Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3.3 Pháp Thoại Ngày 11 tháng 9 năm 1994

21/01/201109:51(Xem: 8621)
3.3 Pháp Thoại Ngày 11 tháng 9 năm 1994

Hạnh Phúc Mộng Và Thực

Nhất Hạnh

CHƯƠNG 3

NỘI DUNG KINH TAM DI ĐỀ

3.3 Pháp Thoại Ngày 11 tháng 9 năm 1994

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 11 tháng 9 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Hạ, trong khóa tu mùa Thu, và học tiếp Kinh Samiddhi.

THẦN CHÚ ĐỂ DIỆT TRỪ TRI GIÁC SAI LẦM

Tuần rồi chúng ta đã đọc tới bài kệ thứ hai:

Biết bản chất của dục,

Sẽ không sinh dục tâm,

Dục không, dục tưởng không,

Không ai xúi được mình,

Nguyên văn trong Biệt Dịch Tạp A Hàm là:

Nhược thức ư danh sắc

Bản không vô hữu tính

Thị danh tôn kính Phật

Vĩnh ly ư chư thú.

Tôi dịch là:

Thấy chân tướng ái dục

Tâm ái dục không sinh

Tâm ái dục không sinh

Ai cám dỗ được mình.

Nếu mình biết được bản chất của điều mình gọi là hạnh phúc, thì mình sẽ không bị níu kéo bởi ý niệm sai lầm về hạnh phúc. Khi đã biết được tính cách sai lầm, cái không tưởng của ý niệm ấy thì mình sẽ không bị kẹt vào trong ý niệm ấy nữa, nhờ vậy mà không một người nào, một vị thiên gia nào có thể xúi biểu hoặc lay chuyển được mình, tại mình đang an trú trong thực tại của vạn pháp.

Nguyên văn chữ Hán trong Biệt Dịch Tạp A Hàm, Nhược thức ư danh sắc, nghĩa là nếu chúng ta biết rõ cái bản chất, có được một nhận thức thật chính xác về danh (tức là những hiện tượng về tinh thần), và sắc (những hiện tượng thuộc về vật chất).

Bản không vô hữu tính, nghĩa là bản tính của chúng ta là vô hữu. Chữ “không" ở đây có nghĩa là không phải như vậy, không phải như mình tưởng. Chữ không này đã có từ lâu. Trong Áo Nghĩa Thư (Upanisad) nó có nghĩa là không phải như vậy, không phải như vậy, (Neti, neti). Ví dụ mình có một ý niệm về hạnh phúc và mình cho ý niệm đó là chính xác, là đích thực. Người có trí tuệ nhìn vào thì thấy điều đó không phải là hạnh phúc chân thật nên bảo rằng đó không phải là hạnh phúc đâu, không phải đâu. Chữ Sunyata còn có nghĩa là “không" của Bát Nhã. Tuy nhiều nghĩa, nhưng một trong những nghĩa căn bản là neti, neti, “không phải như vậy, không phải như vậy".

Thông thường ta có những nhận thức và những tri giác (perception) mà ta cứ tin chắc là thật. Ví dụ khi đi trong chạng vạng tối, thấy con rắn, ta la hoảng lên. Người có trí tuệ nói: “Không phải đâu, cái đó không phải là con rắn đâu, cái đó chỉ là một sợi dây thừng vắt ngang đường thôi”. Nhận thức này gọi là nhận thức sai lầm, danh từ chuyên môn là vọng tưởng.

Trong đời sống hàng ngày, phần lớn nhận thức của ta đêu sai lầm. Tất cả những khổ đau mà ta chịu đựng đều phát xuất từ nhận thức sai lầm của ta. Cho nên phương pháp tu là mỗi khi thấy, nghe và nhận thức điều gì, ta đừng vội quả quyết đó là sự thật. Trong ta có rất nhiều chất liệu mê mờ, cho nên phải cẩn thận lắm mới được. Tôi thường cho các thiền sinh một câu thần chú để bảo vệ thân tâm: mỗi khi có một nhận thức làm cho trong người thấy bực bội thì phải đọc câu thần chú:

Are you sure? (Mình có chắc là như vậy hay không?)

Are you sure?Là một câu nói rất thường đời sống hàng ngày, nhưng nếu động tới, ta có thể biến nó thành một câu thần chú rất thâm diệu. Pháp Phật tức là Pháp thế gianlà như vậy. Biết cách thì tất cả các pháp thế gian có thể biến thành Phật Pháp. Chuyện Chàng Trương là một ví dụ. Chàng Trương là một người đi quân đội. Khi ra đi thì con chưa sinh, khi được giải ngũ về thì con đã biết nói bập bẹ. Tropng khi cô vợ đi chợ để mua thức ăn về nấu mâm cơm cúng tạ, chàng Trương chơi với con và nói: “Con, con gọi ba là ba đi con”. Đứa bé không chịu, nó nói “Ông không phải là Ba của tôi, ba tôi ban đêm mới về. Mẹ nói chuyện với ba nhiều lắm và mẹ thường khóc với ba. Mỗi khi mẹ ngồi thì ba ngồi xuống, mỗi khi mẹ nằm thì ba cũng nằm theo”.

Đứa bé nói sự thật, Mỗi lúc đêm về, người thiếu phụ thường nhớ chồng. Thắp đèn lên, nhìn bóng mình trên tường, nàng dạy con “Ba con đây, Ba con đêm nào cũng về thăm con đó”. Cố nhiên là bóng làm theo hình. Mình ngồi xuống thì bóng ngồi xuống, mình đứng dậy thì bóng đứng dậy, mình nằm thì bóng nằm xuống theo. Đứa bé chỉ nói sự thật, nhưng chàng Trương có tri giác sai lầm, nhận lầm sợi dây là con rắn, cho nên niềm đau khổ trào dâng và không thấy được sự thật nữa. Bao nhiêu hạnh phúc khi về được gặp lại vợ con đột nhiên tan biến hết. Bây giờ chỉ còn thuần đau khổ! Tất cả đều vì một tri giác sai lầm, Nếu lúc đó chàng gặp một vị thánh nhân hoặc một vị thầy nói “Neti, neti” thì chàng Trương mới có cơ hội thoát khỏi cái thế giới khổ đau của mình. Nhưng vì không có ai giúp đỡ khai thị nên từ lúc đó chàng ta không nói năng gì nữa hết. Niềm đau và nỗi khổ lớn lao quá, chàng không còn muốn nói nữa.

Từ lúc người vợ đi chợ về, chàng lạnh lùng, tự nhiên biến thành một tảng băng. Người vợ đi nấu cỗ cúng, chàng không nói với vợ một lời nào. Đến khi dọn cơm lên cúng, dâng hương, khấn vái và lạy xong, chàng lui ra, cuốn chiếu lại không cho vợ lạy. Anh tin chắc vợ mình là một người đàn bà ngoại tình, không xứng đáng được lạy trước ông bà. Vợ chàng Trương không hiểu tại sao từ khi đi chợ về tình trạng đã biến đổi một cách đột ngột như vậy, nàng thầm lặng đau khổ.

Chàng Trương lạnh lùng với vợ như vậy trong ba ngày ba đêm, người vợ chịu không nổi nên đâm đầu xuống sông tự tử. Lúc đó nếu có ai hỏi tại sao anh quá tin tri giác của anh, thì chàng Trương sẽ trả lời: “Trẻ con nói làm sao mà nghi ngờ được?” Trẻ con thường nói sự thật, tuy vậy mình đã nghe và hiểu một cách khác, từ sợi giây mà mình có một con rắn. Nếu chàng Trương biết sử dụng cái câu thần chú “are you sure?” thì chàng đã có cơ hội thoát khỏi cái địa ngục kia rồi. Nếu mình không chắc thì mình phải hỏi lại vợ: “Em, tại sao con nó nói rằng tối nào cũng một người đàn ông tới và em thường nói chuyện với ông ta, em còn bảo con gọi người đàn ông đó là ba, và tại sao khi em đứng dậy thì người đó cũng đứng dậy, khi em nằm xuống, người đàn ông đó cũng nằm xuống?” Nếu chàng Trương hỏi được câu đó thì sự thực sẽ bung ra và bao nhiêu nỗi đau khổ của chàng sẽ tan biến, nhưng chàng đã không hỏi được câu đó, tại chàng đã quá tin ở tri giác của mình.

Trong đời sống hàng ngày, sở dĩ chúng ta làm khổ nhau, để rồi tự làm khổ mình là tại chúng ta không biết sử dụng câu thần chú “Are you sure” Mình có chắc đó là sự thật không? Là người con Bụt, tin ở giáo pháp của Bụt và thực hành theo giáo pháp đó thì mỗi khi nghe một điều gì, thấy một cái gì, học nghĩ đến một việc gì, ta phải lập tức kiểm soát lại, soi chiếu lại, tại vì có thể cái mà ta nhận thức là một tri giác sai lầm. Nếu không, ta sẽ làm nô lệ, sẽ là nạn nhân của ý niệm đó.

Ở đây Bụt muốn nói tới cái ý niệm về hạnh phúc, về cái dục mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Nếu thấy được cái bản chất của danh, sắc (tức là của sắc, thọ, tưởng, hành, thức) và thấy được chúng khôngphải như ta tưởng, chúng không phải như vậy (Khôngở đây có nghĩa là vô hữu), thì:

Thị danh tôn kính Phật, nghĩa là chúng ta biết đi trên con đường của Bụt đi, biết tôn kính Bụt, không đi theo con đường ma, và:

Vĩnh ly ư chư thú, nghĩa là sẽ vĩnh viễn xa lìa được những nẻo đường tăm tối (thú ở đây có nghĩa là những nẻo đường tăm tối). Ngũ thú dục lục đạo là sáu nẻo tăm tối (Thiên, Nhân, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh). Chữ thú ở đây còn có nghĩa là nẻo về, những nẻo về tăm tối mà ta sẽ xa lìa vĩnh viễn nếu ta có thực tập quán chiếu về danh sắc và thấy được bản chất của những tri giác của ta. Hạnh phúc cũng vậy. Bóng dáng của hạnh phúc đã làm bao nhiêu người lạc đường, rơi xuống địa ngục, rơi xuống chỗ tận cùng của khổ đau. Bóng dáng của hạnh phúc không phải là hạnh phúc chân thật, ta phải luôn luôn tâm niệm điều đó.

CÁI TƯỞNG TẠO NÊN BÓNG DÁNG CỦA HẠNH PHÚC

Kinh Samiddhi là Kinh dạy về niềm hạnh phúc chân thật mà ta có thể kiểm soát được, có thể thừa hưởng được. Người Việt có câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài,

Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

Nếu lấy nhau được thì ta sẽ không thương nhau đến ngàn năm, đôi khi chỉ thương được có một năm thôi. Chính vì không lấy nhau được nên ta mới thương một ngàn năm! Thương như vậy là thương cái ý niệm về người kia, thương cái hình bóng đẹp mà ta đã tạo ra từ người kia. Còn nếu lấy người kia thì ta bắt buộc phải sống với cái thực tại của người kia. Mà sống với thực tại thì cố nhiên là ý niệm mơ hồ và đẹp tuyệt vời về người kia sẽ dần dần tan biến. Câu ca dao đó là một câu ca dao chỉ nói về chuyện tình mà thôi. Cố nhiên khi một người thương một người khác thì bóng dáng của người con trai hay của người con gái kia là bóng dáng tuyệt vời mà ta mơ mộng. Một sợi tóc mai đủ để cột ý chí của một đấng anh hùng. Ngưòi Việt hay dùng tiếng kép tóc tơ. Tơ là những sợi rất mỏng, nhưng cột thì rất chắc.

Có một ông gọi là ông Tơ. Ông này chuyên đi cột người ta và làm người ta khổ suốt đời. Khi cạo đầu đi tu, trên hình thức ta không còn tócđể trói, nhưng sự thực, trên nội dung ta phải không có nữa mới được. Tất cả những sợi tơ lòng kia phải cắt hết thì ta mới có tự do, mới có hạnh phúc, vì hạnh phúc không có thể có được nếu không có tự do.

Chúng ta thấy trong Áo Nghĩa Thư, chữ Neti thường được lặp lại hai lần: Neti, Neti, nghĩa là không phải, không phải, tại vì nói một lần chưa chắc người ta đã thấm.

Hình ảnh tuyệt vời của người yêu “tóc mai sợi vắn sợi dài” là một cái tưởng, mọi tri giác. Mình yêu là yêu cái bóng dáng đó, cái ý niệm đó, cái tri giác đó chứ không phải là yêu cái thực tại của con người kia. Giữa ý niệm về người yêu và cái thực tại của người yêu, có thể có sự xa cách một trời một vực, Vì vậy nếu muốn giữa lại cái hình ảnh đẹp tuyệt vời đó, tốt hơn là đừng cưới. Nếu cưới thì có thể trong vòng nửa năm hay một năm hình ảnh đó sẽ tan vỡ và mình sẽ phải va chạm với thực tế. Những người không biết tu có thể làm tan vỡ hạnh phúc của họ rất mau chóng, dầu buổi ban đầu rất đẹp. Đẹp vì hình ảnh lý tưởng của người yêu tan vỡ. Nếu không tu, đến khi hình ảnh lý tưởng đó tan vỡ rồi, chỉ còn lại đau khổ mà thôi. Không tu thì không biết cách xây dựng cho mình và cho người ấy.

Tạp chí Pháp có đăng một chuyện hài hước như sau: “Sau đám cưới của một cặp vợ chồng trẻ, sáu tháng đầu chàng nói và nàng nghe. Sáu tháng sau nàng nói và chàng nghe. Sáu năm sau thì chàng và nàng cùng nói, và lần này thì hàng xóm nghe!” Nói mà nói lớn đến độ hàng xóm nghe tức là hai người đang cãi lộn và làm khổ nhau. Lúc đó thì chân tướng của cả chàng lẫn nàng đều hiện ra, và cái hình ảnh đẹp tuyệt vời của “tóc mài sợi ngắn sợi dài” đã tan biến. Đó là trường hợp của những người không biết tu.

Với người biết tu, khi cái hình ảnh lý tưởng tan vỡ, ta biết cách để làm cho nó chuyển hóa, vì nếu hình ảnh tuyệt đẹp của người kia tan biến nơi ta thì hình ảnh tuyệt đẹp của ta cũng tan biến nơi tâm của người kia. Vậy cho nên năm đầu của hôn nhân là năm học tập cải tạo. Chúng ta biết được sự thật, chung sống 24 giờ đồng hồ và bắt đầu thấy được sự thật, thực tại không còn những cái tưởng nữa.

Chàng Trương sở dĩ đau khổ cùng cực như vậy là vì chàng quá tin ở tri giác của mình. Nhưng cũng vì trong con người chàng còn có những yếu đuối khác, như tự hào và tự ái. Người kia là vợ mình, người kia là người thân yêu nhất trong đời mình, vậy mà mình đã để cho tự ái chen vào giữa mình và người kia để gây thành ngăn cách. Tại sao chàng Trương không hỏi ngay người vợ về điều đang làm cho mình đau khổ? Trong tình thương chân thật không có chỗ đứng cho sự tự ái. Nếu tự ái có mặt thì tình chưa phải là chân tình, chưa phải là “true love”. Điều này không những đúng trong trường hợp vợ chồng, mà còn đúng trong trường hợp bạn bè. Nếu bạn bè thương nhau chân thật thì đừng để cho lòng tự ái chia rẽ. Có những đau khổ nào, mình nói cho người kia biết, đừng vì tự ái mà nín thinh. Chàng Trưong vì tự ái nên trở thành một tảng băng sơn, không có khả năng tới với vợ để chia xẻ cái đau khổ của mình. Phải nói cho người mình thương những khổ đau của mình, và người ấy cũng cần nói những đau khổ của người đó cho mình nghe. Tình thương là ở chỗ mình phải có mặt trong khi người kia đau khổ. Cái đó mới gọi là Bi (Karuna). Khi người kia đau khổ mà mình có mặt một bên, mình nói: “Anh ơi, em biết anh dang đau khổ nên em đang có mặt với anh đây”, “I know you are suffering, therefore I am here for you”. Đôi khi không cần nói lên mà câu đó vẫn có thể được nghe, được thấy, được chấp nhận khi mình thực sự có mặt. Cách mình ngồi, cách mình nhìn cũng đủ chứng tỏ cho người kia biết rằng mình đang có mặt với họ, đang có mặt cho họ vì họ đang đau khổ, nhờ vậy tự nhiên họ bớt khổ. Đó là tình thương đích thực.

Có nhiều khi đau khổ của ta là do người ta thương tạo ra, hoặc ta nghĩ do người ta thương tạo ra! Khi mình nghĩ rằng chính người mình thương đã làm cho mình có thương tích trong lòng, mình lại có khuynh hướng lạnh lùng, không nhìn người đó, không nói với người đó và lánh trốn người đó. Đó là sự dại dột lớn. Theo nguyên tắc thương yêu mà chúng ta học được trong đạo Bụt, khi nghĩ rằng nỗi khổ của ta là do chính người mà ta thương gây ra, ta phải tới với người đó và nói rằng “Chị ơi em khổ quá, chị giúp em với, em cần chị”. Dầu người kia đã tạo ra cái khổ cho mình, khi mình nói câu đó, người kia sẽ không thể nào mà không có mặt cho được. Khi có mặt, người đó sẽ hỏi “Em có thể nói cho chị nghe được không?”. Lúc đó mình có thể nói “Hôm qua cách nói của chị làm em khổ lắm. Em không biết làm sao cho nên phải tới hỏi lại”.

Khi mình làm được như vậy thì niềm đau nỗi khổ của mình không còn kéo dài và hạnh phúc có thể trở về một cách rất mau chóng. Chúng ta đừng bắt chước chàng Trương, cũng đừng bắt chước thiếu phụ Nam Xương. Đáng lý nàng nên tới với chàng và hỏi:”Anh ơi, tại sao ba ngày ba đêm nay anh thèm nhìn mặt em? Tại sao anh không nói với em lời nào hết? Em đã làm những gì để anh đối xử với em như vậy?” Nếu nàng hỏi được một câu như vậy thì chàng sẽ nói: “Tại sao? tại vì ..., tại vì ...”. Khi đó vợ chàng Trường sẽ có cơ hội minh oan và nhờ đó mà hai người sẽ tìm lại được hạnh phúc sau bao năm xa cách.

Những bi kịch xảy ra hàng ngày, lớn hay không lớn bằng bi kịch của chàng Trương, đều do chúng ta quá tin chắc ở tri giác của mình. Nó làm khổ bản thân ta và làm khổ người ta thương. Người ta thương có thể là thầy ta, có thể là học trò ta, có thể là sư anh, sư chị, sư em ta, hoặc người bạn tu của ta. Ta đừng để cho bi kịch ấy xảy ra trong đời sống hàng ngày. Thầy đã trao truyền truyền cho ta những tám kính để chiếu soi. Đó là “Are You Sure?”. Đó là “Anh có chắc như vậy không?”. Đó là “Neti, Neti”. Nếu biết rằng “Sunyata”, “Neti, Neti”, “Are you sure”, là những tấm kính chiếu soi có thể giúp ta thoát khổ đau, vưọt thoát tri giác sai lầm, thì ngày đêm ta phải mang những tấm kinh đó theo, phải sử dụng chúng để soi chiếu, để nhận ra cái tính chất sai lầm của nhận thức. Được như vậy ta sẽ có an ninh, ta sẽ không tạo ra những bi kịch trong và quanh ta. Nếu có đọc cuốn Cửa tùng đôi cánh ngài, quí vị chắc còn nhớ câu chuyện của một chàng tráng sĩ. Trước khi người tráng sĩ xuống núi, thầy đã trao cho một cái kính. Nhưng người tráng sĩ chỉ dùng kính trong mấy tháng đầu, sau đó thì không dùng nữa. Vì vậy sáu năm sau, người tráng sĩ trở thành một ác ma mà cứ tưởng mình là người tráng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cho đến khi về tới núi, người sư đệ hỏi “Cái kính thầy cho anh đâu?, tráng sĩ đưa kính ra soi, mới nhận ra rằng mình không còn là người tráng sĩ của cuộc đời nữa mà là một con ác quỷ. Do đó cho nên kính của Bụt trao, mình phải lau chùi hàng ngày để soi sáng tất cả mọi tâm ý của mình, mỗi nhận thức, mỗi cảm giác của mình. Nếu biết soi chiếu, mình sẽ mỉm cười với nhận thức mình, nhờ đó mình sẽ có tự do và giải thoát.

Khi một người bạn tới than thở với mình là người ấy đang đau khổ, đang buồn phiền vì người này nói câu này, vì người kia nói điều nọ, mình phải ngồi yên và lắng nghe với tất cả chánh niệm của mình. Nếu lỡ bạn mình quên câu thần chú thì mình phải nhắc “Chị có chắc như vậy không? Chị có chắc là người đó đã nói như vậy hay làm như vậy không? Có thể nhận thức của mình sai lầm, mình đến để hỏi lại”. Tuyệt đối đừng thêm dầu vào lửa. Bổn phận của mình là phải lắng nghe. Sau khi lắng nghe, phải tìm cách giúp người kia nhớ lại những câu thần chú. Nếu chị khổ như vậy tại sao chị không tới với người kia để hỏi lại? Nếu chị không muốn đi một mình, em sẽ đi với chị. Đây là những điều thực dụng mà mình phải áp dụng trong đời sống hàng ngày, vì đó là hạnh phúc của bản thân mà cũng là hạnh phúc của người mình thương và hạnh phúc của cả đại chúng.

Nói tóm lại, ta có thể hiểu của bài kệ này như sau: “Nếu có được nhận thức chính xác đối với danh, với sắc, và thấy được tính cách sai lạc, tính cách không có thật của chúng, thì ta được gọi là những người biết đi theo con đường của Bụt dạy, vĩnh viễn xa lìa được những nẻo về tối tăm”.

QUÁN CHIẾU VỀ VÔ NGÃ SẼ DIỆT ĐƯỢC BA MẶC CẢM

Sau khi Bụt đọc bài kệ đó cho vị thiên giả nghe (và cũng để cho thầy Samiddhi cùng nhiều thầy khác và các vị thiên giả có mặt trong hội chúng cùng nghe) thì Bụt hỏi: “Con có hiểu bài kệ ấy hay không? nếu không hiểu thì cứ nói”. Nếu không hiểu thì cứ nói, đừng sợ bị chê rằng mình chậm hiểu, mình không có trí tuệ. Vị thiên nữ thật tình bạch Bụt: “Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ”. Bụt lại đọc cho vị Thiên giả một bài kệ khác:

Mặc cảm thua, hơn, bằng,

Tạo thành mọi tranh luận,

Ba mặc cảm dứt rồi,

Tâm không còn khuynh động.

Một bản dịch khác:

Mặc cảm hơn, kém, bằng,

Tạo ra nhiều rối rắm,

Ba mạn đã vượt rồi,

Tâm không còn khuynh động.

Ngôn luậnlà chữ dùng trong Kinh Tạp A Hàm, nhưng Biệt Dịch Tạp A Hàm lại dùng chữ tranh luận. Tranh luận có nghĩa là so sánh hơn thua. Vì vậy chữ tranh luận hay hơn. Bản chữ Hán của bài kệ là:

Kiến đẳng, thắng, liệt giả,

Tắc hữu ngôn luận sinh,

Tam sự bất khuynh động,

Tắc vô nhuyễn trung thượng.

Đẳngtức là bằng nhau, thắnglà hơn, và liệtlà thua. Cả ba cái đều là mặc cảm cả. Cả ba đều là những “complexes” mà người tu phải vượt qua. Người ta không được nói mình hơn người, mình thua người, hoặc mình bằng người. Chẳng những không được nói, mà còn không được nghĩ và không được hành xử theo. Người tu phải quán chiếu vô ngã, nghĩa là phải thấy mình là người đó, và người đó là mình, mình có mặt trong người đó, người đó có mặt trong mình. Chúng ta là một. Thành ra dưới ý niệm về tâm mạn, có ý niệm về ngã. Nếu quán chiếu về ngã thành công thì ba cái mạn tức là ba cái mặc cảm đó sẽ tan tành. Giáo lý này sâu sắc lắm, chúng ta không thể đọc qua mà hiểu ngay được. Nó có liên hệ mật thiết với đời sống hàng ngày của chúng ta nên rất hữu dụng. Luận Đại Tỳ Ba Sa có nói tới bảy thứ mạn, chúng ta sẽ học sau.

Mạn là Màna. Cả ba mặc cảm hơn, thua, bằng đều sai lầm vì chúng được tạo nên bằng một kiến chấp sai lầm. Cái thấy sai lầm ấy gọi là ngã chấp. Chữ ngã mạn mà chúng ta thường dùngkhông có nghĩa là mình hơn người khác. Theo đúng nghĩa của nó thì ngã mạn là bị kẹt vào cái ý niệm về ngã. Vì bị kẹt vào cái ý niệm về ngã cho nên ta mới thấy mình hơn, bằng hoặc thua người kia. Cả ba đều xấu hết, vì mặc cảm tự ti cũng có hại như mặc cảm tự tôn. Cái mặc cảm bằng người cũng có hại, vì trong ý niệm bằng người vẫn còn có sự so sánh, vẫn còn có sự tự hào. Ví dụ mình nói rằng “Anh nói tiếng Anh được thì tôi cũng nói tiếng Anh được", đó là mạn. Như vậy cái “bằng” cũng được làm bằng chất mạn. Nếu không có mặc cảm hơn thua, bằng thì mình là người giải thoát. Vấn đề không phải là có bằng cấp hay không, biết tiếng Anh hay không, có học xong trường Cao Cấp Phật Học hay không. Vấn đề là mình có ngã chấp hay không? Hạnh phúc là ở chỗ đó. Tất cả giáo lý nguy nga của Đạo Bụt đều được xây dựng trên một giáo lý cơ bản gọi là Vô Ngã, tức là thực tại không có một cái ta riêng biệt. Chúng ta cùng chia xẻ sự sống. Sự sống đó không thể được cắt xén thành ra những vùng riêng biệt. Vì vậy mỗi khi người kia nói một câu làm cho mình buồn, làm một điều khiến mình bực, đó là một cơ hội để ta thực tập vô ngã. Chính nhờ những dịp như vậy ta mới có thể tiến bộ trên con đường tu tập. Nếu chung quanh chúng ta đều là những vị Bồ Tát thì chúng ta sẽ không thể nào tu được. Cứ tưởng tượng quanh quí vị toàn là Bụt và Bồ Tát, người nào cũng toàn mỹ, chắc quí vị sống không nổi! Vì vậy đừng đi tìm một tăng thân toàn là thánh Tăng! Phải có người có yếu kém về mặt này, mặt kia, mình mới có dịp so sánh và học hỏi được. Vì vậy tăng thân của chúng ta không cần phải là một tăng thân tuyệt hảo, những yếu kém của tăng thân là những chất lượng rất cần thiết cho việc tu tập của ta. Trong ta có những yếu kém, và trong các phần tử khác của tăng thân cũng có những yếu kém. Nhưng ta cũng như tất cả những phần tử khác đều có cái nguyện là sẽ đi trên con đường chuyển hóa, vì vậy mà chúng ta có cái chất thánh của một trong ba viên ngọc quý: tăng bảo. Một tăng thân trong đó còn có phiền não, lỗi lầm, khuyết điểm thì vẫn là một viên ngọc quý như thường. Ta chấp nhận những yếu kém của bản thân và chấp nhận những yếu kém của những phần tử khác trong tăng thân, đó là chuyện phải làm. Cùng nhau tu học là cùng đi trên một con đường và giúp đỡ lẫn nhau chuyển hóa những yếu kém. Vì vậy khi người kia nói một câu hay làm một việc gì có tính cách phát xuất từ sự vô ý, sự vụng về hay là sự giận hờn, ta phải biết đó là một cơ hội bằng vàng để ta thực tập. Còn nếu người kia không bao giờ nói một câu không dễ thương, không bao giờ làm một điều gì không dễ thương, thì chúng ta đâu có cơ hội để tu? Quanh ta, nếu tất cả đều là toàn mỹ thì ta tu sao được?

NƯƠNG TỰA HẢI ĐẢO TỰ THÂN

Một hôm có một sư cô trẻ lên than thơ với thầy: “Bạch thầy, tại sao ngồi nói chuyện với sư chị mà con cảm thấy không có an ninh? Trước đây con không thấy như vậy, con đã thấy sư chị rất dễ thương, có thể tin cậy được, có thể hướng dẫn cho con được. Nhưng có một lúc, tự nhiên con thấy sư chị không còn là sư chị nữa, và ngồi nói chuyện với sư chị, con cảm thấy không còn an ninh nữa!” Đến than thở với Thầy như vậy là đúng vì có tuệ giác, Thầy có thể soi sáng cho mình. Thật ra hồi còn nhỏ sư cô ấy đã sống trong một khung cảnh phập phồng, sợ hãi, không có an ninh. Ngưòi lớn thường thay đổi bất ngờ, và đôi khi giông bão tới một cách rất đột ngột, không biết làm thế nào mà đoán trước được. Có những trẻ em khác sống trong những hoàn cảnh tệ hại hơn nhiều, bị người lớn lạm dụng, bị người lớn áp bức hơn nhiều. Vì vậy cho nên khi nhìn chung quanh, chúng có cảm tưởng không có an ninh, thấy người nào cũng có cảm giác người đó sắp lợi dụng mình, sắp vi phạm quyền làm người của mình, sống như một con chim đã từng bị trúng tên, luôn luôn sợ hãi, thấy cái gì cũng là mối đe dọa cho chính mình.

Khi không có an ninh, mình hay tìm cách tự vệ trước. Mình dựng lên một bức thành để che đỡ cho mình bốn phía. Khi dựng lên bức thành như vậy, mình tạo ra sự ngăn cách giữa mình và người khác, đồng thời làm cho người khác khổ đau. Mình nói một câu không phải để làm khổ người kia, mà nói để tự vệ, và trong khi nói mình tạo ra những bức tường để bao quanh mình thì tự mình biệt lập, và tạo những khổ đau cho những người chung quanh. Sư cô trẻ này không đến nỗi như vậy. Cái khổ đau của sư cô nhỏ bé hơn nhiều.

Hỏi thăm, Thầy tìm ra đầu đuôi câu chuyện: Sư chị cũng như mình, cũng như bất cứ người nào, đã có những giai đoạn khó khăn trong đời sống. Khi gặp một trường hợp khó khăn, khi bị người này trách móc, người kia la rầy, sư chị cũng có phản ứng muốn tự vệ, và sư chị cũng đã dựng lên một bức thành để bao bọc lấy sư chị. Đó là khuynh hướng của tất cả chúng ta, khi có cảm sắp bị tấn công, chúng ta đứng về phía tự vệ, nói theo tiếng Pháp là “à la défense!”. Người kia chưa nói, chưa làm gì hết, mình đã tự vệ rồi. Ví dụ thầy mời lên ăn sáng để mình có dịp ngồi chơi với thầy thôi, nhưng mà mình sợ: “Chết rồi, chết rồi, lên đó chắc thế nào cũng bị cạo gió, không biết đường nào xoay sở!”. Đôi khi thầy nhớ mình, muốn mình lên ăn sáng với thầy cho vui thôi, nhưng mình lại sợ, vì mình không có cảm giác an ninh. Bạn mình cũng vậy, mới nghe “Chiều này chị muốn gặp em để bàn chuyện này một chút”, mình đã sợ run, nghĩ rằng chắc là có chuyện gì đây. Cái khuynh hướng muốn tự vệ phát sinh làm mình khổ, và cũng làm người kia khổ, nhưng biết làm sao? Trong quá khứ mình đã từng đau khổ, nên bây giờ mình có khuynh hướng xây lên những bức thành tự vệ. Tuy biết rất rõ hành động như vậy là tự làm khổ mình và làm khổ những người chung quanh, nhưng cái đó đã trở thành một tập khí, một thói quen khó chừa. Vì vậy tu tập là phải nhận diện cho được rằng mình có cái tập khí đó, có cái thói quen đó, để khi nào cảm thấy không được an ninh, khi nào mình bắt đầu làm công việc tự vệ, thì mình phải thở và phải biết mỉm cười để thấy rằng mình đang “xây thành lũy” nữa đây!

Thầy đã nói với sư cô trẻ ấy: “Chị của con chắc chắn là đang khổ, có thể chị của con trong những ngày vừa qua đã bị người này lên án, người kia trách móc. Chị khổ, cho nên ngồi nói chuyện với con mà chị đang đứng vào thế tự vệ, Tại vì có thể chị con sợ con trách chị, lên án chị, cho nên chị đưa cái giáp sắt ra trước. Con thử nhìn lại coi có phải như vậy không? Mấy tháng trước đây đâu có chuyện đó, nhưng trong những ngày vừa qua, có phải là chị của con bị người này nói, bị người kia nói, chị con đau khổ và chị con đứng về phương diện tự vệ, con có thấy điều đó không?. Sư cô trẻ đó nói: “Bạch Thầy có, con có thấy như vậy". “Thấy như vậy con có thương chị được không?”, “Bạch Thầy, con thương được". Thấy được thì thương được, hiểu được thì thưong được. Thành ra ngồi với chị thì con phải nói rằng: “Chị ơi, em sẽ không trách móc gì chị đâu, chị cứ ngồi thoải mái đi, em chỉ muốn ngồi nói chuyện chơi với chị mà thôi”. Con nói một câu đó thì tự nhiên bao nhiêu áo giáp của chị sẽ sụp xuống hết, và như vậy mình giúp chị mình, và mình giúp chính mình. Thầy còn nhắc cho sư cô trẻ đó phương pháp Quay về nương tựa. Khi con có cảm tưởng không an ninh thì đừng đi tìm chỗ nương tựa ngoài con. Bụt đã dạy rằng chỗ an trú, chỗ nương vững chãi nhất là Tam Bảo ở trong tự thân”.

Quay về nương tựa,

Hải đảo tự thân,

Chánh niệm là Bụt,

Soi sáng xa gần,

Hơi thở là Pháp,

Bảo hộ là thân, tâm,

Năm uẩn là Tăng,

Phối hợp tinh cần.

Khi nương tựa vào cái thành trì kiên cố của Bụt, của Pháp của Tăng và khi mình đã vững chãi rồi thì mình có thể giúp được các sư anh, sư chị, và sư em của mình. Cố nhiên vì mình là học trò, mình có thể nương tựa vào thầy của mình. Nhưng thầy của mình cũng có thể có những lúc cao, lúc thấp. Cũng như sư anh hay sư chị của mình, họ cũng có những lúc cao lúc thấp. Không ai cấm mình nương tựa vào thầy của mình, vào sư anh, sư chị, và vào tăng thân mình. Nhưng tất cả những người đó đều có thể có lúc cao, lúc thấp. Khi thấy thấp, mình đừng hoảng sợ và có cảm giác mất chỗ nương tựa! Ngược lại, khi thấy như vậy mình phải thương thêm và tìm cách đem lại sự an ủi, rồi làm cho tình trạng của người đó và hoàn cảnh đó trở nên vững chải hơn.

Sư cô đã nghe lời Thầy, đã thực tập quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, nơi Tăng và chỉ trong một ngày là có kết quả. Điều hay nhất là Thầy không phải dạy tới lần thứ hai, chỉ dạy một lần thôi là cô thực tập được, đã vượt thắng được, đã đem sự hiểu biết và lòng thương yêu của mình mà đối đãi với người chị của mình. Tuy là em nhưng sư cô đã giúp được chị. Chuyện em giúp được chị, em giúp anh là chuyện xảy ra rất thường. Cũng như chuyện học trò giúp thầy đã xảy ra nhiều lần.

Khi thực tập như vậy, mình bắt đầu tiếp xúc được với tính vô ngã nó nằm ở dưới nền tảng của mọi sự vật đang có mặt. Vì chị mình là ai? Anh mình là ai? Chị mình chính là mình! Anh mình chính là mình! Hạnh phúc của chị mình cũng chính là hạnh phúc của mình, hạnh phúc của mình cũng chính là hạnh phúc của anh mình. Nỗi đau khổ của em mình cũng chính là nỗi đau khổ của mình. Trong đời sống hàng ngày ta thấy điều đó rất rõ. Khi con ngựa đau, cả tàu ngựa đều không ăn cỏ. Nếu có việc gì xảy đến cho một người trong tăng thân, thì tất cả mọi người đều đau khổ, chúng ta đã có kinh nghiệm về chuyện đó.

Có một năm đang đi dạy ở Bắc Mỹ, tôi nhận một tin rất dữ. Đó là tin tai nạn xe hơi của anh Hoàng và chị Tịnh Thủy, và chị Tịnh Thủy bị thương trầm trọng. Lúc đó tôi đang ở xa, không thể tiếp xúc được với nhà thương, Tôi không biết chị Tịnh Thủy còn sống hay không? Vì vậy cho nên đi một đoạn đường dài từ miền nam Cali lên đến Bắc Cali mà trong lòng cứ ôm ấp hình bóng của người học trò! Không biết cô học trò đó hiện bây giờ đang còn sống hay đã chết rồi? Từ lúc đó trở đi có nhiều tin tức khác nhau. Đến khi về lại Pháp, tôi biết rằng Tịnh Thủy không đến nỗi nào, cô đã vượt thoát nguy tai, và đã bình phục sau một thời gian điều trị. Lúc về, tôi nhìn Tịnh Thủy bằng đôi mắt khác. Tôi cảm tạ đất trời, cảm tạ số mạng, cảm tạ tất cả. Trái tim tôi tràn đầy sự biết ơn, Biết ơn ai, biết ơn cái gì thì không rõ lắm, chỉ có một sự thực rất rõ là mình biết ơn đối với cái sự kiện là Tịnh Thủy còn sống. Từ đó đến nay, mỗi khi ngồi gần Tịnh Thủy, tôi thấy rất rõ sự kiện Tịnh Thủy còn sống là một sự kiện mầu nhiệm. Tịnh Thủy hay bất cứ người nào trong tăng thân chúng ta cũng vậy, nếu lâm vào tình trạng hiểm nguy đó, tai nạn đó, thì chúng ta cũng đau khổ như nhau. Khi ngồi bên cạnh người sư anh, sư chị, sư em, mình phải thấy sự kiện người đó còn sống và đang ngồi bên mình là một ân đức, một phép lạ. Chỉ cần nhớ tới điều ấy thôi thì bao nhiêu nỗi buồn phiền và giận hờn của mình đối với người đó sẽ tan biến hết. Đó là cách tiếp xúc với chiều sâu của sự thật. Nếu không thì chúng ta chỉ có cái thấy cạn cợt trên bề mặt của sự thật mà thôi.

QUÁN CHIẾU VỀ TƯƠNG QUAN SẼ DẪN TỚI CÁI THẤY VÔ NGÃ

Cách đây mấy tuần, một hôm ra vườn ngồi chơi trên bãi cõ, có một con bọ xít nhỏ xíu bay bám vào áo mà tôi không hay. Ngồi một lúc, thoáng có ý hay tôi vào phòng và ngồi vào bàn để ghi lại kẻo sợ quên. Vừa cầm cây bút lên thì thấy anh chàng bọ xít đang đậu bên vai trái. Tôi có cái tập khí là không ưa bọ xít vì mùi hôi của nó. Do đó, với phản ứng tự nhiên, tôi đua tay lên phủi một cái, và con bọ xít rớt xuống. Lúc đó tập khí mạnh và chánh niệm tới trễ. Quí vị có nhờ ngày xưa khi chưa đi tu, hễ biết con muỗi đậu vào má mình thì mình đưa tay đánh một cái bốp liền. Nhưng nhờ tu học nên chuyện đánh cái bốp cho con muỗi chết, mình không làm nữa, mình chỉ đuổi cho nó bay đi thôi. Điều này ta cần thực tập mới làm được. Từ chỗ đánh cái bốp cho con muỗi chết cho đến chỗ mình chỉ xua cho nó bay đi, phải cần một thời gian thực tập tinh chuyên. Tôi cũng vậy. Sau khi phủi con bọ xít rồi, tôi cúi xuống định ghi lại cái tư tưởng vừa có thì tự nhiên chánh niệm tới và nó nói: “Trời đất ơi! Con bọ xít nhỏ xíu mà phủi mạnh như vậy thì làm sao nó sống được. Bọ xít cần có một môi trường, một khung cảnh mới có thể sống, bây giờ mình đem nó vào thư viện, nơi chỉ sách, có nhang và tọa cụ thôi, thì nó ăn gì để sống?”. Tôi muốn đứng dậy đi tìm con bọ xít để đưa nó ra ngoài, nhưng ý nghĩ thứ hai lại đến: “Sao mình không ghi xong tư tưởng kia rồi sẽ đi kiếm và đưa nó ra ngoài sau?” Tôi cúi xuống ghi chép và bỏ bút đứng dậy đi tìm con bọ xít, Tìm nó gần mười phút mà không thấy! Tôi liên tưởng đến người Việt đi tị nạn được đưa vào xã hội Tây phương mà còn khó sống, huống hồ đằng này “người ta” đang ở ngoài vườn, có cây, có lá, có đất đai, có hạt sương tươi mát ... mà lại đem bỏ vào một nơi chỉ có tọa cụ, kinh sách thì làm sao “người ta” sống được? Cái hiểu đưa tới cái thương và thôi thúc mình đi tìm. Tôi rất làm lạ là chỉ trong một vùng chừng hai ba thước vuông, vậy mà lật mọi thứ lên cũng vẫn không tìm thấy! Tôi hơi hối hận là tại sao lúc đó mình không đi tìm ngay mà phải đợi ghi cho xong một câu rồi mới đi tìm! Tu là phải đi theo tâm ý mình, phải có chánh niệm từng giây từng phút.

Tìm mãi không được, tôi thất vọng và hình dung rằng con bọ xít này sẽ từ từ khô đi giống như những con ốc leo tường. Nó sẽ khô như vậy, sẽ chết như vậy và tội nghiệp cho nó quá! Tôi tự hứa lần sau sẽ hành động có chánh niệm hơn. Với tâm trạng đó, tôi ngồi xuống tiếp tục làm việc. Chừng nửa giờ sau, nhìn lên tôi thấy chàng bọ xít đã trở về đậu trên vai áo, gần chỗ nó đậu hồi nãy! Sự trở về của con bọ xít làm cho tôi mừng! Tôi có cải cảm giác vui như vừa tìm lại được một người bạn cũ và cái buồn cái hối hận đột nhiên biến mất. Tôi cúi xuống lượm một tờ giấy, để con bọ xít lên rồi đi ra vườn đặt nó lên một chiếc lá rất cẩn thận. Trong cuộc sống nhiều lúc ta có những niềm vui đơn giản như vậy. Tôi thấy rất rõ ràng việc làm lúc đó của tôi và niềm vui của tôi trong khi làm việc đó, nếu có một quan sát viên nhìn vào, chắc sẽ buồn cười. Có biết bao nhiêu sinh mạng ở ngoài trời đang chờ chết, mình cứu được một con bọ như thế có nghĩa gì đâu? Sự có mặt của con bọ đối với quan sát viên kia không quan trọng gì hết, nhưng đối với tôi nó quan trọng vô cùng, tại vì tôi biết rằng cái hạnh phúc của mình tuỳ thuộc vào chỗ mình có lòng từ bi hy không. Một người không có lòng từ bi thì không thể có hạnh phúc. Cho nên tu tập là làm cho lòng từ bi càng ngày càng lớn để hạnh phúc của mình ngày càng lớn hơn lên. Nếu ta có được lòng thương đối với những sinh vật li ti như vậy thì ta cũng có thể có lòng thương đối với những sinh vật lớn hơn, trong đó có hư huynh, sư đệ và học trò của ta.

Ban đầu khi nghe sư anh hay sư em của ta nói một câu không dễ thương thì ta cũng theo cái tập khí, cái thói quen lâu đời “phủi một cái rồi bỏ đi!” Nhưng sau đó ta phải có chánh niệm, phải thấy rằng phủi như vậy là không dễ thương, và phải đi tìm sư anh, sư chị của mình mà nói “Hồi nãy em làm vậy, nói vậy là không dễ thương”. Ta phải tập và nếu tập được như vậy một vài lần thì sẽ không còn cái phản ứng tập khí ban đầu. Nhờ vậy mà khi cảm thấy một con muỗi đậu vào gò má, ta sẽ không đánh bốp một cái cho nó chết nữa. Những cử chỉ, những hành động nho nhỏ như vậy sẽ đưa ta tới thành công lớn trong việc tu học. Tất cả đều nhờ thực tập tinh chuyên.

Một hai tuần sau khi thấy được “cái tập khí con bọ xít” của mình, tôi hành động khá hơn đối với những con sâu bám vào áo mình. Vào mùa này tôi rất thích đi ra ngoài.Cứ làm việc một hồi lại ra ngoài đi thiền hành, rồi ngồi dưới cây táo để thực tập an trú với những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại. Dĩ nhiên ngoài vườn còn có những sinh vật khác cũng muốn tới để làm tăng thân với mình. Khi thấy được như vậy, mình làm khác hơn và nhờ vậy mà thắng được cái tập khí của mình.

Tại sao mình làm được? Tại vì mình biết con sâu cũng có sự sống. Nếu mình cần môi trường thích hợp để sống, thì con sâu cũng cần có môi trường thích hợp để sống. Mình và con sâu đều thuộc về một thực tại duy nhất là sự sống. Sự sống của ta tùy thuộc vào sự sống của son sâu. Sự sống của con sâu tùy thuộc vào sụ sống của ta. Sự sống của mọi loài đều dính dáng với nhau. Khi một loài bắt đầu bị diệt chủng, thì đó là một tiếng chuông báo động rất lớn. Người bạn tu của mình, người sư chị, su em, sư anh của mình chính là mình. Nếu người đó bực bội thì cũng như mình đã từng bực bội, nếu người đó giận hờn thì cũng như mình đã từng giận hờn. Vì vậy sau khi “phủi” một cái, mình phải trở về hàn gắn lại bằng cử chỉ hiểu biết và thương yêu. Như vậy hạnh phúc của mình ngày càng lớn, hạnh phúc của người kia cũng ngày càng lớn, và nhờ vậy mà hạnh phúc của tăng thân cũng ngày càng lớn hơn lên. Tất cả đều căn cứ vào một cái thấy, cái thấy vô ngã. Trong trường hợp này vô ngã có nghĩa là không có hạnh phúc riêng, không có một thực thể riêng gọi là ta. Chúng ta đều là thành phần của một thực thể chung gọi là sự sống. Hạnh phúc của anh có liên hệ tới hạnh phúc của tôi. Đau khổ của anh cũng là đau khổ của tôi. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ là vậy.

Cho nên khi quán chiếu về vô ngã không có nghĩa là ngồi đó để suy nghĩ về vô ngã, mà mình phải sống đời sống hàng ngày một cách có ý thức. tiếp xúc với con sâu, với hạt lúa, với chén tương, với người bạn tu, với mặt trời v.v... một cách có chánh niệm để thấy sự liên hệ mật thiết giữa tất cả các hiện tượng tức là quán chiếu vô ngã. Thí dụ khi ăn trái mận mình thấy một đám mây trong trái mận. Trái mận không bao giờ có được nếu không có đám mây, không có mặt trời, không có đại địa, không có người trồng mận, không có anh, không có tôi ... Vì vậy mà tôi có trong trái mận, và trái mận có trong tôi. Trái mận cũng đồng thời là mặt trời, là đám mây. Trái mận bất diệt và tôi cũng bất diệt. Đó là một bài thực tập quán chiếu về tính vô ngã.

Mình càng quán chiếu như vậy, càng sống có chánh niệm như vậy thì tự nhiên trái tim mình càng ngày càng lớn thêm lên. Trái tim ở đây tức là sự thương yêu, là lòng từ, và nhờ vậy mà mình sẽ dung chứa được tất cả mọi người và mọi loài trong đó. Trái tim của em có thể chứa được tôi không? Trái tim của em có thể chứa được người kia không? có thể chứa được người mà mình nghĩ là khó chịu hay không? có thể bao dung được cô Francois Berthot không? Nếu hiểu rằng Francois đã bị người ta giành mất con, đã từng sống một đời sống rất khó khăn, đã lâm vào tình trạng mất trí, thì tự nhiên cái hiểu đó đưa tới cái thương và ta có một chỗ ngồi ấm áp cho Francois trong trái tim ta. Người thực tập từ, thực tập bi là người làm cho trái tim ngày càng lớn để có đủ chỗ cho con sâu, con bướm, cho con nít đói, cho bà lão cô đơn và cả cho người mình ghét.







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]