Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật nói Kinh Phân Biệt

20/05/201313:43(Xem: 12673)
Phật nói Kinh Phân Biệt

Kinh Nhân Quả

Phật nói Kinh Phân Biệt

Thích Thiện Trì

Nguồn: Thích Thiện Trì dịch

(Bản chữ Hán của Tam Tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, Đại Tạng quyển 14 Kinh Tập bộ 1).
Như thật tôi nghe, một thuở nọ Phật ở vườn cây của Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà, tại nước Xá-Vệ. Trong một buổi sớm mai, ánh bình minh trải vàng trên muôn ngàn hoa lá, Đức Phật với lớp y vàng đoan nghiêm tĩnh tọa. Ngài bảo A-Nan:
- Này ông A-Nan: ông hãy nói với các Tỳ kheo yên lặng lắng nghe. Ta sẽ nói cho các ông biết về sự thọ khổ của cõi nhơn sanh.
A-Nan liền rời chỗ ngồi đứng dậy sửa chiếc y rồi lạy Phật mà thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong được nghe Thế Tôn dạy cho điều đó.
Phật dạy: Người đời có sáu điều ác tự lừa gạt và tự gây tổn hại: Mắt bị hình sắc lừa gạt, tai bị âm thanh lừa gạt, mũi bị mùi thơm lừa gạt, ý bị tư tưởng tà vạy lừa gạt. Đó là sáu thứ thường xuyên làm cho người đời phải sa vào các đường ác, chịu khổ triền miên, khó mong giải thoát. Những người có trí mới nhận thức được.
Lại nữa, có ba điều người đời ưa làm nên họ phải chịu quả báo trong ba đường khổ: Một là thân ưa sát hại, trộm cắp, và dâm dục. Hai là miệng ưa nói lời xuyên tạc, chửi mắng độc ác, dối trá lừa gạt và nói thêu dệt. Ba là ý ưa nghĩ chuyện tham lam, giận hờn, si mê. Vì ba điều đó mà đọa vào ba đường khổ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Chỉ người có trí mới nhận thức được.
Lại nữa, có sáu điều người đời thường mê đắm, nên bị sa vào mười tám cảnh khổ: Mắt mê đắm theo hình sắc, tai mê đắm theo âm thanh, mũi mê đắm theo mùi thơm, thân mê đắm theo những thứ gây cảm xúc mát mịn êm dịu, ý mê đắm theo tư tưởng cuồng loạn sai lầm. Đó là những điều thường xuyên gây tổn hại, thế mà họ vẫn thường xuyên chấp nhận, cho nên bị rơi vào mười tám cảnh Địa ngục, chịu sự thống khổ mãi mãi, không lúc nào mong thoát khỏi!
A-Nan thưa Phật: Nếu như những người nào có thờ Phật và thọ giới thì có thể thoát được cảnh khổ ấy chăng?
Phật đáp: Nếu như những người có thờ Phật và thọ giới thì được phước vô lượng, không thể nào hình dung được. Nhưng ngược lại cũng có những người thờ Phật mà sa vào chỗ cực cùng tội lỗi.
A-Nan thưa Phật: Thờ Phật và thọ giới sẽ được phước vô lượng. Vậy thì tại sao có kẻ mắc phải tội lỗi nặng? Con mong được Phật dạy cho điều đó.
Phật đáp: A-Nan! Người mà thờ Phật, phụng trì Kinh giới, tinh tấn tu niệm, không hề trật phạm thì được phước đức vô lượng, không thể tỷ dụ được. Nhưng cũng có người thờ Phật, thọ giới mà không giữ gìn thanh tịnh, không lo tinh tấn tư duy thiền định, mà chỉ mượn danh thờ Phật, rồi chuyên làm những sự tà vạy tham cầu không nhàm, không có tâm niệm biết đủ, không có ý nghĩ chế ngự, dâm dật sắc dục, ưa thích ca múa, tham đắm rượu thịt, buông lung phóng đãng, thì làm sao tránh khỏi tội lỗi khó lường của họ? Vì lẽ đó, họ đọa mãi ba đường, chịu nhiều thống khổ, khó được giải thoát.
Phật dạy: Có ba hạng người thờ Phật.
Một là đệ tử của Ma thờ Phật.
Hai là hàng nhơn Thiên thờ Phật.
Ba là đệ tử của Phật thờ Phật.
Sao gọi là đệ tử của Ma thờ Phật?
Phật đáp: Tuy rằng thọ giới theo Phật, nhưng tâm niệm của họ ưa làm những việc tà vạy: bóm xâm, giải trừ, cúng tế cầu đảo, đồng bóng mê hoặc, tin có quỷ thần gần gũi trong nhà, không tin theo những điều chơn chánh, không biết quả báo tội phước. Chỉ mượn danh nghĩa thờ Phật mà thường theo những kẻ tà ác, chết đọa địa ngục không kịp trở tay, phải chịu khổ lâu lắm mới có ngày thoát ra, mà làm bà con với bọn ma, siểm nịnh yêu quái, thật rất khó cứu độ. Hạng người này do dư phước đời trước, nên tạm thời được gặp Chánh đạo mà tâm ý vẫn mù mờ, không hiểu được túc phước. Rồi lại phải đi theo nẻo tà kiến mà bị sa đọa không biết bao giờ cùng! Ấy là đệ tử của Ma thờ Phật.
Sao gọi là hàng Nhơn Thiên thờ Phật?
Người thọ trì đủ năm giới cấm, tu mười pháp lành (1), dầu đến chết cũng không dám hủy phạm, biết tin tội phước, làm phải gặp phải, sau khi mạng chung liền sanh lên cõi trời. Ấy là hàng Nhơn Thiên thờ Phật.
Sao gọi là đệ tử của Phật thờ Phật?
Là những người biết phụng trì chánh giới, học rộng Kinh Luật, trau dồi trí tuệ, biết rõ ba cõi là trường thống khổ, tâm không ưa đắm, muốn cầu giải thoát, tu hành theo những pháp môn như: Tứ đẳng (2), Lục độ (3). Thương xót chúng sanh, muốn tế độ khắp tất cả, không tham tiếc thân mạng, biết chết đời này sanh lại đời khác, cầu làm việc phước mãi mãi, không bao giờ làm theo những điều mê tín. Ấy là đệ tử của Phật thờ Phật.
Phật dạy: Sau khi Ta nhập Niết bàn độ một ngàn năm, sẽ có ma giáo nổi lên, thời thế yêu ác, quốc gia không được toàn quyền tự chủ, nhân dân không được an cư lạc nghiệp, tai nạn chiến tranh sát hại tàn bạo, ngoại xâm nội loạn dồn dập, quốc gia không có phép tắc kỷ cương, xã hội đảo lộn. Lúc đó là thời tượng pháp.
A-Nan thưa Phật: Sao gọi là tượng pháp?
Phật đáp: Trong thời đó có nhiều Tỳ kheo không phụng trì đúng theo Chánh pháp. Trái lại, họ còn sống với vợ con, không tâm hổ thẹn, chỉ lo nghề nghiệp sanh sống, không có học thức, không lo tu thiền, ưa thích ăn mặc theo kiểu thế tục, trên dưới lộn xộn, giải dối lẫn nhau, bác bỏ những điều căn bản chính yếu trong sự nghiệp giáo hóa hộ đời, đắm theo sắc dục, không sợ tội lỗi. Khi có người hiểu biết Chánh pháp vì muốn dùng lời trung thực chỉ bày Giáo pháp chơn chánh thì họ lại sanh tâm xấu ác, oán ghét, muốn tìm mọi cách chỉ trích phá hoại, phỉ báng, cho rằng người ấy là kẻ thiếu sự hiểu biết. Vì vậy cho nên Chánh pháp giảm dần.
A-Nan thưa Phật: Khi đó có người nào phụng trì Chánh pháp hay chăng?
Phật đáp: Vẫn có nhiều người thờ Phật, và nhiều người xuất gia. Nhưng không mấy ai giữ đúng giới luật. Không sống với tinh thần Lục Hòa. Những người tinh thông nghĩa lý thì lại rất ít. Phần nhiều là những người kém hiểu biết.
A-Nan thưa rằng: Vậy thì ngay trong khi đó, nước nào ác nhất, đến nỗi ít thấy được những người tin tưởng tu hành đúng theo lời Phật?
Phật đáp: Ở cõi Chơn Đơn sẽ có hàng ngàn Tỳ kheo ngay trong Tăng đoàn mà làm bạn với ma. Trong số ấy chỉ có một vài vị là người thông minh hiểu biết và chính là đệ tử của Phật. Đến nỗi ít có người sanh lên cõi trời Lục Dục. Những kẻ sa vào cõi ma thì lại rất nhiều!
Phật dạy: Sau khi ta nhập Niết bàn, cũng có nhiều kẻ học ở bên ngoài đến cầu Đạo ta. Nếu người nào muốn tiếp độ họ thì cần phải dè dặt. Sau ba tháng, nếu biết ý chí của họ có thể tu tập theo hạnh thanh tịnh, thân tâm rỗng lặng, ít lòng ham muốn, không làm những điều gì sai quấy, ô nhiễm, thì mới có thể chính thức chấp nhận. Trước hết là truyền cho họ giới thập thiện. Sau ba năm, nếu xét thấy họ tu tập đúng được với Chánh Đạo, không phạm những tội ác nào, nhiên hậu mới được tiếp tục cho thọ hai trăm năm mươi giới pháp. Nếu biết tinh tấn tu tập, hoàn toàn đến mục đích giải thoát, nhất định người ấy sau sẽ gặp Phật Di Lặc và được độ thoát.
A-Nan thưa Phật: Như lời Phật dạy, con xin hoàn toàn vâng thọ và nói lại cho người sau biết rõ. Để sự nghiệp hoằng pháp của Phật sau này khỏi bị sai lầm tuyệt diệt.
Phật dạy: Này A-Nan! Việc ông vâng thọ, trước sau như một, quán thống tất cả. Ông đã hết lòng tin tưởng và lo hộ trì Phật Pháp. Ta cũng đã chứng minh cho ông điều đó.
A-Nan thưa Phật: Sau này những người tin tưởng, muốn tu hành đúng theo chánh pháp, hết lòng mong muốn cầu xa lìa thế tục, xuất gia học đạo, nếu không được bậc minh sư trao truyền giới pháp, mà có người viết chép giới, luật trao cho họ thì họ có thể được độ và làm Phật sự được hay không?
Phật dạy: A-Nan, hoàn toàn phải là người biết giới cấm và biết đạo lý mới có thể trao truyền giới pháp. Nhưng không thể trao truyền qua văn tự mà cho là đúng pháp được. Tại sao như vậy? Bởi vì Phật là bậc Đại trí, cả trên trời dưới trời, là bậc Đại độ, cả trên trời dưới trời, là bậc Đại minh cả trên trời dưới trời, không nên vọng truyền làm mất tôn chỉ, mà cần phải hiểu rõ giới pháp, luật cấm, lão luyện mọi sự, mới có thể truyền giới cho người sau. Nếu không thông hiểu những việc cốt yếu trong Kinh Pháp và oai nghi giới cấm, mà truyền giới pháp cho người ta là trái lời Phật dạy, thiếu sự thành kính và mất lòng tin đối với mọi người. Chẳng những đã không ích lợi gì cho cả người truyền lẫn người thọ, mà lại còn mắc phải tội lỗi không nhỏ. Vậy nên các ông cần phải suy xét cho rõ.
A-Nan thưa Phật: Đời sau, như có những người chí tâm chí ý, vì chán nỗi thống khổ của cảnh thế gian, muốn cầu được độ thoát, nếu gặp đời không có Phật thì phải làm sao để tế độ hộ?
Phật dạy: A-Nan, hãy dẫn họ đến chỗ vị minh sư am hiểu giới pháp, chỉ vẽ cho họ tập theo những việc cốt yếu về các oai nghi giới cấm. Nếu như xét thấy người có thể độ thì sẽ độ cho họ. Bằng như tự mình không hiểu rõ giới pháp mà truyền cho người, thì cả hai đều mê lầm, sai đạo, lộn xộn vô cùng, còn nương vào đâu mà được độ thoát!
Phật dạy: Sau này có những Tỳ kheo, bản thân không được thanh tịnh, nuôi dưỡng vợ con, thân thì hành động phi pháp, phá giới, ô nhiễm, ý lại tham trước mà mong an lạc, thì khó thoát khỏi quả báo tội ác! Những hạng người như thế thật đáng thương xót!
A-Nan thưa Phật: Sau này những người đã có nhơn duyên xuất gia tu học, như vậy là đều đã được nhờ oai thần của Phật, thì lẽ ra cũng đều được giải thoát, tại sao có kẻ không tin lời minh giáo của Phật, mà lại trái phạm giới luật, để rồi phải chịu không biết bao nhiêu thống khổ trong vô số kiếp?
Phật dạy: Do bởi đời trước, khi bị đọa trong cảnh thống khổ; vì quá đau đớn, người ấy đã nhất thời ăn năn tự trách, nên được chút phước sanh làm thân người ở thời mạt pháp, lại được gặp Kinh Phật và có thể cạo bỏ râu tóc mà làm vị Tỳ kheo. Nhưng ý thức cũ chưa dứt trừ được, tâm do dự, mù mờ không rõ, lại không gặp được bậc minh sư trí đức, nên thường có những hành động ô trược, phần đông không thể hoàn toàn ly tục. Như vậy mai sau còn phải đọa vào các cảnh khổ cực, lần lượt thọ tội trải vô số kiếp!
Phật dạy: Này các Tỳ kheo. Các ông nay đã là người xuất gia, bỏ cả lối sống gia đình vợ con, bỏ những sự nghiệp kinh doanh ở đời để làm bậc Sa môn, thì các ông cần phải siêng năng tu tập, giữ gìn giới hạnh, như pháp của các bậc A La Hán. Thà rằng các ông lấy nước đồng sôi tự uống vô, làm cháy tiêu ruột gan, chứ không nên làm người vô đạo đức mà nhận của tín thí. Người vô đạo đức mà nhận của tín thí sẽ phải chịu tội thống khổ nhiều kiếp. Do chút phước mọn, được làm thân người, rồi phải trở lại tuần tự đền trả. Có kẻ phải làm con cái để đền trả, có kẻ phải làm cha mẹ để đền trả v.v…
A-Nan thưa Phật: Sao gọi là đền trả?
Phật đáp: Có người làm thân tôi tớ bị chủ nhà đánh đập, mắng chửi tàn tệ, đối xử vô đạo, thế mà tôi tớ vẫn đành cam chịu, không hề oán hận, lại còn siêng năng làm mọi công việc không biết mỏi mệt, giữ gìn của cải cho người chủ nhà không để hư mất. Chính là đời nay làm thân tôi tớ để đền trả nghiệp đời trước đã nhận của tín thí mà không lo tạo những việc công đức. Thì ra sau khi kẻ ấy chịu đủ tội khổ xong rồi, còn trở lại làm người để mà đền trả. Trong số đó cũng có người biết được phần nào nghiệp báo đời trước, nên đành cam chịu!
Sao gọi là làm con cái để đền trả?
Nghĩa là sự việc con cái không dám than phiền dù làm được bao nhiêu của tiền đều bị cha mẹ tiêu dùng không biết hạn lượng. Ấy là làm con cái để đền trả nghiệp báo đời trước.
Sao gọi là làm cha mẹ để đền trả?
Nghĩa là sự việc cha mẹ vẫn cam tâm đành chịu dù làm ra bao nhiêu của tiền đều bị con cái xài phá hoang phí, làm hư gia bại sản.
Sở dĩ ai cũng chịu đựng như vậy, là vì họ cảm nhận được phần nào nhân duyên nghiệp báo đời trước mà đành cam chịu, không trách ai cả. Thế nhưng những kẻ phải trả nợ cho nhau ấy, nhân duyên đưa đẩy gặp nhau trong một thời gian, sau khi trả xong lại phải chia ly, chứ không thể nào sống chung mãi. Người trí biết rõ lẽ đó cho nên không gây ra nghiệp duyên để phải đền trả.
Chỉ có đạo đức mới được tồn tại. Như ta, thuở quá khứ cũng từng phải làm cha mẹ, con cái, tôi tớ nhiều đời không thể tính kể. Tất cả đều do nhơn duyên một thời phải chịu, mà không làm sao chạy khỏi. Và cha mẹ của ta có được hiện thời là do nhơn duyên đạo đức nhiều đời, chứ không do nhơn duyên nghiệp báo. Nhiều đời cha mẹ ta đã để cho ta tự do học đạo. Chính nhờ công ơn đó ta đã tinh tấn tu hành trải qua nhiều kiếp nay mới được thành Phật. Vậy nên người muốn học đạo không thể không tinh tấn lo sao cho tròn chữ hiếu. Chớ để một khi đọa mất thân người, muôn kiếp khó bề trở lại!
Sau này, gặp thời mạt pháp, các người cần nên tu hành hiếu thuận, được gặp Kinh Pháp, không thể không lo siêng năng tu tập. Gặp Phật ra đời, không thể không hết lòng quy kính. Gặp bậc minh sư, không thể không lo hết lòng phụng thờ, chuyên cần học hỏi, thân cận thọ lãnh những giáo huấn.
Tại sao như thế? Vì nguyên được làm thân người đã là việc rất khó. Sáu giác quan cũng khó được đầy đủ. Khó được thông minh tài trí. Khó được gặp Phật, khó được nghe chánh Pháp. Cho nên các ông cần phải hết lòng siêng năng tu tập. Sau khi ta nhập Niết Bàn, sẽ có thời kỳ thế gian xảy ra tai ác, ngũ nghịch. Khi đó ở cõi Chơn Đơn có nhiều ma quái thạnh hành, chánh đạo bế tắc; tuy Kinh Pháp của Phật vẫn lưu truyền, nhưng ít ai học hỏi thấu đáo. Và dẫu có ai học hỏi thì cũng ít có người thực hành. Giữa đời tuy cũng có hình bóng của các vị Tỳ kheo, nhưng ít ai tự giữ gìn giới hạnh thanh tịnh. Phần nhiều là những kẻ phá giới, nhiễm trước, tập theo thói tục, chỉ có tham vọng đây đó cho thỏa chí du nhàn, không khác gì người đời. Ưa mặc đồ tốt đẹp, ưa học theo sách vở nghị luận của thế gian, tập những thứ âm nhạc ca xướng, ưa kết tụ bè đảng, ưa cầu danh vọng như người thế tục. Họ nhận người vào đạo, độ làm đệ tử nhưng không biết cách dạy giữ gìn giới hạnh ngăn ngừa ma nghiệp, không theo Chánh Đạo mà giáo hóa độ đời, không chịu tìm bậc minh sư trí đức, không biết giữ gìn cẩn thận các giác quan, mà vẫn tự xưng ta là đại đức. Họ si mê không biết rằng tuy nay được làm thân người cũng chỉ tạm thời mà thôi, nhưng cứ tưởng là lâu dài. Và mặc dù đời là tạm thời và tương đối, nhưng tội lỗi đã gây ra thì sau phải chịu khổ sở vô cùng, điên đảo lăn lộn ở trong chúng ma. Thật là thống khổ biết dường nào!
Này các Tỳ kheo! Các ông nay đã được làm thân người, được đầy đủ sáu giác quan, lại được gặp Phật, gặp Kinh Luật, giới pháp thì các ông cần siêng năng tu tập. Nếu không, một khi đánh mất căn bản nhân cách, muôn kiếp khó bề hồi phục. Phật ra đời cũng khó được gặp, Kinh Pháp dạy cũng khó được nghe. Nên các ông phải biết tự suy nghĩ.
Phật nói Kinh này xong thì các vị Tỳ kheo đều ngồi im lặng tư duy quán tưởng và liền được chứng quả A La Hán.
Dịch tại Phật học viện Quảng Hương Già Lam.
Gia Định, Phật Đản 2515






CHÚ THÍCH

(1) Mười pháp lành: 1- Không sát sanh, 2 – Không trộm cắp, 3 – Không tà hạnh, 4 – Không nói dối, 5 – Không nói thêu dệt, 6 – Không nói xuyên tạc, 7 – Không nói độc ác, 8 – Không tham lam, 9 – Không sân hận, 10 – Không si mê tà kiến.
Ngược lại mười điều trên là mười điều ác.
(2) Tứ đẳng: Cũng được gọi là Tứ Vô Lượng Tâm: TỪ, BI, HỶ, XẢ, là bốn đức tánh bao la và bình đẳng của chư Phật đối với tất cả chúng sanh. Theo kinh Lăng già quyển ba nói thì tứ đẳng là: Tự đẳng, Ngữ đẳng, Pháp đẳng và Thân đẳng. Tự đẳng như Phật tự xưng là Phật, thì chữ Phật ấy cũng là tiếng tôn xưng cho tất cả chư Phật. Tự tánh của chữ Phật không có gì sai khác, nên gọi tự đẳng. Ngữ đẳng là những âm thanh ngôn ngữ thuyết pháp của tất cả các đức Phật đều như nhau. Thân đẳng là ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Ứng hóa thân tướng hảo trang nghiêm mà đức Phật nào cũng có đầy đủ như nhau. Pháp đẳng là Ba mươi bảy pháp giác ngộ giải thoát và thuyết pháp độ sanh mà đức Phật nào cũng có như nhau.Theo hai thuyết trên ta thấy như có sự sai khác, nhưng kỳ thật thì tùy theo nhơn quả mà nói Vi nhơn TỪ BI HỶ XẢ bình đẳng vô lượng mà đạt đến quả TỰ NGỮ PHÁP THÂN cũng bình đẳng vô lượng.
(3) Lục độ: Là sáu pháp môn chính yếu của Bồ tát hạnh tự độ và độ tha, là sáu món diệu dược chữa trị sáu căn bịnh trầm trọng làm cho chúng sanh đắm trong sanh tử. Bồ tát dùng sáu pháp này để đưa chúng sanh qua biển sanh tử, lên bờ giải thoát, nên gọi là độ:
1. Bố thí độ, tiếng Phạn gọi là Đàn ba la mật (Dànapàramita), là hạnh bố thí rốt ráo, để độ tâm xan tham bỏn xẻn của mình, và để cứu giúp cho kẻ khác đang bị cảnh nghèo cùng thiếu thốn do nhơn bỏn xẻn đời trước gây ra. 2. Trì giới độ, tiếng Phạn gọi là Thi-la ba-la mật (Silapàramita) đối trị sự hủy phạm giới cấm. 3. Nhẫn nhục độ tiếng Phạn gọi là Sằn đề ba la mật (Ksatipàramita) đối trị sân hận. 4. Tinh tấn độ tiếng Phạn gọi là Tỳ-lê-da ba la mật (Viryapàramita) đối trị trễ nải. 5. Thiền định độ, tiếng Phạn gọi là Thiền na ba la mật (Dhyàpàramita) đối trị tán loại. 6. Trí tuệ độ, tiếng Phạn gọi là Bát nhã ba la mật (Prajnãpàramita) đối trị si mê.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]