Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận Đề 6

30/04/201318:27(Xem: 4575)
Luận Đề 6
KHAI TỔ THIÊN THAI TÔNG
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THIỀN VÀ CHỈ QUÁN

PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
thienquanvachiquan-bia2

LUẬN ĐỀ VI
THIÊN THAI TRÍ KHẢI, ĐÓA SEN,
VÀ KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
(Paul L. Swanson)

PHẦN GIỚI THIỆU

Hầu hết người học Phật đều biết rằng Thiên Thai Tông天台宗còn được gọi là Pháp Hoa Tông 法華宗 vì là phương pháp tổng hợp toàn bộ Phật học thâm viễn dựa trên lý nhất thừa (ekayana) của kinh Diệu Pháp Liên Hoa [1]. Thiên Thai Trí Khải, người thành lập hệ thống giáo lý và thực hành của truyền thống Thiên Thai, nhìn đóa sen phô bày nhiều hình trạng khác nhau là biểu tượng của Phật pháp và chân lý. Trong đại tác phẩm “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” 法華玄義 (T33, 681-814), đại sư đã từ đóa sen hòa hợp âm giai để tấu lên muôn vàn âm điệu khai mở ý nghĩa Phật pháp và thể tánh của thực tại là những vấn đề bất khả tư nghị, vượt ngoài ngôn từ. Một chủ đề chuyển đổi [qua muôn hình thái] tượng trưng “sự rạng rỡ vô tận” của một đóa sen như một biểu tượng, dường như chính là một bản kinh Pháp Hoa đầy ước hẹn, nhưng khó thể dùng ngôn từ để diễn đạt, vì có vô lượng nghĩa無量義. Khi Thiên Thai Trí Khải dùng hai chữ pháp hoa法華hoặc liên hoa 蓮華, thực khó biết có phải rằng đại sư đang muốn nói đến một bông sen, hoặc một biểu tượng của bông sen, hoặc giáo lý Pháp Hoa, hoặc tất cả những điều trên.

Thiên Thai Trí Khải nói đến tánh đồng nhất của biểu tượng và cái làm biểu tượng. Đại sư nói “đóa sen không chỉ là một biểu tượng mà là thể体của chính chân lý” (T33, 771c21), hoặc “tên gọi” là thể của chân lý. Mặt khác, biểu tượng đứng trong tương quan với cảnh vật làm biểu tượng không khác từ ngữ và cảnh vật như phương tiện giao lưu, không cân phân nhưng vững vàng, thích ứng và giúp ích cho việc thông hiểu [thực tại], vì biểu tượng có được sự lớn mạnh, thâm sâu, và là một [phương tiện] diễn tả chân lý rõ ràng hơn chữ và lời[2]. Đường song đôi giả tạm, mối tương giao giữa hoa sen và thực tại, hoặc giữa biểu tượng và cái được biểu tượng, hòa hợp nhau, hoặc xa hơn nữa, chính là sự khai phóng làm tuôn tràn hệ thống tư tưởng của Thiên Thai Trí Khải.

Điều nầy phản ảnh mối tương quan giữa những khái niệm sự 事và lý理, giác榷 và thực 实, tục 俗và chân眞, tích 迹và bản 本, giả hữu 假有và chân không真空của Thiên Thai Tông.

Mặt khác, sự chia cắt giữa biểu tượng và cái được biểu tượng vào những yếu tố đối nghịch là sự biểu hiện giả tạm. Hai mặt nầy không tuyệt đối riêng rẽ mà là cùng trong một thực tại hòa đồng, như Giả và Không hội tụ, tức Trung [Đạo] qua khái niệm Tam Đế của Thiên Thai Trí Khải. Cũng như vậy, biểu tượng và cái được biểu tượng cùng chung một thực tại, biểu tượng biến hóa và tràn đầy ý nghĩa như thực tại mà nó phô bày.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào cách thức Thiên Thai Trí Khải dùng hoa sen như một biểu tượng trong tác phẩm “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, sau đó thâm cứu về phương pháp lấy hoa sen làm dụ của đại sư.

THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THUYẾT MINH VỀ HOA SEN

Mặc dù hoa sen như một biểu tượng[3] dùng trong toàn bộ tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa, nhưng được trực tiếp luận nghĩa thì có hai phần. Phần thứ nhất là phần giới thiệu, phần thứ hai giải thích danh từ “liên hoa” trong tựa đề kinh, với bản dịch của pháp sư Cưu Ma La Thập. Tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa được cấu trúc như một luận đề về tên bản kinh [Diệu Pháp Liên Hoa 妙法蓮華經] với nhiều đề mục nhắm thẳng vào việc giải thích hai chữ “Diệu” và “Pháp”. Trong phần giới thiệu, hai chữ diệu và pháp được giải thích ngắn gọn hơn trong phần giải thích về hai chữ liên hoa. Trước hết được định nghĩa là pháp quyền và thực 榷实法 (681a25). Sở dĩ phải dùng biểu tượng như vậy vì “diệu pháp thực khó hiểu, nhưng có thể tạm thời dùng biểu tượng để làm sáng tỏ” (681a 26). [Phương pháp] nầy giúp để hiểu một giáo pháp hoặc chân lý vượt ngoài cái hiểu thuộc khái niệm.

Phần nói về hai chữ “liên hoa” giải thích sâu rộng hơn về việc lấy hoa sen dụ cho pháp như thế nào, nhưng trong phần giới thiệu lại chia làm sáu phần: ba phần đầu nói về Tích 迹, tức [14 phẩm] đầu của bản kinh; và ba phần sau nói về Bản本tức [14 phẩm] cuối của bản kinh. Ý nghĩa quan trọng của sự phân chia nầy đi suốt học thuyết của Thiên Thai Trí Khải, là sự giả lập chân lý làm hai phần tức thế đế và chân đế, tích và bản, quyền và kinh v.v... nhưng thực sự chỉ là một thực tại đại hòa, một [bản] Phật và một [nhất thừa] Pháp. Với bản kinh Pháp Hoa cũng tạm phân chia làm hai phần; phần thứ nhất nói về [tích] Phật ứng thân, và phần thứ hai nói về [bản] Phật. Như vậy, Thiên Thai Trí Khải trình bày ba mặt hoa sen được dùng làm dụ cho Phật và pháp về phần “tích”; và ba mặt hoa sen dụ cho phần “bản”.

Ba mặt thuộc Tích môn đưa ra sự tương quan giữa chân lý tương đối và chân lý

tuyệt đối:

Thứ nhất, hoa sen dụ cho giả đế tức giáo pháp đưa đường vào chân đế, khi có hoa hạt theo liền. Kinh Pháp Hoa cho thấy Phật dùng nhiều phương tiện thiện xảo (upaya) để

dạy cho chúng sinh biết bản hoài của Phật.

Thứ hai, hoa sen dụ cho sự hiển lộ thực nghĩa của giả đế hoặc pháp phương tiện, hạt dụ cho chân đế. Khi hoa nở liền thấy được hạt. Pháp phương tiện được dùng để chứng ngộ pháp tuyệt đối.

Thứ ba, khi hoa tàn, hạt thành tựu, vượt qua tam thừa để hiển lộ Phật thừa.

Tam dụ thuộc Bản môn đưa ra sự tương quan giữa Tích môn và Bản môn, liên hệ đến [14 phẩm] cuối của kinh Pháp Hoa.

Thứ nhất, hoa chứa đựng hạt sánh với Tích môn chứa đựng Bản môn, và được Bản môn chứa đựng.

Thứ hai, khai mở Tích hiển lộ Bản.

Thứ ba, khi cánh tàn, hạt thành tựu có nghĩa rằng Tích bị loại bỏ khi Bản lộ diện, hành giả không còn bị trói buộc vào Tích.

Sáu phần nói trên được bố cục rất tinh xảo, dù rằng không phải dễ hiểu. Đại sư nói chi tiết và dùng thí dụ cụ thể trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa (771c17-774c25).

Trước hết, Thiên Thai Trí Khải xác định điều đại sư muốn nói khi dùng hoa sen làm dụ. Hoa sen được mượn để sánh với diệu pháp là cái khó nghĩ bàn, vượt ngoài khái niệm và ngôn từ[4]. Vì vậy, hoa sen được dùng để trình bày vấn đề một cách cụ thể, giúp hành giả vào được thực nghĩa của diệu pháp, đặc biệt đóng cả hai vai trò của giả đế và chân đế.

Thiên Thai Trí Khải đi xa hơn khi cho thấy rằng hoa sen không chỉ là một biểu tượng mà còn là thể tánh của chính thực tại, hoặc là “tên gọi” của thể tánh đó. Biểu tượng không ở ngoài cái làm biểu tượng, nhưng cùng chung một thực thể như nhất. Đại sư lại nói thêm rằng hoa sen không phải chỉ là một cập dụ 伋喻 mà là chính giáo lý Pháp Hoa (771c24-25). Giáo lý bất diệt của Pháp Hoa phô bày trong một đóa sen toàn hảo hơn bất cứ hiện tượng cụ thể nào khác.

Sau đó Thiên Thai Trí Khải nói đến những giải thích đương thời về biểu tượng hoa sen như giải thích của sư Pháp Vân, cũng như trưng dẫn những kinh luận dùng hoa sen làm dụ (như Saddharma-pundarika Sutra Upadesa và Samnipata Sutra), tuy nhiên, chúng ta sẽ không đi vào chi tiết ở đây.

Cuối cùng đại sư đưa ra những giải thích chính xác về hoa sen như phương thức luận về thập như thị 十如是, nhân duyên 因緣, tứ thánh đế 四聖諦, nhị đế 二諦, tam đế 三 諦 (Không đế 空諦, Giả đế 假諦, Trung đế 中諦), nhất đế 一諦, và vô đế 無諦 ... thường

thấy trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa (773a 24-26). Sáu đề mục nói trong phần giới thiệu sẽ được nhắc lại và giải thích sâu hơn. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ chú giải về biểu tượng hoa sen. Đề tài đưa ra thực vô cùng tận, nếu muốn khảo sát đầy đủ thì phải đi qua tất cả những phần đã nói trên (nhân duyên...), đó là bản văn mà Thiên Thai Trí Khải đã trình bày những chi tiết rất cụ thể về ý nghĩa lấy hoa sen làm dụ.

Một vài thí dụ cũng đủ chứng minh[5]. Trong phần nói về thập như thị, hoa sen biểu thị cho Phật tánh, trong đó, đài gương không hư hoại dù ngấm trong bùn đen. Chúng sinh cũng không khác, tất cả đều có Phật tánh dù rằng trang trải thân trong vũng lầy của luân hồi (773b16-18). Đây là dụ cho năng lực chứng đắc Bồ đề, dù rằng thai tạng trong vỏ cứng bị chôn lấp dưới lớp bùn đen nhưng mầm mống xuất sinh vẫn [âm thầm] thành tựu. Chúng sinh cũng không khác, dù rằng bị vây hãm bởi muôn ngàn ác nghiệp và ảo tượng [tự mình tô vẽ], nhưng hạt giống Bồ đề vẫn không mất (773b25-28). Đây là sự biểu hiện của nhân Bồ đề: như hoa sen vươn lên từ đất bùn, theo gió lay dưới ánh mặt trời, và ngày ngày đơm hoa chờ mở cánh. Chúng sinh hướng về giải thoát cũng như vậy, hằng vun bồi hạnh Bồ tát, viên mãn con đường hành trì, quy về Bồ đề (773c8-13). Cùng một chiều hướng, hoa sen được mô tả theo vòng xích của mười hai duyên khởi. Thí dụ, hoa sen thấm ướt tượng trưng cho các vòng xích ái, thủ, và hữu... Tứ đế, Nhị đế, Tam đế, và Nhất đế cũng như vậy.

Phần nói trên vẫn nằm trong cái diệu thứ nhất của mười cái diệu là cảnh diệu 境妙. Thiên Thai Trí Khải từ hoa sen lần lượt đưa ra chín cái diệu còn lại[6]. Thí dụ, về hành diệu, cành sen là từ bi, lá sen là trí tuệ, nhụy hoa là tịnh, hoa nở là giải thoát (774a 26-29). Thứ lớp trưởng thành của một đóa sen tượng trưng cho thứ bậc chứng đắc Bồ đề. Mầm xanh nẩy ra từ lớp vỏ cứng tượng trưng cho trụ vị 住位. Vượt thoát bùn lầy lên trên mặt nước tượng trưng cho tứ thiền 四禪, vì thiền [duyệt] ví như nước, có thể tẩy rửa lớp bụi ái dục. Từ mặt nước vươn lên tượng trưng cho thập tín 十信 v.v... Cũng vậy, “từ gốc rễ lại đâm chồi sinh hoa, từ một sinh hai cho đến vô số hoa, tượng trưng cho quyến thuộc của chư Phật” (774b5-8).

Tuy vậy, tất cả những thí dụ trên vẫn còn nằm trong Tích môn. Thiên Thai Trí Khải dừng phần giải thích của đại sư ở đây để quay sang biểu tượng của hoa sen đối với Bản môn. “Ví như một cái đầm là nơi hoa sen sinh thành. Đến lúc biến hoại hoa rơi xuống nước bùn, từ đó vô số mầm chồi lại tiếp tục sinh trưởng. Cũng như vậy, sau vài tháng hoa hoa nối tiếp nhau đơm bông kết đài che kín mặt nước hồ, hóa ra một đầm sen rộng lớn. Chư Phật cũng giống như vậy. Bản [vị] Phật đã thành tựu, không còn vun bồi nhân để đắc quả giải thoát. Vì chúng sinh, chư Phật dùng phương tiện thiện xảo, ứng sinh thân nơi cõi sinh tử nầy, thị hiện hành trạng từ thuở sơ phát đại tâm cho đến lúc tận cùng [chứng quả Bồ đề]. Trải qua vô số lần sinh diệt, từ bản địa 本地 ứng hóa thân làm

người phàm, [thị hiện] tu tập ngũ hạnh. Hạt sen đen lại đơm cành trổ lá, tượng trưng cho tứ thánh hạnh聖行. Bào tử với bốn phần dần dần tăng trưởng, tượng trưng cho thiên hạnh 天行. Lá đơm xanh tượng trưng cho phạm hạnh 梵行. Bào tử trong đất bùn tượng trưng cho bệnh hạnh 病行. Mầm non tượng trưng cho anh nhi hạnh嬰兒行. Trong đường hướng như trên, ba cõi được lợi ích không cùng tận. Hội nhập vào vũ trụ, chư Phật không ngừng phân thân, dùng tích môn lúc ẩn lúc hiển để làm lợi ích chúng sinh” (774c12-25).

Hẳn nhiên có những chú giải của Thiên Thai Trí Khải dễ lãnh hội nhưng cũng có những chú giải khác của đại sư thực khó nắm bắt được; người đọc thường có ấn tượng về khả năng liên tưởng phong phú của đại sư thay vì chỉ muốn làm đầy đủ bố cục đưa ra [mà chú giải quá chi tiết]. Tuy nhiên, việc dùng hoa sen dụ cho diệu pháp thì thực sự vô tận và là điểm nổi bật.

Sự trình bày của Thiên Thai Trí Khải chấm dứt ở đây nhưng [ví như cây trổ thêm nhánh mới], sự phân chia thì vẫn tiếp tục với thời gian. Hoa sen là một biểu tượng của Diệu Pháp Liên Hoa, là bản kinh bất khả tư nghị, không bao giờ cùng tận. Đó là nơi chúng ta thành hình, là nơi thể tánh hằng hữu phô bày thực tánh của chân lý trong một đường lối mà chúng ta là những kẻ phàm phu có thể hiểu được. Đây thực là một biểu tượng tuyệt vời nhất. Như Thiên Thai Đại Sư từng nói: “Nếu không là hoa sen thì vật gì khác có thể biểu hiện được [thực tánh của] các pháp (sarvadharma)?” (774c23-24).

BIỂU TƯỢNG VÀ HOA SEN

Chúng ta đã nhiều lần dùng chữ “biểu tượng” mà chưa đưa ra một định nghĩa. Phần còn lại của bài nầy chúng ta sẽ khảo sát một số định nghĩa và suy luận về phương pháp dùng biểu tượng, và áp dụng những lối nhìn nầy vào cách thức dùng biểu tượng hoa sen của Thiên Thai Trí Khải.

Trước hết, Raymond Firth, trong quyển Symbols Public and Privatenói đến những phương pháp đa dạng của khái niệm về biểu tượng, và đưa ra một khái niệm tổng quát rằng “biểu tượng là một trực thuyết về những giá trị trừu tượng”(1973, p.54). Heisig cũng nói cùng một điểmkhi xácđịnh tính chất của phương pháp dùng biểu tượng như “một vật, thường là vật cụ thể, đặc thù, tượng trưng cho một cái gì mơ hồ và tổng quát, trở thành tiêu điểm đối với ý tưởng và cảm giác tương quan, hoặc chỉ thẳng vào một chuỗi thói quen liên hệ” (1987, p.204). Thực nguy hiểm nếu chúng ta đi quá xa khi cố gắng đơn giản hóa một ý niệm phức tạp[7], chúng ta có thể nói chắc chắn rằng hoa sen là một vật cụ thể tượng trưng cho pháp vi diệu hơn [vật ấy]. Tuy nhiên, một biểu tượng là một cái gì [có ý nghĩa] hơn là sự mô tả một cách cụ thể về một cái gì trừu tượng. Biểu

tượng không chỉ vào vật mà nó biểu thị, nó cũng không chỉ “tượng trưng” cho một cái gì khác nó, như một dấu hiệu. Một biểu tượng có cái Victor Turnergọi là “mang vô số ý nghĩa”, có nghĩa rằng một biểu tượng gói gắm bên trong nó vô số nghĩa lý và giá trị (Tuner 1967, 19-41).

Với Thiên Thai Trí Khải, cái chứa đựng nghĩa lý trong hoa sen thì vô biên và vô tận như pháp vi diệu mà hoa sen biểu thị. Cách diễn đạt tâm đắc nhất mà tôi cảm thấy rằng có thể nói lên được phương pháp lấy hoa sen làm dụ của Thiên Thai Trí Khải là các chữ “vô cùng minh bạch” của Bernard Lonergan (đọc Lonergan, 1975). Nhóm chữ nầy lập tức khiến người đọc nghĩ đến giáo pháp “vô lượng nghĩa”無量義của kinh Pháp Hoa, và thêm phần xác định cho câu nói của Thiên Thai Đại Sư rằng hoa sen như một biểu tượng vô biên đối với khả năng diễn đạt và mô tả vô biên pháp. Trong phần giới thiệu những tiểu luận chọn lọc về kinh Pháp Hoa của International Conference tại Nhật Bản[8], bản kinh Pháp Hoa vẫn còn là một hứa hẹn nhưng chưa thực sự được thuyết giảng. Lý do vì nghĩa kinh thì vô lượng nên một lối thuyết giáo qua ngôn từ không thể nói cùng tận tánh vô biên của nghĩa kinh. Cái “vô cùng minh bạch” của đóa sen như một biểu tượng cũng giống như nội dung kinh Pháp Hoa có vô lượng nghĩa đối với người có mắt. Sự tương quan giữa hoa và hạt, lõi hoa trắng ngấm trong bùn đen nhưng vẫn tinh vẹn, từ hạt, sinh trưởng qua nhiều giai đoạn cho đến khi đơm bông... dòng diễn tiến như đang phô bày tánh vô biên của diệu pháp.

Eliadekhi trình bày về những biểu tượng của tôn giáo cũng xác định nhiều điểm không khác những điều tôi đã thấy được trong phương pháp dùng hoa sen làm dụ của Thiên Thai Trí Khải. Trong tác phẩm “The Two and the One” ông nói về vai trò của biểu tượng tôn giáo như sau:

“Biểu tượng có khả năng biểu thị thể dạng chân thực hoặc một trạng thái không hiển hiện trên mặt trực nghiệm của thế gian... Mang theo nhiều ý nghĩa, có khả năng diễn đạt đồng thời tánh hợp nhất của thực tại không thể trực nghiệm một cách rõ ràng là những đặc tính của những biểu tượng tôn giáo... Biểu tượng có khả năng làm hiển lộ một phối cảnh, trong đó, những chân lý khác biệt có thể vừa vặn trong nhau, hoặc ngay cả hội nhập vào một “hệ thống”. Nói cách khác, một biểu tượng tôn giáo khiến con người khám phá được tánh đại đồng của thế giới, và cùng lúc nhận ra vận mệnh của chính mình gắn liền với thế giới... Có thể rằng cái dụng quan trọng nhất của biểu tượng tôn giáo chính là khả năng diễn đạt những vị thế [dường như] mâu thuẩn hoặc những mực thước của thực tại tối hậu là cái không thể diễn đạt qua một cách nào khác hơn... Sau cùng, chúng ta cần phải nhấn mạnh trên giá trị thiết thực của biểu tượng tôn giáo để nói lên sự kiện rằng một biểu tượng luôn luôn nói lên một chân lý hoặc một vị trí liên quan đến con người... Cho thấy rằng người có thể hiểu được một biểu tượng không những chỉ “khai mở được chính mình” trước thế giới khách quan, nhưng cùng lúc có thể bước ra từ chỗ đứng đơn độc của chính mình mà hội nhập vào thể tánh đại hòa của vũ trụ... Xin được tri ân mỗi biểu tượng, mỗi kinh nghiệm tỉnh thức đã chuyển hóa vào

từng hoạt dụng của tâm linh.” (1995, pp. 201-208)

Vai trò của hoa sen trong việc làm hiển lộ diệu pháp thì không thể dùng kinh nghiệm trong đời sống thường ngày của chúng ta mà lập tức thấy ngay được, khả năng

diễn đạt nghĩa lý vô cùng tận, đưa ra tánh đồng nhất của giả đế và chân đế, giá trị thiết thực giúp để hiểu là cái chỉ thẳng vào thực tại làm nền tảng cho kinh nghiệm thực chứng của con người, đưa đường cho con người nắm bắt được chiều kích thâm sâu của vũ trụ. Đó là những đặc điểm trong việc dùng hoa sen làm dụ của Thiên Thai Trí Khải.

Tóm lại, có ba khía cạnh đáng lưu ý trong phương pháp dùng hoa làm biểu tượng của đại sư:

[1]. biểu tượng có công dụng đưa ra nhiều nghĩa lý và vô cùng minh bạch khiến hoa sen có thể diễn đạt pháp vi diệu vô tận.

[2]. vai trò của hoa sen là biểu tượng cụ thể đối với pháp trừu tượng, như một phương tiện giúp những người căn tánh chậm lụt có thể hiểu và tiếp nhận chân lý một cách trực tiếp.

[3]. tánh đồng nhất của biểu tượng và cái được biểu tượng khiến hoa và pháp đi vào nhau như một thực tại hội nhập.

Qua những phương hướng nầy, lối dùng hoa sen để chú giải [diệu pháp] của Thiên Thai Trí Khải tô đậm ý nghĩa và sự quan trọng của biểu tượng đối với nhiều lý thuyết hiện nay. Ý nghĩa của những lý thuyết nầy với cái hiểu sâu hơn trở lại giải thích Phật học Thiên Thai Tông, mở rộng danh từ “biểu tượng” ứng hợp với những gì Thiên Thai Trí Khải đã cố công xiển dương trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, trở thành chủ đề đưa đến những thâm cứu về sau.

Tham khảo

Cirlot, J.E.

1962 A Dictionary of Symbols. New York: Philosophy Library, Inc.

Eliade, Mircea

1961 Images and Symbols. Studies in Religious Symbolism. New York: Harvill Press.

1965 The Two and the One. New York: Harper & Row.

Firth, Raymond

1973 Symbols Public and Private. Ithaca. New York: Cornell University Press.

Heisig, James W.

1987 Symbolism. The Encyclopedia of Religion 14. New York: MacMillan and Free Press, pp. 198-208.

Lonergan, Bernard J. F.

1957 Insight: A Study of Human Understanding. Philosophical Library. New York: Longmans.

Shioiri, Ryodo

1983 Tendai Chigi no hokke-kyokan, Tokyo, Shunjusha, pp. 245-278.

Sperber, Dan

1974 Rethinking Symbolism. Cambridge: Cambridge University Press.

Swanson, Paul L

1989 Foundations of T'ien T'ai Philosophy: The Flowering of the Two Truths Theory in Chinese Buddhism. Berkeley: Asian Humanities Press.

Tanabe, George J. Jr. and Willa Jane, Tanabe, ed.

1989 The Lotus Sutra in Japanese Culture, Honolulu University of Hawaii Press.

Tuner, Victor

1967 The Forest of Symbols: Aspects of Ndembu Ritual. Ithaca: Cornell University Press.

1974 Dramas, Fields, and Metaphor. Symbolic Action in Human Society. Ithaca: Cornell University Press.



[1] Có điều đáng lưu ý rằng Thiên Thai Tông không chỉ hoàn toàn dựa vào kinh Pháp Hoa để gọi là “Duy Pháp Hoa Tông”. Thiên Thai Trí Khải còn dùng những bản kinh khác như Đại Bát Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Đại Trí Độ Luận, Duy Ma Cật v.v...

[2] Một nghiên cứu sôi động tranh cãi về cái học được từ những dấu hiệu (có ý rằng dấu hiệu có cùng sự diễn đạt như văn tự), đọc Sperber 1974. Ông viết rằng: “Kiến thức thuộc biểu tượng không phải là học về những loạt ý nghĩa được hiểu, cũng chẳng phải về thế giới, nhưng về những vấn đề có tính cách bách khoa. Kiến thức nầy không phải là cái học về văn tự và sự vật, nhưng về cách nhớ văn tự và sự vật.” (p. 108)

[3] Thực sự, Thiên Thai Trí Khải dùng hai tên gọi để mô tả vai trò của hoa sen là tỉ 比 và dụ 喩. Hai tên gọi nầy về văn pháp thì có nghĩa khác nhau, nhưng đại sư thường dùng qua lại, có khi dùng như một cặp. Trong bài nầy tôi sẽ dùng chữ “symbol” để dịch cặp chữ nầy.

[4] Đọc Paul Swanson, Foundations of T'ien T'ai Philosophy, 1989 [Nền tảng Phật học Thiên Thai Tông – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch 2010]

[5] Thêm chi tiết, đọc Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T33, 773b-c [Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch 2008]

[6] Chín cái Diệu kia là Diệu trí, Diệu hành, Diệu vị, Diệu tam pháp, Diệu cảm ứng, Diệu thần thông, Diệu thuyết pháp, Diệu quyến thuộc, và Diệu lợi ích.

[7] Cả hai Firth và Heisig hẳn nhiên đã đào sâu vấn đề và giới độc giả vẫn được giới thiệu đến những tác phẩm của họ.

[8] Đọc George J. Tanabe Jr. và Willa Jane Tanabe, ed., The Lotus Sutra in Japanese Culture, Honolulu: University of Hawaii Press, p. 1-2.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]