Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Công trình phiên dịch và trước thuật ở Trung Hoa qua các thời đại

24/06/201319:32(Xem: 10877)
2. Công trình phiên dịch và trước thuật ở Trung Hoa qua các thời đại

Sơ lược quá trình phiên dịch, soạn thuật và hình thành đại tạng kinh Hán văn

2. Công trình phiên dịch và trước thuật ở Trung Hoa qua các thời đại

Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Cư sĩ Hạnh Cơ

1. Thời Đại Đông-Hán (25-220).

Vương triều Đông-Hán (tức Hậu-Hán) do Lưu Tú (Quang-vũ đế, 25-57) khai sáng, đóng đô ở Lạc-dương (tỉnh Hà-nam ngày nay), truyền nối được 13 đời vua; và công việc phiên dịch Phật điển, theo truyền thuyết, đã được bắt đầu dưới triều vua Minh đế (58-75), là vị vua thứ nhì của vương triều này.
Theo truyền thuyết phổ biến của Phật giáo Trung-quốc, vào năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh-bình (tức năm 67 TL) đời vua Minh đế, một đoàn sứ giả của vua đã sang Tây-vực, thỉnh được hai vị cao tăng người Thiên-trúc là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, mang kinh chữ Phạn và tượng Phật đến Trung-quốc. Phật giáo đã được truyền vào Trung-quốc từ lúc đó (tức hậu bán thế kỉ thứ 1 sau kỉ nguyên TL). Cũng theo truyền thuyết này, sau khi đến Trung-quốc, hai ngài Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã cùng dịch chung kinh Tứ Thập Nhị Chương. Đó là quyển kinh được dịch từ Phạn văn ra Hán văn đầu tiên tại Trung-quốc. Ngoài ra, ngài Trúc Pháp Lan còn dịch được năm bộ kinh khác là: Thập Địa Đoạn Kết (8 quyển), Pháp Hải Tạng (1 quyển), Phật Bản Hạnh (5 quyển), Phật Bản Sinh (1 quyển), và Nhị Bách Lục Thập Giới Hợp Dị (2 quyển). Cả 5 dịch phẩm này sau đó đã bị mất. Chỉ có quyển kinh Tứ Thập Nhị Chương là còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Truyền thuyết của Trung-quốc là như vậy, nhưng theo những nghiên cứu gần đây thì kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được dịch ra Hán văn tại Giao-chỉ (tên xưa của nước Việt-nam), chứ không phải tại Trung-quốc (xin xem phần "Phụ Lục 1", sách Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai, quyển thượng, Hạnh Cơ dịch, Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành tại California, năm 2005); còn 5 bộ kinh được nói là dịch phẩm của ngài Trúc Pháp Lan thì đã thất truyền. Điều này cho thấy, lịch sử Phật giáo Trung-quốc trong giai đoạn khởi đầu này thật mù mờ, và truyền thuyết kể trên đã không có cơ sở vững chắc đáng tin tưởng; như Phật Quang Đại Từ Điển (mục "Trung Quốc Phật Giáo") có nói: "Phật giáo từ Ấn-độ truyền vào Trung-quốc trong khoảng niên hiệu Vĩnh-bình (58-75) đời vua Hán Minh đế, nhưng chỉ lưu hành hạn hẹp, sự tích truyền hóa rất mập mờ, khó biết được rõ ràng. Các vị Phạn tăng sang Đông-độ hoằng hóa, có sự tích rõ ràng, bắt đầu từ năm đầu vua Hán Hoàn đế, với ngài An Thế Cao......"
Thật vậy, mãi đến bốn đời vua cuối cùng của vương triều Đông-Hán là Hoàn đế (147-167), Linh đế (168-189), Thiếu đế (189), và Hiến đế (189-220), tức từ giữa thế kỉ thứ 2 Tây lịch, mới có các vị Phạn tăng tiếp tục đến Trung-quốc, và công tác dịch kinh mới được chính thức ghi chép rõ ràng; đó là các ngài:
- Sa môn An Thế Cao, người nước An-tức, đến Trung-quốc năm 148, đã dịch các bộ kinh Tứ Đế, Chuyển Pháp Luân, Bát Chính Đạo, An Ban Thủ Ý, v.v… cả thảy 176 bộ, gồm 197 quyển (theo sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ do Phí Trưởng Phòng soạn vào đời Tùy), hầu hết là kinh điển tiểu thừa;
- Sa môn Chi Lâu Ca Sấm, người nước Đại Nhục-chi, đến Trung-quốc khoảng cuối đời vua Hán Hoàn đế, đã dịch các bộ kinh Bát Chu Tam Muội, Thủ Lăng Nghiêm, Đạo Hạnh Bát Nhã, Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, v.v… cả thảy 21 bộ, gồm 63 quyển; đó là những kinh điển đại thừa đầu tiên được phiên dịch ở Trung-quốc.
Và các ngài:
- Sa môn Trúc Phật Sóc (người Thiên-trúc), dịch 2 bộ, gồm 3 quyển;
- Sa môn Chi Diệu (người nước Nhục-chi), dịch 11 bộ, gồm 12 quyển;
- Sa môn Khương Cự (người nước Khương-cư), dịch 1 bộ, 1 quyển;
- Sa môn Đàm Quả (người Tây-vực), dịch 1 bộ, gồm 2 quyển;
- Sa môn Khương Mạnh Tường (người Khương-cư), dịch 6 bộ, gồm 9 quyển;
- Sa môn Trúc Đại Lực (người Tây-vực), dịch 1 bộ, gồm 2 quyển;
- Cư sĩ An Huyền (người An-tức), dịch 2 bộ, gồm 3 quyển;
- Và đặc biệt có một người Hán là cư sĩ Nghiêm Phù Điều (người đất Lâm-hoài, tỉnh An-huy), dịch 7 bộ, gồm 10 quyển.
- Ngoài ra, sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ còn ghi tên 125 bộ kinh (gồm148 quyển) thất dịch (không có tên dịch giả).

2. Thời Đại Tam-Quốc (220-280).

Tiếp theo thời Đông-Hán là thời Tam-quốc, nước Trung-hoa chia thành ba nước nhỏ là Ngụy (220-265), Thục (221-263) và Ngô (222-280). Năm 220, thừa tướng của vua Hiến đế nhà Hậu-Hán là Tào Tháo (155-220) chết, con là Tào Phi (187-226) bèn chiếm ngôi của vua Hiến đế, tự xưng đế, lập nên nước Ngụy (cũng gọi là Tào-Ngụy), vẫn đóng đô tại Lạc-dương, thống trị vùng Giang-bắc (phía Bắc sông Dương-tử). Năm 221, một người thuộc dòng dõi nhà Hán là Lưu Bị (162-223), chống lại nhà Ngụy, quyết khôi phục nhà Hán, bèn xưng đế ở vùng đất phía Tây Trung-quốc, lập nên nước Thục (cũng gọi là Tây-Thục, hay Thục-Hán), đóng đô ở Thành-đô (tỉnh Tứ-xuyên ngày nay). Năm 222, Tôn Quyền (182-252) chống lại nước Ngụy, bèn chiếm lĩnh vùng Giang-nam (phía Nam sông Dương-tử), lập nên nước Ngô (cũng gọi là Đông-Ngô), đóng đô ở Kiến-nghiệp (Nam-kinh ngày nay).
Trong thời Tam-quốc này, Phật giáo đã bắt đầu phát triển, nhưng chỉ ở hai nước Ngụy và Ngô mà thôi, chứ chưa phổ cập đến nước Thục. Sinh hoạt Phật giáo chủ yếu trong thời đại này vẫn là phiên dịch kinh điển. Các vị cao tăng dịch kinh ở nước Ngụy có:
- Sa môn Đàm Ma Ca La, tức Pháp Thời, người Trung- Ấn, đến kinh đô Lạc-dương của nước Ngụy năm 222, dịch bộ luật Tăng Kì Giới Bản (1 quyển);
- Sa môn Khương Tăng Khải, tức Tăng Già Bạt Ma, người nước Khương-cư, đến kinh đô Lạc-dương năm 252, đã dịch 2 bộ kinh Úc Già Trưởng Giả Sở Vấn (2 quyển) và Vô Lượng Thọ (2 quyển);
- Sa môn Đàm Đế (người An-tức) dịch bộ luật Đàm Vô Đức Yết Ma (1 quyển);
- Sa môn Bạch Diên (người nước Qui-tư) dịch 6 bộ kinh, gồm 8 quyển;
- Sa môn An Pháp Hiền (người An-tức) dịch 2 bộ, gồm 5 quyển.
Các vị cao tăng và cư sĩ dịch kinh ở nước Ngô có:
- Cư sĩ Chi Khiêm, người Nhục-chi, đến Kiến-nghiệp vào cuối thời Đông-Hán, đã dịch các kinh Đại Minh Độ, Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Tư Nghị Pháp Môn, Đại Bát Nê Hoàn, v.v… cả thảy 129 bộ, gồm 152 quyển;
- Sa môn Khương Tăng Hội, người Giao-châu (tức Việt-nam), đến kinh đô Kiến-nghiệp của nước Ngô vào năm 247, đã dịch các bộ kinh Ngô Phẩm (5 quyển), Bồ Tát Tịnh Hạnh (2 quyển), A Nan Niệm Di Đà (2 quyển), v.v…; trước đó, khi còn ở Giao-châu, ngài cũng đã dịch các kinh Lục Độ Tập (9 quyẩn), Tạp Thí Dụ Tập (2 quyển), v.v…
- Sa môn Duy Kì Nan, người Thiên-trúc, đã dịch 2 bộ kinh A Sai Mạt Bồ Tát (4 quyển) và Pháp Cú (2 quyển);
- Sa môn Trúc Luật Viêm (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 3 quyển;
- Sa môn Chi Cương Lương Tiếp (người Tây-vức, ở Giao-châu), đã dịch (tại Giao-châu) bộ kinh Pháp Hoa Tam Muội (6 quyển).
Ngoài ra, sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ còn ghi tên của 110 bộ kinh (gồm 291 quyển) thất dịch thuộc thời kì này.

3. Thời Đại Tây-Tấn (265-316).

Kế tiếp thời Tam-quốc là thời Tây-Tấn. Năm 263, nước Ngụy tiêu diệt và chiếm lấy nước Thục; bấy giờ chỉ còn lại hai nước là Ngụy và Ngô. Năm 265, tướng của nhà Ngụy là Tư-mã Viêm (236-290) đã giết vua cuối của nhà Ngụy, tự lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều mới, đó là nhà Tấn, vẫn đóng đô tại Lạc-dương. Năm 280, nhà Tấn diệt Đông-Ngô, thống nhất đất nước, sử gọi đây là vương triều Tây-Tấn.
Phật giáo trong thời đại này đã phát triển mạnh, và sinh hoạt chủ yếu vẫn là dịch kinh; còn về tư tưởng thì chưa có gì khởi sắc. Các vị dịch kinh trong thời đại này gồm có:
- Sa môn Trúc Đàm Ma La Sát (người nước Nhục-chi, sinh ở Đôn-hoàng) đã dịch các kinh Quang Tán Bát Nhã, Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật, A Duy Việt Trí, Đại Bát Nê Hoàn, Vô Lượng Thọ, v.v… cả thảy 210 bộ, gồm 394 quyển;
- Sa môn Cương Lương Lâu Chí (người Tây-vực) dịch 1 bộ kinh, 1 quyển;
- Sa môn An Pháp Khâm (người nước An-tức) dịch 5 bộ kinh, gồm 12 quyển;
- Sa môn Vô La Xoa (người nước Vu-điền) dịch bộ kinh Phóng Quang Bát Nhã (20 quyển);
- Sa môn Chi Pháp Độ (người nước Nhục-chi) dịch 4 bộ kinh , gồm 5 quyển;
- Sa môn Pháp Tổ (người Hán) dịch 23 bộ kinh, gồm 29 quyển;
- Sa môn Pháp Lập (người Hán) và sa môn Pháp Cự (người Hán) dịch chung 4 bộ kinh, gồm 13 quyển; sau khi ngài Pháp Lập viên tịch, ngài Pháp Cự dịch tiếp 132 bộ, gồm 142 quyển;
- Sa môn Chi Mẫn Độ (người Nhục-chi) dịch 2 bộ kinh, gồm 13 quyển;
- Cư sĩ Vệ Sĩ Độ (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Cư sĩ Nhiếp Thừa Viễn (người Hán) dịch 3 bộ kinh, gồm 4 quyển;
- Cư sĩ Nhiếp Đạo Chân (người Hán) dịch 54 bộ kinh, gồm 66 quyển;
- Cư sĩ Trúc Thúc Lan (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 5 quyển.
Ngoài ra, sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ còn ghi tên của 8 bộ kinh (gồm 15 quyển) thất dịch thuộc thời kì này.

4. Thời Đại Đông-Tấn (317-420).

Tiếp theo thời Tây-Tấn là thời Đông-Tấn. Cuối thời Tây-Tấn, vào năm 316, tộc Hung-nô đã từ phương Bắc tràn xuống đánh phá và tiêu diệt nhà Tây-Tấn, chiếm hết lãnh thổ vùng Giang-bắc (tức phía Bắc sông Trường-giang), thành lập một quốc gia cho Hung-nô, đặt quốc hiệu là Triệu (sử gọi là Tiền-Triệu). Bấy giờ, một người trong hoàng tộc Tây-Tấn là Tư-mã Duệ, lui xuống vùng Giang-nam (tức phía Nam sông Trường-giang), tự xưng đế, lập nên vương triều Đông-Tấn, đóng đô ở thành Kiến-khang (tức Kiến-nghiệp, nay là Nam-kinh). Như vậy, song song với vương triều Đông-Tấn (được sử coi là chánh thống) ở phương Nam, ở phương Bắc, từ nhà Tiền-Triệu trở về sau, các dân tộc Ngũ-Hồ (tức năm dân tộc thiểu số: Hung-nô, Tiên-ti, Yết, Chi, và Khương) nổi lên tranh cướp đất đai lẫn nhau, trước sau chia nhau kiến lập đến 16 tiểu quốc (gồm có: Tiền-Triệu, Thành, Tiền-Lương, Hậu-Triệu, Tiền-Yên, Tiền-Tần, Hậu-Yên, Hậu-Tần, Tây-Tần, Hậu-Lương, Nam-Lương, Bắc-Lương, Nam-Yên, Tây-Lương, Hạ, Bắc-Yên); sử gọi đó là thời đại "Ngũ-Hồ-thập-lục-quốc". Nhưng các vương triều của 16 nước thiểu số này không được sử coi là chính thống, cho nên giai đoạn này của lịch sử Trung-quốc được gọi là thời đại Đông-Tấn, hoặc Đông-Tấn-thập-lục-quốc, hay Đông-Tấn-liệt-quốc.
Trong thời đại Đông-Tấn-liệt-quốc này, ở cả hai vùng Giang-nam và Giang-bắc, Phật giáo phát triển cực mạnh cả về tín ngưỡng lẫn tư tưởng giáo dục. Rất nhiều cao tăng đã đến từ Ấn-độ và Tây-vực, mà các vị cao tăng người Trung-hoa cũng xuất hiện đông đảo. Và công tác dịch kinh lại càng trở nên quan trọng.
4.1. Các vị dịch kinh, soạn luận và viết truyện kí ở vùng Giang-nam (lãnh thổ của vương triều Đông-Tấn) gồm có:
- Sa môn Phật Đà Bạt Đà La (tức Giác Hiền, người Thiên-trúc) đã dịch vừa kinh vừa luật cả thảy được 15 bộ, gồm115 quyển;
- Sa môn Thi Lê Mật Đa La (người Qui-tư) dịch 3 bộ kinh Mật giáo, gồm 11 quyển;
- Sa môn Chi Đạo Căn (người Nhục-chi) dịch 2 bộ kinh, gồm 7 quyển;
- Sa môn Khang Pháp Thúy (người Khương-cư), dịch 1 bộ kinh, gồm 10 quyển;
- Sa môn Trúc Đàm Vô Lan (người Tây-vức) dịch 110 bộ kinh, gồm 112 quyển;
- Sa môn Khang Đạo Hòa (người Khương-cư) dịch 1 bộ kinh, gồm 3 quyển;
- Sa môn Ca Lưu Đà Già (người Tây-vực) dịch 1 bộ kinh, 1 quyển;
- Sa môn Cù Đàm Tăng Già Đề Bà (người Kế-tân, ban đầu đến Trường-an, kinh đô nước Hậu-Tần ở Giang-bắc, sau dời xuống Lô-sơn, rồi kinh đô Kiến-khang ở vùng Giang-nam của nhà Đông-Tấn) dịch 5 bộ kinh, luận, gồm 117 quyển;
- Sa môn luật sư Ti Ma La Xoa (người Kế-tân, ban đầu đến Trường-an, sau dời xuống Kiến-khang) dịch 2 bộ luật, gồm 5 quyển;
- Sa môn luật sư Đàm Ma dịch 1 bộ luật yếu, gồm 2 quyển;
- Thiền sư Phật Đà Bạt Đà La (người Thiên-trúc, ban đầu tới Trường-an, sau dời xuống Lô-sơn, rồi Kiến-khang) dịch 15 bộ kinh, luật, luận, gồm 115 quyển;
- Sa môn Pháp Hiển (người Hán), dịch 5 bộ kinh, giới, luận và soạn 1 bộ truyện kí, cả thảy 24 quyển;
- Sa môn Kì Đa Mật (người Tây-vực) dịch 25 bộ, gồm 46 quyển;
- Cư sĩ Trúc Nan Đề (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ, gồm 4 quyển;
- Sa môn Trúc Pháp Lực (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ, 1 quyển;
- Sa môn Tung Công (người Hán) dịch 3 bộ, 3 quyển;
- Sa môn Thối Công (người Hán) dịch 1 bộ, 1 quyển;
- Sa môn Pháp Dũng (người Hán) dịch 1 bộ, 1 quyển;
- Sa môn Tuệ Viễn (người Hán) soạn luận và viết tựa, cả thảy 14 bộ, gồm 35 quyển;
- Sa môn Trúc Tăng Phu (người Hán) soạn luận, 1 quyển;
- Sa môn Đàm Săn (người Hán) soạn 2 bộ luận, gồm 6 quyển;
- Sa môn Chi Độn (người Hán) soạn 6 bộ luận, 6 quyển;
- Sa môn Trúc Tăng Độ (người Hán) soạn luận, 1 quyển;
- Sa môn Đạo Lưu và sa môn Đạo Tổ (đều người Hán) soạn lục kinh mục, 4 quyển;
- Sa môn Chi Mẫn Độ (người Hán) soạn lục, 1 quyển;
- Sa môn Khang Pháp Sướng (người Hán) soạn luận, 1 quyển;
- Sa môn Trúc Pháp Tế (người Hán) soạn truyện, 1 quyển;
- Sa môn Đàm Vi (người Hán) soạn luận, 2 quyển;
Ngoài ra còn có 52 bộ kinh (gồm 57 quyển) được ghi là "thất dịch".
4.2. Ở Giang-bắc, tức lãnh thổ của 16 nước Ngũ-Hồ, Phật giáo ở các nước Hậu-Triệu, Tiền-Tần, Hậu-Tần, Tây-Tần, và Bắc-Lương là thịnh đạt hơn cả; nhưng công việc phiên dịch kinh điển thì chỉ được sách sử ghi lại ở 3 nước Tần và nước Bắc-Lương.
4.2.1. Nhà Tiền-Tần (351-394). Năm 351, Phù Kiện (thuộc dân tộc Chi) chiếm thành Trường-an, tự xưng đế, kiến lập nước Tần, sử gọi đó là Tiền-Tần, truyền nối được 6 đời vua, kéo dài được 44 năm thì bị Hậu-Tần tiêu diệt. Các vị cao tăng dịch kinh dưới triều đại nhà Tiền-Tần gồm có:
- Sa môn luật sư Đàm Ma Trì (người Tây-vực) dịch 2 bộ luật, 2 quyển;
- Sa môn luật sư Tuệ Thường (người Hán) dịch luật, 1 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Bì (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ kinh, gồm 5 quyển;
- Sa môn Cưu Ma La Phật Đề (người Tây-vức) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Nan Đề (người nước Đâu-khê-lặc, Bắc Ấn-độ) dịch 5 bộ kinh, gồm 114 quyển;
- Sa môn Tăng Già Bạt Trừng (người nước Kế-tân) dịch 3 bộ, gồm 27 quyển;
- Sa môn Tăng Già Đề Bà (người Kế-tân) dịch 3 bộ, gồm 60 quyển;
- Sa môn Đạo An (người Hán) chú giải, biên soạn 24 bộ, gồm 28 quyển.
Nói chung, trong thời Tiền-Tần, các kinh, luật và luận thuộc tiểu thừa hầu hết đã được dịch ra Hán văn.
4.2.2. Nhà Hậu-Tần (384-417). Năm 384, một vị tướng quân của nhà Tiền-Tần là Diêu Trành (330-393, thuộc dân tộc Khương) làm phản, chiếm đất Vị-bắc, tự xưng là Tần vương, lập nên nhà Hậu-Tần. Sau đó, Diêu Trành diệt nhà Tiền-Tần, Trường-an trở thành kinh đô của Hậu-Tần. Phật giáo ở thời Hậu-Tần còn thịnh hành hơn ở thời Tiền-Tần, mà ngôi sao sáng chói nhất trong thời đại này là pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413). Các vị cao tăng dịch và soạn thuật kinh luận trong thời này gồm có:
- Sa môn Trúc Phật Niệm (người Hán) dịch 13 bộ kinh, luận, gồm 86 quyển;
- Sa môn Cưu Ma La Thập (người Qui-tư) dịch 98 bộ kinh, luận, gồm 425 quyển;
- Sa môn Phật Đà Da Xá (người Kế-tân) dịch 4 bộ kinh, luật, gồm 69 quyển;
- Sa môn Phất Nhã Đa La (người Kế-tân) dịch 1 bộ luật, gồm 58 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Da Xá (người Kế-tân) dịch 2 bộ luận, gồm 21 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Quật Đa (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ luận, gồm 22 quyển;
- Sa môn Tăng Triệu (người Hán) soạn 4 bộ luận, gồm 4 quyển;
- Sa môn Tăng Duệ (người Hán) soạn kinh lục, 1 quyển;
- Sa môn Đạo Hằng (người Hán) soạn luận, 1 quyển.
4.2.3. Nhà Tây-Tần (385-400). Năm 385, một vị tướng quân của nhà Tiền-Tần là Khuất-phục Quốc Nhân (thuộc dân tộc Tiên-ti), tự xưng đế ở đất Lũng-tây, lập nước Tây-Tần, đóng đô ở Uyển-xuyên (thuộc tỉnh Cam-túc ngày nay). Ông rất tin Phật, thờ kính sa môn. Lúc ấy có ngài Thánh Kiên (người Tây-vức) hành hóa đến đó, ông rất sùng kính, dùng trọng lễ tiếp đãi, thỉnh cầu ở lại đó để dịch kinh. Ngài ứng lời mời, đã dịch được các kinh Phương Đẳng Vương Hư Không Tạng, Thái Tử Tu Đại Noa, A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, v.v… cả thảy 14 bộ, gồm 21 quyển. Ngoài ra, sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ còn ghi có 8 bộ kinh (gồm 11 quyển) thất dịch thuộc thời kì này.
4.2.4. Nhà Bắc-Lương (397-439). Năm 397, một viên tướng của nhà Hậu-Lương (386-403) là Thư-cừ Mông Tốn (người tộc Hung-nô) dấy quân làm phản, tôn một vị thượng thư của Hậu-Lương là Đoàn Nghiệp làm Lương vương, đóng đô ở đất Trương-dịch (thuộc tỉnh Cam-túc), sử gọi là nhà Bắc-Lương. Năm 401 Mông Tốn lại giết Đoàn Nghiệp và tự lập làm vua Bắc-Lương, dời đô sang Cô-tàng. Đó là một trong vài nước cuối cùng của thời đại Ngũ-Hồ-thập-lục-quốc; sau bị nhà Bắc-ngụy tiêu diệt. Mông Tốn cũng là người tôn sùng Phật pháp, cho nên công việc dịch kinh ở triều đại này cũng rất quan trọng. Các vị dịch giả ở Bắc-Lương gồm có:
- Sa môn Đạo Cung (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 12 quyển;
- Sa môn Pháp Chúng (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 4 quyển;
- Sa môn Đàm Vô Sấm (người Thiên-trúc) dịch 24 bộ kinh, gồm 151 quyển;
- Sa môn Phù Đà Bạt Ma (người Tây-vức) dịch 1 bộ luận, gồm 60 quyển;
- Cư sĩ Thư-cừ Kinh Thanh (người Hung-nô) dịch một bộ thiền kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Trí Mãnh (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 20 quyển;
- Sa môn Đàm Giác (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 15 quyển;
- Thất dịch: 5 bộ kinh, gồm 17 quyển.
Một điều đáng chú ý trong quá trình phiên dịch thánh điển thuộc thời đại Đông-Tấn-thập-lục-quốc này, là bốn bộ kinh trọng yếu của giáo pháp đại thừa đã được dịch ra Hán văn; đó là: Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, và Hoa Nghiêm. Truy nhiên, ngay trong thời đại ấy, những bộ kinh này chưa được dịch trọn vẹn, phải đến các đời sau mới đầy đủ.

5. Thời Đại Nam-Bắc-Triều (420-589).

Đây là giai đoạn lịch sử kế tiếp thời đại Đông-Tấn. Trong giai đoạn lịch sử này, Trung-quốc vẫn bị chia thành hai phần Nam, Bắc (lấy sông Trường-giang làm ranh giới), nhưng các vương triều thống trị ở hai vùng lãnh thổ này đều được sách sử công nhận là chính thống, cho nên giai đoạn đó đã được sử gọi là thời đại Nam-Bắc-triều. Vương triều Đông-Tấn ở Giang-nam, vào giữa năm 420, đã bị quyền thần là Lưu Dụ nổi lên cướp ngôi, kiến lập nên nhà Tống, sử gọi là Lưu-Tống. Nối tiếp vương triều Lưu-Tống còn có ba vương triều Nam-Tề, Tiêu-Lương và Trần. Cả bốn vương triều này đều đóng đô ở thành Kiến-khang, kế tiếp nhau thống trị miền Hoa-nam (tức Giang-nam), đối lập với các vương triều ở Hoa-bắc, nên sử gọi là Nam-triều. Trong khi đó ở Hoa-bắc (tức Giang-bắc), các vương triều Bắc-Ngụy, Đông-Ngụy, Tây-Ngụy, Bắc-Tề, và Bắc-Chu kế tiếp nhau thống trị, sử gọi đó là Bắc-triều.
Phật giáo ở thời đại Nam-Bắc-triều, tuy có hai lần bị pháp nạn, nhưng nói chung, các vua chúa trải qua các đời đều tôn sùng Phật pháp, hết lòng ủng hộ các Phật sự, nên công việc dịch kinh, trước thuật cũng rất thịnh đạt.
5.1. Nam-triều. Công việc dịch kinh và trước thuật ở các triều đại thuộc Nam-triều ở Giang-nam được tóm lược như sau:
5.1.1. Nhà Lưu-Tống (420-479). Năm 420, Lưu Dụ diệt nhà Đông-Tấn, lên ngôi xưng đế, lập vương triều Tống, sử gọi đó là Lưu-Tống. Trong mấy năm đầu tiên của thời đại này, Lưu Dụ, tức vua Tống Vũ đế (420-422) đã ban lệnh sa thải tăng ni, nhưng từ đời vua Văn đế (424-453) trở đi thì Phật giáo rất được ủng hộ; bởi vậy, đã có nhiều bậc cao tăng từ phương Tây tới dịch kinh và hành đạo, chẳng những thế, các bậc danh tăng người Hán cũng xuất hiện nhiều:
- Sa môn luật sư Phật Đà Thập (người nước Kế-tân) dịch 3 bộ luật, gồm 36 quyển;
- Sa môn Cương Lương Da Xá (người Tây-vức) dịch 2 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Cầu Na Bạt Ma (người Kế-tân) dịch 7 bộ kinh, luận, gồm 38 quyển;
- Sa môn Cầu Na Bạt Đà La (người Thiên-trúc) dịch 78 bộ kinh, gồm 161 quyển;
- Sa môn Tăng Già Bạt Ma (người Thiên-trúc) dịch 5 bộ luận, gồm 27 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Mật Đa (người Kế-tân) dịch 11 bộ kinh, gồm 12 quyển;
- Sa môn Công Đức Trực (người Tây-vức) dịch 2 bộ kinh, gồm 7 quyển;
- Sa môn Y Diệp Ba La (người Tây-vức) dịch 1 bộ luận, gồm 10 quyển;
- Sa môn Đàm Vô Kiệt (người nước Hoàng-long) dịch kinh, 1 quyển, và viết truyện kí, 1 quyển;
- Sa môn Trúc Pháp Quyến (người Thiên-trúc) dịch 6 bộ kinh, gồm 29 quyển;
- Cư sĩ Thư-cừ Kinh Thanh (nguyên ở Bắc-Lương, sau khi Bắc-Lương bị Bắc-Ngụy tiêu diệt, đã chạy xuống Kiến-khang cư ngụ, tiếp tục sự nghiệp phiên dịch) dịch 35 bộ kinh, gồm 36 quyển;
- Sa môn Trí Nghiêm (người Hán) dịch 14 bộ kinh, gồm 36 quyển;
- Sa môn Bảo Vân (người Hán) dịch 4 bộ kinh, gồm 15 quyển;
- Sa môn Tuệ Nghiêm (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 36 quyển;
- Sa môn Tuệ Giản (người Hán) dịch 25 bộ kinh, gồm 25 quyển;
- Sa môn luật sư Tăng Cừ (người Hán) soạn 1 bộ yết ma, gồm 2 quyển;
- Sa môn luật sư Pháp Dĩnh (người Hán) soạn 3 bộ luật, gồm 3 quyển;
- Sa môn Tường Công (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Đạo Nghiêm (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 3 quyển;
- Sa môn Dũng Công (người Hán) dịch 4 bộ kinh, gồm 4 quyển;
- Sa môn Pháp Hải (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Tiên Công (người Hán) dịch kinh, 1 quyển;
- Sa môn Đạo Nghiễm (người Hán) soạn 1 bộ luận, gồm 2 quyển.
5.1.2. Nhà Nam-Tề (479-502). Năm 479, Tiêu Đạo Thành chiếm ngôi nhà Lưu-Tống, xưng đế, đặt quốc hiệu là Tề, sử gọi là Nam-Tề. Các vua nhà Nam-Tề không những ủng hộ Phật giáo nhiệt tình, mà còn phát tâm học hỏi giáo lí với các vị cao tăng. Các bậc cao tăng địa phương và từ phương Tây tới tham gia công tác dịch kinh và trước thuật gồm có:
- Sa môn Đàm Ma Già Đà Da Xá (người Thiên-trúc) dịch kinh, 1 quyển;
- Sa môn Tăng Già Bạt Đà La (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ luật, gồm 18 quyển;
- Sa môn Cầu Na Tì Địa (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 12 quyển;
- Sa môn Đạt Ma Ma Đề (người Tây-vức) dịch 2 quyển kinh;
- Sa môn Ma Ha Thừa (ngườiTây-vức) dịch 1 quyển kinh, 1 quyển luật;
- Sa môn Pháp Ý (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Pháp Độ (người Hán) dịch 3 bộ kinh, luật, gồm 3 quyển;
- Sa môn Pháp Nguyện (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Pháp Ni (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Vương Tông (người Hán) soạn 1 bộ danh số kinh gồm 5 quyển, và 1 bộ mục lục gồm 2 quyển;
- Sa môn Đàm Cảnh (người Hán) dịch 2 bộ kinh, gồm 4 quyển;
- Sa môn Đạo Chính (người Hán) dịch kinh, 1 quyển;
- Sa môn Đạo Bị (người Hán) dịch 5 bộ kinh, gồm 5 quyển;
- Sa môn Pháp Viện (người Hán) chú giải 1 bộ kinh, gồm 3 quyển;
- Sa môn Huệ Cơ (người Hán) chú giải 1 quyển kinh;
- Cư sĩ Vương Cân (người Hán) soạn 1 quyển tăng sử.
5.1.3. Nhà Tiêu-Lương (502-557). Năm 502, Tiêu Diễn diệt nhà Nam-Tề, lên ngôi xưng đế, sáng lập nhà Lương, sử gọi là Tiêu-Lương. Trong thời đại Nam-triều thì Phật giáo ở triều đại nhà Lương là thịnh hành nhất. Các vị dịch kinh và trước thuật trong thời này gồm có:
- Sa môn Tăng Già Bà La (người nước Phù-nam) dịch 11 bộ kinh, luận, gồm 38 quyển;
- Sa môn Mạn Đa La Tiên (người nước Phù-nam) dịch 3 bộ kinh, gồm 11 quyển;
- Sa môn Chân Đế (người nước Ưu-thiền-ni, TrungThiên-trúc) dịch và soạn 16 bộ kinh, luận sớ, kí, gồm 46 quyển;
- Sa môn ni Tăng Pháp (người Hán) dịch 21 bộ kinh, gồm 35 quyển;
- Sa môn Diệu Quang (người Hán) dịch kinh, 1 quyển;
- Sa môn Tăng Oai (người Hán) soạn 1 quyển về luật;
- Sa môn Tăng Hựu (người Hán) soạn 14 bộ tập, kí, truyện, gồm 67 quyển;
- Sa môn Đạo Hoan (người Hán) soạn 1 quyển kệ (21 bài);
- Sa môn Tăng Thiệu (người Hán) soạn 1 bộ kinh lục, gồm 4 quyển;
- Cư sĩ Mộc Đạo Hiền (người Hán) dịch 1 quyển kinh;
- Vương tử Nguyệt Bà Thủ Na (nước Ưu-thiền-ni, trước đến Bắc-Ngụy, trải qua Đông-Ngụy [xem mục "Bắc-triều" ở dưới], sau đến Lương) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Tăng Mân (người Hán) tập soạn 1 bộ mục lục gồm 88 quyển;
- Sa môn Tăng Xướng (người Hán) soạn 8 bộ tạp lục, gồm 107 quyển;
- Sa môn Pháp Lang (hay Pháp Lãng, người Hán) chú 1 bộ kinh, gồm 72 quyển;
- Vũ đế Tiêu Diễn (hoàng đế nhà Tiêu-Lương) chú 1 bộ kinh, gồm 50 quyển;
- Sa môn Tuệ Linh (người Hán) soạn 1 bộ kinh sao, gồm 12 quyển;
- Sa môn Tuệ Kiểu (người Hán – có người đọc là Tuệ Cảo) soạn 1 bộ truyện, gồm 14 quyển;
- Cư sĩ Viên Đàm Doãn (người Hán) soạn 1 bộ luận sao, gồm 20 quyển;
- Giản-văn đế Tiêu Cương (hoàng đế nhà Tiêu-Lương) cùng nhiều vị học sĩ soạn 1 bộ tập, gồm 200 quyển;
- Sa môn Trí Tạng (người Hán) soạn 1 bộ nghĩa lâm, gồm 80 quyển;
- Cư sĩ Ngu Hiếu Kính (người Hán) soạn 1 bộ yếu sự, gồm 30 quyển.
5.1.4. Nhà Trần (557-589). Năm 557, Trần Bá Tiên phế vua Kỉnh đế của nhà Tiêu-Lương, lên ngôi xưng đế, đặt quốc hiệu là Trần. Các vua trong thời đại này đều noi gương vua Vũ đế nhà Lương lúc trước trong việc bảo hộ Phật giáo. Công tác dịch kinh trong thời đại này có:
- Sa môn Chân Đế (tiếp tục sự nghiệp phiên dịch từ thời nhà Lương) dịch 48 bộ kinh, luận, sớ, truyện, gồm 232 quyển;
- Vương tử Nguyệt Bà Thủ Na (từ thời nhà Lương) dịch 1 bộ kinh, gồm 7 quyển;
- Sa môn Tu Bồ Đề (người Phù-nam) dịch 1 bộ kinh, gồm 8 quyển.
5.2. Bắc-triều (386-581). Trong khi các vương triều Lưu-Tống, Nam-Tề, Tiêu-Lương, và Trần kế tiếp nhau thống trị miền Hoa-nam, thì cũng trong khoảng thời gian đó, các vương triều Bắc-Ngụy, Đông-Ngụy, Tây-Ngụy, Bắc-Tề và Bắc-Chu thống trị miền Hoa-bắc; sử gọi đó là Bắc-triều. Công việc dịch kinh và trước thuật ở các triều đại thuộc Bắc-triều được tóm lược như sau:
5.2.1. Nhà Bắc-Ngụy (386-534). Bắc-Ngụy là nước lớn nhất ở vùng Giang-bắc, được kiến lập rất sớm, từ thời Đông-Tấn-thập-lục-quốc. Năm 386, Thác-bạt Khuê xưng vương, kiến lập nước Ngụy, đóng đô ở Thịnh-lạc (thuộc tỉnh Nội-mông ngày nay), sử gọi đó là nhà Bắc-Ngụy (cũng gọi là Hậu-Ngụy). Năm 398, Khuê dời đô xuống Bình-thành (huyện Đại-đồng, tỉnh Sơn-tây ngày nay), rồi năm sau xưng đế, tức Đạo-vũ đế (386-409). Năm 420, khi nhà Lưu-Tống mở đầu thời đại Nam-triều ở Giang-nam, thì vùng Giang-bắc vẫn còn trong thời đại Ngũ-Hồ-thập-lục-quốc. Năm 440 (dưới triều Ngụy Thái-vũ đế), Bắc-Ngụy diệt Bắc-Lương (nước cuối cùng của thời đại 16 nước Ngũ-Hồ), thống nhất toàn vùng lãnh thổ Hoa-bắc, trở thành vương triều đầu tiên của thời đại Bắc-triều.
Trong thời Bắc-Ngụy này, ngoại trừ vị vua thứ ba, là Thái-vũ đế (424-452), đã thực hiện chính sách tiêu diệt Phật giáo, còn các vua khác đều ủng hộ Phật giáo nhiệt thành, cho nên Phật giáo rất hưng thịnh, chùa viện có cả mấy vạn ngôi, giáo đoàn đông tới cả triệu. Chư tăng từ phương Tây tới cũng thật đông đảo. Công việc dịch kinh được tóm lược như sau:
- Sa môn Tuệ Giác (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 13 quyển;
- Sa môn Đàm Diệu (người Hán) dịch 3 bộ kinh, luận, truyện, gồm 7 quyển;
- Sa môn Đàm Tĩnh (người Hán) soạn 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Cát Ca Dạ (người Tây-vức) dịch 5 bộ kinh, luận, gồm 25 quyển;
- Sa môn Đàm Biện (người Hán) dịch 1 bộ kinh, 1 quyển;
- Sa môn Đàm Ma Lưu Chi (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 8 quyển;
- Sa môn Pháp Trường (người Hán) dịch kinh, 1 quyển;
- Sa môn Bồ Đề Lưu Chi (người Thiên-trúc) dịch 37 bộ kinh, luận, gồm 126 quyển, và soạn 1 quyển mục lục;
- Bà la môn Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (cũng gọi Bát Nhã Lưu Chi, người Thiên-trúc) dịch 18 bộ kinh, giới, luận, gồm 92 quyển;
- Sa môn Lặc Na Ma Đề (người Thiên-trúc) dịch 6 bộ kinh, luận, gồm 24 quyển;
- Sa môn Phật Đà Phiến Đa (người Thiên-trúc) dịch 10 bộ kinh, luận, gồm 11 quyển;
- Vương tử Nguyệt Bà Thủ Na (nước Ưu-thiền-ni, Trung Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 7 quyển;
- Sa môn Tì Mục Trí Tiên (người nước Ô-trành, Bắc Thiên-trúc) dịch 5 bộ luận, gồm 5 quyển;
- Sa môn Đạt Ma Bồ Đề (không rõ người nước nào) dịch 1 quyển luận.
5.2.2. Nhà Đông-Ngụy (534-550) và nhà Tây-Ngụy (535-551). Năm 534, nước Bắc-Ngụy bị phân liệt thành hai nước nhỏ: Đông-Ngụy đóng đô ở Nghiệp-thành (tỉnh Hà-nam) và Tây-Ngụy đóng đô ở Trường-an (tỉnh Thiểm-tây). Phật giáo ở hai triều đại này đều rất thịnh hành, nhưng chư vị cao tăng chuyên việc dịch kinh thì không có nhiều như ở các triều đại khác. Dưới thời Đông-Ngụy chỉ thấy ghi lại 3 vị là bà la môn Bát Nhã Lưu Chi, sa môn Bồ Đề Lưu Chi và vương tử Nguyệt Bà Thủ Na, đều đã có mặt từ thời Bắc-Ngụy.
5.2.3. Nhà Bắc-Tề (550-577). Năm 550, Cao Dương đoạt ngôi nhà Đông-Ngụy, kiến lập nhà Bắc-Tề (cũng gọi là Cao-Tề), vẫn đóng đô ở Nghiệp-thành. Các vua Bắc-Tề đều sùng phụng Phật pháp, hết lòng làm cho Phật giáo hưng thịnh. Trong thời này, có hai vị dịch kinh mà sử sách còn ghi lại:
- Sa môn Na Liên Đề Da Xá (người nước Ô-trành, Bắc Thiên-trúc) dịch 7 bộ kinh, luận, gồm 52 quyển;
- Cư sĩ Vạn-sĩ Ý (cũng gọi là Vạn Thiên Ý, người Hán) dịch 1 quyển kinh.
5.2.4. Nhà Bắc-Chu (557-581). Năm 557, nhà Tây-Ngụy ở Trường-an bị Vũ-văn Giác đoạt ngôi, kiến lập nhà Bắc-Chu. Năm 576, Bắc-Chu lại tiêu diệt Bắc-Tề; thế là Bắc-triều, từ bấy giờ chỉ còn một nước duy nhất là Bắc-Chu; miền Hoa-bắc trở lại tình trạng thống nhất như thời Bắc-Ngụy lúc trước. Đến năm 581 thì Bắc-Chu bị nhà Tùy tiêu diệt. Dưới triều đại Bắc-Chu, tuy vua Vũ đế (561-578, vua đời thứ ba của nhà Bắc-Chu) chủ trương hủy diệt Phật giáo, nhưng các vị vua khác của triều đại vẫn tôn phụng Phật giáo; công việc dịch kinh và trước thuật vẫn tiến triển, lược ghi các vị như sau:
- Sa môn Đàm Hiển (người Hán) soạn kinh yếu, 2 bộ, gồm 23 quyển;
- Sa môn luật sư Nhương Na Bạt Đà La (người nước Ba-đầu-ma) dịch 1 bộ luận, 1 quyển;
- Sa môn Đạt Ma Lưu Chi (người nước Ma-lặc) dịch 1 bộ ngữ văn, gồm 20 quyển;
- Sa môn Xà Na Da Xá (người Thiên-trúc) dịch 6 bộ kinh, gồm 17 quyển;
- Sa môn Da Xá Quật Đa (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 8 quyển;
- Sa môn Xà Na Quật Đa (người Thiên-trúc) dịch 4 bộ kinh, gồm 5 quyển;
- Sa môn Tăng Miễn (người Hán) soạn 2 bộ truyện, 2 quyển;
- Sa môn Tuệ Thiện (người Hán) soạn 1 bộ luận, gồm 8 quyển;
- Sa môn Vong Danh (người Hán) soạn 12 bộ truyện, luận, 12 quyển;
- Sa môn Tịnh Ái (người Hán) soạn 1 bộ tập, gồm 11 quyển;
- Sa môn Đạo An (người Hán) soạn luận, 1 quyển.

6. Thời Đại Nhà Tùy (581-619).

Năm 581, vị tể tướng của vương triều Bắc-Chu là Dương Kiên, đã soán ngôi vua Bắc-Chu, tự xưng đế, kiến lập vương triều Tùy, đóng đô ở Trường-an, chấm dứt thời đại Bắc-triều. Đến năm 589, nhà Tùy lại cử binh đánh xuống Hoa-nam, tiêu diệt nước Trần, thống nhất Trung-quốc, chấm dứt thời đại Nam-bắc-triều. Nhà Tùy kéo dài được 38 năm thì bị mất vào tay nhà Đường. Tuy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng Phật giáo trong thời đại nhà Tùy, vì được các bậc quân vương nhiệt thành ủng hộ, cho nên, chẳng những đã được phục hưng sau thời Chu Vũ đế diệt Phật, mà còn phát triển thật rực rỡ. Riêng về công tác dịch kinh, trước thuật, sách sử đã ghi lại các vị còn để lại thành tích như sau:
- Sa môn Tăng Xán (người Hán) soạn luận, 1 quyển;
- Cư sĩ Đạt Ma Xà Na (tức Pháp Trí, con trưởng của bà la môn Bát Nhã Lưu Chi, đời Bắc-Ngụy) dịch 1 bộ kinh, 1 quyển;
- Sa môn Tì Ni Đa Lưu Chi (người Thiên-trúc) dịch 1 quyển kinh ở Trung-quốc, rồi sang Việt-nam cũng dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Na Liên Đề Da Xá (người Thiên-trúc, tới Trung-quốc từ thời Bắc-Tề) dịch 8 bộ kinh, gồm 28 quyển;
- Sa môn Trí Khải (người Hán) chú sớ kinh, luật và soạn luận, cả thảy 22 bộ, gồm 87 quyển;
- Sa môn Tăng Tựu (người Hán) soạn tập 1 bộ kinh, gồm 60 quyển;
- Sa môn Xà Na Quật Đa (người Thiên-trúc, tới Trung-quốc từ thời Bắc-Chu) dịch 31 bộ kinh, gồm 165 quyển;
- Sa môn Đạt Ma Cấp Đa (người Thiên-trúc) dịch 9 bộ kinh, luận, gồm 46 quyển;
- Sa môn Pháp Thượng (người Hán) soạn 3 bộ luận và kinh lục, gồm 43 quyển;
- Sa môn Linh Dụ (người Hán) soạn 8 bộ luận, kí, gồm 30 quyển;
- Sa môn Tín Hạnh (người Hán) soạn 2 bộ tạp lục, gồm 35 quyển;
- Sa môn Pháp Kinh (người Hán) soạn 2 bộ kinh lục, gồm 12 quyển;
- Sa môn Bảo Quí (người Hán) tập hợp 1 bộ kinh, gồm 8 quyển;
- Sa môn Tăng Côn (người Hán), soạn 1 bộ tạp kí, gồm 31 quyển;
- Sa môn Ngạn Tông (người Hán) soạn truyện, luận, kí, 6 bộ, gồm 9 quyển;
- Sa môn Tuệ Ảnh (người Hán) soạn và chú giải luận, 4 bộ, gồm 27 quyển;
- Sa môn Bồ Đề Đăng (người ngoại quốc, không rõ nước nào) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Cư sĩ Phí Trưởng Phòng (người Hán) soạn 1 bộ kinh lục, gồm 15 quyển;
- Cư sĩ Từ Đồng Khanh (người Hán) soạn 1 bộ luận, gồm 2 quyển;
- Cư sĩ Hầu Quân Tố (người Hán) soạn 1 bộ truyện, gồm 10 quyển;
- v.v...

7. Thời Đại Nhà Đường (618-907)

. Đến đầu thế kỉ thứ 7 thì triều đình nhà Tùy đã quá suy nhược, quần hùng trong nước nổi lên khắp nơi để tranh giành quyền lực. Năm 618, Đường công Lí Uyên (566-635) đem quân tiến đánh Trường-an, tiêu diệt nhà Tùy, lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Đường, vẫn đóng đô ở Trường-an.
Trong thời đại nhà Đường, ngoại trừ vua Vũ-tông (841-846) phá hủy Phật giáo, các vị đế vương khác (kể cả nữ hoàng Vũ Tắc Thiên, 684-705) đều tôn sùng và hết lòng bảo hộ Phật giáo; cho nên, dù bên cạnh luôn luôn có sự tranh giành ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh cùng cực - nhất là ở hai thời kì Sơ Đường (618-713) và Thịnh Đường (713-805). Ở thời đại này, đã có rất nhiều vị danh tăng xuất hiện, các tông phái nổi tiếng như Tịnh Độ, Luật, Thiền, Mật, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, v.v... đều phát triển rực rỡ, gây nên một phong trào trăm hoa đua nở, đưa địa vị Phật giáo lên hàng tuyệt đỉnh trong lịch sử tư tưởng Trung-quốc; cho nên sách sử thường nói, đó là thời đại hoàng kim của Phật giáo Trung-quốc.
Phật giáo ở thời đại nhà Đường sở dĩ được khởi sắc như vậy, thiết nghĩ, đó là do ảnh hưởng của sự nghiệp phiên dịch kinh điển và trước thuật các tác phẩm Phật học. Thật vậy, trong thời đại này, sự nghiệp dịch kinh đã chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo Trung-quốc. Với sự xuất hiện của nhà đại phiên dịch Huyền Trang, nhiều tư tưởng mới mẻ, cao siêu của Phật giáo được phát huy ở Trung-quốc, đã đưa Phật giáo Trung-quốc bước sang một thời kì gồm rất nhiều biến chuyển mới, làm cho nền Phật giáo đại thừa hưng thịnh lạ thường. Góp công vào sự nghiệp phiên dịch này, các vị danh tăng vừa bản xứ vừa ngoại quốc như Nghĩa Tịnh, Bát Nhã (người Kế-tân), Thiện Vô Úy (người Đông Ấn), Kim Cương Trí (người Nam Ấn), Bất Không (người Tích-lan), v.v... đều là những nhà đại phiên dịch nổi tiếng, đã đóng góp rất lớn trong việc hình thành kho tàng kinh luận Phật giáo Trung-quốc. Trong 5 vị dịch kinh trứ danh của Phật giáo Trung-quốc thì đời Đường đã chiếm hết 3 vị, là Huyền Trang, Nghĩa Tịnh và Bất Không (2 vị kia là Cưu Ma La Thập ở đời Hậu-Tần và Chân Đế ở cuối đời Tiêu-Lương đầu đời Trần). Ngoài ra, trong sự nghiệp dịch kinh của thời đại này cũng còn phải kể đến các vị dịch sư quan trọng như Thật Xoa Nan Đà, Bồ Đề Lưu Chí, Địa Bà Ha La, Đề Vân Bát Nhã. Sự nghiệp phiên dịch ấy được lược thuật như sau:
- Sa môn Ba La Phả Ca La Mật Đa La (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, luận, gồm 38 quyển;
- Sa môn Pháp Lâm (người Hán) soạn 2 bộ luận, gồm 10 quyển;
- Sa môn Huyền Trang (người Hán) dịch và soạn 76 bộ kinh, luật, luận, kí, truyện, gồm 1.347 quyển;
- Sa môn Khuy Cơ (người Hán) chú sớ 17 bộ kinh, luận, gồm 105 quyển;
- Sa môn luật sư Đạo Tuyên (người Hán) soạn 11 bộ luật, lục, tập, truyện, kí, gồm 86 quyển;
- Sa môn Huyền Ứng (người Hán) dịch 1 bộ âm nghĩa, gồm 25 quyển;
- Sa môn Tĩnh Mại (người Hán) soạn 1 bộ đồ kí, gồm 4 quyển;
- Sa môn Trí Thông (người Hán) dịch 4 bộ kinh, gồm 5 quyển;
- Sa môn Già Phạm Đạt Ma (người Thiên-trúc) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn A Địa Cù Đa (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ kinh, gồm 12 quyển;
- Sa môn Huyền Uẩn (người Hán) soạn 1 bộ yếu tập, gồm 20 quyển;
- Sa môn Ngạn Tông (người Hán) soạn 1 bộ tập, gồm 6 quyển;
- Sa môn Na Đề (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, 3 quyển;
- Sa môn Nhã Na Bạt Đà La (người Nam-dương quần-đảo) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Địa Bà Ha La (người Thiên-trúc) dịch 18 bộ kinh, luận, gồm 34 quyển;
- Cư sĩ Đỗ Hạnh Nghị (người Hán) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Phục Lễ (người Hán) soạn 1 bộ luận, gồm 2 quyển;
- Sa môn Tuệ Lập (người Hán) soạn 1 bộ truyện, gồm 10 quyển;
- Sa môn Hoài Tố (người Hán) sao tập 4 bộ giới bản, yết ma, gồm 8 quyển;
- Sa môn Phật Đà Đa La (người nước Kế-tân) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Phật Đà Ba Lị (người Kế-tân) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Đề Vân Bát Nhã (người nước Vu-điền) dịch 6 bộ kinh, luận, gồm 7 quyển;
- Sa môn Tuệ Trí (người Hán gốc Thiên-trúc) dịch 1 quyển tán tụng;
- Sa môn Minh Thuyên (người Hán) soạn 1 bộ mục lục, gồm 15 quyển;
- Sa môn Thật Xoa Nan Đà (người Vu-điền) dịch 19 bộ kinh, gồm 107 quyển;
- Bà la môn Lí Vô Siểm (người nước Lam-ba, phía Bắc Thiên-trúc) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Di Đà Sơn (người nước Đỗ-hóa-la, cổ quốc ở phía Tây Nam cao nguyên Pamir) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Huyền Nghi (người Hán) soạn 1 bộ luận, gồm 3 quyển;
- Sa môn A Nễ Chân Na (người nước Ca-thấp-mật-la, phía Bắc Thiên-trúc) dịch 7 bộ kinh, gồm 9 quyển;
- Sa môn Nghĩa Tịnh (người Hán) dịch và soạn 61 bộ kinh, luật, luận, truyện, gồm 239 quyển;
- Sa môn Bồ Đề Lưu Chí (tức Đạt Ma Lưu Chi, người Thiên-trúc) dịch 53 bộ kinh, luận, gồm 111 quyển;
- Sa môn Ái Đồng (người Hán) dịch 1 quyển luật;
- Sa môn Tuệ Uyển (người Hán) soạn 1 bộ âm nghĩa, gồm 2 quyển;
- Sa môn Bát Thích Mật Đa (người Thiên-trúc) dịch 1 bộ kinh, gồm 10 quyển
- Sa môn Trí Nghiêm (người Vu-điền) dịch 4 bộ kinh, gồm 6 quyển;
- Sa môn Kim Cương Trí (người Thiên-trúc) dịch 25 bộ kinh, gồm 32 quyển;
- Sa môn Hoài Địch (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 10 quyển;
- Sa môn Thiện Vô Úy (người Thiên-trúc) dịch 4 bộ kinh, gồm 14 quyển;
- Sa môn Trí Thăng (người Hán) soạn 5 bộ kinh lục, sám nghi, gồm 25 quyển;
- Sa môn Bất Không (người nước Sư-tử, tức Tích-lan) dịch 110 bộ kinh, luận, gồm 143 quyển;
- Sa môn A Chất Đạt Tiển (người Thiên-trúc) dịch 3 bộ kinh, gồm 5 quyển;
- Sa môn Pháp Nguyệt (người Thiên-trúc) dịch 1 quyển kinh;
- Sa môn Bát Nhã (người Thiên-trúc) dịch 6 bộ kinh, gồm 70 quyển;
- Sa môn Lương Phần (người Hán) chú sớ 1 bộ kinh, gồm 3 quyển;
- Sa môn Tiềm Chân (người Hán) chú sớ 4 bộ kinh, tập, gồm 9 quyển;
- Sa môn Trí Thủ (người Hán) chú sớ 21 quyển luật;
- Sa môn Tuệ Mãn (người Hán) chú sớ 20 quyển luật;
- Sa môn Như Tịnh (người Hán) chú sớ 1 bộ luật, gồm 10 quyển;
- Sa môn Lương Tú (người Hán) chú sớ 1 bộ kinh, gồm 10 quyển;
- Sa môn Siêu Ngộ (người Hán) chú sớ 1 bô kinh, gồm 10 quyển;
- Sa môn Viên Chiếu (người Hán) soạn 1 bộ kinh lục, gồm 3 quyển;
- Sa môn Thi La Đạt Ma (người Vu-điền) dịch 2 bộ kinh, gồm 10 quyển;
- Sa môn Vật Đề Đề Tê Ngư (ngưới Qui-tư) dịch 1 quyển kinh;
- Trưởng giả Thông Huyền (người Hán) chú sớ 10 bộ kinh, luận, gồm 64 quyển;
- Sa môn Trừng Quán (người Hán) chú sớ 5 bộ kinh. luận, gồm 65 quyển;
- v.v…

8. Thời Đại Ngũ-Đại Thập-Quốc (907-960).

Đây là thời kì tan rã của đế quốc Trung-hoa sau hơn 300 năm thống nhất dưới hai triều đại Tùy và Đường. Sau khi vương triều Đường diệt vong, ở phương Bắc Trung-quốc liên tiếp xuất hiện 5 vương triều kế tiếp nhau thống trị; đó là: Hậu-Lương (907-923), Hậu-Đường (923-936), Hậu-Tấn (936-946), Hậu-Hán (947-950), và Hậu-Chu (951-960). Sử gọi đó là Ngũ-đại. Trong khi đó, ở phương Nam và vùng Hà-đông, trước sau có 10 nước chia nhau cùng làm chủ, sử gọi đó là Thập-quốc; gồm có: Tiền-Thục (908-925, Tứ-xuyên ngày nay), Ngô-Việt (908-932, Triết-giang ngày nay), Nam-Hán (917-971, Quảng-đông), Ngô (919-937, An-huy), Mân (933-945, Phúc-kiến), Hậu-Thục (934-965, Tứ-xuyên), Nam-Đường (937-958, Giang-tô), và Bắc-Hán (951-979, Sơn-tây). Gộp chung cả Bắc và Nam, sử gọi đây là thời đại Ngũ-đại Thập-quốc. Trong giai đoạn này, Phật giáo chỉ cố gắng giữ nền nếp cũ, tuy cũng có một số đế vương ủng hộ Phật giáo nhiệt tình, nhưng không có gì đặc sắc; đó là chưa nói đến sự phá hoại Phật giáo của nhà Hậu-Chu. Riêng về sự nghiệp dịch kinh thì càng không có gì để nói tới; tuy nhiên, cũng có một số sách được trước thuật do các ngài: Đế Quán (người Cao-li), Vĩnh Minh Diên Thọ ở nước Ngô-Việt; và ngài Hằng An ở nước Nam-Đường.

9. Thời Đại Nhà Tống (960-1279)

. Cuối thời Ngũ-đại Thập-quốc, năm 960, Triệu Khuông Dẫn (927-976) đã phế bỏ vua Cung đế (959-960) của nhà Hậu-Chu (951- 960) ở phương Bắc, tự lên ngôi đế, đặt quốc hiệu là Tống, đóng đô ở Khai-phong (tỉnh Hà-nam), sử gọi là nhà Bắc-Tống. Cuối năm 1127, quân Kim đánh chiếm Khai-phong, bắt vua Khâm-tông (1126-1127) đem về giam ở nước Kim, thống trị toàn vùng Hoa-bắc, chấm dứt vương triều Bắc-Tống. Lúc đó, một người hoàng tộc của nhà Tống là Triệu Cấu, đã chạy xuống vùng Hoa-nam, tự xưng đế, đóng đô ở Lâm-an (Hàng-châu), sử gọi là nhà Nam-Tống. Cả Bắc và Nam-Tống kéo dài 320 năm. Phật giáo từ cuối đời Đường qua đời Ngũ-đại Thập-quốc đã rất suy yếu, nhưng sang đến đời Tống thì lại được phục hưng và phát triển rực rỡ, dù không sánh được với hai triều đại Tùy và Đường thuở trước.
Riêng về sự nghiệp phiên dịch kinh điển, từ đời vua Đường Đức-tông (780-805) về sau, trải gần 200 năm bị gián đoạn, nay tới triều đại nhà Tống thì công tác dịch kinh được hưng khởi trở lại. Tuy nhiên, các kinh điển được dịch trong thời kì này đều là kinh điển phụ thuộc, còn các kinh điển trọng yếu đều đã được dịch hết từ đời Đường trở về trước. Trong triều đại này, chư vị cao tăng từ Thiên-trúc, Tây-vức đã tới rất đông, mà các vị người bản xứ cũng có; nổi tiếng nhất trong công tác dịch kinh có các ngài:
- Sa môn Pháp Thiên (người Thiên-trúc) dịch 36 bộ kinh, tán, gồm 52 quyển;
- Sa môn Pháp Hiền (người Thiên-trúc) dịch 64 bộ kinh, tán, gồm 75 quyển;
- Sa môn Thi Hộ (nước Ô-điền-nang) dịch 115 bộ kinh, gồm 255 quyển;
- Sa môn Thiên Tức Tai (nước Ca-thấp-di-la) dịch 22 bộ kinh, gồm 75 quyển;
- Sa môn Pháp Hộ (nước Ca-thấp-di-la) dịch 35 bộ kinh, gồm 270 quyển;
- Sa môn Nhật Xứng (người Thiên-trúc) dịch 7 bộ kinh, luận, kệ tụng, gồm 70 quyển;
- Sa môn Trí Cát Tường (người Thiên-trúc) và sa môn Kim Tổng Trì (người Tây-hạ) cùng dịch chung 2 bộ kinh, gồm 8 quyển;
- Sa môn Từ Hiền (người Thiên-trúc) dịch 13 bộ kinh, gồm 17 quyển (?);
- Sa môn Duy Tịnh (người Hán) cùng với các sa môn Thi Hộ, Pháp Hộ, Hạ Tủng, Huệ Phương v.v… dịch 27 bộ kinh gồm 172 quyển, và biên soạn 3 bộ sách về ngữ học và mục lục gồm 80 quyển;
- Sa môn Thiệu Đức (người Hán) và sa môn Tuệ Tuân (người Hán) cùng dịch chung 2 bộ kinh, luận, gồm 18 quyển;
- Sa môn Tường Công (người Hán) dịch 1 bộ kinh, gồm 2 quyển;
- Sa môn Tri Lễ (người Hán) chú sớ kinh và soạn luận, 8 bộ, gồm 32 quyển
- v.v…
Để tăng thêm tiện nghi cho đạo tràng dịch kinh, vua Tống Thái-tông (976-997) đã ban sắc xây Dịch-kinh viện (năm 980) trong khuôn viên chùa Thái-bình-hưng-quốc ở ngay kinh đô Khai-phong. Các vị dịch kinh nổi tiếng đương thời như Pháp Thiên, Thiên Tức Tai, Thi Hộ, v.v... được nhà vua mời về cư trú tại đây để chuyên việc phiên dịch kinh điển. Viện Dịch-kinh được tổ chức rất qui mô, hoàn bị, có đầy đủ 9 vị trong hội đồng dịch kinh thường được gọi là "Dịch trường cửu vị".

10. Thời Đại Nhà Nguyên (1260-1368).

Vương triều Nguyên kế tiếp vương triều Tống, do người Mông-cổ kiến lập. Đó là thời kì nước Trung-hoa bị người Mông-cổ xâm chiếm và thống trị. Từ đầu thế kỉ 12, hơn một nửa lãnh thổ phía Bắc Trung-quốc đã bị nước Kim thống trị. Sang đầu thế kỉ 13, người Mông-cổ lại tiêu diệt nước Kim, rồi diệt luôn nhà Nam-Tống, thống trị toàn cõi Trung-quốc. Về mặt tôn giáo, triều đình nhà Nguyên chủ trương tự do tín ngưỡng, cho nên Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, kể cả các tôn giáo mới du nhập như Hồi giáo, Ki-tô giáo, đều được cùng lúc lưu hành. Riêng về Phật giáo, vì các vua Mông-cổ vốn thâm tín Lạt-ma giáo, nên trong thời đại nhà Nguyên, Lạt-ma giáo được triều đình đặc biệt bảo hộ, coi là quốc giáo của Trung-quốc.
Về sự nghiệp phiên dịch kinh điển, vì kho tàng kinh điển Phật giáo đã được dịch hết ở các triều đại trước, nên trong triều đại này hầu như không có dịch phẩm nào xuất hiện, ngoại trừ một số kinh thuộc về Mật giáo do ngài lạt-ma Sa La Ba (1259-1314) dịch vào đời vua Nguyên Thế-tổ (1260-1294). Tuy nhiên, cũng có một sự việc quan trọng liên quan đến kinh tạng, đó là việc các kinh điển Tây-tạng (Mật tạng) được truyền vào Trung-quốc và được dịch ra Hán văn trong thời đại này. Các kinh điển Tạng văn này được dịch sang Hán văn, rồi được nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, và soạn thành bộ Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục (10 quyển, do ngài Khánh Cát Tường soạn năm 1289, triều vua Nguyên Thế-tổ). Ngoài ra, triều đình cũng tuyển người để dịch các kinh điển Tạng ngữ ấy ra chữ Mông-cổ do ngài Phát Tư Ba (1239-1280) đã sáng chế (xin xem phụ chú số 33, bài 24 ở trước).

11. Các Thời Đại Minh (1368-1644),

Thanh (1644-1911), và Dân-Quốc (1912-?). Vương triều Minh nối tiếp vương triều Nguyên, do Chu Nguyên Chương (1328-1398) kiến lập; kéo dài gần 3 thế kỉ thì bị người tộc Mãn-châu tiêu diệt, chiếm đóng và thống trị Trung-quốc, kiến lập vương triều Thanh. Nhà Thanh kéo dài gần 300 năm, nhưng từ sau loạn Thái-bình thiên-quốc (năm 1850) thì suy yếu hẳn; rồi cuộc cách mạng dân chủ (do Tôn Văn lãnh đạo) nổi lên, nhà Thanh bị lật đổ ngày 25.12.1911, chấm dứt chế độ Quân chủ của Trung-hoa trải đã mấy ngàn năm, thay thế bằng chế độ Cộng hòa, gọi là Trung-hoa Dân-quốc, do những người Hán nối tiếp nhau nắm chính quyền.
Cả hai vương triều Minh và Thanh đều ủng hộ Phật giáo, nên Phật giáo vẫn thịnh hành, nhưng cũng chỉ giữ ở mức phát triển cũ từ trước; các chính quyền Dân-quốc, vì chủ trương tự do tín ngưỡng, nên không ủng hộ cũng không cản trở, Phật giáo vẫn tự do phát triển. Riêng về sự nghiệp phiên dịch kinh điển thì không có gì để nói, nhưng về phương diện trước thuật thì rất phong phú. Các vị cao tăng Trung-quốc trong khoảng thời gian này đã nhiệt tâm sớ giải kinh, luật, luận và viết nhiều tác phẩm để nêu rõ tư tưởng giáo học Phật giáo của thời đại, nhất là tư tưởng dung hợp giáo nghĩa giữa các tông phái Phật giáo; đặc biệt là xiển dương hai pháp môn tu tập Thiền và Tịnh Độ; ngoài ra cũng có một số tác phẩm viết về sử liệu Phật giáo. Các tác gia nổi tiếng trong khoảng thời gian này có các ngài Sở Thạch Phạm Kì, Đạo Diễn, Vân Thê Châu Hoành, Tử Bách Chân Khả, Ham (Hám) Sơn Đức Thanh, Ngẫu Ích Trí Húc, Đạo Hựu, Thiền Đăng, Vô Tận, Nhất Niệm, Như Tỉnh, Tán Ninh, Huyễn Luân, v.v… và các vị cư sĩ Viên Hoành Đạo, Chu Khắc Phục, v.v… ở đời Minh; các ngài Kiến Nguyệt Độc Thể, Văn Hải Phúc Tụ, Đạo Bái Vi Lâm, Tỉnh Am Thật Hiền, v.v… và các vị cư sĩ Viên Minh (tức vua Ung-chánh nhà Thanh), Bành Thiệu Thăng, Bành Hi Tốc, Dương Nhân Sơn, v.v… ở đời Thanh; các ngài Ấn Quang, Thái Hư, Đế Nhàn, Ấn Thuận, v.v… và các vị cư sĩ Vương Nhất Đình, Tưởng Duy Kiều, Chương Bính Lân, Lương Khải Siêu, v.v… ở thời cận đại (Dân-quốc).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]