Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Phẩm tán thán giáo hóa thứ hai mươi lăm

03/05/201312:59(Xem: 12094)
3. Phẩm tán thán giáo hóa thứ hai mươi lăm

Kinh Hoa Thủ

3. Phẩm tán thán giáo hóa thứ hai mươi lăm

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Phật bảo Xá Lợi Phất, nếu Bồ Tát hộ trì chánh pháp phải thông suốt lý luận chân chánh, học hỏi nơi đệ tử của ta, lúc bấy giờ Như Lai rất là vui mừng. Tại sao thế? Vì kế thừa Phật chủng nên các đệ tử Thanh Văn phải vì Bồ Tát mà diễn thuyết chánh pháp dạy người lợi lạc, được vô lượng vô biên phước đức.

Này Xá Lợi Phất, như chúng đệ tử ta là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nghĩ tới Phật, nghĩ tới giáo pháp, cũng như nghĩ tới Như Lai, vì cầu pháp mà chịu cần khổ trong vô số kiếp. Do nghĩ thế nên vì Bồ Tát mà thuyết pháp, cho dù một bài kệ. Lại suy nghĩ rằng, chư Bồ Tát hoặc nghe pháp, hoặc chỉ dạy làm lợi lạc cho ngườinên gieo căn lành, tu tập Phật pháp, đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác, là trừ được vô số các khổ não sanh tử của chúng sanh từ vô thỉ mà thuyết pháp để được phước đức. Giả sử bốn loài hữu tình trong trời đất, hễ có chúng sanh đều được thân người. Ðối với phước này mỗi chúng sanh đều được một phần lớn như núi Tu Di mà phước đức ấy vẫn không hết được. Lại nữa, này Xá Lợi Phất, đem bốn châu thiên hạ, hoặc tiểu thiên, trung thiên, đại thiên thế giới có chúng sanh, hoặc có hình, vô hình, có tưởng, chẳng tưởng, chẳng phải không tưởng khiến trong một lúc được thân người; mỗi mỗi cầm một thứ binh khí lớn như núi Tu Di mà đi, do phước đức đầy đủ nên không thể nào hết được

Này Xá Lợi Phất, các đệ tử của ta là chúng Tỳ Kheo, Tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, được Bồ Tát nói một bài kệ bốn câu, chỉ chỗ lợi lạc được phước đức vô lượng. Xá Lợi Phất, các vị Bồ Tát ấy, nếu biết những người này và vì họ mà thuyết pháp được lợi lạc vô cùng, nên được thành tựu Phật pháp như thế, là làm tăng trưởng trí huệ giác ngộ. Nếu dùng đầu đội vai mang tất cả đồ ưa thích cung cấp cho đến khi thành đạo vô thượng Bồ Ðề, trước hết là thuyết pháp cho họ nhận rõ tứ đế (12). Này Xá Lợi Phất, chư vị Bồ Tát tuy cung cấp lợi ích như thế, song cũng chưa báo ân được. Tại sao thế ? Do người này còn thấy có vô lượng Phật pháp nên biết vì chư Bồ Tát mà giảng pháp, ân đức họ thật khó báo đáp. Xá Lợi Phất, lui về quá khứ lâu xa số kiếp, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là Phổ Thủ Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn thọ bảy vạn tuổi. Phật có ba đại hội chúng Thanh Văn; hội thuyết pháp lần đầu tiên có tám mươi vạn người đều được chứng quả, hội thuyết pháp thứ nhì có sáu mươi vạn, và hội thuyết pháp sau cùng có bốn mươi vạn người cũng được thành đạo chứng quả.

Này Xá Lợi Phất, sau khi Phật Phổ Thủ diệt độ chánh pháp lưu hành trong 4000 năm. Lúc giáo pháp sắp diệt có một tỳ kheo tên là Diệu Trí thông minh trí huệ, hiểu rộng nghe nhiều, cũng lúc đó cõi Diêm Phù Ðề có vị vua tên là Hoan Hỷ, vua ở tại một thành cũng tên là Hoan Hỷ. Thành ấy bề dài mười hai do tuần, rộng bảy do tuần. Nhân dân trong thành được đầy đủ phú cường, yên tịnh. Lúc ấy trong thành có một trưởng giả tên là Nhu Nhuyến, trưởng giả có người con tên là Lợi Ý, tìm đến chỗ Diệu Trí rồi ngồi sang một bên. Lúc đó tỳ kheo Diệu Trí nói pháp Ðại Thừa cho nghe. Con ông trưởng giả nghe pháp tâm rất hoan hỷ, liền đem áo quí đáng giá một ức đồng tiền vàng cúng dường cho tỳ kheo và nói thế này: lành thay pháp sư, nói pháp vi diệu, mong Ngài chiếu cố đến nhà tôi nói pháp ấy để chúng tôi được nhiều lợi ích mà pháp sư bố thí pháp cũng được quả tốt. Kể từ hôm nay trở đi tôi xin dốc lòng cúng dường y phục, đồ ăn uống, thuốc thang, những thứ đồ dùng cần thiết và đồng ý theo làm đồ đệ của Pháp sư. Tỳ kheo Diệu Trí nói: lành thay! Tôi cũng dốc lòng cúng dường cung cấp. Lúc đó con ông trưởng giả lạy sát dưới chân rồi theo sau Diệu Trí về nhà, và Diệu Trí giáo hóa Lợi Ý. Cha mẹ thân quyến Lợi Ý đều có chí cầu đạo vô thượng Bồ Ðề. Con ông trưởng giả nhờ phước đức ấy trải qua vô số kiếp chưa từng rời xa Phật, thường được nghe pháp và gặp được các bậc thiện tri thức. Này Xá Lợi Phất, ông cho rằng Lợi Ý đó là người nào lạ chăng? Ðừng nghĩ như thế mà chính là ta đây. Còn cha Lợi Ý, trưởng giả Nhu Nhuyến là Phật Ca Diếp đấy. Này Xá Lợi Phất, ông có nghĩ rằng cha mẹ Lợi Ý, người nhà và thân quyến đối với đạo vô thượng có thối chuyển không? Chớ nên nghĩ thế. Tại sao vậy? Vì những người ấy đã cương quyết trong đạo Bồ Ðề, nay họ ở chỗ ta tu hành phạm hạnh nên được thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề. Này Xá Lợi Phất, tỳ kheo Diệu Trí ở trong thân kia mà được Niết Bàn. Nếu tỳ kheo không theo pháp Tiểu Thừa nhập Niết Bàn, chỉ vì Lợi Ý mà thuyết pháp cho một người, nhờ phước đức nhân duyên ấy được thành Phật đạo, huống là vì trưởng giả Nhu Nhuyến và thân quyến mà thuyết pháp phước đức biết chừng nào! Xá Lợi Phất, nếu tỳ kheo không nhập Niết Bàn, không thấy rõ người đời cúng dường đầy đủ tất cả những vật dụng cần thiết để tìm cách báo ân. Tại sao thế ? Vì ta được nghe pháp từ tỳ kheo Diệu Trí nên chóng đạt được Phật pháp thanh tịnh nhiệm mầu. Vì thế, ông nên biết, nếu người nào vì Bồ Tát mà nói pháp chỉ dạy điều lợi lạc chắc chắn sẽ được vô lượng phước báu. Tại sao thế? Vì Bồ Tát phát tâm là để làm vô số những việc lợi ích ấy. Này Xá Lợi Phất, cũng như đại dương từ sông mà thành; nên biết bảo châu ma ni có giá hay vô giá đều từ đại dương mà có. Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc đầu từ từ rồi mới có trí huệ sáng phát sanh, trí thế gian hay xuất thế gian, hữu lậu hay vô lậu, hữu vi hay vô vi; tất cả các pháp hoặc sạch hoặc dơ. Xá Lợi Phất, cũng ví như đại dương lúc đầu là sông, nên biết lấy thân chúng sanh làm chỗ tạo tác, và từ đó được sanh trưởng, nuôi dưỡng thêm xinh đẹp. Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc mới đầu từ từ rồi thành vô lượng vô số thân đại trí huệ, thân đại thiện căn, lấy thân chúng sanh làm chỗ nương tựa, đều nương từ từ mà tăng trưởng. Xá Lợi Phất, ví như nước biển lúc đầu là chỗ trú ẩn của đại long vương; những đại long vương ấy không bị nuốt trửng đôi cánh vàng trong khi lướt gió cũng không bị biển làm hại. Các đại long vương từ đại dương xuất hiện có thể nổi mây lớn che trùm khắp tám vạn châu, phun nước tung toé mà không chảy tràn. Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc đầu từ từ rồi thành Phật đạo, lấy rồng Ðại Bồ Tát làm chỗ nương tựa. Ðại long vương ấy không bị nuốt trửng đôi cánh vàng; nếu Bồ Tát trụ sâu trong Phật pháp bọn chúa ma, dân ma không thể nào xuất hiện làm hại. Ðại long vương không bị đôi cánh vàng tung gió làm hại, nếu muốn hại liền bị tiêu diệt ngay. Bồ Tát cũng thế, chúa ma, dân ma không thể nào làm hại được. Nếu có tâm làm hại thì liền bị tiêu diệt ngay; tiêu diệt ma buộc, việc ma, ma nghiệp...

Này Xá Lợi Phất, đại long vương xuất hiện từ đại dương trong bốn châu thiên hạ và trong tám vạn châu để chan rải trí huệ thấm nhuận xuống khắp cỏ cây rừng rậm, trăm thứ hoa màu, cây thuốc đều được sanh trưởng; cũng làm cho loài chúng sanh có hai chân, bốn chân... không còn tưởng đến đói khát nữa. Rồng làm mưa xong trở về cung rồng. Rồng Ðại Bồ Tát cũng như thế, từ pháp Phật mà ra nên ở trong bốn nghìn đại thiên thế giới, những thành ấp, thôn trang được mưa đại pháp rưới khắp, có thể đoạn trừ ba thứ khát ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái của vô số chúng sanh. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương lúc đầu thành hình cũng phải ở trong bốn châu thiên hạ và trong tám vạn châu khác. Có những nơi có nước lưu chuyển như mưa lớn, mưa nhỏ, nước của sông hồ, thác suối đều chảy vào biển cả; biển dung nhận được tất cả mà vẫn không tăng không giảm như biển pháp có nhiều loại nước đổ vào đều mất hút trong đó, chỉ còn là nước biển, mất hết mùi vị chỉ còn là vị mặn. Bồ Tát phát tâm cũng thế, từ đầu muốn đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề phải đầy đủ Phật pháp, rồi nhờ trí huệ mà trừ nghi chúng sanh. Các vị đại luận sư có đủ thiện căn phước đức trí huệ đã thành tựu; nếu chưa thành, Phật vì họ mà trừ nghi đều mất hết tên riêng mà chỉ gọi là đệ tử của Phật. Như nước đại dương chỉ có một vị mặn. Các đệ tử của ta đều được lìa dục nên chỉ có một vị giải thoát.

Này Xá Lợi Phất, như nước biển từ từ rồi mới sâu dần. Nếu nước biển từ bờ đã sâu những kẻ tìm châu báu không thể vào được. Vì biển cả từ từ sâu đến vô cùng nên thành đại dương. Tâm của Bồ Tát cũng thế, lúc đầu nông cạn rồi dần dần sâu cho đến vô cùng. Này Xá Lợi Phất, tâm Bồ Tát thậm thâm do hành ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Vì sâu thẳm nên gọi là ‘ba’hoặc ba la mật, vì thế Phật pháp mầu nhiệm vô cùng... Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát đạo trên thực tế lúc đầu đã thâm diệu, nên vô số chúng sanh cầu pháp mầu đều không thể vào được. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương sở dĩ thành, vì đem lại được nhiều lợi ích cho tất cả quốc giới. Bồ Tát phát tâm cũng thế, từ lúc đầu vì lợi ích cho tất cả thế giới. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương lúc đầu đã có ngọc báu. Bồ Tát phát tâm cũng thế, lúc đầu từ bốn niệm xứ (xem chú thích trước), bốn chánh cần (13), bốn như ý túc (14), năm căn, năm lực (15), bảy trợ đạo Bồ Ðề (16), bát chánh đạo và các môn thiền định, giải thoát pháp bảo tam muội.

Xá Lợi Phất bạch Phật, thật hy hữu thay, đức Thế Tôn! Phật khéo dẫn các thí dụ về đại dương chỉ rõ Bồ Tát phát tâm được phước đức vô lượng. Phật bảo Xá Lợi Phất, tâm Bồ Tát không thể nào ví như đại dương được, ông nên biết. Tại sao? vì Bồ Tát phát đại nguyện trang nghiêm sâu xa, nếu Như Lai nói phước đức của Bồ Tát mãn một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nào hết được. Tại sao thế? vì chư Bồ Tát phát tâm nguyện như thế nên thành tựu việc lớn thâm sâu cao đại, khó ai hơn, không gì hoại được, có thể ban cho chúng sanh tất cả điều vui; chuyển cái khổ của ba cõi thành đại trí huệ nên rất khó lường chỗ cạn sâu, không bị chướng ngại, được đại quang minh. Xá Lợi Phất, nói cách vắn tắt tâm Bồ Tát trở thành vĩ đại nói không thể nào hết được. Xá Lợi Phất, ví như cõi tam thiên đại thiên như ta biết lúc đầu có chỗ nương tựa chung cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát cũng như thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề là vì muốn cho vô số chúng sanh được trí huệ. Xá Lợi Phất, ví như núi chúa Tu Di lúc mới thành hình, là chỗ nương tựa của vô số chư thiên, vì sơn vương ở các cõi trời Ðao Lợi quấy phá bọn a tu la. Bồ Tát cũng thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề, tu hành, thành Phật là để làm điểm tựa cho vô số chúng đệ tử, như trời Ðao Lợi nhờ Núi Tu Di mới có thể quấy phá được chúng a tu la; cũng như chúng sanh nhờ Như Lai nên diệt được bọn ma. Xá Lợi Phất, như núi chúa Thiết Vi mới đầu trong đó đã có các chúng sanh bị khuất lấp bởi tám ngọn gió (17) dữ nên không thể làm hại được. Bồ Tát cũng như thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề, rồi dần dần kiên cố khó lường; nên biết vì thân cận Bồ Tát, chúng sanh bị các ma chướng ngăn che cũng không thể nào quấy phá được. Xá Lợi Phất, như núi Tuyết lúc mới thành hình đã có những loại cỏ thuốc sanh trưởng trong đó. Bồ Tát cũng như thế, lúc đầu vì vô số chúng sanh mà học các phương thuốc để diệt trừ phiền não. Xá Lợi Phất, cũng như ngọc báu là để làm một phần lợi ích cho vô số trăm nghìn vạn ức chúng sanh. Bồ Tát cũng như thế, ngay từ lúc phát tâm đã khởi tánh trí huệ cao quí, vì làm một phần lợi ích cho vô số chúng sanh trong a tăng kỳ kiếp. Xá Lợi Phất, cũng như mặt trời lúc đầu thành hình phải chiếu ánh sáng đến bốn châu thiên hạ, và tám vạn các châu khác đều được nắng ấm. Bồ Tát cũng như thế, từ lúc đầu phát tâm rồi dần dần tăng trưởng cho đến khi thành quả vị Phật, phải biết vì chúng sanh trong ba nghìn đại thiên thế giới mà soi sáng Phật pháp; cũng có thể làm khô cạn những tham ái, sân giận, phiền não tràn trề. Xá Lợi Phất, cũng như ao A Nậu Ðạt lúc mới đầu là chỗ nương tựa của rồng A Nậu Ðạt; rồi từ bờ chảy ra bốn sông lớn đều làm lợi ích cho những loài chúng sanh hai chân hoặc bốn chân trừ hết khát, sanh ra châu báu rồi dần dần chảy vào đại dương. Giáo pháp Ðại Thừa lúc đầu cũng như thế, tất cả Bồ Tát đều nhân "thừa" này mà tu tập Phật pháp để đạt vô thượng Bồ Ðề thì có thể lưu chuyển trong bốn sông đại pháp, là nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, lời nói vô ngại, biện tài vô ngại; không vô tướng, vô nguyện, tám mặt bỏ vị năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, vô số chúng sanh nghe những pháp ấy để diệt sạch phiền não, vĩnh viễn xa lìa đời sống để chứng đạo. Như thế, Xá Lợi Phất, chư Bồ Tát lúc đầu phát tâm rồi dần dần có thể thành rộng lớn khó ai hơn, không thể nào hoại diệt, là những việc vi diệu vô cùng, cũng vì sự lợi ích cho vô số chúng sanh làm cho chúng phát tâm vô thượng Bồ Ðề. Xá Lợi Phất, Như Lai tuy nói lời như thế nhưng không thể nói hết được. Vì thế nên biết, có người vì Bồ Tát mà nói pháp, chỉ dạy làm cho lợi lạc được vô lượng công đức không thể tính đếm hết được. Xá Lợi Phất, ta dùng Phật nhãn quán xét phước báu này thấy không có bờ mé, mà tùy theo "thừa" gì để đạt đến, như có người gieo căn lành Phật chủng cho đến khi đạt được quả Niết Bàn, giữa chừng không thể nào hết được. Xá Lợi Phất, lui về đời quá khứ có một vị Bồ Tát tên là Lạc Pháp sanh vào giòng vua chúa do nghe được lời thiện lành nên đọc tụng, biên chép. Lúc ấy vương tử muốn cầu pháp nên đi tìm thầy khắp nơi, có một người đang ở trong một cái hang sâu nói với Lạc Pháp rằng, vương tử đến đây tôi xem tướng và nói Phật kệ cho. Lúc ấy người kia lên trên miệng hang gọi Lạc Pháp mà nói rằng: ô hay nam tử! ông hãy nghe ta nói Phật kệ. Người ấy nói: chẳng có cái không tướng nào đáng giá cả. Lạc Pháp Bồ Tát thân mặc y báu, y này đáng giá hai mươi ức tiền vàng, dùng ngọc ma ni, anh lạc đeo cổ, những ngọc báu ấy đáng giá bốn mươi ức tiền vàng. Người kia thấy ngọc báu liền khởi lòng tham muốn, nghĩ thế này: nếu vương tử cho ta áo châu ma ni, và chuổi anh lạc, sau đó ta mới nói Phật kệ cho nghe. Lúc đó vương tử hỏi người kia rằng, phải đưa vật gì cho, ông mới nói Phật kệ? Lòng tham của người kia lại càng bừng bốc hơn lên nên nói với Bồ Tát rằng, nếu Ngài cho tôi y báu đang mặc và chuỗi anh lạc đang đeo, sau khi nghe Phật kệ xong lại chui vào hang sâu này; và như thế nên thề trước, rồi sau tôi sẽ nói cho ông một bài kệ. Vương tử đáp rằng, ô hay nhơn giả! Ông muốn tôi chui vào trong hang sâu này có được lợi gì? Người kia trả lời: tôi không được lợi gì cả, chỉ sợ Ngài bỏ chiếc y báu và chuỗi anh lạc, sau khi nghe kệ xong sanh tâm hối tiếc, dựa vào thế lực mà chiếm đoạt của tôi. Vương tử trả lời; ông chỉ đoán thôi, ta hoàn toàn không hối tiếc. Người kia liền nói: nếu không thề dứt khoát nên biết rằng tâm ông sẽ hối hận. Bồ Tát lại nói: ông chỉ nói thôi, xem tướng người còn tùy nữa chứ. Ta cho ông y báu và chuỗi anh lạc, cũng như sẽ vào hang sâu. Người kia nghe xong liền vì Bồ Tát mà nói một bài Phật kệ. Lúc đó Bồ Tát cho y báu ma ni và chuỗi anh lạc, phát lời thề rằng: nếu tôi thành tâm xả y báu và chuỗi anh lạc này mà lòng không hối tiếc - đây là lời chân thật - thì tôi từ trên cao rơi xuống vẫn được đứng yên một chỗ không bị thương tích. Thề xong Bồ Tát tự gieo mình xuống chưa tới đất có bốn vị thiên vương đến đỡ xuống đất. Ðặt xuống đất xong bảo rằng, người này thật hy hữu thay! Kệ của Phật mầu nhiệm cao siêu thật là lợi ích. Những vị ấy từ trên cao xuống chỗ Bồ Tát nói thế này: vương tử thật ít có, làm việc khó như thế là muốn cầu pháp gì? Bồ Tát trả lời: tôi nhờ pháp này nên được vô thượng Bồ Ðề, đến khi thành Phật xong, những ai chưa độ sẽ được độ, chưa giải thoát được giải thoát, chưa diệt được diệt, chưa an làm cho được an.

Xá Lợi Phất, người kia nghe xong liền phát lòng tin, nói với Bồ Tát rằng, xin trả lại y báu và các thứ ngọc báu. Tại sao thế? Vì Ngài mặc y báu, đeo chuỗi anh lạc chính là để trang nghiêm thân. Bồ Tát đáp rằng, đây không phải như vậy, như người nôn ói, ói ra rồi đâu có thể ăn trở lại được nữa. Người kia nói: nếu như Ngài không nhận y lại thì cho tôi xin tạ lỗi, sau khi thành Phật xin cứu độ tôi với. Xá Lợi Phất, ông nghĩ rằng vương tử Lạc Pháp lúc đó làm một bài kệ xong, cởi y báu nơi thân và chuỗi ngọc ma ni cho người kia xong, rồi một mình chun vào hang sâu, đâu phải người nào lạ chăng? Chớ nghĩ như thế mà chính là ta đây. Lúc bấy giờ người kia vì ta nói bài kệ , sau đó do ta mà phát lòng tin, nói như thế này: khi Ngài thành Phật nên độ tôi, đâu phải người nào lạ chăng? Chớ suy nghĩ như thế, mà nay chính là tỳ kheo Hòa Già Lợi đấy. Xá Lợi Phất, ta đã từng một thời cùng chư tỳ kheo ở nơi khe suối sâu dạo chơi giữa trời đất bao la. Lúc ấy Hòa Già Lợi ở trên bờ cao nghe ta gọi một tiếng liền phóng mình nhảy xuống. Vì tin lời Phật nên tự phóng mình mà không bị thương tích nhờ có được sáu phép thần thông.

Xá Lợi Phất, ông chớ nên xem lực thiện căn ấy mà cho rằng người kia vì ta chỉ nói một bài kệ, vì tin lời ta nên đích thân quy y và nay được giải thoát. Xá Lợi Phất, người kia do gốc lòng tham mà gieo trồng căn lành còn được lậu tận (18) huống gì có người tín thọ lời ta, hiểu rõ Phật tuệ, nói pháp Ðại Thừa chỉ một bài kệ bốn câu chỉ dạy điều lợi lạc, ta không thấy phước đức đây hết, trừ khi nhập Niết Bàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]