Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tỉnh thức và nhận biết

21/02/201115:20(Xem: 3986)
4. Tỉnh thức và nhận biết

SỐNG THIỀN
Nguyên Minh

CHƯƠNG I: CUỘC SỐNG NHIỆM MẦU

Tỉnh thức và nhận biết

Có nhiều phương pháp thực hành việc ngồi thiền khác nhau dành cho những người vừa mới bắt đầu đến với thiền. Nếu bạn tìm đến một thiền viện hoặc tự viện nào đó để học thiền, có thể bạn sẽ được dạy cho phép đếm hơi thở hoặc theo dõi hơi thở. Cũng có người bắt đầu bằng việc niệm Phật. Cách quán sát một đề tài nào đó cũng có thể thực hiện nhưng rất ít khi được áp dụng cho người mới học...

Nói chung, mục tiêu đầu tiên được đặt ra cho người học thiền là quay nhìn lại chính mình, nhận biết được những thay đổi, biến động của dòng tư tưởng, mà không có bất cứ một sự tác động nào đến chúng.

Nhiều người thất bại ngay trong bước đầu khi tư tưởng của họ không sao lắng đọng được ngay cả sau nhiều giờ thực hành thiền quán. Vấn đề không hoàn toàn giống nhau ở mỗi người, nhưng thông thường thì sai lầm hay mắc phải nhất vào lúc này là sự nỗ lực không đúng hướng.

Hãy quan sát một em bé ngủ. Em vừa được mẹ cho bú xong, khuôn mặt nở một nụ cười vô tư thỏa mãn. Mẹ đặt em vào trong nôi. Có thể em khoa tay đập chân trong một vài cử chỉ phản đối nhẹ vì phải rời xa mẹ, nhưng mẹ biết là em đang buồn ngủ. Và em ngủ thật, trên khuôn mặt vẫn còn phảng phất nụ cười vô tư.

Hầu hết trong chúng ta không mấy ai có được những giấc ngủ đến dễ dàng như thế. Đôi khi, chúng ta cần có năm hoặc mười phút yên tĩnh trước khi ngủ; và có thể là đến một vài giờ khi đang có điều phải lo nghĩ. Và nếu như có một hôm nào đó chúng ta biết mình cần phải ngủ nhiều để chuẩn bị cho một ngày mai làm việc căng thẳng chẳng hạn, chúng ta sẽ cố gắng để giấc ngủ đến càng sớm càng tốt. Oái ăm thay, chúng ta thường thất bại trong những cố gắng như thế. Càng nỗ lực cố gắng, giấc ngủ càng đi xa và thậm chí có vẻ như không bao giờ chịu đến...

Vấn đề ở đây là sự cố gắng. Chúng ta càng cố gắng bao nhiêu thì tư tưởng chúng ta càng phản kháng mạnh mẽ bấy nhiêu. Và vì thế, thay vì cảm giác buồn ngủ, chúng ta lại càng ngày càng thấy tỉnh táo hơn.

Những người lần đầu tiên ngồi thiền cũng thường rơi vào một hiện tượng tương tự. Càng ngăn chặn, dập tắt, thì những dòng tư tưởng càng tuôn chảy đến mạnh mẽ hơn. Chuyện hôm qua, chuyện ngày mai, chuyện gia đình, chuyện xã hội... trăm ngàn muôn thứ chuyện dường như đều rủ nhau kéo đến như thể sợ rằng sẽ không có dịp nào khác để được ta quan tâm...

Hình ảnh tách trà có thể trở lại với chúng ta vào lúc này. Tách trà được lắng đọng một cách hoàn toàn tự nhiên khi ta đặt nó nằm yên trên bàn. Không cần đến bất cứ một sự tác động nào, một nỗ lực can thiệp nào từ bên ngoài. Và nếu bạn cố ý muốn can thiệp vào, bạn sẽ chỉ có thể làm cho nó động đậy và ngăn cản quá trình lắng đọng thay vì là thúc đẩy.

Tư tưởng của chúng ta cũng chỉ có thể được lắng đọng một cách hoàn toàn tự nhiên. Mọi nỗ lực, cố gắng càng căng thẳng càng gây thêm khó khăn cho sự lắng đọng của tư tưởng. Vì thế, quá trình ngồi thiền xét cho cùng là không làm gì cả. Tuy không làm gì, mà việc ngồi thiền lại có một mục đích rõ ràng là làm lắng đọng tư tưởng, vì thế nó phải được xuất phát từ chỗ biết rõ là tư tưởng chúng ta đang dao động, và trong suốt quá trình ngồi thiền cũng phải duy trì được sự nhận biết về những dao động, biến chuyển, phát sinh hay diệt đi của từng niệm tưởng. Vì thế, tuy nói là không làm gì cả mà thật ra là làm được rất nhiều.

Chúng ta có thể hình dung ra một dòng sông đang cuộn chảy để so sánh với dòng tư tưởng liên tục biến động của chúng ta.

Dòng sông không thể nào ngăn chặn được. Dòng chảy đang hiền hòa kia sẽ trở nên dữ dội, mạnh mẽ nếu chúng ta tìm cách ngăn nó lại. Nó sẽ tìm ra mọi ngõ ngách để thoát đi, tìm mọi cách để công phá, làm sụp đổ tất cả những gì ngăn chặn nó...

Dòng tư tưởng của chúng ta cũng vậy. Từ bao lâu nay nó đã quen chuyển động, tuôn chảy... không có bất cứ một sự ngăn chặn nào. Và sự tuôn chảy đó vốn dĩ đã là tính chất tự nhiên của nó, chúng ta làm sao ngăn cản được?

Vấn đề đặt ra cho chúng ta không phải là ngăn chặn hoặc tiêu diệt mọi niệm tưởng. Đó là điều không thể làm được, và cũng không cần thiết phải làm. Chúng ta không chặn đứng “dòng sông tư tưởng” lại, mà là cần phải làm chủ được nó, làm cho nó chảy theo đúng hướng mà chúng ta mong muốn. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta ngồi thiền bằng cách lặng lẽ quán sát dòng sông tư tưởng của mình, tỉnh thức nhận ra mọi sự biến chuyển và sinh diệt của từng niệm tưởng, và quá trình đó giúp chúng ta làm chủ được tình thế, làm cho lắng đọng “tách trà tư tưởng” của chúng ta xuống một cách hoàn toàn tự nhiên.

Khi nhận thức đúng về vấn đề này, chúng ta sẽ thấy việc ngồi thiền ngay lập tức trở nên thoải mái, dễ chịu hơn. Mọi sức phản kháng trong tâm tưởng lập tức bị triệt tiêu. Chúng ta trở nên hòa hoãn hơn trong mục tiêu nhắm đến. Vì thế, chúng ta không cảm thấy căng thẳng hoặc thúc bách. Chúng ta không tự trách mình là vọng động, nhiều tạp niệm, hoặc nghiệp chướng nặng nề... như rất nhiều người thường mắc phải. Ta không là ai cả, ta chỉ là ta, cái ta đang hiện hữu tất nhiên với tất cả những mặt tốt cũng như mặt xấu mà ta đã biết, và không có gì phải trách cứ nó. Ít nhất thì chúng ta cũng đang trên con đường vươn lên sự hoàn thiện và nhất định chúng ta sẽ làm được điều đó với quyết tâm của mình.

Như vậy, vấn đề trước hết đặt ra cho người ngồi thiền chính là phải tỉnh thức và nhận biết. Mọi nỗ lực, cố gắng của chúng ta phải hướng đến mục tiêu ấy. Lặng lẽ theo dõi và quán sát từng ý niệm khởi lên, thay đổi và mất đi, không lúc nào buông thả quá trình ấy. Người ngồi thiền mà không liên tục tỉnh thức và nhận biết là đánh mất chính mình, không có hy vọng gì đạt đến những kết quả mong muốn.

Khi chúng ta tỉnh thức và nhận biết, dòng tư tưởng của ta có thể là vẫn như cũ không có gì thay đổi, vì thật ra chúng ta không tác động gì đến chúng. Tuy nhiên, những biến chuyển, dao động của dòng sông tư tưởng giờ đây được soi rọi dưới ánh sáng của sự tỉnh thức và nhận biết. Khi ta tỉnh thức và nhận biết những dao động trong tư tưởng, chúng không còn có thể lôi cuốn ta dao động theo với chúng, mà giờ đây một cảm giác an ổn, yên tĩnh bắt đầu hình thành trong chúng ta: cảm giác an ổn, yên tĩnh khi biết mình đã làm chủ được tình thế.

Từ đây, ta nhận ra sự yên tĩnh mà ta đạt đến hoàn toàn không phải là do dứt bỏ mọi tư tưởng, mà chính là do nơi sự tỉnh thức và nhận biết. Tuy chỉ mới là một bước khởi đầu, nhưng người học thiền chỉ cần nhận ra được điều này là đã có thể thực sự bắt đầu nếm trải mùi vị của một cuộc sống thiền.

Nhưng đối tượng của chúng ta cũng không chỉ là những niệm tưởng như vừa đề cập đến. Trong thực tế, chúng ta sẽ dần dần học cách đối phó với những cảm xúc như buồn, vui, thương, ghét, giận, hờn... Nói chung, tỉnh thức và nhận biết bao giờ cũng là những điều mà chúng ta phải luôn duy trì. Hơn thế nữa, trong việc ngồi thiền thì đây vừa là phương tiện mà cũng vừa là mục đích nhắm đến. Tỉnh thức và nhận biết giúp ta thoát khỏi sự lôi cuốn của dòng tư tưởng xao động, mà cũng giúp ta làm chủ cả những cảm xúc trong tâm hồn, và chính trong sự tỉnh thức và nhận biết mà chúng ta mới có được sự an ổn và yên tĩnh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/12/2010(Xem: 3880)
Rất cần thiết phải thiền định về đời người quý báu của ta. Cuộc đời thật quý báu và thời gian cũng thật quý giá. Vì thế bất kỳ những gì chúng ta có đều quý báu. Mục đích của cuộc đời là đạt được hạnh phúc, trước hết là hạnh phúc nhất thời và sau đó là hạnh phúc viên mãn. Trong thời gian thiền định chúng ta phải bỏ lại đằng sau rất nhiều thứ. Ta có rất nhiều điều phải làm trong cuộc sống. Nếu ta theo đuổi những niệm tưởng của ta thì ta sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được. Ta phải chọn ra điều gì là quan trọng trong cuộc đời đối với ta, đối với gia đình và cộng đồng của ta. Khi nhìn thấy một vật gì tốt đẹp ta mong muốn được sở hữu nó.
27/12/2010(Xem: 18903)
"Con đường Thiền Chỉ Thiền Quán” đã được Ngài Guṇaratana trình bày một cách khúc chiết, rõ ràng có thể giúp cho những ai muốn nghiên cứu tường tận chỗ đồng dị, cộng biệt, sinh khắc của hai pháp môn này...
22/12/2010(Xem: 5470)
“Teachings from Ancient Vietnamese Zen Masters” là bản dịch tiếng Anh nhiều bài thơ, bài kệ và bài pháp của chư tôn thiền đức Phật Giáo Việt Nam từ ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch...
08/12/2010(Xem: 17778)
Bởi vì niềm hạnh phúc và chính sự tồn tại của chúng ta là kết quả của sự giúp đỡ bảo bọc của mọi người, chúng ta phải phát huy thái độ cư xử tốt đẹp của mình đối với mọi người xung quanh.
26/11/2010(Xem: 6788)
Khi nào chim sắt bay là một cuốn sách ghi lại toàn bộ một khóa tu thiền do một trong những Đạo sư phương tây được yêu thích nhất, đó là Ni sư Ayya Khema hướng dẫn.
17/11/2010(Xem: 16179)
Sách này có hai phần: Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard, bao gồm các khóa trình được thực hiện tại đại học Harvard, được giáo sư Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng sang Anh ngữ...
01/11/2010(Xem: 10766)
Bồ Tát Hạnh của Shantideva là một tác phẩm đã từng được nhiều người trong chúng ta biết đến. Bồ đề tâm và Bồ tát hạnh chúng ta cũng từng biết với chi tiết qua những bộ kinh phổ biến rộng như kinh Hoa Nghiêm. Trong Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối chúng ta được đức Dalai Lama giảng dạy cho nghe về Bồ Tát Hạnh trong trọn một tuần lễ vào tháng Tám 1991 ở Dordogne, miền tây nam nước Pháp.
30/10/2010(Xem: 4286)
Người viết ghé thiền lâm này tu hai lần. Lần nào cũng ngắn ngủi, không đủ thời gian để lãnh hội và thẩm thấu hết lộ trình tu tập của truyền thống thiền quán này. Ai cũng có thể đọc trong sách vở, hoặc nghe vị khác nói lại về tông chỉ của nó là như vầy, như vầy, nhưng tất cả những điều đó quả thật không thể so sánh được với những gì mình tự thể nghiệm từ sự tu tập của chính mình.
16/10/2010(Xem: 5078)
Lịch sử Chùa Nguyên Thuỷ thành lập năm 1970do cố Hoà thượng Hộ Tôngthực hiện. Chủ trương của Hoà thượng là thành lập Đại Học Phật Giáo và Trung tâm thiền định Phật Giáo Nguyên Thủy trong diện tích đất chùa Nguyên Thủy, nhưng vì nhân duyên chưa đủ nên công trình chỉ hoàn thành hai hạng mục chánh điện và tăng xá. Chánh điện có diện tích ngang 18m, dài 24m và một pho tượng Thích ca bằng chất liệu ximăng, ngang 3,3m, cao 6,3m rất hùng vĩ và trang nghiêm. Công trình kiến trúc khá độc đáo, mang đậm tính truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ và dân tộc Việt, mái cổ lầu, hoa văn đơn giản, nhẹ nhàng tươi mát. Chùa từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 5 đời trụ trì: cố Hoà thượng Hộ Tông, Thượng toạ Thiện Giới, Thượng toạ Giác Chánh, Đại đức Giác Thiền và Thượng toạ Pháp Chất. Mỗi đời trụ trì đều có sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát huy chùa Nguyên Thuỷ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]