Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Hoa Nghiêm Huyền Ký

10/11/201009:49(Xem: 4324)
Kinh Hoa Nghiêm Huyền Ký


Phat Thich Ca-3

Phẩm V:
HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
Quyển 5

Phẩm XIII:
CÔNG ĐỨC CỦA BỒ-TÁT SƠ PHÁT TÂM

Cũng có 4 môn phân biệt như trên.

I. GIẢI THÍCH ĐỀ TỰA

Bản giác nội huân đại tâm mới khởi, nên nói PHÁT TÂM. Hạnh thành vị lập, gọi là BỒ-TÁT. Công trải qua các kiếp lâu xa, đức nhiều như cát bụi, nên nói CÔNG ĐỨC. Đây nói về công đức của Bồ-tát sơ phát tâm, là để phân biệt với những gì đã nói về Nhị thừa, nên nói BỒ-TÁT, là để phân biệt với chung tâm nên nói SƠ PHÁT. Đây nói về công đức mà sơ tâm có được không phải nói về tướng phát tâm, nên lấy đó đặt tên.

II. DỤNG Ý : Có ba.

1. Phẩm Thập trụ và Phạm hạnh trên nói về cái thể của hạnh vị, còn đây hiển thắng đức của nó nên có phẩm này.

2. Phẩm trước, cuối sơ phát tâm liền thành chánh giác, chưa biết tâm này có công đức gì mà lại có thể như thế. Dụng ý của phẩm này là để giải thích nghĩa đó.

3. Hai phẩm trước thì dùng pháp y nơi căn khí mà thuyết, khiến hạnh vị có phần hạn. Đây thì dùng căn khí y nơi pháp mà hiển đức lượng không có giới hạn. Cho nên, hai phẩm trước thông cả hai giáo đồng và biệt, còn phẩm này chỉ nói về biệt giáo là Nhất thừa huyền diệu. Trong phần kệ sau, dùng ngôn từ hoa mỹ tán thán nên có phẩm này.

III. TÔNG THÚ: Nói ‘Sơ phát tâm nhiếp Phổ Hiền đức đầy đủ nhân, quả, phần lượng, pháp giới v.v…’ là tông của phẩm này.

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH: Phẩm này phân làm 4 phần : 1/Thỉnh phần. 2/Thuyết phần. 3/Chứng phần. 4/Tụng phần. Có hai : Trước, là trường hàng, phân ra mà nói. Sau, là dùng kệ tụng tổng nhiếp lại.

TRƯỜNG HÀNG

Phân làm hai : Trước là thế giới này. Sau là kết thông mười phương.

I. TẠI THẾ GIỚI NÀY. Có hai : Trước là chánh thuyết. Sau là chứng thành.

1. Chánh thuyết: Có hai : Trước hỏi, sau trả lời. Trong phần trả lời có ba :

1/ Tổng tán thán thâm pháp khiến sinh sự mong muốn.

2/ Nêu lượng so sánh, hiển sự thù thắng để sinh tịnh tín.

3/ Ngay nơi tướng nói về chỗ thâm sâu khiến sinh sự hiểu biết chân chánh.

1. Trong phần hỏi: Thiên Đế Thích hỏi là vì ở Thiên giới, hiển công đức tự tại. Pháp Tuệ thuyết là vì tuệ tương ưng với pháp mới tận cùng bờ công đức.

2. Trong phần thuyết: Có hai : Trước, tán thán thâm pháp khiến sinh tín tâm. Sau, chánh thuyết khiến sinh sự hiểu biết. Cũng có thể giải thích : Trước, là khởi sự mong muốn. Sau, là truyền trao pháp lý. Trước, là hiển cái thể thậm thâm. Sau, nói về cái dụng quảng đại. Trước, hiển nghĩa rất sâu. Sau, hiển giáo rất rộng.

1. Tán thán thâm pháp: Đoạn “Chỗ này thậm thâm ... khó phân biệt”.

Có 7 nghĩa : Nghĩa đầu là tổng. Sáu nghĩa sau thuộc biệt.

Thậm thâm: Vì 6 biệt nghĩa nói sau.

Khó biết: Tự mình chẳng thể biết.

Khó tin: Người nghe chẳng tin.

Khó hiểu: Tư duy thì chẳng hiểu.

Khó nói: Nói rõ thì chẳng thể nói.

Khó thông: Tu tuệ chẳng thể thông.

Khó phân biệt: Trí báo sinh không thể phân biệt.

Cũng có thể giải thích : Giáo lượng thì khó biết. Nghĩa sâu thì khó tin. Tư duy thì khó hiểu. Ứng với giáo thì khó nói. Muốn chứng thì khó thông. Số tột cùng nên khó phân biệt.

2. Nêu lượng so sánh hiển sự thù thắng: Có 11 đoạn.

ĐOẠN 1: Lấy việc so lượng lợi vật làm ví dụ.

ĐOẠN 2: Lấy việc so lượng vượt qua các quốc độ làm ví dụ.

ĐOẠN 3: Lấy số kiếp thành hoại làm ví dụ.

ĐOẠN 4: Lấy việc khéo biết dục lạc làm ví dụ.

ĐOẠN 5: Lấy việc khéo biết các căn làm ví dụ.

ĐOẠN 6: Lấy việc khéo biết hy vọng làm ví dụ.

ĐOẠN 7: Lấy việc khéo biết phương tiện làm ví dụ.

ĐOẠN 8: Lấy việc khéo biết tâm y của người làm ví dụ.

ĐOẠN 9: Lấy việc khéo biết nghiệp tướng làm ví dụ.

ĐOẠN 10: Lấy việc khéo biết phiền não làm ví dụ.

ĐOẠN 11: Lấy công đức cúng Phật làm ví dụ.

Trong luận, nhiếp lại thành sáu : Đoạn 4, 5,6,7, 8 thành một. Đoạn 9 và 10 thành một. Nên chỉ còn sáu.

Giải thích thì có 3 môn : 1/Đối với 6 thứ thậm thâm nói trên. 2/Ứng vào tương tự tâm bồ-đề của Bồ-tát. 3/Ứng vào trị 6 chướng.

ĐOẠN 1: Lấy lượng so lường lợi vật làm ví dụ.

Có hai : Trước là so để hiển cái hơn. Sau, giải thích vì sao hơn.

1. So để hiển tướng hơn: Có 10 lớp phân làm hai : Đầu là biệt thuyết, sau là thông thuyết. Trong phần biệt thuyết có bốn :

1. Nêu sự rộng lớn : Có 4 thứ rộng lớn :

. Chỗ cúng dường rộng lớn. Đó là a-tăng-kỳ chúng sinhv.v…

. Sự cúng dường rộng lớn. Đó là tất cả vật ưa thích.

. Thời cúng dường rộng lớn. Đó là một kiếpv.v…

. Lợi ích rộng lớn. Đó là khiến tu Ngũ giới v.v…

2/ Hỏi.

3/ Trả lời hiển sự rộng lớn.

4/ Nói việc vượt hơn.

9 đoạn sau cũng có bốn phần như thế. Phần đầu nêu 9 sự của 9 đoạn đó, cũng có đủ cả 4 sự rộng lớn như thế. Chỉ có phần tăng nhiều v.v… là khác.

2. Giải thích hiển tướng hơn: Có hai :

1. Hỏi vặn: Vì sao?. Có hai ý :

. Trước đã nói công đức rất nhiều, sao so với đây lại không đồng, nên giải thích rằng: Vì “Công đức của Bồ tát sơ phát tâm không vì giới hạn …” nên chẳng thể so sánh.

. Bồ-tát sơ phát tâm có thắng đức gì mà vượt hơn các vị trước? Giải thích rằng: “Vì không muốn đoạn Phật chủng v.v…cho nên vượt hơn các vị trước.

2. Giải thích thành: Đoạn “Vì khi Phật mới phát tâm …”. Có hai :

. “Vì khi Phật … ở đời”, là nói không vì các sự có giới hạn mà phát tâm. Hiển 4 việc rộng lớn trước không phải là rộng lớn.

. “Vì muốn Phật chủng … phát tâm bồ-đề”, là nói vì các sự không có giới hạn mà phát tâm. Cho nên, nói công đức phát tâm hơn hẳn các công đức kia.

Phần này có 12 câu :

Muốn Phật chủng không đoạn : Câu này là tổng, là nói địa vị vượt hơn. Vì tâm bồ-đề là Phật chủng Bồ-tát hằng khởi, nên nói không đoạn. Lại, Bồ-tát giáo hóa chúng sinh lập trong chủng Như Lai, chẳng khiến họ giữ tiểu quả, nên cũng nói không đoạn. Chẳng đồng với Ngũ giới nói trên.

11 câu sau là biệt.

Đầy khắp tất cả mười phương giới… là nói tâm vượt hơn. Y theo kệ sau thì nên nói vì muốn “Tâm đại từ đại bi. Đầy khắp mười phương giới”. Lật lại mười a-tăng-kỳ thế giới trước.

Độ thoát tất cả chúng sinhlà hạnh vượt hơn. Lật lại cái hạn cuộc trước nên nói tất cả.

Biết tất cả thành hoại của thế giới là biết tướng thành hoại của khí thế giới vượt hơn, cũng là biết xứ giáo hóa, vì biết thành hoại sai biệt. Cũng là biết thành tức là hoại v.v… Đây là Nhất thiết trí của Phật, cho nên ‘rộng lớn’.

Biết sự sinh khởi tịnh nhiễm của chúng sinh… là biết chúng sinh trong khí thế gian ấy, báo loại cấu tịnh đều do nghiệp khác nhau. Đây là Nghiệp lực trí.

Tự tánh thanh tịnh của tất cả thế giớilà biết khí thể trước vốn tịnh. Đây là Như lý trí.

Biết phiền não tập khí hư vọng… là biết kiết sử tập khí thô tế của chúng sinh mình giáo hóa. Đây là Lậu tận trí. Nghĩa là, biết các thứ đó là không, cũng là thành chướng[1]v.v…

Biết tất cả chúng sinh chết đây sinh kialà Sinh tử trí thông, là thiên nhãn lực.

Biết các căn phương tiện …là Căn lực trí.

Biết tâm tâm sở niệm …là Tha tâm trí.

Phân biệt tất cả chúng sinh …là Tam đạt trí, cũng có Túc mạng trí.

Biết cảnh giới bình đẳng …: Cũng là Như lý trí.

Trong 11 câu này, 2 câu đầu là đại bi. 9 câu sau là đại trí. Trong đại trí, trí (5) và trí (11) là Nhất thiết trí ở Phật địa. Các trí còn lại là Nhất thiết chủng trí. Đều không có phần hạn nên nói vượt hơn.

ĐOẠN 2: Lấy lượng so lường đi qua các quốc độ làm ví dụ.

Có hai : Trước ví dụ về chỗ không bằng được. Sau là giải thích, hiển tướng hơn.

1. Trong phần ví dụ: Đoạn “Có thể đi qua … không thể biết được”. Có 100 lớp. 10 lớp đầu nói riêng. Còn lại thì nói chung chung.

2. Giải thích : Có hai.

1. Hỏi vặn: Vì sao?

2. Giải thích thành: Có hai :

Vì tạng công đức… là nói công đức của Bồ-tát sơ phát tâm không phải là việc có giới hạn, hiển các thứ trước không bằng thứ sau.

Đều vì tất cảtam bồ-đềlà nói công đức của Bồ-tát không có giới hạn, hiển việc này hơn hẳn việc trước. Trong đó cũng có 12 câu :

2 câu đầu Đều vì tất… vì muốn độ… là bi tâm. Câu đầu là tổng nêu. Câu sau là biệt giải thích. Vì muốn khiến họ đạt được quả nên nói .

10 câu sau nói về trí. Vì thành tựu trí tự tại.

Câu đầu là tổng biết. 8 câu kế là biệt hiển. Câu còn lại là kết ý.

Câu đầu là nói về cái biết ‘bình man’ trùm khắp. 8 câu kế là nói về cái biết ‘trùng trùng’ vô ngại tương tức tương nhập. Trong đó gồm có :

. Đại tiểu tương tức.

. Nhiều ít tương tức.

. Rộng hẹp tương tức.

. Một nhiều tương tức.

. Tương nhập.

. Nhiễm tịnh.

. Lưới châu của trời Đế Thích.

. Tương sinh.

8 câu đó có hai nghĩa tương tức tương nhập. Hai nghĩa đó, mỗi nghĩa đều có đồng thể và dị thể. Hai thứ đồng và dị đó lại có hai nghĩa đắc thành tương tức tương nhập.

1/ Ứng vào môn duyên khởi: Cũng có hai nghĩa.

. Ứng vào thể : Có nghĩa không và hữu, nên được tương tức.

. Ứng vào dụng : Có nghĩa hữu lực và vô lực, nên được tương nhập.

Ứng vào môn duyên khởi có nghĩa đãi và không đãi nên có hai môn đồng và dị.

2/ Ứng vào môn chân tánh: Cũng có hai nghĩa.

. Duyên bất hoại nên tương nhập.

. Duyên tương tận nên tương tức.

Đều là nghĩa viên dung vô ngại tự tại.

ĐOẠN 3: Lấy số kiếp thành hoại làm ví dụ.

Có hai : Trước nêu thí dụ hiển chỗ không thể bằng. Sau, giải thích tướng vượt hơn.

1. Nêu thí dụ hiển chỗ không thể bằng: Có hai. Trước, nêu thí dụ rộng lớn. Sau, đối với đó mà hiển cái vượt hẳn. Trong phần nêu ví dụ rộng lớn, trước nói 10 lớp ở phương đông, ức ức có thể biết. Sau, nói kết thông 9 phương. Mỗi phương dều có 10 lớp.

2. Giải thích tướng vượt hơn: Trước hỏi. Sau giải thích.

Trong phần giải thích có hai :

. Giới hạn không cùng… nên vượt hơn.

. Đều biết rõ… là biết các sự không có giới hạn, nên không thể ví dụ.

Trong đó có 10 câu : Câu đầu là tổng biết. 8 câu kế là biệt biết.

Vì sao phân biệt biết? Vì tương tức tương nhập như thế thì trùng trùng nhiếp nhau, tự tại, vô ngại, như vậy mà biết.

Cũng có thể hiểu : Trước là ‘bình man biến’ mà biết. Sau là ‘trùng trùng tương tức tương nhập tự tại vô ngại’ mà biết, hiển tướng thuần thục.

Trường đoảntương tức : Trường, là đại kiếp. Đoản, là tiểu kiếp. Thế giới Sa-bà thuộc đoản kiếp. Thế giới An lạc thuộc trường kiếp. Tương tức nên vô ngại.

Một kiếp là một nhiều tương tức.

Có Phật không Phậtlà ứng vào việc Phật có hay không. Như Trang Nghiêm kiếp và Hiền kiếp v.v… là kiếp có Phật. Qua khỏi Tinh Túc kiếp, về sau có sáu vạn hai ngàn kiếp uổng phí không có Phật. Hai loại kiếp này tương tức.

Một Phật kiếp… là ứng vào việc Phật nhiều hay ít. Như trong kiếp Tinh túc có tám vạn Phật xuất hiện, là trong mộtPhật kiếp có vô lượng Phật. Như khi Phật Đại Thông Trí Thắng ra đời, Phạm vương tán thán rằng: ‘Ngàn kiếp … uổng phí không có Phật, nay mới được thấy một Phật Đại Thông …’. Cũng tương tức nên nói vậy.

Dị vô dị, là thuần và tạp vô ngại. Quá khứ và vị lai, gọi là dị . Hiện tại, gọi là vô dị. Quá khứ và vị lai nhập hiện tại. Hiện tại nhập quá khứ và vị lai nên nói vậy.

Tận vô tậnlà tồn và diệt vô ngại. Như «Trời Người thấy kiếp tận. Đất này thường an ổn ...»

Nhất niệm tức vô lượng kiếp, vì tích niệm thành kiếp, nên kiếp không có thể riêng mà chính là niệm.

Hữu vôtương nhập là dứt niệm qui chân, là kiếp nhập vô kiếp. Y chân khởi vọng là không kiếp nhập kiếp. Trước là từ sự vào lý, sau là từ lý vào sự, nên vô ngại.

Trong phần kết luận, trước là tổng kết sở tri, sau là nói về bản thể nguyện. Cho nên «Công đức của đại Bồ-tát sơ phát tâm giới hạn không cùng …». Tại Phật quả nên không thể nói.

ĐOẠN 4: Lấy việc khéo biết dục lạc làm ví dụ.

Trong phần hiệu lượng cũng có hai : Trước nêu thí dụ nói chỗ không thể bằng. Sau, hỏi vì saolà để giải thích sự vượt hơn.

1. Nêu thí dụ: Mười phương đều có 10 lớp, gấp nhiều lần lên, có thể tự biết.

2. Giải thích: Đầu tiên là hỏi vặn vì saođể biết lý do thù thắng hơn. Sau, giải thích vì sao thù thắng hơn.

Giới hạn không cùng, là để biết những thứ trước không bì được.

Đoạn «Vì muuốn biết mọi thứ dục lạc … tam bồ-đề» : Nói ra tướng vượt trội.

Vì muốn biết mọi thứ dục lạclà câu tổng. Dùng trí lực ‘Biết tất cả chúng sinh dục lạc’ của Như Lai biết dục lạc hảicủa chúng sinh, nên nói mọi thứ dục lạc.

Trong phần biệt hiển có hai : Trước là ứng vào pháp mà biết. Sau, ứng vào người mà biết. Luận gọi cái trước là biết khắp, cái sau là biết vi tế cũng được ; Trước là dị tướng, sau là đồng tướng.

1. Ứng vào pháp: Để biết tướng dị. Có 23 câu.

Muốn biết vô lượng… là ứng với tâm cầu của chúng sinh, là riêng, nên nói vô lượng dục. Đồng một quả, nên nói tức là mộc dục. Tuy đồng một quả nhưng hạnh cầu hằng khác, nên nói không hoại tất cả dục tánh. Lại, vì niệm hy vọng không hai, đồng nhiếp thuộc Dục số trong biệt cảnh, tâm pháp không khác, nên nói tức là một dục, nhưng lạc của chúng thì có sai biệt nên nói không hoại…Đây là ứng vào một tâm chúng sinh, dục lạc trước sau nhiều mối mà tương tức vô ngại.

Dục lạc hải, là vì dục lạc của chúng sinh xôm tụ sâu rộng như biển.

Một dục lạc tức là …, là tâm dục lạc hải của chúng sinh khác loại, duyên khởi vô ngại nên tương tức. Lại, biết tâm thiện ác vô ký của một chúng sinh thì tất cả chúng sinh cũng như vậy, nên nói tức là.

Dục lạc ở quá khứ … là tùy theo mọi thứ dục lạc trong ba đời nơi một chúng sinh mà biết mỗi mỗi chúng sinh thảy đều như thế, nên nói tất cả …

Dục tương tợ … : Dòng loại đồng, gọi là tương tợ. Sở thích khác nên nói không tương tợ.

Tất cả dục tức là một dục: Dục, ứng với Tam thừa phân biệt, nói là tất cả. Đồng qui Nhất thừa, nên nói tức là một. Thật, tức là Nhất thừa, gọi là một dục. Quyền, mở thành Tam thừa, gọi là tất cả dục. Ứng vào duyên khởi vô ngại, chung cả các vị tự tha v.v… có thể tự biết.

Dục lạc mà Như Lai có, là đồng với Phật quả trí, là dục lạc trí lực trong thập lực.

Muốn biết hữu thượng dục … : Cầu Tam thừa v.v… gọi là hữu thượng dục. Cầu Nhất thừa, gọi là vô thượng dục.

Hữu dư dục vô dư dục : Sở cầu nếu là chỗ rốt ráo, gọi là vô dư dục. Ngược với trên gọi là hữu dư dục.

Đẳng dục bất đẳng dục: Cầu lý, gọi là đẳng. Cầu sự, gọi là bất đẳng.

Hữu sở y dục…: Y tựa vào các tâm sở khác, là hữu sở y. Độc khởi dục số, gọi là vô sở y. Lại, y nơi cảnh khởi dục, gọi làhữu sở y. Biết cảnh duy tâm, tâm trí không chỗ y tựa, gọi là vô sở y.

Cộng dục bất cộng dục : Đồng cầu, là cộng. Dị cầu, là bất cộng.

Hữu biên dục… : Dục ở tại nhân vị là hữu biên,đến vị Phật quả là vô biên. Vì hoặc chướng hết.

Thiện dục … : Thuận với lý, là thiện dục. Nghịch với lý, là bất thiện dục.

Thế gian dục … : Theo dòng, gọi là thế. Ngược dòng, gọi là xuất thế.

Cầu Phật trí đức, gọi là đại trí dục.

Cầu Phật đoạn đức, gọi là tịnh dục.

Vượt qua địa vị phàm phu và Tiểu thừa, gọi là thắng dục.

Cầu thành Bồ-tát đăng địa, chứng trí Bát-nhã gọi là vô ngại trí dục.

Luận thì giải thích :Đại trí dục, là ở Chủng tánh vị. Tịnh dục, là ở Kiến vị. Thắng dục, là ở Tu vị. Vô ngại trí, là từ Bát địa trở lên, là Vô công dụng vị.

Vô ngại trí Phật… : Là ở địa vị Phật quả. Đại trí vô ngại viên minh giải thoát.

Nhiễm mà không nhiễm, gọi là thanh tịnh dục. Không nhiễm mà nhiễm, gọi làkhông thanh tịnh dục. Lại, nếu lìa danh lợi thế gian, gọi là tịnh. Cầu danh lợi thế gian, gọi là bất tịnh.

Cầu nhiều gọi là rộng dục. Ít cầu, gọi là hẹp dục. Lại, đại bi cứu sinh, gọi là rộng. Chuyên cầu tự thoát, gọi là hẹp.

Cầu sâu xa, gọi là tế. Cầu cạn, gọi là thô.

2. Ứng vào người: Để nói về tướng đồng của dục. Nói 10 số nhưng phần liệt kê tên thì chỉ có 8. Đó là giảm số của mười.

Nhân khổ sinh dục: Nhân nơi cái khổ bức bách của sinh tử mà đuổi theo cái lạc niết bàn. Nghĩa là, nhân khổ mà nghĩ đến lạc, như người tù cầu giải thoát.

Phương tiện dục là ở nơi các sự thiện ác, nhân nghe và tư duy mà sinh dục lạc.

Hy vọng dục là có tâm cầu mong đối với các việc vừa ý.

Trước vị dụclà được rồi không bỏ.

Tùy nhân sinh dục là dục do chủng nhân đời trước mà sinh, Cũng là từ tư tưởng sinh. Kinh nói: «Dục dục biết gốc ông. Chỉ từ tư tưởng sinh. Ta nay chẳng nghĩ ông. Ông lại chẳng được sinh».

Tùy duyên sinh dụclà dục do nương vào cảnh bên ngoài mà sinh. Lại, vì thiện ác mà phát ra sự hóa dẫn chúng sinh, cũng gọi là Tùy duyên sinh dục.

Không pháp chẳng cầu, gọi là tận dục. Cầu niết bàn tận diệt cũng gọi là tận dục.

Rộng cầu các pháp, gọi là nhất thiết dục. Cầu bồ-đề vô biên cũng gọi lànhất thiết dục.

Rõ biết hết lưới dụclà phần tổng kết. Lưới dụccó ba nghĩa :

1. Nghĩa khó thoát: Như lưới ở thế gian, chim cá vào rồi khó thoát. Do mọi thứ lưới dục mà sinh tử khó thoát. Đây là nói về dục nhiễm ô.

2. Nghĩa sàn lọc: Như lưới lọc ở thế gian. Là khởi dục thanh tịnh sàn lọc các hữu tình giúp họ ra khỏi biển khổ sinh tử. Văn kinh sau nói : «Vua trí tuệ đã nói, dục là gốc các pháp, nên khởi dục thanh tịnh, chí cầu đạo vô thượng». Đây là nói về dục thanh tịnh.

3. Nghĩa ẩn chiếu: Như lưới của trời Đế Thích. Các dục nhiễm và tịnh sai biệt đan nhau vô ngại trùng trùng tương nhập, nên nói lưới. Đây là nói về thể của dục.

ĐOẠN 5: Lấy việc khéo biết các căn làm ví dụ.

Cũng cần hiển đầy đủ vì đồng loại, nên trong văn lược nói ‘Vì cầu trí lực của mọi thứ căn trong thập lực của Như Lai’.

ĐOẠN 6: Lấy việc khéo biết hy vọng làm ví dụ.

Phần ‘hy vọng’ này so với ‘dục lạc’ nói trên có gì sai biệt? Nói chung thì không khác nhưng nếu phân biệt thì Dụclà y cứ vào lúc đầu, nên nói trước các căn. Hy vọnglà y cứ vào lúc sau, nên nói sau các căn.

ĐOẠN 7: Lấy việc khéo biết phương tiện làm ví dụ.

Phương tiệnlà, tạo duyên khởi hạnh gọi là phương tiện, là phương tiện phát nghiệp nên không đồng với nghiệp.

ĐOẠN 8: Lấy việc khéo biết tâm ý của người làm ví dụ.

Biết tâm ý, là vì cầu tha tâm trí của Như Lai. Trước, nói về tâm pháp. Đây nói về tâm thể.

ĐOẠN 9: Lấy việc khéo biết nghiệp tướng làm ví dụ.

Biết nghiệp, là vì cầu nghiệp trí lực trong thập lực của Như Lai.

Năm đoạn trên đều lược nêu.

ĐOẠN 10: Lấy việc khéo biết phiền não làm ví dụ.

Có hai : Trước, nêu ví dụ. Sau, hiển thắng tướng.

1. Nêu thí dụ: Nêu ví dụ để thấy không thể bì kịp.

2. Giải thích : Hiển thắng tướng.

Trong phần thắng tướng, trước hỏi vì sao?, sau giải thích.

Trong phần giải thích : Trước, không do phần hạn mà biết nên hiển lỗi này trước. Sau, là trí lực lậu tận không giới hạn nên trước nói không thể bì kịp.

Vì muốn phân biệt… là câu tổng.

Đó là… là biệt hiển. Có 18 câu, lược thành 10 môn phân biệt.

Hai câu phiền não nặng … nhẹ, là ứng vào nhẹ và nặng mà phân biệt. Suất lược[2]tâm khởi, là phiền não nhẹ. Ân hậu[3]tâm khởi, là phiền não nặng. Vi tế khởi dễ dừng, làphiền não nhẹ. Thô trọng khởi khó dứt, là phiền não nặng. Chánh sử là phiền não nặng. Tàn tập là phiền não nhẹ. Bản phiền não là phiền não nặng. Tùy phiền não làphiền não nhẹ. Trong tùy phiền não, tiểu tùy là phiền não nhẹ, thượng và trung là phiền não nặng.

Hai câu Phiền não kiết sử … triền, là ứng vào sử và triền mà phân biệt. Sửlà 10 sử, là 5 kiến cùng với tham, sân, si, mạn, nghi. Triềnlà 10 triền, là vô tàm, vô quí, thùy miên, hối hận, san tham, tật đố, trạo cử, hôn trầm, phẩn và phú. Địa Trì Du-già chỉ nói 8 triền, không có phẩn và phú. Vì sao không có hai thứ đó? Vì có luận sư cho rằng phẩn và phú, tánh nó thuộc sử. Phẩn, thuộc sử sân tánh. Phú, thuộc sử tham tánh, là tham lợi người, che dấu lỗi mình.

Sử và triền làm sao phân biệt? Luận Tạp Tâm nói: «Căn bản gọi là sử. Tân dịch, gọi là triền cấu. Cấp phược, gọi là triền. Khinh phược, gọi là cấu». Trong đó kiết, là 9 kiết, có thể tự biết.

Hai câu Vô lượng phiền não… : Ứng vào nhân quả mà phân biệt. vô lượng phiền não của tất cả chúng sinh, là quả tham sân si mà chúng sinh đã khởi. Mọi thứ giác quán phiền não, là cái nhân phiền não từ các thứ đó phát sinh. Kinh Niết Bàn nói: «Có 8 loại giác quán…», nên nói mọi thứ. 8 thứ đó là[4]:

. Dục giác : Cầu sự vừa ý.

. Sân giác : Niệm muốn sân với người.

. Não giác : Niệm muốn não loạn người.

. Thân lý giác : Nhớ nghĩ thân duyên.

. Quốc độ giác : Nghĩ đến sự an nguy ở đời.

. Bất tử giác : Tích tài lợi dưỡng.

. Tộc tánh giác : Nghĩ đến sự cao thấp của dòng tộc.

. Khinh vũ giác : Vũ, là kiêu mạn, là niệm tự thị lấn người.

Hai câu Vô minh phiền não, ái …: Ứng vào bản và mạt phiền não mà phân biệt, cũng là ứng vào si và ái mà phân biệt. Vô minhlà vô minh trụ địa. Y nơi vô minhmà khởi, là chỉ cho hằng sa thượng phiền não. Ái, là ba ái ở cõi Dục, Sắc, Hữu. Hữu ái trụ địa tương ưng đó thì cho ra phiền não của Ái tương ưng,[5]là nhân nơi ái mà sinh ưu v.v…

Bốn câu tham dục bất thiện căn… là ứng vào ba bất thiện căn mà phân biệt. Có thể tự hiểu.

Hai câu Tất cả phiền não… là ứng vào địa và khởi mà phân biệt. Tất cả phiền não, là ngũ trụ khởi. Căn bản phiền não, là ngũ trụ địa.

Hai câu Ngã ngã sở… là ứng vào lợi và độn mà phân biệt. Ngã ngã sở, là lợi. Ngã mạn, là độn.

Tà ức niệm… là ứng vào thứ lớp sinh nhau mà phân biệt. Tà ức niệm hư vọng, là ba thứ đảo tâm, tưởng và kiến. Sinh phiền não, là từ ba thứ đảo mà sinh bốn thứ đảo.

Nhân thân kiến sinh, là ứng vào hai kiến bản và mạt mà phân biệt. Vì 62 kiến đều y nơi thân kiến mà sinh, lấy đó làm gốc.

Hai câuCái phiền não …, là ứng vào lỗi và hoạn mà phân biệt. Cái, là ngũ cái. Đó là tham, sân, thùy miên, trạo cử và nghi. Che chắn hành nhân chẳng được thiền trí nên gọi là cái (che). Chướng, là hai chướng phiền não và sở tri. Vì sở tri chướng cũng có thể gọi là phiền não nên trong câu kết, do phiền não khó thoát mà gọi chung là lưới hoặc. Do ủy tế mà biết rõ tất cả phiền não, là Nhất thiết chủng trí.[6]Đều muốn đoạn để hết hẳn, là đại từ bi.

ĐOẠN 11: Lấy công đức cúng Phật làm ví dụ.

Có hai : Trước là nêu ví dụ. Sau hiển sự siêu vượt.

1. Nêu ví dụ : Nêu ví dụ để thấy không thể bì kịp. Có 10 lớp. Lớp đầu là biệt thuyết. Chín lớp sau là tổng thuyết.

Trong lớp đầu có bốn :

Đoạn «Trong khoảng một niệm…” : Nêu sự rộng lớn. Trước nêu phương đông, sau hiển chín phương còn lại.

Trong phương đông có năm :

. Trong một niệm thấy nhiều Phật nhiều chúng sinh.

. Tự mình cúng dường nhiều, trong nhiều thời.

. Khuyên chúng sinh đồng cúng dường với mình.

. Tự mình xây tháp thù thắng cúng dường.

. Khuyên người cũng đồng xây tháp cúng dường.

Đoạn «Ý ông thế nào…», là đối với việc đó mà hỏi rộng lớn chăng?

Đoạn «Đế Thích đáp rằng …», là trả lời việc đó cực rộng lớn.

Đoạn «Pháp Tuệ đáp rằng…» là so sánh để hiển sự thù thắng.

2. Giải thích: Hiển sự siêu vượt. Có hai : Trước hỏi, sau giải thích.

. Ý hỏi rằng : Như ở phương đông, một niệm liền thấy vô biên chư Phật. Dùng niệm lực này trải qua vô lượng kiếp cúng dường để thấy Phật v.v…. rất rộng lớn. Như ở phương đông, chín phương còn lại cũng như vậy, là hiển sự cực rộng lớn. Một người đã vậy, còn khuyên tất cả chúng sinh khác cũng như vậy, huống là gấp bội trước. Đến lớp thứ mười thì phần hạn công đức khó biết. Vì sao ngay cả với phần công đức chẳng thể nói cũng chẳng bằng một so với công đức của sự phát tâm, nên hỏi vì sao?

. Trong phần giải thích, câu «Vì công đức của Bồ-tát đó không vì giới hạn trong việc cúng dường Như Lai …», là nói ‘không bị giới hạn …’ nên công đức phát tâm hơn công đức cúng dường trước. Câu kế «Vì muốn cúng dường ba đời chư Phật ở mười phương… », là nói ‘không có phần hạn’, nên hiển công đức phát tâm lớn hơn công đức cúng dường. Tướng vượt hơn tuy vô lượng, nhưng đại lược có 6 loại.

1. Xứ vượt hơn: Muốn cúng dường hết vô tận thế giới xứ Phật như vô tận pháp giới, hư không v.v… ở mười phương, bao gồm cả xứ Đế võng v.v…, nên không đồng với trước.

2. Thời vượt hơn: Gồm hết chư Phật ba đời, là gồm cả chín đời, mười đời v.v… vô tận trùng trùng thời.

3. Phật vượt hơn: Gồm tất cả cảnh giới Phật của chư Phật, thảy đều cúng dường, nên không chỉ như trước.

4. Cúng dường vượt hơn: Trong tất cả pháp giới thì tự và tha, sắc và tâm, lý và sự, hạnh v.v… đều lấy đó cúng dường, nên không chỉ như trước.

5. Tâm vượt hơn:Với vô tận Phật cảnh, mỗi một chỗ Phật đều dùng vô tận sự cúng dường, đều trải qua vô tận thời cúng dường, tâm vẫn không tận, nên vượt hơn trước.

6. Hạnh vượt hơn: Rõ thấu năng sở, ba việc bình đẳng, viên dung, vô ngại, nên vượt hơn.

Hỏi : Chỉ có thể so sánh chung chung mà nói không bằng thì được, với phần công đức không thể nói há có thể chẳng bằng một sao?

Đáp : Công đức phát tâm đồng với pháp giới, bất khả phân. Dù với phần công đức không thể nói, một phần cũng biến khắp pháp giới. Không hỏi nhiều ít, đều không thể so sánh. Như lúa gạo của thường trụ tăng, một hộc cũng biến khắp mười phương tăng, cho đến một lẻ cũng biến khắp mười phương tăng. Do đó bất khả phân.

3. Ngay nơi tướng nói về chỗ thâm sâu : Đoạn «Phát tâm này rồi …»

Có hai : Trước nêu, sau giải thích.

1. Nêu lên:

Phát tâm này rồi, là nhắc lại tâm được so hơn ở các ví dụ trước, là hiển từ phát tâm.

Biết được vô thượng…,là nói về công đức sâu xa. Trong đó, đầu tiên là nhiếp nhân tận cùng nên nói sâu xa. Kế là đồng với Phật quả nên nói sâu xa, là phát tận cùng tâm bồ-đề hậu tế, là Phật cảnh tối cùng. Đây là nêu cảnh sở tri, là biết công đức và trí tuệ của ba đời chư Phật.

Đại Bồ-tát này đều tin hướng…, là thành tựu thâm hạnh. Tin hướng, là Thập tín. Thọ trì, là Thập trụ. Tu tập, là Thập hạnh và Thập hồi hướng. Đắc chứng, là Sơ địa trở lên. Thân chứng, là mãn Thập địa trở lại. Lại, nội chứng là đắc chứng. Cùng với bên ngoài hiện rõ, nên nói thân chứng. Như trong Tiểu thừa, lấy Diệt tận định làm thân chứng, đây cũng đồng. Trước là hạnh chứng, sau là vị chứng. Trước là trí tương ưng, sau là thân tương ưng. Cũng có thể hiểu đắc chứnglà ứng vào nhân tròn, thân chứnglà ứng vào quả mãn. Đều đồng với…, là đồng với Phật quả, nên nói sâu xa.

2. Giải thích: Giải thích hai việc đã nêu trên. Có ba : 1/Giải thích nhân đồng. 2/Giải thích quả đồng. 3/ Kết lại phần hạn của nhân.

1.Giải thích nhân đồng: Có hai : Trước hỏi. Sau giải thích.

Hỏi : Hỏi vi saolà vì sao biết sơ phát tâm rồi thì có thể chứng đắc đại phúc trí của ba đời chư Phật?

Giải thích : Có 20 câu. Muốn hiển đồng với âm sở hành lộ của ba đời Phật âm, nên nói đồng. 11 câu đầu là ngoại hóa đức, là bi đức. 9 câu sau là nội tự đức, là Trí đức.

- Trong 11 câu, câu đầu là tổng, 10 câu sau là biệt.

Muốn không đoạn tánh… là giáo hóa chúng sinh khiến phát tâm bồ-đề, tiếp thừa Phật chủng, nên nói không đoạn.

Muốn khiến tâm từ bi đầy khắp, là khởi tâm thương xót chúng sinh.

Muốn độ thoát tất cả chúng sinh, là khởi ý cứu độ.

Muốn biết tất cả thế giới thành bại, là biết trụ xứ của nơi giáo hóa.

Muốn biết cấu tịnh khởi, là biết từng loại riêng của nơi giáo hóa, là biết nghiệp thiện ác khởi quả báo khổ vui, nên nói cấu tịnh khởi. Cũng là Nghiệp trí lực trong Thập lực.

Muốn khiến chúng sinh trong ba cõi được thanh tịnh, là khởi ý quảng đại, cũng là khiến lìa nghiệp chướng.

Muốn biết tâm niệm và tập phiền não, là biết hoặc chướng nặng nhẹ của nơi giáo hóa. Cũng là cầu Lậu tận trí lực. Cũng là khiến đoạn phiền não chướng.

Muốn biết chúng sinh chết đây sinh kia, là biết tướng luân chuyển. Cũng là Thiên nhãn trí lực. Cũng là khiến xả báo chướng.

Muốn biết hết các căn phương tiện, là biết căn thuần thục hay chưa thuần thục, là khởi hạnh sở y, chính là Chư căn trí lực.

Muốn biết hết tâm tâm hạnh…, là biết tâm tạo tu chánh minh khởi hạnh. Cũng là Tha tâm trí lực.

Muốn biết tất cả chúng sinh trong…, là tổng kết sở tri. Cũng là Tam đạt trí lực.

- 9 câu sau là cầu công đức tự lợi của Phật. Câu đầu là tổng. 8 câu sau là biệt.

Một câu đầu muốn biết hết công đức đầy đủ… là câu tổng.

Hai câu kế là nhân quả phân biệt. Muốn biết hết bồ-đề vô thượnglà biết quả bồ-đề. Muốn biết hết tịnh pháp đầy đủ là biết nhân bồ-đề, chính là tịnh pháp.

Hai câu kế là lý hạnh phân biệt. Muốn biết hết tướng pháp bình đẳng, là biết lý pháp bình đẳng. Muốn biết hết trí tuệ vô thượng và nhân duyên thanh tịnh…, là biết trí hạnh thanh tịnh.

Bốn câu kế là thể đức phân biệt. Ba câu đầu là Phật đức. Muốn biết hết lực trí tuệ trưởng dưỡng ba đời chư Phật, là Thập lực. Muốn đầy đủ pháp vô úy của ba đời chư Phật, là được cái đức không sợ. Muốn trang nghiêm đầy đủ pháp bất cộng, là được pháp bất cộng. Câu cuối Muốn biết hết pháp giới đẳng đồng…, là Phật thể, là thật trí bình đẳng.

2. Giải thích quả đồng: Trước hỏi, khởi phần giải thích sau. Phần giải thích có ba : Đầu là tổng, hai là biệt, ba là kết.

Chính là Phật, là câu tổng. Có người giải thích ‘là trong nhân nói quả’. Hoặc giải thích ‘kiến giải đồng với Phật cảnh’. Hoặc giải thích ‘Ứng với lý bình đẳng’. Nếu ứng với giáo của Tam thừa thì nói như vậy là được.

Nay, y vào văn kinh trước sau, ứng với giáo của Nhất thừa mà nói, thì thủy và chung tương nhiếp, viên dung, vô ngại. Được thủy tức là chung. Tận chung mới nguyên thủy. Một, là do môn Đà-la-ni duyên khởi tương nhiếp. Hai, là do tâm bồ-đề Phổ Hiền biến khắp sáu vị, ngay nơi nhân là quả. Ba, là do pháp tánh không có thủy chung. Phát tâm nhập thủy chính là nhập chung. Cho nên, văn kinh trước nói: «Khi mới phát tâm, liền thành chánh giác, đầy đủ tuệ thân, không do nơi khác mà ngộ» là đây.

Trong phần biệt, có 15 câu. 5 câu đầu, ứng vào nội đức của Phật sung mãn v.v… 10 câu sau, ứng vào hóa dụng bên ngoài của Phật đầy khắp v.v…

Trong 5 câu, câu đầu Đều bình đẳng với ba đời chư Phậtlà tổng. 4 câu sau là biệt. Trong phần biệt, hai câu đầu là pháp sở y : Bình đẳng với tam thế Phật cảnh giới, là cảnh chân đế. Bình đẳng với tam thế Phật chánh pháp, là cảnh tục đế. Hai câu sau là đức năng y: Được nhất thân và … trí tuệ …, là được thân và trí của Phật.

10 câu sau là nói về ngoại dụng. Câu đầu là tổng, 9 câu sau là biệt.

Chúng sinh giáo hóa cũng đồng, là câu tổng.

3 câu kế là giáo hóa khiến thoát khổ.

Chấn động tất cả… , là động để sinh tín tâm.

Chiếu khắp tất cả… , là chiếu để sợ mà tỉnh giác.

Ngưng dứt các áo đạo khổ, là chánh để khiến thoát khổ.

5 câu kế là giáo hóa khiến nhập pháp.

Nghiêm tịnh tất cả, là trang nghiêm chỗ giáo hóa.

Đều thị hiện thành Phật, là hiện thành Phật.

Khiến chúng sinh đều được hoan hỉ, là hiện thông để khiến chúng hoan hỉ.

Khiến chúng sinh hiểu sâu pháp giới: Chánh, khiến nhập pháp.

Hộ trì chủng tánh của chư Phật: Nhập pháp rồi, hộ niệm khiến chẳng mất.

Câu cuối được trí tuệ quang minh…, là trí ngoại hóa.

Cũng có thể giải thích :

Trong 15 câu, câu đầu là tổng, 14 câu sau là biệt. Trong phần biệt, Năm câu đầu là Trí chánh giác thế gian tự tại đồng. Trong đó, hai câu đầu là ứng vào pháp đồng : Một là sở duyên và phần hạng đồng. Hai là lý giáo đồng. Ba câu sau là ba nghiệp đồng. Vì nơi giáo hóa, là ứng với ngữ nghiệp mà nói.

Bốn câu tiếp, là nói Khí thế gian tự tại đồng. Trong đó, một là động, hai là chiếu, ba là trừ, bốn là nghiêm.

Năm câu tiếp nữa, là nói Chúng sinh thế gian tự tại đồng. Trong đó, một là hiện thành Phật, hai là khiến hân hoan, ba là trao pháp, bốn là hộ trì, năm là đắc quả. Nếu không hộ trì thì sợ rơi vào Nhị thừa.

3. Kết lại phần hạn của nhân:

Chẳng lìa chư Phật… là nói về các pháp Tam bảo, chúng sinh, nhiễm tịnh v.v…. Đây có hai nghĩa :

. Do Bồ-tát được cái thân thông cả ba đời, nên thường trùm khắp tam tế, không chỗ nào không trụ được.

. Do Bồ-tát được cái thân là pháp giới, dọc thì bao hàm nhiễm tịnh, ngang thì trùm khắp tam tế, nên nói chẳng xa lìa.

Phần còn lại có thể tự hiểu.

2. Chứng thành: Có hai :

1. Hiển cái thật: Đoạn «Lúc ấy, do thần lực của Phật…». Có bốn : Một, là động địa. Hai, là mưa cúng dường. Ba, là chấn âm. Bốn, là phóng quang.

2. Chứng thành: Đoạn «Lúc ấy, qua khỏi thập Phật sát trần …». Có hai : Trước là hiện thân tác chứng. Sau là tác chứng lợi ích.

1. Hiện thân tác chứng: Vì sao Phật tự tác chứng? Vì ngay khi sơ phát tâm, liền nhiếp Phật nhân và Phật quả. Việc này khó tin nên Phật tự tác chứng. Cũng là hiển nhân quả đồng tánh. Cũng là hiển nhân quả nhiếp thành ở vị thắng tiến.

2. Tác chứng lợi ích của việc thuyết pháp: Hiển bày trong tất cả các thế giới, những gì Pháp Tuệ đã nói là có lợi ích. Nói để biết pháp đó quyết định chẳng hư dối. Cũng vì pháp đó khó tin nhận nên có sự tác chứng. Do tạng tâm này nhiếp đức viên tịnh, nên gọi là Tịnh Tâm Như Lai.

Từ trên đến đây, nói trong một thế giới xong.

II. KẾT THÔNG MƯỜI PHƯƠNG: Có hai :

1. Hiển pháp trùm khắp vô tận thế giới: Đoạn «Trên điện Diệu Thắng … có tên là Pháp Tuệ»

2. Giải thích lý do trùm khắp : Vì sao pháp này trùm khắp mười phương, nơi thuyết, người thuyết, pháp được thuyết cùng với sự tác chứng đều đồng? Có 10 câu :

Do thần lực của Phật: Đây là Phật Xá-na cùng với tất cả chư Phật đều lấy lực uy thần hiện tại đồng chung gia trì nên khiến như thế.

Do bản nguyện lực: Được bản nguyện lực của chư Phật nhiếp trì.

Do hiển thị phật pháp: Vì muốn hiển thị pháp sở đắc của Phật, lý số như vậy trùm khắp mười phương.

Do quang minh trí tuệ chiếu khắp: Quang minh Phật trí khiến chiếu khắp.

Do hiểu đệ nhất nghĩa: Muốn khiến hiểu và ngộ chân lý trùm khắp.

Do pháp như vậy: Pháp giới duyên khởi cùng theo pháp nhĩ, nên cần thuyết khắp.

Do các Bồ-tát hoan hỉ: Vì người thích đại pháp mà chỉ dạy pháp xứng tánh quảng đại khiến họ hoan hỉ.

Do tán thán công đức của chư Phật: Phật đức trùm khắp, muốn tán thán đầy đủ.

Do biết chư Phật bình đẳng: Hiển thị tất cả chư Phật ở mười phương đồng pháp sở đắc, vì bình đẳngkhông có sai biệt.

Do hiểu pháp giới không hai: Vì khiến hiểu biết mười phương pháp giới không có hai vết.

Do 10 nghĩa trên mà nói trùm khắp. Nói 10 nghĩa cũng là phép tắc hiển sự vô tận. Nghĩa kết thông ở các văn trước sau đều theo đó mà hiểu.

Phần trường hàng nói về thế giới này và các thế giới khác, tổng thành tất cả xứ trong vô tận thế giới, tới đây là xong..

TRÙNG TỤNG

Phần đại đoạn kệ tụng tổng nhiếp này có hai : Một, là Tự thuyết ý. Hai, là Chánh trùng hiển.

I. Ý TỰ THUYẾT: Đoạn “Lúc ấy, Bồ-tát Pháp Tuệ quán khắp mười phương…”. Có 10 câu.

. Quán khắp mười phương: Vì vô tận thế giới ở mười phương đồng nói pháp này.

. Quán khắp tất cả đại chúng: Muốn khiến tất cả chúng hải ở mười phương đều đồng nghe.

. Quán hư không giới: Hiển tự tâm như hư không không bị hạn cuộc.

. Quán chúng sinh giới: Quán thành tựu pháp môn của chúng sinh.

. Không trái nghiệp báo, thanh tịnh như hư không giới: Quán xứng pháp tánh như hư không tuy tịnh mà nhân quả không mất.

. Muốn bạt cấu uế cho chúng sinh… : Muốn khiến lìa hoặc.

. Muốn khiến chúng sinh được đại giải thoát: Được giải thoát của Nhất thừa.

. Muốn biết chủng chủng các căn: Muốn liễu đạt căn hải. …

. Quán chánh thú niết bàn ba đời: Hội duyên nhập thật.

.Hiện các công đức thanh tịnh của tự thân: Hiện công đức phát tâm vô tận của mình khiến chúng sinh thấy rồi, liền tu tập.

II. CHÁNH TRÙNG HIỂN : Có 241 ½ bài kệ. Phân làm bốn :

1/ 163 ½ bài kệ đầu tụng lại phân đoạn thứ ba trên: Có 27 đoạn.

Kệ (1) đến (6) : Tụng lại phần văn kinh “Vì muốn tâm từ bi đầy khắp …”.

Kệ (7) đến (13) : Tụng lại các phần kinh muốn biết tất cả thế giới rộng hẹp tương tức tương nhập v.v…, là hiển tác dụng lợi sinh v.v…

Kệ (14) đến (16) : Tụng lại các phần kinh “Muốn không đoạn tánh của …” v.v…

Kệ (17) (18) : Tụng lại phần văn kinh “Đều được trí tuệ quang minh của chư Phật”.

Kệ (19) (20) : Tụng lại các phần kinh đều muốn biết mọi thứ nghiệp, mọi thứ tâm, mọi thứ căn tánh v.v…’.

Kệ (21) đến (26) : Tụng lại các câu kinh “Muốn được pháp giới …’ v.v… và “Bình đẳng với ba đời chư Phật’.

Kệ (27) (28) : Tụng lại phần kinh “Cúng dường tất cả Phật…”.

Kệ (29) đến (36) : Tụng lại phần kinh “Biết hết trí tuệ vô thượng và nhân duyên …”. Vì trí tuệ và nhân duyên là tam muội thậm thâm và cảnh sở sinh của chân như. Trong đó, đều hiển tác dụng của thông tuệ.

Kệ (37) đến (45) : Tụng lại các câu “Độ thoát chúng sinh …” v.v…

Kệ (46) đến (48) : Tụng lại các câu “Biết thế giới thành hoại …” v.v… Vì sự thành hoại này chỉ là Phật trí cảnh. Nay tin Phật vô ngại nên cũng biết rõ.

Kệ (49) đến (53) và ½ : Tụng lại phần “Ngưng dứt các ác đạo khổ …”.

Kệ (54) đến (60) : Tụng lại phần “Đều có thể chiếu khắp tất cả thế giới…”. Nói luôn cõi được chiếu, trong đó có Phật thuyết pháp.

Kệ (61) đến (64) : Tụng lại các câu “Tam thế Phật chánh pháp …” v.v…

Kệ (65) đến (75) : Tụng lại phần văn kinh “Ở nơi tất cả thế giới đều thị hiện thành Phật…” v.v...

Kệ (76) đến (83) : Tụng lại các câu “Trí tuệ bình đẳng của ba đời chư Phật…” v.v…

Kệ (84) đến (91) : Tụng lại các câu “Được nhất thân và vô lượng thân ...” v.v…

Kệ (92) đến (101) : Cũng tụng lại các câu đồng với cảnh giới của ba đời chư Phật. Đây là phần hạn cảnh giới. Có 10 loại đồng : 1/Lìa nhiễm đồng. 2/Cứu sinh đồng. 3/Trí tuệ đồng. 4/Tướng hảo đồng. 5/Sở tri đồng. 6/Chứng lý đồng. 7/Thâm định đồng. 8/Hạnh kiên đồng. 9/Tâm an đồng. 10/Đầy khắp đồng.

Kệ (102) (103) : Nêu công đức khuyên tu.

Kệ (104) đến (107) : Nêu phần hạn của giáo thuyết.

Hai phần này không tụng lại phần văn kinh đã nói.

Kệ (108) đến (113) : Tụng lại phần văn kinh : Được trí tuệ và quang minh của ba đời chư Phật. Vì soi chiếu tục cảnh mà thường ở tại chân.

Kệ (114) đến (117) : Tụng lại phần văn kinh : Đều hay nghiêm tịnh tất cả thế giới.

Kệ (118) đến (125) : Tụng lại các câu : Chúng sinh được chư Phật giáo hóa thảy đều đồng v.v...

Kệ (126) đến (129) : Tụng lại phần văn kinh : Biết số kiếp ngắn dài tương tức tương nhập.

Kệ (130) đến (141) : Tụng lại phần văn kinh : Bồ-tát sơ phát tâm được trí Thập lực của Phật.

Kệ (142) đến (150) : Tụng lại phần văn kinh : Đều có thể chấn động vô lượng thế giới, là nhập đế võng v.v…

Kệ (151) đến (157) : Tụng lại các phần văn kinh : Đều muốn trưởng dường trí tuệ của chư Phật.

Kệ (158) đến (163) : Tụng lại phần văn kinh : Bồ-tát không lìa Chư Phật, Bồ-tát, Nhị thừa và chúng sinh.

Từ trên đến đây là tụng chung về phân đoạn ba. Ngay nơi tướng mà luận, xong.

2/ 29 bài kế tụng lại phân đoạn hai ứng vào các thí dụ trên: Phân làm sáu.

Kệ (164) đến (169) : Tụng lại ví dụ lợi sinh đệ nhất.

Kệ (170) đến (171) : Tụng lại ví dụ đi qua các quốc độ.

Kệ (172) đến (175) : Tụng lại ví dụ số kiếp.

Kệ (176) đến (181) : Tụng lại 5 ví dụ Dục v.v… Đó là : 1/Dục. 2/Hy vọng. 3/Căn. 4/Phương tiện. 5/Tâm pháp. Hợp lại có thể biết.

Kệ (182) đến (185) : Tụng lại phần ví dụ thứ chín và thứ mười : Biết nghiệp và phiền não.

Kệ (186) đến (192) : Tụng lại thí dụ thứ mười một : Cúng dường chư Phật.

Phần tụng lại các thí dụ xong.

3/ 39 bài kế tụng câu tán thán đầu tiên, hiển sự thậm thâm: Phân làm bảy.

Kệ (193) đến (199) : Tụng lại câu tổng thậm thâmđầu tiên. Vì thâm triệt Phật quả, thâm vượt các cõi, thâm đồng pháp tánh, thâm dụng trùm khắp, thâm trí biết xa, đều như văn kinh đã nói.

Kệ (200) đến (206) : Tụng lại phần thậm thâm khó biếtthứ hai. Kệ (200) đến (203) nói về sự sâu rộngkhó biết. Kệ (204) và (205) là Phật dùng thâm đức gia trì khó biết. Kệ (206) là câu kết đức khó biết. Vì công đức như hư không, không phải tính đếm mà có thể biết, nên nói khó biết.

Kệ (207) đến (211) : Tụng lại phần thậm thâm khó tin. Vì do Sơ phát tâm liền thành Phật quả, công đức vô biên, là việc khó tin nhận.

Kệ (212) đến (219) : Tụng lại phần thậm thâm khó hiểu. Vì khiến chỗ an lạc mà Nhị thừa tam giới có được vẫn ở tại Bồ-tát sơ phát tâm. Việc này khó hiểu, nên trong văn kinh từ kệ (212) đến (215) nêu hai vị được chỗ an lạc. Mỗi vị hai bài kệ. Kệ (216) đến (219) giải thích lý do hai vị ấy được sự an lạc. Mỗi vị hai bài kệ.

Kệ (220) đến (224) : Tụng lại phần thậm thâm khó nói. Vì trí sâu, đức rộng, nghiệp dụng nhiều, đa ngôn nói khó đến, nên nói xưng tán chẳng thể tận.

Kệ (225) đến (228) : Tụng lại phần thậm thâm khó thông, là tâm trụ bình đẳng vì chúng thuyết pháp. Hai vị tương nghịch khiến cực tương thuận, nên rất khó thông hội.

Kệ (229) đến (231) : Tụng lại phần thậm thâm khó phân biệt. Vì vị sơ tâm đồng với ranh hạn Phật vị, khó phân biệt.

4/ 10 bài cuối tổng kết, tán thán hiển sự thù thắng: Kết, tán thán và khuyên tu.

Kệ (232) (233) : Nêu đức khuyên tu.

Kệ (234) (235) : Tụng lại công đức sâu rộng.

Kệ (236) đến (239) : Tụng lại năng lực thù thắng của đức dụng.

Kệ (240) đến (241) : Khuyên học cứu cánh.



[1]Tính vốn không nhưng nếu đủ duyên để sinh khởi thì thành chướng.

[2]率略心起

[3]慇厚心起

[4]Bản Hán không có, thêm vào để hiểu.

[5](99, 2, 4) 是有愛住地相應是與愛相應之煩惱也

[6]由委細了知一切煩惱是一切種智.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]