Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 91: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

27/06/201811:16(Xem: 5264)
Bài 91: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH

THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA
TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Phạm tội Tứ Trọng, Thập Ba La Di: Là phạm cả 4 tội cướp của, nói dối, tà dâm, giết người là tội cực ác, phải chịu cái quả báo cực khổ cho đến cùng tột ở tất cả các địa ngục A-tỳ. Kẻ phạm tội như vậy, chỉ cần dùng: "một niệm đem pháp môn này khai thị cho người sơ học trong đời mạt pháp liền được tội chướng tiêu diệt, biến cái nhân khổ địa ngục thành cõi an lạc”; vậy nếu thật như thế thành không có nhân quả sao? Nếu người hiểu lầm việc này thì cho là làm cái nhân cực ác cũng không sao, vì chỉ cần biết thuyết pháp thì tội lớn đến mức nào cũng tiêu ngay lại còn được phước báo tốt vô cùng tận, thì thật là trái ngược lại với các Kinh về Nhân Qủa mà Đức Phật đã giảng dạy.

     Chứng Đạo Ca nói: "Liễu thì nghiệp chướng vốn là không, chưa liễu vẫn phải trả nợ xưa". Liễu là liễu ngộ, tức là ở trong chiêm bao thức tỉnh thì nghiệp chướng ở trong chiêm bao tự tiêu diệt, còn chưa liễu thì còn ở trong chiêm bao phải chịu nghiệp báo trong chiêm bao không thể tiêu liền được. Do đó chúng ta phải hiểu người liễu ngộ mới có thể liền tiêu nghiệp chướng, Người giảng giải Kinh Phật có 2 loại: Một là người đã giải thoát liễu ngộ khi khai thị cho người học giáo lý thì đương nhiên là tội chướng của người này không còn, cái nhân khổ địa ngục thành cực lạc. Hai là người còn đang học và hành trì Phật pháp mà có thể giảng giải cho người mới học giáo lý, thì người thiện tri thức này phải cố gắng hành trì và như thế sẽ có một ngày nào đó giải thoát liễu ngộ. Chúng ta phải hiểu như thế mới phù hợp và đúng với ý nghĩa mà Đức Phật đã dạy trong các Kinh vậy.

      Đức Phật cho biết: Chư Phật trong quá khứ đã nghiệm xét, phân biệt và đã chiến thắng các sai sót, thẳng tiến đến giác ngộ Bồ đề. Đức Phật lưu ý: Sau khi Ngài diệt độ, các đệ tử của Phật phải hướng dẫn cho những người tu tập thiền, học hỏi Phật pháp, nhận rõ các sai sót trong lúc tu thì ấm ma tự tiêu, thiên ma tự biến, ly mị vọng lượng không sinh ra được.

     Đức Phật bảo đại ý: Chúng sinh trong đời mạt pháp chưa hiểu cách tập trung tư tưởng vào một đề tài đến khi chân lý sáng tỏ (Thiền Na), chẳng biết Phật pháp mà ưa tu “Không, Vô Tướng, Vô Nguyện” (tam muội), e họ mắc phải thấy sai (tà kiến), nên khuyên họ tụng Chú “Phật Đảnh Đà La Ni” tức tụng Chú Lăng Nghiêm này.

 

     Để trả lời Tôn giả A Nan Đà hỏi: “Ngũ Ấm đâu là bờ bến và cần tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp?” Đức Phật giảng đại ý rằng: Gốc biết (Bản giác) vốn tròn sáng không có tướng sinh tử, vọng thì không có nhân, khi chưa hết vọng, nhìn vạn pháp cho đó là nhân duyên sinh. Khi tính nhân duyên mê thì gọi là tự nhiên có, nhân duyên đều là những so đo của vọng tưởng, gốc nhân của Năm Ấm cũng là vọng tưởng như vậy.

 

1. VỌNG TƯỞNG CỦA NGŨ ẤM:

 

      Thân thể của con người cũng nhân cái tưởng của cha mẹ mà sinh, tâm của con người nếu không phải tưởng thì không thể đến gá cái mạng vào trong tưởng. Như tâm tưởng vị chua, trong miệng nước bọt chảy ra, tâm tưởng leo cao trong lòng bàn chân cảm thấy ghê rợn; do đó Thân Tâm có các hiện tượng như sau:

 

1- SẮC THÂN CÓ VỌNG TƯỞNG KIÊN C:

     Chua chưa đến, thân thể của con người nếu không phải cùng loại với vọng tưởng thì làm sao nhân nghe nói chua, trong miệng nước bọt lại chảy ra? Vì vậy cho nên biết “Sắc Thân” hiện tiền của con người gọi là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

 

2- CẢM THỌ CÓ VỌNG TƯỞNG HƯ MINH:    

     Dốc cao không có, ngay nơi tâm tưởng tượng bước lên cao, có thể khiến thân con người chịu sự ghê rợn, đó là nhân Cảm Thọ mà sinh ra, khiến xúc động đến sắc thân. Nên biết hiện nay hai thứ "Cảm Thọ", thọ sung sướng hoặc thọ ghê sợ buồn rầu, đang rong ruổi ngự trị nơi con người, đó là vọng tưởng hư minh thứ hai.

3- NIỆM TƯỞNG CÓ VỌNG TƯỞNG DUNG THÔNG:   

     Bởi do Niệm Tưởng sai khiến Sắc Thân, nếu Sắc Thân với Niệm Tưởng chẳng cùng loại, thì tại sao thân người lại theo Tưởng Nhớ sai khiến? Đủ thứ hiện tượng tương ưng với Niệm Tưởng, hễ tâm sinh thì thân nhận, lúc thức thì Tưởng Nhớ, lúc ngủ thì chiêm bao; vậy thì “Niệm Tưởng” của con người lay động vọng tình, gọi là Vọng Tưởng Dung Thông thứ ba.

 

4- HÀNH CÓ VỌNG TƯỞNG U ẨN:    

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà rằng: “Sự chuyển hóa không ngừng thầm dời đổi: móng tay ra, tóc dài, khí lực mòn, da mặt nhăn, ngày đêm biến đổi mà không hay biết; nếu những cái đó không phải là ông thì làm sao thân ông lại thay đổi, nhưng nếu những thứ đó là ông thì sao ông không hay biết? Vậy các "Hành" luôn luôn (niệm niệm) không dừng, gọi là vọng tưởng u ẩn thứ tư”.

 

5- THỨC CÓ VỌNG TƯỞNG VI T:     

     Chỗ tinh minh đứng lặng không lay động của con người gọi là thường còn, trong khi thân không ra ngoài những sự thấy, nghe, tỉnh, biết (kiến, văn, giác, tri). Nếu "cái thường còn" đó, thật là tánh tinh chân của con người thì lẽ ra nó không huân tập tiếp thu những điều vọng. Nếu như vậy thì không thể có chuyện sau khi đã xem thấy một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau tình cờ gặp lại vật đó thì nhớ lại rõ ràng. Vậy nên biết rằng cái tánh tinh minh đứng lặng đó, từng niệm, từng niệm chịu huân tập không thể tính lường hết được.

     Nên biết cái tính đứng lặng đó không phải thật, như nước chảy gấp mà trông như đứng lặng vậy thôi, chứ không phải không chảy. Vì nếu cái tính đứng lặng của con người không phải vọng tưởng thì đâu lại chịu để vọng tưởng huân tập vào; chừng nào mà Sáu Căn chưa được tự tại, hợp lià dùng thay lẫn nhau thì cái vọng tưởng đó không thể nào diệt được. Vậy nên biết rằng cái “Thức”, tức là tập khí quán xuyến, điều khiển những điều “thấy, nghe, tỉnh, biết” là cái vọng tưởng điên đảo vi tế huyễn hóa trống rỗng thứ năm.

 

2. BỜ BẾN CỦA NGŨ ẤM:

 

     Để trả lời câu thắc mắc của Tôn giả A Nan hỏi về ngũ ấm đến đâu là bờ bến, ở đây Phật giải thích kỹ càng, có nguyên nhân có bờ bến, từ cạn vào sâu cần ghi nhớ như sau:

 

1- SẮC VÀ KHÔNG:

     Sắc và Không là bờ bến của Sắc Ấm, vì Sắc chẳng tự có Sắc mà vì có Không gian mới thể hiện ra Sắc, có cái Không mới có chỗ cho con người, cái nhà cái xe, v.v… do đó Sắc với Không là bờ bến của Sắc Ấm.

 

2- XÚC VÀ LÌA:

     Xúc và Lià là bờ bến của Thọ Ấm, vì Thọ chẳng tự có Thọ, mà vì tiếp Xúc mà có cảm Thọ, như mắt thấy đẹp, tai nghe hay, mũi ngửi mùi thơm v.v…, do đó Xúc với Lìa là bờ bến của Thọ Ấm.

 

3- NHỚ VÀ QUÊN:

     Nhớ và Quên là bờ bến của Tưởng Ấm, vì Tưởng chẳng phải Tưởng, mà vì ghi nhớ gọi là Tưởng, như nhớ hình ảnh người đẹp, nhớ giọng nói hoặc tiếng ca hay, nhớ mùi thơm quyến rũ v.v…, do đó Nhớ và Quên là bờ bến của Tưởng Ấm.

 

4- SINH VÀ DIỆT:

     Sinh và Diệt là bờ bến của Hành Ấm, vì Hành chẳng phải Hành, mà vì sinh ra và biến diệt mau chóng chẳng ngừng trong chớp nhoáng (sát na), gọi là Hành, do đó Sinh với Diệt là bờ bến của Hành Ấm.

 

5- ĐỨNG IM HỢP VỚI ĐỨNG LẶNG:

     Đứng im hợp với đứng lặng là bờ bến của Thức Ấm, Thức gọi là trong lặng sáng suốt (Trạm Liễu), là đã diệt “sinh diệt”, tính Thức nhập vào chỗ cội gốc trong lặng, mà hợp với yên lặng thanh tịnh (trạm nhiên), có nhập có hợp, tức là bờ bến của Thức Ấm. Vì Trạm Nhập là Thức Ấm, Trạm Xuất là Hành Ấm. Chân Tính chẳng gọi là Trạm Nhập, là vì cùng khắp pháp giới, nên chẳng có xuất nhập, nay Trạm Nhập dần dần đi vào, cho đến nhập không có nơi nhập (vô sở nhập), tức đến chỗ chẳng sinh diệt vậy.

      Như vậy, Đức Phật đã chỉ về cái nút của khăn đã rõ ràng, cần phải thông suốt cội gốc vọng tưởng, rồi biết vọng tưởng là vọng để xa lià, biết có Niết Bàn mà không lưu luyến ba cõi để tiến tới giải thoát Vô thượng Bồ Đề.

 

2). PHẦN LƯU THÔNG:


- A Nan! Nếu có chúng sanh hay tụng trì kinh này và chú này như ta đã nói, thì phước báo cùng tột số kiếp cũng chẳng thể hết; nếu nương theo lời dạy của ta mà tu hành, thì thẳng đến Bồ Đề chẳng còn nghiệp ma.

Phật thuyết kinh này xong, các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tất cả cõi trời, người, A Tu La trong thế gian, với các vị Bồ Tát, Nhị Thừa, Thần tiên, đồng tử ở cõi khác, và đại lực quỷ thần mới phát tâm, đều rất vui mừng, đảnh lễ ra về.

GIẢI NGHĨA:

 

     Ý nghĩa của tụng Kinh là trong khi đọc lời Kinh người tụng phải quán sát từng lời từng ý để hiểu ý nghĩa của lời Phật dạy hầu theo đó học hỏi ghi nhớ suy gẫm. Nếu không hiểu lời Kinh nói gì thì giống như đọc Kinh cho Phật nghe, và như vậy chẳng thể biết một điều dạy nào của Kinh để áp dụng và thực hành. Một số Chùa thường tụng Kinh A Di Đà, Bát Nhã Tâm Kinh, v.v… bằng chữ Hán Việt rất khó hiểu đối với hầu hết người Việt Nam. Đây là lầm lẫn to lớn cần phải chấn chỉnh sửa đổi lại, vì Phật nói Kinh với mục đích là để Phật tử học hiểu và theo đó hành trì hầu tiến tới giải thoát vậy.

     Còn trì Chú Phật Đảnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú, thì Tâm tức là Chú, Chú tức là Tâm, Tâm và Chú không hai, nên gọi là Tâm Chú. Người muốn nhờ thần lực của Tâm Chú, thì trước tiên phải giữ giới thật trong sạch, lại chẳng khởi một niệm tham cầu, tức là quên cả sự đang tụng chú và chẳng nhờ cậy Chú lực, như thế mới gọi là "tâm niệm trong sạch, thuần trắng chẳng ô nhiễm", được đến chỗ bất nhị của Tâm Chú. Lúc ấy, sự diệu dụng của tự tánh (tâm chú) tự hiện, thì tất cả đều được thành tựu như lời Kinh nói.

 

     Trong Kinh Lăng Nghiêm này có đoạn nói "Kiến văn giác tri, mắt thấy tai nghe, đều là bệnh đã thành từ vô thỉ"; nhưng phần sau, lại có đoạn nói: "Kiến văn giác tri vốn là Như Lai tạng, là tự tánh". Tự tánh thì chẳng phải bệnh, thế thì làm sao phân biệt cái thấy nghe tỉnh biết (kiến văn giác tri) của Tự tánh hay thấy nghe tỉnh biết của bệnh?

 

     Thấy nghe tỉnh biết (Kiến văn giác tri) của Tự tánh vốn chẳng sinh diệt, nó luôn luôn như thế; còn thấy nghe tỉnh biết của bệnh thì có sinh diệt, ví như con mắt thấy là sinh, không thấy là diệt; lỗ tai nghe là sinh, không nghe là diệt; cái ý biết là sinh, không biết là diệt. Còn cái không sinh diệt của Tự tánh chẳng có sự thấy và không thấy, nghe và không nghe, biết và không biết; như nay có tỉnh là sinh, không tỉnh là diệt, nên là bệnh từ vô thỉ, chẳng phải cái chẳng sinh diệt của Tự tánh vậy.

 

GIẢI NGHĨA

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

HẾT



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]