Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Nghĩa không trong Thiền học

09/03/201103:31(Xem: 3808)
7. Nghĩa không trong Thiền học

VÀO THIỀN
Nguyên Minh

Nghĩa không trong Thiền học

Mặc dù là vị tổ thứ 6 của Thiền Trung Hoa, nhưng tổ Huệ Năng (638 – 713) vẫn thường được xem như vị tổ sư nổi bật nhất khởi đầu cho một thời kỳ hưng thịnh của thiền môn. Thực ra, nhiều người đã xem ngài như người chính thức khai sinh ra Thiền tông Trung Hoa như một tông phái độc lập với những nét đặc thù so với các tông phái khác tại Trung Hoa thời bấy giờ.

Lục Tổ Huệ Năng bộc lộ cái nhìn của ngài về thiền qua bài kệ nổi tiếng được nhiều người biết đến như sau:

Bồ-đề vốn chẳng phải cây,

Gương sáng cũng chẳng phải đài.

Xưa nay vốn không một vật,

Chỗ nào bám được bụi nhơ?

Nguyên văn chữ Hán:

菩提本無樹

明鏡亦非臺

本來無一物

何處惹塵埃

Bồ-đề bản vô thụ,

Minh kính diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Bài kệ này được Lục Tổ nói ra sau khi đã đọc qua một bài kệ khác của đại sư Thần Tú, cũng được viết ra để bày tỏ kiến giải về thiền. Bài kệ của đại sư Thần Tú như sau:

Thân là cây Bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Thường siêng lau siêng rửa,

Chớ để bám bụi nhơ.

Nguyên văn chữ Hán:

身是菩提樹,

心如明鏡臺。

時時勤拂拭 ,

勿使惹塵埃。

Thân thị Bồ-đề thụ,

Tâm như minh kính đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Cả hai vị đều là môn đệ của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (602–675), và qua hai bài kệ này mà Ngũ Tổ đã quyết định chọn ngài Huệ Năng làm tổ thứ 6 của Thiền tông.

Với sự ấn chứng này, bài kệ của Lục Tổ rõ ràng được nhiều người xem như một sự mô tả đáng tin cậy về thiền. Và nội dung mô tả ấy có vẻ như không nêu lên gì ngoài một sự phủ nhận toàn bộ các đối tượng được đề cập đến. Từ cách hiểu như thế, rất dễ cho rằng bài kệ đã trình bày một nghĩa không bao hàm tất cả.

Thật ra, nghĩa không còn được đề cập đến trong rất nhiều trường hợp khác. Và trong một chừng mực nào đó, ít nhất là nhìn từ bên ngoài thì quả thật là thiền nói nhiều đến nghĩa không như một ý nghĩa chủ đạo. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghe về nghĩa không trong một bài kệ của thiền sư Định Hương (?-1051), một thiền sư Việt Nam vào đời nhà Lý:

Xưa nay vốn không xứ sở,

Xứ sở ấy là nguồn tông.

Nguồn tông thật như huyễn ảo,

Có ảo tức chẳng có không.

本來無處所

處所是真宗

真宗如是幻

幻有即空空

Bản lai vô xứ sở,

Xứ sở thị chân tông.

Chân tông như thị ảo,

Ảo hữu tức không không.

Tính tương đối của nghĩa không đã được bài kệ nêu lên khá rõ. Hay nói khác đi, thiền sư đã cảnh báo người học về thiên hướng chấp chặt cái không, bởi vì ngay khi nhìn nhận tính chất huyễn ảo không bền chặt của muôn pháp thì cũng đồng thời cũng phải thấy được ngay cả nghĩa không cũng chẳng phải là không. Trong bài thứ 26 của tập Vô Môn Quan có kệ tụng rằng:

Rèm cuốn sáng lên suốt thái không,

Thái không vẫn chưa hợp nguồn tông.

Chỗ hợp chỗ không đều vất sạch,

Mênh mông đầy khắp gió chẳng thông.

Nguyên văn chữ Hán:

卷起明明徹太空

太空猶未合吾宗

爭似從空都放下

綿綿密密不通風

Quyến khởi minh minh triệt thái không,

Thái không do vị hợp ngô tông.

Tránh tự tùng không đô phóng hạ,

Miên miên mật mật bất thông phong.

Bức tranh sinh động ở đây cho thấy rõ ràng là thiền sư không hề nhắm đến một cái không theo nghĩa phủ nhận hoàn toàn. Để đạt đến tầm vóc của một cái không như thế, người ta phải nắm được trong tay mọi cái có của thế giới này!

Chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là nghĩa không trong thiền cực kỳ khó nắm bắt. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với tổ Bồ-đề Đạt-ma khi ngài vừa đến Trung Hoa vào năm 520, vua Lương Võ Đế, một vị vua hết sức sùng tín và đã làm rất nhiều điều để ủng hộ Phật pháp, đặt ra câu hỏi: “Thế nào là nghĩa lý cao tột nhất của bậc thánh?” (如何是聖諦第一義 – Nhö haø thò thaùnh ñeá ñeä nhaát nghóa?)

Tổ sư đáp: “Trong choã roãng rang chaúng coù baäc thaùnh.” (廓然無聖 – Khuếch nhiên vô thánh.)

Vua lại hỏi: “Đối diện với trẫm là ai?” (對朕者誰 – Đối trẫm giả thùy?)

Tổ sư đáp: “Không biết.” (不識 – Bất thức.)

Mẩu đối thoại ngắn ngủi này đã kết thúc quá trình tham học về thiền của một vị vua vốn đầy nhiệt tình với Phật pháp, đã sai quan viên Quảng Châu ra tận cửa biển để nghênh tiếp Tổ sư về diện kiến. Bởi vì sau đó Tổ sư biết nhà vua không thể tiếp nhận nổi ý nghĩa sâu xa của pháp thoại nên đã ra đi đến ở chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn thuộc đất Ngụy. Chúng ta có thể lấy làm tiếc cho nhà vua đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một khi không nhận được gì từ một bậc tổ sư chân truyền, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được và không lấy làm lạ về sự việc. Bởi vì để nắm bắt được nghĩa không trong mỗi một câu “Khuếch nhiên vô thánh” vừa dẫn trên, không thể chỉ dựa vào lòng nhiệt thành mà được. Huống chi sau đó Tổ sư còn bồi thêm một liều “thuốc không” cực mạnh với câu trả lời “không biết”. Nhà vua vốn chỉ đến với Phật pháp qua những hiểu biết đơn thuần trong phạm vi tạo phước, làm lành, chưa từng có những kinh nghiệm tâm linh về thiền học, tất nhiên phải bỏ lỡ mũi tên mạnh mẽ mà Tổ sư bắn ra.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy việc nắm bắt được nghĩa không trong thiền học quả là không dễ dàng và đơn giản chút nào.

Nhưng mặt khác, nếu bạn nghĩ đến việc bỏ ra 5 năm hoặc 10 năm để nghiên tầm kinh điển hầu có thể nắm bắt, lý giải được nghĩa không trong Thiền học, điều đó có thể cũng không đưa đến kết quả nào. Vấn đề ở đây là một sự trực nhận vượt trên mọi khái niệm, nên giới hạn của ngôn ngữ không thể nào vươn tới. Mâu thuẫn nảy sinh của người đi tìm nghĩa không trong Thiền học chính là ở chỗ cố dựng lên một khái niệm, một cách mô tả hoặc lý giải nào đó để “nắm bắt” lấy nghĩa không. Nhưng điều này lại ngay lập tức đóng khung vấn đề vào một giới hạn nhất định của khái niệm bất kỳ nào đó vừa dựng lên. Và kết quả là không làm được gì khác hơn ngoài việc tạo ra một khái niệm mới trong rừng khái niệm vốn đã dày đặc của tri thức.

Sự trực nhận đòi hỏi quá trình rèn luyện, tu tập để khơi mở bản năng trực giác trong tự tâm mà không phải là sự thu lượm, tích lũy những tri thức, kiến giải từ bên ngoài. Một lần nữa, cần nhắc lại ở đây rằng kinh nghiệm tự thân chính là điều quan trọng nhất đối với người học thiền.

Chúng ta hãy quay trở lại với bài kệ của Lục Tổ được dẫn ra ở đầu mục này. Nguyên do bài kệ được nói ra là trong bối cảnh đáp lại với bài kệ của đại sư Thần Tú. Hay nói khác đi, nếu chúng ta rời khỏi bối cảnh này để tìm hiểu nghĩa không trong bài kệ, chúng ta khó lòng tránh khỏi những nhận thức sai lệch.

Bài kệ của đại sư Thần Tú được Ngũ Tổ khen là ít có, và khuyến khích các đệ tử của mình thắp hương lễ bái, với nhận xét: “Y theo kệ này tu khỏi đọa nẻo ác, y theo kệ này tu được lợi ích lớn.” (依此偈修免墮惡道. 依此偈修有大利益. – Y thử kệ tu miễn đọa ác đạo. Y thử kệ tu hữu đại lợi ích.)

Tuy không được chọn để kế tục tổ vị, nhưng có thể nói đại sư Thần Tú đã vượt trội hơn tất cả những môn đệ khác của Ngũ Tổ, chỉ trừ Lục Tổ Huệ Năng. Chính là để chỉ rõ bài kệ của đại sư Thần Tú chưa nắm được yếu chỉ rốt ráo của thiền mà Lục Tổ mới nói ra bài kệ “không” như trên. Có thể nói, đại sư Thần Tú như con mãnh hổ sau bao nhiêu nỗ lực tinh cần và mạnh mẽ đã lên đến đỉnh núi cao nhất và ngước nhìn bầu trời cao rộng, nhưng Lục Tổ lại như con chim bằng ngay từ đỉnh núi ấy đã nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên để hòa nhập, mất hút vào khoảng không mênh mông không còn giới hạn. Vì thế, một số người đời nay đọc kinh Pháp Bảo Đàn và cho rằng bài kệ của đại sư Thần Tú là “chưa thấy tánh”, e rằng nhận xét ấy có phần nào chưa được thỏa đáng. Mặt khác, bài kệ của Lục Tổ vốn được nói ra để phá sạch những chỗ vướng mắc cuối cùng của đại sư Thần Tú, như giọt nước cuối cùng để làm tràn ly nước... Nếu tách rời khỏi bài kệ của đại sư Thần Tú để hiểu bài kệ của Lục Tổ, tất nhiên sẽ có chỗ lệch lạc. Nói cách khác, một khi chưa tự mình nhận ra được chỗ vướng mắc của đại sư Thần Tú mà muốn ôm lấy nghĩa không của Lục Tổ, điều đó sẽ rất dễ dẫn đến hiểu sai về nghĩa không đích thực trong Thiền học.

Nói tóm lại, nghĩa không được đưa ra trong thiền như một phương tiện để đối kháng với những cái có đang đè nặng trong tâm thức mỗi người. Nếu thoát khỏi những ràng buộc, ngăn ngại của khái niệm và tri thức, thì ngay cả cái không cũng không thể tồn tại để bám vào. Mục đích cuối cùng của thiền, như đã nói, vẫn là trực nhận cuộc sống như nó đang diễn ra, và điều đó là hoàn toàn có thật khắp quanh ta, làm sao có thể nói là không?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/07/2011(Xem: 3243)
Thở vào, tâm tĩnh lặng Thở ra, miệng mỉm cười An trú trong hiện tại Giờ phút đẹp tuyệt vời (An lạc từng bước chân- Thích Nhất Hạnh)
30/06/2011(Xem: 5132)
Thiền định là hành động mà đến khi cái trí đã mất đi không gian nhỏ xíu của nó. Không gian bao la này mà cái trí, cái tôi, không thể đến được, là tĩnh lặng.
30/06/2011(Xem: 7252)
Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta...
31/05/2011(Xem: 3114)
Khoa học nhìn về thiền Phật Giáo như thế nào? Dưới đây là một cuộc nghiên cứu khoa học tại Đạị Học New York University, do phóng viên Matt Danzico tường thuật, đăng trên BBC News ngày 24-4-2011. Bản dịch Việt ngữ toàn văn như sau. Não bộ của các vị sư Phật Giáo được chụp lại bởi máy scan (máy quét) trong cuộc nghiên cứu về thiền.
14/05/2011(Xem: 6663)
Nói về Thiền Vipassana thì có rất nhiều vị tăng nổi tiếng ở Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan đã giảng dạy, nhưng đặc biệt là pháp Thiền được phổ biến ở Âu châu, Mỹ châu lại là pháp Thiền của U Ba Khin, một vị cư sĩ người Miến điện. Nhiều Trung tâm Thiền quốc tế (International Meditation Centers) đã được thành lập tại nhiều nước để truyền bá pháp Thiền của U Ba Khin. Pháp Thiền của U Ba Khin thuộc môn Thiền Vipassana (tiếng Phạn, có nghĩa là Quán, Insight meditation). Thiền Vipassana thuộc hệ thống Nam Tông (Tiểu thừa), căn cứ theo những pháp dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta). Kinh này chỉ pháp tu một cách tổng quát với những nguyên tắc rộng lớn mà không đi sâu vào chi tiết thực hành như pháp Niệm hơi thở (Anapanasati) cho nên khi thực hành có nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo sự chứng đắc của mỗi thầy, vì vậy không có được một pháp Thiền Vipassana thống nhất. Tuy vậy dù phương pháp khác nhau nhưng tất cả các Thiền Vipassana đều căn cứ vào kinh Tứ Niệm Xứ.
14/05/2011(Xem: 7967)
Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ. Ngay đối với số đông các Phật tử Việt Nam, Thiền tông cũng là một tông phái được ít người hiểu đến vì tính cách kỳ đặc của pháp tu này, vì vậy nên có những xét đoán, phê bình không đúng. Chúng ta nên tránh việc phê bình, chỉ trích các tông phái khác tông phái mình đang tu, vì tông phái nào cũng đòi hỏi một sự học hỏi sâu xa, nên thường khi chỉ trích các tông phái khác thì chỉ căn cứ theo một số hiểu biết hời hợt về tông phái đó, vì vậy những lời chỉ trích thường không đúng được, và chỉ gây thêm những tranh luận vô ích, mất thì giờ. Chúng ta nên tìm học kỹ để phân biệt rõ ràng và thực hành đúng lời Phật dạy, chứ không phải để tranh luận, chỉ trích.
09/05/2011(Xem: 5134)
Một cách khái quát, Thiền có thể hiểu là trạng thái tâm linh vút cao của một hành giả đã chứng ngộ. Với nghĩa này, Thiền cũng là Đạo, là Phật, là Tâm...
30/04/2011(Xem: 8419)
Vào năm 1986-1987 Hòa Thượng giảng Kinh Nguyên Thủy; đối chiếu Kinh Pali (dịch ra Việt Ngữ) và A Hàm tại Thường Chiếu giúp cho Thiền sinh thấy rõ nguồn mạch Phật Pháp từ Nguyên Thủy đến Đại Thừa và Thiền Tông.
25/04/2011(Xem: 7552)
Con đường thiền tập là chánh niệm tỉnh giác, chứng nghiệm vào thực tại sống động. Khi tâm an định, hành giả có sự trầm tĩnh sáng suốt thích nghi với mọi hoàn cảnh thuận nghịch...
24/04/2011(Xem: 6280)
Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]