Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Nhà Lửa Tam Giới Trong Kinh Pháp Hoa

29/03/201315:24(Xem: 6716)
Ý Nghĩa Nhà Lửa Tam Giới Trong Kinh Pháp Hoa

hoa_sen (8)

Ý NGHĨA NHÀ LỬA TAM GIỚI TRONG KINH PHÁP HOA

(Bài giảng trường hạ chùa Dược Sư, ngày 26-5-2005)

HT. Thích Trí Quảng

---o0o---

Kinh Pháp Hoa khẳng định rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp quá khứ lâu xa, không phải mới thành Phật. Còn Đức Thích Ca mới thành Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội bồ đề, gần thành Già Da mà mọi người thấy biết được, chỉ là phương tiện của Phật. Thật vậy, nếu Ngài không hiện thân làm người trên cuộc đời này, làm thế nào loài người thấy biết Phật là gì. Và đức Phật cũng dùng phương tiện nói rằng Ngài mới thành Phật để khích lệ chúng ta tu hành; rằng Ngài mang thân người mà đạt quả vị Toàn giác, thì chắc chắn chúng ta tu cũng thành Phật. Đó chính là phương tiện, không phải chân thật. Vì từ trước đến nay duy nhất có Đức Thích Ca thành Phật, trong khi những người khác chỉ chứng quả Tu đà hoàn cho đến A la hán, Bích chi Phật, hay các quả vị của Bồ tát.

Điều này cũng thể hiện trong kinh Nguyên thủy, Phật nói rằng sau này sẽ có Phật Di Lặc ra đời, còn khoảng giữa không ai thành Phật cả. Như vậy, khởi đầu Phật nói ai tu cũng thành Phật, nhưng cuối cùng Ngài chỉ thọ ký cho Di Lặc Bồ tát thành Phật thôi.

Vì sự khó khăn của việc thâm nhập trực tiếp vào chân thật môn mà chỉ có hàng thượng căn thượng trí như Phật mới có khả năng, nên Phật phải mở cánh cửa phương tiện cho mọi người tu hành. Trong kinh Pháp Hoa, Phật xác định rằng Ngài đã triển khai vô số phương tiện để giúp mọi người từng bước thăng tiến trên đường đạo; nếu không, đối trước quá trình Phật đạo dài xa, mọi người sẽ cảm thấy ngán sợ và bỏ cuộc.

Tuy pháp phương tiện của Phật không phải là chân thật, nhưng cũng gần giống với chân thật, nhằm khích lệ chúng ta tu hành. Ví dụ cô giáo vẽ xe ô-tô trên bảng hay đưa ra mô hình chiếc ô-tô, mặc dù không phải là chiếc xe thật, nhưng nó cũng giống thật và giúp các trẻ em hình dung ra chiếc xe thật. Pháp phương tiện của Phật cũng vậy, mặc dù không phải pháp chân thật, nhưng chúng ta nương theo đó tu hành, cũng dẫn đến quả vị Phật. Vì vậy, chúng ta tu phương tiện, nhưng chứng được chân thật.

Phật tử đi chùa, về hình thức tu giống nhau, nhưng người nào quyết tâm tu, biết nương vào pháp phương tiện, lần lần phước đức và trí tuệ của họ sinh ra, được người quý mến. Người xuất gia cũng vậy, sử dụng phương tiện Phật dạy trên bước đường tu, lần lần điều chỉnh được thân tâm tốt đẹp, tạo được công đức và đầy đủ tâm hạnh đại bi, sẽ đạt đến quả vị Phật.

Có thể thấy rõ pháp phương tiện về hình thức tu giống nhau, nhưng sự chứng quả của mỗi người lại hoàn toàn khác nhau. Vì động cơ của nội tâm, sự chuyển biến của nội tâm mỗi người khác nhau, nên kết quả tu chứng của mỗi người cũng khác nhau.

Như đã nói, chúng ta tu pháp phương tiện, mà lần chứng chân thật. Thật vậy, trên bước đường tu, lúc mới bước chân vào đạo, không ai biết ta, hoặc ta còn nhiều khuyết điểm, ba nghiệp thân, khẩu, ý thường không tốt, khiến mọi người không cảm tình với ta. Thật tu thì phải làm cho người chấp nhận được mình và tiến hơn nữa là người phải quý mến mình.

Muốn được người chấp nhận, việc trước nhất chúng ta phải phát huy trí tuệ để thấy đúng và nói đúng. Theo kinh nghiệm của tôi, ít nói thì ít phạm sai lầm, người ta không có cơ hội gây khó cho mình được. Và nói nhiều, đôi khi làm không được.

Phật dạy chúng ta nói việc đã làm và làm việc đã nói. Thí dụ tôi khuyên người khác lạy hồng danh sám hối để được tiêu nghiệp, bản thân tôi cũng đã tu pháp này và đạt được thành quả như thế, người mới tin theo. Bước đầu tu hành, phát huy hiểu biết, nói đúng, làm đúng, khiến cho người tin tưởng tu theo, là đã thành tựu đạo đức, tức pháp chân thật.

Bước thứ hai, người thật tu kiểm tra và điều chỉnh thân tâm mình. Lấy đối tượng là Phật, Bồ tát và Thánh Tăng để điều chỉnh bản thân ta. Riêng tôi, trải qua ít nhất mười năm, không dám tiếp xúc với người xung quanh. Trong khoảng thời gian dài sôi kinh nấu sử, tôi nghiền ngẫm, ôn lại đời sống của Đức Phật và các vị Thánh Tăng ghi trong sách vở. Học và tiếp nhận được những điều hoàn toàn tốt đẹp của các ngài để điều chỉnh thân tâm mình.

Thí dụ học về cuộc đời hành đạo của Trí Giả Đại sư, tôi tâm đắc nhất là pháp tu 25 phương tiện của ngài chỉ dạy. Tại sao ngài dạy chúng ta như vậy? Vì đó chính là kinh nghiệm thiết thực nhất trong đời sống tu của ngài. Thật vậy, thầy của Trí Giả là Huệ Tư Thiền sư đã bỏ pháp phương tiện mà đi thẳng vào chân thật môn và chứng ngộ được tam trí tam quán, thì thân thể ngài cũng bị bại liệt.

Không riêng gì Huệ Tư Thiền sư, chính Đức Phật của chúng ta trên con đường tìm chân lý, Ngài đã nỗ lực trắc nghiệm pháp tu đến mức quên ăn, thân mình chỉ còn da bọc xương, sắp ngã gục. Sau khi uống bát sữa của tín nữ Su Già Ta dâng cúng, thân tâm được phục hồi, Đức Phật đã nhận ra sai lầm của pháp tu khổ hạnh. Từ kinh nghiệm sống thực ấy, Phật mới đưa ra pháp tu Trung đạo theo nếp sống bình thường, không khổ hạnh ép xác, cũng không hưởng thụ vật chất quá mức. Lúc ấy, năm anh em Kiều Trần Như không chấp nhận pháp Trung đạo, vì họ đang say mê pháp khổ hạnh.

Trí Giả đã rút kinh nghiệm của Phật, của thầy, ngài dạy rằng không nên ăn nhiều cũng không ăn ít và không ăn những thức ăn không hợp với cơ thể, hoặc những thức ăn không cần thiết. Ngài đưa ra những pháp để điều chỉnh thân tâm. Kết hợp được thân và tâm hài hòa với nhau là tu đúng pháp. Trái lại, thực hành sai pháp thì thân hành hạ tâm và tâm bức phá lại thân.

Thử nghĩ xem tại sao chúng ta không giải thoát như các thiền sư. Theo tôi, đơn giản chỉ vì chúng ta để cho tâm hành hạ thân. Chúng ta muốn đủ thứ, làm sao thân đáp ứng cho nổi, tất nhiên thân ráng sức làm, phải ốm yếu, bệnh hoạn thì tâm cũng đau khổ theo.

Thuở còn nhỏ, tôi cũng rơi vào tình trạng này, tự nghĩ tại sao mình phải mang thân xấu xí, bệnh hoạn và không được ai tiếp nhận vậy; thật là buồn tủi, thậm chí buồn muốn chết, nghĩa là tâm đã bị thân hành hạ quá mức. Vì vậy, tôi có kinh nghiệm vấn đề này. Tôi áp dụng phương pháp điều đình, thỏa hiệp với thân, không áp bức nó nữa. Tâm chủ động hỏi thân mình bằng cách ngồi lắng yên, kiểm tra lượng máu và nhịp tim. Tôi mới giựt mình, lâu nay tâm mình hành hạ cái thân này quá đáng, đòi hỏi thân nhiều quá, làm cho thân phải ốm o, xấu xí, chịu đủ thứ bệnh, nay thấy tội nghiệp cho cái thân mình quá. Vì thế, tôi bắt đầu chăm sóc nó, lóng nghe từ trong huyết quản, trong nhịp tim để biết nó cần gì, đòi hỏi mình cái gì. Kiểm tra biết thân bị suy dinh dưỡng, ta đáp ứng cho nó, ăn đúng cái cần, uống đúng thuốc cần, thân thể tự khỏe ra, trở thành bình thường.

Quan trọng là chúng ta phải biết dùng thuốc và tu tâm là biết dùng pháp. Phật dạy phải chọn pháp thích hợp với tâm (trạch pháp), việc hành trì mới đạt kết quả tốt, cũng như uống đúng thuốc, mới hết bệnh và mạnh khỏe.

Học kinh nghiệm của Trí Giả Đại sư dạy, tôi không ăn những thức ăn không cần thiết và những thức ăn gây bệnh. Thí dụ nấm mèo trắng không thích hợp với cơ thể tôi, ăn vào thấy khó chịu. Tu hành không cần ăn ngon, chỉ cần những gì giúp cho cơ thể bình thường mà thôi. Các thầy thường bị tiểu đường vì ăn nhiều những thứ gây bệnh này. Trên 40 tuổi, đừng ăn nhiều cơm, vì tinh bột sẽ biến thành đường dư thừa, sẽ gây bệnh phá hỏng thân này làm sao tu. Đừng để thói quen hại mình.

Theo tôi, tu hành dùng tâm lóng nghe cơ thể, mình nghe mình dễ hơn là bác sĩ. Tôi làm việc nhiều, áp huyết cao, tôi cũng tự biết. Áp huyết thấp tôi cũng nhận ra, vì cảm thấy hơi khó thở, chóng mặt, tôi uống viên thuốc bổ, hoặc uống một ly sữa, hoặc nghỉ ngơi. Khi phải giải quyết nhiều việc dồn dập, đầu hơi nặng, hơi mỏi lưng, tôi điều chỉnh ngay bằng cách điều chỉnh nhịp tim và hơi thở trở lại trạng thái bình thường.

Biết lắng nghe yêu cầu của thân, thì tâm theo đó được giải thoát. Thân khỏe không gây áp lực cho tâm, tâm sẽ thanh thản và từ đó dễ hiện hảo tướng. Thiết nghĩ pháp phương tiện mà Trí Giả dạy rất có ích lợi thực tiễn cho chúng ta. Trên bước đường hành đạo, làm được việc lớn thì tốt, nhưng không làm được cũng không sao. Vì nếu để cho thân bệnh hoạn, tất nhiên không thể làm được gì và tâm buồn phiền thì lại tiêm nhiễm độc hại cho người khác là điều cấm kỵ đối với người tu. Chính vì thế mà Đức Phật dành cho chúng ta ba tháng an cư để điều chỉnh thân tâm.

Pháp chân thật chỉ có Phật biết, hàng Bồ tát trở xuống đều không biết. Hàng nhân thiên phải tu pháp phương tiện, nhằm điều chỉnh thân tâm, giúp cho thân khỏe mạnh và tâm an lạc; từ đó mới có thể tiến tu Bồ tát pháp.

Một số Tỳ kheo ở thời Phật tại thế vì chấp pháp hành, nên không được giải thoát, không chứng ngộ. Và những pháp hành mà họ chấp giữ đã trở lại hành hạ chính họ. Trong khi Phật luôn nhắc nhở rằng pháp ví như thuyền đưa chúng ta qua sông mê biển khổ, ví như chiếc xe chở chúng ta ra khỏi nhà lửa tam giới. Nhưng ngày nay, một số người tu cũng sai phạm như thế, mà kinh Pháp Hoa gọi là uống lầm thuốc độc. Họ sử dụng pháp để nhận chìm chính họ vào cảnh khổ đau mà kinh diễn tả rằng chúng sinh ở trong tam giới không an lành, giống như đang dạo chơi trong nhà lửa vậy.

Nhà lửa này có thật không? Những người đọc kinh Pháp Hoa nghe nói thế giới này là nhà lửa, liền nghĩ rằng phải cấp tốc bỏ chạy khỏi thế giới này. Nghĩa là từ chấp có, họ lại rơi vô chấp không. Thử nghĩ xem chạy khỏi nhà lửa này, chúng ta được gì? Đức Phật thường nhắc rằng chúng ta rời bỏ thực tế cuộc sống chẳng khác gì nắm bắt lông rùa sừng thỏ là điều không tưởng, không bao giờ có.

Nhà lửa tam giới là phương tiện của Phật nói cho đối tượng đau khổ ở trần gian. Với những người không khổ, Phật khẳng định sự thật trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai thọ lượng rằng "Đức Như Lai thấy rõ thật tướng của mọi chúng sinh ở trong ba cõi không có sinh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, nên sinh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt, nên Đức Như Lai phải dùng các pháp đối trị như thế mới sinh căn lành…".

Rõ ràng là vì những người bị phiền não quấy rầy, Phật mới nói như vậy. Vì thế, những người muốn sinh về cõi trời, hay về Cực Lạc, Niết bàn, Phật mới chỉ dạy họ những pháp để được về đó.

Phật nói nhà lửa tam giới cho những người đang bị nhà lửa này thiêu đốt và ngài chỉ họ hướng đi là ba xe, hay tam thừa giáo để thoát ly. Nhưng khi ra khỏi nhà lửa tam giới rồi, ở giữa bãi đất trống, trưởng giả mới cho biết sự thật rằng trước ông hứa cho ba xe, nhưng nay cho một xe tốt nhất là đại bạch ngưu xa, tức nhất thừa.

Một vị Tổ đắc đạo nhận chân được yếu nghĩa của Pháp Hoa đã ca ngợi rằng "… vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa, xuất nhập cửu cư chung cứ, thanh liên chi tòa, thanh lương hỏa trạch, thê tức hóa thành…". Nghĩa là hành giả Pháp Hoa đi ra, đi vào nhà lửa tam giới một cách tự do, lửa không đốt cháy được, họ bình an vô cùng nhờ có xe nhứt thừa. Thâm nhập Pháp Hoa được thành quả vi diệu như thế, trong khi người sử dụng xe tam thừa chỉ chạy ra khỏi nhà lửa thôi.

Tổ Phước Huệ tụng Pháp Hoa, cũng đã nói "Tiên hứa tam xa, chung dữ nhứt" là trước hứa cho ba xe, nhưng sau cho một xe. "Tiền ư thảo xá, hậu gia trung" nhắc đến phẩm Tín giải thứ tư, cùng tử lúc trước ở am tranh, nhưng sau được phú chúc gia tài.

Tất cả những hình ảnh này là thí dụ để giúp chúng ta hiểu rằng với người cầu đạo Thanh văn, Phật nói Tứ Thánh đế, với người cầu Duyên giác, Phật nói Mười hai nhân duyên, với người cầu đạo Bồ tát, Phật nói pháp Lục độ. Phật đã dùng ba xe để thí dụ cho tam thừa giáo dành cho Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Ngài khẳng định rằng tam thừa giáo này chỉ là phương tiện mà thôi.

Nhưng những người mê lầm, hiểu sai ý Phật dạy, họ chấp pháp để tự làm khổ họ và làm khổ người khác. Thí dụ đơn giản như một số người quyên góp tiền xây chùa, rất khổ công nhọc sức và người bị bắt buộc cúng cũng khổ.

Theo Phật, phải hiểu chiều sâu bên trong lời Phật dạy. Tại sao Phật hạn chế đời sống tu hành của chư Tăng với một y, một bát và cái bát nếu bị nứt vỡ phải ba lần ràng lại để dùng, không được thì mới bỏ. Vì Đức Phật muốn tránh tối đa sự tốn kém của thí chủ đàn na. Người ta theo Phật đông, vì Ngài không đòi hỏi gì ở họ. Người muốn cúng dường Phật thật nhiều, nhưng Ngài lại nhận quá ít; được cúng dường Phật, họ hoan hỷ vô cùng.

Ca Diếp làm Tổ, được Phật ấn chứng kế thừa sự nghiệp của Phật, vì Ngài đã sống đúng theo tinh thần Phật dạy, chỉ làm lợi ích cho cuộc đời, không làm tổn hoại mọi loài.

Chúng ta tu hành giác ngộ, nhận chân cuộc đời này giả tạm, nên không để tâm đến vật chất, lợi danh, v.v… Và người tu như vậy là giải thoát Tăng, là ruộng phước cho mọi người gieo trồng căn lành.

Phật dạy chúng ta hai trường hợp, sự đau khổ trong tam giới là ảo giác, không thật và giải thoát trong tam giới là thật. Phổ Hiền Bồ tát cũng nhắc nhở chúng ta: "Ở nơi các hoặc nghiệp cảnh ma, trong vòng thế gian được giải thoát, như hoa sen không dính nước, nào khác nhựt nguyệt chẳng dừng không".

Thật vậy, trên bước đường tu, tôi nhận ra lời Phật dạy không có sinh tử là không có khổ đau, nhưng khổ đau vì do các tánh ham muốn khác nhau, từ đó mới tạo ra đủ thứ tội lỗi. Tôi quan sát thấy khi mình thanh tịnh tu hành, thật an lạc vô cùng, nhưng nếu vụt khởi lên ý niệm một thầy nào đó không có cảm tình với mình, muốn hại mình, v.v… là khởi vọng tưởng điên đảo, nên vấn đề bắt đầu phát sinh.

Theo kinh nghiệm của tôi, người chống ta thật, nhưng lòng ta thanh thản, bình thường, cứ lo tu học. Một khoảng thời gian sau, việc này tự vô hiệu hóa, như vậy không phải ảo giác là gì. Chúng ta bị vọng kiến ngăn che, nghĩ rằng người này thù, người kia xấu…, tạo thành sự bất an cho mình; đó chính là nhà lửa tam giới. Hoặc thí dụ đại chúng chùa này tự nhiên bắt đầu hiểu lầm nhau và buồn giận nhau, đây là lửa tam độc tham, sân, si trong tâm mới đốt cả tam giới.

Lửa tam giới thiêu đốt chúng ta. Đầu tiên là lửa Dục giới, tức lòng ham muốn xúi giục chúng ta phải làm việc này việc nọ để được cái này cái nọ. Nhưng lao vào làm đã khổ, mà không được, nổi sân hận thì càng khổ hơn. Lửa tham sân si đốt người có ham muốn chết trước. Người ham muốn nhiều, khổ nhiều; không ham muốn, không khổ. Đời sống vật chất càng lớn càng khổ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rõ thầy cô nào tu hành, không giữ chức vụ nào cả, sướng như ở Cực Lạc. Nhưng bắt đầu giữ chức vụ cao nhất trong chùa là trụ trì thì khổ nhất; vậy mà ít người cảm thông được nỗi khổ của trụ trì. Trụ trì mà không đủ tài đức phải nói là nguy vô cùng. Khởi tham vọng làm trụ trì, bắt đầu đi vận động để đạt mục tiêu này, khổ lắm chứ. Tu hành, an phận thủ thường, người nhờ thì mình giúp, không tranh giành với ai, nên người cũng không hơn thua với mình, tâm tự nhiên thanh thản. Người ham muốn, chúng ta không ham muốn, vẫn được giải thoát lập tức, dù còn là học Tăng.

Cắt đứt lòng tham muốn, ta không còn cái khổ ở cõi Dục, là đã thăng tiến một bước để tiếp tục vượt lên khổ đau của Sắc giới. Sắc chỉ cho sắc thân của con người. Ta còn thân vật chất, phải khổ vì nó. Dù thế nào, ta vẫn phải chịu sự quản lý của chùa, của Giáo hội, của luật pháp Nhà nước. Nhưng bình tĩnh thấy rõ sự thật những thanh quy của thiền môn, nội quy của Giáo hội và luật lệ của Nhà nước đều nhằm giữ gìn mọi sinh hoạt được tốt đẹp. Đối với tôi, là tu sĩ Tăng vô nhất vật, không có quyền lợi, không có tài sản và chúng ta không vi phạm luật đạo, luật đời, tùy theo đó hành đạo, ta được an ổn, chẳng có gì phải buồn phiền, không ai gây khó khăn cho ta được.

Người không dám xả bỏ, đi vào vòng tranh chấp, tranh chấp tài sản, quyền lợi, tất có đụng chạm, phải khổ thôi. Chúng ta tu hành thoát khỏi những khổ đau này dễ dàng. Thật vậy, Phật dạy các Tỳ kheo chỉ cần tu 37 trợ đạo phẩm, liền ra khỏi Nhà lửa sinh tử, chứng Niết bàn. Cứ thử nghiệm sẽ nhận biết ngay. Trước nhất, Phật dạy người tu muốn thoát ly khổ đau của thế gian, phải thực hành quán Tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Quán Tứ niệm xứ thuần thục, sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng vô cùng.

Quán thân bất tịnh để dứt trừ ái nhiễm. Nhiều người cứ nghĩ thân mình đẹp, lo tô điểm cho nó. Nhưng Phật dạy phải quán sát thân này là một thùng phân biết đi. Riêng tôi, thường nghĩ sắc thân như cái nghĩa địa ăn nuốt biết bao nhiêu là chúng sinh, tạo đầy các nghiệp chướng trần lao. Quán thuần như vậy, ta và đối tượng đều là những thùng phân biết đi, quả thật ghê sợ thì còn gì mà luyến ái. Phật cũng dạy các Tỳ kheo ra nghĩa địa quán sát thây người chết sẽ dẹp bỏ được ái nghiệp, không bị đắm nhiễm vào tình cảm nam nữ, được giải thoát.

Quán thọ nhận của cúng dường là khổ, nên tôi thường không nhận. Bất cứ việc cho nào cũng thường kèm theo điều kiện, không ai cho không cả. Vì thế, nhận là bị người ràng buộc, phải đáp ứng được yêu cầu của người, nhất là yêu cầu về tinh thần như cầu nguyện cho người sống được an lành, người chết được vãng sanh, thì càng khó hơn nữa, nếu chúng ta không thật tu, không đắc đạo.

Quán tâm vô thường để xả bỏ mọi việc, không bị vướng mắc, sẽ không khổ đau. Ngày hôm trước có người hứa cúng dường toàn bộ tiền xây chùa, họ hứa chắc như đinh đóng cột. Nhưng ngày hôm sau, họ đã đổi ý. Thiết nghĩ trời đất còn có thay đổi, huống chi con người. Ý thức sâu sắc lời Phật dạy về sự vô thường của cái tâm, chúng ta chấp nhận sự thay đổi một cách nhẹ nhàng để tâm mình không bị lệ thuộc, khổ đau.

Tất cả các pháp, mọi sự được mất trên cuộc đời này, Phật dạy đều là không, chỉ còn tội hay phước đeo dính chúng ta mà thôi. Cảm nhận một cách thấm thía các pháp là như thế, trước sau gì chúng ta cũng sẽ phải từ giã cõi đời này, nên không còn tranh chấp, làm được việc gì tốt là sẵn lòng. Chỉ mới tu một pháp quán Tứ niệm xứ, đã hiện được tướng giải thoát. Chúng ta không luyện tập như vậy, học bao nhiêu cũng vô ích.

Thành tựu 37 trợ đạo phẩm, ra khỏi nhà lửa tam giới, tâm hoàn toàn yên tĩnh, tốt đẹp, lúc ấy, hành giả vẫn ở ngay trên cuộc đời, không chạy đi đâu, nhưng không bị lửa tham sân si đốt cháy. Ở tại thế giới này, nhưng không ai có khả năng tác hại hành giả, và làm tốt cho đời thì được đời ghi công, làm đẹp cho đạo thì đạo quý mến. Nói cách khác, theo Pháp Hoa, Niết bàn luôn hiện hữu tại trần gian này.

Đức Phật dạy chúng ta một sự thật rất hay, Phật an trụ Niết bàn ngay trên thế gian sinh tử, Ngài chứng Niết bàn ngay trong cõi đời này. Còn chúng sinh phải khổ đau sinh tử ngay trong Niết bàn của Phật. Nghĩa là chúng ta đang nắm trong tay giáo lý của Phật, đang sống trong nhà Phật, ở trong Niết bàn của Phật, nhưng lại than khóc khổ đau, thật tội nghiệp.

Tất cả khổ đau của chúng sinh trong tam giới đều là ảo giác. Nếu biết nương theo pháp Phật dạy, nương vào lực Phật để tu hành, chúng ta ở trần gian này mà vẫn hưởng được quả vị Niết bàn an lạc của chư Phật.

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]