Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp môn Tịnh Độ (bài 2)

18/09/201309:05(Xem: 5053)
Pháp môn Tịnh Độ (bài 2)
minh_hoa_quang_duc (281)

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

Toàn Không

MỤC 3:

LƯỢC KINH

QUÁN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ:

I) - NHÂN DUYÊN: 

Một thời, đức Phật ngự tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá nước Ma Kiệt, cùng 1250 Tỳ Kheo, và ba vạn hai nghìn Bồ Tát.

Lúc bấy giờ thành Vương Xá có một Thái Tử tên là A Xà Thế thuận theo lời bảo của bạn ác (ác hữu) Đề Bà Đạt Đa, bắt vua cha Tần Bà Sa La nhốt trong nhà tối bảy từng cửa, cấm các quan không một ai được vào.

Quốc Thái phu nhơn tên là Vi Đề Hi, tắm gội, lấy tô (giống như cheese) và mật nhồi mì sợi rồi trét lên thân, trong hột chuỗi ngọc đeo đựng nước nho, đi vào ngục thăm Đại Vương kín đáo dâng lên.

Vua Tần Bà Sa La ăn mì uống nước nho xong. chắp tay cung kính hướng về núi Kỳ Xà Quật đãnh lễ Thế Tôn mà bạch rằng: “Tôn gỉa Đại Mục Kiền Liên là thân hữu của tôi, nguyện từ bi truyền giới Bát Quan Trai cho tôi”.

Lúc đó Tôn gỉa Đại Mục Kiền Liên liền dùng thần túc đến, truyền giới bát Quan Trai cho Vua; Đức Thế Tôn cũng sai Tôn gỉa Phú Lâu Na đến vì Vua mà thuyết pháp; thời gian, ngày ngày đều như vậy, trải qua hai mươi mốt ngày, nên Vua còn được vui vẻ khỏe mạnh.

A Xà Thế hỏi người giữ cửa ngục rằng:

- Hôm nay Phụ Vương ta vẫn còn sống ư?

Người giữ cửa ngục thưa:

- Tâu Đại Vương! Quốc Thái trên thân trét mì mật, trong chuỗi ngọc đựng nước nho đem dâng lên Vua, còn có Sa Môn Đại Mục Kiền Liên và Phú Lâu Na đi từ trên hư không đến vì Vua thuyết pháp, chẳng thể cấm cản được”.

A Xà Thế nghe những lời ấy giận mẹ mình, nghĩ rằng: “Mẹ ta là giặc làm bạn với giặc, Sa Môn ác nhân chú thuật huyển hoặc khiến ác vương ấy nhiều ngày mà chẳng chết!”

A Xà Thế liền cầm gươm bén tìm gặp muốn giết mẹ, lúc ấy có một đại thần tên là Nguyệt Quang thông minh nhiều trí cùng với Kỳ Bà Vương tử đến lễ vua A Xà Thế mà tâu rằng:

- Tâu Đại Vương! Chúng thần nghe Tỳ Đà Luận Kinh (của Ấn giáo) nói từ sơ kiếp đến nay có các ác vương vì tham ngôi vua mà giết hại cha mình đến số một vạn tám ngàn, chưa từng nghe nói có kẻ vô đạo hại mẹ. Nay Đại Vương làm sự sát nghịch này ô uế dòng Sát Đế Lợi (Vua), chúng thần chẳng nỡ nghe, chúng tôi chẳng nên còn ở lại nơi đây.

Hai vị đại thần tâu rồi, vỗ lên gươm đeo mà lui ra, A Xà Thế kinh sợ bảo Kỳ Bà rằng:

- Còn anh cũng chẳng vì ta chăng?

Kỳ Bà tâu:

- Đại Vương cẩn thận chớ có hại mẹ.

A Xà Thế nghe lời ấy thì hối lỗi, liền bỏ gươm, thôi không giết mẹ, truyền lịnh cho nội quan nhốt mẹ vào thâm cung chẳng cho ra nữa; Vi Đề Hi bị giam, sinh sầu lo tiều tụy, Bà hướng về núi Kỳ Xà Quật lạy Phật mà nói rằng:

- Ngày trước đức Như Lai Thế Tôn thường sai Tôn gỉa A Nan đến thăm hỏi tôi, nay tôi sầu lo, xin đức Thế Tôn cho các Tôn gỉa Đại Mục Kiền Liên và A Nan đến cho tôi được thấy.

Nói xong, Vi Đề Hi buồn khóc lệ rơi như mưa hướng nơi Phật ngự mà lạy, chỉ trong khoảng giây lát, đức Thế Tôn ở núi Kỳ Xà Quật biết tâm niệm của Vi Đề Hi liền bảo Đại Mục Kiền Liên cùng đi và nắm cánh tay A Nan bay lên không rời khỏi núi Kỳ Xà Quật hạ xuống nơi nội cung.

Vi Đề hi đang lạy, khi ngước đầu lên thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, thân màu đỏ tía (tử kim) ngồi trên hoa sen trăm báu. Tôn gỉa Đại Mục Kiền Liên hầu bên trái, Tôn gỉa A Nan hầu bên phải; lúc ấy, trong hư không Phạm Vương, Đế Thích, Hộ Thế Tứ Thiên Vương rải hoa trời để cúng dường.

Vi Đề Hi thấy Thế Tôn liền tự bứt chuỗi ngọc, cả thân mình gieo xuống đất kêu khóc hướng Phật mà thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, xưa tôi tội gì mà sinh đứa ác tử ấy, Đức Thế Tôn lại có nhân duyên gì mà cùng làm quyến thuộc với Đề Bà Đạt Đa? Xin đức Thế Tôn vì tôi mà nói những nơi không có lo khổ, tôi không còn thích cõi Diêm Phù Đề ác thế này, nơi ác này đầy những địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhiều điều bất thiện; nguyện tôi đời vị lai chẳng nghe danh từ ác, chẳng thấy người ác, nay tôi hướng về Thế Tôn năm vóc gieo xuống đất cầu sám hối.

II) - ĐỨC PHẬT THỊ HIỆN CÁC CÕI TỊNH ĐỘ:

Lúc ấy, đức Phật phóng ánh sáng giữa hai chân mày, ánh sáng ấy màu chân kim chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới trở về trụ tại trên đỉnh đầu Phật hóa làm đài chân kim(1)vô cùng lớn. Bao nhiêu quốc độ thanh tịnh vi diệu của mười phương Chư Phật đều hiện rõ trong đài vàng ấy. Có quốc độ bằng bảy báu hợp thành, có quốc độ thuần là hoa sen, có quốc độ như tự tại Thiên cung; lại có quốc độ như gương pha lê, có vô lượng quốc độ chư Phật như thế, trang nghiêm xinh đẹp khiến Vi Đề Hi được thấy.

Vi Đề Hi bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Dầu các cõi Phật ấy đều thanh tịnh quang minh, nay tôi thích sinh về Cực Lạc thế giới chỗ của đức Phật A Di Đà, xin đức Thế Tôn dạy tôi tư duy, hành trì.

Đức Phật bảo Vi Đề Hi:

- Nay Thái phu nhân có biết chăng? Phật A Di Đà cách đây chẳng xa, bà nên nhiếp tâm quán kỹ cõi nước ấy thì tịnh nghiệp được thành; nay ta sẽ vì bà mà nói rộng pháp quán, cùng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu, những người muốn tu tịnh nghiệp được thọ sanh Tây phương Cực Lạc quốc.

Này Vi Đề Hi! Người muốn sang cõi Cực Lạc ấy nên tuba tịnh nghiệp (2):

1 - Một là hiếu với cha mẹ, kính bậc Sư trưởng, và tu mười nghiệp lành.

2 - Hai là thọ trì tam quy y, đầy đủ các cấm giới.

3- Ba là phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, và khuyên dạy người tu hành.

Này Vi Đề Hi, nay Bà có biết chăng, ba tịnh nghiệp ấy là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này A Nan! Ông hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ ghi nhớ, nay Như Lai vì bà Vi Đề Hi và tất cả chúng sanh đời vị lai, bị giặc phiền não nhiễu hại mà nói nghiệp thanh tịnh.

Vi Đề Hi bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như hôm nay tôi nhờ oai lực của đức Thế Tôn mà được thấy cõi Cực Lạc ấy, nếu sau khi đức Thế Tôn diệt độ, các chúng sanh bị ngũ khổbức ngặt (3), họ làm thế nào có thể được thấy cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà?”

CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC TRANG NGHIÊM

GIẢNG GIẢI:

1) – Đài Chân Kim là gì?

Có một điểm cần để ý, Kinh nói: “Lúc đức Phật phóng ánh sáng giữa hai chân mày, ánh sáng ấy màu chân kim chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới rồi trở về trụ tại đỉnh đầu Phật, hóa làm đài chân kim vô cùng lớn, bao nhiêu quốc độ thanh tịnh vi diệu của mười phương chư Phật đều hiện rõ trong đài ấy.” Đài chân kim, còn gọi là Thiên quang, Hoa bát đấu ma, Vô kiến đỉnh tướng. Đây là sự thù thắng của Chư Phật và đại Bồ Tát có thể thu hình của 10 phương đem về cho mọi người được thấy; cũng như chúng ta thu hình vào máy rồi chiếu trên màn ảnh vậy. Nhưng việc làm của Chư Phật không thể bàn luận được, vì các Ngài thu hình bằng ánh sáng phát ra từ giữa hai chân mày, Ngài thâu những hình ảnh cả tỷ năm ánh sáng cách xa; thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, biết bao giờ khoa học mới làm được như vậy?

2) – Tu ba tịnh nghiệp:

Đức Phật nói: “Người muốn sang cõi Cực Lạc ấy nên tu ba tịnh nghiệp:

1 - Tịnh nghiệp thứ nhất:

- Hiếu dưỡng với cha mẹđã sinh thành nuôi dưỡng, tôn kính nhớ ơn Phật đã khai mở giáo pháp dẫn dắt chúng sinh trên đường giải thoát, tôn kính bậc Sư trưởng, Thiện tri thức, Thầy dạy đã theo lời Phật dạy, chỉ bảo cho ta. Biết ơn chúng sinh giúp ta mọi tiện nghi trong cuộc sống hiện tại, và đã từng là cha mẹ anh em họ hàng bạn bè từ vô lượng kiếp đến nay.

- Tu mười nghiệp lànhgồm 3 điều về thân, 4 điều về miệng, và 3 điều về ý, vì sao? Vì mười việc ác của thân miệng ý vốn là nhân khổ của ba đường ác, nên cần phải trì giới, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh, tức tâm tự tịnh.

Nếu thân không giết hại, chẳng trộm cắp, không tà dâm, thì thân nghiệp thanh tịnh; nếu miệng không nói láo, nói hai chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt thì khẩu nghiệp thanh tịnh; nếu ý không tham lam, sân hận, si mê, tà kiến thì ý nghiệp thanh tịnh.

2 - Tịnh nghiệp thứ hai:

Thụ Tam Quy, trì Ngũ giới: Muốn dễ dàng được qua cõi Cực Lạc, phải thọ Tam Quy tại một Chùa nào mà mình thấy vị Tăng Ni có đủ giới đức. Sau khi phát nguyện quy y rồi, người Phật tử đã gieo hạt giống Bồ Đề và sẽ thoát khỏi ba cảnh Địa Ngục, Ngạ Qủy (ma qủy), Súc Sinh; trì năm giới cũng nằm trong mười nghiệp lành, nhưng thêm một điều là không uống rượu, không sì ke ma túy.

3 - Tịnh nghiệp thứ ba:

Phát tâm Bồ Đềlà phát nguyện tu hành cho tới giải thoát, tin sâu nhân quả là tin rằng những sự làm lành sẽ được quả báo tốt, tu hành niệm Phật đúng mức sẽ được quả vãng sinh. 

3) – Ngũ khổ bức ngặt là gì?

Năm khổ còn gọi là ngũ trọc, ngũ trược, đó là:

1 – Kiếp trọc:Chúng ta đang ở trong kiếp có nhiều bệnh tật sinh ra, nhiều nơi đói kém, chiến tranh, thiên tai, tai nạn, gây chết chóc nên gọi là kiếp trược.

2 – Kiến trọc:Nhiều người có tà kiến, có nhiều loại tà kiến thịnh hành, tin tưởng mù quáng mà không biết nên gọi là kiến trược.

3 – Phiền não trọc:Chúng sinh có nhiều tham dục, sân hận, tâm thần phiền loạn, gọi là phiền não trược.

4 – Chúng sinh trọc:Nhiều chúng sinh không theo luân lý đạo đức, không sợ quả báo của việc làm ác, nên việc làm ác đầy rẫy, gọi là chúng sanh trược.

5 – Mệnh trọc:Thọ mạng của con người ngắn, chết bất cứ lúc nào từ chưa sinh ra tới khi già, gọi là mạng trược.

III) - ĐỨC PHẬT DẠY 16 CÁCH QUÁN TƯỞNG:

Đức Phật bảo bà Vi Đề Hi:

- Bà và chúng sanh nên phải chuyên tâm buộc niệm tưởng nơi phương Tây, tưởng niệm như thế nào? Đó là:

1) – QUÁN TƯỞNG MẶT TRỜI:

Tất cả chúng sinh có mắt sáng đều thấy mặt trời lặn cả, người tu tập quán tưởng nên phát khởi tưởng niệm, ngồi ngay thẳng hướng về phía Tây, quán kỹ chỗ mặt trời sắp lặn, khiến tâm niệm trụ vững, chuyên tưởng nhớ chẳng dời. Thấy mặt trời sắp lặn đang như mặt trống đồng treo như thế, đã thấy mặt trời rồi, nhắm mắt mở mắt đều phải sáng tỏ, đây là quán tưởng thứ nhất về Mặt Trời lặn.

2) – QUÁN TƯỞNG NƯỚC:

Thấy nước đứng lặng trong, cũng phải sáng tỏ, ý tưởng không phân tán, đã thấy nước rồi, nên quán tưởng băng, thấy băng trong suốt, tưởng làm lưu ly. Lúc quán tưởng này đã thành, phải thấy mỗi sự quán rất rõ ràng. Lúc nhắm mắt lúc mở mắt chớ để tan mất, thường nhớ sự ấy, chỉ trừ lúc ăn, đây là quán tưởng thứ hai về Nước.

3) - QUÁN TƯỞNG ĐẤT BÁU (Bảo Địa):

Toàn cõi Cực Lạc đất lưu ly trong suốt, phía dưới có tràng (bằng phẳng) kim cương nâng đỡ. Tràng kim cương ấy tám góc đều đặn. Mỗi mặt có trăm bảo châu. Mỗi bảo châu phóng nghìn tia sáng. Mỗi ánh sáng có 84000 màu chiếu soi đất lưu ly, sáng như nghìn ức mặt trời.

Trên đất lưu ly có dây bằng vàng (hoàng kim) cùng thất bảo giăng phân khu vực và đường sá. Mỗi dây báu phóng ánh sáng năm màu (ngũ sắc), ánh sáng ấy như hoa như sao như trăng, chiếu tụ thành đài sáng chói giữa hư không. Bên đài sáng có trăm ức tràng hoa cùng vô số nhạc khí. Từ trong đài sáng thổi ra tám thứ gió nhẹ mát, làm rung động các nhạc khí ấy vang ra tiếng diễn nói “khổ, không, vô thường, vô ngã”, đây là quán tưởng thứ ba về Đất báu.

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan:

- Nầy A Nan! Ông thọ trì lời Như Lai vì đời vị lai mà nói pháp quán địa này cho những người muốn thoát khổ, người quán đất sẽ trừ được tội sinh tử tám mươi ức kiếp (8 triệu kiếp), bỏ thân hiện tại, quyết định thọ sinh quốc độ thanh tịnh.

4) - QUÁN TƯỞNG CÂY BÁU (Bảo Thụ):

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi: 

- Trên Bảo Địa có vô số cây Hương Chiên Đàn, vô số cây Quả Kiết Tường, ngay hàng thẳng lối, nhánh lá nụ hoa quả đủ cả. Mỗi cây báu cao 8000 do tuần (8000 x 18 = 144,000 cây số), mỗi thân, lá, nụ, hoa, quả, đều là chất bảy báu. Hoặc thứ cây thuần vàng, thuần bạc, thuần lưu ly, thuần pha lê, thuần xa cừ, thuần mã não, thuần chân châu. Hoặc cây hai báu: gốc vàng, thân nhánh lá nụ hoa quả bạc. Hoặc cây ba báu: gốc vàng, thân bạc, nhánh lá nụ hoa quả lưu ly. Hoặc cây bốn báu: gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá nụ hoa quả pha lê. Hoặc cây năm báu: gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá pha lê, nụ hoa quả xa cừ.

HÀNG CÂY BÁU CÕI CỰC LẠC

Hoặc cây sáu báu: gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá pha lê, nụ xa cừ, hoa quả mã não. Hoặc cây bảy báu: gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá pha lê, nụ xa cừ, hoa mã não, quả trân châu. (Có 7 loại gốc khác nhau, nên có rất nhiều loại thân, nhánh, lá, nụ, hoa, quả khác nhau).

Mỗi lá cây rộng 25 do tuần (25 x 18 = 450 cây số!), có nghìn màu, đồng phóng ánh sáng đẹp, những lằn gân lá như chuỗi ngọc. Giữa khoảng các lá có những hoa sáng chiếu như vòng lửa xoáy. Hoa sinh những quả bảy báu như bình báu của Thiên Đế Thích, hoa bảy báu phóng ánh sáng lớn tụ thành vô lượng tràng phan và lọng báu; các lọng báu ấy chiếu hiện tất cả Phật sự của cõi Cực Lạc cũng như Phật sự của mười phương thế giới.

Bảy lớp lưới kết bằng diệu trân châu, giăng trên mỗi cây báu, mỗi khoảng lưới có cung điện xinh đẹp như cung Trời Phạm Vương. Trong cung điện có các Thiên đồng tử, mỗi Thiên đồng tử đeo chuỗi năm trăm hột ngọc ma ni. Mỗi ngọc ma ni chiếu ánh sáng rất xa (trăm ức do tuần), làm cho từ cây báu chiếu sáng như trăm ức mặt trời mặt trăng hợp lại, đây là quán tưởng thứ tư về hàng Cây báu.

5) - QUÁN TƯỞNG AO BÁU (Bảo Trì):

Cõi Cực Lạc có rất nhiều ao, bờ ao bằng bảy báu, đáy ao là cát kim cương vô số màu. Mỗi ao rộng trăm nghìn do tuần, lớn như biển cả.

Mỗi ao báu ấy có sáu mươi ức (6 triệu) hoa sen bằng bảy báu có nhiều màu, hoa màu nào chiếu ánh sáng rực rỡ màu đó. Mỗi hoa sen lớn 12 do tuần.

Trong ao có nước tám công đức từ Như ý châu vương sinh, màu bảy báu, nước chảy lên xuống theo cọng sen vào cánh hoa phát ra âm thanh vi diệu diễn nói “khổ, không, vô thường, vô ngã”.

Như ý châu vương phóng ra ánh sáng vi diệu màu vàng ròng. Trong ánh sáng ấy hóa ra các giống chim màu sắc đẹp bay lượn hòa hót êm nhã, thường diễn nói pháp Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chính đạo, Từ Bi Hỉ Xả.

Những làn sóng lăn tăn nổi lên những tiếngthập lực (1), vô úy (2), trí tuệ, vô tạo tác, bất sinh diệt, cùng vô số diệu pháp, khiến người nghe được thiện căn tâm thanh tịnh, đây là quán tưởng thứ năm về Ao báu.

AO BÁU CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC

6) - QUÁN CUNG ĐIỆN BÁU (Bảo Lâu):

CUNG ĐIỆN BÁU CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC

Bốn phía bên bờ ao có thềm bậc đường sá bằng bảy báu, bên trên có vô số cung điện nhiều tầng, cũng đều bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, trân châu.

Giảng đường, tịnh xá, cung điện của Phật A Di Đà, của chúng Bồ Tát, A La Hán Thanh Văn, nhân dân, trăm nghìn lần quý hơn cung điện của Tự Tại Thiên Vương nơi cõi Ta Bà này. 

Những đền đài ấy, có thứ nổi giữa lưng chừng như mây, có thứ ở trên đất, đó là do công hạnh tu nông sâu khác nhau nên chỗ ở khác nhau như thế, nhưng những sự hưởng thụ như ăn mặc v.v... đều bình đẳng.

Bốn phía đền đài ấy trang nghiêm bằng: vô lượng tràng hoa cùng vô lượng nhạc khí, lại có gió thổi nhẹ

làm rung những nhạc khí ấy hòa vang thành tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Nếu thấy như vậy thì trừ vô lượng ức kiếp đại ác nghiệp, sau khi mạng chung quyết định sanh cõi Cực Lạc. Quán như thế gọi là chính quán, nếu quán khác gọi là tà quán, đây là quán Cung điện báu.

Lúc ấy, đức Phật bảo A nan và Bà Vi Đề Hi:

- Lắng nghe lắng nghe, khéo suy nghĩ ghi nhớ. Ta sẽ vì các người phân biệt giải thuyết pháp trừ khổ não, hãy ghi nhớ thọ trì, vì đại chúng phân biệt giải thuyết.

Lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói lời ấy, Phật Vô Lượng Thọ hiện đứng trên hư không, Quan Thế Âm Bồ Tát đứng hầu bên trái, Đại Thế Chí Bồ Tát đứng hầu bên phải, ánh sáng chói rực chẳng thể thấy rõ hết. Vi Đề Hi thấy Phật Vô Lượng Thọ rồi liền lễ lạy, lễ lạy xong, Vi Đề Hi bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi nhân oai lực Phật mà được thấy Vô Lượng Thọ Như Lai cùng hai Đại Sĩ Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, đời vị lai các chúng sinh sẽ phải làm sao để thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai Bồ Tát, xin Ngài chỉ bảo cho.

TAM TH ÁNH

7) – QUÁN TƯỞNG TÒA SEN (Bảo Tọa)

Đức Phật bảo Bà Vi Đề Hi:

- Phật Vô Lượng Thọ, các Bồ Tát, cùng nhân dân, mỗi vị đều ngồi trên một tòa sen báu. Những tòa sen ấy bằng bảy báu làm thành, màu sắc chiếu sáng rực rỡ, lớn nhỏ xứng theo thân người ngồi.

Tòa sen của Phật Vô Lượng Thọ ngồi như sau:

Từ mặt đất bảy báu có hoa sen lớn có 84,000 cánh hoa, mỗi cánh rộng 250 do tuần, có 84,000 đường gân, phóng ra 84.000 tia sáng. Mỗi cánh hoa có trăm ức hạt châu Ma ni phóng ngàn tia sáng, các tia sáng ấy tụ lại như cây lọng báu.

Đài hoa sen ấy bằng báu Thích Ca Tỳ Lăng Già, trang nghiêm bằng tám vạn kim cương Thúc Ca Bảo, ngọc Ma ni cùng trân châu.

Trên đài sen có bốn trụ báu, mỗi trụ báu cao lớn như trăm nghìn núi Tu Di, trên đầu bốn trụ báu lại có giăng mành lưới báu, trang nghiêm bằng năm trăm ức bảo châu (50 triệu), giăng rộng như trời Dạ Ma. Mỗi bảo châu chiếu ra 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng có 84.000 thứ kim sắc khác nhau. Các tia sáng sắc vàng ấy chiếu khắp đất cõi Cực Lạc, mỗi chỗ tia sáng sắc vàng biến hóa thành những tướng hình khác nhau: hoặc hóa ra đài kim cương, hoặc hóa ra lưới trân châu, hoặc hóa làm những lùm mây hoa sáng đẹp, và hiện ra Phật sự ở khắp nơi trong cõi Cực Lạc, đây là tưởng Toà ngồi hoa sen, gọi là pháp quán thứ bảy.

Nầy A Nan! Hoa sen vi diệu như vậy là do bản nguyện lực của Pháp Tạng Tỳ Kheo, tiền thân Phật Vô Lượng Thọ ứng cảm thành; nếu muốn niệm đức Phật ấy thì phải tưởng tòa hoa ấy, lúc quán tưởng chẳng được tạp quán. Đều phải quán mỗi chi tiết, mỗi cánh hoa, mỗi bảo châu, mỗi ánh sáng, mỗi đài, mỗi tràng hoa đều phải phân minh, như thấy nét mặt mình hiện trong gương; pháp tưởng này thuần thục rồi, diệt trừ được trăm muôn ức kiếp tội sanh tử, tất sẽ về cõi Cực Lạc.

8) - QUÁN TƯỞNG PHẬT VÀ BỒ TÁT:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Chư Phật là thân pháp giới (3)vào khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, nên lúc các người tâm tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng tốt (coi trang 177), tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm tâm Phật. Chư Phật Chánh Biến Tri hải (Biển giác) từ tâm tưởng sinh, vì vậy nên nhất tâm buộc niệm quán kỹ đức Phật ấy.

Người muốn tưởng đức Phật ấy trước nên tưởng hình tượng, thấy một bảo tượng màu như vàng ròng ngồi trên tòa hoa sen. Thấy tượng Phật ngồi rồi tâm nhãn được khai thông, tỏ rõ phân minh thấy cõi Cực Lạc toàn là thất bảo trang nghiêm, đất báu, ao báu, cây báu bảy hàng. Màn lưới báu cõi Trời giăng che phía trên, các màn lưới báu đầy khắp hư không, thấy sự như vậy rất rõ ràng như thấy trong lòng bàn tay.

Thấy sự ấy rồi lại nên tưởng một hoa sen lớn ở bên trái tượng Phật như trước không khác, rồi lại tưởng một hoa sen lớn như trước ở bên phải tượng Phật. Rồi tưởng một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi tòa sen bên trái cũng kim sắc như thế, rồi tưởng một tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi tòa sen bên phải như thế. Lúc pháp tưởng này thành rồi, tượng Phật và tượng Bồ Tát đều phóng ánh sáng. Ánh sáng ấy chiếu

những bảo thụ (cây báu), dưới mỗi bảo thụ đều có ba tòa hoa sen, tượng Phật và tượng hai Bồ Tát ngồi trên ấy, như vậy khắp cả cõi Cực Lạc.

Lúc pháp tưởng nầy đã thành, hành gỉa nên nghe nước chảy, ánh sáng, các bảo thụ, những chim cưu nhạn uyên ương đều diễn nói diệu pháp, lúc xuất định lúc nhập định luôn nghe diệu pháp. Pháp được nghe trong định phải khế hợp với lời trong kinh, nếu chẳng hợp gọi là vọng tưởng, nếu hợp gọi là thô tưởng thấy cõi Cực Lạc, lúc xuất định nên nhớ giữ chẳng quên; quán này trừ được vô lượng kiếp tội sinh tử, quán nhu nhuyễn sẽ được niệm Phật tam muội (tịch tịnh), đây là pháp quán thứ tám.

9) - QUÁN TƯỞNG HÀO QUANG PHẬT:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Kế lại nên quán Phật Vô Lượng Thọ thân tướng quang minh. Phật Vô Lượng Thọ thân như trăm ngàn muôn ức sắc vàng Trời Dạ Ma, thân Phật cao sáu mươi muôn ức na do tha hàng hà sa do tuần, bạch hào giữa hai chân mày xoáy bên phải uyển chuyển như năm tòa núi Tu Di, mắt Phật như bốn biển lớn xanh biếc và trắng phân minh. Các lỗ chân lông nơi thân Phật đều phóng ánh sáng.

Hào quang của Phật ấy rộng lớn bằng trăm ức Đại Thiên thế giới, trong hào quang ấy có vô số Hóa Phật, mỗi Hoá Phật cũng có vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả. Thân Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn nghìn tướng, trong mỗi tướng đều có tám vạn bốn ngàn hảo tướng, trong mỗi hảo tướng còn có tám vạn bốn nghìn quang minh, mỗi quang minh chiếu khắp mười phương thế giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật chẳng bỏ sót. Quang minh tướng hảo và Hóa Phật ấy chẳng thể nói hết, chỉ nên nhớ tưởng khiến tâm nhãn được thấy, thấy sự ấy liền thấy thập phương Chư Phật. Vì thấy chư Phật nên gọi là niệm Phật tam muội (niệm Phật trong đại định tĩnh).

Quán tưởng đây gọi là quán thân Phật, vì quán thân Phật nên cũng thấy tâm Phật. Phật tâm là đại từ bi tâm, dùng “từ vô duyên” (Lòng Từ sẵn sàng, hễ có cầu là có đáp) nhiếp thọ các chúng sanh.

Người tu quán nầy khi bỏ thân, sinh trước Phật, được vô sanh nhẫn (an trụ ở cái lý không sinh không diệt). Vì vậy nên người trí phải buộc niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ. Người quán Phật Vô Lượng Thọ từ một tướng hảo mà vào, chỉ quán lông trắng giữa hai chân mày khiến tất cả tỏ rõ, được thấy lông trắng rồi thì tám vạn bốn ngàn tướng hảo tự nhiên sẽ hiện. Thấy Phật Vô Lượng Thọ liền thấy vô lượng Chư Phật mười phương, vì thấy vô lượng Chư Phật nên được Chư Phật hiện tiền thọ ký, đây là khắp quán tưởng tất cả các sắc thân Phật gọi là pháp quán thứ chín về quang minh của Phật Vô Lượng Thọ.

10) - QUÁN BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Bồ Tát này thân vô cùng cao lớn (tám mươi vạn ức na do tha do tuần), thân màu đỏ tía (tử kim). Đỉnh đầu có nhục kế, có hào quang chiếu xa trăm ngàn do tuần (1 do tuần khoảng 15 đến 20 cây số). trong hào quang có năm trăm Hoá Phật như Thích Ca Mâu Ni. Mỗi Hoá Phật có năm trăm Hóa Bồ Tát và vô số Chư Thiên làm thị giả. Trong ánh sáng toàn thân hiện tất cả dung mạo (sắc tướng) của chúng sanh trong sáu đuòng (lục đạo).

Trên đầu đội mũ Thiên quang Ma ni bảo bằng Tỳ Lăng Già. Trong Thiên quang có một Hóa Phật đứng cao hai mươi lăm do tuần. Mặt Quan Thế Âm Bồ Tát màu vàng, lông trắng giữa hai chân mày màu thất bảo chiếu ra tám vạn bốn ngàn thứ ánh sáng. Mỗi ánh sáng có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi Hóa Phật có vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả biến hiện tự tại khắp mười phương thế giới.

Cánh tay màu như hoa sen hồng có tám mươi ức (8 triệu) ánh sáng vi diệu làm chuỗi đeo. Hai bàn tay, mười đầu ngón tay có tám vạn bốn nghìn lằn đường vân. Mỗi lằn vân có tám vạn bốn ngàn màu, mỗi màu có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, ánh sáng ấy mềm dịu chiếu cùng khắp. Bồ Tát dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh về Cục Lạc.

Lúc Bồ Tát cất chân lên, dưới bàn chân có nghìn vân tròn nhỏ (thiên bức luân), tự nhiên hóa thành năm trăm ức đài quang minh, lúc để chân xuống có hoa kim cương ma ni rải rác khắp. Các tướng khác nơi thân Bồ Tát đầy đủ những hình hảo như thân Phật không khác, chỉ có nhục kế trên đỉnh chẳng bằng Chư Phật. Đây là tướng sắc thân chân thật của Bồ Tát Quan Thế Âm gọi là quán pháp thứ mười.

Tu quán ấy thì chẳng gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng, trừ tội sanh tử trong vô số kiếp; chỉ nghe danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát còn được phước vô lượng huống là quán kỹ như thế.

11) - QUÁN BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ:

Đại Thế Chí Bồ Tát có thân hình lớn như Quan Thế Âm Bồ Tát, hào quang chiếu xa trăm nghìn do tuần. Ánh sáng toàn thân chiếu mười phương màu đỏ tía (tử kim). Chỉ thấy ánh sáng một lỗ chân lông của Bồ Tát này liền thấy quang minh tịnh diệu vô lượng Chư Phật mười phương, nên hiệu là Vô Biên Quang. Dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp tất cả khiến lìa tam độc (tham sân si) được vô thượng lực nên có tên là Đại Thế Chí.

Mũ Thiên quang của Bồ Tát Đại Thế Chí có năm trăm hoa báu, mỗi hoa báu có năm trăm đài báu, trong mỗi đài, tướng của quốc độ thanh tịnh vi diệu Chư Phật mười phương đều hiện rõ. Nhục kế trên đỉnh như hoa Bát đấu ma, trên nhục kế có một bình báu đựng các ánh sáng hiện tất cả Phật sự, các thân tướng khác như Quan Thế Âm không khác.

Lúc Đại Thế Chí Bồ Tát đi, mười phương thế giới tất cả chấn động, đương lúc đất động có năm trăm ức hoa báu, mỗi hoa báu trang nghiêm như Cực Lạc thế giới; lúc Bồ Tát nầy ngồi xuống, quốc độ thất bảo đồng thời dao động.

Quán Đại Thế Chí Bồ Tát trừ vô số kiếp vô số tội sinh tử, người tu quán nầy chẳng còn ở bào thai thường du hành cõi thanh tịnh vi diệu Chư Phật. Đây là quán thấy tướng sắc thân Bồ Tát Đại Thế Chí, gọi là pháp quán thứ mười một; quán như trên gọi là chính quán, quán khác gọi là tà quán, đây là phép quán thứ 11.

12) - QUÁN SINH TRONG HOA SEN:

Lúc thấy những sự ở trên rồi, nên khởi tư tưởng ngồi kết già trong hoa sen sinh nơi Tây phương Cực Lạc, tưởng hoa sen búp lại, tưởng hoa sen nở ra; lúc hoa sen nở có ánh sáng năm trăm màu chiếu đến thân. Tưởng mắt mở ra thấy Phật và Bồ Tát đầy cả hư không, nước chim cây rừng cùng Chư Phật phát ra âm thanh đều diễn nói diệu pháp hợp với mười hai bộ kinh; lúc xuất định nhớ giữ không để mất tưởng ấy, đây gọi là pháp quán thứ mười hai.

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ ĐANG TIẾP DẪN

HÀNH GIẢ VÀO HOA SEN NƠI TAY NGÀI

13) – QUÁN TƯỞNG TAM THÁNH: 

NAMMÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC TAM THÁNH

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Người chí tâm muốn sinh cõi Cực Lạc nên quán tượng Phật cao 16 thước (1 trượng 6 xích) (1 trượng = 10 thước, 6 xích = 6 thước) trên mặt nước ao báu.

Thân Phật Vô Lượng Thọ rông lớn vô lượng vô biên chẳng phải tâm lực của phàm phu kịp được, nhưng do nguyện lực đầy đủ đời trước của Phật ấy, nên ai có tâm nhớ tưởng ắt được thành tựu; chỉ tưởng tượng Phật được phúc vô lượng, huống là quán đủ thân tướng của Phật.

Phật A Di Đà thần thông như ý nơi mười phương, biến hiện tự tại, hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không, hoặc hiện thân nhỏ mười sáu thước. Thân hình Phật hiện ra đều màu chân kim (vàng), hào quang Hoá Phật và hoa sen báu (như đã nói ở trên).

Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát ở tất cả mọi nơi, thân đồng với chúng sanh, chỉ quán tướng trên đều biết là Quan Thế Âm hay Đại Thế Chí. Hai đại Bồ Tát ấy trợ Phật A Di Đà khắp hóa độ tất cả. Từ hạ phương cõi Phật Kim Quang đến thượng phương cõi Phật Quang Minh Vương, trong khoảng giữa ấy vô lượng vô số phân thân Phật Vô Lượng Thọ, phân thân Quan Thế Âm Bồ Tát, phân thân Đại Thế Chí Bồ Tát, thảy đều vân tập cõi Cực Lạc chật đầy hư không, ngồi tòa hoa sen diễn nói diệu pháp độ khổ chúng sanh, đây là tạp tưởng quán, là pháp quán thứ mười ba”.

14) - QUÁN VỀ HÀNG THƯỢNG PHẨM:

1 - THƯỢNG PHẨM THƯỢNG SINH:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Nếu có chúng sanh nguyện sinh Cực Lạc thế giới phát ba thứ tâm liền được vãng sanh, ba thứ tâm(4) là:

+ Một là chí thành tâm (Tín).

+ Hai là thâm tâm (Hạnh).

+ Ba là phát nguyện tâm hồi hướng (Nguyện).

Đức Phật nói tiếp:

- Người đủ ba tâm này ắt sinh thế giới Cực Lạc, còn có ba hạng(5) sẽ được vãng sinh, những gì là ba hạng?

+ Một là bỏ tâm sát (sinh), giữ đủ giới hạnh (Giới).

+ Hai là đọc tụng kinh điển Phương đẳng (Định).

+ Ba là tu hành niệm lực hồi hướng phát nguyện sinh cõi Cực Lạc (Nguyện).

Người đủ các công đức Giới Định Nguyện này, từ một ngày đến bảy ngày liền được vãng sanh, lúc sinh về cõi ấy, vì người ấy tinh tiến dũng mãnh nên thấy A Di Đà Như Lai cùng Quan Thế Âm cầm đài kim cương, Đại Thế Chí, vô số Hóa Phật, trăm ngàn Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư Thiên đến trước người ấy. Phật A Di Đà phóng đại quang minh chiếu thân người ấy cùng các Bồ Tát trao tay nghinh tiếp. Quan Thế Âm, Đại Thế Chí cùng vô số Bồ Tát tán thán khuyến khích người ấy, tâm người ấy thấy rồi hoan hỷ liền tự thấy thân mình ngồi đài kim cương theo sau Phật. Như khoảng búng ngón tay liền vãng sinh cõi Cực Lạc.

Sanh cõi Cực Lạc rồi thấy sắc thân Phật A Di Đà và Chư Bồ Tát, đầy đủ các sắc tướng, quang minh, cây báu diễn nói diệu pháp, nghe rồi liền ngộ Vô sanh pháp nhẫn (thể nhập trí vô sinh). Lại nữa: trong thời gian giây lát đi khắp thập phương thế giới cúng dàng Chư Phật. Ở trước Chư Phật thứ lớp được thọ ký. Khi trở về bản quốc được vô lượng trăm ngàn Đà la ni (là Tổng trì nhiếp thụ tất cả tâm), đây gọi là thượng phẩm thượng sinh.

2 - THƯỢNG PHẨM TRUNG SINH:

Người thọ trì đọc tụng kinh điển phương đẳng Đại thừa, đem công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sinh cõi Cực Lạc. Người có công hạnh như vậy, lúc lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, vô lượng đại chúng vây quanh cầm đài tử kim đến trước hành giả khen rằng: “Nầy Pháp tử, ngươi hành đệ nhứt nghĩa (là Thánh đế, chân đế, chân lí tuyệt đối cao nhất) nên nay ta đến nghinh tiếp ngươi.” Đức Phật cùng nghìn Hóa Phật đồng thời tiếp dẫn (trao tay). Hành giả tự thấy mình ngồi đài đỏ tía (tử kim), chắp tay tán thán Chư Phật.

Như khoảng một niệm liền sanh cõi Cực Lạc nơi ao thất bảo, đài đỏ tía (tử kim) ấy trong hoa sen lớn, qua một đêm hoa liền nở, thân hành giả màu đỏ tía. Phật và Bồ Tát đồng thời phóng quang chiếu thân hành giả, mắt liền mở sáng. Hành giả ấy liền xuống kim đài lạy Phật, chắp tay tán thán Phật. Qua bảy ngày được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, liền có thể bay đi khắp mười phương cúng dường chư Phật. Ở trước chư Phật tu các chính định (tam muội), qua một tiểu kiếp được thể nhập lý vô sinh (Vô sanh nhẫn), đây gọi là người thượng phẩm trung sinh.

3 - THƯỢNG PHẨM HẠ SINH:

Người tin nhân quả, phát tâm Vô thượng Bồ đề, đem công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sinh cõi Cực Lạc. Hành giả ấy lúc lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí và đại chúng, cầm hoa sen vàng có năm trăm hóa Phật đến rước. Năm trăm Hóa Phật đồng thời tiếp dẫn (trao tay) khen rằng: “Nầy Pháp tử, nay ngươi thanh tịnh phát tâm Vô thượng Bồ đề, ta đến rước ngươi.” Hành giả lúc thấy sự ấy liền tự thấy thân mình ngồi đài hoa sen. Ngồi rồi hoa búp lại theo sau Phật liền được vãng sinh cõi Cực Lạc trong ao thất bảo. Qua một ngày một đêm hoa sen mới nở, qua bảy ngày mới được thấy Phật, dù thấy thân Phật mà chẳng thấy tỏ rõ các tướng hảo, sau 21 ngày mới thấy rõ hết, nghe các âm thanh diệu pháp. Đi khắp mười phương cúng dường Chư Phật. Ở trước Chư Phật nghe pháp thậm thâm, trải qua ba tiểu kiếp được trăm pháp minh, trụ bực “Hoan hỉ địa” (Bồ Tát), gọi là người thượng phẩm hạ sinh.

PHẬT A DI ĐÀ VÀ THÁNH CHÚNG TIẾP DẪN

15) - QUÁN VỀ HÀNG TRUNG PHẨM:

1 - TRUNG PHẨM THƯỢNG SINH:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Nếu có chúng sanh thọ trì ngũ giới, trì bát trai giới, tu hành các giới, chẳng tạo ngũ nghịch, không có các tội lỗi. Đem thiện căn nầy nguyện cầu sanh cõi Cực Lạc. Hành giả lúc lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các quyến thuộc vây quanh phóng ánh sáng (kim sắc) đến chỗ hành giả, diễn nói khổ không vô thường vô ngã. Hành giả thấy rồi lòng rất vui mừng tự thấy thân mình ngồi đài hoa sen, quỳ gối chắp tay đảnh lễ Phật, lúc chưa cất đầu lên liền được vãng sanh cõi Cực Lạc, hoa sen liền nở. Lúc hoa sen nở nghe các âm thanh tán thán “Tứ diệu đế(6), liền thành A La Hán đạt: tam minh (7), lục thông (8), đủ bát giải thoát (9), đây gọi là người trung phẩm thượng sinh vậy.

2 - TRUNG PHẨM TRUNG SINH:

Nếu có chúng sanh hoặc một ngày một đêm trì tám giới trai (10), hoặc một ngày một đêm trì giới Sa di (11), hoặc một ngày một đêm trì Cụ Túc giới(12) oai nghi không thiếu, đem công đức nầy hồi hướng nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới.

Do giới hương huân tu, hành giả nầy lúc lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các quyến thuộc phóng quang kim sắc, cầm hoa sen báu đến trước hành giả. Hành giả tự nghe trên hư không có tiếng khen rằng: “Nầy thiện nam tử: như ngươi hàng thiện nhân tùy thuận lời dạy của tam thế Chư Phật nên ta đến rước.” Hành giả tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen, hoa sen liền búp lại sinh trong ao báu cõi Tây phương Cực Lạc, qua bảy ngày hoa sen mới nở, hoa nở rồi mở mắt chắp tay tán thán Phật, nghe pháp hoan hỉ được quả Tu Đà Hoàn; qua nửa kiếp thành bực A La Hán đây gọi là người trung phẩm trung sinh vậy.

3 - TRUNG PHẨM HẠ SINH:

Nếu có thiện nam thiện nữ hiếu dưỡng cha mẹ làm việc nhơn từ, người nầy lúc lâm chung gặp thiện tri thức vì họ mà nói rộng những sự vui nơi cõi Phật A Di Đà, cũng nói bốn mươi tám nguyện của Tỳ Kheo Pháp Tạng, nghe rồi liền chết. Ví như khoảng thời gian co duỗi cánh tay, người ấy ngồi đài hoa sen liền được vãng sanh cõi Tây phương Cực Lạc. Qua 21 ngày hoa sen mới nở, gặp Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát, nghe pháp hoan hỷ được quả Tu Đà Hoàn; qua một tiểu kiếp thành A La Hán, đây gọi là người trung phẩm hạ sanh vậy.

16) – QUÁN VỀ HÀNG HẠ PHẨM:

1 - HẠ PHẨM THƯỢNG SINH:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Hoặc có chúng sanh tạo những nghiệp ác. Người ngu như vậy dù chẳng hủy báng kinh điển Phương đẳng mà tạo nhiều việc ác, không có tàm quí (hổ thẹn). Người này lúc lâm chung gặp thiện tri thức vì họ mà nói tên đầu đề mười hai bộ Kinh(13)

- Do nghe tên các Kinh như vậy dứt trừ ngàn kiếp đại ác nghiệp. Trí giả lại bảo chắp tay niệm “Nam mô A Di Đà Phật.” Do xưng danh hiệu Phật nên trừ năm mươi ức kiếp tội sinh tử.

Lúc ấy Phật A Di Đà liền sai Hóa Phật, hóa Quan Thế Âm, hóa Đại Thế Chí đến trước hành giả khen rằng: “Nầy thiện nam tử, vì ngươi xưng danh hiệu Phật các tội tiêu diệt Ta đến rước ngươi.” Nghe nói lời ấy rồi, hành giả liền thấy quang minh của Hóa Phật chiếu sáng cả nhà. Thấy rồi hoan hỉ mạng chung ngồi đài hoa sen theo sau Hoá Phật sinh trong ao báu tại cõi Cực Lạc.

Qua 49 ngày hoa sen báu mới nở, đương lúc hoa nở, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát phóng đại quang minh đứng trước người ấy, vì người ấy nói thậm thâm mười hai bộ kinh, người ấy nghe rồi phát vô thượng đạo tâm.

Qua 10 tiểu kiếp có đủ trăm pháp minh, được nhập bực Sơ địa (Bồ Tát), đây gọi là người hạ phẩm thượng sanh vậy”.

2 - HẠ PHẨM TRUNG SINH:

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hi:

- Hoặc có chúng sanh phạm ngũ giới, bát giới (cư sĩ), và cụ túc giới (tu sĩ). Người ngu nầy trộm vật của Chùa tự và chư Tăng, bất tịnh thuyết pháp, không có tàm quý, dùng các ác nghiệp để tu trang nghiêm. Người tạo tội gây ác nghiệp như thế phải đọa địa ngục, lúc lâm chung các lửa địa ngục đồng thời hiện đến.

Gặp thiện tri thức vì lòng đại từ bi vì người ấy mà khen nói oai đức của đức Phật A Di Đà, rộng khen quang minh thần lực của đức Phật A Di Đà, cũng tán dương ngũ giới hươnggiới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến (14). Người ấy nghe rồi trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử, lửa mạnh địa ngục biến thành gió mát thổi các hoa trời bay đến, trên hoa đều có Hoá Phật, Hóa Bồ Tát tiếp rước người ấy, trong khoảng một niệm liền được sinh trong hoa sen nơi ao báu cõi Cực Lạc.

Sau 6 kiếp hoa sen mới nở, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát dùng phạm âm khuyên giải người ấy, vì người ấy mà nói kinh điển thậm thâm; nghe pháp ấy rồi, người ấy liền phát tâm vô thượng đạo, đây gọi là người hạ phẩm trung sinh vậy”.

3 - HẠ PHẨM HẠ SINH:

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và Bà Vi Đề Hi:

- Hoặc có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện ngũ nghịch, thập ác. Người ngu như vậy, do ác nghiệp phải đọa ác đạo trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Người ngu ấy lúc lâm chung gặp thiện tri thức dùng nhiều lời khuyên nói diệu pháp dạy bảo niệm Phật. Ngưòi ấy bị khổ bức không rảnh niệm được.

Thiện hữu bảo rằng nếu ngươi chẳng thể niệm (nhớ nghĩ) Phật kia được thì ngươi nên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, như vậy chí tâm khiến tiếng xưng danh chẳng dứt đủ mười niệm. Nên xưng như vầy: “Nam mô A Di Đà Phật.” Do xưng danh hiệu Phật nên trong mỗi niệm trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử.

Lúc chết thấy hoa sen dường như mặt trời ngay trước người ấy, như khoảng một niệm liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới ở trong hoa sen, mãn 12 kiếp hoa sen ấy mới nở; Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát dùng âm thanh đại bi vì người ấy diễn nói thật tướng các pháp, nói pháp trừ diệt tội, người ấy nghe pháp rồi rất vui mừng liền phát tâm Vô thượng Bồ đề, đây gọi là người hạ phẩm hạ sanh.

IV) - KẾT KINH QUÁN

PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ:

Sau khi quán về mười sáu pháp quán ấy, liền lúc đó thấy tướng rộng lớn cõi Cực Lạc. Được thấy sắc thân Phật A Di Đà và hai Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, lòng rất hoan hỷ khen chưa từng có.

Bà Vi Đề Hi hoát nhiên đại ngộ được Vô sanh nhẫn (thể nhập lý vô sinh). Hết thảy thị nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề nguyện sinh Cực Lạc thế giới, Đức Phật thụ ký đều sẽ vãng sinh, còn có vô lượng Chư Thiên phát tâm vô thượng đạo.

Lúc bấy giờ Tôn giả A Nan Đà từ chỗ ngồi đứng dậy vái thưa Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, Kinh nầy gọi tên là gì, và pháp yếu nầy sẽ thọ trì như thế nào?”

Đức Phật bảo:

- Nầy A Nan, Kinh nầy tên là Quán cõi Cực Lạc Phật Vô Lượng Thọ, cùng Quan Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát.

Cũng gọi là Tịnh trừ nghiệp chướng sinh Chư Phật (thành Phật), Ông nên thọ trì như vậy chớ để quên mất; người hành tam muội (tịch tịnh) nầy thì thân hiện đời được thấy Phật Vô Lượng Thọ, cùng Quan Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nếu thiện nam, thiện nữ chỉ nghe danh hiệu Phật A Di Đà, nghe danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, nghe danh hiệu Đại Thế Chí Bồ Tát thì trừ vô lượng kiếp tội sanh tử, huống là nhớ niệm.

Nếu là người niệm Phật, nên biết người ấy là hoa Phân Đà Lợi trong loài người, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là tối thắng của người ấy, người ấy sẽ ngồi đạo tràng sinh vào nhà Chư Phật”.

Đức Phật bảo Tôn giả:

- Này A Nan, phải nhớ những lời Ta giảng, người trì lời nầy tức là trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ.

Phật nói kinh này rồi, Tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả A Nan, Bà Vi Đề Hi, thị nữ quyến thuộc, cùng vô lượng chư Thiên Long Bát Bộ nghe lời đức Phật dạy, tất cả đều vui mừng.

GIẢNG GIẢI:Chúng ta nên tìm hiểu:

01)- Thế nào là tiếng Thập Lực?

Thập Lực là Mười Trí Lực, biết như thậtcủa Chư Phật từ các làn sóng lăn tăn trên mặt ao phát lên, gồm:

1- Biết những gì mắt nhìn thấy (thị xứ) hay vô hình (phi xứ)

2- Biết nhân duyên nơi chốn thọ quả báo của chúng sanh.

3- Biết chúng sinh có vô số tội.

4- Biết vô số cõi, biết vô số loại giải thoát.

5- Biết trình độ trí tuệ chúng sanh nhiều ít, cao thấp.

6- Biết ý tưởng chúng sanh, tức biết tâm của chúng sinh.

7- Biết hết nhân sinh vũ trụ thành hoại.

8- Biết đường của tâm hướng đến, tức là biết sinh tử từ vô lượng kiếp.

9- Biết đường sinh tử của chúng sanh, tùy theo nghiệp đến chỗ lành dữ.

10- Biết đã dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, không còn thụ thân sau nữa.

Đó là Mười Lực của Chư Phật.

02) -Thế nào là tiếng Vô Uý?

Tiếng từ mặt ao sóng lăn tăn phát lên những điều Chư Phật không sợ mà người thường lại sợ, đó là:

- Như Lai nói: thành Chính Đẳng Chímh Giác, người khác không thể nói được, không thể chê bai được.

- Như Lai nói đã sạch hết hữu lậu, dù Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Thiên Ma cũng không cãi lại được.

- Như Lai nói pháp Hiền Thánh: chấm dứt mé khổ, nếu bốn loại người trên chống đối cũng không được.

- Như Lai nói sáu căn đắm nhiễm (nội pháp) rơi trong đường ác, giả sử Sa Môn, Bà La Môn muốn nói không phải, ắt không thể được.

3)- Thân pháp giới:

Pháp thân của Chư Phật cùng khắp pháp giới, ví như trong một phòng lớn dụ cho vũ trụ vô biên, có vô số ngọn đèn nhỏ dụ cho chúng sanh, lại có những ngọn đèn lớn dụ cho Chư Phật. Ánh sáng của đèn lớn giao thoa lồng vào ánh sáng của những ngọn đèn nhỏ, vì vậy nếu chúng sinh tâm tưởng đến Phật tức là nếu mình cũng thắp lên ngọn đèn của mình dù nó có nhỏ bé vẫn nhận được sự chiếu soi của ánh sáng Phật vậy.

04)- Ba thứ tâm:

1- Chí thành tâm:

Là tâm tin tưởng tuyệt đối, tin tưởng mọi người đều có Phật tánh như Chư Phật không khác, tin tưởng hoàn toàn mình cũng có ngày thành Phật như Chư Phật, nên gọi là Tín.

2- Thâm tâm:

Thâm là sâu, thâm tâm là tâm tư sâu kín, tâm tưởng hành trì tự đáy lòng, tha thiết sâu xa bền bỉ, nên gọi là Hạnh.

3)- Phát nguyện tâm hồi hướng:

Là thề nguyện theo đuổi thực hành kiên cố, thề nguyện tâm luôn luôn hướng về cõi Cực Lạc không hề quên, nên gọi là Nguyện.

05)- Ba hạng:

1- Bỏ tâm sát (sinh), giữ đủ giới hạnh:

Đây là giới luật cho người tại gia giữ 5 giới và người xuất gia giữ theo giới của người xuất gia, tuỳ theo địa vị của mỗi người cần phải tuân hành giới luật một cách đầy đủ, nên gọi là Giới.

2- Đọc tụng kinh điển Phương đẳng:

Là đọc tụng các Kinh A Di Đà, Kim Cang, Bát Nhã Tâm Kinh, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Phổ Môn, Phổ Hiền Hạnh Nguyện; khi tụng Kinh, tâm người đọc chuyên chú lời Kinh lâu dần tâm tư lắng xuống, không còn loạn động, sẽ dần dần được thanh tịnh, nên gọi là Định.

3- Hồi hướng sinh cõi Cực Lạc:

Là khi làm bất cứ việc gì có phúc đức, dù to dù nhỏ đều phát nguyện hồi hướng sinh về Tây phương Cực Lạc, nên gọi là Nguyện.

06) - Thế nào là Tứ Đế?

Là bốn Thánh Đế, gồm: Khổ Thánh Đế (Khổ Đế), nguyên nhân gây ra Khổ (Tập Đế), cách Diệt Khổ (Diệt Đế), và con đường Đạo quả (Đạo Đế).

07) - Thế nào là Tam Minh?

Là Ba Minh mà người đạt đạo có được, đó là:

1- Túc Mệnh Minh:là biết các tiền kiếp của mình và của các người khác.

2- Sinh Tử Minh:là biết rõ chúng sinh chết do nghiệp gì, sinh do quả nào.

3- Lậu Tận Minh:là biết rõ ô nhiễm của mình chấm dứt như thế nào. 

08)- Lục thông:

Là sáu thần thông, chính ra nên nói là bảy thân thông, gồm: 1- Thần túc thông biến hóa, 2- Thiên nhãn thông nhìn thấu suốt, 3- Thiên nhĩ thông nghe thấu suốt, 4- Tha tâm thông biết tâm niệm của người khác, 5- Túc mệnh thông biết rõ các tiền kiếp sinh tử luân hồi của mình, 6- Sinh tử thông biết rõ sinh tử luân hồi của chúng sanh, 7- Lậu tận thông biết rõ sạch hết ô uế biết rõ ra khỏi sinh tử luân hồi.

09) - Bát giải thoát là gì?

Cũng gọi là Bát đạt, đạt đạo đạt được tám giải thoát gồm:

1- Tâm không còn ô nhiễm hình sắc.

2- Đạt được tâm không.

3- Được tâm thanh tịnh.

4- Đạt hư không vô biên.

5- Đạt thức vô biên.

6- Đạt vô sở hữu.

7- Đạt không tưởng không không tưởng.

8- Đạt diệt tận định.

10) – Trì tám Giới Trai:Là tu, giữ gìn thân tâm trong 24 giờ liên tiếp, tức một ngày một đêm gồm:

1- Không sát sanh, 2- Không trộm cắp, 3- Không tà dâm, 4- Không nói dối, 5- Không uống rượu, 6- Không nằm giường cao sang, 7- Không xem hát, 8- Phải ăn chay không sau 1 giờ trưa.

11) - Trì Giới Sa Di (người dưới 18 tuổi hoặc người mới tu):

Như trì Bát Giới Trai + 2 giới:

- Không trang điểm.

- Không dùng vàng bạc châu báu.

12) – Cụ Túc Giới:

Là Chư Tăng trì 250 giới hoặc Chư Ni trì 348 giới đầy đủ, không thiếu sót một giới nào.

13) - Tên mười hai bộ Kinh là gì?

Đó là:

1- Quán Kinh (Kinh nói văn xuôi dài).

2- Kỳ dạ Kinh (Kinh nói về nghiệp quả)

3- Thụ ký Kinh (thọ ký, ghi nhớ, phó thác).

4- Kệ Kinh (sau khi nói Kinh, Phật nói bằng bài Kệ diễn tả ý Kinh).

5- Pháp cú Kinh (Phật nói đạo lý bằng một vài câu).

6- Tương ưng Kinh (tùy nhân duyên thuyết).

7- Bản duyên Kinh (tiền kiếp của nhân vật).

8- Thiên bản Kinh (tiền kiếp của Phật).

9- Quảng Kinh (Kinh đại thừa).

10- Vị tằng hữu Kinh (nói những việc khó tin)

11- Thí dụ Kinh (Phật nói ví dụ để chỉ pháp).

12- Đại giáo Kinh (luận nghị cao siêu).

14) -Ngũ Giới Hương:

Tán thán Ngũ Giới Hương là thế nào? Đó là:

1- Giới hương:Người niệm Phật lễ Phật cầu vãng sinh phải giữ giớiđầy đủ.

2- Định hương:

Người niệm Phật lễ Phật cầu vãng sinh phải địnhtĩnh tâm, không để ý nghĩ suy tưởng làm loạn tâm.

3- Huệ hương:

Người niệm Phật lễ Phật cầu vãng sinh phải lưu tâm ba món sáng tỏ: “Văn” là tìm đọc, nghe lời hay ý đẹp, “” là suy tư những lời hay ý đẹp xem thế nào là phải trái chân tà, và “Tu” là quyết tâm thực hành những điều phải, trừ bỏ điều tà sai.

4- Giải thoát hương:

Người niệm Phật lễ Phật cầu vãng sinh phải quyết trừ ngã chấp, trừ chấp cái ta, quán vô ngã để trừ đau khổ, trừ thức phân biệt, không cho tôi là quan trọng để thoát khỏi sinh tử luân hồi.

5- Giải thoát tri kiến hương:

Người niệm Phật lễ Phật cầu vãng sinh phải đoạn dứt chấp ngãlà giải thoát, nhưng chưa được vô ngại, phải trừ chấp phápchấp cái của ta, trừ chấp mọi vật là có thực nữa mới được vô ngại, bằng cách quán Bốn Đại (đất, nước, gió, lửa) không thật, như nước đối với loài cá là nhà, gỗ đối với loài mọt là nhà và thức ăn v.v…, những cái ta tưởng thật nhưng không phải thật chỉ là giả dối, đối đãi với nhau sinh ra mà thôi.

15) - Liệt kêvề 3 phẩm 9 bậc vãng sinh:

Cả ba phẩm đều cùng lấy sự phát Bồ Ðề tâm làm động cơ căn bản. Sự phân chia ba phẩm chín bậc đại loại được chia ra như sau: 

1- Ba phẩm bậc cao:Người ly dục, thanh tịnh, nhờ đọc tụng Kinh điển, thâm hiểu chân lý tuyệt đối, rộng tu các công đức. 

2- Ba phẩm bậc trung:Người phụng trì trai giới, hồi huớng công đức, hiếu dưỡng cha mẹ, tu các nhân lành ở đời. 

3- Ba phẩm bậc thấp:Người biết sám hối tội lỗi sau khi đã lỡ lầm, biết kiên trì tinh tấn tu phép niệm Phật. Sau đây, lược giải chín bậc vãng sinh căn cứ theo kinh Quán Vô Lượng Thọ: 

A).Ba Phẩm Bậc Cao (Thượng).

1. Phẩm Cao Bậc Thượng: a. Hành động:Khởi lòng từ tâm, không sát hại sinh vật, giữ giới hạnh đầy đủ, đọc tụng kinh Phật, tưởng niệm sáu phép tu hành (tưởng niệm Phật, Pháp, Tăng, bố thí, giới hạnh, phúc đức), tròn đầy các công đức, hồi hướng công đức, phát nguyện cầu sinh Tịnh Ðộ. b. Lúc lâm chung:Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng các Thánh chúng, tay nâng đài kim cang đến trước hành giả. Phật và Bồ Tát đều phóng hào quang chiếu sáng khắp thân hình hành giả, đưa tay tiếp dẫn, tán thán công đức; hành giả hoan hỷ bước lên đài Kim cang, trong khoảnh khắc vãng sanh Cực Lạc c. Khi vãng sanh:Sau khi sinh về cõi Tịnh Ðộ, thấy được rừng cây, ao báu, Phật và Bồ Tát khắp nơi trang nghiêm diễn thuyết pháp mầu; nghe xong liền ngộ lý vô sanh, trong chốc lát, dạo khắp mười phương, chứng được các pháp môn, rồi trở về quốc độ mình tùy nguyện hóa độ chúng sanh. 

2. Phẩm Cao Bậc Trung

a. Hành động:Chưa thọ trì đọc tụng Kinh Phật, chưa hiểu rõ thâm nghĩa, nhưng đối với chân lý lòng không kinh động, đã hiểu tin nhân quả, không hủy báng Kinh điển, đem công đức ấy hồi hướng cầu sinh Cực Lạc. 

b. Lúc lâm chung:Đức Phật A Di Đà và toàn thể Thánh chúng, tay nâng đài vàng đến trước hành giả, tán thán công đức tu học. Hành giả ngồi lên đài vàng chắp tay vái Phật. Trong khoảnh khắc liền sanh Tịnh Ðộ. 

c. Khi vãng sanh:Ở trên đài vàng như hoa sen lớn, cách một đêm hoa nở để lộ ra một thân tướng sắc vàng; hành giả nghe các âm thanh thuần nói Phật pháp rất sâu xa, trải qua bảy ngày, không thoái chuyển Bồ Ðề tâm. Liền sau đó bay khắp mười phương, lễ bái Chư Phật, tu các pháp tam muội, qua một kiếp, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn và được thọ ký thành Phật.

3. Phẩm Cao Bậc Hạ 

a. Hành động:Cũng tín nhân quả, không hủy báng Kinh điển, có phát tâm vô thượng, đem công đức ấy hồi hướng cầu sinh Tịnh Ðộ. 

b. Lúc lâm chung:Thấy đức Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí cùng vô số Hóa Phật đến rước, đồng thanh tán thán rằng: "Pháp tử: Ngươi đã phát tâm vô thượng nên nay chúng ta đến rước Ngươi". Hành giả thấy mình ngồi trên đài hoa sen vàng, ngồi xong hoa búp lại, theo Phật và Bồ Tát vãng sanh trong ao sen bảy báu.

c. Khi vãng sanh:Ngồi trong hoa sen được một ngày một đêm thì sen nở. Sau 7 ngày mới thấy tướng tốt của Phật nhưng chưa rõ lắm, sau 21 ngày mắt mới thấy rõ, đồng thời tai cũng nghe tiếng thuyết pháp. Rồi chu du khắp mười phương để nghe chư Phật nói các pháp nhiệm mầu. Trải qua 3 tiểu kiếp, chứng được trăm pháp minh khai, an trú ở địa vị Hoan Hỷ (tức Sơ Ðịa Bồ Tát).

B). Ba Phẩm Bậc Giữa (Trung) 

1. Phẩm Giữa Bậc Thượng 

a) Hành động:

Thọ trì ngũ giới, tu bát quan trai giới, giới đức thanh tịnh, không phạm các lỗi lầm; đem các công đức ấy, nguyện vãng sanh Cực Lạc. 

b) Lúc lâm chung:

Khi gần chết, thấy đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng phóng hào quang sắc vàng, đến trước hành giả. Tai nghe Phật thuyết bốn chân lý: vô thường, khổ, không, vô ngã. Hành giả rất hoan hỷ, ngồi trên hoa sen chắp tay lễ Phật. Trong chốc lát liền vãng sanh. 

c) Khi vãng sanh:

Hoa sen liền nở và nghe thuyết pháp tán thán bốn chân đế: khổ, tập, diệt, đạo; chứng quả A-la-hán, có đủ tam minh, lục thông và tám thứ giải thoát đầy đủ. 

2. Phẩm Giữa Bậc Trung 

a) Hành động:

Đã từng tu bát quan trai, hoặc đã từng thụ giới sa di, hoặc đã từng thọ giới Cụ Túc, mỗi công hạnh trong một ngày một đêm với đầy đủ uy nghi; đem công đức ấy hồi hướng, cầu nguyện vãng sanh Cực Lạc. 

b) Lúc lâm chung:

Lúc gần chết, thấy đức Phật A Di Đà phóng hào quang sắc vàng, tay nâng đài sen bảy báu, cùng với Thánh chúng đến trước mặt hành giả tán thán rằng: "Thiện nam tử: Nhà Ngươi học hành lời Phật dạy nên Ta đến rước Ngươi"; hành giả ngồi lên hoa sen, hoa sen búp lại rồi sinh về Cực Lạc. 

c) Khi vãng sanh:

Ở trong ao thất bảo bảy ngày, hoa sen mới nở; mở mắt thất Phật, chắp tay tán thán đức Phật. Nghe pháp hoan hỷ rồi chứng được quả Tu-đà-hoàn, qua nửa kiếp liền chứng quả A-la-hán. 

3. Phẩm Giữa Bậc Hạ 

a. Hành động:

Người hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc nhân từ, niệm Phật cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc. 

b. Lúc lâm chung:

Khi sắp chết, được gặp thiện tri thức, được nghe các việc an vui của thế giới đức Phật A Di Đà và được nghe 48 lời đại nguyện của ngài Pháp Tạng Bồ Tát; nghe xong thì qua đời, trong chốc lát, liền vãng sanh Cực Lạc. 

c. Khi vãng sanh:

Ở cõi Cực Lạc qua 7 ngày, gặp đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí; được nghe pháp hoan hỷ, chứng quả Tu-đà-Hoàn, qua một tiểu kiếp, chứng quả A-la-hán. 

C). Ba Phẩm Bậc Thấp 

1. Phẩm Thấp Bậc Thượng 

a. Hành động:

Tuy không phỉ báng kinh điển, nhưng gây rất nhiều tội lỗi, làm nhiều điều ác, ngu si không biết tự hổ thẹn. 

b. Lúc lâm chung:

Lúc gần chết, may mắn được gặp bậc thiện trí thức nói cho nghe danh tự và đề mục 12 bộ Kinh, nhờ đó trừ diệt được ác nghiệp nặng nề. Theo lời chỉ bảo của vị thiện trí thức, chắp tay niệm danh hiệu Phật. Nhờ vậy, trừ diệt được nhiều kiếp tội lỗi trong đường sinh tử luân hồi. Bấy giờ Hóa Phật và Hóa Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đến trước người gần chết tán thán rằng: "Thiện nhân!, nhà Ngươi nhờ có xưng danh hiệu Phật, tội lỗi được tiêu trừ, nên ta đến rước Ngươi". Thấy nghe xong, sanh lòng hoan hỷ, tức thời mạng chung. Liền ngồi hoa sen theo Phật sanh về ao thất bảo. 

c) Khi vãng sanh:

Trải qua 49 ngày, hoa sen mới nở, trong lúc hoa đương nở, đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí phóng hào quang, đứng ở trước mặt, nói cho nghe giáo lý thậm thâm của 12 bộ Kinh; nghe rồi tin hiểu phát lòng vô thượng, trải qua 10 tiểu kiếp, thông hiểu đầy đủ các pháp và thể chứng quả Sơ Ðịa Bồ Tát. 

2. Phẩm Thấp Bậc Trung 

a. Hành động:

Nghiệp chướng nặng nề, hủy phạm ngũ giới, bát giới hay Cụ Túc giới. Ăn cắp vật dụng của Thường Trú, của Chư Tăng. Thuyết pháp không thanh tịnh, không biết hổ với mình thẹn với người; tạo các tội như đã kể trên, đáng lẽ phải đọa địa ngục. 

b. Lúc lâm chung:

Lúc gần chết, cảnh Quỷ Sứ, Địa ngục hiện bày trước mắt; may mắn được gặp thiện trí thức nói cho nghe uy đức quang minh, thần lực quảng đại của đức Phật A Di Đà và tán thán công năng của ngũ hương là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Nghe xong liền tiêu trừ được tội nặng trong nhiều kiếp sanh tử, lửa dữ địa ngục liền chuyển thành gió mát; liền đó có mưa hoa rải rác, trên hoa có Phật và Bồ Tát hóa hiện ra để tiếp dẫn, trong chốc lát liền được vãng sanh vào ao sen thất bảo. 

c. Khi vãng sanh:

Trải qua sáu kiếp sen nở, Đức Quán Âm, đức Đại Thế Chí dùng pháp âm an ủi và nói cho nghe nghĩa lý sâu xa của kinh điển; nghe xong liền phát tâm vô thượng Bồ-đề. 

3. Phẩm Thấp Bậc Hạ 

a. Hành động:

Làm các nghiệp bất thiện, gây đủ mọi tội lỗi như phạm tội ngũ nghịch, thập ác; đã gây các nghiệp ác ấy là phải đọa địa ngục trải qua nhiều kiếp để chịu mọi khổ não. 

b. Lúc lâm chung:

Lúc gần chết, may gặp thiện trí thức nói cho nghe pháp mầu và bảo niệm danh hiệu Phật. Kẻ kia bị bệnh khổ não bức bách không thể niệm được, Thiện hữu thương xót khuyến khích và nhất tâm hộ niệm. Tiếng niệm Phật liên tục khiến kẻ kia có thể niệm theo. Nếu chí tâm niệm theo đủ 10 lần "Nam mô A Di Đà Phật", tức thời nhờ niệm lực ấy mà tội lỗi trong nhiều kiếp được tiêu tan. Lúc mạng chung liền thấy hoa sen vàng như vầng mặt trời hiện ra trước mắt, trong khoảnh khắc liền vãng sanh Cực Lạc. 

c. Khi vãng sanh:

Ở trong hoa sen đủ 12 kiếp, sen mới nở, đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí nói cho nghe thật tướng của các pháp và dạy cho phép diệt trừ tội chướng; nghe xong, sanh tâm hoan hỷ, phát tâm vô thượng Bồ-đề. 

Trong chín bậc ấy, năm bậc trước là kết quả của sự tu tập hồi hướng công đức, nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Phẩm vị sở dĩ có cao thấp bất đồng là căn cứ nơi công tu tập sâu cạn mà có sai biệt. Còn ba bậc chót thuộc hạ sinh thì không những chưa tu thiện pháp thế gian mà lại còn tạo nhiều trọng tội nữa, theo luật quả báo, lúc chết, các ác tướng hiện bày, lẽ đáng phải đọa ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ hay bàng sanh; thế mà, nhờ gặp được thiện tri thức, phát được tín tâm trong lúc ấy, cũng được vãng sanh. Các trường hợp nầy, trong kinh mệnh danh là "đới nghiệp vãng sanh”, đới nghiệp vãng sinh là nhờ nguyện lực rộng lớn của đức Phật A Di Đà vậy; vì lẽ đó cho nên trong Phật Giáo Sơ Học Khóa nói rằng: "Những điều trong Quán kinh dạy rất kinh dị: tạo trọng tội mà vẫn được vãng sanh; nguyện lực Phật quả khó lường, trong tam tạng giáo điển, trừ Quán kinh ra, không thấy có chỗ nào nói như thế", thật là một pháp môn đặc biệt hy hữu; dù như thế, cũng chỉ là đặc biệt thôi, có thể người ấy còn nhiều công đức từ kiếp trước, do đó không nên tạo tội rồi cầu tha lực. 

16) - Bảng so sánh 3 phẩm 9 bậc:

Thấy Ngồi đài Hoa nở Chứng bậc

Phẩm Cao

Thượng sinh: Phật Kim cang Liền Vô sinh 

Trung sinh : Phật Tử Kim 1 đêm 7ngày: Bất thối

1 Kiếp: Vôsinh

Hạ sinh : Phật Hoa sen 1ngày 21ngày: Bất thối

3 Kiếp: Bồ Tát

Phẩm Giữa

Thượng sinh: Phật Hoa sen Liền A La Hán 

Trung sinh : Phật Hoa sen 7ngày Tu Đà Hoàn 

½kiếp: ALaHán

Hạ sinh : Phật Hoa sen 21ngày Tu Đà Hoàn 

1kiếp: ALaHán

Phẩm Thấp

Thượng sinh: Hóa Phật Hoa sen 49ngày Phát tâm Bồ Đề

10 kiếp: Sơđịa BồTát

Trung sinh: Hoá Phật Hoa sen 6 kiếp Phát tâm Bồ Đề

Hạ sinh : Hóa Phật Hoa sen 12 kiếp Phát tâm Bồ Đề

Cước chú:

Nếu tính theo cõi Ta Bà, 1 Kiếp = 16 triệu 800 nghìn năm.

Bảng so sánh trên giúp chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa bậc cao và thấp, bậc cao thấp đều tùy thuộc ở người tu. Hãy ráng cố gắng hành trì kiên cố để được kết quả tốt đẹp hơn.

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2017(Xem: 4491)
Pháp môn Niệm Phật (Buddhanussati) là một pháp môn Thiền quán, quán chiếu nội tại (Phật tâm) và ngoại tại (Phật tướng), đã được Đức Phật trình bày vào những năm 528-479 trước Tây lịch sau khi Ngài thành đạo và thuyết pháp tại Ấn Độ.
25/12/2014(Xem: 8552)
Là phật tử không gì quý hơn, vui hơn, an lạc hơn, giải thoát hơn được học hiểu chút chút các kinh đại thừa liễu nghĩa của Đức Phật dạy. Quy y Tam Bảo, tụng kinh nghe kinh, nghe thuyết pháp, đi chùa hơn 37 năm mà không biết kinh Phật dạy có 2 loại : kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa.
08/11/2014(Xem: 16946)
Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa.
03/10/2013(Xem: 12725)
Qua đề tài: “Sự tương quan giữa các pháp môn hành trì Thiền – Tịnh – Luật của người tu tập” mà chiều hôm nay sau hai tiếng đồng hồ với 11 ý kiến phát biểu, chia sẻ và cùng nhau thảo luận, chúng tôi hết sức hoan hỷ và trân trọng tinh thần tham gia đóng góp ý kiến của Đại chúng. Qua đó chúng tôi xin rút gọn lại và có mấy ý kiến đóng góp them để cùng nhau chia sẻ với Đại chúng như sau:
04/09/2013(Xem: 8720)
Ngày nay, nhiều người niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Điều này phù hợp với đại nguyện của đức Phật A Di Đà cứu độ chúng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài để tiếp tục tu hành tới ngày thành Phật. Do sự mong muốn của một số độc giả nên tôi viết ra những điều căn bản của Pháp Môn Tịnh Độ và của việc Hộ Niệm để giúp người tu biết làm thế nào để được vãng sanh, làm sao biết một người khi chết được vãng sinh hay không; có mấy phương thức tu Tịnh Độ, có bao nhiêu cách niệm Phật, và người tu phải làm những gì để đạt kết quả mỹ mãn?
23/04/2013(Xem: 4334)
Trong Phật giáo, niệm là một thuộc tính của tâm, gọi là tâm sở pháp; nó được xếp vào một trong năm loại tâm sở biệt cảnh. Biệt cảnh có nghĩa là nó chỉ xuất hiện trong những trường hợp và cảnh vực sai biệt, duyên vào từng đối tượng cụ thể mà sanh khởi. Niệm, tiếng Phạn là smṛti, có nghĩa là nhớ. Theo Duy thức học, niệm là tác dụng của tâm nhằm ghi nhớ rõ ràng, không để quên mất một đối tượng nào đó. Thông thường, chúng ta hay nói là hoài niệm, tức là chỉ cho cái tâm nhớ về cảnh giới quá khứ, nhớ những chuyện đã qua.
22/04/2013(Xem: 10728)
Pháp môn Tịnh Ðộ lý cực cao sâu, sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh Ðộ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh, thành 2 thỉ, thành chung.
22/04/2013(Xem: 7452)
Pháp môn niệm Phật, câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” họăc ngắn gọn hơn “A Di Đà Phật” đã hiện hữu với dân tộc Việt Nam hơn ngàn năm nay. Lúc tôi lên tám tuổi (1950), sống ở Hải Phòng, bà nội thường kể cho nghe Hội Chảy Chùa Hương lúc bà nội còn trẻ (thập niên 1920&1930). Lúc này đường đi còn khó khăn, đường lên Chùa núi dốc quanh co. Thế nhưng các cụ cứ chống gậy trúc mà miệng thì niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.
22/04/2013(Xem: 4316)
Có thể nói Tịnh độ là một pháp môn rất phổ biến và thích ứng với mọi tầng lớp từ bình dân cho đến tri thức trong xã hội dù trãi qua bất cứ thời đại nào. Tính ưu việt của pháp môn này chính là dễ thực hành và nếu nhiệt tâm niệm phật, thì chắc chắn ai cũng có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
22/04/2013(Xem: 4194)
Các vị đồng tu thân mến! Lần này chúng ta tập hợp về nơi đây, tuy thời gian rất ngắn nhưng thật là đúng lúc. Bởi vì gần đây, khi chúng tôi đang giảng kinh ở Los Angeles và San Jose có rất nhiều vị đồng tu đến gặp chúng tôi để luận bàn về việc tu học, tuy họ nỗ lực tu tập nhưng lại không đạt khả quan, không thể gặt hái được những công đức và lợi ích thù thắng như Đức Phật dạy trong kinh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]