Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG VII

16/04/201314:20(Xem: 10477)
CHƯƠNG VII

Khảo nghiệm Duy Thức Học

Tác giả: HT Thích Thắng Hoan

---o0o---

CHƯƠNG VII

KẾT LUẬN

Duy Thức Học là một môn học về Tâm. Môn học này khởi điểm từ nơi Thức (sự hiểu biết) để tìm hiểu nguồn gốc Tâm. Nguyên vì theo Phật Giáo, Thức chính là sự tác dụng của Tâm và lấy Tâm làm thể cho mình. Người học Duy Thức nếu như hiểu biết được Thức tác dụng thì có thể ngộ được Tâm bản thể. Muốn hiểu Duy Thức, những học giả, trước hết phải hiểu được những Thức căn bản trong nhận thức và xây dựng vạn pháp. Theo Duy Thức Học, người cũng như các loài hữu tình khác đều có hai loại Tâm Thức căn bản là Ý Thức và Tạng Thức (Thức Alaya).

I.- Ý THỨC:

Ý Thức là một loại hiểu biết bằng cách phân biệt. Ý Thức mặc dù đứng về hạng thứ sáu trong tám Tâm Thức nhưng nó đóng vai chính trong sự hiểu biết vạn pháp trong thế gian nên gọi là căn bản. Vạn pháp trong thế gian nếu như không có Ý Thứ thứ sáu góp mặt để hiểu biết thì trở nên vô nghĩa, nguyên vì vạn pháp tự nó không thể biểu lộ được giá trị của mình trước mọi người và mọi loài chúng sanh. Chỉ có Ý Thức thứ sáu thì mới có khả năng phân biệt tính chất giá trị và ý nghĩa của vạn pháp để hiểu biết. Ngày nay bao sự văn minh của khoa học cơ giới và sự tiến bộ của loài người trong mọi lãnh vực xã hội, kể từ vật chất cho đến tinh thần v.v... có thể nói đều là thành quả của Ý Thức sáu sáng tạo. Ngoài Ý Thức này ra, không ai có thể thay thế nó trong công việc chỉ đạo phát minh khoa học để cung ứng nhu cầu cho loài người. Sự tiến bộ của khoa học hiện đại chính là nhờ sự đóng góp rất lớn của Ý Thức thứ sáu nên gọi là Duy Thức, nhưng khả năng của Ý Thức thứ sáu được nhận định như sau:

1/- Ý Thức thứ sáu thì chỉ có khả năng sản xuất những sản phẩm hoàn toàn thuộc về vật chất để sử dụng. Những sản phẩm vật vhất mà Ý Thức thứ sáu sản xuất thì không có thực thể nghĩa là chúng nó không có sức sống ở trong. Những sản phẩm vật chất không có sức sống ở trong gồm các loại như: người máy (Robot), phi thuyền, nhà lầu xe hơi, hoa ni lông v.v... Nhà Duy Thức gọi những pháp này thuộc về loại Biến Kế Sở Chấp, nghĩa là những pháp do Ý Thức thứ sáu chấp trước và tính toán tạo thành.

Trái lại, Ý Thức thứ sáu thì không có khả năng sáng tạo và xây dựng những pháp có thể chất chân thật, nghĩa là những pháp có sức sống ở trong. Những pháp có sức sống ở trong gồm các loại như: con người, cỏ cây, địa cầu, hành tinh v.v... Đã bất lực trong việc xây dựng những pháp có thể chất chân thật nói trên, Ý Thức thứ sáu lại còn không có khả năng hiểu biết nguồn gốc vạn pháp từ đâu phát sanh. Chẳng những thế Ý Thức thứ sáu lại còn không thể hiểu biết trực tiếp đến các pháp có thể chất chân thật trên đây mà không cần đến sự giúp đỡ của năm Tâm Thức. Ý Thức thứ sáu chỉ hiểu biết gián tiếp đến các pháp có thể chất chân thật trên đây qua ảnh tử do năm Tâm Thức cung cấp.

2/- Ý Thức thứ sáu nếu như muốn sáng tạo những pháp không thể chất nào hoặc muốn hiểu biết những pháp nào hiện có mặt trong thế gian thì nhất định phải nhờ đến năm Tâm Thức tiếp tay yểm trợ. Ý Thức thứ sáu giả sử không được năm Tâm Thức yểm trợ thì tự mình không thể xây dựng lấy những pháp không có thể chất và cũng không có khả năng hiểu biết những sự vật đối tượng vừa trình bày, mặc dù Ý Thức thứ sáu rất muốn xây dựng và muốn hiểu biết.

3/- Về phương diện hồi tưởng, Ý Thức thứ sáu muốn nhớ lại những pháp thuộc hạt giống của quá trình kinh nghiệm sống trong Thức Thể Alaya thì cũng phải nhờ đến Thức Mạt Na thứ bảy cung cấp. Thức Mạt Na thứ bảy nếu như không chịu cung cấp những dữ kiện trong Thức Thể Alaya thì Ý Thức thứ sáu cũng không thể tự nhớ lại được những điều muốn nhớ.

4/- Điều đáng chú ý, những hình ảnh làm đối tượng cho Ý Thức thứ sáu hiểu biết đều là những thứ ảo giác của vạn pháp hiện có mặt trong thế gian do năm Tâm Thức cung cấp. Nhà Duy Thức gọi những thứ ảo giác đó là Ảnh Tử (Cause of Illusions). Cho đến những hình ảnh thuộc quá trình kinh nghiệm sống mà Ý Thức thứ sáu nhớ lại cũng đều là Tướng Phần (Images) không thực chất của những hạt giống trong Thức Thể Alaya. Những Tướng Phần này được Thức Mạt Na thứ bảy mang ra để trình diện cho Ý Thức phân biệt để hiểu biết.

5/- Một số người hiểu lầm cho Ý Thức thứ sáu được phát sanh từ Trung Tâm Não Bộ (Brain Center) do Hệ Thống Thần Kinh (Nervous systems) tác dụng, nhưng Trung Tâm Não Bộ cũng như Hệ Thống Thần Kinh mà ai cũng biết đều được cấu tạo bởi vật chất. Thế nên họ đi đến kết luận cho là "Vật chất sanh ra tinh thần". Sự lầm tưởng của họ được khảo sát qua những hiện tượng sau đây:

Trường hợp thứ nhất, khi con người đang trong cơn ngủ mê, hệ thống Thần Kinh của họ chưa bị đứt và trung tâm Bộ Não của họ chưa bị hư hoại, nghĩa là tất cả đều rung động theo trái tim nhịp thở. Lúc đó chúng ta câu muối vào miệng vẫn thấy miệng của họ liếm môi và chúng ta đưa lông gà xe vào mặt vẫn thấy họ đưa tay lên phủi chỗ ngứa v.v... Trong lúc đó họ vẫn ngủ mê không hay biết chi.

Trường hợp thứ hai, khi con người bị bất tỉnh (unconscious), những hệ thống Thần Kinh, những bắp thịt và trung tâm Não Bộ của họ vẫn còn nguyên vẹn. Ngay lúc đó chúng ta lại tiếp tục hành động như trên, nghĩa là cũng câu muối vào miệng và cũng xe lông gà vào mặt nhưng không thấy họ sinh hoạt theo bản năng tự vệ, mặc dù người đó vẫn chưa bị chết và vẫn nằm yên trơ ra như khúc gỗ.

Trường hợp thứ ba, người lái xe bị ngủ gục bất ngờ không hay biết trong lúc đi đường xa. Nguyên do Ý Thức thứ sáu của họ muốn nghỉ ngơi nhưng họ không chịu đậu xe lại Ngay lúc đó Ý Thức thứ sáu của họ đã rút ra khỏi đầu óc nên khiến cho họ hoàn toàn không nhìn thấy chi cả, mặc dù não bộ của họ không bị hư và hệ thống Thần Kinh của họ không bị đứt.

Bao nhiêu dữ kiện nêu trên cũng đủ chứng minh cho thấy hệ thống Thần Kinh hay trung tâm Não Bộ không phải là nơi phát sanh ra Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu có thực thể riêng và thực thể này hoàn toàn không liên hệ chút nào đến vật chất. Thực thể của Ý Thức thứ sáu chính là Tâm Trí và Ý Thức thứ sáu được phát sanh từ nơi Tâm Thể nên gọi là Tâm Thức.

6/- Một số người khác lại quan niệm cho rằng, Ý Thức thứ sáu là trung tâm phân phối ra năm Tâm Thức. Theo họ, Ý Thức thứ sáu chạy vào con mắt thì nhìn thấy, chạy vào lỗ tai thì nghe biết, chạy vào lỗ mũi thì ngửi biết, chạy vào miệng lưỡi thì nếm biết và chạy vào thân thể thì cảm biết. Điều nhận thức trên đây của họ thì hoàn toàn không đúng. Nguyên do có một công nhân thường hay bị bệnh mất ngủ, khi trời tối, Ý Thức thứ sáu của họ muốn ngủ sớm để ngày mai có sức khoẻ đi làm việc, nhưng họ bị Nhãn Thức làm reo không chịu nhắm mắt. Vì thế họ đành phải xử dụng đến thuốc ngủ để cho được yên giấc.

Qua những sự kiện trên, chúng ta nhận thấy Ý Thức thứ sáu của con người cũng như của chúng sanh hữu tình chỉ đứng địa vị chỉ đạo (Leadership) cho năm Tâm Thức trong mọi sự sinh hoạt và nó không phải là trung tâm phân phối để sanh ra năm Tâm Thức.

7/- Có người lầm lẫn cho Ý Thức thứ sáu là linh hồn của con người. Theo Duy Thức Học, Ý Thức thứ sáu không phải là linh hồn của con người. Thực tế cho thấy, Ý Thức thứ sáu chỉ có mặt sau bốn tháng khi con người thụ thai trong bụng mẹ. Đã vậy Ý Thức thứ sáu trong con người mỗi khi sinh hoạt lại còn bị lệ thuộc quá nhiều bởi hệ thống Thần Kinh. Hệ thống Thần Kinh của một em bé non kém, khiến cho Ý Thức thứ sáu của em sinh hoạt để hiểu biết còn ngây thơ. Hơn nữa, Ý Thức thứ sáu của con người theo nguyên tắc chỉ đủ sức sinh hoạt mười hai giờ trong ngày và về đêm tối Ý Thức thứ sáu của họ không thể sinh hoạt. Đã vậy Ý Thức thứ sáu của họ đã ra đi khi họ ngủ mê và cũng không còn hiểu biết khi họ bị Bác Sĩ chụp thuốc mê. Nhưng ngay lúc đó họ vẫn còn sống trong tư thế bất động, nghĩa là họ vẫn còn Tâm Thức khác hiện đang sinh hoạt để duy trì mạng sống, mặc dù Ý Thức thứ sáu của họ không có hiện hữu.

II.- THỨC ALAYA(Thức Tạng):

Thức Alaya là loại Tâm Thức căn bản thứ hai. Thức Alaya nghĩa là thức chứa (Thức Tạng). Trong tám Tâm Thức, Tâm Thức Alaya đứng vào hạng thứ tám, có khả năng tàng trữ, xây dựng và duy trì sự sống của vạn pháp, cũng như sự sống của loài người. Chính bản chất của Tâm Thức Alaya là sức sống của vạn pháp và của loài người. Về phương diện tàng trữ và bảo trì, Tâm Thức Alaya là cái kho dung chứa và bảo trì tất cả hạt giống vạn pháp và loài người ở trạng thái tiềm năng (Memories) và giữ gìn những hạt giống đó không cho hư hoại để làm nguyên nhân cần thiết cho việc kiến tạo thế giới kiếp sau. Về phương diện kiến tạo thế giới kiếp sau, Tâm Thức Alaya là nền tảng căn bản trong công tác xây dựng vạn pháp và loài người trong thế gian theo luật nhân quả nghiệp báo. Vạn pháp và loài người sở dĩ được thành hình trong thế gian là nhờ Tâm Thức này xây dựng. Cho đến vạn pháp và loài người sỡ dĩ được tồn tại trong thế gian là cũng nhờ Tâm Thức này duy trì sanh mạng. Theo nhà Duy Thức, ngoài Tâm Thức Alaya này ra, không ai có khả năng thay thế địa vị cũng như không ai có thẩm quyền quyết định mọi việc sáng tạo vạn pháp và loài người. Tâm Thức Alaya nếu như rút lui thì sự sống của loài người cũng như sự sống của vạn pháp đều bị tiêu diệt. Cũng từ đó nhà Duy Thức gọi Tâm Thức Alaya là Thức Căn Bản.

Có thể khẳng định rằng, sự sống cũng như sự chết của vạn pháp và loài người trong thế gian đều do sự quyết định của Tâm Thức Alaya. Khả năng quyết định của Tâm Thức Alaya trong việc xây dựng vạn pháp và loài người được nhận định như sau:

1/- Những sản phẩm do Tâm Thức Alaya xây dựng là những pháp có thể chất chân thật, những pháp có sức sống ở trong. Những pháp có thể chất chân thật gồm các loại như: loài người, cỏ cây, hoa trái, địa cầu, hành tinh v.v... Đây là những pháp có sự sanh khởi, có sự nẩy nở và phát triển mà Ý Thức không có khả năng sáng tạo. Nhà Duy Thức cho những loại này thuộc về Pháp Y Tha Khởi, nghĩa là những pháp phải nương tựa nơi Tâm Thức Alaya mới có thể sanh khởi, lớn lên và tồn tại. Sự sanh khởi, lớn lên và tồn tại của các Pháp thuộc loại Y Tha Khởi được khảo sát như sau:

a/- Theo Duy Thức Học, hạt đậu xanh (Green Bean) không phải là nguyên nhân chính để thành cây đậu xanh. Hạt đậu xanh chỉ là yếu tố trợ duyên ban đầu gọi là Thuận Duyên chỉ có khả năng thành giá đậu xanh (Bean Sprout). Nguyên nhân để thành cây đậu xanh chính là Pháp Tướng (Form) của cây đậu xanh. Tâm Thức Alaya nương theo cái nhân Pháp Tướng của cây đậu xanh, trước hết mượn Tứ Đại trong hạt đậu xanh làm trợ duyên đầu tiên về vật chất để xây dựng hệ thống tiếp liệu với hình thức giá đậu xanh. Kế tiếp Tâm Thức Alaya liên tục lấy Tứ Đại từ nơi phân bón trong đất và lấy Tứ Đại từ nơi dưỡng khí trong không gian để kiến tạo bộ máy sinh lý cho cây đậu xanh qua sự ăn uống, hít thở của nó. Các loài thực vật khác cũng giống như thế. Tâm Thức Alaya nếu như rút đi thì cây đậu xanh đó phải chết và bỏ lại thân xác thuộc về vật chất trong tư thế hư hoại, mặc dù người ta bằng mọi cách cứ tiếp tục vun phân tưới nước để cứu sống cây đậu xanh.

Một trường hợp khác, hạt đậu xanh khi chưa nẩy mầm, chúng ta đem phơi khô nó và để giống bao lâu cũng vẫn được, nghĩa là hạt đậu xanh đây vẫn còn mầm sống ở trong khi chứng ta gieo nó xuống đất. Ngược lại, khi hạt đậu xanh nứt mộng, chúng ta đem nó phơi khô để làm giống. Đến khi gieo xuống đất, chúng ta không thấy nó mọc lên giá đậu xanh giống như hạt đậu xanh đã được thí nghiệm ở trước.

Hơn nữa, theo luật nhân quả, một hạt đậu xanh (một nguyên nhân) khi thành quả thì chỉ có một trái hoặc một hạt đậu xanh con (một kết quả). Nhưng ở đây một hạt đậu xanh (chỉ có một nhân) khi thành quả thì có rất nhiều trái và nhiều hạt đậu xanh con (kết quả thành nhiều giống).

Ba hiện tượng vừa trình bày cũng đủ nói lên được giá trị của hạt đậu xanh. Theo sự nhận xét trên, hạt đậu xanh chưa nẩy mầm chỉ là loại hạt giống bên ngoài (ngoại chủng tử) thuộc vật chất và được nằm yên trong tư thế chưa tác dụng, nghĩa là hạt đậu xanh này chưa có Pháp Tướng của cây đậu xanh hiện hữu bên trong và cũng chưa có Tâm Thức Alaya chun vào để xây dựng. Cho nên hạt đậu xanh đây để giống bao lâu cũng không bị hư hoại, nếu như chúng ta giữ gìn kỹ lưỡng.

Ngược lại, hạt đậu xanh một khi đã nứt mộng, nghĩa là hạt đậu xanh đã có Pháp Tướng của cây đậu xanh hiện hữu bên trong và cũng đã được Tâm Thức Alaya chun vào xây dựng cho nó nẩy mầm. Nhưng ngay lúc đó chúng ta nếu như không muốn cho hạt đậu xanh nẩy mầm này mọc lên thành cây, bằng cách đem nó đi phơi nắng cho khô. Tiếp đến chúng ta lại đem nó gieo vào đất. Nhưng một thời gian sau chúng ta không thấy nó mọc lên. Hiện tượng đây chứng tỏ, Tâm Thức Alaya đã rút ra khỏi hạt đậu xanh vừa trình bày và bỏ lại thân xác trong tư thế hư hoại, vì nó không còn sức sống ở trong.

Để xác định một lần nữa, hạt đâu xanh không phải là nguyên nhân căn bản để thành cây đậu xanh và nguyên nhân căn bản để thành cây đậu xanh, chính là Pháp Tướng. Pháp Tướng này nếu như có nhiều quả và nhiều hạt thì khi thành cây tất nhiên phải có nhiều trái và nhiều hạt.

b/- Cũng theo Duy Thức Học, tinh cha huyết mẹ không phải là nguyên nhân căn bản đề thành con người. Tinh cha huyết mẹ chỉ là yếu tố trợ duyên đầu tiên gọi là Thuận Duyên cho việc xây dựng thân thể con người về vật chất mà thôi. Trong mười hai Nhân Duyên, tinh cha huyết mẹ được gọi là Sắc hay là Sắc Uẩn. Nguyên nhân căn bản để thành con người chính là Ngã Tướng, mà mười hai Nhân Duyên gọi là Danh. Tâm Thức Alaya nương theo cái Ngã Tướng của con người, trước hết mượn nguyên liệu Tứ Đại thuộc về vật chất từ nơi tinh cha huyết mẹ làm trợ duyên đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống tiếp liệu với hình thức Nhao Bào Thai. Kế tiếp Tâm Thức Alaya liên tục lấy Tứ Đại từ nơi sự ăn uống và hít thở của người mẹ cung cấp để xây dựng bộ máy sinh lý cho người con. Đến khi đứa bé được sanh ra, Tâm Thức Alaya của chính nó vẫn tiếp tục lấy Tứ Đại bên ngoài để kiến tạo cho xong cái Form Ngã Tướng của con người qua sự ăn uống và hít thở. Tâm Thức Alaya nếu như rút đi thì người con nhất định phải chết và bỏ lại thân xác thuộc vật chất trong tư thế hư hoại. Cho đến các loài động vật khác cũng được xây dựng giống như sự xây dựng con người.

Những dữ kiện nêu trên đưa đến kết luận, sự kiến tạo loài người và vạn pháp cũng như sự sống còn của loài người và vạn pháp trong thế gian đều do Tâm Thức Alaya xây dựng và duy trì sanh mạng. Cho đến sự hoại diệt của loài người và vạn pháp cũng đều do sự quyết định của Tâm Thức Alaya. Thế nên Tâm Thức Alaya này được gọi là Tâm Thức căn bản thứ hai.

2/- Có người lầm tưởng cho rằng, những hình ảnh, những kinh nghiệm sống của quá trình sinh hoạt năm xưa đều được tàng trữ và bảo trì trong Não Bộ của con người, nhưng dưới đôi mất của nhà Duy Thức, não bộ của con người đều thuộc về vật chất, được tứ đại kết hợp nhau tạo nên. Não bộ này luôn luôn nằm trong tình trạng sanh diệt không ngừng theo trái tim nhịp thở. Não bộ của con người lúc mười hai tuổi khác hơn não bộ của con người lúc sáu mươi hai tuổi. Não bộ của con người lúc mười hai tuổi còn non kém, cho nên sự hiểu biết của họ quá ngây thơ, quá nông cạn, không giống như sự hiểu biết của người lớn tuổi. Trái lại, não bộ của con người sáu mươi hai tuổi thì già kinh nghiệm, cho nên họ hiểu biết rất thông minh, rất sâu sắc và nhạy bén. Sự hiểu biết của con người sáu mươi hai tuổi so với sự hiểu biết của con người mười hai tuổi khác biệt quá xa.

Những hình ảnh, những kinh nghiệm sống nếu như được cất giữ và được bảo trì trong não bộ thì người sáu mươi hai tuổi không thể nào nhớ lại được những hình ảnh của thời thơ ấu lúc mười hai tuổi, nguyên vì não bộ của không giống nhau ở hai lứa tuổi cách biệt nhau. Nhưng trên thực tế, người sáu mươi hai tuổi vẫn còn nhớ rõ những niệm đậm đà của thời thơ ấu lúc mười hai tuổi xuân xanh. Điều đó cho thấy, những hình ảnh, những kỷ niệm đậm đà năm xưa của họ lẽ tất nhiên phải được cất giữ một nơi toàn nhất và nơi đó hoàn toàn không bị sanh diệt và biến hoại. Theo nhà Duy Thức, nơi an toàn nhất chính là Thức Thể Alaya. Thức Thể Alaya là một loại Tâm Thức tàng trữ vạn pháp cho nên có thể cất giữ những hình ảnh, những kỷ niệm năm xưa của người sáu mươi hai tuổi không mất.

Tâm Thức Alaya có hai loại, một loại gọi là Thức Thể và một loại gọi là Thức Dụng. Thức Thể Alaya có tên là Thức Tạng thuộc loại Thể Động (Dynamic State), có khả năng tàng trữ và bảo trì tất cả hạt giống vạn pháp. Tâm Thức này còn là miếng đất phì nhiêu giúp cho hạt giống vạn pháp sanh trưởng và lớn lên trong thế gian, cho nên Thức Thể Alaya được gọi là Tâm Địa.

Còn Thức Dụng gọi cho đủ là Tâm Thức Tác Dụng (Activities), tức là chỉ cho Kiến Phần Thức Alaya. Kiến Phần Thức Alaya là một loại Tâm Thức tác dụng và biến động được phát sanh từ Thức Thể Alaya. Kiến Phần Thức Alaya chỉ có khả năng xây dựng và duy trì sanh mạng của vạn pháp được tồn tại trong thế gian. Cho nên Kiến Phần Thức Alaya luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người, trong mỗi chúng sanh. Vì bản chất biến động, Kiến Phần Thức Alaya cũng không có khả năng tàng trữ bất cứ hình ảnh nào của thế gian. Nhà Duy Thức diễn tả sự biến động của Kiến Phần Thức Alaya như dòng thác nước chảy liên tục xuống dốc.

3/- Nguồn gốc sanh ra Tứ Đại cũng là Thức Thể Alaya.Thức Thể Alaya ngoài việc sanh ra bảy Tâm Thức và năm mươi mốt Tâm Sở, lại còn có khả năng phát sanh ra bốn năng lực đất, nước, gió và lửa, gọi chung là Tứ Đại, nguyên vì Thức Thể Alaya cũng là năng lực. Điều đặc biệt, bốn yếu tố Tứ Đại từ trạng thái hạt giống thuộc năng lực riêng rẽ lại được chuyển thành hình tướng tổng hợp trong thế gian là do Kiến Phần Alaya kết hợp và dung hóa. Kiến Phần Thức Alaya nếu như không kết hợp và dung hóa thì bốn năng lực Tứ Đại tự mình không thể sinh hoạt để hiện tướng. Chẳng những thế, Kiến Phần Thức Alaya nếu như không bảo trì sanh mạng vật chất thì bốn yếu tố Tứ Đại trong pháp tự động tan rã và khiến cho vạn pháp không thể tồn tại nơi thế gian. Cho đến thể tánh của bốn năng lực Tứ Đại nếu như không được Thức Thể Alaya duy trì bản chất thì liền bị biến thể để chuyển hoá thành năng lực của Tâm Thức. Bốn năng lực của Tứ Đại ở trạng thái hạt giống không có hình tướng (vô tướng) và lan tràn khắp cả ba cõi. Trạng thái vô tướng của bốn năng lực Tứ Đại nguyên thể được gọi là "Không Vô Biên Xứ", còn trạng thái vô tướng của Thức Thể Alaya thì cũng lan tràn khắp cả ba cõi. Cho nên Thức Thể Alaya cũng được gọi là "Thức Vô Biên Xứ". Thức Thể Alaya một khi chuyển hoá để thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh thì bốn năng lực Tứ Đại cũng bị chuyển hóa theo để thành Trí Lực.

4/- Thức Thể Alaya có bản chất riêng và bản chất của Thức Thể Alaya là Tạng Như Lai. Thức Thể Alaya cũng có tên là Thức Tạng. Tạng Như Lai khi bị biến tướng để trở thành Thức Tạng (Thức Thể Alaya), nhưng Tạng Như Lai là hình tướng của Chân Tâm và nương tựa nơi Chân Tâm để thể hiện, còn Thức Tạng cũng là hình tướng của Chân Tâm, nhưng lại nương tựa nơi Tạng Như Lai để thể hiện. Tạng Như Lai thì sinh hoạt trong lãnh vực chân như. Trái lại Thức Tạng thì lại sinh hoạt trong lãnh vực mê vọng. Trong lãnh vực chân như, Tạng Như Lai có khả năng thể hiện tất cả thế giới Pháp Tánh và Pháp Thân của chư Phật trong mười phương. Cho nên Tạng Như Lại được gọi là Tâm Trí. Riêng trong lãnh vực mê vọng, Thức Tạng có khả năng tàng trữ, xây dựng và bảo trì vạn pháp tồn tại trong thế gian. Cho nên Thức Tạng được gọi là Tâm Thức. Nói rõ hơn, đứng trên lãnh vực giác ngộ để nhận xét, Tạng Như Lai chính là Trí Tạng, nguyên vì tất cả thế giới Chân Như đều thể hiện ở trong. Ngược lại, đứng trên lãnh vực mê vọng để nhận xét, Tạng Như Lai được gọi là Thức Tạng, nguyên vì tất cả thế giới Mê Vọng nơi ba cõi đều hiện hữu ở trong. Điều đặc biệt, Thức Tạng khi được giác ngộ thì lại trở thành Trí Tạng của Tạng Như Lai. Trí Tạng của Thức Tạng được chuyển hoá với danh nghĩa là Trí Đại Viên Cảnh.

Tóm lại, vạn pháp hiện có mặt trong thế gian đều do Tâm Thức xây dựng và biến hiện nên. Nếu như không có Tâm Thức góp mặt, vạn pháp trong thế gian không thể thành hình và cũng không thể tồn tại. Tâm Thức là danh từ chung, nhưng trong đó có hai loại căn bản. Trong tám Thức Tâm Vương, Ý Thức thứ sáu và Thức Alaya thứ tám là hai tâm thức căn bản không thể thiếu mặt trong mọi lãnh vực xây dựng và phát huy vạn pháp trong thế gian. Ý Thức thứ sáu là căn bản cho việc phân biệt và hiểu biết vạn pháp và Thức Alaya thứ tám là căn bản cho việc xây dựng và bảo tồn vạn pháp được góp mặt trong thế gian. Ý Thức thứ sáu thuộc loại tâm thức sinh hoạt biểu hiện ra ngoài dễ hiểu biết nên được gọi là Biểu Thức. Chung quanh Ý Thức thứ sáu có năm Tâm Thức như, Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ thức, Thiệt Thức và Thân Thức hỗ trợ. Năm Tâm Thức này luôn luôn giúp đỡ Ý Thức thứ sáu trong công việc phân biệt và hiểu biết vạn pháp. Riêng Thức Alaya thứ tám thuộc loại tâm thức vô cùng quan trọng trong việc sanh khởi vạn pháp, nên được gọi là Siêu Thức. Cận vệ cho Tâm Thức Alaya thứ tám có Tâm Thức Mạt Na thứ bảy. Tâm Thức Mạt Na thứ bảy ngoài việc bảo vệ Tâm Thức Alaya thứ tám còn có nhiệm vụ làm gạch nối giữa Ý Thức thứ sáu và Siêu Thức trong mọi sinh hoạt tiếp nhận và quản lý hạt giống vạn pháp trong thế gian.

Vạn pháp thuộc loại không có thể chất nghĩa là chúng nó không có sức sống ở trong đều do Ý Thức thứ sáu xây dựng, còn vạn pháp thuộc loại có thể chất, nghĩa là chúng nó đều có sức sống ở trong đều do Tâm Thức Alaya thứ tám xây dựng. Cho đến sự tiến tu đạo nghiệp của con người để được thành một vị Phật thì cũng phải do Ý Thức thứ sáu quyết định. Riêng con người được chuyển hoá để trở về thế giới Niết Bàn tịch tịnh thì cũng phải nhờ Tâm Thức Alaya ra tay giải thoát. Cho nên Duy Thức Học có câu: "Nhứt thiết Duy Tâm tạo hay Vạn Pháp Duy Thức biến".

---o0o---

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]