Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài kệ thứ 31 - 35

16/04/201316:03(Xem: 6149)
Bài kệ thứ 31 - 35


Lá bối 1996

DUY BIỂU HỌC

Giảng luận

Thiền Sư Nhất Hạnh

---o0o---

7.

KỆ THỨ 31

Thức luôn luôn bao hàm

Chủ thể và đối tượng

Tự, tha và trong ngoài

Đều chỉ là ý niệm.

Đây là bài học a, b, c mình phải nắm cho vững. Tùy gọi là a, b, c nhưng nó rất là căn bản nếu chúng ta không có được cái thấy về sự thật này thì chúng ta không thể nào đi xa được trong sự học hiểu về Duy Biểu và về tu học. Nó rất quan trọng “Thức luôn luôn bao hàm, chủ thể và đối tượng”. Thức tức là sự nhận thức và cái nhận thức luôn luôn bao giờ cũng là nhận thức một cái gì, không thể nào có nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức, khi nào có nhận thức là có đối tượng nhận thức. Và nếu không có đối tượng là không có nhận thức. Tại vì khuynh hướng thông hường và phổ quát tin rằng có một cái biết, có cái thức nằm sẵn ở trong người của mình và nó có thể tồn tại độc lập, rồi khi ra ngoài chạm vào cái núi, nó biết “Đây là cái núi”, chạm phải đám mây, nó biết “Đây là đám mây”. Sau khi biết cái núi, đám mây rồi thì nó trở về với nó, đó là sự sai lầm căn bản. Bụt nói rằng khi mà con mắt chạm phải hình sắc thì nó phát sinh ra cái thấy và cái thấy đó là một tia chớp nó lóe lên do sự xúc chạm giữa căn và cảnh, nghĩa là giữa con mắt và hình thái. Cái thấy đó chỉ tồn tại trong một sát na thôi. Nhưng mà tại vì con mắt tiếp tục xúc chạm với màu sắc, với cái hình ảnh kia nên thức nó phát sinh ra sát na thứ hai và nó sẽ phát sinh trong sát na thứ ba và nó có một cái dòng thức và trong cái dòng gọi là dòng cái thấy đó thì luôn luôn chủ thể và đối tượng liền đi với nhau. Thành ra tưởng tượng rằng có một cái thấy, mà không có đối tượng thấy đó là điều sai lầm cơ bản. Có một cái nghe mà không có đối tượng nghe, đó cũng là sai lầm cơ bản. Có cái chánh niệm mà không có đối tượng chánh niệm là sai lầm cơ bản. Cái thấy của chúng ta, có khi chúng ta gọi là nhãn thức, cái nghe của chúng ta, có khi chúng ta gọi là nhĩ thức, cũng như chánh niệm của chúng ta đều có một hạt giống ở trong thức alaya. Tại vì có hạt giống thì nó mới phát sinh được. Con mắt là một điều kiện và hình ảnh là một điều kiện khác nhưng mà hai điều kiện đó xác nhập lại với nhau thì nó chưa đủ để tại ra cái thấy, tại vì hai điều kiện đó đều là những Tăng thượng duyên. Còn cái thấy còn phải có nhân duyên nữa. Mà nhân duyên đó nằm ở alaya dưới hình thức một hạt giống. Thành ra con mắt và hình sắc là những điều kiện tất yếu nhưng không phải là những điều kiện đầy và đủ. Tại vì sao? Tại vì bảy thức từ tứ mạt na, thức thứ sáu và năm thức cảm giác, bảy thức đó đều được gọi là chuyển thức (pravrtti vijanana). Chuyển thức tức là tác dụng nhận thức nó được phát hiện từ căn bản alaya. Vì vậy cho nên chúng ta có những hạt giống trong người. Ví dụ chánh niệm cũng có hạt giống trong người. Nhưng mà lúc đó không phải là chánh niệm. Đó mới là hoàn toàn chánh niệm, tức là khả năng có thể chánh niệm. Đó là hạt giống. Và khi chánh niệm phát sinh, nó phải có đối tượng. Tôi có chánh niệm về hơi thở, tôi có chánh niệm về người đang ngồi trước mạt tôi. Tôi có chánh niệm về mặt trời. Tôi có chánh niệm đóa hoa. Chánh niệm bao giờ cũng phải là chánh niệm về một cái gì, chánh niệm luôn luôn có đối tượng. Thì cái thấy, cái nghe, cái biết, cái hiểu, cái suy tư, cái tưởng tượng của chúng ta đều là thức cả, và thức luôn luôn bao gồm chủ thể và đối tượng. Cho nên, đừng có tưởng tượng có cái thức mà không có đối tượng. Sai lầm vô cùng! Chúng ta học Duy Biểu, chúng ta biết rằng thức là một danh từ, có nghĩa là một cái khả năng nhận thức, khả năng phân biệt. Nhưng mà chúng ta cũng học rằng thức có nhiều tác dụng, nó có rất nhiều tác dụng. Thành ra nó thức là một, nó cũng không đúng mấy mà nói thức là có tám nó cũng không có đúng mấy, có thể nói thức là có 9 hay 15 hay có 17 cũng vẫn đúng như thường. Tại vì chúng ta càng nói đến những tác dụng của thức thì chúng ta có càng nhiều thức. Và khi mà nói đến nội dung của thức thì chúng ta nói đén những cái tâm hành (citta samskara), tức là những hiện tượng tâm lý mà trong Duy Biểu học gọi là tâm sở. Các Thầy đã nêu ra 51 loại tâm sở, 51 loại tâm hành trong đó có những tâm hành phổ biến gọi là tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư v.v… thì mỗi tâm sở trong 51 tâm sở cũng đều bao hàm chủ thể và đối tượng tại nó là nội dung của thức thành nó là thức. Cũng như những giọt nước là nội dung của dòng sông và những giọt nước đó chính là dòng sông. Thành ra, tâm thức của chúng ta được làm từ những trạng thái tâm lý gọi là tâm sở và tâm sở là nội dung của thức. Vì vậy cho nên mỗi hạt tâm sở đều chứa trong nó cái phần chủ thể và phần đối tượng. Thành ra tám thức, thức nào cũng có phần chủ thể và phần đối tượng. Và ví dụ như chúng ta giận. Giận là một tâm sở, giận luôn luôn là giận ai hay giận một cái gì, không có thể giận suông được, không có đối tượng. Buồn cũng vậy, vui cũng vậy, tiếp xúc cũng vậy, ganh ghét cũng vậy, thương yêu cũng vậy, tất cả mọi tâm sở đó đều có chủ thể và đối tượng. Và sự có mặt của một tâm sở có thể diễn tả như là sự có mặt rất là ngắn ngủi của một sát na, nhưng tại những điều kiện đầy đủ thành ra cái tâm sở đó nó được tái sinh ra trong một cái tâm sở kế tiếp và cái tâm sở kế tiếp đó là đẳng vô gián duyên. Quý vị hiểu không? nó làm đẳng vô gián duyên để làm phát sinh ra cái sát na kết tiếp của tâm sở kia. Đẳng vô gián duyên là điều kiện liên tục. Nếu không có cái hiện tượng của giây phút này thì không có cái hiện tượng của giây phút kế tiếp, cái đó là điều kiện liên tục. Ví dụ nhưng chúng ta quay một cái phim lên để cho người khác nhìn, thì giả dụ cái phim đứt đi một cái ảnh tức là người ta không thể nhìn thấy được cái hình ảnh kế tiếp vì vậy cho nên cái ảnh của cái phim mà nó mất đi đó, là nó tượng trưng cho một cái thiếu, một cái điều kiện liên tục, cái đó gọi là đẳng vô gián duyên. Vậy thì chúng ta nói rằng trong tám thức đó là trong 51 tâm sở đó cái nào cũng chứa đựng trong đó phần chủ thể và phần đối tượng và cái nào cũng chỉ phát sinh trong một sát na thôi. Nhưng mà tại vì những điều kiện đầy đủ thành ra nó được gia hạn, nó được chuyển hóa, nó được tái sinh trong cái thức kế tiếp hay là trong cái tâm sở kế tiếp. Ví dụ Sư cô Viên Quang của giờ phút này không phải là Sư cô Viên Quang của giờ phút trước tại vi có những điều kiện nó làm Sư cô Viên Quang có thể tiếp tục và đổi mới. Nếu không có những điều kiện đó thì không có Sư cô Viên Quang giờ phút này. Nó không có sự liên tục. Thức cũng vậy. Khi mà căn và cảnh sát nhập vào nhau để phát sinh ra thức, thì thức chỉ tồn tại trong một sát na thôi. Nhưng mà nhờ những điều kiện kia nó vẫn còn, vì vậy cho nên thức nó kéo dài thêm một sát na nữa và một sát na nữa. Và như vậy là một sự liên tục. Nhưng mà người phàm, tức là người không có học, thì tưởng rằng đó là một hiện tượng cứng nhắc nhưng mà người có học, họ nhìn vào thì họ thấy khác. Ví dụ như trong đêm, ta cầm một cây nhang đang đốt và chúng ta đưa lên như thế này thì những người ngồi ngồi trước mặt ta thấy một đốm lửa bất động. Một đốm lửa thường. Nhưng kỳ thực đốm lửa đó mỗi giây là đốm lửa khác. Đóm lửa bây giờ không phải là đốm lửa trước đó một giây. Tại vì nhiên liệu làm ra đốm lửa bây giờ không phải là nhiên liệu làm ra đốm lửa một giây kỳ trước. Nhưng mà không phải. Không phải là cùng một đốm lửa tại vì đốm lửa bây giờ khác rồi và nhiên liệu làm ra nó khác rồi. Nhưng mà nói dó là một đốm lửa khác cũng không đúng nữa, tại vì có sự liên tục. Và vì vậy cho nên chúng ta có danh từ là không phải một cũng không phải khác, phi nhất phi dị (Not the same not the difference).

Bây giờ trong bóng tối đó, chúng ta cầm cái que nhang, chúng ta xoay vòng tròn lửa, nhất là chúng ta xoay mau nhưng mà làm gì có vòng lửa, có chỉ có những cái đốm lửa, nó liên tục, nó nối nhau cho chúng ta ảo giác là có vòng tròn lửa. Thành cái vòng tròn lửa đó có hay không? Nó có như là một ảo giác. Nó có nhưng là một đới chất cảnh. Trong sự thật không bao giờ có vòng tròn lửa hết, nhưng mà chúng ta thấy rõ ràng có một vòng tròn lửa mà người có trí có thể thấy được những cái chấm lửa rời rạc nó liên kết vào nhau làm thành vòng lửa. Khi chúng ta nhìn cuộc đời, chúng ta thấy có thường, có ngã nhưng mà chúng ta có trí tuệ thì chúng ta không thấy có thường có ngã. Thấy cái đốm lửa của cây nhang thành ra một vòng tròn lửa, đó là ảo tưởng. Thấy rằng có thường và có ngã cũng là những ảo tưởng. Thành ra khi mà chúng ta nhìn sâu thì chúng ta thấy tất cả mọi hiện tượng vật chất cũng như tâm lý nó liên tục, nó chuyển biến trong từng giây từng phút thì chúng ta thấy được cái bản chất cả nó. Vì vậy cho nên cái tuệ giác vô thường vô ngã hướng dẫn chúng ta, làm cho chúng ta không bị kẹt vào những cái ảo tưởng mà chúng ta sống trong ảo tưởng rất nhiều. Có một nhà triết học nói rằng chúng ta không thể nào tắm hai lần dưới một dòng sông thì chúng ta đã thấy điều đó. Ông thấy rằng dòng sông bây giờ không còn là dòng sông của năm phút trước. Năm phút trước ông đã xuống tắm dưới dòng sông, bây giờ trở lên, ông xuống trở lại thì đây là một dòng sông khác tại vì dòng nước đổi khác. Câu đó chứng tỏ cái tuệ giác về vô thường, vô ngã của ông ta, tuy nhiên ông không có những danh từ đó. Vậy thì tất cả những hiện tượng vật lý, sinh lý, tâm lý đều chuyển biến như vậy, và vì những điều kiện đầy đủ cho nên nó phát hiện ra trong một giây lát và cũng nhờ những điều kiện đó tiếp tục xảy ra cho nên mình có ảo tưởng như cái kia vẫn còn, nhưng kỳ thực cái kia diệt rồi và một cái khác thay đổi.

Thức luôn luôn bao hàm chủ thể và đối tượng tự, tha, trong và ngoài đều chỉ là ý niệm.

Đến đây chúng ta chạm tới giáo lý của Hoa Nghiêm và của Tam Luận. Những ý niệm của chúng ta về ï và về tha.

Tự tức là bản thân. Tha là cái không phải bản thân. Đó là hai ý niệm. Và hai ý niệm khác là trong và ngoài cũng phải xét. Trước hết đó là những ý niệm do thức của chúng ta tạo ra. Trong nhận thức của chúng ta về sự vật nó tồn tại ngoài nhau. Bông hồng nó tồn tại ngoài ánh sáng. Bông hồng nó tồn tại ngoài cái bàn. Nó có một cái ranh giới chia đôi giữa bông hồng và cái bàn. Bông hồng là bông hồng, bông hồng không thể là cái bàn được. Bông hồng là bông hồng, bông hồng không thể là đám mây được. Đó là cái gương khái niệm của chúng ta dùng để chặt một lát và chia ranh giới giữa bông hồng và những cái không phải là bông hồng. Cái đó gọi là phân biệt, biến kế. Đó gọi là sự tạo tác của tâm thức. Nếu dùng cái chìa khóa của vô thường, vô ngã mà mở cánh cửa thực tại thì chúng ta sẽ thấy rằng đám mây không phải nằm “ngoài” bông hồng, nó nằm trong bông hồng, và bông hồng không nằm ngoài đám mây. Nhìn vào “trong” bông hồng chúng ta thấy rằng nếu không có mây thì không có mưa, không có mưa thì không có nước, không có nước thì không thể nào có bông hồng được. Và vì vậy cho nên nhìn vào bông hồng chúng ta thấy nước “ở trong” bông hồng và “đám mây” ở trong bông hồng. Và cái ý niệm về “trong” về “ngoài” của chúng ta nó đã “bốc hơi”, nó tan biến. Bông hồng khi nó tàn rụi thì cái hơi nước trong nó trở về với đám mây. Và vì vậy cho nên nhìn vào trong đám mây chúng ta thấy có bông hồng ở trong đó. Và vì vậy nên chúng ta nói rằng, giáo lý của bài tụng thứ 31 này nó có màu sắc của Hoa Nghiêm là cái một trong tất cả, tất cả trong cái một. Một cái nó chứa đựng tất cả các cái và trong tất cả cái chúng ta thấy là một. Một nhà khoa học Vật lý mới người Anh tên là David Borhn - theo ngôn ngữ của Hoa Nghiêm, ông ấy nói rằng: “Có một thế giới mà khi chúng ta nhìn vào chúng ta thấy mọi sự mọi vật tồn tại ngoài nhau”, thế giới đó gọi là “The Exticade Order”. Nhưng mà nếu chúng ta nhìn kỹ thì chúng ta có thể đi vào trong một cái thế giới mà trong đó tất cả mọi cái đều nằm trong một cái. Trong một “chất điểm”, trong một “nguyên tử”, chúng ta thấy được sự có mặt của tất cả các chất điểm và các nguyên tử khác, trong một hạt bụi nó chứa đủ cả vũ trụ. Và các nhà khoa học vật lý nguyên tử đi sâu vào cái thế giới của những chất điểm vi tế, đã buông bỏ được rát nhiều cái ý niệm trong và ngoài, tự và tha. Và chính những nhà bác học như vậy đã nói rằng: “Một nguyên tử được làm bằng tất cả các nguyên tử khác. Một điện tử được làm bằng tất cả các điện tử khác”. Và khi mà đi sang cái thế giới đó, thấy được cái điều đó, họ gọi thế giới của chúng ta là The Implicade Order. The Implicade Order nó khác với The Exticade Order. Trong cái thế giới gọi là Imphicade Order thì một cái chứa đựng tất cả những cái khác. Và trong cái thế giới gọi là Exticade Order là các sự vật tồn tại riêng rẽ ngoài nhau. Chúng ta học Bụt chúng ta thấy rất rõ là trong ta nó chứa đựng tất cả vạn hữu vũ trụ: trong tôi có anh, trong anh có tôi. Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Và vì vậy cho nên giáo lý duyên khởi mà phát triển tới cực độ thì thành ra giáo lý trùng trùng duyên khởi: một tức là tất cả, tất cả là một. “Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây”, đó là một câu thơ Thầy viết trong một bài thơ Vòng Tay Nhận Thức. Bài đó là một bài nó biểu hiện tuệ giác về Duy Thức. Quý vị đọc Vòng Tay Nhận Thức.

“Tôi biết là em còn đó

Vì tôi còn đây

Bàn tay nhận thức vô lượng do tuần

Nối liền sinh diệt, năng sở”

Tôi còn nhớ ngày xưa ở Đại học Vạn Hạnh tôi có dạy về Duy Thức và ở gần cuối khóa thì tôi đọc bài thơ đó rồi có nhiều sinh viên nói “Bây giờ con mới hiểu được thơ của Thầy”. Bài thơ đó không thể hiểu được nếu mình không có một kiến thức về Duy Thức. Một vị Thiền Sư Việt Nam đời Lý có nói rằng: “Tác hữu trần sa hữu, Vi không nhất thiết không”. Có nghĩa là nếu có tất cả đều có. Nếu có thì một hạt bụi cũng có mà nếu không tất cả đều không. Có nghĩa là cái một nó chứa đựng tất cả. Có một Thiền Sư đời Lý nói: “Càn khôn tận thị mao đầu trượng, Nhựt Nguyệt bao hàm giới tử trung”. Nó có nghĩa rằng là trời đất có thể để gọn trên đầu một sợi lông. Càn khôn là trời đất. Nhật Nguyệt bao hàm giới tử trung là cả mặt trời và mặt trăng có thể đem nhét gọn vào một hạt cải. Đó là thi sĩ Thiền Sư. Dùng những hình ảnh để nói về cái mà David Borhn gọi là The Implicade Order. Cái tất cả nằm trong cái một. Hình như bên Mỹ cũng nói rằng: “Một điện tử được làm bằng tất cả các điện tử”. Vì vậy cho nên cái lưỡi gươm khái niệm của chúng ta nó chặt ra, nó chẻ ra: cái này là “tự”, cái kia là “tha”, cái này là “mình”, cái kia là “người”. Nhưng mà mình thử thụi vào cái mà người coi thử là mình có đau không, mình sẽ lãnh đủ tại cái đó cũng là mình và cái này cũng là người. “Tự, tha, trong và ngoài, đều chỉ là ý niệm”. Thành ra nếu mình học mà mình quán chiếu và vượt ra được khỏi những ý niệm về tự về tha, về trong và ngoài thì mới có thể hiểu Duy Biểu.

Nếu mình đặt những câu hỏi có tính cách trẻ con như là ông nói chỉ có thức thôi không còn gì hết, có phải đúng như vậy không? Ngoài thức còn có gì không? Như vậy là mình kẹt vào trong ý niệm về trong, về ngoài và như vậy không phải là Duy Biểu. Tại vì Duy Biểu chính thức phải giúp mình vượt khỏi cái ý niệm về trong và ngoài. Cho nên đặt câu hỏi: nếu nói rằng chỉ có thức, ngoài thức không còn gì như thế này như thế kia, lúc đó mà nếu mình đem ra mình giải thích, mình biện luận để mình chứng minh rằng Duy Thức chỉ có thức thôi thì người kia đã không hiểu, mà chính mình cũng không hiểu. Mình kẹt vào chữ thức, kẹt vào chữ Duy Thức. Cũng vì vậy cho nên cái Duy Biểu nó hay hơn nhiều, nó vừa đúng hơn về phương diện ngôn ngữ học. Vijnaptti dịch là Biểu và nó tránh được cái ý niệm chỉ có cái này, còn cái kia không có. Duy Vật, Duy Tâm, Duy Thần v.v… Nói rằng bài kệ thứ 31 này, nó chạm tới cái giáo lý Tam Luận cũng không đúng. Tại vì trong Tam Luận mà chúng ta xét những ý niệm về sinh về diệt, về một về nhiều, về tới về lui, về thường về đoạn và để chúng ta vượt thoát những ý niệm đó.

Điều này làm chúng ta nhớ tới Kinh Kim Cương. Kinh Kim Cương đưa ra bốn ý niệm và mời chúng ta quán chiếu để chúng ta thoát ra khỏi bốn ý niệm đó. Đó là ý niệm về ngã về loài người, về chúng sanh, và về thọ mạng. Thành ra Duy Biểu học có liên hệ tới tất cả những giáo lý đó. Chúng ta có thể dùng kinh Hoa Nghiêm để nói về Duy Biểu học. Thành ra nếu trong cái khóa này mà quý vị đạt được tới một chút tuệ giác về Duy Biểu và thấy rõ ràng là trong khi học Duy Biểu là mình phải tập nhìn để thấy rằng cái chuyện vựơt thoát những ý niệm như là sinh diệt, tự tha, trong ngoài là quan trọng thì quý vị sẽ giải thoát khỏi cái ước muốn lý luận để chứng minh hai cái chữ Duy Thức. Người ta sẽ hỏi rất nhiều những câu hỏi về Duy Biểu, về Duy Thức mà nếu quý vị có một chút tuệ giác về chuyện này thì quý vị sẽ không mất nhiều thời giờ cố gắng tìm ra lý luận để trả lời những câu hỏi kia, quý vị có thể mỉm cười được và quý vị sẽ tìm cách giúp cho những người kia thoát được những câu hỏi của chính họ. Tại vì những câu hỏi đó là những câu hỏi vô ích. Phần lớn các câu hỏi đều là vô ích cả. Bây giờ ví dụ người ta hỏi mình thức là một hay nhiều? Nó tùy theo tuệ giác của quý vị mà trả lời. Không thể không có tuệ giác mà trả lời đúng được. Mình có thể nói thức chỉ có một thôi hay là mình nói thức có tám hay là mình nói thức chỉ có chín hay là nói thức có nhiều, hay là nói thức không phải là một mà cũng không phải là nhiều. Câu nói cuối cùng nó gần như là đúng với sự thật nhưng kỳ thật nó cũng không đúng với sự thật, nó cũng chỉ là một câu nói thôi. Một câu nói không có tuệ giác ở trong thì dù câu nói nào đi nữa nó cũng không có giá trị. Nếu là mình có một chút tuệ giác ở trong thì lúc đó mình nói nói cái gì cũng được hết, mình nói một cũng được, nói nhiều cũng được, bảy cũng được, tám cũng được, mười lăm cũng được. Còn nếu không có tuệ giác đó thì mình nói rằng là thức cũng không phải một mà cũng không nhiều cũng không đúng.

KỆ THỨ 32

Thức gồm ba phần

Kiến, tướng và tự thể

Chủng tử và tâm hành

Tất cả đều như thế.

Trong mười vị Luận Sư có vị chủ trương ba phần hoặc bốn phần nhưng mà ba cũng đúng, bốn cũng đúng. Khi mà mình có chút tuệ giác thì ba cũng được, bốn cũng được. Khỏi phải tranh cãi đỡ tồn thì giờ rất nhiều. Hôm trước Thầy có nói đến một ví dụ rất ngộ là: “Thầy Nhất Hạnh là một hay là nhiều?” Nói một cũng được mà nhiều cũng được. Ở trong Thầy Nhất Hạnh có có nhà đạo sĩ, nhà nghệ sĩ, nhà chiến sĩ. Nói một cũng được, nói hai cũng được, vì trong tthầy có những cái “nhà” khác nữa. Cái “nhà” mà ưa làm vườn, trồng cây gọi là “nhà” gì sĩ? “nhà vườn sĩ”. Thì nói một cũng đúng, hai cũng đúng, ba cũng đúng, bốn cũng đúng và vì vậy cho nên thấy cái điều đó mình tiết kiệm được nhiều thì giờ để khỏi phải cãi cọ, hý luận. Hý luận tức là nói hý luận mà chơi.

Thức gồm ba phần: kiến, tướng và tự thể”, phân biệt ra như vậy để chúng ta có một ý niệm rồi chúng ta vượt cái ý niệm đó. Hình ảnh một đồng France gồm có mặt trái, mặt phải là hai phần và cái phần thứ ba kia là cái chất đồng bạc, cái chất kim khí nó làm ra đồng France là ba phần. Và khi nào chúng ta chạm vào một phần là chúng ta chạm luôn cả ba phần. Thức như vậy. Tức là nó có cái phần chủ thể, phần đối tượng nhưng mà cả hai phần đó nó nương trên bản chất của thức gọi là phần tự thể. Ngày xưa khi Thầy học Duy Thức, các Thầy vẽ ra một con ốc sên đang bò ở trên một tờ lá, con ốc sên nó có hai cái râu gọi là tướng phần và kiến phần và cái thân mình con ốc sên gọi là tự thể phần. Và khi hai phần kia không phát hiện, nó trở về. Tại vì hai cái râu của ốc sên, mình đưa tay mình đụng thì nó thụt vào không thấy nữa. Nó trở về tự thể phần. Nó không có phát hiện. Mà thức tức là phát hiện. Khi phát hiện mình nói là có, khi không phát hiện mình nói là không. như vậy không đúng. Thành ra dầu không thấy chủ thể thức, không thấy đối tượng nhận thức mình nói không có thức cũng không được nữa. Tại vì nó ở trong trạng thái không phát hiện (vô biểu). Và khi nó phát hiện được gọi là biểu, Duy Biểu.

Thức gồm ba phần: kiến, tướng và tự thể, chủng tử và tâm hành, tất cả đều như thế”. Những hạt giống trong alaya thức và những tâm sở nó phát hiện trong tám thức đều như vậy cả. Nghĩa là đều có ba phần. Chúng ta thấy ở đây Duy Biểu gần với giáo lý Hoa Nghiêm. Là tại vì nếu cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn thì cái vô cùng nhỏ nó chứa đủ cái tính chất cái vô cùng lớn. Một hạt sỏi hay một sợi tóc mà chúng ta nhổ từ trên đầu chúng ta, nếu mà nhìn sâu vào trong hạt sỏi đó và trong sợi tóc đó và nếu chúng ta có trí tuệ, có phương tiện thì chúng ta thấy rằng hạt sỏi và sợi tóc đó chứa đựng đầy đủ tư liệu về vũ trụ, những cái informations về vũ trụ. Chỉ cần nhìn vào hạt sỏi và nhìn thật sâu thì trong hạt sỏi đó chứa đủ tất cả những tài liệu, những informations về vũ trụ, nhìn vào một cái chúng ta có thể hiểu được tất cả các cái. Ví dụ chúng ta nhìn vào một tờ lá nhỏ xíu, chúng ta có những tài liệu, những hiểu biết về mặt trời, tại có mặt trời trong tờ lá. Chúng ta nhìn vào tờ lá chúng ta sẽ có những sự hiểu biết về đám mây, những tư liệu, những dữ kiện để chúng ta hiểu về đám mây. Nhìn vào tờ lá mà biết. Ở Đông Phương ngày xưa người ta nói: “Nhân thân tiểu thiên địa”. Tức là cái thân người của chúng ta, cái thân thể con người nhỏ bé của chúng ta, nó là trời và đất gồm nhỏ lại. Như một hòn non bộ, một hòn biển cạn trong đó có núi, có sông, có trời, có nước, có đủ mọi thứ. Có nghĩa là chúng ta nhìn vào thân thể của chúng ta thì chúng ta thấy có đủ tất cả những dữ kiện về vũ trụ, vạn hữu, về thế giới, không cần đi xa.

Đi xa hơn trong ý niệm này thì mỗi hạt bụi, mỗi chiếc lá hay mỗi làn hơi đều chứa trong nó đầy đủ tất cả dữ kiện về vũ trụ. Và chúng ta chỉ cần khám phá một hạt bụi là chúng ta khám phá toàn thể vũ trụ. Cũng như một giọt nước biển, nếu chúng ta hiểu được một giọt nước biển thì chúng ta hiểu được cả đại dương. Và vì vậy cho nên quán chiếu không cần phải quán chiếu nhiều. Quán chiếu cái một mình sẽ hiểu được cái tất cả. Mỗi tâm hành nó có đủ hết. Ví dụ như tâm hành giận. Trong cái giận chúng ta tìm được những yếu tố làm ra cái giận. Trong một tâm hành mà chúng ta gọi là phiền não thì cái phiền não đó cũng chứa đựng Phật tánh, có chứa đựng giải thoát, nó chứa đựng tất cả ở trong đó. Tại vì cái một nó bao gồm cái tất cả. Chúng ta đã đi được vào thế giới của Hoa Nghiêm, của một là tất cả (the Implicade Order). Cho nên chúng ta thấy được rằng trong tâm hành như cái giận nó có sự có mặt của Phật tánh, của khả năng giác ngộ; nếu không thì làm sao chuyển hóa cái giận ra cái không giận được? Nó có hạt giống của sự chuyển hóa ở trong đó. Cũng như là trong đống rác, nó có những bông hoa rất là thơm tho. Người làm vườn khôn khéo thấy được điều đó cho nên họ giữ cái đống rác lại, họ làm thành phân và với sự khéo léo trong vòng mấy tháng họ biến đống rác thành ra rỗ rau cãi rất là xanh tươi. Thì những tâm sở phiền não của chúng ta đó: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, phóng dật, hôn trầm, thất niệm tất cả những cái đó nếu mà chúng ta biết chuyển hóa thì nó trở thành an lạc, giải thoát, hạnh phúc. Và vì vậy cho nên cái một nó chứa đựng tất cả những cái đó nếu mà chúng ta biết chuyển hóa thì nó trở thành an lạc, giải thoát, hạnh phúc. Và vì vậy cho nên cái một nó chứa đựng cái tất cả là ở chỗ đó. Càng nhìn thì càng thấy. Thành ra không cái gì cần phải đẩy ra khỏi hiện hữu. Đẩy một cái tức là đẩy tất cả mọi cái. Hôm trước tôi có nói với một thiền sinh ngoại quốc là mình đi vào nhà bếp mình thấy ấm áp và dễ chịu. Nhưng mà cái cảm giấc ấm và dễ chịu đó nó do cái cảm giác lạnh ở ngoài trời đi run cầm cập mà tạo thành. Nếu ở ngoài trời không có lạnh như vậy thì mình đi vào trong cái phòng bếp ấm áp mình không có cái cảm giác dễ chịu. Cái này làm ra cái kia, cái này có vì cái kia có. Và vì vậy cho nên mỗi tâm sở, mỗi hạt giống nó chứa đựng những tâm sở khác, những hạt giống khác ở trong đó. Và vì vậy cho nên thất niệm nó làm cho mình trôi lăn ở trong sinh tử. Nhưng nếu mình biết cách thì thất niệm đó mình có thể chuyển hóa thành ra chánh niệm. Không có gì cần phải vất bỏ ra ngoài cửa sổ cả. chúng ta đi sang bài thứ 33.

KỆ THỨ 33

Sinh diệt tùy nhân duyên

Thức vốn là biểu biệt

Kiến và tướng nương nhau

Năng biệt và sở biệt..

Chúng ta thấy có sinh diệt. Và những cái sinh và cái diệt này nó diễn bày ra trên căn bản những điều kiện. Nếu không có những điều kiện thì không có sinh và không có diệt. Nhưng chúng ta nhìn kỹ trong bản chất của nhân và của duyên thì chúng ta thấy sinh diệt nó chỉ ở trên bề mặt thôi. Nếu nhìn sâu vào trong tự thể thì ý niệm về sinh và về diệt nó cũng bốc khói, nó không còn nữa.

Thức vốn là biểu biệt”. Trước hết định nghĩa thức là biểu biệt. Biểu có nghĩa là biểu hiện ra và biệt có nghĩa là phân biệt. Tự nhiên con ốc sên nó đưa ra hai cái râu rồi tự nhiên nói cái râu này là râu bên phải cái râu kia là râu bên trái. Chứ nếu nó không đưa ra thì làm gì có cái vụ bên phải và bên trái được. Khi chúng ta hiểu được hai chữ biểu biệt. Trong vijnaptti cái tiền từ “vi”, cái prefix “vi” đó có nghĩa là biệt. Trong chữ Sanskrit mà tiếng nào có chữ “vi” trước đó là có cái sự phân biệt ở trong đó. Vijnaptti là biểu hiện ra, không có nghĩa là nó bắt đầu có. Và khi nó không biểu hiện nữa, không có nghĩa là nó bắt đầu không có: Ví dụ một người sinh ra thì theo đúng nghĩa của Duy Biểu là người đó được biểu hiện. Được biểu hiện không có nghĩa là trước đó không có, nhưng có phân biệt được nên mình nói là không có. Cũng như hai cái râu của con ốc sên khi mà nó chưa đưa ra thì mình nói không có, đâu có đúng. Mình đi khỏi hai ba thước thì nó đưa cái râu của nó ra lại và mình nói nó mới sanh, không có đúng. Thành ra anh có mặt từ bao giờ, tôi trả lời không có được. “Thứcvốn là biểu biệt”. Biểu tức là phát hiện. Phát hiện không có nghĩa là bắt đầu có. Mà không phát hiện không có nghĩa là không có. Và vì biểu cho nên có biệt, có phân biệt và phân biệt là sai lầm, có kỳ thị (discriminate). Kỳ thị tức là cái “tự” nó khác với cái “tha”, đó là hình thức phân biệt (the discriminaty mind), đó là lưỡi gươm nó chẻ ra,nó chặt ra, nó đành đoạn chặt ra giữa cái “tự” và cái “tha”. Tiếng Phạn là Vikalpa. Vikalpa có nghĩa là phân biệt, biến kế. Biến kế có nghĩa là so đo cùng khắp. Biến tức là phổ biến. Kế tức là so sánh: cái này là cái tôi, cái này không phải là tôi. Cái này là trong, cái kia là ngoài. Cái này là còn, cái kia là mất. Tất cả những cái đó gọi là phân biệt, biến kế. Vậy thì có hai tác dụng căn bản: một là biểu hiện ra, hai là phân biệt gọi là biểu biệt.

Kiến và tướng nương nhau”. Bao giờ cái kiến phần cũng nương vào cái tướng phần để có mặt và bao giờ cái tướng phần cũng nương vào cái kiến phần để có mặt, hai cái đó không thể có mặt riêng rẽ được. Cũng ví dụ như là khi mình đưa lên một cái đĩa thì tự nhiên mình thấy rằng cái mặt lưng và cái mặt bụng của cái đĩa nó cũng có mặt một lần. Không thể nào có cái lưng mà không có cái bụng. Không thể nào có cái bụng mà không có cái lưng. Không thể nào có phải mà không có trái, không thể nào có trái mà không có phải. Khi chúng ta vẽ ra trên bảng một cái hình tam giác. Và chúng ta chia cái hình tam giác đó ví dụ như A. B. C làm hai. Chúng ta thấy ABH và AHC là hai cái hình tam giác thì chúng ta biết rằng hai cái hình tam giác này nó cũng như kiến phần và tướng phần. Nếu hình tam giác này không có thì cái hình tam giác kia cũng không có. Hai cái đó nương vào nhau mà có. Và trong kinh có danh từ “giao lô”. Giao lô tức là những cái cộng lau nó nương vào nhau, nó chống nhau mà đứng. Nếu mà một cọng thì rơi xuống thì các cọng kia cũng rơi xuống luôn. Khi mà có người giận thì mình biết ngay là có người bị giận. Khi có người bị yêu thì mình biết rằng có người yêu, không thể nào khác được, hai cái đó luôn luôn nương vào nhau mà thành. Không thể nào một cái mà có được, hai cái đó luôn luôn nương nhau mà thành, không thể nào một cái có được. Có khi chúng ta nói là “ghen bóng ghen gió”, nhưng mà bóng gió đó là đối tượng của sự ghen. Mình tạo ra một cái đối tượng. Không có cái gì không có đối tượng mà có chủ thể. Khi mà một thiếu phụ trẻ bắt đầu có mang một đứa con thì bà có tình thương đứa con rồi. Nó chưa sinh ra mà đã thương quá rồi. Nhưng mà cái đối tượng của tình thương đó rất là đới chất, nó có tính cách đới chất cảnh tại vì chưa biết gì về đứa con đó hết và mình tưởng tượng nó thế này nó thế kia, mũm mĩm rất dễ thương, này kia, kia nọ. Mình tạo ra một hình ảnh độc ảnh về đứa con. Cái thương đó thấy rõ là cái đối tượng của tình thương của mình có thể nói 99,9 phần trăm là do cái tự thể phần của mình tạo ra. Tức là mình do tăng thượng duyên nó tạo ra. Cái sự tạo tác, cái sự phân biệt, cái sự biến kế của mình nó tạo ra hình ảnh của mình thương yêu nhiều hơn. Còn đối tượng yêu thương như tánh cảnh nó còn xa vời lắm. “Sinh diệt tùy nhân duyên, thức vốn là biểu biệt, kiến và tướng nương nhau, năng biệt và sở biệt”. Năng biệt tức là chủ thể phân biệt. Sở biệt là đối tượng phân biệt. chữ “năng” là subject, chữ “sở” là object. Ví dụ như khi chúng ta ăn bắp luộc thì chúng ta “năng ăn” và bắp là “sở ăn”.

KỆ THỨ 34

Nơi tự biểu, cộng biểu

Ngã, vô ngã không hai

Luân hồi mỗi sát na

Bập bềnh sinh tử hải.

Khi chúng ta nhìn vào một hiện tượng dầu hiện tượng đó là sắc (vật chất) hay là tâm (tinh thần) thì chúng ta phải tập nhìn làm thế nào để thấy được vừa tính chất tự biểu và tính chất cộng biểu của hiện tượng đó. Ví dụ như một thiếu phụ đang mang thai em bé lúc đầu tiên cô ta đã thương quá rồi. Qua tình thương đối với em bé của thiếu phụ nhiều như vậy thì chúng ta biết rằng em bé đó, đối tượng đó tự biểu rất nhiều. Mình là những người ngoài có thể mình quá thương em bé nhưng mà em bé đó. Đối tượng đó tự biểu rất nhiều. Mình là những người ngoài có thể mình quá thương em bé nhưng mà em bé của mình rất khác với em bé của người kia. Ví dụ như người chồng của cô ta cũng rất thương em bé nhưng mà đối tượng của cái thương của người chồng nó khác với cái đối tượng của cái thương của người vợ rồi huống hồ chúng ta là những người đứng ngoài. Đứng ngoài nhìn vào chúng ta cũng có thể thương em bé đó nhưng mà chúng ta thương nó khác. Rồi đối tượng ba cái tình thương đó nó rất là khác nhau. Tình thương của bà mẹ tương lai đối tượng nó khác, tình thương của ông cha tương lai đối tượng nó khác, và chúng ta cũng có thể thương em bé đó tại vì đó là người bạn của chúng ta. Ba cái đối tượng ba cái khác. Thành ra chúng ta nhìn vào, chúng ta quán chiếu cái sở biệt tức là cái tướng phần của tâm sở thương của người thiếu phụ chưa sinh con, chúng ta thấy rằng cái đó rất nặng nề tự biểu và cái cộng biểu rất ít. Ông bác sĩ ông cũng thấy được cái thai nhi đó. Nhưng mà đối tượng của nhận thức ông nó rất khác đối tượng của sự thương yêu của bà mẹ. Và vì vậy cho nên khi mà chúng ta nhìn vào một hiện tượng tâm lý hay là một hiện tượng sinh lý hay là hiện tượng vật lý thì chúng ta phải tập thấy được cái mức tự biểu và cộng biểu của hiện tượng đó.

Ví dụ như Làng Hồng là hiện tượng mà chúng ta nghĩ là khách quan. Chúng ta không phải là vì muốn cái này, muốn cái kia mà chúng ta thay đổi Làng Hồng được, cho nó khác được. Ví dụ như Xóm Thượng cách Xóm Hạ mấy cây số thì mấy cây số đó hoàn toàn là khách quan, chúng ta không phải vì muốn hay không muốn mà cái khoảng cách giữa Xóm Thượng và Xóm Hạ nó dài hơn hay là nó ngắn hơn được, chúng ta cứ nghĩ như vậy. Nhưng kỳ thực trong chúng ta mỗi người đều có ý niệm về khoảng cách giữa Xóm Thượng và Xóm Hạ, nó khác nhau lắm. Chúng ta có 80 người đang ngồi trong phòng này thì chúng ta có 80 hình ảnh của Làng Hồng khác. Và trong Làng Hồng của chúng ta có nhiều tính chất tự biểu và một ít tính chất cộng biểu. Mỗi người trong chúng ta cũng vậy. Khi nhìn một người thì chúng ta có về hình ảnh người đó khác với hình ảnh mà một người khác có về người đó. Ví dụ như Thầy có hình ảnh về Pháp Đăng không giống hình ảnh Pháp Đăng ở trong chú Nguyên Hải. Và vì vậy cho nên Pháp Đăng của Thầy nó có tự biểu của Thầy. Pháp Đăng của Nguyên Hải có tự biểu của Nguyên Hải. Nhưng mà mình phải nhìn để thấy được cộng biểu tức là có những cái mà nó giống nhau. Trong hình ảnh Pháp Đăng của Thầy và trong hình ảnh Pháp Đăng của Sư chú Nguyên Hải có nhiều yếu tố giống nhau. Cái đó là tính cách cộng biểu giữa Thầy và chú Nguyên Hải. Nhưng mà một người thứ ba, như là anh của chú Pháp Đăng dang ở Cali, thì có thể không thấy được những cái mà Thầy và chú Nguyên Hải thấy về chú Pháp Đăng. Tại vì anh của chú Pháp Đăng bây giờ đang ở Cali có hình ảnh chú Pháp Đăng rất khác hình ảnh mà Thầy có, chú Nguyên Hải có. Nhưng mà mà người nào cũng tin tưởng rằng: “Tôi biết người đó mà. Tồi biết quá mà. Tôi biết rõ lắm mà”. Cho nên mình phải quán chiếu, mình phải có chánh niệm để mình thấy được cái đối tượng nhận thức của mình nó mang tính chất cộng biểu và nó mang tính chất tự biểu. Cộng biểu là cộng biểu của ai?

Cái bàn này đối với chúng ta là một tấm gỗ khô khan và trên đó chúng ta đặt được một vài cái máy cassettes, một vài tách trà. Đó là tính cách cộng biểu của chúng ta - loài người ở Làng Hồng. Nhưng mà đối với loài mọt, những con mọt thì nó không chia xẻ với cái cộng biểu đó nhiều. Cộng biểu giữa những con mọt với nhau và cái bàn này là một cái kho thức ăn rất ngon có thẻ nuôi được loài mọt trong mấy tháng. Nó nhìn thấy như vậy. Thành ra khi nhìn một con cá đang lẫn lờ trong một dòng nước thì nhà khoa học thấy con cá nó khác, nhà thi sĩ thấy con cá nó khác, nhà làm bếp thấy con cá nó khác. Nhà nghệ sĩ thấy cái vi, cái vẫy của con cá nó duyên dáng, nó đẹp vô cùng còn nhà làm bếp thì thấy: “À con này nếu nấu canh chua thì là hết xảy!” Thành ra cái đối tượng và nhận thức nó tùy thuộc vào những hạt giống có sẵn ở trong thức alaya của chúng ta.

Nơi tự cộng biểu, ngã, vô ngã không hai”. Nếu mà chúng ta đạt được một cái thấy về tự biểu, cộng biểu, không có cái gì hoàn toàn tự biểu, không có cái gì hoàn toàn cộng biểu. Tại vì nếu chúng ta quán sát đến mức sâu sắc rồi thì ý niệm về tự, về cộng nó cũng bốc khói luôn. Tuy nhiên chúng ta phải dùng ý niệm đó trong lúc ban đầu. Ví dụ như thần kinh thị giác của tôi, nó là hoàn toàn tự biểu hay là nó có cộng biểu chúng ta đã học rồi. Nó có liên hệ tới hạnh phúc của tôi rất nhiều với là sự học hỏi, với sự lái xe của tôi rất nhiều. Tại vì nếu thần kinh thị giác của tôi mà không lành mạnh thì tôi đọc sách không được, tôi không lái xe được, khổ cho tôi. Nhưng mà thần kinh thị giác của tôi nó cũng dính líu tới anh. Tại vì nếu tôi lái xe mà anh ngồi trên xe hơi thì tính mạng của anh nó có trong cái giá trị của hệ thống thần kinh của tôi. Cho nên thần kinh thị giác của nó có tính cách tự biểu nhưng mà nó cũng có tính cách cộng biểu. Thành ra cái hạt giống của sự giận hờn trong anh, nó là của anh, nó có tính cách tự biểu và nó làm cho anh khổ, anh sung sướng nhưng nó không có nghĩa là tôi không có dính líu gì tới hạt giống của anh. Tại mỗi khi anh giận một cái là tôi không có hạnh phúc được. Và vì vậy cho nên cái hạt giống, cái chủng tử ở trong anh nó có tính cách tự biểu của anh nhưng mà cũng có tính cách cộng biểu của tôi. Tất cả mọi hiện tượng đều như vậy hết. Thành ra cái hạnh phúc, cái đau khổ của một người đang sống bên Campuchia nó có liên hệ tới cái hạnh phúc, đau khổ của chúng ta ở đây; hay là một lỗ hổng ở cái lớp Ozon trên trời, nó có liên hệ tới sự sinh tồn tất cả các loài sinh vật trên trái đất. Thấy được tính chất của tự biểu và cộng biểu như vậy, tự nhiên cái ý niệm về tự, tha, về ngã và vô ngã không còn nữa.

Ban đầu chúng ta thiết lập sự phân biệt về ngã và phi ngã, cái ta và cái không phải là ta và ta chỉ lo cái ta thôi còn cái không phải là ta chúng ta không phải lo, người đó lo cũng được. Ban đầu thì chúng ta nói rằng chúng ta chỉ cần lo cho cái ngã thôi để cái phi ngã nó tự lo lấy. Nhưng lần hồi trong sự sống chúng ta tìm ra cái sự thật là nếu chúng ta không lo cho cái phi ngã, chúng ta sẽ lãnh đủ. Phải lo cho người kia. Vợ phải lo cho chồng, nếu không lo cho chồng thì mình lãnh đủ hết. Và ngược lại cũng vậy, con của mình cũng vậy, mình phải lo, nếu không lo tí gì mình lãnh đủ hết. Các nước mà gọi là phát triển thì lâu nay họ ích kỷ, họ chỉ lo trong nước họ, họ đóng cửa biên giới của họ kín mít, họ không cho một người ngoài đi vào hết, lọt vào là họ cho tù hoặc họ đẩy đi. Họ chỉ lo kinh tế, cho dân số, cho văn hóa, cho giáo dục của họ mà thôi. Họ nói các nước khác hãy tự lo lấy. Bây giờ đã bắt đầu học được một bài học: nếu không có lo cho các nước đệ tam thì các nước phát triển sau này cũng chết. Theo quan hệ duyên sinh, những nước phát triển, sống được là nhờ những nước không phát triển. Khi mà kỹ thuật phát triển, hàng hóa được làm ra nhiều thì phải tìm thị trường mà bán. Muốn tìm thị trường mà bán thì ban đầu người ta đi đánh giặc để người ta chiếm những thuộc địa. Nhưng mà bây giờ, chế độ thuộc địa lỗi thời rồi. Tất cả những mẫu quốc phải nhả từ từ những thuộc địa ra hết. Và phải dùng phương pháp ngoại giao hoặc những phương pháp khác hoặc viện trợ kỹ thuật, viện trợ kinh tế không phải là do lòng tốt mà do ý muốn là nhờ mình giúp phần này thành ra nước đó sẵn sàng mua những hàng hóa của chính mình. Nhưng từ từ chúng ta học được một bài học rõ ràng là nếu các nước phát triển không có lo gì cho các nước không phát triển thì ngày mai họ sẽ lãnh đủ hết. Vấn đề dân số là một: không có cách gì để kiểm soát sự di dân lậu vào trong nước mình, chỉ trừ khi mình đủ cảnh sát, cứ mỗi thước biên giới là có một người đứng. Nước nào cũng vậy. Nước Mỹ cũng vậy, nước Pháp cũng vậy. Những người đột nhập vào trong nước họ bất hợp pháp giờ nào cũng có, phút nào cũng có, dầu có làm cách nào cũng không ngăn chặn được. Rồi những nước đệ tam vay tiền rồi vỡ nợ không trả được, hệ thống tiền tệ quốc tế mà sụp đổ thì các nước phát triển cũng tiêu, cũng đi đời luôn. Và vì vậy cho nên người ta đã học được cái bài học đó, cái bài học tương tức. Tức là nếu các nước phát triển mà chăm chăm ích kỷ, không biết lo cho các nước không phát triển thì chính sau này các nước phát triển cũng chết. Bây giờ cũng bắt đầu chết.

Ban đầu thì chúng ta thiết lập ngã và phi ngã, từ từ chúng ta học được rằng cái ngã không có tồn tại, không có một cái ngã biệt lập tại vì cái này nương trên cái kia, và vì vậy cho nên chúng ta đưa ra ý niệm về vô ngã. Vô ngã là không có cái ngã. Chúng ta thoát được ý niệm về ngã là nhờ giáo lý vô ngã và thực tập vô ngã. Nhưng mà ý niệm vô ngã cũng nguy hiểm. Thoát được cái ý niệm về ngã rồi kẹt vào ý niệm vô ngã cũng hỏng. Vô ngã như là ý niệm cũng là một cái tù ngục. Và vì vậy cho nên chúng ta đã học Tam Pháp Ấn, chúng ta đã biết Niết-bàn là sự vượt thoát tất cả những ý niệm không những ý niệm về thường, về ngã mà thoát luôn ý niệm về vô thường và về vô ngã. Ở đây có câu: “Ngã, vô ngã không hai”. Ngã, vô ngã không hai không phải là ngã, phi ngã không hai đâu. Ngã, phi ngã là khác mà ngã và vô ngã là khác. Vô ngã ban đầu chúng ta nói là chân lý tới để cứu chúng ta ta khỏi tà lý là ngã. Nhưng mà vô ngã nếu bị nắm lấy như một khái niệm thì cũng là ngục tù. Vì vậy cho nên phải vượt thoát luôn vô ngã. Tại vì chúng ta hấy rất nhiều Phật tử và không Phật tử nói về chữ vô ngã nhưng mà nói bao nhiêu cũng vậy cái ngã tướng của những người đó vẫn y nguyên như cũ không có suy suyển gì hết. Vậy thì đối với những người đó giáo lý vô ngã chưa bao giờ giúp người đó đang bị tù trong cái ý niệm về vô ngã. Người đó nói thao thao bất tuyệt về vô ngã nhưng mà trong cách hành xử hằng ngày, trong đời sống vẫn còn đau khổ, vẫn bị tù đày trong cái ngục tù của ngã và vì vậy cho nên ý niệm về vô ngã cũng phải được phá vỡ. Và vì vậy cho nên ngã, vô ngã không phải hai cái đâu. Cái ngã và cái vô ngã nó tương tức. Cái ý niệm vô ngã mà nó có được là nhờ có được ý niệm về ngã. Và cái ý niệm về ngã mà nó có được là nhờ nó có được cái ý niệm vô ngã. Và vì vậy cho nên chúng ta thấy cái tính cách tương tức đó ngay ở trong cái ý niệm về ngã và vô ngã. Nếu quý vị chưa hiểu thì không sao tại mình có thì giờ để mà quán chiếu nữa.

Luân hồi mỗi sát na”. Luân hồi không có nghĩa là sau khi chết chúng ta mới đi luân hồi. Chúng ta đi luân hồi ngay từ bây giờ. Chúng ta còn nhớ đốm lửa của cây nhang không? cái đốm lửa của cây nhang đó luân hồi từng sát na. Tại vì đốm lửa bây giờ là hậu thân của đốm lửa trong giây lát trước và vì vậy cho nên chúng ta luân hồi. Mà chúng ta không luân hồi trên chánh niệm đường thẳng. Mà chúng ta cũng không luân hồi trên con đường cong. Chúng ta thường bị cái ý niệm về đường thẳng nó quy định và chúng ta nghĩ rằng nếu vô thường thì ta của giây phút này sẽ biến thành “ta” của giây phút kế rồi sẽ biến thành ta của giây phút kế nữa. Nhưng mà chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đi trên một con đường thẳng như đốm lửa bay giờ là hậu thân của đốm lửa đi trước. Nhưng mà chúng ta không biết rằng cái sự thật nó không đơn giản như vậy. Nó không phải là đường thẳng, nó đi đường cong mà hơn nữa nó không phải chỉ một đường cong. Là tại vì trong giây phút này sở dĩ có sự chuyển đổi, có sự luân hồi là tại vì luôn luôn có sự tăng thượng duyên nó đi vào, nó có những cái gọi là input. Mỗi giây phút chúng ta thở vào, chúng ta nghe chúng ta thở vào, chúng ta tiếp nhận rất nhiều từ vũ trụ vạn hữu, từ xã hội, từ thức ăn, không khí, giáo dục, thương ghét, tất cả những cái đó chúng ta tiếp nhận trong cái giờ phút chúng ta gửi đi những cái điều kiện, những cái nhân duyên của chúng ta, chúng ta làm cho người khác vui, chúng ta làm cho người khác buồn, chúng ta thở ra thán khí trong không khí, chúng ta đi tiểu, chúng ta đi cầu. Nghĩa là chúng ta thâu nhận và chúng ta phân phát đồng thời trong một giây lát có phần input và nó có phần output. Và vì vậy cho nên nói rằng chúng ta đi về hướng này là không đúng, chúng ta đi về mọi hướng trong một giây lát. Tưởng tượng trước đây 45 năm tôi viết một cuốn sách. Những tư tưởng mà tôi viết trong sách là tôi thâu nhập được trong cuộc sống của tôi, sự học vấn của tôi do các Thầy dạy, Bụt dạy. Bây giờ quý vị có thể đi theo cuốn sách đó được không? Quý vị không thể đi theo cuốn sách được. Tại vì nhiều người đọc cuốn sách đó đã chết và con cháu của họ đã sanh ra rồi và như tư tưởng cách sống của họ nó bị ảnh hưởng cuốn sách đi vào con cháu, mình không thể nào chạy theo được để thấy rằng Thầy Nhất Hạnh luân hồi về đâu. Mình chỉ thấy Thầy Nhất Hạnh bây giờ thôi, Thầy Nhất Hạnh đã đi về mọi nẻo mà mình không thể chạy theo được. Mỗi cái điều mình nói ra, một câu văn mình viết, một tư tưởng mình phóng ra, một lá thư mình gởi đi, đó là mình đã lên đường. Và một khi lên đường rồi kéo trở lui không có được nữa. Vì vậy cho nên trong một giây phút của con người mình, mình thâu nhận từ vũ trụ rất nhiều yếu tố và mình phân phát ra trong vũ trụ rất nhiều yếu tố và vì vậy cho nên cái ý niệm cho rằng chúng ta đang đi trên con đường thẳng là nó trật. Và khi mà tới chỗ này gọi là chúng ta chết. Không phải như vậy đâu. Tại vì chúng ta lên đường, chúng ta có mặt trong khắp vũ trụ, chúng ta luôn tiếp diễn. Ví dụ như chúng ta pha một bình trà rồi chúng ta uống trà, rồi chúng ta mời các bạn uống trà và khi chúng ta pha tới nước thứ ba, trà giống như là còn y nguyên trong đó nhưng mà chỉ còn xác trà thôi, trà đó đã đi khắp nơi rồi thì cái xác trà này nó chỉ là một phần nhỏ của trà. Vậy thì người nào chết đi? Ai chết đi? Có phải ta chết không? Đây chỉ là cái xác nhỏ của ta thôi. Chúng ta đã lên đường, chúng ta đã đi khắp vũ trụ. Chúng ta đã có mặt ở con ta, cháu ta những bạn bè của ta, những học giả của ta, người người ta làm cho hạnh phúc, những người ta làm cho đau khổ, ta đã đi luân hồi rất sâu sắc trong từng sát na. Và vì vậy cho nên nói rằng tới đây tôi chết một cái, tôi mới bắt đầu đi luân hồi thì cái đó là cái ý niệm rất đơn giản về luân hồi, cái đó không phải là đạo Phật thâm sâu, không phải là Le Buddhist. Đó là đạo Phật bình dân.

Nơi tự biểu, cộng biểu”. Nhờ sự quán chiếu về tự biểu, cộng biểu đó mình thấy ngã, vô ngã không phải là hai cái. Và mình thấy “luân hồi mỗi sát na”, mình đi luân hồi mỗi sát na và vì vậy cho nên hãy cho những cái nhẹ, những cái mát, những cái an lạc đi luân hồi. Đừng có cho những cái nặng nề đi luân hồi. Tội nghiệp cho mình và tội nghiệp cho những người khác. Luân hồi bằng ba nẽo: nẻo thân, nẻo miệng và nẻo ý. Hãy phóng ra những luồng điện, hãy gửi di những thông điệp, những nguồn năng lượng của sự nhẹ nhàng, của sự giải thoát, của sự an lạc để làm cho cuộc đời nó đẹp hơn.

Luân hồi mỗi sát na,bập bềnh sinh tử hải”. Tức là chúng ta luôn luôn bập bềnh trên biển sinh tử trong mỗi phút giây. Luân hồi và sinh tử trong mỗi phút giây. Chứ không phải là mấy chục năm nữa là tôi mới chết, tôi đang chết bây giờ và cái chết của tôi có thể đem tới những cái rất đẹp, rất là hay, rất là quý. Tôi phải thấy được tôi đang chết trong từng phút từng giây. Đứng về phương diện sinh vật học là chúng ta thấy rằng là khi mà chúng ta cào trên da như vậy thì hàng trăm ngàn tế bào từ trên da chúng ta rơi rụng xuống. Thành ra một sư chú đi ở trên Xóm Thượng một vòng để lại bao nhiêu là dấu chân trên cát. Và khi có một Sư Cô đi ở Xóm Hạ mà thở thì những hơi thở đó thấm vào tất cả. Chúng ta liên hệ với nhau rất mật thiết mà chúng ta không biết. Chúng ta nói: “Tôi không muốn dính líu tới người đó!” không dính líu tới sao được. Hơi thở nào của mình thở cũng có cái hơi thở của người đó đi vào hết, đứng về phương diện khoa học mà nói là nó như vậy. Và trong mỗi sát na, mỗi phút biết bao tế bào trong ta đã chết: tế bào óc, tế bào thân thể mà nếu chúng ta mỗi làn có một tế bào chết mà chúng ta tổ chức đám ma để khóc thì cả ngày chúng ta chỉ tổ chức đám ma không thôi à. Nhưng mà cái chết của những tế bào đó rất cần thiết để cho những tế bào khác được sinh ra. Vì vậy cho nên trong tự thân chúng ta, về thân thể cũng như về tâm hồn, sự sinh tử phát hiện ra từng phút, từng giây những hạt giống, những tâm hành hay là những tế bào của chúng ta. Chúng ta có tới năm dòng sông và vì vậy chúng ta phải quán chiếu để thấy sự sinh tử xảy ra trong từng sát na. Chúng ta đã lên đường rồi và chúng ta đã lên đường nhiều đợt trong từng giây phút. Thấy được điều đó và phải thấy bằng những bước chân và bằng hơi thở và bằng đời sống của mình thì mới đạt tới vô úy, còn nếu không mà chỉ thấy bằng lý thuyết thì mình không có đạt tới vô úy. Thấy được rồi thì mình đạt tới không sinh, không tử, không một, không nhiều. Còn nếu không thì cái sợ vẫn còn y nguyên trong tâm thức của mình.

KỆ THỨ 35

Thời, không và bốn đại

Đều do thức hiện bày

Tương tức và tương nhập

Dị thục từng phút giây.

Thời gian và không cùng bốn yếu tố (Tứ đại) đất, nước, lửa gió tất cả đều là biểu hiện của tâm thức, những biểu hiện của cá nhân và cộng đồng tâm thức. Thời gian nương vào không gian mà hiện hữu. Vật chất cũng nương vào thời gian, không gian mà có, và tất cả đều là biêu hiện của thức.

Tương tức và tương nhập, dị thục từng phút giây”. Tất cả các hiện tượng, một hạt bụi, một đám mây, một trái núi đều có tính cách tương tức và tương nhập, cái này bao trùm cái khác, cái kia nằm trong cái này. Dị thục được phát sinh và trong từng phút giây, chứ không phải một giai đoạn sinh chấm dứt rồi mới có dị thục như chúng ta tưởng. Nó chín trong từng giai đoạn, trong mỗi giây phút, cho nên chúng ta luân hồi trong mỗi giây phút. Tôi bây giờ mới sanh, tôi hôm qua đã chết và tôi bây giờ đang sanh từ cái tôi của ngày hôm qua. Vậy Dị Thục xảy ra trong từng phút giây chứ không phải xẩy ra trong một thời gian dài.

---o0o------o0o---
Vi tính Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]