Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Mặc Chiếu

28/06/201301:46(Xem: 4573)
Thiền Mặc Chiếu

lotus65

THIỀN MẶC CHIẾU
Thiền Sư Thánh Nghiêm
Cư sĩ Nguyên Giác biên dịch

Dưới đây là một trình bày về Thiền Mặc Chiếu, trích dịch một phần từ cuốn Hoofprint of the Ox (Dấu Chân Trâu) của Thiền Sư Thánh Nghiêm (Sheng Yen), dựa theo bản Anh dịch của GS Dan Stevenson. Thầy Thánh Nghiêm nối pháp từ cả hai dòng Lâm Tế và Tào Động, chuyên hoằng pháp Thiền Tông với cả hai truyền thống này, có ảnh hưởng lớn ở nhiều nứơc. Năm 2000, thiền sư là một trong các diễn giả chính trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Tôn Giáo Thiên Niên Kỷ tổ chức ở Liên Hiệp Quốc. Thầy thường mở các thiền thất dài 7 ngày ở các nước, đôi khi mở các thiền thất dài 49 ngày. Tuy chuyên dạy về Thiền Thọai Đầu và Thiền Mặc Chiếu, Thiền Sư Thánh Nghiêm lại là một giảng sư uyên bác, đa dạng và cũng là một luận sư của Tịnh Độ Tông.

Sinh năm 1931 ở Thượng Hải, thầy đi tu từ năm 13 tuổi ở Chùa Quảng Giáo (Guang Jiao), sau đó vào Phật Học Viện ở Tu Viện Tịnh An (Ching-an), Thượng Hải, được ảnh hưởng từ Thiền Sư Hư Vân và Pháp Sư Thái Hư. Sau gần 10 năm phải hòan tục vì chiến tranh, thầy vào tu trở lại năm 1959 tại Đài Bắc. Từ năm 1961 tới 1968, thầy nhập biệt thất ở Tu Viện Chiêu Nguyên (Chao Yuan) ở một vùng núi Đài Loan.

Trong khi làm giảng sư tại Tu Viện Thiện Đạo (Shan Dao) ở Đài Bắc, thầy sang Nhật Bản du học và tốt nghiệp các văn bằng Cao Học (1971) và Tiến Sĩ (1975) về văn học Phật Giáo tại Đại Học Rissho. Từng trải qua kinh nghiệm đại ngộ năm 28 tuổi, và nhiều năm sau thầy đã được các vị thầy lớn ấn khả, truyền ngọn đèn pháp: năm 1975 bởi Thiền Sư Đông Sơ (Dong Chu) của dòng Tào Động, và năm 1978 bởi Thiền Sư Linh Nguyên (Ling Yuan) của dòng Lâm Tế (Thiền Sư Linh Nguyên là một đại đệ tử của ngài Hư Vân). Thầy bắt đầu hoằng pháp sang Hoa Kỳ năm 1977; tính tới năm 2002, thầy có khỏang 3,000 thiền sinh ở Mỹ, và hơn 300,000 thiền sinh ở Đài Loan.

(Bắt đầu bản văn.)

zenMặc chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không-phương-pháp, trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp. Để thực hành mặc chiếu, hãy buông bỏ tất cả mọi việc bận rộn, mọi niệm phân biệt, và hãy tỉnh thức một cách trong trẻo lặng lẽ, chấp nhận tất cả mọi chuyện một cách đầy đủ, [cứ để] y hệt như chúng là chúng. Đừng mong đợi theo bất cứ gì, cũng đừng trụ tâm vào bất cứ gì. Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y hệt như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng tự nhiên của Thiền. Khi có sự phân biệt và dính mắc, thì sự tĩnh lặng và chiếu sáng kỳ diệu đó bị ngăn che. Tâm vốn là bất động và vắng lặng, một cách tự nhiên, và cùng lúc đó thì tâm lại có khả năng biết một cách tròn đầy. Không cần ra sức để đánh bóng nó, hay làm nó chiếu sáng, bởi vì nó vẫn là như thế đó. Về nguyên tắc, mặc chiếu rất là đơn giản. Nhưng, bởi vì chúng ta quá phức tạp, nó trở thành một pháp môn khó khăn để tu tập. Các trở ngại lớn nhất khởi lên từ chỗ làm quá nhiều. Bởi vì tất cả chúng ta có khuynh hướng làm quá nhiều – ngay cả trong thiền định – chúng ta có thể cần phải trải qua các tu tập tư lương sơ khởi, và rồi sẽ gỡ bỏ hết [mọi pháp tu] trước khi chúng ta đơn sơ đủ để dùng tới mặc chiếu một cách hiệu qủa.

Ngài Hoằng Trí Chánh Giác (Hung-chih Cheng-chueh) dạy rằng thân nên ngồi một cách tĩnh lặng, và tâm nên mở ra tòan diện nhưng bất động. Xuyên qua pháp môn này, học nhân làm trong sạch tâm cho tới khi đạt được “sự trong trẻo của một hồ nước mùa thu và sáng y hệt như mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời mùa thu.” Ngài chỉ dạy thêm nữa rằng, “Trong pháp ngồi lặng lẽ này, dù bất cứ cảnh nào xuất hiện thì tâm cũng rất là trong trẻo cho tới tòan bộ các chi tiết, nhưng mọi thứ thì tự là nơi nó nguyên thủy là, trong nơi chốn riêng của chúng. Tâm vẫn ở trong một niệm dài mười ngàn năm, nhưng không trụ vào bất kỳ hình tướng nào, bên trong hay bên ngòai.” (Hung-chih ch’an-shih kuang lu, T48)

Trong pháp môn mặc chiếu, chúng ta nói rằng bạn không nên sử dụng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Nếu bạn thấy niệm của bạn trụ vào, một cách cố ý, các cảnh [đối tượng] của việc thấy, nghe, ngửi, nếm, hay cảm thọ bất cứ thứ gì, bạn nên buông xả hết. Nhưng ngay cả thế vẫn chưa đủ. Bạn không nên dùng cái tâm lăng xăng của bạn tí nào. Bạn nên buông xả luôn mọi phân biệt, mọi mong đợi và nuối tiếc, mọi điều ưa thích và chán ghét, mọi tham vọng và mục tiêu. Bạn nên buông ngay cả cái ý nghĩ về “buông xả” nữa. Đừng nghĩ về bạn như một chúng sinh chưa giác ngộ đời thường, cũng đừng nghĩ rằng bạn phải gột rửa hết mọi phiền não và tận lực lo thành Phật. Không nên có một niệm nào về giác ngộ, không niệm nào về Thiền, không niệm nào về thành tựu hay đắc ngộ gì. Không ngay cả một niệm về nỗ lực tu tập “vô niệm” (not- thinking). Sự “lặng lẽ” trong mặc chiếu không phải là thứ lặng lẽ của đè nén hay lặng lẽ cố ý, nhưng chỉ đơn giản là buông xả và để cho mọi chuyện tự an nghỉ, để chúng là như chúng là. Chúng ta chỉ đơn giản buông xả các nỗi lo lắng trong tâm, mọi vạn duyên ràng buộc, và để tâm an hòa, xa lìa các niệm, trong chỗ không có gì để làm. Thọat tiên, điều này sẽ khó khăn. Nhưng khi bạn thiền tập sâu thêm, sự tĩnh lặng này trở thành một sự tĩnh lặng sâu thẳm, trong đó mọi phân biệt biến mất đi, và sẽ không có khác biệt nào giữa sự tĩnh lặng và sự năng động kỳ diệu. Người nào kinh nghiệm được sự tĩnh lặng thâm sâu thì sẽ cảm thấy như dường cỏ dại mọc ra từ hai mắt của mình, như dường đá tảng chặn hết hai tai của mình, như dường rêu mọc trên lưỡi mình – tất cả mọi việc chúng sinh bận rộn phức tạp đã biến mất từ lâu, để thiên nhiên hoang dại chiếm ngập cả rồi.

So sánh như thế không có nghĩa là nói rằng các cảm thọ không còn họat dụng nữa, rằng mắt không còn thấy, rằng lưỡi thì bất động, và rằng tai bịt hết mọi âm thanh. Nếu có chuyện như thế, thì sự tĩnh lặng trong cách tu mặc chiếu của bạn sẽ không phải là sự tĩnh lặng thâm sâu, vì tâm sẽ vẫn còn hiện ra một hình ảnh của sự im lặng và tận lực tránh né các họat động. Đó không phải sự vắng lặng hòan tòan cả tâm và thân được chỉ ra bởi sự so sánh trên. Trong sự đơn giản và vắng lặng thâm sâu – với tuyệt nhiên không có gì để làm – bạn không phải mất ý thức, nhưng thực ra thì bạn hiện hữu một cách tòan diện và tinh tế. Không có một niệm thứ nhì, tất cả mọi vật đều hiển lộ trong bạn, và [hiển lộ] bạn trong tất cả mọi vật.

Bạn có thể thắc mắc, làm cách nào một thiền gia đang trải qua kinh nghiệm sự tĩnh lặng thâm sâu này có gì khác hơn một vật vô tình, thí dụ như một khúc gỗ. Nó như là rằng, sẽ không có sự tỉnh thức hữu tâm nào hay là sự họat động nào. Tuy nhiên, có một dị biệt căn bản giữa sự tĩnh lặng thâm sâu của mặc chiếu, và sự lặng lẽ im im của sự không biết; và để chỉ ra dị biệt này, chúng ta đã đặt chữ “chiếu” (chao) sau chữ “mặc” (mo). Thực ra, sự tĩnh lặng không xa rời khỏi sự chiếu sáng, và sự chiếu sáng [không xa] khỏi sự tĩnh lặng. Chúng là một và là cùng một thứ. Ngay cả trứơc khi mọi niệm, và mọi liên hệ tâm thức được đặt xuống để an nghỉ, cái biết đã rất là cực kỳ trực tiếp, tinh tế, và sắc bén. Nói cách khác, cái tánh biết chiếu sáng xuất hiện không xa lìa khỏi cái tĩnh lặng thâm sâu.

Tại sao lại thế? Khi tâm đã lắng xuống và an tỉnh, các niệm phân biệt biến mất; khi niệm phân biệt biến mất, thì cũng biến mất luôn các hạn chế khả nghiệm của quá khứ, hiện tại và tương lai, của trong và ngòai, của cái này và cái kia, của ta và người khác. Với không còn một chỉ số nào để ghi dấu mốc sự trôi qua, thế là thời gian không có thể hiện hữu nữa. Tương tự, với không còn một biên giới lăng xăng nào giữa cái ta và người khác, giữa cái này và cái nọ, nên sẽ không còn hạn chế nào hay hệ quy chiếu nào để định nghĩa không gian nữa; do vậy việc lập biên giới không gian cũng không còn hiện hữu nữa. Cái tánh biết chiếu sáng của mặc chiếu không bị hạn chế bởi bất cứ thứ gì, bởi vì không có niệm nào về “cái tôi” hay bất cứ dính mắc nào các hình tướng, mà các hình tứơng này sẽ cách biệt tâm và môi trường. Tâm của bạn thì y hệt như một tấm gương không biên giới, mà, cho dù chính nó bất động, gương này phản chiếu mọi thứ, hệt như nó là. Không có chi tiết nào bị lọai trừ ra; không có gì bị ngăn che lại. Tấm gương và thế giới nó phản chiếu thì hòa vào nhau một cách tòan hảo như là bất khả tách biệt.

Ngài Hoằng Trí Chánh Giác so sánh trạng thái này như mặt hồ mùa thu, hay bầu trời mùa thu. Với khí trời mát và khô của mùa thu, hồ nước lắng đọng, trở thành rất mực tĩnh lặng và trong trẻo, tới nổi bạn có thể thấy cá lơ lửng dưới các chiều sâu; bầu trời thì rất cao và quang đãng tới nổi bạn có thể thấy các cánh chim bay dịu dàng trên bầu trời xanh. Ngài cũng so sánh nó với mặt trăng mùa thu, chiếu sáng trong trẻo và cao tới nổi mọi thứ dưới đất được chiếu sáng bởi ánh trăng dịu và mát.

Trong một số phương diện, mặc chiếu, với dị biệt giữa tĩnh lặng và chiếu sáng, giữa lặng lẽ và quan sát, thì gợi lại pháp môn Phật Giáo kinh điển về Chỉ Quán, đặc biệt như được công thức hóa bởi trường phái Thiên Thai Tông của Trung Quốc. Nhà sư Trí Khải (538-597) của Thiên Thai Tông viết trong cuốn Đại Chỉ Quán của sư như sau:

Học nhân hãy trọn lòng tin rằng tâm này chính nó là Pháp Tánh. Khi niệm khởi lên, thì đó chỉ là Pháp Tánh khởi lên. Khi niệm diệt đi, thì đó chỉ là Pháp Tánh biến đi… Trở về tận gốc, trở lại về nguồn, Pháp Tánh tự nó là sự tĩnh lặng tòan diện. Điều này gọi là “chỉ” (an định). Khi tu pháp Chỉ như cách này, tất cả hành vi niệm tưởng trứơc đó đều ngừng lại. Trong pháp tu Quán, hãy quán tưởng rằng, nguyên khởi, tâm vô minh thì đồng nhất với Pháp Tánh. Do vậy, nơi tận gốc của nó, nó là sự rỗng vắng tận nền tảng. Tòan bộ các hành vi thiện và ác khởi lên từ niệm mê vọng thì y hệt như không gian rỗng vắng. Hai pháp tu này thì tuyệt nhiên không hai. Chúng không dị biệt nhau gì cả.

Trong các hệ thống Phật Giáo Aán Độ cổ điển, chỉ (samatha) và quán (vipasyana) thường được tu tập riêng biệt nhau. Thí dụ, kỹ thuật như ngũ đình tâm quán (năm phương pháp làm tâm tĩnh lặng) hay là pháp quán tưởng các đĩa màu có tên là kasinas có thể được sử dụng lúc đầu để đạt sự tĩnh lặng sâu và nhập định. Một khi định lực đã có được, thì phương pháp quán có thể áp dụng, như pháp tứ niệm xứ. Xuyên qua pháp sau này [tứ niệm xứ], tuệ giải thóat được phát triển. Dần dần, sau khi sức định sâu hơn, và tuệ giác bén hơn, các chức năng này hòa vào nhau và giác ngộ sâu thẳm xảy ra. Trong Đại Thừa, điều này gọi là “chánh định, xa lìa vọng tưởng” hay là “tối thượng tam muội” (the most supreme of supra- mundane samadhis). Thành tựu như thế chỉ tới từ một sự giác ngộ tòan triệt, thâm sâu, không phải các kinh nghiệm tiểu ngộ ngắn hạn có ảnh hưởng hạn chế. Mặc dù đường đi tới pháp chánh định này thì lâu dài và chậm, nhưng một khi đạt được, thì nó không bao giờ lặn mất. Chánh định này liên tục hiển lộ trong bạn, và xuyên qua sức mạnh của trí tuệ và năng lực sinh khởi từ chánh định này, bạn có thể làm việc như một tâm nguyện bồ tát để giúp chúng sinh khác.

Mặc dù chúng ta đã phân biệt hai phương diện của mặc chiếu nhằm làm sáng tỏ pháp tu này, nhưng thực tế lại không chính xác khi xem mặc và chiếu như hai cái riêng biệt. Vì nếu làm thế, thì đã diễn dịch sai pháp tu đúng của mặc chiếu, cũng như là con đường đốn ngộ của Thiền. Để khởi sự, tỉnh lặng và chiếu sáng thì không thể tách rời nhau, và phải hiện hữu đồng thời: Trong cái chiếu chân thật, bạn đã buông hết việc dính mắc theo các niệm và cảm thọ, và một cách trực tiếp đón nhận vạn pháp, do vậy một cách đồng thời đưa tâm về chỗ tỉnh lặng hòan tòan. Rồi, một lần nữa, trong cái tỉnh lặng và làm an hết các niệm, thì những dính mắc vào các đối tượng và hình tướng đặc biệt đều sẽ biến mất, và tánh biết hiện ra chiếu sáng vạn pháp một cách phổ quát mà không bị ngăn che. Do vậy, bạn luôn luôn mặc và chiếu một cách đồng thời, trong một và cùng khỏanh khắc đó của cái biết.

Sẽ nhầm lẫn khi nghĩ rằng bạn trước tiên phải thiết lập bình an nội tâm, và chỉ lúc đó, mới ứng dụng cái tỉnh biết mở ngõ. Khi tâm trở nên sáng rõ hơn, nó trở thành rỗng hơn và lặng hơn, và khi nó trở thành rỗng hơn và lặng hơn, thì nó sáng rõ hơn. Khi bạn càng quên đi các nỗ lực giả tạo trong việc bồi đắp sự tỉnh lặng và sự chiếu sáng, thì tâm càng trở thành tỉnh lặng hơn và chiếu sáng hơn. Nhưng một điểm cũng cốt tủy tương đương để ghi nhớ về mặc chiếu lại là, theo Thiền Tông, tâm trong tự tánh đã sẵn tỉnh lặng, rỗng vắng và chiếu sáng. Nó không cần bồi đắp tí nào. Khi càng ra sức nỗ lực ngăn niệm, hay cố gắng làm sáng tâm hơn, thì chỉ chồng chất thêm mê vọng lên trên mê vọng. Nếu có bất cứ kiểu nào gọi là tu tập “một kỹ thuật” về mặc chiếu, thì nó lại không phải mặc chiếu chút nào, nhưng chỉ là dính mắc và phân biệt mạnh mẽ thôi. Đây là thông điệp chân thực của Thiền Tông về mặc chiếu: Nó là một phương pháp không phương pháp. Trong mặc chiếu, nhân (tu tập) và quả (giác ngộ) trong tận cùng thì không hề tách rời nhau.

Khái niệm và pháp tu mặc chiếu được mô tả khá rõ bởi hai dòng trong Kinh Kim Cương:

Hãy để tâm này sinh khởi: không trụ [tâm] vào bất cứ gì.

Trong tu tập mặc chiếu, bạn sẽ không nắm lấy hay trụ vào bất cứ phương diện nào của thân, tâm, hay môi trường (cảnh). Do vậy, như kinh nói, bạn chỉ đơn giản “không trụ vào bất cứ gì hết.” Nếu bạn chỉ riêng nhấn mạnh phương diện này, bạn có thể làm tâm bình lặng, và vào các tầng định tâm được mô tả trong truyền thống Nam Tông. Trong các trạng thái này, có sự tỉnh lặng sâu thẳm, nhưng lại rất ít hay không có sự chiếu sáng, vì tâm vẫn còn bị buộc vào một hình tướng cụ thể – tức là, sự tỉnh lặng (stillness) và sự vô tướng (formlessness). Khả năng của nó để chiếu sáng một cách phổ quát, hoặc khả năng biết về vạn pháp lại bị ngăn che bởi sự dính mắc vào niệm về tánh không. Trong mặc chiếu chân thực, có sự chiếu sáng thêm vào sự tỉnh lặng, một cách chính xác bởi vì tâm không an trú vào bất kỳ niệm nào về sự tỉnh lặng hay về tánh không. Thiền gia phải buông bỏ cả mọi khái niệm về nắm lấy và về không nắm lấy, về buông xả và về không buông xả: đây mới là “vô trụ” chân thực. Vô trụ không dính gì tới chuyện [các căn] bỏ chạy hay cách ly với môi trừơng [cảnh]. Nó có nghĩa là buông xả dính mắc thiên lệch, và thấy không ngăn ngại thẳng vào các vật, và đón nhận cái tòan thể, để cho bạn tỉnh biết về vạn pháp, cả trong và ngòai, y hệt như nó đang là. Vì lý do này, kinh viết, “Hãy cứ để cho tâm sinh khởi và năng động.”

Ngài Huệ Năng đưa ra một giải thích về pháp tu này và quan hệ của nó với Thiền trong Kinh Pháp Bảo Đàn:

“Kẻ mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, cứ nói ngồi yên chẳng động, vọng chẳng khởi nơi tâm tức là nhất hạnh tam muội; kiến giải như vậy đồng với vô tình, đó là nhân duyên chướng đạo. Thiện tri thức, đạo cần phải linh động, chớ nên làm cho ngăn trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo được linh động, tâm nếu trụ pháp, gọi là tự trói.” (Phẩm Định Huệ. Theo bản dịch Kinh Pháp Bảo Đàn của cố Hòa Thượng Duy Lực.)

Vào các thời kỳ đầu của pháp môn mặc chiếu, việc buông xả và chiếu sáng này là một niệm, một pháp tu tập đầy nỗ lực và ý thức – mà pháp tu tập này được sinh khởi từ khả năng phân biệt của tâm. Do vậy, người tu nương vào nó, và thực tập với các mong đợi, y hệt như bất kỳ niệm mê vọng nào. Nhưng khi pháp tu thuần thục được, thì niệm về pháp tu này biến mất. Khi chúng ta thực sự trở thành chính chúng ta, và pháp môn của không-pháp-môn thực sự trở thành không còn phương pháp nào hết, thì đó là mặc và chiếu chân thực. Tâm không còn dao động hay phân biệt nữa, và mặc chiếu trở thành tỉnh lặng và chiếu sáng. Đây là Thiền.

(Hết bản văn.)

Bài đọc thêm:

Thiền sư Dōgen (Đạo Nguyên)
sơ tổ Tông phái Tào Động Nhật Bản


Hiện nay Thiền tông (Zen) tại Nhật Bản có hai tông phái thịnh hành nhất là tông Lâm Tế (Rinzai) và tông Tào Động (Sōtō). Thế kỷ 13, tông Lâm Tế (Rinzai) bắt đầu thiền sư Eisai (1141-1215), trung tâm là chùa Kenninji (Kiến Nhân Tự) ở kinh đô tham cứu công án, thiền đã có sẵn (mặc định) đng thời dung hợp dòng thiền Thiên Thai (Tendai) và Chơn Ngôn cùng nghệ thuật uống trà tại Nhật

Bên cạnh đó còn có tông phái Tào Động: (Sōtō) do Thiền sư Dōgen Kigen (Đạo Nguyên Hy Huyền) (1200-1253), cũng thường được gọi là Eihei Dōgen, là vị tổ sáng lập tông Tào Động (Sōtō) tại Nhật. Tông phái này không xác lập hệ thống lý thuyết Phật học mà chủ yếu là hành thiền để tìm lại tâm mình, Phật tính cho chính mình và ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong mọi tầng lớp xã hội nhất là giới võ sĩ (Samurai) ở Kamakura họ tu tập theo dòng thiền này bởi nó không đòi hỏi nghi thức rườm rà và kinh điển như nhiều tông phái khác, tổ đình là thiền viện Daibutsu, sau đổi tên là chùa Eiheiji (Vĩnh BìnhTự, Eternal Peace) Sau này, Giáo sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) viết nhiều sách bằng Anh ngữ từ khoảng năm 1900 nên Tây phương đã được biết nhiều về Thiền tông Nhật bản nhưng chủ yếu về tông Lâm Tế. Điều đó cũng dễ hiểu là vì Suzuki tu theo tông Lâm Tế và đã chứng ngộ thiền lý năm 27 tuổi, vì vậy ông chỉ chuyên viết về tông Lâm Tế.

Tuy nhiên gần đây thì tông Tào Động cũng được biết đến nhiều bởi nhiều thiền sư cũng là võ sư Karate tu thiền tại Nhật Bản đã tới Mỹ để truyền pháp, mở thiền viện và đạo đường truyền bá võ thuật cùng lúc nhiều tác phẩm của các thiền sư Nhật thuộc tông Tào Động được dịch ra tiếng Anh. Hiện nay tông Tào Động tại Nhật Bản có khoảng 15.000 ngôi thiền viện và 8 triệu Phật tử.

Tại Mỹ: thiền sư Nhật Soyen Shaku, cùng đệ tử là Nyogen Senzaki đến Mỹ năm 1905. Giáo sư D. T. Suzuki, đệ tử của Soyen Shaku, đến New York năm 1951 và bắt đầu giảng về Thiền. Thiền sư tông Tào Động Shunryu Suzuki tới Mỹ năm 1959 và lập Thiền viện ở San Francisco.

Tại Việt Nam thì tông Tào Động được truyền qua từ đầu thế kỷ 17 do thiền sư Thủy Nguyệt, hiệu Thông Giác (1637-1704) đã từ miền Bắc Việt Nam qua Trung hoa năm 1644 và thọ pháp của thiền sư Trung hoa là Nhất Cú Tri Giáo, đời thứ 35 tông Tào Động. Sư được ấn chứng là tổ thứ 36 và được phép về Việt Nam truyền tông Tào Động.

Lịch sử tông Tào Động

Tông Tào động do hai thiền sư Trung hoa sáng lập: vị khai tổ là Lương giới Động sơn (807-869), và đệ tử là Tào sơn Bổn Tịch (840-901). Danh từ Tào động là gồm hai địa danh Tào sơn và Động sơn nhập lại. Lương giới Động sơn là đệ tử của Vân Nham, thuộc dòng Hành Tư Thanh Nguyên là một trong số đệ tử của Lục tổ Huệ Năng. Trong đời nhà Đường (618-907) thì Thiền tông Trung hoa chia làm 5 phái thuộc 2 hệ thống khác nhau: hệ thống Nam Nhạc có Lâm Tế và Quy Ngưỡng, hệ thống Thanh Nguyên có Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Trong sử gọi là Thiền Tông Ngũ Gia. Tông Tào Động sau này còn được gọi là Thiền Mặc Chiếu (Silent illumination zen, Mokusho zen) do thiền sư Tan hsia Tzu Chun (Đan Hà Tử Thuần, 1064-1117) khởi xướng. Sau đó tông này không phát triển mạnh ở Trung hoa vì không có đệ tử nào xuất sắc nổi tiếng. Nhờ có Dōgen qua Trung hoa thọ pháp và về truyền bá tại Nhật với một đường lối đặc biệt nên tông Tào Động ngày nay vẫn được phát triển mạnh.

Cuộc đời của Dōgen

Dōgen sanh năm 1200 trong một gia đình quý tộc tại Kyoto, thân phụ của Dōgen là Kuga Michichika giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Từ nhỏ Dōgen đã tỏ ra rất thông minh. Mới 4 tuổi Dōgen đã biết đọc những bài thơ bằng chữ Hán, năm 9 tuổi đã đọc bản tiếng Hán cuốn Abhidharma (Thắng pháp). Cuộc đời khó khăn vì cha mất khi Dōgen mới lên 2, mẹ mất lúc 7 tuổi. Một người trong họ là Minamoto, một vị quan trong triều đình, đem Dōgen về nhận là con nuôi và tính dạy dỗ Dōgen theo con đường khoa bảng để sau này nối nghiệp. Nhưng vì hoàn cảnh mồ côi sớm đã gây xúc động mạnh khiến Dōgen thấy rõ lý vô thường nên quyết định xuất gia để tìm hiểu ý nghĩa về vấn đề sinh, tử. Đến năm 13 tuổi Dōgen xuất gia tại núi Hiei với thiền sư Kōen thuộc tông Thiên Thai, và được ban cho pháp danh là Buppō-bō Dōgen. Trong khi tu tập Dōgen vẫn thắc mắc, nghi hoặc với vấn đề: theo các kinh điển thì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vậy tại sao phải khổ công tu hành để chứng đạt được Phật tánh và giác ngộ. Không tìm được sự giải đáp nơi vị trụ trì Kōen nên Dōgen rời đến thiền viện Mii-deraji với vị trụ trì là Kōin nhưng vị này cũng không giải đáp được và có khuyên Dōgen đến gặp thiền sư Myōan Eisai (Minh Am Vinh Tây) tại thiền viện Kenninji (Kiến nhân) ở Kyoto. Thiền sư Eisai (1141-1215), đã qua Trung hoa và đem tông Lâm Tế về truyền bá tại Nhật, được coi là vị tổ khai sáng Thiền tông tại Nhật.

Nhờ sự chỉ dạy của Esai nên Dōgen đã sáng hiểu phần nào nên quyết định ở lại theo học Eisai. Tiếc thay năm sau thì thiền sư Eisai qua đời. Dōgen tiếp tục ở lại thiền viện để theo học thiền sư Myōzen (1184-1225) là người kế thừa Eisai. Nơi đây Dōgen được chỉ dẫn tu tập theo pháp môn tông Lâm Tế và rời bỏ tông Thiên Thai.

Năm 1223 Dōgen lúc đó được 23 tuổi, theo thầy Myōzen qua Trung Hoa để tiếp tục tu học. Trước hết Dōgen đến tu viện Ching-te tại núi T''ien t''ung (Thiên Đồng) thọ giáo vị trụ trì Wu-chi, thuộc tông Lâm Tế. Ở đó Dōgen đã có nhiều tiến bộ trong sự học hỏi về Thiền tông, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn nên sau đó lại đi tham vấn nhiều thiền sư khác. Thất vọng về việc đi tìm học đã lâu mà chưa đem đến kết quả, Dōgen có ý định trở về Nhật thì tình cờ được biết là vị trụ trì ở T''ien t''ung đã qua đời và vị kế nghiệp là Ju-ching (Thiên Đồng Như Tịnh, Tendo Nyojo) (1163-1228), vị tổ thứ 13 tông Tào Động, rất nổi tiếng, nên Dōgen quay trở lại đó.

Thiền sư Ju-ching tổ chức thiền viện rất là nghiêm chỉnh, đặc biệt chú trọng vào việc ngồi thiền. Nương theo gương của sư phụ nên Dōgen ngồi thiền chăm chỉ ngày đêm. Nhờ sự chỉ dạy của Ju-ching nên đã đạt được ước vọng và chứng ngộ, nên trong các tác phẩm sau này Dōgen luôn ghi nhớ công ơn đó. Sau khi đã được chứng ngộ Dōgen vẫn còn ở lại đó để tiếp tục tu hành thêm 2 năm nữa.

Năm 1227 Dōgen quyết định trở về Nhật để truyền bá Thiền tông. Ju-ching chấp thuận việc đó và có tặng cho Dōgen chiếc áo cà sa của Fu-jung Tao ch''ueh (Phù dung Đạo giai) (1043-1118), một vị tổ tông Tào Động, và hai cuốn sách nổi tiếng của tông Tào Động: Pao ching San Mei (Hōkyō Zammai, Bảo cảnh Tam muội) và Wu wei Hsien chueh (Goi Kenketsu) (Goi: Động sơn ngũ vị) cùng một bức họa chân dung của mình. (Yokoi, tr. 32)

Sau khi trở về Nhật Dōgen trở lại thiền viện Kenninji. Ở đó được 3 năm Dōgen thất vọng thấy tình trạng tu hành của tăng đoàn quá suy thoái so với trước. Sư kể lại là thấy các tăng ở phòng riêng, đồ đạc sang trọng, quần áo là lượt, thích nói những danh từ hoa mỹ, còn thì quên cả nghi lễ, chánh pháp. Sư từ giã thiền viện Kenninji và dọn tới thiền viện An''yō-in.

Sau đó sư dọn tới thiền viện Kōshōji và lập thiền đường để huấn luyện tăng ni cùng các cư sĩ. Vì nhu cầu nên sư phải lập thiền đường để có chỗ huấn luyện nhưng sư vẫn luôn nhắc nhở là việc xây chùa lớn nguy nga không phải đương nhiên là dẫn tới giác ngộ. Dù ở trong một chòi nhỏ, dưới gốc cây mà có theo hiểu được lời Phật dạy và hành trì theo đúng pháp thì Phật giáo mới thịnh hành được. Trong buổi khai mạc thiền đường sư nói là qua Trung Hoa thì sư ngộ được là "mắt ngang, mũi dọc", "tay không" khi trở về Nhật, sư không đem theo một cuốn kinh nào.

Trong thời gian ở thiền viện Kōshōji, Dōgen tiếp tục viết nhiều bài để giảng thêm về Thiền tông, mặc dầu số đệ tử càng ngày càng đông khiến sư không có nhiều thì giờ như trước. Ngoài ra tông phái của sư còn bị các tăng của tông Tendai (Thiên Thai), đang có nhiều thế lực lúc đó, vì ganh tị thấy tiếng tăm, ảnh hưởng của sư mỗi ngày gia tăng nên kiếm đủ cách để ngăn cản, phá rối tới mức là ra lệnh phá thiền viện Kōshōji.

Sư và một số đệ tử phải dời đến một ngôi thiền viện nhỏ là Yoshimine-dera. Nơi đây nhờ sự bảo trợ của quận trưởng Yoshishige có thế lực và rất sùng bái đạo Phật. Sau đó ông quận trưởng xây một ngôi thiền viện vĩnh viễn cho sư trụ trì, đó là thiền viện Daibutsu, mà sau đó được đổi tên là thiền viện Eiheiji (Vĩnh Bình, Eternal Peace) là một trong hai tổ đình của tông Tào Động và cũng là ngôi chùa Thiền tông được coi như lớn nhất của Nhật. Sư mất năm 53 tuổi tại Kyoto vào ngày 28 tháng 8 năm 1253.

(Phan Chi)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]