Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

82. Kinh Ratthapala

17/04/201316:22(Xem: 12205)
82. Kinh Ratthapala

Kinh Trung Bộ

82. Kinh Ratthapala


Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân chúng Kuru, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đi đến một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Thullakotthita. Các Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita được nghe như sau: "Sa-môn Gotama là Thích tử, Tôn giả xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành giữa dân chúng Kuru nay đã đến Thullakotthita với đại chúng Tỷ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được nói lên về Tôn giả Gotama: "Đây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài với thắng trí tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên bố sự chứng ngộ ấy cho người khác. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, và giới thiệu đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch". Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy".

Rồi các Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, một số người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số người nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Một số người chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên. Một số người yên lặng ngồi xuống một bên.

Rồi Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita đang ngồi một bên.

Lúc bấy giờ, một Thiện nam tử tên là Ratthapala, con trai một gia đình thượng tộc ở chính tại Thullakotthita ấy, đang ngồi trong hội chúng này. Rồi Thiện nam tử Ratthapala suy nghĩ như sau: "Như ta được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Rồi các Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita, sau khi được Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Thiện nam tử Ratthapala sau khi các Bà-la-môn, gia chủ ra đi không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Thiện nam tử Ratthapala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, như con được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Con muốn, bạch Thế Tôn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn, cho con thọ đại giới.

– Nhưng này Ratthapala, Ông có được cha mẹ bằng lòng cho Ông xuất gia chưa ?

– Bạch Thế Tôn, con chưa được cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia.

– Này Ratthapala, Như Lai không có cho ai xuất gia nếu không được cha mẹ người ấy bằng lòng.

– Như vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ làm những gì cần thiết để cha mẹ bằng lòng cho con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Rồi Thiện nam tử Ratthapala từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi ra đi, đi đến cha mẹ, sau khi đến liền thưa với cha mẹ:

– Thưa Mẹ và Cha, như con được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Hãy bằng lòng cho con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Khi được nghe nói vậy, cha mẹ Thiên nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, Con là đứa con độc nhất của mẹ cha, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala, Con không biết gì về đau khổ. Này con thân yêu Ratthapala hãy đến ăn, hãy uống và hãy ăn chơi. Ăn, uống, ăn chơi, Con có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng ta lại bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Lần thứ hai... (như trên)... Lần thứ ba, Thiện nam tử Ratthapala thưa với mẹ cha:

– Thưa Mẹ và Cha, như con được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Hãy bằng lòng cho con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Lần thứ ba, cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, Con là đứa con độc nhất của mẹ cha, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala, Con không biết gì về đau khổ. Này con thân yêu Ratthapala, hãy đến ăn, hãy sống và hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng ta lại bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Rồi Thiện nam tử Ratthapala không được cha mẹ cho xuất gia, liền ngay tại chỗ ấy nằm xuống trên đất trần và nói:

– Ta sẽ chết ở đây, hay được xuất gia.

Rồi cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, Con là đứa con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala, Con không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, này con thân yêu Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng ta lại bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Khi được nghe nói vậy, Thiện nam tử Ratthapala giữ im lặng. Lần thứ hai... (như trên)... Lần thứ ba, cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, Con là đứa con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala, Con không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, này con thân yêu Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng cái ái dục và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng Ta lại bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Lần thứ ba, Thiện nam tử Ratthapala giữ im lặng.

Rồi cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala liền đi đến các thân hữu của Thiện nam tử Ratthapala, và nói:

– Này các Thân hữu, Thiện nam tử Ratthapala nằm trên đất trần và nói: "Ở đây, ta sẽ chết, hay được xuất gia". Này các Con thân mến, hãy đi đến Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến hãy nói với Thiện nam tử Ratthapala: "Này bạn Ratthapala, Bạn là con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm phước đức, cha mẹ không bằng lòng cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Bạn có chết đi, cha mẹ còn không muốn không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại bằng lòng cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ! "

Rồi những người bạn của Thiện nam tử Ratthapala vâng theo lời cha mẹ của Thiện nam tử Ratthapala, đi đến chỗ Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến liền nói:

– Này bạn Ratthapala, Bạn là con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm các phước đức. Cha mẹ không bằng lòng cho phép Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Bạn có chết đi, cha mẹ còn không muốn không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại bằng lòng cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Khi được nghe nói vậy, Thiện nam tử Ratthapala giữ im lặng. Lần thứ hai... (như trên)... Lần thứ ba, những người bạn của Thiện nam tử Ratthapala, nói với Thiện nam tử Ratthapala:

– Này bạn Ratthapala, Bạn là con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục, và sung sướng làm các phước đức. Cha mẹ không bằng lòng cho phép Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Bạn chết đi, cha mẹ còn không muốn không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại bằng lòng cho phép Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !

Lần thứ ba, Thiện nam tử Ratthapala giữ im lặng.

Rồi các thân hữu của Thiện nam tử Ratthapala đi đến cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến liền thưa:

– Thưa Mẹ và Cha, Thiện nam tử Ratthapala đang nằm xuống trên đất trần kia và nói: "Ở đây, ta sẽ chết, hay được xuất gia". Nếu Cha Mẹ không bằng lòng cho Thiện nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, thời Ratthapala sẽ chết ở tại chỗ ấy. Còn nếu Cha Mẹ bằng lòng cho Thiện nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, thời Cha Mẹ có thể thấy Ratthapala sau khi xuất gia. Nếu Thiện nam tử Ratthapala không cảm thấy hoan hỷ trong khi xuất gia tử bỏ gia đình, sống không gia đình, thời Ratthapala không còn con đường nào đi khác hơn. Ratthapala sẽ trở lại ở đây. Hãy bằng lòng cho phép Thiện nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Này các con thân mến, chúng ta bằng lòng cho phép Thiện nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sau khi xuất gia, cần phải về thăm cha mẹ.

Rồi những thân hữu của Thiện nam tử Ratthapala, đi đến Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến, liền nói:

– Này bạn Ratthapala, Bạn là con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, ăn, uống, và vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục, và sung sướng làm các phước đức. Cha mẹ Bạn đã bằng lòng cho phép được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và sau khi xuất gia, cần phải về thăm cha mẹ.

Rồi thiện nam tử Ratthapala, sau khi đứng dậy, sau khi lấy lại sức lực, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Thiện nam tử Ratthapala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con đã được mẹ cha bằng lòng cho phép con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế Tôn hãy xuất gia cho con.

Và Thiện nam tử Ratthapala được xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn và được thọ đại giới.

Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Ratthapala thọ đại giới không bao lâu, nửa tháng sau khi thọ đại giới, sau khi ở tại Thullakotthita cho đến khi thỏa mãn, liền khởi hành đi đến Savatthi, tuần tự du hành và đến Savatthi. Ở đấy, Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, tu viện của Anathapindika. Rồi Tôn giả Ratthapala sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh tấn, không bao lâu đạt được mục đích mà các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến, tức là tự chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn giả Ratthapala trở thành một vị A-la-hán nữa.

Rồi Tôn giả Ratthapala đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ratthapala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con muốn đi thăm cha mẹ, nếu Thế Tôn cho phép con.

Thế Tôn với tâm của mình tìm hiểu tâm tư Tôn giả Ratthapala. Khi Thế Tôn được biết Thiện nam tử Ratthapala không thể từ bỏ tu học, trở lại hoàn tục, liền nói với Tôn giả Ratthapala:

– Này Ratthapala, nay Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn giả Ratthapala từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Thế Tôn, sau khi thâu xếp chỗ ở, cầm y bát và khởi hành đi đến Thullakotthita, tuần tự du hành và đến Thullakotthita. Ở đấy, Tôn giả Ratthapala trú tại vườn Lộc Uyển của vua Koravya. Rồi tôn giả Ratthapala vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Thullakotthita để khất thực. Tôn giả đi khất thực từng nhà một ở Thullakotthita và đến tại nhà người cha mình. Lúc bấy giờ người cha của Tôn giả Ratthapala đang chải tóc ở giữa gian phòng có cửa. Người cha của Tôn giả Ratthapala thấy Tôn giả Ratthapala từ xa đi đến, và nói.

– Chính vì những Sa-môn đầu trọc này mà đứa con độc nhất của chúng ta, khả ái, dễ thương đã xuất gia.

Và Tôn giả Ratthapala từ ngôi nhà của cha mình, không được bố thí, không nhận được lời từ chối chỉ nhận được lời sĩ nhục.

Lúc bấy giờ, người nữ tỳ thân gia của Tôn giả Ratthapala muốn quăng đổ cháo ngày hôm qua. Tôn giả Ratthapala nói với người nữ tỳ ấy:

– Này Chị, nếu cần phải quăng đổ cháo này, hãy đổ vào bát của tôi ở đây.

Rồi người nữ tỳ, trong khi đổ cháo ngày hôm qua ấy vào bát của Tôn giả Ratthapala, nhận diện được tướng tay, chân và giọng nói của Tôn giả. Người nữ tỳ liền đi đến người mẹ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến nói với người mẹ của Tôn giả Ratthapala:

– Thưa tôn mẫu, tôn mẫu có biết chăng, cậu ấm (ayyaputta) Ratthapala đã trở về.

– Nếu Ngươi nói đúng sự thật, Ngươi sẽ được thoát khỏi phận nô tỳ.

Rồi mẹ Tôn giả Ratthapala đi đến cha Tôn giả Ratthapala và nói:

– Thưa Gia chủ, Gia chủ có biết chăng, Thiện nam tử Ratthapala đã trở về.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ratthapala đang ăn cháo ngày hôm qua ấy, ngồi dựa vào một bức tường. Rồi người cha đến tại chỗ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến liền nói với Tôn giả Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, có phải Con đang ăn cháo ngày hôm qua ? Này con thân yêu Ratthapala, Con phải vào nhà của Con.

– Thưa Gia chủ, chỗ nào là nhà của chúng tôi, những người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ? Chúng tôi là những người không gia đình, thưa Gia chủ ! Chúng tôi có đến nhà của Gia chủ, thưa Gia chủ, nhưng tại đấy, chúng tôi không nhận được bố thí, không nhận được lời từ chối, chỉ nhận được lời sỉ nhục.

– Hãy đi vào nhà, này con thân yêu Ratthapala.

– Thưa Gia chủ, thôi vừa rồi ! Hôm nay tôi đã ăn xong.

– Vậy này con thân yêu Ratthapala, hãy nhận lời mời ngày mai đến dùng cơm.

Tôn giả Ratthapala im lặng nhận lời. Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala, sau khi được biết Tôn giả Ratthapala đã nhận lời liền về đến nhà của mình, cho chất vàng nén và tiền vàng thành một đống lớn, lấy màn che lại, và cho gọi các người vợ cũ của Tôn giả Ratthapala:

– Này các Con dâu, hãy tự trang điểm với những trang điểm mà xưa kia các Con được Thiện nam tử Ratthapala ái lạc và ưa thích.

Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi cho sửa soạn trong nhà của mình, các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, liền báo giờ cho Tôn giả Ratthapala:

– Đã đến giờ, này con thân yêu Ratthapala, cơm đã sẵn sàng.

Rồi Tôn giả Ratthapala vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến ngồi nhà của người cha mình, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala cho trình bày ra đống vàng nén và tiền vàng và nói với Tôn giả Ratthapala:

– Này con thân yêu Ratthapala, đây là tiền tài của mẹ, kia là tiền tài của cha, kia là tiền tài của tổ tiên. Này con thân yêu Ratthapala, Con có thể thụ hưởng tài vật và làm các phước đức. Này con thân yêu Ratthapala, hãy từ bỏ tu học, hoàn tục thụ hưởng các tài vật và làm các phước đức.

– Thưa Gia chủ, nếu Gia chủ làm theo lời nói của tôi, sau khi chồng chất đống vàng nén và tiền vàng này vào trong các xe, sau khi cho chở và hạ xuống giữa sông Hằng, hãy đổ đống vàng này vào giữa dòng sông. Vì sao vậy ? Này Gia chủ, vì do nhân duyên này, mà sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ khởi lên cho Gia chủ.

Rồi những người vợ cũ của Tôn giả Ratthapala ôm mỗi chân (Tôn Giả) và nói:

– Thưa Phu quân (ayyaputtaka) vì Thiên nữ nào mà Phu quân sống Phạm hạnh ?

– Các Bà chị, không phải vì Thiên nữ nào mà chúng tôi sống Phạm hạnh.

– Phu quân Ratthapala đối với chúng ta gọi chúng ta là bà chị.

Nói lên như vậy, (các người vợ cũ) liền ngã xuống đất, bất tỉnh.

Rồi Tôn giả Ratthapala nói với phụ thân:

– Thưa Gia chủ, nếu Gia chủ muốn bố thí đồ ăn thời hãy bố thí đi, chớ có phiền nhiễu chúng tôi.

– Hãy ăn, này con thân yêu Ratthapala, cơm đã sẵn sàng.

Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala tự tay thân mời và làm cho thỏa mãn Tôn giả Ratthapala với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm.

Rồi Tôn giả Ratthapala sau khi ăn xong, tay đã rời khỏi bát, đứng dậy và nói bài kệ sau đây:

Hãy nhìn hình bóng trang sức này,

Một nhóm vết thương được tích tụ,

Bệnh nhiều, tham tưởng cũng khá nhiều,

Nhưng không gì kiên cố, thường trú.

Hãy nhìn dung mạo trang sức này,
Với các châu báu, với vòng tai,
Một bộ xương được da bao phủ,
Được y phục làm cho sáng chói.
Chân được sơn với son với sáp,
Mặt được thoa với phấn, với bột,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Tóc được uốn bảy vòng, bảy lớp,
Mắt được xoa với thuốc, với son,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Như hộp thuốc trang hoàng mới mẻ,
Là uế thân được điểm thời trang,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Người thợ săn đặt bày lưới sập,
Loài nai (khôn) chẳng chạm bén chân,
Ăn lúa xong, chúng ta lên đường,
Mặc cho kẻ bắt nai than khóc.

Tôn giả Ratthapala đọc bài kệ xong đứng dậy, liền đi đến vườn Lộc Uyển của vua Koravya, sau khi đến liền ngồi xuống nghỉ trưa dưới một gốc cây.

Rồi vua Koravya nói với người thợ săn:

– Này Thợ Săn, hãy dọn dẹp đất vườn ở Lộc Uyển, ta muốn đi thăm viếng cảnh đẹp.

– Thưa vâng, Đại vương.

Người thợ săn vâng đáp vua Koravya, trong khi dọn dẹp vườn Nai, thấy Tôn giả Ratthapala đang ngồi dưới gốc cây để nghỉ trưa. Sau khi thấy vậy, người ấy liền đến vua Koravya, sau khi đến liền tâu vua Koravya:

– Tâu Đại vương, vườn Nai đã được dọn dẹp. Và ở đấy có Thiện nam tử tên là Ratthapala là con một thế gia ở Thullakotthita mà Đại vương thường hay tán thán, vị ấy đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.

– Này Thợ săn, hôm nay thế là vừa đủ về vườn cảnh. Nay chúng ta muốn cung kính cúng dường Tôn giả Ratthapala.

Rồi vua Koravya, sau khi nói: "Ở đây, hãy đem bố thí tất cả món ăn đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm", ra lệnh cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe thù thắng, liền cùng với các cỗ xe đi ra khỏi Thullakotthita để yết kiến Tôn giả Ratthapala với đại uy phong của bậc đế vương. Sau khi cỡi xe cho đến chỗ đất còn có thể cỡi xe được, Ngài xuống xe, đi bộ, cùng với hàng tùy tùng vương hầu, đến chỗ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Ratthapala, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Đứng một bên, vua Koravya bạch Tôn giả Ratthapala:

– Ở đây xin mời Tôn giả Ratthapala ngồi xuống trên nệm voi.

– Thôi vừa rồi, Đại vương ! Đại vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi.

Rồi vua Koravya ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Koravya bạch Tôn giả Ratthapala:

– Bạch Tôn giả Ratthapala, có bốn sự suy vong này. Chính do thành tựu bốn sự suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn ? Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong. Này Tôn giả Ratthapala, thế nào là lão suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Vị ấy suy tư như sau: "Nay ta đã già, niên cao lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Vị này, do thành tựu lão suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala được gọi là lão suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala nay còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời; Tôn giả Ratthapala đâu có lão suy vong ? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?

Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là bệnh suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala, có người bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh, thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Vị này do thành tựu bệnh suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là bệnh suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala nay ít bệnh, ít não, tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng; Tôn giả Ratthapala đâu có bệnh suy vong ? Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?

Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là tài sản suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người giàu sang, tiền của nhiều, tài vật nhiều, và những tài vật của vị ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta trước đây giàu sang, tiền của nhiều, tài sản nhiều. Những tài vật ấy của ta dần dần đã đi đến suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Vị này do thành tựu tài suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala được gọi là tài suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala chính tại Thullakotthita này, là con của một lương gia đệ nhất; Tôn giả Ratthapala đâu có tài sản suy vong ? Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?

Và này Tôn giả Ratthapala, thế nào là thân tộc suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống, những thân hữu quyến thuộc của người ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Người ấy suy tư như sau: "Trước kia, ta có nhiều người thân hữu quen biết, bà con huyết thống. Những thân hữu quyến thuộc ấy của ta dần dần đi đến chỗ suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Vị này do thành tựu thân tộc suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là thân tộc suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala ở chính tại Thullakotthita này, có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống, Tôn giả Ratthapala đâu có thân tộc suy vong ? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, đây là bốn loại suy vong, do thành tựu bốn loại suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình; Tôn giả Ratthapala đâu có những loại ấy ? Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?

– Thưa Đại vương, có bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn ?

"Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt", thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Thế giới là vô hộ, vô chủ", thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ hai, do Thế Tôn, bậc Tri Giả. Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả", thưa Đại vương đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ ba, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái", thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ tư, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thưa Đại vương, đây là bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt, " ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Khi Ngài 20 tuổi, hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh, và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nay Đại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không ?

– Không như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi nghĩ: "Ở đây, ta sẽ bước chân", nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác.

– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt", và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật vi diệu thay, Tôn Giả Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt. Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", ý nghĩa của lời nói này, cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không ?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi có bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng xung quanh tôi và nói: "Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh chung".

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có thể nói chăng, với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của Đại vương: "Mong rằng Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi ! Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn"; hay là Đại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình ?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi không có thể nói với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của tôi: "Mong rằng các Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này để có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn"; và tôi chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình".

– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là vô hộ, vô chủ. Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên mặt đất". Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả". Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Dầu cho nay Đại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, Đại vương có thể nói được như sau: "Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng này"; hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Đại vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình ?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, dầu cho nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng. Tôi không có thể nói được như sau: "Chính như vậy tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng này". Chính người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi.

– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả". Và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả". Thật vậy thưa Tôn giả Ratthapala thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả. Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái". Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Có phải Đại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh ?

– Thưa vâng, Tôn giả Ratthapala. Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực đến với Đại vương từ phương Đông, và sau khi đến tâu với Đại Vương: "Tâu Đại vương, Đại vương có biết chăng ? Tôi từ phương Đông lại. Ở đấy, tôi có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi, tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Đại vương, hãy đi chinh phục !" Đại vương sẽ hành động như thế nào ?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi chinh phục, quốc độ ấy tôi sẽ trị vì.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây có người đến với Đại vương từ phương Tây ... (như trên) ... từ phương Bắc ... (như trên) ... từ phương Nam ... (như trên) ... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu với Đại vương: "Tâu Đại vương, Đại vương có biết chăng? Tôi từ bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi. Tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Đại vương , hãy đi chinh phục". Đại vương sẽ hành động như thế nào?

– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi chinh phục, tôi sẽ trị vì.

– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái, " và tôi sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.

Tôn giả Ratthapala đã giảng như vậy, sau khi giảng như vậy xong, lại nói thêm như sau:

Ta thấy người giàu sang ở đời,

Có của vì si không bố thí.
Vì tham, họ tích tụ tài vật,
Và chạy theo dục vọng càng nhiều.
Dùng bạo lực, chinh phục quả đất,
Vua trị vì cho đến hải biên,
Không thỏa mãn bờ biển bên này,
Và chạy theo bờ biển bên kia.
Vua cùng rất nhiều loại người khác,
Ái chưa ly, mạng chung đã đến,
Bị thiếu thốn, không bỏ thân họ,
Không thỏa mãn lòng dục ở đời.
Quyến thuộc tán loạn, khóc người ấy:
"Than ôi, người ấy không bất tử ! ".
Mạng thân người ấy vải bao phủ,
Họ đốt lửa làm lễ hỏa thiêu.
Bị thọc với cây, người ấy cháy,
Độc mảnh vải, bỏ tiền của lại.
Ở đây, quyến thuộc cùng thân hữu,
Không nơi nương tựa cho kẻ chết.
Kẻ thừa tự, nhận mang tài sản,
Riêng con người, theo nghiệp phải đi,
Tiền của đâu có theo người chết,
Cả vợ con, tài sản, quốc độ.
Tài sản không mua được trường thọ,
Phú quý không tránh được già suy,
Kẻ trí nói đời này thật ngắn,
Thật vô thường, biến đổi luôn luôn.
Kẻ giàu, kẻ nghèo đều cảm xúc,
Người ngu, kẻ trí đồng cảm thọ,
Kẻ ngu bị ngu đánh nằm ngã,
Bậc trí cảm xúc, không run sợ.
Do vậy, trí tuệ thắng tài vật,
Nhờ trí, ở đây được viên thành.
Không thành mãn trong hữu, phi hữu,
Kẻ ngu tạo tác các ác nghiệp.
Nhập thai thác sanh thế giới khác,
Người ấy luân hồi, tiếp tục sanh,
Kẻ thiểu trí chắc hẳn phải là
Nhập thai và sanh thế giới khác.
Như kẻ trộm bị bắt khi trộm,
Ác tánh hại mình do tự nghiệp,
Chúng sanh cũng vậy chết đời khác,
Ác tánh hại mình, do tự lực.
Dục vọng nhiều loại, ngọt, khả ái,
Nhiễu loạn tâm dưới nhiều hình thức,
Thấy hoạn nạn trong dục trưởng dưỡng,
Nên tôi xuất gia, tâu Đại vương !
Như quả từ đây, người bị rụng,
Cả già lẫn trẻ, khi thân hoại,
Do thấy chính vậy, tôi xuất gia,
Hạnh Sa-môn phải là tối thắng,
Thưa Đại vương !



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]