Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Bốn Pháp (26 - 28)

15/04/201317:15(Xem: 7563)
Chương Bốn Pháp (26 - 28)

Kinh Tăng Chi Bộ

Chương Bốn Pháp (26 - 28)

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

XXVI. PHẨM THẮNG TRÍ

(I) (251) THẮNG TRÍ

- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải liễu tri với thắng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải tu tập với thằng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri với thắng trí ?

Năm thủ uẩn, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải liễu tri với thắng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí ?

Vô minh và hữu ái, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải tu tập với thắng trí ?

Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải tu tập với thắng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí ?

Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này.

(II) (252) TẦM CẦU

- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp phi Thánh cầu này. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị già, tầm cầu cái bị già; tự mình bị bệnh, tầm cầu cái bị bệnh; tự mình bị chết, tầm cầu cái bị chết; tự mình bị uế nhiễm, tầm cầu cái bị uế nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp phi thánh cầu này.

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp thánh cầu này. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị già, sợ hãi biết sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không bị già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn ; tự mình bị khổ, sợ hãi biết sự nguy hại của bị khổ, tầm cầu cái không bị khổ, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn ; tự mình bị chết, sợ hãi biết sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không bị chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn ; tự mình bị uế nhiễm, sợ hãi biết sự nguy hại của bị uế nhiễm, tầm cầu cái không bị uế nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp Thánh cầu này.

(III) (253) NHIẾP PHÁP

- Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp này. Thế nào là bốn ?

- Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này.

(IV) (254) CON CỦA MÀLUNKYÀPUTTA

1. Rồi Tôn giả Màlunkyàputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Màlunkyàputta bạch Thế Tôn :

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vằn tắt cho con ; sau khi nghe thuyết pháp con sẽ sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

- Nay ở đây, này Màlunkyàputta, Ta nói gì cho các Tỷ-kheo trẻ, trong khi Thầy đã già yếu, tuổi thọ cao, là bậc trưởng thượng, lại cầu Như Lai giáo giới một cách vắn tắt ?

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, chắc chắn con sẽ hiểu được ý nghĩa lời nói của Thế Tôn, chắc chắn con sẽ trở thành thừa tự lời của Thế Tôn.

2. Này Màlunkyàputta, có bốn ái sanh này, ở đây, ái sanh được sanh cho Tỷ-kheo. Thế nào là bốn ?

Hoặc do nhân y, này Màlunkyàputta, có ái sanh, do ở đây, ái sanh được sanh cho Tỷ-kheo. Hoặc do nhân đồ ăn khất thực … hoặc do nhân sàng tọa … hoặc do nhân sanh hữu này hay sanh hữu khác. Này Màlunkyàputta, có ái sanh, do đây ái sanh được sanh cho vị Tỷ-kheo.

Này Màlunkyàputta, có bốn ái sanh này, ở đây, ái sanh được sanh cho Tỷ-kheo.

Khi nào, này Màlunkyàputta, ái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Vị ấy, này Màlunkyàputta, được gọi là vị Tỷ-kheo đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, chơn chánh minh kiến kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

3. Rồi Tôn giả Màlunkyàputta, sau khi nghe Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về phía Ngài rồi ra đi.

Rồi Tôn giả Màlunkyàputta, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Rồi Tôn giả Màlunkyàputta trở thành một vị A-la-hán nữa.

(V) (255) LỢI ÍCH GIA ĐÌNH

1.- Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, không được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này. Thế nào là bốn ?

Không tìm những gì đã mất; không sửa lại cái gì đã già yếu; ăn và uống quá độ; đặt ác giới nữ nhân, nam nhân trong địa vị tối thắng. Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, không được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này.

Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này. Thế nào là bốn ?

2. Tìm những gì đã mất; sửa lại cái gì đã già yếu; ăn và uống không quá độ; đặt ác giới nữ nhân, nam nhân trong địa vị tối thắng. Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này.

(VI) (256) CON NGỰA THUẦN CHỦNG (1)

1.- Đầy đủ với bốn đức tánh, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần chủng, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, được xem như một biểu tượng của vua. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện thuần chủng, đầy đủ với sắc đẹp, đầy đủ với sức mạnh, đầy đủ với tốc lực, đầy đủ với cân đối. Đầy đủ với bốn đức tánh này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần chủng, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, được xem như một biểu tượng của vua.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đầy đủ với bốn pháp, môt Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp, đầy đủ với sức mạnh, đầy đủ với tốc lực, đầy đủ với cân đối.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có giới luật, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống thanh tịnh, tinh cần, tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, thành tựu đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, dõng mãnh, không từ bỏ trách nhiệm đối với các pháp thiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thật rõ biết : "Đây là khổ"; như thật rõ biết : "Đây là khổ tập" ; như thật rõ biết : "Đây là khổ diệt" ; như thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sự cân đối ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được thâu nhận các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sự cân đối. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp này, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(VII) (257) CON NGỰA THUẦN CHỦNG (2)

(Giống như kinh trước, chỉ khác định nghĩa về tốc độ của Tỷ-kheo, có thể giải thích khác như sau)

… Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tốc độ vị Tỷ-kheo ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực.

(các đức tánh khác như kinh trước) …

(VIII) (258) LỰC

- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn ?

Tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này.

(IX) (259) SỐNG TRONG RỪNG

1.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng. Thế nào là với bốn ?

Với dục tầm, với sân tầm, với hại tầm, liệt tuệ, đần độn, câm ngọng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng. Thế nào là với bốn ?

Với xuất ly tầm, với vô sân tầm, với bất hại tầm, không đần độn, không câm ngọng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng.

(X) (260) HÀNH ĐỘNG

1. - Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không là bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc, không sinh lực, có tội, bị người trí quở trách, tạo nhiều vô phước. Thế nào là bốn ?

Với thân nghiệp có tội, với khẩu nghiệp có tội, với ý nghiệp có tội, với tri kiến có tội.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không là bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc, không sinh lực, có tội, bị người trí quở trách, tạo nhiều vô phước.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội, không bị người trí quở trách, tạo nhiều phước đức. Thế nào là bốn ?

Với thân nghiệp không có tội, với ngữ nghiệp không có tội, với ý nghiệp không có tội, với tri kiến không có tội.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội, không bị người trí quở trách, tạo nhiều phước đức.

XXVII. PHẨM NGHIỆP ĐẠO

(I) (261) CHẤP NHẬN (1)

1.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn pháp ?

Tự mình sát sanh, khích lệ người khác sát sanh, chấp nhận sát sanh và tán thán sát sanh.

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn pháp ?

Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, chấp nhận từ bỏ sát sanh và tán thán từ bỏ sát sanh.

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(II) (262) CHẤP NHẬN (2)

(Như trên, pháp ở đây là "lấy của không cho và từ bỏ lấy của không cho").

(III) (263) CHẤP NHẬN (3)

(Như trên, pháp ở đây là "tà hạnh trong các dục và từ bỏ tà hạnh trong các dục").

(IV) (263) CHẤP NHẬN (4)

(Như trên, pháp ở đây là "nói láo và từ bỏ nói láo").

(V) (263) CHẤP NHẬN (5)

(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói hai lưỡi và từ bỏ nói hai lưỡi").

(VI) (263) CHẤP NHẬN (6)

(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói lời thô ác và từ bỏ nói lời thô ác").

(VII) (263) CHẤP NHẬN (7)

(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói lời phù phiếm và từ bỏ nói lời phù phiếm").

(VIII) (264) CHẤP NHẬN (8)

(Như trên, pháp ở đây là "tự mình tham dục và tự mình không tham dục").

(IX) (265) CHẤP NHẬN (9)

(Như trên, pháp ở đây là "tự mình có tâm sân hận và tự mình không có tâm sân hận").


(X) (266) CHẤP NHẬN (10)

1.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn pháp ?

Tự mình có tà kiến, khích lệ người khác có tà kiến, chấp nhận tà kiến và tán thán tà kiến.

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn pháp ?

Tự mình có chánh kiến, khích lệ người khác có chánh kiến, chấp nhận chánh kiến và tán thán chánh tri kiến.

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.


XXVIII. PHẨM THAM

(I) (271) THAM

1. - Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; tùy quán thọ trên các cảm thọ … tùy quán tâm trên tâm … tùy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập.

2. - Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm không cho sanh khởi ; đối với các pháp ác bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến chúng đoạn tận; đối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến cho sanh khởi ; đối với các pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến chúng được duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bốn pháp này cần phải tu tập.

3. Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, thành tựu với dục Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tinh tấn Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tâm Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tư duy Thiền định tinh cần hành.

Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập.

4. Để liễu tri, này các Tỷ-kheo, để đoạn diệt, đoạn tận, trừ diệt, tiêu diệt, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, xả bỏ tham, bốn pháp này cần phải tu tập.

Để liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận, trừ diệt, tiêu diệt, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, xả bỏ sân... si... phẫn nộ... hiềm hận... gièm pha... nhiệt não... tật đố... xan tham... man trá... xảo trá... ngoan cố... bồng bột... mạn... say mê... phóng dật, bốn pháp này cần phải tu tập.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]