Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc và hiểu Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa

25/10/201011:07(Xem: 8103)
Đọc và hiểu Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa

Buddha_1ĐỌC VÀ HIỂU
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Trịnh Nguyên Phước

I. Lời nói đầu

Kinh Kim Cương (hay Kim Cang), tên đầy đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika-prajñaparamita),là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa, đồng thời được xem là một bài kinh căn bản của Thiền tông, vì chứa đựng tinh hoa, cốt tủy của giáo lý Bát Nhã.

Đối với người tu học Thiền, Kinh Kim Cương đóng một vai trò khai ngộ đặc biệt, bởi vì chính nhờ câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"trong bài Kinh mà Lục tổ Huệ Năng và nhà vua Trần Thái Tông đều đạt được đại ngộ.

Bài Kinh này thường được tụng niệm tại các chùa thuộc hệ Đại Thừa, nhưng ít khi được tìm hiểu và trình bầy một cách cặn kẽ, ngoài một vài câu nổi tiếng được dẫn chứng trong các bài thuyết pháp. Lý do có lẽ là Kinh nói chung khó hiểu, với một hình thức đặc biệt làm cho người đọc dễ bị lôi cuốn bởi các câu rườm rà, và lướt qua nhanh một số câu cô đọng chứa đựng tất cả cái cốt tủy tinh hoa. Hơn nữa, cũng như đối với đa số kinh điển Phật giáo, dùng trí thức thuần túy để mà phân tích, suy luận và diễn giải, không thể nào đầy đủ. Người ta còn phải hiểu bằng trí huệ Bát Nhã, bằng trực giác, bằng linh cảm, bằng tất cả cái tâm của mình. Trong Kinh, đức Phật há đã chẳng nói "Kinh này không thể nghĩ bàn, không thể đo lường được"(Hán văn: Thị kinh hữu bất khả tư nghị, bất khả xứng lượng, chương 15, 16) hay sao?

Tuy nhiên, trong sự truyền thông, trao đổi giữa những con người với nhau, thì không thể nào không dùng đến khái niệm, ngôn từ để lý giải, đồng thời vẫn ý thức được sự hạn hẹp của lối tiếp cận này.

Trong bài này, tác giả xin phép trình bầy cách đọc và hiểu Kinh Kim Cương của bản thân mình. Việc này không tránh khỏi có nhiều điều sơ xuất và nét chủ quan, cho nên xin các độc giả vui lòng bổ túc, thông cảm và lượng thứ cho.

Có thể nói rằng, theo cách hành văn của kinh: "Nói về kinh Kim Cương, nhưng đó không phải là kinh Kim Cương thực sự, vậy mới là kinh Kim Cương"...

II. Lịch sử Kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương (tiếng Phạn là Vajracchedika Sutra) thuộc vào bộ kinh đồ sộ nhất của Phật giáo Đại Thừa, tức là bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (prajñaparamita Sutra)gồm 40 bài kinh, in thành 600 cuốn. Cũng nằm trong bộ kinh này là bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Hrdaya-prajñaparamita Sutra). Hai bài kinh này là hai bài kinh được tụng niệm nhiều nhất tại các chùa thuộc hệ Đại Thừa.

Nguồn gốc và thời điểm của sự xuất hiện của bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa còn mang nhiều điều bí ẩn.

Theo đa số nhà Phật học, bộ kinh này phát xuất từ miền Trung và miền Nam Ấn Độ. Etienne Lamotte cho rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa khởi đầu từ miền Tây Bắc và Trung Á (Khotan), do ảnh hưởng của nền văn minh Địa Trung Hải và Hy Lạp trong giai đoạn nẩy sinh ra Đại Thừa. Nhưng theo Edward Conze, một trong những học giả uyên thâm nhất về Bát Nhã Ba La Mật Đa, điều này chỉ chứng tỏ rằng bộ kinh này được thịnh hành tại miền Tây Bắc trong triều đại Kouchan (thế kỷ I sau CN), chứ không phải là nẩy sanh tại đây.

Theo ông, sự phát triển của Bát Nhã Ba La Mật Đa kéo dài hơn 10 thế kỷ và có thể chia ra làm 4 thời kỳ:

1) Từ 100 trước CN tới 100 sau CN là giai đoạn hình thành phần cơ bản của kinh.

2) Trong 200 năm sau, phần cơ bản này được tăng cường mạnh mẽ.

3) Trong 200 năm tiếp theo, cho tới 500 sau CN, các ý tưởng căn bản được đúc kết lại thành những bài kinh ngắn (trong đó có Kinh Kim Cương), đồng thời những bài tóm tắt có vần điệu.

4) Trong giai đoạn cuối (600-1200 sau CN), ảnh hưởng của Mật tông bắt đầu thấy rõ, với sự thâm nhập bởi các câu thần chú, và làm giảm bớt ảnh hưởng của bộ Kinh.

Tuy nhiên, có một số học giả (đa số người Nhật) không đồng ý với quan điểm này, và cho rằng Kinh Kim Cương xuất hiện sớm hơn.

Nói tóm lại, thời điểm của sự xuất hiện của Kinh Kim Cương vẫn chưa được xác định một cách rõ rệt. Nhưng người ta có thể phỏng đoán rằng bài Kinh này, dưới một hình thức này hay một hình thức khác, xuất hiện vào một thời kỳ rất sớm trong bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là vào khoảng thế kỷ I-II sau CN.

III. Những bản dịch Kinh Kim Cương và chú giải

A) Từ tiếng Phạn sang tiếng Hán

Bắt đầu từ thế kỷ thứ IV sau CN đã có nhiều bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán:

1- Bản đầu tiên và nổi tiếng nhất là của Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 343-413) đời Đông Tấn (401) tại Trường An.

2- Sau đó có các bản dịch của Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci)đời Ngụy (508), Ba La Mạt Đà hay Chân Đế (Paramartha)đời Trần (giữa thế kỷ thứ VI), Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta)đời Tùy (đầu thế kỷ thứ VII).

3- Đáng được chú ý là các bản dịch của các vị tăng đời nhà Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh, như Huyền Trang (600-664) và Nghĩa Tịnh (635-713).

4- Sau đó, cũng có nhiều bản dịch khác và đặc biệt những lời chú giải của những vị tăng nổi tiếng như: Trí Khải hay Trí Giả (538-597),đời Tùy, Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623)đời Minh và Thái Hư (1889-1947)vào thời kỳ cận đại.

Trong những người đã luận giải đầu tiên về kinh, phải kể đến hai vị dẫn đầu trường phái Duy Thức: Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu). Ngài Thế Thân đã nêu lên 27 điểm nghi vấn để giải nghĩa kinh.

Kinh Kim Cương cũng được xem là cuốn sách đầu tiên được in (bằng phương pháp khắc gỗ), với một ấn bản được khám phá ra năm 1907 bởi nhà khảo cổ Aurel Stein tại một hang động gần Đôn Hoàng vùng Tây Bắc Trung quốc. Ấn bản này được ước lượng in vào năm 868 sau CN, và hiện đang được tàng trữ tại Thư viện Anh quốc (British Library) (Hình 1).

Tại Việt Nam cũng có những bản Kinh Kim Cương được giữ như một pháp bảo, chẳng hạn như tại chùa Trúc Lâm, tỉnh Quảng Trị, có một bản kinh Kim Cang bằng gấm lót nhiễu điều thêu chỉ ngũ sắc từ thời Tây Sơn, được đánh giá là bản kinh thêu lớn nhất Việt Nam. Toàn bộ bản kinh dài 2,47 m, rộng 23,4 cm, số lượng chữ được thêu khoảng 7000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hộp gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp (Hình 2, 3 và 4). Bản kinh được thêu vào đời nhà Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ tám (1800) bởi ni sư Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây, sau đó bị thất lạc trong dân gian, cuối cùng được mua lại bởi Sư bà Diệu Không và gìn giữ tại chùa Tây Thiên rồi chùa Trúc Lâm.

B) Từ tiếng Hán sang tiếng Việt

Cũng có nhiều bản dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Chúng tôi chỉ xin liệt kê một vài bản dịch, thường có thêm lời chú giải hoặc giảng giải để làm sáng tỏ ý nghĩa của bài kinh:

1- Cư sĩ Thiều Chửu (1930 tại Hà Nội). Ấn bản khắc gỗ chữ Hán đã bị thất truyền.

2- HT Thích Trí Quang

3- HT Thích Thanh Từ

4- Thiền sư Thích Nhất Hạnh

IV. Cấu trúc của bài Kinh

Bản nguyên văn chữ Phạn không chia ra chương mục gì cả, nhưng theo truyền thuyết bài kinh được Chiêu Minh thái tử (501-531)đời nhà Lương chia ra làm 32 đoạn (gọi là phân hay phận) cho dễ nhớ. Thật ra theo một nguồn tin có căn cứ hơn, sự phân chia này là do một gia đình họ Quá, tỉnh Tứ Xuyên, vào cuối thế kỷ thứ IX-đầu thế kỷ thứ X sau CN.

Trong các bản dịch tiếng Hán, có những bản dài hơn và được chia làm 52 đoạn. Đặc biệt là bản dịch Việt của HT Thích Trí Quang gồm những câu 4 chữ, để cho dễ tụng niệm. Toàn bài có 1544 câu, chia làm 52 đoạn, với 3 phần: "mở đầu, nội dung và kết thúc", mỗi phần chia ra làm 5 lớp.

Thật ra, chúng ta không nên bám chặt vào tên và thứ tự của các phận đó để đọc và hiểu kinh. Vì như chúng ta sẽ thấy, giữa những phận đó không có một sự sắp xếp mạch lạc gì cả, và nội dung của chúng cũng không đồng đều, với tầm quan trọng, chiều sâu khác biệt nhau.

Vì vậy cho nên đối với nhiều người, Kinh Kim Cương cũng như toàn bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa không phải là để hiểu bằng lý trí, phân tích, suy luận, mà phải để hiểu bằng trực giác, bằng trái tim.

Hơn nữa, so với Bát Nhã Tâm Kinh là một bài kinh hết sức ngắn gọn và cô đọng (260 chữ), thì Kinh Kim Cương dài hơn nhiều (khoảng 7000 chữ), với nhiều đoạn được lập lại, cùng một ý nghĩa hay không cần thiết. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng đó là một bài kinh với tính chất truyền khẩu của sự kết tập ban đầu, và chức năng tụng niệm, nhằm giáo dục tăng sĩ và cư sĩ bằng cách lập đi lập lại các câu kinh.

V. Ý nghĩa của tên kinh

Tên tiếng Phạn của bài kinh là Vajracchedika-prajñaparamita-sutra.

Vajratiếng Phạn có hai nghĩa: "kim cương" và "sấm sét".

Chedikacó nghĩa là "cắt đứt", "đoạn diệt".

Người ta có thể hiểu là kinh cứng chắc như kim cương, có khả năng cắt đứt được sắt thép, và tất cả những gì cứng rắn nhất. Do đó, Thiền sư Hám Sơn gọi tên kinh là "kim cương giác nghĩa đoạn nghi" (cắt đứt tất cả các nghi vấn), còn Thiền sư Nhất Hạnh là "gươm báu cắt đứt phiền não" (Anh văn: the diamond that cuts through illusion). Thật ra cũng không có gì khác nhau lắm, bởi vì nghi vấn chính là phiền não, và phiền não cũng là do ảo tưởng gây nên. Trong bối cảnh của bài Kinh, chúng ta có thể hình dung ra một chiếc gươm bén chắc chặt đứt các màn hình tướng để lộ ra sự thật, như như.

Tuy nhiên, cũng có thể hiểu là kinh có một sức mạnh sấm sét, một sức công phá khủng khiếp, nhằm phá tan mọi kiến chấp. Nói như HT Thanh Từ: "Đây là quả bom, là khối chất nổ mạnh làm nổ tung hai ngọn núi kiến chấp của chúng sanh". Edward Conze cũng dịch tên Kinh sang tiếng Anh là "The perfection of wisdom which cuts as the thunderbolt" (Trí huệ Bát Nhã chặt đứt như sấm sét).

Prajña là trí huệ (Bát Nhã) siêu việt, trọn vẹn, vượt lên mọi hiểu biết trí thức thông thường. Paramita có nghĩa là "tới bên bờ bên kia" (Hán văn: "đáo bỉ ngạn"), từ bờ bên này là phiền não, là vô minh, qua tới bờ bên kia là giải thoát, là giác ngộ. Đó cũng là ý nghĩa của câu chú cuối bài Bát Nhã Tâm Kinh: "Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên bờ kia, hoàn toàn vượt qua, hoàn toàn giác ngộ; Phạn văn:Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha). Trong bối cảnh của bài kinh, người ta cũng có thể hiểu đó là sự vượt qua khỏi mọi ảo tưởng, mọi hình tướng, mọi kiến chấp, phân biệt nhị nguyên thông thường.

Vì từ prajñaparamitakhó dịch, cho nên tại các vùng ảnh hưởng Trung quốc, người ta vẫn giữ tên kinh theo phiên âm từ tiếng Phạn, tức là tiếng Trung: "Jìngàng bànruò bòluó mìduò", tie?ng Nhật: "Kongò hannya haramitta", và tiếng Việt: "Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa".

VI. Nội dung bài Kinh

Kinh Kim Cương nổi tiếng là khó hiểu.

Đối với các Phật tử, ý nghĩa của kinh vô cùng cao siêu, vi diệu và chứa đựng tất cả cái tinh túy của Phật giáo Đại Thừa. Có thể nói rằng tinh thần Bát Nhã với tánh Không được diễn tả bởi hai bài kinh chính yếu là Tâm Kinh và Kinh Kim Cương.

Chính thi hào Nguyễn Du, cũng là một nhà Phật học thâm thúy, đã phải than rằng:

"Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cấp đáo phân kinh Thạch Đài thị,
Chung tri : vô tự thị chân kinh."
(Ta đọc Kim Cương đã cả ngàn lần,
Nhưng nhiều nghĩa sâu ẩn vẫn chưa sáng tỏ.
Đến khi xem tới phẩm Thạch Đài,
Thì cuối cùng mới biết: thật là bài kinh không lời).
Đối với các nhà triết học và luận lý học Tây phương, thì bài Kinh này khó hiểu vì có nhiều đoạn tối nghĩa và đôi khi mâu thuẫn với nhau, hoặc đối nghịch lại với lô gích cổ điển.

Nhưng vì những lý do sẽ trình bầy sau, chúng ta phải bắt buộc chấp nhận những mâu thuẫn đó khi đi vào tìm hiểu bài Kinh. Và để rút ra chất cốt tủy của lời dậy, thường được chứa đựng trong những câu vô cùng ngắn gọn, chúng ta phải gạt bỏ tất cả các điều thừa thãi, lập lại, hiển nhiên không thuộc vào thông điệp chính của bài Kinh.

Đó là trường hợp của những đoạn nhấn mạnh về công đức nhận được mỗi khi tụng niệm và phổ biến bài Kinh. Chúng chỉ nhằm phát triển niềm tin trên bài Kinh, thuộc vào Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Trong nhiều đoạn có nhắc lại câu: "Nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe kinh điển này, thọ trì đọc tụng và viết chép lại kinh, dù chỉ là 4 giòng, và đi giảng giải cho người khác nghe, thì thành tựu công đức không thể lường và vượt lên trên tất cả các bố thí trên thế giới".

Thật ra trong đạo Phật sơ khởi cũng như trong truyền thống Bát Nhã, không có đức tin theo ý nghĩa sùng tín (bhakti, dévotion) mà chỉ có niềm tin tưởng (sradda, foi de confiance) trên vị thầy và lời dậy của ngài. Hơn nữa, mộtbài học chính yếu của bài Kinh là sự buông xả cái "ta", do đó sự tích tụ công đức không còn lý do gì để tồn tại, và ít ra không phải là mục đích của kẻ đã đi theo hạnh nguyện Bồ Tát. Chính đức Phật đã nói trong chương 19:

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, nếu có người đem đồ thất bảo đầy cả ba ngàn thế giới mà bố thí, người ấy làm nhân duyên thế, có được nhiều phúc đức không?

- Bạch Thế Tôn! Như thế, người đó nhờ nhân duyên ấy được phúc đức rất nhiều.

- Này Tu Bồ Đề! nếu phúc đức có thực, thì Như Lai đã không nói rằng phúc đức nhiều. Vì phúc đức không có, cho nên Như Lai mới nói là được phúc đức nhiều".

Người ta có thể nghĩ rằng những đoạn nói về sự thành kính đối với bài Kinh đã được thêm vào để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, cũng như trong các tôn giáo khác. Nhất là, như chúng ta đã thấy, hình thức hoàn chỉnh của bài Kinh có nhiều khả năng chỉ xuất hiện vài trăm năm sau bản kinh ban đầu. Làm sao đức Phật có thể nói về một bài kinh, khi kinh đó chỉ được đúc kết và soạn thảo nhiều năm sau khi ngài tịch diệt?

Sau khi đóng ngoặc lại trên những nhận xét đó, chúng ta sẽ lần lượt đi vào các chương của bài Kinh.

1) Bối cảnh lời dậy của đức Phật

Bối cảnh lời dậy của đức Phật nằm trong hai chương đầu, có thể gọi là phần dẫn nhập.

Chương 1.

Tôi nghe như vầy.
Đó là một câu khởi đầu thường gặp ở đa số các bài Kinh (Phạn văn: evam maya srutam, Hán văn:như thị ngã văn), do ngài A Nan (Ananda), người đệ tử thân cận nhất của đức Phật, thuật lại những gì đã được nghe từ miệng đức Đạo sư.

Có một thời, đức Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ (Sravasti), bên rừng cây Kỳ Đà (Jeta), trong vườn Cấp Cô Độc (Anathapindika), cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ kheo. Tới giờ ăn sáng, ngài mặc y, cầm bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Sau khi trở về và ăn xong, ngài thu dọn y bát, rửa chân, trải tòa ngồi xuống.

Như vậy, bối cảnh bài học của đức Phật là một hội đồng tỳ kheo họp lại chung quanh ngài, trong khu vườn của một thương gia giầu có (Cấp Cô Độc) cho ngài mượn trong mùa mưa. Đó cũng là hình ảnh của đời sống hàng ngày của đức Phật, một cuộc sống bình thường, giản dị, trong sự tỉnh thức. Trong Kinh không hề nói có hào quang, sấm chớp, đất trời rung chuyển hay một hiện tượng siêu nhiên nào xẩy ra, như trong một số kinh điển Đại Thừa.

Chương 2.

Lúc bấy giờ, có một vị trưởng lão tên là Tu Bồ Đề (Subhuti, hay Thiện Hiện), đang ngồi trong chúng, tức thì đứng dậy, vạch trần vai phải, đầu gối bên phải quì sát đất, chắp tay cung kính mà thưa: " Bạch Thế Tôn, ngài thật hiếm có trên đời, ngài khéo hộ niệm cho các Bồ Tát, khéo phó chúc cho các Bồ Tát. Bạch Thế Tôn, thiện nam tín nữ đã phát tâm nguyện vô thượng Bồ đề, thì phải an trụ tâm thế nào, hàng phục tâm thế nào?"(...)

Tu Bồ Đề là một vị đại đệ tử của đức Phật, và câu hỏi ngài đặt ra vô cùng hệ trọng: đó không phải là một vấn đề siêu hình, mà là một một vấn đề thiết thực, rộng lớn đặt ra cho tất cả những người tu theo đạo Phật. Và đức Phật trả lời, không phải chỉ riêng cho Tu Bồ Đề, mà luôn thể cho cả chúng tỳ kheo có mặt.

2) Nhát chém đầu tiên của gươm báu

Chương 3.

Phật bảoTu Bồ Đề rằng: "Các Bồ Tát nên hàng phục cái tâm như thế này: Tất cả chúng sanh các loài, dù sanh bằng trứng, bằng thai, dù sanh bằng ẩm thấp, bằng hóa sanh, dù có hình sắc hay không hình sắc, dù có tư tưởng hay không tư tưởng, ta phải làm sao giúp chúng đều được diệt độ vào Niết Bàn. Diệt độ cho vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy, mà thật ra không có chúng sanh nào được độ cả. Tại sao vậy? Tu Bồ Đề! Vì nếu Bồ Tát vẫn còn phân biệt tướng ngã, tướng nhân, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ Tát vậy" (Hán văn: Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát).

Lời mở đầu của đức Phật có vẻ bình thường, quen thuộc. Người ta có cảm tưởng nghe Kinh Từ Bi (metta sutta), nhắc lại hạnh nguyện Bồ Tát cứu độ tất cả các chúng sanh và dẫn họ tới Niết Bàn. Nhưng bỗng nhiên, người ta cảm thấy bị hụt hẫng, " tréo cẵng ngỗng " (contrepied) như trong khi chơi quần vợt, chạy về một phía trong khi trái banh vọt về phía kia, làm cho ai nấy đều chưng hửng, như rớt vào khoảng trống: "thật ra, không có một chúng sanh nào được diệt độ vào Niết Bàn"! Đó là nhát chém đầu tiên của chiếc gươm báu, hay là tiếng sét đánh đầu tiên...

Bồ Tát mà còn phân biệt mình và người khác, và thọ giả (tức là sinh mạng lâu dài nối mãi không dứt), thì không phải là Bồ Tát thực sự. Và ngay cả những ai đã đạt được thánh quả khác như Dự Lưu (srota-apanna),Nhất Lưu (sakrdagamin), Bất Lai(anagamin) hay A La Hán(arhat) cũng vậy.

3) Mọi hình tướng đều là hư vọng

Chương 4.

"Lại nữa,Tu Bồ Đề! Bồ Tát trong khi bố thí, đối với các pháp, không nên chấp trước, không nên trụ vào đâu cả. Tức là không chấp trước vào sắc, không chấp trước vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Bố thí mà không chấp trước vào đâu thì phúc đức không thể lường được".(...)

Như vậy, ngay từ ban đầu, chỉ qua vài câu, đức Phật đã đi thẳng vào vấn đề, và "giáng" cho một bài học đi ngược lại hẳn với những thành kiến có từ trước. Một vị Bồ Tátcó ý thức mình là Bồ Tátkhông phảilà Bồ Tát thực sự, một người có ý thức mình là kẻ nhân từ không phải là kẻ nhân từ thực sự.Bởi vì người ấy còn phân biệt mình và người khác, chủ thể và khách thể, vì người ấy còn chấp vào cái ngã của mình, vào cái tướng của mình và của người. Hành động bố thí không còn là không vụ lợi, bởi vì khi đã tự tách mình ra và tăng giá trị cho mình, thì là đã tâng bốc, vuốt ve cái bản ngã của mình.

Đó cũng là sự chấp trước vào hình tướng, vào dáng vẻ, vào bề ngoài, mà đức Phật dậy chúng ta phải đề phòng đừng mắc phải.

Chương 5.

"Này Tu Bồ Đề! Ý ông ra sao, có thể nào nhìn thân tướng mà thấy Như Lai không?""- Không, Bạch Thế Tôn, không thể nhìn thân tướng mà thấy Như Lai được". "- Vì sao vậy?" "- Vì theo ngài dậy, thân tướng đó không phải là thân tướng chân thật". Phật bảo Tu Bồ Đề rằng: "Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy rõ các tướng đó không phải là chân tướng, tức là thấy được Như Lai". (Hán văn:Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai).

Từ tiếng Phạn dùng để chỉ định hình tướng là laksana, cũng có nghĩa là vẻ ngoài, hình dạng, dấu ấn, dấu hiệu, đặc điểm (như trong "ba pháp ấn", trilaksana, là ba đặc điểm của cuộc sống: vô ngã, vô thường, khổ). Chính khái niệm cốt yếu đó được lấy làm nền tảng cho Kinh Kim Cương. Ý nghĩa trung tâm được lập lại trong suốt bài Kinh là: "Mọi hình tướng đều là hư vọng". Tất cả những vẻ ngoài đều giả dối. Từ hình tướng của đức Phật, của Pháp, của Tăng, cho đến cái ta, cái cá tính, cái hiện hữu, v.v. tất cả đều không thực.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại là từ Phạn dharma(pháp), thường gặp trong đạo Phật, có hai nghĩa: 1) những lời dậy của đức Phật (giáo pháp); 2) tất cả mọi sự vật, tất cả những gì hiện hữu, nhìn thấy hay không nhìn thấy, có thật hay tưởng tượng, tức là một khái niệm vô cùng rộng rãi. Người ta có thể phân biệt bằng cách dùng chữ D hoa (hay P hoa cho Pháp) cho 1) và d thường (hay p thường cho pháp) cho 2). Nhưng vì trong tiếng Phạn không có chữ hoa, nên rốt cục phải hiểu mỗi từ dharmatùy theo ngữ cảnh.

Giáo pháp được đề cập tới trong một số chương:

Chương 6.

"(...) Các chúng sanh đã phát lòng vô thượng, không nên nhận lấy tướng, tức là chấp trước vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng; không nên nhận là có pháp, không nên nhận là có phi pháp. Vì lý do đó, cho nên Như Lai thường nói: 'Này các tỳ kheo! Các ông nên biết, pháp ta nói ra đó cũng chỉ như chiếc bè dùng để qua sông. Pháp còn nên bỏ đi, huống chi là phi pháp.' (Hán văn: Tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả. Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp)."

Chương 7.

"Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, Như Lai có đạt được A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề (anuttara-samyaksambodhi, vô thượng chính đẳng chính giác) không?Như Lai có nói pháp gì không?" "- Bạch Thế Tôn, theo con hiểu ý của ngài, thì không có pháp nào có thể khẳng định là A nậu đa la Tam miệu tam Bồ đề, cũng không có pháp nào có thể khẳng định là Như Lai nói được." "- Vì sao vậy?""- Vì pháp của Như Lai nói không nắm được, không diễn tả được bằng lời nói, không phải là pháp, không phải là phi pháp."(...)

Chương 21.

"Này Tu Bồ Đề! Ông đừng nói Như Lai có ý nghĩ Như Lai thuyết pháp. Vì sao vậy? Vì nếu ai nói rằng Như Lai có thuyết pháp, thì chính là phỉ báng Như Lai. Nói như vậy là không hiểu ý nghĩa Như Lai đã nói. Tu Bồ Đề! Thuyết pháp mà thực không có pháp gì có thể thuyết, vậy mới gọi là thuyết pháp."(...)

4) Hình thức phủ định đôi (double négation)

Một hình thức ngữ pháp thường gặp trong Kinh là hình thức phủ định đôi (bất...bất..., vô..., vô...hoặc phi...phi...), những từ phủ định là những danh từ hoặc tính từ có ý nghĩa trái ngược nhau, từng cặp một (thí dụ như tăng/giảm, thực/hư, pháp/phi pháp, chúng sanh/bất chúng sanh).

Hình thức này thường được dùng bởi ngài Long Thụ(Nagarjuna), một đại triết gia và luận sư Ấn Độ (tk. II-III sau CN), dẫn đầu trường phái Trung Quán (Madhyamaka), và là nhà bình giảng chính của bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngài cũng được tôn thờ bởi Phật giáo Đại Thừa như một vị Bồ Tát và vị tổ sư thứ 14 của Thiền tông. Nhờ một phương pháp lý luận vô cùng sắc bén, ngài đi tới 8 điều phủ định về sự thật: "bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất, bất dị" (không sanh, không diệt, không thường còn, không dứt đoạn, không tới, không đi, không đồng nhất, không khác biệt), và kết luận rằng sự thật không thể nào nắm bắt được bằng khái niệm, ngôn từ. Do đó, sự phân biệt nhị biên phải được hoàn toàn phá bỏ, để tâm không còn bị dính mắc vào đó nữa.

Một cách trình bầy thường được dùng trong bài Kinh là: "cái này có (khẳng định), thực ra nó không có (phủ định),vì vậy người ta gọi nó là (khẳng định)".

Đó là trường hợp của những hạt bụi không đếm xuể, của hằng hà sa số thế giới:

Chương 30.

"Này Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam thiện nữ lấy cả ba ngàn đại thế giới ra nghiền nát thành những hạt bụi nhỏ, thì ý ông thế nào, số hạt bụi ấy có nhiều không?" "- Bạch Thế Tôn, rất nhiều "."- Vì sao vậy?""- Vì nếu những hạt bụi nhỏ ấy có thực, thì Phật đã không nói có những hạt bụi. Sỡ dĩ Phật nói có những hạt bụi nhỏ, tức không phải là hạt bụi nhỏ, cho nên mới gọi là hạt bụi nhỏ. Và bạch Thế Tôn, cái mà ngài gọi là ba ngàn đại thế giới đó không phải thực là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới. Vì sao vậy? Vì nếu thế giới có thực, là vì do hình tướng hợp lại. Như Lai nói hình tướng hợp lại đó không phải thực là hình tướng hợp lại, cho nên mới gọi là hình tướng hợp lại.""Tu Bồ Đề! Hình tướng hợp lại thì không thể nghĩ bàn, song kẻ phàm phu hay đam mê chấp trước điều đó."

Về hình thức, thì chúng ta nhận thấy rằng, sau những lời dậy đầu tiên của đức Phật, trưởng lão Tu Bồ Đề đã hiểu sâu ý ngài rất nhanh, cho nên đã tự trả lời được những câu hỏi sau của đức Phật một cách dễ dàng, không khác gì chính ngài trả lời.

Về nội dung, chính vì những câu trả lời đặc biệt như vậy, cho nên Kinh Kim Cương có tiếng là khó hiểu, làm người đọc phân vân, đôi khi ngờ vực và đâm ra chán nản. Thậm chí còn có người nhại báng Kinh bằng những câu như "ta nói dzậy, nhưng mà không phải dzậy"... Thật ra, nhìn sâu vào từng câu, từng khái niệm, chúng ta mới thấy rõ tính chất đồng nhất của nội dung bài Kinh.

Chẳng hạn như nếu nghiền nát cả thế giới này thành từng hạt hết sức nhỏ (vi trần hay phần tử) thì sẽ có một số lượng vô cùng hạt càng ngày càng nhỏ, càng gần tới hư không. Những hạt bụi nhỏ này cũng không có tự tánh, không có thường còn, cũng như bao nhiêu thế giới khác. Vì vậy cho nên hạt bụi cũng như thế giới đều là không thực, đều do ý tưởng mình mà có. Nhưng vì tiện lợi cho nên người ta mới tạm gọi nó làhạt bụi, là thế giới. Và ngay cả khi nói là chúng do hình tướng hợp lại mà thành, thì hình tướng đó cũng không có thực, và được tạm gọi là hình tướng. Nói tóm lại một cách vắn tắt thì "Có những hạt bụi (hay thế giới, hay hình tướng hợp lại), nhưng thực ra không có hạt bụi (hay thế giới, hay hình tướng hợp lại), cho nên mới gọi là hạt bụi (hay thế giới, hay hình tướng hợp lại)." Một câu thường gặp trong Kinh là: "Như Lai nói (...), tức là không (...), ấy gọi là (...)" (Hán văn: Như Lai thuyết (...), tức phi (...), thị danh (...)).

Những hình tướng khác, như: người có thân thể cao lớn (chương 10, 17), sắc thân hoàn hảo của đức Phật (chương 20), các loại mắt của đức Phật (nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn)(chương 18), 32 đặc tướng của ngài (chương 13, 26), các pháp Như Lai nói (chương 7, 14, 17, 21), chư Phật và pháp vô thượng chính đẳng chính giác (chương 8, 17, 22), tên Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (chương 13), những đức tính (chương 23), bố thí (dana)và nhẫn nhục (ksanti)ba la mật (chương 14), công đức (chương 19)và phần thưởng cho công đức (ch. 28), chúng sanh (chương 21), những kẻ phàm phu (chương 25), cái tâm (chương 18), hình tướng của sự vật (dharma-laksana) (chương 31), tất cả đều được áp dụng vào câu: "Cái mà người ta gọi là (...), thực ra không phải là (...), vì vậy để tiện lợi người ta gọi là (...)."

5) Đừng nên chấp trước vào đâu cả

Về 32 đặc tướng của đức Phật, ngài có nói lên một bài kệ kết thúc chương 26:

"(...) Nếu lấy sắc thấy ta,
Lấy âm thanh cầu ta,
Người ấy theo tà đạo,
Không thể thấy Như Lai."
(Hán văn:Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai)

Bài kệ nổi tiếng này dĩ nhiên vượt khỏi phạm vi của 32 đặc tướng, và có thể được diễn giải theo tinh thần Thiền tông: những hình vẽ, những tượng Phật và Bồ Tát (sắc) chỉ là những biểu tượng; những lời tụng niệm, cầu khẩn cùng với chuông mõ, kèn trống (thanh) chỉ là những phương tiệngiúp cho chánh niệm. Vì vậy, không nên chấp trước, dính mắc vào hình tướng, sắc thanh, mà tin rằng tìm thấy đức Phật trong đó.

6) Tâm không nên trụ vào đâu

Lời khuyên quan trọng nhất của đức Phật nằm trong chương 10 :

"Các Đại Bồ Tát phải nên sanh cái tâm thanh tịnh như thế này: không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm."(Hán văn:Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.)

Câu này thoạt nghe không có vẻ gì đặc biệt, nhưng thật ra chứa đựng thông điệp thâm sâu, sắc bén, đột phá nhất của tinh thần Thiền. Chính trong khi nghe thầy mình, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, đọc lại câu này lúc truyền y bát, mà Lục tổ Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ và kêu lên: "Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt! Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ! Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động! Đâu ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp!".Và vua Trần Thái Tông cũng đạt được đại ngộ khi đọc đến câu này.

Như vậy, câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâmhẳn phải có một sức mạnh đặc biệt lắm mới có thể gây chấn động và tuệ giác nơi hai vị Thiền sư xuất chúng này. Đó có thể là 8 chữ nói đến bởi Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông khi trả lời một vị tăng hỏi ngài 'cứu cánh là gì?': "Bát tự đả khai phân phó liễu, Cánh vô dư sự khả trình quân".(Tám chữ mở thông đà trao hết, còn gì đâu nữa để trình ông).(Trong bài kệ "Hữu cú vô cú").

Nếu phải thu gọn Kinh Kim Cương vào một câu, chỉ một câu thôi, thì có lẽ chính là câu này. Làm thế nào để an trụ, hàng phục tâm? Đức Phật đã trả lời một cách ngắn gọn câu hỏi của trưởng lão Tu Bồ Đề: "Đừng để tâm trụ vào một nơi nào hết". Bởi vì khi tâm bắt đầu trụ (hay dính mắc) vào sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp, thì tức khắc tâm dấy lên, tâm bị dao động vì vọng tưởng, cho nên không còn cái thanh tịnh trong sáng ban đầu. Trong Kinh còn nói, trong chương 14, "Nếu tâm còn chỗ trụ, tức không phải là trụ" (Hán văn: Nhược tâm hữu trụ, tức vi phi trụ).

Như vậy, có thể nói rằng: muốn tâm an trụ thì đừng để cho tâm trụ. Tâm không trụ thì mới an trụ.

Điều này gợi lại cho ta câu chuyện của ngài Huệ Khả đến cầu xin tổ Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho mình. Đến khi tổ nói "đưa tâm đây ta an cho", thì ngài Huệ Khả "không thấy tâm đâu hết", và bỗng nhiên đại ngộ. Đó là vì trước đó tâm ngài còn trụ trong cảm tưởng bất an, đến khi tìm cái tâm thì tâm hết trụ, nên không thấy cái tâm đâu nữa, và không có tâm thì hết bất an!

7) Chương làm tổng hợp của bài Kinh

Chương 14là chương dài nhất (Hán văn: 600 chữ), nhưng chứa đựng sự tổng hợp của cả bài Kinh. Nếu phải chọn một trong 32 chương, thì có thể chọn chương này như một chương tiêu biểu, tóm tắt lại bài Kinh.

Bấy giờ, Tu Bồ Đề nghe nói kinh này, lãnh hội sâu xa, xúc cảm đến rơi lệ mà bạch Phật rằng: "Hiếm có lắm thay! Lời dậy của Thế Tôn thật sâu xa. Từ khi con được tuệ nhãn đến nay chưa từng được nghe kinh nào như vây. Nếu lại có người nào nghe được kinh này, lòng tin thanh tịnh, sanh ra cái tướng chân thực, thì biết người ấy thành tựu được công đức hiếm có bậc nhất. Bạch thế Tôn, cái tướng chân thực ấy, tức không phải là tướng chân thực, cho nên Như Lai mới nói là tướng chân thực. Con nay được nghe kinh, tin hiểu thọ trì, cũng không khó mấy. Nhưng đến năm trăm năm về sau này, có chúng sanh nào nghe Kinh mà tin hiểu thọ trì, người đó mới là hiếm có nhất. Vì sao vậy? Vì người đó không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tại sao? Vì ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức không phải là tướng. Xa lìa mọi tướng tức gọi là chư Phật ".

Phật bảo Tu Bồ Đề: "Đúng vậy, đúng vậy! Nếu lại có người nào được nghe kinh này mà không kinh hoàng, hãi sợ, thì phải biết người đó vô cùng hiếm có. Vì sao vậy? Tu Bồ Đề! Như Lai nói đệ nhất ba la mật, tức không phải là đệ nhất ba la mật, cho nên gọi là đệ nhất ba la mật. Như Lai nói nhẫn nhục ba la mật, tức không phải nhẫn nhục ba la mật, cho nên gọi là nhẫn nhục ba la mật. Vì sao vậy? Tu Bồ Đề! Như ta xưa kia bị vua Ca Lợi (Kalinga) chặt hết thân thể, lúc đó ta không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tại sao? Vì lúc ấy khi ta bị lóc thịt tay chân, nếu ta còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tất sanh lòng sân hận. Tu Bồ Đề! Lại nhớ năm trăm kiếp xưa kia, ta làm nhẫn nhục tiên nhân, đã không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng rồi. Vì thế Bồ Tát phải rời bỏ tất cả các tướng mà phát tâm vô thượng Bồ Đề, không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Nên sanh tâm không trụ vào đâu cả. Nếu tâm còn chỗ trụ, tức không phải là trụ.

Vì thế nên Phật nói tâm Bồ Tát không nên trụ vào sắc bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên phải bố thí như vậy. Như Lai nói tất cả các tướng tức không phải là tướng thực, tất cả các chúng sanh tức không phải là chúng sanh thực. Tu Bồ Đề! Lời nói của Như Lai là lời nói đúng đắn, như thật, không điên cuồng, không quái dị. Các Pháp Như Lai đã được đó không thực, cũng không hư. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát tâm còn trụ vào Pháp mà bố thí, thì cũng như người vào chỗ tối, không còn nhìn thấy gì. Nếu Bồ Tát tâm không trụ vào Pháp mà bố thí, thì cũng như người đã có mắt, lại thêm ánh sáng mặt trời, thấy rõ mọi mầu sắc.

Tu Bồ Đề! Sang đời sau này, nếu có thiện nam thiện nữ nào thọ trì đọc tụng Kinh này, thì Như Lai với tuệ giác của Phật biết rõ và thấy rõ người ấy sẽ được thành tựu vô lượng vô biên công đức."

Về mặt nội dung, chương này lập lại những điều đã trình bầy ở các chương khác, duy có câu chuyện đức Phật kể lại tiền thân của ngài, bị hành hạ cơ thể vô cùng đau đớn, nhưng ngài không có một chút phân biệt ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng nào cả. Người ta có thể tin hay không vào câu chuyện tiền thân của đức Phật, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là lời giải thích cô đọng của ngài. "Vì sao vậy? Vì nếu còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tất sanh lòng sân hận". Mà sân hận là nguồn gốc của khổ đau, cho mình và cho người, là tạo nghiệp chẳng lành, trùng trùng duyên khởi. Đó là lý do vì sao "Bồ Tát phải rời bỏ tất cả các tướng", "tâm không trụ vào đâu cả". Lý do chỉ đơn giản như vậy.

8) Bài kệ kết thúc

Chương 32.

Kinh kết thúc bằng bài kệ nổi tiếng gồm 4 câu:

"(...) Tất cả các pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
Như sương, cũng như chớp,
Nên quán xét như vậy."

(Hán văn :Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.)

Khi Phật nói xong Kinh này, trưởng lão Tu Bồ Đề và các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, tất cả thế gian, thiên nhân, a tu la được nghe Phật nói, đều rất hoan hỉ và tin nhận phụng hành.

Như vậy, bài Kinh kết thúc trong khung cảnh ban đầu, một cách giản dị, như những lời dậy của một vị thầy cho các đệ tử. Không có một hình thức nào tỏ ra có tính chất tôn giáo, thiêng liêng, hay siêu nhiên.

Tôi xin phép trở lại bài kệ cuối cùng của bài Kinh. Bởi vì chính nhờ bài này, dưới hình thức một bản dịch tiếng Anh mang đầy thi vị của Kenneth Saunders, mà tôi đã đến với Kinh Kim Cương:

"Thus shall ye think of all this fleeting world :
A star at dawn, a bubble in a stream,
A flash of lightning in a summer cloud,
A flickering lamp, a phantom, and a dream."

(Pháp văn:Ainsi dois-tu considérer ce monde mouvant :
Une étoile à l'aube, une bulle dans un ruisseau,
Un éclair dans un nuage d'été,
Une lampe qui vacille, un fantôme, un rêve.)

Bài này cũng đã gây hiểu lầm nơi một số triết gia Tây phương khi họ khám phá ra triết lý Phật giáo vào thế kỷ XIX và cho rằng đạo Phật là "một triết lý của hư vô". Nếu đức Phật nói rằng mọi hiện tượng đều là ảo tưởng, thì có thể nào hiểu rằng đối với đạo Phật, "không có gì hiện hữu"? Nhưng nếu không có gì hiện hữu, thì yêu thương làm chi, tranh đấu làm chi, sống để làm chi? Và tạo dựng lên một triết lý dựa lên sự khổ đau, như vậy có phải là bi quan, tiêu cực và thụ động quá hay không?

Thật ra đạo Phật không hề bi quan, tiêu cực và thụ động. Đã đành rằng điểm khởi đầu và lý do ra đời của đạo Phật là sự khổ đau (dukkha). Nhưng khởi đầu bằng khổ đau không có nghĩa là ngừng ở đó. Trái lại, thái độ của đức Phật cũng như của người thầy thuốc, nghĩa là chẩn đoán bệnh, tìm căn bệnh, để rồi giúp người bệnh tự điều trị. Mục đích là chữa khỏi bệnh, là đoạn diệt phiền não khổ đau, và điều đó chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của chính mình. Như vậy, còn thái độ triết lý nào lạc quan hơn, tích cực hơn, năng động hơn? Hơn nữa, nếu đức Phật đã xem thế giới như hư vô, mọi sự vật như ảo tưởng, thì tại sao ngài lại bỏ 45 năm trời để đi suốt lưu vực sông Hằng thuyết giảng con đường diệt khổ mà ngài đã tìm ra?

Và nếu suy ngẫm kỹ trên những câu quan trọng của Kinh Kim Cương, thì ta thấy rõ tinh thần Bát Nhã, tinh thần Trung Quán bàng bạc trong suốt bài Kinh. Chẳng hạn như trong bài kệ cuối cùng, nếu quán sâu về các hiện tượng, thì chúng ta thấy mặc dù chúng chỉ là ảo tưởng (khi tỉnh mộng, bọt hay sương tan đi, ánh chớp biến đi...), nhưng trong một giây phút nào đó cũng rất thực (đối với người đang nằm mộng, hay nhìn sương, bọt, chớp...). Ai là người trong cơn mộng tránh được cảm xúc trào lên như sống thực? Ai là người không rung động trước cái đẹp của một chiếc cầu vồng, một đóa hoa, một điệu nhạc, một nụ cười, tuy rằng chỉ thoáng qua trong chốc lát?

Nếu có ảo tưởng của thực tế, thì cũng có thực tế của ảo tưởng. Đức Phật không chối bỏ cả hai đứng về khía cạnh con người, đồng thời cũng chối bỏ cả hai đứng về khía cạnh tuyệt đối. Và ngài từ chối sự phân biệt nhị nguyên tạo dựng nên bởi ý tưởng con người.

Bài kệ của ngài Từ Đạo Hạnh, thiền sư đời nhà Lý thế kỷ XI, nói lên rõ thái độ của đạo Phật, con đường trung đạo giữa "có" và "không":

"Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không."

(Có thì có tự mẩy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có không như trăng nước,
Đừng chấp có với không.)

Như ngài Long Thụ (Nagarjuna) đã giải thích, muốn hiểu trọn vẹn giáo lý của đức Phật thì phải thấy rõ hai mức độ của sự thực: sự thực tương đối, theo qui ước (samvriti-satya, tục đế) và sự thực tuyệt đối, sâu xa (paramartha-satya, chân đế). Sự thực đầu tiên có thể diễn tả được bằng lời nói, bằng khái niệm, biểu tượng. Sự thực thứ nhì không thể nào diễn tả được, và vượt qua khỏi mọi biểu tượng, ngôn từ.

Như vậy trong suốt bài Kinh, khi đức Phật nói "có [...]" thì có thể hiểu là ngài nói sự thực tương đối, đến khi "tức là không [...]"là ngài nói sự thực tuyệt đối, và đến cuối cùng "cho nên có [...]"là ngài trở lại sự thực tương đối.

VII. Kết luận

So với Bát Nhã Tâm Kinh, thì Kinh Kim Cương dài hơn nhiều, số chữ hơn đến 27 lần. Có lẽ vì vậy cho nên Kinh này không được tụng niệm thường xuyên bằng Tâm Kinh tại các chùa thuộc hệ Đại Thừa.

Tuy nhiên, nội dung của bài Kinh rất sâu sắc và phong phú, dựa lên một số câu ngắn gọn cần phải được ghi nhớ và quán xét lại thường xuyên.

Khác với Tâm Kinh, chữ "không" (sunyata)dường như không có mặt trong Kinh Kim Cương, nhưng tinh thần "không" bàng bạc khắp nơi, và có thể nói là hai bài kinh hài hoà bổ túc lẫn nhau.

Kinh thâm thúy, cao siêu và nói chung khó hiểu, nhưng không phải là không thể tìm hiểu được, không cố gắng với tới được. Phải gạt bỏ nhiều đoạn lập lại hay rườm rà của bài Kinh, mới có thể đi sâu vào cốt tủy của thông điệp Bát Nhã. Đồng thời sẵn sàng chịu đựng sức tàn phá của bài Kinh, làm cho nhiều định kiến tích tụ lâu ngày bị đảo lộn, một cách không ngờ nhưng bổ ích.

Nói một cách vắn tắt, Kinh Kim Cương vừa có sức mạnh sấm sét làm nổ tung các kiến chấp, vừa là chiếc gươm bén chặt đứt các phiền não, bằng cách phá bỏ mọi chấp trước. Kinh dậy:

- phải lìa bỏ các tướng, bởi vì các tướng đều là hư vọng;
- Bồ Tát mà còn phân biệt người và ta, chúng sanh và ta, trong khi bố thí không phải là Bồ Tát thực sự;
- Pháp cũng như chiếc bè, phải biết rời bỏ sau khi qua sông;
- không nên chấp trước vào đâu cả, đừng tìm Phật trong hình sắc, âm thanh;
- đừng để tâm trụ, dính mắc vào nơi nào, và đặc biệt sanh tâm phân biệt;
- và hãy xem các hiện tượng như huyễn mộng, ảo giác, để chúng đi qua, nhưng đừng chạy theo.
Rốt cuộc, con đường giải thoát cũng tương đối giản dị và dễ hiểu.
Nhưng, ngài Tu Bồ Đề ơi! Tâm mới phức tạp và khó hàng phục, an trụ làm sao!...
Trịnh Nguyên Phước
Olivet, 04/06/2010
Tài liệu tham khảo

1. Conze Edward (translated by)
Perfect Wisdom - The short prajñaparamita texts
Buddhist Publishing Group, Totnes, UK, 2002

2. Thiền sư Hám Sơn (Hàn Shan) (dịch và giảng)
Kinh Kim Cang giác nghĩa đoạn nghi (song ngữ Việt - Anh)
NXB Tôn Giáo, 2008

3. Thích Hạnh Tuấn*
Những chữ kỵ húy xuất hiện trong Kinh Kim Cang qua sự truyền thừa Kinh điển tại Việt Nam
http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/05Nhung%20Chu%20Ky%20Huy...._hanh%20Tuan.pdf

4. Thích Nhất Hạnh (dịch)
Kinh Kim Cương
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/cuc-i/36-kinh-vn/50-kinh-kim-cng

5. Price AF, Wong Mou Lam (translated by)
The Diamond Sutra & The Sutra of Hui-Neng
Shambala,, Boston, 1990

6. Thích Thanh Từ (dịch và giảng)
Kinh Kim Cang giảng giải (1997)
http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Kinh/KinhKimCang/TRANG_CHINH.htm

7. Thiều Chửu (dịch và giảng)
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật
Trung tâm Văn hóa PG VN tại Cộng hòa Liên bang Đức, 1984

8. Trí Quang (dịch)
Kinh Kim Cương
NXB Mai Lan Lệ Ấn, Muenchen, 1997

Hình 1 : Ấn bản Kinh được khám phá ra năm 1907
tại một hang động gần Đôn Hoàng, Trung quốc,
in vào khoảng 868 sau CN

tnp_kinhkimcuong_a

tnp_kinhkimcuong_b

Hình 2 : Bản Kinh thêu trên gấm, từ thời Tây Sơn (khoảng 1800),
gìn giữ tại chùa Trúc Lâm, tỉnh Quảng Trị, trong một hộp gỗ trầm có khắc chạm

tnp_kinhkimcuong_c

Hình 3 : Phần đầu của bài Kinh
thêu trên gấm, chùa Trúc Lâm, Quảng Trị
tnp_kinhkimcuong_d
Hình 4: Phần cuối của bài Kinh
(tài liệu : Thích Hạnh Tuấn *
Ý kiến bạn đọc
27/10/201602:19
Khách
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Con xin có ý kiến về phông chữ nên chọn nét đậm hơn chút nữa, để khi đọc dài thì sẽ không bị mờ Thầy ạ. Con rất vui và cảm ơn khi được đọc ở trang nhà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]