Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài kệ thứ 11 -15

16/04/201315:58(Xem: 5576)
Bài kệ thứ 11 -15


Lá bối 1996

DUY BIỂU HỌC

Giảng luận

Thiền Sư Nhất Hạnh

---o0o---

3.

KỆ THỨ 11

Tuy vô thường vô ngã

Tàng thức vẫn gồm thu

Mọi pháp trong thế gian

Hữu lậu và vô lậu

Bản thân thức thứ tám là Vô thường vô ngã, và nội dung nhận thức của nó cũng vô thường vô ngã, những hạt giống nó cất giữ cũng vô thường và vô ngã, những cái tâm sở nó tương ưng cũng vô thường vô ngã. Những tàng thức nó gồm thâu trong nó tất cả vạn pháp thế gian, trong đó có những hiện tượng hữu lậu vô lậu. Những pháp hữu lậu là những pháp còn nằm trong thế giới sinh diệt sầu đau. Còn những pháp vô lậu là những pháp trong thế giới của bất sanh, bất diệt, của Niết-bàn, của bản môn.

Hữu lậu nghĩa là còn có thể rơi rớt trở lại, còn có thể rỉ ra, rịn ra, lọt xuống, còn vô lậu là không có lọt nữa. Lậu đây có nghĩa là rịn ra như cái lu hay cái bình chứa mà bị nứt, nước trong đó rịn ra nên gọi là lậu “Đêm khuya khắc lậu canh tàn”. Vô lậu là anasvara. Các pháp có thể chia làm hai loại: một gọi là hữu lậu và hai là vô lậu. Ví dụ mình có một niềm vui là cho mình khỏe mình tươi cười, niềm vui đó gọi là hữu lậu hay vô lậu. Khi mà chúng ta có sự hiểu biết nào đó, tìm ra được cái sự thật về cái điều đó và chúng ta không còn bị rơi vào sự tức giận hờn trách móc nữa thì cái hiểu biết đó gọi là vô lậu. Một phen đã hiểu rồi, đạt tới cái thấy rồi thì mình không còn rơi xuống nữa. Nhưng cái hữu lậu và vô lậu không hẳn là trái, chống nhau. Khi mình nhìn thấy hết bản chất nó thì nó là vô lậu nhưng nếu mình không thấy thì mình thấy không có sanh có diệt, có bắt đầu có chấm dứt, không có không không. Hiểu rồi, đạt tới cái thấy rồi thì mình không còn rơi xuống nữa. Nhưng cái hữu lậu và vô lậu không hẳn là trái, chống nhau. Khi mình nhìn thấy hết bản chất nó thì nó là vô lậu nhưng nếu mình không thấy thì mình thấy không có sanh có diệt, có bắt đầu có chấm dứt, không có không không. Đứng về phương diện tích môn là chúng ta sống trong thế giới hữu lậu nhưng mà chúng ta đứng về phương diện bản môn thì những cái đó không còn nữa. Những cái mà chúng ta vừa thấy có sanh có diệt, có thường có đoạn, có đi có tới, có một có nhiều, nó không còn sanh diệt, thường đoạn, đi tới nữa thành ra tất cả đều trở thành vô lậu hết. Cho nên hữu lậu hay vô lậu đều do cái thấy của mình mà ra cả. Ví dụ chúng ta giúp một em bé đói hay cứu một con sâu, con kiến cho chúng thực phẩm thì hành động đó có thể là hữu lậu. Tức là nó có đem tới niềm vui có đem tới phước báo. Nhưng mà có khi chúng ta làm việc đó mà vô lậu. Ta làm đứng về phương diện bản môn mà làm chúng ta không bị không gian và thời gian và hình thức lôi kéo, không kẻ công, kể trạng gì hết. Chúng ta cũng làm y chang như mọi người nhưng hành động đó là vô lậu. Ví dụ như mình tới một cô nhi viện người ta đưa mình cuốn sổ vàng để ký tên cho tiền. Nếu mình nghĩ rằng mình như thế này mà cho ít hơn một trăm ngàn thì coi không được và quyết định cho một trăm ngàn. Thì con số một trăm ngàn đó là hữu lậu nhưng nếu người ta đưa sổ đó mình cũng ký nhưng không nghĩ đây là sổ vàng. Mình cũng cho một trăm ngàn nhưng mà mình không nghĩ là môt trăm ngàn thì xứng với hành động hay danh dự của mình thì đó là hành động vô lậu. Nó vô tướng, làm mà chỉ có tình thương thôi không hề nghĩ là tôi đang giúp cô nhi đây, tôi đang giúp người khổ. Thành ra cũng một trăm ngàn, cũng chữ ký trên sổ vàng nhưng một bên là hữu lậu, một bên là vô lậu. Công đức hữu lậu so với công đức vô lậu nó không thấm vào đâu. Công đức hữu lậu nó có, mình cho 100.000 đ, em bé mồ côi được hưởng chứ, nhưng đó là hữu lậu. Thành ra những pháp hữu lậu là những pháp còn nằm trong vòng luân hồi sinh tử. Nó có thể làm cho đỡ khổ hay làm cho khổ thêm. Còn những pháp vô lậu có thể ngăn không cho mình bị rơi xuống thấp hơn nữa và đưa mình tới sự giải thoát tự do không vướng mắc. Đứng về phương diện hữu lậu nghĩ đến công đức hay tội lỗi nhưng đứng về vô lậu chắc không thể nói với ý niệm về công đức hay tội lỗi. Không so sánh được. Nó khác lắm. Nó không có sự kể công, không danh, không lợi nó rất tự nhiên nó phát xuất từ cái thấy về tự do. Thành ra trong chùa, trong Phật đường đáng lý mình phải tiếp xúc với những pháp vô lậu. Nhưng có thể là tại vì nhận thức mình kém cõi nên thấy vì tiếp xúc với cái vô lậu cứ tiếp xúc với cái hữu lậu. Ví dụ cái thùng Phước Sương trong chùa đó nó là vô lậu hay hữu lậu? Nó tùy theo mình hết cả. Có người họ không thích bỏ tiền vào thùng Phước Sương vì sợ Thầy không biết, nhất là nếu mình định cúng những số tiền lớn sợ Thầy không biết là mình hết lòng ủng hộ Thầy, thành ra hành động đó là hữu lậu. Còn nếu như mình im lặng bỏ tiền vào thùng Phước Sương không muốn ai biết đến, biết là chùa cần tiền để làm những chuyện đáng làm mình chia sẽ tiền dành dụm của mình cho chùa một cách tự nhiên mà không cầu được phước báo thì đó là hành động vô lậu. Thành ra cái thùng Phước Sương hay món tiền là hữu lậu hay vô lậu mà cái thấy của mình khi làm những cái đó là hữu lậu hay vô lậu. Vì vậy cho nên hạnh phúc mà do hành động vô lậu đưa đến cho mình thì nó lớn hơn nhiều vì nó có tự do, nó vô tướng thành ra tất cả các pháp trong thế gian có thể được xem là hữu lậu hay vô lậu. Hữu lậu là còn vướng mắc luân hồi còn vô lậu là có tự do, mà không phải chia hai cái pháp đó ra và nói những cái này là hữu lậu, còn những cái kia là vô lậu.

KỆ THỨ 12

Hạt giống, sanh hạt giống

Hạt giống, sanh hiện hành

Hiện hành, sanh hạt giống

Hiện hành, sanh hiện hành.

Đây là đường lối vận hành của vũ trụ. Ta nên biết hạt giống là nguồn năng lượng nó phát hiện ra hiện tượng. Nó có bốn loại: hạt giống sanh ra hạt giống là tại sao vậy? Tại vì hạt giống thì vừa chuyển vừa hằng. Tàng thức vừa chuyển vừa hằng thì tất cả những gì thuộc tàng thức cũng vừa chuyển vừa hằng. Vậy cho nên mỗi hạt giống trong ta đều vừa chuyển vừa hằng. Vì vậy cho nên hạt giống sinh hạt giống, hạt giống của giây phút trước sinh hạt giống giây phút sau. Không có gì nằm im không chuyển biến cả. Ví dụ như hạt giống về vui, buồn, giận của mình đó nó nằm trong tàng thức mà nó cựa quậy tại vì nó chuyển mà nó hằng. Hạt giống sinh hạt giống. Hạt giống nó có nhiều tính chất. Trong Nhiếp Đại Thừa Luận Thầy Vô Trước có đưa ra sáu tính chất của hạt giống:

1/ Sát na diệt tức là nó biến chuyển từng sát na vì vậy cho nên hạt giống sinh hạt giống đó. Nó sinh ra nó.

2/ Quả câu hữu tức là cái quả nó sanh ra nó cũng có một lần với nhân. Ví dụ như khi mình gieo hạt giống xuống đất thì nó sinh ra một cây bắp con và cây bắp con nó có mặt đồng thời với hạt bắp. Hạt bắp đang còn dù nó có thay đổi. Ví dụ khi người ta nói câu gì đó mình giận thì cái hạt giống giận của mình nó biến thành ra cái giận. Vì vậy vừa hạt giống mà vừa hiện hành nó có mặt đồng thời với nhau. Không phải có hiện hành thì hạt giống nó mất đi đâu, nó cũng còn đó, nên gọi là quả câu hữu.

3/ Hằng tùy chuyển luôn luôn tiếp tục tùy theo cái đà chuyển biến.

4/ Tính quyết định tức là tánh của nó, nó duy trì được. Tính cách lành hay dữ, hay không lành không dữ, nó đều giữ được. Hột bắp luôn luôn còn là hột bắp, hột mè luôn luôn còn là hột mè. Nó là hạt giận thì nó luôn luôn giữ được căn cước của nó là hạt giống giận, nó là hạt giống sợ hay buồn thì nó giữ được tánh cách sợ hay buồn. Đó là tính quyết định.

5/ Đãi chúng duyên, đãi là đợi, chúng là những, duyên là điều kiện. Tức là những hạt giống nó nằm đó, có mặt đó và nó đợi những điều kiện thuận lợi để phát hiện, hữu lậu hay vô lậu cũng vậy.

6/ Dẫn tự quả. Nó đem lại kết quả của chính mình. Hạt đậu thì đem kết quả của hạt đậu, hạt vừng thì đem lại cây vừng, tức là nó tự đem kết quả của chính mình. Hạt giống nào đem đúng cái quả, nó đưa tới cái hiện hành của hạt giống ấy. Như vậy ta có sáu tính chất của một chủng tử: sát na diệt, quả câu hữu, tính quyết đinh, đãi chúng duyên, dẫn tự quả.

Hiện hành sanh hạt giống. Khi mà hạt bắp nó thành ra cây bắp rồi thì cây bắp nó là ra trái bắp, rồi lại làm ra hạt giống. Khi hạt giống giận của ta đùng đùng hiện hành thành cái giận rồi thì cái hiện hành ấy lại gieo thêm những hạt giống giận khác. Hiện hành sanh hiện hành. Tại vì hiện hành cũng có tính cách sát na diệt. Cây bắp của giờ phút này không phải là cây bắp của giờ phút trước. Tôi của giờ phút này không phải là tôi được sinh ra bởi tôi của giờ phút trước.

KỆ THỨ 13

Hạt giống hay hiện hành

Đều tương tức, tương nhập

Một do tất cả thành

Tất cả đều do một

Ở đây chúng ta có thể thấy được ý niệm trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm trong này. Tương tức (interbeing) là cái này trong cái kia. Tương nhập (interpenetration) là cái này đi vào cái kia. Trong thế giới phân biệt của mình thì sự vật nó ở ngoài nhau, như cái bình trà nó ở ngoài cái cành cây. Cái cành cây nó ở ngoài bình trà. Hai cái nó tách biệt, nó riêng ra.

Trong thế giới của quán chiếu, khi chúng ta dùng những chìa khóa vô thường, vô ngã thì chúng ta bắt đầu thấy chúng khác. Chúng ta nhìn vào bình trà thì ta thấy có đất nước có lửa có không gian, có thời gian có không khí, và nếu cứ nhìn cho sâu thì thấy rằng không có hiện tượng nào trong vũ trụ mà không có mặt trong bình trà cả. Tại vì bình trà được làm bằng toàn là những chất liệu không phải bình trà. Cũng như hoa được làm toàn bằng chất liệu không phải là hoa. Xét cho kỹ thì mọi hiện tượng trong vũ trụ đều tới với nhau làm ra một bình trà, hay làm ra một bông hoa và trong bông hoa này hay trong biùnh trà này có đủ hết. Cái bông hoa này chứa đựng cả vũ trụ và bình trà này cũng chứa dựng cả vũ trụ. Cho nên tương nhập nghĩa là tất cả vũ trụ đi vào trong một cái và một cái đó cũng đi vào tất cả trong vũ trụ (Interpenetration). Khi mà dùng chìa khóa vô thường vô ngã để mở cửa thực tại thì chúng ta thấy cái tính cách tương tức của sự vật. Trong cái một nó chứa đựng cái nhiều, và trong tất cả mọi cái mà ta gọi là nhiều điều có cái một đó hết. Và vì vậy cho nên bình hoa cũng là bông hoa, bởi vì không có bông hoa thì cũng không có bình hoa. Bông hoa cũng là đám mây vì nếu không có đám mây thì không có bông hoa. Bông hoa là đất, nếu không có đất cũng không có bông hoa. Đó là gọi là tương tức (Interbeing). Hạt giống hay hiện hành, đều tương tức, tương nhập. Một do tất cả thành, tất cả đều do một. Cái tất cả nếu mà có được là do cái một. Chính cái một nó làm ra tất cả. Cái ý niệm về một là do cái ý niệm về nhiều nó làm ra và cái ý niệm về nhiều cái do cái ý niệm về một nó làm ra. Ví dụ như cái bút này ta để ngang thì ta thấy nó bên trái một bên phải. Cai ý niệm về một là do cái ý niệm về nhiều nó làm ra. Cái ý niệm về nhiều là do ý niệm về một làm ra. Cái ý niệm về trên là do cái ý niệm về dưới nó làm ra. Ý niệm nó làm ra nhau. Thành ra ý niệm về một và về nhiều ban đầu mình sử dụng nhưng sau mình cũng vượt thoát.

Vào thế kỷ rhứ tư, thứ năm khi hai anh em Thầy Vô Trước Thế Thân làm ra Duy Thức. Thì Duy Thức chưa mang giáo lý của Hoa nghiêm trong thân nó. Vì vậy cho nên có lúc người ta nói giáo lý Duy Biểu nó mới là Quyền Thừa chứ chưa phải là Đại Thừa. Thì khi Thầy Huyền Trang về nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ bảy, đem giáo lý Duy Biểu về thì Duy Biểu chưa có màu sắc của Hoa Nghiêm, như giáo lý trong bài tụng thứ 13 và 14 này. Nhưng mà sau Thầy Huyền Trang có Thầy Pháp Tạng, đưa giáo lý Hoa Nghiêm và trong Duy Thức trong cuốn Hoa Nghiêm Kinh Huyền Ký, nghĩa là ghi chép điều huyền diệu trong kinh Hoa Nghiêm, Thầy đã đem giáo lý Duy Biểu ra và cho vào đó những chất liệu của giáo lý Hoa Nghiêm nghĩa là giáo lý tương tức và tương nhập. Thầy Huyền Trang sinh năm 602 và tịch năm 664. Sống có 62 tuổi mà làm nhiều việc lắm. Năm 662 Thầy thọ giới lớn và trong những pháp môn mà Thầy đi Ấn Độ học và mang về có pháp môn Duy Thức. Có thể nói Thầy là Tổ sư của Duy Thức Trung Hoa. Trước đó đã có Thầy Chân Đế dạy về Duy Thức rồi (Paranarta). Nhưng Thầy Huyền Trang có nhiều đệ tự xuất sắc trong đó có Thầy Khuy Cơ. Thầy Huyền Trang đã sáng tác ra một tác phẩm Duy Thức Học rất đầy đủ gọi là Thành Duy Thức Luận chú giải và Duy Thức Học trở nên một môn học rất phổ biến sau đó. Thầy Pháp Tạng sinh sau Thầy Huyền Trang 41 năm. Thầy cũng gốc Khương Cư cùng quê hương với Thầy Khương Tăng Hội Sơ tổ của mình. Thầy Huyền Trang đi Ấn Độ bằng đường bộ còn Thầy Pháp Tạng đi từ Khương Cư qua Việt Nam bằng tàu thủy và không biết Thầy có ở Việt Nam trước khi sang Trung Quốc hay không nhưng chắc chắn là có ở Quảng Đông. Sau Thầy Huyền Trang có Thầy Nghĩa Tịnh cũng đi Ấn Độ và cũng đi thỉnh kinh. Thầy Huyền Trang đem về rất nhiều kinh điển. Thầy Nghĩa Tịnh đi bằng đường biển và cũng đem về rát nhìeu kinh và Thầy cũng mở một trung tâm dịch kinh rất lớn. Còn Thầy Pháp Tạng từ bên Khương Cư đi qua và Thầy ở miền Nam trứoc và sau đó mới lên miền Bắc và Thầy tham dự vào trung tâm dịch kinh của Thầy Nghĩa Tịnh. Thầy nhỏ hơn Thầy Huyền Trang chừng 41 năm. Điều mà chúng ta cần biết đây là Thầy Pháp Tạng là người đầu tiên đưa giáo lý Hoa Nghiêm vào Duy Thức và từ thế kỷ thứ 7 và 8 cho đến bây giờ công tác của Thầy Pháp Tạng không được tiếp nối. Và chính bây giờ mình tiếp nối công việc của Thầy Pháp Tạng là mình đưa vào cho thật đầy đủ giáo lý Hoa Nghiêm vào trong Duy Biểu Học.

Trong Năm Mươi Bài Tụng này có được hai bài tụng đại diện cho giáo lý Hoa Nghiêm và đưa Duy Biểu học lên Đại thừa viên giáo. Ta biết rằng trong kinh Hoa Nghiêm có hình ảnh gọi là Đế Châu nghĩa là những viên ngọc của Đế Thích. Ở cung trời của vua Đế Thích có những tấm màng lưới làm bằng những viên bảo châu. Mỗi viên bảo châu có nhiều mặt và có hàng trăm ngàn hàng triệu viên bảo châu kết lại làm thầnh cái lưới gọi là đế châu. Và khi người ta nhìn vào mọt hạt châu thì người ta thấy tất cả những hạt châu ở trong đó. Ngày xưa khi mình quán tưởng Bụt mình nói: Ngã Thử đạo tràng như đế châu, tức là cái đạo tràng mà trong đó con đang thực tập nó giống như là màn ngọc của vua Đế Thích (indras net). Thập phương chư Bụtảnh hiện trung tức là các đức Bụt trong mười phương đều ảnh hiện trong cái đạo tràng của con cả. Tại vì đạo tràng ở trung tâm tu học của mình chỉ là một cái bàn thờ và một đức Bụt ngồi thôi. Nhưng trong mình quán tưởng Bụt thì mình muốn lạy tất cả những đức Bụt trong mười phương thế giới chứ không chỉ lạy một Bụt.

“Năng lễ, sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”

Người lạy là con và người bị lạy là Ngài cả hai chúng ta tánh đều vắng lặng, không ai có ngã vì vậy sự cảm ứng của con với Ngài không thể tưởng tượng được. Nếu như con chỉ là con thôi và Ngài chỉ là Ngài, thì hai chúng ta có dính gì với nhau đâu, làm sao mà có sự cảm ứng được? Ngã thử đạo tràng như đế châu. Cái đạo tràng mà con đang đứng giống như màn lưới ngọc của Đế Thích. Thập phương chư Phật ảnh hiện trung, chư Phật trong mười phương đều hiển hiện trong đó. Ngã kim ảnh hiện chư Phật tiền. Trước mỗi đấng Thế tôn đều có con đứng trước hết. Các Ngài vô lượng vô biên vô số thì con cũng vô lượng vô biên vô số. Khi mình cuối xuống nhìn một đám bọt nước thì mình thấy trong mỗi bọt nước dều có mình. Tự nhiên mình biến thành hằng hà sa số. Ở đây cũng vây, trong thế giới của Hoa Nghiêm cái một nó có mặt trong tất cả. Mình quán tưởng rằng có bao nhiêu đấng Thế tôn trong vũ trụ thì có bấy nhiêu con đang đứng trước. Và con lạy ở đây một cái thì tất cả trong mười phương thế giới đều có lễ lạy. Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, đầu diện tiếp túc quy mạng lễ. Và vì vậy cho nên mình thấy được trong hoàn vũ, nơi nào mà có một đấng thế tôn thì nơi đó có mình đang lễ lạy. Đó là sự quán tưởng để lễ lạy trong tinh thần Hoa Nghiêm. Vậy đế châu là trong một viên bảo châu mà mình nhìn vào sẽ thấy các viên bảo châu khác, không có viên bảo châu nào mà không mang hình ảnh của viên bảo châu này. Đó là phép quán chiếu về tương tức và tương nhập để thấy rằng: “cái một nó chứa đựng chúng sinh tất cả nó chứa đựng cái một”. Vì vậy một hạt giống của cái giận nó chứa đựng tất cả những hạt giống khác, hạt giống của từ bi, trí tuệ, giải thoát, giác ngộ… Nó có đủ tất cả. Thành ra giải thoát không có nghĩa là vất những cái mình không thích ra ngoài. Tại vì trong cái mình không thích nó chứa đựng những cái mình thích ở trong. Ví dụ như rác chẳng hạn mình không thích, nhưng nếu mình liệng rác đi thì mình sẽ không có hoa. Cho nên mình phải giữ rác lại vì mình thấy trong rác có hoa. Rồi mình sử dụng trí tuệ để biến rác thành phân. Và từ phân đó từ từ biến thành hoa. Thành ra ta có danh từ phiền não tức bồ đề. Những cái khổ đau, những cái nặng nề của mình nó có chứa đựng cái giải thoát, cái thảnh thơi trong đó nếu mình biết cách.

Hạt giống hay hiện hành, đều tương tức tương nhập, mỗi hạt giống hay mỗi hiện hành dù nó là tâm hay vật, thì trong mỗi hiện tượng như vậy mình tìm thấy cái tính chất tương tức và tương nhập của nó. Một do tất cả thành. Tất cả đều do một. Nếu mình hỏi tàng thức của anh và tàng thức của tôi là hai hay là một thì anh nên coi chừng. Tại vì nói là hai cũng sai mà nói là một cũng sai. Tại vì ý niệm về một và ý niệm về nhiều là những ý niệm mình bắt đầu với, nhưng mình phải vượt thoát sau khi quán chiếu. An h và tôi không phải là một cũng không phải là hai. Một là ý niệm, hai cũng là ý niệm khác. Cả hai ý niệm đều không phù hợp với thực tại. Thực tại vượt thoát cái ý niệm về một và về nhiều.

KỆ THỨ 14

Tàng không một không khác

Không chung cũng không riêng

Một và khác không riêng

Chung và riêng triển chuyển.

Khi người ta hỏi có nhiều tàng thức phải không? mỗi chúng ta có một tàng thức phải không? thì quý vị không được chấp nhận mà cũng không được phủ nhận. Nếu quý vị trả lời là kẹt. Vì tàng thức không một không khác. Vì trong thực tại duyên sinh thì cái một là do tất cả làm thành. Và cái tất cả cũng do cái một làm thành. Ví dụ cái trái do cái phải làm ra và cái phải do cái trái làm ra. Cho nên một tức là nhiều, nhiều tức là một. Cho nên mình vượt thoát ý niệm về một và nhiều.

Tàng không một không khác,

Không chung cũng không riêng.

Tại vì mình mới học rằng trong mỗi hiện tượng đều có tính cách chung và riêng. Bây giờ mình phải vượt luôn cái ý niệm về chung và riêng.

Một và khác nương nhau,

Chung và riêng triển chuyển.

Cái một và cái khác nó nương nhau mà được thành lập, cái chung và cái riêng cũng vậy, nó nương nhau mà phát triển và biến chuyển. Vậy nên mình phải vượt thoát những ý niệm như một và khác, chung và riêng. Ở đây, có khí vị của giáo lý Tam Luận (Sam Lung).

Giáo lý Tam Luận, một tông phái có mặt tại Á đông, một tông phái học về trung đạo căn cứ tên ba bộ luận: Trung Quán luân, Bách Luận Thập Nhị Môn Luận. Chúng ta biết Trung Luận, Madyamikasatra, là Thầy Long Thọ làm ra. Các Thầy như Thầy Long Thọ Thầy Đề Bà những vị ấy sáng tạo ra những bộ luận làm căn bản cho môn phái gọi là Tam Luận Tông mà trong đó là Bách Luận, Trung Luận Thập Nhị Môn Luận, theo Thầy Long Thọ thì chúng ta phải vượt thoát những ý niệm về sinh, diệt, một, nhiều, đi, tới, thường, đoạn. Tám khái niệm này là những khái niệm căn bản mà chúng ta phải vượt thoát gọi là bát bất tám cái không phải.

Thứ nhất là không sanh, không diệt. Sinh là một ý niệm trong đầu mình. Sinh có nghĩa là từ cái chỗ không có gì cả rồi tự nhiên nó có. Trước khi mẹ sinh mình ra không có gì cả rồi tự nhiên nó có. Trước khi mẹ sinh mình ra mình chưa là ai hết. Tự nhiên mình thành ra một người. Before may mother gave me birth I was nobody. Gfter that I becam sombody. Quán chiếu cho kỹ thì thấy rõ là không phải như vậy. Không thể nào từ cái không mà thành ra cái có được. Trước khi sinh mình đã có rồi, dưới những hình dáng khác. Nhưng tại mình mù quáng nên không thấy đó thôi. Ví dụ như mây là tiền thân của mưa. Vì không thấy tiền thân của mưa là mây nên mình nói mưa mới sanh ra nhưng thực mưa chỉ là sự tiếp nối của mây thôi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không có từ không mà trở thành có. Và vì vậy cho nên ý niệm về sinh nó không đúng. (Rien ne se crée).

Không có gì được tạo tác ra cả. Ví dụ như năng lượng nó biến thành vật chất thì cũng là sự tiếp nối mà thôi. Thành ra đến ngày sanh nhật mình không hát happy birthday mà hát happy contiuation day. Và đến ngày chết cũng vậy. Không phải là từ có mà trở thành không. Vì đã có thì không thể nào trở thành không được. Ví dụ đem tờ giấy này đốt ra tro thì tờ giấy không trở thành không mà thành ra những thứ khác. Ví dụ nó thành hơi nóng đi vào trong vũ trụ, nó trở thành tro sau này xuống đất nó có thể biến thành bông hoa. Thành ra tờ giấy nso không trở thành hư không được, dù mình có đốt nó thì nó vẫn tiếp tục đi luân hồi như thường, vì v ậy cho nên ý niệm về sinh là một ý niệm sai lầm cần vượt thoát.

Ý niệm về diệt cũng vậy. Bất sinh diêc bất diệt (không sinh cũng không diệt). Đó là phép quán của Tam Luận Tông. Bất thường diệt bất đoạn, ý niệm về thường và ý niệm đoạn. Thường tức là nó cứ như vậy hoài hoài, còn mãi cái linh hồn của mình. Hoặc là nói khi mình chết linh hồn và thể xác mình sẽ mất tiêu không còn gì nữa nên gọi là đoạn. Thành ra ý niệm về thường phải vượt thoát, ý niệm về đoạn cũng phải vượt thoát. Cái này với cái kia là một hay là hai? Phi nhất phi dị. Một cũng không đúng mà khác cũng không đúng. Ý niệm về tới đi cũng vậy. Tôi từ chỗ đó tới và tôi sẽ từ đây tôi đi. Trước khi sanh tôi mới từ chỗ khác và sau khi chết tôi sẽ đi về cõi khác. Con người là ai xuống cõi trần làm chi, tám ý niệm đó cần phải vượt để cho ta thấy bản chất về thực tại gọi là trung đạo bát bất.

Trung đạo là con đường ở giữa, con đường mà không bị kẹt vào ý niệm. Bất sanh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất khứ. Đó là tám ý niệm cần được vượt thoát. Đây ta chỉ đưa ra hai ý niệm: một và tất cả, chung riêng ta cũng phải vượt thoát.

Cho nên trong Duy Biểu học ta thấy có khí vị của Hoa Nghiêm, khí vị của Tam luận. Tàng không một không khác, không chung cũng không riêng, một và khác nương nhau, chung và riêng triển chuyển.

KỆ THỨ 15

Vô minh diệc minh sanh

Tàng chuyển thành vô lậu

Gương trí soi mười phương

Bạch tịnh và vô cấu.

Tức là khi sự mờ ám của mình tiêu diệt nhờ công trình quán chiếu thì sự sáng suốt nó phát sanh và khi đó tàng thức nó chuyển thành vô lậu. Trước đó nó hữu lậu, chứa chấp những hạt giống hữu lậu nhưng nhờ công phu tu hành quán chiếu nó trở thành vô lậu. Ta biết vô minh là một trong 12 hữu tri (nhân duyên. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu sanh, lão tử. Vì vô mình nên mới có thế giới của hữu lậu, của sầu khổ. Có người nghĩ rằng mình muốn không có lão, tử thì đừng có sanh, không có sanh thì đừng có hữu, muốn không có thủ, không có ái, thọ, xúc, lục nhập… hành, thì diệt vô minh. Và họ nghĩ là diệt vô minh thì sạch tất cả và cũng không còn gì cả trên cõi đời này chỉ chờ sang thế giới khác! Nhưng chính miệng Bụt nói rằng: Vô minh diệc minh sanh. Hễ lấy bóng tối thì tự nhiên có ánh sáng. Muốn hay không muốn cũng vậy. Khi minh sanh thì có thế giới của mầu nhiệm, của giác ngộ, của giải thoát, của Niết-bàn. Trong khi đó thì tàng nó chuyển thành vô lậu hết. Tất cả những gì thuộc về tàng thức nó chung, riêng, một, nhiều tất cả đều chuyển thành vô lậu hết.

Gương trí soi mười phương

Đây là tên mới của tàng thức. Trước đó nó cũng có nhiều tên: nhất thiết chủng thức, dị thục thức, năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng, a đà na thức. Bây giờ đây, sau khi nó chuyển thành vô lậu hết thì tên mới nó là đại viên cảnh trí. Đại là lớn, viên là tròn đầy, cảnh tấm kính, tấm gương, trí, trí tuệ. Tàng thức trở thành một thứ ánh sáng, một thứ trí tuệ giống như một tấm gương lớn và tròn đầy nó phản chiếu được một cách tự do mọi hiện hữu nhiệm mầu. Gương trí soi mười phương. Bạch tịnh và vô cấu. Bạch tịnh thức vô cấu thức (amalayvijnana amala): không ô nhiễm, là hai tên mới của tàng thức khi giải thoát., giác ngộ, an lạc thì nó trở thành đại viên cảnh trí hay là vô cấu thức hay là bạch tịnh thức, ta thấy thức thứ tám này nó giống như đất, như đại địa có công dụng giữ gìn các hạt giống, có tính cách trung hòa, như một bà mẹ và những thức khác như người làm vườn có thể tác động trên đất. Nó vừa có tính cách vô phú vô ký, không thiện mà cũng không phải ác. Nó có thể trở thành thiện hay ác là do công trình của những thức khác.

Vô phú là không bị che lấp. Nếu có mặt trời chiếu xuống có ánh sáng có sức nóng, nó có mưa thì tất cả những hạt giống trong đất sẽ được phát triển và trái đất sẽ được sanh tốt. Còn nếu mặt trời, mây đen bao phủ mặt đất thì trái đất nó không được sanh tốt và vì vậy cho nên thức thứ tám nó không thụ động nhưng nó làm việc rất lặng lẽ mầu nhiệm.

Trong khi quán chiếu tu học thì mình sử dụng các thức khác. Ví dụ khi ta nhìn bông hoa ta quán chiếu bông hoa ta đưa vào tàng thức những hạt giống của sự quán chiếu và những hạt giống của sự quán chiếu đó vào và tàng thức bắt đầu làm việc âm thầm cũng như đất vậy. Nếu chúng ta là người làm vườn giỏi thì ta có thể xới đất, nhổ cỏ bón phân gieo hạt tưới đất nhưng điều quan trọng nhất là phải tin rằng đất nó sẽ làm mọc những hạt giống của chúng ta. Người làm vườn giỏi cách mấy cũng không làm thay được công việc của đất, chính đất nó giữ gìn những hạt giống và nó hiến tặng hoa trái của sự làm vườn. Và vì vậy công tác của a lại gia thức, của tàng thức trong sự tu học rất quan trọng. Ví dụ như khi Thầy giao cho mình một công án hay đề tài để quán chiếu đó bằng ý thức của mình, mình sẽ làm việc bằng trí năng của mình. Trí năng của mình chỉ là người làm vườn thôi. Khi tiếp nhận một đề tài qán chiếu của Thầy giao mình phải đem nó về như một hạt giống và mình bươi đất và mình gửi đề tài nó vào trong, và mỗi ngày mình phải tưới hạt giống.

Thành ra cái đề tài của Thầy cho mình không được giữ nó trong tay của trí thức mình, mình phải ươm nó vào đất. Nghĩa là phải sử dụng tàng thức. Rồi thì trong đời sống hằng ngày, chúng ta đi dứng nằm ngồi, ta tiếp tục tưới hạt giống đó mà chính tàng thức nó giữ hạt giống đó. Một buổi mai thức dậy ta chợt thấy một bông hoa của sự hiểu biết. Hoa đó không phải do sự suy nghĩ của chúng ta làm ra mà do sự cống hiến của tàng thức. Sự tu học là vậy. Ta không chỉ thực tập bằng ý thức mà thôi. Ý thức tuy quan trọng nhưng nó chỉ như người làm vườn. Những đề tài tu học của mình, mình phải vùi vào đất của tàng thức và mình phải tưới tẩm hằng ngày, đừng có bỏ luống. Thành ra thức tập chánh niệm hằng ngày là tưới tẩm những hạt giống của sự tu học của mình hằng ngày. Một buổi sáng nào đó mình chợt hiểu, chợt thấy, chợt cởi mở mình không còn bị kẹt. Do đó tàng thức đóng vai trò rất quan trọng của sự tu học. Nó không bị che lấp, nó vô ký nhưng tác dụng của nó rất lớn. Ví dụ hôm qua tôi đi ngoài đường Sainte Foy tôi gặp một ông rất quen mà không nhớ tên ông ấy. Trên đường về nhà tôi cố tìm tên ông ấy bằng ý thức của tôi. Chắc chắn là mình biết tên ông ta mà tìm tòi nhức đầu cũng không ra. Thôi thì mình tạm quên đi, tôi đi đọc kinh, đọc sách và đi ngủ và quên hẳn chuyện ông đó. Nhưng mà trong đêm, trong hi ngủ tàng thức của mình nó làm việc. Tại vì mình đã tìm tòi tiếp. Tùy rằng ý thức của mình ngưng làm việc rồi nhưng tàng thức của mình vẫn còn làm việc tiếp. Tuy mình đã quên ý định tìm tên ông ta rồi nhưng sáng hôm đó trong khi đánh răng tự nhiên cái tên của ông ta nhảy phóc lên ý thức của mình mà mình không có suy nghĩ. Đó là công tác của thức thứ tám trong đêm. Hồi nhỏ có một bữa tôi ra sân chơi một mình, thấy cái lá rất đẹp nằm dưới đáy lu, mình muốn lượm chiếc lá lên chơi nhưng cánh tay mình ngắn quá. Tôi lấy cái que dài chọc và quấy chiếc lá lên. Nhưng quấy cách nào chiếc lá cũng không chịu lên. Nên chán quá tôi vất chiếc que và đi chơi. Nhưng đi chơi năm mười phút sau trở vào thì thấy chiếc lá nó nổi lên mặt nước. Tại vì trong thời gian mình đi ra ngoài ngõ chơi thì nước tiếp tục xoáy và nó đưa chiếc lá lên mặt nước và mình về thì mình bốc chiếc lá liền. Tàng thức của mình cũng vậy. Khi mà tàng thức mình nhận được lệnh của ý thức để làm công việc nào đó thì nó làm suốt đêm. Mình có thể ra lệnh cho nó “sáng mai thức dậy lúc mấy giờ đó há?” thì nó có thể nhắc mình thức dậy đúng giờ. Thành ra trong công tác của thiền quán học hỏi… thì mình phải biết tin tưởng vào tàng thức của mình nó làm tất cả những công việc. Và khi mình biết đường lối làm việc của tàng thức mình thì sự tu học sẽ dễ thành công. Mình phải có đức tin nơi đó. Tiến đến chúng ta sẽ học về thức thứ bảy thức này còn có tên là Ý.

Chúng ta học tới bài 15, ta sắp rời lãnh vực của thức thứ 8 để qua lãnh vực thức thứ bảy. Tuy nó vậy nhưng ta biết rất rõ là ta không thể nào rời thức thứ tám cả. Ta phải học để thấy liền, phản ứng liền trong đầu. Đừng bị ảnh hưởng bởi những tiếng, những chữ người ta nói ra để không thấy sự thật. Đó là một bài thi thử cho chúng ta.

Trong tinh thần tương tức, tương nhập thì trong thức thức bảy có thức thứ tám, làm sao mà lìa nó được. Có một điều là trong những bài kệ khác, trong những bài học về thức thứ bảy, thức thứ sáu, và năm thức đầu ta vẫn tiếp tục học thức thứ tám. Điều này chứng minh rất rõ các điều vừa nói tức là một nó chứa đựng tất cả và chỉ cần nhìn sâu sắc vào cái một là mình thấy được tất cả. Cần thực tập để đừng dùng ý niệm cắt đứt thực tại ra thành những mảnh nhỏ và cho rằng mảnh này là khác với mảnh kia, là độc lập với mảnh kia. Không có chuyện đó.

Học Phật thì ta phải hành, ngay trong khi nghe giảng ta cũng phải hành mới được. Đừng bị những ngôn từ và ý niệm đánh lừa thì chúng ta mới giỏi. Ta đã có hai bản dịch bằng tiếng Anh và tiếng Việt về tác phẩm ba mươi bài tụng (Trimsika) của Thầy Thế Thân và Bát Thức Quy Củ Tụng của Thầy Huyền Trang. Ta có thể tham khảo cả bản tiếng Việt, tiếng Anh. Vị nào biết chữ Hán thì có thể tham khảo ca bản chữ Hán nữa.

Sau khi mà chúng ta đã đọc xong năm mươi bài tụng Duy Biểu rồi ta mới đi vào các tác phẩm cổ điển như Tam Thập Tụng hay Bát Thức Quy Củ Tụng. Ta sẽ nhận diện được gốc rễ của những bài tụng mà ta học trong năm mươi bài tụng. Ta sẽ biết bài nào trong năm mươi bài tụng có gốc rễ của nó ở tác phẩm nào trong quá khứ.

---o0o------o0o---
Vi tính Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]