- Duyên Khởi Tự
- Phẩm 1: Tựa
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Thí dụ
- Phẩm 4: Tín giải
- Phẩm 5: Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6: Thọ Ký
- Phẩm 7: Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8: Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- Phẩm 10: Pháp sư
- Phẩm 11: Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Khuyến Trì
- Phẩm 14: An Lạc Hạnh
- Phẩm 15: Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16: Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17: Phân biệt công đức
- Phẩm 18: Tùy hỷ công đức
- Phẩm 19: Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20: Thường bất khinh Bồ Tát
- Phẩm 21: Như Lai thần lực
- Phẩm 22: Chúc Lụy
- Phẩm 23: Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- Phẩm 24: Diệu Âm Bồ Tát Vãng Lai
- Phẩm 25: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26: Đà La Ni
- Phẩm 27: Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- Phẩm 28: Phổ Hiền, Bồ Tát Khuyến Phát
Pháp Hoa Kinh
Phẩm 26: Đà La Ni
Nguồn: Thâm Nghĩa Đề Cương (Giáo án Cao Cấp Phật Học)
Lúc bấy giờ Bồ tát Dược Vương đứng dậy chấp tay hướng Phật bạch rằng: Thế Tôn! Nếu có trai lành gái tốt thọ trì kinh Pháp Hoa hoặc đọc tụng thông suốt, hiểu mau hoặc biên chép thành quyển, họ được phước đức có nhiều chăng ?
Đức Phật phản vấn: Nầy Dược Vương! Giả sử có thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường tám trăm muôn ức na do tha hằng hà sa Phật, ý ông nghĩ sao, người cúng dường chư Phật như thế phước đức họ có nhiều chăng ?
Bồ tát Dược Vương thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
Phật nói: Nếu có trai lành gái tốt nào đọc tụng, giải nghĩa và tu hành đúng như lời, dầu chỉ là một bài kệ 4 câu, công đức của người nầy còn nhiều hơn người cúng dường chư Phật vừa nói.
Lúc đó, Bồ tát Dược Vương bạch Phật: "Thế Tôn! Con nay sẽ hiến cho người giảng nói kinh Pháp Hoa một bài đà la ni (thần chú) để bảo hộ cho họ. Bồ tát liền đọc bài chú:
"An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, giá lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế..."
Bồ tát tiếp nói: Thế Tôn! Thần chú này là của 62 ức hằng hà sa Phật nói. Ai xâm phạm hủy hoại Pháp sư coi như là xâm hủy các đức Phật vậy.
Lúc đó, đức Phật Thích Ca khen Bồ tát Dược Vương: Hay thay! Hay thay! Dược Vương, vì thương tưởng muốn bảo hộ Pháp sư mà nói bài chú, ngươi sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng sanh.
Lúc bấy giờ Bồ tát Dũng Thí bạch Phật: "Thế Tôn! Con cũng xin vì người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa mà nói đà la ni. Được chú nầy rồi, thì Pháp sư không bị Dạ xoa, La sát hoặc Phú đơn na, Kiết giá, Cưu bàn trà, ngạ quỷ tìm thấy chỗ dở của mình nữa. Nói xong, Bồ tát đọc bài chú: "Toa lệ, ma ha tao lệ, úc chỉ...." Rồi nói tiếp: "Thế Tôn! Thần chú nầy là của hằng hà sa Phật nói và cũng đều tùy hỷ. Ai xâm phạm Pháp sư tức xâm phạm chư Phật rồi vậy".
Bấy giờ, Thiên Vương Tỳ Sa môn là vị Trời che chở cho thế gian, bạch Phật rằng: Thế Tôn! Tôi cũng vì chúng sanh mà ủng hộ Pháp sư bằng đà la ni này. Liền nói bài chú: "A lê, na lê, a na lư, na lý, câu na lý". Lại bạch: Thế Tôn! Con đã dùng thần chú để ủng hộ Pháp sư, thì con cũng tự ủng hộ người trì kinh nầy, làm cho họ được trong khoảng trăm do tuần, khỏi điều tai nạn.
Bấy giờ, Thiên vương Trì Quốc ở trong pháp hội cùng với ngàn muôn ức na do tha Càn thát bà chấp tay bạch Phật: "Thế Tôn! Chúng con cũng dùng thần chú đà la ni bảo hộ người trì kinh Pháp Hoa". Liền nói chú: "A dà nể, dà nể, cù lợi, phù lầu tá nỉ ác đế". Lại nói: "Thế Tôn! Thần chú này là của 42 ức Phật nói, ai xâm hủy Pháp sư cũng tức là xâm hủy các đức Phật rồi vậy".
Bấy giờ 10 La sát cùng với bọn quỷ, cả mẹ lẫn con đều đồng bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa và trừ sự khổ hoạn cho họ, còn nếu có kẻ rình tìm chỗ dở của Pháp sư thì khiến cho đừng tìm được. Nói xong, liền đọc bài chú: "Y đề, y đề vẫn, y đề lý, an đề lý...." Lại tiếp: Các dạ xoa, La sát, ngạ quỷ.....hoặc quỷ làm bệnh nóng, từ một tới bảy ngày, hay làm bệnh nóng luôn, các nam nữ, trai gái, thà trèo lên đầu chúng con, chớ không có thể làm hại pháp sư, dầu là trong giấc chiêm bao. Mười la sát và bọn quỷ liền trước Phật nói bài kệ:
Ai chẳng thuận chú ta
Não loạn người nói pháp
Thời đầu vỡ bảy phần
Như nhánh cây A lê
Như tội giết mẹ cha
Cũng như họa ép dầu
Như lường cân tráo đấu
Như điều đạt phá tăng
Kẻ nào phạm Pháp sư
Sẽ mắc họa như thế
Nói kệ xong, các nữ La sát bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng hộ người thọ trì đọc tụng kinh này, làm cho họ được an ổn, xa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc.
Phật bảo các La sát: Hay thay! Hay thay! chỉ ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp Hoa, chúng ngươi được phước chẳng thể lường, huống hồ là ủng hộ người thọ trì toàn bộ và dùng mọi thứ hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc...cúng dường kinh. Này Cao đế! Các ngươi cùng quyến thuộc phải nên ủng hộ các pháp sư như thế.
Lúc Phật nói phẩm "Đà la ni" này, có 68.000 người được "Vô sanh pháp nhẫn".
THÂM NGHĨA
Người ta thường nói đạo Phật có 84.000 pháp môn, hay nhiều hơn nữa. Hành giả có thể chọn pháp tu nào hợp ý thích của mình. Ví như một đại thành rộng lớn, thành thì một, nhưng cửa vào thành có nhiều, ai đi cửa nào tùy ý, miễn vào được thành là đến mục đích mong ước của người đi.
Giáo lý Phật giáo, vốn đã có mầm phân chia tông phái từ Ấn độ xa xưa. Đến thời kỳ Phật giáo truyền sang Trung Quốc, Đại thừa tư tưởng phát triển thạnh hành, các tông phái lại được lập ra và sự phân hóa lại càng rõ rệt thêm hơn nữa. Dù vậy, nhưng cách diễn đạt giáo lý, cách hướng dẫn tu hành, nhìn chung thì đại đồng tiểu dị nhưng cùng một mục đích là hướng dẫn con người đi vào đường giải thoát và giác ngộ.
Đặc biệt có hai giáo phái, nhìn qua như có sự đối kháng lẫn nhau. Nhưng đi sâu vào để tìm hiểu hai sòng tư tưởng của hai chủ trương, ta thấy rõ: Họ gặp nhau ở mục đích đến, chỉ khác nhau ở lộ trình đi, chung nhau ở cứu cánh, chia nhau ở phương tiện. Đó là Hiển giáo và Mật giáo.
Hiển giáo thì tận dụng ngôn ngữ văn tự, dù phải viết, phải nói vạn ngữ thiên ngôn, chừng nào sáng tỏ vấn đề, người đọc và nghe hiểu được nghĩa lý ý thú kinh điển, áp dụng chủ thuyết: "Văn nhi tư, tư nhi tu". Hiển giáo rất chú trọng vấn đề tri thức cho người, hướng dẫn và truyền đạt giáo lý, khiến cho người nghe học và thực hành giáo lý ấy.
Mật giáo thì ngược lại, và có thể hiểu chủ trương của mật giáo qua ý thơ của một Sư Tổ Việt Nam ở Huế mà tôi được nghe đức Hòa thượng Thượng Trí hạ Thủ, cố chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Người nói cho tôi nghe và tôi được nhớ sau đây:
"Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như".
Có thể như vậy, mật giáo không chú trọng lý giải ngữ ngôn. Đà la ni là thứ văn tự ngữ ngôn không cần lý giải. Mật giáo chủ trương lối thực hành! "Tam mật tương ứng". Thân mật, khẩu mật, và ý mật, nghĩa là: Thân, khẩu, ý quyện chặt không rời. Thân ngồi kiết già. Miệng tụng Đà la ni tương tục. Ý lắng nghe lời chú hoăc quán một đối tượng do hành giả pháp nguyện và hướng tâm vào. Pháp hành của hành giả trì Đà la ni là "Tam mật"
Tôi xin mở dấu ngoặc lớn ở đây: Rằng hành giả tu Mật nên để ý:
Trì Đà la ni đừng dụng ý Cầu đắc, cầu chứng, kết quả điên loạn đến với hành giả rất nhanh. Hành giả nên tâm niệm rằng: Nước trong, trăng hiện; mây tan, trời hiện; quặng hết, vàng hiện; phiền não vô minh hết, Phật tánh hiện. Bấy giờ tức thân thành Phật vậy.
Dựa trên tông chỉ Mật giáo là tam mật tương ứng, tức thân thành Phật, để luận xét ta thấy rằng trì Đà la ni nhằm dẫn dắt đưa hành giả từ "Tri kiến lập tri" lần đến "Tri kiến vô kiến" của hiện lượng trực giác và cái đích cuối cùng là "vô phân biệt trí", thứ trí căn bản của Bồ tát Đại Trí Văn Thù.
Đà la ni là thứ văn tự ngữ ngôn, biểu trưng sự tận cùng của ngôn ngữ. Vô lượng, vô số, bất khả thuyết a tăng kỳ, hằng hà sa Phật, từ vô lượng kiếp đều sử dụng thứ ngôn ngữ nầy. Thứ ngôn ngữ nhằm để phủ định ngôn ngữ. Phải đi đến tận cùng ngôn ngữ: rời danh tự, rời nói năng, rời tư duy phân biệt. Đó là điểm đến, là mục đích cuối cùng của pháp môn tu Mật của Đà la ni, Mật giáo.
Tam mật tương ứng rồi thì có tất cả: Thập thiện nghiệp, tứ đế pháp, thập nhị nhân duyên quán. Niệm Phật tam muội, chỉ quán, lục độ, Đà la ni v.v...hàm dung thâu nhiếp vô lượng pháp môn vậy.
Đà la ni là pháp môn hành trì đem lại cho hành giả công đức vô cùng to lớn. Bậc cao như Bồ tát Dược Vương, Dũng Thí; bậc trung như Tỳ Sa môn Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương; thấp như La sát, các quỷ đều phát nguyện trì Đà la ni, lấy Đà la ni làm pháp môn tu tập, gieo giống Phật của mình.
Đà la ni, xếp vào phẩm thứ 26 của kinh Pháp Hoa, nhằm đưa hành giả Pháp Hoa lên ngang hàng với Đại Trí Văn Thù, chuẩn bị cho Đại Trí Văn Thù xuất hiện. Văn Thù và Phổ Hiền phải trùng phùng xuất hiện thì thời pháp tối thượng thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mới đến hồi kết thúc, Đà la ni là pháp hành hiệu quả rất cao, phẩm Đà la ni chuẩn bị cho hành giả Pháp Hoa đi lần đến "Tri hành hợp nhất" vậy.