KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM
138.ÂM:
Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? - Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng sanh - Tu Bồ Đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? - Thiệt vô hữu chúng sanh Như Lai độ giả.
NGHĨA:
Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Chúng ông chớ nói Như Lai có tưởng như vầy: "Ta phải độ chúng sanh". Tu Bồ Đề! Chớ tưởng như vậy.
Bởi cớ sao? - Bởi thiệt không có chúng sanh nào mà Như Lai độ cả.
Giải : Tăng Nhược Nột giải: Như Lai tuy lập ra pháp thí, độ khắp chúng sanh, mà không tưởng như thế, nên căn dặn rằng: Chúng ngươi chớ nói.
Mạc tác thị niệm là căn dặn đinh ninh.
Độ mà không chấp tướng có độ năng sở như như, cho nên trong luận kệ có nói:
Chơn pháp giới bình đẳng,
Phật không độ chúng sanh.
Lý Văn Hội giải: Thiệt vô hữu v.v... là Như Lai chẳng chấp có chúng sanh nào mà độ đặng.
Lại nói: các chúng sanh khởi ra vô lượng vô biên điều phiền não vọng tưởng, đối với cả thảy điều tà kiến; lành dữ, phàm Thánh, đều có cái lòng chấp bỏ, phân biệt, mê tình che áng tự tánh Bồ đề.
Phật xuất thế dạy bảo cho giác ngộ: hàng sáu giặc, dứt ba độc, trừ ngã nhơn. Bằng tỏ ngộ đặng nhơn pháp đều không, không các vọng niệm, lòng thường vắng lặng rỗng rang thanh tịnh, lại cũng chẳng đình lưu chút tý nào ngưng trệ, tức là kiến tánh. Cho nên nói: "Thiệt không có chúng sanh nào mà hóa độ cả".
Ông Thạch Sương Thiền Sư có nói: Thôi đi, dứt đi; như lư hương miễu cũ đi, như tro lạnh cây khô đi, nhựt niệm như muôn năm đi, như người chết đi!".
Nếu dụng tâm đặng như thế thì sao lại không thành Phật!?
139.ÂM:
Nhược hữu chúng sanh Như Lai độ giả, Như Lai tức hữu ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
NGHĨA:
Nếu có chúng sanh nào, mà Như Lai có độ, tức là Như Lai có tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Phật bảo ông Tu Bồ Đề: "Bọn ngươi chớ nói Như Lai tưởng như vầy: ta phải độ chúng sanh"; rồi lại bảo: Chớ tưởng như thế. Bởi cớ sao? Thiệt không có chúng sanh nào mà Như Lai độ cả, là nói cả thảy chúng sanh đều bởinghiệp duyênmà hiện ra chớ thiệt là không có. Bằng nói có chúng sanh mà Như Lai độ đặng, thì bị chấp tướng ngã, nhơn, sanh, thọ.
Tăng Nhược Nột giải: Bằng thấy có độ đặng thì đồng với phàm phu; chấp ngã tướng.
Lý Văn Hội : Bằng có chúng sanh Như Lai độ đặng, thì có bốn tướng ngã, nhơn, sanh, thọ. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ vẹn toàn, bổn lai là Phật với Phật không khác.
Viên Ngộ Thiền sư giải: Ở trong khối thịt, người người đều tập quán Phật xưa; trên đỉnh Tỳ Lư: chốn chốn thảy tinh thần chư Tổ. Phải tính thế nào phản chiếu, gom vào một điểm linh quang: chẳng sắc, chẳng tâm, không nội, không ngoại, đánh đập cách nào, dọa nó không động, mắng rầy thế mấy, nhát nó chẳng ghê. Hẳn thiệt: sạch sạch bóng, đỏ đỏ thắm dứt bỏ hai bên, về nhà an ổn.
Đương lúc ấy:
Chẳng cần tầm Phật đâu xa,
Tây phương tại đó Thích Ca nơi này.
Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Đêm đêm với Phật nằm, Sáng sáng cùng đồng dậy.
Nói nín một bên mình, Đứng đi đều tại đấy,
Tấc gang chẳng cách xa, Ảnh hưởng nào sai chạy.
Muốn biết Phật ở đâu, Do nơi lời nói ấy.
Chúng sanh chỉ bởi nghiệp chướng thâm trọng, nên khác với Phật, bằng hay hồi quang phản chiếu, một đao cắt làm hai đoạn, thì sẽ rõ tự tánh. Bằng chẳng theo giáo pháp nhà Phật, thì cả thảy chúng sanh do đâu mà tỏ ngộ? Rồi làm sao tu cho đến địa vị của Phật cho đặng!
Ấy là Như Lai không có lòng sở đắc. Cho nên nói: "Bằng có chúng sanh Như Lai độ đặng, tức là trước tướng ngã, nhơn, sanh, thọ ".
Xuyên Thiền sư giải: Xuân Lan, Thu Cúc đều tự thơm tho.
Tụng:
Vừa lọt lòng ra đi bảy bước,
Người đều lưng bụng riêng sau trước,
Vui mừng cười khóc thảy in nhau,
Há hỏi tôn đàng mới biết được!
140.ÂM:
Tu Bồ Đề! Như Lai thuyết hữu ngã giả, tức phi hữu ngã; nhi phàm phu chi nhơn, dĩ vi hữu ngã.
NGHĨA:
Tu Bồ Đề! Như Lai nói " có ta" ấy, nhưng chẳng phải " có ta" mà kẻ phàm phu lại cho là "có ta".
Giải :Tăng Nhược Nột giải: Như Lai đã không ngã nhơn các tướng, làm sao có khi lại xưng "ta"? - Phải biết cưỡng danh xưng "Ta": đó là đối với lực độ chúng sanh phải tùy thời mà xưng vậy thôi.
Lý Văn Hội giải: Hữu ngã: tức là phàm phu - Phi hữu ngã, là tùy chỗ làm chủ, ứng dụng không phương. Cho nên nói: Phàm là nhân của Phật, Phật là quả của phàm.
Kinh Cảnh Giới có nói: "Chư Phật ba đời đều không có sở hữu, duy có tự tâm đã rõ nhân quả không sai, thì biết ngoài tâm không pháp".
Hai bực thừa chấp có ngã tướng, muốn lìa sanh tử mà cầu Niết bàn, muốn bỏ phiền nãomà cầu diệt độ, là bỏ một bên, chẳng tỏ lý trung đạo. Ấy là đồng hạnh với phàm phu.
141.ÂM:
Tu Bồ Đề! Phàm phu giả, Như Lai thuyết tức phi phàm phu, thị danh phàm phu".
NGHĨA:
Tu Bồ Đề! Phàm phu ấy, Như Lai nói chẳng phải phàm phu, chỉ cưỡng danh là phàm phu".
Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Phật lại bảo ông Tu Bồ Đề: "Phàm phu là chẳng có phàm phu chơn thiệt, chỉ hư danh là phàm phu". Ấy là liền lập rồi liền bỏ.
Trước nói phàm phu, ấy là liền lập, sau nói hẳn không phàm phu chơn thiệt, ấy là liền bỏ. Bằng mà bỏ đi, thà đừng lập ra? - Là bởi không lập ra thì không lấy chi đặng rõ lý, cũng ví như qua sông mà chẳng dùng bè. Còn chẳng bỏ, thì e người câu nệ theo lời nói, cũng như ví như đến bờ rồi mà chẳng lên, cứ ở dưới bè hoài. Nên sở dĩ liền lập rồi liền bỏ, là vậy.
Tăng Nhược Nột giải: Bởi bài trước Như Lai nói: Ta bỏ cái lý "chẳng phải phàm phu" thì Phật với chúng sanh phải cách nhau; nếu lý ấy mà không bỏ, thì phàm Thánh bình đẳng. Cho nên nói: "Là chẳng phải phàm phu".
Nhan Bính giải: Người người tự tánh tự độ lấy: mê thì ngộ độ, tà thì chánh độ. Trước kia chư Phật đã nói, đó là chỉ ra cái mối đầu đường, thì nên cứ đó mà noi theo, nào phải do nơi người khác. Cho nên nói: "Thiệt không chúng sanh nào Như Lai độ đặng". Nếu có độ đặng thì Như Lai còn có bốn tướng". Như Lai là người kiến tánh, nên không có ngã tướng, phàm phu là người chưa kiến tánh, nên ngã tướng chưa quên. Phải lại e cho người lạc vào phân biệt, cho nên nói: "Là chẳng phải phàm phu". Vậy thì, biết Như Lai và phàm phu vốn đồng một tánh không có phân biệt.
Lý Văn Hội giải: Tức phi phàm phu là nhứt niệm thanh tịnh chẳng phàm chẳng Phật nên nói: "Chẳng phải phàm phu".
Phàm phu vẫn không, bởi mê mà vọng chấp, chỉ không chấp trước thì cả thảy thanh tịnh.
Trí Giả Thiền sư giải:
Tụng:
Bằng tu nhân với quả, Thì quả đợi kỳ đơm.
Tự độ thường chăm chỉ, Chuyên cần ấy pháp môn.
Bắt chim rồi cất ná, Đặng cá chẳng dùng nơm.
Nếu nói Như Lai độ, Độ ai thử chỉ dùm?!
Xuyên Thiền sư giải: Niệm trước chúng sanh niệm sau Phật, chúng sanh với Phật không hai vậy.
Tụng:
Chẳng thấy mấy đầu mấy tay,
Mà hay cầm muỗng cầm đũa.
Khi thì hương khói dưng đơm.
Lúc lại say sưa mắng rủa,
Tay cầm chậu mẻ khờn,
Mình mặc đồ tơ lụa.
Đổi dạng thay hình cả vạn thiên,
Rờ đầu dắt lại: Ừ! Chàng nó!
Hừ! hừ!!