Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 37: Thân Cận Bên Phật

25/03/201101:36(Xem: 8812)
Chương 37: Thân Cận Bên Phật

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 37
THÂN CẬN BÊN PHẬT

Thưa đại chúng,
Chương Kinh nầy có chủ đề là Thân Cận Bên Phật.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Phật tử ly ngô sổ thiên lý, ức niệm ngô giới, tất đắc Đạo quả. Tại ngô tả hữu, tuy thường kiến ngô, bất thuận ngô giới, chung bất đắc Đạo.”

Đức Phật dạy: “Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm, nhưng nếu nhớ nghĩ, hành trì giáo pháp của Ta tất sẽ đắc Đạo. Ở bên cạnh ta tuy thường ngày gặp gỡ Đức Thế Tôn nhưng không hành trì và tu tập giới pháp của thì cuối cùng cũng không đắc được Đạo.”

B. ĐẠI Ý.

Đại ý của đoạn Kinh nầy dạy rằng: “Người thọ nhận và hành trì giới pháp của Phật là đang thân cận bên Phật.”

C. NỘI DUNG.

1. Ta đang ở đâu và đang làm gì?

Ta hãy nhìn lại mình mà đừng than thân trách phận. Các truyền thống Phật giáo thường than phiền chúng ta là những người sinh vào thời mạt pháp, không sinh vào thời có Phật tức xa Phật pháp mấy ngàn năm.

Trong thực tế, chúng ta nên ghi nhận là dù cách xa Đức Thế Tôn về thời gian, không gian nhưng không phải đó là điều quan trọng, mà quan trọng là chúng ta có hành trì, tu tập giới pháp của Ngài không? Hơn nữa hiện tại giáo pháp của Ngài vẫn còn, các bậc Thầy lớn, các bậc Đạo sư lớn vẫn còn, nên chúng ta hãy nhìn lại để thấy tự hào về phúc duyên của đời sống của chúng ta.

Hiện nay trên đất Mỹ các truyền thống Phật giáo hầu như đều có mặt, nhất là truyền thống Mật Thừa hiện rất thịnh hành và truyền thống thiền Vipassana cũng đang có chiều hướng phát triển, lan rộng ở các nước phương Tây.

Đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao Mật thừa có cùng những sắc thái hình thức giống như các truyền thống tôn giáo khác ở đây nhưng lại đi vào lòng người Tây phương dễ như vậy? Và hình như Phật tử Việt Namcũng rất thích truyền thống nầy.

Thưa quí vị, có rất nhiều yếu tố để đưa đến thành công trong việc hoằng pháp của quí thầy Tây Tạng. Tôi chỉ xin chia xẻ một khía cạnh nhỏ nhưng quan trọng để quí vị lưu ý. Điều thành công dễ nhận biết của họ là trong sự truyền tãi đạo Phật vào Tây phương họ tổ chức thành những sứ đoàn thể hiện được tinh thần tập thể vô tham, họ không đặt nặng vấn đề kêu gọi Phật tử đầu tư tài chánh vào cho công việc xây dựng tự viện riêng lẻ, cá nhân hay những sinh hoạt tư lợi hoằng pháp. Thế nên nhìn vào thấy đẹp và thanh cao, dễ kích phát niềm tin nơi người cư gia Phật tử.

Các Ngài bằng trí tuệ của mình đã đem giáo lý nhân bản, thực tiễn và khoa học của Đức Thế Tôn triển khai đúng đường lối, tầm mức để có thể tương hợp với tâm thức của người Tây phương vốn thực tế và ít có niềm tin để họ có thể tiếp nhận một tôn giáo khác dễ dàng mà không dị ứng.

Trong khi đó chúng ta hãy nhìn vào chùa chiền và tự viện của người Việt Namở đây để thấy mình đã làm cho Phật tử rất ngần ngại khi đến chùa. Điều dễ thấy là chùa chiền mọc vô tội vạ. Công trình nào cũng gõ vào túi tiền Phật tử kêu gọi cúng dường tiền bạc, công sức để phát triển tự viện cá nhân mình.

Chữ tự viện cá nhân chúng ta dùng ở đây không sai mấy. Nguyên ủy chùa vốn thuộc công hữu. Nhưng trên đất nước nầy hay ở Việt Namhiện tại phần nhiều đang đi dần vào con đường tư hữu. Những mỹ từ ban đầu dùng cho công trình xây dựng như; đây là nơi gìn giữ truyền thống văn hóa Việt Nam, đạo Phật Việt Nam, nơi quê hương tâm linh truyền bá giáo lý nuôi dưỡng đạo đức... dần dần đổi chiều ngược lại. Nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh như tiêu chuẩn sinh hoạt cộng đồng hay tu tập không có, phân hóa tăng đoàn ra thành từng mảnh nhỏ, không có điều kiện thì giờ tu học. Cuối cùng một ông thầy là một ông vua của Già lam và có đời sống tha hóa, nặng nề vật chất thế gian, chạy theo danh lợi.

Cho nên chúng ta nên ý thức một điều là chúng ta may mắn còn có vài bậc Thầy cố gìn giữ đạo, có đời sống phạm hạnh, gầy dựng Tăng đoàn truyền bá giáo pháp của Phật để cho mọi người nếm được hương vị chánh pháp tu tập. Tuy bên cạnh vẫn có bao nhiêu điều tiêu cực làm cho đạo Phật thuộc truyền thống Việt Namkhó phát triển.

Thứ nữa sự chuyển vùng văn hóa của tôn giáo hay sự hành đạo tùy thuộc vào đặc tính của vùng đất mới. Đạo Phật qua bao lần suy thoái ở Ấn Độ, đến Trung Hoa qua Nhật Bản là từng chặng đường do bảo thủ không chịu thay đổi, học hỏi để phát triển. Điều nầy quá khứ đã có mặt ở Đông phương cho đến hôm nay lại có mặt ở Tây phương. Đây là nét tiêu cực làm cho Phật giáo Việt nam chậm cắm rễ vào tâm thức người dân ở nơi nầy.

Văn hóa trên miền đất mới phương Tây cũng như tâm thức, tinh thần của người dân bản địa là điều chúng ta cần tìm đến, học hỏi tư duy tường tận mới hy vọng có khả năng làm cho đạo Phật sống còn. Chúng ta không phải làm cho đạo Phật chỉ phát triển cơ sở vật chất là đủ. Quan trọng là chúng ta phải làm cho cây giác ngộ bám rễ sâu vào lòng đất Tây phương, vươn cành lá, cho hoa trái và cống hiến vị ngọt giáo pháp Đức Thế Tôn. Nói thế có nghĩa là đạo Phật phải thực sự thấm vào trái tim của những người bản xứ.

2. Các tầng tiếp xúc.

Thưa đại chúng, đi sâu vào nội dung bài Kinh nầy chúng ta có hai tầng tiếp xúc.

Tuy nhiên hai chữ tiếp xúc nầy không đạt được vào chiều sâu ý nghĩa của sự thẩm thấu, chan hòa bên trong. Tiếp xúc có nghĩa là chỉ chạm bên ngoài thôi, trong khi đến với đạo Phật không phải là chạm vào mà nó đòi hỏi sự thâm đạt, sự thấm vào bên trong. Ở cấp độ vừa phải như khi ta cảm thông với một người nào đó, thì đòi hỏi có cùng một cung bậc tâm hồn chan hòa năng lượng đan xen với nhau tạo thành sự cảm thông. Thưa, không phải chúng ta chạm nhau mà tạo thành sự cảm thông được. Do vậy ta nên hiểu nội hàm chữ tiếp xúc là sự thẩm thấu vào chiều sâu.

– Tầng cạn đầu tiên của sự tiếp xúc là tầng vật lý. Trong chúng ta mỗi con người đều có hai tầng; hình hài là tầng thô, tình cảm là tầng tinh tế. Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc vào phần thô của hình hài nầy thì sự cảm thông không bền, không gây sự lưu luyến lâu dài. Cho nên sự tiếp xúc đi vào chiều sâu bao nhiêu thì quà tặng hạnh phúc lớn bấy nhiêu làm cho đời sống tâm thức được nâng lên cao.

Người ta có một thử nghiệm rằng đời sống con người là những biểu lộ độ rung, tức là những tầng sóng rung động. Không có một loại vật lý nào trên hành tinh nầy mà không biểu lộ đời sống của nó bằng sự rung động. Và có những truyền thống tâm linh cho rằng sự có mặt con người là do kết tinh từ âm thanh, có truyền thống thì cho rằng bằng ánh sáng. Điều nầy, nếu có điều kiện đi sâu vào lãnh vực khoa học vật lý thì chúng ta thấy có phần đúng của nó.

Thông thường chúng ta cảm thông với nhau qua khả năng diễn đạt ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ là một dạng sóng âm thanh có biên độ rung ở tầng thô. Âm thanh của ngôn ngữ là đặc trưng của sự tiếp xúc, trao đổi, cảm thông và truyền đạt ý tưởng trên hành tinh chúng ta.

– Tiếp xúc sâu hơn là tiếp xúc của ánh sáng. Thưa ánh sáng làm sao tiếp xúc? Ánh sáng không đi theo đường thẳng như chúng ta nghĩ mà đi theo đường cong. Và trong thế giới vật lý chúng ta thì mọi vật chất đều do năng lượng cô đặc lại, và khi vật chất tan lỗng ra thì thành năng lượng. Vì thế không có một hiện tượng nào trên thế gian nầy không đi theo qui trình đó.

Có những bậc thầy bên ngoài dáng vẻ rất bình thường, không có gì khác biệt, ăn nói cũng không hay ho gì tức cả hai điều cạn của vật lý thô là thân và tầng âm thanh ngôn ngữ đều không có gì để ta khi tiếp xúc cảm nhận, gây ấn tượng. Thế nhưng bên trong họ có năng lượng của tâm, tâm từ rất lớn tự nhiên đó là một loại ánh sáng vô hình tác động lên thân tâm. Nếu chúng ta có dịp tiếp xúc, sống gần tự nhiên tâm thức mình bị đánh động và chuyển hóa.

Trong đời sống thường nếu chúng ta khéo tu tập, chuyển từ bên trong tâm mình có được năng lượng lành, năng lượng giác ngộ tức khắc chúng ta tạo được môi trường lành thiện chung quanh. Chúng ta vẫn sống bình thường không có gì thay đổi nhưng khả năng rất lớn có thể giúp được người mà không cần phải nói nhiều.

Trong khả năng giáo hóa của người tu, thân giáo cực kỳ quan trọng, mà thân giáo tác động ảnh hưởng lớn đến tâm thức chúng ta.

Chúng ta khi làm đệ tử của một vị thầy nếu vụng về thì mình chỉ tiếp xúc ở mức độ cạn hình hài, hơn một chút là âm thanh từ ngôn ngữ ông diễn đạt. Nhưng nếu tâm thức được đẩy lên một tầng cao hơn thì ta tiếp xúc được với ánh sáng giác ngộ từ trong trái tim vị thầy tỏa ra.

Thông thường chúng ta chỉ tiếp xúc với các Thầy ở mức độ rất cạn, mà cạn chừng nào thì phù du chừng ấy, dễ chán chừng ấy. Và trong đời người nếu chỉ đến với nhau, cảm thông với nhau qua tầng cạn của vật lý thì rất mong manh, không vững bền. Qua tầng ngôn ngữ tuy cao hơn nhưng nếu tiếp xúc được tầng thâm sâu của tâm thức nhau thì điều nầy mang đến lợi lạc và hạnh phúc vô cùng.

Thưa quí vị, chúng ta vừa đi ngang qua những tầng cao thấp để tự mình có thể chọn cho mình cách tiếp xúc thông minh làm thăng hoa trong đời sống tu tập.

Ngày xưa, Đức Thế Tôn sau ba tháng giáo hóa ở cung trời Đao lợi, khi Ngài sắp về lại nhân gian. Bấy giờ Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc muốn đón Thế Tôn nhưng nghĩ vì pháp chế Bát Kỉnh Pháp các Cô phải đứng sau quí thầy thiệt thòi quá nên lần nầy mình phải đứng trước để đón Phật, và Cô xử dụng thần thông hiện làm vua trời lên đứng chen lẫn vào các vị Thiên đảnh lễ Đức Phật. (Liên Hoa Sắc Tỳ kheo Ni thần thông đệ nhất không thua gì Ngài Mục Kiền Liên). Đức Thế Tôn thấy liền bảo: “Nầy, Liên Hoa Sắc con không được đứng trước đại Tăng, con tưởng con đứng như vậy là đón Như Lai trước? Tu Bồ Đề đã đón ta trước con rồi.” Liên Hoa Sắc rất ngạc nhiên thưa: “Tu Bồ Đề còn đang tọa thiền ở trong rừng mà.” Đức Thế Tôn nói: “Nhưng Tu Bồ Đề đã ở trong định đón ta.”

Tôi kể câu chuyện trên để chia xẻ cùng các vị là khi chúng ta tiếp xúc ở mức độ cạn thì vẫn còn hạn chế, tiếp xúc ở mức độ trung bình tuy có gần hơn với Đạo nhưng vẫn chưa. Người tu chúng ta phải làm thế nào đẩy tâm thức lên một tầng cao hơn nữa tức là tâm thức phải tương ưng với Đạo. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là con của Đức Thế Tôn, nếu không chúng ta chỉ là tôi tớ của Ngài theo đuôi làm kẻ ăn xin. Yêu cầu của Đức Thế Tôn không phải như vậy, Ngài muốn chúng ta là những người con xứng đứng kế thừa gia nghiệp của Ngài, lãnh phần trân bảo Giác ngộ của Ngài.

3. Hãy thực tập để chứng nghiệm Niết Bàn.

Bây giờ chúng ta trở lại đoạn đầu của chương Kinh ba mươi bảy: “Phật tử ly ngô số thiên lý, ức niệm ngô giới, tất đắc đạo quả” Ba chữ “Đắc đạo quả.” cuối câu rất mạnh.

“Phật dạy những người tu chúng ta dù có xa Phật ngoài ngàn dặm nhưng luôn nhớ nghĩ, thực tập, hành trì giáo pháp của Ngài dạy chắc chắn chứng được đạo quả, chứng được Niết Bàn.” Chúng ta ở cạnh bên Ngài, sáng, trưa, chiều, tối tuy gần bên Ngài nhưng không thực tập những lời Ngài dạy, không quay lại chính mình để chuyển hóa, gột rửa thân tâm thì cuối cùng cũng không chứng được Niết Bàn.

Câu Kinh chủ yếu là yêu cầu chúng ta tu tập để chứng nhập Niết Bàn hiện tiền.

Chúng ta may mắn làm con của Phật, dù là con trai hay con gái chúng ta phải làm một việc quan trọng là tu tập được cho chính bản thân mình. Đó là món quà rất lớn để ban tặng niềm vui, hạnh phúc cho mình cũng là ban tặng cho mọi loài trên trần gian nầy. Nói cho người ta nghe, mình muốn người nầy tu, kẻ khác tu khó hơn là chúng ta tự tu. Dễ dàng nhất và cao quí nhất là tự mình tu. Tự mình tu là đã cúng dường Tam Bảo rồi, tự mình tu là món quà rất làm lớn cho Phật pháp trường tồn, là món quà đẹp và ý nghĩa nhất cho gia đình, người thân, cho bạn bè. Thưa điều nầy chúng ta làm được trong tầm tay vì đời mình do mình làm chủ.

Đức Phật đã từng nói: “Như Lai không phải là hình thể ngũ uẩn, các ông đừng tìm Như Lai qua sự biểu hiện của ngũ uẩn.” Thế nên quí vị muốn thực sự thân cận bên Phật thì hãy làm người nhận ra được Đạo, thể nghiệm được Đạo. Tôi lập lại như vậy để lưu ý quí vị; khi muốn gần Phật không cần phải gần hình hài của Ngài, không cần phải là sinh cùng thời với Ngài mà gần Phật là chúng ta phải từ giáo pháp trong trái tim của Ngài đưa nó vào trong trái tim mình để sống.

Chúng ta hành trì, giữ gìn thế nào để trong cách hành xử, nói cười, đi đứng... đều biểu lộ một đời sống thấm nhuần giáo lý của Đức Thế Tôn ra bên ngoài. Đó mới chỉ là mức độ cạn, thâm sâu hơn là làm cho chính mình trở thành Phật, làm cho nguồn tuệ giác tuôn trào là điều quan trọng đúng với ý nghĩa là thân cận Phật và để tự hào là con Phật.

Thưa đại chúng, người ta thường chia nghệ thuật sống ra làm ba tầng:

Thứ nhất là có khả năng thưởng lãm cái đẹp, cảm nhận được cái đẹp của tạo hóa, đất trời. Thứ hai là chúng ta tiếp xúc thẳng với người sinh ra cái đẹp. Nhưng vẫn chưa đủ, bước vào tầng thứ ba chúng ta phải chính là người sản sinh ra cái đẹp, tuôn chảy ra tất cả cái đẹp.

Tu tập giáo lý của Đức Phật cũng như thế.

Chúng ta tu là từ tầng cạn lặn vào chiều thâm sâu. Có nghĩa bước đầu chúng ta tiếp xúc với giáo lý, bước thứ hai đem giáo lý của Đức Phật vào trái tim của mình, bước cuối cùng lúc bấy giờ giáo lý đã thành máu thịt, xương tủy của mình, thành chính bản thân mình.

Và chúng ta có thể tiếp xúc với Đức Thế Tôn qua những câu thơ rất hay của Ngài Huyền Giác tôi xin đọc ra đây:

Thường độc hành, thường độc bộ.
Đạt giả thường du Niết Bàn lộ,
Điệu cổ thần thanh phong tự cao
Mạo tụy cốt can nhân bất cố.

Trúc Thiên dịch:

Thường một mình, thường tản bộ.
Đạt giả lại qua Niết bàn lộ.
Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh thanh.
Xương cứng thân gầy ai chiếu cố?

Dĩ nhiên người thấu đạt được đạo là những người đi trên con đường Niết Bàn. Dù đi một mình, dù ngồi một mình, hay sống giữa ngàn vạn người cũng vậy. Phong cách thần thái người ấy thanh thản biểu lộ được phẩm chất cao quí. Dáng dấp không sang trọng nhưng khí phách hiên ngang vượt lên trên thế nhân.

Chúng ta nếu nhận biết được con đường đạo thì sự thực tập của chúng ta rất dễ, vì năng lực liễu tri (thường biết) của chúng ta luôn hiện tiền. Sự nhận biết ai cũng có và đó là điều tự nhiên. Chúng ta an trú được trong năng lượng nhận biết tỉnh sáng tức đang an trụ trong Niết Bàn, lúc bấy giờ chúng ta không phải là người theo chân Phật nữa mà tự thân đã tỏa ngát hương đức hạnh, xứng với tên gọi Trưởng tử đức Như lai.

Hình hài chúng ta là loại vật chất thô, vui buồn cảm thọ là một loại mịn hơn. Ngôn ngữ là một loại sóng âm thanh cũng thuộc loại thô và ý thức thì thầm là một loại sóng âm thanh cực mịn.

Ý thức của ta thì thầm làm một dòng âm thanh có biên độ rung của sóng, mà những vui buồn là những cực âm thanh nổi gợn lên trên dòng nhạc ý thức của chúng ta. Tất cả những điều đó là pháp hữu vi sinh diệt, thô và mịn mà thôi.

Sâu hơn ở phần tinh thần mà chúng ta có thể thực tập được là dùng năng lượng sự nhận biết. Đó là một loại ánh sáng. Nếu ánh sáng của vật lý bên ngoài có tốc độ hai trăm tám mươi nghìn dặm một giây thì ánh sáng tâm thức của chúng ta nó lớn và nhanh không còn thời lượng. Những gì mà vượt qua ngưỡng cửa tốc độ ánh sáng thì nó vượt thời gian, nên khi chúng ta an trú trong vùng trời nhận biết của tự tánh hẳn nhiên vượt cả không gian, thời gian và như thế tức không sinh không diệt, vượt được tầng sinh diệt hữu vi.

Nếu chúng ta thực tập giỏi, luôn sống trong ánh sáng nhận biết; bấy giờ là ta đang an trú trong ánh sáng của tâm Phật bất động rạng ngời tỏa chiếu của chính mình.

Nếu chúng ta tu vụng về thì làm tôi tớ cho Đức Thế Tôn. Tuy nhiên với tâm hồn chân chất tu tập vẫn đáng kính quí hơn biết bao lần so với những đệ tử lanh lợi, thông minh theo kiểu đem Thế Tôn để mua danh, bán lợi. Chúng ta đem Ngài ra bán đấu giá để kiếm tiền xây chùa, xây Tháp, đem bán Ngài để kiếm tiền xài.

Đệ tử Đức Thế Tôn giỏi tu và thương Đạo chắc sẽ không làm như vậy. Có lẽ đây là hiện tình chung của sinh hoạt Phật giáo rất nhiều nơi trên hành tinh nầy. Xin các vị đừng làm người lanh lợi. Hãy làm người thật thà, thâm nhập vào lời dạy của Đức Thế Tôn, dâng hết trái tim mình cho Đạo. Hãy lấy những lời Ngài dạy để làm giàu cho đời sống bên trong của chính mình. Giỏi hơn nữa thì ta là người đoạn sạch lậu hoặc hiện đời, thể nghiệm được Đạo, chứng nghiệm Niết Bàn hiện tiền.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]