Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Chương Thứ Hai

18/07/201115:14(Xem: 9010)
2. Chương Thứ Hai
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

 

Chương thứ hai

Luận về khả năng thành Phật của chúng sanh và thuyết mười phương chư Phật xuất hiện

Tiết thứ nhất

Phật Thích-ca Mâu-ni

Về mặt lịch sử nhân loại mà nói thì người được gọi là Phật chỉ có một Đức Phật là Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích Tôn đản sanh cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm tại nước Ca-tì-la ở Ấn Độ, Ngài là thái tử của nước ấy. Vì cầu pháp giải thoát, lúc hai mươi chín tuổi Ngài xuất gia học đạo, ba mươi lăm tuổi thành chính giác. Sau đó, bốn mươi lăm năm, Ngài du hóa các nơi thuyết pháp độ sanh, đến tám mươi tuổi nhập Niết-bàn. Nhục thân của Ngài tất nhiên không khác gì chúng ta, nhưng Ngài đã đoạn trừ tất cả ái dục phiền não, chứng đắc chân lí, vận dụng lòng đại bi, chuyên tâm nhất ý giáo hóa nhân loại nên được tôn xưng là Phật-đà.

Tiết thứ hai

Phật quá khứ và Phật vị lai

Kinh Đại bảntrong Trường A-hàmquyển 1, kinh Tạp A-hàmquyển 15 ghi : “Trước Thích Tôn xuất thế có sáu Đức Phật là Tì-bà-thi v.v… xuất hiện ở thế gian. Quá khứ chín mươi mốt kiếp, lúc con người thọ tám vạn tuổi thì có Phật Tì-bà thi. Quá khứ ba mươi mốt kiếp, lúc con người thọ bảy vạn tuổi thì có Phật Thi-khí. Quá khứ ba mươi mốt kiếp, lúc con người thọ sáu vạn tuổi thì có Phật Tì-xá-phù. Hiện tại kiếp Hiền, lúc con người thọ bốn vạn tuổi có Phật Câu-lâu-tôn. Hiện tại kiếp Hiền, lúc con người thọ ba vạn tuổi thì có Phật Câu-na hàm-mâu-ni. Hiện tại kiếp Hiền, lúc con người thọ hai vạn tuổi thì có Phật Ca-diếp xuất thế và Đức Thích Tôn là vị Phật thứ bảy xuất hiện ở thế gian lúc con người thọ một trăm tuổi. Niên đại của sáu Đức Phật quá khứ rất xa thuộc vào thời kì trước lịch sử, xa đến nỗi tâm trí của chúng ta không thể biết đến được. Nhưng trong kinh Tạp A-hàmquyển 12 ghi: “Ta nay đắc đạo của bậc tiên nhân cổ xưa”. Kinh Tự hoan hỉtrong Trường A-hàmquyển 12 ghi: “Các Đức Phật quá khứ đồng đẳng với Ta.” Theo những lời được ghi trên thì Đức Thích Tôn cũng tự thừa nhận là có bậc đã giác ngộ trước Ngài.

Trong pháp sắc của vua A-dục tại Nigliva ghi: “Sau khi, nhà vua lên ngôi khoảng bốn mươi năm thì kiến tạo thêm tháp Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Đến lúc, vua băng hà chẳng bao lâu thì kiến tạo lan can tháp Bharhut, mặt trên có điêu khắc cây bồ-đề của bảy Đức Phật quá khứ.” Do đó, chúng ta có thể thấy tín ngưỡng về bảy Đức Phật đã xuất hiện từ thời vua A-dục.

Kinh Thuyết bảnthứ 13 trong Trung A-hàm. Kinh Chuyển luân thánh vương tu hành, thứ 6 trong Trường A-hàmđều ghi rõ: “Vào thời vị lai lúc con người thọ tám vạn tuổi, Đức Phật Di-lặc giáng sanh cõi Diêm-phù-đề giáo hóa nhân loại, đã có sáu Đức Phật quá khứ xuất thế, sau đó Thích Tôn kế tiếp, tất nhiên đến Thích Tôn cũng phải có người dự khuyết. Cũng vậy, Phật Di-lặc cũng lấy Phật Sư Tử làm người dự khuyết. Dự tính Phật Sư Tử cũng có người dự khuyết. Từ đó, xướng lên thuyết nghìn Đức Phật ở kiếp Hiền hiện tại xuất hiện”. Như vậy, theo các kinh công nhận ở quá khứ có sự xuất hiện Phật quá khứ thì pháp của Đức Phật Thích-ca chứng đắc là có tính truyền thống, đồng thời chỉ rõ nguồn gốc rất lâu dài. Lại nói: Vị lai có Phật xuất hiện, các Đức Phật lần lượt kế thừa nhau truyền bá giáo pháp không để bị mai một, biểu thị mãi mãi không đoạn tuyệt. Điều này có ý nghĩa chống đối với truyền thống của Bà-la-môn giáo.

Tiết thứ ba

Thuyết hiện tại mười phương các Đức Phật xuất hiện

Phần trên căn cứ vào kinh A-hàmv.v… lấy Đức Thích Tôn làm trung tâm, giữa quá khứ và vị lai thời gian cách xa rất lâu, chỉ có một số ít Phật xuất hiện một cách gián đoạn; vả lại, các Đức Phật này đều đản sanh ở cõi Diêm-phù-đề (Ấn Độ). Nhưng trong kinh Đại thừa nói ngoài Diêm-phù-đề có mười phương thế giới, ở đời hiện tại có vô số các Đức Phật xuất hiện đang giáo hóa nhân dân trong các cõi nước của các ngài. Như kinh Đâu-sanói: Phương đông Ngật-liên-hoàn trở xuống xuất hiện mười phương thế giới chư Phật. Phẩm Thiện tri thứcthứ 7 trong kinh Đạo hành bát-nhãghi: “Các Đức Phật Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác hiện tại ở mười phương vô số cõi nước đều sanh ra từ sáu pháp ba-la-mật, thành tựu trí nhất thiết trí”. Kinh Bát-chu tam-muội ghi: “Muốn thấy các Đức Phật hiện tại ở mười phương thì phải nhất tâm niệm Phật theo phương của Đức Phật ấy”. Những lời kinh kể trên đều nói về việc này. Tất cả các kinh điển Đại thừa đề cập đến các Đức Phật ở mười phương và tên cõi nước, hiện còn ba bộ, như kinh Đâu-sav.v… đều do ngài Chi-sấm, đời Hậu Hán dịch cũng là kinh điển được truyền dịch sớm nhất trong kinh Đại thừa ở Trung Quốc. Do đó, chúng ta đủ biết thuyết xuất hiện nhiều Đức Phật ở mười phương cũng có thể nói đó là thuyết xuất hiện vào thời đại sớm nhất.

Các kinh A-hàmv.v… thật sự nói đến đời quá khứ và vị lai có các Đức Phật xuất hiện, nhưng trong đời hiện tại không thể có hai Đức Phật đồng thời xuất hiện, tức là phủ nhận thuyết hiện tại ở mười phương có nhiều Đức Phật xuất hiện. Kinh Đa giớitrong Trung A-hàmquyển 47 ghi: “Không bao giờ trên thế gian có hai vị Chuyển luân thánh vương đồng thời cai trị, cũng vậy ở thế gian không thể đồng thời có hai Đức Như Lai.”

Kinh Tự hoan hỉtrong Trường A-hàmquyển 12 ghi: “Các Đức Phật quá khứ không khác với Ta, các Đức Phật vị lai cũng không khác với Ta, đời hiện tại muốn hai Đức Phật đồng thời xuất hiện là điều không bao giờ có.” là chỉ cho ý này. Luận Đại trí độquyển 4 hiểu chung về hai kinh này: “Trong một đời không có hai Đức Như Lai là chỉ nói một thế giới Phật. Như trong một tứ thiên hạ không có hai Chuyển luân thánh vương đồng thời cai trị thế gian, trong một tam thiên đại thiên thế giới không có chuyện hai Đức Như Lai đồng thời xuất hiện. Nhưng thế giới của tứ thiên hạ khác chẳng ngại gì có Chuyển luân vương khác xuất thế, trong tam thiên đại thiên thế giới khác có Phật khác xuất hiện, tuyệt đối không trái với kinh”. Hiện tại, chúng ta lấy một Diêm-phù-đề này để nói, các Đức Phật xuất hiện ở thế gian có tính gián đoạn, chắc chắn là không có hai Đức Phật xuất hiện đồng thời trong một thời gian. Nhưng vì có vô số thế giới tồn tại cũng tức là hiện tại có vô số thế giới đối đãi nhau, có thể chứng minh lí do có nhiều Đức Phật xuất hiện.

Luận Du-già-sư-địaquyển 38, luận Hiển dương thánh giáoquyển 20 ghi: “Hiện tại trong thế giới này có hơn một trăm vị bồ-tát phát thệ cùng tu tập tư lương bồ-tát, tương lai thành Phật cùng một thời, nghĩa là có nhiều Phật. Nhưng vì các vị bồ-tát này ở mỗi thế giới khác nhau trong vô lượng vô số thế giới không có Như Lai. Vì trong một thế giới không có hai Đức Phật đồng thời xuất hiện, nhưng trong nhiều thế giới thì không trở ngại có nhiều vị bồ-tát đồng thời thành Phật.”. Điều này tuy trình bày có khác nhưng ý nghĩa giống với ngài Long Thọ trong luận Đại trí độ quyển 4, khi giải thích về bồ-tát tại phẩm đầu: “Trong Ma-ha-diễn có nhiều lí do nói đến ba thời mười phương chư Phật. Vì sao? Vì mười phương thế giới có lão, bệnh, tử, dâm, nộ, si v.v… nên Phật phải giáng sanh vào các cõi nước ấy”. Như trong kinh ghi: “Nếu không có lão, bệnh, tử, phiền não thì chư Phật không xuất hiện ở thế gian. Lại nữa, vì có nhiều người bệnh nên phải có nhiều thầy thuốc…… Một vị Phật chẳng thể độ hết tất cả chúng sanh……Nhưng một vị Phật ra đời, như pháp của các Đức Phật độ chúng sanh đáng được độ rồi thì diệt độ như cây đuốc tàn thì lửa tắt….Vì thế, hiện tại cần phải có nhiều vị Phật khác nữa.”.

Tiết thứ tư

Chúng sanh có khả năng thành Phật và tư tưởng Bản sanh

Phật giáo Đại thừa đưa ra thuyết có nhiều Đức Phật xuất hiện như thế, là nói hiện tại trong mười phương thế giới xuất hiện vô lượng các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng. Đây là thế giới quan của Phật giáo Đại thừa vô cùng rộng lớn, đồng thời cũng bắt đầu nhìn nhận khả năng thành Phật của chúng sanh. Có lẽ trong kinh A-hàmv.v… các tì-kheo đều là đệ tử thanh văn chỉ nghe lời dạy của Đức Thích Tôn để mong chứng ngộ chân lí chứ không có chí mong cầu thành Phật. Lại nữa, Đức Phật Tì-bà-thi cùng sáu Đức Phật thời quá khứ xuất hiện ở thế gian cách xa chúng ta rất lâu. Đức Phật Di-lặc thời vị lai cũng xuất hiện sau này thời gian còn rất dài, cho nên rất ít người nghĩ đến chuyện thành Phật thật sự có giới hạn. Nhưng trong Phật giáo Đại thừa cho rằng chúng sanh có khả năng thành Phật, tu hành sáu pháp ba-la-mật, tinh tiến tu tập thì sẽ thành Phật; người này gọi là Bồ-đề tát-đỏa. Vì sao đệ tử Phật giáo Đại thừa tự biết khả năng mình sẽ thành Phật? Bởi vì, trong các kinh như A-hàmv.v…nói đến quá khứ và vị lai chỉ có số ít Đức Phật xuất hiện. Nhưng đặc biệt những câu chuyện Bản sanh nói về tiền thân của Thế Tôn đã khuyến khích đệ tử Phật giáo Đại thừa lúc đó; nguyên nhân này làm cho họ có niềm tin giác ngộ.

Trong chuyện Bản sanh nói về Thế Tôn xuất hiện ở thế giới này, không chỉ đời này Ngài thương xót độ thoát chúng sanh mà từ đời trước quá khứ xưa kia Ngài cũng tu hạnh nguyện đại bi; hoặc thụ thân người, hay thụ thân những loài động vật, như nai, ngựa, khỉ, vượn để cứu giúp chúng sanh đồng loại, tinh thần dũng cảm, hi sinh làm những việc khó làm cực khổ. Những chuyện này gọi là Bản sanh (Jataka), được tập hợp biên tập lại thành sách, gọi là kinh Bản sanh. Trong kinh A-hàmghi lại rất nhiều câu chuyện Bản sanh. Trong các kinh như Sanh kinh, Lục độ tập kinh, Soạn tập bách duyên kinhcũng ghi lại rất nhiều câu chuyện hi sinh.

Nhưng kinh Bản sanh theo văn Pali đã tập hợp gồm có năm trăm bốn mươi sáu loại nói về Bản sanh. Trong đó, tất nhiên có rất nhiều tác phẩm là ở đời sau. Nhưng trong Thiện kiến luật tì-bà-sa quyển 2, truyện A-dục vương, Đại đạo sư Đàm-mô-đức đến nước Đạt-ma-ha-lặc-tra, theo truyền thuyết có kinh Ma-ha Na-la-đà ca-diếp bản sanh, ngài thấy ở trên lan can của tháp Ba-lỗ-bồ-đa có các phù điêu khắc hơn hai mươi hình tượng về Bản sanh như nai, khỉ, vượn v.v…Do đây, chúng ta có thể biết, ở thời đại vua A-dục đã có lưu hành tư tưởng Bản sanh.

Mặc dù đã nói về Bản sanh, nhưng lúc đầu mọi người chỉ có tín ngưỡng về công đức của Phật. Trải qua thời gian lâu dài, họ mới biết chẳng những đời quá khứ Đức Phật đã tinh tiến tu khổ hạnh, làm những việc khó làm như thế mà đời này xuất hiện ở Diêm-phù-đề, đời ác năm trược, Ngài sống bằng khất thực, đến năm tám mươi tuổi thì nhập Niết-bàn.

Chúng ta hãy suy nghĩ đến nhân địa của Đức Phật thực hành suốt thời gian dài, nên nhất định có quả báo chứng đắc. Vì thế, khi Ngài sanh ra báo thân cho chúng ta thấy và đồng thời làm cho chúng ta tôn trọng và tín ngưỡng đức hạnh của Ngài qua các câu chuyện Bản sanh; lại còn ngầm dạy bảo chúng ta trong đó. Chỉ cần chúng ta tu trì hạnh bồ-tát, tinh tiến thực hành thì có thể thành Phật đạo. Đây là mầm mống niềm tin đầu tiên, chúng sanh có thể thành Phật. Chúng ta phải biết Đức Phật xuất hiện ở Diêm-phù-đề đến tám mươi tuổi, thân nhập Niết bàn là Ngài ứng hiện dùng phương tiện giáo hóa một đời, đồng thời chúng ta cũng phải suy nghĩ đến chân thân khác không có nhập diệt. Nếu chúng ta dựa vào kinh Bản sanhtin chắc chúng sanh tu hạnh bồ-tát thì có thể được chân thân sẽ thành Phật.

Tiết thứ năm

Phật tính

Giáo thuyết nói về căn tính của ba thừa thanh văn, duyên giác và bồ-tát sai khác đã xuất hiện vào thời kì sớm nhất. Trong đó, chỉ có người căn tính bồ-tát mới có khả năng thành Phật. Luận Đại-tì-bà-saquyển 144 ghi: “Căn tính của thanh văn, độc giác và Phật đều khác nhau. Phật không thể thành tựu căn tính độc giác và thanh văn. Độc giác không thể thành tựu căn tính Phật và thanh văn. Thanh văn không thể thành tựu căn tính Phật và độc giác”. Lại trong luận Đại-tì-bà-saquyển 618 ghi: “Ở giai vị Noãn, Đỉnh chuyển chủng tính thanh văn sang chủng tính độc giác; chuyển căn tính thanh văn và độc giác sang căn tính Phật”. Đây là giải thích căn tính của ba thừa khác nhau. Nhưng chúng ta thấy đạt đến giai vị Noãn, Đỉnh thì căn tính này vẫn chưa chắc chắn, mà còn có thể thay đổi. Kinh Bát-nhãnói cũng tương đồng về điều này. Nhưng kinh khác nói chỉ có bồ-tát mới có thể thành Phật, là nói bồ-tát phải đạt đến A-duy-việt-trí, tức là đến địa vị Bất thoái chuyển sẽ không còn rơi vào địa vị thanh văn và duyên giác; đây là nhấn mạnh tính quan trọng của sự đạt đến địa vị Bất thoái chuyển. Phật tính này chẳng phải là tính có sẵn mà là Phật tính tu đắc.

Tiến lên một bước, theo kinh Pháp hoaghi hàng thanh văn cũng có thể thành Phật; các vị Đại thanh văn như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v…đời quá khứ đã được Phật thọ ký thành Phật. Kinh Niết-bànghi: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính”. Vì thế, họ đều có khả năng thành Phật, cũng là dựa theo thuyết Phật tính vốn sẵn đầy đủ. Theo kinh Nhập lăng-già kinh Giải thâm mậtghi có năm tính khác nhau là định tính thanh văn, định tính duyên giác, định tính bồ-tát, bất định tính và vô tính. Theo hai kinh này cho rằng tính có khả năng đạt đến cứu cánh, nhưng chưa thành Phật. Nếu chúng ta theo nguyên tắc căn bản Đại thừa nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính”. Đây là sứ mạng Đức Phật thuyết pháp xưa nay.

Nói tóm lại, đây là đệ tử Phật giáo Đại thừa tự mình giác ngộ thì có khả năng thành Phật; nhưng pháp thành Phật, theo kinh Bản sanhnói: “Thực hành bố thí, tâm đại bi làm lợi cho người khác là quan trọng nhất”. Đồng thời cũng đả phá khuynh hướng chấp pháp của A-tì-đạt-ma lúc đó. Bồ-tát cần phải đạt đến trí tuệ tính không của bát-nhã. Đây là nguyên do đề xướng bố thí, cho đến thực hành sáu pháp ba-la-mật theo tinh thần bát-nhã. Chẳng những các ngài thực hành căn bản tâm đại bi làm lợi ích cho người khác làm lí tưởng mà còn làm được cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sanh thành thục thì mới có thể đạt đến mục đích cuối cùng là thành Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2012(Xem: 3784)
Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được; thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
05/08/2012(Xem: 6401)
Ai trong chúng ta được sinh ra trong đời này rồi, một ngày nào đó cũng phải từ giã tất cả những gì có liên hệ với ta trong một quãng thời gian nhất định của cuộc đời này để phải ra đi. Có kẻ đi lên, có người đi xuống; có kẻ đi ngang và có người lại ngược dòng sinh tử, trở lại thế giới này để cứu khổ độ mê. Tất cả đều do nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người trong chúng ta.
18/07/2012(Xem: 18140)
Cõi Cực Lạc hay cõi Tịnh Độ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn giới thiệu cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà nầy là cõi: Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ... HT Thích Như Điển
27/05/2012(Xem: 8549)
Guru Rinpoche tuyên bố với Jomo Shedron rằng việc trì tụng lời cầu nguyện này cũng ngang bằng với việc trì tụng toàn thể Bài Trì tụng Hồng danh Đức Văn Thù.
12/04/2012(Xem: 2950)
Pháp môn niệm Phật từ trước đến nay được phổ biến rộng rãi, hàng Phật tử đều có thể ứng dụng thực hành và đã chứng nghiệm sư an lạc, lợi ích từ câu Phật hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc niệm Phật. Vậy ý nghĩa của việc niệm Phật là gì? Niệm Phật với mục đích gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cặn kẽ hơn để việc niệm Phật thật sự đúng nghĩa và có lợi ích thiết thực trong cuộc sống ngay phút giây hiện tại.
01/04/2012(Xem: 5145)
Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng đến như vậy, Học Hội Tịnh Tông Liên Hoa bố trí một hội trường trang nghiêm long trọng. Chúng ta ở nơi đây cùng nhau nghiên cứu, thảo luận một phương pháp tu học trọng yếu trong Phật pháp chính là ba tư lương của tịnh độ. Trước khi chúng ta thảo luận đến vấn đề này, thì trước tiên phải có sự nhận thức chuẩn xác đối với Phật pháp.
22/03/2012(Xem: 5125)
Đương thời giảm kiếp, trình độ đạo đức của nhân loại mỗi ngày một kém, trái lại tội ác mỗi ngày một thêm. Do sức nghiệp của đa số người chiêu cảm, nên khắp thế giới nổi lên những hiện tượng: động đất, bão, lụt, núi lửa, nắng hạn, thời tiết bất thường. So với mấy mươi năm về trước, những chuyện chém giết trộm cướp, dâm loàn, lường gạt giữa ngày nay, đã khiến cho người có lòng với thế đạo nhân tâm phải bàng hoàng lo sợ! Kinh Phật nói: “Tất cả sự khổ vui đều do tâm tạo”. Vậy muốn cải thiện con người, tạo hoàn cảnh tốt, phải tìm sửa đổi từ chỗ phát nguyên. — đây, tôi muốn nói là mọi người phải dứt trừ tâm niệm xấu ác, ví như muốn được dòng nước trong, đừng để cho nguồn vẩn đục.
21/03/2012(Xem: 4346)
Tôn này thuộc về Đại- thừa, chủ trương dạy người chuyên tâm niệm Phật đẻ được cảnh vãng sanh về Tịnh độ của Phật A-DI-Đà. Do đó, tôn này mới có tên là Tịnh độ tôn. Đây là một trong nhiều pháp môn của Phật, mà đặc điểm là dể tu, dể chứng, rất thích hợp với đại đa số quần chúng. Với pháp môn này, bất luận hạng người nào, trong thời gian nào, hoàn cảnh nào, củng có thể tu hành được cả. Nếu so sánh với con đường đi, thì tôn này là môt đại lộ bằng phẵng ,rộng rãi, mát mẽ, hành giả dễ đi mà mau đến, không sợ gặp nguy hiểm chướng ngại giữa đường.
21/03/2012(Xem: 3299)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
16/03/2012(Xem: 4280)
Hôm qua chúng tôi từ Tuyết Lê Newsaque trở về, hôm nay đã nghỉ hết một ngày, buổi tối chúng ta họp mặt với các đồng tu đàm luận mấy vấn đề tu học Phật pháp. Những vấn đề này phần nhiều đều là thuộc về sơ học, cho dù là lão tu cũng luôn xem thường, cho nên gọi là “tập nhi bất sát”. Đợi đến khi có người hỏi đến chúng ta, thì có không ít người không biết phải trả lời thế nào. Học viện của chúng ta là học viện của Tịnh Tông, xem hình thức là biết nội dung, chúng ta là chuyên tu Tịnh Độ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567