Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Thụ Ký

08/04/201311:32(Xem: 7741)
Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Thụ Ký

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Thụ Ký

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nguồn: Đường, Bát-Nhã dịch chữ Phạm ra chữ Hán

Kỷ-niệm ngày khánh-hỷ Quán-Âm
mùa Thu năm Đinh-Dậu
Chùa Từ-Quang
584/1, Phan-Thanh-Giản. Saigon

Quán-Âm Bồ-Tát
Nhân-Quả-Địa
lược-dẫn


1.- Danh-hiệu: Quán-Thế-Âm do dịch nghĩa nơi chữ Phạm “Avalokitesvara” ra chữ Hán, Quán-Thế-Âm gọi tắt là Quán Âm. Hồi đầu tiên Tàu dịch là Quang-Thế-Âm. Quán-Thế Âm có chỗ gọi là Quán-Thế-Tự-Tại hay Quán-Tự-Tại. Quán-Thế-Âm sở dĩ có danh hiệu ấy, theo kinh Pháp-Hoa nói: “Những chúng-sinh bị khổ não, nhất tâm niệm danh hiệu Bồ-Tát, tức thì Ngài quan-sát tiếng của họ, độ cho họ đều được giải thoát, bởi thế nên gọi là “Quán-Thế-Âm”.
Như thế, thâu tóm chân-nghĩa thời thấy rằng: Đây là một vị Bồ-Tát (Bodhisattva) hay nói rõ hơn là một vị có tâm-địa lợi tha rộng lớn, hạnh-nguyện sâu-dầy, trước cảnh-thái của sự, lý không bị chướng ngại lại quán-suốt tự-tại và nghe tiếng kêu cầu của chúng-sinh bị khổ-não, liền vì độ thoát cho họ.
2.- Nhân-quả-địa, của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm:
- Kinh Bi-Hoa nói: “Thuở xa xưa, trong đời đức Phật Bảo-Tạng, nơi thế-giới Xan-Đề-Lam, thuộc Đại-Kiếp Thiện-Trì, có ông vua tên là “Vô-Tránh-Niệm”. Khi ấy, nhà vua được ông Bảo-Hải đại-thần khuyến- thỉnh phát-tâm cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng, phát-nguyện độ sinh, muốn sinh sang thế-giới an-vui, liền được đức Phật thụ-ký: sau này sinh sang thế-giới An-Lạc và tên hiệu là “Vô-Lượng-Thọ Phật” (A-DI-ĐÀ Phật). Cùng trong thời-gian ấy, người con trai cả của nhà vua tên là “Bất-Thuấn” và người con trai thứ tên là “Ni-Ma” đồng phát tâm cúng-dàng, phát-nguyện độ sinh, nên cùng được đức Phật Bảo-Tạng thụ-ký cho: Ngài Bất-Thuấn là Quán-Thế-Âm, Ngài Ni-Ma là Đắc-Đại-Thế, (Đại-Thế-Chí) đều sinh sang nước An-Lạc (Cực-Lạc) trợ hóa đức Phật Vô-Lượng-Thọ và về sau nữa Ngài Quán-Thế-Âm sẽ thành Phật tên hiệu là “Biến-Xuất Nhất-Thiết Quang-Minh Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai”, thế-giới tên là “Nhất-thiết Trân-Bảo Sở Thành-Tựu”; ngài Đắc-Đại-Thế sẽ thành Phật tên là “Thiện-Trụ Trân- Bảo Sơn-Vương Như-Lai” và nhân nguyện mà được tên thế-giới là “Đại-Thế”.
- Kinh Thiên-thủ, thiên-nhãn đại-bi tâm đà-la-ni nói: “Bồ-Tát Quán-Thế-Âm có thế lực uy-thần không thể nghĩ, bàn được, Ngài đã từng ở trong vô-lượng kiếp về quá-khứ, đã thành Phật, hiệu là “Chính-Pháp-Minh Như-Lai”, nhưng vì sức thệ-nguyện từ-bi rộng lớn, muốn đem lại an vui cho chúng sinh, nên Ngài hiện làm thân Bồ-Tát.”
- Kinh Lăng-Nghiêm tự Ngài Quán-Âm nói: “Tôi nhớ trong vô số kiếp như cát sông Hằng về trước, có đức Phật ra đời tên hiệu ngài là “Quán-Thế-Âm”. Khi ấy, tôi ở nơi đức Phật Quán-Thế-Âm kia, phát-tâm Bồ-Đề, Ngài dạy tôi nên từ nơi “Văn, Tư, Tu” (nghe, nghĩ và tu), chứng nhập “Chính-Định” (Samadhi). Và sau cùng tôi được đức Quán-Thế-Âm Như-Lai tán-thán tôi khéo chứng được pháp môn Viên-Thông, ngay trong đại hội ấy, Ngài thụ-ký cho tôi hiệu là “Quán- Thế-Âm”, vì tôi nghe suốt tiếng trong mười phương đều được viên-minh, nên cái tên Quán-Âm của tôi vang khắp cả mười phương thế- giới”.
- Tới kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thụ-ký này, thời cũng nói: sau này Bồ-Tát Quán-Thế-Âm sẽ thành Phật tên hiệu là “Phổ-Quang Công-Đức-Sơn-Vương Như-Lai” và Ngài Đắc-Đại-Thế (Đại-Thế-Chí) Bồ-Tát sẽ thành Phật tên hiệu là “Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai”.
Với nhân địa, thụ-ký không ngoài những nét ghi lại nguyên-nhân phát-khởi, thời-gian thực hiện theo hoàn cảnh theo căn-khí chúng sinh và sẽ đạt tới thành-tựu viên mãn của hành-nguyện là thành Phật.
Tùy hoàn cảnh, căn-khí thị-hiện, nên danh-hiệu cũng do đấy mà sai khác, nhưng chân-ý chỉ là một.

KINH
QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT
THỤ-KÝ (1)


- Sa-Môn Đàm-Vô-Kiệt dịch chữ Phạm ra chữ Hán
- Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.
Chính tôi được nghe: một thời kia đức Phật ở Tiên-nhân Lộc-Uyển (2), nước Ba-La-Nại, cùng với hai vạn chúng Đại-Tỳ-Khưu (3); một vạn hai nghìn vị Bồ-Tát (4), mà các vị: Sư-Tử Bồ-Tát, Sư-Tử-Ý Bồ-Tát, An-Ý Bồ-Tát, Vô-Dụ-Ý Bồ-Tát, Trì-Địa Bồ-Tát, Bát-La-Đạt Bồ-Tát, Thần-Thiên Bồ-Tát, Thực-Sự Bồ-Tát, Già-Hầu-Đa Bồ-Tát, Hiền-Lực Bồ-Tát, Minh-Thiên Bồ-Tát, Ái-Hỷ Bồ-Tát, Văn-Thù Sư-Lỵ Bồ- Tát, Trí-Hành Bồ-Tát, Chuyên-Hành Bồ-Tát, Hiện-Vô-Ngại Bồ-Tát, Di-Lặc Bồ-Tát làm Thượng-Thủ (5); cùng một vạn hai nghìn vị Đại Bồ-Tát đồng tụ-hội nơi ấy. Lại có hai vạn vị Thiên-tử, Thiện-Giới Thiên-tử, Thiện-Trụ Thiên-Tử... làm Thượng-Thủ, là những vị đều trụ vào nơi Đại-thừa.
Bấy giờ đức Thế-Tôn liền vì thuyết pháp cho vô-lượng trăm nghìn quyến-thuộc vây quanh Ngài.
Khi ấy, trong pháp hội, có một vị Bồ-Tát tên là Hoa-Đức-Tạng, liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng lên Phật, bạch rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn, cho phép con ở trung-gian, muốn có điều gì cần hỏi, nên hỏi”.
Đức Phật bảo Bồ-Tát: Hoa-Đức-Tạng: “Tùy ý ông muốn hỏi gì thì hỏi. Các điều ông còn có chỗ ngờ-vực, ta đã biết rồi, ta sẽ vì ông giải-thuyết, để ông được vui vẻ”.
Bấy giờ, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Vị Đại Bồ-Tát làm thế nào không thoái-chuyển được đạo quả Vô thượng chính đẳng chính giác và năm phép thần thông (6), chứng được “Như-Huyễn Tam-Muội” (7), dùng phương-tiện khéo-léo, hóa được thân mình và tùy mọi hình loại thành được thiện-căn, mà vì họ thuyết-pháp, khiến họ chứng được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác (8)”.
Đức Phật bảo Đại-Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng: “Ông đối trước Như-Lai Đẳng-Chính-Giác, hỏi được những nghĩa như thế, thực quý hóa thay, quý hóa thay! Ông Hoa-Đức-Tạng! Thế là trong đời quá-khứ đối với chư Phật ông đã từng trồng những căn lành, cúng dàng vô số trăm nghìn vạn ức chư Phật Thế-Tôn, mà đối với các chúng-sinh ông đã phát tâm đại-bi! Quý hóa thay, ông Hoa-Đức Tạng! Ông nên nghe cho kỹ, nghe cho kỹ và nên nhớ, nghĩ cho khéo, ta sẽ vì ông nói rõ những điều ông vừa hỏi”. Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Dạ, lạy Thế-Tôn, con muốn được nghe”.
Đức Phật bảo Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng: “Đại-Bồ-Tát thành-tựu một pháp là được “Như-Huyễn Tam-Muội”. Được Tam-muội (chính-định) ấy, dùng phương-tiện khéo-léo, hóa ra được thân mình và tùy mọi hình-loại thành được thiện căn, mà vì họ thuyết pháp, khiến họ chứng được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Một pháp ấy là gì? Là “vô-y-chỉ” (9) không dựa vào ba cõi (10) lại cũng không dựa vào nội-tâm, không dựa vào ngoại-cảnh; đối với “Vô-sở-y” (11), chứng được “chính quán-sát” (quán-sát chân-chính). Được chính quán-sát rồi, liền chứng được “chính-tận” (12), mà đối với sự hiểu biết (giác, tri) không bị tổn-giảm. Bởi tâm không bị tổn-giảm, nên đều vượt lên được “chính-tuệ” (Trí-tuệ chân-chính). Nghĩa là hết thảy các pháp, theo DUYÊN khởi lên, do hư-dả mà có. Hết thảy các pháp, do nhân-duyên sinh. Nếu không có nhân-duyên, không có “sinh, pháp” (13), tuy hết thảy pháp theo nhân-duyên sinh, mà không có chỗ bị sinh (vô sở sinh). Như thế người thông-suốt được Vô-sinh-pháp (14) là được vào đạo chân-thực của Bồ-Tát, cũng gọi là được vào nơi đại-từ-bi-tâm, thương-xót, độ-thoát hết thảy chúng-sinh. Và, khéo hay hiểu biết sâu xa được nghĩa như thế rồi, thời biết được hết thảy các pháp như-huyễn, chỉ bởi ức-tưởng, ngôn-ngữ, tạo-hóa ra các pháp ấy. Song, ức-tưởng, ngôn-ngữ, tạo-hóa ra các pháp ấy, rốt-ráo đều là “không”. Khéo hay thông-suốt được các pháp “không” rồi, thế gọi là đạt được “Như-Huyễn Tam-Muội”. Được pháp Tam-Muội (chính-định) ấy rồi, dùng phương-tiện khéo-léo, hóa được thân mình và tùy mọi hình-loại thành được thiện-căn, mà vì họ thuyết pháp, khiến họ chứng được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính- giác”.
Khi ấy, Đại-Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Trong đại- chúng này, hẳn có Bồ-Tát chứng được pháp Chính-định ấy?”
Đức Phật dạy: “Có. Nay trong hội này, sáu mươi Chính-sĩ (Bồ-Tát) có thệ-nguyện rộng lớn, trang-nghiêm, không thể nghĩ, bàn được, như Bồ-Tát Di-Lặc, Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lỵ v.v... được pháp Chính-định ấy”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng lại bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Chỉ có các vị Bồ-Tát ở thế giới này được pháp Chính-định ấy, hay thế-giới phương khác lại cũng có các vị Bồ-Tát thành-tựu được “Như-Huyễn Tam-Muội” như thế?
Đức Phật bảo Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng: “Qua cõi Sa-bà (15) này chừng một ức trăm nghìn cõi về phương Tây, có thế-giới tên là An-Lạc, và trong nước ấy có đức Phật, hiệu là A-Di-Đà (16): Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri... (17) hiện nay đương thuyết pháp ở đấy. Và, ở đấy có hai vị Bồ-Tát: vị thứ nhất, tên là Quán-Thế-Âm, vị thứ hai tên là Đắc-Đại-Thế, được pháp Chính-định ấy.
Thứ nữa, ông Hoa-Đức-Tạng! Nếu có Bồ-Tát nào, theo các vị Chính-Sĩ kia, trong bảy ngày bảy đêm lĩnh-thụ pháp ấy, liền đạt được “Như-Huyễn Tam-Muội”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nếu thế, nước An-Lạc kia hẳn có vô lượng Bồ-Tát được pháp Chính-Định ấy? Tại sao? Vì, ngoài hai Bồ- Tát ấy, còn có các vị Bồ-Tát khác sinh sang nước kia, đều đến chốn hai vị Chính-Sĩ ấy lắng nghe và lĩnh-thụ pháp ấy”.
Đức Phật dạy: “Đúng như thế, đúng như thế! Đúng như lời ông nói, nơi ấy có vô lượng vô số Đại-Bồ-Tát theo hai vị Chính-Sĩ kia, được Pháp Chính-định ấy”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Quý hóa thay! Đức Thế-Tôn là bậc đầy-đủ danh-hiệu: Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri... mong đức Thế-Tôn dùng thần-lực, làm cho các Chính-Sĩ kia, đến được Thế-giới Sa-Bà này và lại làm cho thế-giới An-Lạc kia cùng thế-giới này, hai bên được trông thấy nhau. Tại sao? - Vì, các Chính-Sĩ kia đến được cõi này, thời thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân, thành được thiện-căn và nghe các vị-thuyết-pháp sẽ chứng được pháp Chính-Định ấy. Lại mong thấy được đức Phật A-Di-Đà của thế giới An-Lạc, làm cho những thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân ấy phát tâm Vô-thượng chính-đẳng chính-giác và nguyện sinh sang nước kia. Khi được sinh sang nước kia rồi, quyết-định không thoái chuyển đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác”.
Bấy giờ đức Thế-Tôn thuận nghe Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng thỉnh rồi, liền tỏa ra tia hào-quang trắng sáng, ngang khoảng lông mày, soi khắp ba nghìn đại thiên quốc-độ. Trong thế-giới Sa-Bà này, cỏ cây, đất đá, núi Tu-Di-Vương, núi Giải-Thoát, núi Đại-Giải-Thoát, núi Thiết-Vi, núi Đại-Thiết-Vi, cho đến thế-giới trung- gian, nơi u-minh, hết thảy đều thành sắc vàng và không nơi nào là không được sáng-sủa hết sức, đến như ánh-sáng chói-lọi của mặt trời, mặt trăng cùng những sức uy-quang lớn lao, cũng đều bị át đi, không hiện ra được. Hào-quang ấy soi khắp ức trăm nghìn cõi về phương Tây, cho đến thế-giới An-Lạc, hết thảy đều thành sắc vàng. Đồng thời hào-quang lớn lao ấy lượn vòng bên hữu đức Phật A- Di-Đà bảy vòng, rồi trước đức Như-Lai, hào-quang ấy bỗng nhiên không hiện nữa, mà chúng-sinh, Bồ-Tát, Thanh-Văn (18) nước An-Lạc kia, đều trông thấy quốc- độ Sa-Bà này cùng đức Phật Thích-Ca-Văn (19) và đại-chúng vây quanh Phật, nghe Phật thuyết-pháp, rõ-ràng như xem quả A-Ma-Lặc (Amalaka) (20) trong bàn tay, đều sinh tâm vui mừng trìu-mến và xướng lên lời này: “Nam-mô Thích-Ca Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri...” Khi ấy, đối với đại-chúng hội họp trong cõi Sa-Bà này: Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di, Thiên, Long, Dạ-Soa, Càn-Thát-Bà, A-Tu-La, Ca-Lâu-La, Khẩn-Na-La, Ma-Hầu-La-Già, Nhân và Phi-Nhân v.v... (21); vua Đế-Thích, Phạm-Vương, Tứ-Thiên-Vương, Bồ-Tát, Thanh-Văn, đều trông thấy thế-giới An-Lạc, đức Phật A-Di-Đà, Bồ-Tát, Thanh-Văn quyến-thuộc vây quanh Phật, hào-quang sáng như núi báu cao vót, rõ-rệt lạ-lùng, uy-quang rực-rỡ, soi khắp mọi cõi, như người có con mắt thanh-tịnh, trong một tầm (22) trông thấy diện-mạo người khác rõ-ràng không gì trở-ngại. Đã thấy thế rồi, vui mừng nhảy-nhót, xướng lên lời này: “Nam-mô A-Di-Đà Như-Lai, Ứng- Cúng, Chính-Biến-Tri...” tám vạn bốn nghìn chúng-sinh, đều phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác và trồng thiện-căn, nguyện sinh sang nước An- Lạc.
Bấy giờ Bồ-Tát, Thanh-Văn trong thế-giới An-Lạc, trông thấy cõi Sa-Bà này rồi, cho là lạ-lùng chưa từng có, vui mừng chắp tay lễ đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri... và xướng lên lời này: “Nam-mô Thích-Ca Mưu-Ni Phật, Ngài hay vì Bồ-Tát, Thanh-Văn, nói ra pháp như thế”. Lúc ấy, thế-giới An-Lạc, có sáu thứ chấn-động (23); có thứ: động là động khắp một loạt, động khắp cả; lay-động là lay-động khắp một loạt, lay-động khắp cả, rung-động là rung-động khắp một loạt, rung-động khắp cả.
Khi ấy, Đại-Bồ-Tát Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế, bạch đức Phật A-Di-Đà rằng: “Lạ lắm, lạy đức Thế-Tôn! Đức Thích-Ca Như-Lai hiện ra những việc hiếm có! Tại Sao? - Vì, đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri... kia, hơi hiện danh-hiệu, mà vô-lượng đại-địa, đã có sáu thứ chấn-động”.
Bấy giờ, đức Phật A-Di-Đà bảo các vị Bồ-Tát kia rằng: “Đức Thích-Ca Mưu-Ni, không những chỉ hiện danh-hiệu Ngài ở cõi An-Lạc này, còn vô-lượng thế-giới chư Phật khác cũng đều hiện danh-hiệu cả và có ánh sáng lớn lao soi khắp, sáu thứ chấn-động, cũng lại như thế. Thế-giới của chư Phật kia, vô-lượng, vô số chúng-sinh, nghe thấy sự khen-ngợi danh-hiệu đức Thích-Ca Mưu-Ni, thiện-căn thành- tựu, đều được không thoái-chuyển đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Khi ấy, bốn mươi ức Bồ-Tát ở trong chúng kia, nghe thấy danh-hiệu đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai, Ứng-Cúng, Đẳng-Chính-Giác, đồng thanh phát nguyện, thiện-căn hồi-hướng đạo quả Vô-Thượng chính-đẳng chính-giác, Phật liền thụ-ký cho, sẽ được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.
Bấy giờ, Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế, đến nơi đức Phật A-Di-Đà, đầu mặt lễ dưới chân Phật, cung kính, chắp tay đứng về một bên, bạch đức Phật A-Di-Đà rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, do nhân gì, duyên gì, tỏa ra hào-quang sáng ấy?
Khi ấy, đức Phật A-Di-Đà bảo Bồ-Tát Quán-Thế-Âm: “Đức Như-Lai, Ứng-Cúng, Đẳng-Chính-Giác, tỏa ra hào-quang sáng ấy không phải là không có nhân duyên! Tại sao? - Vì, ngày nay đức Thích-Ca Mưu-Ni, Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính- Biến-Tri, sắp muốn diễn thuyết về kinh: “Bồ-Tát trân-bảo xứ Tam-muội”, nên trước hiện ra điềm ấy”.
Bấy giờ Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế, bạch đức Phật A-Di-Đà rằng “Lạy đức Thế-Tôn! Chúng con muốn đến thế-giới Sa-Bà, lễ bái, cúng-dàng đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni và nghe Ngài thuyết pháp!”
Đức Phật A-Di-Đà bảo: “Thiện-nam-tử! Các ông nên biết thời này là hợp thời, nên đến!”
Khi ấy, hai vị Bồ-Tát liền bảo nhau rằng: “Hôm nay chúng ta quyết-định đến nghe đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni nói những pháp nhiệm mầu”. Và, cùng khi ấy hai vị Bồ-Tát lĩnh-thụ lời đức Phật A-Di-Đà dạy rồi, bảo bốn mươi ức Bồ-Tát quyến thuộc của thế giới An-Lạc kia rằng: “Thiện-nam-tử! Các vị nên cùng chúng tôi đến thế giới Sa-Bà, lễ-bái, cúng-dàng đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni và lắng nghe, lĩnh-thụ chính pháp của Ngài. Tại sao? - Vì đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai, Ứng-Cúng, Đẳng-Chính-Giác, hay làm những việc khó làm: Ngài bỏ cõi nước thanh-tịnh, thắng-diệu, đem sức thệ-nguyện xưa kia, phát ra tâm đại-bi, ở trong đời ác vẩn đục: đức mỏng, phúc ít, thêm nhiều tham, sân, si, thành đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác, mà vì chúng-sinh ở đấy thuyết pháp cho họ”.
Khi hai Bồ-Tát nói lời ấy, các Bồ-Tát, Thanh-Văn, đồng thanh tán-thán rằng: “Chúng-sinh cõi Sa-Bà kia, được nghe danh-hiệu đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, sung-sướng được sự thiện-lợi, huống chi là người được trông thấy, phát tâm hoan-hỷ. Lạy đức Thế-Tôn! Chúng con sẽ cùng nhau đến thế-giới Sa-Bà, lễ-bái, cúng-dàng đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni”.
Đức Phật A-Di-Đà bảo: Thiện-nam-tử! Các ông nên biết thời này là hợp thời, nên đến!”
Bấy giờ, Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế cùng bốn mươi ức Bồ-Tát, trước sau vây quanh. Trong thế giới An-Lạc các Bồ-Tát đều vì quyến thuộc dùng sức thần-thông, hóa làm bốn mươi ức đài báu trang-nghiêm. Các đài báu ấy dài rộng mười hai Do-tuần (24), đoan-nghiêm vi-diệu. Trên các đài báu ấy, có chỗ bằng vàng ròng, có chỗ bằng bạc thực, có chỗ bằng lưu-ly, có chỗ bằng pha-lê, có chỗ bằng xích-châu, có chỗ bằng sà-cừ, có chỗ bằng mã-não; có chỗ bằng hai thứ báu: vàng ròng và bạc thực, có chỗ bằng ba thứ báu: vàng, bạc, lưu-ly, có chỗ bằng bốn thứ báu: vàng ròng, bạc thực, lưu-ly, pha-lê, có chỗ bằng năm thứ báu: vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê, xích-châu, có chỗ bằng sáu thứ báu: vàng ròng, bạc thực, lưu-ly, pha-lê, sà-cừ, xích-châu, có chỗ bằng bảy thứ báu: từ vàng cho đến mã-não. Lại dùng ngọc xích-châu, gỗ Chiên-đàn cùng các thứ hoa: Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lỵ, để trang nghiêm vào đài ấy. Lại rải những thứ hoa như: hoa Tu-mạn-na, hoa Chiêm-bặc, hoa Ba-la-la, hoa A-đề-mục-đa, hoa La-ni, hoa Cồ-la-ni, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la, hoa Ba-lâu-sa, hoa Ma-ha ba-lâu-sa, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha mạn-thù-sa, hoa Lô-già-na, hoa Ma-ha lô-già-na, hoa Già-ca, hoa Ma-ha già-ca, hoa Tô-lâu-chí-già-ca, hoa Chiên-na, hoa Ma-ha chiên-na, hoa Tô-lâu-chí-chiên-đà-na, hoa Chiên-nô-đa-la, hoa Tha-la, hoa Ma-ha tha-la (25). Những màu-sắc sặc-sỡ trên đài báu ấy, le-lói, rực-rỡ, trong-sạch soi sáng. Trên các đài báu, có tám vạn bốn nghìn hóa-ngọc-nữ, hoặc cầm những đàn: không-hầu, cầm, sắt, tranh, ống địch, tỳ-bà, kèn, trống... vô-lượng những nhạc-khí quý báu như thế, tấu lên những tiếng vi-diệu và nghiễm-nhiên an-trụ (26). Hoặc có ngọc-nữ cầm hương xích-chiên-đàn, hương trầm-thủy chiên-đàn, hoặc cầm hương hắc-trầm-thủy chiên-đàn và nghiễm-nhiên an-trụ. Hoặc có ngọc-nữ cầm các thứ hoa: Ưu-bát-la, Ba- đầu-ma, Câu-vật-đâu, Phân-đà-lỵ và nghiễm-nhiên an-trụ. Hoặc có ngọc-nữ cầm hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Ba-lâu-sa, hoa Ma-ha ba-lâu-sa, hoa Lô-già-na, hoa Ma-ha lô-già-na, hoa Chiên-na, hoa Ma-ha chiên-na, hoa Tô-lâu-chí-chiên-na, hoa Già-ca, hoa Ma-ha già-ca, hoa Tô-lâu-chí-già-ca, hoa Tha-la, hoa Ma-ha tha-la, hoa Tô-lâu-tha-la và trang nghiêm an-trụ. Hoặc có ngọc-nữ cầm hết thảy thứ hoa quả và nghiễm-nhiên an-trụ. Những tòa sư-tử trang-nghiêm quý báu trên các đài báu, đều có các vị hóa-Phật, đủ ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tướng tốt, tự trang-nghiêm thân mình. Trên đài lại đều treo tám vạn bốn nghìn thứ tạp-trân-châu có những sắc xanh, vàng, đỏ, trắng. Xâu suốt trên các đài báu đều có tám vạn bốn nghìn những bình quý báu, nhiệm-màu, đựng đầy hương bột, trưng-bày trên ấy. Trên các đài báu, đều có tám vạn bốn nghìn cái lọng quý báu, nhiệm-màu, che rợp trên ấy. Trên các đài báu, đều có tám vạn bốn nghìn những thứ cây quý, trồng ở trên ấy. Trên các đài báu, đều có tám vạn bốn nghìn chuông báu, chăng mắc trên ấy. Khoảng các cây báu có ao bảy báu, tám thứ nước công đức (27), đầy ngập trong ấy; trong ấy có những hoa sen tạp-bảo, sắc: xanh, vàng, đỏ trắng...; ánh sáng của những sắc ấy đẹp-đẽ, chói ngời. Gió hiu-hiu thổi động vào những hàng cây báu, phát ra những tiếng nhiệm-màu và tiếng ấy hòa-nhã hơn âm-nhạc cõi trời. Trên các đài báu đều có tám vạn bốn nghìn những dây báu đẹp, chằng-chịt trong những khoảng cây. Và, mỗi một đài báu ấy, ánh sáng soi suốt tám vạn bốn nghìn Do-tuần, không chỗ nào là không có ánh sáng rực-rỡ.
Bấy giờ, Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế, cùng với tám mươi ức chúng Bồ-Tát quyến thuộc của các Ngài cùng tụ-hội ở đấy và, các đài báu của các vị trang-nghiêm đều đồng như nhau.
Liền đó, ví như lực-sĩ trong giây phút co, duỗi cánh tay, từ nước An-Lạc kia ẩn đi, đến thế-giới Sa-Bà này. Bấy giờ, các vị Bồ-Tát kia dùng sức thần-thông, làm cho thế-giới Sa-Bà này, đất đều bằng phẳng như nước cùng với tám mươi ức Bồ-Tát vây quanh trước sau, dùng công đức lớn, trang-nghiêm thành-tựu những vẻ đoan-nghiêm, thù-thắng đặc-biệt, không thể lấy gì làm thí-dụ được với những hào-quang sáng-suốt soi khắp cả thế giới Sa-Bà này. Các vị Bồ-Tát ấy đến chốn đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, đầu mặt lễ xuống chân Phật, nhiễu bên hữu bảy vòng, rồi đứng lui về một bên, bạch đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Đức Phật A-Di-Đà gửi lời thăm hỏi đức Thế-Tôn được ít bệnh, ít não, khởi cư (28) được nhẹ-nhàng (thanh-thoát) lợi-ích và công-hạnh an-lạc không?”
Lại khi hiện ra những sự trang-nghiêm, vi-diệu của nước An-Lạc kia, các Bồ-Tát cùng chúng Thanh-Văn cõi Sa-Bà này, thấy những đài báu trang-nghiêm, vi-diệu ấy, khen-ngợi chưa từng có và đều nghĩ rằng: “Các đài báu trang-nghiêm, vi-diệu ấy, từ nước An-Lạc đến thế-giới Sa-Bà này được là vì thần lực của Phật, thần-lực của Bồ-Tát chăng? Bấy giờ Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng, nhờ thần-lực của Phật, bạch đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni rằng: “Lạ lắm, lạy đức Thế-Tôn! Chưa từng có bao giờ, nay thế-giới Sa-Bà này, có những đài báu vi-diệu, trang-nghiêm như thế, là do uy-lực của ai?”
Đức Phật dạy: “Đấy là do sức thần-thông của Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm, Đắc-Đại-Thế, đối với thế-giới Sa-Bà này hiện ra sự trang-nghiêm lớn-lao như thế!”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạ lắm, lạy đức Thế-Tôn! không thể nghĩ, bàn được, các vị Thiện-nam-tử kia (Quán-Thế-Âm, Đắc-Đại-Thế), hạnh-nguyện thanh-tịnh, hay dùng thần-lực, trang-nghiêm đài-báu, hiện ra nơi thế-giới Sa-Bà này, phải không?”.
Đức Phật dạy: “Đúng như thế! Đúng như thế! Đúng như lời ông nói: “các Thiện-nam-tử kia, đã từng ở trong vô số ức trăm, nghìn kiếp, thanh-tịnh các thiện-căn, được “Như-Huyễn Tam-muội”; an-trụ nơi Tam-muội (chính-định) ấy, hay dùng thần-thông biến-hóa, hiện ra những sự như thế! Lại nữa, ông Hoa-Đức-Tạng! Nay ông hãy quán-sát thế-giới phương Đông, ông sẽ thấy thế-giới ấy làm gì? Khi ấy, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng, liền dùng những thứ Thiên-nhãn của Bồ-Tát, quán-sát những thế-giới của chư Phật như số cát sông Hằng thuộc phương Đông, thời thấy: trước chư Phật phương Đông kia, đều có Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế, trang-nghiêm các việc như trước, cung-kính, cúng-dàng và đều xưng danh-hiệu đức Phật A-Di-Đà, hỏi thăm các đức Thế-Tôn ở phương kia, ít bệnh, ít não, khởi-cư được nhẹ nhàng (thanh-thoát) lợi ích và công-hạnh an-lạc không? Cho đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc cùng bốn phương bàng (29) và thượng-phương, hạ-phương cũng lại như thế. Khi ấy, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng thấy việc ấy rồi, vui mừng nhẩy-nhót, được thấy những việc chưa từng có ấy, liền bạch đức Phật rằng: Lạ lắm, lạy đức Thế-Tôn! Nay các Đại-sĩ (Bồ-Tát) này, hóa ra đã thành-tựu được pháp Chính-định như thế? Tại sao? - Vì, các Chính-sĩ (Bồ-Tát) này, hiện được sự trang-nghiêm nơi cõi nước chư Phật như thế.”
Bấy giờ, đức Thế-Tôn liền dùng thần lực, khiến chúng-nhân trong hội này thấy việc nầy rồi, ba vạn hai nghìn người phát tâm Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch đức Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Hai Chính-sĩ ấy (Quán-Thế-Âm, Đắc-Đại-Thế), từ lâu xa, như có phát tâm Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác ở chốn đức Phật nào, kính xin đức Thế-Tôn nói cho việc ấy, để các Bồ-Tát tu nguyện-hạnh ấy được thành-tựu hoàn-toàn.”
Đức Phật dạy: “ông nghe cho kỹ và nên nhớ, nghĩ cho khéo, ta sẽ vì ông nói rõ những điều ông vừa hỏi”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Con muốn được nghe”.
Đức Phật dạy: “Về trước, thuở quá-khứ lâu xa, vô lượng vô số kiếp không thể nghĩ, bàn được, khi ấy ta từng làm trăm, nghìn đời vua. Khi ta làm ngôi Đại-Vương đầu-tiên, lúc kiếp-số sắp hết, có thế-giới tên là “Vô-lượng đức-tụ an-lạc thị-hiện”, trong nước ấy có đức Phật tên hiệu là Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-gian-giải, Vô- thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật, Thế-Tôn. Trong cõi nước đức Phật ấy, có những sự trình-bày thanh-tịnh, trang-nghiêm, nay ta sẽ vì ông, nói rõ cho ông nghe! Ý ông nghĩ thế nào: thế-giới An-Lạc, cõi nước đức Phật A-Di-Đà có những sự thanh-tịnh, trang-nghiêm như thế, há là nhiều chăng? - Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nhiều lắm, không thể nghĩ, bàn và khó có thể nói đầy-đủ được”.
Đức Phật bảo Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng: “Giả-sử có người phân-tích một sợi lông làm trăm phần đem một phần của sợi lông ấy dúng vào nước biển cả, ý ông nghĩ thế nào: một giọt nước trên đầu sợi lông đối với nước trong biển cả, thời đằng nào là nhiều? Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nước biển nhiều lắm không thể lấy gì làm thí-dụ được”.
Đức Phật dạy: “Đúng như thế! ông Hoa-Đức-Tạng, nên biết như thế; những sự trang-nghiêm trong cõi nước đức Phật A-Di-Đà cũng như là giọt nước trên đầu sợi lông, mà cõi nước đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du-Hí như là nước trong biển cả. Và, Thanh-Văn, Bồ-Tát, sai khác nhau cũng như thế; đức Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý Như-Lai kia cũng vì chúng-sinh nói pháp Tam-Thừa (30), mà ta trong nhiều kiếp như số cát sông Hằng nói về công đức trang-nghiêm cùng những sự khoái-lạc của Bồ-Tát, Thanh-Văn trong cõi nước đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý kia, còn không thể hết được. Bấy giờ, theo trong pháp của đức Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý Như-Lai, có ông vua tên là Uy-Đức-Vương, đem chính pháp cai-trị, giáo-hóa cả nghìn thế-giới nên gọi là Pháp-Vương (31) Uy-Đức-Vương ấy, có nhiều người con đầy đủ hai mươi tám tướng (?) của bậc Đại-nhân (32) và, những Vương-tử ấy, hết đều an-trụ nơi đạo quả vô-thượng. Nhà vua có bảy vạn sáu nghìn vườn quán; các con nhà vua chơi đùa trong ấy”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! cõi nước đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý kia có nữ nhân không?
Đức Phật dạy: “Thiện-nam-tử! Cõi nước đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý kia còn không có tên nữ-nhân, huống chi là có thực. Chúng-sinh nước ấy, tu Phạm-hạnh thanh-tịnh, thuần nhất hóa sinh lấy Thiền-duyệt (33) làm thức ăn. Uy-Đức-Vương kia trong tám vạn bốn nghìn ức năm, chuyên phụng sự Như-Lai, không tập pháp gì khác, Đức Phật biết sự chí tâm của nhà vua, liền vì nhà vua diễn-thuyết vô-lượng pháp-ấn (34). Những gì là vô-lượng pháp-ấn? Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng! Phàm tu-hành, cần nên phát ra vô-lượng thệ-nguyện. Tại sao? - Đại-Bồ-Tát bố thí vô-lượng, trì-giới vô-lượng, nhẫn-nhục vô-lượng, tinh-tiến vô-lượng, thiền-định vô-lượng, trí-tuệ vô-lượng: thực-hành lục-độ (35), nhiếp-dẫn sinh-tử vô-lượng, thương xót chúng-sinh vô-lượng, trang-nghiêm tịnh-độ vô-lượng, âm-thanh vô-lượng. Hoa-Đức-Tạng! cho đến một niệm thiện-căn nên hồi-hướng về vô-lượng. Thế nào là hồi hướng về vô-lượng? Như hồi-hướng cho hết thảy chúng-sinh, làm cho hết thảy chúng-sinh chứng được vô-sinh (36), dùng Niết-Bàn của Phật mà Bát-Niết-Bàn (37), thế gọi là hồi-hướng về vô-lượng.” (38)
“Vô-biên không vô-lượng, vô-tướng vô-lượng, vô nguyện vô-lượng, vô hành như thị, vô dục thực-tế, pháp-tính vô-sinh, vô trước giải-thoát, Niết-Bàn vô-lượng.” (39)
“Thiện-nam-tử! Ta chỉ nói qua về các pháp vô-lượng thế thôi, tại sao? - Vì, hết thẩy pháp không có hạn lượng. (40)
Lại nữa, ông Hoa-Đức-Tạng! Uy-Đức-Vương kia, ở trong vườn quán mình, nhập Chính-định. Bên tả, bên hữu nhà vua có hai bông hoa sen, từ dưới đất mọc lên, sắc nó sặc-sỡ trang-nghiêm, hương nó thơm-tho như hương chiên-đàn cõi trời. Và, có hai vị Đồng-tử (41) hóa sinh trong hoa sen ấy, ngồi kết gia-phu (42); vị thứ nhất tên là Bảo-Ý, vị thứ hai tên là Bảo-Thượng. Khi ấy Uy-Đức-Vương từ Thiền-định dậy, thấy hai vị Đồng-Tử trên hoa sen liền làm bài kệ hỏi rằng:
Ông là Thiên, Long-Vương?
Dạ-soa, Cưu-Bàn-Đồ? (43)
Là nhân, là phi-nhân? (44)
Xin cho biết tên hiệu? (45)
Khi ấy vị Đồng-tử ngồi bên hữu nhà vua làm bài kệ đáp rằng:
“Hết thảy các pháp “không”
Tại sao hỏi tên hiệu?
Pháp quá-khứ diệt rồi,
Pháp đương-lai chưa sinh.
Pháp hiện tại không trụ,
Nhân giả hỏi tên ai?
Pháp “không”, không phải trời.
Không phải rồng (long), La-sát;
Nhân cùng với phi-nhân
Hết thảy không thể được, (46)
Vị Đồng tử bên tả lại nói kệ rằng:
“Tên, tên người đều không,
Tên, tên không thể được;
Hết thảy pháp không tên.
Mà muốn hỏi tên tự?
Muốn cầu tên chân-thực,
Chưa từng bị thấy, nghe;
Kìa pháp sinh liền diệt,
Làm sao hỏi tên được?
Nói danh-tự, ngữ-ngôn,
Đều là giả bày đặt;
Tên ta là Bảo-ý,
Ông kia là Bảo-Thượng. (47)
Hoa-Đức-Tạng: Hai vị Đồng-tử nói bài kệ ấy rồi, cùng với Uy-Đức-Vương đến chốn Phật, đầu mặt lễ xuống chân Phật, nhiễu bên hữu Phật bảy vòng, chắp tay cung-kính, đứng về một bên. Khi ấy, hai vị Đồng-Tử, liền cùng nhau đồng thanh làm bài kệ hỏi Phật rằng:
“Thế nào là cúng-dàng
Đấng phúc, trí vô thượng? (48)
Xin nói nghĩa-thú ấy,
Người nghe sẽ vâng làm.
Hoa, hương mọi kỹ-nhạc,
Áo, cơm, thuốc, đồ nằm;
Thức cúng-dàng như thế,
Thế nào là tối-thắng?” (49)
Bấy giờ, đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du-Hý kia liền vì hai vị Đồng Tử mà nói bài kệ rằng:
“Nên phát tâm Bồ-Đề,
Rộng giúp các loài sinh;
Là cúng-dàng Chính-giác,
Băm hai tướng rõ-ràng.
Dù đầy cõi Hằng-sa,
Đồ trân-diệu, trang-nghiêm;
Dâng-hiến các Như-Lai,
Và vui mừng kính-thụ,
Không bằng đem tâm Từ,
Hướng về đạo Bồ-Đề,
Phúc ấy là tối-thắng,
Vô-lượng và vô-biên,
Cúng gì cũng không hơn.
Vượt quá không tính nổi!
Tâm Bồ-Đề như thế,
Quyết thành Đẳng-chính, giác. (50)
Khi ấy hai vị Đồng-Tử lại nói bài kệ rằng:
“Các Thiên, Long Quỷ-thần,
Nghe tiếng ta nói pháp:
Nay đối trước Như-Lai.
Thề phát tâm Bồ-Đề.
Sinh-tử vô-lượng kiếp,
Nơi rất xưa không biết,
Vì nhất loại chúng-sinh;
Bao số, kiếp hành đạo.
Huống, trong các kiếp này,
Độ-thoát vô-lượng chúng;
Tu-hành đạo Bồ-Đề,
Mà sinh tâm chán-nản?
Ta từ nay về trước,
Khởi ra tâm tham-dục;
Ấy thế là dối-gạt.
Hết thảy Phật mười phương.
Giận-dữ cùng ngu-si
Sẻn, ghét (51) cũng lại thế:
Nay ta nói chân-thực,
Xa-lìa bề hư-vọng.
Nếu ta: nay về trước,
Khởi ra tâm Thanh-Văn;
Không thích đạo Bồ-Đề,
Thế là dối Thế-Tôn.
Cũng không cầu Duyên-Giác,
Tự cứu, lợi thân mình;
Sẽ trong muôn, ức kiếp,
Đại-bi độ chúng-sinh,
Như cõi Phật ngày nay,
Thanh-tịnh, diệu trang nghiêm,
Khiến ta khi thành đạo,
Vượt quá ức trăm nghìn.
Nước không có Thanh-Văn,
Cũng không có Duyên-giác; (52)
Thuần là các Bồ-Tát,
Số ấy không hạn-lượng.
Chúng-sinh sạch không nhơ,
Đầy-đủ vui cao-thượng;
Xuất sinh ngôi Chính-giác,
Tóm giữ các Pháp-tạng (53)
Thề này nếu thành-thực,
Sẽ động cả đại-thiên.
Nói kệ như thế rồi,
Ứng thời chấn-động khắp;
Trăm nghìn thứ kỹ-nhạc,
Diễn ra tiếng hòa-nhã.
ánh sáng nhiệm-mầu soi,
Tần-vần lên lại xuống;
Chư Thiên ở trong không,
Tung rải các bột hương;
Hương ấy xông, lan khắp,
Vui đẹp lòng chúng-sinh. (54)
Đức Phật bảo Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng: “Ý ông nghĩ thế nào? - Uy-Đức-Vương khi ấy há là người khác đâu, chính là thân ta vậy! Hai vị Đồng-Tử khi ấy, nay là Đại-Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế vậy. Thiện-nam-tử! Và, hai Bồ-Tát ấy ở nơi đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du Hý kia, bắt đầu phát-tâm Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác vậy”.
Bấy giờ, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: Lạ lắm lạy đức Thế-Tôn! Các thiện-nam-tử ấy (Quán-Thế-Âm, Đắc-Đại-Thế), chưa từng phát-tâm, đã thành-tựu được trí-tuệ rất sâu-xa và hiểu suốt được “danh-tự đều không thể được” như thế! Lạy đức Thế-Tôn! Hai Chính-sĩ ấy, đối với bậc Tiên-Phật kia, chắc đã từng cúng-dàng, làm các công-đức rồi?
- Thiện-nam-tử! Với số kiếp như số cát sông Hằng này có thể tính được (55), hai Đại-sĩ ấy, trước đã cúng-dàng Phật, trồng mọi căn lành không thể tính kể được, tuy rằng chưa phát tâm Bồ-Đề, mà đã đem sự bất khả tư nghị (không thể nghĩ, bàn) tự-trang-nghiêm, đối với các chúng-sinh làm những sự rất dũng-mãnh”.
Lúc đó, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Cõi nước “Vô-lượng đức-tụ-an-lạc thị-hiện” kia, thuộc về phương nào?”.
Đức Phật dạy: “Thiện-nam-tử! Thế-giới An-Lạc phương Tây ngày nay, khi bấy giờ là cõi nước Vô-lượng đức-tụ an-lạc thị-hiện đấy”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính mong Thế-Tôn giải-thuyết cho nỗi thắc-mắc sau đây, để cho vô-lượng chúng sinh được nhiều lợi ích: Đại-Bồ-Tát Quán-Thế-Âm ấy sẽ thành Đẳng-Chính-giác ở cõi nước nào; thế-giới trang-nghiêm, hào-quang sáng-suốt, danh hiệu, thọ-mệnh phải có trong Thanh-Văn, Bồ-Tát cho đến khi thành Phật, những việc ấy thế nào? Nếu đức Thế-Tôn nói hạnh nguyện trước kia của Bồ-Tát ấy, các Bồ-Tát khác nghe nguyện ấy rồi hẳn sẽ tu-hành được sự đầy-đủ!”
Đức Phật dạy: “Quý hóa thay! Ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông nói rõ những điều ông vừa hỏi”.
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Dạ, lạy Thế-Tôn! Con muốn được nghe”.
Đức Phật dạy: “Thiện-nam-tử: Đức Phật A-Di-Đà, thọ mệnh vô-lượng trăm nghìn ức kiếp sẽ có khi chung cực (nhập Niết bàn). Thiện-nam-tử! Tương-lai với kiếp số xa-xôi không thể tính được, đức Phật A-Di-Đà sẽ nhập Niết-Bàn. Sau khi nhập Niết-Bàn, chính-pháp tồn-tại ở đời bằng với thọ-mệnh của Phật. Và, sau đời diệt-độ (56), số lượng độ chúng sinh, cũng đều đồng như số thọ-mệnh. Sau khi Phật nhập Niết-Bàn, hoặc có chúng-sinh không trông thấy Phật, nhưng có các Bồ-Tát được niệm Phật Tam-Muội (57), thường thấy đức Phật A-Di-Đà.
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Sau khi đức Phật A-Di-Đà diệt-độ, hết thảy bảo vật, ao tắm, hoa sen, những hàng cây báu, thường diễn những tiếng về Phật-Pháp (Pháp-âm) cùng như thời Phật không khác. Thiện-nam-tử! Sau khi chính-pháp của đức Phật A-Di-Đà hết, chừng quá nửa đêm, lúc minh-tướng sắp hiện, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm ở dưới gốc cây Thất-bảo Bồ-Đề, ngồi kết già-phu thành Đẳng-Chính-Giác, hiệu là Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn. Cõi nước đức Phật Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương ấy tự nhiên bảy thứ báu mọi thứ tốt đẹp hợp-thành những sự trang-nghiêm, mà chư Phật Thế-Tôn trong nhiều kiếp như số cát sông Hằng nói không hết được. Thiện-nam-tử! Ta trong hiện nay, vì ông sẽ nói lời thí-dụ này cho ông hiểu: Những sự trang-nghiêm của cõi nước đức Kim-Quang Sư-Tử Du Hý Như-Lai kia đối với cõi nước của đức Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai còn gấp trăm nghìn vạn lần, gấp ức lần, gấp ức, triệu, tải lần, cho đến tính toán không thể kịp được. Cõi nước đức Phật ấy, không có tên Thanh-Văn, Duyên-Giác, mà trong nước ấy hoàn-toàn là các vị Bồ-Tát cả.”
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Vậy cõi nước đức Phật Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương kia cũng gọi là nước An-Lạc ư?
Đức Phật dạy: “Thiện-nam-tử! Cõi nước đức Phật Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương kia gọi là “Chúng bảo phổ tập trang-nghiêm”. Thiện-nam-tử! Đức Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai, theo thọ-mệnh của Ngài, Bồ-Tát Đắc-Đại-Thế thân-cận cúng-dàng cho đến khi Ngài nhập Niết-Bàn. Sau khi Ngài nhập Niết-Bàn, vâng giữ chính-pháp cho đến khi chính-pháp diệt hết. Khi chính-pháp diệt hết rồi, liền trong nước ấy, Bồ-Tát Đắc-Đại-Thế thành Vô-thượng chính-đẳng chính-giác, hiệu là “Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính- Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn. Cõi nước, hào quang sáng suốt, thọ mệnh, chúng Bồ-Tát, cho đến thời chính-pháp tồn-tại như thời đức Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai, bằng nhau không có gì khác. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nghe được danh-hiệu đức Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai, đều được không thoái-chuyển đạo quả vô-thượng Chính-đẳng Chính-giác. Hơn nữa, thiện-nam-tử! Nếu có nữ-nhân nào, được nghe danh-hiệu đức Phật đời quá-khứ: Kim-Quang Sư-Tử Du Hý Như-Lai và danh-hiệu đức Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai, đều chuyển được thân nữ-nhân, khỏi được tội bị sinh tử trong bốn mươi kiếp, đều không thoái chuyển đạo quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác, thường được thấy Phật, nghe, thụ chính-pháp, cúng-dàng chúng Tăng và xả thân ấy rồi, xuất-gia, thành biện-tài vô-ngại, chứng được pháp Tổng-trì. (58)
Bấy giờ, sáu mươi ức chúng-nhân trong pháp-hội, đồng thanh tán-thán: “Nam-mô (59) thập phương Bát-Niết-Bàn Phật”; đồng tâm cùng bàn, phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Đức Phật liền thụ-ký cho sẽ thành đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Lại có tám vạn bốn nghìn ức chúng-sinh, xa-lìa trần-cấu (60), ở trong các pháp được “Pháp-nhãn-tịnh” (61); bảy nghìn Tỳ-khưu được lậu tận, ý giải (62).
Khi ấy, Bồ-Tát: Quán-Thế-Âm và Đắc-Đại-Thế liền dùng sức thần thông, làm cho chúng-nhân trong pháp-hội ấy đều trông thấy vô số chư Phật Thế-Tôn ở mười phương, đều vì thụ-ký cho họ đạo Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác. Chúng-nhân thấy rồi tán-thán: “Lạ lắm, lạy đức Thế-Tôn! Các đức Như-Lai, vì các Đại-sĩ ấy, thụ-ký cho như thế.”
Bấy giờ, Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch đức Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân đối với kinh sách rất sâu-xa của Như-Lai đây, thụ-trì, đọc tụng, giải-thuyết, viết chép, tuyên truyền rộng khắp, được bao nhiêu phúc, kính xin đức Như-Lai phân-biệt giải-thuyết cho. Tại sao? Vì, chúng-sinh bạc đức trong đời ác mai sau, đối với kinh sách rất sâu-xa của Như-Lai đây, không thành-tín, thụ-trì; do nhân-duyên ấy, đêm dài (63) thụ khổ, khó được giải-thoát. Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin Thế-Tôn nói cho việc ấy, vì lòng thương-xót và làm lợi-ích cho chúng-sinh của Ngài. Lạy đức Thế-Tôn! Nay trong hội này, có nhiều thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân có lợi căn (64), đối với đời mai sau sẽ làm được sự sáng tỏ lớn-lao!”
Đức Phật dạy: “Hoa-Đức-Tạng! Quý hóa thay! Ông nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông nói rõ những điều ông vừa hỏi.”
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Con xin thụ-giáo và muốn được nghe”.
Đức Phật dạy: “Nếu thiện-nam-tử đem hết thảy chúng sinh trong ba nghìn đại-thiên thế-giới để trên hai vai, đến hết đời mình, tùy muốn cần dùng: cơm, áo, đồ nằm, giường, đệm, thuốc-thang.., đều đem cúng-dàng, công-đức sẽ được, há là nhiều chăng? Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Công-đức nhiều lắm! Nếu đem từ tâm, cúng-dàng một chúng-sinh, tùy họ cần dùng, công-đức còn vô-lượng, huống chi là hết thảy!” Đức Phật dạy: “Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân, đối với kinh sách ấy, thụ-trì, đọc tụng, giải-thuyết, viết chép đem mọi thứ cúng-dàng, tuyên-truyền rộng khắp, phát tâm Bồ-Đề, sẽ được công-đức gấp trăm, nghìn, vạn lần công-đức kia, không thể lấy gì làm thí-dụ được.”
Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Con từ ngày nay, đối với kinh sách của đức Như-Lai đây nói ra cùng ba danh hiệu Phật trong quá-khứ và tương-lai (65), thường thường thụ-trì, đọc tụng, giải-thuyết, viết chép, tuyên-truyền rộng khắp, xa-lìa tâm tham, sân, si phát tâm Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác, hoàn toàn không hư-vọng. Lạy đức Thế-Tôn! Con khi thành Phật, nếu có nữ-nhân nghe pháp như thế, hiện tại chuyển được thân nữ-nhân. Chuyển thân nữ-nhân rồi, sẽ vì họ, thụ-ký cho họ được đạo quả Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác, hiệu là “Ly-Cấu Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri...”
Đức Phật khi nói kinh này rồi, Đại Bồ-Tát Hoa-Đức-Tạng cùng các vị Tỳ-khưu, Tỳ- khưu-Ni, Bồ-Tát, Thanh-Văn, Thiên, Long, Dạ-Soa, Càn-Thát-Bà, A-Tu-La, Ca- Lâu-La, Khẩn-Na-La, Ma-Hầu-La. Già, Nhân và Phi-Nhân... nghe đức Phật nói, đều rất vui mừng.



Chú thích


(1) Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Thụ-Ký là cuốn kinh số 371 trong Đại-Tạng-Kinh.
(2) Tiên-nhân Lộc-Uyển (Mrgadava): Nơi này cổ-lai là nơi các Tiên-nhân bắt đầu thuyết pháp và là nơi Quốc-Vương Phạn-Đạt-Đa dùng bố-thí cho loài hươu, nai. Đương thời là nơi đầu tiên đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni thuyết pháp Tứ-Đế cho bọn ông Kiều-Trần-Như...
(3) Đại-Tỳ-Khưu: Tỳ-khưu (Bhiksu) Tàu dịch là “khất sĩ”. Nghĩa là người tu-hành trên theo Như-Lai cầu pháp để luyện thần, dưới tới nhà thế-tục xin thức ăn để nuôi thân và tiện hóa độ. Đại-Tỳ-Khưu là chỉ vào vị Tỳ-Khưu đức cao, tuổi nhiều. Phái nữ đi tu lên bậc này gọi là Tỳ-Khưu-Ni (Bhiksuni).
(4) Bồ-Tát (Bodhisattva): Gọi đủ là Bồ-Đề Tát-Đóa. Tàu dịch là “Giác-hữu-tình”. Nghĩa là những vị phát đại tâm, vì chúng sinh cầu đạo Vô-thượng và luôn luôn giác ngộ cho chúng sinh thành Vô-thượng-đạo. Những vị có hạnh-nguyện sâu-xa gọi là Đại-Bồ-Tát.
(5) Thượng-Thủ: Là những người có tài đức được cử ra đứng đầu một nhóm hoặc đại-chúng.
(6) Thần-thông: Có nghĩa là những phép có tác dụng tự-tại, không bị trở ngại. Năm phép thần-thông là: 1- Thiên-nhãn thông: con mắt trông suốt khắp cả. 2- Thiên-nhĩ thông: tai nghe suốt hết. 3- Tha-tâm thông: biết suốt tâm-niệm người khác. 4- Túc-mệnh thông: biết được việc đời trước. 5- Thần-túc thông: phi-hành tự-tại.
(7) Như-Huyễn Tam-Muội: Như-huyễn là dùng lời thí-dụ. Như làm voi, ngựa dả, người ta trông thấy như thực, nhưng thực là dả, nên gọi là “như-huyễn”. Như-Huyễn Tam-Muội có nghĩa là tu được chính-định, quán suốt được lý của hết thảy pháp như thực nhưng dả, hoặc là được chính-định hiện ra được những việc như thực nhưng dả.
(8) Ý nói: theo thuận trình-độ của mọi hạng chúng-sinh, có chút căn lành, mà thuyết pháp và độ cho họ được chứng đạo giải thoát.
(9) Vô-y-chỉ: nghĩa là tuy tiếp với muôn cảnh, nhưng không nương dựa vào cảnh nào. Lại có nghĩa là quán suốt được sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là không-tướng, không thể ràng-buộc gì được.
(10) Ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc.
(11) Vô-sở-y: Ý nói không có chỗ nương dựa được nữa.
(12) Chính-tận: Gọi đủ là “chính-tận-giác” là thuở xưa dịch; nay dịch là “chính-đẳng-giác”, nhưng “tận” có nghĩa là đứng về mặt “đoạn trừ” mà nói.
(13) Sinh, pháp: Sinh là chỉ vào loài hữu-tình, pháp là chỉ vào vật vô-tình. Cũng gọi là nhân, pháp.
(14) Vô-sinh-pháp: tức là lý của chân-như, thể của Niết-bàn; vì lý, thể kia xa lìa sinh diệt vậy.
(15) Sa-bà (Sahà) Tàu dịch là Kham-Nhẫn có nghĩa là chịu nhẫn.
(16) A-Di-Đà (Amita): Dịch là “Vô lượng”. Đức Phật A-Di-Đà dịch có 3 tên: 1- Vô-lượng-thọ (Amitàyus) 2- Vô-lượng-Quang (Amitàbha). 3- Cam lộ (Amrta)
(17) Đây là ba danh hiệu trong mười danh-hiệu của Phật. Chư Phật tùy căn-khí chúng-sinh mà có ra danh-hiệu để hóa-độ. Đức Thích-Tôn thành đạo trong cõi người nên thích-ứng mà lập ra mười hiệu:
1-Như-Lai: (Đa-Đà A-Già-Đà: Tathàgata): Noi theo đạo như thực, thành ngôi Chính-giác, nên gọi là Như-Lai.
2- Ứng-cúng: (A La-Ha: Arhat): Ứng-thụ sự cúng-dàng của Nhân, Thiên nên gọi là ứng-cúng.
3- Chính-biến-tri: (Tam-miệu tam Phật-Đà: Samya Ksambuddha); Chính thực biết khắp hết thảy mọi pháp, nên gọi là Chính-biến-tri.
4- Minh-hành-túc: (Bệ-đa-thứ-la-na-tam-bát-na: Vidyàcaranasampanna): Thực-hành ba phép minh: biết việc đời trước (túc mệnh), trông suốt khắp cả (thiên nhãn) và nghe suốt hết thảy (thiên-nhĩ) được đầy-đủ, nên gọi là Minh-hành-túc.
5- Thiện-thệ: (Tu-già-đà: Sugata): Nghĩa là đi tốt. Ý nói: dùng Nhất-thiết-trí làm xe, đi trên đường bát-chính (8 đường chân-chính: tri-kiến, suy-nghĩ, nói-năng, hành-động, lẽ sống, tinh-tiến, niệm và định) rảo tới nơi Niết-bàn, nên gọi là Thiện-thệ.
6- Thế-gian-giải: (Lộ-già-bị: Lokavid): Hiểu rõ những sự thuộc hữu-tình và phi-tình ở thế-gian, nên gọi là Thế-gian-giải.
7- Vô-Thượng-sĩ: (A-Nốc-đa-la: Anuttara): Trong các pháp, Niết-bàn là hơn cả và trong hết thảy chúng-sinh, Phật là Vô-thượng, nên gọi là Vô-thượng-sĩ.
8- Điều-ngự trượng-phu: (Phú-lâu-sa-nẵng-miệu bà-la-đề: Pnru-sa-dnmya-sàrathi): Phật tùy thời dùng lời hòa-dịu, tùy thời dùng lời khổ-thiết, để điều-trị, chế-ngự chúng-sinh, làm cho họ vào thiện-đạo, nên gọi là Điều-ngự trượng-phu.
9- Thiên-nhân-sư: (Xá-đa-đề-bà ma-nâu-sa-nẫm: Sastà-deavama-nusyànàm): Phật là bậc Đạo-sư cõi Nhân, cõi Thiên, thường hay dạy bảo những sự nên làm, nên gọi là Thiên-Nhân-Sư.
10- Phật Thế-Tôn: (Phật-Đà, Lộ-ca-na-tha: Buddha-Lokanatha): Phật nghĩa là người giác-ngộ, Thế-Tôn có nghĩa là được thế-gian tôn trọng. Thế-Tôn còn có chỗ gọi là Bạc-già-Phạm (Bhagavàn).
(18) Thanh-văn: Tiếng Phạm gọi là Xá-la-bà-ca (Sràvaka), Thanh-văn là đệ-tử trong pháp Tiểu-Thừa của Phật, nghe giáo-lý nơi tiếng nói của Phật, ngộ lý Tứ-đế (khổ, tập, diệt, đạo), dứt được kiến-hoặc, tư-hoặc, chứng-nhập Niết-Bàn, gọi là Thanh-Văn.
(19) Thích-Ca-Văn: Là gọi tắt chữ phiên-âm, nhưng lầm. Chính phải gọi đủ là Thích-Ca Mưu-Ni (Sàkyamuni), dịch là “Năng-nhân, Tịch-mặc” có nghĩa là thân, khẩu, ý lìa mọi lỗi lầm mà được vẳng lặng.
(20) A-Ma-Lặc: Tàu dịch là quả “Vô cấu thanh tịnh”. Quả này hình như quả cau, ăn vào khỏi bệnh phong lãnh.
(21) Đây là nói về:
a/ 4 hàng đệ tử Phật: Tỳ Khưu (bhiksu), Tỳ Khưu Ni (bhiksuni), Ưu Bà Tắc (upàsaka: thiện nam) Ưu Bà Di (upàsikà: tín nữ).
b/ 8 bộ: 1/ thiên (Deva): các vị trên các cõi Trời. 2/ long (Nàga): Loài rồng. 3/ dạ soa (Yaksa): Hoặc gọi là Dược soa là loài quỷ thần bay trên hư không. 4/ càn thát bà (Gadharva): Tàu dịch là “Hương Ấm”, nhạc thần nơi Đế Thích thiên. 5/ a tu la (Asura) Có chỗ gọi là A Tu Luân, Tàu dịch là “Phi Thiên” cũng thuộc loại quỷ thần. 6/ ca lâu la (Garada): Chim Kim Sí. 7/ Khẩn Na La (Kimnara) “Ca Thần là nhạc thần nơi Đế Thích thiên. 8/ ma hầu la già (Mahoraga): Đại Mãng thần. Còn nhân tức là chỉ vào loài người và Phi nhân tức là chỉ vào Thiên, Long, quỷ-thần v.v...
(22) Tầm: 8 thước là một tầm gấp đôi là một thường.
(23) Sáu thứ chấn động là những thứ rung động, lặn ngụp chấn động, đánh vang, gầm thét và tiếng nổ.
(24) Do tuần (Yojana): Theo Thánh Giáo chép thời mỗi Do tuần là 16 dậm, mỗi dậm 576 thước tây. Như thế mỗi Do tuần chừng 9.216 thước tây.
(25) Tên những thứ hoa trên bằng tiếng Phạm, nhiều tên tra cứu trong Phật học đại từ điển không thấy dịch nghĩa đành để nguyên văn cho đẹp (lời dịch giả).
(26) Cử chỉ tự tại trang nghiêm
(27) Tám thứ nước công đức: 1) Trừng tịnh: lặng sạch. 2) Thanh lãnh: trong mát. 3) Cam mỹ: ngon ngọt. 4) Khinh nhuyễn: dịu dàng. 5) Nhuận trạch: Thấm nhuần. 6) An hòa. 7) Khi uống khỏi đói, khát, cùng vô lượng tội lỗi tai hoạn. 8) Uống rồi quyết định nuôi lớn các căn và thân tứ đại thêm ích lợi.
(28) Khởi cư: Chỉ vào sự đi đứng, nằm, ngồi, hành động nói năng ăn uống ngủ nghỉ...
(29) Bốn phương bàng: Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc.
(30) Tam Thừa (thặng): Ba cỗ xe (Tỷ dụ): Tiểu Thừa Thanh-Văn tu Tứ-Đế, Trung Thừa: Duyên-giác tu 12 nhân duyên, Đại Thừa Bồ-Tát tu lục-độ.
(31) Pháp Vương: Phật đối với pháp (sự vật) tự-tại, nên gọi là Pháp-Vương.
(32) Đại Nhân: Chỉ vào Phật, Bồ-Tát. Trong kinh nói Phật có 32 tướng, đây nói có 28 tướng có lẽ lầm.
(33) Thiền duyệt: Dùng sự vui vẳng lặng, thư thái trong cảnh Thiền định để nuôi thân, tâm, nên gọi là Thiền duyệt.
(34) Pháp ấn: Ấn tín của diệu pháp: diệu pháp chân thực, không động không biến, gọi là “ấn”. Là thứ chứng minh chính pháp của Phật. Là pháp mà Phật, Tổ tâm truyền, ấn khả lẫn nhau, gọi là Pháp ấn.
(35) Lục độ: 6 phép để vượt qua sinh tử là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ.
(36) Vô sinh: Chân lý Niết Bàn, không sinh diệt, nên gọi là vô sinh. Pháp thân của Phật không sinh diệt nên gọi là “Vô sinh thân”.
(37) Vô sinh: Chân lý Niết Bàn, không sinh diệt, nên gọi là vô sinh. Pháp thân của Phật không sinh diệt nên gọi là “Vô sinh thân”.
(38) Đoạn này từ câu “bố thí vô-lượng” tới đây, ý nói Bồ-Tát tu hành cần bỏ những việc làm nhỏ nhặt, ích kỷ mà hướng về tất cả, nghĩa là hướng về chỗ không còn có hạn lượng (vô-lượng).
(39) Đoạn này từ chữ “vô biên” trở xuống ý nói Bồ-Tát tuy phát tâm hướng về chỗ “không còn có hạn lượng”, nhưng phải bỏ cả chữ “không” đi mới được. Đây nói rõ:
Vô biên không vô-lượng: không còn có hạn lượng của cái “không” không biên giới.
Vô tướng vô-lượng: Không còn có hạn lượng của cái “không hình tướng”.
Vô nguyện vô-lượng: Không còn có hạn lượng của cái “không có thệ nguyện”
Vô hành như thị: Không có sự thực hành đúng như thế nữa.
Vô dục thực tế: Không có sự ham muốn nơi thực lý cùng cực của Chân như pháp tính.
Vô tính vô sinh: Không sinh khởi bản thể sự sự vật vật.
Vô trước giải thoát: Không chấp đắm vào sự giải thoát.
Niết Bàn vô-lượng: Không còn có hạn lượng của Niết Bàn.
(40) Đoạn này giải nghĩa về hai chữ “vô lượng”.
(41) Đồng tử: Tiếng Phạm gọi là Cứu Ma La (Kumàra). Trong kinh gọi các Bồ-Tát là Đồng Tử, vì Bồ-Tát là Vương tử của Như-Lai.
(42) Già phu: Ngồi xếp bằng hai bàn chân để chéo lên hai vế.
(43) Cưu-Bàn-Đồ (Kumbhànda) là loài quỷ ăn tinh-khí người.
(44) Xem chú thích ở những trang trên.
(45) Đại ý hỏi các ông có phải là loài thuộc trong 8 bộ không và tên là gì cho biết?
(46) Đây đáp: sự vật là không, luôn luôn tiếp nối biến-chuyển trong ba đời: quá-khứ, hiện-tại, vị-lai; không có cái gì nhất định không thể tìm vào đâu được mà đặt tên nên không thuộc về 8 bộ.
(47) Đây nói: Cái tên (năng danh) và tên người bị đặt (sở danh) đều là không, vì không thấy được bản-thể nhất định của nó. Hết thảy pháp không có tên. Tên chân-thực phải ngoài sự thấy, nghe mới là chân thực. Pháp còn sinh, diệt sao gọi là tên chân-thực được? Nên biết: có ra tên (danh-tự) có nói năng (ngôn-ngữ) đó chỉ là sự bày đặt tạm bợ mà thôi.
(48) Phật là đấng Thế-Tôn Vô-lượng đầy-đủ phúc đức và trí-tuệ.
(49) Đoạn này hỏi: trong việc cúng-dàng, thời cúng-dàng gì là cao hơn cả.
(50) Đoạn này Phật trả lời: chỉ có phát tâm Bồ-Đề, đem tâm Từ rộng giúp chúng-sinh, hồi-hướng đạo Bồ-Đề là cao hơn cả.
(51) Sẻn ghét: tức là sẻn so (keo-kiệt), ghen-ghét.
(52) Duyên-Giác: Xưa gọi là Bích-Chi-Phật, nay gọi là Bát-Thích-ế-già-Phật-Đà (Pratyekabuddha) và xưa dịch là Duyên-Giác, nay dịch là Độc-Giác:
A- Duyên-Giác: có nghĩa là: 1) Quán 12 nhân-duyên đoạn hoặc chứng lý. 2) Nhân thấy ngoại duyên như hoa rơi lá rụng mà tự giác-ngộ lẽ vô thường, đoạn hoặc chứng lý.
B- Độc-Giác: có nghĩa là: Trong đời không có Phật do mầm mống của nhân trước hoặc quán 12 nhân-duyên, hoặc quán hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ.
(53) Pháp-Tạng: A) Kho đựng Phật-Pháp. B) Pháp-tính hàm-tàng vô-lượng tính-đức.
(54) Toàn bài trên đây là lời sám-hối và phát nguyện. Nguyện từ vô thỉ tới nay có tâm tham, sân, si, keo-kiệt, ghen ghét... đều bỏ hết, bỏ cả tâm lợi kỷ của Thanh-Văn, Duyên-giác, mà phát tâm Bồ-Đề, độ thoát cho hết thảy chúng-sinh. Nguyện sau mình và chúng-sinh sẽ ở cõi thanh-tịnh trang-nghiêm gấp ức trăm nghìn cõi Phật hiện-tại.
(55) Ý nói trong kiếp số có hạn có thể tính được.
(56) Diệt-Độ: là dịch nghĩa chữ Niết-Bàn.
(57) Niệm-Phật Tam-Muội: Nhất tâm quán tướng tốt của Phật, hoặc nhất tâm quán thực-tướng pháp-thân hay nhất tâm niệm danh hiệu Phật, đạt tới chỗ thành-tựu gọi là “Niệm-Phật Tam-Muội”.
(58) Tổng-trì: Tiếng Phạm là Đà-La-Ni (Dharani) có nghĩa là giữ việc thiện không mất, giữ cho ác không khởi. Lấy niệm, định, tuệ làm thể, Bồ-Tát tu niệm, định, tuệ đầy đủ, được công-đức ấy.
(59) Nam-mô: (Namo) Tàu dịch là: Quy-mệnh, kinh-lễ cứu-ngã, độ-ngã v.v... nghĩa là lời nói của chúng-sinh hướng lên Phật, dốc lòng quy-y, tín-thuận.
(60) Trần-cấu: Là chữ chỉ cho phiền-não, nhưng nay thường chỉ vào 88 kết sử của kiến-hoặc.
(61) Pháp-nhãn-tịnh: Nghĩa là thấy chân lý bằng cách rõ-ràng.
(62) Lậu-tận, ý-giải: Bậc tam-thừa dùng Thánh-Trí dứt hết phiền-não do 6 căn tạo ra, ý được mở tỏ và giải-thoát.
(63) Đêm dài là tượng-trưng cho thời-giờ dài-dặc chứ không phải là một đêm đối-tượng của một ngày.
(64) Lợi-căn: trình-độ thông-minh, linh-lợi.
(65) Tức là đức Phật Kim-Quang Sư-Tử Du Hí, đức Phật Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương và đức Phật Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]