Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Bản I

02/04/201317:46(Xem: 13431)
Phụ Bản I
Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa Thâm

Phụ Bản I
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Nguồn: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan


Phần phụ bản thứ nhất là ghi lại những tài liệu có quan hệ đển Kinh Pháp Hoa để giúp chúng ta rộng dường hiểu biết. Những tài liệu này là những bài học rất cần thiết cho sự kiến giải của chúng ta nếu như muốn tham cứu chiều sâu rộng của Kinh Pháp Hoa đã được Tông Thiên Thai phê phán và phân loại. Sự phê phán và phân loại của Tông Thiên Thai về nội dung của Kinh Pháp Hoa qua nhiều lãnh vực lý giải. Đây cũng là những tài liệu đáng giá cho chúng ta mở rộng tầm mắt trong việc nghiên cứu và tu tập. Tôi xin trích trích dịch ra đây để cống hiến quý đọc giả hành trì Kinh Pháp Hoa tiện việc tham khảo.

Còn phụ bản thứ hai là biên soạn tài liệu về xuất xứ và lịch sử phiên dịch về Kinh Pháp Hoa để chúng ta thấy được tầm giá trị của bộ kinh này qua chiều dài lịch sử truyền bá mà đã được các giới học giả đông tây cổ kim lưu tâm. Những tài liệu này cũng là một dữ kiện có tính cách văn học nhằm đem lại cho chúng ta hiểu thêm trình độ kiến giải của các nhà phiên dịch qua những tác phẩm của họ lưu truyền. Tôi xin ghi lại hầu cống hiến quý đọc giả tiện việc tham khảo.

I.- PHÁP HOA NHỊ DIỆU

(Rút ra trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa)
1/- Tương đãi diệu
2/- Tuyệt đãi diệu

Chữ Diệu nghĩa là sự mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Chữ Diệu ở đây không phải là tâm tư của các Bồ Tát, ngôn ngữ cũng không thể luận bàn đến. Theo ý chánh của Kinh Pháp Hoa, chữ Diệu gồm có hai nghĩa là khai huyền và hiển thật.

Khai Huyền Hiển Thật: Khai là phát, là mở ra. Giáo pháp của ba thừa, Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thì thuộc về Huyền. Hiển là lộ diện, là hiện bày. Giáo lý giáo pháp của Phật Thừa thì thuộc về Phật. Phật nói Kinh Pháp Hoa chính là khai huyền ba thừa để hiển bày chân thật nhất thừa. Khai Huyền là thuộc về Tương Đãi Diệu và Hiển Thật là thuộc về Tuyệt Đãi Diệu.

1- Tương Đãi Diệu: Đãi tức là đối đãi, do kia trông đợi nơi đây gọi là đãi. Tương tức là hình tướng của kia và đây hổ tương với nhau nên gọi là tương. Tương Đãi Diệu, nghĩa là pháp thô tương đối nói trước để hiển bày pháp diệu tuyệt đối nói sau.

Theo Kinh Pháp Hoa, hình tướng thuyết pháp bốn thời ba giáo nói trước là thuộc về pháp thô và hình tướng thuyết Kinh Pháp Hoa nói sau là thuộc về pháp diệu. Về phương diện Khai Huyền, nghĩa thứ nhất của chữ Diệu là, đợi bốn thời đầy đủ tuyệt đối rồi sau đó mới nói Kinh Pháp Hoa nên gọi khai huyền và cũng gọi là Tương Đãi Luận. Tương Đãi Luận nghĩa là luận bàn những pháp thuộc tương đối. Theo Kinh Pháp Hoa, Tương Đãi Luận là trong khi hiển bày Kinh Pháp Hoa trước hết bốn thời và ba giáo phải được mở bày xong. Kinh nói rằng: [cõi Phật trong mười phương chỉ có pháp nhất thừa]. Kinh lại nói tiếp: [rõ biết các pháp Thanh Văn, Pháp Hoa là vua của các kinh].
Bốn thời là: thời Pháp Hoa, Thời Lộc Uyển, thời Phương Đẳng và thời Bát Nhã. Ba Giáo là: Tạng Giáo (Giáo lý của Tiểu Thừa), Thông Giáo (Giáo lý thông cả Tiểu Thừa và Đại Thừa) và Biệt Giáo (Giáo lý đặc biệt của Đại Thừa).
2- Tuyệt Đãi Diệu: nghĩa là các pháp thô ở trước đã dứt hẳn, hình tướng đối đãi lại không còn nữa, nghĩa là huyền ba thừa của Pháp Hoa đã mở xong thì ngay lúc đó chân thật của Phật Thừa đã ẩn tàng, ngoài thật không có huyền và ngoài huyền không có thật, thật tức là huyền, huyền tức là thật, nên gọi là tuyệt đãi diệu.

II.- PHÁP HOA TAM CHU ĐẶNG THỌ KÝ LÀM PHẬT

(Rút ra trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 10)
A.- ĐỊNH NGHĨA:
a- Tam Chu, nghĩa là đủ hạng:
b- Pháp Hoa Tam Chu, nghĩa là đức Phật thuyết pháp Kinh Pháp Hoa để độ ba hạng Thinh Văn có căn cơ lanh lợi và đần độn, có khả năng giác ngộ trước và sau.

Đối với hàng Thinh Văn, đức Phật căn cứ vào ba hạng trình độ là Thượng Căn, Trung Căn và Hạ Căn thuyết Kinh Pháp Hoa để thọ ký cho họ làm Phật. Do đó lối thuyết pháp này của Phật được gọi là Pháp Hoa Tam Chu Đặng Thọ Ký Làm Phật.

B.- NỘI DUNG THUYẾT PHÁP:
Về phần Tích Môn, đức Phật thuyết Kinh Pháp Hoa để thọ ký cho ba hạng Thinh Văn thành Phật như sau:

1.- Hạng nói pháp:
Đối với một mình ngài Xá Lợi Phất là hạng thượng căn, đức Phật nói thẳng lý chân thật của Diệu Pháp khiến cho ngài ngộ được Nhứt Thừa. Đây là cách thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất để được làm Phật. Lối thuyết pháp này của đức Phật có liên quan đến phẩm Phương Tiện và phẩm Thí Dụ ở trước.

2. Hạng nói dụ:
Đối với hạng trung căn gồm bốn vị trong nhóm ngài Đại Ca Diếp (bậc Thượng Tọa) , Tuệ Mệnh Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên và Đại Mục Kiền Liên (Duy Na), đức Phật nói thí dụ ba xe, nghĩa là lúc đầu huyền biết hứa bố thí cho ba xe và sau đó hiển bày chân thật chỉ có một xe lớn để khiến cho họ nhân đó ngộ được Nhứt Thừa, vì hạng này đối với pháp Nhứt Thừa đã nói ở trên đều không giác ngộ. Đây là cách thọ ký cho nhóm này để được làm Phật. Lối thuyết pháp này của đức Phật có liên quan đến bốn phẩm: phẩm Thí Dụ, phẩm Tín Giải, phẩm Dược Thảo và phẩm Thọ Ký.

3.- Hạng nói nhân duyên:
Ngoài ra hạng Thinh Văn thuộc hạ căn đối với hai hạng Pháp và Dụ đã trình bày ở trên đều không thể thông suốt. Hạng hạ căn này gồm có:
a- Ngũ Bách Đệ Tử: Phú Lâu Na, Kiều Trần Như, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ca Lưu Đà Di, Ưu Đà Di, A Nậu Lâu Đà, Ly Bà Đa, Chu Đà Sa Dà Đà v.v... tất cả là 500 vị.
b- Hạng Thọ Học Vô Học: A Nan (Thị Giả cho Phật), La Hầu La và 2,000 người thuộc hạng Hữu Học cũng như hạng Vô Học. Trong đây có Đề Bà Đạt Đa.
c- Hạng Khuyến Khích Thọ Trì: Ba Xà Ba Đề Tì Kheo Ni Dì Mẫu của Phật. Da Du Đà La mẹ của ngài La Hầu La và 6,000 Tỳ Kheo Ni hữu học và vô học.
Đối với những hạng Thinh Văn hạ văn ở trên, đức Phật liền nói ở Nhân Duyên kiếp trước của ngài khi ngài được đức Phật Đại Thông Trí Thắng trao truyền hạt giống Nhứt Thừa cho nên ngày nay mới được chứng quả Bồ Đề khiến cho họ vào được đạo Nhứt Thừa. Đây là cách thọ ký cho những hạng này được vào đạo Nhứt Thừa. Lối thuyết pháp này của đức Phật có liên quan đến các phẩm như: phẩm Hóa Thành Dụ, phẩm Ngũ Bách Thọ Ký v.v...

III PHÁP HOA BẢY DỤ

(Pháp Hoa Văn Cú)
1.- Hỏa Trạch Dụ
2.- Cùng Tử Dụ
3.- Dược Thảo Dụ
4.- Hóa Thành Dụ
5.- Y Châu Dụ
6.- Kiết Châu Dụ
7.- Y Tử Dụ

1.- Hỏa là dụ cho cái khổ ngũ trược v.v... của chúng sanh. Trạch là dụ cho ba cõi. Hỏa Trạch nghĩa là dụ cho cái khổ ngũ trược v.v... của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Tám khổ năm trược của chúng sanh trong ba cõi luôn luôn bức bách không được yên ổn, cũng như nhà lớn bị lửa thiêu đốt không được an cư nên gọi hỏa trạch là dụ.

2.- Người Nhị Thừa không có trang nghiêm công đức pháp thí và tài thí của Đại Thừa, cũng như người bần cùng thiếu thốn tư lương cơm ăn áo mặc để sinh hoạt cho thân mạng, nên gọi cùng tử là dụ. (Công đức pháp thí và tài thí nghĩa là công của lục độ vạn hạnh).

3.- Dược thảo là dụ cho người căn tánh của ba thừa. Cây có ba loại, cây hạng nhỏ, cây hạng trung và cây hạng lớn. Cây hạng nhỏ là dụ cho người và trời, cây hạng trung là dụ cho Thinh Văn và Duyên Giác, cây lớn nhỏ không đồng nhau, nhưng nếu được mây mưa thấm nhuần thì cũng đều nảy mầm xanh lá và cũng có thể trị bệnh cho mọi người. Người của ba thừa, căn tánh tuy cao thấp không đồng nhau, nếu như được thấm nhuần mây lành mưa pháp của đức Như Lai thì có thể trở thành Đại Y Vương, để cứu độ quần sanh, nên gọi Dược Thảo là dụ.

4.- Trạng thái không đột nhiên là hiện ra có gọi là hóa và phòng kẻ gian, ngừa kẻ địch gọi là thành. Niết Bàn có thể phòng kẻ gian Kiến Hoặc, Tư Hoặc và ngừa kẻ địch sanh tử. Như có người đi về Bảo Sở giữa đường lại muốn quay trở lại, nhưng trong đoàn đi đó có đạo sư Thống Huệ phương tiện biến ra Hóa Thành để tạm dừng chân và sau đó giúp họ đến được Bảo Sở. Đức Thế Tôn vì muốn cho người hạng Nhị Thừa dứt hẳn sinh tử lưu chuyển cho nên phương tiện huyền khai giáo lý Trung Thừa và Đại Thừa khiến họ trước hết đoạn trừ phiền não của Kiến Hoặc và Tư Hoặc để chứng Chân Không Niết Bàn đặng bồi dưỡng và sau đó đưa họ đến cứu cánh Bảo Sở, nên gọi Hóa Thành là dụ. (Bảo Sở là dụ cho lý của Thật Tướng, tức là Đại Niết Bàn cứu cánh).

5.- Y Châu nghĩa là ngọc châu trong áo. Như có người đến nhà bạn hữu say rượu nằm ngủ, người bạn liền lấy ngọc châu cột trong áo của anh, nhưng anh không biết mình có ngọc châu nên tự chịu lấy sự nghèo khổ. Sau này, người bạn thân mới nói với anh rằng: (Trong áo nơi thân anh, tự có bảo châu vô giá, tại sao anh lại nghèo khổ như thế?) Người bạn từ đó được ngọc châu tiêu dùng no đủ, không còn nghèo khổ nữa. Đây là dụ cho người hành Nhị Thừa, thuở xưa vào thời đức Phật Đại Thông ra đời, đã từng gieo giống Đại Thừa, nhưng bị vô minh che lấp cho nên không thể biết rõ mình đã sãn có hạt giống đó. Về sau nhờ Phật phương tiện khai thị liền chứng đặng đạo quả Đại Thừa, được lợi lạc vô cùng, nên gọi Y Châu là dụ.

6.- Kiết Châu là hạt châu trong búi tóc của Luân Vương. Luân Vương là dụ cho đức Như Lai, búi tóc là dụ cho huyền giáo của Nhị Thừa và hạt châu là dụ cho thật lý của Nhứt Thừa. Hạt châu ở trong búi tóc là dụ thật lý đã ẩn ở trong huyền. Nhân đây đức Như Lai nơi trong hội Pháp Hoa khai huyền hiển thật để thọ ký cho hàng Nhị Thừa đặng thành Phật, dụ Luân Vương mở hạt châu trong búi tóc cùng các công thần tiêu dùng, nên gọi Kiết Châu là dụ.

7.- Y là dụ cho đức Như Lai và Tử là dụ cho người của ba Thừa. Các con không biết nnê uống lầm thuốc độc và tâm bị tán loạn. Người cha thiết lập phương tiện khiến cho các con uống thuốc linh dược để khỏi bịnh cuồng loạn. Đây là thí dụ người của ba Thừa tin thọ huyền giáo, không tin chánh đạo. Đức Như Lai thiết lập các phương tiện, khiến họ uống lại Pháp Dược Đại Thừa sớm trừ khổ não, không cho các khổ hoạn phục hồi, nên gọi Y tử là dụ.

IV.- PHÁP HOA LỤC THỤY

(Sáu dấu hiệu Pháp Hoa)
(Pháp Hoa Văn Cú)
1.- Dấu hiệu thuyết pháp
2.- Dấu hiệu nhập định
3.- Dấu hiệu mưa hoa
4.- Dấu hiệu động đất
5.- Dấu hiệu đại chúng hoan hỷ
6.- Dấu hiệu phóng quang

Diệu lý của Kinh Pháp Hoa thì rất mầu nhiệm, người đời khó tín thọ, cho nên trước hết dùng dấu hiệu tương kính thường tình biến hiện để phát sanh sự khát ngưỡng. Đức Như Lai liền mở bày pháp nhiễm tâm để diệu đạo dễ nương tựa và những điều bí mật có chỗ biểu hiện. Từ đó Kinh Pháp Hoa có đầy đủ sáu dấu hiệu:

1.- Đức Phật sắp nói Kinh Pháp Hoa, trước hết nói nghĩa kinh vô lượng để làm lời tựa cho Pháp Hoa. Từ một pháp, đức Phật nói nghĩa vô lượng và nghĩa hội vô lượng để quy về một pháp. Cho nên nghĩa kinh vô lượng và lời tựa của chúng hội Pháp Hoa Quy Nhất. Kinh nói rằng: (Nói kinh Đại Thừa gọi là nói nghĩa vô lượng). Vả lại đức Phật nói pháp là nghi thức thông thường của Phật và như thế sẽ được những dấu hiệu gì?
Nguyên do đức Phật tuy hoàn tất nói nghĩa kinh vô lượng và nhơn trong lúc đại chúng chưa phân tâm, ngài cho họ nghe thấy những sự việc đặc biệt kỳ lạ để báo hiệu sắp nói pháp kỳ lạ nên gọi là dấu hiệu nói pháp.

2.- Đức Phật sắp nói Kinh Pháp Hoa vì muốn chúng hội quy nhất, cho nên trước hết nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ này. Kinh nói: (nhập vào Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội). Vả lại nhập định cũng là nghi thức thông thường của Phật và như thế sẽ được những dấu hiệu gì?
Nguyên do đức Phật vào Khai Định là ý đang ở nơi Hiệp Định và đây cũng là một thứ thiền định khác lạ nên gọi là dấu hiệu nhập định. (Khai Định nghĩa là Thiền Định Vô Lượng Nghĩa Xứ. Hiệp Định nghĩa là Thiền Định của Pháp Hoa Chúng Hội Quy Nhất).

3.- Đức Phật sắp nói Kinh Pháp Hoa cho nên chư Thiên rải bốn thứ hoa cúng dường nhằm tiêu biểu cho Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa là những nguyên nhân của các Bồ Tát đang được thành Phật cho nên báo hiệu bằng cách mưa hoa cúng dường. Kinh nói: (Chư Thiên cho mưa bốn thứ Hoa Mạn Đà La v.v...)

4.- Đức Phật sắp nói Kinh Pháp Hoa cho nên sáu thứ chấn động cõi đất là để biểu thị cho giáo lý viên mãn của Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác. Sáu thứ này lần lượt phá trừ Vô Minh Hoặc, Vô Minh mặc dù bàng bạc khắp nơi, nhưng chưa từng xâm nhập và hủy diệt Phật Tánh, cho nên mới có thể phá hoại. Do đó sự động đất là biểu tượng cho sáu thứ trên, nên gọi là dấu hiệu địa động. Kinh nói: (Khắp các cõi Phật, sáu thứ chấn động).

5.- Đại chúng khi thấy mưa hoa và động đất liền biết được Phật Thế Tôn nhất định sắp nói đại pháp cho nên trong lòng đầy sự hân hoan khích động, đây là biểu tượng đại cơ đang phát. Kinh nói: (Đại chúng được những điều chưa từng có, hoan hỷ chắp tay nhất tâm nhìn Phật). Vả lại sự hỷ nộ là thường tình của con người và như thế sẽ được những dấu hiệu gì?
Nguyên do hoa trời làm vui con mắt và đất động là chấn động trong tâm, đó là dấu hiệu bên ngoài; còn dấu hiệu bên trong là tâm hoan hỷ. Các hỷ phi thường đó đã chứa sẵn từ lâu, không phải vì sự chấn động làm hoan hỷ. Hôm nay sự chấn động làm trợ duyên, cho nên hoan hỷ phát sanh nên mới có thể nhất tâm xem Phật, đây gọi là dấu hiệu chúng hỷ.

6.- Đức Phật phóng hào quanh chiếu soi từ cõi này đến cõi kia là báo hiệu sắp nói Kinh Pháp Hoa và ngài mỗi khi sắp nói kinh Đại Thừa cũng thường phóng hào quang như thế, cho nên trước khi nói kinh, đức Phật báo hiệu bằng cách phóng quang chiếu soi. Kinh nói: (Phật phóng Bạch Hào Tướng Quang nơi giữa lông mày chiếu khắp một vạn tám ngàn thế giới phương đông).

V.- PHÁP HOA NGŨ TRÙNG HUYỀN NGHĨA (Pháp Hoa Huyền Nghĩa)

1.- Pháp Dụ làm Danh Huyền Nghĩa
2.- Thật Tướng làm Thể Huyền Nghĩa
3.- Nhất Thừa Nhân Quả làm Tông Huyền Nghĩa
4.- Đoạn Nghi Sanh Tín làm Dụng Huyền Nghĩa
5.- Vô Thượng Đề Hồ làm Giáo Tướng Huyền Nghĩa

Thiên Thai Trí Giá Đại Sư mỗi khi giải thích các kinh đều đứng trên lập trường Ngũ Trùng Huyền Nghĩa. Ngũ Trùng Huyền Nghĩa là: Thích Danh, Biện Thể, Minh Tông, Luận Dụng và Phán Giáo Tướng. Cho nên Kinh Pháp Hoa đây cũng có nghĩa Ngũ Trùng Huyền Diệu.

1.- Pháp tức là Diệu Pháp và dụ tức là Liên Hoa. Diệu Pháp: Diệu là tên không thể nghĩ bàn và Pháp là pháp huyền thật của thập giới, thập như. Nguyên do Diệu Pháp thì khó giải thích và mượn dụ thì dễ bày tỏ. Diệu Pháp thì thuộc về Huyền và Thật cả hai cùng một thể. Liên Hoa thì thuộc về hoa và quả đồng thời, nên dùng Liên Hoa để đặt tên cho Diệu Pháp, do đó gọi Liên Hoa là Pháp Dụ làm Danh.

2.- Trung Đạo Thật Tướng giải bày diệu thể của kinh này, nên gọi Thật Tướng làm thể.

3.- Nhất Thừa tức là Nhất Thật Tướng. Tông tức là yếu chỉ. Nghĩa là người tu cái hạnh của Thật Tướng này làm nhân thì chứng được cái lý của Thật Tướng này làm quả, nên gọi Nhất Thừa Nhân Quả làm Tông.

4.- Dụng tức là lực dụng. Nghĩa là dùng Đại Thừa Diệu Pháp khai thị viên cơ, nơi Tích Môn khiến dứt hẳn cái nghi về huyền để sanh cái tin về thật; nơi Bổn Môn khiến dứt hẳn cái nghi nơi gần để sanh cái tín nơi xa, nên gọi Đoạn Nghi Sanh Tín làm dụng.

5.- Thánh nhân tỏ lòng dạy bảo gọi là giáo, phân biệt đồng dị gọi là Tướng. Sự mầu nhiệm của kinh này thì rất thuần nhất và tròn sáng, nhưng sự khác biệt của nó là biến ra từng mảnh các giáo lý của kinh, cũng như dụ cho chất Đề Hồ. Vị của Đề Hồ là hai thứ Tô của sữa và lạc không giống nhau sanh ra, nên gọi Vô Thượng Đề Hồ làm giáo tướng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567