- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
215. Kinh Đệ nhất đắc [1]
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Trong cảnh giới nào giáo lệnh của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có thể ban hành đến, trong đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la là đệ nhất. Tuy vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cũng lệ thuộc sự biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt phải sanh ra nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không ham muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Những cảnh giới mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến, những phương được chiếu đến, tức Thế giới ngàn[2]. Trong Thế giới ngàn này, có một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn châu Phất-vu-đãi[3], một ngàn châu Diêm-phù [4], một ngàn châu Câu-đà-ni[5], một ngàn châu Uất-đơn-việt[6], một ngàn Tu di sơn[7], một ngàn Tứ đại vương thiên[8], một ngàn Tứ thiên vương tử[9], một ngàn Tam thập tam thiên[10], một ngàn Thích Thiên Nhân-đà-la[11], một ngàn Diệm-ma thiên[12], một ngàn Tu-diệm-ma thiên tử[13], một ngàn Đâu-suất-đà thiên[14], một ngàn Đâu-suất-đà thiên tử, một ngàn Hóa lạc thiên[15], một ngàn Thiện hóa lạc thiên tử[16], một ngàn Tha hóa lạc thiên[17], một ngàn Tự tại thiên tử[18], một ngàn Phạm thế giới[19], và một ngàn Biệt phạm. Trong đó có Phạm Đại Phạm, là đấng Phú hựu, là Tạo hóa tôn, là tổ phụ các loài chúng sanh, đã sanh và sẽ sanh[20]. Nhưng Đại Phạm ấy cũng là lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất không ham muốn huống là cái hạ tiện.
“Một thời gian sau, khi thế giới này hủy diệt. Khi thế giới này hủy diệt, chúng sanh lên cõi trời Hoảng dục[21]. Trong ấy chỉ có sắc nương theo ý mà sanh[22], các chi thể đầy đủ không thiếu, các căn không bị hư hoại, nuôi sống bằng hỷ thực[23], hình sắc thanh tịnh, thân chiếu sáng, phi hành trong hư không, sống ở đó một thời gian lâu dài. Nhưng cõi trời Hoảng dục cũng lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Lại nữa, có bốn sự tưởng[24]. Tỳ-kheo suy tưởng về tưởng nhỏ, tưởng lớn, về tưởng vô lượng và tưởng vô sở hữu. Chúng sanh đó thắng ý nơi lạc tưởng như vậy[25] cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc vào thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Lại có tám trừ xứ[26]. Thế nào là tám? Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến[27], tưởng như vậy được gọi là đệ nhất thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài có quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ nhị thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tam thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tứ thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như hoa thanh thủy[28] xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ ngũ thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng như hoa tần-đầu-ca-la[29] vàng, màu vàng, ánh sáng. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mắt, vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng; vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ lục thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng như hoa Ca-ni-ca-la (28) màu đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ thất thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như sao Thái bạch màu trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại, được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng vậy Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến, tưởng như vậy được gọi là đệ bát thắng xứ.
“Chúng sanh có thắng ý nơi lạc thắng xứ như vậy, cũng lệ thuộc vào sự biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt sanh nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Lại nữa, có Mười biến xứ[30]. Thế nào là mười? Các Tỳ-kheo tu tập nơi một biến xứ đất, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Tu tập nơi một biến xứ nước, một biến xứ lửa, một biến xứ gió, một biến xứ xanh, một biến xứ vàng, một biến xứ đỏ, một biến xứ trắng, một biến xứ hư không, một biến xứ thức là thứ mười. Tu tập một biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Nhưng các chúng sanh có thắng ý nơi biến xứ lạc này cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán tưởng như vậy ắt sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Và đây là thuyết thanh tịnh đệ nhất, là sự thi thiết tối đệ nhất, tức là ‘Ta không có, ta không hiện hữu[31]’ và để chứng đắc điều này mà thiết lập nơi đạo.
“Và đây là đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ[32], tức là vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng, phi vô tưởng, thành tựu an trụ[33].
“Và đây là đệ nhất thú hướng, Niết-bàn ngày trong hiện tại, là thi thiết tối thượng về Niết-bàn ngay trong hiện tại[34] tức là sáu xúc xứ[35] với sự khởi tập, hoại diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất ly được thất như thật bằng tuệ.
“Lại nữa, có bốn đoạn[36]. Thế nào là bốn? Có sự đoạn mà lạc chậm[37], có sự đoạn mà lạc nhanh, có sự đoạn mà khổ chậm, có sự đoạn mà khổ nhanh. Trong đó sự đoạn mà lạc chậm là lạc đưa đến đoạn trừ chạâm chạp[38] cho nên nói là lạc kém. Trong đó, sự đoạn mà lạc nhanh, là lạc đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng[39]. Cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.
“Trong đó, sự đoạn mà khổ chậm[40] là khổ đưa đến đoạn trừ một cách chậm chạp, cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.
“Trong đó, sự đoạn mà khổ nhanh, là khổ đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng. Cho nên đoạn này không phải là sự tiến triển, không được lưu bố. Cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng không tán thán và phát triển.
“Sự đoạn[41] của ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán và phát triển.
“Thế nào là sự đoạn của Ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán, lưu bố? Đó là Thánh đạo tám chi, chánh kiến cho đến chánh định là tám.
“Ta như vậy[42]. Nhưng các Sa-môn, Phạm chí, hư ngụy, nói láo, bất thiện, không chân thật, xuyên tạc, và hủy báng Ta rằng, ‘Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương sự đoạn hoại. Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô[43]’. Quả thật có chúng sanh mà chủ trương sự đoạn hoại, nếu không, Ta sẽ không thuyết giảng như vậy. Như Lai ngay trong đời hiện tại đã vĩnh viễn đoạn trừ tất cả mà chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh, diệt tận[44].”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Tương đương Pāli. A.10.29 Kosala.
[2]. Thiên thế giới 千 世 界. Pāli: sahassadhā-loka = sahassīlokadhātu.
[3]. Phất-vu-đãi 弗 于 逮, hay châu Đông thắng thân. Pāli: Pubbavideha.
[4]. Diêm-phù châu 閻 浮 洲. Pāli: Jambudīpa.
[5]. Câu-đà-ni châu 拘 陀 尼 洲. Pāli: Godānīya. Hoặc nói: Aparagoyāna.
[6]. Uất-đan-việt châu 鬱 單 越 洲. Pāli: Uttarkuru.
[7]. Tu di sơn 須 彌 山. Pāli: Sinerupabbata.
[8]. Thiên tứ Đại vương thiên 千 四 大 王 天. Có lẽ bản Hán chép nhầm, thay vì là Tứ thiên Đại vương, tức bốn ngàn vua cai trị bốn ngàn nước lớn trong loài người. Pāli: cattāri mahārājasahassāni, bốn ngàn vị Đại vương.
[9]. Tứ thiên vương tử 四 天 王 子. Pāli: Cātummahārājikā.
[10]. Tam thập tam thiên 三 十 三 天 hay Đao-lợi thiên. Pāli: Tāvatiṃsa.
[11]. Thích Thiên Nhân-đà-la 釋 天 因 陀 羅, tức Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devanam inda.
[12]. Diệm-ma thiên 焰 摩 天. Pāli: Yāma.
[13]. Bản Thánh không có. Bản Pāli cũng không có.
[14]. Đâu-suất-đa 兜 率 哆 天. Pāli: Tusita.
[15]. Hóa lạc thiên 化 樂 天. Pāli: Nimmānaratā.
[16]. Thiện hóa lạc thiên tử. Bản Pāli không kể.
[17]. Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天. Pāli: Paranimmitavasavattī.
[18]. Tự tại thiên tử 自 在 天 子. Bản Pāli không kể.
[19]. Phạm thế giới 梵 世 界. Pāli: Brahmaloka.
[20]. Bản Pāli chỉ nói gọn: Mahābrahmā tattha aggam akkhāyati, ở đây Đại Phạm thiên được coi là cao nhất.
[21]. Hoảng dục thiên hay Quang âm thiên, xem cth.13, kinh 8 trên.
[22]. Ý sanh 意 生. Pāli: manomayā.
[23]. Hỷ thực 喜 食. Pāli: pīti-bhakkhā.
[24]. Tứ tưởng 四 想. Xem Tập Dị 6. (No.1536, Đại 16 tr.392a-b).
[25]. Chỉ các chúng sanh trên cõi Vô sở hữu xứ.
[26]. Bát trừ xứ 八 除 處; nhưng thường nói Bát thắng xứ 八 勝 處, Pāli, aṭṭha abhibhāyatanāni (xem Tập Dị 19, No. 1536, Đại 26 tr.445b và tt).
[27]. Nguyên Hán: trừ dĩ tri, trừ dĩ kiến 除 已 知 除 已 見. Trong Tập Dị sđd., nt nói thắng tri thắng kiến (thấy siêu việt và biết siêu việt), và giải thích: đã đoạn trừ và siêu việt lục tham mà có thắng tri thắng kiến.
[28]. Thanh thủy hoa 青 水 華. Tập Dị (sđd., nt): O-mạt-ca hoa, Umāpuppham (?).
[29]. Tần-đầu-ca-la 頻 頭 歌 羅. Pāli: bandhujīvaka-puppha, loại hồng tàu. Bản Hán này có lẽ nhầm, vì loại hoa này màu đỏ, Tập Dị và bản Pāli đều nói hoa này trong thắng xứ màu đỏ.
[30]. Thập nhất thiết xứ 十 一 切 處 hay biến xứ. Pāli: dasa kasiṇāyatanāni.
[31]. Ngã vô, ngã bất hữu 我 無 我 不 有, trong bản Pāli, trường hợp này được gọi là: Ngoại y kiến xứù, là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa (paramatthavisuddhiṃ paññāpenti).
[32]. Đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ; tối thượng ngoại kiến xứ, hay nói rõ hơn: “Đây là tối thượng đối với quan điểm ngoại đạo” và kiến xứù cao nhất ở đây được coi như là đạt đến hữu ngã.
[33]. Trong bản Hán này, kiến xứ, hay quan điểm, cao nhất của ngoại đạo là đạt đến Bốn vô sắc xứ, khác với Pāli coi bốn vô sắc xứ này là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa.
[34]. Ư hiện pháp trung, tối thi thiết Niết-bàn 於 現 法 中 最 施 設 涅 槃. Pāli: aggam paramadiṭṭhadhammanibbānam paññāpentānaṃ.
[35]. Nguyên Hán: lục cánh lạc xứ 六 更 樂 處.
[36]. Hán: đoạn 斷, hoặc nói là thông hành. Pāli: catasso paṭipadā.
[37]. Tập Dị, Pháp Uẩn: lạc trì thông hành.
[38]. Đặc tính của bốn tĩnh lự là hiện pháp lạc trú, và do đây mà tiến đến chứng đắc bốn Thánh quả, hoặc nhanh hoặc chậm. (Xem giải thích Phát Uẩn 3, No.1537, Đại 26 tr.465).
[39]. Từ đây trở xuống dịch theo phần hiệu đính cuối kinh, trong nguyên văn để bản không có, nhưng đã có giải thích “sự đoạn mà lạc chậm” hay lạc trì thông hành, thì ba thông hành kia tất nhiên cũng được giải thích. Bản Pāli chỉ nêu danh số, không có giải thích.
[40]. Tức khổ trì thông hành theo Tập Dị Môn Luận. Giải thích của Pháp Uẩn (đd): coi ngũ uẩn như là sự lăng nhục, thương tổn, bức thiết như gánh nặng, căn cứ trên đó mà quán sát nhàm tởm. Như vậy gọi là Khổ (...) thông hành (lược trích).
[41]. Đoạn, nói là thông hành, hay nói là đạo và đạo tích đều cùng một nghĩa và cùng một nguồn gốc, cùng tương đương Pāli: paṭipadā.
[42]. Nên hiểu là: “Ta nói như vậy, giảng dạy như vậy”.
[43]. Bản Pāli nói: “Sa-môn Cù-đàm không giảng giải sự thấu hiểu về dục, (...) về sắc, (...) về thọ”.
[44]. Đoạn kết luận trên đây gần với bản Pàli, với một ít khác biệt (xem cth.43 trên), nhưng hoàn toàn khác nguyên văn trong để bản. Nguyên văn đó như vầy: (xem đoạn Lạc trì thông hành, và một câu lỡ dỡ về lạc tốc thông hành): “Nếu có người đoạn lạc dục. Hoặc có người tập pháp này không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập uống rượu không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập sự ngủ nghỉ không bao giờ thấy chán. Này Tỳ-kheo, đó là nói hoặc có người tập ba pháp này không bao giờ thấy chán, và cũng không thể đi đến chỗ diệt tận. Cho nên, các Tỳ-kheo hay thường xả ly ba pháp này, không thân cận chúng. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học như vậy.