(A) "Niệm Phật" nghĩa là xưng danh hiệu - hay nhớ tưởng đến hình tướng, bản nguyện hay công đức của một đức Phật - như Phật Thích-ca hay Phật A-di-đà. Nói chung,có ba cách niệm Phật sau đây:
1) Xưng danh niệm Phật: miệng thường xưng danh hiệu của một đức Phật, thí dụ như xưng Nam-mô A-di-đà Phật.
2) Quán tưởng niệm Phật: ngồi yên lặng một chỗ mà tưởng nhớ công đức, bản nguyện hay các tướng hảo của đức Phật (32 tướng chánh và 80 tướng phụ).
3) Thật tướng niệm Phật (hay Tham cứu niệm Phật: ngồi yên lặng mà quán tưởng lý Trung đạo, quán Pháp thân của Phật cho đến lúc nhập diệu, đắc Chơn như chẳng sanh chẳng diệt. Đây là cách niệm Phật rất cao và khó nhứt, ít người làm được.
Kinh "Nghiệp báo Sai biệt" có chép: "Cất tiếng cao mà niệm Phật hay tụng kinh, được Mười món công đức:
1) Bài trừ được chướng buồn ngủ (hôn trầm)
2) Thiên ma kinh sợ
3) Tiếng bủa khắp Mười phương
4) Hết khổ Tam đồ
5) Tiếng ngoài chẳng vào
6) Tâm chẳng tán loạn
7) Dõng mãnh tinh tấn
8) Chư Phật hoan hỉ
9) Tam-muội hiện tiền
10) Vãng sanh Tịnh độ".
(B) Mục đích trước mắt của việc niệm Phật trong pháp môn Tịnh độ là cầu được nhất tâm để được vãng sanh Tịnh độ, chứng ngôi bất thối và tiếp tục tu thêm cho đến khi thành Phật. Việc đắc ngộ hay thấy tánh không quan trọng vì khi được vãng sanh rồi, ở trong hoàn cảnh tuyệt hảo để tu hành. hằng ngày được gặp Phật A-di-đà và nghe chư Thánh thuyết pháp - thì lo gì không đắc ngộ và sớm thành Phật? Đây là điểm đặc sắc của pháp môn Tịnh độ, có thể độ cả ba hạng chúng sanh: thượng. trung và hạ - trong khi các pháp môn khác quyết không được như vậy vì chỉ nương vào tự lực mà thội. Bằng chứng hiển nhiên là thời nay thấy ngưới niệm Phật được vãng sanh rất nhiều (có thoại chứng rõ ràng) trong khi các pháp môn khác thì số người đắc đạo có thể đếm trên mười đầu ngón tay. Tại chùa Hoằng Pháp ở Gò vấp (Sài Gòn), khi mở Phật thất thì mấy ngàn người tụ họp để niệm Phật (có lúc 5000-6000 người, kể cả những người ở tận Hà Nội cũng khăn gói vào Nam, đi chùa Hoằng Pháp) - đủ thấy pháp môn Tịnh độ thành công đến mức nào!.
(C) Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thích Tôn có lời huyền ký như sau: “Đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh Vô Lượng Thọ trong khoảng một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh nầy, tùy ý sở nguyện, đều được đắc độ.”
Trong Kinh Đại Tập, Đức Thế Tôn đã bảo: “Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo Pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.”
Ngài Thiên Như Thiền Sư, sau khi đắc đạo, cũng đã khuyên dạy: “Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lưu bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất sẽ bị đọa địa ngục.”Bởi đời mạt pháp về sau, khi các kinh đều diệt hết, chúng sanh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật, lại không biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi, việc lành khó tạo, điều ác dễ làm, nên sớm muộn gì cũng sẽ bị đọa địa ngục."
(D) Theo Ấn Quang pháp sư, một bậc Cao Tăng thời cận đại ở Trung Hoa, cũng đã bảo: “Sự cao siêu nhiệm mầu của pháp môn niệm Phật, chỉ có Phật với Phật mới hiểu biết hết được. Những kẻ khinh chê pháp môn niệm Phật, không phải chỉ khinh chê hạng ông già bà cả tu Tịnh Độ, mà chính là khinh chê luôn cả chư Phật và các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, và Long Thọ. Thời mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật mà tu các môn khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi phần liễu sanh thoát tử trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản nguyện để dạy dỗ chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ của chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người tu chứng được niệm Phật tam muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà, mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.Khi về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả vô sanh.”
(E) Tịnh độ và Thiền
Nhiều đại thiền sư Trung Quốc đã ngộ bên Thiền vẫn âm thầm hành trì và hoằng hóa pháp môn niệm Phật. Trong số các vị nầy, có những vị đã đạt được đại ngộ như Thiền sư Vĩnh Minh, Thiên Y Hoài, Viên Chiếu Bản, và Tử Tân, vân vân. Đến như ngài Bách Trượng Hoài Hải, đệ tử kế thừa pháp của Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây, người mà những tòng lâm trong thiên hạ đều phải theo cách thức kiến lập thanh quy pháp chế. Từ xưa đến nay chưa có ai dám có lời thị phi hay trái với pháp chế nầy. Theo thanh quy của ngài, thì nghi thức tụng cầu cho những vị Tăng bệnh nặng có lời văn như sau: “Phải nhóm chúng lại, tất cả đồng tụng bài kệ tán Phật A Di Đà, rồi cao tiếng niệmNam Mô A Di Đà Phật, hoặc trăm câu, hoặc ngàn câu. Khi niệm xong, hồi hướng phục nguyện rằng ‘Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành. Như hạn lớn đến kỳ, nguyện sanh về An Dưỡng Địa.’ Đây rõ ràng là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ vậy. Lại trong nghi thức đưa những vị Tăng đã tịch có đoạn nói: “Đại chúng đồng niệm A Di Đà Phật hồi hướng phục nguyện rằng: Thần siêu cõi Tịnh, nghiệp dứt đường trần, thượng phẩm sen nở hiện kim thân, nhứt sanh Phật trao phần quả ký.” Đến như lúc trà tỳ, trong thanh quy lại dạy: “Vị Duy Na chỉ dẫn khánh niệm ‘Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật’ mười lần, đại chúng đồng xướng họa theo. Khi xướng xong lại hồi hướng rằng ‘Trước đây xưng dương mười niệm, phụ giúp vãng sanh.’” Tất cả những thanh quy nhà Thiền vừa kể trên trong các thiền gia, chứng minh rõ ràng sự quy hướng Tịnh Độ của các ngài.
(F) Như vậy, ta có thể nói trên phương diện lý tánh thì Thiền và Tịnh độ không khác, bởi cùng có mục tiêu tối hậu là đắc ngộ và thành Phật, vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ luân hồi. Tuy nhiên về phương diện Thực hành (hay Sự) thì Thiền và Tịnh độ hoàn toàn khác nhau, ta không nên lầm lẫn:
1) Mục tiêu trước mắt của Thiền là tự lực tu hành, thanh lọc bản tâm để đắc ngộ thấy tánh, sau đó tu thêm trải qua nhiều đời nhiều kiếp mới có thể thành Phật. Kinh nói Bồ-tát phải trải qua Ba A-tăng-kỳ kiếp mới có thể đắc quả Như Lai, bởi vì chân như tại triền như quặng vàng còn nhiều cặn bã, đâu có thể đôi ba kiếp mà gột sạch thành vàng ròng được.Các thiền sư được gọi là "đốn ngộ thành Phật" chỉ là tôn xưng, thật ra họ chỉ chứng được Chân như Tại triền mà thôi, chưa thấy ai chứng ngộ triệt để và thần thông tự tại như Phật khi xưa? Đó là chưa kể những kiếp bị lui sụt hay sa đọa trong vòng luân hồi - cho nên có thể nói tu Thiền là dành cho bậc thượng căn dõng mãnh - còn hạ căn và trung căn thì tuyệt không có hy vọng sớm mã đáo thành công, chứng Phật quả vô thượng. Bởi vì Thiền là cửa Không, tức không có chỗ bàm níu, thật là khó khăn vô vàn.
2) Trái lại Tịnh độ là pháp môn vào đạo bằng cửa Có, lại có sự bảo trợ của đức Phật A-Di-Đà với 48 lời nguyện lớn độ thoát tất cả chúng sanh nào tin tưởng nơi Ngài. Cõi Cực Lạc thuần tịnh và đức Phật A-Di-Đà đại lực đại từ bi được kim khẩu Đức Thích-ca xác nhận là có thật -và thực tế xưa nay đã thấy có vô số người niệm Phật được vãng sanh với thoại chứng rành rành, tưởng không cần nói nhiều, đủ chứng minh Tịnh độ là pháp môn chân thật.
Bởi vì Tịnh độ quá thành công trong khi Thiền ngày càng suy vi, nên có một số phần tử xấu xa ganh tị, bày đặt ra lối tu Tịnh độ giả hiệu gọi là "Duy tâm Tịnh độ, Tự tánh Di-Đà" mà họ cho là đúng lý, trong khi lại bài bác pháp môn Tịnh độ phổ thông mà mọi người đang tu. Phước Thiệt xin có ý kiến như sau:
1) Tịnh độ mà gọi là Duy tâm thì không đúng vì pháp môn Tịnh độ đặt căn bản trên sự hiện hữu của đức Phật A-Di-Đà và cõi Cực Lạc ở phương Tây. Nếu họ không tin (tức chấp Không) thì nên theo Thiền mà tu, đừng nói quàng xiêng để phá hoại chánh tín của người khác.
2) Họ nói tâm mình là Phật, không cần niệm A-Di-Đà - thì tại sao mình còn đầy ngu si và tà kiến? Đem cái tâm chân như tại triền (cũng là vàng nhưng còn ở trong quặng) để thế cho chân tâm sáng suốt của Phật A-Di-Đà (đích thực vàng ròng) - tức là theo tối mà bỏ sáng, thì thật là ngốc.
Khi xưa có những thiền sư xuất sắc như Bách Trượng hay Liên Trì, đắc thiền thấy tánh rồi mới chuyển qua Tịnh độ - thì nói Tịnh độ Duy tâm, Di-Đà Tự tánh nghe mới có lý, bởi vì họ đã đi suốt đường Không nên thấy Không chẳng khác Có. Nhưng chưa thấy ai dám nói Phật A-di-đà và cõi Cực Lạc không có thât, lại bảo các đệ tử niệm bản tâm và không cần cầu vãng sanh Tịnh độ - như các Thiền sư dỏm thời nay Rõ ràng họ còn mơ hồ về Có Không, không hiểu Tịnh độ lại ôm đòm đi dạy người khác tu niệm Phật theo kiểu bất tín của họ. Thật là ếch ngồi đáy giếng lại nói chuyện trăng sao trên trời! Thử hỏi họ có giỏi hơn Tổ Bách Trượng hay không mà dám bài bác pháp môn Niệm Phật?
Thích Phước Thiệt 17/6/2018