Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 41 - Chuyện 50

13/05/201313:07(Xem: 12599)
Chuyện 41 - Chuyện 50

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 41 - Chuyện 50

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 41
Ngư ông được lợi

Lời dẫn: Trong sáu đường có cõi a-tu-la, còn gọi là phi thiên, ý nghĩa là có phúc trời nhưng không có đức trời. Đặc biệt chúng rất thích đánh nhau, nên gọi là a-tu-la. Chúng thường khởi binh đánh nhau với trời Đao Lợi. Kết quả thế nào? Chúng thường chuốc lấy thất bại. Bởi vì, liên quan phúc báo của mỗi người không phải ra sức đánh nhau mà giành được phần thắng.
Người thế gian cũng là thế gian thường xảy ra chuyện đánh với nhau, giữa nước này đánh với nước kia, nhà này tranh chấp nhà nhà nọ, dân tộc này đánh với dân tộc kia. Bất luận là mối quan hệ anh em, bạn bè, bà con thường xảy ra xích mích rồi đánh nhau. Kết quả cuộc chiến thế nào? Phần đông cả hai đều mẻ đầu sứt trán. Cổ đức dạy: "Giết địch một vạn, ta mất ba nghìn". Không có chuyện người khác thương vong mà mình bình yên vô sự. Như thế, chẳng phải mượn đao người khác rồi tự đâm mình bị thương hay sao? Huống gì tạo cơ hội cho kẻ thứ ba được lợi?
Trong kinh Phật cũng có câu chuyện thí dụ rất hay.
Ngày xưa có hai con quỷ rất thân với nhau; cho nên, chúng nó ở chung. Một hôm, cả hai con đi đến nói đồng trống vắng vẻ cùng phát hiện một chiếc rương báu, một cây gậy và một đôi giày cỏ. Cả hai đều biết diệu dụng của ba thứ báu này. Vì vật báu nằm ngay trước mắt nên chúng nó cãi nhau om sòm, con nào cũng nói mình thấy trước, phải được thứ báu này, không ai chịu nhường ai nên chúng đánh nhau.
Lúc đó có một người đi ngang qua nhìn thấy chúng nó đánh với nhau, liền vội bước đến giải hòa. Hai con quỉ mời người này phân xử đúng sai. Quỉ A nói:
- Tôi phát hiện trước ba thứ vật báu này, nó phải thuộc về của tôi.
Quỉ B nói:
- Không được! Tôi nhặt nó lên trước, phải thuộc về của tôi.
Người đi đường bảo:
- Rốt cuộc ba vật báu này có diệu dụng gì? Làm cho hai ngươi tranh giành như thế?
Hai con quỉ đáp:
- Rương là rương báu, nó làm theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta muốn ăn ngon, mặc đẹp hay vàng bạc, châu báu thì lấy trong rương này. Cây gậy cũng là gậy báu, nó có khả năng hàng phục kẻ thù. Còn giày cỏ khi mang vào sẽ bay đi tự tại.
Người đi đường nói:
- Thôi! Để ta thử xem nhé! Nếu thực sự nó có diệu dụng như vậy thì ta chia công bằng cho hai ngươi; còn như chỉ là đồ phế bỏ thì cần gì phải tranh giành?
Người đi đường mang giày cỏ, tay cầm cây gậy, tay xách chiếc rương bay lên hư không nói:
- Hai ngươi vì lợi ích riêng mình mà đánh mất tình bạn và nhân nghĩa để tranh giành của báu này. Vật báu này chính là thứ phá hoại tình bạn thân thiết của các ngươi, nay ta đem nó đi để các ngươi sống chung hòa thuận, nối lại tình cũ. Các ngươi hãy cố gắng sống chung vui vẻ nhé. Ta đi đây!
Hai con quỉ đứng tiếc ngơ ngẩn nhìn vật báu bị người khác mang đi, chúng đều trắng tay. Chuyện này giống như "Trai, cò giành nhau, ngư ông được lợi". Câu nói này, chúng ta nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn rất quen thuộc. Từ xưa hai nước đánh nhau thì nước thứ ba được lợi. Hai gia đình dắt nhau ra tòa án kiện thì luật sư được lợi. Đánh bạc, phạt sát hơn thua cũng là kẻ làm cái được lợi.

Bài học đạo lý

Đạt Nhĩ Văn nói: "Muôn vật nằm trong sự cạnh tranh nhau hơn, kém. Vật hơn thì được sinh tồn, vật kém thì bị đào thải". Con người đấu tranh không ngừng thì mới được tiến bộ. Nhưng trở thành thế giới a-tu-la thì chỉ có lợi, hại mà không có đạo đức và nhân nghĩa, là phúc hay là họa của nhân loại đây? Nếu người kinh doanh sản xuất, chế tạo ra hàng hóa có chất lượng, bền và đẹp để cạnh tranh, được người tiêu dùng ưa chuộng là có phúc. Nhà chính trị đi khắp nơi ngoại giao các nước, vì muốn đẩy mạnh sự tiến bộ văn minh cho đất nước, cho nhân dân là dân có phúc. Nếu như người trung và kẻ gian không hòa thuận thì xảy ra việc bất ổn.
Chúng ta cạnh tranh về trí tuệ, đạo đức làm người dẫn đường, đưa nhân loại tiến bộ và hạnh phúc. Nếu như chúng ta cạnh tranh vì ham muốn, có lợi cho cá nhân thì tạo nghiệp và làm ác. Vì thế, tôn giáo chính là nơi đào tạo nhân cách và người dẫn đường đạo đức cho nhân loại. Người theo tôn giáo mà vì nghề nghiệp mà cạnh tranh tức là tội nhân trong tôn giáo. Cho nên, mọi người muốn vươn lên hay sa đọa chỉ trong một niệm, tương lai khổ hay sướng khác nhau một trời một vực.

Chuyện 42
Dùng hàng hoá trùm da lạc đà

Lời dẫn: Muôn vật ở đời có khác biệt đắt và rẻ, gặp tai nạn cấp bách thì lấy đồ quý giá bỏ đồ rẻ tiền. Việc làm gấp rút nhưng hiện tại chưa cần gấp thì có thể làm cẩn thận, mới là người thông minh. Nhưng thế gian này lại có chậm mau điên đảo, bỏ của quý lấy của rẻ, há chẳng phải là chúng sinh ngu si hay sao?
Thuở xưa có một người thương buôn dẫn theo hai người con trai và một con lừa chở rất nhiều hàng hóa quý giá, họ muốn đến những nơi rất xa để buôn bán. Cả ba con chọn sáng sớm ngày xuân, cảnh xuân tươi đẹp mà xuất phát. Đang lúc mùa xuân mọi người thích ngắm cảnh xem hoa, ba cha con dắt con lừa tiến về phía đồng ruộng. Họ nhìn thấy nông dân đang cày ruộng. Người cha dạy:
- Này hai con! Tất cả mọi việc ở đời, và cả việc buôn bán của chúng ta cũng phải trải qua muôn nghìn gian khổ mới được kết quả thành công. Các con nhìn thấy người nông dân kia, nếu mùa xuân họ không cày cấy vất vả thì mùa thu làm sao có lúa để thu hoạch được?
Hai người con nói:
- Thưa cha! Chúng ta đi buôn bán xa nhà, cũng giống như người nông dân cày cấy; nếu như không chịu cực khổ bôn ba xuôi ngược thì làm sao kiếm được nhiều tiền lời.
Người cha nghe hai con trình bày gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
Họ đi qua đồng trống, băng khỏi rừng già, phải bắt đầu trèo núi; nếu họ vượt qua ngọn núi này thì đến nơi họ cần buôn bán. Nhưng thật không may, khi họ vừa trèo lên núi; vì lạc đà chở hàng hóa quá nặng làm nó ngã quỵ xuống, chết liền trên đường đi. Điều này làm cho họ cảm thấy khó khăn vô cùng, cả ba cha con chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau than thở, không biết thu xếp thế nào cho ổn? Cuối cùng, người cha bảo:
- Này hai con! Trước tiên chúng ta hãy mở hàng hóa trên thân lạc đà xuống.
Hai người con làm theo cha, vừa mở xong, người cha lại bảo:
- Con lạc đà này chết rồi, da của nó vẫn có ích. Chúng ta hãy lột da của nó nhé!
Họ lại bận rộn lo lột da con lạc đà. Người cha nghĩ: "Hàng hóa nhiều thế này mà không chở ra chợ bán được chắc phải lỗ vốn, ta phải trở về nhà dắt con lạc đà khác đến chở hàng hóa". Vì thế, ông lại dặn các con:
- Này hai con! Nay cha phải trở về nhà dắt con lạc đà khác đến, các con hãy cố gắng giữ hàng hóa này; đặc biệt là da của con lạc đà đừng để nó hư thối.
Người cha dặn các con xong, một mình xuống núi. Bất ngờ, ngày hôm sau mưa như trút nước, hai người con thấy trời mưa nhớ lời cha dặn: "Đặc biệt quan tâm tấm da lạc đà" nên liền rút tấm chăn lông trắng rất quý giá trong đống hàng hóa, trùm lên tấm da lạc đà. Mưa dầm suốt mấy ngày, chẳng những tấm chăn lông trắng bị hư mà da lạc đà cũng bị thối rữa, tất cả hàng hóa cũng bị hư hoại; cuối cùng, không còn vật gì. Nếu lúc đó, hai người con có lý trí lấy tấm da lạc đà trùm lên hàng hóa thì có thể giữ gìn được một số. Nay tất cả hàng hóa đều bị hư hoại, không phải là việc vô cùng đáng tiếc hay sao?
Bài học đạo lý
Con người sống ở đời không thể thiếu cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Nhưng vì chuyện ăn mặc mà bươn chải mưu sinh cả đời, hoặc gây ác tạo nghiệp làm cho nhiều đời nhiều kiếp chịu khổ, đó là người thông minh hay kẻ ngu si? La Trạng Nguyên nói: "Một nhà ấm no, nghìn nhà oán hận; nửa đời công danh, trăm đời oan ức". Chúng tôi không biết các vị nghĩ như thế nào?
"Lòng cha mẹ như trời biển". Cha mẹ cực nhọc suốt một đời, hoặc chi tiêu dè sẻn cũng là vì con; thậm chí có thể hi sinh thân mạng mình để che chở cho con cái. Tình cảm cha mẹ dành cho con cái như thế, nếu như rộng khắp đến mọi người trong xã hội thì ai ai cũng có thể thành Phật. Nhưng người làm con cháu, họ chỉ vì tình yêu của mình mà không cần đến cha mẹ. Có người vì ham muốn lợi cho mình mà chà đạp lên nỗi đau khổ của người khác, bóc lột công sức của mọi người. Có người vì cuộc sống của mình mà sát hại sinh mạng chúng sinh, đều là gây nhân tạo nghiệp, quả báo sinh tử đau khổ.
Người tu hành học Phật vốn thoát khỏi sinh tử. Nhưng nếu tu hành có chút linh ứng liền đi khoe khoang với mọi người. Ngoại đạo lợi dụng chút thần thông của quỉ thần mà mưu cầu danh lợi, giả danh cứu đời, lợi mình hay lợi người khác chỉ có lương tâm mỗi người tự hiểu. Thân này chỉ sống vài mươi năm, nhưng tính linh tịnh hay uế lại ảnh hưởng đến nhiều đời nhiều kiếp. "Thân người khó được, nay ta đã được, Phật pháp khó gặp, nay ta đã gặp". Đời này, chúng ta không nỗ lực tu hành độ mình thì đợi đến khi nào độ thân này? Con người là có trí tuệ, nên phân biệt được quý, rẻ, nhanh, chậm mới đúng.

Chuyện 43
Gã điêu khắc ngu xuẩn

Lời dẫn: Có người suốt đời cực nhọc tính toán, tranh giành với mọi người, tạo các ác nghiệp mới kiếm được tiền của thì đem cung cấp hết cho gái đẹp, đánh mất danh dự. Có người vì thể diện mà đi kiện tụng suốt mấy năm, tài sản hết sạch cũng không lấy lại được thể diện. Có người từ một nhân viên bình thường làm ở công ty, nhờ nỗ lực khoảng hai, ba năm được thăng lên chức trưởng phòng, rồi giám đốc; nhưng vì tham nhũng một số tiền nhỏ mà bị cách chức phải ngồi tù, lại đánh mất tương lai tốt đẹp lâu dài, thân bại danh liệt. Ở đời có những kẻ thông minh, nhưng thường làm việc ngu xuẩn.
Xưa kia có một nhà điêu khắc rất tài giỏi. Một hôm, hắn nghĩ phải khắc một tác phẩm tuyệt tác để lại cho đời. Nhưng muốn khắc tượng đẹp thì phải có đá ngọc mới có thể khắc được tác phẩm tuyệt tác. Vì thế, hắn đi vào rừng sâu tìm đá ngọc. Cuối cùng, hắn cũng tìm được một tảng đá, nhưng đục được tảng đá lớn này rồi, lại phải tốn rất nhiều người và sức lực mới chở được về nhà.
Hắn lại tốn thời gian mấy năm, từ từ đẽo tảng đá này. Rốt cuộc, hắn đẽo tảng đá nhỏ bằng nắm tay. Có người nhìn thấy hắn đẽo tảng đá lớn như thế thành một hòn đá nhỏ, liền hỏi:
- Vì sao anh phải tốn nhiều công sức để đẽo tảng đá lớn như thế thành một hòn đá nhỏ?
Hắn đáp:
- Vì tôi muốn khắc một con trâu nhỏ.
- Khắc một con trâu nhỏ, chỉ cần hòn đá nhỏ thì được rồi. Tại sao anh phải tốn công đẽo tảng đá lớn thành nhỏ?
- Vì anh không biết, hễ muốn khắc tượng khéo đẹp cần phải tốn thời gian càng lâu, đầu tư tinh lực càng nhiều để sáng tác, mới khắc được tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mới có giá trị.
Nhà điêu khắc này lý luận cũng hay, nhưng xem ra tinh thần của hắn không được bình thường, chính là một kẻ quá ngu ngốc.

Bài học đạo lý

Người đục tảng đá là dụ cho người nhiều năm làm lụng cực khổ chăm chỉ; lại còn bôn ba xuôi ngược, chịu gió sương tuyết lạnh, thậm chí tính toán, tranh đoạt với người, tạo các nghiệp ác. Rốt cuộc được cái gì? Ngày ăn ba bữa mà thôi. Họ tạo ác nghiệp và các khổ báo, tương lai nhiều đời nhiều kiếp chịu luân hồi sinh tử. Chúng ta học Phật tu hành, một ngày chỉ tốn một ít thời gian mà được công đức nhiều đời nhiều kiếp hưởng không hết, cho đến giải thoát sinh tử mãi mãi, lợi ích khác nhau một trời một vực.
Cổ đức dạy:
Mười năm đèn sách không ai hỏi
Phút chốc nổi danh vạn người hay.
Miệt mài mười năm đi học, tất cả chỉ đợi một ngày này. Ngày nay, mọi người từ tiểu học lên đến đại học phải tốn mất mười sáu năm, rồi mới tìm được việc làm, ban đầu chỉ là nhân viên. Họ lại phải nỗ lực phấn đấu hơn mười năm, chi tiêu tiết kiệm mới mua được ngôi nhà; tiếp tục tốn mất một thời gian khá lâu để gầy dựng sự nghiệp, tạo dựng sự nghiệp vững vàng thì thân này đến lúc lâm bệnh. Thân này tạo tội, tương lai nhiều đời nhiều kiếp không biết lưu lạc về đâu. Vì thế, Đức Phật dạy:
Nhân xưa muốn biết hỏi ai
Hãy xem những việc nay mai kiếp này
Muốn biết quả báo kiếp sau
Hãy xem những việc ngày nay ta làm.
Tuổi già đến, thời gian sống không còn bao lâu, muốn ráng hưởng thụ thì thân không làm chủ được, ăn món ngon cũng không ăn được, ngủ giường rộng chỉ có hai thước, muốn ăn chơi xa xỉ, cặp với gái đẹp thì ta không còn sức lực. Nhớ lại những việc ta đã làm trong suốt cuộc đời chịu khổ, chịu cực mà thân nổi da gà. Vì sao lúc này ta không tín ngưỡng tôn giáo để làm nơi nương tựa?
Có người được ông bà ba đời tích góp của cải để lại, hoặc đời cả nỗ lực cực khổ làm việc, ăn tiêu tiết kiệm, tích góp kiếm được đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt; lại đem nướng sạch vô sòng bạc chỉ trong chốc lát. Có người ưa thích nhậu nhẹt, sáng xỉn chiều say. Có người quen thói trăng hoa cặp bồ nhiều người đẹp, tiền của cung phụng các nàng là bòn rút từ mồ hôi và nước mắt của mọi người. Những kẻ này, chỉ hưởng thụ ham muốn nhất thời mà phải trả giá lao tâm khổ tứ suốt mấy mươi năm.
Người học Phật suốt mấy mươi năm nỗ lực tinh tiến tu hành, một khi phá giới trọng thì công phu tu tập trước đây đều xóa sạch, tương lai phải đọa vào ba đường ác. Thật là đáng thương! Tại sao chúng ta không tỉnh giác? Chúng ta đã tốn rất nhiều công sức mà được một chút lợi ích; hoặc tốn một chút công sức mà được lợi ích rất nhiều, đều do chúng ta chọn lựa.

Chuyện 44
Ăn no cái bánh thứ bảy

Lời dẫn: Muôn sự ở thế gian, bất luận thành công hay thất bại, việc tốt hay việc xấu, đều có nguyên nhân tích lũy từ đời quá khứ. Cổ đức dạy:
Còn nghèo thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.
Khi còn nghèo, nếu chúng ta không cực khổ phấn đấu học tập thì làm sao đỗ trạng được? Việc này giống như bệnh cảm mà chúng ta thường thấy, tuy bị cảm lạnh chỉ nhất thời, nhưng tìm ra nguyên nhân cũng có liên quan đến thân thể suy yếu. Khi sức khoẻ suy yếu là có rất nhiều nguyên nhân khác. Trước đây, chúng ta ăn uống không điều độ, thiếu chất, thức ăn không đảm bảo vệ sinh tích tụ dần dần. Chúng tôi nói mỗi việc đều có nhân từ quá khứ, mới có quả hiện tại. Nhưng có người cố chấp không chịu tìm nguyên nhân của nó, mà dựa vào quả hiện tại đi vào bước đường cùng, sinh ra khổ não vô lý. Bạn nói họ đáng thương hay là đáng trách?
Ngày xưa có một người rất nghèo khổ. Mỗi ngày, hắn đều lên núi đốn củi rồi gánh ra chợ bán, tiền bán củi chỉ tạm lây lất nuôi sống cả nhà. Một hôm đang ở trên núi đốn củi, hắn bị trượt dốc té ngã xuống, nhưng bị thương nhẹ. Tối hắn trở về nhà, hàng xóm nhìn thấy liền hỏi:
- Tôi nghe nói hôm nay anh trượt té bị thương có nặng lắm không?
Hắn đáp:
- Tôi bị thương cũng nhẹ, chẳng hề gì; chắc là hôm nay số phận tôi không may là trúng ngày xấu. Nếu như tôi biết trước như vậy, thà ở nhà chịu đói còn hơn đi lên núi.
Sau đó, hắn vẫn hàng ngày lên núi đốn củi, nhưng hắn cứ cho rằng ngày té bị thương là ngày không tốt. Hắn nghĩ thế giới này rộng lớn như vậy, hàng ngày đều có người tốt kẻ xấu. Rốt cuộc ngày nào tốt, ngày nào xấu? Có những người sinh ra cùng năm, cùng tháng, cùng giờ, nhưng chưa chắc họ thành công hay thất bại cùng một lúc. Cuối cùng ai bị tai nạn, ai được hạnh phúc, có định số không?
Một hôm, hắn mãi mê đốn củi quá trưa bụng đói meo, tiền bán củi hắn đem mua bảy cái bánh. Hắn ăn một cái chẳng thấm thía gì, ăn tiếp hai, ba, bốn, năm, sáu cái cũng chưa no; nhưng hắn ăn đến nửa cái bánh thứ bảy thì no. Hắn liền hối hận nói: "Nếu ta sớm biết ăn cái bánh này no thì chỉ mua một cái bánh này thôi, cần gì phải tốn nhiều tiền mua bảy cái bánh uổng phí thế này. Thật là tiếc quá!".
Người ngồi bên nghe hắn nói, liền mắng:
- Gã ngu này nói mê sảng, ở đời sao lại có kẻ quá ngu như thế!

Bài học đạo lý

Một hòn núi có rất nhiều đất cát tích tụ lại mà thành. Một cây cổ thụ cũng từ hạt giống trồng xuống bén rễ nảy mầm dần dần lớn lên. Thân thể của mỗi người cũng rất nhiều tế bào hợp lại thành. Muôn sự, muôn vật ở đời do nhân duyên hợp lại mà thành.
Con người ở đời có người giàu sang, kẻ nghèo hèn; người thông minh, kẻ ngu si; người đức hạnh, kẻ xấu ác đều có nhân xa và cũng có nhân gần của nó, và cũng có rất nhiều trợ duyên, tích tụ dần dần thành quả. Người có đức hạnh, trí huệ; hoặc kẻ gian ác, lừa đảo, thông thường mọi người cho rằng tự nhiên trời sinh ra. Thật ra, muôn sự ở đời đều có nhân mới có quả. Trí huệ, đức hạnh, hung dữ, lừa đảo, tính thiện, tính ác đều là tích tập nhiều đời nhiều kiếp.
Hàng ngày, những người làm nghề sĩ, nông, công, thương đều luôn bận rộn nỗ lực làm việc, chi tiêu tiết kiệm, tích góp tiền của. Kẻ trộm muốn chiếm làm của mình, kết quả bị bắt, phải ngồi tù. Chẳng những hắn không được hưởng thụ mà còn khổ cực ngồi trong tù, đánh mất tương lai hạnh phúc cả một đời, làm hoen ố danh dự, ngay cả người thân trong gia đình đều thấy xấu hổ với mọi người, ông bà ở nơi suối vàng cũng thấy hổ thẹn. Kết quả muốn chiếm của người khác thì được cái gì?
Đức Phật dạy tam chỉ tu lục độ, tu trăm kiếp được tướng hảo, tích chứa nhiều công đức mới được thành Phật vạn đức trang nghiêm. Người ngày nay chê tu hành như vậy là quá chậm, chủ trương phương pháp tu hành liền đắc đạo, hoặc giác ngộ tức khắc, thành Phật lập tức. Việc này có hay không cũng rất khó nói. Người đời bỗng phát giàu to, làm quan lớn không phải là không có, đều là đầy đủ nhiều điều kiện mới có. Làm thế nào họ giàu có nhanh chóng, được làm quan lớn thì phải xem xét nhân duyên của mỗi người.

Chuyện 45
Đầy tớ giữ của

Lời dẫn: Kiến thức của mỗi người có sâu-cạn, cao-thấp; cá tính, thói quen, sở thích của mỗi người cũng không giống nhau. Cho nên, lời nói, việc làm của mỗi người có điều hợp nhau, có điều lại bất đồng ý kiến. Có người nghe một biết hai. Có người nghe một biết mười. Có người vừa nghe liền giác ngộ. Có người nói một đằng hiểu một nẻo. Có người nói chỉ một câu mà nói đi nói lại mấy lần nghe cũng không hiểu. Có người thông minh nhạy bén, tu hành đắc định, hiểu thấu mọi vật. Con người thông minh hay đần độn, hoặc bất cứ việc gì phải trải qua mới biết được. Có người sống chung cả đời mà không hiểu rõ tính tình của đối phương. Có người hiểu rõ mỗi cử động của người khác như nằm trong lòng bàn tay, biết được ý nghĩ của họ. Vì sao mọi người khác nhau như một trời một vực như thế? Đức Phật dạy: "Tất cả mọi việc đều có liên quan nhân duyên đời trước".
Thuở xưa có một phú ông giàu nứt đố đổ vách. Một hôm, ông có việc phải đi xa. Trước khi đi, ông gọi tên đầy tớ đến căn dặn:
- Này con! Khi ông đi xa, con ở nhà cố gắng giữ cửa và chăm sóc con lừa nhé!
Tên đầy tớ thưa:
- Xin ông chủ yên tâm, con luôn làm theo lời ông dặn.
Chủ nhân yên tâm đi lo công việc.
Ông chủ ra đi được một ngày, tên đầy tớ giữ cửa rất cẩn thận và chăm sóc con lừa rất chu đáo. Nhưng được vài ngày, ở trong thôn tổ chức lễ hội. Họ mời gánh hát nổi tiếng đến biểu diễn, nghe đồn gánh hát này, tài tử vô cùng xinh đẹp. Tên đầy tớ không nén được tính hiếu kì muốn đi xem hát. Nhưng ông chủ đã giao giữ cửa và chăm sóc con lừa thì làm sao đi được?
Do đó, hắn suy nghĩ: "Trước khi đi, ông chủ dặn ta giữ cửa và chăm sóc con lừa, chỉ cần ta lấy dây cột cánh cửa trên lưng con lừa cho nó chở cùng ta đi xem hát, như thế thì hay quá!". Hắn vui mừng khôn xiết làm theo mình đã nghĩ. Trước tiên, hắn tháo cánh cửa xuống đem đặt trên lưng con lừa, lấy dây cột thật chặt, rồi ngông nghênh đi xem hát.
Lúc này, nhà của phú ông chẳng những không có người coi nhà mà ngay cánh cửa cũng không có để đóng lại. Tên trộm nhân cơ hội này vào nhà phú ông lấy sạch hết của cải.
Phú ông trở về thấy tài sản trong nhà không còn gì, liền hỏi hắn:
- Này thằng kia! Của cải trong nhà tao đâu mất hết rồi?
Hắn đáp:
- Thưa ông chủ! Trước khi ông đi dặn con chỉ giữ cánh cửa và chăm sóc con lừa, con làm hai việc này rất tốt; còn các việc khác con không biết.
- Trời ơi, tức chết đi được! Ta bảo ngươi giữ cửa là phải giữ gìn của cải trong nhà; nếu ta không có của cải thì dặn ngươi giữ cửa làm gì?
Phú ông tức giận điên cuồng, đành cười ra nước mắt với tên đầy tớ ngu xuẩn; sự việc đã xảy ra rồi ông đành chịu vậy.

Bài học đạo lý

Sự hiểu biết của con người có sai khác. Người khác nói chẳng những ta nghe không hiểu mà còn thường làm sai ý của họ. Cá tính của mỗi người cũng có quái gở, người khác muốn ta đi về hướng đông mà ta khăng khăng đi về hướng tây. Có người tự ngã cống cao chỉ muốn mọi người nghe theo mình, mình không chịu nghe theo họ. Có người thích ăn ngon, mặc đẹp. Có người chuộng sĩ diện. Có người thích nhậu nhẹt. Có người thích ăn chay v.v…mà xảy ra xích mích xung đột, dẫn đến chuyện thị phi ở đời rất nhiều.
Mỗi người đều có khuyết điểm và ưu điểm. Nếu như chúng ta biết phát huy ưu điểm của mình, sửa đổi khuyết điểm là người thành công. Còn như chúng ta làm theo khuyết điểm của mình, và muốn người khác cũng theo khuyết điểm của ta thì đau khổ càng chồng chất, chắc chắn là người gặp thất bại.
Tu hành cũng vậy, nếu như chúng ta tự biết thói quen và khuyết điểm của mình, hàng ngày cố gắng sửa đổi thì ngày càng tiến bộ trên đường đạo. Còn như chúng ta để cho năm dục phiền não lôi kéo thì ngày càng tạo nghiệp thêm nhiều, tương lai siêu thoát hay đọa lạc khác nhau rõ ràng. Đức Phật dạy: "Cùng nghiệp thì tương ưng". Người có trí huệ, đức hạnh chẳng khác nhau; hoặc cá tính ưa thích giống nhau, họ rất dễ hiểu đối phương. Người trí huệ cao siêu mỗi cử động của người khác, hay ý nghĩ họ muốn gì đều hiểu rất rõ ràng. Còn ngược lại thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Phật pháp là pháp môn trí huệ. Tâm Kinh ghi: "Ba đời chư Phật, vì y theo bát-nhã ba-la-mật-đa nên chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chánh Giác". Phật là Đấng Đại Giác, cho nên học Phật là tu pháp môn trí huệ. Nếu như chúng ta không có trí huệ quán giữ sáu căn thì tất cả của báu công đức đều bị tên trộm phiền não lấy cắp, trôi lăn trong sáu đường luân hồi, rốt cuộc cũng là kẻ bần cùng mà thôi, vẫn làm chúng sinh chịu khổ não, khổ báo vô biên.

Chuyện 46
Chúa đảng thú tội

Lời dẫn: Mỗi người chúng ta đều có điều bí mật, nhưng bí mật cũng có điều tốt và điều xấu, giống như "xấu che, tốt khoe". Chúng ta che dấu lỗi lầm của người khác và khen đức hạnh tốt của họ là tốt. Ngược lại, chúng ta đi rêu rao lỗi lầm của họ, còn tâm thiện, việc thiện của họ thì che dấu là xấu. Đối với người khác như thế, còn đối với mình thì sao? Đối với mình thì ngược lại, nếu phạm lỗi lầm dù nhỏ cũng nên nói ra cho mọi người biết, để bày tỏ sám hối. Bất luận chúng ta có nhiều công đức hay làm việc tốt thì cũng nên che dấu, không cần nói cho mọi người biết, đây mới là hành động của bậc quân tử. Phật pháp dạy: "Tam luân thể không[2], mới là công đức vô cùng".
Xưa kia có một làng. Trong làng có một bọn cướp chuyên đi lùa trộm trâu, đã là bọn cướp chắc chắn bọn chúng luôn dùng thủ đoạn tinh vi để đi bắt trâu, mới làm được gọn gàng dứt khoát. Các nhà chăn nuôi biết được nên phòng bị rất chặt chẽ. Do đó, bọn chúng muốn đi lùa trộm trâu cũng không cách gì ra tay được.
Một hôm, bọn chúng bàn bạc tìm ra diệu kế nhử hổ ra rừng. Tên chúa đảng phân chia công việc. Hắn chia một nhóm thuộc hạ cải trang làm nghệ sĩ hát tuồng, nơi chúng diễn cách xóm nuôi trâu khoảng một dặm. Trước tiên, chúng khua chiêng đánh trống, dựng lên cảnh tượng rất rầm rộ, mục đích dụ những người này đi xem hát tuồng để chúng lùa trộm trâu.
Hắn chia một nhóm thuộc hạ đi thám thính, thường theo dõi mọi sự động tĩnh của những người nuôi trâu; chia nhóm khác đi lùa trâu; nhóm nữa chuyên mổ trâu và khâu chế biến nấu thức ăn. Hắn sắp đặt, chia cắt công việc rất kĩ càng nên cả bọn thi hành hưởng ứng nhiệt tình. Những người chăn nuôi nghe chúng khua chiêng đánh trống ồn ào, nên rất hiếu kì cùng rủ nhau đi xem. Nhóm thám thính bí mật báo cho nhóm lùa trộm trâu. Nhóm này lặng lẽ vào chuồng lùa trâu đi giao cho nhóm mổ thịt và chế biến thức ăn nhanh lẹ, gọn gàng.
Những người chăn nuôi trở về thấy mất trâu vô cùng lo lắng, nhưng không dám la to mà âm thầm báo cho quan điều tra. Sau một thời gian, quan lặng lẽ điều tra biết được bọn cướp chuyên đi lùa trâu. Quan thản nhiên đi thẳng vào sào huyệt của chúng yêu cầu gặp tên chúa đảng hỏi:
- Xin hỏi anh là trưởng thôn ở đây?
Tên chúa đảng thừa nhận:
- Ở đây không có trưởng thôn.
- Tối hôm trước anh ở trong thôn kia phải không?
- Nơi tôi ở không có thôn xóm.
- Phía trước thôn có một cái ao phải không?
- Không có!
- Có cây cổ thụ không?
- Cũng không có!
- Có phải các anh đã lùa trộm trâu ở thôn phía đông không?
- Không có phía đông.
- Lúc các anh lùa trâu là giờ đó phải không?
- Không có giờ đó.
Quan điều tra hỏi điều gì hắn cũng không biết và luôn phủ nhận.
Quan nói tiếp:
- Xưa nay làm gì có đạo lý không có thôn xóm, không có cây, ngay cả thời gian, không gian, đông, tây, nam, bắc cũng không có; vì trên thực tế tất cả thứ này đều có. Chúng tôi đủ chứng cứ kết tội chúng mày lùa trộm trâu sợ bị phát hiện.
Tên chúa đảng chủ mưu chỉ đạo lùa trộm trâu, từ đầu đến cuối hắn phủ nhận tất cả vấn đề, lại lộ tẩy hắn nói dối. Cuối cùng, hắn đuối lý, mới thành thật thú nhận đã lùa trộm trâu.

Bài học đạo lý

Mỗi người chúng ta đều có điều bí mật, nhưng điều bí mật của mỗi người có trung-gian, tà-chính; nhân cách có cao-thấp. Có người giấu kĩ tiền ở phòng riêng. Có người cấu giấu vàng bạc ở phòng gái đẹp. Có người lén làm những tội ác như sát, đạo, dâm, vọng, tham ô, lừa đảo. Nhưng "lưới trời lồng lộng, tuy rộng mà khó thoát". Một ngày nào đó cũng sẽ lộ ra.
Có người che giấu bí quyết tài nghệ của mình; hoặc phương pháp bí truyền y dược; hoặc kinh nghiệm làm việc đạt được bí quyết thành công, nhưng không chịu dạy mọi người. Tóm lại là những kẻ ích kỉ. Nếu như họ chịu đem bí quyết chỉ dạy cho mọi người thì nhân cách của họ thật cao thượng. Chúng tôi nói cách khác, chúng ta che giấu bất cứ việc gì, nhưng làm sai mà không chịu thừa nhận thì tự hạ thấp nhân cách của mình. Cổ đức dạy: "Người đời ai mà không lỗi, biết sửa lỗi là Thánh hiền".
Phật pháp chủ trương sám hối, cho dù quá khứ trải qua bao nhiêu đời, chúng ta tạo bao nhiêu tội nghiệp, nhưng biết sám hối thì tội liền tiêu trừ. Vấn đề là chúng ta có chí thành tha thiết sám hối hay không? Hoặc tội lỗi đó chưa tiêu trừ hết, nếu tiêu trừ được một phần là tiêu tội nghiệp một phần. Còn như chúng ta che giấu, cho dù trải qua nghìn đời vạn kiếp không sám hối thì tội nghiệp vẫn còn. Vì thế, trong kinh dạy:
Dù qua trăm nghìn kiếp
Nghiệp tạo cũng không mất
Khi nhân duyên hội ngộ
Tự mình chịu quả báo.

Chuyện 47
Tai họa chiều vợ

Lời dẫn: Trong tâm mỗi người luôn có hổ thẹn, bất luận lời nói hay việc làm có sai trái thì tâm luôn lo sợ bất an, không thể yên tâm làm việc; cho nên, dù họ có làm việc cũng không được vừa ý mọi người. Cổ đức dạy: "Cúi xuống không hổ thẹn". Cho dù chết đến nơi "xem chết như trở về". Vì vậy, làm người phải "không thẹn với lương tâm" thì mới có thể "hoàn toàn yên lòng", cũng chính là bậc đại trượng phu "đầu đội trời, chân đạp đất". Ngược lại người không biết hổ thẹn thì không đủ tư cách làm người, mà còn là kí sinh trùng trong thế gian.
Ngày xưa có một quốc gia. Mỗi khi đất nước có ngày lễ, tất cả phụ nữ trong nước đều cầm một đóa hoa sen xinh đẹp đi tham gia ngày lễ, để chứng tỏ sự cao quý của phái yếu. Nếu người nào không có hoa sen thì cảm thấy như đánh mất thể diện.
Lúc đó có một phụ nữ nhà rất nghèo, nàng thấy mọi người đều cầm hoa đi chúc mừng ngày lễ, nghĩ mình không mua nổi một đóa hoa nên rất đau khổ. Nàng bảo chồng:
- Chàng ơi! Ngày mai là ngày lễ quốc khánh nước ta, mỗi người phụ nữ đều cầm một đóa hoa sen. Chàng phải nghĩ cách tìm cho thiếp một đóa, nếu không có hoa sen thì chúng mình chia tay đó.
Người chồng nghe vợ nói, vô cùng lo sợ vội vàng bảo:
- Được thôi! Vợ yêu! Ta nhất định tìm cho nàng một đóa hoa sen, nàng đừng nói chia tay làm cho ta đau lòng.
Nhưng khi ấy, hoa sen rất đắt, nhà nghèo không thể nào mua nổi, đi tìm hoa sen ở đâu đây?
Gã chồng nghèo này thật đáng thương, vì chiều lòng vợ mà mạo hiểm lén vào vườn hoa của nhà vua để hái trộm. Hồ sen trong vườn hoa nhà vua nuôi rất nhiều chim uyên ương. Hắn chợt nhớ trước đây đã từng học qua tiếng kêu chim này. Vì thế, đêm đến hắn vừa giả tiếng chim uyên ương kêu, vừa lén vào trong vườn hoa. Lúc hắn ở dưới hồ hái hoa sen, làm giật mình bầy chim uyên ương, chúng đồng loạt kêu lên. Tên lính giữ vườn kinh ngạc hỏi:
- Ai ở dưới hồ đó?
Trong tình thế khẩn cấp, bất giác hắn trả lời:
- Là tôi!
Tên lính lao xuống hồ kéo hắn lên. Hắn chợt nhớ liền bắt chước tiếng chim uyên ương kêu lên. Tên lính nói:
- Vừa rồi sao ngươi không bắt chước tiếng chim kêu, bây giờ kêu lên đã muộn rồi. Ta dẫn ngươi đến nộp cho nhà vua.
Hắn nghe tên lính bắt đem nộp cho nhà vua, chợt hối hận thì đã quá muộn.

Bài học đạo lý

Trong xã hội có các ngành sĩ, nông, công, thương; mỗi người làm một nghề mình thích hợp. Có người có nghề nghiệp vững vàng nhưng không chịu làm, lại làm những việc đầu cơ trục lợi, bòn rút của công đi chiếm của người, thậm chí xâm phạm quyền lợi của người khác. Làm những việc sát, đạo, dâm, vọng, tham ô, lừa đảo, khiến cho mọi người đều chán ghét, chửi mắng thậm tệ, tương lai nhất định họ sẽ chịu quả báo đau khổ. Rốt cuộc, đây là người thông minh hay là kẻ ngu si?
Bất cứ chúng ta làm nghề gì ở thế gian, hay làm thì khéo tay giỏi hơn người, thành công sự nghiệp là ở đây. Vậy mà, có người cố chấp đường chính không chịu đi, đi vào đường tà, đầu cơ trục lợi; hoặc lừa đời, dối người, tương lai nhất định đi vào tăm tối, đúng không?
Có người học Phật mà không chịu học chánh tri, chánh kiến, chánh pháp; lại khăng khăng học những pháp tà ma ngoại đạo, vì danh lợi chánh đạo ít quá nên họ không đi theo mà đi vào tà đạo. Tương lai sa đọa, lẽ nào không oan uổng? Tục ngữ có câu: "Mỗi nghề nghiệp đều xuất hiện nhân tài". Nghề nào cũng có người thành công và nghề nào cũng có người thất bại. Then chốt thành công và thất bại nằm ở đâu? Chúng tôi nghĩ: "Liên quan đến chân thật và gian ác chiếm phần lớn". Khi chúng ta có tiền, có thế lực không chịu bố thí, không chịu làm việc thiện. Lúc mạnh khỏe tinh thần hăng hái không chịu nỗ lực tu hành. Đến khi tiền không còn mới nghĩ đến bố thí, làm việc thiện. Khi thân thể mang bệnh, hoặc gặp tai nạn, khốn đốn thì mới nỗ lực tu hành, chẳng phải quá muộn hay sao?

Chuyện 48
Nhẫn được mình an vui

Lời dẫn: Đức Phật dạy: "Chúng ta ở thế giới này, gọi là thế giới Ta-bà". Ta-bà dịch là "Kham nhẫn". Ý nghĩa nói người ở thế giới này là kham nhẫn chịu nhiều đau khổ. Chúng ta kham nhẫn chịu đau khổ những gì? Có rất nhiều điều đau khổ như hoàn cảnh môi trường bão lụt, động đất, thiên tai, sạt lở. Khí hậu có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; lạnh rét, nóng bức. Thân người có các nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết. Tinh thần có vui-buồn, mừng-giận, thương yêu phải chia lìa, oán ghét luôn gặp nhau, mong cầu không được. Chúng ta phải nhẫn chịu những điều đau khổ như vậy, gọi là thế giới Ta-bà. Nếu chúng ta không nhẫn chịu được thì sao? Là tự mình hủy diệt (tự sát); hoặc oán trời trách người, làm những điều ác sát, đạo, dâm, vọng; thậm chí tạo các ác nghiệp để trốn tránh đau khổ. Người nào biết được khổ mà lại tạo khổ thì càng thêm khổ.
Ngày xưa có một con cáo và một con nai cùng ở trong rừng dưới gốc cây cổ thụ. Một hôm, vì gió mạnh làm gãy cành cây, rớt xuống trúng ngay lưng chúng nó. Con nai thấy chẳng có việc gì, vì ở trong rừng gió thổi mạnh làm cho cây gãy là chuyện bình thường. Nhưng con cáo chịu không được, nó dự định dời đi chỗ khác. Khi nó sắp đi, con nai khuyên:
- Anh cáo ơi! Cây cổ thụ này chẳng những chắn gió, che mưa cho chúng ta mà còn cung cấp cho chúng ta trái cây thơm ngọt. Vì sao anh muốn đi nơi khác?
Con cáo đáp:
- Không! Tôi không chịu đựng nổi, anh cho ở đây tốt thì cứ ở đi. Tạm biệt anh!
Nó cong đuôi chạy không quay đầu lại.
Con cáo đến một nơi đồng trống, ban ngày thời tiết rất nóng bức, đến ban đêm thì rất lạnh rét; nó cảm thấy lúc lạnh, lúc nóng rất khó chịu. Ở được vài ngày nó chịu không nổi lại đi tiếp. Khi nó sắp đi, có một con nai khác đến khuyên:
- Này anh cáo! Tại sao anh lại phải đi? Mặc dù ở đây thời tiết thay đổi thất thường nhưng chúng ta sống yên ổn không có cọp sói, chẳng tốt hay sao? Thế gian này làm sao có chuyện hoàn hảo được, anh đến nơi khác cũng sẽ gặp chuyện không vừa ý. Anh hãy nghe tôi an tâm ở lại đây nhé!
Con cáo đáp:
- Không! Ở đây lúc lạnh, lúc nóng tôi không chịu đựng nổi. Tôi phải đi nơi khác.
Nó lại đến vùng rừng núi, cây xanh bạt ngàn. Nơi đây, khí hậu rất dễ chịu, phong cảnh rất đẹp, nó quyết định ở lại đây. Ở được vài ngày, nó nghĩ nơi đây không phải nơi lý tưởng. Bởi vì, ở đây có sư tử rất hung dữ, cũng có chó sói nham hiểm, nó thường nghe tiếng rống của chúng làm cho nó hãi hùng khiếp sợ; nhưng vì tham phong cảnh đẹp, nên nó cứ chần chừ ở lại. Một hôm, nó ra ngoài tìm thức ăn, nó bị chó sói bắt ăn thịt. Đến phút cuối nó chợt hối hận không chịu nghe lời bạn khuyên nên ngày nay mới có kết thúc bi thảm.

Bài học đạo lý

Làm người chẳng có ai mà hoàn hảo, hoàn cảnh cũng chẳng có nơi nào tốt đẹp trọn vẹn; đây gọi là thế giới Ta-bà. Thời tiết có lúc lạnh, lúc nóng, chúng ta sinh ra ở đây, tất nhiên phải thích ứng khí hậu và cuộc sống ở đây. Mỗi dân tộc đều có cách sống riêng của họ, tập quán là sống tự nhiên, chúng ta chịu đau khổ hay hưởng hạnh phúc nhiều ít đều có nghiệp nhân từ quá khứ.
Mỗi người đều có cá tính riêng, hiểu biết, ưa thích và thói quen cuộc sống đều không giống nhau, người biết nhường nhịn lẫn nhau mới sống chung lâu dài. Mỗi người đều có cá tính và sở thích riêng, nhưng chúng ta phải tùy thuận theo người khác thì mới có thể sống chung với nhau được. Làm người ai cũng có hi vọng, nhưng tương lai của mỗi người thành tựu thì khác nhau. Do vì mọi người luôn muốn người khác bất cứ việc gì cũng nghe theo mình, nên có xảy ra chuyện tranh cãi. Nếu như ai ai cũng tùy thuận theo người khác thì không có chuyện thị phi và tranh đấu.
Làm người ai cũng có những tính xấu tham, sân, si và cũng có những đức tính lương thiện từ bi, hỉ xả; tính nào nhiều thì trở thành thói quen tính ấy. Lục tổ Huệ Năng dạy:
Xưa nay không một vật.
Nơi nào dính bụi bặm.
Bản tính vốn thanh tịnh thì dính bụi bặm nơi nào? Chỉ vì chúng ta tiêm nhiễm thói xấu lâu ngày, đã là tiêm nhiễm thì không phải tự tính, không phải chân thật. Mọi người đều có thể sửa đổi tính nết xấu trở thành tính tốt, chỉ là chịu làm hay không mà thôi.
Cổ đức dạy: "Giang sơn dễ đổi, tính tình khó sửa". Vì nguyên nhân tập khí nặng nề, nhưng không phải là không sửa được. Nếu chúng ta có trí huệ, có nỗ lực tu hành sửa đổi thì tính nết gì cũng thay đổi được. Chúng ta sửa đổi hoàn toàn tất cả thói xấu thì mới ra khỏi sáu đường sinh tử. Cho nên, thói xấu chẳng phải là cố định, cũng không phải không sửa được. Chúng ta cần phải dựa theo trí huệ để nhìn thấy rõ phá trừ, phải nỗ lực tu hành mới tiêu diệt nó. Khi ấy, thiên hạ được thái bình, thoát khỏi luân hồi, được tự tại.

Chuyện 49
Không trả lời thẳng câu hỏi

Lời dẫn: Tất cả việc làm và nghề nghiệp ở thế gian đều có liên quan đến kiến thức và kinh nghiệm của mỗi người. Có người được kiến thức nhờ di truyền từ nhiều đời. Có người học hỏi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm của nhiều người mà có được. Có người nỗ lực khổ công tu luyện rất lâu mới được khai ngộ. Cũng có người lợi dụng kiến thức của quỉ thần mà được. Chúng ta đạt được ba điều trên là thật khó, chỉ có điều sau cùng là dễ dàng nhất. Người đời đều là tự tư tư lợi, cho nên họ muốn che giấu kiến thức để làm công cụ trên danh lợi của mình; hoặc làm ra vẻ huyền bí để cho mọi người cảm giác là điều kì diệu quý báu; thật ra là danh lợi ở trong đó. Bậc Thánh hiền, Thiền sư thời xưa có ẩn ngữ thiền cơ là một phương tiện khai mở trí huệ cho thiền sinh, không phải cái gì cũng thiên cơ bất khả lộ; hoặc là bí quyết một lời nói, nửa bài kệ làm cho thiền sinh khai ngộ đắc đạo. Còn người muốn tu dễ dàng, thường đi vào ma đạo. Điều này chúng ta không thể không biết, không đề phòng.
Ngày xưa có hai chú bé đang bơi dưới dòng sông. Bỗng bé A bảo:
- Chúng mình cùng thi nhé! Được không?
Bé B hỏi:
- Thi bằng cách nào?
- Chúng ta cùng lặn xuống đáy sông, bốc một nắm cát hay bùn, người nào ngoi lên trước là thắng nhé!
- Rất tốt! Cứ thế mà làm, lời nói như đinh đóng cột!
Hai chú bé cùng bơi ra giữa dòng nước, đồng hô lớn: "Nào bắt đầu". Cả hai cùng lặn xuống nước, khoảng một lúc cả hai chú đều ngoi lên và bơi vào bờ. Có thể nói hai chú bơi rất cừ, tài nghệ ngang nhau. Hai chú cầm vật trong tay đem lên bờ. Một chú bốc bùn, một chú bốc một nắm tóc trắng. Bé A nói:
- Này! Cậu thấy không! Đây là râu tóc của tiên nhân đó.
Bé B hỏi:
- Làm sao cậu biết được đây là râu tóc của tiên nhân?
- Tớ nghe người lớn nói tiên nhân thường tu hành ở bên bờ sông, ngài cạo râu tóc ném xuống sông, nên tớ bốc được.
- Tớ cũng nghe nói râu tóc của tiên nhân rất quý báu hiếm có ở thế gian. Nếu đúng là râu tóc của tiên nhân thì chúng ta gặp vận may rồi.
- Có phải râu tóc của tiên nhân không, hiện tại chúng ta chưa xác định được. Chúng ta phải đi tìm tiên nhân để chứng minh sự thật.
Vì thế, hai chú đi men theo bờ sông, tìm vị tiên nhân để chứng minh sự thật là râu tóc của ngài. Hai chú đi không lâu thì gặp tiên nhân râu tóc trắng xóa, cả hai chú đến trước ngài cung kính xá chào. Sau đó hỏi:
- Thưa ông! Cho chúng cháu hỏi râu tóc này có phải của ông không?
Tiên nhân nhìn kĩ chúng một lúc, không trả lời trực tiếp điều chúng hỏi mà bốc một nắm gạo và hạt mè bỏ vô miệng nhai, rồi nhả ra bảo:
- Này các cháu! Đây là phân con công.
Tiên nhân nói xong liền nhắm mắt, không nói lại nữa. Hai chú bé nghe xong chẳng hiểu gì cả. Rốt cuộc điều tiên nhân nói là ý nghĩa gì.
Bài học đạo lý
Các vị thiền sư trong Phật giáo thường hỏi một đường trả lời một nẻo. Thí dụ có thiền sinh đến hỏi:
- Thưa thầy! Đại ý Phật pháp là gì?
Thiền sư đáp:
- Là ba cân mè.
- Thưa thầy! Thế nào là ý chỉ của Tổ sư từ phương Tây đến?.
- Là đống phân trâu.
Đây là gì? Ý nghĩa của Thiền tông là tự tham học, tự ngộ. Qua sự giải thích của người khác giảng giải là không liên quan đến tự tính của họ và bạn. Cho nên các ngài không dùng ngôn ngữ, văn tự để giải thích, cũng không trả lời trực tiếp vấn đề bạn đã hỏi.
Người bình thường cùng nghề nghiệp mới có thể hợp nhau; kiến thức, tư tưởng gần giống nhau, nên dễ hiểu nhau hơn. Nếu như hai người thân nhau mà kiến thức, tư tưởng quá chênh lệch thì cũng sẽ hỏi một đường trả lời một nẻo; hoặc dễ hiểu sai ý người kia.
Ban đầu, tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc yết kiến vua Lương Vũ Đế. Vua hỏi:
- Trẫm xây chùa, độ chúng tăng rất nhiều, không biết có công đức hay không?
Tổ sư đáp:
- Không có công đức.
- Người nào đang đối diện với trẫm?
- Thảo dân không biết.
Nhà vua và tổ sư nói không hợp ý với nhau. Vì thế, Tổ đến chùa Thiếu Lâm ngồi thiền suốt chín năm xây mặt vô vách. Sau đó, Tổ gặp Thần Quang mới truyền pháp lại.
Vì sao nói không hợp ý với nhau? Bởi vì kiến thức của mỗi người cao-thấp không giống nhau; tư tưởng, cá tính nhận định sự vật cũng khác nhau; trình độ hiểu Phật pháp cũng không ai giống ai; cho nên nói không hợp ý với nhau.
Đức Phật là Đấng trí huệ rất sâu rộng, Ngài thuyết pháp theo căn cơ của chúng sinh. Vì thế, trong kinh điển có nói quyền-thật, sâu-cạn, phương tiện-cứu cánh. Mọi người cùng nghiên cứu kinh điển, nhưng trình độ hiểu biết khác nhau. Cho nên mỗi người đều có quan điểm riêng. Chánh tri, chánh kiến cũng có quan điểm riêng. Tà tri, tà kiến cũng có quan điểm riêng. Làm thế nào chúng ta phân biệt được đúng và sai? Điều này trong kinh điển đạo Phật và đạo Nho đã ấn chứng. Kinh điển như tấm gương rọi yêu ma. Kẻ tà tri, tà kiến muốn đầu cơ trục lợi thì không trốn thoát được.

Chuyện 50
Lang băm trị lưng gù

Lời dẫn: Chúng ta đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân. Thông thường những thầy lang băm trị bệnh, bệnh càng nặng thêm, chẳng phải thầy thuốc mà là lang băm chính hiệu hại người. Làm thầy trong tôn giáo mà đáp ứng theo sự mong cầu, đòi hỏi của người là thầy tầm thường. Thầy tà hướng dẫn mọi người thành tà tri, tà kiến, tin theo tà; hoặc dạy người tu hành tà hạnh cùng đi vào đường ma, mới là thật đáng thương.
Ngày xưa có một thanh niên rất mạnh khỏe, đi nhanh như bay, bình thường anh gánh hàng một, hai trăm cân. Bất luận công việc nặng nhọc cỡ nào, anh ta đều vui vẻ làm chu đáo. Nhưng ở đời ai đâu học được chữ ngờ. Một hôm, bỗng nhiên anh ta ngã bệnh, sau đó trở thành lưng gù. Cú sốc này, làm cho anh ta đau đớn tột cùng không còn tha thiết sống. Anh ta suy nghĩ: "Ta tàn phế như thế này làm sao làm việc được? Không làm được lấy gì để sinh sống?".
Bạn anh thấy vậy an ủi:
- Cần gì anh phải bi quan như thế? Có bệnh thì có thầy thuốc. Thế gian này thầy thuốc nổi tiếng rất nhiều, từ từ chúng ta tìm ra thôi, nhất định sẽ trị khỏi.
Anh ta đáp:
- Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các anh! Sức khỏe là vàng, chỉ trong thoáng chốc tôi trở thành người tàn phế. Làm sao tôi sống nổi?
Một người bạn khác chỉ:
- Tôi nghe mọi người nói có thầy thuốc kia rất tài giỏi. Anh có bằng lòng đến đó chữa trị không?
Anh ta đáp:
- Cũng được! Nhưng tôi biết rõ bệnh của mình, sống như thế này cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Thế là, người bạn dẫn anh ta đi tìm đến nhà thầy thuốc khám bệnh. Thầy thuốc hỏi:
- Anh bị bệnh gì?
Anh đáp:
- Thưa thầy! Tôi bị bệnh gù lưng, có chữa được không?
- Tất nhiên là chữa được rồi, nếu không chữa được làm sao gọi là thầy thuốc?
Thầy thuốc nhìn sắc mặt của anh, rồi sờ lên lưng gù, hỏi anh nguyên nhân bệnh. Sau đó, hắn bắt mạch cho bệnh nhân. Thầy thuốc này hoàn thành bốn bước; nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch. Chẩn đoán xong, hắn nói:
- Bệnh của anh có thể chữa trị được, nhưng anh phải chịu đau đớn.
Anh ta đáp:
- Chỉ cần thầy chữa khỏi bệnh, cho dù đau đớn như thế nào tôi cũng chịu được.
- Anh bị bệnh vì gánh quá sức, làm cho cột xương sống bị cong, mới bị như vậy. Nếu dùng vật nặng đè lên làm cho cột xương sống thẳng ra thì khỏi bệnh.
Hắn vừa nói, vừa bảo anh nằm xuống và kêu người bưng hai tấm cửa chất lên thân anh ta. Hắn lại kêu mấy người khiêng bốn cái cối đá giã gạo chất lên nữa. Mặc dù bệnh nhân kêu la thảm thiết, hắn vẫn không đếm xỉa đếm; lại còn đè thêm lên.
Trôi qua một lúc, bệnh nhân không còn kêu la. Hắn nói:
- Bệnh nhân không còn kêu la, chắc khỏi bệnh rồi.
Hắn sai mọi người khiêng tất cả đồ vật xuống thì thấy hai mắt bệnh nhân lồi ra, miệng trào máu ra ngoài lênh láng, anh ta đã chết từ lâu.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Chàng trai mắc bệnh dụ cho tất cả chúng sinh. Thầy thuốc dụ cho ngoại đạo. Chúng sinh bị mắc bệnh nặng sinh tử và bệnh tham, sân, si. Ngoại đạo chưa hề nghiên cứu Phật pháp, cũng chẳng tinh tiến tu hành. Làm sao nương theo chánh pháp cứu độ chúng sinh được? Kết quả, chúng sinh bị ngoại đạo dắt vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh; hoặc lao vào đường tà. Khác nào như thầy lang băm?
Khổng Tử nói: "Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết". Nhưng có người cố chấp không biết mà nói biết. Vì thích làm thầy thiên hạ, giết hại dân đen. Chẳng những lang băm ở đời hại người mà giới sĩ, nông, công, thương, cảnh sát, thầy giáo cũng có những kẻ tầm thường. Lang băm không chữa bệnh được, chỉ vì muốn kiếm tiền mà lừa gạt người khác, dẫn đến hại rất nhiều mạng người.
Trong tôn giáo, nếu làm không đúng chân lý là hại tuệ mạng của người trong nhiều đời nhiều kiếp. Hại người không thể giải thoát sinh tử, không được thoát khổ được vui. Không phải mắc tội quá nặng là gì? Kẻ tà tri, tà kiến dẫn mọi người đi vào đường tà, đó là tội ác rất nặng. Như thế, chẳng những làm thầy lang băm mà còn là thầy tà.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]