Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Kinh Tất cả lậu hoặc (Sabbàsava Sutta - M2)

02/08/201209:57(Xem: 9736)
01. Kinh Tất cả lậu hoặc (Sabbàsava Sutta - M2)

ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC

Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông

PHẦN I

KINH TẤT CẢ LẬU HOẶC (Sabbàsava Sutta - M2)

Ta nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn ngụ tại Tinh Xá Kỳ Viên (Jetavana), ngôi chùa do ông Cấp Cô Độc (Anāthapindika)xây dựng trong rừng cây của Thái tử Kỳ Đà (Jeta), gần Kinh thành Xá Vệ (Sāvatthi). Ở đó Đức Thế Tôn gọi các vị Tỳ khưu, "Này các Tỳ khưu!", các vị Tỳ khưu đáp lời Đức Thế Tôn:

- "Bạch Đức Thế Tôn," và Thế Tôn nói như sau:

- "Này các Tỳ khưu, hôm nay Như Lai sẽ giảng cho các vị nghe pháp môn gọi là phòng hộ [1] các lậu hoặc. Hãy nghe và suy xét thận trọng, Như Lai sẽ nói.”

- "Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn", chư Tỳ khưu đáp lời Thế Tôn.

Rồi Đức Thế Tôn nói như sau:

- "Này các Tỳ khưu, Như Lai nói rằng, có sự đoạn trừ các lậu hoặc cho người biết và thấy; không cho người không biết và không thấy. Và, này các Tỳ khưu, do biết gì, do thấy gì, Như Lai nói rằng có sự đoạn trừ các lậu hoặc? Có như lý tác ý (yoniso manasikāra)và có tác ý không như lý (ayoniso manasikāra). Này các Tỳ khưu! Đối với một người có tác ý không như lý, các lậu hoặc chưa sanh sẽ khởi sanh và các lậu hoặc đã sanh càng thêm tăng trưởng; và, này các Tỳ khưu, đối với một người có như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh sẽ không khởi sanh và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

"Này các Tỳ khưu,

Có những lậu hoặc phải do Tri Kiếnđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Phòng Hộđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Thọ Dụngđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Kham Nhẫnđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Tránh Néđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Trừ Diệtđoạn trừ.
Có những lậu hoặc phải do Tu Tậpđoạn trừ."

ĐOẠN TRỪ DO TRI KIẾN (Dassanā pahātabbā)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc cần phải do tri kiến đoạn trừ?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, có kẻ phàm phu [2] ít nghe, không yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh (ariya), không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc chân nhân (sappurisa), không thuần thục pháp các bậc chân nhân, không tu tập pháp các bậc chân nhân - nên không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, do đó tác ý các pháp lẽ ra không nên tác ý, và không tác ý các pháp lẽ ra cần phải tác ý.

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các pháp lẽ ra không cần phải tác ý, nhưng vị ấy lại tác ý? Này các Tỳ khưu, đối với các pháp nào, trong khi tác ý, các dục lậu chưa sanh được sanh khởi, dục lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm; hoặc hữu lậu chưa sanh được sanh khởi và hữu lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm; hoặc vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, và vô minh lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm - Đây là các pháp lẽ ra không nên tác ý mà vị ấy lại tác ý.

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các pháp lẽ ra phải tác ý, mà vị ấy không tác ý? Này các Tỳ khưu, đối với các pháp nào, trong khi tác ý, các dục lậu chưa sanh không khởi lên, dục lậu đã sanh được trừ diệt; hoặc hữu lậu chưa sanh không khởi lên và hữu lậu đã sanh được trừ diệt; hoặc vô minh lậu chưa sanh không khởi lên, và vô minh lậu đã sanh được trừ diệt - Đây là các pháp lẽ ra phải tác ý song vị ấy không tác ý.

"Do tác ý các pháp lẽ ra không nên tác ý, và do không tác ý các pháp lẽ ra cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh càng tăng trưởng thêm.

"Vị ấy tác ý không chơn chánh như thế này:

“Ta có mặt trong thời quá khứ? Hay ta không có mặt trong thời quá khứ?
Ta là gì (loài nào) trong quá khứ?
Ta như thế nào (hình dáng) trong quá khứ?
Trước kia ta là gì và rồi ta đã trở thành gì trong quá khứ?
Ta sẽ có mặt trong thời tương lai? Hay ta sẽ không có mặt trong thời tương lai?
Ta sẽ là gì (loài nào) trong tương lai?
Ta sẽ như thế nào (hình dáng) trong tương lai?
Trước đó ta sẽ là gì và rồi ta sẽ trở thành gì trong tương lai?
Hoặc vị ấy nghi ngờ về chính mình trong thời hiện tại, nghĩ rằng:
Ta đang có mặt (trong hiện tại)? Hay ta đang không có mặt?
Ta là gì?
Ta như thế nào (hình dáng)?
Chúng sanh này từ đâu đến?
Rồi sẽ về đâu?

"Đối với một người tác ý không chơn chánh như vậy, một trong sáu tà kiến này sẽ khởi lên trong vị ấy:

"Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực.
Hoặc "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực.
Hoặc "Do tự ngã ta tưởng tri tự ngã", tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực.
Hoặc "Do tự ngã ta tưởng tri không có tự ngã", tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực.
Hoặc "Do không tự ngã ta tưởng tri tự ngã", tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực.
Hoặc, lại nữa, tà kiến này khởi lên nơi vị ấy như chơn, như thực như vầy: “Chính tự ngã này của ta nói năng, cảm thọ, kinh nghiệm thọ hưởng quả báo của các nghiệp thiện ác, lúc chỗ này, lúc chỗ kia; chính tự ngã này của ta thường hằng, kiên cố, trường cửu, không bị chi phối bởi vô thường, và nó tồn tại vĩnh viễn như chính sự thường hằng.

“Này các Tỳ khưu, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang địa, kiến hỗn chiến, kiến tranh chấp, kiến triền phược. Này các Tỳ khưu, do kiến kiết sử này trói buộc, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Thực vậy, Như Lai nói rằng, vị ấy không thoát khỏi khổ đau.

"Nhưng, này các Tỳ khưu, vị đa văn Thánh đệ tử - được yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được yết kiến các bậc Chân Nhân, thuần thục pháp các bậc Chân Nhân, tu tập pháp các bậc Chân Nhân, tuệ tri các pháp nào cần phải tác ý, các pháp nào không phải tác ý. Do tuệ tri các pháp cần phải tác ý và các pháp không phải tác ý, vị ấy không tác ý các pháp không cần tác ý, và tác ý các pháp cần phải tác ý.

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị ấy không tác ý? Này các Tỳ khưu, đối với các pháp nào, trong khi tác ý, dục lậu chưa sanh sẽ sanh khởi, dục lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm; hoặc hữu lậu chưa sanh sẽ sanh khởi, hữu lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm; hoặc vô minh lậu chưa sanh sẽ sanh khởi, vô minh lậu đã sanh càng tăng trưởng thêm - Đây là những pháp không cần phải tác ý, và vị ấy không tác ý.

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỳ khưu, đối với các pháp nào, trong khi tác ý, dục lậu chưa sanh sẽ không khởi sanh, dục lậu đã sanh được trừ diệt; hoặc hữu lậu chưa sanh sẽ không khởi sanh; hoặc hữu lậu đã sanh được trừ diệt; hoặc vô minh lậu chưa sanh sẽ không khởi sanh, vô minh lậu đã sanh được trừ diệt - Đây là những pháp cần phải tác ý, và vị ấy tác ý.

"Do không tác ý các pháp không cần phải tác ý, và do tác ý các pháp cần phải tác ý, các lậu hoặc chưa sanh của vị ấy không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh của vị ấy được trừ diệt.

"Vị ấy tác ý chơn chánh như vầy: 'Đây là Khổ'; Vị ấy tác ý chơn chánh như vầy: 'Đây là Nhân sanh khổ'; Vị ấy tác ý chơn chánh như vầy: 'Đây là sự Diệt khổ'; Vị ấy tác ý chơn chánh như vầy: 'Đây là Con Đường dẫn đến sự diệt khổ'. Trong khi tác ý chơn chánh như thế, ba kiết sử của vị ấy được đoạn trừ. Đó là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến đoạn trừ."

ĐOẠN TRỪ BẰNG PHÒNG HỘ (Saṃvara pahātabba)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc cần phải được đoạn trừ bằng phòng hộ?

"Này các Tỳ khưu, ở đây (trong Giáo pháp này) vị Tỳ khưu chơn chánh giác sát [3], sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây, nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn như vậy, những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ nhĩ căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhĩ căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ nhĩ căn như vậy, những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ tỷ căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ tỷ căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây, nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ tỷ căn như vậy, những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ thiệt căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ thiệt căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây, nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ thiệt căn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ thân căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ thân căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ thân căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn. Này các Tỳ khưu, do sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên, giờ đây, nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não này không còn khởi lên nữa". [4]

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não nào khởi lên do sống không phòng hộ với sự phòng hộ các căn, có thể trở thành tàn hại và nhiệt não, giờ đây, nhờ sống phòng hộ với sự phòng hộ các căn, các lậu hoặc này không trở thành tàn hại và nhiệt não nữa.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do phòng hộ được đoạn trừ".

ĐOẠN TRỪ BẰNG CHƠN CHÁNH THỌ DỤNG (Paṭisevanā pahātabbā)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc cần phải được đoạn trừ bằng chơn chánh thọ dụng?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu chơn chánh giác sát, thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa nóng, lạnh, ngăn ngừa ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, và sự xúc chạm của các loài côn trùng, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy thọ dụng thức ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để tham đắm, không phải để trang sức, không phải để làm đẹp thân mình, mà chỉ với mục đích hỗ trợ và nuôi dưỡng thân này, giữ cho nó khỏi bị tổn hại, để trợ duyên phạm hạnh, nghĩ rằng: "Bằng cách này, ta sẽ đoạn trừ được cảm thọ cũ (đói bụng) và không để cho khởi lên những cảm thọ mới (do ăn quá độ) nhờ vậy ta sẽ sống không có lầm lỗi và được an lạc.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy thọ dụng chỗ ở để ngăn ngừa nóng, lạnh, ngăn ngừa ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời và sự xúc chạm của các loài côn trùng, để giải trừ những khắc nghiệt của thời tiết, và chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

"Chơn chánh giác sát, vị ấy thọ dụng dược phẩm trị bệnh chỉ để ngăn chặn các cảm giác đau đớn đã sanh, và để được khỏe mạnh, an lành.

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não nào có thể khởi lên do không chơn chánh thọ dụng, giờ đây, nhờ chơn chánh thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn khởi lên nữa". [5]

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do chơn chánh thọ dụng đoạn trừ.”

ĐOẠN TRỪ DO KHAM NHẪN (Adhivāsanā pahātabbā)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn đoạn trừ?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu chơn chánh giác sát, sống kham nhẫn nóng, lạnh, đói, khát.

"Vị ấy là người sống kham nhẫn ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, sự xúc chạm của các loài côn trùng, kham nhẫn những cảm thọ về thân, đau đớn, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người.

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc nào khởi lên do không kham nhẫn, có thể trở thành tàn hại và nhiệt não, giờ đây, nhờ kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc ấy không còn trở nên tàn hại và nhiệt não nữa.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do kham nhẫn đoạn trừ.”

ĐOẠN TRỪ BẰNG TRÁNH NÉ (Parivajjanā pahātabba)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né đoạn trừ?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu chơn chánh giác sát, tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, tránh né rắn rít, gốc cây, gai góc, hố sâu, vách núi, hố phân, ao nước nhớp. Vị ấy quán tưởng chơn chánh, tránh né các chỗ ngồi bất xứng, hoặc giao du với bạn bè xấu ác, vì nếu làm như vậy, các bạn đồng phạm hạnh có trí của vị ấy sẽ hoài nghi có ác hạnh.

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc nào khởi lên do không tránh né, có thể trở thành tàn hại và nhiệt não, giờ đây, nhờ tránh né như vậy, các lậu hoặc ấy không còn trở nên tàn hại và nhiệt não nữa.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do tránh né đoạn trừ."

ĐOẠN TRỪ BẰNG TRỪ DIỆT (Vinodanā pahātabbā)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt đoạn trừ?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu chơn chánh quán tưởng, không chấp nhận một dục niệm đã sanh khởi; vị ấy tống khứ nó, trừ diệt nó, chấm dứt nó, diệt tận nó. Vị ấy không chấp nhận một sân niệm đã sanh khởi; vị ấy tống khứ nó, trừ diệt nó, chấm dứt nó, diệt tận nó. Vị ấy không chấp nhận một hại niệm đã sanh khởi; vị ấy tống khứ nó, trừ diệt nó, chấm dứt nó, diệt tận nó. Vị ấy không chấp nhận các ác bất thiện pháp bất cứ khi nào chúng khởi sanh; vị ấy tống khứ nó, trừ diệt nó, chấm dứt nó, diệt tận nó.

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc nào khởi lên do không trừ diệt, có thể trở thành tàn hại và nhiệt não, giờ đây, nhờ trừ diệt như vậy, các lậu hoặc ấy không còn trở nên tàn hại và nhiệt não nữa.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do trừ diệt đoạn trừ.”

ĐOẠN TRỪ BẰNG TU TẬP (Bhāvanā pahātabbā)

"Và này các Tỳ khưu, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập đoạn trừ?

"Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu chơn chánh quán tưởng, tu tập Niệm Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập Trạch Pháp Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập Tinh Tấn Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập Hỷ Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập An Tịnh Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập Định Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chơn chánh quán tưởng, vị ấy tu tập Xả Giác Chi, y cứ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

"Này các Tỳ khưu, những lậu hoặc nào khởi lên do không tu tập, có thể trở thành tàn hại và nhiệt não, giờ đây, nhờ tu tập như vậy, các lậu hoặc ấy không còn trở nên tàn hại và nhiệt não nữa.

"Này các Tỳ khưu, đây gọi là các lậu hoặc cần phải do tu tập đoạn trừ.

"Này các Tỳ khưu, đối với một vị Tỳ khưu, khi những lậu hoặc nào cần phải đoạn trừ bằng tri kiến (Siêu thế đạo), đã được đoạn trừ bằng tri kiến; những lậu hoặc nào cần phải do phòng hộ đoạn trừ, đã được đoạn trừ bằng phòng hộ; những lậu hoặc nào cần phải do chơn chánh thọ dụng đoạn trừ đã được đoạn trừ bằng chơn chánh thọ dụng; những lậu hoặc nào cần phải do kham nhẫn đoạn trừ, đã được đoạn trừ bằng kham nhẫn; những lậu hoặc nào cần phải do tránh né đoạn trừ đã được đoạn trừ bằng tránh né; những lậu hoặc nào cần phải do trừ diệt đoạn trừ, đã được đoạn trừ bằng trừ diệt; những lậu hoặc nào cần phải do tu tập đoạn trừ đã được đoạn trừ bằng tu tập - như vậy, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu ấy được gọi: ‘Vị Tỳ khưu sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả các lậu hoặc; vị ấy đã chặt đứt tham ái, đoạn lìa mọi kiết sử và, do quán triệt kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau’.”

Đức Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỳ khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Đức Thế Tôn.

" Tâm ai đã đạt đến
Tột đỉnh của Toàn Bích
Trong pháp Thất Giác Chi;
Hoan hỷ trong xả ly,
Không chấp giữ điều gì,
Lậu hoặc đã đoạn tận.
Với trí tuệ chiếu sáng,
Niết Bàn vị ấy chứng,
Ngay trong kiếp sống này."
(Dhammapada 89)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]