Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU
Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
III. VIÊN THÔNG VỀ HƯƠNG TRẦN
Kinh: Ông Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng: “Tôi nghe Như Lai dạy tôi quán sát chân chánh các tướng hữu vi. Khi ấy tôi từ giã Phật, đầu hôm về tĩnh tọa trong nhà thanh trai, thấy các vị Tỳ Kheo đốt hương trầm thủy, hơi hương vắng lặng bay vào trong mũi tôi. Tôi quán hơi hương ấy, chẳng phải là cây, chẳng phải là không, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu. Do đó mà cái ý tiêu tan, phát minh Vô Lậu. Như Lai ấn chứng cho tôi cái hiệu là Hương Nghiêm. Cái Hương Trần vừa diệt, thì cái Diệu Hương bí nhiệm toàn vẹn. Tôi do cái hương trang nghiêm ấy đắc A La Hán.
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Hương Trần là hơn cả”.
Thông rằng: “Phàm là có Tướng, thảy đều hư vọng. Thấy các Tướng chẳng phải Tướng, đó là thấy Như Lai. Như Lai ấy, là nghĩa Như của tất cả các pháp. Đến không từ đâu, đi không về đâu, thì gọi là Như Lai”. Đó là ý chỉ của Kinh Kim Cang Bát Nhã.
Ông Hương Nghiêm được nghe lời dạy này, hằng tự đế quán. Tình cờ gặp mùi hương, bèn đấy phát minh, “Hương này là vắng lặng, vào trong mũi tôi, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, chẳng phải cây, chẳng phải không, chẳng phải tự tướng, chẳng phải tha tướng, chẳng phải cọng tướng, chẳng phải vô nhân tướng, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu, vốn tự vô sanh”. Cái thấy này chính là cái thấy “Các Tướng chẳng phải Tướng, liền thấy Như Lai”. Thế nên đắc Vô Lậu.
Phàm phu chẳng được Vô Lậu vì Ý Căn chưa tiêu vậy. Ý Căn mà chưa tiêu nên bám lấy Hữu Vi. Một khi bám lấy Hữu Vi, liền lọt vào sanh diệt. Ý Căn tiêu liền chứng Vô Vi. Vô Vi là không sanh diệt. Thế nên Hương Trần thì chợt sanh chợt diệt, mà cái Diệu Hương kia thì nào có chuyện diệt sanh. Chỗ tỏ ngộ của Ông Hương Nghiêm thì cả thảy phân giải đều chẳng được. Thế nên nói là Mật, là Viên, chỉ có tự chứng biết thôi vậy.
Xưa, Thái Sử Hoàng Sơn Cốc nhân bởi Ngài Viên Thông Tú phấn khích nên đến chỗ Tổ Hối Đường xin chỉ chỗ “Nhậm lẹ”.
Tổ Hối Đường [Tổ Hối Đường Bửu Giác thiền sư, tên là Tổ Tâm, đời Tống, tại Huỳnh Long Sơn. Nối kế pháp của Tổ Huỳnh Long Nam thiền sư] nói: “Như Đức Khổng Tử nói, “Các ngươi cho ta là che giấu ư? Ta không có chỗ nào giấu giếm!” Thế thì Thái Sử lý luận làm sao?”
Thái Sử định đáp, Tổ Đường liền nói : “Chẳng phải, chẳng phải”.
Thái Sử mờ mịt chẳng cùng.
Một hôm, cùng Tổ Hối Đường đang đi dạo núi, khi ấy cây nham quế nở thơm đầy.
Tổ nói: “Có nghe thấy hương hoa nham quế không?”
Ông đáp: “Dạ, có”.
Tổ nói: “Ta không có chỗ nào giấu giếm vậy”.
Thái Sử tiêu tan nghi ngờ, làm lễ mà thưa: “Hòa Thượng, tâm lão bà từ bi quá tha thiết!”
Tổ cười đáp: “Chỉ mong ông đến được nhà thôi”.
Lại có vị ni sư ngộ Đạo làm bài kệ:
“Suốt buổi tìm Xuân chẳng thấy Xuân
Giày rơm dẫm khắp mấy non mây
Về đây cười nắm hoa mai ngửi
Xuân ở đầu cành đã trọn phần”.
Chỗ chứng của vị ni sư này và Ông Sơn Cốc cũng lấy Diệu Hương là hơn cả.