Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tổ Ưu-ba-cúc-đa

12/03/201102:44(Xem: 4909)
4. Tổ Ưu-ba-cúc-đa

TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

V. Chư Tổ sư Tây Thiên

4.

TỔ ƯU-BA-CÚC-ĐA

優婆掬多祖

Tổ sư là người thông minh từ rất sớm, đã phát huệ khi mới mười hai tuổi. Về sau, nhờ có Tổ đời thứ ba truyền dạy, ngài tu học rất mau tiến bộ. Chẳng những về đạo lý ngài tiến rất nhanh, mà về đức hạnh ngài cũng nêu gương sáng chói, không một chỗ tỳ vết.

Theo Kế Đăng Lục, quyển nhất, ngài Ưu-ba-cúc-đa là người nước Trá-lỵ, họ Thủ-đà, cha tên là Thiện Ý. Ngài xuất gia hồi mười bảy tuổi, đến hai mươi tuổi thì chứng quả. Ngài hóa độ được rất nhiều đệ tử và tín đồ.

Sách còn chép lại rằng, lúc nhỏ ngài đã khéo dùng một phương pháp để thống trị tâm trí, kiểm điểm tự tâm và trau dồi đức hạnh. Ngài lấy những viên đá trắng làm biểu trưng cho tư tưởng tốt và những viên đá đen biểu trưng cho tư tưởng xấu. Mỗi ngày, khi có nghĩ đến việc gì xấu thì ngài đặt một viên đá đen. Ngược lại, khi nghĩ đến việc tốt thì đặt một viên đá trắng. Lúc đầu, đá đen vượt hơn đá trắng rất nhiều, ngài nhờ đó mà chú tâm kiểm điểm những tư tưởng xấu để gạt bỏ. Dần dần về sau, đá đen ngày một ít đi, và đá trắng mỗi ngày mỗi nhiều. Cho đến khi chỉ còn đá trắng mà không có đá đen nữa. Cũng chính nhờ sự rèn luyện, tu tập đức hạnh từ nhỏ như vậy, nên về sau ngài trở thành một bậc đại đức, nối tiếp sự nghiệp do Phật truyền phó mà làm Tổ sư đời thứ tư.

Vì ngài Ưu-ba-cúc-đa rất tinh tấn làm Phật sự, nên người đương thời còn xưng tụng ngài bằng danh hiệu là Vô Tướng Hảo Phật.

Khi ngài còn chưa xuất gia, tại xứ Ma-đột-la có một cô gái làng chơi nổi tiếng tên là Hoa-xá-hoa-đà. Con hầu của cô này thường đến mua hương phấn tại hiệu của Ưu-ba-cúc-đa. Cô biết chuyện, hỏi rằng: “Chắc em ưa thích cậu ấy lắm, nên mới thường đến mua đồ chỗ ấy phải không?” Con hầu đáp rằng: “Thưa cô, không phải thế. Cậu ấy là một người khôi ngô tuấn tú, hiền lành, tài trí, lại thường noi theo đạo lý mà cư xử, nên ai gặp rồi cũng đều mến phục.” Cô Hoa-xá-hoa-đà nghe nói, đem lòng yêu chàng. Cô sai con hầu đến nói với Ưu-ba-cúc-đa rằng: “Cô tôi muốn gặp cậu và mong rằng sẽ được giao duyên với cậu.” Ưu-ba-cúc-đa liền bảo con hầu về thưa lại với cô chủ rằng chưa phải lúc gặp nhau.

Hồi ấy, khách làng chơi mỗi lần đến với cô Hoa-xá-hoa-đà đều phải mất đến năm trăm đồng tiền vàng. Cô nghĩ rằng chàng Ưu-ba-cúc-đa từ chối hẳn là vì không muốn tốn năm trăm đồng tiền vàng. Cô liền sai con hầu đến lần nữa, nói rằng: “Cô tôi không lấy tiền cậu đâu, chỉ muốn được chung vui với cậu mà thôi.” Nhưng chàng Ưu-ba-cúc-đa cũng đáp lại như lần trước, rằng chưa phải lúc cô có thể gặp chàng.

Ngày kia, có người con của một ông nhà giàu lớn đến nghỉ chơi ở chỗ cô Hoa-xá-hoa-đà. Cùng lúc ấy, lại có một đại thương gia từ miền Bắc mới đến, đem theo năm trăm con ngựa vào thành Ma-đột-la để bán, hỏi thăm muốn tìm những chỗ làng chơi nổi tiếng trong xứ. Người ta chỉ đến cô Hoa-xá-hoa-đà. Người thương gia liền đến viếng cô, chịu trả cho cô đủ năm trăm đồng tiền vàng với rất nhiều quà tặng quý giá. Vì lòng tham, cô liền giết chết chàng trai con ông nhà giàu kia, mang xác ra giấu dưới đống đồ dơ sau nhà, để có thể giao tình với khách mới. Vài hôm sau, cha mẹ chàng kia cho người tìm được xác con mình dưới đống đồ dơ sau nhà cô, liền đi tố cáo việc con mình bị giới. Vua tra xét ra chính cô Hoa-xá-hoa-đà là kẻ giết người, liền xử phạt chặt đứt tay chân, cắt lỗ tai, lỗ mũi, rồi mang bỏ cô nơi nghĩa địa.

Bấy giờ, Ưu-ba-cúc-đa nghe biết việc ấy. Chàng suy nghĩ rằng: “Ngày trước, người đàn bà ấy muốn gặp ta đẻ thỏa lòng dục vọng, nhưng ta không muốn cho gặp. Bây giờ cô ta đã mất hết tay chân, lỗ tai, lỗ mũi rồi. Chính là lúc mà người ấy phải gặp ta vậy.”

Chàng liền cùng một đứa tiểu đồng đi thẳng đến nghĩa địa. Con hầu của nàng Hoa-xá-hoa-đà là người có nghĩa, nhớ ơn chủ nên vẫn theo đến nghĩa địa mà đuổi không cho loài diều quạ đến gần làm hại nàng. Khi thấy chàng Ưu-ba-cúc-đa đến, con hầu liền nói với nàng rằng: “Thưa cô, chính là người mà trước đây cô đã nhiều lần sai tôi đến mời nhưng không chịu đến, giờ đây đang đi chỗ chúng ta đó.” Nghe con hầu nói, cô than rằng: “Em ơi, giờ đây ta đã mất hết nhan sắc xinh đẹp ngày nào, trở thành một cục thịt nhầy nhụa ghê tởm nằm trên chỗ đất dơ nơi nghĩa địa này, có còn chút lạc thú nào có thể mang lại cho người mà người tìm đến đây?”

Lúc ấy, chàng Ưu-ba-cúc-đa đi tới đứng ngay trước mặt nàng Hoa-xá-hoa-đà. Nàng thấy vậy, nói rằng: “Chàng ơi, ngày trước thân thể em còn xinh đẹp, khỏe mạnh, em rất thích sự khoái lạc ái tình với chàng, đã nhiều lần sai người tìm chàng, nhưng chàng đều từ chối, bảo rằng chưa phải lúc. Giờ đây em đã bị chặt mất hết chân tay, lại bị cắt mất cả lỗ tai, lỗ mũi, khác nào một đống thịt nhầy nhụa, máu me ghê tởm, lẽ nào chàng lại cho là phải lúc mà đến đây sao?”

Chàng Ưu-ba-cúc-đa đáp rằng:

“Này cô, tôi không phải vì ham thích tình ái mà đến với cô. Bởi vậy, khi cô còn tràn đầy lòng dục, thật là chẳng phải lúc cho tôi đến gặp. Nay thân thể cô đã không còn đầy đủ, xinh đẹp như xưa, chính là lúc tôi có thể đến để nhắc nhở cô về sự giả tạm, không thật và nhơ nhớp của thân thể con người. Nay cô đã thấy được điều đó, lẽ nào còn mê đắm trong những ý nghĩ về dục lạc?”

Được nghe lời thuyết giảng của chàng Ưu-ba-cúc-đa đúng vào lúc ấy, cô gái hoàn toàn tỉnh ngộ, hết sức hối hận. Ngay khi ấy, lòng cô dứt bỏ hết các mối tình ái, tham dục, tâm hồn được an lạc, thoát khỏi mọi phiền não ràng buộc trong tâm trí.



Về sau, ngài chọn được một vị đệ tử tài đức là Đề-đa-ca, người rất thông đạt. Ngài truyền lại cho Đề-đa-ca làm Tổ đời thứ năm, có bài kệ truyền pháp như dưới đây:

Tâm tự bổn lai Tâm,

Bổn Tâm phi hữu Pháp;

Hữu Pháp hữu bổn Tâm,

Phi Tâm phi bổn Pháp.

心自本來心

本心非有法

有法有本心

非心非本法。



Dịch nghĩa

Tâm là vốn tự xưa nay,

Bổn Tâm chẳng có pháp này pháp kia.

Nếu có pháp, tâm chẳng lìa,

Không tâm thì pháp chẳng hề hiện ra.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]