Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đệ Tử

10/05/201320:15(Xem: 12187)
Đệ Tử

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Đệ Tử

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

ĐẠI Ý TOÀN PHẨM


Điểm chính của phẩm này là các đệ tử lớn của Phật như tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả Ca-diếp… trình bày câu chuyện đối đáp giữa các vị và ông Duy-ma-cật. Phật sai các vị đến thăm bệnh trưởng giả, nhưng tất cả đều từ chối không kham vì hầu hết đã bị chính trưởng giả thuyết pháp chinh phục trong từng trường hợp riêng. Có phải trưởng giả Duy-ma-cật là người tài giỏi cao ngạo? Và hàng Thanh văn đệ tử Phật được xem như yếu kém?
Ở đây chúng ta nên gác qua ý niệm hơn thua khi đọc phẩm này, vì đó chỉ là suy nghĩ thường tình thế gian. Phật pháp có một ý nghĩa cao rộng siêu việt. Mượn lời trưởng giả Duy-ma-cật để bổ túc cho vấn đề được nêu ra hoàn thiện hơn, để khai mở một khía cạnh phong phú mà từ trước chúng ta chỉ quen nhìn một chiều. Đây là tính cách đả phá để thành lập. Hai bên bổ túc cho nhau, hay nói đúng hơn đem quan điểm Đại thừa để đẩy mạnh con đường Thanh văn đến chỗ hoàn thiện đầy đủ, để khai phóng cách nhìn, không bị gò bó trong một ước lệ nào cả.

1- Tôn giả Xá-lợi-phất


Tôn giả đang ngồi yên trong rừng, ngồi yên có thể là đang tĩnh tọa, hay đang nhập định. Duy-ma-cật trình bày một quan niệm khác về ý nghĩa ngồi yên: Không cần ngồi, và không hẳn ngồi đã là yên. Đó là điểm mới mẻ tuy khó thực hiện. Ở trong ba cõi mà tâm ý không dính trong ba cõi, không ra khỏi Diệt định vẫn cử động oai nghi cũng được xem như nhập định…
Chú trọng về tâm mà không lệ thuộc vào thân, nghĩa là giữ tâm không hướng ra hay hướng vào để tâm yên đó là ngồi yên. Đối với các chỗ thấy nghe không bị động, không bị lay chuyển - xem như đã xong đã vững - nhưng vẫn tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Ngồi yên như thế là vượt qua hai bên, vượt cả động và tịnh, yên và không yên. Đó là ý của Duy-ma-cật hay là một ý khác của Đại thừa Phật giáo về tính ngồi yên.

2- Tôn giả Mục-kiền-liên


Ngài Mục-kiền-liên đang thuyết pháp cho cư sĩ, Duy-ma-cật đến biện biệt về ý nghĩa của chư pháp và cách nói pháp. Trước tiên nêu lên nguyên tắc “Phàm thuyết pháp nên như pháp mà thuyết”, nghĩa là nói pháp phải nói được chỗ pháp chân thật hay là tính tuyệt đối của pháp. Pháp lìa cả ngã, nhân chúng sanh, thọ mạng, pháp thường vắng lặng vì diệt các tướng, pháp lìa ngôn ngữ danh tự, pháp không hình tướng như hư không, pháp không có tính cách sở hữu, vượt ra ngoài đối đãi. Pháp như thế là pháp tánh, là bản tánh chân thật thường nhiên, như thế làm sao nói bàn? Không người nói không người nghe, nếu có nói thì cũng như người huyễn nói cho người huyễn nghe. Đây là chỗ Duy-ma-cật muốn nhấn mạnh chỗ sở đắc của ngài Mục-kiền-liên là thần thông, thần thông ví như trò ảo thuật, Ngài sử dụng ảo thuật thì chẳng có gì thiệt. Đề cập đến chân lý tột cùng thì làm sao có pháp để nói.

3- Tôn giả Đại Ca-diếp


Ngài Đại Ca-diếp đi khất thực, nhân đó bị Duy-ma-cật chê Ngài lòng từ bi không trùm khắp, còn bỏ nhà giàu mà xin nhà nghèo. Ông nói về pháp bình đẳng và tính cách cao siêu của việc khất thực. Khất thực là xin ăn để nuôi mạng sống, nhưng phải là không ăn không thọ, xem thân này như xóm làng vô chủ, gặp sáu trần mà không dính mắc mà thấy được lý đạo, biết rõ các pháp vốn không sanh không diệt. Khi tâm không dính mắc, không hạn cuộc vào chánh tà, bình đẳng không hai thì nên ăn, nên đi khất thực.
Chúng ta nghĩ ăn là việc bình thường, nhưng Duy-ma-cật nhân đó đưa việc ăn uống lên một phương diện tuyệt đối, nhắc đến một tính cách tha thiết “thấy các pháp bình đẳng”. Các pháp bình đẳng không hai tướng là chủ đích mà Duy-ma-cật dùng để biện luận với các hàng đệ tử Thanh văn của Phật.

4- Tôn giả Tu-bồ-đề


Ngài Ca-diếp chuyên đến nhà nghèo khất thực, bị Duy-ma-cật chận lại thuyết pháp. Đến phiên ngài Tu-bồ-đề, đến ngay nhà trưởng giả khất thực cũng được nghe nói về sự bình đẳng. Bình đẳng đối với tham sân si không lấy không bỏ, bình đẳng giữa vô minh và giải thoát… bình đẳng giữa đắc và không đắc, giữa thánh nhân và phàm phu. Nếu được đến chỗ này nhìn tất cả với con mắt nhẹ nhàng. Tiến thêm một bậc nữa, nếâu tôn giả không theo Phật pháp mà theo ngoại đạo, tôn họ làm thầy, họ đọa tôn giả cũng đọa, Ngài luôn ở trong phiền não mà lìa pháp thanh tịnh. Người cúng dường tôn giả không gặp phước mà đọa ba đường dữ… Chỗ này mới thật là mang nhiên, ai lại có thể chọn một phương pháp trái nghịch như thế?
Tôn giả Tu-bồ-đề còn sợ không dám cầm bát cơm do Duy-ma-cật cúng. Nhưng trưởng giả đã nhắc: “Tất cả những điều tôi nói như người huyễn thuật nói, người biến hóa nói đâu có gì thật”. Tôn giả Tu-bồ-đề được Giải không đệ nhất mà đến chỗ này còn phải lúng túng. Thật ra đó là một cách trình bày về Tánh Không đệ nhất nghĩa.

5- Tôn giả Phú-lâu-na


Tôn giả được biệt danh là Thuyết pháp đệ nhất, khi thuyết pháp cho các tân Tỳ-kheo đã bị Duy-ma-cật nhắc nhở – phải quán sát tâm ý căn cơ người nghe, đừng đem pháp Tiểu thừa chỉ dạy giống như đem biển cả nhét vào dấu chân trâu… Và trưởng giả đã làm cho các Tỳ-kheo nhớ lại cội gốc căn lành và phát tâm Bồ-đề. Điều này hàng Thanh văn làm không được nên Phú-lâu-na tán thán.

6- Tôn giả Ca-chiên-diên


Tôn giả được gọi là Luận nghị đệ nhất, tức là người bàn giải về những lời Phật dạy rất thấu đáo, có thể giúp kẻ sơ cơ hiểu rõ hơn. Như thế, một hôm tôn giả diễn giải ý nghĩa của vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt thì gặp Duy-ma-cật đóng góp ý kiến.
Theo ý Duy-ma-cật, tôn giả chưa diễn đạt được thật tướng các pháp, nghĩa là chưa diễn đạt toàn thể mà chỉ nói được một phần thôi. Lật ngược lại ý nghĩa của vô thường là bất sanh bất diệt, sanh diệt chỉ là tướng vô thường nhưng pháp thể không hề sanh diệt, diễn bày được như thế mới thấu tận nguồn. Các ý nghĩa khác cũng thế. Các Tỳ-kheo nghe Duy-ma-cật nói xong đều được tâm giải thoát.

7- Tôn giả A-na-luật


Khi bàn về Thiên nhãn, tôn giả bị Duy-ma-cật vấn nạn là chỗ thấy của Thiên nhãn là hình tướng tạo tác. Hình tướng tạo tác là do sự vận dụng của nhãn căn, vin theo tướng trạng sự vật thì có cái thấy bị sanh diệt. Còn nếu không phải tướng tạo tác thì nó thuộc phần vô vi, không hình tướng thì thấy bằng gì?
Chỉ có đức Phật mới thực hiện cái thấy chân thật không do tạo tác và chẳng tạo tác.

8- Tôn giả Ưu-ba-ly


Được mệnh danh là Trì luật đệ nhất. Tôn giả đang giải quyết vấn đề phạm tội của hai thầy Tỳ-kheo. Duy-ma-cật bảo Ngài giải quyết đúng theo luật là làm tăng tội cho họ, làm họ bất an thêm. Vì bản chất của tội không thật, tùy tâm mà phát sanh, nếu tâm ô nhiễm thì đắc tội, nếu tâm thanh tịnh, vô tư thì không tội. Nhìn về phương diện tâm như thế thì tất cả chúng sanh đều có phần không cấu nhiễm nên tùy trường hợp để kết tội. Tất cả pháp đều biến thiên, đều trôi qua như mộng, đều là hình bóng phản chiếu, nhìn như thế vọng tưởng sanh chỗ nào? Không vọng tưởng thì tội không phát sanh, đó gọi là Trì luật đệ nhất.

9- Tôn giả La-hầu-la


La-hầu-la nói về lợi ích xuất gia cho các trưởng giả trẻ tuổi. Duy-ma-cật bảo nói như thế không đúng. Phải thấy chỗ không lợi, không công đức mới là pháp xuất gia vô vi. Còn thấy lợi, thấy công đức là chỗ xuất gia hạn hẹp.
Xuất gia là vượt ra khỏi mọi giới hạn biên tế, hay nói đúng hơn là không còn kẹt vào nơi chốn nào, đó là xuất gia chân thật. Theo ý Duy-ma-cật, xuất gia không phải là chỉ rời bỏ một nơi chốn, mà thật sự là vượt qua năm đường, ra khỏi bùn lầy dính mắc, không thấy có ngã sở, có thọ nhận. Đó là khéo vượt, là lìa lỗi. Xuất gia cũng gọi là phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Ý nghĩa xuất gia ở đây không phải trên hình thức mà nằm ở chỗ nội tâm viễn ly, dù cư sĩ tại gia cũng làm được. Đó là chủ ý của kinh Duy Ma Cật.

10- Tôn giả A-nan


A-nan làm thị giả Phật, mang bình bát đi xin sữa về cho Phật để trị bệnh. Bị Duy-ma-cật phản đối.
Thân Phật là thân kim cang, các ác đã dứt, các điều lành đều hội họp, làm sao có bệnh? Chuyển Luân Thánh Vương có chút ít phước còn không bệnh huống gì Phật?
Câu chuyện giữa tôn giả A-nan và Duy-ma-cật là vấn đề thắc mắc muôn đời. Phật có bệnh thật hay không? Những lời dạy về thân là nguồn khổ, gốc bệnh, không loại trừ một hữu tình nào. Điều này vẫn đúng.
Nhưng trên hết là cái nhìn về lý tánh tuyệt đối. Nếu thân Phật là pháp thân thì không còn hạn cuộc ở sanh già bệnh chết, không nằm trong vòng hữu vi. Thân như thế đã siêu việt mọi ức tưởng, bệnh hay không bệnh chỉ là một cái nhìn.
Kết thúc của phẩm này qua câu chuyện của mười vị đệ tử lớn của Phật, ta thấy ý Kinh muốn trình bày một vấn đề lớn: Dùng con mắt pháp tánh để đi suốt một vấn đề. Những lời vấn nạn có khả năng giúp chúng ta vượt khỏi vướng mắc về ngôn ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]