Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Tịnh Độ Tông của Tây Tạng

17/07/201200:58(Xem: 12714)
05. Tịnh Độ Tông của Tây Tạng
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

V.- Tịnh Độ Tông của Tây Tạng

Trước đây chúng ta ít quan tâm về Phật Giáo Tây Tạng; nhưng những năm cuối của thế kỷ thứ 20; những người Việt Nam nào đã tiếp xúc trực tiếp được với Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hay xem những sách vở được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Anh, Đức, Pháp của các nhà học giả Tây Phương; chúng ta thấy có cái gì đó đặc biệt mà chúng ta cần phải quan tâm nghiên cứu đến.

Ngày nay trên thế giới người ta hay làm những sự thống kê để biết về tư tưởng của cá nhân nầy, cá nhân nọ được bao nhiêu người ủng hộ hoặc sách vở của người ấy viết ra đứng hàng thứ mấy v.v… thì Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng đứng vào hàng thứ tư trong 10 vị có uy tín nhất về lãnh vực tinh thần bằng lòng từ bi và trí tuệ và sách viết cũng như những lời giảng của Ngài đã được thế giới ca tụng và những sách nầy cũng thuộc vào loại bán chạy nhất trên thị trường sách báo.

Cá nhân chúng tôi đã có mấy lần trực tiếp gặp Ngài tại Hamburg (1991), Chùa Viên Giác Hannover Đức quốc (ngày 18.5.1995) hoặc tại Frankfurt (2009) v.v… Hoặc cũng có khi học đạo với Ngài cả một tuần lễ tại Schneverdingen (Đức). Tất cả đều được mang đến sự hỷlạc vô biên. Do vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu về Phật Giáo Tây Tạng cũng như hệ thống truyền thừa, phương pháp tu cũng như những gì có liên quan về vấn đề Tịnh Độ v.v…

Năm 2010 chúng tôi và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Phó trụ trì Tu viên Quảng Đức tại Melbourne, Úc Đại Lợi, đã dịch chung một quyển sách bằng tiếng Anh ra Việt ngữ nhan đề là “Peaceful Death and Joyful Rebirth (Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ) của Đại Sư học giả Tulku Thondrup hiện ở tại Hoa Kỳ. Sách nầy đặc biệt trình bày về trung ấm thân và cách trợ niệm vãng sanh theo phái Cổ Mật của Phật Giáo Tây Tạng. Về phần nầy chúng tôi xếp vào sau cùng, sau khi đã điểm qua những việc chính của Phật Giáo Tây Tạng để chúng ta có một cái nhìn tổng quát về đất nước nầy.

“Phật Giáo Tây Tạng.

Phật Giáo Tây Tạng thông thường người ta gọi là Lạt Ma giáo.

Tây Tạng (Phạn: Bhota; Tạng: Bod, Bod-yul, Gans-can-yul), cũng gọi là Thổ Phồn, Thổ Bá Đặc, Tây Phiên, Ô Tư Tạng, Tuyết Hữu quốc, Tuyết Cốc quốc, Xích Diện, nằm giữa rặng núi Côn Lôn và dãy Hy Mã Lạp Sơn; Đông giáp tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; Tây giáp Ladak; Bắc giáp tỉnh Tân Cương và tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc; Nam giáp Miến Điện, Bhutan, Tích Kim, Népal và Ấn Độ. Địa thế cao dốc, khí hậu rất lạnh. Đời Hán xứ nầy được gọi là Tây Khương, Thổ Phồn. Từ đời Đường về trước, người Tây Tạng chỉ sống theo từng bộ lạc; đến giữa thế kỷ thứ VII, Vua Khí Tông Lộng Tán (tức là Tùy Tán Cán Bố) lên ngôi, thống nhất các bộ tộc, vũ lực hùng mạnh, mở rộng lãnh thổ, thậm chí thường xâm phạm biên cương nhà Đường. Vua Thái Tông nhà Đường cuối cùng quyết định dùng phương thức liên hôn để tranh thủ hòa bình ở biên thùy phía Tây.

Năm Trinh Quán thứ 15 (641) nhà Đường gả Công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng, trước đó, vua Tây Tạng đã cưới Công chúa Ba Lợi Khố Cơ của Népal. Hai bà Công chúa nầy đều là những tín đồ Phật Giáo thuần thành. Vua Tây Tạng được hai bà vợ khuyến hóa nên cũng rất kính tin Phật Giáo. Vua thỉnh các vị Cao Tăng từ Trung Ấn Độ đến Tây Tạng hoằng pháp; đồng thời, gửi một phái đoàn gồm 16 người, do Đại Thần Đoan Mỹ Tam Bồ Đề (Tạng: Tho-Mi-Sambhota) dẫn đầu, đến Ấn Độ du học. Sau khi trở về Tây Tạng, Đoan Mỹ dùng tiếng Phạn làm nền tảng mà chế ra tự mẫu Tây Tạng, phiên dịch kinh Bách Bái Sám Hối; đó là bản kinh đầu tiên được dịch sang tiếng Tây Tạng.

Niên hiệu Cảnh Văn năm đầu (710), Vua Duệ Tông nhà Đường lại gả Công chúa Kim Thành, người rất sùng tín Phật Giáo, cho Khi Lệ Súc Tán. Công chúa Kim Thành sanh được một Vương Tử, sau nầy lên ngôi; tức là Vua Cật Lật Song Đế Tán (Tạng: Khri-Sron-Ide-btsan), người đã lấy Phật giáo làm quốc giáo của Tây Tạng.

Đến khi Lãng Đạt Ma kế vị Tán Phổ lên làm vua (ở ngôi 836-841), vì sùng tín Đạo Bon; nên đã phế bỏ Phật Giáo; bởi thế, khi Khất Ly Hồ lên ngôi thì Phật Giáo đã bị diệt gần hết.

Khi Đế quốc Mông Cổ được kiến lập, Tây Tạng trở thành một phần lãnh thổ của Đế Quốc Mông Cổ và Hốt Tất Liệt đã dùng Phật Giáo để duy trì. May mắn cho Hốt Tất Liệt gặp được vị Tổ thứ 4 của phái Tát Ca là Ban Thiền Đại Lạt Ma Văn Thù Tát Ca (Tạng: Sa-shya Pan-chen). Ban Thiền sai cháu là Bát Tư Ba đến triều Nguyên, Hốt Tất Liệt tôn làm Quốc Sư. Sau, Bát Tư La (1229-1280) kế vị làm Tổ thứ 5 của phái Tát Ca ở Tây Tạng và một thế cuộc mới được mở ra; đó là: “Chính trị và Tôn Giáo hợp làm một”.

Lịch sử Phật Giáo Tây Tạng lấy pháp nạn Lãng Đạt Ma làm mốc; trước đó gọi là Tiền truyền kỳ (thời kỳ truyền bá trước); sau đó gọi là Hậu truyền kỳ (thời kỳ truyền bá sau). Việc dịch kinh Phật ở Tây Tạng bắt đầu vào thời Vua Khí Tông Lộng Tán; Vua từng ban lệnh lập ra 10 điều thiện, 16 điều luật trọng yếu; lại lấy Lạp Tát (Lha-sa) làm trung tâm, xây dựng cung Bố Đạt Lạp (Potala). Vua còn xây chùa Đại Chiêu và chùa Tiểu Chiêu để thờ tượng Phật Thích Ca thỉnh từ Trung Quốc và tượng Phật A Súc thỉnh từ Népal. Đây là thời kỳ hưng thịnh đầu tiên của Phật Giáo Tây Tạng.

Về sau, Vua Cật Lật Song Đế Tán thỉnh 2 vị Tăng nhà Đường là Ngài A Nan Đà, người nước Ca Thấp Di La, phiên dịch kinh điển; đồng thời phái Ngài Ba Sa (Tạng: Pahsa) đến Népal. Năm 747, Ngài Ba Sa gặp Đại Sư Thiệp Hải Tịnh Hộ (Phạn: Snata-raksita) thuộc học phái Trung Quán Thanh Biện, liền thỉnh Ngài đến Tây Tạng. Ngài Tịnh Hộ mang theo những bộ luận của phái Trung Quán đến Tây Tạng, rồi lại soạn “Nhị Đế phân biệt thích” và tuyên giảng giáo pháp Trung Quán. Ngài Tịnh Hộ còn kiến nghị Vua Cật Lật Song Đế Tán thỉnh Đại Sư Liên Hoa Sanh (Phạn: Padma-Sambhava) đến Tây Tạng. Ngài Liên Hoa Sanh truyền Đà La Ni và Chân Ngôn nghi quỹ, khởi đầu cho Mật Giáo Tây Tạng. Đồng thời, đệ tử của Ngài Tịnh Hộ như các vị Ca Ma La Thập (Phạn: Kamalasila; Liên Hoa giới), Tỳ Lô Giá Na Khiếp Đát (Phạn: Vairocana-rasita)… cũng nhận lời đến Tây Tạng dịch kinh, hoằng dương tư tưởng Trung Quán. Nhưng sau một thời gian tương đối lâu, bỗng phát sanh cuộc tranh luận giữa Ngài Tịch Hộ và các đệ tử với một vị danh Tăng của nhà Đường là Hòa Thượng Đại Thừa; sau đó Hòa Thượng Đại Thừa bị thua trong luận trường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Thiền Tông không vì thế mà dứt hẳn ở Tây Tạng.

Về sau Tây Tạng lấy phái Phật Giáo Chủ Tri thời kỳ cuối ở Ấn Độ làm dòng chính; phái nầy chuyên về luận lý; nên các bộ luận Nhân Minh được phiên dịch đến hơn 66 loại. Thời kỳ nầy là thời kỳ kiến lập của Phật Giáo Tây Tạng.

Đến thời Vua Cật Lật Lai Ba Thiệm (Tạng: Khri-ralpa-can, ở ngôi 815-836) lại quy định “Thất hộ dưỡng Tăng”, chư Tăng được tham dự việc chính trị trong nước; nếu ai khinh thường Tam Bảo sẽ bị hình phạt nặng nề. Thời kỳ nầy là thời kỳ tột đỉnh của Phật Giáo Tiền truyền ở Tây Tạng. Thời kỳ nầy quy tụ nhiều bậc hiền tài, về phía học giả Ấn Độ thì có các Ngài: Thắng Hữu, Giới Đế Giác, Thí Giác, Giác Hữu…; về phía học giả Tây Tạng thì có các Ngài: Bảo Hộ, Chánh Tính Giới… Các vị nầy đã biên soạn thành bộ “Phiên dịch danh nghĩa đại tập” (Phạn: Maha-Vyutpatti) rồi căn cứ vào sách nầy mà hiệu đính bổ túc cho các bản dịch cũ của Kinh Bộ; dịch thêm các bộ luận trọng yếu của các bậc Đại Sư: Long Thọ, Đề Bà, Mã Minh, Từ Thị, Vô Trước, Thế Thân… Sau đó Lãng Đạt Ma lên ngôi vua, vì ông nầy sùng tín Đạo Bon nên hủy diệt Phật Giáo, không cho phiên dịch kinh luận, phá bỏ chùa viện, bắt Tăng, Ni hoàn tục, đốt phá kinh điển, tượng Phật. Do đó, Chúng Tăng đương thời phải lánh nạn sang nước lân cận. Sau biến cố Lãng Đạt Ma, Phật Giáo Tây Tạng bước vào thời kỳ Hậu truyền.

Thời Hậu truyền là thời kỳ phục hưng của Phật Giáo; trước hết là Mật Thừa, kế đến là Hiển Thừa. Cuối thế kỷ thứ XI, vị học giả bậc nhất của Mật Thừa là Ngài Lâm Thân Tạng Pha (Tạng: Rin-Chen Bzan-po) đến Ấn Độ; lúc trở về Tây Tạng, Sư thỉnh các học giả Ấn Độ như: Tức Đạt La Ca La Phạm Mạnh (Phạn: Sradha-kara-varman), Ba Dịch Ma Ca La Cấp Đa (Phạn: Padma-kara-gupta)… mang theo về luận bộ và 4 bộ Đát Đặc La. Những kinh điển Phật Thừa trước kia chưa được phiên dịch, thì bây giờ được dịch thêm rất nhiều, như các bộ: Cát Tường Thượng Thừa lạc bản tục vương lược yếu; Hiện thuyết Vô Lượng bản tục; Du Già Đại Giáo Vương Kinh… Giáo nghĩa mà chúng tăng Tây Tạng học tập tu trì là lấy Trung Quán hiển thừa làm chính; bấy giờ sau khi việc phiên dịch các kinh điển Mật Giáo được hoàn thành, thì Phật Giáo Tây Tạng bèn chia ra làm 2 môn là Hiển Môn và Mật Môn. Những kinh điển Mật Thừa được phiên dịch ở thời kỳ nầy khác với những kinh được dịch ở thời đại Ngài Liên Hoa Sanh; cho nên Mật Thừa ở thời kỳ nầy được gọi là Tân Phái Mật Thừa; còn Mật Thừa ở thời đại Đại Sư Liên Hoa Sanh thì gọi là Cựu Phái Mật Thừa; hợp hai phái tân cựu lại, gọi chung là Ninh Mã Phái (Tạng: Rnin-ma-pa), hoặc gọi là Đại Cứu Cánh phái (Tạng: Rdsogs-Chen-pa).

Thời kỳ Phật Giáo Hậu Truyền đạt đến đỉnh cao là thời gian từ khi Ngài A Đề Sa (Phạn: Atisa) đến Tây Tạng (1035-1038) về sau. Các tác phẩm của Ngài như: Luận Bồ Đề Đạo Đăng, kinh Thập Bất Thiện Nghiệp đạo, Hành Tập Đăng… còn trong Đại Tạng kinh Tây Tạng có tới hơn 30 loại; trong đó luận Bồ Đề Đạo Đăng là tác phẩm tiêu biểu; chọn lựa chỗ trọng yếu của Hiển (giáo) và Mật (giáo), biện biệt rõ giới hạn tà chánh, tận lực chấn hưng giáo pháp Đại Thừa. Tư tưởng chủ yếu trong cuộc cải cách do Ngài Tông Khách Ba (1417-1478) tiến hành sau nầy chính đã được khơi dậy bởi lý luận A Đề Sa.

Từ sau khi Ngài A Đề Sa đến Tây Tạng, Phật Giáo Tây Tạng mới chia dòng phái; tất cả có 7 hệ 21 phái; chỉ trừ các phái đã truyền trước thời Ngài A Đề Sa được gọi chung là phái Ninh Mã; các phái còn lại như Ca Đương, Ca Nhĩ Cư, Hy Giải, Tát Ca, Tước Nam, Cách Lỗ… đều có liên hệ với Ngài A Đề Sa. Các phái nói trên, chỉ trừ phái Ca Đương chuyên về việc giáo hóa, còn các phái khác thì đều cấu kết với cường hào địa phương, tham dự việc chính trị, đặc biệt là phái Tát Ca quan hệ rất mật thiết với chính quyền; chúng Tăng ỷ thế kiêu căng, thao túng lũng đoạn, gây ra rất nhiều tệ nạn, công cuộc đổi mới nền Phật Giáo Tây Tạng của Tông Khách Ba đã diễn ra đúng lúc.

Ngài Tông Khách Ba khởi xướng phong trào vận động cải cách tông giáo. Chúng Tăng thuộc các phái Phật Giáo Tây Tạng trước Tông Khách Ba đều đội mũ và mặc áo màu đỏ, được gọi chung là Hồng Giáo. Để phân biệt, Tông Khách Ba lập ra Hoàng Giáo (chúng Tăng đội mũ và mặc áo màu vàng, cũng gọi là Cách Lỗ Phái (Ngạch Nhĩ Đức phái). Hoàng giáo chủ trương tôn trọng kinh giáo, nghiêm trì giới luật, chọn lấy những điều tốt đẹp của các phái; chỉnh đốn lại Hiển Tông và Mật Tông, nêu rõ nghĩa chân thật của Phật Pháp, lập ra trình tự tu hành, khiến nền Phật Giáo Tây Tạng thay đổi lớn lao. Phái nầy về sau sản sanh ra hai vị Lạt Ma là Đạt Lai và Ban Thiền, lần lượt mở ra đầu mối cho nền chính trị tông giáo ở Tây Tạng và 2 vị nầy được xem như là chuyển sinh của đệ tử Ngài Tông Khách Ba. Đạt Lai truyền nối đến nay là đời thứ 14, còn Ban Thiền thì là đời thứ 10.

Cùng thời kỳ với Hoàng Giáo của Ngài Tông Khách Ba có Bạch Giáo (chúng Tăng đội mũ và mặc áo màu trắng) lưu hành ở Hậu Tạng; phái nầy giữ gìn giáo pháp trang nghiêm thanh tịnh (tượng trưng bằng màu trắng); hoằng dương cả Hiển giáo và Mật giáo; nhưng lấy Mật Thừa làm chính. Song, sau khi Hoàng giáo hưng thịnh thì Bạch giáo suy dần. Ngoài ra còn có Hắc giáo, vốn là ngoại đạo Bon, vì đội mũ và mặc áo màu đen; nên gọi là Hắc giáo. Phái nầy chuyên việc cầu đảo, chú thuật, chuyện đồng bóng, cúng tế, thích giáng bút cầu cơ…

Thời cận đại, Phật Giáo Tây Tạng rất được trọng, học giả các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Ấn… đều nghiên cứu, tìm hiểu về Vương thống, ngôn ngữ, kinh sách… của Tây Tạng và về giáo lý, sự thay đổi của Lạt Ma giáo một cách sâu rộng”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 5136-5139).

(Xem Thích Ca Phương Chí quyển thượng; Đại Đường Tây Vực cầu pháp Cao Tăng truyện quyển thượng; Đương thư liệt truyện quyển thứ 141; Cựu ngũ đại sử ngoại quốc liệt truyện thứ 2; Tống sử liệt truyện thứ 251; Nguyên sử liệt truyện thứ 89; Ấn Độ tông giáo sử khảo; Tây Tạng Chi Phật Giáo (Đa Điền Đẳng Quan); Đường Phồn Hội Bi Văn (Tự bản Uyển Nhã, Đại Cốc học báo tập 3, số 10); Life of Buddha (W.W. Rockhill; Le Bouddhisme au Tibet (P.E. Foucaux); History of Indien and Easten Architecture, Vol. 1 (J. Fergusson); Tibetan Temple Paintings (W.J. G. Van Meures); Tây Tạng Phật Giáo sử (Thánh Nghiêm). (Xem thên Tông Khách Ba, A Đề Sa, Ban Thiền Lạt Ma, Đạt Lai Lạt Ma, Ngạch Nhĩ Đức Phái).

Sau khi điểm qua lịch sử Phật Giáo Tây Tạng do Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt bộ Phật Quang Đại Từ Điển thật là công phu và đầy đủ ý nghĩa. Chúng ta, hàng hậu học phải mang ơn Ngài và những người Đài Loan, Tăng cũng như tục đã có công soạn ra bộ tự điển 6 cuốn, tổng cộng từ vần A cho đến Y là 7347 trang và do Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Loan Đài Bắc xuất bản năm 1999. Đây là một tài liệu Phật học rất đầy đủ và tương đối chính xác nhất so với các bộ Tự Điển Phật Học tiếng Việt đã có lâu nay.

Như vậy Phật Giáo Tây Tạng nói chung chia ra làm 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất từ khi được truyền vào đất nước nầy vào thế kỷ thứ 7 bởi sự giới thiệu của hai bà Công chúa Trung Hoa và Népal cho vua Tây Tạng. Từ đó nhà Vua khởi tâm tin Phật và cho người qua Ấn Độ du học, để sau khi thành tài trở lại quê hương căn cứ chữ Phạn đã học được để dịch kinh ra tiếng Tây Tạng và san định ngôn ngữ Tây Tạng có hệ thống. Đây là công đức không nhỏ của những người đứng bên sau hậu trường chính trị. Một vị Tổng Thống Mỹ đã có lần nói rằng: “Bên sau sự thành công của người đàn ông là hình bóng của người đàn bà”. Ở thâm cung khi gần gũi Đức Vua, các Hoàng Hậu, Hoàng Phi đóng một vai trò không nhỏ cho triều đình cũng như sự thịnh suy của Phật Pháp. Họ không những chỉ tập trung vào mối tình vương giả riêng tư, mà còn thôi thúc Đức Vua làm những điều ích quốc lợi dân, lợi đời, lợi đạo nữa.

Thời kỳ truyền vào trước kéo dài từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10. Ảnh hưởng của Ngài Liên Hoa Sanh, mãi cho đến ngày nay vẫn còn rất lớn đối với Tây Tạng và Bhutan. Ngài gần như là vị Tổ Sư khai sáng Phật Giáo Mật Tông tại hai quốc gia nầy.

Thời kỳ hưng thịnh và cũng gọi là thời kỳ hậu truyền kể từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15. Đây là thời gian các ông Vua Phật tử thuần thành tâm đạo; nên đã cho mời các Đại Sư học giả từ Ấn Độ sang Tây Tạng để làm hiển thị Mật giáo tại đây qua các Ngài Atisa (A Đề Sa) và Ngài Tông Khách Ba. Sau thời kỳ Ngài Tông Khách Ba thì Mật Giáo đã lên đến cực điểm và phái mũ vàng lấy Ngài làm Tổ để phát triển Mật Tông, để sau đó trở thành hai vị đại diện cho linh hồn của Ngài Tông Khách Ba là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma.

Như vậy ở Tây Tạng có tất cả là 7 hệ Phật Giáo và 21 phái. Tựu trung có 4 phái chính mà ngày nay người ta vẫn còn thực hành giáo lý của Mật Giáo là phái mũ vàng (phái giữ giới); phái mũ đỏ (phái nầy có gia đình và thuộc về trước thời Ngài Tông Khách Ba); phái Sakya và phái Cổ Mật. Các phái gọi các vị Tăng là Lama, Geshe, Tulku, Rimpoche. Lama nghĩa là Thầy, Đạo Sư. Geshe là những vị học giả, Tulku là hóa thân; Rimpoche là tái sanh v.v… Đây là cách gọi và cách thực hành của từng phái một. Tựu chung vẫn là Mật Giáo; trong ấy chân ngôn, lòng từ bi, trí tuệ luôn được coi trọng. Có phái giữ giới thanh tịnh; nhưng cũng có phái lập gia đình.

Theo như lịch sử đã được biết bên trên thì phái Hắc giáo tức là Đạo Bon; giống như Thần đạo ở Nhật hay đạo thờ ông bà của Trung Hoa và Việt Nam; còn Bạch giáo thì hầu như ngày nay không còn hiện hữu nữa. Nay chỉ còn phái mũ vàng và phái mũ đỏ là đại diện cho Phật Giáo Tây Tạng.

Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu về Tiểu Sử cũng như những hành trạng của các vị Tổ Sư như: Liên Hoa Sanh, A Đề Sa, Tông Khách Ba, Ban Thiền Lạt Ma và Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị độc giả về tư tưởng Tịnh Độ của phái Cổ Mật.

Ngài Liên Hoa Sanh– Ngài sinh năm nào và viên tịch năm nào không ghi rõ.

Tên Phạn là Padma-sambhava, Guru Padma, Urgyan-Padura.

Tạng: Padma-hbyun-guas, Rinpoche.

Hán âm: Ba Đặc Mã Tát Mộc Ba Ngõa

Tổ khai sáng của Phái Hồng Giáo Tây Tạng, sống vào khoảng thế kỷ thứ VIII, người nước Ô Trọng Na, Bắc Ấn Độ (thuộc Pakistan ngày nay).

Ban đầu Sư trụ ở chùa Na Lan Đà, học thông kinh điển Đại Tiểu Thừa. Sư bẩm tính cẩn trọng, khéo dùng các phương tiện trong việc giáo hóa.

Năm 747, nhận lời thỉnh của vua Khất Lật Song Đề Tán (Tạng: Khri-sron Ide btsan, 742-797), Sư cùng với Ngài Tịnh Hộ (Phạn: Santa-raksita) và Liên Hoa Giới (Phạn: Kamalasila) cùng đến Tây Tạng. Vua Tây Tạng liền xây chùa Tang Da (Tạng: Samyas) ở phía đông nam thủ đô Lạp Tát (Lhasa) để các Ngài ở.

Sư truyền bá pháp môn Du Già bí mật ở Tây Tạng, phiên dịch kinh chú, đồng thời thị hiện các kỳ tích thần bí để thu phục sự quy hướng của người Tây Tạng. Pháp môn Du Già bí mật là pháp quán đạt đến Thiền Định Đại Hỷ Lạc. Sư là người đầu tiên truyền Mật Giáo vào Tây Tạng. Sư có 25 đệ tử chuyên việc phiên dịch kinh điển Phật từ tiếng Phạn, Hán sang tiếng Tây Tạng, biên tập thành Đại Tạng kinh Cam Châu Nhĩ của Tây Tạng.

Sư có các tác phẩm: Ngũ Chủng Tam Ma Da, Thánh Kim Cương Thủ thanh y thành tựu pháp Ưu Ba Đề Xá quảng thích chú; Kim Cương tồi phá Đà La Ni thích kim cương đăng, Cát tường thế gian tôn không thành tựu pháp, Bí Mật thư trạng”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 2789). (Xem Luận Chương sở tri quyển thượng; the Buddhism of Tibet (L.A. Waddell).

Lịch sử Phật Giáo Tây Tạng tương đối khá rõ ràng. Cho nên việc nghiên cứu về lai lịch không có nhiều thắc mắc. Ai cũng biết rằng trước thế kỷ thứ 7 dân Tây Tạng vẫn còn sống đời du mục và từ thế kỷ thứ 7 trở đi họ đã ở yên một chỗ, nhà Vua thống nhất các bộ lạc rồi xưng đế và Phật Giáo đã được truyền vào Tây Tạng giữa thế kỷ thứ 8. Tuy trong Tiểu Sử của Ngài Liên Hoa Sanh không có năm sinh; nhưng chúng ta có thể đoán là Ngài đến Tây Tạng ít nhất cũng ở tuổi từ 20 đến 30. Đây là tuổi thành tựu dễ dàng và có đầy đủ tư cách cũng như trí tuệ để chuyển hóa vua quan. Nghĩa là Ngài sanh vào giữa năm 717 đến 727. Riêng việc thị tịch của Ngài thì không rõ ràng. Vì không ai biết Ngài viên tịch ở đâu. Có người cho rằng Ngài sau khi truyền giáo tại Tây Tạng, đã bay đến Bhutan và trở về lại Ấn Độ bằng thần thông; nên không ai rõ được năm viên tịch của Ngài.

Như vậy Mật Giáo được truyền từ Ấn Độ do Ngài Liên Hoa Sanh và các vị khác mang vào. Thuở ấy vào giữa thế kỷ thứ 8, Đại Học Nalanda đang trong thời kỳ hưng thịnh, các pháp môn Duy Thức, Trung Quán và Du Già được các Đại Sư tiền bối hướng dẫn, dạy dỗ, truyền thừa cho những vị nầy. Cho nên Tây Tạng trực tiếp thừa hưởng tông phái nầy ngay từ đầu. Mật Giáo chủ trương tam mật tương ưng; tức là miệng tụng thần chú, tay bắt ấn và ý an định vào Tam Ma Địa. Thân, khẩu, ý khi nào nhất như tức là hành giả đạt được Thiền Định Đại Hỷ Lạc. Sau nầy Mật Giáo là một phần chính yếu của Kim Cang Thừa. Ai muốn tu học thừa nầy đầu tiên phải học những giáo nghĩa của Tiểu Thừa trước, sau mới học Đại Thừa; bước sau cùng hành giả mới vào được Kim Cang Thừa.

Do Mật Giáo được truyền vào Tây Tạng trước; nếu Thiền hay Tịnh Độ Tông được truyền vào đây trước, thì có lẽ người Tây Tạng cũng sẽ tiếp thu những tông phái nầy dễ dàng vậy. Tuy nhiên, Tây Tạng là xứ có nhiều núi cao, khí hậu lạnh lẽo ác nghiệt về đông; nên có lẽ Mật Giáo thích hợp với họ hơn là những tông phái khác. Bên ngoài trời lạnh dưới không độ mà hành giả vẫn luôn trì niệm thần chú thì với sức định ấy có thể tạo ra chất nóng ấm cho cơ thể, nhiều khi có thể làm tan đi nước bị đông đá ở phía ngoài. Đây có thể chỉ là hình thức của việc áp dụng trong sự tu luyện; nhưng điều chính yếu vẫn là khai thông trí tuệ và đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, dầu cho hành giả ấy có tu pháp môn gì đi nữa.

Vào năm 2000 thành phố Hannover, Đức quốc, có tổ chức triển lãm thế giới tại đây. Vương quốc Bhutan xây một ngôi chùa quy mô trong khu triển lãm nầy và ngôi chùa nầy tồn tại ở đó trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên chỗ ăn, chỗ ở cho những người thợ và nhân viên của họ đưa từ Bhutan đến Đức không có chỗ ở, do vậy họ mới nhờ Chùa Viên Giác giúp cho việc nầy. Dĩ nhiên là chúng tôi rất hoan hỷ. Một năm sau, Bộ Ngoại Giao Bhutan có thư mời chúng tôi đến thăm xứ nầy. Phái đoàn 19 người đến từ Đức đã được Hoàng Hậu và Chính phủ Bhutan tiếp đón tại thủ đô Thimphu rất long trọng. Chúng tôi cũng đã được đưa đi thăm các tu viện tại đây. Hầu hết đều ảnh hưởng bởi Phật Giáo Tây Tạng và Ngài Liên Hoa Sanh. Những huyền thoại về Ngài Liên Hoa Sanh cũng giống như tại Tây Tạng vậy.

Nước Bhutan trong hiện tại là một quốc gia có vấn đề bảo vệ môi sinh tốt nhất trên thế giới. Đã có lần ông Vua Bhutan bảo rằng: “Thế giới ngày nay đo độ tiến bộ của quốc dân bằng sự tăng trưởng của kinh tế; nhưng đối với quê hương của ông, khi nào người dân làm được những việc đạo đức, thì đó là sự tăng trưởng của nước ông”. Đây là lời tuyên bố có tính cách lịch sử và mới đây vào giữa tháng 10 năm 2011 ông Vua Wangchuch chưa đến 60 tuổi; nhưng đã trao truyền ngôi vua cho Thái Tử và đám cưới của Thái Tử cử hành theo nghi lễ của Phật Giáo do các vị Đại Sư chủ trì. Nhìn nhà Vua ăn vận lễ phục, không khác gì một vị Sư. Vì bên trên mình có khoác thêm một chiếc y màu vàng. Đây có lẽ là truyền thống của Phật Giáo chăng?

Đến thế kỷ thứ 10 là một thế kỷ đặc biệt ở Tây Tạng. Vì Tịnh Độ Tông cũng được truyền vào đây vào thời kỳ nầy. Đồng thời thuở ấy ảnh hưởng của Ngài Atisa cũng không ít. Sau đây chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và hành trạng của Ngài.

A Đề Sa(982-1054); tiếng Phạn là Atisa, tên Tây Tạng: Phul-byun. Cũng gọi là A Đế Giáp, A Để Sa, A Thông Sa. Tổ khai sáng phái Ca Đương (Phạn: Bkah-gdam-pa) của Phật Giáo Tây Tạng; người nước Tát Hạ (Zahora) đông Ấn Độ, con thứ của Vua Thiện Tường (Tạng: Dge-ahi-dpa), vốn tên là Nguyệt Tạng. Hai mươi chín tuổi, Ngài theo luật sư Giới Hộ (Phạn: Silaraksita) xuất gia. Sau khi xuất gia, Ngài học rộng các kinh điển của Đại Chúng Bộ, Thượng Tọa Bộ, Chính Lượng Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ và Mật Giáo. Pháp danh của Ngài là Cát Tường Nhiên Đăng Trí (Phạn¨Dipankarasrijnana, cũng gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí). Ngài từng tham học các Đại Sư Mạt Để Nhã Na Bồ Đề (Phạn: Matijnana Bodhi), Trí Tường Hữu, Pháp Hộ (Phạn: Dhar-maraksita), A Phạ Độ Để Ba (Phạn: Avadhutipa), Bảo Sanh Tịch Tĩnh (Phạn: Ratnakarasantipa), Tiểu Cô Tát Lê, Nhật Tỉ Khô Cử (Tạng: Rigs-pahi khu-byug). Sau Ngài đến chùa Siêu Giới (Phạn: Vikramasila) ở nước Ma Yết Đà giảng dạy về Đại Tất Địa và các học thuyết Đại Thừa.

Năm 1038 Tây lịch, nhận lời mời của Vua Tây Tạng là A Lý Trí Quang và Bồ Đề Quang, Ngài rời Ma Yết Đà đi Tây Tạng. Bấy giờ, tín đồ Phật Giáo Tây Tạng đều tu theo tà pháp, không trọng đức hạnh, Ngài bèn soạn sách, lập thuyết nhằm khôi phục nền Phật Giáo Ấn Độ chân chính, chấn hưng giới luật, thống nhất Phật Giáo Tây Tạng, sáng lập phái Ca Đương, đi giáo hóa khắp xứ Tây Tạng, cứu vãng phong tục đồi trụy, đặt ra phép tắc mới, bộ mặt Phật Giáo Tây Tạng nhờ đó thay đổi hoàn toàn. Trong thời gian ấy Ngài phiên dịch kinh điển và soạn thuật, hình thành cuộc phục hưng Phật Giáo Tây Tạng trước kia chưa từng có. Về sau, Ngài nhập tịch ở chùa Nhiếp Đường (Phạn: Sni-than) phía Tây Nam Lạp Tát (Lhasa), thọ 73 tuổi.

Những kinh điển do Ngài dịch gồm có: Luận nhị vạn quang minh, Nhiếp Đại Thừa luận thích, Luận phân biệt nhiên, Đại Thừa bảo tích luận thích. Ngài soạn thuật hơn ba mươi bộ, như: Luận Bồ Đề đạo đăng, Kinh Thập bất thiện nghiệp đạo, Hành tập đăng, luận Nhập nhị đế, Trung Quán giáo thọ, Vô Cấu bảo thư hàn… tất cả hơn 30 bộ. Trong số nầy Luận Bồ Đề Đạo Đăng là trọng yếu hơn cả. Tác phẩm nầy đã được Sư Pháp Tôn dịch ra Hán văn và xuất bản vào năm 1978.

Về phương diện tu hành, Ngài cực lực đề xướng gồm tu giữ giới, thiền định và quán pháp. Ngài còn lập giáo phán “Tam Sĩ Giáo” (Tạng: Skyed-bus gum-gyi lam-guyi rim-pa) chủ trương tu tập theo thứ tự phù hợp với ba căn thượng, trung, hạ. Ngoài ra, Ngài đặc biệt tôn sùng tín ngưỡng hóa thân Văn Thù. Trong việc dạy học, truyền đạo, vì Ngài đặc biệt coi trọng “nghiệp quả”; nên người đời còn tôn xưng Ngài là “nghiệp quả luận sư”.

Ngài suốt đời giáo hóa, đệ tử học pháp rất đông, những người nổi tiếng hơn cả thì có: Khố Đốn (Tạng: Khu-ses-rah brtson-hgrub), Lạc Mẫu Đông (Tạng: Hbrom-ston) v.v… Trong tư tưởng Phật Giáo, Ngài một mực phản đối việc trước nay lấy luận Trung Quán của Bồ Tát Long Thọ làm trào lưu chủ yếu của tư tưởng đương thời, mà cổ xúy tư tưởng Du Già của Bồ Tát Di Lặc.

Giáo nghĩa của Phật Giáo Tây Tạng vốn rất đơn điệu, sau khi được tư tưởng mới nầy kích thích, thì ngoài phái Ca Đương sẵn có, còn chia ra phái Tất Ca (Tạng: Saskya-pa) và phái Ca Nhĩ Cư (Tạng: Bkah-bagyud-pa).

Trong các đệ tử, Sư Lạc Mẫu Đông kế thừa thuyết của Ngài, mở rộng giáo thuyết của phái Ca Đương, có ảnh hưởng rất lớn đối với phái Phật Giáo Tây Tạng phát triển sau nầy. Ngài Tông Khách Ba khai sáng phái Ngạch Nhĩ Đức (Tạng: Dge-Lugs-pa) lấy giáo nghĩa do Ngài A Đề Sa đề xướng làm trung tâm, vì thế phái Ngạch Nhĩ Đức còn gọi là phái Ca Đương mới”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 31-32). (Xem Đa La Na Tha Ấn Độ Phật Giáo sử; Lạt Ma giáo sử lược (Trần Thiên Âu); Biên Cương chính giáo chi nghiên cứu (Hoàng Phấn Sinh); Tây Tạng Phật Giáo sử (Thánh Nghiêm); Tây Tạng Phật Giáo đích Ca Đương phái (Hiện đại Phật Giáo học thuật tùng san 75); Tây Tạng Phật Giáo (Túc Tùng đơn truyện).

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng là Phật Giáo được truyền vào Tây Tạng lúc ban đầu do Ngài Liên Hoa Sanh là lấy Mật Giáo làm chính và Trung Quán của Tổ Sư Long Thọ là phép tu từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10. Ngài Long Thọ chủ trương bát bất Trung Đạo. Nghĩa là: Không sanh, không diệt, không đến, không đi, không còn, không mất, không một mà chẳng khác một. Đây là một tư tưởng, một giáo thuyết có tính cách trung dung, tu theo tinh thần Bát Nhã rất được tôn trọng tại Ấn Độ cũng như Trung Quốc thuở bấy giờ; nhưng đến đầu thế kỷ thứ 11, khi Ngài Atisa hiện diện tại Tây Tạng thì Ngài chủ trương theo giáo lý Du Già của Ngài Di Lặc vào thế kỷ thứ 5 thứ 6, chủ trương theo các bộ Du Già Sư Địa Luận, lấy thức làm sự biến hiện chính của mọi hành hoạt của chơn đế và tục đế. Thế là giữa hai phái nầy có sự đối chọi nhau cả về lý thuyết lẫn thực hành. Vì vậy Phật Giáo Tây Tạng cũng phải chịu khốn đốn một thời. Tuy rằng Ngài A Đề Sa không bỏ những lập luận cũ của phái mũ đỏ; nhưng vẫn luôn đề cao tư tưởng Du Già. Tuy sau nầy có một số vị Đạo Sư muốn tổng hợp hai tư tưởng nầy lại; nhưng cuối cùng tư tưởng Trung Quán vẫn nổi bật; còn tư tưởng Du Già của Ngài A Đề Sa thì bị tư tưởng kia chinh phục. Mãi cho đến thế kỷ thứ 15 khi Ngài Tông Khách Ba xuất hiện, Ngài vẫn dùng tư tưởng của Ngài A Đề Sa để phát triển và lúc ấy Phật Giáo Tây Tạng đã tạo ra được một sự dung hòa và lập ra một phái mới. Đó là phái mũ vàng và gồm cả hai truyền thống là: Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma.

Sau đây là cuộc đời và hành trạng của Ngài Tông Khách Ba.

“Ngài Tông Khách Ba sinh năm 1417 và viên tịch năm 1478. (Tạng: Tson-kha-pa). Ngài là nhà cải cách Phật Giáo Tây Tạng sống vào thế kỷ thứ 15, cũng là Tổ khai sáng của phái Hồng Mạo (phái đội mũ màu đỏ) thuộc Lạt Ma giáo, người ở vùng Tông Khách tại Tây Ninh thuộc tỉnh Thanh Hải.

Sư vốn có tên là Hiền Tuệ, Xứng Cát Tường, Pháp danh là La Bốc Tạng Trát Khắc Ba, La Tang Trát Ba (Tạng: Lozan-tak-pa), còn “Tông Khách Ba” là do người đời sau tôn xưng theo địa danh, nơi sinh của Sư.

Lúc Sư lên 3, Pháp Vương Cát Mã Ba Du Hí Kim Cương từ Tây Tạng đến Nội địa thấy Sư có dung mạo phi phàm, liền cho Sư thọ cận sự giới, ban hiệu là Khánh Hỷ Tạng. Năm 7 tuổi, Sư y chỉ vào Ngài Đôn Châu Nhân Khâm thọ giới Sa Di. Sư tu học pháp Liên Hoa Bộ ở chùa Tát Ca tại Trát Thập Luân Bố (Nhật Khánh Tắc), lãnh hội hết ý nghĩa sâu kín. Sư lại đến tuyết sơn tu khổ hạnh trong mấy năm, người Tây Tạng tôn Sư là Giáp Lặc Ngõa. Rồi Sư tu học giáo nghĩa của phái Ca Đương (Tạng: Bkah-gdam-pa), đồng thời đi tu học các nơi. Bấy giờ phái Tát Ca (Tạng: Sa-skya-pa) đã bị rơi vào tà giáo chú pháp của phái Hồng Mạo (phái mũ đỏ), Sư rất thương cảm nên phát nguyện cải cách. Năm 36 tuổi, Sư đề xướng chủ nghĩa nghiêm thủ độc thân theo đúng giới luật của Phật Giáo, sáng lập giáo phái Đâu Suất (Phạn: Dgah-Idan), sau đổi thành phái Ngạch Nhĩ Đức (Tạng: Dge-lugs-pa) nghĩa là phái Đức hạnh. Người đương thời thấy tình trạng đồi bại của phái Hồng Mạo nên rất ngưỡng mộ giáo đoàn của Sư. Nhưng cũng vì thế mà Sư bị các nơi áp bức nên phải ẩn trốn trong núi.

Sư đề xướng thuyết dung hợp giữa Bát Nhã Trung Quán và Bí mật Kim cương thừa; giáo lý của Sư thu hút phái Ca Đương từ Ngài A Đề Sa về sau và thực hành phương pháp khất thực, tọa cụ, phục trang, giới luật của Phật Giáo nguyên thủy; đồng thời đội mũ màu vàng để phân biệt với phái đội mũ màu đen (Tạng: Shwa-nag) của Đạo Bon và phái đội mũ đỏ (Tạng: Shwa-dwar) đã có từ xưa đến nay, cho nên hệ phái của Sư được gọi là Hoàng Mạo phái (Tạng: Shwa-sen), Hoàng y phái (phái áo vàng). Giới luật và đức hạnh của Sư lan tỏa trên toàn cõi Tây Tạng; phạm vi thế lực cũng dần dần được mở rộng và trở thành nguồn gốc của Đạt Lai và Ban Thiền Lạt Ma đời sau. Sư sáng lập Chùa Cam Đan ở ngoại ô thủ đô Lhasa, là bản sơn của phái Hoàng Mạo. Sau đó Sư sai đệ tử xây chùa Sắc Lạp và chùa Biệt Bạng ở gần Lhasa, ở các Chùa nầy, Sư chia ra giáo hóa, chỉ trong mấy năm đã giành được tòa pháp của Hồng Y Lạt Ma. Tín đồ đều coi Sư là hóa thân của Phật A Di Đà hoặc của Bồ Tát Văn Thù và lại càng thêm sùng kính. Thông thường Sư cũng được mọi người tôn là: “Đệ Nhị Năng Nhân”.

Các đệ tử nổi tiếng của Sư có: Đạt Nhĩ Ma Nhân Khâm (Tạng: Dar-ma rin-chen, 1364-1436), Căn Đôn Châu Ba (Tạng: Dge-hdun-grub-pa) 1390-1475), Khải Châu (Tạng: Mkhas-grub-rje, 1385-1435) … Trong đó, 2 vị Căn Đôn Châu Ba và Khải Châu được Sư truyền đại pháp. Ngài Căn Đôn Châu Ba thì mở rộng hệ thống truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma, còn Ngài Khải Ba thì mở rộng hệ thống truyền thừa Ban Thiền Lạt Ma. Đạt Lai và Ban Thiền đời đời chuyển sinh để hóa độ chúng sanh.

Sư có rất nhiều tác phẩm, đến hơn 200 loại lớn nhỏ, bao gồm các sách chú thích về Hiển Giáo và Mật Giáo, Văn Lễ tán, Văn Kỳ đảo, sách giáo dục, thư hàn, giáo thư, bí mật nghi quỹ, thành tựu pháp… được biên chung thành Tông Khách Ba toàn thư (Tạng: Gsuns hbuus). Trong đó có hai tác phẩm quan trọng nhất là: Bồ Đề đạo thứ độ luận (Tạng: Bya-Chub-lam-rim) nói khái quát về giáo nghĩa của phái Thậm Thân quán (Tạng: Zad-mo Ita-ba), Phái Quảng Đại hành (Tạng: Rgya-chen Spyod-pa) thuộc Hiển Giáo và Bí Mật đạo thứ đệ luận (Tạng: Snag-rim, cũng gọi Mật Tông đạo thứ luận) nói khái quát về giáo nghĩa của phái Gia Trì Kỳ Đảo (Tạng: Nam-Ienbyin-Alabs) thuộc Mật Giáo. Trong hai bộ luận trên, Ngài Tông Khách Ba nói rõ về thứ tự tu hành của Hiển Tông và Mật Tông, đồng thời nhấn mạnh chủ trương quan trọng là bất luận Hiển hay Mật đều phải gìn giữ giới luật. Hai tác phẩm nầy đều có bản nói rộng và nói lược. Bồ Đề Đạo thứ đệ quảng luận gần đây đã được Ngài Pháp Tôn dịch ra Trung văn (bản in chụp của nhà xuất bản Văn Phong), lược luận phần lớn cũng đã được Ngài Đại Dũng dịch và Ngài Pháp Tôn bổ túc (bản in chụp của Ấn kinh xứ ở Đài Loan). Nhìn chung giá trị tư tưởng then chốt của Sư là ở chỗ liên kết Phật Giáo Đại Thừa ở thời kỳ cuối tại Ấn Độ với Phật Giáo Tây Tạng.

Giáo chỉ của Phái Hoàng Y do Sư truyền thực ra đã dựa vào Liên Hoa hộ pháp của A Di Đà Như Lai do Ngài Long Thọ (Mãnh) truyền đều tôn thờ Minh Phi bộ hộ của Bổn Tôn bộ mẫu, giống như phái Hồng Y, mà pháp tu nghiệm cũng không khác với phái Hồng Y. Chỉ vì chỉnh đốn phái Hồng Y và chú trọng về “Cam Châu Nhĩ” nên giữ nghiêm giới luật, thăng hoa đức hạnh, lấy việc thành tựu sự trong sáng của Liên Hoa bộ một cách chân chính làm yếu chỉ căn bản, còn giáo quy của Sư thì lấy sự hộ trì tâm Bồ Đề làm chính.

Ngay trong phái Hoàng y cũng có 2 phái lớn và đều tôn sùng đức hạnh giới luật, chân thực tu nghiệm, hình thức lý thú của 2 phái đều không khác nhau.

Tông Khách Ba thị tịch vào năm Vĩnh Lạc 15 (1478) đời nhà Minh, thọ 61 tuổi. Các đệ tử của Sư lấy ngày Sư thị tịch 25 tháng 10 làm ngày Tông giáo. Nhưng về năm sinh và ngày mất của Sư có nhiều thuyết khác nhau, như có thuyết cho rằng Sư sinh năm 1355 và thị tịch năm 1417; lại có thuyết chủ trương Sư sinh năm 1357 và thị tịch năm 1419 …”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 6252-6254).

(Xem Tây Tạng Phật Giáo Sử Lược (Lý Dực Chước); Lạt Ma Giáo giáo lý khải thuyết (Tự Bản uyển nhã); Tây Tạng Phật Giáo nghiên cứu (Trường Vĩ Nhã Nhân); Grammar of the Tibetan Language, by E. Schlagintweit); the Buddhism of Tibet, by L.A. Waddell; Tibetan English Dictionary, by Candra Das; Tibetan Temple Paintings, by W.J.G. Van Meurs) xem thêm Thậm Thâm quán.

Đọc lịch sử của các vị Giáo chủ của các Tôn Giáo, chúng ta thấy có nhiều điều vi diệu khó lường. Vì lẽ đó là những vị Phật; những vị Bồ Tát xuất hiện nơi đời nên có những điềm lành như vậy. Điều nầy trong kinh điển và sách vở vẫn còn ghi lại và tiên đoán như thế. Đến khi các vị Tổ Sư ra đời cũng có nhiều hiện tượng lạ trước, trong và nhất là sau khi thành Tổ của một Tông Phái. Đa phần ngày trước không ghi chép rõ ràng; nên người đời sau chỉ dự đoán, tiên liệu và từ đó lại có thêm bớt nhiều điều. Ngay cả ngày sinh tháng đẻ, ngày mất v.v… vẫn không rõ ràng thì làm sao những sự kiện khác lại có tính cách trung thực được. Những điều linh thiêng ấy chúng ta có thể gọi là một phép lạ đi. Phép lạ ấy có một nhà thần học Đức tên là Jonnhanes Lehmann ông ta viết quyển Buddha und seine Lehre (Đức Phật và giáo lý của Ngài), ông ta viết rằng:

“Thay vì người ta phải chịu khổ nạn bị đóng đinh trên thập tự giá như Đức Chúa Jesus Chris, thì người ta hay tin vào những phép lạ mà Đức Chúa đã được thành tựu. Thay vì người ta phải chịu khổ hạnh và thiền định để tìm ra trí tuệ giác ngộ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì người ta hay tin vào những phép mầu và thần thông diệu dụng của Ngài”.

Nhận xét bên trên của một Mục Sư Tin Lành về Đức Chúa và Đức Phật quả thật không sai. Bởi vì đời nay đa phần con người rất yếu đuối; cho nên muốn có được những thần lực như thế; hoặc cách nầy hay cách khác để người ta thần thánh hóa những bậc giáo chủ của nhân loại lên một bậc cao hơn nữa.

Có lần báo chí phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rằng:

Thưa Ngài! Có phải Ngài là hóa thân của Bồ Tát không?

Ngài đáp: Không! Tôi chỉ đơn thuần là một Tăng sĩ.

Đó là câu đáp bằng tiếng Anh. Thế nào là đơn thuần? – Nó có nghĩa là bình thường thôi không có gì đặc biệt cả.

Đôi khi Ngài cũng trào phúng nói rằng: Tôi đâu có biết chữa bịnh; nhưng nhiều người nghĩ rằng tôi chữa bịnh được; nên đem người bịnh đến trước tôi. Thôi thì, tôi cũng đọc cho họ vài câu chú vậy.

Xem qua lịch sử của Ngài Tông Khách Ba quả thật Ngài là một bậc Tổ Sư đại tài. Vì Ngài dung hợp được tất cả những dị biệt của phái Hồng Mạo có liên hệ và tin tưởng của Ngài A Đề Sa (cả Trung Quán và Du Già) để Ngài an tâm các học phái cũ và mới thuở ấy. Nhưng Ngài cũng đã không quên về Liên Hoa bộ của Đức A Di Đà Như Lai do Ngài Long Thọ, Tổ Sư thứ nhất Tịnh Độ Tông Ấn Độ; cho nên người đời tôn sùng Ngài Tông Khách Ba là hiện thân của Đức Phật A Di Đà và đôi khi là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nữa.

Những tư tưởng của Ngài và những thành tựu theo phép tu của Ngài đã sản sinh ra hai hệ phái lớn của Hoàng Mạo là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Hai phái nầy vẫn còn tồn tại trong và ngoài Tây Tạng từ cuối thế kỷ thứ 15 đến nay (2011) qua 14 đời của các vị Đạt Lai Lạt Ma và 10 đời của các Ngài Ban Thiền Lạt Ma.

Năm 1949, Mao Trạch Đông đã chiếm cứ toàn cõi Trung Hoa và sau đó xua quân qua chiếm Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma ẩn nhẫn sống với chế độ Cộng Sản Trung Quốc trong 10 năm, kể từ năm 1949 đến năm 1959; nhưng sau đó Ngài đã tìm đường vượt biên sang Ấn Độ tỵ nạn tại Dharamsara từ đó đến nay (2011) cũng đã hơn 50 năm rồi, chưa có lần nào quay về lại được quê hương cũ. Trong khi đó Đức Ban Thiền Lạt Ma muốn ở lại quê hương để sống hòa đồng cùng người Trung Quốc; nhưng cuối cùng thì chính trị đã biến tướng hình thức Tôn Giáo vốn có từ lâu đời của xứ nầy; khiến cho phương Tây cũng đau lòng; nhưng nhờ sự mất mát tại quê hương Tây Tạng như vậy, qua ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại ngoại quốc từ năm 1959 đến nay, khiến thế giới phải chú ý đến cách tu học và hành trì của Phật Giáo Tây Tạng. Bằng nhiều cách khác nhau như qua sự diễn giảng, chủ trì những buổi đại lễ, tiếp xúc báo chí, sách vở v.v… Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tạo nên một ấn tượng mạnh về lãnh vực tinh thần không những với người Phật Tử Á Châu mà cho cả hằng triệu người Tây phương trên thế giới nữa.

Sau đây chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và tiểu sử của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Dalai Lama vốn là tiếng tôn xưng những vị đệ tử Phật vừa có trí đức, vừa có thắng hạnh. “Dalai” là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là biển; Lama là tiếng Tây Tạng, có nghĩa là Thượng Nhân. Đạt Lai Lạt Ma là chỉ cho vị Pháp Vương thống trị Tây Tạng; tức là những vị nối tiếp sự nghiệp của Ngài Tông Khách Ba người phục hưng nền Phật Giáo Tây Tạng và là khai tổ của phái Hoàng Mạo (phái mũ vàng). Đạt Lai Lạt Ma cũng chỉ cho một trong hai hệ thống Hoạt Phật chuyển sinh, hệ thống kia là Ban Thiền Lạt Ma. Nhưng ở Tây Tạng danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma phần nhiều được dùng về mặt ngoại giao.

Người Tây Tạng còn có nhiều tiếng tôn xưng khác như:

1.- Gia Mục Căn Nhân Ba Thiết (Tạng: Sky-abs-mgon-rim-po-che), nghĩa là Cứu Hộ Tôn Giả.

2.- Cát Ba Nhân Ba Thiết (Tạng: Rgyal-ba-rim-po-che), nghĩa là Đắc Thắng Tôn Giả.

3.- Đạt Mục Khâm Kham Ba (Tạng: T’ams-cad-mk’yen-pa), nghĩa là Nhất Thiết Trí Giả Nhân viên Cận vệ Đạt Lai Lạt Ma thì gọi là “Bố Cách” (Tạng: Sdbugs), nghĩa là Đại Nội.

Ngoài ra, Đạt Lai Lạt Ma các đời phần nhiều dùng danh hiệu “Gia Mục thố” (Tạng: Rgyo mtsho), nghĩa là “biển” đặt sau tên.

Về nguồn gốc của danh từ Đạt Lai Lạt Ma thì có 2 thuyết:

1.- Khoảng năm Vạn Lịch thứ 6 (1578) đời Vua Thần Tông nhà Minh, vị đệ tử đời thứ 3 của Ngài Tông Khách Ba là Tỏa Lãng Gia Mục Thố đến Mông Cổ hoằng pháp, được An Đáp Hãn (Altam Khan, Vua) của Mông Cổ phong tặng tôn hiệu “Đạt Lai Lạt Ma Kim Cương Trì”. Từ đó về sau tôn hiệu nầy trở thành tên gọi của toàn thể hệ phổ. Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng có chỗ nói An Đáp Hãn phong tặng tôn hiệu là Kim Cương Trì (Phạn: Vajra-dhara) chứ không phải là Đạt Lai.

2.- Khoảng năm Thuận Trị thứ 7 (1650) đời vua Thế Tổ nhà Thanh, vị đệ tử đời thứ 5 của Ngài Tông Khách Ba là A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Tạng: Nag-dban blo-bzan rgya-mtsho, 1617-1682) được Cố Thủy Hãn (Tạng: Gu-sri Khan, Cố Thực Hãn) của Ách Lỗ Đặc Mông Cổ cùng Thạc Đặc Bộ phong tặng tên hiệu “Đạt Lai”. Cố Thủy Hãn từng giúp Gia Bốc Tạng Gia Mục Thố thống nhất toàn cõi Tây Tạng, hoằng dương Hoàng giáo. Từ đó, những người truyền nối về sau đều có tên gọi Đạt Lai Lạt Ma.

Phật Tử Tây Tạng rất tôn sùng Lạt Ma; cho nên rằng nếu cúng dường Lạt Ma về vật chất và tinh thần thì có thể thành Phật. Đạt Lai Lạt Ma từ đời thứ 1 đến nay được coi là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, được toàn thể dân chúng Tây Tạng tôn sùng là bậc Vô Thượng. Trải qua các đời, những vị Đạt Lai Lạt Ma giữ gìn nghiêm khắc chủ nghĩa độc thân và dùng pháp chuyển sinh (Phật sống) để quyết định người thừa kế.

Ngoài ra, bộ sách thu gom những tác phẩm của các đời Lạt Ma được gọi là: “Lạt Ma Lịch Thế Toàn Thư” (Tạng: Skyabs-mgon-rim-hbhyun gsun hbunu). Trong đó bộ Luận Tùng của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 là một tác phẩm rất quan trọng, nó hàm nhiếp cả giáo lý Hiển, Mật và bao gồm lịch sử, kinh lục v.v… của Tây Tạng.

Từ đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 trở về sau, khi Tây Tạng tiếp nhận chính quyền toàn lãnh thổ của mình từ Mông Cổ, thì Đạt Lai Lạt Ma trở thành người nắm quyền lực cao nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị cũng như người đứng đầu phái Hoàng Mạo, cai quản hơn 3.000 ngôi Chùa viện và 400.000 Lạt Ma.

Nay tường thuật sơ qua về sự truyền thừa các đời Đạt Lai như sau:

- Đời thứ 1. Đạt Lai Căn Đôn Châu Ba (Tạng: Dge-gdun-grub, 1391-1475).

- Đời thứ 2. Đạt Lai Căn Đôn Gia Mục Thố (Tạng: Dge-gdun-rgya-mtsho, 1476-1543).

- Đời thứ 3. Đạt Lai Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Tạng: Bsod-nams-rgya-mtsho, 1543-1588).

- Đời thứ 4. Đạt Lai Vinh Đan Gia Mục Thố (Tạng: Yon-tan-rgya-mtsho, 1589-1616).

- Đời thứ 5. Đạt Lai A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Tạng: Nag-dban blo-bzan rgya mtsho, 1617-1682).

- Đời thứ 6. Đạt Lai Thương Ương Gia Mục Thố (Tạng: Tshans-dbyans rgya mtsho, 1683-1706).

- Đời thứ 7. Đạt Lai Cách Tang Gia Mục Thố (Tạng: Skal-bzan-rgya-mtsho, 1708-1758).

- Đời thứ 8. Đạt Lai Khương Bạch Gia Mục Thố (Tạng: Hjam-dpal-rgya-mtsho, 1758-1805).

- Đời thứ 9. Đạt Lai Long Đa Gia Mục Thố (Tạng: Lun-stogs-rgya-mtsho, 1805-1816).

- Đời thứ 10. Đạt Lai Sở Xưng Gia Mục Thố (Tạng: Tshul-khrim-rgya-mtsho, 1816-1837).

- Đời thứ 11. Đạt Lai Khải Châu Gia Mục Thố (Tạng: Mkhas-sgrub-rgya-mtsho, 1837-1855).

- Đời thứ 12. Đạt Lai Xưng Lặc Gia Mục Thố (Tạng: Sprin-Las-rgya-mtsho, 1856-1875).

- Đời thứ 13. Đạt Lai Thổ Đan Gia Mục Thố (Tạng: Thuh-bstan-rgya-mtsho, 1876-1933).

- Đời thứ 14. Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là Lạp Mộc Đăng Châu (Tạng: Nag-dban-blo-bzan-bstan-hdsin-rtgya-mtsho, 1935-…).

Năm 1959 sau cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng chống lại sự thống trị của cộng sản Trung Quốc thất bại, Đức Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong sang Ấn Độ. Từ đây, sự hưng suy của Phật Giáo Tây Tạng rất được thế giới quan tâm”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 1659-1660).

(Xem A. Waddell: The Buddhism of Tibet; W.W. Rockhill: The Dalai Lamas of Lhasa their relation with the Manchu Emperors of China).

Vào ngày 18 tháng 5 năm 1995, chùa Viên Giác tại Hannover, Đức quốc, cá nhân chúng tôi cũng như toàn thể đồng bào Phật Tử Việt cũng như Đức đã có hân hạnh đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại chánh điện Chùa Viên Giác từ 12 giờ trưa đến 16 giờ chiều. Chỉ 4 tiếng đồng hồ thôi; nhưng năm 1996 chúng tôi đã viết thành một quyển sách nhan đề là “Tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma” bằng 2 thứ tiếng Việt và Đức. Trong sách nầy chúng tôi đã mô tả tất cả những sự kiện đã xảy ra trước và sau khi Ngài đi về để xem. Ngoài ra các đoạn phim quay thuở ấy cũng còn giữ lại nơi Thư viện và Website của Chùa.

Ngày ấy cũng là ngày làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây Chùa Khánh Anh mới tại Evry (Paris) Pháp quốc, cho nên Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt đã không đến tham dự được. Chỉ có Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định và Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ đến dự mà thôi. Đây là một niềm vinh dự lớn lao của Chùa Viên Giác. Vì sau lễ hoàn nguyện Chùa năm 1993, Chùa đã cung đón được một vị Phật sống như vậy, quả là phước đức vô ngần.

Gần gũi Ngài, tiếp xúc với Ngài, dầu nhiều hay ít, chúng ta cảm nhận được lòng từ bi và trí tuệ của Ngài. Có những buổi giảng pháp tại Frankfurt, Hamburg, Schneverdingen (Đức) quy tụ cả hàng vài chục ngàn người; nhưng sức nhiếp hóa của Ngài quá vi diệu; nên các sân vận động và hội trường đều im lặng như tờ. Mỗi ngày Ngài giảng từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ và buổi chiều thì cho thảo luận, hỏi đáp… lúc nào cũng có những câu trả lời thật là hài hước và sâu thẳm bằng trí tuệ thâm chứng của Ngài. Nhiều khi những tràng pháo tay bất tận đã làm cho Ngài thật cảm động.

Ngài rất giản dị, thực tế, đôi khi khôi hài tự nhiên, nhiều lúc như con trẻ. Vì đó có lẽ là bản tính của Ngài từ thuở mới lọt lòng (quý vị có thể xem thêm 2 quyển sách tiếng Anh và tiếng Việt nhan đề là: Freedom in Exil = Tự Do Trong Lưu Đày và My Land and My Poople = Nước Tôi và Dân Tôi) thì chúng ta sẽ đọc được hết những gì Ngài muốn nói và muốn diễn tả về cuộc đời của Ngài từ lúc tuổi thơ cho đến ngày nay.

Năm nay Ngài đã 77 tuổi và ở ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1935 đến nay. Như vậy Ngài ở ngôi vị nầy 75-76 năm, là một trong những vị Lạt Ma trị vì Tây Tạng lâu năm nhất. Mặc dầu từ năm 1959 đến nay Ngài không có mặt trong nước; nhưng tất cả nhân dân Tây Tạng ở trong cũng như ngoài nước đều công nhận Ngài là người lãnh đạo của quốc gia đang sống lưu vong tại xứ người và chờ ngày trở lại quê hương.

Trong cuộc đời của Ngài có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra; nhưng sự kiện quan trọng nhất có lẽ là việc trao quyền lãnh đạo chính trị lại cho một Thủ Tướng dân sự vào năm 2010 vừa rồi. Kết thúc một giai đoạn dài của lịch sử từ thế kỷ thứ 15 đến 21 là Đạt Lai Lạt Ma kiêm cả 2 nhiệm vụ vừa Quốc Vương vừa Pháp Vương của đất nước Tây Tạng.

Người Trung Quốc vẫn muốn hăm he sắp đặt cho sự tái sanh của Ngài như việc tái sanh của Ngài Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 mới đây; nhưng Ngài đã khẳng định từ chối việc nầy và Ngài đã khôn khéo tuyên bố với thế giới qua báo chí là đến năm 90 tuổi Ngài sẽ công bố việc nầy. Đây có thể là một đòn tâm lý khiến cho người Cộng Sản Trung Quốc không có cớ chi để xen vào nội bộ Phật Giáo của Tây Tạng và bất cứ người nào dầu Tây Tạng hay Tây Phương không đặt sự hy vọng nhiều về sự tái sanh nữa để Ngài yên tĩnh lúc tuổi đã về chiều.

Song song với Đức Đạt Lai Lạt Ma phái Mũ Vàng còn có Đức Ban Thiền Lạt Manữa. Sau đây chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và hành trạng của Ngài.

Ban Thiền Lạt Ma, tên Tây Tạng là: Pan-Chen-lama. Nhà cải cách Phật Giáo Tây Tạng là Tông Khách Ba, người đã sáng lập phái Hoàng Mạo (phái Mũ Vàng), có hai đệ tử lớn là Căn Đôn Châu Ba và Khải Châu; mỗi người đều tự thành lập hệ thống riêng của mình, và đời đời dùng “Hô Tất Lặc Hản” (ý là hóa thân) để chuyển sinh; đó tức là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma, loại tư tưởng Phật sống chuyển sinh nầy chỉ có Phật Giáo Tây Tạng đặc biệt phát triển. Từ Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 là A Vượng La Bốc Tàng Gia Mục Thác (Tạng: Gu Srikhan) nắm quyền chính trị và Tôn Giáo trên toàn nước Tây Tạng, sau khi đã xác lập chủ quyền tối cao chính trị Tôn Giáo hợp nhất, Đạt Lai Lạt Ma trở thành Thủ Lãnh của phái mũ vàng, thống suốt hơn 3 ngàn mấy trăm ngôi Chùa và khoảng hơn 400.000 Tăng Lữ. Còn giáo chủ của giáo đoàn thuộc hệ thống chuyển sinh Khải Châu là Ban Thiền Lạt Ma, tuy là một trong hai Phật sống lớn, nhưng về phương diện chính trị, thì chỉ nắm quyền ở địa phương mà thôi.

Ban Thiền, có nghĩa là nhà trí tuệ lớn, nhà Bác học lớn; Lạt Ma có nghĩa là người trên (Thượng nhân). Vào năm Thuận Trị thứ 2 (1645) đời vua Thế Tổ nhà Thanh, Cố Thủy Hãn, Thủ lãnh của Mông Cổ Hòa Thạc Đặc Bộ cai trị Vệ và Tạng, suy tôn người đệ tử thứ 4 của Tông Khách Ba là La Tang Khước Tiếp làm “Ban Thiền Bác Khắc Đa (Bác Khắc Đa là tiếng Mông Cổ, là tiếng tôn xưng người anh tài xuất chúng) và mời Trụ Trì chùa Trát Thập Luân Bá, đồng thời, cắt bộ phận Hậu Tạng sát nhập vào quản hạt của La Tang, đó là Ban Thiền đời thứ 4 (Ba đời trước đó do người Hậu Tạng suy tôn). Đến Ban Thiền đời thứ 5, Vua Thánh Tổ nhà Thanh phong hiệu là: “Ngạch Nhĩ Đức Ni” (Ertini hoặc Erdeni), hàm ý là sáng sủa, sáng rỡ. Người Tây Tạng bảo Ban Thiền là hóa thân của Kim Cương; hoặc là hóa thân của Phật A Di Đà. Đại đô của Ban Thiền qua các đời đều đóng ở Chùa Trát Thập Luân Bá (Tạng: Bkra-sis Ihum-po) thuộc Nhật Khách Tắc, Hậu Tạng.

Dưới đây là Pháp danh và năm sinh năm mất của các đời Ban Thiền:

- Đời thứ nhất, Khải Châu (Tạng: Mkhas-rah-rge, 1385-1438).

- Đời thứ hai, Tỏa Lãng Tiếp Ngang (Tạng: Bsod-nauss-phyogs-glan, 1439-1504).

- Đời thứ ba, Ân Soái Ba (Tạng: Dbon-sa-pa, 1505-1556).

- Đời thứ tư, La Tang Khước Tiếp (Tạng: Blo-bsa-chos-kyi rgyal-mtshan, 1567-1662).

- Đời thứ năm, La Tăng Ích Tây (Tạng: Blo-bsan Ya-ses, 1663-1737).

- Đời thứ sáu, Ban Hưu Ích Hi (Tạng: Dpal-Idan Ye-ses, 1738-1779).

- Đời thứ bảy, Đặng Tất Ni Ma (Tạng: Blo-bsan bstan-pahi ni-ma), 1781-1852).

- Đời thứ tám, Đặng Tất Vương Tu (Tạng: Chos-kyi-grags-pa bstan-pahi Iban-phyug, 1854-1882).

- Đời thứ chín, La Tang Khước Kinh (Tạng: Blo-bas thub-bstan Chos-kyi nima, 1883-1935).

- Đời thứ mười, Cung Bảo Từ Đan (Tạng: Blo-basb phrin-las Ihum-grub, 1938- …).

Mối quan hệ giữa Ban Thiền và Đạt Lai Lạt Ma chẳng phải hoàn toàn tốt đẹp, như Ban Thiền đời thứ 9 là La Tang Khước Kinh đã từng ở lâu tại nội địa Trung Quốc, mãi đến Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 là A Vượng La Bốc, truyền ra từ Đơn Gia Mục Thác Ngạc Hao, đất Tây Tạng, La Tang Khước Kinh mới trở về Tây Tạng; nhưng đã qua đời trên đường về.

Năm 1944, Ban Thiền đời thứ 10 là Cung Bảo Từ Đan bị đưa đến Hậu Tạng, chủ quyền thay đổi. Sau khi Tây Tạng bị xâm chiếm, toàn quốc đã trở thành một trong các chính quyền địa phương của Cộng Sản Trung Quốc, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 lưu vong sang Ấn Độ, còn Ban Thiền Lạt Ma thì giữ thái độ dung hòa với cộng sản để tỏ bày lập trường vi diệu của sự phát triển Phật Giáo Tây Tạng từ xưa đến nay”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 314-315).

(Xem Mông Tạng Phật Giáo sử (Diệu Chu); Thế Giới Phật Giáo Thông Sử Thượng Sách (Thánh Nghiêm; Thanh Vũ Khí đệ ngũ quốc triều phủ tuy Tây Tạng ký thượng; L.A. Waddell: Lhasa and its urysteries; W.W. Rockhill: The Dalai Lamas of Lhasa and their relations with the Manchu Emperors ofs China).

Một đời Ngài Tông Khách Ba đã làm được không biết bao nhiêu việc. Việc đầu tiên ở thế kỷ thứ 15 là Ngài dùng ảnh hưởng và sự tu hành của mình để nối kết lại phái Phật giáo mũ đỏ do Ngài Liên Hoa Sanh truyền vào vốn chủ trương lấy Trung Quán làm chuyển đích cho sự tu hành từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10. Sau đó Ngài Atisa (A Sằn Đà) cũng từ Ấn Độ sang Tây Tạng vào thế kỷ thứ 11, tạo ra một ảnh hưởng mới, lấy Du Già Sư Địa Luận làm gốc và chủ trương tất cả đều do thức biến hiện và phái nầy đối đầu lại với phái trước. Bấy giờ dân Tây Tạng ủng hộ phái mới nầy nhiều hơn phái cũ. Đến thế kỷ thứ 15 khi Ngài Tông Khách Ba xuất hiện, Ngài đã nối kết cả hai truyền thống nầy lại; nghĩa là vẫn dùng tư tưởng Duy Thức của Ngài A Sằn Đà mà cũng không bỏ quên học phái Trung Quán của Ngài Liên Hoa Sanh đã chủ trương từ thế kỷ thứ 7. Từ đó Ngài Tông Khách Ba làm được một việc thứ hai quan trọng hơn là khai sáng ra phái Mũ Vàng để trở thành Tổ của cả truyền thống Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Tất cả hóa thân của hai truyền phái nầy đều là sự biến hóa của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; nhưng mỗi bên đều có một cách hành trì riêng và cách độ đời riêng.

Như vậy Ngài Tông Khách Ba đã tạo dựng được một sự kết hợp đáng trân quý và cả 2 truyền thống ấy ngày nay vẫn còn tồn tại ở Tây Tạng và ngoại quốc. Trong nước, thế chính trị của Trung Quốc đã làm cho Ban Thiền Lạt Ma không thể nào tuyên bố gì hơn ngoài việc chịu sự lèo lái của Trung Cộng để được tồn tại và phát triển; trong khi đó ở ngoại quốc từ năm 1959 đến nay Đức Lạt Lai Lạt Ma đã giương cao ngọn cờ chánh pháp và chủ nghĩa tự do cho dân tộc Tây Tạng. Cả hai đều bổ sung cho nhau để tranh đấu cho một Tây Tạng được tự trị ở một ngày mai, như trong những đời Đạt Lai Lạt Ma trước đây tại chính quê hương của họ.

Như chúng ta biết Liên Hoa Bộ tôn xưng Đức A Di Đà Phật làm giáo chủ. Bộ phái nầy được truyền vào Tây Tạng từ thời Ngài Liên Hoa Sanh; nhưng mãi đến thế kỷ thứ 10 mới phát triển mạnh tại Tây Tạng. Bộ phái nầy cũng dựa vào tư tưởng của Ngài Long Thọ nơi Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận và Ngài Atisa vẫn hành trì theo phương pháp niệm Phật nầy.

Như trên đã trình bày, vì lẽ Mật Giáo được truyền vào đây trước; cho nên người Tây Tạng có cơ duyên với Mật Giáo. Còn những tông phái khác được truyền vào sau; hoặc giả ít được lưu tâm hơn; nên tông phái ấy không được phát triển nổi bật tại Tây Tạng, trong đó kể cả Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.

Năm 2010 chúng tôi và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Phó trụ trì Tu viện Quảng Đức tại Melbourne Úc Châu đã cùng nhau dịch chung một tác phẩm bằng tiếng Anh nhan đề là: Peaceful Death and Joyful Rebirth (Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ) của Đại Sư Tulku Thondup là một học giả Phật Giáo Tây Tạng đang dạy học tại Đại Học Haward Hoa Kỳ. Không ngờ tác phẩm nầy đã mang đến cho chúng tôi một niềm hỷ lạc vô biên và hy vọng các độc giả cũng như vậy. Bởi vì đây là một tài liệu hiếm quý của Phật Giáo Tây Tạng nói chung và của phái Cổ Mật nói riêng; đặc biệt là tín ngưỡng đến Đức Phật A Di Đà và thân trung ấm cũng như cách chuyển di tâm thức (Phowa) đi rất sát với thực tế với Tịnh Độ Tông của các nước Phật Giáo khác.

Sau đây chúng ta đi vào nội dung của phái nầy:

Tư Tưởng Tịnh Độ của Phái Cổ Mật Tây Tạng

Phật Giáo Tây Tạng gồm 4 Tông Phái chính. Đó là: Phái Nyinmapa (phái Cổ Mật) do Đại Sư Liên Hoa Sanh – Padmasambhava, người Ấn Độ đến Tây Tạng khai sáng và truyền Mật Giáo cũng như Liên Hoa Bộ tại đây. Thứ hai là Phái Kagyupa (phía truyền khẩu, Sơ Tổ của phái nầy là Đại Sư Tilopa, Đạo sư Du Già người Ấn; Ngài Karmapa thứ 17 hiện nay thuộc về phái nầy). Thứ ba là phái Sakyapa (Thích Ca, vị Tổ khai sáng của phái nầy là Đại Sư Sachen Kunga Nyingpo) và thứ tư là phái Gelugpa (phái Hoàng Mạo – Mũ vàng – phái giữ giới. Tổ khai sáng là Đại Sư Tông Khách Ba (1417-1478). Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ngài Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 thuộc về phái nầy.

Hầu hết tất cả các nước theo Phật Giáo như Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam v.v… thời kỳ đầu khi Phật Giáo được du nhập từ Ấn Độ hay Trung Quốc vào; các nước nầy chưa chia thành Tông Phái, mà cốt yếu chỉ có tinh thần Tiểu Thừa được truyền vào các nước nằm ở phía Nam Ấn Độ và Đại Thừa cũng như Kim Cương thừa nằm ở phương Bắc Ấn Độ. Sau 100 năm, 200 năm hay nhẫn đến 500 sau mới chia ra những Tông Phái rõ rệt. Ví dụ như Trung Hoa phải 300 năm sau khi được truyền vào, Tịnh Độ Tông mới hình thành thời Ngài Huệ Viễn hay 400 năm sau, thời Ngài Đàm Loan. Thiền Tông lại trễ hơn, đến 520 năm thời Vua Lương Võ Đế, Bồ Đề Đạt Ma mới đến Trung Quốc. Từ đó Thiền Tông đã lấy tâm truyền tâm cho đến đời Lục Tổ Huệ Năng và những Tông Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Luật Tông mới hình thành.

Nhìn cách truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng cũng vậy. Tuy không có nhiều Tông Phái (7 hệ và 21 phái) như tại Trung Hoa hay Nhật Bản; nhưng mỗi phái như vậy có một thế đứng riêng để mang Đạo Phật vào quần chúng Phật Tử; người xuất gia lẫn kẻ tại gia tại quê hương tuyết phủ quanh năm ấy.

Trong tình cờ chúng tôi và Thầy Nguyên Tạng đã dịch chung với nhau quyển sách như đã trình bày ở trên thuộc về phái Cổ Mật của Đại Sư Liên Hoa. Sách chia làm 10 chương và hai bảng phụ lục. Thượng Tọa Nguyên Tạng dịch Lời Nói Đầu và 5 chương kế tiếp. Còn tôi dịch từ chương thứ 6 đến chương thứ 10 cũng như 2 phần phụ lục tương đối khá quan trọng.

Chương dẫn nhập nói về: Cái chết không phải là sự chấm dứt.

Chương một: Đời người quý báu.

Chương hai: Hấp hối, thời khắc quan trọng của cuộc đời.

Chương ba: Chơn tánh tối thượng thoáng thấy tánh quang minh.

Chương bốn: Cõi Trung Ấm Bardo.

Chương năm: Chuyện kể về cõi Trung Ấm Bardo.

Chương sáu: Tái sanh không thoát khỏi vòng nghiệp lực.

Chương bảy: Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Cực Lạc.

Chương tám: Phương cách giúp người sắp lâm chung và người chết.

Chương chín: Nghi thức cho người hấp hối và người chết.

Chương mười: Những suy nghĩ sau cùng.

Phụ lục: Một vài lễ nghi đơn giản cho người Phật Tử khi qua đời.

Phụ lục A:

Phụ lục B:

Lời cuối sách.

Sách dày 516 trang, ấn tống 5.000 cuốn trong năm 2011 tại Âu, Úc, Á và Mỹ Châu v.v… Đây là một cuốn sách cần nên tham khảo. Nhất là những ai tu theo Pháp Môn Tịnh Độ, cầu nguyện Đức Phật A Di Đà khi thần thức vừa rời khỏi thể xác để được tái sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Nhìn tổng thể thì Tịnh Độ của Tây Tạng do Ngài Liên Hoa Sanh mang đến từ thế kỷ thứ 7 cũng là Tịnh Độ do Ngài Long Thọ chủ trương, qua tác phẩm Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận. Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản và Tây Tạng cùng một vị Tổ Sư khai sáng về Tịnh Độ; nhưng khi đến Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng v.v… Tịnh Độ Tông tại đó lại phát triển tương đối khác hơn với lúc mới được du nhập vào. Ví dụ như ở Ấn Độ thì còn nguyên thủy, đến Trung Hoa đã biến thái một phần; đến Nhật Bản lại càng chi li hơn, sâu sắc hơn để hòa nhập vào phong tục tập quán của người Nhật. Ngay cả Việt Nam cũng vậy. Bây giờ khi chúng ta nghiên cứu đến “một cõi để đi về” như Phật Giáo Tây Tạng lại có những điều mà Phật Giáo Tịnh Độ của những nước khác chưa từng có; ví dụ như việc Phowa (chuyển di tâm thức) hoặc trạng thái Bardo (trung ấm thân) của Tây Tạng cũng tương đối được chỉ dẫn rõ ràng và kỹ hơn Phật Giáo các quốc gia khác.

Tất cả người Phật Tử chúng ta xuất gia cũng như tại gia đều biết rằng: Chết không phải là hết; mà chết chỉ bắt đầu lại một kiếp sống khác. Kiếp sống tiếp theo sau đó liên hệ với kiếp quá khứ, mà cá nhân của người ấy đã tạo nên. Sự sống giống như một bóng đèn điện và tâm thức giống như dòng điện. Bóng điện dầu tốt bao nhiêu đi chăng nữa, có một ngày nào đó, bóng điện kia cũng phải hư; nhưng tuyệt nhiên dòng điện không bao giờ mất. Tuy ta không thấy được sự tồn tại, hiện hữu của ánh sáng (ví cho bóng đèn hư); nhưng nếu chúng ta thay thế một bóng đèn khác, thì điện sẽ sáng lên. Tâm thức cũng y hệt như vậy. Tâm thức không mất hẳn; chỉ biến thể tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh mà thôi. Cũng như bóng đèn kia có thể sáng hơn hoặc tối hơn là do nghiệp lực của người ấy đã tạo ra.

Trước đó là gì và sau đó là gì nữa thì các khoa học gia không thể chứng minh được; nhưng Đức Phật hay Đạo Phật chứng minh cho chúng ta thấy rằng không có cái đầu tiên và cũng chẳng có cái cuối cùng. Vì cái nầy sanh ra thì cái kia sanh; cái nầy diệt thì cái kia diệt. Cái nầy tồn tại thì cái kia phải thay đổi vị trí; không mất hẳn, chỉ thay đổi mà thôi. Từ vật nhỏ nhất như những vi phân tử, đến vật lớn nhất như vũ trụ hay những vì tinh tú hoàn toàn cũng lệ thuộc vào định luật nhân quả và sự thành, trụ, hoại, diệt mà thôi. Không một người nào, không một vật gì có thể thoát ra khỏi những sự chi phối ấy; ngoại trừ kẻ ấy đã thoát ra ngoài sự sanh tử luân hồi.

Ngày nay hành tinh nầy được thâu nhỏ lại trên màn ảnh truyền hình hay computer; nhưng ngoài vũ trụ nầy ra, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác tồn tại nữa; cho nên trong kinh Hoa Nghiêm gọi là: Trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện. Có nghĩa là thế giới nầy giống như một vòng hào quang nhiều màu sắc, đầy biến ảo vi diệu, không một họa sĩ nào có thể vẽ hoặc diễn tả hết được những hiện tượng đang hiện có chung quanh ta. Do vậy khoa học hay nói đến vũ trụ huyền bí; nhưng đối với Đức Phật và các bậc đại giác ngộ không có cái gì là huyền bí cả. Bởi vì con người chưa có khả năng hiểu rõ hết tất cả mọi diễn biến mà thôi. Do vậy đời người rất quý báu. Nếu người ta tận dụng được tất cả thời gian để làm một cái gì đó; chứ không phải chỉ ngồi đó để nguyền rủa bóng đêm, tại sao lại đến nhanh hay đến chậm như thế. Con người đa phần không sống trong thực tế, mà chỉ sống trong ảo vọng. Đôi khi người ta cảm thấy lạnh đôi chân, vì thiếu đôi vớ; nhưng ít ai nghĩ đến những người không có chân thì sao? Vậy thì chúng ta quá hạnh phúc rồi, còn phải đòi hỏi cái gì hơn thế nữa? Vì sự đòi hỏi cho tư dục ấy nó không có cuối cùng. Từ tình yêu, sắc đẹp, của cải… cho đến địa vị, danh tiếng, lợi dưỡng… cái nào nó cũng chẳng có điểm dừng. Vậy thì con người cần phải làm chủ nó, phải tự dừng nó lại; chứ không phải để cho nó kéo mình theo. Vì tâm mình là chủ, chứ không phải sự sai khiến là chủ. Nếu hiểu được và tự chủ như vậy thì ta sẽ là ta trong bao đời. Bằng ngược lại, ta không phải là ta, vì cái ta ấy đã bị biến thể rồi.

Nhưng ai sinh ra trong đời nầy rồi cũng phải chết cả. Đâu có ai ở mãi lại với cuộc đời nầy đâu, dầu 100 năm hay hơn thế nữa; cũng sẽ có một ngày tàn của cuộc sống; nhưng mấy ai lo chuẩn bị cho một sự ra đi được an ổn. Đa phần con người chỉ muốn kéo dài sự sống bằng thuốc men; nhưng không ai lo cho vấn đề tinh thần của mình nhiều như lo cho vấn đề vật chất ấy. Một đám cưới, người ta lo trước đó cả năm; nhưng một sự chết, quan trọng lắm của một đời người; nhưng có được mấy người tự chăm sóc kỹ càng cho cuộc sống tâm linh ấy? Do vậy đối với sự sống quan trọng như thế nào, thì sự chết nó cũng như thế ấy. Vì đàng sau sự chết, còn nhiều vấn đề quan trọng hơn nhiều.

Thông thường con người làm chủ một tấm thân và một tâm thức; nhưng ở giữa trạng thái của sự sống và sự chết gồm có 3 giai đoạn. Đó là tiền ấm thân, trung ấm thân và hậu ấm thân. Bởi vì Phật Giáo Tây Tạng chú trọng về việc tái sinh; nên giáo lý nầy họ phân tích, theo dõi rất kỹ càng cho giai đoạn đi đầu thai của một hành giả tu theo pháp môn niệm Phật.

Tất cả những gì chúng ta gặt hái ngày hôm nay đều là do nguyên nhân của chúng ta đã gây ra trong bao nhiêu đời trước. Nhân quả nầy đan xen với nhau như mắc cửi; nó không đơn thuần như chúng ta nói một với một là hai được. Để được con số 2 ấy, theo nhân quả, có nhiều yếu tố nhân duyên và hành nghiệp quyết định lấy. Dĩ nhiên chúng ta có thể làm chủ vận mệnh của mình; nhưng yếu tố nhân duyên sanh luôn đi kèm để tạo nên thuận duyên hay nghịch cảnh cũng là điều mà ít ai lường được. Do vậy sự lễ bái cầu nguyện, cúng dường, bố thí, làm phước, tạo ra công đức, khuyên người niệm Phật, phát tâm Bồ Đề rồi hồi hướng những phước báu ấy về với pháp giới chúng sanh. Nhờ tâm đại từ ấy mà có thể chuyển nghiệp được.

Trong chương 5 của quyển sách nầy có những câu chuyện kể về thân trung ấm; nhưng có liên hệ với thân tiền ấm rất là hay. Dĩ nhiên nhiều dân tộc, nhiều quốc gia đều có những hiện tượng như vậy; nhưng ở đây Tây Tạng họ mô tả rõ ràng hơn và đây là một ví dụ.

Chuyện kể rằng: Có người sau khi tắt thở 10 tiếng đồng hồ nhưng sau đó được sống dậy và người ấy kể lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra trước, trong và sau khi người ấy tắt hơi. Ví dụ như người ấy không nghĩ rằng mình đang chết; nhưng tại sao lại có nhiều người vây quanh và người ấy cảm thấy mất liên lạc với những người chung quanh, rồi tâm thức bay bổng qua những nơi phán xét; nhưng đột nhiên tâm người ấy không bị kêu vào để tra khảo như những người kia, mà bảo hãy chờ đó. Sau một thời gian chờ đợi thì được vị phán quan bảo rằng: Chưa đến phiên ngươi; nên trở lại với xác cũ. Về sau các vị Đại Sư chuyên lo cho những người ở trạng thái tiền và trung ấm thân giải thích rằng: Sở dĩ có việc như vậy; vì lẽ ở cõi thế, thân nhân, bà con bạn bè thấy người thân trong gia đình mất quá nhanh, quá trẻ; nên đã làm phước, bố thí, cúng dường v.v… nhờ vậy mà người kia được sống trở lại.

Việc nầy nếu giải thích việc phước đức căn cứ theo kinh Địa Tạng thì cũng có thể chứng minh được. Trong kinh dạy rằng: “Nếu một người đã chết mà trên thế gian đã có người làm phước, bố thí, cúng dường thì người chết sẽ hưởng được một phần bảy”. Như vậy sự làm phước cho người mất không phải là không có tác dụng; nhưng người sống lại hưởng được nhiều hơn và người chết chỉ hưởng được một phần nhỏ.

Nếu giải thích theo hiện tượng của sự vật thể chúng ta cũng có thể chứng minh được. Ví dụ như chúng ta tạo nên âm thanh từ hai bàn tay, thì tai ta sẽ nghe tiếng động từ xa dội ngược lại. Âm thanh dội ngược lại ấy tùy theo sức của ta đã tạo ra mạnh bao nhiêu để được đáp ứng lại. Vậy thì việc tạo phước là một hành động cụ thể, nó cũng có kết quả nhất định như năng lực của người cầu nguyện, sự chí thành, sự gia trì v.v… Vì vậy vị Đại Sư Tulku Thondrup, tác giả của quyển sách nầy định nghĩa về phước đức như sau:

“Nếu có ai đó đến Chùa đốt một nén nhang, dâng Phật một cành hoa tươi, đảnh lễ Phật một lạy chí thành, sám hối những tội lỗi đã gây ra từ vô lượng kiếp. Cúng dường tiền của vào Chùa để chùa xây dựng và bảo trì ngôi Tam Bảo. Nhiều nhà dân Tây Tạng còn cúng trừu, trâu vào Chùa hoặc giả người nào giàu có cúng số tiền lớn để làm trường học, xây đường sá, cầu cống, làm những việc từ thiện v.v… tất cả những hành động đó cũng giống như là những giọt nước mưa từ trên không trung rơi xuống mặt đất; nước ấy sẽ tụ lại nơi ao hồ, rồi chảy ra suối, ra rạch, ra sông. Từ những con sông nhỏ, nước nầy sẽ chảy vào biển cả đại dương kia. Chỉ khi nào trong biển cả không còn nước nữa thì giọt nước ban đầu mới không cần thiết và không còn có giá trị nữa”. Như vậy phước và đức là những việc rất cần thiết đối với chúng ta, ngay cả người tại gia hay xuất gia. Bởi vì nó là những dòng nước luân lưu trong cuộc đời, trong nhân thế, giúp ta tồn tại và phát triển ở đây hay ở kia; ở cõi nầy hoặc cõi khác.

Trong chương thứ tám và thứ chín của quyển sách nầy tác giả cũng đã hướng dẫn rất tỉ mỉ về cách chuẩn bị cho người sắp ra đi như thế nào. Ví dụ như phải mời chư Tăng, Phật Tử đến trợ niệm như quy y cho người bệnh, giảng pháp cho người bệnh nghe. Tránh nói những việc dở, xấu của người bệnh, e rằng họ sẽ buồn và nên nhắc nhở những chuyện vui trong quá khứ để thần thức của người sắp lâm chung có thể sanh về thế giới cao hơn, nhất là nương theo sự cầu nguyện và câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà.

Điều đặc biệt mà tác giả sách nầy lưu ý là: Những ai không thân thiện với người sắp lâm chung, ví dụ như lúc bình sanh hay cãi nhau, thù hận, ghét bỏ v.v… thì khi sắp lâm chung không nên gần kề; nếu như người kia đến gần để an ủi vỗ về, thay vì người ấy đang chuẩn bị nhập vào cảnh giới cao hơn; khiến cho người sắp lâm chung ấy nhớ lại chuyện xưa, khiến cho tâm họ giận dữ, sân hận. Từ đây họ sẽ đi vào ba đường dữ. Đây là kinh nghiệm bản thân của vị Tulku nầy cũng như của Phật Giáo Tây Tạng, chúng ta cần quan tâm và thực hành theo.

Sau khi tắt thở, tức là thân hậu ấm. Điều nầy Phật Giáo Tây Tạng cũng đã chỉ cho chúng ta nhiều việc cần thiết tỉ mỉ, rõ ràng hơn. Đa phần khi chúng ta gặp một người đã mất, trạng thái của mọi người là buồn thương, sầu não, khóc lóc thảm thương; nhưng việc nầy chẳng có ích lợi gì với người mất. Do vậy hãy bình tĩnh và sau khi người ấy tắt thở rồi, người sống cần ít nhất là 8 tiếng đồng hồ để hộ niệm, trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, đồng thời đây cũng là thời gian để thần thức của người mất ra khỏi thân ngũ uẩn nầy. Theo sự chỉ dẫn của vị Đại Sư nầy thì những người đến hộ niệm cũng như thân nhân chỉ nên đứng hai bên giường bệnh để hộ niệm; tuyệt nhiên không nên đứng ở phía dưới hai bàn chân. Vì phần dưới của cơ thể là nơi thần thức xuất ra. Nếu chúng ta đứng đó có thể làm cản trở tâm thức kia đi đầu thai. Phần phía trên đầu giường của người chết dành cho việc thiết trí hình tượng Phật, Bồ Tát và cũng là nơi để cho vị Đạo Sư giảng pháp vô thường cho người mất ấy nghe và đây cũng là thời gian để làm lễ Phowa (chuyển di tâm thức của người mất).

Điều đặc biệt hơn nữa là thân nhân hay bất kỳ ai đó, không nên sờ mó vào phần bên dưới cơ thể của người đã mất. Vì chính lúc nầy họ vẫn còn luyến tiếc thể xác và nhất là những nơi nhạy cảm. Do vậy những người còn sống nên lưu ý vấn đề nầy.

Nghi Phowa (chuyển di tâm thức) dùng cho những vị Phật Tử thuần thành và các Đại Sư đến lo tang lễ. Nghi nầy nằm ở phần phụ lục của quyển sách. Quý vị có thể đọc để tham cứu. Đây là một nghi lễ chỉ có Phật Giáo Tây Tạng thực hiện; còn đa phần các xứ Phật Giáo khác không làm. Nhưng việc chuyển di tâm thức nầy không nhất thiết thực hiện đối với người quá cố, mà người còn sống vẫn có thể thực hiện được.

Đầu tiên vị Đại Sư đọc những bài thần chú đặc biệt và bắt ấn, tẩy uế cũng như giảng pháp cho người chết nghe. Vị ấy đóng vai trò trung gian giữa Đức Phật A Di Đà và người quá cố. Do vậy vị Đạo Sư đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn tâm thức của người chết đi theo ánh sáng chiếu rọi của Đức Phật A Di Đà để được vãng sanh.

Người Nhật bất kể Tông Phái nào, lúc nhập liệm họ có một nghi lễ là “cắt tóc” ý nói người nầy bây giờ đã được xuất gia theo Phật. Có lẽ đây là quan niệm chung của Phật Giáo Nhật Bản là chỉ cần tu một đời thì thành Phật; nên Tông Phái nào cũng chủ trương giống như vậy. Đây cũng là một lễ nghi khác, mà chỉ có Phật Giáo Nhật Bản cử hành lúc tẩn liệm; còn các nước Phật Giáo khác trên thế giới không thực hiện.

Bổn Tôn là một vị Phật, đôi khi là một vị Bồ Tát, đôi khi là một vị Đại Sư và đôi khi là chính mình nữa. Đây là hình thức cầu nguyện theo Mật Giáo. Chỉ có Phật Giáo Tây Tạng mới có; chứ những nước khác theo Phật Giáo trên thế giới không hành trì và không chủ trương.

Riêng phần cầu nguyện để được vãng sanh thì Phật Giáo Tây Tạng cũng khác hơn Phật Giáo Nhật Bản, Trung Quốc hay Việt Nam. Họ chủ trương phải có bốn điều kiện căn bản sau đây:

Điều thứ nhất là niệm Phật và quán tưởng. Đa phần cách niệm Phật thành tiếng như của Trung Hoa và Việt Nam cho người đang nằm trong trạng thái lâm sàng thì ít có nêu lên vấn đề quán tưởng; chỉ thuần niệm danh hiệu A Di Đà Phật trong nhiều lần và nhiều giờ liên tục. Nhưng Phật Giáo Tây Tạng hướng dẫn cho chúng ta trong khi niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà hãy quán tưởng cảnh giới Cực Lạc giống như trong kinh A Di Đà diễn tả. Ví dụ như nơi đó có những hao sen lớn như bánh xe. Hoa sen xanh phóng ra ánh sáng xanh, hoa sen đỏ phóng ra ánh sáng đỏ, hoa sen trắng phóng ra ánh sáng trắng… Trong ao lại có nước 8 công đức; có chim nói pháp; có gió thổi, linh reo… Tất cả đều do công đức và bản nguyện của Đức Phật A Di Đà hóa hiện ra và thành tựu được như vậy. Khi ta quán tưởng cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, miệng ta niệm Phật và hồi hướng hướng về người mất thì người mất cũng thọ nhận được những gì chúng ta hướng đến họ.

Điều nầy có thể giải thích về hiện tượng vật lý và tâm lý như sau: Người chết đang nằm đó cũng giống như một cái cây vô thức đang trồng trong một phòng tối, không có ánh sáng chen vào được; nhưng khi cây đâm chồi nảy lộc ra hoa, hầu hết cây nào cũng hướng ra ánh sáng để tiếp nhận ánh sáng của mặt trời để tạo thành diệp lục tố, nuôi sống cho cây. Ở đây câu Phật hiệu cũng vậy. Trong câu nầy đã hàm chứa ánh sáng vô lượng của Đức Phật A Di Đà soi rọi khắp mười phương vô biên quốc độ. Do vậy một bên có cảm thì bên kia sẽ có ứng. Người nằm đó sẽ được thư thái nhẹ nhàng qua người trợ niệm và người được niệm cũng như oai lực của câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật.

Về điều kiện tâm lý trong giờ phút một mất một còn ấy, tâm thức của người chết rất cô đơn, họ rất cần người thân đến an ủi niệm Phật để trợ niệm cho họ; vì trong giây phút ấy họ không thể tự một mình mình làm được. Như vậy cả người sống và người chết đều giao hòa với nhau qua một mục đích là mang tâm thức của người kia về thế giới giải thoát sanh tử luân hồi.

Việc thứ hai là tu tạo những phước đức. Đối với Phật Giáo Tây Tạng việc nầy rất quan trọng. Vì nhờ người còn sống thực hiện những việc phước đức như được kể bên trên thì tâm thức của người mất sẽ đi đầu thai ở một nơi chốn cao hơn thường lệ. Nếu trong gia đình thiếu người làm việc nầy thì hương linh sẽ quạnh hiu, nhất là những cô hồn không có người thân cúng quảy, quả còn đáng thương hơn nhiều. Quả vậy khi còn sống nên lo tu tạo những phước đức, đến khi lâm chung tự mỗi người đã có sẵn một ít vốn liếng rồi.

Điều thứ ba tức là phát Bồ Đề tâm. Theo ý của Thầy của Ngài Tulku Thondrup thì cho rằng điều kiện thứ ba nầy có cũng được mà không cũng không sao. Vì việc phát tâm Bồ Đề khi còn sống sẽ là lối mòn để dẫn tâm thức ấy cho đến khi đi đầu thai; nhưng nếu có thì vẫn tốt hơn là khôhg tạo nên tạo nhân duyên thù thắng nầy với chư Phật và chư vị Bồ Tát.

Điều thứ tư và cũng là điều cuối cùng. Đó là hồi hướng tất cả những phước báu ấy lên mười phương chư Phật để tâm thức của người mất được trượng thừa công đức.

Mới nghe đến việc nầy những người không quen sống với niềm tin Tôn Giáo khó chấp nhận; nhưng những ai đã và đang hay sẽ thực tập lối hồi hướng nầy thì cảm thấy an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Ví dụ: Tôi có ý may cho người ấy một chiếc áo mới hay tôi có ý giúp cho một làng người nghèo v.v… đầu tiên là tâm tôi vui và niềm vui ấy không chấm dứt tại đó. Niềm vui ấy cứ kéo dài mãi cho đến khi tôi thực hiện được việc may chiếc áo mới đó đến cho người kia và khi nào tôi làm được việc bố thí xong, thì tâm tôi mới không áy náy. Như vậy người nhận chiếc áo hay nhận của bố thí kia dầu có nằm trong trạng thái trông đợi hay trạng thái ngẫu nhiên cũng đều được lợi lạc như thường. Vì kết quả là một niềm vui, mà hồi hướng chính là nhắm đến những đối tượng mình muốn đạt đến.

Trên đây là những điểm chính yếu của Phật Giáo Tịnh Độ Tây Tạng đối với vấn đề sanh tử. Dĩ nhiên trong sách nầy còn hướng dẫn nhiều điều cần thiết cho chúng ta khi gặp trường hợp một người thân, một người bạn đạo sắp ra đi, mà chúng ta có thể nghiệm với tự thân qua việc truyền đạt giáo lý bởi những vị Đại Sư đi trước thì cả hai đều được lợi lạc vô cùng. Khi cả người sống lẫn người chết mà có được một điểm chung nào đó, chẳng khác nào hai người cùng khiêng chung trên vai một vật, cùng nhau tiến bước, rồi cùng nhau thảo luận, chia sẻ, nghỉ ngơi hay tiếp tục v.v… thì mục đích tới không phải là vấn đề xa xôi nữa, mà ngay cả dẫu cho mục đích ấy có xa bao nhiêu, thì Đức Phật A Di Đà cũng có thể hóa ra hóa thành để cho những chúng sanh nầy nghỉ ngơi tại đó. Sau khi nghỉ rồi, cả hai người sẽ đi đến bảo sở qua việc khuyến tấn, khích lệ, chỉ bảo của chính Đức Phật A Di Đà và hai vị trợ thủ là Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Như vậy ở phía bên trên đã có ánh sáng Vô Lượng Quang của Đức Phật Vô Lượng Thọ chiếu đến tiếp dẫn, bên cạnh đã có Quan Thế Âm và Thế Chí cùng đem tràng phan bảo cái đến nghinh tiếp người sắp vãng sanh và bên sau cũng như bên dưới mình có những thiện hữu trí thức và những người thân quen hộ niệm để tiễn đưa tâm thức của người mới lìa trần về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì còn gì hay hơn nữa!

Phần tiếp theo, chúng tôi xin trích nguyên chương thứ 7 trong quyển sách “Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ” do chúng tôi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt về Đức Phật Vô Lượng Quang cũng như cõi Cực Lạc qua cái nhìn của Tịnh Độ Tông Tây Tạng.

“Một niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật Vô Lượng Quang

Chắc chắn tái sanh về Cực Lạc

Một tâm thức giác ngộ với phẩm chất Phật Đà

Bất cứ nơi đâu cũng chiêu cảm Tịnh Độ.

Vũ trụ quan Phật Giáo chỉ rõ một số lượng to lớn không thể nghĩ bàn về hệ thống thế giới bên ngoài quả đất của chúng ta. Thế giới vũ trụ bên ngoài đó, ngoài cả sáu vòng luân hồi, nơi mà tồn tại nhiều cõi Tịnh Độ không tính hết được, kéo dài trong mười phương của vũ trụ (gồm 8 hướng chung quanh, bên trên và bên dưới). Những cảnh giới trong sạch nầy là những nơi chốn cư ngụ của những chúng sanh tình thức tiến bộ, kể cả những Đức Phật của những cõi Trời và những vị Đại Bồ Tát.

Trong vô số cõi Tịnh Độ, phần nhiều là đặc biệt quan trọng bao gồm những cõi Tịnh Độ của những vị như Tỳ Lô Giá Na, Kim Cương Tát Đỏa, Bạch Y Quan Thế Âm, Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc và Đạo Sư Liên Hoa Sanh. Thế giới Cực Lạc là cõi Tịnh Độ được biết đến nhiều nhất, nằm về hướng Tây, ở ngoài rất nhiều vũ trụ khác. Thế giới lý tưởng ấy là trụ xứ của Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà); Ngài giáo hóa vô số người tìm cầu đến để giác ngộ, gồm nhiều hành giả và những đệ tử khác. Bởi vì ánh quang minh của toàn thân Ngài đồng khắp tất cả các cõi Tịnh Độ Phật chẳng có gì ngăn ngại; tên của Ngài tiếng Sanskrit gọi là Amitabha. Nghĩa là Vô Lượng Quang.

Đức Phật A Di Đà là trung tâm điểm của nhiều truyền thống tin tưởng vào cõi Tịnh Độ của Phật Giáo như các dân tộc Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Tây Tạng, cõi Cực Lạc là đối tượng để mong mỏi cầu nguyện, quán chiếu và Thiền Định; đặc biệt, trong nghi lễ cho người chết. Trong nhiều kinh điển, Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã xác nhận một cách chắc thật rằng: Đây là một cõi Tịnh Độ dễ dàng nhất để được tái sanh về đó, có nhiều niềm hỷ lạc và là nơi có nhiều năng lực hướng dẫn đến sự giác ngộ. Ai đã sanh về thế giới Cực Lạc rồi thì sẽ được hoàn toàn giác ngộ, trong một đời sống sau cùng. Bởi vì chất lượng của cõi Tịnh Độ được gia trì bởi Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà) cũng như phước đức của những người được sanh về đó.

Khởi nguyên của truyền thống Tịnh Độ

Đa phần những kinh điển của Phật Giáo là những nguồn gốc căn bản của những truyền thống về cõi Phật Tịnh Độ. Cả kinh (cộng với những lời giáo huấn) và Thần Chú (giáo lý Kim Cang Thừa) bao gồm cả danh hiệu cũng như có nhiều kinh ghi lại về Tịnh Độ; nhưng Đức Phật Thích Ca đã chỉ cho chúng ta chú ý nhiều hơn để mô tả về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà trong sự sống động và những chi tiết tuyệt vời.

Hai kinh Đại Thừa quan trọng có tính cách đặc thù được biết đến như là kinh Đại Bản A Di Đà và kinh Tiểu Bản A Di Đà. Những lời dạy nầy được nói bởi Đức Phật ở những nơi sau: Ngài dạy kinh Đại Bản A Di Đà tại Đỉnh Gridhakuta (Linh Thứu Sơn) gần thành Rajagriha (Vương Xá) (ngày nay là Rajgir thuộc Tiểu Bang Bihar, Bắc Ấn Độ cho Ngài Ananda (A Nan) và Ngài Ajita (A Thuyết Thị) cũng như số đông tập hợp thuộc những người đệ tử khác. Ngài dạy kinh Tiểu Bản A Di Đà tại Jeta Grove (Cấp Cô Độc Viên) (ngày nay thuộc nước Xá Vệ, Tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) cho Ngài Xá Lợi Phất và số đông đệ tử của Ngài.

Hai kinh nầy xuất hiện trong nhiều bản dịch kể cả tiếng Trung Hoa (kể từ thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch) Đại Hàn và Nhật Bản (kể từ thế kỷ thứ 7, riêng Việt Nam bản chữ Hán xuất hiện có lẽ vào thế kỷ thứ 4 và các đại dịch giả Tây Tạng đã dịch vào thế kỷ thứ 9).

Chương nầy lấy phần căn bản chính của bản dịch tiếng Tây Tạng, đồng thời cũng có một vài tài liệu cũng như những bình luận khác nữa.

Ba nét riêng biệt về cõi Tịnh Độ

Như chúng ta đã rõ là Đức Phật Vô Lượng Thọ (A Di Đà) và cõi giới Cực Lạc của Ngài như đã được thuật lại trong quyển sách nầy thuộc về ứng thân của một trong ba nét đặc thù hoặc là thân thể của Phật quả.

Đầu tiên là thân tối hậu (Pháp thân), nó không có hình tướng, toàn là Phật quả tự nhiên, được nhìn nhận với tính chất thực tế của chính nó. Đây là thuộc về trạng thái tuyệt đối của sự quảng đại và rỗng không, tự tại khắp nơi, đặc thù và cực hạn.

Thứ hai là báo thân, nó ở trạng thái không phải nhị nguyên và đồng nhất tánh. Đây là cõi Tịnh Độ với hình thức của thân thể, trong sáng và không thể phân ly với chính trí tuệ của Phật. Nó rộng rãi, vĩnh viễn, chẳng hề thay đổi và niềm an lạc vô hạn.

Cõi Tịnh Độ tối hậu và cõi Tịnh Độ an lạc có thể chỉ gặp bởi những ai đã giác ngộ.

Nét riêng biệt thứ ba của Phật quả là Ứng Thân. Đây là một hình thức vật lý như ở Đức Thích Ca Mâu Ni và những vị Phật khác có hóa thân ở trong cõi người của chúng ta. Cõi Tịnh Độ của Ứng (hóa) thân là hình thể tương đối, mà có thể nhận ra bởi những chúng sanh bình thường hay có tính cách thế tục giống như chúng ta, nếu chúng ta chứa nhóm những hành vi phước đức. Nếu chúng ta được sanh vào một trong những sự hoan hỷ, hòa bình ở cõi hóa thân Tịnh Độ thì chúng ta sẽ tiến lên để đạt được trí tuệ của chúng ta và sẽ đến tận cõi Tịnh Độ tuyệt đối.

Như tôi (tác giả Tulku Thondrup) đã nhấn mạnh nhiều lần về sự nhận biết và kinh nghiệm của chúng ta đã có khác nhau trong giai đoạn của cuộc sống, đặc biệt vào thời điểm lâm chung, là kết quả của sự hiểu biết thuộc về thói quen mà chúng ta đã phát sinh và được cắm rễ sâu vào trong dòng chảy tâm thức của chúng ta trong quá khứ. Nếu tâm thức của bạn đã được đốt cháy và quay vào nung đốt những nguyên nhân của sự giận dữ, sân hận và sự nhận biết chẳng lành, rồi thì những sự xuất hiện và kinh nghiệm của cuộc sống cũng như đặc biệt về đời sống tương lai của chúng ta sẽ khơi dậy trong chúng ta về thế giới của địa ngục. Nếu tâm thức của chúng ta được gieo trồng bởi sự hòa bình, an lạc và mang tư tưởng cũng như những hành động tốt và nếu chúng ta đã vui với sự nhận biết thiện, giống như hình thức và sự cảm nhận về thế giới Cực Lạc, rồi thế giới ấy sẽ khơi dậy nơi chốn mà chúng ta sẽ tái sanh, có thể là ở thế giới tốt đẹp của sự hòa bình và an lạc, giống như cõi Cực Lạc vậy.

Tiêu điểm chính của sự luyện tập được tường thuật trong quyển sách nầy là sự tái sanh ở hình thức hóa thân của cõi Cực Lạc. Rất dễ dàng để sanh về đó hơn là một vài cõi Tịnh Độ khác, bởi do lời thệ nguyện sâu rộng của Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà) mang đến cho tất cả chúng sanh trong cảnh giới Cực Lạc của Ngài và giúp cho họ đạt thành sự giác ngộ.

Năng lực lời nguyện của Đức Phật

Trong kinh Đại Bản A Di Đà kể về sự tích và cảnh giới Cực Lạc như thế nào?

Vào một thuở xa xưa có một vị Tỳ Kheo tên là Dharmakare (Pháp Tạng), Ngài đã được thọ ký để trở thành Đức Phật A Di Đà – Phát Bồ Đề tâm và lập lời thệ nguyện trước vị Thầy của Ngài. Đó là Phật Lokeshvara (Thế Tự Tại) mà Ngài sẽ phụng sự cho tất cả chúng sanh. Ở vào thời gian ấy Ngài Pháp Tạng đã có năm mươi mốt lời nguyện (tiếng Sanskrit có 46 lời nguyện và được dịch ra tiếng Trung Hoa và tiếng Việt 48 lời nguyện) hứa dẫn dắt những chúng sanh sanh về cõi Tịnh Độ của Ngài. Dưới đây là năm lời nguyện cho chúng ta một ý niệm về lời thệ nguyện tự nhiên ấy cũng như cõi Tịnh Độ của Ngài.

Ở lời nguyện đầu tiên, Ngài Pháp Tạng nguyện không thành quả vị Phật, nếu một vài chúng sanh vào nước của Ngài mà vẫn còn đau khổ bởi đường A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ hay cảnh giới địa ngục. Như vậy để thí dụ ngay từ khi một chúng sanh trong địa ngục sanh về thế giới Cực Lạc, thì tất cả sự khổ đau của chúng sanh ở địa ngục ấy sẽ dừng lại và người ấy sẽ trở thành chúng sanh hạnh phúc của cõi Tịnh Độ (xin nhắc lại rằng sự khác biệt giữa chúng sanh ở cõi thấp và chúng sanh ở cõi Tịnh Độ họ sẽ thấy và cảm thấy như thế nào về đối tượng của sự hiểu biết được khơi dậy bởi tâm thức).

Ở lời nguyện thứ hai của Ngài, Ngài phát nguyện rằng sẽ không thành Phật cho đến khi nào mà tất cả những chúng sanh sanh về cõi Tịnh Độ của Ngài thì sẽ đặc biệt hơn những nơi khác ở cõi người và chư Thiên. Ngài muốn nói rằng cõi Tịnh Độ của Ngài hoàn toàn trọng sạch, nhưng cũng có những chất lượng tương tự tốt đẹp như ở cõi người và cõi chư Thiên.

Ở lời nguyện thứ mười chín của Ngài, Ngài phát nguyện rằng, sẽ không thành Phật quả cho đến khi nào tất cả những ai mong mỏi được tái sanh vào cõi Tịnh Độ của Ngài và ai thực hành niệm danh hiệu của Ngài cũng như hồi hướng công đức cho việc vãng sanh, trên thực tế sẽ được sanh về cõi Tịnh Độ. Cầu nguyện cho điều nầy ngay cả nếu người ấy lặp lại sự suy nghĩ sanh về thế giới Tịnh Độ của ta chỉ trong 10 lần, mà người ấy chẳng hề phạm “năm tội vô gián hay bất tín nơi Phật Pháp”. Những điều kiện nầy chẳng chọn lựa được ở Đức Phật; nếu những chúng sanh ấy không mở ra cánh cửa tự giải thoát, thì Đức Phật cũng không thể ra lệnh vớt họ lên được.

Ở lời nguyện thứ ba mươi, Ngài phát nguyện rằng sẽ chẳng ở ngôi chánh giác cho đến khi nào những chúng sanh của cõi Tịnh Độ trong tương lai chẳng những được khỏi cảnh khổ mà còn có tài sản với phẩm lượng tinh thần như là trí tuệ không giới hạn và lòng tự tin.

Những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà được thể hiện thật là mạnh mẽ. Thế nhưng chỉ riêng những lời nguyện không thể hứa cho chúng ta sanh về cõi Tịnh Độ nầy. Chúng ta phải thực hiện bổn phận của chúng ta, chúng ta phải chắc rằng đừng đóng kín những cơ hội, do sự phạm ngũ trọng tội hay chẳng tin nơi giáo pháp và chúng ta phải mở ra con đường để đi đến cõi Tịnh Độ với “bốn nguyên nhân” của sự sanh về thế giới Cực Lạc nầy. (Xem lại phần phía trước để rõ việc nầy).

Năng lực của danh hiệu Phật.

Đức Phật A Di Đà đã lập lời thệ nguyện sẽ dẫn dắt tất cả những ai niệm danh hiệu của Ngài để cầu về Tịnh Độ. Tên của Ngài trở thành cánh cửa xuyên suốt mà chúng ta có thể quan sát được Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Cực Lạc của Ngài.

Phật Giáo Đại Thừa dạy cho chúng ta thể đắc được mọi vật như là hình tướng, âm thanh và những kinh nghiệm của sự giác ngộ. Tuy nhiên để đến được mục tiêu nầy chúng ta cần phải đi vào ngang qua cánh cửa quan yếu ấy như thế nào là hình ảnh của một vị Phật, sự cảm giác hòa bình hay âm thanh với tính chất tốt đẹp. Một cánh cửa như vậy chính là hồng danh A Di Đà; điều mà chính Ngài đã gia hộ để giúp chúng ta đến được với Ngài và có thể từ Ngài sẽ đến với chúng ta.

Hồng danh của Đức Phật A Di Đà là sự hiện hữu trong từng mỗi phút giây như trí tuệ, lòng từ bi và năng lực. Trong từng khoảnh khắc chúng ta sẽ trở thành ý niệm về danh hiệu Ngài, Ngài lúc nào cũng ở trong ta và đang ở với ta. Như vậy nếu chúng ta tập trung tư tưởng vào cũng như nối kết danh hiệu của Ngài ở một điểm và với sự hết lòng tin tưởng, chúng ta bắt đầu cảm nhận trong biển giác ngộ có chất lượng ấy. Sự quy y và sự tin tưởng ở Đức Phật sẽ như một bông hoa đang nở tự nhiên. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ không tìm được nơi nào để chứa sự hiểu biết bất thiện và sự cảm nhận giống như sự phiền não dục vọng, si mê và sự chấp trước.

Giống như chúng ta sẽ trở thành một cái lò chứa đầy năng lực của chư Phật. Chúng ta sẽ phụng sự cho người khác có tính cách tự phát. Bất cứ điều gì mà chúng ta thấy, nghe cũng như cảm nhận sẽ trỗi dậy trong sự hiện hữu ấy. Sự tái sanh về cảnh giới Cực Lạc kia như là một bước tiếp theo tự nhiên. Rồi sự đạt thành Phật quả là mục đích cuối cùng, nơi mà trí tuệ đạt đến được.

Nếu sự gia hộ trở thành tư tưởng và hơi thở của chúng ta cũng như sự quy kính và những lễ nghi thì ngay cả trong khi chúng ta nhận biết được những hình ảnh thông thường, tâm thức hay cảm giác – ngay cả khi chúng ta sống, chết như thế nào; hoặc ở thân trung ấm – chúng ta sẽ luôn luôn được tiếp cận với Đức Phật xuyên qua danh hiệu của Ngài.

Đây là một năng lực đặc thù mà bạn có thể gọi tên hay niệm tên Ngài khi cầu nguyện bằng ngôn ngữ nguyên thủy bằng tiếng Sanskrit hoặc trong một ngôn ngữ nào mà đã được gia trì bởi nhiều bậc giác ngộ, như tiếng Sanskrit và Tây Tạng. Nhưng nếu sự cầu nguyện bằng chính ngôn ngữ của bạn thì rất là linh ứng cho bạn. Nên sử dụng ngôn ngữ của bạn, bởi vì việc quan trọng là mở cửa tâm hồn với sự quy kính Ngài cũng như phát triển sự tin cậy vào Ngài.

Chúng ta nên niệm hồng danh gia hộ của Đức Phật Vô Lượng Quang càng nhiều càng tốt.

Cõi Tịnh Độ như thế nào?

Hóa thân của thế giới Cực Lạc được thể hiện ra trong nhiều cách giống như so với những tính cách cao nhất của loài người và cảnh giới chư Thiên. Như vậy thì có thể so sánh rằng những chúng sanh sanh về nơi kia sẽ giống những hình dáng của những chúng sanh loài người và chư Thiên ở đó?

Tuy rằng cõi Tịnh Độ hóa thân thể hiện như là một đối tượng của khái niệm nhị nguyên cùng với sự cảm nhận. Nó thực sự mở ra với sự mở cửa và những năng lượng tốt đẹp. Đây là một cảnh giới của chư Thiên, tọa lạc nơi bầu trời ở trên hư không (không phải nằm trong biển hay trên quả đất) và chứa đầy những vật thể quý giá. Nhiệm vụ của thế giới kia với một vị Thánh và chia ra từng bực giữa các vị Thầy và đệ tử của Ngài. Tất cả những chúng sanh ấy đã sanh vào được cõi Tịnh Độ nầy đều là đệ tử và trong số những đệ tử nầy lại có các vị Bồ Tát, họ phụng sự cho kẻ khác như là một vị Thầy.

Cõi Cực Lạc thế giới giống như cảnh giới của con người và chư Thiên được cấu trúc theo lối lập thể, riêng biệt của kích thước và khoảng cách cũng như trong vùng thời gian tương đối. Tuy nhiên không phải là sự khổ đau của con người như sự khổ về sanh, già, bệnh và chết. Lại cũng chẳng có cái khổ của chư Thiên, để phải chết và rơi vào lại cảnh giới thấp hơn. Để giải thích tại sao được gọi là Cực Lạc ấy thân tướng chúng sanh không khổ đau. Nơi ấy cũng không có cái khổ về tinh thần. Nơi đó cũng không thể tính đếm được nguyên do của hạnh phúc. Do vậy tại sao gọi nơi nầy là Cảnh Giới Cực Lạc”.

Đất đai ở cõi Cực Lạc thì mềm mại và bằng phẳng giống như những bàn tay của trẻ thơ. Không có giới hạn, tươi trẻ, mát mẻ nhu nhuyến và rất dễ chịu khi sờ vào, không có gai sỏi đá hay đồi dốc. Cõi ấy thanh tịnh, an bình, vui vẻ và không ô nhiễm. Nó được cấu tạo bởi bản chất báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não) và được trang sức bởi những chất bằng vàng ở các lối đi thật trang nghiêm, vĩ đại, lồng lộng, bất nhiễm và chẳng khô héo. Cõi ấy được chiếu sáng bởi những màu sắc và những tia ánh sáng. Trong cõi giới thanh tịnh nầy có vô số vị Phật Tịnh Độ khác hiện ra giống như sự tương phản lại trên mặt những tấm kính sáng rỡ. Chúng sanh ở đó có thể nhìn thấy sự tương phản của các cõi Tịnh Độ giống như là bạn đang xem một lục địa khác trên truyền hình ở trong phòng của bạn.

Cõi Tịnh Độ nầy không có bóng tối hay những núi non thường tình, nhưng lại được trang sức với nhiều loại núi non bằng phẳng của những loại đá quý trên đỉnh và dưới chân núi. Đó đây ở những ngọn núi ấy được trang sức bởi sự chất chồng những ngọc thạch quý giá, những loại ngọc ngà và những hang động bằng cẩm thạch hiếm có cũng như những căn nhà được làm bằng những cây nhỏ tuyệt đẹp.

Những hàng cây tuyệt diệu ấy nhiều màu sắc và được trang trí làm phong cảnh. Nơi đó có loại cây được tạo nên bởi một, hai hay ba loại vật thể quý hiếm. Nhiều loại cây khác được tạo nên bởi bảy loại đá quý như: Rễ cây bằng vàng ròng, những thân cây bằng bạc, nhành cây bằng lưu ly pha lê, lá cây màu hổ phách, cánh hoa màu hồng ngọc, bông hoa màu trân châu và trái cây màu ngọc thạch. Những cây nầy mềm mại và dịu dàng khi va chạm đến, mùi hương ngọt ngào tỏa rộng đến mọi nơi. Âm thanh trong trẻo được chuyển đi khi bị gió lay động.

Cõi Tịnh Độ được trang sức bởi những hàng rào chắn chung quanh và ở bên trên có ao, nước chảy, sông suối; nơi đó nhiều chúng sanh chơi đùa trong sự an lạc thoải mái. Những bậc thềm thoải mái được làm bằng những loại đá quý báu dẫn bạn đến nơi khe suối đang chảy và hồ kia chứa đầy nước công đức. Mặt đất được tạo nên bởi những ngọc thạch quý hiếm được phủ lên đó một lớp cát vàng. Ao ấy cũng đầy nước với đầy đủ tám công đức đó là: Trong sạch, mát mẻ, sáng sủa, hảo hạng, mềm mại, trong suốt, khỏe khoắn cho cuống cổ, lành mạnh cho bao tử. Những hoa sen ở cõi nầy chiếu sáng, hương thơm bay khắp bầu trời cũng như trên mặt nước. Nhiệt độ của nước ấy thay đổi tùy theo ước muốn của bạn. Nước sông chảy với hàng trăm hàng ngàn những hình ảnh âm thanh mà âm nhạc của cõi Trời chẳng thể so sánh được. Bờ hồ và những dòng sông ấy đầy dẫy những hương thơm lan tỏa bao phủ. Những con sông chấn động mạnh và những tiếng nói pháp vang lừng ở nơi bạn cư ngụ.

Những con chim ở đây được biến hóa bởi Đức Phật ở cõi Tịnh Độ. Giống như núi sông và hình dáng của nước nầy cùng với những con chim ấy đều là do sự biến hóa của Đức Phật, chúng cũng chính là Ngài. Hơn thế nữa; chúng còn là nguồn gốc của sự hòa bình, an lạc, trí tuệ và giác ngộ; chẳng phải là nguyên nhân của sự hỗn tạp, chấp thủ, tham lam hay sân hận. Giống như người ở cõi giới bình thường thì thường nghe chim hót và ở cõi Tịnh Độ bạn sẽ được nghe chim hót với tiếng của Pháp âm. Tuy nhiên nếu bạn thích sự yên tĩnh thì những gì mà bạn muốn nghe sẽ chỉ đơn thuần là âm thanh của sự yên tĩnh.

Tất cả những bông hoa đều được tạo nên bởi những vật thể giá trị trong những màu sắc khác thường. Chúng thường lớn bằng một nữa, một hay 10 do tuần (một do tuần bằng 4.000 tầm). Từ những hoa ấy phóng ra vô số ánh sáng màu vàng. Trong mỗi tia sáng ấy có vô số hóa Phật hiện ra. Sự xuất hiện của chư Phật đầy dẫy ở khắp các thế giới chẳng thể đếm hết được, tuyên nói tán dương những lời dạy đến với tất cả chúng sanh, cho những ai sẵn sàng để đón nhận những lời dạy ấy.

Những đệ tử ở cõi Tịnh Độ không chú trọng những loại thực phẩm đầy dẫy ở đó. Tuy nhiên, nếu họ cần, một vài đồ thượng thặng sẽ hiện ra trước họ như họ mong muốn và mời họ nếu cần thì có thể dùng đến. Đồng thời bất cứ cái gì họ muốn như: hương thơm, nước hoa, đồ xoa mình, cờ xí, dụng cụ âm nhạc, y phục hoặc đồ trang sức sẽ hiện ra trước họ giống như họ mong cầu. Thế nhưng những vật nầy sẽ chẳng hiện ra cho những ai không nghĩ đến chúng.

Với những vị nầy ai muốn có nhà ở thì ở đây sẽ hiện ra lầu các với nhà nhiều tầng được làm bởi những vật liệu quý giá, đầy đủ những chỗ ngồi giá trị; giường nằm với đồ trang sức của cõi Trời, đồng thời có những đồ trang sức thật là tuyệt vời. Cứ mỗi lầu các như vậy được chứa đầy cả hàng ngàn chúng sanh thượng thặng không dứt tiếng ca hát và vui với sự cung ứng ấy. Những chúng đệ tử ấy đi dạo xuyên qua các cõi Trời khác cùng với những ngôi nhà phi phàm như thế, với vườn tược, rừng cây, sông ngòi và những ao nước.

Vào mỗi buổi sáng, trưa, chiều, chạng vạng, nửa khuya, gió thoảng từ bốn phương thổi đến tận mọi người. Chúng mang đến những cơn mưa hoa từ những cây và được phủ lên trên mặt đất với những hoa đang nở và mềm mại như lụa là. Nếu bạn sờ vào chúng thì có hương thơm nhẹ bay ra, bạn sẽ cảm nhận sự an lạc giống như bạn ở trong trạng thái thiền định. Chẳng bao lâu thì tất cả những hoa cũ ấy nằm trên mặt đất và sẽ biến đi, hoa mới thay thế vào đó và trở lại tươi mát như cũ.

Rồi thì hương thơm khắp nơi bay đến bao trùm những hoa quý ấy như trang sức thêm, cộng vào đó là những điệu nhạc cùng sự nhảy múa của những chúng sanh cao quý ấy.

Ở nơi cõi Tịnh Độ có tất cả mọi hình thức, âm thanh và những cảm giác về hình ảnh; âm thanh ấy là những sự thể hiện kinh nghiệm của giáo pháp. Điều nầy không có nghĩa là những hình thức ấy trở thành hình thức của chư Phật hay âm thanh ấy trở thành ngôn ngữ của những kinh điển Phật Giáo. Tuy vậy trên tất cả, đều là căn nguyên hay sự hiện hữu của sự hòa bình, an lạc và giác ngộ.

Trục chính của cõi Tịnh Độ là cây giác ngộ. Cây nầy cao 600.000 do tuần, được bao phủ với cành lá sum sê, hoa, trái và được trang trí bởi những chất liệu quý giá cũng như những tràng phan hoa bằng vàng. Khi gió lay động thì chúng phát ra những âm thanh của tiếng ca hát hay đến cả nhiều thế giới khác nữa. Tất cả những ai được nghe, thấy được hay ngửi được cây giác ngộ nầy hoặc ai nếm được mùi vị của trái cây. Rờ vào ánh sáng hay suy nghĩ về sự hiểu biết thì sẽ được miễn trừ những khái niệm trôi nổi và những sự cảm nhận khổ đau nữa.

Kích thước và hình thức của cây giác ngộ được ghi lại ở đây một cách phù hợp cho con đường của những người bình thường phải gặp nó, thế nhưng trên thực tế không thể suy nghĩ được. Ở dưới chân của cây nầy có những hoa sen thật lớn. Đây chính là tòa ngồi của Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà); từ đây Ngài dạy dỗ và giải thoát cho tất cả.

Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà) và những vị Đệ Tử của Ngài như là vị vua của núi rừng phủ trùm lên tất cả những đồi núi, Đức Phật A Di Đà vượt qua tất cả những vị Vua chúa trong hiện tại. Thân thể của Ngài trong suốt và không nhiễm ô, được trang trí với 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp tuyệt vời của bậc đại nhân. Thân thể của Ngài trong suốt và không giới hạn, cao lớn như bầu trời, được chiếu sáng với ánh sáng không thể nghĩ bàn được, chiếu sáng đến nhiều cõi Tịnh Độ khác trong mười phương. Ánh sáng của Ngài là những đức hạnh, sự thể đắc và trí tuệ. Sự tỏa ngời ánh sáng này đẹp đẽ và tròn đầy giống như ánh sáng của pha lê, chiếu toàn thân thể và tâm thức của bất cứ ai va chạm đến ánh sáng ấy thì sẽ được trí tuệ và nhiều niềm an lạc. Như thế đó, Ngài được biết đến là vị Phật Vô Lượng Quang. Bởi vì thọ mạng của Ngài không thể suy lường được, Ngài cũng được biết như là vị Phật Vô Lượng Thọ (A Di Đà – Amithayus).

Lời giáo huấn của Ngài mang đến khắp nơi những âm thanh bất tuyệt của giáo pháp. Tâm thức giác ngộ của Ngài là biển cả bao la, sâu thẳm an bình và trí tuệ. Ngài hiểu rõ tất cả những chủ thể xuyên qua trí tuệ toàn tri của Ngài không có giới hạn. Tâm nguyện của Ngài chứa đầy tình thương và lòng từ bi cho tất cả những ai đau khổ, giống như một người mẹ chỉ lo cho đứa con duy nhất của mình. Với sự tự tin to lớn Ngài vô cùng hoan hỷ với mọi tâm thức của chúng sanh và những sự thành tựu mà họ cần đến với sự lưu xuất liên tục của những thức ăn của chư Thiên không bao giờ hết, giống như những lời giáo huấn của Ngài. Với nhiệt tình hồi hướng, Ngài đã chia xẻ với mọi người những chất cam lồ ấy, giống như sự đạt được tuyệt đối những điều mà Ngài đã thệ nguyện. Như là một vị chủ chăn cừu, Ngài dạo đi chậm chạp nhưng rất vững chắc, hướng dẫn sự nhóm họp của các Đệ Tử nhiều như biển cả mênh mông.

Nơi cõi Tịnh Độ của Ngài, Đức Phật Vô Lượng Quang là chủ nhân của vô số đệ tử không thể tưởng tuợng được hết. Họ là những người thân đến tham cầu sự giác ngộ cho chính mình và sự giác ngộ cho kẻ khác nữa. Trong những vị Bồ Tát có 8 vị Bồ Tát quan trọng như: Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Mahasthamapata), Văn Thù Sư Lợi (Manjinshri), Địa Tạng (Kshitigarbha), Hư Không Tạng (Sarvanivaranavis-kambini, Akashagarbha), Di Lặc (Maitreya) và Ngài Phổ Hiền (Samantabhadra). Những vị Bồ Tát nầy sở hữu gấp 5 lần sự hiểu biết phi thường sau đây:

1) Các Ngài sở hữu những việc bất khả tư nghì như dạo chơi trong khoảnh khắc mà có thể xuyên qua được nhiều thế giới để đi đến dạy cho những chúng sanh khác tại đó. Cứ mỗi sớm mai những vị đệ tử nầy du hành qua nhiều cõi Tịnh Độ để gặp gỡ và đảnh lễ các Đức Phật ở tại đó và nghe những vị nầy thuyết pháp, trước khi trở về lại thế giới Cực Lạc.

2) Các Ngài có khả năng nhớ lại những sự kiện từ những kiếp trong quá khứ để dùng cho mục đích là tu học và giáo hóa.

3) Những cặp mắt thần của các Ngài là những cái nhìn hiền minh về vô tận thế giới để đoái hoài đến những chúng sanh bị nhiễm ô, được các vị Bồ Tát phụng sự.

4) Những lỗ tai thần của các Ngài có thể nghe được lời dạy của vô số của những vị Phật giống như những chúng sanh đang cầu nguyện.

5) Các Ngài được biết đến những trạng thái thuộc về những chúng sanh trong vô số cõi nước và thuận theo giúp đỡ họ.

Qua những năng lực bất khả tư nghì nầy, những vị Bồ Tát ấy dụng ý vui vẻ và hữu ích cho vô số chúng sanh ở trong nhiều thế giới khác nhau.

Không phải tất cả chúng sanh được sanh về cõi Cực Lạc đều đủ những năng lực như những vị nầy. Bởi vì họ đã có sự nghi hoặc về việc tái sanh ở thế giới Tịnh Độ; hoặc thiếu sự tin tưởng về năng lực của Đức Phật Vô Lượng Quang và lời thệ nguyện của Ngài.

Những chúng sanh khác khi sanh về cõi Tịnh Độ này có thể còn sanh lại vào lòng của hoa sen trong 500 năm nữa và chẳng thể gặp được Phật suốt cả trong thời gian ấy. Họ sẽ an ổn và hạnh phúc ở trong những bông hoa bất khả tư nghì ấy. Thế nhưng vì họ là những người còn nghi ngờ, phức tạp; cho nên những cánh hoa ấy vẫn đóng lại sau khi được tái sanh tại đây và họ chưa thấy được cảnh giới Tịnh Độ cũng như Đức Phật (những người sanh về phẩm Hạ).

Không phải tất cả những vị đệ tử ở cõi Tịnh Độ đều là những vị Bồ Tát Thập Địa hay cao hơn nữa. Nhưng cho tất cả những đệ tử nào muốn kiếp sống sau cùng của họ sẽ đạt được Phật quả và cho tất cả mọi người ở đây sẽ được giác ngộ. Ngoại trừ họ chọn mục tiêu khác và nhờ năng lực lời nguyện của Đức Phật.

Không có những chúng sanh nào tại đó là những người hướng dẫn cho gia tộc về con đường của cuộc sống với người phối ngẫu và gia đình; bởi vì tất cả đều tự do từ những sự phụ thuộc để cho đối tượng của nhục thể. Ở đây chẳng có một người nào rời khỏi từ chánh niệm, sự cảm kích và sự huấn luyện vật thể con đường của cuộc sống là sự hoàn hảo nơi Tịnh Độ. Những chúng sanh ở cõi Cực Lạc là những người trí thức, có tình thức và tính cách vật lý được tinh luyện nhiều hơn những chúng sanh ở những cảnh giới có tính cách thế tục. Họ vượt qua khỏi sự phân loại về đàn ông và đàn bà. Tuy nhiên theo các kinh điển và giáo lý về cõi Cực Lạc thì ở đó chẳng có những người đàn ông hay những người đàn bà bình thường; giữa những chúng sanh ấy khi họ được sanh về cõi Tịnh Độ, nơi mà giống cái hay giống đực thuộc về sự ứng hóa thần kỳ của Đức Phật Vô Lượng Quang để phụng sự cho những chúng sanh ấy.

Đây không phải là sanh vào tử cung, mà tất cả những sự sanh này bởi sự quảng đại bất khả tư nghì, cao quý, hương thơm ngào ngạt ở giữa những bông hoa đủ màu sắc. Chẳng một người nào sản xuất ra nước tiểu, bài tiết hay nước dải. Vì những chúng sanh ở đây không có những thân thể to lớn và ăn những thức ăn như ở quả đất nầy.

Theo những bài vở trong A Tỳ Đạt Ma (Xem N. 183 a/2 và CND 3018) ở buổi ban sơ của thời đại chúng ta, những kiếp số trước, loài người có mặt trên quả địa cầu nầy không phân biệt những người đàn ông hay những người đàn bà nổi tiếng. Họ không làm tình với nhau và mọi người được sanh ra qua những cách huyền bí. Con người chẳng cần phải ăn nhiều thực phẩm, lẫn việc họ chẳng cần đến ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng, mà họ có ánh sáng tự chiếu ra bởi những tia sáng nơi chính thân thể của họ. Họ bay đi trong bầu trời như những con chim, họ không có cánh. Dần dần qua thời gian, con người bắt đầu vui với những vật thể trên mặt đất và rồi qua kinh nghiệm to lớn của những tình thức. Đây là nguyên nhân làm cho họ mất đi khả năng bay và chiếu sáng của tự thân họ. Chẳng bao lâu họ bắt đầu trở nên những người đàn ông và những người đàn bà nổi tiếng và có sự sinh ra từ tử cung của người mẹ.

Đức Phật dạy rằng:

Ở cõi Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang.

Đã từ lâu tất cả vui với sự hấp thụ thực phẩm mặc nhiên.

Ở đây ngay cả tên các loại thức ăn bình thường cũng không có nữa.

Mọi người đều hoan hỷ ở cõi Tịnh Độ và nhan sắc họ giống như sắc đẹp của vàng ròng. Thân thể của tất cả những vị đệ tử ở cõi Tịnh Độ rất mạnh mẽ và đầy đủ năng lực được biểu hiện qua 32 tướng tốt tuyệt vời của những bậc Đại Nhân. Ánh sáng trí tuệ của thân thể họ chiếu sáng trùm khắp cõi địa cầu. Đức Phật nói tiếp:

Ở cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang.

Ánh sáng trí tuệ của một bậc chân nhân là luôn luôn được lưu xuất.

Ở đây không có bóng tối.

Và cũng chẳng có sự khác nhau giữa ngày và đêm. Tâm thức của họ luôn an lạc như họ được chứa đầy bởi sự tự tin và trí tuệ. Họ hoan hỷ bởi vì bất cứ cái gì họ cũng vui; họ vui vẻ tự nhiên, không có sự chấp thủ, hay bị phiền não bởi những sự khổ sở. Ngay cả với những ai vẫn chưa vượt khỏi sự khổ đau. Nguyên nhân của sự khổ đau; nhưng họ vẫn cảm nhận được niềm vui, chính mình tạo ra sức mạnh của thế giới Tịnh Độ. Chẳng có ai là chủ thể của sự già nua hay bịnh hoạn. Cuộc đời là vô hạn, bởi vì sức mạnh của phước đức, khi họ sanh về cõi Tịnh Độ. Tất cả những kinh nghiệm của sự khổ đau sẽ được dừng lại. Ở nơi đó không là hiện trường của sự khổ đau tại Tịnh Độ.

Tái sanh về thế giới Cực Lạc

Sự mô tả về cõi Cực Lạc đơn thuần cục bộ về ánh sáng được thấy ở đó là giàu chất lượng bất khả tư nghì. Trong thực tế, ngay cả con mắt thần cũng không thể thấy được tất cả mọi chất lượng, mà điều ấy là vô hạn. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng chẳng thể giải thích được tất cả về chúng. Ngôn ngữ thì chẳng đầy đủ được.

Theo nhiều kinh sách thì lời nguyện của Đức Phật Vô Lượng Quang có một năng lực phi phàm, nếu bạn luôn nhớ nghĩ đến Ngài, bạn sẽ chẳng những được sanh về thế giới Tịnh Độ của Ngài mà bạn sẽ còn được gặp Ngài như là một con người trong cuộc đời của bạn, ngay cả trong giấc ngủ hoặc dưới cái nhìn cũng vậy. Vào thời điểm bạn qua đời Đức Phật Vô Lượng Quang sẽ hiện ra trước bạn ở giữa số đông đệ tử nhiều như biển cả. Đặc biệt nếu bạn nhớ đến Đức Phật Vô Lượng Quang ở trong tình trạng trung ấm thân thì sự tưởng nhớ cũng sẽ là nguyên nhân để bạn được sanh về thế giới Tịnh Độ của Ngài. Bởi vì chính điều ấy trong khi ở trung ấm thân sẽ dễ dàng thay đổi tình huống của bạn.

Để được vãng sanh về thế giới Tịnh Độ chẳng cần bạn phải đạt thành ở một vài sự thể đắc mặc nhiên cao cả. Bởi vì với năng lực của lời thệ nguyện của Đức Phật, những gì bạn cần là sự thực hành bốn nguyên nhân để mở cánh cửa tâm linh của bạn và hãy thể hiện nó ở sự cảm thọ càng nhiều càng tốt. Điều kiện duy nhất là bạn chẳng phạm vào một trong năm tội ngũ nghịch hay chẳng tin tưởng nơi Phật Pháp. Đức Phật Thích Ca đã dạy về bốn nguyên nhân ấy như sau:

“Nầy A Nan! Có những hạng người một là suy nghĩ chi tiết về Đức Phật (Vô Lượng Quang và cõi Tịnh Độ của Ngài) cứ lặp đi lặp lại mãi như vậy; hai là những người ấy sáng tạo ra vô lượng phước đức và chân thành cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Khi họ mất họ sẽ được tái sanh về cõi giới Cực Lạc ấy”.

Việc gieo trồng sự quy hướng về và sự tưởng niệm đến Đức Phật Vô Lượng Quang, chúng ta xác nhận được sự tái sanh của chúng ta vào cảnh giới bất tư nghì của Cực Lạc, một cõi giới hoàn toàn hòa bình và an lạc tuyệt đối và trở thành nguồn gốc của sự bình tĩnh và sự chờ đợi của những người khác. Cơ hội vi diệu nầy là lời hứa của Đức Phật Vô Lượng Quang đối với mỗi chúng ta vậy. Sự thật của lời nguyện nầy đã được tuyên bố bởi chính Đức Phật lịch sử (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Đây chính là con đường đã được xác nhận để du hành bởi những người Phật Tử hiền minh và sự nương tựa xuyên qua thời đại.

Một vài người Phật Tử nhìn những việc nầy như là “vô thần” phải phụ thuộc vào cảnh giới Cực Lạc, chỉ là sự quy kính với nhiều vị Thần tiếp cận. Tuy nhiên khi khảo sát kỹ nên để ý ví dụ của Ngài Long Thọ: Ngài chính là vị chủ xướng quan trọng nhất về nguồn gốc tánh Không của Phật Giáo Đại Thừa rằng: Trường phái vô thần ấy là cự tuyệt sự hiện hữu các cực đoan; vô trụ; cả sự hiện hữu và không hiện hữu; chẳng tồn tại lẫn không tồn tại. Bây giờ thì Đức Phật lịch sử đã huyền ký rằng: “Sẽ có một vị Tăng tên là Naga (rjuna)… sẽ được tái sanh về cõi Cực Lạc”. Như vậy thì, nếu một vị Đại Sư quan trọng, to lớn về truyền phái tánh Không (vô thần) mà còn được sanh về Tịnh Độ, thì một vài người theo Phật Giáo, hữu thần hay không thần, bất cứ cái nào cũng sẽ có thể được sanh về nơi cõi kia. Để sự tái sanh dễ dàng về cõi Tịnh Độ là điều quan trọng cho người sắp chết, phải nên giúp đỡ cả hai hệ thống ấy trong và chung quanh họ…

(Đoạn trên trích ra từ sách “Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ” của Hòa Thượng Thích Như Điển và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt của Đại Sư Tulku Thondrup từ trang 331 đến trang 354).

Đoạn trên đây đã được Đại Sư Tulku Thondrup người Tây Tạng, là một Tăng sĩ học giả đang dạy tại Đại Học Havard Hoa Kỳ dịch và viết từ tiếng Tây Tạng ra tiếng Anh và Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà) cũng như cảnh giới của Ngài. Đọc toàn bộ đoạn văn trên, chúng ta thấy tác giả dùng lối văn mới hoàn toàn để diễn giải về Đức Phật A Di Đà và cảnh giới Tây Phương Tịnh Độ; thật không đi ra ngoài hai bản kinh chính là: Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ra khi Ngài còn tại thế, cách đây hơn 2.500 năm về trước. Như vậy điều khả tín nhất của chúng ta là dẫu cho có theo Tịnh Độ thuộc truyền thống nào thì ba bộ kinh trên (kể cả kinh Quán Vô Lượng Thọ) và vị Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông (Ngài Long Thọ) căn cứ nơi Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận là những luận điểm vững vàng nhất để dung nạp những tư tưởng Tịnh Độ về sau nầy.

Mặc dầu chỉ có một chút khác biệt về Lời Nguyện của Đức Phật A Di Đà qua sự phiên dịch của ngôn ngữ. Tiếng Sanskrit chỉ có 46; trong khi đó tiếng Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn là 48 và tiếng Tây Tạng lại đến 51. Ví dụ như lời nguyện thứ 18 trong tiếng Việt thì trở thành thứ 19 trong tiếng Tây Tạng. Có thể đây là kết quả của việc dịch thuật để các ngôn ngữ như: Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam trở thành nhiều hơn so với ngôn ngữ gốc bằng tiếng Sanskrit, chứ không phải ít hơn. Theo chúng tôi nghĩ: đây chỉ là cách dịch rộng và dịch cặn kẽ để người đời sau dễ hiểu hơn. Chứ ngoài ra không có ý gì khác.

Ví dụ như kinh Bát Nhã nguyên chữ Hán được Ngài Huyền Trang dịch từ tiếng Phạn, có tất cả 262 chữ; nhưng khi đọc đến bảng tiếng Hán Việt thì thiếu 2 chữ “nhứt thiết” ở một đoạn văn (xin xem thêm những ghi chú và giải thích về việc thiếu nầy trong các quyển sách dịch về Pháp Hoa Tông, Chân Ngôn Tông và Tào Động Tông của tác giả). Đây là một thiếu sót chắc chắn của những vị dịch giả đầu tiên. Có lẽ vì bỏ quên; vì trong khi Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản thì đủ 262 chữ, trong khi đó Việt Nam chúng ta lâu nay chỉ tụng có 260 chữ. Sai đúng ai rõ biết được! nhưng những gì đã trở thành thói quen thì chỉ hiểu như thế trong việc nghiên cứu. Còn cái gì đã trở thành tập quán, khó mà một sớm một chiều dễ sửa đổi được.

Kinh hay Thần Chú Đại Bi cũng vậy. Việt dịch từ Hán văn thiếu đi một đoạn mấy chữ. Tuy rằng âm tiếng Phạn; nhưng lâu nay đọc đã quen miệng như vậy rồi. Bây giờ ai đó thêm vào một đoạn nữa, hóa ra bị ngượng. Lỗi nầy có thể do phiên dịch thiếu, vì có quá nhiều chữ “Ta Bà Ha” trong thần chú Đại Bi; hoặc cách thứ hai để hiểu cho việc nầy là người đánh máy, sắp chữ không quen với mặt chữ ấy cho nên đã bỏ sót. Thế rồi cứ in đi in lại nhiều lần chẳng ai so lại với bản chính và cứ thế tiếp tục. Do vậy vẫn tiếp tục sai; nhưng mà không biết. Cho nên người xưa nói rằng: “Ba lần sao chép lại, mất đi cái gốc chính” của nó là phải rồi.

Riêng tinh thần của ba bản kinh chính của những người tu theo pháp môn Tịnh Độ, tác giả đã có cơ hội làm quen hoặc trực tiếp hay gián tiếp qua các ngôn ngữ như: Hán văn, Anh văn, Đức ngữ, Nhật ngữ, Việt ngữ v.v… không có điểm nào là đáng nói. Nếu có, chỉ là chuyện chuyên nghiệp, đào sâu hơn, tỉ mỉ hơn, rõ ràng hơn để người đi sau dễ tìm hiểu về cội nguồn hơn. Đây là điểm cần yếu và rất quan trọng đối với những người tu theo pháp môn vốn khó thể tin tưởng nầy.

Thật ra nghiên cứu về Phật Giáo Tây Tạng, đặc biệt là tư tưởng của Tịnh Độ cũng quá mới mẻ đối với chúng tôi; nhưng đúng là duyên may gặp phải tác phẩm: “Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ” nầy nên đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu và tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội để cho những người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ tìm lại cội nguồn của Tịnh Độ. Đó là chúng ta chỉ có một Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã tuyên nói ba bộ kinh trên và chỉ có một vị Tổ Sư Tịnh Độ duy nhất được truyền thừa qua luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa của Ngài Long Thọ. Ngài chính là vị Tổ Sư của Tịnh Độ thuộc tất cả các nước theo Phật Giáo Tịnh Độ như: Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng.

Khi đã thấu rõ ngọn ngành rồi, các dị biệt nếu có ở các nước khác về pháp môn nầy, trước sau chúng ta cũng sẽ tìm ra một cách thích nghi dễ dàng. Đây chỉ là vấn đề thời gian và vấn đề sắp lại niên đại cũng như việc truyền thừa cho hữu lý. Còn vấn đề Đức Tin về Tịnh Độ cho đến nay, hầu như các Phật Tử Á Châu ít có ai thắc mắc về Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc cả. Nếu có, thì đó chỉ là những nghi vấn của những người theo Tông phái khác mà thôi.

Thực sự ra niềm tin Tôn Giáo đến với nó, không phải để mổ xẻ như những nhà tôn giáo học, mà đến để tin được gì mà mình đã kinh qua trong khi thực tập và niềm tin ấy sẽ giúp cho chúng ta thực chứng như thế nào trên phương diện giải thoát sanh tử luân hồi; đó mới là điều đáng quan tâm hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2012(Xem: 4034)
Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được; thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
05/08/2012(Xem: 7189)
Ai trong chúng ta được sinh ra trong đời này rồi, một ngày nào đó cũng phải từ giã tất cả những gì có liên hệ với ta trong một quãng thời gian nhất định của cuộc đời này để phải ra đi. Có kẻ đi lên, có người đi xuống; có kẻ đi ngang và có người lại ngược dòng sinh tử, trở lại thế giới này để cứu khổ độ mê. Tất cả đều do nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người trong chúng ta.
18/07/2012(Xem: 19832)
Cõi Cực Lạc hay cõi Tịnh Độ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn giới thiệu cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà nầy là cõi: Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ... HT Thích Như Điển
27/05/2012(Xem: 12157)
Guru Rinpoche tuyên bố với Jomo Shedron rằng việc trì tụng lời cầu nguyện này cũng ngang bằng với việc trì tụng toàn thể Bài Trì tụng Hồng danh Đức Văn Thù.
12/04/2012(Xem: 3223)
Pháp môn niệm Phật từ trước đến nay được phổ biến rộng rãi, hàng Phật tử đều có thể ứng dụng thực hành và đã chứng nghiệm sư an lạc, lợi ích từ câu Phật hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc niệm Phật. Vậy ý nghĩa của việc niệm Phật là gì? Niệm Phật với mục đích gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cặn kẽ hơn để việc niệm Phật thật sự đúng nghĩa và có lợi ích thiết thực trong cuộc sống ngay phút giây hiện tại.
01/04/2012(Xem: 5770)
Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng đến như vậy, Học Hội Tịnh Tông Liên Hoa bố trí một hội trường trang nghiêm long trọng. Chúng ta ở nơi đây cùng nhau nghiên cứu, thảo luận một phương pháp tu học trọng yếu trong Phật pháp chính là ba tư lương của tịnh độ. Trước khi chúng ta thảo luận đến vấn đề này, thì trước tiên phải có sự nhận thức chuẩn xác đối với Phật pháp.
22/03/2012(Xem: 5527)
Đương thời giảm kiếp, trình độ đạo đức của nhân loại mỗi ngày một kém, trái lại tội ác mỗi ngày một thêm. Do sức nghiệp của đa số người chiêu cảm, nên khắp thế giới nổi lên những hiện tượng: động đất, bão, lụt, núi lửa, nắng hạn, thời tiết bất thường. So với mấy mươi năm về trước, những chuyện chém giết trộm cướp, dâm loàn, lường gạt giữa ngày nay, đã khiến cho người có lòng với thế đạo nhân tâm phải bàng hoàng lo sợ! Kinh Phật nói: “Tất cả sự khổ vui đều do tâm tạo”. Vậy muốn cải thiện con người, tạo hoàn cảnh tốt, phải tìm sửa đổi từ chỗ phát nguyên. — đây, tôi muốn nói là mọi người phải dứt trừ tâm niệm xấu ác, ví như muốn được dòng nước trong, đừng để cho nguồn vẩn đục.
21/03/2012(Xem: 4631)
Tôn này thuộc về Đại- thừa, chủ trương dạy người chuyên tâm niệm Phật đẻ được cảnh vãng sanh về Tịnh độ của Phật A-DI-Đà. Do đó, tôn này mới có tên là Tịnh độ tôn. Đây là một trong nhiều pháp môn của Phật, mà đặc điểm là dể tu, dể chứng, rất thích hợp với đại đa số quần chúng. Với pháp môn này, bất luận hạng người nào, trong thời gian nào, hoàn cảnh nào, củng có thể tu hành được cả. Nếu so sánh với con đường đi, thì tôn này là môt đại lộ bằng phẵng ,rộng rãi, mát mẽ, hành giả dễ đi mà mau đến, không sợ gặp nguy hiểm chướng ngại giữa đường.
21/03/2012(Xem: 3555)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
16/03/2012(Xem: 4655)
Hôm qua chúng tôi từ Tuyết Lê Newsaque trở về, hôm nay đã nghỉ hết một ngày, buổi tối chúng ta họp mặt với các đồng tu đàm luận mấy vấn đề tu học Phật pháp. Những vấn đề này phần nhiều đều là thuộc về sơ học, cho dù là lão tu cũng luôn xem thường, cho nên gọi là “tập nhi bất sát”. Đợi đến khi có người hỏi đến chúng ta, thì có không ít người không biết phải trả lời thế nào. Học viện của chúng ta là học viện của Tịnh Tông, xem hình thức là biết nội dung, chúng ta là chuyên tu Tịnh Độ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]