cả mà không khởi niệm”.Hành giả nên khéo hội lấy.
Để làm sáng tỏ thêm lối tu vốn dĩ vi mật này, xin trích dẫn bài kệ của một Thiền sư đời Tống:
Học đạo du như thủ cấm thành
Trú phòng lục tặc dạ tinh tinh
Trung quân chúa tướng năng hành lệnh
Bất động can qua trị thái bình.
Nghĩa:
Học đạo giống như giữ cấm thành
Ngày ngừa lục tặc, tối tinh tinh
Trong Quân chúa tướng hay hành lệnh
Chẳng động gươm đao trị thái bình.
Người học đạo giống như người giữ một thành cấm có sáu cửa, không cho giặc vào làm loạn, ngày đêm đều tỉnh giác, tinh ròng không xen tạp. Trong đội quân có viên chúa tướng chỉ huy canh gác bố phòng nghiêm mật, nhưng đặc biệt là chẳng động gươm đao mà thiên hạ tự thái bình. Cấm thành sáu cửa dụ cho thân người có sáu căn, nếu không ròng rã ngày đêm canh giữ, thì sáu trần như sáu loại giặc sẽ thừa cơ hội đột nhập. Viên chúa tướng là trí dụng hằng soi của mỗi người, luôn tỉnh luôn sáng. Nhưng vì sao không cần đến gươm đao mà vẫn yên ổn?- Không động gươm đao nghĩa là vô vi, là hành động vô hành. Mọi vọng tưởng phát sinh do sáu căn tiếp xúc sáu trần, như lũ giặc tìm cơ hội quấy phá. Người tu chỉ cần luôn tỉnh giác biết rõ lúc nào vọng sinh, lúc nào vọng diệt. Chỉ cần biết là vọng tự lặng mà không cần khởi thêm niệm nào, nên nói không sử dụng vũ khí mà giặc tự lui binh.
Trên đây là một vài vấn đề đóng góp trong công phu từ kinh nghiệm bản thân. Mong rằng tất cả chúng ta, khi thực hành pháp Biết vọng, cần nắm vững yếu lý để công phu được nhẹ nhàng. Chính trong công phu nhẹ nhàng mà có kết quả ấy, chúng ta mới đến gần chỗ vốn dĩ bình yên xưa nay. Chỗ đó không phải ở nơi đâu xa vời khiến chúng ta phải nhọc lòng tìm cầu, đuổi bắt; nó ở ngay tại đây và bây giờ, nếu tâm ta lặng lẽ mà hằng tri. Đây là điều thật đơn giản nhưng cũng thật diệu kỳ, mà mỗi thiền giả phải tự mình thể nghiệm.