Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh phúc lứa đôi

09/04/201313:10(Xem: 6258)
Hạnh phúc lứa đôi

red_rose_50

Hạnh phúc lứa đôi

Ven. Dr. K. Sri Dhammananda ::::

Dịch giả:Thích Tâm Quang

LỜI NGƯỜI DỊCH

Trong mối tương quan liên hệ giữa con người, sự tương quan giữa vợ chồng là quan trọng nhất. Cho nên hôn nhân là một biến cố hết sức quan trọng cho đời sống của một con người. Chúng ta hãy thử nghĩ về đời sống của một con người. Thời gian ở hoàn toàn với cha mẹ lúc thơ ấu chỉ là sáu năm đầu. Tiếp theo đứa trẻ đi học và chia sẻ đời sống với các thầy giáo, giáo sư trong khoảng 12 năm. Thời gian chia sẻ với bạn bè khoảng một vài năm. Chỉ có vợ chồng là chung sống liên hệ với nhau suốt đời. Vợ chồng ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, vui buồn có nhau, chia sẻ và cùng mang trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Vợ chồng tuy hai thân mà như một.

Thời đại ngày nay, giới trẻ quá nhiều tự do, đi tới hôn nhân một cách bừa bãi vội vàng, hậu quả có quá nhiều ly dị, nhất là tại các nước Âu Mỹ. Những đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ vì ly dị, lớn lên dễ bị thương tổn về tinh thần và tâm lý…

Cuốn sách “Hạnh phúc lứa đôi” ( A Happy Married Life) của Hoà thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda, một học giả uyên bác, trình bày phương cách thực tiễn và khoa học cho những ai, nhất là giới trẻ muốn đạt hạnh phúc lứa đôi.

Tự biết khả năng thấp kém, nhưng với tấm lòng nhiệt thành, chúng tôi cố gắng dịch ra Việt ngữ, hy vọng mang lại lợi ích cho các bạn trẻ và cho những ai muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình và đóng góp một phần nhỏ vào Kho Tàng Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam.

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ chư tôn đức đã khích lệ và góp nhiều ý kiến bổ ích. Đặc biệt chúng tôi xin cảm tạ các đạo hữu Qúach Nhất Danh, Nguyễn thị Thuý Sương, Quách thị Thuỳ Linh, Quách Nhứt Trí, Lý thị Đài Trang, Quách Nhất Thống, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn thị Thuý Phượng, Nguyễn Bảo Châu, Nguyễn Bảo Quốc, Thanh Hoàng, Huỳnh thu Trang, Quảng Hải, Ngô Thanh Hùng, Nguyễn Nam Hải, Bạch Yến, Thiện Lực, Nguyễn Hữu Nhung, Viên Minh Phạm đình Khoát, Thiện Bửu, Quảng Lâm, Châu Ngọc Tòng, Minh Hỷ Phan Duyệt, Nguyễn Đình Dũng, Lê Văn Phụng, Đặng Kim Sa, và Minh Giác Nguyễn Học Tài đã góp phần công đức trong việc ấn hành dịch phẩm này.

Chúng tôi xin hồi hướng công đức hoằng pháp này lên ngôi Tam Bảo và cầu nguyện hồng ân Tam bảo thuỳ từ gia hộ Quý vị cùng Bửu quyến thân tâm thường an lạc và hạnh phúc.

Sau cùng chúng tôi kính mong Chư tôn Thiền Đức, pháp hữu ân nhân, các bậc thức giả cao minh, vui lòng bổ chính cho những sai lầm thiếu xót để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong kỳ tái bản.

Phật lịch 2539, Xuân Bính Tý, Ngày 19-02-1996

Tỳ Kheo Thích Tâm Quang

LỜI NÓI ĐẦU

Từ ngàn xưa, con người đã bận tâm lo lắng trong việc tìm hạnh phúc của đời sống, từ lúc nằm nôi cho đến lúc xuống mồ. Họ làm việc và tranh đấu tích cực để đạt hạnh phúc, nhưng thường không biết rõ hạnh phúc là gì vì không hiểu bản chất của đời sống. Mặc dù các tôn giáo đều chỉ dạy, khuyên răn và chỉ đường cho môn đồ thực hành hầu đạt được hạnh phúc trong đời sống; nhưng thường các lời khuyên bảo và chỉ dẫn này không được lưu ý tới vì tham dục, ganh ghét và ảo tưởng. Một số đông đã thất vọng và đau khổ, hy vọng cầu nguyện để tìm hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Trong khi một số khác, dù vui hưởng hạnh phúc tràn trề trên thế gian, vẫn chưa thoả mãn và ham muốn được hạnh phúc trường cữu trên thiên đàng sau khi từ giã cõi đời. Với một người bình thường hay một thiếu niên, rất là khó phân biệt được giữa hạnh phúc và lạc thú. Với họ, cái gì có lạc thú tức có hạnh phúc, và đạt hạnh phúc tức đạt được lạc thú.

Thông thường, chúng ta coi những ngày thơ ấu là thời gian hạnh phúc. Thực ra, khi còn nhỏ, chúng ta không hiểu hạnh phúc là gì. Được sự che chở của cha mẹ, chúng ta trải qua những ngày sung sướng liên tục, và đầy lạc thú. Khi đến tuổi trưởng thành, đầu óc và thân thể chúng ta thay đổi khiến chúng ta nhận thấy sự hiện hữu của người khác phái và chúng ta bắt đầu thấy họ hấp dẫn và có những cảm xúc xáo trộn. Rồi vì tò mò, chúng ta đọc sách và thảo luận để tìm hiểu sự thật của cuộc đời. Chẳng bao lâu chúng ta trưởng thành - thời kỳ chủ yếu của cuộc đời – chúng ta tìm người bạn đường vừa ý, và những sự tiếp xúc này đã trắc nghiệm đức tính chúng ta đã có từ lúc thiếu thời. Tình yêu, nhục dục, và hôn nhân trở thành những vấn đề quan trọng, quyết định phẩm chất cuộc sống lứa đôi mà chúng ta tiến tới.

Giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng văn minh “Tây phương” qua đường lối truyền thông đại chúng như sách vở, tạp chí, truyền hình, băng nhạc, và phim ảnh, nên đã hiểu sai lạc về tình yêu, nhục dục và hôn nhân. Đức hạnh và giá trị của thời cổ “Đông phương” lần lần suy thoái trước các ảnh hưởng này. Trong thế hệ trẻ ngày nay, không còn thấy những đức tính và giá trị nói trên của thế hệ già thực hành và áp dụng. Ảnh hưởng Tây phương chịu trách nhiệm về tình trạng này không, hay nên trách móc cha mẹ vì đã không theo dõi, kiểm soát con cái để chúng làm bậy. Sách này nói đến các chương trình truyền hình và phim ảnh không thể hiện đúng đường lối suy nghĩ và cách cư xử của người Tây phương đứng đắn, và có một số các cặp vợ chồng đoan chính, đạo hạnh, và “bảo thủ” như bất cứ cặp vợ chồng “Đông phương” nào káhc đã im lặng trước vấn đề tình yêu, nhục dục và hôn nhân. Nếu giới trẻ muốn chạy theo Tây phương , thì hãy bắt chước khối “đa số thầm lặng”, họ chẳng khác gì với những người láng giềng tử tế sống ngay bên cạnh chúng ta.

Đời sống hiện đại đầy dẫy những lo lắng và căng thẳng, và những lo lắng, căng thẳng đó đã gây khó khăn trong nhiều cuộc hôn nhân. Nếu phân tách kỹ lưỡng để tìm nguồn gốc về các khó khăn xã hội, như tiền dâm hậu thú, vị thành niên mang thai, hôn nhân không hạnh phúc, ly dị, ngược đãi con cái, đánh đập vợ, chúng ta thấy rằng nguyên nhân của nó là ích kỷ, thiếu kiên nhẫn, thiếu độ lượng, và thiếu thông cảm. Trong kinh Thi Ca La Việt, đức Phật khuyên làm sao giữ được an lạc và hoà thuận giữa vợ và chồng trong gia đình để sống có hạnh phúc. Trách nhiệm của bậc cha mẹ với con cái và bổn phận của con cái với cha mẹ được đề cập đến rõ ràng trong kinh ấy như những lời chỉ đạo rất hữu ích để đạt hạnh phúc gia đình.

Trong sách này, Hoà thượng, tác giả, nhấn mạnh đến một điểm quan trọng : Hôn nhân là một sự hợp tác của hai cá nhân và sự hợp tác này trở nên giàu có và tiến bộ khi nhân phẩm người hùn hạp gia tăng. Trong viễn cảnh của người Phật tử, hôn nhân có nghĩa là hiểu nhau, và kính trọng niềm tin và sự riêng tư của nhau. Bây giờ là lúc thích hợp nhất để xuất bản sách này cho các Phật tử, đặc biệt là cho giới trẻ để biết rõ những vấn đề quan trọng của cuộc đời như tình yêu, nhục dục,và hôn nhân. Sự hiểu biết này không những giúp họ sống cuộc đời vợ chồng vui vẻ mà còn được bình an và toại nguyện.

Thay mặt Hội Truyền Bá Giáo Lý Phật Đà (Buddha), tôi bày tỏ lời biết ơn chân thành và cảm kích của tôi với tất cả các hội viên đã nhiệt tình giúp đỡ trong việc phát hành cuốn sách này.

Tan Teik Beng

JSM, SMS, KMN, PKT

Phó Chủ Tịch, Hội Truyền Giáo Phật Đà Mã Lai Á

1. Dẫn nhập

Theo quan điểm của người Phật tử, hôn nhân cũng chẳng phải thánh thiện hay phàm tục. Phật giáo không coi hôn nhân là một bổn phận của đạo lý hay một điều thiêng liêng được ban hành từ thiên đường. Kẻ châm biếm nói rằng nếu có người tin là hôn nhân được hoạch định từ thiên đường, thì cũng có kẻ khác lại cho rằng hôn nhân được đăng ký tại địa ngục! Trên căn bản, hôn nhân là bổn phận không bắt buộc của cá nhân và xã hội. Phái nam và phái nữ hoàn toàn tự do lập gia đình hay sống độc thân. Điều này không có nghĩa là Phật giáo chống hôn nhân. Chẳng ai trên đời này nói hôn nhân là xấu, và cũng chẳng có tôn giáo nào chống lại hôn nhân cả.

Trên thực tế, tất cả mọi chúng sanh hiện hữu là do kết quả của dục tình. Vì con người, thể chế hôn nhân được đặt ra để xã hội bảo đảm sự trường cửu của loài người và đoan chắc việc săn sóc các trẻ em. Điều này do một luận cứ cho rằng trẻ con ra đời là do lạc thú của dục tình, nên đôi bên phải có trách nhiệm với chúng cho đến khi chúng khôn lớn và hôn nhân được đặt ra để bảo đảm việc tôn trọng và thi hành trách nhiệm này.

Xã hội phát triển là do những tương quan hổ tương mật thiết và phụ thuộc giữa mỗi người. Mối quan hệ là một lời cam kết nhiệt thành để yểm trợ và che chở cho những người khác sống trong cộng đồng. Hôn nhân đóng một phần quan trọng trong cái mạng lưới yểm trợ và che chở đó. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải từ từ lớn mạnh do hiểu biết, chứ không phải do thử thách, do lòng chung thuỷ thật sự chứ không phải do nhu nhược. Thể chế hôn nhân cũng tạo căn bản tốt đẹp cho việc phát triển văn hoá và sự liên kết vui vẻ giữa hai cá nhân cùng chung sống để hết cô đơn và sợ hãi. Trong hôn nhân, vợ chồng đem lại sức mạnh tinh thần và can đảm cho nhau, và mỗi người nên hiểu biết và công nhận giá trị của nhau trong việc săn sóc gia đình. Chồng hay vợ không ai làm chủ ai, người này giúp đỡ người kia bởi vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, rộng lượng, bình an và thành khẩn.

Trong Phật giáo ta có thể tìm thấy những lời khuyên cần thiết giúp chúng ta có một đời sống lứa đôi hạnh phúc. Ta không nên lơ là lời dạy của Đức Phật nếu chúng ta thực tình muốn có một đời sống vợ chồng hạnh phúc. Trong những bài thuyết giảng, đức Phật dạy những điều khuyên bảo cho các cặp vợ chồng và cho những ai muốn tìm hiểu hôn nhân. Ngài nói : “Nếu một người con trai tìm được một người vợ thích hợp và hiểu biết, và một người con gái tìm được một người chồng thích hợp và hiểu biết, quả thật cả hai người đều may mắn.”

2. Bản chất tình yêu & lạc thú tình yêu

Có nhiều loại tình yêu, như tình yêu của người mẹ, của anh em, tình dục, tình cảm, xác thịt, ích kỷ ,vị tha, và đại đồng.

Nếu người ta chỉ phát triển tình yêu xác thịt hay vị kỷ của mình đối với nhau, loại tình yêu ấy không thể bền vững. Trong một tình yêu chân thật, ta không nên đòi mà chỉ nên cho.

Khi sắc đẹp, hình hài, và tuổi thanh xuân đã tàn phai, một người chồng chỉ chú trọng đến sắc đẹp vật chất bên ngoài sẽ muốn có một người trẻ đẹp khác. Tình yêu này là tình yêu của loài thú, của dâm dục. Nếu một người quả thật biểu lộ tình yêu đúng nghĩa của một con người với con người, người đó không chú ý vào sắc đẹp bên ngoài và sự hấp dẫn lôi cuống bề ngoài của người hôn phối và tình yêu đó phải biểu lộ từ trong tâm trí chứ không phải ở bên ngoài mà thôi. Cũng như vậy, một người vợ nghe lời dạy của đức Phật không bao giờ chểnh mảng đối với người chồng dù người chồng trở nên già yếu, nghèo khổ hay bệnh hoạn.

“Tôi cảm thấy sợ hãi thấy các cô gái tân thời thích yêu như Juliet nhưng lại có đến cả tá Romeo. Họ thích mạo hiểm….Gái tân thời ăn mặc không phải là để che thân, để chống nắng mưa gió, mà là để lôi cuốn sự chú ý của người khác. Họ thay đổi bản chất bằng cách tô điểm lạ lùng” (Gandhi).

Nhục dục

Nhục dục chính nó không phải là tội lỗi, nhưng lòng ham muốn nhục dục nhất định làm xáo trộn đầu óc, cản trở sự phát triển tinh thần.

Trong hoàn cảnh lý tưởng, nhục dục là đỉnh cao vật chất trong một sự giao tiếp để thoả mãn tình cảm sâu xa của cả hai người hôn phối khi cho và hưởng đồng đều.

Cách thức miêu tả tình yêu bởi nhóm thương mại qua truyền thông đại chúng trong cái mà chúng ta gọi là văn hoá “Tây phương” không phải là tình yêu “chân chính”. Khi một con vật muốn xác thịt, nó làm tình, nhưng sau đó, nó quên đi. Với loài thú, xác thịt chỉ là một hành động của bản năng để sinh tồn. Nhưng con người lại còn có nhiều điều khác nữa trong quan niệm ái ân. Bổn phận và trách nhiệm là những chất liệu quan trọng để duy trì đoàn kết, thuận hoà, và hiểu biết trong mối giao tiếp giữa con người.

Nhục dục không phải là chất liệu quan trọng nhất của hạnh phúc vợ chồng. Những kẻ làm nô lệ cho xác thịt làm tan vỡ tình yêu và nhân đạo trong hôn nhân. Ngoài ra, một phụ nữ không nên coi mình là đối tượng khiêu dâm của phái nam. Người đó không cần phải tô điểm để vừa lòng người đàn ông, dù cho người đó là chồng. Nếu muốn là người bình đẳng với chồng, người phụ nữ phải ăn mặc làm sao để nâng cao phẩm giá, và không là một biểu tượng của nhục dục. Hôn nhân chỉ để thoả mãn cho sự thèm khát xác thịt không phải là một hôn nhân. Đó chỉ là thú vui trần tục. (Gandhi)

Tình yêu đương nhiên là một sản phẩm của tình dục, nhưng ngược lại nhục dục là để bày tỏ tình yêu. Trong đời sống hạnh phúc lý tưởng của đôi vợ chồng, tình yêu và nhục dục không rời nhau.

Lời đức Phật giải thích

Chúng ta nghiên cứu lời dạy của đức Phật về những cảm nghĩ của người nam và người nữ đối với nhau. Ngài nói Ngài chưa hề nhìn thấy một điều gì trên thế gian này lôi cuốn người đàn ông bằng khuôn mặt của người đàn bà. Cũng vậy, cái mà hấp dẫn nhất với phụ nữ là khuôn mặt người đàn ông. Trên đây là bản tính tự nhiên của nam nữ cho nhau lạc thú trần gian. Họ không thể tìm được hạnh phúc như vậy ở một đối tượng nào khác. Khi suy nghĩ kỹ càng, chúng ta thấy trong tất cả mọi thứ đem lại lạc thú, không có một thứ nào có thể thoả mãn năm giác quan cùng một lúc ngoài hình ảnh của người đàn ông và người đàn bà.

Người Hy lạp biết điều đó khi họ nói rằng người đàn ông và đàn bà nguyên thuỷ chỉ có một. Họ bị chia ra thành hai phần, và vì sự phân chia này nên người nam và người nữ không ngừng tìm cách để hợp lại với nhau.

Lạc thú

Bản tính tự nhiên của thanh niên say mê các thú vui trần tục, và những thú vui này có cái tốt, có cái xấu. Những cái tốt như thú vui về âm nhạc, thi văn, khiêu vũ, thức ăn ngon, phục sức, và những ham muốn tương tự không hại gì đến cơ thể. Những thú vui này chỉ làm chúng ta xao lãng không nhìn ra cái phù du của thiên nhiên và cái bấp bênh của cuộc sống khiến chúng ta không nhận được thực chất của bản ngã.

Năng khiếu và giác quan của thanh niên rất nhậy bén, rất lanh lợi trong việc thoả mãn năm giác quan. Hầu hết mỗi ngày, các chàng trai này tìm đủ mọi cách để đạt được nhiều lạc thú. Do cái bản chất tự nhiên của cuộc sống, con người không bao giờ thoả mãn với các thú vui mà mình đã có và kết quả là sự tham dục đó chỉ tạo thêm nhiều khao khát và lo âu.

Nghĩ kỹ về điều này chúng ta thấy rằng cuộc sống chỉ là một giấc mộng. Cuối cùng, chúng ta đạt được gì khi lưu luyến cõi đời ? Chỉ nhiều thêm lo âu, chán nản và thất vọng. Chúng ta cũng có những phút vui ngắn ngủi, nhưng cuối cùng, chúng ta phải tìm ra mục đích thực sự của cuộc đời.

Khi chúng ta không còn khao khát tình dục và không cần đến sự thoải mái sinh lý với người khác, hôn nhân sẽ trở nên không cần thiết. Đau khổ và khoái lạc đều bắt nguồn từ tham dục, luyến ái và xúc cảm. Nếu chúng ta tìm cách chế ngự tình cảm một cách không thực tế, chúng ta sẽ làm xáo trộn thể xác và tâm hồn của chúng ta. Cho nên chúng ta phải biết cách điều khiển và chế ngự tình dục của con người. Nhờ hiểu biết, không lạm dụng, và đặt tình dục đúng chỗ, chúng ta sẽ chế ngự được những ham muốn của chúng ta.

3. Sự thực của đời sống vợ chồng

John J. Robinson trong quyển sách “Of Suchness” có những lời khuyên về tình yêu, nhục dục, và đời sống lứa đôi như sau, “ Hãy thận trọng và khôn ngoan dè dặt; kết hôn dễ dàng hơn sống độc thân. Nếu bạn có ý trung nhân tốt, thiên đàng đấy, nhưng nếu là người xấu, bạn sẽ phải sống 24 giờ một ngày trong địa ngục. Thật là một điều cay đắng nhất trên đời. Đời sống thật lạ lùng. Tuy nhiên khi bạn có một cuộc sống chính đáng, tự trong lòng bạn đã biết điều đó. Đời sống không phải chỉ là sự ngông cuồng trong chốc lát. Những mãnh lực của nhục dục thúc đẩy người trai trẻ đâm đầu vào các hành động mù quáng và không còn biết phải trái. Đúng vậy, khi chúng ta uống rượu và bốc đồng, một con lọ lem trong quán rượu mờ tối cũng đẹp như thần Vệ Nữ khiến ta không cưỡng lại được. Tình yêu trên nhục dục là căn bản sinh vật học giữa nam nữ; tình yêu và nhục dục quấn bện và trộn lẫn lộn vào với nhau.”

Những khó khăn

Hầu như mỗi ngày chúng ta nghe thấy người ta phàn nàn về hôn nhân. Ít khi chúng ta được nghe những chuyện hôn nhân có hạnh phúc. Giới trẻ đọc tiểu thuyết trữ tình và xem những phim ảnh lãng mạn cho rằng hôn nhân đẹp như một luống hoa hồng. Điều đáng buồn là hôn nhân không dịu ngọt như người ta nghĩ. Hôn nhân và những khó khăn liên quan với nhau; và ta phải nhớ khi chúng ta lập gia đình, chúng ta phải đương đầu với khó khăn và trách nhiệm mà từ trước tới nay ta không bao giờ nghĩ tới.

Người ta thường nghĩ rằng bổn phận chúng ta là lập gia đình và hôn nhân là một biến chuyển trọng đại trong đời sống. Tuy nhiên, để cuộc hôn nhân được tốt đẹp, đôi lứa phải giảm bớt xung khắc để sống hoà thuận với nhau. Những khó khăn trong hôn nhân đã khiến một nhà châm biếm nói rằng : “cuộc sống lứa đôi êm ái là một cuộc hôn nhân giữa một người vợ mù và anh chồng điếc; người vợ mù không thấy lỗi của chồng, và người chồng điếc không nghe tiếng mè nheo của người vợ”.

Chia sẻ và tin cẩn

Một trong những nguyên nhân chính về các khó khăn trong hôn nhân là sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng. Hôn nhân là hạnh phúc nhưng nhiều người đã biến nó thành tại hoạ chỉ vì thiếu hiểu biết.

Hai vợ chồng phải hết lòng tin cậy nhau và không nên dấu những bí mật riêng tư. Những bí mật riêng tư tạo nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen, ghen phát sanh nóng giận, nóng giận tạo thù địch, tù địch đưa đến kết quả ly thân, tự tử và chém giết lẫn nhau.

Nếu một cặp vợ chồng cùng nhau chia sẻ nỗi buồn vui trong đời sống hằng ngày, họ sẽ an ủi lẫn nhau để giảm bớt các buồn đau. Vì vậy, vợ chồng không chỉ mong có niềm vui mà thôi. Có rất nhiều buồn phiền và đau khổ mà vợ chồng phải đương đầu. Họ phải có ý chí mạnh mẽ để làm nhẹ gánh nặng và bớt những hiểu lầm. Cùng nhau thảo luận những vấn đề khó khăn sẽ đem lại lòng tin tưởng để sống với nhau trong tinh thần hiểu biết hơn.

Vợ chồng cần đến sự an ủi lẫn nhau khi gặp khó khăn trở ngại. Cảm nghĩ bất an và không thoải mái sẽ biến đi, và đời sống sẽ có ý nghĩa hơn, hạnh phúc và thú vị hơn nếu một trong hai người muốn chia sẻ gánh nặng cho nhau.

Mù quáng vì cảm xúc

Khi hai người yêu nhau, họ thường phô trương những cái tốt đẹp nhất về bản chất và cá tính của họ, để cốt gây một ấn tượng đẹp đẽ. Người ta nói tình yêu là mù quáng, và khi người ta yêu thì quên hẳn cái bản chất đen tối của mỗi người.

Thông thường, vì quá yêu nhau, mỗi người đều đề cao những tính tốt của mình, và họ chấp nhận nhau trên giá trị bề ngoài. Một người tình không dám tiết lộ cái mặt trái đen tối của mình vì sợ mất nhau. Họ che dấu mọi khuyết điểm để khỏi mất cơ hội chiếm đoạt nhau. Bất cứ nhược điểm nào cũng được che đậy dưới thảm, để không làm trở ngại đến việc chiếm đoạt nhau. Kẻ đang yêu nhau bất cần đến những lỗi lầm người yêu, nghĩ rằng những lỗi này sẽ được sửa chữa sau khi cưới, hoặc họ vẫn có thể chung sống với những lỗi ấy, vì “tình yêu sẽ chiến thắng tất cả”.

Tuy nhiên, sau khi cưới, tâm trạng lãng mạn lúc đầu qua đi, tính nết của mỗi người lộ chân tướng. Rồi hai bên đều chán chường, và cái màn che đậy những cảm nghĩ nội tâm được vén lên phơi bày bản chất thực sự của hai người. Tiếp theo là mộng vỡ.

Nhu cầu vật chất

Tình yêu không thể tồn tại chỉ bằng không khí mát mẻ và ánh sáng mặt trời. Thế giới ngày nay là một thế giới vật chất; và để đáp ứng các nhu cầu vật chất, cần phải có kế hoạch tài chánh và ngân quỷ đúng mức. Nếu không, chẳng gia đình nào sống được thoải mái. Tình trạng này xác nhận câu ngụ ngôn “khi cái nghèo đến gõ cửa, tình yêu bay qua cửa sổ”. Điều này không có nghĩa là cứ phải có tiền mới tạo được hôn nhân. Tuy nhiên, nếu một người có những nhu cầu cần thiết cho đời sống nhờ một nghề nghiệp vững chãi và có kế hoạch thận trọng trong hôn nhân, những điều lo lắng không cần thiết sẽ bị loại bỏ.

Có thể ngăn ngừa những khổ cực của nghèo túng nếu đôi bên hoàn toàn hiểu nhau. Đôi bên phải hiểu rõ giá trị của sự vui lòng. Cả hai đều phải giải quyết những khó khăn như những khó khăn chung, và cùng nhau chia sẻ tất cả những “thăng trầm” với một tinh thần thành khẩn trong một cuộc sống thuận hoà lâu dài.

Lời khuyên trước khi cưới

Kinh Anguttara Nikaya ghi chú một số các lời khuyên của đức Phật dạy cho các thiếu nữ trước khi thành hôn. Hiểu được những khó khăn khi về làm dâu nhà chồng, người con dâu phải kính trọng cha mẹ chồng, và hầu hạ cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình. Người con dâu cũng phải quý mến và kính trọng họ hàng và bạn bè bên chồng để tạo một bầu không khí thích hợp và vui vẻ trong ngôi nhà mới.

Người con gái trước khi về nhà chồng được khuyên bảo phải tìm hiểu bản chất, một số hoạt động, cá tính và tính tình của người chồng để có thể hợp tác giúp đỡ chồng ở ngôi nhà mới. Họ phải lễ độ, tử tế, theo dõi lợi tức của chồng để chi tiêu đúng mức. Lời khuyên của đức Phật tuy đã trên 25 thế kỷ nhưng vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

4. Quan niệm hôn nhân của người Phật tử

Trong quan điểm về “sanh là khổ”, một số người đã phê bình là Phật giáo chống đối đời sống vợ chồng. Họ đã lầm. Đức Phật chưa bao giờ chống đối đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, Ngài nói rõ ràng người ta khi lấy nhau phải đương đầu với những khó khăn trở ngại, lo âu, và trách nhiệm. Chỉ cho người ta biết các khó khăn khi thành hôn không có nghĩa là Phật giáo kết tội hôn nhân.

Hôn nhân ngụ ý rằng một con người còn bám víu vào thế gian vật chất, khả năng tâm linh của họ bị tham dục, luyến ái, và cảm xúc ảnh hưởng; đương nhiên mọi khó khăn sẽ đến. Việc này xảy ra khi chúng ta phải xem xét nhu cầu của người khác, để phải cung cấp cho họ những gì họ cần đến.

Vai trò của tôn giáo

Phân tách sâu xa bản chất của “cái ta” rất quan trọng, để giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc những khó khăn, lo âu, khổ sở của chúng ta để chúng ta thắng lượt được. Nơi đây, lời khuyên của tôn giáo rất quan trọng để duy trì một cuộc sống an lành. Tuy nhiên, con người không nên trở thành nô lệ cho bất cứ tôn giáo nào.

Con người không phải vì tôn giáo, mà là tôn giáo vì con người. Điều này có nghĩa là con người phải nhờ vào tôn giáo để tự cải thiện và tạo hạnh phúc bằng đường lối chính đáng. Nghĩ rằng chúng ta phải tôn trọng một số lời nguyện, giới luật và điều răn với đức tin mù quáng và bó buộc, chúng ta không hiểu tôn giáo một cách xác đáng.

Một khía cạnh quan trọng của Phật giáo là đức Phật không đặt để luật lệ hay điều răn bắt buộc phải theo. Đức Phật là một Đạo Sư duy nhất trình bày một số giới luật phối hợp với cuộc sống để chúng ta tuân theo. Giữ các giới luật hoàn toàn do sự tình nguyện, chứ không có tính cách luật lệ của tôn giáo. Chúng ta tuỳ tiện theo các lời khuyên dạy nhờ sự hiểu biết và kinh nghiệm những điều chúng ta thấy tốt cho mình và cho kẻ khác. Qua thử thách và lầm lẫn, chúng ta noi theo những lời khuyên của Ngài để được bình yên và hạnh phúc.

Ta nên ráng hiểu biết bản chất của đời sống thế gian. Biết rằng chúng ta phải trực diện với các khó khăn, chúng ta phải củng cố tinh thần và chuẩn bị đối đầu với các khó khăn ấy khi chúng ta lập gia đình. Tôn giáo giúp chúng ta vượt qua khỏi các khó khăn. Những gì chúng ta đã học hỏi về các nguyên lý đạo giáo khi còn trẻ có thể đem áp dụng để tránh các hiểu lầm, chán nản và thất vọng. Đồng thời, một số đức tính như kiên nhẫn và hiểu biết được học hỏi trong tôn giáo là những tài sản quan trọng giúp chúng ta sống một đời sống vợ chồng bình an.

Thường là vì thiếu hiểu biết lẫn nhau nên nhiều cặp vợ chồng sống một cuộc đời đau khổ. Kết quả là những đứa con vô tội phải chịu đau đớn. Tốt hơn là phải biết cách đối phó với các khó khăn để sống một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Tôn giáo giúp các bạn làm được việc đó.

5. Khó xử của tôn giáo

Nhân quyền

Một trong những nguyên nhân bận tâm nhất giữa những người không thuộc về các tôn giáo “Do Thái và Ả Rập” là vấn đề chuyển đạo trước khi cưới. Trong khi người Phật tử và Ấn độ giáo không bao giờ đòi hỏi là một cặp vợ chồng phải cùng theo một tôn giáo trước khi làm lễ cưới, có một số người lợi dụng sự khoan dung này.

Hôn nhân, trái với những gì mô tả trong các tiểu thuyết lãng mạn, không phải là sự hợp nhất tuyệt đối của hai cá nhân, đến mức mà người nam hay người nữ mất hẳn cá tính của mình. Khi một tôn giáo đòi hỏi hai người phải cùng một đạo, nhân quyền căn bản của con người đã không được tôn trọng, vì người nam hay người nữ không được theo đạo mà họ muốn. Lịch sử xã hội đã chứng tỏ rằng “hợp nhất những bất đồng” không những là việc có thể được mà còn là điều mong muốn. Không còn bất đồng, chúng ta sẽ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Điều này cũng nên áp dụng cho hôn nhân. Rất nhiều kinh nghiệm sống khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng người chồng và người vợ, giữ riêng tôn giáo của mình, vẫn sống một cuộc đời hạnh phúc và không hề chống đối lẫn nhau.

Người Phật tử không chống lại các tôn giáo khác cả ngay trong phạm vị gia đình. Thật đáng tiếc, thái độ bao dung này đã bị một số tín đồ vô lương tâm lợi dụng khi họ tìm đủ mọi phương tiện để đạt đến việc quy nạp tín đồ cho đạo mình.

Người Phật tử thông minh phải tỉnh thức trước các mưu mô này. Một người thông minh, tự trọng, và biết nhận thức niềm tin của mình, không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình để thoả mãn yêu cầu sắp đặt của một tôn giáo khác. Người Phật tử không đòi hỏi người hôn phối phải theo đạo Phật, và cả hai bên đều không bỏ đạo của mình.

Nỗi buồn sau đám cưới

Khi hai người trẻ tuổi yêu nhau, họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để được lấy nhau. Nhưng vài năm sau, khi bắt đầu xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp thì thất vọng xẩy đến sau khi hy sinh tôn giáo của mình cho “tình yêu” : người hôn phối bắt đầu hối hận việc đã làm, rồi sự bất hoà vô lý tăng thêm. Điều này gây thêm căng thẳng khi đôi bên bắt đầu chán chường nhau, rồi cãi nhau. Một trong những lý do của việc cãi nhau là các con phải theo tôn giáo nào.

Vì vậy, điều quan trọng chúng ta cần biết là nếu chuyển đạo, việc này phải được căn cứ trên sự hiểu biết thật sự của mình chứ không phải chỉ cho tiện việc hay bị bó buộc. Phật giáo kính trọng sự tự do chọn lựa của một cá nhân. Nguyên tắc này phải được mọi người tuân theo.

Hôn lễ

Phật giáo không đặt để những nghi thức hay thủ tục đặc biệt nào trong việc cử hành hôn lễ. Phật giáo công nhận truyền thống và văn hoá của người dân trong mọi quốc gia. Vì vậy nghi lễ Phật giáo khác nhau từ nước này sang đến nước khác.

Theo nghi thức thực hành thông thường, một khoá lễ cầu phước để truyền đạt các lời khuyên cho tân lang và tân giai nhân được tổ chức tại chùa hoặc tại nhà để cuộc hôn nhân có nhiều ý nghĩa. Ngày nay, tại nhiều quốc gia, ngoài khoá lễ cầu phước; các tổ chức tôn giáo cũng được phép tổ chức các nghi thức và làm thủ tục cần thiết để cấp giấy hôn thú.

Nói rộng ra, điều quan trọng nhất là cặp vợ chồng mới phải thành thật hợp tác với nhau, và hiểu biết lẫn nhau chẳng những trong thời gian hạnh phúc mà trong bất cứ lúc nào gặp các khó khăn.

6. An toàn, kính trọng và trách nhiệm

Cảm giác bất an

Trong quá khứ không có việc làm thủ tục đăng ký hôn thú. Người đàn ông và người đàn bà quyết định thoả thuận cùng nhau kết nghĩa vợ chồng rồi cùng nhau chung sống. Hôn lễ được cử hành trước cộng đồng. Việc ly thân rất hiếm. Việc quan trọng nhất là họ cùng nhau thực sự thương yêu, kính trọng lẫn nhau và cùng nhau gánh vác trách nhiệm.

Ngày nay việc đăng ký hôn nhân hợp pháp rất cần thiết để gìn giữ của cải và bảo đảm an toàn cho con cái. Để được an tâm, đôi vợ chồng làm thủ tục hôn nhân hợp pháp để bảo đảm sự liên đới trách nhiệm, không lơ là bổn phận và không ngược đãi lẫn nhau. Ngày nay, một số cặp vợ chồng ký giao kèo để định đoạt tài sản trong trường hợp họ ly dị nhau!

Chồng và vợ

Theo giáo lý của đạo Phật, trong hôn nhân, người chồng mong người vợ có những đức tính như sau :

- tình yêu

- thái độ ân cần

- bổn phận trong gia đình

- trung thành

- săn sóc con cái

- tiết kiệm

- chu đáo các bữa ăn

- giúp chồng nguôi giận khi nóng nảy

- luôn luôn dịu hiền

Ngược lại người vợ mong ước những đức tính sau đây nơi người chồng :

- dịu dàng

- lịch sự

- thân mật

- đáng tin cậy

- công bằng

- chung thuỷ

- thật thà

- bạn đường tốt

- ủng hộ tinh thần

Ngoài phần tình cảm và ái ân, vợ chồng phải lo công việc hàng ngày, giữ ngân sách gia đình và làm bổn phận công dân. Như vậy, việc vợ chồng cùng nhau thảo luận ý kiến trong tất cả vấn đề gia đình, sẽ tạo nên bầu không khí tin cẩn và hiểu biết để sẵn sàng giải quyết mọi việc xẩy đến.

Lời khuyên đôi lứa của đức Phật

I Người vợ

Khi khuyên phụ nữ về vai trò của họ, đức Phật cho rằng yên ổn và hoà thuận trong gia đình phần lớn do nơi người đàn bà. Lời khuyên của Ngài rất thực tế và dễ thi hành khi Ngài giảng về một số hạnh kiểm hàng ngày mà người phụ nữ nên hay không nên trau dồi. Trong nhiều dịp, Ngài khuyên người vợ nên :

a) không nuôi dưỡng các tư tưởng tội lỗi đối với chồng

b) không độc ác, thô bạo hay trịch thượng

c) không hoang phí, phải tằn tiện và sống tuỳ khả năng

d) giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được

e) luôn luôn có ý tứ và đoan trang

f) chung thuỷ và không có tư tưởng ngoại tình

g) thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động

h) tử tế, cần cù và siêng năng

i) ân cần và thương chồng như bà mẹ thương con, săn sóc che chở cho đứa con duy nhất của mình

j) phải nhũn nhặn và tỏ vẻ tôn kính

k) điềm tỉnh, dịu dàng và hiểu biết – không những chìu chồng như là một người vợ mà là một người bạn, một người cố vấn lúc cần thiết.

Trong thời đức Phật, những đạo sư của tôn giáo khác cũng nói đến nhiệm vụ và bổn phận của vợ đối với chồng, đặc biệt đề cao nhiệm vụ của người vợ sanh con cho chồng, chung thuỷ phục vụ chồng và mang lại hạnh phúc gia đình cho chồng.

Một vài cộng đồng đặc biệt muốn có một đứa con trai trong gia đình. Họ nghĩ rằng cần có con trai để cử hành tang lễ, để đời sau của họ được tốt đẹp. Không có được con trai với người vợ thứ nhất, người chồng được tự do lấy vợ khác để sanh con trai. Phật giáo không tán thành niềm tin trên đây.

Theo lời đức Phật dạy về quy luật của nghiệp, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình và hậu quả của nó. Trai hay gái sanh ra không do sự quyết định của cha hay mẹ mà do nghiệp quyết định. Và đời của ông, của cha, sướng hay khổ không tuỳ thuộc vào hành động của con hay cháu. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình. Cho nên, hoàn toàn sai khi người chồng đổ lỗi cho vợ, hay người vợ trách chồng bất lực nên không sanh được con trai. Giáo lý Giác Ngộ trên giúp chúng ta sửa chữa những quan niệm sai lầm của nhiều người và đương nhiên giảm bớt nỗi lo âu của người phụ nữ không thể có con trai để “nối dõi tông đường”.

Mặc dù bổn phận của người vợ đối với chồng đã được ghi nhận trong kinh thư của đức Khổng Tử nhưng lại không nói đến nhiệm vụ và bổn phận của chồng đối với vợ. Nhưng trong kinh Thi Ca La Việt, đức Phật đề cập rõ ràng nhiệm vụ của chồng với vợ và ngược lại.

II Người chồng

Để trả lời một bà nội trợ về việc người chồng phải chăm sóc vợ như thế nào, đức Phật tuyên bố là người chồng bao giờ cũng phải quý mến và kính trọng người vợ, phải chung thuỷ, cho vợ đủ quyền để lo việc nhà và cũng sắm cho vợ đồ nữ trang ưa thích. Lời dạy của đức Phật đã trên 25 thế kỷ vẫn đứng vững và có giá trị cho đến ngày nay.

Biết tâm lý người đàn ông lúc nào cũng cho mình là cao hơn phụ nữ, đức Phật đã thay đổi một cách đặc biệt và đã nâng cao địa vị phụ nữ bằng một đề nghị đơn giản là người chồng phải quý mến và kính trọng người vợ. Người chồng phải chung thuỷ với người vợ, có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ để gìn giữ tín nhiệm cho đúng với tình nghĩa vợ chồng.

Người chồng, là người kiếm tiền nuôi gia đình, phải thường xa nhà, cho nên người chồng nên giao việc nội trợ cho vợ làm nhiệm vụ quản gia, điều hành tài sản và quản trị kinh tế. Việc cung cấp nữ trang cho người vợ biểu hiện tình yêu, săn sóc và quan tâm của người chồng đối với vợ. Việc thực hành này được lưu truyền từ thời xa xưa trong các cộng đồng Phật giáo. Bất hạnh thay, điều đẹp đẽ này đang tàn lụi vì ảnh hưởng của văn minh hiện đại.

Quá khứ

Trong quá khứ, cấu trúc xã hội khác hẳn với cái mà ngày nay ta thấy, chồng và vợ phụ thuộc lẫn nhau. Có một sự thông cảm giữa hai vợ chồng nên sự quan hệ đư���c vững vàng vì người hôn phối hiểu rõ vai trò hợp tác của mình. Tình yêu vợ chồng biểu lộ bằng cách âu yếm trước công chúng không phải là tình yêu chân thật và hiểu biết. Trong quá khứ, tuy các cặp vợ chồng không bày tỏ tình yêu hay cảm nghĩ nội tâm trước công chúng, nhưng họ vẫn giữ tiếng lòng thầm lặng và kính trọng lẫn nhau.

Cổ tục của một số quốc gia buộc người vợ phải hy sinh sau khi chồng chết và cấm goá phụ tái giá rất xa lạ với Phật giáo. Phật giáo không cho là người vợ thấp kém hơn người chồng.

Xã hội hiện đại

Một số phụ nữ cho rằng chỉ lo nuôi nấng con cái trong gia đình là mất sĩ diện và bảo thủ. Điều này đúng vì thời xưa phụ nữ bị bạc đãi. Những điều đó là do sự ngu si của phái nam chứ không phải do thành kiến cố hữu cho rằng đàn bà chỉ để sanh con đẻ cái.

Phụ nữ đã tranh đấu từ nhiều thời đại đòi bình đẳng với phái nam trong các lãnh vực như giáo dục, nghề nghiệp, chính trị và các lãnh vực khác. Phụ nữ ngày nay bình đẳng khá nhiều với nam giới trong mọi phạm vi. Bản tính phái nam năng động và phái nữ thì nhiều tình cảm hơn. Trong khung cảnh gia đình, nhất là tại Đông phương, phái nam lấn át làm chủ gia đình trong khi người vợ thụ động. Xin nhớ là “thụ động” không có nghĩa là “yếu kém”, nhưng là một đức hạnh “mềm mỏng” và “nhu mì”. Nếu phái nam và phái nữ giữ được đức tính thừa hưởng của thiên nhiên và nhận thức được khả năng của nhau thì thái độ đó đem lại sự hiểu biết về tình nghĩa vợ chồng giữa hai bên.

Ngài Gandhi nhận xét :

“Tôi tin vào nền giáo dục thích ứng cho phụ nữ. Nhưng tôi cũng tin rằng bắt chước và thi đua với nam giới, phụ nữ chẳng đóng góp được gì cho thế giới này. Phụ nữ có thể tranh đua, nhưng không thể tiến đến tột đỉnh để có khả năng bắt chước phái nam. Họ phải được phái nam bổ túc”.

Trách nhiệm của cha mẹ

Nền móng của xã hội loài người là sự tương quan phức tạp giữa cha mẹ và con cái. Bổn phận của người mẹ là thương yêu, săn sóc và bảo bọc con cái với bất cứ giá nào. Đó là tình mẫu tử mà đức Phật đã dạy. Tình thương yêu này thực tiễn, bảo dưỡng, bao dung và không vị kỷ. Người Phật tử được dạy rằng bậc cha mẹ phải săn sóc con cái giống như đất bảo dưỡng cây cối và sinh vật.

Cha mẹ chịu trách nhiệm về hạnh phúc và về việc nuôi dưỡng con cái. Nếu đứa trẻ lớn lên tráng kiện, mạnh khoẻ và thành người công dân tốt, đó là kết quả các cố gắng của bậc cha mẹ. Nếu đứa trẻ lớn lên thành kẻ phạm pháp, bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm. Ta không nên đổ lỗi cho ai hay cho xã hội, nếu đứa trẻ đi lầm đường. Bổn phận của bậc cha mẹ là hướng dẫn con cái theo đúng đường.

Một đứa trẻ vào lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng, cần có sự trìu mến, chăm sóc và lưu ý của cha mẹ. Không có tình thương và sự hướng dẫn của cha mẹ, đứa trẻ sẽ tổn thương tình cảm và sẽ thấy rằng thế giới là một nơi khó sống. Tuy nhiên, biểu lộ tình thương, chăm sóc và ân cần với con cái không có nghĩa là thoả mãn tất cả những đòi hỏi của nó dù hợp lý hay không hợp lý. Qúa nuông chìu thực sự làm hư đứa trẻ. Người mẹ dành cho con tình thương và chăm sóc cũng phải nghiêm khắc và cứng rắn nhưng không cay nghiệt trong lúc xử sự trước cái hư đốn của đứa trẻ. Nghiêm khắc và cứng rắn không có nghĩa là cay nghiệt với con cái. Tỏ tình thương, nhưng nghiêm khắc - rồi ra đứa trẻ sẽ hiểu được.

Thật là bất hạnh, tình thương của cha mẹ thời nay đối với con cái vô cùng thiếu xót. Việc đổ xô điên cuồng vào những tiến bộ vật chất, và các phong trào tự do, bình đẳng, đưa đến kết quả là nhiều bà vợ theo chồng, làm việc tại các văn phòng hay xưởng thợ, hơn là ở nhà để trông nom con cái. Con cái để cho thân nhân hay thuê người để săn sóc ở nhà; con cái trở nên ngơ ngác vì thiếu tình mẫu tử thương yêu và chăm sóc. Người mẹ cảm thấy có lỗi vì thiếu chăm sóc, cố gắng xoa dịu đứa trẻ bằng cách thoả mãn cho nó tất cả những gì nó đòi hỏi. Hành động này chỉ làm hư đứa trẻ mà thôi. Về mặt tâm lý trẻ con, mua cho chúng những đồ chơi hiện đại như xe tăng, súng máy, súng lục, kiếm và những thứ tương tự, không tốt đẹp gì.

Những đồ chơi nói trên không thay thế được tình thương yêu và sự trìu mến của người mẹ. Thiếu tình thương và sự hướng dẫn của cha mẹ, người ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi thấy đứa trẻ trở thành kẻ phạm pháp. Vậy thì, ai là người đáng bị trách cứ, làm đứa trẻ trở nên ương ngạnh? Dĩ nhiên là cha mẹ! Người mẹ đi làm, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc tại sở, lại phải làm những việc lặt vặt tại nhà, không có thời gian dành cho con cái trong lúc chúng khao khát sự chăm lo và ân cần của người mẹ. Cha mẹ không săn sóc con cái thì chẳng nên phàn nàn chúng không săn sóc mình lúc về già. “Vì quá bận” , cha mẹ đã tiêu một số tiền lớn cho con cái , và cũng chẳng nên than vãn gì khi đến lượt những đứa con khôn lớn cũng vì “quá bận” nên đã để cha mẹ trong các viện dưỡng lão đắt tiền!

Đa số các phụ nữ ngày nay làm việc để gia đình hưởng nhiều tiện nghi vật chất. Các bà nên nghiêm túc nhận thức lời dạy của Gandhi, khuyên người ta nên bỏ lòng tham lam hơn là bị nhu cầu ràng buộc. Đương nhiên ngày nay, vì tình trạng kinh tế, chúng ta không thể khước từ việc một số bà mẹ bắt buộc phải đi làm. Trường hợp này, cha mẹ phải hy sinh một số thời giờ để đền bù vào thời gian mà họ phải xa con cái. Nếu cha mẹ ở nhà với con cái ngoài giờ làm việc, cha mẹ và con cái sẽ hiểu nhau nhiều hơn.

Trong những bài thuyết giảng, đức Phật có nêu một số trách nhiệm căn bản như những cương lãnh thiết yếu cho bậc làm cha mẹ. Những điều đó là giữ giới luật, thực hành, tác động khéo léo, khuyến dụ con cái xa lánh những điều tội lỗi, và hướng dẫn chúng làm những điều tốt cho gia đình, xã hội và xứ sở. Trong mối quan hệ này, bậc cha mẹ phải hết sức thận trọng trong việc đối xử với con cái. Cha mẹ dạy bảo con cái bằng hành động, con cái sẽ lãnh hội những lời giáo huấn và sự yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ vào đời được hun đúc theo cá tính của cha mẹ. Hậu quả là sâu nào rau ấy. Cha mẹ dành nhiều thì giờ cho con cái sẽ truyền lại những đặc tính của mình cho chúng.

Bổn phận của cha mẹ

Bổn phận của cha mẹ là lưu ý đến hạnh phúc của con cái. Thật vậy, cha mẹ đầy đủ bổn phận và thương yêu con cái, gánh trách nhiệm với niềm vui. Muốn hướng dẫn con cái theo chánh đạo, cha mẹ trước hết phải làm gương và sống một cuộc đời lý tưởng. Không có những đứa con xứng đáng khi cha mẹ không xứng đáng. Ngoài phần thụ lãnh những ảnh hưởng do Nghiệp (Karma) tạo ra từ những kiếp trước, con cái cũng thừa hưởng những tật xấu và tính tốt của cha mẹ. Các bậc cha mẹ hữu trách nên hết sức cẩn thận để không truyền lại những khuynh hướng xấu xa cho con cái.

Theo kinh Thi Ca La Việt, có năm nhiệm vụ mà bậc cha mẹ phải thi hành, đó là :

Nhiệm vụ thứ nhất : ngăn cản con cái gây tội lỗi

Nhà là trường học đầu tiên, và cha mẹ là các thầy giáo đầu tiên. Trẻ con thường học những bài học vỡ lòng tốt xấu nơi cha mẹ. Các bậc cha mẹ thiếu thận trọng gián tiếp hay trực tiếp tiêm nhiễm vào đầu óc con cái những điều nói dối, gian lận, bất lương, vu oan, báo thù, không biết xấu hổ, không sợ hãi tội lỗi, và những hành động vô luân của mình trong thời thơ ấu của chúng.

Cha mẹ phải làm gương và không nên tiêm nhiễm những tật xấu vào đầu óc ngây thơ của chúng.

Nhiệm vụ thứ hai : thuyết phục trẻ làm điều lành

Cha mẹ là các thầy giáo ở nhà và thầy giáo là cha mẹ ở trường. Cả cha mẹ lẫn thầy giáo đều chịu trách nhiệm về tương lai của đứa trẻ. Chúng sẽ trở nên người tốt hay xấu là do cha mẹ và thầy giáo hun đúc. Khi lớn lên, nó hay hoặc dở cũng tại người lớn. Trong lúc tuổi thơ, chúng thường bị người lớn lôi cuốn. Vậy, bổn phận của cha mẹ là tạo bầu không khí tương đắc ở nhà và ở trường học.

Giản dị, vâng lời, hợp tác, đoàn kết, can đảm, hy sinh, chân thật, thẳng thắn, phục vụ, tự tin, hiền hoà, tiết kiệm, hài lòng, cử chỉ tốt, nhiệt thành mộ đạo, và các đức hạnh khác phải được in sâu lần lần vào đầu óc lúc thiếu thời của đứa trẻ. Những hạt giống như vậy được đem trồng sẽ lớn lên thành cây nhiều trái.

Nhiệm vụ thứ ba : cho con cái một nền học vấn tốt

Một nền giáo dục đứng đắn là một di sản tốt nhất mà bậc cha mẹ để lại cho con cái. Một kho tàng quý giá cũng khôn bằng. Giáo dục là phước báu tốt nhất mà cha mẹ để lại cho con cái.

Giaó dục phải được truyền dạy cho đứa trẻ ngay từ tuổi ấu thơ trong bầu không khí đạo giáo. Việc đó sẽ ảnh hưởng sau này đến đời sống của chúng.

Nhiệm vụ thứ tư : lo cho con cái thành lập gia đình với những người xứng đáng

Hôn nhân là một hành động nghiêm trọng của cuộc đời; hôn phối không thể huỷ bỏ dễ dàng. Cho nên, hôn nhân phải được xét kỹ từ mỗi khía cạnh và tất cả mọi chiều hướng để hai họ vui lòng trước khi cưới.

Theo văn hoá Phật giáo, nhiệm vụ thay thế nhân quyền. Cả hai bên không nên cứng rắn, nhưng phải khôn ngoan, khéo léo để đi đến giải pháp thân hữu. Nếu không đôi bên sẽ nguyền rủa lẫn nhau và các hậu quả khác sẽ xảy đến. Tất nhiên, việc bất hoà này sẽ ảnh hưởng đến đời con cháu.

Nhiệm vụ cuối cùng : nên giao lại gia tài cho con cái đúng lúc

Lúc còn sống, cha mẹ không chỉ thương yêu và trìu mến con cái , mà còn phải lo liệu cho tương lai và hạnh

Phúc cho chúng. Cha mẹ đã phải nhọc nhằn tạo nên của cái, nhưng không nuối tiếc khi cho con cái gia tài.

Đạo từ bi

Phật giáo là một tôn giáo từ bi, và cha mẹ không bao giờ quên trình bày cho con cái biết đạo từ bi của mình. Đức Phật dạy Pháp (Dharma) cho thế gian do lòng từ bi mà ra. Cha mẹ phải thực hành “Bốn định cao thượng của tinh thần” được đức Phật dạy trong việc nuôi nấng con cái :

Metta - tình thương hay thiện chí

Karuna - từ bi

Mudita - khinh an

Upekkha- tự tại hay bình thản

Thực hành nghiêm chỉnh bốn định trên đây, cha mẹ sẽ giữ được bình tĩnh lúc khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái.

Đó là con đường chính đáng hay lý tưởng để xử sự với mọi người. Bốn đức tính trên đây làm khuôn mẫu cho việc giao tế xã hội trong mọi trạng huống. Những đức tính này giúp chúng ta thót khỏi tình trạng căng thẳng, dàn hoà mọi xung đột, hàn gắn các vết thương gây ra trong cuộc tranh đấu để sống còn, san bằng giai cấp xã hội, xây dựng những cộng đồng hoà thuận, đánh thức lòng cao thượng đã bị lãng quên, làm sống lại niềm vui và hy vọng đã bỏ quên từ lâu, và đẩy mạnh tình huynh đệ của loài người chống lại sức mạnh của vị kỷ.

Nhiệm vụ lớn nhất của cặp vợ chồng là phải lo nuôi dưỡng con cái cho đúng cách. Đó là một khía cạnh khác phân biệt chúng ta với loài vật. Trong khi một con vật hết lòng săn sóc con cái, con người mang một trách nhiệm vĩ đại, đó là việc nuôi dưỡng tinh thần. Đức Phật dạy rằng việc thử thách vĩ đại nhất của một người là việc chế ngự tinh thần. Từ lúc mới sanh, lúc còn thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, trách nhiệm chính yếu của bậc cha mẹ là mở mang tinh thần cho con cái. Một người trở nên một công dân tốt hay không là do tinh thần có phát triển hay không. Theo Phật giáo, người cha mẹ tốt phải thực hành bốn hạnh cao cả nêu trên để đủ sức vượt qua chán nản là điều liên hệ mất thiết trong việc nuôi dạy con cái.

Khi đứa nhỏ còn đang chập chững, chưa biết diễn tả nhu cầu của nó, nó thường giận dữ và khóc lóc. Khi người cha hoặc mẹ thực hành hạnh thứ nhất là thương yêu con cái, vẫn giữ được an lạc nội tâm, và tiếp tục thương yêu con mình dù ở trong tình trạng khó khăn. Đứa trẻ vui hưởng tình yêu thắm thiết của cha mẹ đối với nó, và đến phiên đứa trẻ sẽ học cách để biểu lộ tình cảm này liền.

Khi đứa trẻ lớn lên già dặn hơn thành một thanh niên, cha mẹ nên thực hành hạnh từ bi với nó. Tuổi thanh niên là tuổi khó khăn cho mọi đứa trẻ. Đến lúc chúng trở thành người lớn, tuổi dậy thì, chúng hay bướng bỉnh, giận dữ và bực bội với cha mẹ. Thực hành hạnh từ bi, cha mẹ hiểu việc chống đối này chỉ là phản ứng tự nhiên lúc lớn lên và đứa trẻ không phải có ý xấu muốn hại cha mẹ.

Đứa trẻ vui hưởng tình thương yêu ân cần và lòng từ bi của cha mẹ sẽ trở nên người tốt. Nếu không bị ghét bỏ, nó sẽ trải tình thương và lòng từ bi đến người khác.

Trước khi trưởng thành, đứa trẻ có thể đạt được vài thành công trong việc thi cử hay các hoạt động khác ngoài gia đình. Lúc này là lúc cha mẹ nên thực hành hạnh khinh an. Quá nhiều bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại đem con mình để tranh đua với các người khác. Họ muốn con họ thành công vì ích kỷ; tất cả chỉ vì họ muốn người khác khen con họ. Thực hành hạnh khinh an, cha mẹ sẽ hoan hỷ sự thành công và hạnh phúc của con mình mà không có ý đồ thầm kín nào cả. Người cha vui vì đứa con vui! Một đứa trẻ chịu ảnh hưởng niềm khinh an của cha mẹ sẽ trở thành một người không đố kỵ với ai và cũng không hơn thua với ai. Người như vậy trong tâm không còn có vị kỷ, tham lam và sân hận.

Khi đứa trẻ trưởng thành, có nghề nghiệp và lập gia đình. Cha mẹ nên thực hành hạnh quan trọng cuối cùng là tự tại. Đây là một hạnh khó khăn nhất cho các bậc cha mẹ ở Á đông thực hành. Quả thực là khó khăn cho họ khi cho phép các con được độc lập, và đầy đủ quyền hành. Khi các bậc cha mẹ thực hành hạnh tự tại, thì không xen vào những chuyện riêng tư của con cái và cũng không còn ích kỷ đòi hỏi con cái dành nhiều thời giờ để chăm sóc mình. Giới trẻ trong xã hội hiện đại có rất nhiều vấn đề. Cha mẹ hiểu biết không đặt thêm gánh nặng vào cặp vợ chồng trẻ bằng những đòi hỏi không cần thiết. Điều quan trọng nhất, các cha mẹ già đừng nên làm cho con cái đã có gia đình cảm thấy tội lỗi là đã lơ là bổn phận làm con. Cha mẹ thực hành hạnh tự tại, sẽ giữ được thanh thản trong lúc tuổi già, và do đó tạo được sự kính trọng của thế hệ trẻ.

Khi các bậc cha mẹ thực hành bốn hạnh nói trên với con cái, con cái sẽ đáp ứng thuận lợi, và bầu không khí trong gia đình tràn ngập vui tươi. Một gia đình có tình thương yêu, từ tâm, khinh an và tự tại là một gia đình hạnh phúc. Con cái lớn lên trong môi trường như vậy, sẽ trở thành những công dân biết điều, có từ tâm, có thiện ý, và thành những ông chủ chu đáo. Đó là gia tài vĩ đại mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có thể dành cho con cái được.

Cha mẹ trong xã hội hiện đại

Một trong những điều đáng buồn nhất trong xã hội hiện đại là con cái trong các quốc gia kỹ nghệ cực thịnh rất đau khổ vì thiếu tình thương của cha mẹ. Khi mới lấy nhau, đôi vợ chồng thường mong mỏi có con. Khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ có bổn phận phải trông nom con với hết khả năng của mình. Cha mẹ có trách nhiệm thấy đứa con không được thoả mãn đầy đủ vật chất; và cả về mặt tinh thần, tâm lý cũng rất là quan trọng.

Những tiện nghi vật chất cha mẹ cho con đứng hàng thứ yếu so với tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ. Chúng ta được biết nhiều bậc cha mẹ trong những gia đình không mấy khả giả, đã nuôi nấng con cái nên người với tình thương chan chứa. Trái lại, nhiều gia đình giàu có đã cho con cái tất cả tiện nghi vật chất nhưng lại thiếu tình thương với con cái. Những đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ thiếu phần phát triển về tâm lý và đạo đức.

Các bà mẹ nên suy nghĩ cho kỹ, nên tiếp tục đi làm hay nên ở nhà làm bà nội trợ, đem hết tình thương yêu và chăm soác, cho con cái được hạnh phúc. (Thật là lạ lùng, một số các bà mẹ hiện đại đã được huấn luyện để sử dụng các loại súng và võ khí giết người, trong lúc lẽ ra các bà phải nâng niu con cái và huấn luyện chúng trở nên người tốt, trở nên người công dân biết tôn trọng luật pháp).

Khuynh hướng và thái độ hiện dại của các bà mẹ đi làm đối với con cái làm hao mòn tình hiếu thảo , đã được quý trọng từ lâu đời, mà con cái phải đem cho cha mẹ. Sự thay thế sữa mẹ bằng sữa chai cũng là một yếu tố khác làm giảm bớt tình yêu giữa mẹ và đứa con. Khi bà mẹ nâng niu con trong tay và cho con bú bằng sữa của mình, tình thương giữa mẹ con ngày càng đậm đà và ảnh hưởng của người mẹ với hạnh phúc của đứa con càng ngày càng rõ rệt. Trong những hoàn cảnh như vậy, tình hiếu thảo, gia đình gắn bó, và hoà thuận luôn luôn thể hiện. Những truyền thống như vậy làm cho con cái được sung sướng. Cha mẹ, nhất là các bà mẹ, nên tuỳ tiện đem đến cho con những tình cảm nói trên. Người mẹ chịu trách nhiệm về đứa con ngoan hay ương ngạnh. Các bà mẹ có thể làm giảm bớt nạn phạm pháp!

Sự kiểm soát của cha mẹ

Nhiều bậc cha mẹ tìm cách kiểm soát con cái đã có gia đình. Họ không cho con cái được tự do và ưa can thiệp vào đời tư của cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Khi cha mẹ cố gắng kiểm soát con trai hay con gái đã có gia đình và muốn chúng phải theo đúng lối sống của mình, sẽ gây nên một số hiểu lầm giữa hai thế hệ và cũng làm mất hạnh phúc giữa đôi trẻ. Có lẽ các cha mẹ tưởng làm như vậy là thương yêu và luyến ái con cái; nhưng vì làm như thế đã tạo nhiều khó khăn cho chính mình và cho con cái.

Cha mẹ phải để con cái gánh tránh nhiệm về đời sống và gia đình riêng tư của chúng. Thí dụ như nếu gieo một vài hột giống dưới một gốc cây ít lâu sau một số cây sẽ mọc lên. Nếu bạn muốn các cây lớn mạnh mẽ và độc lập, bạn phải đem trồng lại các cây đó cách xa nhau tại một nơi đất trống, ra khỏi ảnh hưởng trở ngại của bóng cây gốc.

Cha mẹ không nên sao lãng trí tuệ ngàn xưa căn cứ trên lời khuyên của các vị đạo sư, các nhà hiền triết và các người già cả đã mở mang kiến thức kinh nghiệm qua những thử thách và nhầm lẫn của chính họ.

Ly dị

Ly dị là một vấn đề được tranh cãi giữa các tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau. Một số người tin là hôn nhân đã được ghi sổ thiên đường nên chấp nhận ly dị là sai. Nhưng, nếu vợ chồng không thể cùng nhau chung sống, thay vì sống một cuộc đời khổ sở, đầy những ghen ghét, sân hận, và căm thù, thì họ nên xa nhau để được sống yên ổn.

Trách nhiệm đối với con cái

Tuy nhiên, việc chia ly của đôi vợ chồng phải được thi hành trong bầu không khí hiểu biết bằng cách áp dụng những giải pháp hợp lý mà không tạo thêm căm thù. Nếu vợ chồng có con cái thì nên cố gắng sao cho việc ly dị bớt thương tổn cho con cái, và giúp chúng thích ứng với hoàn cảnh mới. Điều quan trọng nhất là tương lai và hạnh phúc của con cái phải được bảo đảm. Thật là vô nhân đạo khi một cặp vợ chồng bỏ rơi con cái và để chúng sống một cuộc đời đau khổ.

Quan điểm của người Phật tử

Trong Phật giáo, không có điều luật nào nói chồng và vợ không được xa nhau nếu họ không thể cùng nhau chung sống trong hoà thuận. Nhưng, nếu chúng ta theo lời khuyên của đức Phật để chu toàn nhiệm vụ với nhau, thì việc bất hạnh như ly dị hay ly thân không bao giờ xảy ra ngay từ lúc đầu.

Trong quá khứ, khi giá trị tôn giáo được triệt để tôn trọng, nhiều cặp vợ chồng Đông cũng như Tây, đều cố gắng đi đến một sự hiểu biết thân hữu để phát triển mối tương quan hạnh phúc căn cứ trên sự kính trọng, tình yêu và quý mến. Các cặp vợ chồng phát triển và tạo hôn nhân thành một nét đặc biệt quan trọng mà họ ôm ấp trong tim. Trường hợp ly dị rất hiếm và bị coi như một ô nhục vì nó chứng tỏ lòng ích kỷ của đôi bên.

Cho đến nay, việc ly dị hiếm có trong những quốc gia Phật giáo là sự thật. Đó là vì các cặp vợ chồng giữ nhiệm vụ và bổn phận với nhau; và trên nguyên tắc, ly dị không được cộng đồng chấp thuận. Trong nhiều trường hợp, khi gia đình rắc rối, nhóm người già thường hợp nhau lại và đóng một vai trò quan trọng để cải tiến tình hình. Bất hạnh thay, trong các xã hội tiên tiến ngày nay, ly dị đã trở nên một việc thông thường. Tại một vài quốc gia, việc này còn trở nên đúng mốt, hợp thời trang. Thay vì coi ly dị là xấu hổ hay thất bại trong cuộc sống, vài cặp vợ chồng trẻ lại lấy đó làm điều hãnh diện. Nguyên nhân chánh sự thất bại trong hôn nhân trong xã hội ngày nay là sự lạm dụng tự do, quá nhiều độc lập và chủ nghĩa cá nhân của người hôn phối. Phải có một giới hạn cho cuộc sống độc lập, nếu không cả vợ lẫn chồng sẽ dễ dàng lạc lối.

7. Đa thê hay một vợ một chồng

Về câu hỏi người Phật tử có thể có nhiều vợ hay không thì câu trả lời trực tiếp là việc này không có trong giáo lý của đức Phật. Vì như đã nói trước đây, đức Phật không đặt để một luật lệ đạo lý nào về đời sống vợ chồng, mặc dù là Ngài đã dạy các lời khuyên quý giá để làm sao có được một cuộc sống lứa đôi khả kính.

Truyền thống, văn hoá và lối sống được đa số của một quốc gia chấp thuận, phải được cứu xét khi chúng ta thực hành những điều liên quan đến đời sống của chúng ta. Một vài tôn giáo nói là một người chỉ có được một vợ, trong khi các tôn giáo khác nói một người có thể có được nhiều vợ.

Mặc dù đức Phật không nói rõ một người có thể lấy được bao nhiêu vợ, nhưng trong các bài thuyết giảng của Ngài, Ngài dứt khoát cho rằng một người đàn ông đi với một người phụ nữ khác không phải là vợ mình, có thể là nguyên nhân của sự xuống dốc của chính mình và chắc chắn phải đương đầu với nhiều khó khăn và rắc rối. Đường lối giáo lý của đức Phật dạy chỉ để giải nghĩa tình trạng và các hậu quả. Chúng ta có thể tự nghĩ vì sao một số điều tốt và một điều không tốt. Đức Phật không đặt ra luật lệ cho một người có hay không có nhiều vợ, và Ngài cũng không bắt buộc mọi người phải tuân theo. Tuy nhiên, luật lệ của một quốc gia quy định một vợ một chồng trong một hôn nhân, thì luật lệ ấy chúng ta phải tuân theo vì đức Phật thẳng thắn nói với các tín đồ rằng phải nên tuân theo luật lệ của quốc gia nếu luật lệ ấy đem lại lợi ích cho tất cả.

8. Kỹ thuật mới

Kế hoạch gia đình

Một vài tôn giáo không đồng ý về kế hoạch gia đình. Họ nói như vậy là trái với ý muốn của Thượng đế. Phật giáo không can thiệp vào việc lựa chọn riêng tư. Con người hoàn toàn tự do dùng bất cứ phương pháp nào để ngừa thai. Theo Phật giáo, việc thụ thai cần có một số điều kiện tinh thần và thể chất; nếu thiếu một trong hai điều kiện đó (ví dụ áp dụng kế hoạch gia đình) không có việc thụ thai và đứa trẻ không ra đời. Nhưng sau khi có thai, đạo Phật cấm phá thai vì phá thai là cướp một mạng sống đã thành hình dưới dạng một bào thai.

Thụ tinh nhân tạo

Một số người quan tâm đến luân lý hay khía cạnh đạo lý về việc các trẻ được sanh bằng cách thụ tinh nhân tạo. Nếu một phụ nữ không thể mang thai bằng lối thông thường, và nếu người đàn bà này lo âu, muốn có con bằng cách áp dụng phương pháp y khoa tiên tiến này, trong Phật giáo không có chỗ nào nói việc này là vô luân hay vô đạo. Tôn giáo phải tán thán trí thông minh của con người và tiện dụng các khám phá y khoa mới nếu những khám phá này vô hại và đem lại lợi ích cho nhân loại. Như đã nói ở trên, nếu có những điều kiện chính đáng, có thể thụ thai bằng lối thiên tạo hay nhân tạo.

9. Luân Lý

Tiền dâm hậu thú

Tiền dâm hậu thú là một vấn đề được bàn cãi rất nhiều trong xã hội hiện đại. Nhiều thanh niên muốn hiểu quan điểm về vấn đề tế nhị này. Một số các nhà tôn giáo coi việc này như phạm tội gian dâm, trong khi một số người khác nói là vô luân và không thể bào chữa được.

Trong quá khứ, thanh niên và thiếu nữ chỉ được cha mẹ cho phép tự do muốn đi đâu thì đi khi đã lập gia đình.

Hôn nhân của họ được cha mẹ sắp xếp và tổ chức. Đương nhiên, việc làm này tạo bất hạnh trong một vài trường hợp khi cha mẹ chọn người hôn phối, căn cứ trên tiền bạc, địa vị xã hội, bổn phận gia đình và các vấn đề khác. Nhưng thông thường, đa số các bậc cha mẹ đã hết sức chọn cho con cái người hôn phối xứng đáng.

Ngày nay, giới trẻ được tự do tìm kiếm ý trung nhân. Chúng có nhiều tự do và độc lập trong đời sống. Việc này tự nó không phải là một điều xấu, nhưng số người này quá trẻ và chưa chính chắn để biết được sự khác biệt giữa sự hấp dẫn bởi nhục dục và sự tương hợp chân chính. Vì vậy vấn đề tiền dâm hậu thú được nêu lên.

Quá nhiều sao lãng trong những vấn đề về tình dục cũng gây những khó khăn cho xã hội hiện đại. Phần đáng buồn là một số xã hội không bày tỏ thái độ rộng rãi đối với những bà mẹ không chồng, những đứa con hoang, và những người ly dị trong khi họ hoàn toàn tự do về tình dục. Kết quả là giới trẻ bị xã hội trừng phạt vì chính xã hội đã khuyến khích tự do luyến ái. Giới trẻ bị xã hội ruồng bỏ, đau khổ, xấu hổ và bẻ mặt. Nhiều thiếu nữ trở thành những nạn nhân vì tự do của chính mình, làm hỏng tươnglai vì vi phạm truyền thống cổ xưa, có giá trị ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Tiền dâm hậu thú là một phát triển hiện đại, một kết quả của xã hội quá tự do, khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Trong khi Phật giáo không có quan điểm đồng ý hay chống đối kịch liệt hành động này. Thiết nghĩ rằng các Phật tử, nhất là cả hai phái trong lúc yêu nhau, đang dự tính hôn nhân, nên tôn trọng quan niệm truyền thống cổ xưa để giữ được trinh trắng cho đến ngày hợp cẩn.

Tâm trí của con người không kiên định, luôn luôn thay đổi do kết quả của bất cứ hành động trái phép nào hay sự thiếu khôn ngoan gây nên các thiệt hại lớn lao cho cả đôi bên, nếu hôn nhân chính thức không được thực hiện như đã dự tính, phải nhớ rằng bất cứ một dạng thức dễ dãi nào của nhục dục trước khi lễ cưới chính thức được cử hành sẽ bị các cụ già khinh miệt vì các cụ là những người giám hộ giới trẻ.

Hạnh kiểm đồi bại về nhục dục

Người cư sĩ theo lời dạy của đức Phật phải tránh hạnh kiểm đồi bại về nhục dục (gian dâm). Điều đó có nghĩa là nếu ta muốn nhục dục, không nên tạo một hành động vũ phu hay dùng bất cứ một sức mạnh nào, để doạ nạt hay gây sợ hãi. Có một đời sống đoan trang và biết kính trọng người tình không trái với đạo Phật vì đạo Phật cho đó điều cần thiết khi họ chưa sẵn sàng từ bỏ cõi đời tục luỵ này.

Theo Phật giáo, kể như là phạm tội hạnh kiểm đồi bại, những ai gian dâm với một người đã có gia đình, hoặc một người đã hứa hôn, hay một người còn phải dưới quyền che chở của cha mẹ hay người giám hộ, bởi vì nó làm mất trật tự xã hội, và làm người thứ ba đau khổ, cũng chỉ vì tính ích kỷ của một trong hai người.

Nhục dục vô trách nhiệm

Đức Phật cũng đã nêu lên những hậu quả mà một người già phải gánh chịu nếu lấy vợ mà không lưu ý đến sự tương xứng về tuổi tác của người hôn phối. Theo đức Phật, nhục dục vô trách nhiệm có thể trở nên nguyên nhân suy sụp của một con người trong nhiều phương diện của đời sống.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều ban hành những luật lệ rõ ràng về việc lạm dụng tình dục. Lại nữa, đạo Phật chủ trương một người phải kính trọng và tuân theo luật lệ của một quốc gia nếu những luật lệ này có ích lợi chung.

10. Đông và Tây

Sau đây là phần trích dẫn cuốn sách của một tác giả nổi tiếng - Tiến sĩ Nikkyo Niwano. Trong quyển sách của ông “ Một đời sống giàu có”, Tiến sĩ Niwano đề cập đến vấn đề tình yêu và hôn nhân trên quan điểm của Đông phương và Tây phương.

“ Ở Tây phương, hôn nhân đặt trên căn bản của một mối tình lãng mạn, thường được coi là tự nhiên và đôi khi lý tưởng. Ở Á đông, trong những năm gần đây, việc một số bạn trẻ đã bỏ truyền thống sắp đặt hôn nhân, và tuỳ ý lựa chọn người yêu từ những mối tình lãng mạn, đã gia tăng. Trong một vài trường hợp, hôn nhân lãng mạn đã đưa đến chia ly và bất hạnh sau một thời gian ngắn, trong khi các hôn nhân được cha mẹ sắp đặt thường có những đôi vợ chồng sống cùng nhau, làm việc cùng nhau rất mãn nguyện và hạnh phúc.

Mặc dù tiếng gọi của con tim, tất cả các hôn nhân lãng mạn không thể được gọi là không thành công về mọi mặt. Tình yêu lãng mạn ví như ngọn lửa của một khúc gỗ cháy bùng và sáng rực lên nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Tình yêu giữa vợ chồng âm ỉ cháy giống như ngọn lửa cháy trong lò than. Lẽ đương nhiên tình yêu bồng bột như lửa có thể lý tưởng đấy, nhưng sẽ mau nguội, ngọn lửa âm ỉ cháy lâu là ngọn lửa của một tình yêu chính chắn. Đa số tình yêu lãng mạn bồng bột như lửa, tắt rất mau, chẳng để lại gì ngoài đống tro tàn; quả là một nền móng yếu ớt của một đời sống vợ chồng thành công !

Giới trẻ khi đang yêu không nghĩ ngợi gì, ngoại trừ tình cảm. Lúc nào họ cũng muốn sống trong cảm xúc. Mọi điều họ nghĩ và làm đều lãng mạn và không có chút gì thực tế của cuộc đời mà họ phải chịu đựng sau hôn nhân. Nếu đôi tình nhân may mắn tâm đầu ý hợp, hiểu biết chính chắn về cuộc đời, cùng nhau chia sẻ vui buồn, gia đình đôi bên hoà thuận, và tiền bạc đầy đủ, thì dù sự đam mê lúc đầu đã lắng xuống, họ vẫn cần có một căn bản cho cuộc sống chung tốt đẹp. Nếu họ không có phước, hôn nhân của họ sẽ thất bại.

Khi những cuộc hẹn hò, những hình ảnh kỷ niệm, những cuộc khiêu vũ, và các buổi tiệc tùng đã qua, đôi vợ chồng trẻ khi sống với nhau bắt đầu khám phá ra những tính tốt và thói xấu của nhau. Mỗi ngày họ phải sống với nhau, trong quá nửa đời người; cuộc sống như vậy có nhiều đòi hỏi khác hẳn với những nhu cầu ít oi trong lúc hẹn hò ban đầu, và trong mối tình thứ nhất .

Sợi dây liên lạc gia đình rất cần thiết cho đời sống vợ chồng. Hãy nghĩ đến cá tính của người mẹ và người cha của một cuộc hôn nhân trong tương lai. Giới trẻ đôi khi nghĩ rằng sức mạnh của tình yêu sẽ giúp họ có thể chịu đựng những sự cãi cọ trầm trọng, và những khó khăn về bên nội cũng như bên ngoại; nhưng điều này không phải bao giờ cũng đúng. Tóm lại, lãng mạn chỉ là vấn đề thời gian giới hạn, không mọc rễ ăn sâu trong thực tế, và phải cần điều chỉnh cho thích hợp với nhu cầu, và môi trường để đôi lứa gắn bó với nhau và sống tận tuỵ lâu dài. Có hai loại tình yêu khác hẳn nhau, và chọn lầm một loại sẽ gặp tai hại ghê gớm.

Nếu suy nghĩ vô tư và đứng đắn về bản chất của con người, ta thấy rằng hôn nhân làm giảm bớt thất bại. Để mối tình lãng mạn khỏi tiêu tan sau khi cưới, sự thông cảm giữa hai người rất cần thiết. Tỷ lệ hôn nhân của giới trẻ chọn lựa người hôn phối có sự đồng ý của cha mẹ cao hơn. Muốn sống bình yên, nên hiểu rõ sự khác biệt nhau giữa tình yêu lãng mạn và tình vợ chồng”.

11. Độc thân

Độc thân là gì ?

Độc thân là kìm hãm lạc thú của tình dục. Một số phê bình Phật giáo chống lại thiên nhiên và họ cho rằng đời sống tình dục là điều tự nhiên, và cần thiết.

Phật giáo không chống lại tình dục, nó là một khoái lạc tự nhiên và là một phần của đời sống thế tục. Người ta có thể hỏi, tại sao đức Phật chủ trương độc thân như là một giới luật ? Phải chăng như vậy là bất công và chống lại thiên nhiên ? Giữ độc thân để trí tuệ thăng hoa không phải là một giới luật thời đức Phật. Tất cả những tôn giáo hiện hữu tại Ấn độ thời đó, cũng áp dụng điều này. Cả đến thời nay, một số tôn giáo khác như Ấn độ giáo, và Cơ đốc giáo cũng giữ giới này như một lời nguyện.

Người Phật tử giữ giới này và tự ý bỏ cuộc đời trần tục vì họ nhận thức rằng nếu sống như một người có gia đình, họ phải gánh nhiều trách nhiệm và chịu nhiều ràng buộc. Đời sống vợ chồng có thể phương hại hay giảm bớt trí tuệ thăng hoa; khi thèm khát tình dục, đầu óc đầy những ràng buộc và cám dỗ làm lu mờ sự thanh tịnh của tâm hồn.

Ý nghĩa về độc thân

Người ta ưa hỏi : “Nếu đức Phật không thuyết giảng chống lại đời sống vợ chồng, tại sao Ngài lại chủ trương sống độc thân như một giới luật quan trọng phải tuân theo, và tại sao Ngài lại khuyên ta tránh nhục dục và từ bỏ đời sống trần tục ?”

Ta phải nhớ là tứ bỏ thế tục không bắt buộc trong Phật giáo. Không bắt buộc phải hoàn toàn từ bỏ thế tục để thực hành đạo Phật. Bạn có thể điều hợp đời sống của bạn theo sự hiểu biết của mình bằng cách thực hành một số nguyên tắc về đức tính và đạo lý. Bạn có thể phát triển nguyên tắc đạo lý của bạn theo nhu cầu đời sống thế tục. Tuy nhiên, khi bạn đã tiến bộ và đạt được trí tuệ cao cả hơn và hiểu rằng đời sống của một cư sĩ không đưa đến sự phát triển tối hậu của ĐỨC HẠNH VÀ THANH TỊNH TÂM TRÍ, bạn sẽ chọn việc từ bỏ đời sống trần tục để tập trung sinh lực hơn nữa vào việc phát triển tâm trí.

Đức Phật khuyên độc thân vì tình dục và hôn nhân không đưa đến bình an và thanh tịnh tối hậu của tâm trí, và việc từ bỏ trần tục rất cần thiết cho những ai muốn đạt được sự phát triển tâm trí toàn bích, và ở mức độ cao nhất. Nhưng việc từ bỏ này phải hoàn toàn tự nhiên và không bao giờ có cưỡng ép. Việc từ bỏ là do sự quán triệt được ảo ảnh của bản ngã, và bản chất bất toại nguyện của tất cả các lạc thú.

Độc thân đối kháng trách nhiệm

Kinh nghiệm của đức Phật

Đức Phật sống một đời sống thế tục như một hoàng tử. Ngài là một người chồng và người cha trước khi từ bỏ gia đình, và Ngài hiểu rất rõ đời sống vợ cồng ra sao. Người ta có thể chất vấn rằng Ngài ích kỷ, độc ác, và không công bằng vì trốn tránh vợ con. Thực ra , đức Phật không trốn tránh gia đình, và cũng không phải là không có tinh thần trách nhiệm.

Ngài chưa bao giờ có sự hiểu lầm với vợ Ngài. Ngài cũng đã có tình thương yêu và luyến ái với vợ con như bất cứ một người bình thường nào, mà có lẽ còn mạnh hơn nữa. Điều khác biệt là tình yêu của Ngài không phải chỉ là một tình yêu vật chất và ích kỷ, Ngài có can đảm và trí huệ để từ bỏ thứ tình yêu uỷ mị và ích kỷ này vì đại nghĩa. Việc hy sinh của Ngài được coi như cao thượng nhất vì lẽ Ngài đã từ bỏ nhu cầu và lạc thú cá nhân để lúc nào cũng phục vụ nhân loại.

Ngài bỏ thế tục có mục đích cứu độ nhân loại, chứ không phải vì hạnh phúc, bình yên, và giải thoát riêng tư của Ngài. Nếu Ngài tiếp tục sống trong cung điện, việc cứu độ của Ngài chỉ hạn hẹp trong gia đình và vương quốc của Ngài. Đó là lý do Ngài từ bỏ mọi thứ để giữ được bình an, thanh tịnh của tâm hồn, đạt giác ngộ, rồi giác ngộ những ai đang đau khổ trong vô minh.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của đức Phật là sau khi giác ngộ, Ngài trở về hoàng cung và đem ánh sáng giác ngộ đến cho thân quyến gia đình. Tóm lại, khi La Hầu La (Rahula), con trai của Ngài hỏi Ngài về gia tài. Đức Phật trả lời là Rahula sẽ thừa hưởng một gia tài giàu có nhất, đó là kho tàng Phật Pháp. Ngài đã cứu độ gia đình theo đường hướng như vậy, mở đường cho vợ con đến chỗ giải thoát, bình an và hạnh phúc. Vậy nên, không một ai có thể nói Ngài là một người cha độc ác hay ích kỷ. Ngài quả là nhiều từ bi và vị tha hơn bất cứ ai khác. Với mức độ của một trí tuệ thăng hoa, đức Phật hiểu rõ hôn nhân chỉ là một giai đoạn tạm thời trong khi Giác Ngộ là trường cửu và đem lợi ích cho tất cả nhân loại.

Một sự kiện quan trọng khác là đức Phật biết chắc vợ và con Ngài không chết đói trong lúc vắng Ngài. Trong thời đức Phật, việc một thanh niên không lo việc quản gia không những là điều thông thường mà còn là một vinh hạnh nữa. Những thân quyến khác trong gia đình sẽ săn sóc vợ con ngài. Khi Ngài đạt giác ngộ, Ngài đã cho vợ con cái điều, mà không một người cha nào có thể cho được – đó là sự giải thoát khỏi vòng nô lệ của luyến ái.

12. Tóm lược

Hôn nhân là một sự hợp tác giữa hai cá nhân, và sự hợp tác này thịnh vượng và phát triển khi nhân phẩm hai bên gia tăng. Nhiều hôn nhân thất bại vì người này muốn “nuốt sống” người kia hay muốn đòi hoàn toàn tự do. Theo Phật giáo, hôn nhân có nghĩa là thông cảm và kính trọng niềm tin và những riêng tư của nhau. Một cuộc hôn nhân thành công bao giờ cũng là hai con đường : “khấp khểnh và gập ghềnh”; quả thật khó nhưng bao giờ cũng là con đường chung của cả hai bên.

Giới trẻ tại quốc gia này và nơi khác đôi khi nghĩ rằng những “ý kiến cổ hủ” nói trên không thích hợp với xã hội hiện đại. Họ nên nhớ rằng có những sự thật không bao giờ lỗi thời. Những cái gì đúng trong thời đức Phật vẫn còn đúng trong thời nay.

Cái gọi là ý kiến tiến bộ mà ta nhận được từ các chương trình truyền hình hết sức quyến rũ không nói lên được đường lối cảm nghĩ và cách cư xử của đa số người Tây phương chân chính. Về hôn nhân có một số lớn cặp vợ chồng “thầm lặng”, chân chính cũng rất đạo hạnh và “bảo thủ” như những cặp vợ chồng ở phương Đông. Họ không ăn ở theo đường lối mà truyền thông đại chúng đã miêu tả : Không phải hầu hết những người phương Tây bỏ cuộc để được ly dị hay phá thai ngay sau lần đầu tiên vợ chồng cãi nhau hay tranh chấp.

Những người chân ch��nh trên thế giới đều giống nhau : họ không ích kỷ và hết sức chăm sóc người họ thương yêu. Họ hy sinh lớn lao và làm nẩy nở tình yêu và sự hiểu biết để bảo đảm hôn nhân của họ được vững vàng và hạnh phúc. Vậy nên, nếu bạn muốn bắt chước người phương Tây, hãy bắt chước “khối đa số thầm lặng” ấy. Họ chẳng khác biệt với người hàng xóm chân chính đang sống sát cạnh nhà bạn.

Giới trẻ phải nghe người lớn tuổi vì sự hiểu biết về hôn nhân của mình chưa chính chắn. Giới trẻ không nên vội vàng quyết định về hôn nhân và ly dị. Họ phải có nhiều kiên nhẫn, khoan dung và thông cảm. Nếu không, đời sống của họ sẽ đau khổ và khó khăn. Trong hôn nhân, mọi người cần phải tuân theo và thực hành những nguyên tắc quan trọng sau đây : kiên nhẫn, khoan dung và hiểu biết.

Cảm giác an toàn và thoải mái bắt nguồn từ sự hiểu biết lẫn nhau, chính là bí quyết của hạnh phúc lứa đôi.

---o0o---

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]