Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm tưởng thương yêu giúp đỡ người khác

20/02/201115:46(Xem: 4475)
Niệm tưởng thương yêu giúp đỡ người khác

PHÙ TRỢ NGƯỜI LÂM CHUNG
Đại sư Dagpo Rinpoche
Diệu Hạnh Giao Trinh Việt dịch- Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản Thời Đại

PHẦN II. Phù trợ người lâm chung

Niệm tưởng thương yêu giúp đỡ người khác

2. Niệm tưởng thương yêu giúp đỡ người khác

Nhìn sự vật dưới góc độ như vừa giảng ở trên và cứ nói mãi về sự buông xả thì hình như có gì đó làm cho ta xuống tinh thần! Như để cổ vũ chúng ta, trong điều thứ hai đức Phật khuyến khích chúng ta vun trồng tình thương, hướng tình thương ấy đến tất cả chúng sinh.

Được phép chọn lựa giữa 11 niệm tưởng như thế thật là nhẹ cả người! Quả thế, chúng ta có thể nhận xét rằng niệm tưởng thứ nhất mà ta được đề nghị không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Cứ phải nghĩ đến chuyện buông xả, tức là sự chia ly, thật là khó chịu phải không quý vị? Vì chúng ta ai cũng có những khuynh hướng và nhu cầu khác biệt, nên cứ hãy ghi nhận đề nghị ấy. Có thể chúng ta sẽ thoải mái hơn với niệm tưởng thứ nhì, một niệm tưởng cũng rất thù thắng. Thật ra, nó bao hàm niệm tưởng thứ nhất mà chúng ta không biết, vì tình thương mà chúng ta khơi dậy phải thâu tóm được tất cả chúng sinh.

Ngoài ra, từ niệm tưởng thứ nhất đến niệm tưởng thứ nhì, chúng ta đánh dấu một sự tiến bộ. Trong trường hợp đầu, chúng ta được khuyên rằng, thay vì tiếp tục chấp trước vào gia đình và bạn bè, tốt hơn là nên phát triển tình thương và sự trìu mến đối với họ. Nay chúng ta sẽ đi xa hơn nhiều: chúng ta được khuyên rằng "thay vì chỉ dành tình thương cho người thân mà thôi, hãy lan tỏa rộng nó đến với tất cả chúng sinh hữu tình". Có một sự tiến bộ rất lớn.

"Tình thương". Nếu có một chữ được dùng rất nhiều, thì đúng là chữ này. Nó có vẻ quá sức quen thuộc, ấy thế mà... Người ta dùng chữ này quá thường, nhưng với những ý nghĩa quá khác biệt đến nỗi không chắc là chúng ta có đề cập đến cùng một vấn đề hay không. Hãy nói cho rõ vậy. Tôi biết là trong quý vị có rất nhiều người biết Phật giáo định nghĩa chữ "thương" là gì, nhưng vì cũng có người không quen thuộc với lãnh vực này, nên cần nhắc lại là theo Phật giáo tình thương có hai khía cạnh.

Thứ nhất là loại tình cảm kiểu như tình bạn, hay một thiện cảm đối với kẻ khác, lý tưởng nhất là đối với tất cả hữu tình, để từ nay ta thấy ai cũng dễ thương, dễ mến. Bình thường, đó là nhận thức mà chúng ta có đối với những ai chúng ta xem như thân mật gần gũi. Vấn đề ở đây là nới rộng tình cảm ấy đến tất cả mọi loài, để từ nay ta sẽ thấy một cách bình đẳng rằng tất cả đều là những người thân yêu để ta quý mến.

Thứ hai, tình thương cũng có nghĩa là muốn cho người khác được hạnh phúc. Ở đây, trong số 11 niệm tưởng thì cả hai cách thương yêu nói trên đều thích hợp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng – đây cũng là ý kiến của riêng tôi – trong danh sách 11 niệm tưởng, chủ yếu là thương yêu theo cách thứ nhì: nghĩa là mong muốn cho người khác được hạnh phúc.

Muốn thế thì phải làm thế nào? Ta bắt đầu bằng cách nhận xét rằng phần đông người khác đều không được hạnh phúc như họ cầu mong. Rồi ta tự nghĩ: phải rồi, tốt hơn hết là họ sống hạnh phúc. Thế là ta phát sinh mong muốn làm sao cho họ đạt được hạnh phúc, tức là đạt được các nguyên nhân đem hạnh phúc đến cho họ. Từ đó, ta có thể cảm thấy mình mang trách nhiệm phải tận lực tìm tất cả các phương tiện cần thiết để mang hạnh phúc đến cho mọi người.

Vậy thì thương yêu trước hết có nghĩa là muốn cho người khác được hạnh phúc. Nhưng tại sao muốn cho người khác hạnh phúc là một điều tốt? Có nhiều lý do, mà lý do đầu tiên chính là ta cũng muốn hạnh phúc. Và cái gì đúng cho ta chắc hẳn cũng đúng cho người khác. Những nguyện vọng vừa tự nhiên vừa chính đáng mà chúng ta bắt gặp nơi mình, có lẽ ta cũng có thể tìm thấy nơi tất cả hữu tình. Bởi vì chính ta muốn được hạnh phúc, ta có thể suy ra rằng người khác cũng có cùng nhu cầu ấy. Cái gì tốt cho chúng ta cũng sẽ tốt cho họ.

Còn có nhiều lý do nữa. Nói riêng thì tất cả những gì chúng ta dùng trong kiếp sống của mình, tất cả những gì dễ chịu, thuận lợi và có ích, bằng cách này hay cách khác, phải nhờ chúng sinh khác mới có. Quần áo, thức ăn, nhà cửa v.v... chúng ta đều phải chịu ơn người khác, trực tiếp hay gián tiếp. Và "người khác" ở đây không chỉ giới hạn ở loài người. Hiển nhiên là chúng ta cũng chịu ơn thú vật chẳng hạn, dầu chỉ để có quần áo và thức ăn. Cứ tiếp tục suy nghiệm như thế, dần dần chúng ta có thể nhận ra rằng, trên một mặt nào đó, chúng ta có một mối tương quan với tất cả mọi loài, nghĩa là ai cũng phải tùy thuộc vào người khác.

Bởi vì chúng ta là con nợ của tất cả các hữu tình khác ở nhiều mức độ khác nhau, điều tối thiểu chúng ta có thể làm được là mong ước cho họ có hạnh phúc. Cái gì chúng ta có được cũng đều là nhờ chúng sinh khác mà có, đầu tiên là cái thân của chúng ta. Không cần phải suy nghĩ lâu mới thấy ra rằng thân thể hiện nay của ta, ta đã có được từ cha mẹ. Chỉ chừng đó thôi chúng ta cũng đã mang nợ họ, và họ đã tỏ ra rất tử tế đối với chúng ta.

Nói về tâm, bất cứ một đức tính nhỏ nào trong tâm chúng ta cũng đều tùy thuộc người khác. Còn sự hiểu biết? Cũng từ người khác đến. Những đức tính như tình thương và lòng từ bi, làm sao ta có thể cảm thấy được nếu không phải là [trong mối tương quan] với những chúng sinh khác? Thế thì, chính là nhờ chúng sinh mà chúng ta có thể làm nảy sinh những trạng thái tâm thức vi diệu. Bởi vì chính họ đã cho phép chúng ta làm được điều đó, chúng ta thiếu nợ họ điều đó, và như thế nghĩa là chúng ta cũng hoàn toàn lệ thuộc vào họ trên phương diện đó.

Xét theo nhiều góc độ, việc khơi dậy tình thương đối với người khác rất có lợi cho ta. Một trong những ích lợi này là khi tâm ta tràn ngập tình thương, điều này sẽ ngăn chặn những tâm tưởng hoàn toàn đối nghịch. Nói rõ hơn, khi ta có được tình thương đối với người khác thì ta không thể nào cùng lúc ấy khởi tâm sân hận. Hai tình cảm này hoàn toàn xung khắc. Do đó, lúc gần chết nếu trong tâm ta chỉ có tình thương và lòng từ mẫn thì tự nhiên ta sẽ trốn tránh được những cảm giác bực bội. Điều này vô cùng quan trọng. Trên thực tế, vào lúc lâm chung nếu để cho mình khởi tâm sân hận đối với một người hay sự vật nào thì tai hại vô cùng, vì điều này sẽ khiến ta đâm đầu xuống những cõi tái sinh thật sự xấu.

3. Niệm tưởng hoàn toàn buông bỏ mọi hiềm thù

Như chúng ta vừa mới nói, vun đắp tình thương cũng có nghĩa là tự phòng ngừa đối với mọi sự bực bội. Khi bước qua trạng thái tâm thức thứ ba [trong 11 tâm thức đã đề cập] thì điều này càng rõ ràng hơn. Ở đây, chúng ta được khuyên là nên "buông bỏ tất cả mọi hiềm thù".

Dĩ nhiên, lý tưởng nhất là ta chỉ khởi lòng thương yêu đối với người khác. Nhưng chúng ta phải thực tế. Bản thân ta có thật sự đạt đến trình độ không bao giờ cảm thấy chút giận hờn đối với bất cứ ai trong suốt cả đời mình? Nếu có khi chúng ta nổi cáu với người này hay với người kia, thì tối thiểu trong phút lâm chung chúng ta phải tuyệt đối tránh ôm giữ niềm oán giận. Điều này rất có hại cho ta, dẫu là trong một thời gian ngắn hay về lâu dài. Tâm oán giận rất gần với tâm oán ghét, ngay tức khắc nó đã làm cho ta đau khổ dằn vặt. Và vì tâm ấy còn tăng cường các nghiệp xấu, nó chỉ có thể lôi kéo ta đến những nẻo tái sinh đau khổ. Vì thế mới có lời sách tấn thứ ba: "Bằng bất cứ cách nào, hãy làm sao đừng khởi tâm oán giận vào lúc lâm chung."

4. Niệm tưởng phát lộ sám hối

Phật giáo khuyên ta làm điều gọi là "tự vấn lương tâm" để nhớ lại những giới đã phạm, và nói rộng ra là những thiếu sót về đạo đức để mà tịnh hóa. Điều này liên quan đến những người đã thọ các giới luật của tôn giáo hay tâm linh, nhưng bất cứ ai cũng có thể đã từng tự hứa trong đời là sẽ tuân thủ một số tiêu chuẩn đạo đức nào đó. Liệu chúng ta có luôn luôn giữ những lời đã hứa một cách triệt để hay không?

Hãy thú nhận là đôi khi chúng ta cũng vi phạm. Thế thì, đức Phật gợi ý rằng, thay vì ôm giữ nặng nề những sai sót của mình, tốt hơn là hãy tẩy rửa chúng đi. Nếu dịch sát nghĩa thì chữ ấy là "phát lộ sám hối", nhưng đó là một nguồn gốc dễ gây hiểu lầm. Ở đây, chuyện phải làm là tự kiểm thảo và thành thật với chính mình. Nói cách khác, nếu trong đời ta đã phạm những lỗi lầm nào, thì nên tự thú nhận và hối tiếc một cách chân thành. Nhờ thế, chúng ta có thể tịnh hóa chúng được.

Tại sao đức Phật lại khuyên ta làm thế? Vì sự tương quan giữa nhân và quả, giữa nghiệp đã tạo và sự báo ứng. Hãy giả thiết là chúng ta đã thọ nhận một số giới luật và đôi khi đã vi phạm. Thế là đồng thời, chúng ta đã tích lũy ác nghiệp. Nếu chúng ta chểnh mảng trong việc hóa giải chúng bằng những phương pháp tịnh hóa đã được chứng nghiệm, thì chúng sẽ tiếp tục đè nặng lên tâm thức tương tục của chúng ta, và sẽ duy trì một trạng thái tâm thức gần với tâm sở "vô tàm" trong ta. Trong giả thuyết lúc ta lâm chung, nếu rủi ro một loại nghiệp như thế thành thục thì nó sẽ đẩy ta vào một kiếp tái sinh bất lợi.

Liệu chúng ta có thể hy vọng tịnh hóa toàn bộ những nghiệp xấu của mình nhờ sự thành tâm sám hối khi gần nhắm mắt? Không nên quá hy vọng hão huyền. Nói chung, với thời gian chúng ta đã tích lũy quá nhiều ác nghiệp nên khó có thể tịnh hóa được tất cả trong một khoảng thời gian ngắn. Thật sự thì có, chúng ta có thể tịnh hóa hết các ác nghiệp, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều cố gắng và phải dùng nhiều nghị lực để chuyên sám hối trong một khoảng thời gian cần thiết. Nếu không làm thế được, thì lúc lâm chung điều mà chúng ta có thể làm cho mình và cho người khác là dùng các phương pháp sám hối nào có thể tiêu trừ những tội lỗi nặng nề nhất. Trong lúc cấp bách, nếu dùng hình ảnh để tỷ dụ thì phải tấn công vào "phần nổi của tảng băng trôi". Dĩ nhiên, phần còn lại vẫn còn đó, nhưng tiêu trừ những ác nghiệp thô trọng nhất có thể nhất thời tránh cho ta không bị đọa thẳng vào các ác đạo.

Vả lại, trong lúc còn đang sống, trong khi chờ đợi tiêu trừ tất cả các nghiệp ác, chúng ta nên ngăn chặn trước những nghiệp tồi tệ nhất, vì đó là những chướng ngại nguy hiểm. Đến phút lìa đời, nếu chúng ta đeo mang những nghiệp ác quá nặng thì chúng sẽ ngăn không cho ta hướng về những nẻo tái sinh tốt. Đặc biệt là trường hợp những ai hành trì để vãng sinh về các cõi Tịnh Độ sẽ không đạt được nguyện vọng của mình. Trong đời sống, nếu giữ một tâm trí cồng kềnh với những chủng tử trọng ác thì sự thành đạt những đức hạnh và thành tựu tâm linh sẽ bị chướng ngại. Lấy thí dụ một người dùng nghị lực để thực tập thiền quán hầu thành tựu Đại bi hay Đại từ với tất cả chúng sinh, hoặc để thâm nhập vào tánh Không. Nếu người này không đồng thời lo tịnh hóa các nghiệp xấu thô trọng nhất còn tồn trữ trong tâm tương tục thì các ác nghiệp này sẽ ngăn trở không cho họ thành tựu những công đức mà họ mong muốn.

5. Niệm tưởng nghiêm trì giới luật

Đồng với nghĩa trên, Phật giáo khuyến khích vào lúc lâm chung phải tăng cường ý chí tuân thủ một cách tinh nghiêm tất cả các giới luật đã thọ lúc trước hay ngay giây phút ấy.

Chúng ta có thể hình dung nhiều trường hợp, tùy người lâm chung có thọ hay không thọ những thiện giới lúc bình sinh. Trước hết, hãy xét đến những người đã có thọ tịnh giới. Họ có thể thuộc thành phần tăng ni hay cư sĩ, vì có nhiều giới luật mà cư sĩ có quyền lãnh thọ. Nếu trước kia ta có thọ giới nhưng đã vi phạm, thì phải cấp tốc sám hối như đã nói trong niệm tưởng trước. Cứ cho là chúng ta đã trì giới thật trọn vẹn, nhưng khi biết cái chết đã gần kề thì tốt hơn hết là ta phát tâm cương quyết tuân giữ chúng thật chặt chẽ. Lời khuyên này cũng có hiệu lực với tất cả những pháp môn tu tập mà chúng ta có thói quen hành trì. Vậy thì những hành giả Mật tông có khả năng tự thọ giới có thể thọ một giới, hay nhiều hơn càng tốt. Điều này có thể làm được nếu họ đã biết lo từ trước. Có những Phật tử đã từng thiết lễ tự thọ giới trong vòng nhiều ngày liên tiếp trước khi chết. Mà các lễ như thế đều bao hàm phần sám hối, bằng cách nương vào bốn lực để tịnh hóa tội lỗi một cách tối đa. Hơn nữa, lại có những nghi quỹ giúp phục hồi các giới đã bị khiếm khuyết nếu cần, hay tăng cường các giới đã được giữ cẩn trọng. Còn có một cách nữa là thỉnh các pháp sư đến truyền giới cho mình.

Trong trường hợp người lâm chung đã thọ giới Bồ Tát, thì lúc này rất nên thọ lại, hoặc để tu chỉnh, hoặc để củng cố các giới này bằng cách thọ thêm giới ở cấp cao hơn những giới đã thọ, thí dụ từ giới của bạch y (cư sĩ) bước qua giới của người xuất gia, hay là từ giới luật sa-di tiến lên giới luật tỳ-kheo chẳng hạn.

Ngược lại, không được thọ lại giới Ba-la-đề-mộc-xoa mà mình đã thọ, vì các giới này chỉ được thọ duy nhất một lần và bắt buộc phải được nghiêm trì bằng tất cả khả năng của mình. Như vậy, đối với các giới này thì điều phải làm là quyết định giữ chúng cho kiên cố và cấp thiết hơn.

Trường hợp thứ hai là những người chưa hề thọ lãnh giới pháp nào trong suốt cuộc đời mình. Những người này rất có thể có ý nguyện giữ gìn những quy luật đạo đức thanh tịnh nhất. Đến những ngày cuối hay ngay cả những giờ phút cuối của đời mình, họ có thể nhận lãnh giới pháp lần đầu tiên, hoặc giới Ba-la-đề-mộc-xoa, hoặc giới khác cũng được.

Phật giáo cho rằng phải lấy việc trì giới làm đầu và có nhiều phương pháp để giúp mỗi người làm được việc này. Thí dụ, Đại thừa có Bát quan trai giới, tức là những giới được thọ trì trong một thời hạn 24 giờ và có thể thọ lại bất cứ lúc nào tùy ý. Đó là một pháp môn mà ai cũng có thể làm được, với những giới luật rất dễ thọ trì. Ai cũng có thể cố gắng một chút chỉ trong một ngày mà thôi.

Nói tóm lại, để có thể giữ thiện giới cho trọn vẹn, xem như chúng ta có nhiều giới để lựa chọn, chỉ cần trụ trong một trạng thái tâm thức thích đáng là đủ, tức là ý nguyện giữ tròn những gì mình đã quyết định khi những quyết định này liên quan đến thiện giới nói chung hay một vài khía cạnh của giới nói riêng.

Tất cả những điều vừa nói trên sẽ can hệ rất nhiều đến chúng ta vào giây phút cuối đời. Từ đây đến đó, khi chúng ta ở cạnh tử sàng và muốn giúp đỡ người lâm chung, chúng ta có thể dẫn dắt họ theo hướng ấy. Đối với những người mà ta biết đã từng thọ giới lúc bình sinh thì ta nên nhắc nhở họ hãy nhớ nghĩ đến giới như đã nói ở trên. Còn đối với người chưa bao giờ thọ trì bất cứ giới nào mà nếu ta có cảm giác là họ có thể tiếp nhận thì hãy gợi ý cho họ phát tâm thọ trì một hay nhiều thiện giới. Phật giáo cho ta một sự lựa chọn khá rộng rãi, nhưng tôi tin chắc rằng trong các truyền thống khác cũng thế, nhất là nếu khi thọ giới chúng ta thỉnh cầu những vị mà ta tin tưởng đến chứng minh cho mình. Chúng ta cũng có thể tự thọ lấy.

Thí dụ, ta nói với người lâm chung rằng một trong các thiện giới căn bản là kiên tâm quyết chí không giết hại bất cứ sinh vật nào, và khuyên họ phát nguyện không sát sinh trong các kiếp tiếp theo. Còn nhiều cách có thể làm nữa, điều quan trọng là khuyến khích họ khởi tâm cương quyết không phạm vào các ác pháp, hoặc giữ đủ Mười thiện pháp nếu họ cảm thấy đủ khả năng, hoặc là chỉ những giới mà họ nghĩ có khả năng giữ được mà thôi. Như thế, họ có thể khởi tâm quyết chí không giết hại hay không lấy đồ vật gì thuộc về người khác. Có ba giới chính thuộc về thân, 4 giới thuộc về khẩu và 3 giới thuộc về ý.

Chúng ta có thể liệt kê các giới này ra và cùng họ khảo sát xem giới nào họ có thể sẵn sàng thọ trì. Có thể họ sẽ muốn phát nguyện từ nay – tức là trong tất cả các kiếp sau đó của họ – từ bỏ tất cả 10 ác pháp. Có thể họ nghĩ rằng chỉ có thể giữ được 3 giới của thân hay 4 giới của khẩu chứ không giữ được toàn bộ 10 giới. Có thể họ cho rằng chỉ nên phát nguyện giữ một trong 10 giới nói trên thì chắc chắn hơn. Dầu chỉ thế thôi cũng đã rất lợi lạc cho họ.

Nếu người phù trợ nhớ đến để gợi lên đề tài này với người đang hấp hối, với điều kiện là họ còn sáng suốt, thì gần như bất cứ ai cũng có khả năng an trụ trong loại trạng thái tâm thức này. Như thế, ý nghĩ thô cuối cùng, hay nói cách khác là ý nghĩ bình thường cuối cùng của họ sẽ rất tốt, vì đó là quyết định từ bỏ những ác nghiệp như giết hại, trộm cắp.v.v…

Tại sao vào lúc cuối đời việc lãnh thọ hay thọ lại các giới lại quan trọng như thế? Theo Phật giáo, ngay khi ta tự sinh khởi những ý nguyện như thế, nếu trì giữ được và không hủy phạm hay đánh mất bởi một cơn sân hận chẳng hạn, thì chúng là một nguồn công đức không gián đoạn, tức là những nghiệp lành. Dẫu ta không đặc biệt nghĩ đến, dẫu ta không cố gắng làm điều gì khác, chỉ cần là người có thọ giới cũng đủ để tăng trưởng công đức vô lượng.

Một cách tổng quát, bất cứ một lời nguyện nào được nghiêm trì một cách đúng đắn đều đem lại lợi lạc, mà lúc cận tử thì lại càng lợi lạc hơn nữa. Điều này có thể thực hiện một cách rất giản dị, thí dụ như chỉ cần nghĩ "tôi thật sự không muốn làm tổn hại bất cứ ai". Dầu cho việc suy nghĩ như thế không có tầm vóc sâu rộng của một buổi lễ thọ giới cao hơn, nhưng cũng đủ để cho ta trụ vào một trạng thái tâm thức chắc chắn là tốt, không có gì nghi ngại. Thế nên, dưới lăng kính luân hồi sinh tử, đừng quên là niệm tưởng cuối cùng sẽ định đoạt nơi tái sinh sắp tới. Khi ta chết với quyết định sẽ không bao giờ làm hại ai thì điều đó chắc chắn sẽ đưa ta đến một cảnh giới an lạc. Nếu bây giờ ta không tin thuyết luân hồi, ta cũng có thể chấp nhận rằng việc chết với quyết định không bao giờ làm hại bất cứ ai cũng có thể giúp ta chết một cách an bình. Thế thì chẳng bõ công lắm sao?

6. Niệm tưởng làm giảm nhẹ tội nặng

Vấn đề ở đây là làm thế nào để đặt mình vào trong một trạng thái tâm thức có khả năng làm giảm nhẹ những tội rất nặng – trong trường hợp mình có phạm tội – bởi không có người phàm nào có thể tránh khỏi một cơn giận dữ hay sự việc tương tự. Điểm này khá tinh tế, vì nó là trung tâm điểm của Phật giáo, nhưng tôi không chắc là nó có ý nghĩa nào trong các truyền thống khác. Tôi sẽ không làm gì khác hơn là trình bày cho quý vị một quan điểm của Phật giáo, sau đó quý vị có thể suy nghĩ một chút xem có thể đưa nó vào truyền thống của mình và áp dụng được hay không.

Theo Phật giáo, cho dầu ta có tạo nên những tội lỗi cực kỳ ác, vào ngày cuối của đời mình, ta phải làm sao tin tưởng được rằng không có nghiệp ác nào lại không thể cứu vãn được, và ngay cả một tội ác ghê tởm nhất cũng có thể tịnh hóa, ít nhất là trong một mức độ nào đó. Phải hiểu điều này như thế nào? Là phải ý thức được rằng tất cả các thành phần có một vai trò nào trong tội ác ấy đều là Không, không có tự tánh. Người tạo ra tội ác, chính tội ác lẫn đối tượng của tội ác (nạn nhân), cả ba đều là những hiện tượng duyên sinh, chúng chỉ là những sự hữu tương đối, hay là theo quy ước mà lập, do các nhân và các duyên hợp thành. Không có thành phần nào có tự tánh, không có thành phần nào đứng riêng rẽ độc lập cả.

Nếu ta hiểu được rằng các hiện tượng hay các pháp đều là Không, nghĩa là chúng không có một thực chất tự hữu nào cả, thì chúng ta sẽ hiểu rằng những lỗi lầm hay tội ác dù rất nặng mà chúng ta đã tạo cũng không hề có tự tánh [tự tồn tại], nên chúng có thể tịnh hóa được.

Dầu không đi xa hơn, vào giờ lâm chung nếu ta ttự nhủ rằng tất cả những điều bất thiện mà mình đã làm đều không hề có tính chất tuyệt đối và đều có khả năng tịnh hóa được là ta đã tức thời giảm thiểu sức nặng của các nghiệp lực thô ác mà ta đã tích lũy.

Thay vào đó, người nào không có khả năng suy nghĩ theo lý vô ngã và tánh Không cũng có thể tự nhủ rằng: "Nghiệp nào, dầu rất nặng cũng có thể tịnh hóa được, ít nhất là trong một mức độ nào đó." Phương pháp này giản dị và dễ thực hành hơn, và không phải là một lời tự an ủi hay tự ru ngủ bằng những mơ tưởng viễn vông. Ngược lại là khác. Dầu sao đi nữa, theo Phật giáo, chúng ta rất nên ý thức điều này vì đó là một sự thật chân chính, nghĩa là nghiệp ác nào cũng có thể tịnh hóa được, và giữa những phương pháp sám hối, phương pháp có hiệu lực và triệt để nhất là thấu hiểu bản thể Không, vô tự tánh của các pháp.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]