Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Mở Đầu của Dịch Giả bản dịch Anh Ngữ

07/05/201108:45(Xem: 10374)
Lời Mở Đầu của Dịch Giả bản dịch Anh Ngữ

THẬP NHỊ MÔN LUẬN
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Dịch giả Việt Ngữ: Thích Viên Lý

LỜI MỞ ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ
BẢN DỊCH ANH NGỮ
Hsueh-Li Cheng

Tóm lược LỜI MỞ ĐẦU của dic̣h giả bản dịch từ Hoa ngữ sang Anh ngữ, Giáo sư Hsueh-Li Cheng, thuộc phân khoa Nghiên Cứu Triết Học và Tôn Giáo, University of Hawaii.

Tam Luận Tông và Không Tánh

Chữ không – chủ đề của Thập Nhị Môn Luận – có nhiều cách sử dụng và nhiều ý nghĩa trong kinh sách của phái Tam Luận Tông Trung Hoa, chẳng hạn như trong các sách Tam Luận Huyền Nghĩa và Nhị Đế Nghĩa của Đại Sư Cát Tàng, một người đã dày công nghiên cứu kinh sách của Bồ Tát Long Thọ.

Do chính nó thì chữ không chẳng có một ý nghĩa rõ rệt mang tính khẳng định. Nhưng nó thường được các môn đồ Tam Luận tông dùng để chỉ “sự thiếu vắng cái gì đó.” Các Phật tử thuộc Tam Luận Tông muốn nói rằng các pháp đều là không, hiểu theo nghĩa chúng không có những tánh, tướng, và dụng đích xác. Như Bồ Tát Long Thọ nói trong Thập Nhị Môn Luận:

Chư pháp đều là không. Tại sao?
Cả hữu vi pháp lẫn vô vi pháp
đều không có tướng gì.
Vì chúng không có tướng
Nên chúng đều là không.

Chữ không cũng được dùng để “làm mất giá trị” các pháp hoặc ý niệm. Người đời sử dụng những ý niệm để mô tả “tánh” (nature) của vạn vật. Nói rằng “chư pháp đều là không” là hàm ý rằng các ý niệm hoặc phạm trù mà người ta dùng để mô tả những kinh nghiệm đều là “trống rỗng.” Thí dụ, khi biện luận rằng thực tại của sự vật không thể bày tỏ bằng sự kết hợp của những ý niệm, như “hữu” và “vô,” v.v..., Long Thọ nói: “Chư pháp đều là không. Tại sao? Hữu và vô không thể đạt được cùng một lúc và cũng không thể đạt được vào những lúc khác nhau.”

Không hoặc không tánh có khi được dùng để phủ định giá trị cua sự vật và để nói lên sự vô thường của chúng. Bởi vì những thứ chỉ là không thì vô giá trị đáng để chúng ta từ bỏ. Vì vậy, thực hiện không tánh tức là loại trừ những phiền não và tai họa, như Đại Sư Cát Tàng của phái Tam Luận Tông đã nói trong Tam Luận Huyền Nghĩa: “Tinh nghĩa giáo lý về không tánh bao hàm sự diệt trừ tai họa.”

Khi khiến cho tâm trở thành không có nghĩa là cải biến cái tâm của mình. Hoặc không-tánh được coi là một phương thuốc để “chữa bệnh cho tất cả chúng sanh,” như ngài Cát Tàng đã nói trong Nhị Đế Nghĩa. Các đại sư của phái Tam Luận coi không-tánh như một thứ khí cụ để giúp con người giải thoát.

Con đường của không-tánh chính là con đường của Niết Bàn, và liên quan tới những phương diện của thân, tâm và trí huệ. Trên phương diện tôn giáo, không-tánh bao hàm moksa, sự giải thoát hoàn toàn khỏi vô minh, khỏi cái ác và đau khổ trên thế gian [Nhị Đế Nghĩa]. Trên phương diện tâm lý không –tánh là “vô tham dục.” Nó đòi hỏi phải diệt trừ những tham ái thuộc cảm xúc và trí huệ, nguồn gốc của cái ác và đau khổ; hãy khiến cho cái tâm trống trơn, không còn dục vọng và ảo tưởng. Trên phương diện đạo đức, sự phủ nhận tham dục, nhất là sự chấp ngã vị kỷ, sẽ khiến chúng ta yêu thương tất cả mọi người. Niết Bàn là dành cho tất cả mọi người [Nhị Đế Nghĩa]

Người thực hành không-tánh là người thực hành hạnh từ bi, muốn giúp tất cả chúng sanh đạt tới Niết Bàn [Tam Luận Huyền Nghĩa]. Trên phương diện tri thức luận, không-tánh chính là trí huệ bát nhã, để thấy rằng chẳng có chân lý nào là chân lý tuyệt đối. Trên phương diện siêu hình học, không-tánh có nghĩa là chư pháp đều không có tánh, tướng và dụng. Nó bảo rằng những thực thể của các nhà siêu hình học không có thực trong vũ trụ mà chỉ là do trí óc tạo ra. Muốn đạt tới Niết Bàn người ta cần phải loại bỏ những suy đoán thuộc siêu hình học.

Đối với các môn đồ của Tam Luận tông, thuyết không tánh bao hàm “đạo sống.” Những người thế tục thường đam mê những lạc thú thuộc giác quan và tin rằng chúng là một trong những thứ có giá trị nhất trên đời. Mặc khác, những người thực hành tôn giáo coi trọng những giá trị tinh thần có thể khinh rẻ những người coi trọng lạc thú giác quan; họ cho rằng đời sống tinh thần không liên quan gì tới lạc thú.

Đối với người đi theo Trung Đạo, con đường đam mê lạc thú là một cực đoan và con đường khổ hạnh là một cực đoan khác. Thuyết không-tánh giúp cho người ta trút bỏ những cực đoan này và chuẩn bị bước vào con đường trung đạo. Các môn đồ của Tam Luận Tông thấy rằng coi không-tánh là trung đạo chính là đi theo giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, như lời Ngài dạy trong bài thuyết pháp thứ nhất mà Ngài đã giảng cho năm vị tỳ kheo sau khi ngộ đạo:

Tu theo con đường khổ hạnh với xác thân tiều tụy chỉ khiến cho tâm trí càng thêm mê lầm. Nó không đem lại ngay cả kiến thức thế tục, huống chi là siêu việt lên trên những cảm quan. Nó giống như cố gắng thắp một ngọn đèn bằng nước lã, điều đó không thể nào xóa tan được bóng tối...

Đam mê lạc thú cũng là sai lầm; điều này chỉ gia tăng sự mê muội của con người; sự mê muội này ngăn cản ánh sáng của trí huệ...

Ta đứng trên hai cực đoan này, trái tim ta ở giữa. Sự đau khổ trong ta đã đoạn diệt; không còn những sai lầm và vô minh phiền não, ta đã đạt được an lạc. Theo các môn đồ Trung Quán Phái, giáo lý của Đức Phật nhằm bác bỏ lối suy nghĩ nhị nguyên. Các triết gia có thể dùng những ý niệm lưỡng cực như sanh diệt, thường hằng vô thường, giống nhau khác nhau, đến đi, để mô tả tánh chất của sự việc. Theo Bồ Tát Long thọ thì những ý niệm loại này là cực đoan và cần phải bác bỏ. Để mở đầu Trung Luận, ngài đưa ra “bát phủ định”:

Bất sanh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất lai diệc bất xuất.

(Không sanh cũng không diệt,
Không thường hằng cũng không đoạn diệt,
Không giống cũng không khác,
Không đến cũng không đi.)

Quan điểm của Long Thọ về không tánh như loà trung đạo chẳng phải chỉ áp dụng cho tám điều phủ định này mà còn là phủ nhận tất cả những ý niệm cực đoan; đó là một tiến trình để giúp cho tâm trở nên thanh tịnh. Cần phải sử dụng sự phủ định cho tới khi nào những tham ái thuộc trí thức lẫn tình cảm hoàn toàn bị diệt trừ. Tiến trình này thuộc biện chứng pháp. Sự phủ nhận ý niệm “hữu” không có nghĩa rằng sẽ dẫn tới sự xác nhận ý niệm “vô,” bởi vì “vô” thì cũng mâu thuẫn và phi lý chẳng kém gì “hữu.” Biện chứng pháp của phái Trung Quán không nhắm vào việc thành lập một luận thuyết mà chỉ vạch trần sự phi lý mâu thuẫn bao hàm trong lời biện luận của đối phương. Thật ra, phương pháp này là sự phân tích rốt ráo cho tới khi không còn điểm nào để chứng minh. Như Đại Sư Cát Tàng đã viết trong Tam Luận Huyền Nghĩa:

Để làm sáng tỏ điểm này, Tam Luận thuyết dạy rằng mỗi luận đề liên quan tời tánh chất của chân lý phải bị phủ định bởi một phản đề của nó. Toàn thể tiến trình tiếp nối từng bước cho đến khi đạt tới sự phủ nhận hoàn toàn. Vì vậy, quan niệm về tồn hữu của thế-đế (chân lý thế gian) bị phủ định bởi quan niệm bất tồn của chân-đế (chân lý tối thượng). Kế đó, quan niệm bất-tồn – bây giờ trở thành thế-đế của một cặp luận đề và phản đề mới – lại bị phủ nhận bởi quan niệm “chẳng tồn cũng chẳng bất tồn,” và tiếp tục như vậy cho tới khi rốt cuộc mọi điều khẳng định về chân lý đã bị phủ nhận.

Mặt khác, phái Tam Luận Tông vạch ra rằng cái gì là thực thì nó phải có tự-tánh, chứ không thể tùy thuộc vào những sự vật khác hoặc sanh ra từ những nhân duyên. Nhưng nếu nói rằng sự vật nào đó là thực một cách tối hậu thì sẽ mâu thuãn với sự kiện rằng tất cả mọi hiện tượng đều bị ràng buộc bởi những liên hệ của nhân và quả, hợp và tan, trú và diệt. Đối với các môn đồ Trung Quán Phái thì đối tượng của nhận thức, chủ thể của nhận thức, và tri

thức, bị ràng buộc và tùy thuộc vào nhau. Bất cứ điều gì mà chúng ta có thể biết qua kinh nghiệm đều tùy thuộc vào những điều kiện, bởi vậy chúng ta không thể là thực một cách tối hậu.

Nếu sự sanh tồn của một vật là tuyệt đối thực thì nó phải tự-tồn và độc lập đối với các nhân và duyên. Nhưng chư pháp đều tùy thuộc vào những nhân và duyên. Vì vậy, một vật không thể tự hiện hữu và thực một cách tuyệt đối. Mặt khác, nếu vũ trụ chẳng hiện hữu và chỉ tuyệt đối là hư vô thì nó phải bất động và không có hiện tượng nào xuất hiện. Nhưng chúng ta thấy rằng có vô số sự vật phát sanh từ các nhân và duyên; vì vậy chúng không thể là tuyệt đối không có thực. Cho nên thuyết không-tánh của phái Trung Quán Tam Luận đích thị là trung đạo, đừng coi nó là một thuyết hư vô.

Thật ra, theo các môn đồ Tam Luận Tông thì chữ không chỉ là “một phương tiện hữu ích để hướng dẫn chúng sanh và để giúp họ giải thoát khỏi những tham ái.” [Cát Tàng, Tam Luận Huyền Nghĩa]. Các đại sư Tam Luận Tông cho rằng Đức Phật chú trọng việc cứu vớt thế gian và giáo lý của ngài coi trọng sự thực dụng. Mối quan tâm chính yếu của ngài là sự giải thoát của chúng sanh ra khỏi điều ác và đau khổ, và ngài áp dụng phương pháp truyền giảng dễ hiểu đối với những người thọ giáo. Đức Phật thấy rằng tâm trí của những người tầm thường luôn luôn ràng buộc vào những kiến chấp, khó có thể giải thoát đau khổ. Ngài muốn giúp họ giác ngộ, nhưng ngài nhận thấy rằng họ chỉ có thể hiểu những chuyện thế tục và loại ngôn ngữ tầm thường. Để giúp họ giải thoát, ngài dùng những từ ngữ mà đa số đều hiểu như nhân và quả, sanh và bất sanh, đúng và sai, xác định và phủ định, hữu và vô, v.v..., để thuyết giảng giáo lý của ngài. Thật ra, tất cả những từ ngữ như vậy chẳng là gì khác hơn là những khí cụ để giúp thanh lọc tâm trí.

Tuy rằng ngôn ngữ có thể khiến chúng ta hiểu lầm, nhưng các môn đồ Trung Quán Phái không phủ nhận giá trị hữu dụng của nó. Họ nhìn nhận rằng ngôn ngữ là hữu ích và cần thiết trong đời sống hằng ngày; bởi vì nếu không có ngôn ngữ thì con người không thể nói hoặc viết. Theo Bồ Tát Long Thọ, cần phải dùng tới ngôn ngữ để thuyết giảnh chân lý tối thượng. Nên coi ngôn ngữ như là “thế đế” cần thiết để đạt tới “chân đế” và Niết Bàn. Bồ Tát Long Thọ phát biểu trong Trung Luận: “Không có thế đế thì không thể đạt tới chân đế. Nếu không đạt tới chân đế thì không thể chứng quả Niết Bàn.”

Chức năng của ngôn ngữ có thể ví như một cái bè. Một người muốn sang bên kia sông – là nơi an lạc và thanh tịnh – thì người đó đóng một chiếc bè. Nhờ đó người này sang được bờ sông bên kia một cách an toàn. Nhưng dù chiếc bè đã rất hữu ích đối với người vượt sang sông, họ sẽ phải từ bỏ chiếc bè ở bờ sông để tiếp tục đi. Vì vậy ngôn ngữ, kể cả chữ “Chánh Pháp,” giống như chiếc bè, cần phải từ bỏ khi đạt tới Niết Bàn.

Các đại sư Tam Luận Tông dùng ý niệm không bất cứ khi nào họ cần bác bỏ những ý niệm cực đoan. Chữ này có hàm ý ở nhiều trình độ khác nhau. Ở trình độ thứ nhất, không-tánh có nghĩa rằng những ý tưởng thông thường hằng ngày là ảo tưởng và không có thực. Cát Tàng dùng ý nghĩa này để phủ nhận “hữu.” Trên trình độ thứ nhì, không-tánh hàm ý rằng những quan điểm của người theo chủ thuyết hư vô lẫn những nhãn quan thông thường về vũ trụ và thế gian đều không thể chấp nhận được, và rằng cần phải bác bỏ tất cả những đường lối suy nghĩ phân biệt hoặc nhị nguyên. Ở trình độ thứ ba, không-tánh cho thấy rằng cần phải từ bỏ những quan điểm nhất nguyên, cũng như nhị nguyên và đa nguyên về vũ trụ và thế gian. Khi tất cả những ý niệm và các loại chấp thủ khác đã hoàn toàn bị diệt trừ thì không-tánh có nghĩa là “hoàn toàn tự do,” không còn bám víu vào bất cứ thứ gì.

Vì vậy, chữ không chính nó không có ý nghĩa riêng biệt nào mà chỉ mang ý nghĩa tùy theo nội dung của câu văn. Nó chỉ có những hàm ý trong tiến trình tư duy. Khi đã đạt tới Niết Bàn, nó mất đi ý nghĩa và cần phải loại bỏ. Giống như phương thuốc chữa bệnh, không-tánh chỉ hữu ích đối với một người trong khi họ ốm đau, chứ chẳng phải khi lành mạnh. Như Đại Sư Cát Tàng nói:

Khởi thủy, chúng ta thuyết giảng về Vô để chống lại căn bệnh của [sự tin tưởng vào] Hữu. Khi căn bệnh của [sự tin tưởng vào] Hữu đã biến đi thì Phương Thuốc Không-Tánh thành vô dụng. Cho nên chúng ta biết rằngđạo của bậc thánh hiền chẳng bao giờ chủ trương Hữu hoặc Vô [Nhị Đế Nghĩa].

Quan Điểm Của Bồ Tát Long Thọ Về Tạo Hóa

Khi Long Thọ khảo sát những ý niệm về tánh, tướng và dụng trong Thập Nhị Môn Luận, ngài cũng bàn tới một số vấn đề quan trọng về tôn giáo và triết học – mà ngài không nói tới trong các sách khác. Một trong những vấn đề đó là câu hỏi về sự hiện hữu của trời (Thiên). Trong chương Đệ Thập Môn, Long thọ chẳng những bác bỏ sự hiện hữu của Trời như là đáng tạo hóa của vũ trụ mà còn bác bỏ cả ý niệm về Trời như là đấng cứu thế của loài người. Những người tín ngưỡng vào một số tôn giáo thường nghĩ tới trời như là một đấng cứu rỗi và cho rằng thân phận, định mạng và hạnh phúc của chúng ta là do Trời nắm trong tay. Nếu chúng ta qui phục Ngài thì Trời sẽ ân xá tội lỗi và ban cho chúng ta hạnh phúc. Nếu không có ân sủng của Trời thì không thể thoát khổ. Long Thọ đả kích những quan niệm đó và biện luận rằng chúng ta có những “năng lực tự tạo” chẳng hạn như kiểm soát dục vọng và cách ăn ở của mình để tạo những điều thiện và tránh những điều ác. Nếu sự giải thoát chỉ nhờ cậy vào trời thì không còn “nguyên tắc của thế gian,” nghĩa là người làm điều thiện được tưởng thưởng, và người làm điều ác thì bị trừng phạt. Nếu vậy người ta không cần phải sống một cách có ý thức, vì những hành vi thiện sẽ có thể không được tưởng thưởng, trong khi kẻ làm điều ác có thể cứu rỗi. Đó là chuyện phi lý, sự giải thoát không thể tùy thuộc vào ân sủng của Trời. Nếu Trời là nguồn cứu rỗi duy nhất thì những nguyên tắc tôn giáo chẳng có ích gì. Nhưng chẳng phải như vậy; cho nên Trời không thể là nguồn cứu rỗi duy nhất.

Chữ “Môn” trong nhan đề có nghĩa là cái cổng hoặc cửa, là chốn để ra khỏi nơi nào đó và bước vào một nơi khác. Ở đây nó có nghĩa như là đường lối hoàn hảo để thoát ra khỏi những quan điểm cực đoan và đi vào chánh kiến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]