Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

130. Kinh Giáo

06/06/201207:32(Xem: 7470)
130. Kinh Giáo

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

130.KINH GIÁO[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc[02].

Bấy giờ, Tôn giả Đàm-di[03], vị tôn trưởng địa phương[04] làm chủ Phật-đồ[05],được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các vị Tỳ-kheo. Vì vậy, các vị Tỳ-kheo địa phương[06]đều bỏ đi, không muốn sống ở đó. Các Ưu-bà-tắc địa phương thấy các vị Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn ở đó, liền nghĩ rằng: “Các vị Tỳ-kheo địa phương này vì sao lại bỏ đi, không muốn sống ở đây?” Rồi cácvị Ưu-bà-tắc địa phương nghe được rằng: “Tôn giả Đàm-di, vị tôn trưởng địa phương, làm chủ Phật-đồ, được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộccằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các Tỳ-kheo. Vì vậy các Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn sống ở đó.”

Các vị Ưu-bà-tắc nghe việc ấy rồi, liền cùng nhau kéo đến Tôn giả Đàm-di, xua đuổi ông ra khỏi các chùa địa phương[07].Bấy giờ Tôn giả Đàm-di bị các vị Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương, liền vấn y, mang bát du hành đến nước Xá-vệ, dầndà đến vườn Cấp cô độc, rừng Thắng, nước Xá-vệ. Rồi Tôn giả Đàm-di đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài, ngồi sang một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các chùa địa phương.”

Khi đó, Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Thôi đủ rồi, này Đàm-di, cần chi phải nói việc đó.”

Tôn giả Đàm-di chắp tay hướng Phật, bạch lại một lần nữa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương.”

Đức Thế Tôn cũng lần thứ hai bảo rằng:

“Đàm-di, thuở xưa, ở châu Diêm-phù này có các thương nhâân đi thuyền ra biển, mang theo con ó tìm bờ. Bọn người ấy ra biển chưa bao xa, họ thả con ó tìm bờ. Nếu con ó tìm bờ đến được bờ của biển cả, nó sẽvĩnh viễn không trở lại thuyền. Nếu con ó tìm bờ không đến được bờø củabiển cả, nó sẽ trở lại thuyền. Ngươi cũng vậy, này Đàm-di, bởi vì ngươibị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các chùa địa phương nên ngươi mới trở về chỗ Ta. Thôi, đủ rồi Đàm-di, còn cần gì phải nói điều đó nữa.”

Tôn giả Đàm-di bạch lại lần thứ ba:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương.”

Đức Thế Tôn cũng lại lần thứ ba bảo rằng:

“Đàm-di, ngươi trụ trong Sa-môn pháp mà vị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương sao?”

Lúc đó Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Sa-môn trụ trong pháp Sa-môn?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Đàm-di, thuở xưa, khi con người sống đến tám vạn tuổi. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này cực kỳ giàu sang hạnh phúc, dân cư đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng một con gà bay.

“Khi con người sống đến tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, chỉ có các bệnh như vầy: đại tiện, tiểu tiện, lòng dục, ăn uống và già.

“Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, có một vị vua tên là Cao-la-bà[08],thông minh trí tuệ, làm Chuyển luân vương, có bốn loại binh chủng chỉnhtrị thiên hạ; là Pháp vương hành theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu; đó là bảy báu. Có đủ một ngàn người con, tướng mạo đoan chánh, dũng mãnh vô úy, có thể khuất phục mọi kẻ địch. Vua ấy thống lãnhtất cả cõi đất đai cho đến biển cả, không cai trị bằng dao gậy mà chỉ bằng chánh pháp trị hóa, khiến được an ổn.

“Đàm-di, vua Cao-la-bà có một gốc cây tên là Thiện trụ ni-câu-loại thọ[09] vương[10].Đàm-di, Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có năm cành. Cành thứ nhất dànhcho vua và hoàng hậu ăn. Cành thứ nhì dành cho thái tử và các quan ăn. Cành thứ ba dành cho nhân dân trong nước ăn. Cành thứ tư dành cho Sa-môn, Phạm chí ăn. Cành thứ năm dành cho cầm thú ăn. Đàm-di, quả của cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương lớn bằng cái hủ hai thăng, mùi vị như mật nguyên chất. Đàm-di, quả Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không ai canh giữ mà cũng chẳng ai trộm cắp. Về sau có một người đói khát gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, nó đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương ăn quả rồi bẻ gãycành cây hái quả đem về. Trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương cómột vị trời nương ở đó. Ông ấy nghĩ rằng: ‘Lạ thay, người ở châu Diêm-phù vô ân, không biết báo đáp. Vì sao? Vì nó ăn quả nơi cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương rồi bẻ gãy cành cây, hái quả đem về. Mong cho cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, không sanh quả nữa!’ Tức thì cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả.

“Rồi lại có một người đói khát, gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, đi đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả, tức thì đến vua Cao-la-bà tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa’.

“Vua Cao-la-bà nghe xong, trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi Câu-lâu-sấu, đến cõi Tam thập tam thiên, đứng trước Thiên Đế Thích[11] mà tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực[12]nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa. Khi đó, Thiên Đế Thích và vua Cao-la-bà trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi cõi Tam thập tam thiên, đến nước Câu-lâu-sấu, cách cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương đứng lại. Thiên Đế Thích thực hiện Như ý túc như vậy[13], bằng Như ý túc như kỳ tượng, hóa làm nước lớn, gió bão và mưa to. Do nước lớn, gió bão và mưa to, cây Thiện trụni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ.

“Lúc đó có vị trời sống trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương nhận thấy như vậy mới buồn khổ, sầu thương, khóc lóc chảy nước mắt, đứngtrước mặt Thiên Đế Thích, Thiên Đế Thích hỏi, ‘Thiên, vì lẽ gì mà ông buồn khổ, sầu thương, khóc lóc rơi lệ, đứng trước mặt ta?’ Vị trời kia thưa rằng: ‘Tâu Câu-dực, nên biết, nước lớn, gió bão, mưa to, cây Thiện trụ ni câu loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ’. Khi ấy, Thiên Đế Thích bảo Thọ thiên kia rằng: ‘Thiên, ông là Thọ thiên, trụ Thọ thiên pháp[14]mà để nước lớn, gió mạnh, mưa to làm cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ sao?’ Thọ thiên thưa rằng: ‘Tâu Câu-dực, thế nào gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp?’ Thiên Đế Thích bảo, ‘Thiên, giả sử có người muốn đượcrễ cây, cứ lấy rễ cây đi; muốn được cành cây, nhánh cây, lá cây, hoaquả, cứ đem đi, Thọ thiên không nên giận dữ, không nên ghen ghét, tâm không nên thù hận, Thọ thiên vẫn an trụ trên thọ thiên với ý niệm buông xả. Như vậy gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp’. Vị trời kia lại tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực, tôi là Thọ thiên mà không trụ Thọ thiên pháp. Từ nayvề sau tôi sẽ trụ Thọ thiên pháp. Ước mong cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương trở lại như cũ’. Rồi thì Thiên Đế Thích thực hiện Như ý túc như vậy. Thực hiện Như ý túc như vậy xong, lại hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to. Hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to xong, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương liền trở lại như cũ.

“Này Đàm-di, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo bị người mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân giận lại; bị người quấy phá,không quấy phá lại; bị đánh đập không đánh đập lại. Này Đàm-di, như vậygọi là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.”

Lúc đó, Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng Phật khóc lóc rơi lệ, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không phải là Sa-môn trụ Sa-môn pháp. Từ nay về sau con sẽ là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.”

Đức Thế Tôn dạy:

“Xưa có một Đại sư tên là Thiện Nhãn[15],được các ngoại đạo tiên nhân tôn làm tôn sư, lìa bỏ ái dục, được như ý túc. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp[16]cho các đệ tử nghe. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp chocác đệ tử, trong các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn, thì người ấy sau khi mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặcsanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanhcõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa lạc. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho đệ tử nghe, trong các đệ tử có người phụnghành trọn vẹn, người ấy tu bốn phạm thất[17],lìa bỏ dục. Khi mạng chung rồi được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Đàm-di, khi ấy Thiện Nhãn đại sư nghĩ rằng: ‘Đời sau ta không nên cùng các đệ tử đồng sanh đến một chỗ. Bây giờ ta hãy tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, sau đó Thiện Nhãn đại sư liền tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăngthượng từ, mạng chung được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư và các đệ tử học đạo không luống công, được quả báo lớn. Cũng như Thiện Nhãn đại sư, có các Đại sư Mâu-lê-phá-quần-na, A-la-na-giá Bà-la-môn, Cù-đà-lê-xá-đa, Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Thù-đề-ma-lệKiều-đệ-bà-la và Thất-đa Phú-lâu-hề-đa[18].

“Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa cũng có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nói Phạm thế pháp cho các đệtử. Trong số các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn pháp đã dạy, người ấy sau khi thân hoại mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa. Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa khi nói Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn pháp ấy, tu bốn phạm thất, lìa bỏ dục ái. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung đượcsanh vào cõi trời Phạm Thiên. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nghĩrằng: ‘Đời sau ta không nên cùng các đệ tử sanh cùng một chỗ. Bây giờ tanên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ đượcsanh vào cõi trời Hoảng dục’. Đàm-di, sau đó vị Đại sư thứ bảy Thất-đa Phú-lâu-hề-đa tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung được sanh lên cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa và các đệ tử học đạo không hư dối, được quả báo lớn.

“Đàm-di, nếu có người nào mắng nhiếc bảy vị Đại sư và vô lượng trăm ngàn đệ tử kia, cùng đánh phá, sân nhuế, trách móc họ, chắc chắn chịu vô lượng tội. Nhưng đối với một Tỳ-kheo đã thành tựu chánh niệm, một đệ tử Phật chứng đắc tiểu quả, mà có ai mắng nhiếc, đả phá sân nhuế,trách móc vị ấy thì tội nhiều hơn thế nữa.

“Thế cho nên, này Đàm-di, các ngươi hãy luôn luôn nhắc nhở, thủ hộ lẫn nhau. Vì sao như vậy? Vì ngoài sự quá thất này, không còn sự quá thất nào hơn nữa[19].”

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Tu-niết[20], Mâu-lê-phá-quần-na,
A-la-na-giá Bà-la-môn,
Cù-đà-lê-xá-đa,
Hại-đề-bà-la Ma-nạp,
Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la và
Thất-đa Phú-lâu-hề-đa,
Trong đời quá khứ ấy
Danh đức bảy tông sư,
Bi tâm, không nhiễm ái,
Dục kết đã dứt trừ.
Trăm ngàn số đệ tử,
Vô lượng đếm sao vừa,
Cũng đều ly dục kiết,
Dù cứu cánh còn chưa.
Với các tiên nhân ấy,
Thủ trì khổ hạnh này,
Ai ôm lòng oán hận,
Tội mắng nhiếc nhiều thay.
Huống chi với Phật tử,
Quả thấy tri kiến ngay;
Ai chửi mắng, đập phá,
Tội nghiệp lại tràn đầy.
Này Đàm-di, do đó,
Hãy biết thủ hộ nhau;
Sở dĩ hộ trì nhau,
Tội nặng nào hơn đâu.
Như thế thật quá khổ;
Bậc Thánh cũng ghét bỏ,
Màu da lại dữ dằn[21];
Chớ thủ tà kiến xứ.
Đó là hạng thấp hèn,
Thánh pháp gọi như thế[22].
Dù chưa lìa dâm dục,
Có diệu ngũ căn này:
Tín, tinh tấn, niệm xứ,
Chánh định, chánh quán đây.
Khổ kia mình chịu vậy,
Trước phải thọ họa tai[23].
Họa tai đã tự thọ,
Sau nữa gây hại người.
Ai hay tự thủ hộ,
Tất thủ hộ bên ngoài.
Cho nên hãy tự hộ,
Kẻ trí hoan lạc thay!

Phật thuyết như vậy, Tôn giả và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli A.6.54 Dhammika-sutta.
[02] Bản Pāli: Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūṭa.
[03] Đàm-di 曇 彌. Pāli: Dhammika thera, nguyên là một Bà-la-môn ở Kosala, quy Phật vào lúc rừng Jetavana được cúng.
[04] Sanh địa tôn trưởng 生 地 尊 長. Pāli: Jātibhūmiyaṃ āvasiko.
[05] Phật-đồchủ 佛 圖 主, có lẽ muốn nói Phật tháp. Bản Pāli: sattasu āvāsesu, trong bảy trú xứ (ở địa phương). Hình như tất cả đều do Dhammika làm chủ.
[06] Bản Hán: sanh địa chư Tỳ-kheo 生 地 諸 比 丘. Bản Pāli: āgantukā bhikkhū, các Tỳ-kheo khách.
[07] BảnPāli nói: Bị xua đuổi, Tôn giả đến một tinh xá khác cũng trong địa phương. Nhưng vừa đđến Tôn giả lại mắng nhiếc các Tỳ-kheo ở đó, họ lại bỏ đi và Tôn giả lại bị các Cư sĩ kéo đến xua đuổi. Cứ như vậy, Tôn giả sống bảy nơi tất cả tại địa phương (sabbaso jātibhūmiyam sattasu āvāsesu). Cuối cùng, Tôn giả phải tìm đến Đức Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūta.
[08] Cao-la-bà 高 羅 婆. Pāli: Koravya, trong các truyện bản sanh thường được nói là vua của bộ tộc Kuru.
[09] Bản Cao-li không có chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh đều có.
[10] Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương 善 住 尼 拘 類 夀 王. Pāli: Suppatiṭṭha- nigrodha-rājā.
[11] Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devānam Inda.
[12] Câu-dực 拘 翼. Pāli: Kosika, biệt danh Thiên Đế Thích.
[13] Tác như kỳ tượng như ý túc. Pāli: tathārūpaṃ iddhābhisaṃkhāraṃ abhisaṃkhāsi, thực hiện một loại thần thông như thế.
[14] Thọ thiên pháp 樹 天 法. Pāli: rukkhadhamma, đây hiểu là đạo lý tự nhiên của cây.
[15]Đại sư Thiện Nhãn 大 師 善 眼. Pāli: Sunetto nāma satthā, một trong sáu vị tôn sư cổ đại, thường được kể trong các mẫu truyện cổ Phật giáo.
[16] Phạm thế pháp 梵 世 法, pháp dẫn đến đời sống trên Phạm thiên. Pāli: Brahama-lokasahavyatāya dhamma.
[17] Phạm thất hay phạm trụ.
[18] Danhsách sáu Đại sư thời cổ: Mâu-lê-phá-quần-na, Pāli: Mūgapakkha; A-la-na-giá Bà-la-môn, Pāli: Aranemi Brāhmṇa; Cù-đà-lê-xá-đa, Pāli: Kuddālakasattā; Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Pāli: Hatthipāla mānava; Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la, Pāli: Jotipāla govinda; Thất-đa Phú-lâu-hề-đa, Pāli: Satta purohita.
[19] Pāli: Nāham (....) ito bahiddā evarūpam khantim vādāmi. Ngoài sự nhẫn nại này, ta nói không còn sự nhẫn nại nào như vậy nữa.
[20]Sunetta,xem chú thích trên.
[21] Hán:tất đắc thọ ác sắc 必 得 受 惡 色. Pāli: nā sādhurūpaṃ āsīde, dùng công kíchngười (có sắc diện) đoan chánh. Có lẽ Hán hiểu āsīde là “hãy ngồi gần” do gốc động từ sīdati, ngồi.
[22] BảnPāli: sattamo puggalo eso, ariyasaṅghassa vuccati, người ấy (xả bỏ tà kiến) được nói là cao cả trong hàng Thánh chúng. Hình như bản Hán hiểu ngược lại?
[23] Dịchsát như vậy, nhưng không rõ nghĩa. Pāli nói: tādisam bhikkhum āsajja, pubbeva upahaññati, ai công kích Tỳ-kheo (dù chưa ly dục nhưng đã có ngũdiệu căn: tín, tấn v.v...) như vậy, nó bị tai họa trước.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]