Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 10 (256 - 266)

08/05/201312:32(Xem: 17317)
Tạp A-hàm quyển 10 (256 - 266)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 10 (256 - 266)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 256. VÔ MINH (1)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vô minh là không biết[2], không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt mà không biết như thật sắc là pháp ma diệt[3]. Sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường mà không biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường. Thức là pháp ma diệt mà không biết như thật thức là pháp ma diệt; thức là pháp sanh diệt mà không biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián đẳng[4], ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh.”

Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Minh là biết; biết gọi là minh.”

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Đáp:

“Sắc là vô thường; biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt, biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt, biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Thức là pháp ma diệt, biết như thật thức là pháp ma diệt. Thức là pháp sanh diệt, biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Tôn giả Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.



###

KINH 257. VÔ MINH (2)[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vô minh là không biết; không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Không biết như thật về sắc; không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; không biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, mà không biết như thật, không biết, không thấy, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này, gọi là vô minh.

Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Gọi minh là biết, biết tức là minh.”

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự đoạn tận của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

KINH 258. VÔ MINH (3)[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Không biết là vô minh.

“Không biết những gì?”

“Không biết như thật về sắc. Không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức. Không biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, mà không biết như thật, không thấy như thật, không có vô gián đẳng, mờ tối, hay ngu si, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này, thì gọi là vô minh.”

Lại hỏi:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết tức là minh.

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, biết như thật, thấy như thật, sáng tỏ, có giác, có quán, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

KINH 259. VÔ GIÁN ĐẲNG[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nếu có Tỳ-kheo nào, chưa đạt được pháp vô gián đẳng[8] mà muốn cầu pháp vô gián đẳng, thì phải dùng phương tiện nào mà tìm cầu; phải tư duy những pháp nào[9]?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Nếu có Tỳ-kheo nào, chưa đạt được pháp vô gián đẳng, mà muốn tìm cầu pháp vô gián đẳng, thì phải tinh cần tư duy, năm thọ ấm là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đó là chỗ cần tư duy[10]. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì sẽ chứng được quả Tu-đà-hoàn.”

Lại hỏi:

“Xá-lợi-phất, khi đã chứng được quả Tu-đà-hoàn rồi, mà muốn chứng được quả Tư-đà-hàm, thì phải tư duy những pháp nào[11]?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Câu-hi-la, khi đã chứng được quả Tu-đà-hoàn rồi, mà muốn chứng được quả Tư-đà-hàm, thì cũng phải tinh cần tư duy năm thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì sẽ chứng được quả Tư-đà-hàm.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi:

“Xá-lợi-phất, khi đã chứng được quả Tư-đà-hàm rồi, mà muốn chứng được quả A-na-hàm, thì phải tư duy những pháp nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Câu-hi-la, khi đã chứng được quả Tư-đà-hàm rồi, mà muốn chứng được quả A-na-hàm, thì phải tinh cần tư duy năm pháp thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì cũng sẽ chứng được quả A-na-hàm. Sau khi đã chứng được quả A-na-hàm, mà muốn chứng được quả A-la-hán, cần phải tinh tấn tư duy về năm pháp thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì cũng sẽ chứng được quả A-la-hán.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Xá-lợi-phất, khi đã chứng được quả A-la-hán rồi, thì còn phải tư duy những pháp nào nữa?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Ma-ha Câu-hi-la, A-la-hán lại cũng tư duy năm thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì để được điều chưa được, để chứng pháp chưa chứng, để có hiện pháp lạc trú[12].

Hai vị Chánh sĩ nghe lẫn nhau những điều được nói, hoan hỷ ra về.

KINH 260. DIỆT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng thăm hỏi nhau, rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả A-nan:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh mà giải đáp cho không?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Nhân giả cứ hỏi, nếu tôi biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“A-nan, gọi là diệt. Thế nào là diệt? Ai có diệt này?”

Tôn giả A-nan nói:

“Xá-lợi-phất, năm thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt.[13] Pháp này diệt nên nói là diệt. Những gì là năm? Sắc thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Đúng vậy! Đúng vậy! A-nan, như những gì Nhân giả đã nói, năm thọ ấm này là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt. Những gì là năm? Sắc thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt.

“Này A-nan, năm thọ ấm này, nếu không phải là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, làm sao có thể bị diệt? Này A-nan, vì năm thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt.

Hai vị Chánh sĩ nghe lẫn nhau những điều được nói, hoan hỷ ra về.

KINH 261. PHÚ-LƯU-NA[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả A-nan ở trong vườn Cù-sư-la tại nước Câu-diệm-di[15], bấy giờ Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:

“Tôn giả Phú-lưu-na Di-đa-la-ni Tử[16], khi tuổi niên thiếu, mới xuất gia[17], thì thường hay nói pháp sâu xa như vầy:

“A-nan, đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ngã, chứ không phải pháp không sanh khởi. A-nan, thế nào là đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ta, chứ không phải pháp không sanh khởi[18]? Sắc sanh khởi[19], sanh khởi là ta chứ không phải không sanh. Thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, sanh khởi là ta, chứ không phải không sanh. Giống như người tay cầm tấm gương sáng, hay dùng mặt nước trong, tự nhìn vào xem thấy mặt mình sanh ra. Vì có sanh nên thấy, chứ không phải không sanh[20]. Cho nên, A-nan, sắc sanh khởi, vì có sanh khởi nên chấp là ngã, chứ không phải không sanh khởi. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, vì có sanh khởi nên chấp là ngã, chứ chẳng phải không sanh khởi. Thế nào A-nan, sắc là thường hay vô thường?

“Đáp:

“Là vô thường.”

Lại hỏi:

“Vô thường là khổ phải không?”

Đáp:

“Là khổ.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Thưa không.”

Lại hỏi:

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”

Đáp:

“Là vô thường.”

Lại hỏi:

“Vậy, vô thường là khổ phải không?”

Đáp:

“Là khổ.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Thưa không.”

“A-nan, cho nên đối với sắc hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, chẳng ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Cần phải biết như thật, quán sát như thật. Quán sát như vậy rồi, Thánh đệ tử đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, xa lìa dục, giải thoát: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán, xa lìa dục, giải thoát: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Các Tỳ-kheo nên biết, vị Tôn giả này đối với tôi có rất nhiều lợi ích. Tôi nghe những gì từ Tôn giả ấy rồi, liền xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Từ đó tới nay, tôi thường thuyết pháp này cho bốn chúng, chứ không thuyết cho các người ngoại đạo xuất gia, Sa-môn, Bà-la-môn.”

KINH 262. XIỂN-ĐÀ[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, số đông Tỳ-kheo Thượng tọa, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại[22]. Phật vào Niết-bàn không bao lâu.

Bấy giờ, vào sáng sớm, trưởng lão Xiển-đà[23] đắp y mang bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Ăn xong, thu dọn y bát, rửa chân, rồi cầm chìa khóa cửa, đi từ rừng này đến rừng khác, từ phòng này đến phòng khác, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành khác, chỗ nào cũng yêu cầu các Tỳ-kheo:

“Xin chỉ dạy tôi, nói pháp cho tôi, để cho tôi biết pháp, thấy pháp và tôi sẽ biết như pháp và quán như pháp[24].”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Xiển-đà:

“Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết-bàn tịch diệt[25].

Xiển-đà thưa các Tỳ-kheo:

“Tôi đã biết sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết-bàn tịch diệt.”

Xiển-đà lại thưa:

“Nhưng tôi không thích nghe tất cả các hành đều không tịch, bất khả đắc, ly dục, ái tận, Niết-bàn[26]. Ở trong đó làm sao có ngã mà nói là biết như vậy, thấy như vậy, đó gọi là thấy pháp?”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Xiển-đà lại thưa:

“Ở đây, vị nào có khả năng nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp?”

Xiển-đà lại nghĩ: ‘Tôn giả A-nan, hiẹân nay đang ở trong vườn Cù-sư-la nước Câu-diệm-di, đã từng cúng dường gần gũi Đức Thế Tôn và được Phật khen ngợi; những bậc Phạm hạnh tất cả đều biết rõ. Tôn giả ắt có thể vì ta mà nói pháp, khiến cho ta biết pháp, thấy pháp.”

Buổi sáng sớm hôm sau, Xiển-đà đắp y mang bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Ăn xong, thu cất ngọa cụ, rồi mang y bát đến nước Câu-diệm-di. Người lần hồi du hành đến nước Câu-diệm-di. Sau khi thu cất y bát và rửa chân xong, liền đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau thăm hỏi và ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Xiển-đà thưa Tôn giả A-nan:

“Một thời, các Tỳ-kheo Thượng tọa, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, vào sáng sớm, tôi đắp y mang bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Ăn xong, thu dọn y bát, rửa chân, rồi cầm chìa khóa cửa, đi từ rừng này đến rừng khác, từ phòng này đến phòng khác, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành khác, chỗ nào cũng yêu cầu các Tỳ-kheo: ‘Xin chỉ dạy tôi, nói pháp cho tôi, để cho tôi biết pháp, thấy pháp và tôi sẽ biết như pháp và quán như pháp.’ Khi ấy, các Tỳ-kheo nói pháp cho tôi rằng: ‘Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết-bàn tịch diệt.’ Tôi bấy giờ thưa các Tỳ-kheo: ‘Tôi đã biết sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết-bàn tịch diệt. Nhưng tôi không thích nghe tất cả các hành đều không tịch, bất khả đắc, ly dục, ái tận, Niết-bàn. Ở trong đó làm sao có ngã mà nói là biết như vậy, thấy như vậy, đó gọi là thấy pháp?’ Rồi suy nghĩ như vầy: ‘Ở đây, vị nào có khả năng nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp?’ Tôi lại nghĩ: ‘Tôn giả A-nan, hiẹân nay đang ở trong vườn Cù-sư-la nước Câu-diệm-di, đã từng cúng dường gần gũi Đức Thế Tôn và được Phật khen ngợi; những bậc Phạm hạnh tất cả đều biết rõ. Tôn giả ắt có thể vì ta mà nói pháp, khiến cho ta biết pháp, thấy pháp.’

“Lành thay, Tôn giả A-nan, nay hãy nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

“Lành thay! Xiển-đà, tôi rất hoan hỷ. Tôi chúc mừng Nhân giả, có thể đối trước người phạm hạnh không che giấu, phá bỏ gai nhọn giả dối. Này Xiển-đà, kẻ phàm phu ngu si không có thể hiểu sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường; tất cả các hành đều là vô thường, tất cả các pháp đều là vô ngã, Niết-bàn là tịch diệt. Nay ngươi có thể nhận lãnh pháp vi diệu hơn hết này. Thầy hãy lắng nghe. Tôi sẽ vì ngươi mà nói.”

Lúc này, Xiển-đà tự nghĩ: “Nay ta rất vui mừng, có được cái tâm thù thắng vi diệu, được tâm phấn khởi hoan hỷ. Nay ta có thể nhận lãnh được pháp vi diệu thù thắng này.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

“Chính tôi đã từng trực tiếp nghe từ Đức Phật dạy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên: ‘Người đời điên đảo nương chấp vào hai bên: hoặc là hữu, hoặc là vô[27]. Người đời thủ các cảnh giới, tâm liền phân biệt chấp trước[28]. Này Ca-chiên-diên, nếu không thọ, không thủ, không trụ, không phân biệt chấp trước ngã; khổ này khi sanh thì sanh, khi diệt thì diệt[29]. Này Ca-chiên-diên, đối với điều đó không nghi ngờ, không mê hoặc, không do ai khác mà tự mình biết, đó gọi là chánh kiến mà Đức Như Lai đã giảng nói. Vì sao? Này Ca-chiên-diên, vì nếu quán sát như thật về sự tập khởi của thế gian, sẽ không sanh ra kiến chấp thế gian là vô. Quán sát như thật về sự diệt tận của thế gian, sẽ không sanh ra kiến chấp thế gian là hữu[30]. Này Ca-chiên-diên, Như Lai đã xa lìa hai bên, thuyết ở Trung đạo, rằng: cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh; nghĩa là duyên vô minh nên có hành và, cho đến sự tập khởi của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Và rằng, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt; có nghĩa là vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sự diệt tận của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.’”

Khi Tôn giả A-nan nói kinh này xong, thì Tỳ-kheo Xiển-đà xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Khi Tỳ-kheo Xiển-đà đã thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, khởi pháp, vượt qua khỏi mọi sự hồ nghi, không do ai khác, đối với giáo pháp của Bậc Đại Sư, đạt được vô sở úy; rồi cung kính chắp tay bạch Tôn giả A-nan:

“Cần phải như vậy, bậc trí tuệ Phạm hạnh, thiện tri thức, như vậy giáo thọ, giáo giới, nói pháp. Hôm nay tôi từ chỗ Tôn giả A-nan nghe pháp như vầy: ‘Tất cả hành đều không, đều tịch diệt, bất khả đắc, ái tận, ly dục, diệt tận, Niết-bàn, tâm an vui, hoàn toàn an trụ giải thoát, không còn quay lại, không còn thấy ngã, chỉ thấy chánh pháp.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

“Nay, thầy đã được cái lợi tốt nhất, ở trong pháp Phật sâu xa đã đạt được tuệ nhãn của bậc Thánh.”

Lúc này hai vị Chánh sĩ tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy, họ trở về chỗ ở của mình.

Bài kệ tóm tắt:

Ba kinh Thâu-lũ-na,
Vô minh cũng có ba,
Vô gián đẳng và diệt,
Phú-lưu-na, Xiển-đà.

KINH 263. ƯNG THUYẾT[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong xóm Tạp sắc mục ngưu[32], ở nước Câu-lưu[33].

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ta do tri kiến mà diệt tận các lậu[34], chứ không phải không tri kiến. Thế nào là do tri kiến mà diệt tận các lậu, chứ không phải không tri kiến? Nghĩa là: ‘Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc này, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức.’ Nếu không cần phương tiện, tùy thuận thành tựu, mà dụng tâm cầu mong rằng: ‘Mong ta diệt sạch được các lậu, tâm được giải thoát,’ nên biết, Tỳ-kheo kia cuối cùng không thể diệt sạch được các lậu để giải thoát. Vì sao? Vì không tu tập. Không tu tập những gì? Không tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

“Giống như gà mái đẻ ra nhiều trứng, nên không thể thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, mà lại mong cho gà con dùng móng chân, dùng mỏ để mổ vỏ trứng chui ra an toàn. Nên biết, gà con kia không đủ sức để dùng móng chân, dùng mỏ mổ vỏ trứng chui ra an toàn. Vì sao? Vì gà mái kia không thể thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, nuôi lớn gà con.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo không tinh cần tu tập, tùy thuạân thành tựu, mà lại mong diệt sạch hết các lậu để giải thoát, thì việc này không thể có được. Vì sao? Vì không tu tập. Không tu tập những gì? Không tu niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

“Nếu Tỳ-kheo tu tập, tùy thuận thành tựu, thì tuy không muốn diệt sạch các lậu để giải thoát, nhưng với Tỳ-kheo kia các lậu cũng tự diệt sạch, tâm được giải thoát. Vì sao? Vì nhờ đã tu tập. Tu tập những gì? Tu niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

“Giống như gà mái khéo nuôi dưỡng con mình, thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, cho dù nó không muốn gà con tìm cách tự mổ vỏ trứng để ra, nhưng các con của nó cũng tự tìm đủ cách để thoát ra ngoài một cách an toàn. Vì sao? Vì gà mái thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo cần phương tiện, thì cho dù không muốn diệt sạch các lậu để giải thoát, nhưng với Tỳ-kheo này các lậu tự hết, tâm được giải thoát. Vì sao? Vì đã nhờ vào sự chuyên cần tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

“Giống như một người thợ khéo[35], hay học trò của người thợ khéo, tay cầm cán búa, cầm mãi không rời, dần dần trên cán búa mòn đi, hiện rõ chỗ ngón tay cầm, nhưng chỗ mòn hiện ra vì quá vi tế nên người kia không biết cán búa bị mòn.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo tinh cần tu tập, tùy thuận thành tựu, thì sẽ không tự mình thấy biết là hôm nay lậu hết chừng mức nào, hay ngày mai lậu hết chừng mức nào; nhưng Tỳ-kheo kia biết là hữu lậu đã hết sạch. Vì sao? Vì nhờ đã tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

“Giống như chiếc thuyền lớn đậu bờ biển; trải qua tháng sáu mùa hè[36] bị gió xát, mặt trời nung, dây cột đứt từ từ[37]. Cũng vậy, Tỳ-kheo tinh cần tu tập, tùy thuận thành tựu, thì tất cả những kết, sử, phiền não, triền[38] dần dần sẽ được giải thoát. Vì sao? Vì nhờ khéo tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.”

Khi nói pháp này, thì sáu mươi Tỳ-kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 264. TIỂU THỔ ĐOÀN[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo nọ trong khi đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?’

Vào buổi chiều, sau khi Tỳ-kheo này từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, trong khi con đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?’ Nay bạch Thế Tôn: ‘Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Và có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?’

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất nhỏ[40] hỏi Tỳ-kheo kia:

“Ông có thấy hòn đất trong tay Ta không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã thấy.”

Phật lại nói:

“Tỳ-kheo, ngã nhỏ bằng một ít đất như vậy cũng là bất khả đắc. Nếu ngã là khả đắc, thì nó là pháp thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi.”

Phật nói với Tỳ-kheo:

“Ta nhớ lại đời trước, tu phước lâu dài, đã được quả báo thù thắng vi diệu, khả ái. Ta đã từng trong bảy năm tu tập tâm từ, trải qua bảy kiếp thành hoại, không tái sanh vào thế gian này. Trong bảy kiếp hoại Ta sanh lên cõi trời Quang âm, trong bảy kiếp thành Ta lại sanh vào trong cung điện trống không trong cõi Phạm, làm Đại Phạm vương, thống lãnh ngàn thế giới, không ai hơn, không ai trên. Từ đó trở về sau, ba mươi sáu lần Ta lại làm Thiên đế Thích, rồi lại trăm ngàn lần làm Chuyển luân Thánh vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng chánh pháp để giáo hóa và cai trị; có đầy đủ bảy báu: báu xe, báu voi, báu ngựa, báu ma-ni, báu ngọc nữ, báu đại thần chủ kho tàng, báu đại thần chủ binh. Ta có đầy đủ ngàn người con tất cả đều dõng mãnh. Ở trong bốn biển, đất đai bằng phẳng, không có những thứ gai độc; chỉ dùng chánh pháp để điều phục, chứ không dùng oai thế, hay bức bách.

“Pháp vua Quán đảnh[41], có tám vạn bốn ngàn long tượng đều được dùng các thứ báu để trang sức trang nghiêm, lưới báu phủ lên, dựng cờ quý báu; ở đây tượng vương Bố-tát[42] dẫn đầu, hai buổi sáng chiều tự động hội tụ trước điện. Lúc ấy Ta nghĩ: ‘Bầy voi lớn này, mỗi ngày qua lại đạp chết chúng sanh vô số. Ta ước sao bốn vạn hai ngàn voi, cứ một trăm năm trở lại một lần.’ và sở nguyện của Ta liền được như ý. Trong tám vạn bốn ngàn voi đó, có bốn vạn hai ngàn voi cứ trăm năm đến lại một lần.

“Pháp vua Quán đảnh lại có tám vạn bốn ngàn con ngựa; cũng dùng hoàn toàn vàng ròng làm dụng cụ để cưỡi, lưới vàng phủ lên. Ở đây mã vương Bà-la[43] dẫn đầu chúng.

“Pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn cỗ xe bằng bốn loại báu như xe vàng, xe bạc, xe lưu ly, xe pha lê; dùng da sư tử, da cọp, da beo và vải tạp sắc khâm-ba-la[44] phủ lên trên; đứng đầu là xe âm thanh Bạt-cầu tỳ-xà-da-nan-đề[45].

“Pháp vua Quán đảnh thống lãnh tám vạn bốn ngàn thành, nhân dân đông đúc, an lạc, phồn vinh. Đứng đầu là thành Câu-xá-bà-đề[46].

“Pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn cung điện bằng bốn loại báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ma ni; Do-ha[47] là trên hết.

“Này Tỳ-kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn giường bằng bốn loại báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê; cùng các loại nệm bằng lụa quý, được trải lên trên nó bằng loại ngọa cụ Ca-lăng-già[48] và đặt lên những chiếc gối đỏ.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, pháp vua quán đảnh lại có tám vạn bốn ngàn y phục, gồm bốn thứ như y ca-thi-tế[49], y sô-ma[50], y đầu-cưu-la[51], y câu-triêm-bà[52].

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, như nữ Sát-lợi, nữ tợ Sát-lợi, huống chi là những người nữ khác.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn đồ ăn thức uống đủ các hương vị.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, chỉ có một người được vua chọn để hầu hạ; trong tám vạn bốn ngàn y phục báu, nhà vua chỉ mặc một y; trong tám vạn bốn ngàn giường báu, nhà vua chỉ nằm một giường; trong tám vạn bốn ngàn cung điện, nhà vua chỉ ở một cung; trong tám vạn bốn ngàn thành, nhà vua chỉ chọn ở một thành, đó là Câu-xá-bà-đề; trong tám vạn bốn ngàn xe báu, nhà vua chỉ đi có một xe đó là Tỳ-xà-da-nan-đề cù-sa[53], để ra khỏi thành du lãm; trong tám vạn bốn ngàn ngựa báu, nhà vua chỉ cưỡi có một con, đó là Bà-la-ha, lông đuôi màu xanh biếc; trong tám vạn bốn ngàn long tượng, nhà vua chỉ cưỡi một voi, đó là Bố-tát-đà để ra khỏi thành du quán.

“Này Tỳ-kheo, ở đây nhà vua nhờ những nghiệp báo gì mà có được những oai đức tự tại như vậy? Ở đây nhờ vào ba loại nghiệp báo. Những gì là ba? Một là bố thí, hai là điều phục, ba là tu đạo. Tỳ-kheo nên biết, phàm phu vì quen đắm nhiễm ngũ dục nên không biết chán và đủ; còn Thánh nhân vì đã thành tựu được trí tuệ đầy đủ nên thường biết đủ.

“Này Tỳ-kheo, tất cả các hành, quá khứ diệt tận, quá khứ biến dịch. Các vật dụng tự nhiên kia và tên gọi của chúng, tất cả đều ma diệt. Cho nên này Tỳ-kheo, thôi hãy dừng lại với các hành[54], hãy nhàm chán, đoạn trừ dục, giải thoát.

“Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, vô thường.”

“Nếu vô thường thì khổ phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, là khổ.”

“Tỳ-kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, không.”

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, vô thường.”

“Nếu vậy, vô thường là khổ phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, là khổ.”

“Tỳ-kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Những gì thuộc về hữu sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau.

“Tỳ-kheo, đối với sắc nên sanh tâm nhàm tởm. Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nên sanh tâm nhàm tởm. Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui. Sau đó luôn luôn nhớ về những lời dạy với thí dụ nhúm đất, một mình ở chỗ vắng vẻ, tinh tấn siêng năng tư duy, sống không buông lung. Sau khi sống không buông lung, vị ấy tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Lúc ấy, Tôn giả này cũng tự biết pháp, tâm đạt được giải thoát, thành bậc A-la-hán.

KINH 265. BÀO MẠT[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trú xứ A-tỳ-đà, bên bờ sông Hằng[56].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Giống như nước lớn sông Hằng cuộn lên, bọt nước theo dòng chảy mà tụ lại. Nếu như người nào có mắt sáng quán sát, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát, phân biệt thật kỹ đó, sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong nhóm bọt nước nổi kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì sắc vốn không chắc thật.

“Này các Tỳ-kheo, giống như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt hiện chợt mất. Nếu người nào có mắt sáng quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát tư duy, phân biệt thật kỹ đó sẽ thấy rằng không có cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong bong bóng nước kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về thọ, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thọ vốn không chắc thật.

“Này các Tỳ-kheo, giống như cuối xuân, đầu hạ, không mây, không mưa, giữa trưa trời nắng gắt, sóng nắng[57] chập chờn, người nào sáng mắt quán sát, tư duy, phân biệt kỹ càng và, khi quán sát, tư duy, phân biệt kỹ càng thì sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong quáng nắng kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy, những gì thuộc về tưởng, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì tưởng vốn không chắc thật.

“Này các Tỳ-kheo, giống như người mắt sáng muốn tìm gỗ cứng chắc, nên cầm búa bén đi vào rừng núi. Thấy một cây chuối lớn, thân dài lớn ngay thẳng, y liền đốn gốc, chặt đứt ngọn nó, lột bỏ hết bẹ, cuối cùng không có gì là chắc thật. Nếu người nào có mắt sáng thì sẽ quán sát, tư duy, phân biệt và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt rồi thì sẽ thấy rằng không gì có cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong cây chuối kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về hành, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì hành vốn không chắc thật.

“Này các Tỳ-kheo, giống như nhà ảo thuật, hay là học trò của nhà ảo thuật, ở giữa ngã tư đường, huyễn hóa ra binh voi, binh ngựa, binh xa, binh bộ. Lúc này có người trí mắt sáng, quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi họ đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ, thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật. Vì sao? Vì những hiện tượng huyễn hóa kia vốn không chắc thật. Như vậy, này các Tỳ-kheo những gì thuộc về thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì Tỳ-kheo nên quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật; chúng như bệnh hoạn, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thức vốn không chắc thật.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại nghĩa này, nên nói bài kệ:

Quán sắc như bọt nước,
Thọ như bong bóng nước,
Tưởng như quáng nắng xuân,
Các hành như cây chuối,
Các thức pháp như huyễn,
Đấng Nhật thân[58] dạy vậy.
Tư duy kỹ khắp cả,
Chánh niệm khéo quán sát:
Không thật, chẳng kiên cố,
Không có ngã, ngã sở.
Đối thân khổ ấm này,
Đại Trí phân biệt dạy,
Xa lìa ba pháp này,
Thân thành vật vất bỏ:
Thọ, hơi ấm và thức.
Lìa chúng, phần thân khác,
Vĩnh viễn vùi gò hoang,
Như gỗ, không thức tưởng.
Thân này thường như vậy,
Huyễn dối dụ người ngu;
Như gai độc, như sát,
Không có gì chắc thật.
Tỳ-kheo siêng tu tập,
Quán sát thân ấm này,
Chuyên tinh luôn ngày đêm,
Chánh trí, buộc niệm lại,
Hành hữu vi ngừng nghỉ,
Vĩnh viễn chốn thanh lương.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 266. VÔ TRI (1)[59]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sanh tử vô thỉ, vì bị vô minh che khuất, ái kết[60] buộc ràng, luân hồi trong đêm dài tăm tối, nên không biết được biên tế tối sơ[61] của khổ. Cũng như trăm thứ cỏ cây, lúa, thóc, mọc trên mặt đất, tất cả đều bị khô héo vì lâu ngày không mưa. Này các Tỳ-kheo, vì bị vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ[62].

“Này các Tỳ-kheo, có khi nước trong biển lớn cũng khô cạn vì lâu ngày trời không mưa. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.

“Này các Tỳ-kheo, có lúc, sau một thời gian lâu dài, núi chúa Tu-di[63] tất phải sụp đổ. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.

“Này các Tỳ-kheo, có lúc, sau một thời gian lâu dài, quả đất này bị tan hoại. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.

“Này các Tỳ-kheo, giống như con chó bị cột vào trụ. Khi sợi dây chưa bứt, nó lâu dài đi quanh cây trụ, chuyển động luân hồi. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì chúng sanh ngu si không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, nên mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo sắc. Cũng vậy, nếu không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, thì sẽ mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo thọ, tưởng, hành, thức.

“Này các Tỳ-kheo, nó bị chuyển theo sắc, chuyển theo thọ, chuyển theo tưởng, chuyển theo hành, chuyển theo thức. Vì bị chuyển theo sắc nên không thoát khỏi sắc; vì bị chuyển theo thọ, tưởng, hành, thức nên không thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Vì không thoát, nên không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc; biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, nên không bị chuyển theo thọ, tưởng, hành, thức. Vì không bị chuyển theo, nên thoát khỏi sắc, thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Ta nói vị ấy sẽ thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]