Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 31 - Chuyện 40

13/05/201313:05(Xem: 12494)
Chuyện 31 - Chuyện 40

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 31 - Chuyện 40

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 31
Con lừa đập đồ sứ

Lời dẫn: Chúng ta xây cất một căn nhà lầu cao lớn, chẳng những tốn rất nhiều tiền của mà còn tốn rất nhiều công sức cực khổ mới hoàn thành được. Nhưng chỉ cần một cơn động đất thì trong thoáng chốc bị sụp đổ tan nát, lẽ nào không uổng phí công sức nhiều năm cực nhọc và của cải? Nhưng người nào có khả năng ngăn chặn được thiên tai? Hay khi xây dựng nghiên cứu tỉ mỉ, kiến cố an toàn thì khỏi lo?
Như có một người rất giàu sang, ông ta cũng vất vả làm lụng suốt mấy mươi năm, chi tiêu tiết kiệm, tích góp từng đồng mới trở nên giàu có. Nhưng khi ông bị chết bất đắc kì tử, tất cả tài sản, danh lợi khác nào như mộng huyễn, bọt nước. Vậy người nào có khả năng ngăn chặn khi tử thần đến? Chỉ có tu hành tích đức mới là tài sản nhiều đời nhiều kiếp xài không hết.
Suốt một đời người, lúc còn nhỏ lo đi học để trau dồi kiến thức, rồi học nghề, lại phải cực khổ làm việc nếm trải mùi thất bại, tích góp của cải mới có nền tảng sự nghiệp vững vàng. Một ngày nào đó, làm ăn thất bại phá sản, uổng phí cực khổ cả một đời thì người này đau khổ biết bao! Họ trách số phận kém may mắn; hay trách ông trời không giúp đỡ? Bạn muốn trách vì sao không trách ác nghiệp của mình ở đời trước hay đời này quá nặng? Hoặc trách tự mình không có trí huệ, mới dẫn đến sự việc sai lầm.
Ngày xưa có một bà-la-môn muốn tổ chức một bữa tiệc để đãi bạn bè thân thuộc và những người hàng xóm. Nhưng trước khi đãi tiệc phải chuẩn bị rất nhiều khâu. Ông ta chuẩn bị một số tiền lớn, tìm mua những món ăn vật lạ, tìm mời đầu bếp giỏi, cả bàn ghế, chén tách và che rạp v.v… tất cả mọi việc phải chuẩn bị đầy đủ. Ông gọi tất cả người hầu đến để phân chia công việc. Trong đó, ông chia một người hầu phụ trách công việc chuẩn bị chén đĩa, li tách. Hắn liền đi hỏi thăm lò làm đồ sứ. Khi hắn đến nhà người thợ gốm thì thấy chủ nhà đang buồn rầu khóc lóc. Tên hầu vội bước đến hỏi:
- Vì sao ông buồn khóc vậy?
Người thợ gốm đáp:
- Tôi đã tốn thời gian suốt năm, sáu năm ròng rã mới làm được đồ dùng nhiều như thế. Hôm nay, đem chất trên lưng con lừa chở ra chợ bán, không ngờ bị nghiêng rớt đồ xuống con lừa đập bể sạch tan tành. Làm sao tôi không đau buồn?
Trái lại, tên hầu cho rằng con lừa này rất tài giỏi. Người thợ gốm phải tốn thời gian suốt năm, sáu năm làm được số đồ sứ này, nó chỉ đập phá nát trong chốc lát. Nay ta mua dắt con lừa này về làm việc rất nhanh, chẳng phải giảm bớt công sức của nhiều người? Vì thế, hắn liền mua con lừa dắt về nói với bà-la-môn:
- Thưa ông chủ! Con lừa này rất tài giỏi nên con mua về, nó có khả năng làm việc rất nhanh, đỡ tốn công sức của nhiều người; bởi vì, chỉ trong chốc lát nó đập hết đồ sứ mà người thợ gốm phải tốn công sức suốt năm, sáu năm.
Bà-la-môn nghe hắn nói, liền nổi giận đùng đùng quát:
- Thằng ngốc này! Thiên hạ làm nên cơ nghiệp phải tốn công sức cực khổ rất nhiều và tốn thời gian rất lâu mới được thành công, phá hoại và thất bại chỉ cần trong thoáng chốc; huống gì con lừa này làm bể hết đồ dùng chẳng lấy được một cái chén nào. Ngươi mua nó dắt về làm gì?
Ông bà-la-môn vì không có chén, đĩa nên không tổ chức đãi tiệc được.

Bài học đạo lý

Câu chuyện này là nói lên rất nhiều người giàu có muốn làm công đức, làm việc thiện; nhưng lại sợ tốn nhiều tiền; hoặc do nhiều nhân duyên, điều kiện không thích hợp, như không biết làm việc đó có công đức không? Làm thế nào mới có công đức? Lại nghĩ người kia có thật sự làm việc thiện không? Khi gặp được cơ hội làm việc thiện thì không có tiền; lúc có tiền thì không có cơ hội v.v…Những lý do đó đều không thể thực hiện được nguyện vọng của mình.
Có người suốt đời phát tâm cúng dường ngoại đạo, nhưng vì ngoại đạo không chú trọng tu hành nên cúng dường họ cũng không có công đức. Lại có người bề ngoài hiện vẻ tu khổ hạnh, nhưng lại ham ăn lười biếng; lúc có tiền đam mê cờ bạc hay nhậu nhẹt, cặp bồ với gái đẹp, ăn chơi trác táng v.v…Bạn bố thí cho họ thì khác nào giúp họ tạo nghiệp. Vậy có công đức không?
Mỗi người ở thế gian muốn tạo dựng sự nghiệp đều phải trải qua thời gian dài, nỗ lực làm việc, nếm mùi thất bại, tích lũy kinh nghiệm mới được thành công. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta là ăn, mặc, ở, đi lại, một việc vô cùng vất vả đối với mọi người phải không? Bởi vì, bạn xây được ngôi nhà, trước phải mua mảnh đất, rồi sau lo đi làm nuôi sống cả nhà đủ cơm ăn áo mặc là việc cực khổ nhiều năm; lại tính chuyện dành dụm chi tiêu tiết kiệm, tích góp từng đồng để phòng thân. Nhưng không may, một trận bão to, một ngọn lửa vô tình, một trận lũ ập đến, trong chốc lát bạn liền trắng tay, cho đến tốn của vì con ăn chơi đua đòi, trộm cắp, đất nước loạn lạc chiến tranh đều có thể ba đời bạn tích góp hết sạch trong thoáng chốc. Người đời tạo lập sự nghiệp khó khăn như vậy, hủy diệt rất dễ dàng. Vì sao chúng ta không tạo dựng tài sản mà nhiều đời nhiều kiếp dùng không hết? Đó là tu hành tích lũy công đức.

Chuyện 32
Gã bán vải trộm vàng

Lời dẫn: Bản chất con người có tính thiện hay làm việc thiện một chút thì sợ mọi người không biết; còn có tính ác, làm việc ác thì sợ mọi người biết được. Cho nên, họ luôn che giấu, bình thường chúng ta không thấy được, chỉ khi có cơ hội thì tính xấu, việc làm xấu mới lộ ra; tính thiện cũng như vậy. Con người vốn có hai mặt, tính thiện và tính ác, chỉ khác nhau tính thiện nhiều hay tính ác nhiều mà thôi. Nếu như con người hoàn toàn chỉ có tính thiện không có tính ác là bậc thánh rồi; còn nếu hoàn toàn là tính ác không có tính thiện thì đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Làm người là có nửa thiện nửa ác. Vì thế, chúng ta học Thánh hiền, học Phật, thân cận thiện tri thức là một việc rất quan trọng.
Ngày xưa có hai người bạn thân nhau thường đi buôn bán ở phương xa. Một người bán vải. Một người bán vàng.
Một hôm, họ đến bán ở thôn quê. Trong thôn có một người muốn mua vàng, nhưng không biết vàng giả hay thật. Tục ngữ có câu: "Vàng thật không sợ lửa thử". Người mua vàng yêu cầu đem lửa nấu thử vàng mới chịu mua. Do đó, họ liền ôm củi chất lại đốt lên đem vàng bỏ trong lửa; nếu muốn vàng chảy ra thì phải đợi một khoảng thời gian. Người mua vàng và người bán vàng đều đợi rất lâu. Người bán vàng vào nhà vệ sinh đi tiểu. Người mua vàng vào trong nhà ngồi uống nước.
Lúc này, gã bán vải thừa cơ hội lén gắp vàng ở trong đống lửa, rồi vội vã bỏ vàng nhét vào trong vải. Người bán vàng đi ra, hắn giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, muốn thừa cơ chuồn lẹ. Nhưng vàng bọc trong vải bốc cháy lên, hắn bị bắt ngay tại trận. Chẳng những hắn không lấy trộm được vàng mà vải cũng bị cháy sạch. Người đời thường vì ham lợi mà bị che mờ tâm trí, làm những việc thật ngu ngốc.

Bài học đạo lý

Phật pháp dụ như vàng. Ngoại đạo không biết phương pháp tu hành của Phật pháp, cũng không nương theo pháp mà tu hành, giữ giới. Họ chỉ lấy danh từ của Phật pháp rồi đem sửa lại; hoặc lén học theo nghi thức rồi cho là đạo của mình. Họ đem ra tán tụng ở đạo tràng; chẳng những không phù hợp đúng cách thức mà còn chẳng ra giống gì, chỉ giả làm hình thức mà thôi. Họ không biết được quý giá của Phật pháp ở đâu, cũng tự đánh mất lập trường của mình. Chẳng phải như người bán vải trộm vàng hay sao?
Trong tâm mỗi người đều ẩn chứa tập khí xấu ác tham, sân, si. Có người thì nhẹ, có người bị nặng, gặp nhân duyên thì nó lộ ra. Có người biết tự trọng thì tự mình khắc phục lòng ham muốn để tránh phạm pháp. Khi Khổng Phu Tử còn tại thế, có người đến hỏi:
- Thưa Phu Tử! Giả như ngài gặp cảnh khốn cùng bức bách, bỗng có hai lượng vàng trước mặt và khi ngài ở trong núi thẳm hang cùng, chợt có cô gái vô cùng xinh đẹp đến ôm ngài. Xin hỏi ngài có động tâm không?
Phu Tử đáp:
- Động, động, động!
Phu Tử nói liên tục mấy chữ động. Phu Tử là bậc thánh ở Trung Quốc, tất nhiên không đến nỗi lấy trộm, hoặc làm việc phi pháp; nhưng ngài không dám nói trong tâm mình không động. Vì thế, chúng ta khởi tâm động niệm đều là mầm móng làm thiện hay ác.
Chúng ta có thể thấy tâm tham là thiên tính của nhân loại. Thiên tính này từ đâu? Có phải tự nhiên trời sinh ra không? Trời ban cho người này tính hiền lành, ban cho người kia hung ác; lại có người thì nhẹ, có người thì nặng. Như thế là không công bằng rồi.
Đức Phật dạy: "Liên quan đến tính thiện hay tính ác của con người là do tích tập từ vô thỉ đến nay, có người tích chứa nhẹ, có người tích chứa nặng".
Đã là con người thì có ý nghĩ tham, gặp duyên xấu liền làm ác, gặp duyên tốt thì tính ác cũng biến thành thiện; ngược lại, gặp duyên xấu tính thiện cũng biến thành ác. Vì sao? Vì nó có liên quan đến duyên thiện, ác đời trước mà duyên thiện, ác ảnh hưởng đến đời này. Nhưng có những người đời này mới bắt đầu gặp duyên thiện, ác. Cho nên, chúng ta học Phật, thân cận được thiện tri thức là duyên lành khó gặp.

Chuyện 33
Đốn cây để hái trái

Lời dẫn: Con người là tối linh trong muôn vật, có hiểu biết, có tài năng, có tầm nhìn xa trông rộng, có lương tâm, có đạo đức. Bất cứ làm việc gì, họ cũng suy nghĩ kĩ, dự tính cho tương lai, mới có giá trị tối linh trong muôn vật.
Nhưng có những người sống thực dụng, bất cứ việc gì cũng chỉ thấy lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai, việc này đâu đâu cũng thấy. Như kẻ giết người để cướp của. Kẻ chuyên đi trộm cắp làm nghề sinh sống. Kẻ thừa tiền đi cặp bồ mại dâm làm thú vui. Kẻ có chức quyền tham ô để làm giàu. Kẻ dùng lời ngon tiếng ngọt chuyên đi lừa đảo để sinh sống. Những việc này đều có thể nói là đốn cây hái trái.
Xưa kia có một nhà vua. Trong vườn hoa của vua có trồng một cây ăn trái rất cao to, cành lá sum sê. Mỗi năm, cây này kết trái sai nặng trũi, lại rất thơm ngọt. Người ăn trái cây này chẳng những thơm ngọt mà còn được mạnh khỏe, trẻ đẹp; cho nên, nhà vua rất quý. Nhân dân trong và ngoài nước nghe đồn trái cây quý báu như vậy, ai mà không muốn ăn nó? Đáng tiếc là cây này sống trong hoàng cung, được nhà vua yêu quý thì ai mà dám hái?
Một hôm, có sứ giả người nước ngoài đến yết kiến nhà vua. Vua ra lịnh tiếp đón sứ thần trong vườn cây này. Từ lâu, sứ giả đã nghe trong vườn nhà vua có một cây ăn trái rất quý nên rất muốn ăn thử mùi vị trái cây. Nhưng nhà vua chưa ban cho, làm sao sứ giả dám hỏi? Ngày hôm sau, sứ giả được vinh hạnh yết kiến nhà vua. Vua hỏi:
- Sứ thần không quản ngại đường xa đến đây có điều gì chỉ dạy?
Sứ giả thưa:
- Tâu bệ hạ! Thần không dám. Lần này thần phụng mệnh đại vương nước thần đem phẩm vật đến đây cống nộp, xin ngài vui lòng tiếp nhận.
Nhà vua rất vui vẻ sai bày yến tiệc đãi sứ thần. Sau khi dùng yến tiệc xong, sứ thần thưa:
- Tâu bệ hạ! Thần có nghe trong vườn của ngài có trồng cây ăn trái, quả rất thơm ngọt, người nào ăn trái này được mạnh khỏe, trẻ đẹp. Nhưng cây rất cao lớn không biết bằng cách nào hái cho thần một trái ăn thử có được không?
Suy nghĩ một lúc, vua liền ra lịnh:
- Quân lính đâu! Hãy đốn cây để hái cho sứ thần vài trái.
Sứ thần được vua ban cho trái cây hớn hở trở về nước. Nhưng trôi qua vài ngày, cây liền héo úa, trái rụng xuống đầy mặt đất. Nhà vua vô cùng hối hận, phải chi đừng đốn cây. Từ đó về sau, trong hoàng cung không còn trái cây quý báu thơm ngọt để ăn.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức, con người là động vật có hiểu biết, có tầm nhìn xa trông rộng; nhưng vì hám lợi trước mắt và hưởng thụ vật chất mà không tiếc quý hạnh phúc và tiền đồ vào tương lai nên vứt bỏ sạch. Nhà vua trong câu chuyện là vị đứng đầu cả nước, chúng tôi nghĩ ông không đến nỗi ngốc mà không biết rõ quy luật chặt cây sẽ không sống lại được. Câu chuyện chỉ là thí dụ mà thôi, thí dụ có rất nhiều ý nghĩa. Chúng tôi xin nêu ra vài điều:
Khi con cái còn nhỏ, tất cả mọi việc đều nhờ vào cha mẹ, con cần gì cha mẹ liền đáp ứng. Bất luận là y phục, thức ăn, phương tiện đi lại, tiền học, thuốc men v.v…tất cả mọi việc đều là công sức, tâm huyết của cha mẹ. Thậm chí, cả đời cha mẹ chi tiêu tiết kiệm, tích góp của cải cũng là để lại cho con cái. Phận làm con phải cảm kích và hiếu thuận muôn phần với cha mẹ mới đúng. Nhưng con cái cứng đầu bướng bỉnh làm cho cha mẹ thất vọng, đau buồn. Như thế, chẳng phải làm tổn hại nhân cách và tiền đồ của mình hay sao?
Chúng ta sinh ra ở đây, lớn lên ở nơi này; nơi đây là đất nước của chúng ta. "Mọi người vì ta, ta vì mọi người". Phải nên đồng tâm hiệp lực. Nhưng có người muốn phá hoại sự bình yên của xã hội. Có kẻ muốn làm hán gian. Có người tham nhũng tổn hại tài chính quốc gia. Nếu bị mất nước chúng ta có được sống yên ổn không?
Giao tiếp bạn bè, chúng ta phải dìu dắt, giúp đỡ lẫn nhau là có lợi ích với nhau cùng thành công với nhau. "Thấy lợi quên nghĩa" là chúng ta hại người cũng chính là hại mình. Xã hội, quốc gia đều là một thể giúp đỡ lẫn nhau, là được lợi ích với nhau; làm hại lẫn nhau là có hại chung. Đức Phật dạy: "Nhân quả với nhau". Chúng ta muốn làm người trung hiếu, tiết nghĩa; hay muốn làm người bất trung, bất hiếu, bất nghĩa; muốn làm người lưu lại tiếng thơm muôn đời; hay làm người để lại tiếng xấu vạn năm là trong một niệm của chúng ta.

Chuyện 34
Rút ngắn đoạn đường

Lời dẫn: Có một ông cụ nhìn thấy đám trẻ con đang chơi vui đùa, liền bảo:
- Này các cháu! Các cháu rất ngoan, rất thông minh; cụ lại nghe nói các cháu rất giỏi, ta rất thương quý các cháu.
Bọn nhóc nghe ông cụ khen như thế, hớn hở vui mừng, chạy lại gần ông. Ông cụ dùng chiêu dụ cao hơn:
- Các cháu ơi! Lá cây rụng đầy sân dơ quá, các cháu giúp ông quét sạch được không?
Bọn nhóc vui vẻ quét sạch xong rồi trở về nhà.
Đây là một cách gạt trẻ con. Nhưng vì sao ông cụ lại gạt trẻ con? Vì mưu đồ của mỗi người không giống nhau. Có người làm lợi ích cho mọi người. Có người vì ích kỉ cho cá nhân mình. Có người cố tình lừa đảo vì có mục đích riêng. Có người dạy người khác làm điều thiện v.v…Trong đó, có sự khác biệt giữa thiện-ác, trung-gian, chánh-tà.
Đức Phật cũng có một câu chuyện thí dụ rất hay:
Ngày xưa có một thôn nọ cách hoàng cung của nhà vua khoảng tám mươi dặm. Thôn này có một con suối nước chảy trong veo rất ngọt, nhà vua ra lịnh cho dân chúng ở thôn này: "Mỗi ngày gánh nước suối vào cung vua". Ban đầu, dân chúng họp bàn cách gánh tiếp sức, họ làm một cách miễn cưỡng. Nhưng lâu ngày, dân chúng cảm thấy con đường quá xa, họ đâm ra mệt mỏi, ai nấy đều muốn đi khỏi thôn này, để khỏi phải hàng ngày gánh nước cho nhà vua, công việc nặng nhọc, mất nhiều thời gian, nhưng chẳng có đồng công nào.
Trưởng thôn biết được tin tức này, liền suy nghĩ: "Nếu như dân chúng bỏ đi thì ta tâu với vua như thế nào?". Do đó, trưởng thôn liền triệu tập mọi người mở cuộc họp. Ông nói:
- Kính thưa đồng bào! Hôm nay chúng tôi mời các vị đến đây là để thảo luận vấn đề cải thiện gánh nước như thế nào cho đỡ cực nhọc. Mỗi ngày, các vị gánh nước cho nhà vua rất vất vả, đường đi lại rất xa, nhưng chúng ta không thể không có tinh thần trung thành với vua và yêu nước. Cho nên chúng tôi nghĩ đành phải rút ngắn con đường, đó là cách tốt nhất.
Trưởng thôn vừa phát biểu xong, mọi người đều vỗ tay tán thành, cả hội trường đều nhất trí đồng thanh nói lớn: "Hoan hô hay lắm!".
Trưởng thôn lại hỏi:
- Xin các vị hãy yên lặng! Mọi người có biết từ thôn chúng ta đến hoàng cung có bao nhiêu dặm không?
Mọi người cùng trả lời:
- Dạ, tám mươi dặm.
- Chúng tôi sẽ tâu lên nhà vua từ tám mươi dặm sửa lại thành năm mươi dặm được không?
- Rất tốt! Rất tốt!
Dân chúng trong thôn đều hớn hở đồng ý. Vì thế, thôn trưởng đến thỉnh cầu nhà vua con đường từ tám mươi dặm sửa lại thành năm mươi dặm. Nhà vua phê chuẩn rút ngắn đoạn đường, dân chúng vui mừng khôn xiết như điên cuồng. Họ cho rằng từ nay về sau không còn đi con đường xa như trước. Mặc dù có những người thông minh nói với họ con đường không có rút ngắn, vẫn giống như trước đây. Nhưng dân chúng vẫn không tin.

Bài học đạo lý

Các vị đạo đức! Đức Phật dạy hành đạo Bồ-tát phải tu tam chỉ tu lục độ, trải qua trăm kiếp tu hành mới được tướng hảo. Có người vừa nghe Phật đạo tu lâu dài như thế, liền không dám tinh tiến vươn lên. Do vậy, Đức Phật thuyết pháp khai mở phương tiện nói có ba thừa hoặc năm thừa, chính là nói theo căn cơ của chúng sinh mà có nhiều pháp, cũng có thể làm cho chúng sinh dần dần vào Phật đạo Đại thừa. Nếu bậc thượng căn lợi trí thì Phật nói nhất thừa Phật pháp, đốn ngộ Phật pháp thành Phật, hoặc tức thân thành Phật.
Có rất nhiều chúng sinh đều tham cuộc sống sung sướng hiện tại mà mãi mãi đánh mất tương lai. Nếu bậc trí nói: "Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ", giống như đàn khảy tai trâu, gợi mở tâm Bồ-đề của họ không được. Cho nên phải nói: "Lạy Phật, niệm Phật có linh nghiệm và cảm ứng như thế, họ mới chịu học Phật". Đặc biệt là ngày nay thời đại khoa học kĩ thuật phát triển, mọi người đều tham hưởng thụ cuộc sống vật chất. Nếu chúng ta nói Phật pháp phải tu khổ hạnh như thế, như thế… thì mới thành tựu Phật đạo, họ sẽ tránh xa.
Hiện nay lại gặp thời đại mạt pháp, ngoại đạo thuyết pháp nhiều như số cát sông Hằng, chúng nói: "Tu đắc đạo nhanh chóng". Trở thành hướng chung của mọi người, dù sao họ cũng bằng lòng đến với đạo. Bạn nói đi, bạn đúng? Hay họ đúng? Phương tiện thuyết pháp phải dùng ngôn từ hiện đại để giải thích Phật pháp? Hay dùng khoa học để chứng minh Phật pháp? Hay dùng ngôn từ hoa mĩ để giảng nói Phật pháp? Nếu như dùng phương pháp lừa dối để giảng nói Phật pháp thì Phật pháp trở thành tà pháp. Thuyết pháp không phải là vật để đùa giỡn. Then chốt hướng dẫn mọi người vào chính đạo; hoặc vào tà đạo, chính là ở đây.

Chuyện 35
Bóng người trong gương báu

Lời dẫn: Kinh Kim Cang ghi:
Tất cả pháp hữu vi.
Như mộng huyễn, bọt nước.
Như sương như điện chớp.
Cần phải quán như vậy.
Đây chính là nói: "Tất cả mọi sự vật ở thế gian đều luôn thay đổi, như mộng như huyễn". Bãi bể biến thành nương dâu, nương dâu biến thành bãi bể. Sóng trên sông Trường Giang làn sau đẩy làn trước. Người thế hệ trẻ không lâu thành thế hệ già. Tất cả sự vật trôi qua trong thoát chốc, chỉ lưu lại trong trí nhớ, làm cho chúng ta luân hồi trong sáu đường, sinh tử vô tận, khổ báo vô cùng, không biết khi nào mới thoát khỏi biển khổ?
Xưa kia có một thanh niên con nhà giàu có. Bởi vì, cha mẹ mất sớm để lại cho hắn một gia tài khổng lồ. Gã thanh niên này chưa từng nếm mùi thất bại, trải nghiệm sự đời, cũng không biết sự cực khổ kiếm được đồng tiền. Hắn ỷ mình giàu có nên ăn chơi tác tráng, sống buông thả cho qua ngày. Nhưng của cải có giới hạn mà hắn vung tay quá trán thì vô hạn; chỉ qua vài năm, hắn xài phá sạch gia tài khổng lồ của cha mẹ để lại.
Thoáng chốc, hắn trở thành tên bần cùng không còn gì để duy trì cuộc sống. Ban đầu, hắn đến bạn bè quen thân, hoặc bà con để vay mượn sống cho qua ngày. Sau đó, họ đều từ chối không cho hắn mượn nữa, hắn đến hỏi mượn người lạ; hoặc làm kẻ ăn xin bên đường. Vì các chủ nợ bao vây đòi tiền, hắn không có cách gì trả nổi nên phải bỏ làng ra đi. Do đó, hắn đi thẳng vào rừng sâu vắng vẻ. Đến nơi, hắn thảng thốt bàng hoàng, liều mạng đi tìm rau, trái cây dại ăn cho đỡ đói. Cuộc sống của hắn tuy cực khổ thân nhưng tinh thần an vui.
Một hôm ở trong rừng vắng, bỗng nhiên hắn phát hiện một cái rương đan bằng mây, mở rương ra hắn thấy trong đó rất nhiều của báu vật lạ. Hắn vui mừng khôn xiết chợt thốt lên: "Trời ơi! Ông đã ban của cải cho con". Hắn nghĩ sẽ thanh toán hết nợ nần trước đây hắn đã vay mượn, không còn bị mọi người xem thường và hủy nhục.
Lúc hắn sắp lấy của báu, chợt thấy dưới đáy rương có một chiếc gương. Hắn nhìn vào gương phát hiện có người ở trong đó, làm cho hắn vô cùng sợ hãi. Hắn cho rằng hành vi hắn muốn lấy của báu bị người trong gương phát hiện; vì hắn cho là vật không có chủ, hóa ra là vật có chủ ở đây giữ gìn. Hắn lập tức nói rối rít:
- Tôi xin lỗi! Tôi tưởng là vật không có chủ, té ra ông ở đây. Xin ông hãy tha thứ. Tôi chưa hề lấy vật báu nào, thành thật xin lỗi, xin lỗi!
Hắn nói xong, co giò chạy thục mạng không dám quay đầu lại, sợ người trong gương đuổi theo.

Bài học đạo lý

Một rương đựng đầy châu báu vốn là vật không có chủ, gã thanh niên phát hiện phải thuộc về hắn. Nhưng vì bóng của mình hiện trong gương làm hắn sợ hãi bỏ chạy. Đây không phải là việc đáng tiếc và đáng thương hay sao?
Nhân sinh như trò đùa, như giấc mộng. Cuộc sống con người luôn đi đôi hai mặt: mừng-giận, khổ-vui, giàu sang-nghèo hèn, thành công-thất bại, lợi-hại, được-mất; như một màn diễn tuồng trên sân khấu. Tình thương của cha mẹ, anh em ruột thịt, vợ chồng cũng không thật, chỉ làm cho chúng ta từ mê đến mê, mà còn tạo nghiệp mãi cho đến khi hơi thở sắp tàn vẫn còn nghĩ đến để lại của cải cho con cháu. Tắt thở tức là nghìn thu vĩnh biệt. Cho nên nói: "Khi chết ta chẳng đem theo vật gì, chỉ mang theo nghiệp bên mình".
Cổ Đức dạy:
Mười năm đèn sách không ai hỏi
Phút chốc nổi danh vạn người hay.
Thế nào là nổi danh? Là được đậu trạng nguyên, nhà vua phê chuẩn ngồi trên xa giá diễu hành ba ngày, cờ xí rợp trời, về quê lễ bái ông bà, làm rạng rỡ tổ tiên, mọi người hân hoan chào đón. Nhưng nếu trong thoáng chốc bị gian thần hãm hại thì cả gia tộc đều bị tịch thu tài sản, gia đình tan nát, trở thành kẻ lang thang đi xin ăn khắp đầu đường xó chợ. Xưa nay bước thăng trầm chốn quan trường là việc khó tránh khỏi. Vấn đề quan trọng nhất là con người đến phút cuối cùng vẫn vui đùa trên sân khấu, mờ mịt không biết quay về nơi đâu.
La Trạng Nguyên nói: "Làm quan xử án mấy mươi năm, những chuyện đúng sai có vạn nghìn, một nhà ấm no nghìn nhà oán, công danh nửa đời oán trăm đời". Người nào tránh khỏi oan khiên? Cho dù đời nay không có, nhưng khi xuống âm phủ, vua Diêm La truy cứu thiện ác nhiều đời thì có oan gia trái chủ đời trước tìm đến tính sổ. Bạn thiếu họ, họ thiếu bạn đều tính mãi không xong. Chúng ta đừng vì hạnh phúc nhất thời mà tạo oan khiên nhiều đời, thật không dễ gì gặp được kho báu Phật pháp, mà để năm dục phiền não lôi cuốn, không chịu tinh tiến tu hành; đây là điều thật đáng tiếc và đáng thương.

Chuyện 36
Vì tham mà móc mắt tiên nhân

Lời dẫn: Lòng tham là thiên tính của con người, nhưng tham cũng có tham thiện, tham ác, tham chính, tham tà. Phần đông mọi người đều vì tự tư tự lợi mà tham. Con người vì tham của cải, sắc đẹp, danh lợi mong được càng nhiều càng tốt nên dẫn đến hành vi tạo tội ác. Vì thế, Đức Phật dạy tham, sân, si là ba độc.
Ngày xưa có một tiên nhân ở chốn rừng sâu tu học đạo khổ hạnh, cuối cùng ngài chứng đắc ngũ thông. Ngũ thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông và túc mạng thông. Thiên nhãn thông là có thể nhìn thấu sự vật ở rất xa, dù ở trên trời hay dưới nhân gian. Thiên nhĩ thông là có thể nghe tất cả mọi âm thanh. Thần túc thông là bay đi tự tại khắp thiên hạ năm châu bốn biển. Tha tâm thông là biết được trong tâm người khác đang suy nghĩ điều gì. Túc mạng thông là biết được sự việc mình và người khác ở quá khứ đời trước.
Vị tiên nhân này, vì chứng thiên nhãn thông thấy được châu báu nằm ẩn dưới lòng đất nên chuốc lấy tai họa vào thân. Bởi vì, dân chúng nghe tiên nhân nhìn thấu rõ châu báu ở dưới lòng đất nên một đồn mười, mười đồn trăm truyền khắp cả nước. Nhà vua nghe được tin này, liền hỏi các cận thần:
- Này các khanh! Các ngươi có nghe dân chúng đồn trong núi kia, có vị tiên nhân tu chứng ngũ thông thấy được châu báu nằm ẩn dưới lòng đất không?
Các đại thần thưa:
- Tâu bệ hạ! Chúng thần có nghe nói, nhưng chưa thấy vị tiên nhân này.
- Chúng ta hãy mời tiên nhân này về ở luôn trong nước của chúng ta, để ông ta chỉ chúng ta khai thác tài nguyên ở dưới lòng đất. Khanh nào mời được ông ta để chỉ kho tàng châu báu?
Có một đại thần thưa:
- Tâu bệ hạ! Thần xin đi vào trong núi thỉnh vị tiên nhân này.
Vị đại thần này đi vào núi mời tiên nhân. Nhưng bất luận đại thần dùng mọi cách khuyên mời, cưỡng bách, dụ dỗ mà tiên nhân vẫn không chịu nói kho tàng châu báu. Cuối cùng đại thần móc mắt của tiên nhân đem về dâng lên nhà vua. Vua hỏi:
- Tại sao khanh lại móc mắt của tiên nhân?
Đại thần thưa:
- Tâu bệ hạ! Cho dù thần dùng đủ mọi cách nhưng tiên nhân cũng không chịu hợp tác, ông ta có thể thấy châu báu trong lòng đất chính là đôi mắt này; cho nên thần móc mắt của ông ta thì thấy được châu báu trong lòng đất. Chúng ta cần gì hợp tác với ông ta?
Bài học đạo lý
Nhà vua vì muốn khai thác kho tàng châu báu trong lòng đất mà cầu tiên nhân chỉ dạy. Tên đại thần vì không sai khiến được tiên nhân nên móc mắt của ông. Một người là tham, một người là ngu si, cấu kết với nhau hại tiên nhân. Hại người lại không lợi mình thành bất chính là do tâm tham thôi thúc phải không?
Lòng tham như là thiên tính của nhân loại. Thật ra là thói quen từ vô thỉ đến nay, chúng ta gọi thiên tính cũng được, thói quen cũng chẳng sai. Làm người không thể không có lòng tham, có tham người ta mới cạnh tranh lẫn nhau, thúc đẩy xã hội, quốc gia tiến bộ nhanh chóng. Nếu như con người không có lòng tham thì ai nấy đều sinh ra lười biếng, ngay cả chuyện ăn uống cũng trở thành vấn đề bàn cãi thì tiến bộ cái gì?
Mỗi việc ở thế gian đều có hai mặt đúng sai. Chúng ta theo phương pháp chính đáng để cạnh tranh cầu tiến bộ, tất nhiên là đúng. Nhưng thường ở thế gian là tham không biết đủ, đưa đến tranh giành, tính toán so đo, tạo nghiệp. Vậy mọi người có thể ngăn chặn được lòng tham phạm pháp không? Có người hiểu sai nói: "Phật pháp tiêu cực dạy người không được tham". Kì thật, tham hợp tình hợp lý và không trái với Phật pháp. Bởi vì: "Phật pháp ở thế gian không lìa thế gian mà giác ngộ". Phật pháp ở thế gian làm lợi ích cho thế gian, giác ngộ ngay thế gian, bằng không thì Phật pháp chẳng có ai đến. Có hạng người tham là tham không đáy, đều là tham hại người lợi mình, tham bóc lột người khác là tham tạo nghiệp làm ác. Vì thế, Phật pháp nói tham, sân, si là ba độc. Chúng ta muốn tránh khỏi tham ác này thì phải có trí huệ.

Chuyện 37
Giết oan đàn trâu

Lời dẫn: Dân gian ta có câu: "Ăn không được thì phá cho hôi." Đây chính là nói những gì mình muốn không được thì cũng không muốn người khác có được; đó là căn tính thấp hèn của nhân loại. Người làm việc sai trái thường hay che giấu. Khi sự việc bị người khác phát giác không thể che giấu thì thấy xấu hổ hóa khùng, làm những việc thật đáng tiếc; đây cũng là căn tính thấp hèn của con người. Là do lỗi của ai? Nên trách người phát giác hay trách mình làm việc sai trái? Cả hai. Nếu hai bên có lý trí một chút thì sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc. Tốt nhất là mọi người đều phải có lý trí, hay mọi người đều không nên làm việc sai trái để rồi phải che giấu.
Thuở xưa có một người nông dân nuôi hai trăm năm mươi con trâu. Mỗi ngày, hắn thức dậy từ sáng sớm đến tối mịt chăm sóc đàn trâu chu đáo. Vì do chăm sóc đàn trâu có lúc hắn quên ăn bỏ ngủ, lao tâm khổ tứ vì chúng. Nhờ hắn cần cù chịu khổ như vậy, nên cuối cùng hắn trở thành người chăn trâu giàu có nhất trong thôn. Đàn trâu sống trong môi trường thoải mái, ăn uống đầy đủ nên mập mạp, lông bóng mượt.
Một hôm có một con cọp từ trên núi xuống, nó xông thẳng vào chuồng tấn công bầy trâu ăn no ngủ kĩ, thân trâu tuy mập to nhưng ít linh hoạt lại ngu cực kì; cuối cùng, cọp vồ giết chết một con. Trong chốc lát, nó ăn no rồi lặng lẽ trở về rừng. Khi gã nông dân phát hiện trâu bị giết thì không biết cọp đi về hướng nào.
Gã nông dân chẳng những không nghĩ cách để bảo vệ an toàn cho đàn trâu mà còn càm ràm với chúng: "Ta đã khổ công nuôi hai trăm năm con trọn vẹn, nhưng nay lại bị cọp ăn mất một con thì giống như bình ngọc có vết nứt, còn có giá trị gì đâu mà nuôi giữ?". Hắn rất đau buồn tự nói lầm bầm: "Tại sao lúc đầu ta bỏ ra một số tiền vốn rất lớn để nuôi đàn trâu này? Vì sao ta phải cực khổ đi khai hoang vùng đất rộng rãi trồng cỏ nuôi trâu như thế? Mà nay đàn trâu không còn được đầy đủ, để chúng nó sống có ý nghĩa gì?".
Hắn ngồi cúi đầu trầm tư suy nghĩ trong chốc lát, cuối cùng hắn quyết định táo bạo. Hắn lùa hết đàn trâu nhiều năm nuôi nấng cực khổ đến bên mé vực thẳm, hang sâu thăm thẳm, hắn đánh đập đẩy từng con lao xuống vách núi hang sâu; cả đàn trâu hai trăm bốn mươi chín con đều chết oan hết. Hắn lại khinh khỉnh ra về.

Bài học đạo lý

Người xuất gia thụ trì hai trăm năm mươi giới, nếu không chuyên tâm giữ gìn, lỡ phạm một giới không lo sám hối, lại nghĩ: "Ta đã không giữ giới trọn vẹn, chi bằng phạm nhiều giới; hoặc phạm tất cả giới thanh tịnh". Như thế, chẳng những không ra thể thống một người xuất gia mà ngay cả cư sĩ tại gia cũng không bằng, thì khác nào như gã nông dân nuôi dưỡng bầy trâu cực khổ rồi đẩy hết xuống hang sâu?
Kiến thức của con người có nông-cạn không giống nhau. Thiện-ác, trung-gian cũng khác nhau rất xa, hành vi tà-chính cũng sai biệt rất lớn, tâm con người là biến thiên vạn hóa. Cho nên, chúng ta muốn đánh giá tốt xấu về người nào đó thật không dễ dàng. Cổ đức dạy: "Quen biết khắp thiên hạ, hiểu mình được mấy người".
Có những người có học vấn, kiến thức rất rộng nhưng làm việc lại làm những việc rất ngu xuẩn. Có người tuy học vấn, kiến thức kém nhưng làm việc lại hợp tình hợp lý. Đây gọi là: "Người làm việc giỏi có kiến thức kém, người làm việc dở có kiến thức rộng".
Tại sao tâm con người biến thiên vạn hóa? Tại sao người làm việc giỏi mà kiến thức kém? Có người nói vận mệnh sai khiến. Có người nói quỉ thần sai nó như vậy. Phật pháp nói: "Tất cả mọi việc đều do nghiệp sai khiến". Bởi vì từ đời vô thỉ đến nay, chúng ta đã tích tập rất nhiều nghiệp thiện ác, nghiệp lực thiện ác này sinh khởi hiện hành, gặp hoàn cảnh như thế nào thì nghiệp lực dẫn dắt như thế ấy. Cho nên, dù người trí thức rộng, nhưng cũng làm những hành vi thấp kém; hoặc hành vi lúc thiện lúc ác.
Vì thế, chúng ta học Phật, trước phải học chánh tri, chánh kiến; giống như chúng ta muốn đến một nơi nào phải biết rõ đường đi. Tin theo mù quáng, chẳng những không đạt được mục đích mà còn rời xa mục đích càng ngày càng xa. Chúng ta làm người, xử thế cũng phải có chính tri, chính kiến thì mới có thể tránh được làm ác, tạo nghiệp. Chúng ta tu hành cũng vậy phải nỗ lực tinh tiến, tu tập chính định mới có thể khai mở trí huệ. Nếu không thì đi vào tà đạo thật đáng tiếc biết bao.

Chuyện 38
Mong nước đừng chảy

Lời dẫn: "Người phải vươn lên, nước thì chảy xuống". Đây chính là tính chung của sự vật. Con người sống mà không vươn lên là người không có chí khí. Nước không chảy xuống trừ phi có vật chặn nó lại, lý lẽ này rất rõ ràng. Nhưng vẫn có người không biết nguyên lý này, lại không chịu học theo chí khí của người khác để hiểu biết mà chỉ mong thành công, giống như nước không chặn lại mà muốn nó đừng chảy, chẳng phải là hành vi của kẻ ngu si hay sao?
Thuở xưa có một người rất thích đi du lịch, có thể nói năm nào hắn cũng đi khắp đó đây. Cổ đức dạy: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.". Người đi du lịch nhiều nơi làm tăng trưởng sự hiểu biết, tâm trí càng nhìn rộng. Nhưng hắn chẳng có tăng trưởng kiến thức tí nào, trái lại còn cố chấp bị vật trói buộc.
Một hôm, hắn đi trên đường vừa mỏi mệt vừa đói khát, nhưng phía trước là một cánh đồng hoang vu, không có một con sông cũng không có ao hồ. Biết tìm nước uống ở đâu đây? Đang lúc buồn rầu hắn chợt phát hiện ở phía đông cánh đồng thấp thoáng một ngọn núi. Hắn nghĩ: "Có núi ắt phải có nước", nên hắn đi thẳng đến chân núi. Quả nhiên, có người đang cày ruộng dưới chân núi, họ nối nhiều ống tre để dẫn nước vào ruộng, nước từ trong ống tre chảy ra trong veo mát lạnh. Hắn nhìn thấy dòng nước chảy ra vui mừng khôn xiết, liền uống một hơi thoả thích.
Hắn uống nước no xong, bỗng nhiên nghĩ ra một cách kỳ quái: "Ta mong nước trong ống tre đừng chảy ra nữa vì ta đã uống no rồi, đã khát rồi. Tại sao nước vẫn chảy mãi nhỉ". Do đó, hắn nổi tức giận, điên cuồng quát lên: "Ta đã uống no rồi. Tại sao mi cứ chảy mãi thế?". Lúc hắn đang tức giận đùng đùng thì có một người nông dân ở bên chân núi đến hỏi:
- Này anh! Người nào chọc anh tức giận thế?
Hắn đáp:
- Dòng nước này không biết gì cả, lúc nãy tôi khát khô cổ họng nên tìm đến đây, giờ đã uống thỏa thích rồi. Vì sao nước cứ chảy mãi thế này? Thật là tức chết đi được!
Hóa ra là tên quá thô lỗ, ngu si. Người nông dân không thèm đếm xỉa đến hắn bỏ đi về phía trước.

Bài học đạo lý

Muôn sự muôn vật ở thế gian đều có nhân mới có quả. Chúng sinh vì ưa tham đắm năm dục mà tạo nghiệp, không chịu buông bỏ thì làm sao không bị quả báo khổ nạn? Khi họ chán ngán cảnh trần, không còn hứng thú; nhưng nếu không đoạn tham dục trong tâm thì làm sao ngăn được dòng nước ham muốn đừng chảy? Hoặc không đoạn nguồn gốc năm dục thì cũng giống như gã ngu si kia không ngăn dòng nước mà muốn nó đừng chảy, thật là nực cười.
Cây có cội, nước có nguồn. Cổ đức dạy: "Vật có gốc ngọn, sự có thỉ chung, người biết trước sau là gần đến đạo". Con người có sang-giàu, nghèo-hèn, khôn-dại, hiền-dữ; cho đến tính tình có thiện-ác, trung-gian, chánh-tà đều là nghiệp nhân từ quá khứ, chiêu cảm quả báo khổ vui đời hiện tại. Chúng ta không biết truy tìm nguồn gốc, chỉ trách móc nghiệp quả; hoặc oán trời trách người thì có ích gì?
Vì thế, Đức Phật dạy: "Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả". Bậc giác ngộ biết rõ tạo nhân gì sẽ đưa đến quả đó. Cho nên, Tử Tư nói: "Mỗi ngày ta xét lại thân ta ba lần". Các ngài như vậy làm việc có sai lầm không? Có nói lời đắc tội với người khác, hay nói sai lầm không? Hành động có lỗi với người khác không? Người luôn kiểm điểm như vậy ít tạo ác nghiệp mà tăng trưởng đạo nghiệp. Còn hàng phàm phu nói ra hay hành động đều tăng trưởng tội nghiệp mà tự mình không biết; cho nên lưu chuyển trong sinh tử, nghiệp báo vô cùng.
Đời trước, chúng ta có tạo nhiều nghiệp, nên đời nay chịu nhiều quả báo, xảy ra những chuyện tai nạn, đau khổ; nhưng không biết sám hối tu hành, lại mê muội cầu thần, khấn Phật; giống như "trèo cây bắt cá" phải không? Đức Phật dạy nhân nào thì quả đó. Nhưng mọi người cố chấp không tin, lại tin xem bói, đoán mạng; khi xử lý sự việc khác nào trèo cây bắt cá? Từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã tích tập những thói ác tham, sân, si; cho nên sinh tử vô cùng, khổ báo vô tận. Nếu không chịu nỗ lực tu hành mà oán trời trách người thì giống như gã ngu si trong câu chuyện trách nước chảy mãi phải không?

Chuyện 39
Uổng phí bột gạo

Lời dẫn: Ở Đài Loan có một câu tục ngữ rất hay: "Vật có hình dáng thì nhìn thấy được, nếu không có hình dáng thì tự mình suy nghĩ". Vật có hình dáng là chúng ta học rất nhiều người mới đuổi kịp thời đại văn minh. Tự mình tư duy là có người phát minh sự vật càng nhiều càng tốt thì càng lý tưởng. Nhưng phần đông biến khéo thành vụng, làm trò cười cho thiên hạ. Người tự cho mình là thông minh thì chẳng phải tự chuốc nhục vào thân?
Ngày xưa có một gã thích đi ngao du đó đây. Một hôm, hắn đến nhà người bạn lâu ngày mới gặp lại. Hắn thấy trên vách tường nhà người bạn láng coong rất xinh đẹp, hắn rất ngưỡng mộ vội hỏi:
- Này anh! Hãy chỉ dùm tôi vật liệu quét trên vách tường là thứ gì?
Người bạn chỉ:
- Việc này chẳng có khó khăn gì, tôi đem gạo xay thành bột, rồi thêm bùn và nước trộn đều; sau đó, tôi trét lên rồi chà cho phẳng láng, nên được đẹp như thế.
Hắn nghe người bạn nói khoái chí vô cùng, liền nghĩ: "Khi ta trở về phải làm cho nhà mình láng coong như thế mới xinh đẹp".
Sau khi, hắn trở về nhà, chuẩn bị các vật liệu bột gạo, bùn. Hắn lại suy nghĩ: "Gạo xay thành bột mịn đẹp như thế rồi, nếu như ta đem bột gạo trộn với bùn thôi, không cần nước thì trét lên tường chẳng phải xinh đẹp, sang trọng hơn nhà anh bạn hay sao?".
Nghĩ sao làm vậy, hắn lấy bột gạo trộn với bùn rồi trét lên vách tường. Nhưng khi hắn trét lên chẳng những không thấy bằng phẳng, láng bóng mà cả vách tường đều bị lòi lõm, xù xì rất là xấu xí; lại bắt đầu nứt nẻ rớt xuống. Đây không phải là biến đẹp thành xấu hay sao?

Bài học đạo lý

Có những kẻ ngoại đạo nghe bậc Thánh hiền dạy tu các pháp thiện sẽ được sinh lên cõi trời; hoặc thành Thánh hiền. Nhưng sau khi họ suy nghĩ kĩ, lại kết luận: "Con người sau khi chết không thể sinh cõi trời, chúng ta tốn nhiều công sức tu hành, làm việc thiện để làm gì?". Vì thế, họ muốn mau sinh lên cõi trời, nên liền tự sát. Họ cho rằng phương pháp tự sát là khỏi tốn nhiều công sức tu hành, làm việc thiện, là con đường tắt thẳng đến cõi trời.
Ai cũng biết họ tự sát, chẳng những không sinh lên được cõi trời mà còn phải chịu đau đớn, lại tăng thêm tạo tội nghiệp sát, sẽ chịu quả báo đọa địa ngục. Việc này khác nào lấy bột gạo trét tường, chẳng những không làm cho vách tường bóng láng xinh đẹp mà còn xấu xí hơn lúc đầu. Thật lãng phí bột gạo, tiền bạc và công sức.
Ở đời, người tự cho mình là thông minh rất nhiều. Nếu như một sản phẩm nào bán chạy thì có kẻ liền làm hàng giả, nhái theo nhãn hiệu để tung ra thị trường; kết quả hàng giả vẫn là hàng giả, lừa đảo chỉ một lúc nào đó không thể lâu dài được. Bọn buôn lậu vì hám lời nhất thời, cho đó là việc làm thông minh. Nhưng hại sức khoẻ của người tiêu dùng, họ được lợi ích; trái lại, họ tự phá hủy danh dự uy tín của minh, đến khi bị mọi người phát hiện thì nhân cách và đạo đức của họ suy đồi trầm trọng, không còn uy tín, mọi người nhìn thấy lánh xa. Họ có làm việc gì cũng không ai chịu hợp đồng; đây chính là quả báo thất bại.
Kẻ trí thức cùng với người xấu làm điều xấu, cùng nhau tham ô, bòn rút của công. Người nông dân vì hám lợi gieo phân bón hóa học cho nhiều, thúc lúa lớn nhanh, dẫn đến hại sức khỏe mọi người. Công nhân trộm lấy vật tư đi bán lén bên ngoài, làm cho nhiều công trình không đảm bảo chất lượng bị sụp đổ. Kẻ kinh doanh dùng nhiều chất hóa học, hàng giả tung ra thị thường bán giảm giá, hại người dân tiêu dùng, mình được giàu to. Như vậy, ai nấy đều tàn hại lẫn nhau, làm cho xã hội bất ổn khắp nơi.
Có những quốc gia hao tốn rất nhiều tinh thần và vật chất để bồi dưỡng nhân tài, phát minh ra những thành phẩm mới. Lại có những nước đi trộm lấy chất xám của người nước khác đã cực khổ nghiên cứu tìm tòi, chế tạo ra hàng dỏm để cạnh tranh với hàng thật. Có những người đầu tư số vốn rất lớn để quay dựng một bộ phim, vừa hoàn thành thì lập tức có kẻ gian sang đĩa trộm tung ra thị trường để bán đại hạ giá.
Phật giáo hoằng dương giáo pháp suốt mấy nghìn năm khắp thế giới, mới đi vào trong dân gian, kiến lập sự tín ngưỡng đến với mọi người. Có những kẻ lưu manh trộm danh từ Phật pháp sửa đổi thành một giáo môn riêng của mình, lại còn dùng lời bịa đặt dụ dỗ, hăm dọa dân chúng, dã tâm tham vọng muốn thu phục nhiều tôn giáo quy về một. Xã hội như thế làm sao bình yên được?

Chuyện 40
Thầy thuốc thành thật

Lời dẫn: Người làm thầy thuốc trị bệnh cho mọi người, nhưng tự mình mắc bệnh thì không chữa được. Người làm thầy giáo đi dạy con cái của người khác, nhưng không dạy được con mình. Tiên sinh Giám Dự xem địa lý, phong thủy cho mọi người, nhưng địa lý, phong thủy nhà mình thì lại rất xấu. Thầy bói xem tướng, đoán vận mạng cho mọi người, nhưng không biết vận mạng của mình ra sao. Thế gian có rất nhiều việc tự mình không biết cũng không làm được lại đi dạy cho thiên hạ, chỉ vì cuộc sống kiếm đồng tiền mà làm việc trái với lương tâm, nói điều giả dối. Thế gian này, bạn có gặp được bao nhiêu người thẳng thắn và thành thật?
Thuở xưa có một tên bị đầu sài, hắn vô cùng đau khổ vì cái đầu sài của mình. Mùa đông có thể mặc nhiều y phục thân được ấm áp; nhưng trên đầu cho dù đội chiếc mũ rất dày mà vẫn sợ lạnh. Mè hè thời tiết nóng nực, hắn phải đội mũ mãi quả là một cực hình; nhưng không đội mũ thì ruồi, lằn, mũi luôn vo ve bay đậu ở trên đầu thật là bực mình, làm cho hắn ngày đêm sống không yên ổn.
Một hôm, tình cờ hắn gặp lại người bạn nhiều năm không gặp. Hắn than thở với bạn. Người bạn bảo:
- Cách đây khoảng hai mươi dặm có một thầy thuốc rất giỏi, bất cứ bệnh nan y nào qua tay thầy đều chữa khỏi bệnh. Vì sao anh không tìm đến vị thầy này?
Tên đầu sài nghe bạn mách bảo rất vui mừng. Do đó, hắn theo địa chỉ người bạn ghi để lại tìm đến nhà thầy thuốc; cuối cùng hắn cùng tìm ra được. Hắn đến nhìn thấy tấm bảng treo ghi: "Bạn hãy ngồi đợi một lúc, rồi gặp được thầy thuốc tài giỏi".
Khi hắn gặp thầy thuốc bày tỏ nỗi đau khổ của mình, xin thầy khám chữa trị dùm. Vị thầy thuốc lấy mũ đang đội xuống nói:
- Anh xem, tôi cũng bị bệnh đầu sài, bệnh của tôi không chữa trị được; làm sao chữa cho anh?
Vị thầy thuốc này rất thẳng thắn chân thành, ông có khả năng chuyên tâm trị bệnh cho nhiều người, nhưng có những bệnh ông thấy mình không chữa được thì nói cho người bệnh biết để họ tìm cách chữa, không để chậm trễ. Ông quả thật là một vị thầy thuốc tốt không lừa dối mọi người để moi tiền.

Bài học đạo lý

Ở đời có rất nhiều việc tự mình không hiểu rõ mà cứ khăng khăng y theo văn tự, nghi lễ chỉ dạy cho người là mình mê người mê, dối mình lừa người. Cuộc đời này, nếu ai cũng ngay thẳng chân thật, không lừa dối thì không biết sẽ giảm biết bao nhiều điều thị phi, ít đi kẻ tạo tội nghiệp. Vì sao tiên sinh Giám Dư không tìm cho mình địa lý và phong thủy tốt để được làm ăn giàu có, hay được làm quan? Thần đồng, thầy bói vì sao không chỉ cho mình kiếm được số tiền lớn hay gặp nhiều cơ hội vận may? Những điều này rõ ràng là tự mình cũng không biết được. Vậy tại sao lại đi xem vận tốt, vận xấu cho mọi người? Mọi người vì danh lợi mà dẫn đến việc lừa dối rất nhiều.
Trước đây, có một phụ nữ đến chùa thưa với chúng tôi:
- Bạch sư phụ! Thầy bói nói tướng mạng con tháng đó, năm nay bị sao xấu, làm ăn thất bại, e gặp tai nạn. Xin sư phụ tụng kinh cầu nguyện cho con tiêu trừ tai nạn, giải trừ vận xấu được không?
Chúng tôi nói:
- Này cô! Tai nạn phải tự mình tiêu, vận xấu cũng tự mình giải; người khác không giải thay cho cô được. Bởi vì, tất cả nghiệp báo tai nạn đều do đời quá khứ mình đã tạo, tự mình phải biết tu hành, sám hối mới có thể tiêu trừ. Người khác tụng kinh, sám hối hồi hướng cho cô chỉ là gián tiếp; tự mình tu hành sám hối mới là việc trực tiếp. Vả lại, người khác tụng kinh cầu nguyện cho cô cũng là việc một, hai ngày; tu hành sám hối là việc hàng ngày phải tu, phải thực hành. Tai nạn không phải việc một ngày, hai ngày bạn tụng kinh có thể tiêu trừ hết được; cho nên, tự mình phải tu là việc thích hợp nhất.
- Bạch sư phụ! Con không biết tụng kinh.
- Cô không biết tụng kinh thì niệm danh hiệu Phật đều tiêu trừ tai nạn giống nhau.
Từ đó, cô ta trở về nhà bắt đầu niệm Phật.
Vậy làm thế nào người đời chân thành thẳng thắn không lừa dối? Trừ phi bạn không màng tới danh lợi, vì danh lợi nên mọi người sống không chân thật rất nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]