Phật lịch 2541 - 1997
Kinh Viên Giác
Việt dịch: THÍCH HUYỀN-VI
Bài Tựa
***
Luận về những gì thuộc huyết khí thì phải có tính biết, phàm có tính biết chắc chắn đồng thể. Thế nên ‘chơn tịnh minh diệu, hư triệt linh thông’ sáng suốt hằng còn. Đó là nguồn gốc của chúng sanh, nên gọi là tâm địa. Là chỗ chứng đắc của chư Phật, nên gọi là bồ đề. Giao lưu suốt khắp, dung thông nhiếp hóa, nên gọi là pháp giới. Vắng lặng, thanh tỉnh chơn thường , chơn lạc gọi là niết bàn. Chẳng rơ chẳng rĩ, gọi là trong sạch. Không hư vọng, không biến đổi gọi là chơn như.
Lìa lỗi dứt quấy, gọi là Phật tánh. Ủng hộ thiện, ngăn chặn ác, gọi là tổng trì. Ẩn che trùm nhiếp, gọi là như lai tạng. Siêu diệt cánh cửa nhiệm mầu, gọi là mật nghiêm. Thống lảnh các đức độ mà vẹn toàn; phá hết các bóng tối để chỉ còn ánh sáng chiếu soi, gọi là viên giác. Sự thật đều là nhứt tâm.
Trái việc đó là phàm. thuận theo việc đó (nhứt tâm) thành Thánh; mê việc đó thì sanh tử bắt đầu, ngộ việc đó thì chấm dứt luân hồi; đích thân tìm việc đó thì đủ chỉ quán, định huệ, xét cho thật rộng thì đủ sáu độ, muôn hạnh, hướng dẩn thành trí, sau đó được chánh trí, nương theo đó làm nhơn, về sau thành chánh nhơn, kỳ thật đều chỉ có một pháp.
Trọn ngày sống với viên giác, nhưng chưa từng biết viên giác. Đó là phàm phu; muốn chứng viên giác nhưng chưa đến viên giác. Đó là Bồ Tát; đầy đủ viên giác mà lại ở nơi viên giác. Đó là Như Lai; lìa viên giác không có lục đạo, bỏ viên giác không có tam thừa, phi viên giác không có Như Lai, dứt viên giác không có chơn pháp, kỳ thật đều có một con đường mà thôi. Chỗ chứng ngộ của các Đức Phật trong ba đời, bao trùm trong sự chứng nầy; Như Lai vì một đại sự ra đời bao trùm tánh viên giác nầy; ba tạng, mười hai bộ kinh, tất cả bài kinh, đều bao trùm tánh viên giác nầy. Song đức Thích Ca Như Lai để lại giáo pháp có hiển có mật, lập nghĩa có rộng có hẹp, thừa và thời có trước có sau, đương cơ có cạn có sâu, không phải là hàng thượng căn viên trí, ai mà có thể thông suốt được. Vì thế, nên đức Thích Ca Như Lai ở trong quang minh tạng cùng mười hai vị đại sĩ nói lý cao sâu, nhưng diễn giải rõ ràng, thông suốt mà rộng rãi để ấn định giáo pháp viên giác, là tôn chỉ của tất cả khế kinh vậy.
*
* *