Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dẫn nhập

24/06/201319:14(Xem: 12005)
Dẫn nhập

Quả Dự Lưu

Dẫn nhập
1. Thân cận bậc Chân nhân

Thích Viên Giác dịch và giảng

Nguồn: www.quangduc.com

Dẫn nhập

Thân cận bậc Chân nhân là Dự lưu phần.
Nghe diệu pháp là Dự lưu phần.
Như lý tác ý là Dự lưu phần.
Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.
[Tương Ưng 55.11]
Dự lưu là quả vị đầu tiên của bốn quả vị thánh giải thoát (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán). Danh từ "Dự lưu" có nghĩa là nhập dòng, để chỉ một người đã nhập dòng thánh giải thoát chắc chắn đưa đến Niết-bàn. Vị đó sẽ hoàn toàn giác ngộ, chậm nhất là trong bảy kiếp sống, và trong các kiếp đó sẽ không bao giờ tái sinh tại các đọa xứ (thú vật, địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la).
Các đoạn kinh trích dẫn ở đây được sắp xếp theo bốn yếu tố nêu ra ở trên, và đồng thời có liên hệ đến những câu hỏi của các thiền sinh, cho dù pháp hành của họ có nhắm đến Giác ngộ hay không: Làm thế nào để nhận biết một vị chân sư? Làm thế nào để phân biệt Chân pháp và Ngụy pháp? Lắng nghe Diệu Pháp sẽ được lợi ích gì? Chúng ta phải tự vấn như thế nào trong quá trình tu tập? Các pháp hành nào là tương hợp với Chánh pháp? Trong khi tu tập, chúng ta cần phải tăng trưởng các phẩm hạnh nào để được nhiều lợi lạc?

1. Thân cận bậc Chân nhân

Đối với vị Tỳ-khưu hữu học, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỳ-khưu, tức là làm bạn với thiện. Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Tỳ-khưu làm bạn thiện,
Tôn kính và kính trọng,
Làm theo những lời nói,
Của bạn bè thân hữu,
Tỉnh giấc và chánh niệm,
Vị ấy sẽ tuần tự,
Đạt được sự hoại diệt,
Tất cả mọi kiết sử.
[Phật thuyết như vậy, 17]
Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
-- Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đãng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).
-- Chớ có nói vậy, này Ànanda! Chớ có nói vậy, này Ànanda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ànanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỳ-khưu thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ànanda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.
Và này Ànanda, thế nào là Tỳ-khưu thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ànanda, Tỳ-khưu tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỳ-khưu tu tập chánh tư duy... tu tập chánh ngữ... tu tập chánh nghiệp... tu tập chánh mạng... tu tập chánh tinh tấn... tu tập chánh niệm... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ànanda, là Tỳ-khưu thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
Này Ànanda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ànanda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ànanda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.
[Tương Ưng, 45.2]
Này cư sĩ Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng in, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Đây là bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn". Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng in.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia xẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.
[Tăng Chi, 8.54]
Phàm một người nào đã vi phạm một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào vị ấy không làm được. Thế nào là một pháp? Này các Tỳ-khưu, tức là rõ biết mà nói láo.
Người nào đã nói láo,
Là vi phạm một pháp,
Không kể đến đời sau,
Không ác gì không làm.
[Phật thuyết như vậy, 25]
- Này các Tỳ-khưu, có đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu cho điều khó cho, làm điều khó làm, nhẫn điều khó nhẫn. Này các Tỳ-khưu, đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận.
[Tăng Chi, 3.133]
Ba pháp này, này các Tỳ-khưu, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Thế nào là ba? Bố thí, này các Tỳ-khưu, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Xuất gia, này các Tỳ-khưu, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Hầu hạ cha mẹ, này các Tỳ-khưu, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Ba pháp này, này các Tỳ-khưu, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố.
[Tăng Chi, 3.45]
Này các Tỳ-khưu, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, này các Tỳ-khưu, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỳ-khưu, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỳ-khưu, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, này các Tỳ-khưu, là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỳ-khưu, tức là biết ơn, nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị bậc Chân nhân, này các Tỳ-khưu, tức là biết ơn, nhớ ơn.
[Tăng Chi 2.31]
Này các Tỳ-khưu, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.
Này các Tỳ-khưu, với cùng một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.
Này các Tỳ-khưu, trong những hoạn nạn, sức kiên trì cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.
Này các Tỳ-khưu, với đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.
(1) Này các Tỳ-khưu, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, có người do cộng trú với một người khác biết được như sau: "Trong một thời gian dài, vị Tôn giả này làm giới bị bể vụn, làm giới bị cắt xén, làm giới bị vết nhơ, làm giới bị chấm, đen, làm việc không có liên tục, hạnh kiểm không có liên tục trong các giới. Ác giới là Tôn giả này, Tôn giả này không giữ giới".
Nhưng ở đây, này các Tỳ-khưu, người này do cộng trú với người kia, biết như sau: "Trong một thời gian dài, vị Tôn giả này không làm giới bị bể vụn, không làm giới bị cắt xén, không làm giới bị vết nhơ, không làm giới bị chấm, đen, làm việc có liên tục, hạnh kiểm có liên tục trong các giới. Giữ giới là Tôn giả này, Tôn giả này không phải ác giới".
Này các Tỳ-khưu, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy, trong một thời gian dài, không có tác ý vấn đề khác, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ. Như vậy được nói đến, do duyên này được nói đến như vậy.
(2) Này các Tỳ-khưu, với cùng chung làm một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, một người do cùng làm một nghề với một người khác, biết được như sau: "Khác thay, vị Tôn giả này khi làm việc với một người; khác thay, với hai người; khác thay, với ba người; khác thay, với nhiều người, làm trái ngược là vị Tôn giả này, các sở hành trước khác với sở hành sau. Không thanh tịnh là sở hành của vị Tôn giả này. Vị Tôn giả này có sở hành không thanh tịnh. Nhưng ở đây, này các Tỳ-khưu, một người do cùng làm một nghề với một người khác, biết được như sau: "Như thế nào, Tôn giả này khi làm việc với một người, như thế ấy với hai người, như thế ấy với ba người, như thế ấy với nhiều người, không làm trái ngược là vị Tôn giả này, các sở hành trước giống với sở hành sau. Thanh tịnh là sở hành của vị Tôn giả này."
Này các Tỳ-khưu, với cùng chung làm một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
(3) Này các Tỳ-khưu, trong các hoạn nạn, sức kiên trì cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, có người cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, suy nghĩ như sau: "Bản chất như vậy là sự an trú thế giới này; Bản chất như vậy là bản tánh tự ngã có được này; Bản chất như vậy là sự an trú thế giới. Bản chất như vậy là có được bản tánh tự ngã. Tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp, tức là, lợi và thất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ". Người ấy, cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh.
Nhưng ở đây, này các Tỳ-khưu, có người cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, suy nghĩ như sau: "Bản chất như vậy là sự an trú thế giới này; Bản chất như vậy là bản tánh tự ngã có được này; Bản chất như vậy là sự an trú thế giới. Bản chất như vậy là có được bản tánh tự ngã. Tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp, tức là, lợi và thất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ". Người ấy cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh.
Này các Tỳ-khưu, trong các hoạn nạn, sức mạnh kiên trì cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
(4) Này các Tỳ-khưu, trong đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, có người, do đàm luận với một người khác, biết như vầy: "Vị Tôn giả này, đối một câu hỏi như vậy, phản ứng là như vậy, giải đáp câu hỏi là như vậy, thời liệt tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không có trí tuệ. Vì sao? Vì Tôn giả này không nói lên câu nghĩa sâu sắc an tịnh, thù thắng, vượt ngoài lý luận suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp, vị này thuyết giảng, vị ấy không có khả năng, hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi, nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Liệt tuệ là vị Tôn giả này, vị Tôn giả này không có trí tuệ". Ví như, này các Tỳ-khưu, một người có mắt, đứng trên bờ một hồ nước, thấy một con cá nhỏ nổi lên, người ấy suy nghĩ như sau: "Như vậy, con cá này nổi lên; như vậy, làm cho gợn sóng; như vậy là độ nhanh của nó. Nhỏ bé là con cá này, con cá này không lớn".
Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, có người do đàm luận với một người khác, biết như vầy: "Vị Tôn giả này, đối một câu hỏi như vậy, phản ứng là như vậy, giải đáp câu hỏi là như vậy, thời có trí tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không phải là liệt tuệ. Vì sao? Vì Tôn giả này nói lên câu nghĩa sâu sắc an tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp, vị này thuyết giảng, vị này có khả năng, hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi, nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Có trí tuệ là vị Tôn giả này, vị Tôn giả này không phải là liệt tuệ". Ví như, này các Tỳ-khưu, một người có mắt, đứng trên bờ một hồ nước, thấy một con cá lớn nổi lên, người ấy suy nghĩ như sau: "Như vậy, con cá này nổi lên; như vậy, con cá này làm cho gợn sóng; như vậy là độ nhanh của nó. To lớn là con cá này, con cá này không nhỏ".
Này các Tỳ-khưu, trong đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không phải không tác ý với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
[Tăng Chi, 4.192]
-- Này các Tỳ-khưu, một người bất chánh (asappurisa) có thể biết một người bất chánh: "Người bất chánh là vị này", hay không?
-- Bạch Thế Tôn, không biết được.
-- Lành thay, này các Tỳ-khưu! Này các Tỳ-khưu, không thể có sự tình, không thể có sự kiện, một người bất chánh có thể biết một người bất chánh: "Người bất chánh là vị này." Này các Tỳ-khưu, nhưng một người bất chánh có thể biết một người chơn chánh: "Người chơn chánh là vị này" hay không?
-- Bạch Thế Tôn, không biết được.
-- Lành thay, này các Tỳ-khưu! Này các Tỳ-khưu, không thể có sự tình, không thể có sự kiện một người bất chánh có thể biết được một người chơn chánh: "Người chơn chánh là vị này".
Người bất chánh, này các Tỳ-khưu, là người đầy đủ pháp bất chánh, giao du với người bất chánh, suy tư như người bất chánh, tư lường như người bất chánh, nói năng như người bất chánh, hành động như người bất chánh, có tà kiến như người bất chánh, bố thí như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh bất tín, vô tàm, vô quý, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh giao du với những người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, những vị Bà-la-môn nào bất tín, vô tàm, vô quý, ít nghe, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ, những vị ấy là bạn, là thân hữu với người bất chánh ấy. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh giao du với người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai.. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh suy tư như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh tư lường như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh tư lường tự làm hại mình, tư lường làm hại người, tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh tư lường như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh nói năng như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh nói lời nói láo, nói lời hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm. Như vậy này các Tỳ-khưu, là người bất chánh nói năng như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh hành động như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh sát sanh, lấy của không cho, làm các tà hạnh trong các dục. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh hành động như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người bất chánh có tà kiến như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh có tà kiến như sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh. Ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại". Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh có tà kiến như người bất chánh.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người bất chánh bố thí như người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người bất chánh bố thí một cách vô lễ, bố thí không phải tự tay, bố thí không có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật không cần dùng, bố thí không nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người bất chánh bố thí như người bất chánh.
Này các Tỳ-khưu, người bất chánh ấy, đầy đủ pháp bất chánh như vậy, giao du với người bất chánh như vậy, suy tư như người bất chánh như vậy, tư lường như người bất chánh như vậy, nói năng như người bất chánh như vậy, hành động như người bất chánh như vậy, có tà kiến như người bất chánh như vậy, bố thí như người bất chánh như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cảnh giới của những người bất chánh. Và này các Tỳ-khưu, thế nào là cảnh giới của những người bất chánh? Địa ngục hay là bàng sanh.
Này các Tỳ-khưu, một người chơn chánh có thể biết được một người chơn chánh: "Người chơn chánh là vị này" hay không?
-- Thưa biết được, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này các Tỳ-khưu! Sự tình này xảy ra là người chơn chánh có thể biết được người chơn chánh: "Người chơn chánh là vị này". Nhưng này các Tỳ-khưu, người chơn chánh có thể biết được người bất chánh: "Người bất chánh là vị này" hay không?
-- Thưa biết được, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này các Tỳ-khưu! Này các Tỳ-khưu, có sự tình này là người chơn chánh có thể biết được người bất chánh: "Người bất chánh là vị này". Này các Tỳ-khưu, người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp, giao du với các bậc chơn chánh, suy nghĩ như các bậc chơn chánh, tư lường như các bậc chơn chánh, nói năng như bậc chơn chánh, hành động như bậc chơn chánh, có chánh kiến như bậc chơn chánh, bố thí như bậc chơn chánh.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh có lòng tin, có lòng tàm, có lòng quý, có nghe nhiều, có tinh cần, tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh đầy đủ những Chánh pháp.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người chơn chánh giao du với các bậc chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có lòng tin, có lòng tàm, có lòng quý nghe nhiều, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ, những vị ấy là bạn, là thân hữu của vị chơn chánh ấy. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh giao du với các bậc chơn chánh.
Và này, các Tỳ-khưu, như thế nào là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh không suy nghĩ tự làm hại mình, không suy nghĩ làm hại người khác, không suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh.
Và này, các Tỳ-khưu, như thế nào là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh không tư lường tự làm hại mình, không tư lường làm hại người khác, không tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh?
Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là người chơn chánh nói năng như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh từ bỏ không nói láo, từ bỏ không nói hai lưỡi, từ bỏ không nói ác khẩu, từ bỏ không nói phiếm luận. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh nói năng như người chơn chánh.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người chơn chánh hành động như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ làm các tà hạnh trong dâm dục. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh hành động như người chơn chánh.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người chơn chánh có chánh kiến như bậc chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh có chánh kiến như sau: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, có loại hóa sanh. Ở đời có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh có chánh kiến như người chơn chánh.
Và này các Tỳ-khưu, thế nào là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người chơn chánh bố thí một cách lễ độ, bố thí với tự tay, bố thí có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật cần dùng, bố thí có nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh.
Này các Tỳ-khưu, người chơn chánh ấy, đầy đủ Chánh pháp như vậy, giao du với người chơn chánh như vậy, suy tư như người chơn chánh như vậy, tư lường như người chơn chánh như vậy, nói năng như người chơn chánh như vậy, hành động như người chơn chánh như vậy, có chánh kiến như người như người chơn chánh như vậy, bố thí như người chơn chánh như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cảnh giới của những người chơn chánh. Và này các Tỳ-khưu, thế nào là cảnh giới của những người chơn chánh? Đại tánh của chư Thiên hay đại tánh của loài Người.
[Trung Bộ, 110]
Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí !
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.
[Pháp Cú, 76]
Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.
[Pháp Cú, 78]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]